In books lies the soul of the whole Past Time: the articulate audible voice of the Past, when the body and material substance of it has altogether vanished like a dream.

Thomas Carlyle

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 97
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2349 / 38
Cập nhật: 2017-09-22 09:37:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hi ông tham Buddenbrook và ông Gosch quay lại hội trường, cảnh tượng vui vẻ hơn trước đây mười lăm phút. Hai ngọn đèn dầu to tướng trên bàn chủ tịch đã thắp sáng. Các vị đại biểu, kẻ ngồi người đứng, tụ tập dưới ánh đèn vàng khè, luôn tay rót bia vào những cái cốc bằng bạc sáng lấp lánh, rồi chạm cốc với nhau, chuyện trò bàn tán rôm rả. Bà quả phụ Suerkringel, chủ quán rượu, cũng có mặt ở đấy; bà ta đang vồn vã tiếp các ông khách bị bao vây trong phòng này, ngọt ngào khuyên nhủ các ông nên uống tí rượu cho tinh thần phấn chấn lên, vì xem chừng trong chốc lát chưa chắc đã giải thoát được đâu. Thế là lợi dụng mấy tiếng đồng hồ nhốn nháo ấy, bà ta bán được rất nhiều bia, trông màu sắc nhàn nhạt nhưng rất nồng. Khi hai vị đại biểu đi đàm phán kia bước vào, những người hầu bàn đang xắn tay áo bưng vào rất nhiều chai bia, mặt tươi cười hớn hở. Tuy trời tối đã lâu, thời gian đã muộn, không thể tiến hành thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp được nữa, nhưng không một ai nghĩ giải tán để về cả. Dù sao, giờ uống cà phê hôm nay cũng đã qua rồi!
Bắt tay những người đến chúc mừng mình thành công xong, ông tham bước ngay tới chỗ bố vợ. Hầu như chỉ có mỗi mình cụ Lebrecht Kröger là không vui hơn được tí nào. Cụ lạnh nhạt, lơ đãng, ngồi thẳng lưng trên cái ghế của mình. Nghe bảo xe ngựa sắp đến, cụ nói như không thèm chấp:
— Bọn côn đồ chúng nó cho ta được phép về nhà rồi hay sao đấy?
Giọng cụ run run vì giận dữ hơn là vì tuổi tác.
Cụ khoác chiếc áo da lên vai, động tác cứng đờ, người ta không thấy vẻ uyển chuyển, nhàn nhã thường thấy ở cụ. Ông tham định đỡ cụ, cụ chỉ nói “cảm ơn”[87] qua loa, rồi để tay lên vai ông con rể.
Một cỗ xe ngựa rất đẹp, chỗ anh xà ích ngồi có treo hai ngọn đèn to tướng, đã đỗ trước cửa. Ngọn đèn đường trước cửa cũng đã được thắp sáng. Ông tham rất vui. Hai bố con bước lên xe. Khi xe ngựa chạy lóc cóc trên đường phố, cụ Kröger vẫn ngồi cứng nhắc ở bên phải ông tham, không nói năng gì cả. Cụ hơi nhắm mắt lại, đắp cái chăn trên đầu gối, người không tựa ra phía sau. Dưới bộ râu bạc trắng của cụ, hai nếp nhăn từ khóe miệng kéo dài xuống tận cằm. Bị làm nhục, cụ giận lắm, bây giờ cụ đang bực dọc, tức tối trong lòng. Cụ nhìn chỗ ngồi trống ở phía trước, vẻ mặt phờ phạc và giá lạnh.
Phố xá nhộn nhịp hơn chiều chủ nhật, trông như ngày tết. Say sưa trước cảnh tượng hạnh phúc mà cách mạng sẽ đưa đến, người ta đi lại tấp nập. Thậm chí có người còn cất cao tiếng hát. Những chỗ xe ngựa đi qua, đây đó có từng đám thanh niên hoan hô như sấm dậy, họ ném cả mũ lên trời.
Ông tham nói:
— Con thấy chuyện này đã làm ba giận. Bình tĩnh mà suy xét, có thể thấy từ đầu chí cuối, chúng nó chỉ làm láo thôi! Một màn hài kịch không hơn không kém - Với giọng sôi nổi, ông ta bắt đầu nói đến chuyện cách mạng chung chung, để xem ông bố vợ trả lời hoặc phản ứng như thế nào... - Nếu như bọn vô sản ấy nhận ra được rằng bây giờ chúng nó làm như vậy thì chả có lợi gì cho chúng nó cả!... Chà, trời ơi! Đâu đâu cũng cái kiểu ấy! Chiều hôm nay, con nói chuyện với ông Gosch, làm nghề môi giới chào hàng một lúc. Cái con người kỳ quặc lúc nào cũng quan sát sự vật bằng con mắt của nhà thơ và nhà viết kịch ấy mà!... Ba biết đấy, ở Berlin, cách mạng lan truyền từ bàn trà của các nhà nghệ sĩ... Về sau, quần chúng giành lấy về phần mình bất kể sống chết, cứ thế là làm... Để xem chúng nó làm nên trò trống gì!
— Anh làm ơn mở hộ cái cửa sổ bên ấy ra. - Cụ Kröger nói.
Ông tham Buddenbrook đưa mắt nhìn cụ một cái, vội bỏ cửa kính xuống, sốt ruột hỏi:
— Trong người ba khó chịu lắm phải không ạ?
— Khó chịu lắm! - Cụ Kröger vênh mặt trả lời.
— Ba nên ăn tí gì và nghỉ một lát - ông tham nói. Để làm cái gì đó, ông ta kéo chiếc đệm da trên đầu gối cụ cho kín hơn.
Khi xe ngựa đang chạy lóc cóc trên phố Burg, bỗng xảy ra một chuyện kinh người. Cách bức tường sừng sững trong bóng tối, khoảng mười mấy bước, xe vừa vượt qua lũ trẻ đang reo hò ầm ĩ giữa đường, thì một hòn đá, bé thôi, bé hơn quả trứng gà, từ ngoài cửa xe đang mở, ném vào. Không biết đứa nào, Krischan, Snut hay Heine Voß, chúng nó không có ác ý gì cả, mà có khi cũng không phải định ném vào xe ngựa. Hòn đá lặng lẽ bay vào cửa xe, rơi đúng ngực cụ Kröger, có cái đệm da dày cộp che kín, rồi lại lặng lẽ lăn từ trên đệm xuống đất.
— Đồ mất dạy! - ông tham bực bội mắng - Tối nay, lũ chúng nó phát điên cả rồi hay sao ấy?... Ba không việc gì chứ ạ?
Cụ Kröger lặng thinh không nói, khiến người khác lo lắng. Trong xe tối om, không trông thấy được nét mặt cụ. Cụ vẫn ngồi thẳng, còn thẳng hơn trước, chứ không tựa lưng vào ghế. Một lát sau, cụ mới chậm rãi, lạnh lùng, mệt nhọc nói một câu, thốt tự đáy lòng:
— Đồ lưu manh!
Ông tham sợ cụ xúc động hơn nữa, nên không trả lời. Xe chạy lóc cóc qua cổng thành, ba phút sau, đến một đường phố rộng thênh thang. Trước mắt đã là dãy hàng rào sắt vây quanh nhà cụ Kröger, phía trên song sắt mạ vàng bóng loáng. Sau cánh cổng là con đường rộng, trồng phi lao, chạy thẳng vào ban công, hai bên cổng thắp hai ngọn đèn có tán mạ vàng, sáng choang. Dưới ánh đèn, ông tham nhìn khuôn mặt bố vợ, bất giác giật mình hoảng hốt. Mặt ông cụ vàng như nghệ, da thịt nhão nhoẹt, nhăn teo. Vẻ ngạo mạn, lạnh lùng thường hiện trên khóe miệng cụ biến đâu mất, bây giờ trông xấu xí, ngớ ngẩn, rũ rượi. Cỗ xe ngựa dừng lại trước bậc tam cấp.
— Đỡ ba một tí! - Cụ Lebrecht Kröger nói, mặc dù lúc đó ông tham xuống trước, đã kéo cái đệm da sang một bên, và đang chìa tay ra định đỡ cụ xuống. Ông tham dìu cụ đi trên con đường rải sỏi mấy bước, tới bậc thềm xây đá trắng, đi thẳng vào phòng ăn. Bỗng cụ khuỵu xuống trước bậc thềm, đầu rũ xuống ngực, đến nỗi hai hàm răng chạm vào nhau, cắc một tiếng. Mắt cụ trợn ngược, không còn tinh thần nữa.
Cụ Lebrecht Kröger, nhà kỵ sĩ rất hợp thời trang ấy, đã về chầu tổ tiên!
Gia Đình Buddenbrook Gia Đình Buddenbrook - Thomas Mann Gia Đình Buddenbrook