We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Tác giả: Leslie T.Chang
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: khoa tran
Upload bìa: Son Le
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4104 / 165
Cập nhật: 2014-12-04 15:47:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
hần Hai: Làng quê
Chương 10: Làng quê
Sau khi Mẫn bị mất điện thoại mùa hè năm 2004, cô gây dựng lại cuộc đời từ đầu. Cô gọi cho anh họ - số điện thoại duy nhất mà cô thuộc - anh ta nối lại liên lạc cho cô với chị gái, với cả tôi nữa. Mẫn trở lại thị trường tuyển dụng lao động và tìm được việc ở phòng nhân sự của một nhà máy sản xuất túi xách của Hồng Kông. Công việc này được trả tám trăm nhân dân tệ một tháng, không phải làm thêm giờ và được nghỉ ngày Chủ nhật. Cô mười tám tuổi, đây là nhà máy thứ tư mà cô đến làm việc trong vòng một năm.
Tôi đến thăm Mẫn ở ký túc xá mới, ngăn nắp và mới được quét vôi trắng toát, trên tường dán đầy tranh ảnh của các minh tinh màn bạc Trung Quốc. Trong khi tôi và cô cùng ăn mì ở tiệm mì gần dó, tôi hỏi thăm tình hình bạn cô.
"Ý chị là bạn trai của em à?" Cô hỏi thẳng, không dùng lối nói vòng vo của người Trung Quốc. "Từ khi anh ấy về quê, em không có tin tức gì của anh ấy hết."
"Cô không nhắn tin cho cậu ấy à?" Tôi hỏi.
"Em quên mất số điện thoại của anh ta rồi."
"Thế thì cô không thể liên lạc với cậu ta, và cậu ta cũng không thể liên lạc với cô à?"
Cô gật đầu. "Có lẽ em sẽ gặp anh ấy ở quê vào dịp năm mới."
Tôi hỏi Mẫn về hai người bạn của cô ở nhà máy cũ, những người mà chúng tôi đã cùng đến thăm. "Một người tìm được việc ở một nhà máy tại Trường Bình nhưng em không biết là nhà máy nào," Mẫn nói. "Người kia về nhà để đính hôn, nhưng em không biết quê của chị ấy ở đâu." Ở quê, mọi người đều biết nhau cả và có nhiều cách để giữ liên lạc với nhau. Nhưng bạn bè của Mẫn ở thành phố đều không quen nhau, nên chỉ trong phút chốc, cô mất gần hết liên lạc với những người mình biết. "Bây giờ em chẳng có bạn bè gì nữa," cô nói.
Vì vậy cô bắt đầu lại từ đầu. Ở nhà máy mới, cô gặp A Kiệt. Cậu ta hơn Mẫn ba tuổi, gầy như que củi, chân tay nguều ngoào, gương mặt nhỏ nhắn đẹp trai với nụ cười rụt rè; khi nói chuyện với người lạ, cậu ta ngượng đỏ mặt tới tận mang tai. Cậu ta làm trợ lý ở nhà máy và đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về người yêu của Mẫn: tốt bụng, không hút thuốc, không uống rượu hay cờ bạc, cao hơn một mét bảy. Gần như ngay lập tức, A Kiệt bắt đầu thúc giục Mẫn lấy cậu ta. Cô bảo cậu ta trước tiên phải dành dụm được ít tiền đã, thực ra là cô chưa muốn nghĩ đến hôn nhân. "Em muốn để dành ít tiền làm vốn để buôn bán nhỏ. Nếu lấy chồng sớm, thì em phải ở nhà," cô kể với tôi. "Thà ra ngoài làm việc cả đời còn hơn là ở nhà."
Cô kể với cha mẹ về người yêu mới. "Cậu ta là người ở đâu?"
"Anh ấy làm cùng nhà máy với con," Mẫn ngập ngừng nói.
"Cậu ta quê ở dâu?" Bố mẹ cô hỏi lại.
Anh chàng không phải quê ở tỉnh Hồ Bắc, đó là điều cha mẹ Mẫn lo ngại. Ở đất nước Trung Quốc truyền thống, một cô gái trẻ lấy chồng thì thành người làng chồng, nhưng quê chồng vẫn phải gần nhà để cô có thể về thăm nhà những dịp lễ tết. Giờ đây việc ra thành phố có thể khiến cho hai người ở hai làng quê cách xa nhau hàng nghìn cây số gặp gỡ và kết hôn. Đối với cha mẹ của cô gái trẻ mà nói, đó là một thảm họa: không quen phải đi xa, họ lo lắng rằng con gái mình lấy chồng xa sẽ gần như biến mất khỏi cuộc đời họ.
Khi Mẫn gặp chàng trai mà cô ưng ý, quan điểm của cô là biết càng ít về xuất thân của anh ta càng lốt. "Gia đình anh có nghèo không?" Một lần cô hỏi A Kiệt. "Nghèo lắm," cậu ta đáp. Đó là tất cả những gì cô biết, và thế là đủ đối với cô. "Tôi không muốn biết về gia cảnh nhà họ, cũng không mong họ biết về gia cảnh nhà tôi," cô kể với tôi. "Rốt cuộc thì chúng tôi phải tự lực cánh sinh chứ."
MÙA THU NĂM ĐÓ, cuộc sống của Mẫn xem ra đã ổn định hơn. Hầu hết thời gian rảnh rỗi cô ở bên A Kiệt. Chị gái cô, Quế Mẫn, đã chuyển đến Đông Quản làm việc tại bộ phận chuyển hàng ở nhà máy của Mẫn. Hai chị em chung nhau một phòng trong ký túc xá và cùng ăn trưa với nhau hằng ngày. Mùa đông tới, cả hai đều lên kế hoạch về thăm nhà. A Kiệt cố gắng vận động Mẫn đưa cậu ta về giới thiệu với gia đình, nhưng cô không đồng ý; trước sự phản đối của bố mẹ, cô cảm thấy thật khó xử. Sự dàn xếp của Quế Mẫn đối với bạn trai, quê ở tỉnh Hồ Nam, khó khăn hơn nhiều. Trong một thời gian dài cô khẳng định sẽ không về nhà, rồi đột nhiên lại thay đổi ý kiến, dự định sẽ mang bạn trai về giới thiệu với gia đình. Cha mẹ cũng không tán thành chàng trai này, nhưng Quế Mẫn hơn Mẫn ba tuổi và sẵn sàng phản kháng lại cha mẹ.
Một buổi chiều Chủ nhật tháng Một, Mẫn và tôi đi dạo trong công viên gần nhà máy nơi cô làm việc, cùng ngồi trên bức tường thấp cạnh sân bóng rổ. Cô mặc bộ đồ mới mua dành cho chuyến đi - chiếc quần bò đầu tiên trong đời, áo khoác bò, và đôi bốt thấp gót. Trong ánh nắng chiều nhàn nhạt, chúng tôi ngồi ăn cam và lên kế hoạch; cô mời tôi về thăm quê vào dịp năm mới. Ngày hôm đó, Mẫn toàn nói chuyện về quê nhà. Rau quả ở nông thôn ngon hơn ở thành phố, cô nói. Nếu một cái nấm dại dễ dàng bị bóp nát thì đó là nấm độc, nhưng một cái nấm chắc khỏe thì ăn được. Khi con lợn đói, nó sẽ đứng bằng hai chân sau kêu eng éc đòi ăn. Vào đầu năm mới gà hay bị bắt trộm, vì vậy cần phải trông chừng thật kỹ. Công thức dưỡng da mặt tốt nhất là bột ngọc trai nghiền nhỏ trộn với lòng trắng của trứng gà mới đẻ. Cuộc sống ở làng quê thật yên bình, nhưng có khi cả năm trời bạn hầu như chẳng kiếm được đồng nào.
"Có bao giờ chị nghĩ đến việc về nông thôn sống không?" Mẫn hỏi tôi.
"Về nông thôn Trung Quốc ấy à?" Tôi hỏi. "Không."
"Chắc là vì ở đó cô đơn quá nhỉ," cô nói.
o O o
Đối với những người mà cuộc đời là những chuyến đi đến vùng miền xa lạ, có một điểm cố định trong cái vũ trụ dịch chuyển đó: ngôi làng quê hương của họ. Nghề nông giờ đây mang lại rất ít lợi nhuận kinh tế. Những thửa ruộng của gia đình, trung bình thường nhỏ hơn một mẫu, quá nhỏ để có thể kiếm lời trên đó. Nhưng trên khắp đất nước Trung Quốc, nông nghiệp gia đình vẫn được duy trì, vì đó là điều mà mọi người luôn thực hiện. Ruộng đất là sự đảm bảo hơn là một nguồn thu nhập - đảm bảo rằng con người vẫn có cái để ăn mà sống chứ không đến nỗi chết đói. Mối liên kết với nông nghiệp gia đình đã giữ vững sự ổn định cho Trung Quốc trong thời đại của sự di cư hàng loạt từ nông thôn ra thành phố. Những khu nhà ổ chuột không mọc lên như nấm ở các thành phố của Trung Quốc như đa phần các nước đang phát triển khác, vì những người di trú nếu có gặp thất bại thì vẫn luôn có thể trở về nhà và ở nhà luôn có người thân chào đón. Thanh thiếu niên có thể lên thành phố kiếm việc, để bố mẹ ở nhà coi sóc mảnh ruộng. Người chồng đang lao động ở thành phố có thể có người vợ ở nhà cày cấy trồng trọt, hoặc đôi khi là ngược lại. Một cặp vợ chồng có thể cùng lên thành phố kiếm ăn, để con ở nhà cho ông bà trông nom. Ở thành phố, một người di trú trông có vẻ tuyệt vọng, nhưng hầu hết những người di trú này đều có một mảnh ruộng ở quê hương để có thể quay về.
Về quê đón Tết âm lịch vào cuối mùa đông là sự kiện trung tâm trong kế hoạch cả năm của người di trú - trong sáu tuần lễ trước và sau Tết, có gần 200 triệu người lên tàu về quê. Khi năm mới sắp đến, chuyến về quê trở thành mối bận tâm chính trong thế giới công xưởng. Sự nhảy việc ngừng lại vì công nhân tập trung tiết kiệm tiền để về quê cho thật oách. Các cặp tình nhân bắt đầu thương lượng chuyện tế nhị với nhau: Họ sẽ về thăm gia đình của ai và tình trạng của mối quan hệ của họ là gì? Việc dự trù này có thể gây ra nhiều sự đau buồn và những người di trú không hạnh phúc với số phận của mình có thể quyết định không về quê nữa. Kỳ nghỉ Tết âm lịch là bản lề cho cả một năm - là thời điểm để bỏ việc, nghỉ ngơi, đính hôn, bắt đầu lại từ đầu.
Việc về quê thường là cũng mệt mỏi không kém gì chuyến đi đầu tiên tới thành phố. Hệ thống đường sắt của Trung Quốc là phần cuối cùng của mạng lưới giao thông hoạt động vẫn gần giống như hồi còn kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Ngày nay ở Trung Quốc, di chuyển bằng máy bay hoặc ô tô thì tốt hơn, cả hai loại hình giao thông này đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Ngành hàng không đã phát triển dịch vụ và cắt giảm chi phí, đường cao tốc liên tục được mở rộng và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp và số lượng xe hơi ngày càng tăng. Nhưng đường sắt vẫn là lãnh địa của người nghèo.
Trong những dịp lễ tết, một người bình thường gần như không thể mua được vé tàu với giá phải chăng. Những đại lý của ngành đường sắt để dành vé cho những người có mối quan hệ thân thiết hoặc bán cho bọn phe vé, những kẻ bán với giá cắt cổ. Vì việc bán vé tàu chưa được vi tính hóa, những người bán vé không biết được ghế nào còn trống trong cả chuyến đi; trừ phi hành khách khởi hành từ ga đầu tiên thì mới có thể lấy được một ghế có đánh số cụ thế. Vé chỉ được bán ra vài ngày trước chuyến đi, cung cấp cho đám đông đầy lo lắng cắm trại qua đêm ở các nhà ga. Trên những chuyến tàu kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày, nhà vệ sinh tắc nghẽn, vòi nước không chảy, còn hành khách ngồi xổm trên những lối đi tay ôm lấy đầu. Các hành khách hiếm khi phàn nàn, và họ vẫn vui đùa trong những điều kiện kinh khủng nhất. Họ dành hầu hết sức lực để trông nom mọi thứ họ mang theo. Đây là một lý do khác khiến cho các chuyến tàu vào năm mới luôn luôn đông đúc: không người di trú nào có thể về quê mà lại không mang theo quà.
Ở nhà, những người dân di trú quay trở lại với nhịp sống chậm rãi của nông thôn. Tôn ti trật tự thống trị đời sống ở làng quê: những người lớn tuổi, những người trụ cột đưa ra quyết định trong gia đình họ, sẽ lựa chọn điều gì là tốt nhất cho cả gia đình. Một gia đình cùng ăn và cùng lao động, ban đêm trẻ con thường ngủ với bố mẹ trên một chiếc giường rộng. Những đứa trẻ lớn dạy dỗ những đứa nhỏ, và đứa nhỏ nghe lời. Khách khứa đến không báo trước và ở lại nhiều ngày; những thói quen cộng đồng về việc ăn, ngủ, và ngày nay là xem truyền hình thẩm thấu vào họ dễ dàng. Không có gì là bí mật riêng tư ở làng quê cả.
Ở thành phố, lối sống này đã mất. Những gia đình nhỏ sống trong những căn hộ cao tầng cạnh những người hàng xóm không phải là họ hàng của mình. Mọi người phải xây dựng quan hệ với những người mình không biết. Những người di trú sống một cách thoải mái giữa những người lạ, họ phải cạnh tranh để kiếm việc làm, họ hẹn hò với những người mình thích. Mặc dù họ nhớ lại thời thơ ấu ở làng quê với xiết bao trìu mến, thực tế là làng quê không thể gọi họ quay về.
Đó không phải là một câu chuyện mới mẻ. Nỗi đau của một kẻ lữ thứ quay về nhà là chủ đề cổ điển trong văn học Trung Quốc. Một trong những bài thơ đầu tiên mà một học sinh phải học, từ thế kỷ thứ tám, là về một người đàn ông trở về quê hương sau cả một đời lưu lạc, rồi thấy rằng ông ta không còn thuộc về nơi đây nữa.
Xa quê khi còn trẻ, quay lại khi đã già,
Giọng quê không thay đổi nhưng thái dương đã điểm bạc.
Lũ trẻ nhìn thấy nhưng chẳng biết tôi là ai,
Cười phá lên, chúng hỏi người lạ này từ đâu đến(28).
o O o
Trong chuyến đi Mẫn mang theo một cái áo trượt tuyết, một hộp thuốc Đông y có thành phần chính là da lừa, một cái ví Dooney & Bourke màu hồng sản xuất tại nhà máy nơi cô làm việc, bột sữa Nestlé, một hộp bánh quy, hai áo sơ mi nam, một hộp kẹo hình trái tim bằng nhựa, và một nghìn nhân dân tệ - tương đương một trăm hai mươi đô la Mỹ, một tháng lương được gói chặt thành một cục hình vuông, về tư trang cô chỉ mang điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, và gương trang điểm; mọi thứ khác cô mang theo đều là quà tặng. Đó là tháng Hai năm 2005, một tuần trước Tết âm lịch.
Chuyến xe buýt tới Quảng Châu mà chúng tôi lên trong chốc lát đã chật kín. Một tấm biển dán trên cửa kính viết rằng: CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI XE BUÝT CAO CẤP. VÌ GẦN ĐÂY HÀNH KHÁCH ĐÃ BỊ MẤT CẮP NHIỀU ĐỒ VẬT CÓ GIÁ TRỊ, ĐỀ NGHỊ QUÝ KHÁCH KHÔNG NGỦ TRONG SUỐT CHUYẾN ĐI VÀ NÂNG CAO CẢNH GIÁC. Hầu hết hành khách đều tranh thủ ngủ ngay lập tức. Xe lướt nhanh qua các nhà máy ở hai bên đường cao tốc, nhưng tâm trí Mẫn đang ở rất xa. "Khi em còn nhỏ, chúng em đi bộ nửa tiếng để đến trường tiểu học," cô kể. "Có vài đứa đến từ những ngôi làng ở cách đấy vài ngọn núi. Hồi đó vẫn còn lợn lòi và sói. Chị sẽ không thấy lũ sói nhưng có thể nghe thấy tiếng tru của chúng. Bây giờ thì không còn nghe thấy tiếng sói tru nữa."
Nhà ga ở Quảng Châu cực kỳ đông đúc; hằng năm vào thời điểm này, khoảng bốn triệu rưởi người dừng chân tại nhà ga này trên đường về nhà và trên đường quay trở lại thành phố. Quảng trường đổ bê tông trước cửa nhà ga được hàng rào cảnh sát cách ly thành từng khu. Cảnh sát ở khắp nơi, hét lên những mệnh lệnh qua loa phóng thanh khiến mỗi từ của họ là một âm thanh chói tai. Khi mọi người đi vào phòng đợi lớn của nhà ga, một cách bản năng họ trở nên đi vội vã như chạy: là một người Trung Quốc khiến họ biết rằng không bao giờ có thứ gì là đủ. Mẫn và tôi có ghế đã được xếp số sẵn, nhờ có một người họ hàng của cô đi cùng chúng tôi một đoạn đường, nhưng chúng tôi cũng bắt đầu chạy. Trong đám đông chen lấn xô đẩy, chúng tôi chen lên hai chiếc ghế cứng trên tàu tốc hành qua đêm khởi hành lúc 7 giờ 32 phút đi Vũ Xuơng.
Cuộc sống trên tàu là cuộc sống cộng đồng, giây phút tàu chúng tôi rời khỏi nhà ga, hành khách cư xử như thể họ đã về nhà. Họ bỏ giày và cởi áo, chỉ mặc độc có áo lót; họ ăn quýt và cắn hạt guazi (qua tử), một loại hạt dưa mặn. Điện thoại di động réo liên tục, nhạc chuông vui vẻ và ầm ĩ: "Happy Birthday", "Dixie." Một người đàn ông ở phía bên kia lối đi trải báo trên sàn tàu dưới ghế ngồi, cuộn mình trong khoảng không gian chật hẹp đó cho tới khi chỉ còn phần chân dưới thò ra. Hành khách chen chúc trên các lối đi, ngồi trên các bồn kim loại cạnh nhà tắm và lèn kín các khoảng trống giữa các toa tàu, ngồi thành từng hàng trong những bộ đồ sẫm màu trông như đàn quạ đậu trên dây điện.
Những chiếc xe đẩy bằng kim loại lăn bánh qua, khiến đám đông cứ vài phút lại phải di chuyển một lần. Các xe này bán chân gà, bia ủ ấm và xúc xích xiên que. Những người bán hàng cất tiếng rao: Sữa nóng, sữa nóng đây, rất tốt cho sức khỏe. Chỉ có những người có tiền mới mua đồ ăn trên tàu. Đa số mang đồ ăn theo - trứng luộc kỹ, bánh xốp và trà xanh đựng trong bình vặn chặt nắp có màu vẩn đục đến mức tảo mọc lên được. Vào lúc 10 giờ 45 phút, người quét dọn đi qua. Chúng tôi mới lên tàu được ba tiếng đồng hồ, nhưng bà ta đã quét ra được cả đống rác gồm vỏ lạc, vỏ cam, cùng các vỏ chai rỗng. Hành khách Trung Quốc là những người có tốc độ xả rác nhanh nhất thế giới.
Với Mẫn, thời gian trôi qua thật quá chậm. Đây mới là chuyến viễn du thứ hai trong cuộc đời cô. Cô ngó ra ngoài cửa sổ, xem đồng hồ, nghịch nghịch cái điện thoại. Cô thường xuyên thông báo cho tôi - Chúng ta còn phải ngồi tàu chín tiếng nữa - cho tới khi tôi phải bảo cô thôi đi. Cô mở hộp ăn vài cái bánh quy - "Không sao," cô bảo, "còn nhiều lắm mà" - rồi biến đi thăm anh họ. Cô quay trở lại với một chiếc cánh gà mặn gói trong giấy bóng kính, cùng một vài thông tin: một thủ đoạn hay gặp của bọn trộm cắp là làm sao nhãng hành khách với một chiếc ví "nhặt được", đồng thời thó luôn ví của anh ta.
Vừa mới qua nửa đêm, tôi nhận được tin nhắn chào mừng đã đến Hồ Bắc, quê hương của Mẫn. Chúng tôi ngủ chập chờn. Vào lúc ba giờ sáng, một gia đình ở phía bên kia lối đi đột nhiên tỉnh giấc, và giống như lò xo được thả, tiếng cười nói của họ vang khắp toa xe như thể đang là giữa buổi chiều vậy. Vào lúc 6 giờ 57 phút, chúng tôi đến ga, tạm biệt anh họ của Mẫn, rồi bắt xe buýt về nhà.
Vào lúc 10 giờ 12 phút, khi xe buýt đi ngang qua sông Trường Giang, Mẫn giật mình tỉnh giấc. Cô gọi to tên từng thị trấn mà chúng tôi đi ngang qua trên đường quốc lộ: Hoàng Thạch, Mai Xuyên, Hoàng Mai. ''Sắp về đến nhà rồi," cô nói đầy hoan hỷ.
Mẹ của Mẫn, bà Trần Mỹ Dung, đang ngồi chờ bên vệ đường ở ngoại vi một thị trấn tên là Đại Kim. Bà bốn mươi hai tuổi, đôi mắt sâu màu nâu và gò má cao - một vẻ đẹp hiếm thấy ở những người dân nông thôn. Nụ cười của bà rạng rỡ phô cả hàm răng, tôi nghĩ là bà nở nụ cười không ngớt trong ngày đầu tiên Mần về thăm nhà. Hai mẹ con không ôm nhau khi gặp - đó không phải là phong tục của người Trung Quốc - nhưng Mẫn chạm vào cánh tay và sờ vào vành tai mẹ khi nói chuyện. Đã hai năm liền cô không về nhà.
Đại Kim là một thị trấn thuần nông chỉ có một con phố, nơi các cửa hiệu bán thức ăn gia súc và thuốc trừ sâu vẫn vượt trội về số lượng so với các cửa hiệu bán xe máy và điện thoại di động. Công việc kinh doanh hai bên đường phản ánh đặc tính nông thôn không bao giờ vứt bỏ thứ gì: ở Đại Kim bạn có thể trả tiền cho ai đó để sửa đồng hồ, đồng hồ đeo tay, bếp, điện thoại, hay ti vi. Ở thành phố, hiếm khi nhìn thấy những cửa hàng làm dịch vụ đó, người thành phố tin tưởng vào chất lượng của các sản phẩm mới hơn. Ở các sạp hàng ngoài trời, mặt hàng thường gặp nhất là những chiếc va li vỏ cứng, lời nhắc nhở về sự lựa chọn tốt nhất ở thị trấn này là ra đi để lập nghiệp.
Mẫn có rất nhiều ý tưởng cải tiến đối với nhà mình. Cô muốn mua một đầu đĩa DVD cho cả nhà. "Mua cả bình đun nước nóng nữa," cô nói. "Như thế sẽ tiện nghi hơn nhiều."
Chốc chốc mẹ Mẫn lại ngước nhìn qua đầu con gái về phía tôi. "Nơi này thật là tệ nhỉ!" Bà cười tươi nói. "Nhà chúng tôi cũng thật nghèo!"
Đến lối rẽ về làng, mẹ Mẫn gọi taxi địa phương: một động cơ xe máy kéo một thùng xe bằng sắt gắn trên hai bánh xe với những tấm ván hẹp làm ghế ngồi. Đã có năm phụ nữ ngồi trên xe, mặc quần jean bó và áo phao - những người lao động ra thành phố làm việc, giống như Mẫn, trở về nhà vào dịp Tết. Khi chiếc taxi chạy lạch cạch trên con đường bẩn, Mẫn ngoái về phía sau nhìn cảnh mọi người trở về nhà. Một người phụ nữ trẻ mặc quần da đen, đi bốt cao gót đi qua ruộng lúa; một người đàn ông trong bộ vest kẻ sọc dắt hai đứa trẻ ăn mặc rách rưới mới biết đi lẫm chẫm, mỗi đứa một bên. Một người đàn ông đi xe đạp toét miệng cười vẫy tay chào. "Đó là cha của một bạn học hồi tiểu học của em," Mẫn nói. "Ông ấy trông già hơn xưa."
Chúng tôi ra khỏi xe xuống một khu gồm toàn những ngôi nhà gạch hai tầng. Cha của Mẫn đi lên con đường dốc về phía chúng tôi - gương mặt ông gầy, có vẻ buồn rầu, nụ cười đầy mệt mỏi - Mẫn thấy ông cũng già đi. Căn nhà thật yên tĩnh. Em trai và em gái Mẫn đang đi thăm họ hàng, một em gái khác đang ở nhà, xem truyền hình. Cô bé thoáng ngước nhìn khi Mẫn bước vào rồi lại quay ra chăm chú xem phim.
Trong lúc ăn mì với gan và trứng luộc - mẹ Mẫn cho vào bát cô ba quả trứng luộc để mừng cô đã về nhà - Mẫn đã kịp cập nhật thông tin. Cha cô nói ông muốn mua một cái xe máy. "Bao nhiêu thế bác?" Tôi hỏi.
"Khoảng bảy hay tám nghìn nhân dân tệ," Mẫn trả lời hộ cha.
"Nhiều nhỉ!" Tôi thốt lên.
Cha của Mẫn nói rằng ông có thể mua được một cái với giá thấp hơn ba nghìn nhân dân tệ.
"Thế thì không phải đồ tốt rồi," Mẫn nói. "Bố có muốn suốt ngày phải đi sửa xe không?"
Có tiếng chuông điện thoại. Đó là một người bạn của Mẫn, gọi từ Đông Quản để xem cô đã về nhà an toàn chưa. "Mẹ em sợ chết khiếp khi nhìn thấy em," Mẫn kể qua điện thoại. "Cha mẹ em đã già đi nhiều, nhà cửa thì bừa bộn, lạnh lẽo. Chị chẳng muốn làm gì ngoài việc ngủ."
Chuông điện thoại lại reo. Lần này là A Kiệt, cậu ta ở lại Đông Quản đón năm mới. "Bây giờ em không nói chuyện được đâu," cô thì thào nói. "Ở đây đông người lắm." Vì mẹ của Mẫn không tán thành, nên Mẫn đã chọn con đường phản kháng ít nhất: cô đã nói dối với mẹ là hai người chia tay rồi. Giờ đây cô đã mang bí mật này về nhà. Mỗi lần chuông điện thoại reo, lại là một lần cô sợ bị lộ bí mật này.
Trong vài ngày tới, Quế Mẫn sẽ trở về nhà cùng với người yêu.
"Em đưa bạn trai cùng về," Quế Mẫn nhắn tin cho tôi, "mặc dù ở nhà mọi người không đồng ý cho em yêu một người ở xa." Một hôm khác, cô lại nhắn: "Em đã lớn rồi và biết cách xử lý mọi việc. Mọi người không cần phải lo lắng cho em." Tôi thấy có vẻ như cô đã sẵn sàng cho một trận chiến.
o O o
Ngay khi Mẫn về đến nhà, cô bắt đầu thực hiện chiến dịch văn minh hóa gia đình mình. Trong những buổi sáng có sương mù, cô đi quanh nhà đóng các cửa sổ; cô bảo mẹ không khí ẩm ướt không tốt cho sức khỏe. Khi cha cô châm điếu thuốc sau bữa ăn sáng, ông nhận được ngay một bài thuyết giáo: ông không nên hút thuốc, và phải súc miệng bằng nước trà, nếu không răng sẽ bị đen xỉn. Mẫn đi quanh nhà chỉ ra những cải tiến mà cô mong muốn: bình đun nước nóng, máy giặt, con đường đổ bê tông đi qua cái sân bùn lầy lội. Ở các ngôi nhà trong làng, người ta thường xuyên vứt rác, vẩy tàn thuốc, khạc nhổ ra sàn nhà; người ta cũng thường xuyên quét rác rồi hắt ra sân. Mẫn để một cái túi nylon vào góc phòng dành cho trẻ con và yêu cầu các em cô phải vứt rác vào đó. Tôi quan sát khi cô hướng dẫn lại cho mẹ mình.
Việc Quế Mẫn sắp trở về khiến cô bận tâm. Mẫn sợ rằng cha mẹ mình sẽ tỏ ra bất lịch sự đối với bạn trai của chị. Người dân nông thôn không quen tiếp xúc với người lạ, cô nói, và họ có thể vô tình làm tổn thương anh ta. Quế Mẫn trở thành chủ đề bàn tán của cả làng: chưa từng có cô gái trẻ nào lại mang người yêu ở xa như vậy về nhà giới thiệu. "Chị cháu đang về thăm nhà cùng bạn trai," Mẫn kể với bất kỳ người hàng xóm nào mà cô gặp.
"Anh ta người ở đâu thế?" luôn là câu hỏi đầu tiên bật ra.
"Hồ Nam," cô đáp - và cuộc trò chuyện kết thúc, vì chẳng có câu trả lời nào hay hơn nữa.
Nhà của gia đình họ Lữ được xây dựng vào năm 1986, năm Mẫn ra đời. Tầng dưới có phòng sinh hoạt chính, mỗi bên có một phòng ngủ, phòng trẻ em có hai chiếc giường đôi và một chiếc ti vi luôn được vặn tiếng to hết cỡ. Phòng sinh hoạt chính có một chiếc bàn ăn bằng gỗ, đằng sau nó là bàn thờ, với bài vị của tổ tiên, một bức ảnh bà nội Mẫn, và một bức trưởng thêu những chữ vàng óng ánh thể hiện sự phân chia cấp bậc của vạn vật: Thiên (Trời), Địa (Đất), Quốc (Tổ quốc), Phụ (Cha mẹ), Sư (Thầy). Trên bức tường cạnh bàn thờ dán những tấm giấy khen của hai đứa bé ít tuổi nhất trong nhà. Lữ Tú xếp thứ năm trong lớp. Lữ Xuân Thanh là học sinh "ba tốt". Mọi thứ xung quanh ngôi nhà đều hữu dụng. Tầng trên có một hố sâu trên sàn để chứa hạt giống, những miếng thăn lợn tươi và cá ướp muối treo trên móc, một căn phòng chất đầy bông ngập đến đầu gối - thu hoạch từ vụ mùa năm nay, chưa đem bán. Một bên nhà là bếp, tường bếp ám khói đen, một bên nhà là chuồng gia súc dành cho bò, lợn nái và mấy chú lợn con. Gà quanh quẩn dưới chân và đẻ trứng bên dưới chạn đựng bát đĩa.
Điện được sử dụng một cách tằn tiện để tiết kiệm tiền, hầu hết các bữa tối chúng tôi ngồi ăn dưới ánh sáng lờ mờ. Không có hệ thống ống dẫn nước và hệ thống sưởi ấm. Trong cái lạnh lẽo ẩm ướt của mùa đông Hồ Bắc, ở trong nhà cả gia đình vẫn mặc áo khoác và đi găng tay, những bức tường và nền nhà trát xi măng ngấm nước như miếng bọt biển. Nếu ngồi quá lâu, chân tay bạn sẽ lạnh cóng, phương thuốc tốt nhất là uống một cốc nước nóng, cầm nó trong tay trong khi hơi nước sưởi ấm khuôn mặt. Bọn trẻ thường đứng xem truyền hình, nhảy lên nhảy xuống để chân khỏi tê rần.
Mẫn thích thú hưởng thụ địa vị hiện tại của cô ở trong nhà. Vào các bữa ăn, các em cô ăn nhanh chóng và rời khỏi bàn, Mẫn nán lại nói chuyện với cha mẹ và với tôi. Mẹ và các em gái cô nấu nướng, dọn dẹp và giặt giũ, còn cha cô cho lợn ăn, làm các việc lặt vặt khác trong nhà. Mẫn không giúp một tay làm việc nhà. Cô dành rất nhiều thời gian tán gẫu qua điện thoại, lên kế hoạch đi thăm những bạn bè đã trở về nhà. A Kiệt tiếp tục gọi điện với một số tin tức: cậu ta đã giúp Quế Mẫn mua vé tàu hỏa. Cậu nhớ Mẫn. Cậu mơ thấy Mẫn bỏ đi cùng một chàng trai khác.
Ba em của Mẫn vẫn ở nhà. Sa, em gái thứ ba, năm nay mười sáu tuổi; cô bé có mái tóc dài đến eo và nụ cười tươi tắn của mẹ. Cô cũng đang học trường nghề mà trước kia Mẫn đã học và dự định sẽ lên thành phố làm việc sau khi tốt nghiệp trong một vài tháng nữa. Tú, em gái thứ tư, và Xuân Thanh, em út và là cậu con trai duy nhất trong nhà, đang học trung học cơ sở. Bọn trẻ học nội trú trong thị trấn và về nhà vào cuối tuần; chúng hầu như không biết về các công việc đồng áng. Khi cha mẹ Mẫn làm thịt và vặt lông mấy con gà vào một buổi sáng, Tú chỉ đứng ở cửa bếp nhìn ra. "Bọn trẻ không chịu làm công việc này," mẹ Mẫn nói.
Một buổi sáng khác, Sa bước ra sân với một bát thóc trên tay để gọi gà ra ăn. "Tục tục, tục tục," cô cất tiếng gọi. Bọn gà không xuất hiện.
Tôi trỏ vào đàn gà ở thửa ruộng bậc thang phía dưới ngôi nhà. "Kia có phải gà nhà cô không?"
Cô nheo mắt. "Có vẻ là của nhà em đấy. Tục tục, tục tục..." Bọn gà vẫn tảng lờ.
Mẹ cô bước ra khỏi nhà. "Con đang làm gì thế? Đấy không phải gà nhà ta!" Mẹ Sa đi ra đuổi lũ gà. Sa cười khúc khích đi vào trong nhà.
VÀO NGÀY THỨ HAI SAU KHI VỀ ĐẾN NHÀ, Mẫn đưa ba em ruột và hai em họ đến thị xã gần nhất là Vũ Huyệt, cách nơi đây một giờ đi xe buýt. Cải thiện nhà cửa vẫn là điều luẩn quẩn trong tâm trí Mẫn: cô muốn mua bình đun nước nóng và máy sấy tóc. "Bọn trẻ chẳng bao giờ được đi đâu," cô nói với tôi. "Chúng ta hãy đưa chúng ra thành phố vui chơi một lúc." Điểm dừng chân đầu tiên là một tiệm cà phê Internet nơi Mẫn gặp một người bạn thời trung học tên là Hồ Đào. Cậu ta có gương mặt hẹp với cằm nhọn và một hàng ria mép nhỏ hình vuông nằm ở gần môi trên, giống như một cái tem dán sai chỗ. Cậu ta mặc áo khoác vải bò màu xám, đi đôi giày đen mõm nhọn, mắt lúc nào cũng quắc lên đầy căng thẳng giận dữ; cậu ta trông có vẻ như đang cố gắng học đòi phong cách của một tay anh chị. Hồ Đào đang làm việc trong nhà hàng của người chú trên thành phố, nhưng cậu ta đang hy vọng sẽ ra ngoài kiếm việc.
"Anh ta thích em," Mẫn nói, không để cho Hồ Đào nghe được, "nhưng chúng em chưa bao giờ có quan hệ tình cảm gì với nhau. Hơn nữa em có bạn trai rồi. Anh ta trông cũng không được đứng đắn lắm nhỉ?"
Chợ hôm nay đông nghịt người đi mua sắm chuẩn bị cho dịp năm mới. Các quầy hàng bán những cuộn giấy đỏ viết câu đối với những lời chúc phúc cho năm mới, cùng với những poster có hình Mao Chủ tịch anh hùng và những khẩu hiệu gần như mang tính tôn giáo: Người là nhà giải phóng vĩ đại của dân tộc. Mẫn dẫn bọn trẻ đi qua các quầy hàng mua sắm đồ đạc cho nhà mình: tất cho cha, khăn mặt cho khách, dầu gội đầu. Cô mặc cả rất ghê và mua được bình đun nước nóng với giá 11 đô la Mỹ, máy sấy tóc với giá 3,3 đô la Mỹ. Cô mua những chiếc cốc nhựa dùng một lần, vệ sinh hơn nhiều so với những chiếc chén sứ mà cả gia đình dùng chung và hiếm khi được rửa. Ở siêu thị, bọn trẻ chất đầy xe hàng của cô với bánh gạo ngọt và bánh quy.
Vũ Huyệt có những thứ mà bạn không còn nhìn thấy ở những thành phố hiện đại ven biển, ví dụ như kho chứa thóc và cửa hàng cung cấp thóc của quân đội - đều là di tích của một thời bao cấp khi nhân dân phụ thuộc vào chính phủ trong việc phân phối thóc gạo theo định mức. Một cửa hàng quảng cáo cho Old Fogey - một nhãn hiệu com lê đàn ông. Mẫn đã đến Vũ Huyệt hai năm trước. Lần trở lại này khiến cô hết sức thất vọng. "Thành phố này chẳng có gì tốt cả," cô nói. "Nó không phát triển bằng những nơi khác."
Hồ Đào biến mất một lúc rồi lại xuất hiện sau bữa trưa để đưa lũ trẻ đi trượt băng. Cậu lại có thêm một phụ kiện khác của dân anh chị - điếu thuốc giắt sau vành tai, khiến cậu ta trông càng thiếu đứng đắn hơn nữa. Ở một quầy bán hoa quả, cậu ta dừng lại trò chuyện với một phụ nữ trẻ có đôi mắt đen kẻ đậm và mái tóc tẩy màu đã bị ngả sang màu da cam. Cô ta đi đằng trước với Hồ Đào, trong khi Mẫn và bọn trẻ lẽo đẽo theo sau. Không ai thèm để ý đến việc giới thiệu cả.
Sân trượt băng chật ních người, bên trong tối thui, chỉ có ánh sáng chớp nhoáng từ cái đèn disco tròn nhấp nháy. Bây giờ là ba giờ chiều. Mẫn đi dọc theo bờ tường, lần mò đường đi và cố gắng không để mất dấu lũ trẻ. Trong khu vực quầy bar dưới ánh sáng mờ ảo ở một đầu của sân trượt băng, Hồ Đào ngồi trên một cái ghế cao và cô gái kia ngồi bên cạnh anh ta. "Em nghĩ là chúng ta nên đi thôi," Mẫn nói với tôi. Chúng tôi tập hợp lũ trẻ và đi ra ngoài, quay lại lối mà chúng tôi đã vào. Ở chân một quả đồi nhỏ, Hồ Đào lại xuất hiện trước mặt chúng tôi, một mình. Cậu ta đã lựa chọn, không còn dính dáng đến cô gái có mái tóc màu da cam.
Cậu ta hỏi Mẫn về chỗ làm của cô. Nhà máy nơi cô làm sản xuất túi xách và có năm nghìn nhân công, cô kể. Công nhân làm ở dây chuyền lắp ráp được trả tám trăm nhân dân tệ một tháng.
"Tôi lại muốn ra ngoài kiếm việc," cậu ta nói. "Mọi việc ở nhà không được tốt lắm."
"Nhà máy cũ của anh thì thế nào?" Cô hỏi. Cậu ta đã từng có thời gian làm việc ở Đông Quản.
"Tệ lắm. Khi nào bạn quay lại chỗ làm?"
"Ngày mùng năm," Mẫn nói - rồi cô đưa ra điều kiện. "Bạn giúp chúng tôi mua được vé tàu, rồi bạn có thể đi cùng. Nhà máy vẫn đang tuyển thêm công nhân đấy."
Sau khi mỗi người rẽ một ngả, Mẫn có vẻ đắc thắng. "Anh ta sẽ mua vé quay lại Đông Quản cho chúng ta," cô nói. Hồ Đào sẽ sử dụng các mối liên hệ ở địa phương để mua được vé, Mẫn sẽ đưa anh ta ra thành phố và tìm cho anh ta một công việc ở nhà máy. Trong ngày thứ hai ở nhà, cô đã tính toán đến việc quan trọng nhất: làm thế nào để ra di.
o O o
Bảy thế hệ nhà họ Lỗ đã sống ở làng Liệt Mã Hồi Đầu. Nhà họ Lỗ gồm chín mươi gia đình, hầu hết đều mang họ Lỗ, sống trong những ngôi nhà gạch cạnh ruộng lúa mọc thấp lè tè, những con dường ở giữa các ruộng lúa thỉnh thoảng lại điểm xuyết miếu thờ, nơi dân làng thắp hương cho tổ tiên của mình. Những thửa ruộng bậc thang bắt đầu từ đáy thung lũng, xếp chồng trên những ngọn đồi màu xanh xám như hộp đựng trang sức nhiều ngăn kéo đang mở. Chỉ có một điều bất thường đối với ngôi làng là sự ngông cuồng trong cái tên của làng - Liệt Mã Hồi Đầu, "con ngựa bất kham đang quay đầu lại". Tên này lấy từ hình dáng của một ngọn núi gần đó. Bao thế hệ đã sống và chết ở đây mà không đi xa nhà quá hai mươi dặm. Có một câu ca ngợi sự cách ly: "Sống cả đời mà không cần đi xa nhà là cả một gia tài."
Vào đầu những năm 1990, các cặp vợ chồng trẻ bắt đầu hướng ra thành phố kiếm việc làm, chống lại mong muốn của những người lớn tuổi. Khi người chú độc thân của Mẫn chuyển đến Vũ Huyệt mở cửa hàng, cả gia đình phản đối. "Chúng tôi cảm thấy những người chưa lập gia đình không nên ra ngoài làm việc vì họ sẽ học những thói hư tật xấu," cha Mẫn kể với tôi. Trong thập niên vừa qua, việc di trú đã trở thành phổ biến. Những đứa trẻ trong làng ra đi trong thời gian học trung học hoặc thậm chí khi còn đang học tiểu học; cả trai lẫn gái đều đi, mặc dù một vài gia đình thích để con trai ở gần nhà hơn. Cha mẹ Mẫn đều đã từng làm việc trong một nhà máy giày tại Ôn Châu ở bờ biển phía Đông, nhưng đã quay về nhà mà chẳng dành dụm được chút gì. Một vài người di trú trước Mẫn vài thế hệ đã quay trở về làng gây dựng một số công việc buôn bán nhỏ. Chưa có người nào thuộc thế hệ trẻ quay trở về: một vài người đã lập gia đình và tiếp tục làm việc xa nhà, một vài người mua căn hộ ở thị xã Vũ Huyệt gần quê.
Việc di trú đã trở thành nguồn thu nhập chính của làng. Mẫn và chị của cô năm ngoái đã gửi về nhà 600 đô la Mỹ, so với 240 đô la Mỹ mà cha mẹ cô kiếm được nhờ việc bán lợn và bông. Tiền này dùng để trả tiền học cho các em, và nó đem lại tiếng nói cho những người chị trong gia đình. Khi Quế Mẫn lần đầu đi làm, cô đã thuyết phục cha mẹ để cho Mần học hết trung học cơ sở. Trình độ học vấn của hai chị em là chuyện bất bình thường trong làng. "Chúng tôi đối xử với con gái cũng như con trai," mẹ Mẫn kể cho tôi vào một buổi sáng khi bà ngồi bên cạnh cửa sổ phòng ngủ khâu một chiếc dép đi trong nhà bằng nhung kiểu cũ. Bà và chồng đều đã tốt nghiệp trung học cơ sở, là điều hiếm thấy đối với những người dân nông thôn cùng thế hệ với họ.
"Rất nhiều người trong làng không đồng ý với tôi," bà tiếp tục. "Họ nói con gái không cần phải học hành gì nhiều, vì đằng nào chúng cũng đi lấy chồng. Nhưng tôi tin rằng có học có hơn."
Thứ tự ra đời là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh. Quế Mẫn, người con cả, rời nhà tìm việc sau khi học hết trung học cơ sở. Mẫn, người con thứ hai, học gần hết hai năm ở trường dạy nghề, và Sa sẽ tốt nghiệp trước khi ra đi hội tụ cùng hai chị. Hai người con nhỏ nhất, niềm hy vọng của bà mẹ, sẽ học tiếp phổ thông trung học và đại học vì bây giờ đã có đủ tiền cho việc đó. "Đó là lý tưởng của tôi," mẹ Mẫn nói, "nhưng nó còn phụ thuộc vào bọn trẻ và việc bọn chúng có làm việc, học hành chăm chỉ hay không."
Một vài anh chị em họ của Mẫn đã bắt đầu ra ngoài kiếm việc khi mới mười hai tuổi. Trong số hai mươi bảy học sinh cùng lớp sáu với cô, mười người đã đi làm ngay thay vì học tiếp trung học cơ sở. Một vài bậc cha mẹ dường như coi con cái mình như những cỗ máy in tiền: nhà hàng xóm của Mẫn yêu cầu mỗi cô trong số bốn cô con gái phải gửi về nhà mười nghìn nhân dân tệ một năm. Một ngưòi khác trong làng còn lập tài khoản tại ngân hàng để lương của ba cô con gái của ông ta, đang làm việc tại một nhà máy sản xuất áo len, sẽ trực tiếp đến thẳng tay ông.
Những cặp vợ chồng di trú cũng gặp phải những vấn đề tiến thoái lưỡng nan riêng. Một người chú của Mẫn làm thợ nề ở Đông Quản cùng với vợ nhưng để hai đứa con trai đang trong độ tuổi thiếu niên ở quê đi học tại trường làng, hy vọng rằng một ngày nào đó chúng sẽ học đại học. Nhưng hai đứa trở nên ngỗ nghịch vì không có ai rèn giũa. "Mặc dù con trai tôi mới mười bốn tuổi, cả ngày nó chỉ chơi bời với bọn con gái," chú của Mẫn phàn nàn vào một lần ăn tối tại gia đình Mẫn. "Nhưng làm sao tôi có thể kiểm soát nó được? Tôi ở Đông Quản, vợ tôi cũng thế." Con trai ông ta đứng ở góc phòng đằng kia lắng nghe. "Khi tôi bằng tuổi nó," cha cậu ta tiếp tục, "con trai và con gái thậm chí còn không nói chuyện với nhau. Nhưng bọn trẻ bây giờ sống trong một thế giới khác rồi."
Chỉ có một người trong làng ở độ tuổi của Mẫn mong muốn đi học đại học: Lỗ Tắc Hoàn, bạn thời thơ ấu của Mẫn. Khi Mẫn ra ngoài làm việc tại Đông Quản, Lỗ Tắc Hoàn bị suy nhược thần kinh do áp lực từ việc học ôn thi đại học. Mẫn đến thăm cô vào ngày thứ ba sau khi về nhà, Lỗ Tắc Hoàn đang ngồi trước ti vi, mặc một chiếc áo khoác vải nylon có thêu dòng chữ 450 Fifth Avenue, New York trên nắp túi trước. Giờ đây cô hiếm khi ra khỏi nhà, để tránh nghe những lời xì xào bàn tán về mình. Khi Mẫn rủ cô ra ngoài đi dạo, một vài người hàng xóm nhòm ngó Lỗ Tắc Hoàn và ngập ngừng gọi tên cô ta, bởi vì họ đã không nhìn thấy cô trong một thời gian dài.
Việc di trú tìm việc đã trở nên thông thường đến mức việc học hành có vẻ như là một vụ cá cược mang tính rủi ro hơn. Vũ Kiện Hán, bạn học của Mẫn ở làng khác, đến chơi và ở lại nhiều ngày. Cậu ta mặc quần vải đen, sơ mi trắng, đeo cà vạt kẻ sọc - ngày nào cũng một bộ đồ đầy tham vọng như vậy, thậm chí ngay cả khi cậu ta giúp bố Mẫn lợp lại mái nhà xi. Cậu ta đã tham gia kỳ thi tuyển vào đại học, nhưng anh trai cậu ta từ chối chi trả tiền học phí. "Anh ấy nói là bây giờ thậm chí sinh viên đại học cũng phải chật vật kiếm việc. Anh ấy cho rằng tôi nên đi làm ngay thay vì đi học đại học," Vũ Kiện Hán nói vào một buổi sáng khi cậu đang quét phân gà và xác pháo hoa vương vãi trên con đường bẩn thỉu trước cửa gia đình Lỗ. "Đó là quan điểm của anh ấy. Tôi có quan điểm khác." Vũ Kiện Hán làm việc ở Bắc Kinh, nhưng cậu ta từ chối nóì vè công vìềc của mình.
Mẫn và chị gái của cô nhận được sự kính trọng của dân làng vì họ đã thăng tiến lên các công việc văn phòng. Chẳng có ai khác từng tới Đông Quản, mặc dầu những nơi ưa thích khác của mọi người cũng xa tương đương: các nhà máy giày ở Ôn Châu, cách nơi đây 22 giờ đồng hồ đi xe buýt, các tiệm làm tóc ở Cáp Nhĩ Tân, cách 28 giờ đồng hồ đi tàu hỏa. "Đó là tín ngưỡng nơi đây," Mẫn nói. "Bạn càng đi xa nhà, công việc càng trở nên vinh quang."
o O o
Hai ngày trước năm mới, Mẫn tức giận với mẹ cô. Một trong những người chú của Mẫn mời cả gia đình đến ăn bữa cơm tất niên, một sự kiện chủ chốt của dịp Tết - nhưng rồi điện thoại reo với một lời mời hấp dẫn hơn. Một bà cô trẻ đẹp đang điều hành một tiệm làm tóc ở Vũ Huyệt vừa mới về nhà và mời Mẫn đi mua sắm ở thành phố.
"Sao lại phải ra ngoài khi trời đang mưa?" Đó là tất cả những gì mẹ cô nói. Bà hoàn toàn không hài lòng trước cơn giận dữ của Mẫn.
Mẫn vẫn giữ vững lập trường. "Là em làm chú bực mình, chứ không phải mẹ, vì thế mẹ chẳng liên quan gì đến chuyện này cả" cô suy luận.
Cô của Mẫn, Hoàng Thái Hà, đến nhà đón chúng tôi. Cô ta hai mươi lăm tuổi, mặc một chiếc áo khoác có thắt lưng hợp thời trang, quần bằng vải xa tanh bóng nhoáng, và đi đôi giày chạy thể thao. Điều đầu tiên cô ta làm là lôi chiếc điện thoại di động màu đỏ thẫm mở ra như hộp phấn trang điểm và chuyền tay cho mọi người cùng trầm trồ tán thưởng. Trên chuyến xe buýt ra thành phố, cô và Mẫn bàn luận về các bí quyết nhuộm tóc và hát theo những bài hát nhạc pop trong máy nghe nhạc MP3 của Mẫn. Cô của Mẫn biết hết lời của các bài hát.
Ba mươi sáu kế sách tình yêu
Giống như trò chơi
Tôi muốn điều khiển từ xa được bản thân mình.
Ba mươi sáu kế sách tình yêu
Bạn phải duy trì sự quyến rũ
Để ghi điểm và không bị loại khỏi cuộc chơi.
Mẫn kể với cô của mình là cô muốn cha mình xây một phòng tắm trong nhà. "Cha có thể đặt máy giặt trong đó, nhà mình sẽ có một chỗ để tắm rửa," Mẫn nói. "Thậm chí còn có thể lát gạch để nó trở thành một phòng tắm thật sự."
"Cả bình nóng lạnh nữa," cô của Mẫn chêm vào.
"Cả bình nóng lạnh nữa," Mẫn lặp lại, "vì vậy chúng ta có thể tắm vào mùa đông mà không bị lạnh."
Cô của Mẫn tính toán là việc sửa sang này sẽ tốn khoảng năm nghìn nhân dân tệ, tương đương sáu trăm đô la Mỹ. "Khi đã sống ở thành phố một thời gian, suy nghĩ của con người ta sẽ thay đổi," cô của Mẫn nói với tôi. "Bạn thường xuyên nghĩ đến việc làm thế nào để cải thiện chất lượng cuộc sống ở nông thôn." Cô cùng chồng làm việc ở Vũ Huyệt, thuê một căn hộ ở đó, còn cô con gái bốn tuổi của hai người thì sống ở quê với bà nội. Họ dự định sẽ mang con lên thành phố ngay khi tiết kiệm đủ tiền mua một căn hộ. Vợ chồng cô đã không yêu cầu làng cấp ruộng khi họ lấy nhau; bố mẹ chồng cô vẫn đang cày cấy thửa ruộng rộng một phần ba mẫu, và thế là đủ đối với họ. "Làng quê là nhà," cô của Mẫn nói. "Nhưng tôi không còn thấy thoải mái khi sống ở đó nữa."
BUỔI CHIỀU HÔM ĐÓ, Quế Mẫn về nhà cùng bạn trai. Cô cao hơn Mẫn nửa cái đầu, có gương mặt thanh tú xinh đẹp và một tư thế đĩnh đạc bẩm sinh của người con cả trong một gia đình đông anh em. Khi bạn trai của cô bước vào nhà, anh ta chạy về phía cha của Quế Mẫn đang bước ra. Cậu ta cúi đầu, nói "Chào bác", và đưa cho ông một điếu thuốc lá. Thế là xong: không cần giới thiệu, không trò chuyện, chỉ có thuốc lá - tấm danh thiếp và loại tiền tệ lưu hành trong thế giới của những người đàn ông Trung Quốc.
Trong bữa tối, cha mẹ Mần không nói chuyện nhiều với bạn trai của con gái. Có thể là vì ngại ngùng, hoặc là sự phản đối ngầm. Nhưng đó chính là những gì Mẫn lo sợ: họ không thể hiện sự kính trọng đúng mực đối với một người khách ở xa đến. Chàng trai, người hiểu tiếng địa phương cũng không khá gì hơn tôi, ngồi một cách lịch sự và không nói lời nào. Khi rượu nhà tự cất được rót ra, Mẫn thực hiện nhiệm vụ của mình. Cô quay sang người đàn ông mà bản thân cô coi là "anh rể". "Xin chào mừng anh đến thăm gia đình," cô nói, nâng cao ly rượu của mình.
o O o
Hầu hết những ngày sống ở làng bắt đầu bằng một cuộc điện thoại lúc rạng đông phá vỡ sự tĩnh lặng: có ai đó vừa mới về nhà. Cha mẹ Mẫn dậy sớm và di chuyển khắp nhà, đóng sầm cửa nọ cửa kia và nói chuyện oang oang trong khi những người khác đang ngủ. Ý tứ với người khác không phải là phong cách sống của làng: mọi người đều sinh hoạt theo nhóm, vì vậy họ đã thành thạo việc tảng lờ người khác.
Hầu như mọi việc đều làm theo tập thể gia đình. Trẻ em cùng thức dậy, đứng thành hàng ở mép sân, đánh răng và khạc nhổ sang sân nhà hàng xóm. Các bữa ăn đều ăn cùng nhau - rau, cơm, và luôn luôn là thịt lợn, vì một gia đình thường giết thịt một con lợn vào mùa thu và ăn thịt nó trong suốt cả mùa đông. Giờ tắm rửa cũng là một hoạt động theo nhóm: vào buổi tối, những người phụ nữ trong nhà sẽ đun một chậu nước nóng. Lần lượt, họ sẽ rửa vùng kín và chân mà không hề thay nước. Rồi những người đàn ông lại để tiếp nước nóng vào chậu và cũng làm như vậy. Những người trong gia đình tắm xà phòng cũng khá thường xuyên, nhưng thường thì việc này hoàn toàn khác so với việc cách nhiều ngày họ mới gội đầu một lần. Rốt cuộc là mọi bộ phận của cơ thể sẽ được rửa ráy sạch sẽ, nhưng hiếm khi vào cùng một lúc.
Khách khứa đến thăm ở lại chơi cả ngày, vài người ở lại mấy ngày liền. Một em họ chín tuổi của Mẫn nằm ngủ giữa chúng tôi trong nhiều đêm, rồi hai em họ đằng nhà mẹ của Mẫn đến, rồi lại đến hai anh chị họ đằng nhà bố. Vũ Kiện Hán, chàng trai mặc áo sơ mi và đeo cà vạt kẻ sọc, ở lại lâu nhất, cậu ta thích Mẫn, nhưng cô thì lại tảng lờ cậu ta. Mẹ Mẫn chuyển sang ngủ cùng các con gái, để phòng của bà cho chồng và các cậu con trai. Vào ban đêm Mẫn, mẹ cô, và tôi ngủ xoay ngược đầu đuôi trên một chiếc giường đôi, đắp một chiếc chăn lông vịt, nằm bất động như những con búp bê.
Trung tâm của đời sống trong làng là chiếc ti vi. Bọn trẻ ngồi trước ti vi cả ngày; nếu bạn đến thăm một người hàng xóm, bạn thường sẽ được dành cho chỗ gần màn hình nhất nơi bạn có thể bắt gặp một tập phim mà bạn đã xem ở đâu đó. Thể loại ưa thích của mọi người là phim truyền hình cổ trang về cuộc sống trong cung đình. Những bộ phim truyền hình dài tập này là mối liên kết chủ yếu của dân làng với lịch sử, mặc dù chúng chỉ kể về một giai đoạn nào đó trong quá khứ. Phù thủy, thần tiên, pháp thuật, nghi lễ, phép màu, án mạng, đều là những thứ bọn trẻ bị mê hoặc. Trong khi Đảng Cộng sản tuyên truyền về đạo đức, chủ nghĩa duy lý, và tiến bộ khoa học, thì hầu hết các chương trình giải trí đều đi ngược lại những điều này.
Trẻ em đứng giữa hai thế giới, ngôi làng và thế giới tưởng tượng bên trong các món đồ điện tử của chúng. Chúng có thể giúp mẹ giặt quần áo ở bờ sông rồi lại tập trung vào máy chơi xếp hình cầm tay. Thỉnh thoảng chúng trông như có vẻ vừa mới hạ cánh xuống trái đất từ hành tinh Truyền hình. Khi tôi lấy máy ảnh ra để thay phim, em họ chín tuổi của Mẫn lại gần để xem. "Phim trông như thế nào ạ?" Bé hỏi. "Trông có giống như trên truyền hình không ạ?"
Mọi người đều có họ hàng với nhau, theo những cách lòng vòng mà thậm chí tiếng Trung Quốc không có tên để đặt cho những mối quan hệ đó. Có một người đàn ông đến thăm gia đình Mẫn là con rể của em trai ông nội cô; một hôm khác, chúng tôi đến thăm chị em ruột của con dâu của anh trai của ông nội cô và cha của họ. Tôi cứ nghĩ bọn trẻ ngồi xem truyền hình liên miên trong nhà Mẫn là lũ trẻ hàng xóm, nhưng một hôm chúng tôi đi thăm bà dì của cô ở làng khác và tôi cũng thấy những đứa trẻ đó ngồi xem truyền hình: chúng là họ hàng với nhau. Một chàng trai trẻ sống bên cạnh làm việc ở một nhà máy giày tại Ôn Châu thường xuyên đến chơi nhà khiến tôi chắc mẩm rằng anh ta say mê Mẫn. Tôi đang định chia sẻ ý nghĩ này với cô thì phát hiện ra: anh ta là anh em họ của cha Mẫn.
Những người dân trong làng cư xử với tôi theo nhiều cách khác nhau. Những người đang làm việc ở thành phố bắt chuyện, hỏi tôi về Bắc Kinh và nước Mỹ, họ nhòm vào cuốn sổ ghi chép của tôi và cố gắng giải mã chữ viết tay của tôi. Những người ở làng, bao gồm cả cha mẹ Mẫn, lịch sự nhưng rụt rè - trong khi họ sẵn sàng trả lời câu hỏi của tôi, họ không bao giờ hỏi tôi điều gì cả. Không có người đàn ông lớn tuổi nào nói chuyện với tôi. Là một phụ nữ trẻ và là người ngoài, hai điều đó khiến tôi hoàn toàn không liên quan gì đến họ.
Tôi không bao giờ thấy có ai đọc báo hoặc xem tin tức thời sự buổi tối, và có rất ít dấu hiệu chứng tỏ sự hiện hữu của chính quyền. Trong hai tuần sống tại nhà Mẫn, tôi không hề gặp một viên chức nào, luật pháp dường như cũng khá lỏng lẻo. Trên toàn quốc, chính sách giới hạn hầu hết các gia đình chỉ có một hoặc hai con đã được thi hành trong hơn hai thập kỷ, tuy nhiên ở ngôi làng này trung bình mỗi gia đình có nhiều hơn hai con, cha Mẫn nói. Gia đình họ Lỗ có năm con, nhưng một gia đình khác trong làng có những sáu con, và một gia đình khác có bảy con. Người đàn ông là cha của bảy đứa con thậm chí còn là trưởng làng, một trong những vị trí cao nhất tại địa phương.
MẪN DỄ DÀNG HÒA MÌNH TRỞ LẠI thế giới này, nhưng cô vẫn giữ những bí mật của mình. Cô không hề nói gì về bạn trai của mình ở nhà máy, và tôi nhận thấy rằng cô không tham gia vào câu chuyện mỗi khi thấy nó không phù hợp với mình. Cô tự lên kế hoạch đi thăm bạn bè, đôi lúc trái ý mẹ cô; cô nói gay gắt với những người họ hàng lớn tuổi hơn mà mình không ưa. Tôi chưa bao giờ thấy cô làm điều mình không muốn. Một bà thím yêu cầu Mẫn đưa cô con gái mười bốn tuổi của bà ta đến làm việc tại nhà máy, nhưng Mẫn từ chối thẳng thừng. Một buổi sáng khác, một ông bác xuất hiện sau bữa sáng và tựa như một tên lửa tầm nhiệt, nhắm vào cái áo khoác trượt tuyết mà cha cô đang mặc. Đó là quà của Mẫn tặng cha.
"Cái áo này bao nhiêu tiền thế?" Ông già hỏi. "Hai mươi nhân dân tệ à?"
"Dù bác có ba trăm hai mươi nhân dân tệ," Mẫn cáu kỉnh nói, "bác cũng không mua được đâu. Đó là áo khoác trượt tuyết đấy."
Mẫn có thái độ khinh khỉnh đối với nhiều người lớn tuổi trong làng. "Họ lúc nào cũng muốn biết tôi kiếm được bao nhiêu tiền hay tôi mang bao nhiêu tiền về nhà," sau này cô kể lại với tôi. "Tôi nghĩ đây là chuyện riêng tư."
Những thanh niên di trú thống trị cuộc sống ở làng trong kỳ nghỉ, tận hưởng quyền lực mà tiền bạc mang lại cho họ. Họ đi khắp nơi phô trương điện thoại di động và quần áo mới; họ so sánh các vị trí công việc. Họ là những người mai mối nhiệt tình nhất, cho chính bản thân họ và cho người khác, và họ biếu tiền cho những người họ hàng lớn tuổi nghèo túng. Trong quá khứ, những trách nhiệm này thuộc về các bậc cha chú của họ, nhưng giờ đây thế hệ đó đã quá nghèo khổ và bất lực trong việc hoàn thành các nghĩa vụ đó. Cha mẹ chẳng còn việc gì làm ngoài chuyện ngồi lê đôi mách về thu nhập của con cái và triển vọng hôn nhân của chúng.
"Tôi chỉ muốn công việc của con bé được suôn sẻ. Thế là đủ," mẹ Mẫn nói, khi tôi hỏi bà về hy vọng của bà đối với Mẫn. "Chuyện tương lai là việc riêng của con bé." Bà hy vọng rằng Mẫn và Quế Mẫn sẽ yêu người ở gần nhà. Nhưng nhìn chúng là dường như bà chấp nhận rằng mình đã không còn khả năng giúp đỡ hay hiểu các con gái của mình nữa rồi.
ĐỐI VỚI TÔI, việc khó khăn nhất khi sống ở quê Mẫn là lối sống tập thể. Không ai ở một mình bao giờ. Khi ai đó ngồi xem truyền hình, anh ta sẽ gọi mọi người xung quanh đến cùng xem; nếu Mẫn chuẩn bị nước nóng để rửa mặt, tôi cũng phải rửa mặt. Thỉnh thoảng khi tôi cố gắng đọc sách - cố tảng lờ tiếng ti vi om sòm ngay cạnh - thì bọn trẻ lại đến từng đứa một để nói chuyện với tôi với vẻ mặt đầy quan tâm.
Ở tại quê Mẫn khiến tôi nghĩ đến gia đình mình. Ngày xưa khi cha mẹ tôi còn là những đứa trẻ sống ở Trung Quốc, họ cũng lớn lên theo cách tương tự. Ở Mỹ, họ đã nuôi dạy anh trai tôi và tôi theo cách hoàn toàn khác, khuyến khích sự độc lập của chúng tôi, giải phóng chúng tôi khỏi những bổn phận gia đình. Cha mẹ tôi không mong đợi chúng tôi phải đi thăm họ hàng, họ không bao giờ bảo chúng tôi phải học gì ở trường. Và trong tất cả những năm tôi sống ở nước ngoài, cha mẹ tôi chưa một lần bắt tôi phải về thăm quê. Ở quê Mẫn, lần đầu tiên tôi nhận ra điều này, và tôi thấy biết ơn cha mẹ.
Vào một buổi sáng sau bữa ăn với cả gia đình, tôi ra ngoài đi dạo một mình trên con đường lầy lội hướng về phía thị trấn. Tôi nhìn thấy những thứ mà trước đó tôi không để ý: một tấm bảng đen liệt kê các loại học phí và giá tiêm phòng cho vật nuôi, một cửa hàng bán thuốc lá và pháo hoa, những đứa trẻ chỉ bốn tuổi cùng đang nghịch bật lửa. Ở làng bên cạnh, tôi nhìn thấy một ngôi nhà bốn tầng lát gạch trắng. Ở những vùng ven bờ biển giàu có hơn thì toàn là những làng gồm các ngôi nhà lát gạch trắng như thế này. Ở đây chỉ có duy nhất một cái, là dấu hiệu cho những thứ tương tự sắp xuất hiện tại đây. Tôi đã ra ngoài khoảng một giờ đồng hồ thì điện thoại di động của tôi đổ chuông. "Chị đang ở đâu thế?" Mẫn gặng hỏi. "Chúng em đang đợi chị về để ăn trưa."
Tôi vội vã quay về, nhận được những lời chỉ trích đáng kinh ngạc. "Chị không ăn trưa à! Chị đã đi đâu thế?", "Chị làm gì khi đi bộ một mình trên đường chứ?"
Nông thôn Trung Quốc không bao giờ thư giãn. Đó là nơi chốn của sự tiếp xúc xã hội liên tục và sự thương lượng, một cuộc trò chuyện đã diễn ra trong một thời gian dài và sẽ tiếp tục khi bạn đã ra đi. Ở quê của Mẫn, tôi đã hiểu tại sao những người di trú lại cảm thấy cô đơn đến vậy khi lần đầu họ lên thành phố. Nhưng tôi cũng thấy được họ đã trở nên quý trọng sự tự do mà họ tìm được ở đó như thế nào, cho tới khi cuối cùng họ không thể sống được nếu thiếu nó.
o O o
Trong ngày cuối cùng của năm cũ, gia đình Mẫn và gia đình các chú bác cùng đi thăm mộ tổ tiên. Mọi người len lỏi qua những ruộng lúa - bây giờ là những ao bùn đầy cuống rạ sau vụ thu hoạch - đi qua con suối nơi dân làng đang giặt quần áo, rồi đi lên núi theo con đường đi qua những vườn bông và vườn trà. Trong một khu vực được phát quang, có những cây thông bao quanh là mộ của bà nội Mẫn, người đã mất cách đây hai năm, một tấm bia đá đánh dấu mộ của hai cụ nội của Mẫn. Ngọn núi này được gọi là núi Lỗ Mộ (nơi đặt mộ của những người trong dòng họ Lỗ). "Tất cả ông bà cụ kỵ của gia đình tôi đều được chôn cất ở đây," Mẫn nói. Mẹ cô đặt xuống những chiếc bát đựng quả chà là và kẹo lạc, là đồ cúng cho những người đã khuất. Cha Mẫn đốt tiền giấy - trên tiền có ghi "Tiền sử dụng ở trên trời và dưới đất" - rót rượu lên nền đất trước các nấm mộ. Thanh niên treo pháo hoa lên những bụi cây trà, tựa như đèn Giáng sinh treo lên những bụi cây xung quanh một ngôi nhà ngoại ô. Rồi tất cả mọi người trong gia đình quỳ xuống nền đất ẩm khấu đầu lạy tạ ba lần. Việc chôn cất, pháo hoa, đốt tiền giấy - tất cả đều trái với chính sách của nhà nước. Để xóa bỏ các tập tục "phong kiến" này, chính phủ đẩy mạnh việc hỏa táng và phạt mỗi gia đình vài ngàn nhân dân tệ cho mỗi lần chôn cất. Tất cả các gia đình trong làng của Mẫn, dù nghèo đến đâu, vẫn chịu trả tiền phạt để chôn cất người thân.
Ở nhà, cha Mẫn cẩn thận viết lời chúc phúc cho Táo quân trên một miếng giấy đỏ hình vuông. Ở cửa trước, ông dán các câu đối để chúc mừng nhân dịp năm mới. Mẫn đã mua những câu đối này ở thị trấn mà không buồn để tâm đến nội dung, nhưng nội dung thì rất thích hợp:
Rồng chơi bốn biển mang lộc đến
Phượng bay ngàn dặm tới cùng vui
Buổi tối hôm đó, cả gia đình cùng đốt pháo hoa và xem chương trình truyền hình đặc biệt nhân dịp năm mới. Suốt cả đêm vang tiếng phác hoa - một tiếng rít lanh lảnh, im lặng một lúc, rồi tiếng nổ nghèn nghẹt. Đèn trong phòng ngủ sáng cả đêm, trong ba đêm đầu tiên của năm mới cũng như vậy. Không ai còn nhớ ý nghĩa của tục lệ này, nhưng nó vẫn được tuân theo. Những ngôi nhà trong làng bừng sáng trong đêm, rải rác khắp thung lũng, ánh đèn xanh lạnh lẽo gợi nhớ đến những con tàu chở hàng cho các nhà máy ở Đông Quản.
TRONG NGÀY ĐẦU TIÊN của năm mới, lũ trẻ dậy sớm và lần lượt soi gương. Mẫn buộc tóc đuôi ngựa và cặp lên tóc mái một cái kẹp tóc có hình Barbie màu xanh nõn chuối; ba cô gái lớn trong nhà bôi son bóng Maybelline màu hồng. Ngày đầu tiên của năm, theo tục lệ, sẽ là ngày đi thăm hỏi quanh làng. Trẻ con chạy từ nhà này sang nhà kia để xin kẹo, trong khi những đứa lớn hơn ngồi uống nước nóng pha đường và nói chuyện với người lớn. Trước khi vào từng nhà hàng xóm, Mẫn sẽ hỏi Sa xem phải xưng hô với những người lớn trong nhà đó như thế nào. Cô đã quên mất phải xưng hô thế nào với nhiều người dân trong làng. Tại nhà một bà dì của mẹ Mẫn, ba cô con gái lớn hội ý một lúc, rồi Quế Mẫn lấy ra một trăm nhân dân tệ đưa cho bà già, họ cũng tặng tiền cho một ông trẻ bị què chân. Theo tục lệ vào dịp năm mới, những người lớn sẽ đưa cho bọn trẻ hong bao (hồng bao) - phong bì màu đỏ bên trong có tiền - nhưng giờ đây tiền lại được trao tặng theo hướng ngược lại.
Những người di trú trong làng đã tự xây dựng nên tục lệ của riêng họ. Trong ngày đầu tiên của năm mới, thời điểm duy nhất tất cả cùng về nhà, thanh niên tụ tập ở đền thờ Phật trên núi. Tôi đi cùng Mẫn, Quế Mẫn và Sa khi họ bắt đầu lên đường vào buổi sáng hôm đó dưới cơn mưa phùn nhè nhẹ. Tại một lối rẽ trên đường, một đám đông nhỏ đứng chờ họ. Đây là những thanh niên thuộc diện bảnh chọe ở trong làng: một vài người đã lập gia đình, một số thì chưa, mọi người mặc áo khoác da màu đen, quần bò, bình thản đứng hút thuốc nhìn ba chị em và tôi đi lên trên dốc. Các chàng trai ôm pháo bông trĩu tay. Một chàng thanh niên giắt bốn điếu thuốc lá vào một bên đầu bằng gọng kính mắt - sự bối rối của người giàu.
Ngôi đền là một tòa nhà màu kem có mái ngói màu đen uốn lượn một cách duyên dáng ở các góc. Trước khi vào đền, các chàng trai đốt hàng tràng pháo hoa nổ điếc cả tai. Ở căn phòng đầu tiên, có một tấm bảng gỗ dùng để liệt kê danh sách những người đã quyên góp tiền cho việc trùng tu ngôi đền. Mẫn tìm thấy tên của cha cô và tất cả các chú bác trong một nhóm những người mang họ Lỗ ở mục quyên góp năm mươi nhân dân tệ.
Trong đám thanh niên, chỉ có mình Mẫn đi tới bàn thờ ở căn phòng trong cùng của ngôi đền. Cô bỏ tiền vào hòm công đức và hỏi một vị ni cô trung niên liệu cô có thể cầu may mắn cho việc hôn nhân được không. Vị ni cô gật đầu. Mẫn quỳ xuống khấn rằng cô sẽ gặp được người đàn ông định mệnh của đời mình. Vị ni cô đi đến bên Mẫn, đặt một bàn tay lên vai cô. "Kiếm thêm được nhiều tiền," bà nói. "Tìm được người bạn đời ưng ý."
Đây là lần đầu tiên Mẫn cầu khấn may mắn cho chuyện hôn nhân. Cô không chắc chắn về mức độ tin tưởng của mình, nhưng việc đó cũng không vấn đề gì cả. "Thậm chí nếu ta không tin," cô nói, "ta cũng phải tôn trọng điều đó." Vị ni cô đưa cho Mẫn một mảnh vải đỏ - cô phải giữ gìn cẩn thận mảnh vải và nó sẽ bảo vệ cho cô. Nếu Mẫn gặp may mắn, cô nên quay trở lại ngôi đền trong vòng một năm và cảm tạ Quán Âm, vị Phật Bà nhân từ, là người bảo hộ cho thủy thủ trên biển, phụ nữ vô sinh, và những người trong khắp thiên hạ đang phải gánh chịu nỗi đau khổ.
o O o
Năm mới qua đi, Mãn từ bỏ những kế hoạch cải thiện cuộc sống trong nhà. Bình đun nước nóng cạn khô, mọi người bắt đầu dùng lại những chiếc chén sứ. Túi nylon đựng rác bị bỏ quên trong xó nhà, cho tới một ngày nó biến mất. Sự tập trung của Mẫn chuyển sang chuyến ra đi sắp tới của cô.
Trong một ngày có tuyết rơi, cô đi một tiếng đồng hồ bằng xe ôm và xe buýt đến thăm hai chị em gái là bạn của cô từ thời học trung học cơ sở. Cả hai chị em, đang làm việc tại vùng ven biển, đều đã về nhà; cha mẹ họ ở nhà làm ruộng và chăm sóc đứa em trai thiểu năng trí tuệ. Khi Mẫn đến nhà họ, cô ngạc nhiên khi thấy một bé gái khoảng hơn một tuổi, vừa mới biết đi. Cô bế đứa bé lên và giải thích tình huống này cho tôi, tựa như một thám tử kỳ cựu tình cờ xuất hiện tại hiện trường nơi xảy ra vụ án. "Đứa con trai bị chậm phát triển, nên họ muốn có thêm một đứa con trai khác. Nhưng họ lại có thêm một đứa con gái. Tất nhiên, họ vẫn rất yêu con bé," Mẫn nói có vẻ tỏ ý bảo vệ cho gia đình hai cô bạn khi cô nâng đứa trẻ lên lên xuống xuống.
"Cháu làm việc ở đâu thế?" Mẹ của hai cô bạn hỏi Mẫn.
"Ở Đông Quản, trong văn phòng ạ," Mẫn nói.
"Chị làm gì cơ?" Cô bé ít tuổi hơn hỏi.
"Thư ký," Mẫn nói.
"Tốt quá!" Bà mẹ nói.
Mẫn quay sang cô chị, Trình Mỹ Lâm, cô này hai mươi tuổi, có gương mặt thanh tú xinh đẹp. "Thế còn chị?"
"Không tốt lắm," Mỹ Lâm nói. "Tôi làm ở một nhà hàng."
"Phục vụ bàn à?" Mẫn hỏi. Mỹ Lâm ngoảnh đi không trả lời. Em gái cô, Trình Lợi, làm ở bộ phận đồ gia dụng trong một siêu thị ở Hà Nam. Điều này đặt hai chị em vào vị trí cuối cùng trong hệ thống phân loại những người di trú của Mẫn. Công việc dịch vụ thật mệt mỏi và mang lại sự hổ thẹn khi phải hầu hạ những người giàu có.
Trong bữa trưa, Trình Lợi kể cho Mẫn nghe về công việc của cô. Cô làm việc mười ba giờ một ngày và chỉ có hai ngày nghỉ trong tháng, hai ngày này còn bị trừ vào lương.
"Đến nhà máy của tớ làm đi," Mẫn đột nhiên nói. "Nhà máy chỗ tớ làm sản xuất túi xách. Công nhân được nhận bảy hoặc tám trăm nhân dân tệ một tháng, được nghỉ ngày Chủ nhật."
Trình Lợi nhìn mẹ cô, mẹ cô nói, "Để xem cha con nói gì đã."
Cũng trong ngôi làng đó, Mẫn tới thăm nhà một bạn học khác, hiện đang vắng nhà, Mãn được người hàng xóm kể lại rằng bạn cô đã lấy một người đàn ông gấp đôi tuổi cô và giờ dây ở nhà chăm sóc đứa con gái mới sinh. Bà hàng xóm đứng trước cửa oang oang kể chuyện. "Ông chồng nó thấp. Ông ta còn già và xấu nữa. Cha mẹ nó phản đối cuộc hôn nhân."
Mẫn băn khoăn trước tin tức này. "Cô ấy có vẻ rất có triển vọng," cô kể cho tôi trên đường quay về. "Em nghĩ cô ấy sẽ làm người di trú một thời gian dài. Em thật sự nghĩ cô ấy sẽ đi đây đi đó."
ĐÊM TRƯỚC KHI Mẫn và chị gái chuẩn bị lên đường, cả gia đình cùng ngồi xem truyền hình. Bạn trai của Quế Mẫn ra ngoài đi vệ sinh, đột nhiên không khí trong phòng thay đổi hẳn. Quế Mẫn và mẹ cô bắt đầu thì thầm nói chuyện bằng giọng gay gắt, từ ngữ tuôn ra ào ạt - như thể một cuộc tranh luận chưa thốt nên lời đã hình thành trong im lặng bao ngày nay.
Mẹ Mẫn chỉ trích Quế Mẫn vì đã có quan hệ yêu đương với một người đàn ông quê không ở tỉnh Hồ Bắc. "Nếu con lấy nó," bà nói, cất cao giọng, "có thể mẹ sẽ không bao giờ gặp được con nữa."
Quế Mẫn cãi lại mẹ trong giận dữ. "Ai cũng có khoảng trời riêng," cô nói. "Nếu mẹ muốn con chia tay anh ấy, con sẽ lập tức làm ngay. Và con sẽ chẳng lấy ai nữa." Mẹ cô bắt đầu khóc.
Anh bạn trai quay lại, và như thể anh ta mang sự yên tĩnh trở lại. Ngay lập tức những lời lẽ giận dữ biến mất, không ai nói gì nữa. Quế Mẫn nhìn chằm chằm vào màn hình ti vi. Mẹ của họ đứng dậy đi vào phòng. "Vào với mẹ đi con," bố Mẫn bảo cô. Cô đứng dậy, mắt mở to lấp lánh đầy kích động, rồi đi ra. Quế Mẫn bắt đầu sắp xếp đồ đạc. Cha họ tiếp tục xem truyền hình như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Mẫn cố gắng thuyết phục mẹ cô. "Ai cũng phải tìm ra con đường riêng của mình," cô nói. "Nếu Quế Mẫn không hạnh phúc với anh ta, chị ấy sẽ quay lại với gia đình. Nếu chị ấy hạnh phúc, mẹ sẽ thấy hạnh phúc hơn nhiều."
Quế Mẫn và mẹ cô không nói chuyện với nhau trong suốt buổi tối hôm đó. Nhưng họ vẫn ngủ trên cùng một giường, đảo đầu đuôi, như họ vẫn ngủ trong suốt thời gian cô ở nhà. Sáng sớm ngày hôm sau, mẹ cô giúp cô chuẩn bị lên đường. Hai người bọn họ vẫn nói chuyện bình thường, tựa như cuộc cãi vã đêm qua chưa từng xảy ra. Anh bạn trai của Quế Mẫn cũng cư xử bình thường. Quế Mẫn và bạn trai của cô đi trên con đường lầy lội bùn đất về phía đường cái, Quế Mẫn chào tạm biệt mà không nhìn vào mắt mẹ cô. "Chúng con sẽ về thăm vào dịp nghỉ lễ tháng Mười," anh bạn trai nói với bố mẹ Quế Mẫn khi chia tay. Họ gật đầu mỉm cười, như thể anh ta vẫn được chào đón.
VÀO NGÀY MÙNG NĂM Tết, Mần ra đi. Bạn cùng lớp Hồ Đào của cô, như đã hứa, mua vé tàu khởi hành lúc 3 giờ 20 phút đi Đông Quản cho chúng tôi. Đó là tàu chậm, chạy trong mười sáu tiếng đồng hồ, không có số ghế được gán sẵn, nhưng anh ta đã rất may mắn là mua được vé trong thời điểm hỗn loạn sau kỳ nghỉ. Chúng tôi tạm biệt cha mẹ Mẫn và leo lên xe máy của một ông chú, người sẽ đưa chúng tôi vào thị trấn. "Ôm chặt vào" là tất cả những gì mà mẹ cô nói khi chia tay.
Mẫn đến nhà ga sớm hơn một tiếng đồng hồ cùng hai người bạn đến tiễn cô. Tàu hỏa lúc đến sẽ chật ních những người và sẽ rất vất vả để lên được tàu, trong phòng chờ không khí đầy căng thẳng và chờ đợi, tựa như những giây phút cuối cùng trước khi cuộc đua bắt đầu. Không có dấu hiệu gì cho thấy sự xuất hiện của Hồ Đào. Mỗi lần Mẫn gọi cho anh ta, cô lại nghe thấy câu trả lời tự động rằng điện thoại di động của anh ta đang tắt.
Lúc 2 giờ 45 phút, có thông báo về số sân ga và phòng chờ nhanh chóng trở nên vắng vẻ. Mẫn ra ngoài đi tìm Hồ Đào. Cô quay lại một mình và bàn bạc với cô bạn, Lưu Lợi Á. Có lẽ hai chúng tôi cứ nên lên tàu trước đã, sau đó sẽ mua vé sau. Lưu Lợi Á tỏ ra nghi hoặc. "Họ sẽ đuổi hai người xuống ngay," cô ta nói.
Sau ba giờ một chút, Hồ Đào xuất hiện với vẻ mặt lơ đãng đầy căng thẳng và hàng ria nhỏ vẫn lơ lửng trên môi. Mẫn và các bạn cô nhảy bổ vào anh ta.
"Anh đã ở đâu thế hả?"
"Anh có biết là ba giờ rồi không?"
Anh ta không biết. Điện thoại của anh ta tắt máy và anh ta lại không đeo đồng hồ.
"Tại sao anh lại tắt điện thoại? Chúng tôi đã gọi bao nhiêu lần mà không liên lạc được với anh."
Anh ta nói là điện thoại hết pin.
"Lẽ ra tôi phải cho anh mấy cái tát mới đúng!" Mẫn nói. Hồ Đào trông có vẻ ngạc nhiên khi anh ta đưa vé tàu cho Mẫn.
Chúng tôi hòa vào đám đông đang đứng đợi để được đi qua cánh cửa bằng kim loại vào sân ga. Cảnh sát đi qua đi lại la hét với hành khách rằng không được chen lấn xô đẩy. Mẫn và tôi nằm trong số những người đầu tiên được đi qua cửa, nhưng Hồ Đào bị rớt lại đằng sau. "Không cần phải lo lắng gì cho anh ta," Mẫn nói. Khi tàu đến, mọi người cố gắng trèo lên nhưng hầu hết các cánh cửa đều đóng. Khi cửa vừa mở, đám đông tràn lên. Tay chân vươn ra từ phía trong các toa tàu, cố gắng làm kìm hãm đám đông đang chen lấn xô đẩy. Các hành khách cố gắng ngăn người lên tàu, có lẽ vì toa tàu đã chật hoặc họ muốn để dành chỗ cho bạn bè. Có ai đó bị đá vào bụng, giọng vang lên giận dữ. Tình trạng này kéo dài mười phút, chẳng thấy bóng dáng cảnh sát đâu. Vào giây phút quyết định này, họ lại biến mất.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng nhận thấy một cánh cửa mở cách đấy một số toa tàu, và len lỏi đi về hướng đó. Toa tàu chật ních người, nhưng trong vòng một tiếng đồng hồ cả Mẫn và tôi đã chen lấn vào ngồi được ở mép ghế. Hồ Đào đã nhập bọn cùng chúng tôi, Mẫn cho anh ta ngồi chỗ của cô và ngồi trong lòng anh ta trong khi họ cùng nghe nhạc bằng chiếc máy nghe nhạc MP3 của cô. Đây có vẻ là một sự thân mật hiếm hoi, cuối cùng Mẫn sang chỗ tôi. "Anh ta là người bạn trai cũ của em," cô nói.
"Sao kia? Hồ Đào ấy à?"
Năm kia cô đã hẹn hò với Hồ Đào, khi anh ta sống ở Đông Quản - anh ta chính là người mà cô bị thất lạc sau khi mất điện thoại di động. Hồ Đào gọi cho cô trong ngày đầu tiên khi cô về nhà, suy nghĩ về việc nối lại mối quan hệ đã mất. Bí mật này đã được giữ kín đến mức tôi không hề biết, giờ đây tôi cố gắng ghép các sự việc rời rạc lại với nhau.
"Anh ta có biết cô đang có bạn trai không?" Tôi hỏi.
"Không."
"Cô có định nói với anh ta không?"
"Em muốn anh ta tìm được việc ở nhà máy trước đã," Mẫn nói. "Sau đó em sẽ nói với anh ta và anh ta sẽ phải tự xoay xở. Chúng em có thể chỉ là bạn mà." Cô cười phá lên trước sự ngượng ngập của mình. "Anh ta không ổn bằng bạn trai hiện tại của em nhỉ? Bạn trai em là người đáng tin cậy hơn."
Còn có nhiều bí mật nữa. Quế Mẫn không quay lại Đông Quản như cha mẹ cô nghĩ. Buổi sáng hôm đó cô lên tàu đi tới Trường Sa, thành phố nơi bạn trai cô sống, họ sẽ chuyển đến sống cùng nhau và anh ta sẽ giúp cô tìm việc ở đó. "Em là người duy nhất biết chuyện này," Mẫn nói. "Chị không được kể với mẹ em đâu đấy. Bà sẽ càng tức giận hơn thôi." Cô quay lại đi xuống dọc theo lối đi. Sau đó tôi nhìn thấy cô ngồi trong lòng Hồ Đào trong khi anh ta lùa tay vào nghịch tóc cô. Cô nhìn tôi qua làn tóc lòa xòa và bàn tay, nụ cười của cô đầy vui sướng và xấu hổ.
Vào buổi tối hôm đó, tôi nhận được tin nhắn từ Quế Mẫn. Tôi kể cho cô nghe rằng chúng tôi đang ngồi trên tàu hỏa và hy vọng mọi việc với cha mẹ cô sẽ ổn. "Cám ơn chị, em không bao giờ lo lắng," cô trả lời. "Em chỉ đang đi trên con đường riêng của mình thôi.''
Tám giờ sáng hôm sau, tàu tới Đông Quản. Ở miền Nam thời tiết ấm áp, Mẫn cởi áo len phàn nàn về sự nóng nực, quên đi nỗi thống khổ do cái lạnh trong suốt thời gian ở quê. Cô và Hồ Đào ra khỏi nhà ga để bắt xe buýt về nhà máy. Cô sẽ tắm gội, những việc cô đã không làm trong nhiều ngày vì ở nhà không có nước máy. Rồi cô sẽ ngủ một giấc dài. Cô chưa có kế hoạch giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa hai người bạn trai, nhưng cuối cùng thì việc đó sẽ được quyết định cho cô. Buổi sáng hôm đó, Mẫn sẽ giới thiệu bạn trai cô và Hồ Đào với nhau, mỗi người điên tiết lên vì biết được sự tồn tại của người kia. Bạn trai của cô sẽ bảo: "Nếu hắn không cuốn gói trong vòng ba ngày, tôi sẽ gọi người và cho hắn một trận." Mẫn sẽ cho Hồ Đào vay ba trăm nhân dân tệ. Và anh ta sẽ biến mất khỏi cuộc đời cô, có lẽ là vĩnh viễn.
Nhưng giờ đây trên chuyến xe buýt lèn chặt những người di trú quay về thành phố, ý nghĩ của Mẫn đang ở nơi khác. Ở nhà chẳng có gì làm ngoài việc xem truyền hình, cô nói. Cô làm tôi nhớ lại những thứ ít ỏi mà thị xã Vũ Huyệt lân cận có thể đáp ứng. Cô dường như đang rà soát lại tất cả những gì cô đã nhìn thấy ở nhà, cố gắng tìm hiểu xem mình đang đứng ở đâu. Khi những nhà máy của Đông Quản lọt vào tầm mắt qua cửa sổ xe buýt, cô nhìn từng cái từng cái một lướt qua mà không nói gì. "Quê hương cũng tốt," cuối cùng cô nói, "nhưng chỉ có thể ở lại vài ngày mà thôi."
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng