There's nothing to match curling up with a good book when there's a repair job to be done around the house.

Joe Ryan

 
 
 
 
 
Tác giả: Leslie T.Chang
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: khoa tran
Upload bìa: Son Le
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4104 / 165
Cập nhật: 2014-12-04 15:47:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
hương 13: Tình yêu và tiền bạc
Cuộc sống của Mẫn chẳng có gì khiến cô vừa lòng kể từ khi cô quay lại chỗ làm sau chuyến về thăm nhà nhân dịp năm mới. Cô chẳng học được điều gì mới mẻ trong công việc, và lương cô vẫn thấp. Cô có thể thấy được vị trí của mình tồi tệ như thế nào khi so sánh với những người khác: bởi vì cô làm việc ở phòng nhân sự, cô biết được những người khác trong nhà máy kiếm được bao nhiêu tiền. Và cô cũng không hài lòng với bạn trai. Là một trợ lý ở khu vực sản xuất, A Kiệt kiếm được hơn Mẫn mỗi tháng ba trăm nhân dân tệ, nhưng công việc của anh ta đã đi đến đường cùng. Anh ta chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở, một sự thật mà từ trước đến nay Mẫn chưa đề cập đến. Có một lần anh ta gợi ý cô đi theo anh ta đến Bắc Kinh, nơi anh có thể kiếm được chân bảo vệ. Cô bác bỏ lời đề nghị ấy. "Người ta coi thường nghề bảo vệ," cô kể với tôi. "Thậm chí nghề đó còn thấp cấp hơn là một công nhân bình thường."
Tính e thẹn của A Kiệt, một đặc điểm phổ biến ở nông thôn, trở thành điều gây khó khăn trở ngại. Trong một bữa tối với bạn của Mẫn từ hồi ở nhà máy cũ, Lâm Gia, và hai chị gái của cô, A Kiệt không nói một lời nào trong suốt bữa ăn. Sau đó Lâm Gia gửi lời nhận xét cho Mẫn qua tin nhắn đi động: Tớ vừa nói chuyện với các chị và mọi người đều cho rằng anh ta quá yếu đuối. Anh ta không xứng với cậu. Từ Trường Sa, nơi chị Quế Mẫn của cô tìm được việc làm bán hàng cho một ngân hàng, chị ấy đổ thêm đầu vào lửa: Trong xã hội này, người quá hiền lành thì không thể tồn tại được.
Mẫn lo lắng rằng sự thiếu tham vọng của A Kiệt đã làm ảnh hưởng đến cô. "Từ khi hẹn hò với anh ấy, tôi chẳng học hành gì cả," cô phàn nàn. "Tôi không thể cứ tiếp tục vui chơi như thế này mãi được. Nếu cứ như thế này một vài năm nữa, thì cả đời tôi cũng sẽ như vậy." A Kiệt có lý đo để yên tâm về tình trạng hiện tại của anh ta. Hai phần ba công nhân và tất cả các ông chủ trong nhà máy đều quê ở Hồ Nam, quê nhà của anh. Anh ta có nhiều bạn ở chỗ làm, trong khi Mẫn lại cô đơn hơn bao giờ hết kể từ khi chị cô đi khỏi. Cô không có bạn trong nhà máy, cách lựa chọn có chủ ý của cô. "Nếu bạn trở nên thân thiết với ai đó," cô nói, "sẽ dễ dàng hơn cho họ khi phản bội bạn."
TRONG MỘT THỜI GIAN ĐÀI, tôi không biết nhiều về nhà máy nơi Mẫn làm việc. Nhà máy này thuộc sở hữu của Hồng Kông, sản xuất túi xách - đó là tất cả những gì cô nói. Trên chuyến đi tàu về quê cô, cô đã làm tôi ngạc nhiên với món quà năm mới của mình: ví đựng tiền lẻ của Coach, với logo chữ C viết hoa là biểu tượng của công ty, mép ví viền da tuyết nhung màu nâu. Tôi cho đó là đồ nhái, giống như rất nhiều thứ ở Đông Quản. Chỉ tình cờ tôi mới biết rằng nhà máy của Mẫn sản xuất túi xách cho một vài thương hiệu nổi tiếng nhất trong ngành kinh doanh đó: Coach, LeSportsac, Dooney & Bourke, Lacoste. Vì vậy cái ví cô tặng tôi là đồ hiệu thật sự - nó phải có giá khoảng năm mươi đô la khi được bày bán ở Mỹ.
Một đêm sau khi Mẫn đã quay trở lại Đông Quản, tôi hỏi cô và A Kiệt bằng cách nào mà họ có được những chiếc túi đó. "Nếu chị là bạn của những người bảo vệ, chị có thể đem túi xách ra khỏi nhà máy," A Kiệt nói.
"Nghĩa là các anh ăn cắp túi à?" Tôi hỏi.
"Chúng tôi làm việc ở khu vực sản xuất," A Kiệt nói, một cách thản nhiên. "Nếu dây chuyền sản xuất đã hoàn thành một đơn đặt hàng, chúng tôi có thể yêu cầu họ làm thêm một vài cái túi nữa. Rồi nếu kết bạn được với những người bảo vệ, bạn có thể mang túi ra ngoài."
"Nhà máy không quan tâm đến việc này à?" Tôi hỏi.
Anh ta nhún vai. "Chỉ cần chúng tôi hoàn thành đơn đặt hàng, họ không quan tâm nữa."
"Tôi mới đem một cái túi xách ra khỏi nhà máy hôm nay," A Kiệt tiếp tục. "Giá của nó là hai trăm đô la Mỹ. Chị có thích không? Sao chị không đến xem thử nhỉ?"
Tôi vội nói mình không cần túi xách. "Anh nên đem làm quà cho mẹ anh thì hơn,' tôi nói.
"Mẹ anh ấy sống ở nông thôn," Mẫn nói. "Bà biết làm gì với một cái túi xách kia chứ?"
Phòng ở của Mẫn và A Kiệt ngập trong các loại túi Coach: một chiếc ví với chữ C hoa trang trí, một chiếc ví đa màu đen với chỉ khâu màu tương phản, một chiếc xắc tay xinh xắn bằng da tuyết nhung màu đỏ tía - "Đùng để đựng đồ trang điểm," Mẫn mạo muội nói. Ở một trong những chiếc túi tôi tìm thấy một tấm thẻ in chữ tiếng Anh để ở một ngăn phía trong:
SẢN PHẨM KINH ĐIỂN KlỂU MỸ
Vào năm 1941, sự bóng bẩy của một chiếc găng tay bóng chày tiêu biểu cho nước Mỹ đã gợi cảm hứng cho người sáng lập của Coach tạo nên một bộ sưu tập túi xách, từ cùng chất liệu da mềm cao cấp đùng để làm loại găng tay này. Sau khi xử lý da, sáu người thợ làm đồ da tạo nên mười hai chiếc túi xách mang thương hiệu Coach với tỷ lệ hoàn hảo và sự tinh tế vượt qua thời gian. Những chiếc túi này mới tinh, thiết thực, và phụ nữ ở khắp mọi nơi đều yêu thích. Một sản phẩm kinh điển kiểu Mỹ đã ra đời.
Trong thế giới của Mẫn, những chiếc túi Coach dao động khá lớn về mặt giá trị. Cô tặng chiếc ví có hoa văn chữ C hoa cho cô bạn gái Lâm Gia, người đã cho cô ở nhờ khi cô còn đang tìm việc làm. Khi chị của Lâm Gia tổ chức đám cưới ở một trong những khách sạn lớn nhất thành phố, Mẫn đem theo một chiếc túi xách đắt tiền làm quà tặng. Nhưng hầu hết các ngày còn lại những chiếc ví bán với giá hàng trăm đô la Mỹ ở Mỹ lại vô giá trị, vì hầu như không có ai trong số bạn bè người quen của Mẫn đã từng sử dụng hay biết giá trị của chúng. Mẫn để chìa khóa và chứng minh thư trong chiếc túi xách ưa thích của cô - một chiếc túi Lacoste dáng hobo bằng đa tuyết nhung; màu xanh - nhưng không bao giờ cô đem ra khỏi phòng. Một thứ đẹp như vậy, cô đoán, sẽ bị ăn cắp trong nháy mắt.
MẪN QUYẾT ĐịNH sẽ tiếp tục ở lại làm việc tại nhà máy. Mùa hè đã đến vùng châu thổ Châu Giang, với nhiệt độ hằng ngày lên tới hơn 90 độ F (30 độ C). Vào bar đêm khu ký túc xá ngột ngạt khó thở, ở khu vực sản xuất, mùi hóa chất đậm đặc tới mức cứ một lúc lại có một cô gái ngất trên dây chuyền lắp ráp và được đưa ra ngoài. Vào mùa hè, tham vọng cá nhân thường ngủ say, giống như động vật ngủ đông.
Nhưng có nhiều điều ảnh hưởng tới quyết định của Mẫn hơn là vấn đề thời tiết. Trong bữa ăn một ngày tháng Sáu năm 2005, cô nói với tôi rằng cô đã báo trước với ông chủ, nhưng rồi lại rút lại lời thông báo ấy sau khi A Kiệt nài nỉ cô ở lại. "Vì vậy tôi nói với A Kiệt năm nay tôi sẽ ở đây," Mẫn nói. "Sang năm mới, tôi sẽ cùng anh ấy về thăm nhà anh. Sau Tết, tôi sẽ thôi việc và kiếm một công việc mới. Sang năm sau nữa, anh ấy sẽ cùng tôi về thăm nhà tôi."
Khi chúng tôi tiếp tục nói chuyện, những điều cô vừa nói dần dần sáng tỏ: cô đã vạch ra kế hoạch cho hai năm tới, và cho cả cuộc đời cô. Ở tuổi mười chín, cô đã đồng ý lấy A Kiệt.
"Khi nào cô sẽ lấy chồng?" Tôi hỏi.
"Có lẽ là ba năm nữa."
"Cô đã nói với cha mẹ chưa?"
"Chưa. Em không cần phải nói với cha mẹ cho đến khi em đưa A Kiệt về thăm nhà dịp năm mới vào hai năm sau."
"Tại sao cô không về nhà vào năm sau?"
"Em chỉ có thể nói với cha mẹ rằng nhà máy không cho nghỉ."
"Ý cô là nói dối à?"
"Phải." Che giấu cha mẹ một số chuyện là bản năng thứ hai của cô. Chị gái cô đang sống ở Trường Sa với bạn trai, nhưng khi gọi điện về nhà, Quế Mẫn giả bộ rằng mình vẫn ở Đông Quản và yêu cầu Mẫn che giấu. So với việc đó, sự lảng tránh của Mẫn không đến nỗi quá tệ.
o O o
Không phải ai cũng tôn trọng việc đính hôn của Mẫn. Cô bạn Lâm Gia và hai người chị gái của cô ta tiếp tục nói xấu A Kiệt. Người Hồ Nam nghèo lắm! Anh ta chẳng có tí kỹ năng thực tế nào cả. Em tìm một người khác đi. Vào một ngày cuối tuần tháng Bảy, Lâm Gia quyết định giới thiệu cho Mẫn một anh bạn học từ hồi còn ở nhà, anh ta làm ở khu vực ngoại ô hẻo lánh là Thanh Khê nhưng anh ta sống trong thị trấn. "Tớ đã có bạn trai rồi," Mẫn phản đối. Nhưng cô cũng tò mò đến mức không từ chối thẳng thừng.
Vào buổi tối hôm trước ngày hẹn gặp mặt, cô đến ngủ qua đêm tại căn hộ của tôi. Mẫn đi xe buýt đến, không mang theo gì, là cách mà những người dân ở nông thôn bộc lộ hai bàn tay trắng khi đến nhà người khác chơi. Tôi tìm chiếc áo phông và quần cộc cho cô thay khi đi ngủ rồi đưa cô ra ngoài mua bàn chải răng. Vào khoảng mười giờ, điện thoại của Mẫn đổ chuông khi chúng tôi đang xem ti vi, cô trả lời mà không chào hỏi gì người kia và nói chuyện một lúc. "Chúng ta sẽ đi gặp Lâm Gia vào ngày mai," cô nói.
Chuông điện thoại lại reo. Tôi đoán cả hai lần đều là A Kiệt gọi, nhưng thực ra đó lại là anh bạn trai đang được giới thiệu. Anh ta thậm chí chưa gặp Mẫn, nhưng đã gọi điện liên tục cho cô. "Lâm Gia đã kể với anh ta là tôi xinh đẹp và thông minh, vì vậy anh ta rất muốn gặp tôi," Mẫn nói. Trong suốt cả buổi tối, điện thoại của Mẫn rung liên tục vì anh chàng này tiếp tục nhắn tin cho cô. Vào tầm 11 giờ 30, điện thoại reo khi chúng tôi chuẩn bị đi ngủ. "Chúng tôi sắp đi ngủ," Mẫn nói, "Nếu anh không chấm dứt ngay việc gọi điện cho tôi, tôi sẽ tắt điện thoại."
CUỘC HẸN DIỄN RA tại một nhà hàng dim sum (điểm tâm) ồn ào đến điếc tai. Lâm Gia đã ở đó với chị cả của cô, Lâm Tuyết, chồng và con gái bốn tuổi của Lâm Tuyết, chị gái thứ hai của cô, người cha đã cao tuổi của bọn họ, và một người họ hàng mới từ quê lên. Chàng trai họ định giới thiệu cho Mẫn tên là Trương Bân, có gương mặt hẹp, mắt tròn sẫm màu, gò má nhợt nhạt đỏ bừng vì lo lắng. Anh ta mặc áo sơ mi trắng và quần màu xanh kẻ sọc nhỏ. Anh ta đi với một người bạn làm cùng ở nhà máy. Đây là một cuộc gặp mặt với mười một người tham dự trong đó hai nhân vật chính chưa biết mặt nhau.
Ngay khi Mẫn và tôi vừa ngồi xuống, Lâm Tuyết nhoài người về phía chúng tôi.
"Anh ấy tốt nghiệp đại học và là người quản lý dây chuyền lắp ráp ở nhà máy đấy," cô ta thì thầm. "Anh ấy rất cần cù"
Chồng của Lâm Tuyết bị kẹp giữa Mẫn và anh chàng kia một cách đầy lúng túng, hai người bọn họ không nói gì với nhau trong suốt cả bữa ăn. Từ xa, Lâm Gia cười khúc khích và đưa ra những lời gợi ý. Tại sao hôm nay cậu lại im lặng thế nhỉ? Tiếp theo cậu định làm gì? Giữa bữa ăn, chàng trai rời khỏi bàn và ra đứng một mình cạnh cửa sổ nhà hàng, ngó mông lung ra ngoài. Anh ta trông tựa như người hùng lãng mạn trong một bộ phim truyền hình Trung Quốc, sẵn sàng để khám phá các mối quan hệ lãng mạn. Trong phim truyền hình, Mẫn sẽ đi ra và đứng bên anh ta. Thay vào đó cô quay sang tôi và nói thầm: "Em thường không thích các anh chàng trông như thế kia."
Sau bữa ăn, chồng của Lâm Tuyết nhìn thấy một đồng nghiệp và đi tới chào hỏi. Chàng trai lấy dũng khí quay sang nói chuyện với chúng tôi. "Tôi rất vui khi gặp cô và bạn của cô," anh ta nói với Mẫn. Chúng tôi nâng chén trà lên uống. Mẫn không nói năng gì.
CÔ GỌI CHO TÔI VÀO LÚC MƯỜI MỘT GIỜ tối hôm đó. "Chúng em vừa mới về nhà," cô thở hổn hển nói. Sau bữa trưa, cô và Lâm Gia đã đi công viên chơi cùng với anh chàng kia và bạn anh ta. Họ đi lên đồi tới tháp truyền hình rồi đi vòng quanh thành phố.
"Anh ta thế nào?" Tôi hỏi.
"Ổn cả. Chị nghĩ thế nào về anh ta?"
"Tôi không quen anh ta," tôi nói nước đôi. "Anh ta có vẻ là người tốt."
"Có tốt hơn A Kiệt không?" Cô nhấn mạnh.
"Thế cô thấy thế nào?"
"Em thấy được," cô nói. "Anh ta biết cách cư xử đấy."
Đêm hôm đó, anh chàng kia gọi cho cô. Lần đầu tiên Mẫn nói với anh ta là cô đã có bạn trai. "Hãy cho anh một cơ hội," anh chàng nói.
o O o
Sau đó mọi việc bắt đầu diễn tiến rất nhanh. Mẫn mua một sim điện thoại mới. Kể từ khi yêu A Kiệt, cô dùng chung điện thoại với anh ta, dùng một số điện thoại di động riêng là một tuyên bố của sự độc lập.
Một vài ngày sau Lâm Tuyết có việc ở gần chỗ tôi ở, và chúng tôi ăn trưa với nhau. "Mẫn đang thân thiết với anh chàng đó!" Cô tiết lộ với tôi ngay khi chúng tôi gặp nhau. "Bây giờ cô ấy muốn rời nhà máy để thoát khỏi A Kiệt." Lâm Tuyết rất vui vẻ nhưng cũng có phần hơi hoảng sợ trước sự mai mối thành công của mình. "Tôi nói với cô ấy đừng vội vàng hấp tấp. Liệu cô ấy đã chắc chắn về điều đó chưa?"
Hôm sau Mẫn gọi cho tôi. Cô có tin khẩn cấp, nhưng không phải là tin mà tôi đang chờ đợi. "Em vừa nói chuyện với cha mẹ," cô nói.
"Ông bà có khỏe không?" Tôi hỏi.
"Em sẽ về nhà. Em muốn lấy bằng tốt nghiệp."
Bằng tốt nghiệp là vấn đề mâu thuẫn tồn tại từ lâu giữa Mẫn và cha mẹ cô. Bởi vì rời trường sớm một học kỳ, cô đã không lấy bằng tốt nghiệp trước khi đi. Những nhà tuyển dụng thường muốn xem bằng tốt nghiệp, mặc dầu Mẫn có thể trình bày để được nhận vào làm các công việc mà cô mong muốn, nhưng ngày càng khó khăn hơn khi giải thích tại sao cô đã ra trường hai năm mà vẫn chưa lấy được bằng. Cô đã yêu cầu cha đi tới trường để lấy bằng hộ, nhưng ông từ chối. Ông hy vọng có thể ngăn cô nhảy việc. Để giúp đỡ cha mẹ, Mẫn có việc làm là đủ - họ không hiểu rằng có thể có những công việc khác tốt hơn. Mẫn cố gắng giải thích. "Đối với công việc này thì con không có triển vọng gì cả," cô nói trong một lần gọi điện về nhà.
"Con thậm chí còn không học đại học," mẹ cô nói. "Làm sao con có thể nói về triển vọng được?" Mẫn thất vọng đến mức gác máy ngay.
Một vài ngày sau trong bữa ăn tối, Mẫn kể cho tôi anh chàng kia hai mươi tư tuổi, là quản lý trưởng trong một nhà máy sản xuất máy ảnh kỹ thuật số". "Anh ấy rất tốt," cô nói. "Anh ấy là người tốt bụng và có giáo dục. Anh ấy biết cách cư xử đúng mực. Anh ấy quan tâm đến mọi người, về mọi mặt, anh ấy đều hơn A Kiệt." Mẫn nói cô sẽ về nhà vào cuối tháng này sau khi lĩnh lương, lấy bằng tốt nghiệp, rồi quay lại và tìm một công việc mới ở gần nhà máy của anh kia.
Tôi hỏi tại sao cô lại phải rời khỏi nhà máy ngay lập tức như vậy.
"Em không dám chia tay với A Kiệt,'' cô nói. "Em không biết anh ta sẽ phản ứng thế nào."
"Ý cô là sao?"
"Vài ngày trước, Lâm Gia nhận được cuộc gọi từ một kẻ lạ mặt. "Đừng có xía vào chuyện không phải của mày," một giọng đàn ông đe đọa cô ta. "Đừng có nói với Mẫn là A Kiệt không xứng đáng với cô ấy." Đe đọa kiểu đầu gấu để duy trì mối quan hệ: tôi không tưởng tượng được rằng A Kiệt lại có gan làm như vậy."
"Vậy cô không định nói gì với A Kiệt à?" Tôi hỏi.
"Em sẽ gọi cho anh ta sau khi em rời nhà máy," cô nói. "Em sẽ nói với anh ta rằng em ra đi và anh ta đừng nên cố gắng tìm em làm gì."
"Liệu anh ta có chấp nhận điều đó không?"
Cô nhún vai. "Em không biết nữa. Nhưng anh ta sẽ không biết được làm thế nào để tìm được em." Cô dự định sẽ rời nhà máy mà không mang theo gì để không ai nghi ngờ là cô bỏ đi mãi mãi. "Tôi sẽ chỉ thay quần áo và mang theo những kinh nghiệm đã đạt được trong năm vừa qua, '' Mẫn nghiêm nghị nói. "Những thứ khác em có thể mua lại sau."
MỌI VIỆC ĐÃ KHÔNG DIỄN RA như dự tính. Vào đầu tháng Tám, tôi nhận được e-mail của Mẫn. Cô vẫn làm ở nhà máy đó. Anh bạn mới của em thì ổn, cô viết, nhưng tìm việc làm ở gần chỗ anh ấy không được tốt lắm. Có lẽ anh ấy và em làm bạn thì hợp hơn. Em gái Sa của cô đã tốt nghiệp trường dạy nghề và muốn tới Đông Quản làm việc. Mẫn tìm được một người quê ở thị trấn gần làng cô hiện làm ở phòng vận chuyển tại nhà máy nơi cô đang làm, anh ta có thể kiếm cho Sa chân thư ký bộ phận vận chuyển. Chỉ có một vấn đề: Sa mới mười bảy tuổi, điều đó có nghĩa là cô chưa đủ tuổi đi làm. Mẫn trả ba mươi nhân dân tệ cho một người chuyện sửa ngày sinh trên các chứng minh thư do chính phủ cấp. Theo chứng minh thư đã sửa của Sa, cô sinh vào tháng Sáu năm 1986, trong khi Mẫn sinh vào tháng Tư cùng năm. Nếu có ai đó xem kỹ chứng minh thư của hai chị em, họ có thể sẽ thắc mắc. Nhưng không có ai làm việc đó bao giờ.
Giờ đây em cảm thấy ít bị áp lực hơn trước nhiều, thật sự đấy, Mẫn viết cho tôi như vậy.
Lúc đó là cuối tháng Chín năm 2005, thời tiết mát mẻ hơn là dấu hiệu của cô. Một tháng sau khi Sa đến, Mẫn lại nhảy việc.
Cô tìm được việc làm trợ lý ở phòng mua sắm của một nhà máy phần cứng cách nơi em gái cô làm hai tiếng đồng hồ đi xe buýt. Mẫn ra đi mà không dàn xếp mọi chuyện với A Kiệt. Cô cũng không liên lạc gì với anh chàng kia nữa. Giải pháp của cô cho các vấn đề rắc rối này là chiến thuật duy nhất mà cô biết: tiếp tục di chuyển.
Lần này cô kiếm việc dễ dàng hơn vì cuối cùng cô đã lấy được bằng tốt nghiệp. Cha cô đã đến trường lấy bằng tốt nghiệp nhưng từ chối gửi cho cô, ông vẫn cố gắng không cho cô nhảy việc. Mẫn nói dối và bảo với cha là nhà máy của cô có luật mới - ai không có bằng tốt nghiệp sẽ bị đuổi việc. Khi cha cô nghe thấy điều này, ông hoảng sợ và thậm chí còn trả thêm tiền để gửi bằng tốt nghiệp theo đường chuyển phát nhanh. Mẫn cười phá lên khi cô kể cho tôi nghe chuyện này.
o O o
Nhà máy mới của Mẫn sản xuất các phụ tùng kim loại cho bộ nguồn máy tính, màn hình máy tính, và đầu máy DVD. Giờ làm việc của cô kéo dài tới mười một giờ một ngày, được nghỉ ngày Chủ nhật. Cô kiếm được một nghìn nhân dân tệ một tháng, và nếu làm tốt, cô sẽ được thăng cấp lên vị trí tự mình mua bán vật liệu. Cô bắt đầu đọc một cuốn sách có tên là Lên kế hoạch sản xuất và mua bán vật tư.
Năm ngoái, cô đã gửi về nhà năm nghìn nhân dân tệ - hơn sáu trăm đô la Mỹ - nhưng cha mẹ cô nghĩ như thế là quá ít. "Con cái các gia đình khác ít được học hành hơn," cha cô nói. "Làm sao mà chúng lại gửi tiền về nhà nhiều hơn con nhỉ?"
"Cha của những người khác kiếm đủ tiền để con cái họ không phải đi ra thành phố làm việc," Mẫn vặc lại.
Giờ đây cô nhìn cha mẹ với con mắt khắt khe hơn. Khi cha Mẫn làm việc một thời gian ngắn tại một nhà máy giày ở Ôn Châu vào cuối những năm 1990, ông đã bị ốm và phải quay về nhà. Mẹ cô cũng đi làm một năm mà chẳng để dành được đồng nào. Họ đã thất bại trong khi Mẫn đang thành công, và lần đầu tiên cô nhận ra điều này. "Họ đã nếm trải cuộc sống của một người di trú. Họ nên biết cuộc sống đó vất vả như thế nào," Mẫn kể với tôi. "Họ vẫn nghĩ rằng bọn em ra thành thị đi làm và kiếm tiền thật dễ dàng."
Năm tháng sau khi được nhận vào làm, Mẫn được đề bạt lên chức mua sắm các phụ tùng khuôn cho nhà máy. Đó là cơ hội lớn của cô: người phụ nữ trẻ trước đó đang giữ chức vụ này về thăm nhà và cha mẹ cô ta phát hiện ra rằng cô ta có bạn trai ở trên thành phố. "Họ giữ cô ta ở nhà và không cho cô trở lại đi làm nữa," Mẫn nói, "vì vậy em có cơ hội." Với nhiệm vụ mới này, cô nhận được tiền lương là 1.200 nhân dân tệ một tháng và từ sáu nghìn đến mười nghìn tiền lại quả một năm. Trong sáu tháng đầu tiên, cô để đành được ba mươi nghìn nhân dân tệ - gần 4.000 đô la Mỹ - và gửi về nhà khoảng 1.300 đô la Mỹ. Lần đầu tiên, cô mở một tài khoản ngân hàng tại thành phố", đi ngược lại nguyện vọng của cha mẹ cô. Họ muốn cô gửi tất cả tiền kiếm được về nhà.
"Nếu công ty biết được em nhận tiền lại quả, họ sẽ sa thải em ngay lập tức," Mẫn kể với tôi.
"Nhưng ai cũng làm vậy mà, đúng không?" Tôi hỏi cô.
"Phải. Nhưng đó là điều mà chúng em không bao giờ đề cập đến."
Chúng tôi đang ngồi trong một cửa hàng McDonald's tại khu thương xá gần nhà máy của cô. Mẫn gọi cà phê đá và khoai tây chiên, giờ đây cô thường xuyên ăn ở ngoài. Tôi nhớ lại lần đầu tiên cô đến một cửa hàng McDonald's, hai năm trước, khi cô gí sát mũi vào chiếc Big Mac của mình để ngắm nghía và ăn từng lớp một của chiếc sandwich. Bằng giọng nói thì thầm, nhìn xung quanh để chắc chắn là không có đồng nghiệp nào của mình ở quanh đây, cô kể cho tôi nghe về công việc của mình. Các nhà cung cấp thường trả tiền lại quả bằng 10 phần trăm giá trị hợp đồng mua hàng. Mẫn gặp họ ở xa nhà máy để lấy tiền, bằng tiền mặt. Ngân hàng nơi cô mở tài khoản ở rất xa nhà máy, nơi cô sẽ không tình cờ chạm trán bất cứ ai quen biết khi đi nộp tiền. Những người làm ở phòng mua sắm thường hay bị ghen tị ở nhà máy bởi vì công việc của họ có nhiều lợi lộc. Khi Mẫn tình cờ gặp đồng nghiệp ở bên ngoài, cô sẽ chào và trả tiền ăn cho họ để được lòng mọi người.
Thành công mang lại nhiều áp lực hơn. "Trong quá khứ nếu em không thích công việc của mình, em chỉ cần bỏ việc là xong," cô nói. "Bây giờ em lại lo lắng về việc điều gì sẽ xảy ra nếu công ty không còn cần em nữa."
NGAY KHI MẪN BẮT ĐẦU kiếm được nhiều tiền hơn, quan hệ giữa cô và cha mẹ thay đổi. Họ ngừng than phiền về việc cô gửi về nhà quá ít tiền và bắt đầu mơ tưởng về việc sử dụng số tiền tiết kiệm của cô như thế nào. Họ muốn mua một biệt thự ở Vũ Huyệt, thị xã gần nhà, có giá khoảng 120.000 nhân dân tệ, tức là khoảng mười lăm nghìn đô la Mỹ. Cha cô ngấm ngầm lên kế hoạch nuôi tôm, cần khoảng ba mươi đến năm mươi nghìn nhân dân tệ. Ông đã mất tiền trong vụ bông năm ngoái và không còn tiền nữa. Mẫn loại bỏ cả hai kế hoạch. "Cha không thể kiếm tiền trong nháy mắt," cô lên lớp cha mình. "Cha phải thực hiện dần dần từng bước một."
Đối với tôi thật đáng ngạc nhiên khi Mẫn nhanh chóng đảo lộn cấu trúc quyền lực trong gia đình cô. Khi ông nội tôi trở về làng sau bảy năm ở Mỹ, ông bị cha đánh vì tội dám tự tiện thay đổi ngành học. Ông đã trở nên hiện đại, một người được giáo dục tại nước ngoài, nhưng ông vẫn không nhận được dù chỉ là một chút sự kính nể trong mắt cha mình. Ngược lại, Mẫn vẫn có thể ra lệnh từ xa đối với các vấn đề của gia đình. Cô giám sát việc mua bán của cha và từ chối các kế hoạch kinh doanh của ông; sự thật là 1.300 đô la Mỹ cô gửi về nhà đã đem lại cho cô quyền đó.
Cũng có một sự khác biệt trong giai cấp, điều ở Trung Quốc có mối tương quan rất lớn với trình độ giáo dục của một con người. Cụ nội tôi là một người đàn ông được học hành đầy đủ, điều này mang lại cho ông địa vị xã hội mặc dầu ông không bao giờ đi xa nhà. Những công nhân di trú như Mẫn đến từ bậc thang thấp nhất trong xã hội - nếu thành công ở thành phố, họ lập tức sẽ vượt lên tất cả các thành viên khác trong gia đình. Mẫn nhanh chóng điều khiển một cách tích cực cuộc sống của các em. Cô hứa với em trai nhỏ rằng sẽ cho cậu ta học tiếng Anh ở Đông Quản vào mùa hè nếu cậu ta học tốt ở trường. Tình trạng tài chính được cải thiện của cô đã thay đổi vận mệnh của Tú, em gái nhỏ tuổi nhất, người đã trượt kỳ thi vào trường phổ thông trung học. Khi ba người chị lớn bị thi trượt, họ đều chuyển sang học trường dạy nghề rồi ra đi làm. Nhưng giờ đây Mẫn có khả năng trả thêm phí tổn để Tú học trung học phổ thông - trong ba năm, sau đó cô bé sẽ thi đại học.
"Điểm số của em thế nào?" Mẫn hỏi em gái khi cô gọi điện về nhà.
"Em không biết," Tú nói, cô bé vốn rất nhút nhát.
"Em có biết là chị phải đi làm ở đây để em được đi học không?" Mẫn hỏi. "Em nên học hành cho tốt và đừng có làm chị thất vọng đấy."
"Em biết," em gái cô trả lời. "Em sẽ cố gắng ạ."
Mẫn còn gây ảnh hưởng đến việc làm của chị gái cô. Công việc và mối quan hệ của Quế Mẫn đều đổ vỡ, vì vậy cô đã trở lại Đông Quản làm việc trong một nhà máy sản xuất búa. Mẫn nghĩ rằng chị cô đã quá lớn tuổi nên không thể nhảy việc thường xuyên. "Chị cần ổn định ở một chỗ và tự mình phát triển," Mẫn bảo chị cô.
Mùa hè năm 2006, Mẫn về thăm nhà. Cô mang về cho gia đình một chiếc ti vi hiệu Trường Hồng, một đầu máy DVD, và năm nghìn nhân dân tệ làm quà cho cha. Cô mua một chiếc áo sơ mi giá tám mươi nhân dân tệ. Đó là chiếc áo sơ mi đẹp nhất mà ông từng có, và ông mặc nó trong suốt thời gian Mẫn về thăm nhà. Cha Mẫn vừa mừng sinh nhật lần thứ năm mươi và ông đã đi xem bói. Thầy bói phán rằng sau tuổi năm mươi, ông sẽ gặp nhiều may mắn hơn. Nhờ có cô con gái thứ hai, lời phán này đã trở thành hiện thực.
o O o
Vào dịp Tết âm lịch năm 2007, tôi quay trở lại quê Mẫn. Cô được nghỉ hai tuần vì có một đám cưới ở quê. Anh họ và là hàng xóm của Mẫn cưới một cô gái sống cách đó nhiều làng. Trong cả năm, anh ta làm việc trong một đội xây đựng ở Urumqi(33) xa xôi -bốn mươi bốn giờ đi bằng tàu hỏa - còn cô gái làm nghề thêu quần áo trong một nhà máy ở Vũ Hán, cách ba giờ đi xe buýt. Họ được một bà mối giới thiệu với nhau vào năm ngoái và đã đính hôn ngay lập tức. Vào năm tiếp theo, họ tan lian ai (đàm luyến ái) - nói chuyện về tình yêu" hay tán tỉnh - qua điện thoại. Quy trình này có vẻ lạc hậu đối với tôi - đầu tiên bạn đính hôn, sau đó bạn bắt đầu hẹn hò - nhưng dù là như vậy, đó cũng là sự nhân nhượng đối với các cách thức hiện đại bởi vì nó cho phép đôi bạn trẻ tìm hiểu về nhau trước khi lấy nhau.
