Thất bại đến với ta không phải làm ta buồn mà giúp ta thêm tỉnh táo, không làm ta hối tiếc mà khiến ta trở nên sáng suốt.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 97
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2349 / 38
Cập nhật: 2017-09-22 09:37:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
huông cổng lại reo lên. Theo thói quen, Tony chạy ra cầu thang đứng sau hàng lan can sơn trắng nhìn ra cửa. Cổng hé mở, cô vội nhô người ra phía trước rồi thụt vào ngay, một tay lấy mùi soa che miệng, một tay xách váy, người hơi cúi, chạy lên... Ở cầu thang đi lên gác ba, Tony đụng phải chị Jungmann. Cô thở hổn hển, khẽ nói gì với chị. Chị vừa mừng vừa sợ, trả lời một câu, bắt chước người Ba Lan: “Meiboschekochhanne”[107].
Bà cụ tham Buddenbrook đang ngồi trong phòng phong cảnh đan khăn trùm đầu bằng hai cái kim đan bằng tre. Chuyện xảy ra vào khoảng mười một giờ trưa.
Bỗng một người hầu gái từ phòng cột tròn đi tới, gõ cửa kính thất thểu bước vào đưa cho bà cụ tham một tấm danh thiếp. Bà cụ tham cầm lấy sửa lại cặp kính đeo ở mắt (lúc khâu vá bà cụ thường phải đeo kính), rồi đọc, sau đó ngẩng đầu nhìn khuôn mặt ửng đỏ của người hầu gái, xong lại đọc lần nữa, và đọc xong lại nhìn nó một lần nữa.
Cuối cùng, dịu dàng hỏi nhưng giọng rất cứng rắn:
— Thế là thế nào, con? Thế nghĩa là thế nào?
Tấm danh thiếp in dòng chữ: Công ty X. Noppe nhưng chữ X. Noppe đã bị xóa đi bằng bút chì xanh, chỉ còn lại hai chữ Công ty.
— Dạ thưa bà - Người hầu gái nói - Có ông nào ấy, nhưng ông ta không biết nói tiếng Đức, trông kỳ quặc lắm!...
— Mời người ta vào - Bà cụ tham nói, vì bây giờ bà cụ đã hiểu ra cái “Công ty” muốn được gặp bà cụ rồi. Người hầu gái đi ra. Một lát sau, cửa kính lại mở. Một người thấp lùn nhưng khỏe mạnh bước vào, đứng một lúc khá lâu trong xó tối, kéo dài giọng nói câu gì đó, nghe hình như là “Tôi rất lấy làm vinh hạnh”...[108]
— Chào ông! - bà cụ tham nói - mời ông bước tới gần một tí có được không?
Nói xong, bà cụ lấy tay khẽ kéo cái đệm xô-pha và hơi cúi người xuống, vì bà cụ vẫn chưa biết có nên đứng hẳn lên không...
— Tôi mạo muội...
Ông khách lại kéo dài giọng trả lời. Ông ta nói nghe như hát. Sau đó ông ta kính cẩn cúi chào, bước lên hai bước rồi dừng lại, đưa mắt nhìn bốn xung quanh như tìm kiếm cái gì. Có lẽ là tìm một chỗ ngồi, có lẽ là tìm chỗ để mũ và can, vì ông ta mang theo cả hai thứ đó vào. Tay can bằng sừng thú uốn cong, trông giống một cái móng chân to tướng, dài khoảng năm mươi phân.
