A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 97
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2349 / 38
Cập nhật: 2017-09-22 09:37:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ô viết: “Nếu con nói “thịt viên” thì nó không hiểu vì ở đây họ gọi là “hòn thịt vo”. Có lúc nó nói “rau cần”, con nghĩ dù ai cũng không thể đoán ra được là nó nói “cải xoong”. Con nói “rán khoai tây” thì nó cứ hỏi luôn miệng là “Cái chi? Cái chi?”... rồi bắt con phải nói lại là “chiên khoai tây”, vì ở đây họ gọi như thế. “Cái chi” có nghĩa là “cái gì”. Nó là đứa thứ hai rồi đấy! Đứa thứ nhất gọi là Kathi, con đã đuổi nó đi, vì nó sỗ sàng quá, ít ra thì con cũng cảm thấy như thế. Bây giờ dần dần con mới vỡ lẽ, có thể là con sai vì ở đây khi nói chuyện với nhau, thái độ người ta lịch sự hay vô lễ thật là khó phán đoán. Đứa bây giờ gọi là Babette, ở đây người ta gọi là Babett, bề ngoài trông rất dễ thương, có những nét riêng của người phương nam, tóc đen, mắt đen, bộ răng của nó làm cho người ta mến. Người như thế ở Munich rất nhiều. Nó biết vâng lời. Theo sự bày vẽ của con, nó đã biết làm các món ăn ở quê ta. Ví dụ, hôm qua nó trộn xà lách dấm, thêm nho khô. Nhưng món đó đã làm phiền con, vì nó mà anh Permaneder gây chuyện với con, tuy anh ấy đã lấy nĩa nhặt hết nho khô ra, suốt cả buổi chiều anh ấy không chuyện trò gì với con cả, chỉ càu nhàu một mình. Con xin thưa với mẹ, cuộc sống không phải là vui vẻ, nhẹ nhàng gì đâu!”.
Nhưng tiếc thay, điều làm cho Tony vô cùng đau khổ không phải món “thịt viên” hay món xà lách trộn dấm... Tuần trăng mật chưa qua, cô đã bị ngay một vố. Một chuyện bất ngờ đến rất đột ngột khiến người ta không sao hiểu nổi. Hình như chuyện này đã làm cho cô mất hết mọi hứng thú, hơn nữa là cô không sao có thể vui trở lại được. Sự việc xảy ra như sau:
Vợ chồng Permaneder sống ở Munich được mấy tuần, thì Tony rút trong vốn của công ty ra năm vạn một nghìn mark, là số tiền cho Tony làm của hồi môn theo di chúc của ông bố. Số tiền đó được đổi ra tiền vàng, cuối cùng, nằm trong tay Permaneder, êm ả lắm. Ông ta gửi vào một nơi an toàn, có thể sinh sôi nảy nở được. Nhưng sau khi làm xong chuyện đó, ông ta vênh mặt lên, thản nhiên nói với vợ:
— Tonerl - ông ta gọi cô là Tonerl - tôi cho thế này là đủ lắm rồi. Nhiều hơn nữa, chúng ta cũng không cần. Trước kia tôi đã từng vất vả nhiều, từ nay về sau tôi phải nghỉ ngơi để sống những ngày yên tĩnh. Trời ơi! Chúng ta cho thuê hai tầng dưới, các phòng còn lại cũng thoải mái chán rồi. Ăn cơm với thịt lợn, chúng ta không cần phải phô bày gì cả... Buổi tối, tôi có thể đến hãng rượu Hoàng gia uống vài vại. Tôi không thích xài tiền, cũng không thích làm bán sống bán chết để kiếm tiền, tôi chỉ muốn sống an nhàn một tí. Từ ngày mai trở đi, tôi sẽ giải quyết xong mọi việc, chỉ sống bằng tiền lãi thôi!
— Anh Permaneder!
Tony gào to. Đó là lần đầu tiên cô gọi tên Permaneder với giọng kỳ lạ như khi gọi Grünlich. Nhưng ông ta chỉ trả lời:
— Thôi đi, cô đừng nhiều lời!
Thế là hai người cãi nhau, tuy là vợ chồng mới cưới nhưng trận cãi nhau ấy gay gắt lắm, kịch liệt lắm. Hạnh phúc gia đình bị tổn thương mãi mãi... Lần đó, Permaneder là người thắng cuộc. Lòng mong muốn được sống an nhàn của ông ta đã đập tan sự phản đối của Tony. Kết quả ông ta vẫn rút số vốn trước đây góp để buôn hublon ra. Ông Noppe cũng đã lấy bút chì xanh xóa tên ông ta trên tấm danh thiếp của công ty cổ phần... Tối nào ông ta cũng đến hãng rượu Hoàng gia, ngồi vào một cái bàn cố định uống ba vại bia rồi chơi bài với mấy người bạn, bây giờ ông ta với mấy người bạn đó giống như nhau, họ chỉ giới hạn hoạt động của mình trong việc cho thuê nhà và cắt phiếu lợi tức với tư cách là một ông chủ, an phận thủ thường lắm!
Việc ấy, trong thư gửi bà cụ tham, Tony chỉ nói qua loa, nhưng xem bức thư cô gửi cho anh trai, người ta có thể thấy rõ nỗi đau khổ của cô... Tony thật đáng thương! Điều cô lo lắng nhất cũng không nghiêm trọng bằng chuyện ấy. Tuy trước đó cô đã thấy rõ Permaneder không có khả năng hoạt động bằng người chồng thứ nhất của cô, nhưng cô vẫn đặt hy vọng vào ông ta. Hơn nữa là trước khi đính hôn, cô còn trao đổi với chị Jungmann về những điều cô hy vọng, không ngờ Permaneder lại phụ lòng mong mỏi của cô như vậy. Như thế là ông ta không xem trọng trách nhiệm ông ta phải gánh vách khi kết hôn với con gái dòng họ Buddenbrook này. Điều đó cô không ngờ tới.
Cô không thể không kìm mình lại. Hơn nữa, qua thư của cô, người nhà cũng thấy được rằng cô đã cúi đầu trước số phận như thế nào. Cô chỉ còn cách sống với chồng, với Erika một cách buồn tẻ, Erika hằng ngày đi học, cô lo công việc nội trợ, đi lại chuyện trò khách khí với mấy người thuê nhà ở tầng dưới. Ngoài ra, còn có gia đình Niederpaur ở quảng trường Sankt Marien. Có lúc cô cũng đến rạp hát Cung đình xem; cùng đi với cô có Eva, bạn gái của cô, vì ông Permaneder không thích trò tiêu khiển đó. Tuy ông ta sống ở Munich đáng yêu của ông ta hơn bốn mươi năm, nhưng xưa nay ông ta không hề biết phòng trưng bày hội họa như thế nào!
Ngày lại ngày... Từ hôm Permaneder nhận được số tiền hồi môn rồi nghỉ không buôn bán. Tony không còn cảm thấy cuộc sống mới này thú vị nữa. Cô hết cả hy vọng. Mãi mãi không bao giờ cô có thể báo cho gia đình biết một thành công mới hay một sự tiến triển mới trong sự nghiệp của cô. Mãi mãi cho đến khi chết, đời cô sẽ không bao giờ thay đổi nữa. Ngày nào cũng sẽ y hệt như ngày nào, mặc dù không có gì phải buồn rầu, phải suy nghĩ, nhưng cái gì cũng bị hạn chế, không có gì là “cao sang” nữa. Lòng cô nặng trĩu, qua thư của cô có thể thấy được rằng chính cái tâm trạng trầm lặng ấy khiến cô không thể thích ứng được với hoàn cảnh miền nam nước Đức. Tất nhiên những việc lặt vặt thì không làm sao cả. Ví dụ, cô đã nói chuyện được với đầy tớ gái và những người đưa hàng, dùng “thịt vo” thay cho “thịt viên” rồi. Từ khi chồng bảo loại xúp nấu với hoa quả là “nước rửa chảo” thì không bao giờ cô nấu cho chồng thứ xúp đó nữa. Nhưng nhìn chung, ở cái đất này mãi mãi cô vẫn là người xa lạ. Ở đây người ta tiếp đãi cô gái họ Buddenbrook cũng không hơn gì người khác hết, đối với cô, đó là một điều nhục nhã. Có lúc trong thư cô kể chuyện một anh thợ nề, tay cầm cốc bia, tay cầm củ cà rốt, hỏi cô ở ngoài phố như thế này: “Mấy giờ rồi, bà hàng xóm ơi?”. Tuy cô viết với giọng khôi hài đấy, nhưng qua lời lẽ trong thư có thể thấy cô bực bội vô cùng. Với lại chúng ta cũng có thể tưởng tượng được điệu bộ cô lúc bấy giờ, mặt vểnh lên như thế nào, không những không trả lời mà cũng không thèm nhìn người ta nữa!... Nhưng điều khiến cô cảm thấy xa lạ, cảm thấy bị người ta đối xử lạnh nhạt, không phải chỉ vì người khác thiếu lễ độ hay xem thường hình thức. Vấn đề là cô chưa đi sâu vào cuộc sống hay các hoạt động ở Munich thì đã bị không khí Munich bao vây rồi. Đó là không khí của một thành phố lớn có nhiều nhà nghệ sĩ và thị dân, suốt ngày không có việc gì làm, đạo đức thì đồi bại, mà tâm tình của cô lại không cho phép cô giữ thái độ châm biếm để hít thở không khí đó.
Ngày lại ngày... Cuối cùng đã hé ra một tia sáng hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà những người ở phố Breiten và phố Meng cầu mong cũng không được. Tức là, bước sang năm 1859 chưa bao lâu thì hy vọng được làm mẹ lần thứ hai của Tony đã thành chuyện chắc chắn lắm rồi.
Nỗi vui mừng hân hoan tràn ngập bức thư của cô. Lâu lắm, bây giờ mới được đọc những lời lẽ nhả nhớt, trẻ con, đùa cợt như thế.
Bây giờ, ngoài việc đi nghỉ mát, bà cụ tham không thích đi chơi đâu nữa, với lại ngay cả nghỉ mát, hầu như bà cụ cũng chỉ tới bờ biển Baltic mà thôi, cho nên bà cụ rất tiếc là lần này không thể đến chỗ con gái được, nhưng trong thư cũng đã cầu Thượng đế phù hộ cho con gái rồi. Bà cụ không đi được, nhưng Tom và Gerda đã viết thư báo cho cô biết hai vợ chồng ông sẽ đến dự lễ rửa tội cháu bé. Tony thì chuẩn bị trong đầu óc đủ mọi kế hoạch chiêu đãi người nhà mình thật “sang trọng”. Tội nghiệp Tony thật! Rất tiếc là cuộc đón tiếp này lại thê thảm vô cùng. Những thứ như hoa, bánh kẹo, sô-cô-la mà cô mơ ước để làm cho lễ rửa tội thêm phần hấp dẫn, đều trở thành bánh vẽ hết, bởi vì đứa bé, một cháu gái, vừa lọt lòng mẹ đã chết ngay. Nó chỉ sống mười lăm phút ngắn ngủi. Trong mười lăm phút đó, mặc dù bác sĩ đã tìm đủ mọi cách giành giật lấy sinh mạng yếu đuối nhỏ bé ấy, nhưng rốt cuộc vẫn không thể cứu được.
Khi ông bà tham Buddenbrook đến Munich thì thấy bản thân Tony cũng chưa thoát khỏi nguy hiểm. Cô nằm trên giường, bệnh tình rất nặng. Cô vốn đã mắc bệnh dạ dày thần kinh gây nên, lần này hình như mấy ngày liền cô hoàn toàn không thể ăn được tí gì. Nhưng rồi cuối cùng cô khỏi dần. Khi người nhà lên đường về, tình hình sức khỏe của cô không còn phải lo lắng gì nữa, mà còn có chuyện khác đáng lo ngại hơn. Vợ chồng ông tham thấy rõ ràng (sức quan sát của ông tham vô cùng nhạy bén, chuyện này không thể lọt qua mắt ông được) mặc dù lần này cả hai vợ chồng Permaneder đều đau buồn cả, nhưng không vì thế mà họ có thể gắn bó với nhau hơn được.
Ông Permaneder yếu đuối về mặt tình cảm, điều đó cũng không có gì đáng chê trách... Ông ta đau khổ thật sự. Thấy đứa bé tắt thở, từng giọt nước mắt to tướng từ đôi mắt sưng húp của ông ta trào ra, chảy dọc theo gò má phinh phính xuống râu. Hai ba lần ông ta than thở:
— Chao ôi, đen quá, đen quá!
Nhưng theo Tony quan sát thì cuộc sống thoải mái nhàn hạ của ông ta vẫn không bị quấy quả lâu lắm. Giờ tiêu khiển của ông ta ở hãng rượu Hoàng gia vào buổi tối đã mau chóng làm cho ông ta quên hết mọi nỗi đau khổ. Câu “Chao ôi, đen quá, đen quá!” mà ông ta hay nói đầu miệng cũng đã bao hàm quan niệm về số mệnh của ông ta rồi. Với cái quan niệm về số mệnh đó, ông ta đã sống một cách an nhàn vui vẻ. Thỉnh thoảng ông ta càu nhàu một tí, nhưng lại có vẻ tê liệt đi.
Từ đó trở đi, lúc nào trong thư của Tony cũng có những lời lẽ bi quan, chán chường... Cô viết: “Chao ơi... con khổ quá mẹ ạ! Đầu tiên là chuyện Grünlich phá sản, sau đến chuyện Permaneder bỏ không buôn bán, rồi thì đến con chết. Con có tội tình gì mà phải chịu nhiều nỗi bất hạnh như vậy!”.
Ông tham đọc những lời than thở đó thì lại không nhịn cười được, bởi vì mặc dù lời lẽ trong thư đau khổ thế nào đi nữa, nhưng qua từng dòng từng chữ, người ta vẫn thấy được vẻ kiêu kỳ đến buồn cười của Tony, đã hai đời chồng rồi nhưng vẫn còn trẻ con lắm. Tựa hồ như đối với những điều cô gặp phải, lúc đầu cô không tin là thật nhưng sau đó thì cô lại lấy làm điều, và chịu đựng một cách rất là trẻ con. Cô không hiểu mình có tội tình gì mà phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ như thế, bởi vì mặc dù cô giễu cợt lòng ngoan đạo của mẹ cô, nhưng cô cũng có những niềm tin tương tự như thế trong đầu óc. Cô tin rằng trên đời này quả có cái gì là nhân quả báo ứng... Tội nghiệp Tony! Đứa con gái thứ hai chết chưa phải là nỗi đau khổ cuối cùng của cô, cũng chẳng phải là điều tàn nhẫn nhất đối với cô...
Cuối năm 1859 đã xảy ra một chuyện khủng khiếp.
Gia Đình Buddenbrook Gia Đình Buddenbrook - Thomas Mann Gia Đình Buddenbrook