Vào buổi tối mà tôi đến, Mẫn đưa tôi sang nhà hàng xóm gặp anh họ. Hai năm trước, phòng ngủ chính trong nhà của gia đình anh ta chỉ là một căn phòng trống, sàn trát xi măng. Giờ đây căn phòng được lát gạch hoa và chật kín đồ nội thất: tủ áo, trường kỷ, và bàn uống nước. Một chiếc giường đôi trải đệm hồng với chữ Happiness (Hạnh phúc) bằng tiếng Anh chạy dọc mặt đệm được viết bằng lối chữ bay bướm. Ở phía trên giường là tấm ảnh chụp trong ảnh viện, trong đó người anh họ mặc bộ com lê dạ tiệc ba vạt màu ngà, còn vợ sắp cưới của anh ta mặc bộ váy dạ hội hở lưng.
"Chị ấy xinh quá!" Mẫn thốt lên.
"Ngày mai cô ấy sẽ không xinh đâu," anh họ cô đùa.
"Anh nói gì thế!" Mẫn nói. "Một cô dâu trong ngày cưới của mình là xinh đẹp nhất."
Mặc dầu theo truyền thống người con trai sống cùng vợ trong nhà bố mẹ sau khi cưới, anh họ của Mẫn và người vợ mới cưới chỉ sống vài ngày ở đây trước khi quay trở lại làm việc. Trên khắp nông thôn Trung Quốc có vô số căn phòng như vậy, được trang bị nội thất và trang trí với một số tiền đáng kể, rồi sẽ trống vắng hầu như suốt năm.
SÁNG SỚM HÔM SAU, thanh niên nam trong làng khởi hành đến nhà cô dâu, mang theo những cái thúng mây truyền thống đặt trên quang gánh để mang của hồi môn về. Nông dân đã mang gánh trên vai những thúng giỏ bằng cách này trong hàng thế kỷ, nhưng những thanh niên này là người di trú nơi thành phố, hầu hết là ở trong các nhà máy. Chỉ có một người đàn ông lớn tuổi hơn là trông thoải mái trong việc giữ thăng bằng chiếc quang gánh trên vai. Chú rể mặc bộ com lê màu xanh kẻ sọc nhỏ, đi đôi giày da có mác hẳn hoi, miệng vẫn tiếp tục gièm pha về vẻ ngoài của người vợ chưa cưới vào mọi dịp có thể. "Khi chị thấy cô ấy hôm nay," anh ta bảo tôi, "chị sẽ sợ hãi." Mẫn và chị gái cô sẽ tháp tùng cô dâu đi về quê mới. Trước đó họ chưa bao giờ tham gia vào một đám cưới ở nông thôn.
Ở nhà cô dâu, hàng xóm tụ tập đông nghịt trên khoảnh sân bùn để xem lễ cưới. Căn phòng chính chật kín của hồi môn của cô, giống như đợt bán hàng giảm giá ở một cửa hàng bán đồ gia dụng: tủ lạnh, máy điều hòa, bình đun nước nóng, máy giặt, ti vi màu có độ phân giải cao, máy nghe nhạc, và máy hát karaoke. Trong căn phòng bên cạnh, cô dâu cúi đầu ngồi trên giường trong khi mẹ cô, bà nội cô, và các bà cô bà dì than khóc rền rĩ - theo phong tục truyền thống than khóc tiễn cô dâu về nhà chồng.
Đến lượt các nam thanh niên chạy vào nhà để "trộm" của hồi môn trong khi gia đình và bạn bè cô dâu cố gắng chống lại họ. Mất hơn một tiếng đồng hồ để mang mọi thứ ra ngoài sân, nơi chúng được đặt vào các thúng mây hoặc buộc chặt vào quang gánh bằng tre. Chú rể bị bắt đội chiếc mũ lừa bằng giấy, trên mặt vẽ ria mép, cặp kính mắt, ngoài ra còn một cái bô treo trên cổ anh ta. Anh ta dẫn đầu đoàn diễu hành ra khỏi làng. Điều này giống như việc các nạn nhân trong Cách mạng Văn hóa phải diễu qua các con phố, ngoại trừ việc anh ta luôn mỉm cười.
TIỆC CƯỚI BUỔI TRƯA ở nhà cô dâu tuân theo các luật lệ đã định sẵn. Có mười hai món ăn, pháo châm ngòi nổ đì đùng nhiều lần trong thời gian các món ăn được phục vụ. Bữa tiệc bao gồm mỗi bàn một con cá, một con gà xếp mười hai quả trứng luộc kỹ xung quanh, và viên bánh ngọt gạo nếp hình tròn biểu tượng cho hạnh phúc viên mãn. Các món ăn được phục vụ lần lượt từng món và được dọn đi trước khi ăn hết, để đảm bảo cuộc hôn nhân luôn luôn được dư dả.
Vào buổi chiều, cô dâu khởi hành về nhà chú rể. Mẫn và chị cô là phù dâu, nhưng nhiều khách mời trong đám cưới đi theo để đảm bảo cô dâu không bị cướp mất. Đoàn người sẽ chỉ bước đi vài bước trước khi ngừng lại trên đường bắt Mẫn và Quế Mẫn hát một bài. Đám rước nhích về phía trước, dừng lại, rồi lại đề ra thêm nhiều hình phạt. Hầu như cả làng đều tham gia vào trò vui bắt nạt Mẫn và Quế Mẫn.
Hát to lên nào!
Một bài chưa đủ!
Mặc dầu tất cả chỉ là đóng kịch, nhưng sự việc có vẻ không phải là đùa. Hai người đàn ông lực lưỡng và nhiều phụ nữ trung niên dẫn đầu các cuộc tấn công. Mẫn và Quế Mẫn trở nên bối rối, họ hát bằng giọng trẻ con run run, mắt dán xuống đất. Đột nhiên tôi cảm thấy mình là một kẻ ngoài cuộc - đơn độc, đứng nhìn từ xa các gương mặt Trung Quốc quen thuộc đang bị những người khác bao vây. Thậm chí một việc vô hại như hẹn hò mà không biết nhau từ trước dường như cũng chỉ ra một khiếm khuyết trong tính cách dân tộc, sự bất lực trước việc phá vỡ sự trói buộc và dám có các hành động cá nhân. Và giờ đây tôi cảm nhận rằng cuộc Cách mạng Văn hóa bắt nguồn sâu xa từ động lực của làng quê Trung Quốc, nơi các lễ nghi của nó bắt người ta phải tôn trọng sự an toàn của cả nhóm. Sẽ nguy hiểm nếu ở một mình; trong đám đông, bạn sẽ có được sự tự tin và sức mạnh. Khi những người dân làng hét vào mặt Mẫn và Quế Mẫn yêu cầu hát to hơn, hay rủa xả các màn trình diễn của họ, giọng nói cực đoan nhất luôn thắng. Hai cô gái trẻ cúi đầu đứng ở trung tâm của đám đông, chờ cho màn kịch này kết thúc.
Cuối cùng chúng tôi thấy bạn bè của chú rể ở con đường trước mặt. Các chàng thanh niên từng người một tiến lên phía trước để điều đình nhằm giải thoát cho cô dâu, mời thuốc lá hoặc trình điễn các màn ứng khẩu trong khi dân làng tiếp tục hăm đọa và thóa mạ. Cuối cùng chú rể xông vào đám đông, ôm lấy cô dâu, và mang cô ra chiếc xe ô tô màu đen đang chờ sẵn, chiếc ô tô này đã được thuê cho dịp trọng đại này.
Ở nhà chú rể, mọi người lại tiếp tục ngồi vào bàn ăn uống linh đình mặc dầu vẫn đang còn no sau bữa ăn trưa. Tôi cứ chờ đợi một nghi thức hoặc lời tuyên bố để chính thức hóa cuộc hôn nhân, nhưng chẳng có gì cả. Theo các tập tục này, hôn nhân được thể hiện với nhiều ý nghĩa khác nhau: một sự trao đổi của cải giữa các gia đình, việc đối đầu của các làng. Nhưng không có tục lệ nào đề cao một sự đồng thuận giữa cô dâu và chú rể, vấn đề ở chỗ đây là sự kết hợp của hai cá nhân có vẻ hầu như là ngẫu nhiên. Khi rượu đã rót xong, Quế Mẫn quay sang anh họ và người vợ mới cưới của anh ta, nâng cốc chúc một câu truyền thống: "Sớm sinh quý tử."
KHOẢNG THỜI GIAN CÒN LẠI TRONG CHUYẾN THĂM CỦA TÔI trôi qua rất: nhanh. Gia đình Mẫn lên núi để khấu đầu quỳ lạy trước mộ ông bà tổ tiên. Cô ngưỡng mộ ngôi nhà gạch ba tầng mà chú cô đã xây bằng tiền kiếm được từ việc làm thợ nề, ngôi nhà sẽ bị bỏ không cho đến khi ông quay lại vào năm tới mang tiền về để trang trí nội thất cho ngôi nhà. Một ngày khác, cô đến thăm một bà dì đang bán quần áo trên thành phố để thảo luận về khả năng chung vốn mở một cửa hàng. Một buổi tối, một ông chú khác đưa về nhà một anh chàng có thể làm bạn trai giới thiệu cho chị của Mẫn. Quế Mẫn không nói gì với anh ta trong suốt buổi tối, nhưng sau khi anh ta đi ngủ cô tuyên bố lời kết án anh chàng ấy: "Trí óc anh ta không được nhanh nhạy cho lắm." Anh chàng đã biến mất trước bữa ăn sáng.
Trong buổi sáng cuối cùng tôi ở đó, Mẫn đưa tôi ra bến xe buýt - một tuần nữa cô mới quay lại Đông Quản. Cô mặc một chiếc áo khoác có thắt lưng màu hồng dưa hấu, quần bò ngố màu đen, và đi bốt cao gót. Hồ Đào, bạn trai cũ mà cô đưa ra thành phố hai năm về trước, đã nối lại quan hệ với cô. Anh ta muốn họ quay lại với nhau, và sẽ giới thiệu Mẫn với mẹ anh ta vào chiều muộn ngày hôm đó.
"Nếu em không tìm được ai để lấy, em luôn có thể lấy anh ta trong một vài năm nữa," Mẫn nói. Một chàng trai trẻ cùng quê khác đã mở một cửa hàng trong thị trấn cũng hy vọng được gặp cô. Mẫn dường như không lo lắng gì về triển vọng kết hôn của mình. Bốn chị em gái trong gia đình được mong đợi là sẽ lấy chồng theo thứ tự, giống như trong một cuốn tiểu thuyết của Jane Austen. Chỉ cần Quế Mẫn vẫn độc thân, không ai ép buộc Mẫn cả.
Ở bến xe, tôi mua vé xe buýt về Vũ Hán. Tôi ngồi ở ghế bên cạnh cửa xe vẫy tay chào tạm biệt Mẫn, Mẫn mỉm cười và vẫy tay chào lại. Trời bắt đầu mưa, vì vậy cô tạt vào một cửa hàng gần đó để trú mưa. Khi xe buýt bắt đầu khởi hành, tôi thấy Mẫn chăm chú nhắn tin bằng máy điện thoại đi động. Cô đang xem xét nơi tiếp theo cô sẽ đến, và như thường lệ cô đã có một kế hoạch.
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng