The longer you wait for something, the more you appreciate it when you get it, because anything worth having is definitely something worth waiting.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 97
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2349 / 38
Cập nhật: 2017-09-22 09:37:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
Ông tham vội vàng bước qua cái hiên rộng thênh thang trong tòa nhà của mình. Đi đến ngõ vào xưởng bánh mì, ông nghe có tiếng chân người ở phía sau. Quay lại nhìn thì thấy ông Gosch, chuyên nghề môi giới chào hàng, mặc cái áo vừa dài vừa rộng thùng thình, y như người trong tranh vẽ. Ông này cũng đi theo ngõ hẻm ấy, đến hội trường, trông bộ cuống quýt lắm. Thấy ông tham, ông ta đưa cánh tay dài nhẳng ra, cất cái mũ con chiên trên đầu, tay kia làm một động tác rất duyên dáng để tỏ lòng tôn kính, rồi nói giọng khàn khàn:
— Ông tham..., xin chào ông!
Ông Siegismund Gosch trạc tứ tuần, sống độc thân, cử chỉ có vẻ lập dị, nhưng lại là người thật thà, lương thiện nhất thế giới! Ông ta thích văn học lắm, đầu óc lúc nào cũng có những ý nghĩ lạ lùng, độc đáo. Trên khuôn mặt cạo nhẵn thín của ông ta, người ta chú ý nhất là cái mũi diều hâu, cái cằm nhọn hoắt nhô ra phía trước, lưỡng quyền cao và cái miệng rộng tòe loe, hai khóe xệch xuống. Lúc nào ông ta cũng mím chặt đôi môi mỏng dính, cố làm ra vẻ thần bí, hiểm độc. Ông ta muốn đóng vai một người yêu ma quỷ quái, vừa tàn bạo, vừa đẹp đẽ, một thứ nhân vật nham hiểm, độc địa, nửa Mephistopheles[81] nửa Napoleon, lý thú mà đáng sợ. Thực ra thì ông ta đóng cũng cừ lắm... Mái tóc hoa râm của ông ta buồn bã xõa xuống trước trán. Ông ta lấy làm tiếc là trời không sinh ra ông ta gù lưng một chút. Tóm lại, trong những người có tuổi của giới thương gia thành phố, ông ta là một người kỳ dị nhưng lại đáng yêu. Ông ta là một thành viên của họ, tuy chỉ mở hiệu đại lý nho nhỏ, nhưng vững vàng và rất được người khác kính nể. Nếu nhìn theo con mắt người thị dân thì hiệu ấy cũng vào loại làm ăn đứng đắn, không có gì phải xấu hổ. Mặt khác, trong căn phòng chật chội, tối mò mò của ông ta, bày một cái tủ sách lớn, có nhiều tập thơ đủ các thứ tiếng. Người ta còn đồn đại rằng, hồi hai mươi tuổi, ông ta đã chúi mũi chúi lái dịch hết các vở kịch của Lope de Vegas[82]. Trong một lần diễn nghiệp dư vở Don Carlos của Schiller[83], ông ta đóng vai Domingo. Có thể nói, việc ấy là đỉnh cao nhất trong đời ông ta. Xưa nay ông ta chưa hề thốt ra những lời lẽ tầm thường, dù là khi giao dịch buôn bán, không thể không dùng đến. Ông ta chỉ nghiến chặt răng lại, mặt méo xệch, như muốn nói: “Mày là thằng tồi! Ta sẽ đào mả ông tổ nhà mày lên bây giờ!”. Về nhiều phương diện, ông ta là kẻ kế thừa và là đồ đệ của cụ Jean Jacques Hoffstede đã qua đời, chỉ khác là ông ta bẩm sinh âu sầu hơn, và có thiện cảm hơn, không hay khôi hài đùa cợt như ông bạn của cụ Johann Buddenbrook trước kia. Có một lần, ông ta muốn đầu cơ, bỏ ra sáu thaler rưỡi mua hai ba tờ cổ phiếu, trong chốc lát, số tiền ấy đi đời nhà may ngay ở Sở giao dịch. Bấy giờ, ông ta đang mê kịch; ông ta ngồi phịch xuống một chiếc ghế, đóng vai một người vừa bại trận to, nắm tay để trước trán, trợn mắt, miệng nói liên hồi, oán trời oán đất: “Mẹ kiếp! Mẹ kiếp!...” Những khoản tiền lời chắc chắn mà ít ỏi kiếm được trong việc mua bán các lô đất xây nhà làm ông ta chán ngấy, trái lại, lần này ông trời làm hại một người gian xảo như ông ta đến nỗi mất vốn, nhưng ông ta lại cảm thấy là một dịp hưởng thụ, một dịp may, nhớ đời! Hễ có người hỏi: “Ông Gosch! Nghe nói ông gặp chuyện không may, thành thực xin chia buồn cùng ông...”, bao giờ ông ta cũng trả lời: “Ái chà chà! Ông bạn thân mến của tôi ơi! Người nào suốt đời chưa biết đau khổ là gì, thì vẫn là một đứa trẻ thơ dại mà thôi![84]”. Câu nói đó, chưa chắc đã có người hiểu ra. Chắc lại trích trong tác phẩm của Lope de Vegas cũng nên. Điều khẳng định được là cái ông Gosch này quả là một người học vấn uyên thâm, đáng được nhìn với con mắt khác.
— Thời đại chúng ta đang sống ấy à! - Ông ta khom khom lưng, chống ba-toong, vừa đi cạnh ông tham Buddenbrook vừa nói - một thời đại đầy phong ba bão táp!
— Ông nói rất đúng, - Ông tham trả lời - Không có gì ổn định cả. Đến dự cuộc họp hôm nay, người nào tinh thần cũng căng thẳng, xúc động. Nguyên tắc đẳng cấp trong luật bầu cử...
— Không, ông hãy nghe tôi nói đây này! - Ông Gosch nói tiếp - Tôi ở ngoài phố suốt ngày, tôi để ý quan sát bọn dân đen, thấy bọn họ có nhiều thằng còn non choẹt mà hung hăng đáo để, ánh mắt đầy thù hằn...
Ông Johann Buddenbrook cười:
— Ông thật thà quá đấy, ông bạn ạ! Hình như là ông cho chúng làm như thế ghê gớm lắm phải không? Không, ông nghe tôi nói đây này: trò đùa tất! Chúng nó muốn gì nào? Mấy thằng ranh con mất dạy, chỉ nhân dịp này làm loạn đấy thôi!
— Tất nhiên rồi! Có điều chúng ta không thể phủ nhận rằng... Khi anh hàng thịt Berkemeyer lấy đá ném vào cửa kính nhà ông Benthien, có tôi ở đấy... tôi thấy anh ta y hệt một chú báo con, trông dũng mãnh lắm! - Chữ cuối cùng, ông ta nghiến chặt răng cho nó bật ra, rồi lại nói tiếp - Phải, chúng ta không thể phủ nhận rằng việc này cũng có cái mặt cao cả của nó! Ông biết đấy, ít ra thì cũng là một việc mới lạ, một việc không bình thường. Bạo lực thô lỗ, phong ba bão táp... ôi chao ôi, bọn dân đen có biết gì đâu cơ chứ! Cái đó thì to rõ quá! Nhưng lòng tôi, trái tim tôi lại đập nhịp với bọn họ...
Hai người đã đi đến trước ngôi nhà bình thường, quét vôi vàng. Hội nghị các đại biểu thị dân họp ở tầng dưới.
Ngôi nhà này vốn của bà quả phụ Suerkringel mở bán rượu bia và làm phòng nhảy, nhưng cũng có lúc các ông ấy mượn làm địa điểm hội nghị. Một dãy hành lang chật hẹp, lát bằng đá tấm, bên phải là một quán ăn sực nức mùi bia và hương vị các món ăn. Mọi người đi qua cái cửa ván sơn màu xanh lá cây bên phải, bước vào một căn phòng rộng lớn. Cửa này vừa hẹp vừa thấp, không có khóa, cũng không có tay nắm, chẳng ai có thể ngờ phía sau cửa lại là một căn phòng rộng lớn như thế. Căn phòng trống trải, tối om và lạnh lẽo giống như một kho thóc, trần sơn trắng, xà nhà lòi ra ngoài, bốn bức tường xung quanh cũng quét vôi trắng. Ba khung cửa sổ khá lớn, sơn màu xanh lá cây, không có rèm che. Đối diện với cửa sổ, từng dãy ghế ngồi cứ kê cao dần lên như một rạp hát hình tròn. Phía dưới cùng là bàn dành cho chủ tọa, thư ký và các vị lên phát biểu ý kiến. Bàn trải khăn màu xanh lá cây, để các thứ: một cái chuông con, giấy tờ, bút mực. Ở bức tường đối diện cửa ra vào, đóng rất nhiều giá mắc áo đã treo đầy áo ngoài và mũ.
Ông tham và ông Gosch đi qua cái cửa nhỏ vào căn phòng ấy; tiếng người nói vọng ra ồn ào. Rõ ràng họ đến muộn nhất! Bên trong, các vị đại biểu đã đứng chật ních, có kẻ tay đút túi quần, có kẻ chắp lại đằng sau lưng, cũng có người giơ lên vung vẩy. Họ đứng tụm năm tụm ba tranh luận với nhau sôi nổi. Trong số một trăm hai mươi vị đại biểu, ít ra có khoảng một trăm vị đến họp. Bởi vì tình hình đang lộn xộn, nên các vị đại biểu khu vực nông thôn phải ở nhà.
Mấy người địa vị thấp kém thì đứng gần cửa, hai ba ông chủ hiệu buôn nhỏ, một ông giáo trung học, ông Mindermann, coi trại mồ côi, và ông Wenzel, thợ cắt tóc, có số đỏ. Ông ta người nhỏ bé nhưng khỏe mạnh, để bộ râu đen sì, mặt mũi rất thông minh, hai bàn tay hồng hào. Sáng nay, ông ta còn cạo râu cho ông tham, nhưng ở đây thì bình đẳng như nhau cả. Hình như ông ta chỉ cắt tóc cạo mặt cho những người giàu sang, như các ông Överdieck mà thôi. Vì ông ta thông thạo mọi việc trong thành phố lại tháo vát, nhanh nhẹn, nên mặc dù thuộc tầng lớp thấp hèn, ông ta vẫn biết tự trọng, và được bầu làm đại biểu thị dân.
— Ông tham đã biết tin mới nhất chưa đấy ạ?
Ông ta đưa mắt nhìn nghiêm trang rồi niềm nở chào hỏi người khách hàng của mình.
— Có tin gì mới thế, hả ông Wenzel thân mến?
— Sáng nay chưa một ai biết cả. Xin cho tôi được phép báo cáo với ông tham. Những người ấy, họ không đến trước Nghị viện, cũng không đi ra chợ! Họ sẽ đến đây để uy hiếp hội nghị đại biểu. Tin này do ông nhà báo Rübsam mò được đấy...
— Hừ, không thể thế được! - Ông tham nói. Ông chen qua đám người đứng ngoài cùng, đi vào giữa phòng họp, trông thấy bố vợ, ông tiến sĩ Langhals và ông James Möllendorpf đang đứng đấy - Có phải đúng như thế không hả các vị? - Ông ta vừa bắt tay vừa hỏi.
Thực ra, trong hội trường chỗ nào cũng đang bàn tán chuyện đó, đám người ồn ào đang đi vào cũng nghe rõ.
— Bọn lưu manh!
Cụ Lebrecht Kröger nói giọng khinh bỉ. Cụ ngồi xe ngựa đến. Năm nay cụ đã tám mươi nên cái thân hình cao lớn, hiên ngang, có phong độ một kỵ sĩ, nay đã lòm khòm. Nhưng hôm nay cụ đứng thẳng, mắt híp lại, khóe miệng xệ xuống, vẻ ngạo mạn không thèm chấp, bộ râu trắng trên miệng vểnh ngược lại. Hai dãy khuy bằng đá quý lấp lánh trên cái áo gi-lê nhung màu đen...
Ông Hinrich Hagenström đứng cách những người này không xa mấy. Ông ta người lùn béo, bộ râu màu hung đã bắt đầu bạc, trên chiếc gi-lê ca rô đỏ và cái áo ngoài để hở phanh bụng, đeo dây đồng hồ nặng chình chịch. Ông ta đứng với ông Strunck, người cùng góp cổ phần với ông ta, không chào hỏi gì ông tham cả.
Xa hơn nữa là ông chủ hiệu vải Benthien, một người trông tưởng phải giàu có lắm. Ông ta đang kể tỉ mỉ cho những người đứng xung quanh nghe chuyện cửa kính nhà ông ta bị ném vỡ như thế nào.
— Một hòn đá bằng nửa viên gạch to tướng, các vị ạ! Choang một tiếng, bỗng rơi xuống cuộn vải ca rô màu xanh lá cây! Quân khốn kiếp!
Hừ, để xem xem bây giờ ông Chính phủ xử trí thế nào?
Ông Stuht ở phố Đúc chuông đứng trong góc đang nói gì thao thao bất tuyệt. Ông ta khoác áo bành-tô đen ngoài cái áo lông cừu, tranh cãi sôi nổi, chỉ nghe ông nói đi nói lại, giọng bực bội vô cùng: “Một hành động bỉ ởi, chưa bao giờ thấy!”. Chữ “bỉ ổi” ông ta nói thành “bỉ ởi”[85].
Ông Johann Buddenbrook đi khắp một vòng, ở chỗ này ông chào hỏi ông bạn cũ C. F. Köppen, ở chỗ kia ông chào hỏi ông tham Kistenmaker, đối thủ cạnh tranh của ông Köppen. Ông lại bắt tay bác sĩ Grabow, và trao đổi qua loa một vài câu với ông đội trưởng đội cứu hỏa Gieseke, kiến trúc sư Voigt, tiến sĩ chủ tịch Langhals (em ông nghị Langhals) và một số thương gia, giáo viên, luật sư.
Hội nghị vẫn chưa bắt đầu nhưng mọi người đã tranh luận với nhau rất sôi nổi. Ai nấy đều nguyền rủa cái ông nhà văn, nhà báo Rübsam vô công rồi nghề kia. Ai cũng biết ông ta xúi giục bọn chúng nó. Rốt cục ông ta muốn cái gì? Mọi người tụ tập ở đây để quyết định bầu đại biểu nhân dân, theo nguyên tắc đẳng cấp, hay áp dụng chế độ bầu cử phổ thông bình đẳng. Nghị viện đã đề nghị theo biện pháp sau. Nhưng nhân dân muốn gì nào? Họ muốn nắm lấy cổ những người tai to mặt lớn giúi xuống đất, chỉ thế mà thôi! Mẹ kiếp! Các vị chưa bao giờ gặp phải cảnh khốn đốn như hôm nay! Mọi người vây lấy các ông nghị, thăm dò ý kiến. Họ vây lấy ông tham Buddenbrook, vì họ nghĩ thế nào ông Buddenbrook cũng biết thái độ của ông thị trưởng Överdieck về việc này. Từ năm ngoái, sau khi ông nghị Överdieck, anh họ ông tham Justus Kröger, được bầu làm chủ tịch nghị viện, theo con mắt mọi người, uy tín của ông Buddenbrook cũng lên, vì gia đình ông ta có họ hàng với ông thị trưởng.
Bỗng có tiếng inh ỏi ngoài cửa... Cách mạng đã tràn đến dưới cửa sổ phòng họp rồi! Trong nhà, người ta đang trao đổi ý kiến ồn ào, cũng im bặt ngay lập tức. Ai nấy hoảng sợ để tay lên bụng, đưa mắt nhìn nhau. Có người dòm ra ngoài cửa sổ, thấy những nắm tay vung lên trên không. Tiếng gào thét long trời lở đất lại vang dậy. Nhưng thật bất ngờ, một lát sau hầu như những người bạo động đó khiếp sợ hành động của chính họ nên ở phía ngoài đường cũng im bặt như ở bên trong phòng. Giữa lúc không có một tiếng động đó, gần dãy ghế dưới cùng, nơi cụ Lebrecht Kröger ngồi, có người nói “đồ lưu manh”, nghe rất rõ. Giọng nói bình tĩnh, thong thả, nặng nề đó phá vỡ cảnh tĩnh mịch xung quanh.
Trong góc, một giọng nói ồ ồ, giận dữ gào lên:
— Hành động bỉ ởi, chưa bao giờ có!
Tiếp đó, ông chủ hiệu vải Benthien thầm thì điều gì có vẻ bí mật lắm, giọng gấp gấp run run:
— Các vị ơi! Các vị ơi! Các vị nghe tôi nói đây này! Tôi biết ngôi nhà này... trên trần có một cái cửa ngầm... lúc nhỏ tôi đã rình đánh mèo ở đây... Leo qua cái cửa ấy có thể lên nóc nhà bên cạnh, trốn thoát an toàn...
— Thế thì hèn nhát, nhục nhã quá!
Ông Gosch, làm nghề môi giới chào hàng, rít lên qua kẽ răng. Ông ta bắt tréo tay đứng tựa vào bàn chủ tọa, cúi đầu xuống, mắt lấm lét nhìn ra ngoài cửa sổ.
— Hèn nhát hả ông? Như vậy sao có thể bảo là hèn nhát được? Trời có mắt... Chúng nó đang ném đá! Tôi đã được nếm mùi rồi!
Tiếng ồn ào ở phía ngoài lại dội lên nhưng không phải là gào thét ầm ĩ theo kiểu phong ba bão táp như lúc đầu nữa, mà ngân vang bình tĩnh, liên tục, nghe như tiếng hát chầm chậm, có thể nói là vui thích, trong đó xen vài ba tiếng huýt sáo và tiếng hô riêng rẽ, như “nguyên tắc”, “quyền thị dân”, vân vân. Các vị đại biểu chăm chú lắng nghe.
— Thưa các vị đại biểu - Một lát sau, ông tiến sĩ chủ tịch Langhals, nói với những người có mặt trong phòng họp, giọng trầm trầm - Xin các vị cho phép tôi được tuyên bố khai mạc hội nghị...
Giọng ông chủ tịch nghe rất uyển chuyển nhưng các vị đại biểu không ai tỏ ra ủng hộ ông ta tí nào cả!
— Khai mạc hội nghị làm cái gì cơ chứ?
Một người nói thẳng thừng, giọng cứng cỏi, như không cho phép người khác phản đối lại. Ông ta tên là Pfahl, trông có vẻ quê mùa, từ vùng nông thôn Ritzerauer đến, đại biểu thôn Schretstaken. Không ai còn nhớ ông ta đã từng phát biểu những gì trong các lần họp trước, nhưng trong hoàn cảnh này, ngay cả ý kiến của những người chất phác nhất cũng có trọng lượng... Ông Pfahl không chút sợ hãi, chỉ dựa vào kiến giải chính trị bẩm sinh của mình mà nói lên ý kiến của toàn thể đại biểu.
— Cầu Chúa phù hộ cho chúng ta! - Ông Benthien nói, giọng lo lắng - Đứng ngoài có thể nhìn thấy dãy ghế trên cùng. Chúng nó sẽ ném đá! Chao ôi, ông trời có mắt! Tôi đã được nếm mùi rồi...
— Cái cửa khốn nạn này chật quá! - Ông Köppen chủ hiệu rượu, nói giọng đầy tuyệt vọng. Nếu chúng ta mà muốn đi ra thì nhất định phải đi thành tốp, nhất định phải đi thành tốp!
— Thật là bỉ ởi, chưa bao giờ thấy cả... - Ông Stuht nói, giọng ồ ồ.
— Thưa các vị đại biểu! - Ông chủ tịch lại gào lên một lần nữa - Đề nghị các vị cho phép tôi được phát biểu... Thế nào trong ba ngày, tôi cũng phải chỉnh lý lại biên bản giao cho ngài thị trưởng... Lại nữa, dân chúng trong thành phố đang chờ kết quả hội nghị lần này in ra và công bố. Rốt cục, hôm nay có họp hay không, ít ra tôi cũng mong các vị biểu quyết cho...
Nhưng ngoài một số ít đại biểu tán thành ý kiến của ông chủ tịch, không một ai chuẩn bị tham gia thảo luận chương trình hội nghị cả. Xem ra biểu quyết theo cách bỏ phiếu, không có kết quả gì. Không nên kích động quần chúng bên ngoài nữa. Chẳng ai hiểu nổi họ muốn gì. Không nên thông qua nghị quyết gì cả - dù là theo phương thức nào - làm cho họ bực bội thêm. Chỉ có chờ đợi, bình tĩnh mà chờ đợi.
Chuông nhà thờ Sankt Marien điểm bốn giờ rưỡi.
Họ đều công nhận với nhau rằng lúc này biện pháp tốt nhất là chịu khó chờ đợi. Mọi người đã quen dần với tiếng ồn ào bên ngoài, những âm thanh đó lúc vang lên, lúc chìm xuống, lúc im bặt rồi lại trở nên inh ỏi. Ai nấy đã bắt đầu yên tĩnh, muốn duỗi người ra cho thoải mái một chút. Thế là có người ngồi xuống đất, có người ngồi trên ghế. Bản năng hoạt động của những người công dân cần cù, chăm chỉ này lại bắt đầu sôi nổi... Đây đó bắt đầu bàn đến chuyện mua bán, có chỗ họ đã thỏa thuận với nhau một số công việc. Những người làm nghề môi giới chào hàng bắt đầu xúm lại gần mấy thương gia lớn... Các vị bị bao vây ở đây tuy đang nói đến chuyện khác, nhưng như những người bị một trận mưa to giữ chân lại, thỉnh thoảng họ nghiêm nét mặt, lắng nghe tiếng sấm sét bên ngoài. Năm giờ, năm rưỡi, màn đêm lặng lẽ buông xuống. Lâu lâu có người than thở nói rằng vợ đang chờ về uống cà phê. Nghe vậy, ông Benthien lại nhắc đến cái cửa ngầm. Nhưng ý kiến của số đông các vị đại biểu cũng như của ông Stuht; ông ta không chịu được nữa, lắc đầu nói:
— Loại cửa ấy không phải làm cho những người phì nộn như chúng ta đâu!
Ông tham Buddenbrook nhớ lời vợ dặn, cứ đứng cạnh ông bố vợ.
Ông nói với ông cụ:
— Xin ba đừng bận tâm đến cái chuyện rắc rối vặt vãnh này!
Nói xong, ông tỏ vẻ lo lắng.
Trên vầng trán có bộ tóc giả màu trắng của cụ Lebrecht Kröger, nổi bật hai đường gân xanh, rõ ràng cụ đang sốt ruột lắm. Bàn tay gầy guộc của cụ mân mê hàng khuy bằng đá quý màu lòng trắng trứng đính trên áo gi-lê, còn bàn tay có đeo chiếc nhẫn kim cương thì để trên đầu gối, run run.
— Hoang đường hết sức, anh Buddenbrook ạ! - Giọng cụ mệt mỏi lắm rồi - Tôi có cảm giác như muốn ngạt thở. - Nhưng rồi cụ không thốt ra những lời vu vơ nữa, bỗng cụ nghiến chặt hàm răng, nói - Trời ơi[86]! Thế nào cũng phải dùng đạn chì thuốc nổ trừng trị bọn côn đồ bẩn thỉu này mới được, để cho chúng biết thế nào gọi là tôn kính... Quân côn đồ... quân lưu manh!...
Ông tham khuyên giải qua quýt:
— Phải, phải... Ba nói đúng đấy... thật là một màn hài kịch không ra thể thống gì cả... Nhưng còn cách nào khác nữa? Nhất định phải biết ngồi làm thinh. Trời tối rồi, chúng nó sẽ đi ngay thôi...
— Xe ngựa tôi đâu?... Gọi xe ngựa đến ngay cho tôi - cụ Lebrecht Kröger bực bội nói, cụ không kìm được cơn giận, người run lật bật - Tôi bảo nó năm giờ đến!... Xe của tôi đâu?... Hội nghị không họp... ở đây làm gì?... Tôi không muốn người ta đùa giỡn tôi... xe tôi đâu? Hay là có đứa nào bắt nạt tên xà ích của tôi? Anh đi ra xem xem!
— Ba thân yêu, ba hãy nhìn lên mặt Chúa, xin ba bình tĩnh một chút! Ba xúc động quá... Như vậy không có lợi cho sức khỏe của ba! Tất nhiên là... con sẽ đi tìm xem xe ngựa của ba ở đâu. Chính con cũng chán ngấy cái cảnh này lắm rồi! Con muốn nói với chúng nó, để chúng nó cút về nhà đi!
Tuy cụ Lebrecht Kröger tỏ vẻ không bằng lòng, nói giọng lạnh nhạt, khinh miệt như ra lệnh: “Đứng ở đây thôi! Anh không nên hạ thấp tư cách của anh, anh Buddenbrook ạ!”. Nhưng ông tham vẫn bước nhanh qua căn phòng rộng lớn.
Khi ông ta đến cạnh cái cửa sổ nhỏ bé sơn màu xanh lá cây, ông Siegismund Gosch đuổi theo ông, giơ cánh tay gầy guộc nắm lấy vai, hỏi khẽ, giọng nghe sởn tóc gáy:
— Ông đi đâu thế, ông tham?
Khuôn mặt người môi giới chào hàng này có vô số nếp nhăn sâu hoắm, trông có vẻ kiên nghị, không coi chuyện sống chết ra mùi mẽ gì, cái cằm nhọn hoắt hầu như chổng ngược lên đến mũi, mái tóc màu tro trùm xuống trán và thái dương. Ông ta rụt cổ lại, lúc này ông ta giống như người tàn tật. Ông ta nói giọng khản đặc:
— Ông xem, tôi quyết ra nói chuyện với chúng nó đây!
Ông tham nói:
— Không, ông để tôi đi cho, ông Gosch! Có lẽ tôi quen mặt khá nhiều đứa trong bọn chúng nó hơn ông!
— Chắc là như vậy! - Người môi giới chào hàng nói ồ ồ - Ông tai to mặt lớn hơn tôi, - rồi tiếp tục nói to - nhưng tôi phải đi theo ông, tôi phải đứng cạnh ông, ông tham Buddenbrook ạ! Hãy để cho bọn nô lệ làm loạn ấy trút hết mọi bực tức lên người tôi đây!
— Hừ! Ngày hôm nay, tối hôm nay! - Khi đi ra ngoài ông ta cứ lẩm bẩm một mình... rõ ràng xưa nay chưa bao giờ ông ta cảm thấy hạnh phúc như hôm nay - Ông tham! Chúng nó ở đấy kìa!
Hai người đi qua hành lang đến cổng, bước ra vỉa hè có ba bậc lên xuống chật hẹp. Họ đứng ở bậc thứ hai. Cảnh tượng ngoài đường phố quả thật là kỳ lạ. Đường sá vắng tanh vắng ngắt. Phía sau các khuôn cửa sổ mở to, những ngôi nhà xung quanh lấp lánh ánh đèn. Bóng người lấp ló. Họ là những kẻ tò mò đang chăm chú nhìn đám quần chúng nổi loạn, đen ngòm một cục, tập hợp trước căn phòng lớn của các vị đại biểu thị dân. Số người nổi loạn ít hơn người có mặt trong phòng họp, họ là những thợ thuyền trẻ tuổi làm ở các bến tàu hoặc ở các kho hàng, phu khuân vác, học sinh trung học, thủy thủ trên các thuyền buôn và một số người ở trong những căn nhà dột nát tại các ngõ hẻm. Cũng có ba bốn người đàn bà, chắc chắn họ muốn kiếm chác cái gì trong vụ này, như chị nấu bếp ở nhà ông Buddenbrook. Có mấy người tham gia nổi loạn đứng lâu, mỏi, ngồi xuống vỉa hè nhai bánh mì, hai chân buông thõng xuống cái rãnh cạnh đó.
Khoảng gần sáu giờ, trời tối lắm rồi nhưng ngọn đèn dầu treo trên sợi dây xích đầu đường vẫn chưa thắp. Hiện tượng quấy rối trật tự an ninh một cách công khai xưa nay chưa hề có này đã làm cho ông tham Buddenbrook vô cùng bực bội. Giọng nói có vẻ ngạo mạn và bực dọc của ông lúc bắt đầu chính là kết quả của sự thể đó.
— Các anh, các anh làm chuyện gì ngu ngốc thế kia hử!
Những người đứng trên vỉa hè ăn tối, nhảy dậy. Những người đứng sau và những người đứng phía ngoài đường cái kiễng chân lên. Mấy anh công nhân bến tàu làm việc cho ông tham bỏ mũ xuống. Tất cả đều chú ý lắng nghe, có người huých vào sườn người bên cạnh, nói khẽ:
— Ông tham Buddenbrook! Ông tham muốn nói chuyện đấy!
Krischan! Im lặng! Ông nổi nóng thì chết đấy!... Kìa là ông Gosch, làm nghề môi giới chào hàng! Xem kìa! Trông giống như con khỉ! Ông ta hâm hấp có phải không?
— Anh Corl Smolt! - Ông tham bắt đầu nói lại, hai con mắt ti hí, sâu hoắm của ông chăm chú nhìn một anh công nhân, chân vòng kiềng, khoảng hăm ba tuổi, làm ở kho hàng. Anh ta cầm mũ ở tay, miệng ngậm bánh mì, đứng trước bậc tam cấp - Anh thử nói đi nghe nào, anh Corl Smolt! Đến giờ rồi đấy, các anh đứng đây làm ồn cả một buổi chiều rồi!
— Phải đấy, ông tham ạ!... - Corl Smolt vừa nhai bánh mì nhồm nhoàm, vừa nói - Đúng như thế đấy! Xin nói thực là... chúng tôi đang làm cách mạng!
— Thật là vớ vẩn, anh Smolt ạ!
— Vâng. Ông tham nói vậy chứ chúng tôi thấy rằng... chúng tôi bất mãn với cách tổ chức cuộc sống như thế này... Chúng tôi đòi có một chế độ khác. Những cái cũ rích trước kia không được việc nữa!
— Anh Smolt và các anh kia, nghe tôi nói đây này! Ai biết suy nghĩ thì hãy về nhà đi! Đừng có làm cách mạng gì gì quấy rối trật tự an ninh xã hội nữa!
— Một thứ trật tự vô cùng thiêng liêng!
Ông Gosch rít lên mấy tiếng đó qua kẽ răng.
— Tôi nói một lần nữa, các anh không nên quấy rối trật tự an ninh xã hội! - Ông tham Buddenbrook nói như đinh đóng cột - Đến đèn đuốc cũng không có người thắp! Các anh làm cách mạng chẳng ra cái thá gì cả!
Nhưng Corl Smolt chỉ nuốt miếng bánh mì trong mồm ực một cái.
Anh ta đứng ở hàng đầu, hai chân bắt tréo, đang định cãi lại:
— Vâng, ông tham nói vậy thì nghe vậy, còn chúng tôi thì chúng tôi phản đối cái chế độ bầu cử...
— Trời ơi, anh ngốc quá! - Ông tham gào lên, giận quên không nói tiếng địa phương nữa... - Anh nói chẳng nhằm gì cả...
— Vâng, thưa ông tham, - Corl Smolt nói, giọng run run - Như thế này cũng đã khá rồi đấy, nhưng nhất định vẫn phải làm cách mạng! Ở đâu người ta cũng đang làm cách mạng, ở Berlin, hay ở Paris cũng vậy thôi!
— Anh Smolt, vậy thì các anh muốn cái gì? Anh thử nói xem nào?
— Vâng, thưa ông tham, tôi xin thử nói xem: Chúng tôi muốn có một nước cộng hòa...
— Các anh toàn là đồ ngốc! Các anh đã có nước cộng hòa rồi đấy còn gì!
— Vâng, thưa ông tham, chúng tôi muốn có thêm một cái nữa.
Trong số những người đứng xung quanh, có một vài người không biết cái đó là cái gì, cười ồ lên. Tuy không mấy ai nghe rõ lời Corl Smolt nói, nhưng tiếng cười đó vẫn lan rất nhanh, cho đến khi các tín đồ của chính thể cộng hòa đều mặt mày hớn hở, cười ha hả. Nhiều vị đại biểu, tay cầm cốc bia, ló bộ mặt tò mò ra trước cửa sổ phòng họp. Trước sự thay đổi đột ngột đó, người duy nhất cảm thấy thất vọng và đau khổ chính là ông Siegismund Gosch.
— Thôi được, riêng các anh - Cuối cùng ông tham Buddenbrook nói - theo tôi thì, tốt nhất là bây giờ các anh hãy về nhà đi đã!
Trước tình hình bất ngờ như thế, Corl Smolt ngơ ngác, đứng ngẩn người ra, trả lời:
— Vâng, thưa ông tham, thì hãy cứ làm như vậy! Mọi việc sẽ lắng dịu đi thôi. Tôi rất vui là ông không quở trách gì tôi cả. Xin chào ông tham! Đám đông bắt đầu tản ra, ai nấy thấy nhẹ nhõm trong lòng.
— Anh Smolt, anh chờ một lát! - Ông tham gọi to - Anh có thấy cỗ xe ngựa của cụ Kröger ở đâu không? Cỗ xe bốn bánh ở ngoại ô ấy mà?
— Thưa ông, có trông thấy ạ! Cỗ xe ấy đến rồi. Nó đang chờ ở bãi đất đằng kia kìa!
— Hay lắm! Vậy thì anh chạy đến bảo Jochen đánh lại ngay. Cụ chủ muốn về đấy!
— Thưa ông, vâng!
Corl Smolt chụp mũ lên đầu, kéo cái vành chiếc mũ da xuống tận mắt, lảo đảo bước nhanh ra phố.
Gia Đình Buddenbrook Gia Đình Buddenbrook - Thomas Mann Gia Đình Buddenbrook