Ông ta khoảng bốn mươi tuổi, tay chân hơi ngắn, người béo, mặc áo ngoài bằng da màu nâu. Áo gi lê hoa màu nhạt che kín cái bụng hơi dô ra phía trước; trên áo gi lê đeo sợi dây chuyền nho nhỏ làm bằng sừng thú, xương lạc đà, bạc và san hô. Quần ông ta mặc may bằng loại da cứng, màu ghi không ra màu ghi, màu xanh lục không ra màu xanh lục, ống ngắn và tròn, không có nếp gấp, trùm ra ngoài đôi ủng vừa ngắn vừa rộng. Đầu ông ta tròn xoay, mũi tẹt, tóc rối bù, thêm vào đó là bộ râu mép thưa thớt màu vàng nhạt xõa xuống miệng, khiến cho cái đầu ông ta hơi giống đầu con hải cẩu. Trái hẳn với bộ râu mép, bộ râu tam giác giữa môi dưới và cằm, lại mọc tua tủa như vừa mới cạo. Thịt hai bên má nung núc xệ hẳn xuống, hai con mắt trở thành hai khe hở bé tí, màu xanh nhạt, hai đuôi mắt nhăn teo. Tất cả những cái đó làm cho khuôn mặt phì nộn của ông ta có vẻ vừa hung ác vừa lương thiện thật thà, rất cảm động, chứ không phải có tâm địa gì xấu. Phía dưới cái cằm nhỏ bé, cổ ông ta như cắm thẳng vào cái cà-vạt trắng, cái cổ phục phịch ấy không thể thắt nơ cứng được. Tóm lại, nửa phía dưới mặt ông ta, cổ, gáy, má và mũi đều trông không rõ hình thù, không phân biệt được ranh giới của từng bộ phận. Vì phì nộn nên da mặt ông ta căng phồng, nhưng ở một số bộ phận nào đó, ví dụ như dái tai và sống mũi, thì có những chấm lốm đốm màu đỏ trông rất rõ... Một tay béo trắng và ngắn cũn của ông ta cầm cái can, còn tay kia cầm cái mũ màu xanh lục, kiểu Tyrol, trên chóp cắm một sợi râu linh dương.
Bà cụ tham đã bỏ kính xuống, người vẫn tựa vào đệm xô-pha, nửa đứng nửa ngồi.
— Ông tìm tôi có việc gì thế ạ? - Bà cụ hỏi giọng khách khí nhưng rành rọt.
Lần này ông khách tỏ vẻ quyết tâm, để mũ và can lên nắp đàn phong cầm, xoa hai tay, hài lòng, lễ phép nhìn bà cụ tham bằng đôi mắt hum húp, màu xanh lơ, rồi mở miệng nói:
— Mong bà bỏ qua cho về tấm danh thiếp kia, trong tay không còn cái nào khác nữa. Tôi là Permaneder, từ Munich đến. Chắc bà đã nghe cô nhà nói đến rồi...
Mấy câu ấy, ông ta nói to, giọng thô tháp quê mùa, trúc trắc khó nghe, thỉnh thoảng bỗng nói liền âm trước với âm sau lại, nhưng qua đôi mắt ti hí trông có vẻ thân mật lắm, có thể đoán hình như ông ta đang nói: “Chúng ta đã hiểu nhau lắm rồi!...”.
Bấy giờ bà cụ tham mới đứng dậy hẳn, nghiêng đầu sang một bên, đưa tay ra, đi đến chỗ ông khách...
— Ông là ông Permaneder đấy à? Tất nhiên là con gái tôi đã nói chuyện với chúng tôi về ông. Tôi biết ông đã bỏ ra bao nhiêu công sức để cho những ngày nó ở Munich được vui vẻ thoải mái... Bây giờ ông mới tới thăm thành phố này của chúng tôi.
— Vâng. Bà không ngờ là như vậy phải không ạ!
Sau khi bà cụ tham chỉ chiếc ghế tựa bên cạnh bằng một động tác rất uyển chuyển, ông ta liền ngồi xuống rồi đưa tay lên xoa hai cái đùi ngắn và tròn của mình, trông bộ an nhàn ra phết.
— Ông bảo sao? - Bà cụ tham hỏi...
— Vâng, bà lấy làm lạ lắm phải không ạ! - Permaneder trả lời. Lần này ông ta thôi không xoa đầu gối nữa.
— Hay lắm! - bà cụ tham vẫn nói, giọng ngơ ngác không hiểu, rồi để hai tay lên đầu gối, tựa ra phía sau làm ra vẻ hài lòng lắm. Ông Permaneder thấy được điều đó. Ông ta cúi người về phía trước, lấy tay vẽ một vòng giữa không trung - Có trời biết được tại sao ông lại làm thế! - rồi cố hết sức nói cho thật rõ.
— Bà không ngờ phải không ạ?
— Đúng, đúng thế đấy, ông Permaneder thân mến ạ. Quả là như vậy, - Bà cụ tham trả lời. Bà cụ rất vui sướng vì lần này bà cụ nghe hiểu. Câu chuyện lại bị ngắt quãng. Để phá tan không khí trầm lặng, ông Permaneder thở dài một cái rồi nói một câu bằng tiếng địa phương:
— Không đến nỗi tồi.
— Sao?... Ông nói gì cơ? - Bà cụ tham hỏi. Đôi mắt trong sáng của bà cụ liếc sang một bên...
— Không đến nỗi tồi! - Ông Permaneder lặp lại, giọng oang oang.
— Hay lắm! - Bà cụ tham nói đưa đẩy. Cứ thế câu chuyện lại bị ngắt quãng. Một lát sau bà cụ nói:
— Ông cho phép hỏi điều này. Ông đi xa như vậy, chắc có chuyện gì quan trọng lắm phải không? Từ Munich đến đây quả không phải là gần.
— Thưa bà, chuyện buôn bán ạ! - Ông Permaneder vừa nói vừa đưa đi đưa lại bàn tay ngắn ngủi giữa không trung - Tôi có tí việc ở xưởng rượu Walkmühle.
— Ồ, đúng rồi, ông buôn hublon đấy à, ông Permaneder? Công ty Noppe có phải không? Ông tin lời tôi nhé, con trai tôi thường nói đến Công ty của ông. Nó ca ngợi ông lắm. - Bà cụ tham nịnh ông ta nhưng ông Permaneder lại không chịu nghe những lời bà cụ nịnh mình.
— Không có gì đâu ạ! Xin bà đừng nói thế. Dạ, từ lâu tôi đã có ý định đến thăm bà và gặp lại cô Tony cho nên cũng không kể đường xa hay gần.
— Cảm ơn ông. Bà cụ tham thân mật nói, rồi đưa tay về phía ông ta, ngửa lòng bàn tay lên - Tôi sẽ cho người báo cho con gái tôi biết. - Bà cụ tham nói thêm rồi đứng dậy đi đến chỗ dây chuông thêu hoa ở cạnh cửa kính.
— Trời ơi! Hân hạnh quá! - Ông Permaneder nói to, người và ghế quay cả về phía cửa.
Bà cụ tham bảo người hầu gái:
— Mời cô Tony xuống đây nhé!
Sau đó bà cụ trở lại, đứng cạnh xô-pha. Lúc này ông Permaneder cũng quay người và ghế lại.
— Quả thật tôi hân hạnh vô cùng... - Ông ta mơ màng nhắc lại, mắt hết nhìn tấm thảm trải dưới đất đến lọ mực bằng sứ Sevrès bày trên bàn và đồ đạc trong nhà. Sau đó, ông lại liên tiếp nói mấy lần câu ông ta vẫn nói đầu miệng là: “Không đến nỗi tồi!”... “Không đến nỗi tồi!”. Ông ta xoa dài liên tiếp và thở dài liên hồi. Cho đến khi Tony xuất hiện, hầu hết thời gian ông ta chỉ làm những động tác ấy.
Rõ ràng Tony đã trang điểm gọn gàng. Cô thay cái áo choàng màu nhạt, chải lại mái tóc. Mặt cô lúc này tươi hơn, đẹp hơn ngày thường. Cô luôn luôn thè lưỡi liếm hai khóe miệng...
Tony vừa bước vào cửa, ông Permaneder đã vội chạy tới, vồn vã hết sức. Cả người ông ta rung lên. Ông ta nắm lấy hai tay Tony, lắc lắc rồi nói to:
— Cô Tony! A, Thượng đế ban phúc lành cho cô! A, dạo này cô có được khỏe không? Cô ở nhà làm những việc gì? Ái chà! Trời ơi! Tôi sung sướng quá đi mất! Cô còn có thì giờ nghĩ đến thành phố Munich và những ngọn núi ở chỗ chúng tôi nữa không thế? Lần ấy chúng ta đi chơi vui quá nhỉ! Đúng thế chứ? Trời ơi, chúng ta lại được gặp nhau rồi! Lúc đó, ai ngờ rằng...
Tony cũng hết sức vui vẻ hỏi thăm ông ta rồi tiện tay kéo ông ta tới một cái ghế, bắt đầu ôn lại những ngày ở Munich... Buổi nói chuyện này không một ai cản trở, bà cụ tham ngồi cạnh nghe, thỉnh thoảng nhìn ông Permaneder, gật gật đầu tỏ ý thông cảm và ủng hộ ông ta, hoặc giả bà cụ dịch những câu ông ta nói ra tiếng Đức theo kiểu văn viết, lần nào dịch hay thì bà cụ ngả người ra tựa vào xô pha, hài lòng lắm.
Ông Permaneder lại nói cho Tony rõ mục đích ông ta đến đây làm gì, nhưng ông ta cố ý cho thấy rằng việc buôn bán ở xưởng rượu là việc nhỏ không đáng kể. Người nghe có cảm tưởng hình như ông ta không cần phải đến đây làm gì hết. Nhưng mặt khác ông ta lại rất thú vị khi hỏi thăm cô gái thứ hai và hai người con trai của bà cụ tham. Ông ta rất lấy làm tiếc là Klara và Christian đều ở xa, vì từ lâu ông ta đã muốn được làm quen với mỗi một người trong nhà bà cụ.
Thời gian ông ta sẽ ở lại đây bao nhiêu lâu, ông ta không nói rõ, nhưng khi bà cụ tham nói:
— Con trai tôi sắp về ăn sáng, ông Permaneder ạ. Ông ở lại xơi quà sáng với chúng tôi nhé...
Bà cụ tham nói chưa dứt, ông ta đã vui vẻ nhận lời ngay, hình như ông ta đang chờ đợi câu mời đó.
Ông tham về. Thấy phòng ăn vắng, chưa kịp cởi bộ quần áo mặc đi làm việc, ông đã vội vào, định ăn trước. Trông ông có vẻ mệt mỏi, có điều gì trong bụng phải suy nghĩ... Nhưng khi trông thấy người khách lạ đeo dây đồng hồ to tướng, mặc bộ đồ dạ thô và mũ có lông linh dương để trên đàn phong cầm, ông liền ngẩng đầu lên, vẻ sốt sắng. Vừa nghe giới thiệu tên người khách - Ông đã nghe Tony nhắc đến cái tên này nhiều lần rồi - ông liền liếc nhìn em gái, rồi chào ông Permaneder một cái, thái độ rất niềm nở... Ông vẫn đứng đấy. Sau đó họ vội đi xuống tầng giữa, chị Jungmann đã sửa soạn bàn ăn xong; cái ấm nấu trà loại đặc biệt, tặng phẩm của hai vợ chồng mục sư Tiburtius, đang reo.
— Nhà ta ở đây giàu sang lắm! - Ông Permaneder ngồi xuống, đưa mắt nhìn đĩa thức ăn nguội trên bàn, không kìm được, khen luôn... Khi nói chuyện, ông ta thường nói sai ngữ pháp nhưng không vì thế mà ông ta ngượng.
— Đây không phải là bia của hãng Hoàng gia ở Munich, ông Permaneder ạ! Nhưng so với bia sản xuất tại đây, vẫn ngon hơn, uống được.
Ông tham rót cho ông ta một cốc bia đen bọt dầy. Chính ông gần đây cũng rất thích uống loại bia này.
— Xin cảm ơn ông tham! - Ông Permaneder vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, không mảy may để ý đến chị Jungmann đang nhìn ông ta với đôi mắt ngạc nhiên. Nhưng đối với loại bia đen, ông ta tỏ ra hết sức câu nệ, bà cụ tham đành bảo người nhà mang tới một chai rượu vang. Lần này, trông ông ta hoạt bát hẳn lên. Ông ta bắt đầu tán chuyện với Tony. Vì cái bụng, ông ta phải ngồi hơi xa bàn, hai chân bắt tréo. Một cánh tay ngắn cũn với cái bàn tay chuối mắn, trắng, nhỏ buông thõng theo lưng tựa của chiếc ghế, cái đầu tròn có bộ râu như râu hải cẩu, hơi nghiêng sang một bên, vẻ mặt vừa chán ngấy vừa thích thú. Ông ta đang lắng nghe Tony nói, đôi mắt ti hí nhấp nháy liên hồi. Xưa nay ông ta chưa quen ăn cá nục. Tony lấy bộ bằng một cử chỉ tuyệt đẹp, và vui vẻ trao đổi với ông ta cách nhìn nhận của mình về cái này, cái nọ trong cuộc sống...
— Trời! Tất cả những gì đẹp nhất trong cuộc sống, đều trôi qua rất nhanh, tiếc lắm, ông Permaneder ạ!
Câu nói đó, cô ám chỉ những ngày ở Munich. Cô bỏ dao và nĩa xuống bàn, ngửa mặt nhìn lên trần nhà, vẻ nghiêm nghị. Rồi thỉnh thoảng cô lại nói một vài câu tiếng địa phương Bayern. Cô nói không thạo lắm, nghe rất buồn cười.
Cả nhà đang ăn, bỗng có người gõ cửa. Một chú học việc ở phòng giấy mang vào một bức điện. Ông tham vừa xem vừa đưa ngón tay mân mê râu. Mặc dù những người ngồi cạnh thấy rất rõ đầu óc ông để cả vào bức điện nhưng ông vẫn có thể thong thả hỏi chuyện như lúc nãy:
— Hàng họ thế nào, ông Permaneder?...
— Được rồi! - Ông lại nói với chú học việc. Chú ta bước ra khỏi phòng.
— Chao ôi! - Ông Permaneder quay mặt sang phía ông tham. Cổ ông ta béo và ngắn nên trông ông ta rất vụng về. Ông ta lại gác tay kia lên lưng ghế tựa - Biết nói thế nào đây! Ế ẩm lắm! Ông còn lạ gì Munich nữa - Lần nào nói đến quê hương, ông ta cũng phát âm không rõ, người khác chỉ có thể đoán phỏng chừng mà thôi - Munich không phải là thành phố buôn bán, ở đấy người ta chỉ cần sống yên tĩnh và cần có hai chai bia là đủ rồi. Lúc ăn không ai xem điện, không có thói quen đó. Các ông ở đây lại khác. Trời ơi!... Cảm ơn, tôi xin cốc nữa! Loại rượu này khá lắm! Bạn tôi, ông Noppe, cứ mơ ước dọn đến Nürnberg, vì ở đấy họ có Sở giao dịch chứng khoán, vả lại tình hình buôn bán cũng sầm uất lắm... Nhưng tôi thì lại không muốn rời khỏi Munich... Nói thế nào thì nói, tôi cũng không rời! Chết thật!... Ông cũng biết đấy, chỗ chúng tôi người ta cạnh tranh nhau ghê lắm. Tình hình xuất khẩu cũng thảm hại lắm. Thậm chí còn có người định bỏ sang Nga lập chi nhánh bên ấy để buôn bán.
Bỗng ông ta lại đưa nhanh mắt, liếc nhìn ông tham nói:
— Nói đi thì cũng phải nói lại... Tôi chả có gì phải oán trách cả! Cũng tạm gọi là được! Chúng tôi hùn vốn mở xưởng rượu lãi lắm, nhưng ông đã biết, ông Niederpaur làm giám đốc ở đấy. Kể ra thì buôn bán cũng nhỏ thôi nhưng chúng tôi vay được và cũng có ít tiền mặt... Vay lãi bốn phân nên đã mở rộng được xưởng cũ... Bây giờ đã bắt đầu kinh doanh rồi, hàng bán cũng chạy, năm nào cũng được chia lãi, không đến nỗi tồi!
Ông Permaneder kết thúc như vậy, và từ chối không hút thuốc cuộn hay xì gà, mà xin phép chủ nhà cho ông ta hút tẩu. Ông ta rút trong túi áo ra một cái tẩu dài bằng sừng rồi tiếp tục nói chuyện buôn bán với ông tham trong làn khói thuốc mù mịt. Sau đó, họ quay sang nói chuyện chính trị, nói đến quan hệ giữa Bayern và Phổ, quốc vương Maximilian và hoàng đế Napoleon... Khi chuyện trò, ông Permaneder luôn luôn buột miệng nói những câu người khác nghe chẳng hiểu gì hết... Mỗi khi ngừng lại, ông ta thường vô cớ dùng những từ cảm thán như “trời ơi!”, “thật chưa hề nghe nói tới!” và “thật không đến nỗi tồi!” để lấp chỗ trống...
Chị Jungmann kinh ngạc đến nỗi quên nhai cả thức ăn ngậm trong miệng, chỉ tròn xoe mắt nhìn ông khách. Mỗi lần như thế, chị đều dựng thẳng dao và nĩa trên bàn, khẽ lắc qua lắc lại. Trong nhà này, xưa nay chị chưa hề nghe những lời như vậy, chưa hề ngửi thấy mùi khói thuốc khét như vậy, ngay cả cử chỉ sỗ sàng gai mắt của ông khách đối với nhà này cũng rất xa lạ. Bà cụ tham hết sức quan tâm hỏi thăm về Giáo hội Phúc âm lép vế bị các tín đồ đạo Thiên chúa lừng lẫy tiếng tăm bức hại như thế nào? Vì không nghe rõ câu trả lời của ông Permaneder, bà cụ tham chả hiểu gì cả nhưng cũng mỉm cười lấy lòng khách. Tony vừa ăn sáng vừa dần dần có vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Nhưng ông tham thì lại lấy làm thú vị vô cùng, thậm chí còn bảo lấy thêm một chai rượu vang nữa, và mời ông Permaneder đến ở nhà ông ở phố Breiten, chắc vợ ông sẽ thú vị lắm.
Ông khách buôn hublon ngồi suốt ba tiếng đồng hồ mới định cáo từ ra về. Ông ta gõ sạch cái tẩu thuốc, nốc cạn chén rượu, lẩm bẩm thêm câu “không đến nỗi tồi” gì gì đó một lần nữa, mới đứng dậy.
— Quấy rầy cô lâu quá!... Cầu mong Thượng đế ban phước lành cho cô, cô Tony ạ! Cầu mong Thượng đế ban phước lành cho ông, ông Buddenbrook ạ!... - Nghe những lời cáo biệt cộc cằn như vậy, bất giác chị Jungmann run người lên, mặt tái nhợt... - Chào chị... - Lúc sắp đi, ông ta lại nói thêm một tiếng “chào chị” nữa.
Bà cụ tham và con trai đưa mắt nhìn nhau... Ông Permaneder nói ông ta sẽ về cái khách sạn nhỏ ở bờ sông Trave, khi vừa xuống xe ông ta đã vào đấy.
— Hai vợ chồng người bạn con gái tôi ở Munich, cách đây xa lắm - bà cụ bước tới trước mặt ông Permaneder nói - Chúng tôi chưa có dịp đền đáp sự tiếp đãi ân cần của ông bà ấy. Nhưng bây giờ ông đã đến chơi chỗ chúng tôi, và định ở thêm một thời gian, nếu ông vui lòng đến ở lại đây... chúng tôi xin chân thành đón tiếp...
Bà cụ chìa tay ra. Xem kìa! Ông Permaneder không chút do dự, nắm chặt lấy tay bà cụ. Như vừa rồi ông ta nhận lời ăn sáng, lần này ông ta cũng lại vui vẻ nhận lời ngay. Ông ta hôn tay bà cụ và Tony, điệu bộ trông rất buồn cười. Khi lấy mũ và can ở phòng phong cảnh, ông ta lại nói là sẽ cho người mang vali đến ngay, còn ông ta thì bốn giờ chiều giải quyết xong công việc, sẽ trở lại. Sau đó ông tham tiễn ông ta xuống gác. Đến cửa ông ta ngoảnh lại, lắc đầu nói, giọng tràn trề tình cảm:
— Tôi nói câu này, xin ông đừng quở trách, ông tham ạ! Lệnh muội quả là một người đàn bà khiến cho mọi người phải yêu mến! Cầu mong Thượng đế ban phước lành cho ông!
Ông Permaneder đã đi đến đằng kia rồi mà vẫn còn thấy ông ta lắc đầu.
Ông tham thấy dù thế nào đi nữa thì cũng phải lên gác gặp lại mẹ và em gái. Chị Ida Jungmann đã ôm chăn nệm chạy đi chạy lại dọn dẹp căn phòng ở hành lang.
Bà cụ tham vẫn ngồi cạnh bàn ăn sáng, đôi mắt trong sáng của bà cụ chăm chú nhìn lên một vết đen trên trần nhà, ngón tay nõn nà khẽ gõ lên khăn bàn. Tony ngồi cạnh cửa sổ, hai tay bắt tréo nhau, mắt không nhìn sang phải cũng không nhìn sang trái, trông thật đoan trang, thậm chí có thể nói cô đang đăm đăm nhìn về phía trước, vẻ rất nghiêm túc. Không khí im lặng bao trùm căn phòng.
— Thế nào?
Ông tham hỏi. Ông đứng cạnh cửa, lấy trong hộp thuốc ngoài vẽ cái xe ngựa ra một điếu... Ông cười, hai vai rung rung.
— Ông ta thế mà cũng được lòng người đấy chứ! - Bà cụ tham nói một câu vô thưởng vô phạt.
— Con cũng nghĩ như vậy đấy! - Ông tham vội quay nhanh sang phía Tony, làm một động tác hết sức buồn cười nhưng rất lịch sự, tựa hồ ông đang lễ phép thăm dò ý cô. Nhưng Tony vẫn làm thinh không nói gì. Cô chỉ lãnh đạm chăm chú nhìn phía trước.
— Nhưng me thấy ông ta nên bỏ những tiếng tục tĩu đi, anh Tom nhỉ! - bà cụ tham nói, giọng có vẻ không bằng lòng - Nếu me nghe không nhầm thì hình như mở miệng ra là ông ta nói “mẹ kiếp!”.
— Ồ, không hề gì, me ạ, ông ta nói vậy nhưng không có ác ý gì cả!
— Có lẽ cử chỉ của ông ta hơi suồng sã, anh Tom nhỉ? Anh bảo thế nào?
— Vâng! Đúng thế đấy ạ! Đó là đặc điểm của người miền nam - ông tham nói, rồi thong thả phà khói thuốc trong miệng ra bay khắp nhà, cười với mẹ, xong lại liếc nhìn trộm Tony. Bà cụ tham không để ý gì cả.
— Hôm nay vợ chồng anh đến đây ăn nhé! Anh Tom, anh nhận lời me chứ?
— Vâng, thưa me chúng con sẽ đến. Nói thực, con còn chờ ông khách đến, ông ta sẽ mang lại cho con nhiều điều vui vẻ. Me cũng thế chứ ạ? Lần này, chúng ta có một vị khách hoàn toàn khác các cha cố, mục sư trước đây...
— Mỗi người một tính, anh Tom ạ!
— Tất nhiên là như thế! Con phải đi đây... Nhân tiện tôi nói câu này - Ông tham một tay nắm quả đấm ở cửa nói - ông ta có cảm tình với cô lắm đấy, Tony ạ! Không, tôi không đùa đâu! Cô biết đấy, vừa rồi ở dưới nhà, ông ta bảo cô thế nào nhỉ? “Người đàn bà khiến cho mọi người phải yêu mến!”. Ông ta nói như vậy đấy...
Tony nghe đến đây liền quay người đi nói to:
— Cảm ơn anh đã nói lại câu đó cho em nghe, anh Tom ạ! Tất nhiên là ông ấy không ngăn cản anh mà cũng không bảo anh nói lại câu đó. Tuy vậy, em vẫn không biết là anh làm thế có đúng không. Nhưng có một điều em biết, với lại em cũng muốn nói ra là trong cuộc sống, quan trọng nhất không phải là nói thế nào hay diễn đạt thế nào về một việc gì đó, mà là suy nghĩ như thế nào, cảm giác như thế nào. Nếu anh đang chế giễu những lời lẽ của ông Permaneder... thì anh sẽ thấy ông ấy buồn cười.
— Cô nói ai đấy? Tony ạ, trong thâm tâm anh không hề có ý ấy! Sao cô lại xúc động như thế...
— Thôi mà! - bà cụ tham nhìn con trai, ánh mắt nghiêm túc và cầu xin, ý nói: đừng gây chuyện với em anh nữa!
— Đừng giận, Tony ạ! - Ông tham nói - Anh không muốn làm cô bực mình đâu. Thôi được! Anh sẽ bảo một người ở kho lương thực mang vali đến... Anh đi đây!
Gia Đình Buddenbrook Gia Đình Buddenbrook - Thomas Mann Gia Đình Buddenbrook