Worrying does not empty tomorrow of its troubles. It empties today of its strength.

Corrie Ten Boom

 
 
 
 
 
Tác giả: Leslie T.Chang
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: khoa tran
Upload bìa: Son Le
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4104 / 165
Cập nhật: 2014-12-04 15:47:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hương 9: Tiếng Anh kiểu dây chuyền lắp ráp
Ở Đông Quản, tôi thường đến nhà hàng một mình. Khi ăn, tôi hay viết vào cuốn sổ tay hoặc đọc một tờ tạp chí Mỹ. Lần nào cũng có một cô phục vụ hoặc một khách ăn xuất hiện bên cạnh tôi, nhìn tôi một cách sùng kính khi tôi sử dụng thứ ngôn ngữ tôi được học đầu tiên. "Chắc tiếng Anh của cô phải giỏi lắm nhỉ!" Cuối cùng họ sẽ nói như thế.
Tôi phải giải thích rằng tôi sinh ra ở Mỹ.
"Có lẽ tiếng Anh của cô phải trình độ cấp tám đúng không?"
Tôi phải trả lời rằng người Mỹ không chia cấp độ về khả năng tiếng Anh như người Trung Quốc. Tiếng Anh đối với tôi cũng bình thường như tiếng Trung Quốc với họ vậy, tôi nói như thế, nhưng điều ấy chỉ làm tăng thêm nỗi kính sợ trong họ.
"Tiếng Anh của cô chắc ít nhất cũng phải cấp tám, đúng rồi!"
Người ta luôn thất vọng khi biết rằng tôi là một nhà báo. Họ bảo với tôi rằng, với khả năng của tôi, tôi có thể làm phiên dịch viên được trả lương cao ngất ở một công ty thương mại. Tiếng Anh là con đường dẫn đến sự giàu có và thỏa mãn, đối với họ tôi giống như người vừa trúng xổ số nhưng lại từ chối không chịu đổi vé lấy tiền vậy.
HẦU NHƯ MỌI NGƯỜI Ở TRUNG QUỐC đều học tiếng Anh ở trường, có trường hợp học hàng năm trời, nhưng hiếm có người nào nói được ngôn ngữ ấy. Các bài học nhấn mạnh vào ngữ pháp và học thuộc lòng danh sách từ vựng; các giáo viên nhiều khi cũng tắc tị như học sinh. Tâm lý bầy đàn là một nhân tố - thà ẩn danh trong im lặng còn hơn là liều chịu xấu hổ mở miệng. Sự phổ biến của việc học tiếng Anh có vẻ như chỉ để tăng thêm sự tôn kính với nó: mặc dù rất nhiều người thử nỗ lực, người ta vẫn không thể nắm vững được thứ ngôn ngữ đó.
Tiếng Anh cũng là cơ sở của công việc ở Đông Quản, ở thành phố này, nó là ngôn ngữ của công việc đối với hàng nghìn nhà máy gia công cho khách hàng nước ngoài. Như vậy không có nghĩa là người ta thực sự hiểu tiếng Anh; họ học chỉ đủ để làm việc trong ngành nghề chuyên biệt của mình. Họ thường nói tắt nói cụt, một thứ ngôn ngữ giản hóa sẽ làm bất cứ người Mỹ nào cũng thấy bối rối. Trên một mẫu đơn đặt hàng, FOB HK viết tắt cho "Free on Board Hong Kong" (Giao lên tàu Hồng Kông) - là điều kiện chỉ ra người mua sẽ nhận quyền sở hữu của thứ anh ta đã đặt trước ở điểm nào. L và W, H thể hiện kích thước của món hàng. Đóng gói nhựa là PP hoặc PE, mặc dù rất ít người có thể nói với bạn những chữ cái ấy đại diện cho chữ gì. Máy móc ở dây chuyền lắp ráp cũng hoạt động dựa trên thứ tiếng Anh nghèo nàn, chỉ đạo cho công nhân ROUTE FINDER (NGƯỜI TÌM TUYẾN ĐƯỜNG) và KEYBOARD TEST (THỬ BÀN PHÍM) hay PRESS ANY KEY TO SEND LOOPBACK Q TO QUIT (NHẤN BẤT KỲ PHÍM NÀO ĐỂ GỬI VÒNG TRỞ LẠI Q ĐỂ THOÁT.)
Hầu hết những người tôi quen biết ở Đông Quản đều tập trung tinh thần và tấn công đầy quyết tâm vào môn tiếng Anh ở một thời điểm nào đó. Một thời gian, Mẫn đã học theo một cuốn sách cũ nhàu mép quăn như tai chó tên là Crazy English Crash Course (Học tiếng Anh cấp tốc điên rồ) vào các buổi tối, một phần ba phần đầu của cuốn sách được đánh dấu chi chít qua lần thử nghiệm với thứ ngôn ngữ này và đã thất bại của chị gái cô. Giang Hải Yến mang theo bên mình một cuốn sách mẫu câu bỏ túi. Lần cuối cùng tôi gặp Trần Anh, cô gái ở lớp Công sở đã vươn lên làm quản lý, thì cô đã có kế hoạch tự học tiếng Anh và thi vào trường cao đẳng nghề. Thậm chí cả những cô gái trong quán karaoke cũng cho tiếng Anh là một con đường thoát ra khỏi đó: nó có thể khiến một khách ngoại quốc ấn tượng và thuê một tiểu thư làm văn thư hoặc thư ký.
Thỉnh thoảng những người khát khao nhiệt tình nói tiếng Anh đẩy tôi vào những cuộc đối thoại rời rạc không liên quan hệt như một đoạn thoại trong kịch của Beckettt vậy.
Cô bao nhiêu tuổi?
Rất tốt! Cô bao nhiêu tuổi?
Vâng.
Tôi không lấy làm ngạc nhiên khi Xuân Minh quyết định học tiếng Anh. Cô đăng ký học ở một trường dạy tiếng bảo đảm rằng học viên sẽ nói tiếng Anh như học sinh lớp năm ở Mỹ sau một năm học. "Tôi nghĩ thế là khá tốt," cô nói. "Một học sinh lớp năm có thể diễn tả gần như mọi thứ rồi." Chiêu bài quảng cáo chủ đạo của trường là đứa con trai chín tuổi của người thành lập, một thằng bé nói tiếng Anh lưu loát. Xuân Minh có lý do để học thứ ngôn ngữ này. "Nếu tôi học tiếng Anh," cô nói, "tôi có thể gia nhập những nhóm người mới." Sau đó, tôi hiểu cô đủ để diễn dịch ra ẩn ý đằng sau lời nói: Tiếng Anh có thể là một con đường khác để kiếm chồng.
o O o
Trường dạy ngoại ngữ nằm bên trong Viện Bảo tàng Khoa học Đông Quản, một đống những hình thù bê tông lộn xộn trông có vẻ vị lai khi nó được xây dựng vào năm 1994. Một hôm, Xuân Minh đưa tôi đến đó sau bữa tối. Viện bảo tàng đã đóng cửa để cải tạo; trong bóng tối, những giàn giáo treo lơ lửng trên tường trông như bệnh dịch ngoài da nào đó đang ăn mòn cả công trình kiến trúc. Chúng tôi leo lên năm tầng lầu, vừa đi Xuân Minh vừa thì thầm kể lại truyền thuyết về ngôi trường này. Người sáng lập ra nó đã mất hai mươi năm để hoàn thiện hệ thống dạy học của ông ta; mới đây, ông đã được cấp bằng sáng chế cho nó. Ngôi trường có ba trăm học viên. Học phí trung bình mỗi tháng là sáu trăm nhân dân tệ, tức là khoảng bảy mươi lăm đô la.
Trên tầng cao nhất của viện bảo tàng là một văn phòng duy nhất còn sáng đèn. Một tấm biển ở lối vào đề:
MÁY HỌC DÂY CHUYỀN
Trong một căn phòng rộng và được thắp sáng bởi ánh đèn nê ông, khoảng gần chục học viên đang đứng tách riêng rẽ bên cạnh những chiếc bàn dài. Trên mỗi bàn đều đặt một chiếc máy bằng kim loại hình ô van với những miếng xoay theo chiều dọc gắn các thẻ; trên thẻ in những cột từ trôi qua trước mặt học viên với một tốc độ ổn định. Căn phòng tràn ngập những tiếng rì rì của những chiếc máy, giống như một bộ bài đang được xáo lên vậy.
Một cột từ trôi qua trước mặt tôi.
FUCK
CLEAN
RUDE
PIZZA
CREEP
Ở đầu hồi căn phòng, một người đàn ông nhiều tuổi hơn đang ngồi trước máy tính. Ông ta đưa cho tôi tấm danh thiếp mà chẳng buồn đứng lên. Trên đó viết bằng tiếng Trung:
CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN KỸ THUẬT GIÁO DỤC NĂNG ĐỘNG CỦA NGÔ TIÊN SINH NGÔ QUAN HỆ, CHỦ TỊCH
KỸ SƯ THIẾT KẾ CHÍNH NHÀ MÁY XỬ LÝ NGÔN NGỮ NĂNG ĐỘNG CỦA NGÔ TIÊN SINH NHÀ SÁNG CHẾ CÔNG CỤ HÕ TRỢ GIÁO DỤC NĂNG ĐỘNG CỦA NGÔ TIÊN SINH NHÀ SÁNG LẬP MÔN KHOA HỌC GIÁO DỤC NĂNG ĐỘNG CỦA NGÔ TIÊN SINH NGƯỜI KHỞI PHÁT NGÔN NGỮ THẾ GIỚI NĂNG ĐỘNG CỦA NGÔ TIÊN SINH TỔNG CHỈ ĐẠO LỚP ĐÀO TẠO DỊCH THUẬT ĐỒNG BỘ TIÊN TIẾN TIẾNG ANH NĂNG ĐỘNG
Ông Ngô bốn mươi lăm tuổi, gương mặt vuông chữ điền, cằm xị ra và mái tóc rối bù như thể vừa mới ngủ dậy. Ông ta hơi béo phì. Người đàn ông này không phù hợp với hình ảnh một giáo viên hay thậm chí là một người thành phố - ông ta trông giống như tài xế của quan chức chính quyền. Trông ông ta không được năng động cho lắm.
Tôn chỉ trong trường học của ông Ngô coi con người như máy móc là chìa khóa để chinh phục môn tiếng Anh. Sau khi học bảng chữ cái và cách phát âm, học viên sẽ ngồi cạnh một cái máy trong khi những cột từ tiếng Anh trôi qua trước mặt. Học viên sẽ đọc to mỗi từ và viết lại mà không cần biết nó nghĩa là gì, tuần này qua tuần khác, đến khi nào anh ta đạt được tốc độ cao nhất.
Sau đó anh ta sẽ chuyển qua một chiếc máy khác có nghĩa tiếng Trung của các từ, tiếp đó anh ta tiến tới các câu ngắn. Ở mỗi giai đoạn, anh ta viết lại các từ hay câu bằng tiếng Anh và đọc to chúng lên mà không hề lĩnh hội được ý nghĩa của chúng. Khi một học viên đạt tới tốc độ cao nhất - có thể viết sáu trăm câu tiếng Anh trong một giờ - anh ta chuyển lên học ngữ pháp căn bản. Chỉ khi đó anh ta mới học nghĩa của từ, mẫu câu và các câu anh ta đã lặp đi lặp lại hàng tháng trời.
Ông Ngô gọi phương thức này là "dạy học theo chỉ đạo." Theo như tôi hiểu, vậy có nghĩa là không có giáo viên nào hết - những cái máy truyền đạt tất cả mọi thứ các học viên cần biết. Học viên lý tưởng của ông Ngô học mười một giờ một ngày: học bốn tiếng, ăn trưa, nghỉ, học thêm bốn tiếng nữa, ăn tối, lại học thêm ba tiếng nữa. Đó chính xác là lịch làm việc của một nhà máy ở Đông Quản, kể cả ba tiếng đồng hồ làm thêm mỗi ngày được luật lao động giới hạn. "Ở dây chuyền lắp ráp, người ta có thể ngồi và làm việc tám hay mười tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ," ông Ngô nói. "Giá mà chúng ta có thể học theo cách đó thì thật tốt!"
Phương thức của ông ta đi ngược lại với tất cả những tri thức được chấp nhận xưa nay về việc học một thứ ngôn ngữ - quan trọng nhất là nói và hiểu, và giáo viên là nhân tố quyết định. Ông Ngô sổ toẹt tất cả những điều đó. Phương thức dạy học của Trung Quốc tập trung quá nhiều vào sự ghi nhớ, ông ta nói; phòng học biến học viên thành những vật chứa thụ động. Tiếng Anh kiểu dây chuyền sản xuất buộc họ phải hành động.
"Bàn tay, bộ óc, mắt và miệng của bạn phải học cách phản ứng nhanh và tự động," ông Ngô giải thích. "Bạn không có thời gian để dịch một từ sang tiếng Trung hay nhớ lại nó. Bạn phải luyện cho mình phản ứng một cách bản năng." Bằng cách buộc nhiều bộ phận cơ thể cùng lúc hoạt động, ông ta nói, tiếng Anh kiểu dây chuyền sản xuất kích thích những bộ phận khác nhau của bộ não hoạt động mạnh hơn. Khoa học đã chỉ ra rằng con người chỉ sử dụng 5% khả năng của đại não. Ông Ngô có rất nhiều số liệu kiểu như thế. Một người trung bình có thể viết hai trăm câu một phút. Phụ nữ có thể đọc chín mươi câu một phút, nhưng đàn ông chỉ xử lý được bảy mươi lăm. Nếu một người học tiếng Anh mười tiếng mỗi ngày, anh ta có thể làm phiên dịch đồng bộ trong ba năm. Ở phương diện này, ông Ngô giống như người đã thu gọn cả vũ trụ vào thành một chuỗi công thức hóa học: không dữ liệu nào sai cả, nhưng sự kết hợp của chúng lại thiếu một thứ gì đó. Nhưng ông ta đúng ở một điểm - cách dạy tiếng Anh ở Trung Quốc thực sự có vấn đề, sự thụ động của người học chiếm một phần lớn trong vấn đề đó. Người ta có thể luyện thi để đạt điểm tối đa trong kỳ thi TOEFL - bài sát hạch tiếng Anh được sử dụng rộng rãi nhất - nhưng không thể chỉ dựa vào thuộc lòng mà nói thông viết thạo được, cho dù cố gắng đến mấy đi chăng nữa.
Sau bài thuyết giảng của ông Ngô, Xuân Minh và tôi đi quanh quẩn trong lớp học. Cô nhận ra một học viên đã gặp từ lần trước đến đây. Lưu Nghi Hà hai mươi mốt tuổi, có gương mặt tròn, đôi mắt sáng và mái tóc cắt kiểu bát úp khiến cô trông như một búp bê. Cô đã học tiếng Anh ở đây được một năm, đồng thời làm công việc văn thư để trang trải chi phí ăn ở và được miễn học phí. Trước ánh mắt thận trọng của Xuân Minh, Lưu Nghi Hà nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh. Cô không có vẻ gì là giống một học sinh lớp năm người Mỹ cả. Nhưng cô không sợ nói, không đưa tay che miệng hay xin lỗi liên tục vì những lỗi sai của mình.
Giờ Lưu Nghi Hà đã có việc mới, dạy tiếng Anh cho các quản lý nhà máy - điều này làm tôi ngạc nhiên, mặc dù không nên như thế. Ở Đông Quản, biết thứ gì đó một chút làm bạn đủ tư cách để dạy nó cho người khác. Tôi hỏi cô xem cô định làm gì tiếp theo.
" "Thương mại quốc tế" nói như thế nào chị nhỉ?" Cô hỏi tôi bằng tiếng Trung. Tói trả lời. Tham vọng của cô có vẻ rộng lớn như cả thế giới, và dễ dàng đạt được như thể nói to một từ.
Xuân Minh và tôi bước ra khỏi tòa nhà và đi qua bãi cỏ xanh phía trước viện bảo tàng. Đêm đã buông xuống và những ngọn đèn đường trải bóng dài xuống đường đi của chúng tôi. "Tôi phải quyết định," Xuân Minh nói. "Năm nay tôi sẽ học tiếng Anh hoặc tự mở công ty riêng."
o O o
Trong năm đầu tiên xa nhà, Lưu Nghi Hà sống, thở, và ngủ với tiếng Anh kiểu dây chuyền sản xuất. Cô làm việc trong văn phòng cả ngày, còn buổi tối cô học với những cái máy của ông Ngô. Cô ở trong một căn phòng nhỏ phía sau lớp học chung với hai cô gái khác; cả ba đều đang học tiếng Anh, nhưng Lưu Nghi Hà là người chăm chỉ nhất. "Tôi lớn hơn hai người kia một tuổi," cô kể với tôi, "vì vậy tôi cảm thấy có áp lực phải làm tốt hơn họ." Quê cô ở tỉnh Giang Tây nghèo nàn nằm trong nội địa, ở đó cha mẹ cô trồng trọt và nuôi vịt.
Cô luôn thích ngôn ngữ; ở nhà, cha mẹ cô nói bằng những thổ âm khác nhau và cô đã quen với việc chuyển đổi qua lại giữa những thổ âm ấy. Khi bắt đầu học tiếng Anh ở trường cấp hai, cô đã học khá giỏi. Nhưng cô không thi vào đại học, gia đình cô không đủ tiền để cô học tiếp, vì vậy Lưu Nghi Hà ra đi và đến Đông Quản làm việc.
Ở trường của ông Ngô, cô làm việc để tăng khả năng phát âm của mình - tôi không biết làm sao cô có thể làm được điều đó khi xung quanh chẳng có ai sửa lỗi cho. Cô là học sinh hạng sao của ông Ngô, nhưng quan hệ của họ không được vững bền cho lắm. "Thỉnh thoảng ông ấy quá keo kiệt với em." Cô kể. "Và ông ta còn không cho em học thuộc các từ vựng nữa."
"Ông ta không cho cô học thuộc từ vựng?" Tôi hỏi.
"Ông ta khăng khăng bắt em học tiếng Anh theo cách của ông ta. Vì vậy em phải lén học thuộc lòng các từ vựng."
Lưu Nghi Hà còn xung đột với ông Ngô một trận nữa khi cô ra đi. "Ông ta muốn chụp ảnh em," cô nói, "nhưng em không để ông ta làm thế." Ông Ngô dùng ảnh của các học viên để làm tài liệu quảng cáo cho trường học của mình, nhưng Lưu Nghi Hà tự hào với những gì cô hoàn thành và không muốn bất cứ ai nhận ra đó là công của mình. "Mọi thứ tôi đã làm được," cô bảo ông Ngô, "Tôi đã tự làm, chứ không phải nhờ có ông."
Ngay cả theo tiêu chuẩn của Đông Quản, Lưu Nghi Hà cũng tiến nhanh một cách đáng sợ. Trong chín tháng từ khi rời trường học của ông Ngô, cô đã làm sáu công việc dạy học khác nhau, lướt đi như một cơn lốc qua những thể hiện khác nhau của sự quản lý kém cỏi. Ở công việc nọ, cô đã chủ động đến tham quan các trường khác để quan sát những cách thức dạy học khác nhau; ông chủ của Lưu Nghi Hà buộc tội cô lén lút làm hai công việc một lúc và sa thải cô. Ở công việc tiếp theo, ai đó nghĩ rằng tổ chức một trường học ngoại ngữ không theo lịch định trước là một ý kiến hay. Bất cứ khi nào một sinh viên đến, Lưu Nghi Hà phải dạy ngay lập tức. "Em dạy năm hay sáu tiếng một ngày, ở tất cả các cấp độ khác nhau," cô nói. "Lúc này đang dạy mức cơ sở, ngay sau đó em đã phải dạy mức nâng cao rồi." Cô quá kiệt sức đến nỗi phải nghỉ việc sau một tháng mà không nhận tiền lương.
Ở công việc hiện tại, Lưu Nghi Hà dạy hai tiếng mỗi tối và có cả ngày để chuẩn bị bài cũng như tự học. Cô kiếm được 1.500 nhân dân tệ mỗi tháng - khoảng gần hai trăm đô la, một món khá đáng kể. Nhưng cô lại vừa mới xung đột với giám đốc của trung tâm giảng dạy đó. Ông ta muốn cô nhanh chóng dạy được thật nhiều bài; cô lại nghĩ học viên nên có được sự tự tin khi nói chuyện trước đã. Ông ta phủ quyết cách dạy tập trung vào các trò chơi và sự tham gia của sinh viên hơn là các bài giảng. Ông giám đốc trung tâm ấy không biết ngoại ngữ nào.
Tất cả những người thuê Lưu Nghi Hà làm việc đều nghĩ cô đã tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh vì đó là điều cô nói với họ trong buổi phỏng vấn xin việc. Điều gây ấn tượng sâu sắc nhất ở cô - là cô đã tìm được cách học một ngôn ngữ khác mà không cần được đào tạo chính quy - đồng thời cũng là điều cô che giấu với hầu hết những người cô quen biết.
SÁU THÁNG SAU LẦN GẶP GỠ ĐẦU TIÊN, tôi đến thăm Lưu Nghi Hà ở ngôi trường nơi cô dạy học ở Thạch Kiệt - một quận công nghiệp khác của Đông Quản mà tôi chưa bao giờ đến. Cô để tóc dài, đeo kính gọng bạc và mặc một chiếc váy kẻ trông rất đứng đắn nghiêm túc, đi giày cao gót đen. Trông cô khá trưởng thành, mặc dù vẫn hơi loạng choạng khi bước đi. Trong lúc ăn cơm sườn ở một nhà hàng bán đồ ăn nhanh, chúng tôi nói chuyện, bằng tiếng Trung, về tiếng Anh. Lưu Nghi Hà muốn xin việc làm phiên dịch ở nhà máy để có thể nâng cao khả năng tiếng Anh của mình - Thương mại quốc tế nói như thế nào chị nhỉ? - nhưng nếu không có kinh nghiệm làm việc trong nhà máy, sẽ chẳng ai nhận cô cả. Cô bị ám ảnh bởi thứ ngôn ngữ đó; câu chuyện trong bữa tối của chúng tôi không bao giờ lạc ra khỏi chủ đề này.
Sau khi ăn xong, Lưu Nghi Hà nhìn tôi và hỏi: "Chị nghĩ em nên làm gì để nâng cao khả năng tiếng Anh của mình?"
"Cô nên nói chuyện với những người bản ngữ càng nhiều càng tốt," tôi đáp. Lời vừa tuột ra khỏi miệng, tôi liền nhận ra đó là một lời khuyên vô dụng, bởi hiếm khi tôi thấy một người phương Tây nào ở Đông Quản bên ngoài sảnh của khách sạn Sheraton. Sự thực là, cách tốt nhất để học tiếng Anh là hẹn hò với một người nước ngoài - có vô số tiểu thư đã trở nên nói thông viết thạo bằng cách này - nhưng tôi không thể nói chuyện đó với Lưu Nghi Hà được.
"Còn ngành du lịch thì thế nào?" Tôi hỏi cô.
Cô đặt lòng bàn tay lên đỉnh đầu. "Nhìn em đây này. Em không đủ tiêu chuẩn chiều cao. Hướng dẫn viên du lịch ít nhất phải cao 1,6 mét."
Đúng vậy - đó là một đề nghị ngu ngốc khác. Tôi đã hoàn toàn quên rằng chiều cao có thể ảnh hưởng đến công dụng của tiếng Anh ở một nơi như Đông Quản. Trong khi đó, Lưu Nghi Hà lo lắng rằng kỹ năng ngôn ngữ của cô đang thui chột dần, làm giáo viên ở các trường học có vẻ như là một ngõ cụt. Trong một thành phố bị chiếm lĩnh bởi các nhà máy, trường tư cũng chỉ là một dịch vụ chất lượng thấp khác mà thôi. Trong hệ thống trường học chính quy, giáo viên được hưởng sự tôn kính và các lợi ích khác, nhưng Lưu Nghi Hà sẽ không bao giờ bước vào được thế giới của họ. "Họ có hệ thống riêng của mình," cô nói. "Họ không thể chấp nhận được rằng em có kinh nghiệm từ xã hội."
Sau bữa ăn, Lưu Nghi Hà đưa tôi về trường cô - một tòa nhà văn phòng bốn tầng hầu như trống không vào giờ này. Vài giáo viên đang chơi bi-a trong một phòng học, hai chàng trai trẻ hát karaoke ở một phòng khác, giọng lạo xạo của họ vang vọng dọc hành lang. Các phòng học chỉ đầy người vào buổi tối khi người ta đi làm về. Trường học thường đóng cửa vào buổi tối, nhưng ở Đông Quản, thời gian biểu cho việc học đã đảo lộn, như thể những nơi này được gắn với một múi giờ cách đây nửa vòng trái đất vậy.
Trong lớp của mình, Lưu Nghi Hà cho tôi xem các cuốn giáo trình tiếng Anh của cô. Cô chỉ ra một cuốn mình thích vì nó khuyến khích người học thực hành những gì họ đã học được; cô phê bình một cuốn khác vì mỗi bài học có quá ít kiến thức. Trong cuốn Từ ABC đến đàm thoại bằng tiếng Anh có một đoạn hội thoại mẫu chẳng liên quan gì đến thực tế ở Đông Quản cả:
Are those factories?
No, they aren't. They are parks.
(Đó có phải các nhà máy không?
Không, không phải. Chúng là công viên.)
Lưu Nghi Hà nhặt một mẩu phấn và bắt đầu ngoáy chữ lên tấm bảng. Đâu là sự khác biệt, cô hỏi tôi, giữa âm s trong television và âm ge trong change? Trọng âm của từ consultant ở đâu? Âm s trong từ sea khác âm ts trong từ cats thế nào? Television. Change. Sea. Cats. Đó là những câu hỏi lạ lùng và chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng đó là chuyện xảy ra khi giáo viên của bạn là một cái máy.
Cô sống ở tầng: trên lớp học trong một căn phòng tập thể với hai cô gái khác. Căn phòng có hai giường tầng, một phòng tắm nhỏ và nhiều giáo trình hơn: trên bàn của Lưu Nghi Hà, dưới gầm giường cô, trong một chiếc ba lô để trên sàn. Cô là một người nghiện giáo trình tiếng Anh. "Có lẽ em phải có ba mươi quyển sách tiếng Anh ấy," cô nói. "Không cuốn sách nào có đủ mọi thứ mình cần biết cả." Một trong vài vật sở hữu ít ỏi không phải sách giáo trình của cô là một cuốn album ảnh. Bên trong có những tấm chụp Lưu Nghi Hà trong dáng điệu của dân di trú điển hình: đứng trước một tòa nhà công sở, đi chơi công viên với các cô bạn gái. Cô chỉ vào một trong những tấm ảnh. "Hai cô gái này giờ đã quyết định "ngâm mình trong tiếng Anh". Họ muốn bỏ ra một hoặc hai riăm tới chỉ để học tiếng Anh thôi." Cả hai cô gái trẻ đó đều đăng ký học ở trung tâm của ông Ngô. Họ đã cạo trọc đầu để biểu thị lời cam kết của mình, như các nhà sư làm khi họ vào tu trong chùa. Để học tiếng Anh, cần phải từ bỏ thế giới trần tục.
o O o
Tiếng Anh kiểu dây chuyền lắp ráp không phải là trung tâm ngôn ngữ đáng ngờ duy nhất ở Đông Quản. Mốt tiếng Anh, đi kèm với sự háo hức học thứ ngôn ngữ ấy mà hoàn toàn không biết gì về cách thức học, mười mươi là mảnh đất béo bở cho nạn lừa đảo. Một công ty tên Tiếng Anh Bậc Thang nhắm vào đối tượng là các bậc cha mẹ có tham vọng. Với khoản phí 5.500 nhân dân tệ - khoảng gần bảy trăm đô la, một món tiền lớn đối với một gia đình Trung Quốc - trường sẽ cung cấp tài liệu giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em và thường xuyên có các "cố vấn sư phạm" đến thăm nhà để theo dõi quá trình học tập của đứa trẻ. Như một công cụ tiếp thị, nhà trường mời các bậc phụ huynh và con em họ đến các lớp học miễn phí có hiệu quả như những cuộc họp mặt với người bán hàng trực tiếp. Các chuyên gia phát triển trẻ em không tiếc lời ca ngợi phương thức giáo dục của trường, trong khi các bậc cha mẹ thì tranh nhau đăng ký cho con mình. Vài giáo viên sẽ dẫn lũ trẻ sang một phòng khác và dạy chúng vài mẫu câu tiếng Anh, khi đám trẻ quay lại, bập bẹ ngoại ngữ, cha mẹ chúng thường xúc động mà đăng ký học ngay tại chỗ.
Trên thực tế, Tiếng Anh Bậc Thang hoàn toàn là trò lừa đảo. Theo một bài báo trên tờ báo địa phương, các chuyên gia phát triển trẻ em và vài người trong số những phụ huynh nhiệt tình nhất trong các lớp học miễn phí thực ra là nhân viên của công ty. Các "cố vấn sư phạm" không ghé thăm các gia đình nhiều hơn một hoặc hai lần, và họ không phải giáo viên mà là người bán hàng, những người này nhận được một nghìn nhân dân tệ tiền hoa hồng cho mỗi khách hàng. Những người bán hàng này phải bỏ ra một khoản tiền đáng kể để mua các tạp chí giáo dục, trả tiền đi lại, thuê phòng cho các lớp học miễn phí... khi gia nhập công ty. Tiếng Anh Bậc Thang về bản chất là một mô hình kinh doanh kiểu kim tự tháp, được đổ năng lượng bằng ham muốn học tiếng Anh đến bất chấp tất cả của con người.
Không ai trong công ty hoạt động theo mô hình nhượng quyền ấy đồng ý nói chuyện với tôi. Lưu Nghi Hà đã làm việc cho Tiếng Anh Bậc Thang một thời gian ngắn và mô tả cách thức hoạt động của nó. Những người bán hàng được hướng dẫn là phải đợi bên ngoài trường tiểu học khi lũ trẻ ra về, để tiếp cận những bậc cha mẹ lái xe riêng và vờ như yêu mến bọn trẻ. "Khi đứa trẻ đi ra, thì phải chơi với nó," Lưu Nghi Hà kể với tôi. "Sau đó cha mẹ và con họ cùng được mời đến tham dự buổi diễn thuyết của Tiếng Anh Bậc Thang." Lưu Nghi Hà rời công ty sau mười ngày. "Em nghĩ ở góc độ nào đó thì như vậy là lừa đảo," cô nói.
Một sự lừa đảo khác là chuyện về các giáo viên nước ngoài. Những người đàn ông da đen trẻ tuổi nói mình là người Canada hoặc người Anh xuất hiện ở các trường học khắp thành phố Đông Quản, nhận làm giáo viên tiếng Anh. Đó có thể là khoảnh khắc đánh dấu bước ngoặt trong cuộc hành trình tiến đến đa dạng chủng tộc của Trung Quốc, ngoại trừ một việc rằng nó không phải thế. Một phụ huynh kể với tôi, cả lớp mẫu giáo của con gái chị khóc khi nhìn thấy thầy giáo mới, vì chúng chưa bao giờ thấy một người da đen cả. Nhà trường đã sa thải anh ta.
Một hôm tôi đang ở chỗ Lưu Nghi Hà thì Joseph, một thầy giáo cùng trường cô, nghe nói là đến từ Canada bước vào căn phòng. Anh ta da đen, khoảng ba mươi tuổi, có gương mặt khá điển trai và thái độ dễ dãi. Anh ta chào tôi bằng tiếng Anh giọng rất nặng.
"Cô có chồng chưa?" là câu hỏi đầu tiên của anh ta.
"Số điện thoại di động của cô là gì?" là câu thứ hai.
Sau khi Joseph ra khỏi căn phòng, tôi hỏi Lưu Nghi Hà, "Anh ta ở đâu đến thế?"
"Anh ta bảo anh ta là người Canada."
"Anh ta không phải người gốc Canada," tôi nói. "Nghe cách anh ta nói, tôi có thể khẳng định điều ấy."
Cô nghĩ ngợi một thoáng. "Anh ta cũng nhắc đến một đất nước khác nữa. Gan Da..."
"Uganda?"
"Đúng rồi. Uganda."
Cuối cùng tôi cũng hiểu ra bí ẩn của những giáo viên da đen. Họ là người châu Phi, đến từ những vùng lạc hậu và giả bộ với những người quản lý nhà trường vốn chẳng biết mô tê gì, rằng mình là những người nói tiếng Anh bản ngữ. Trong nhiều năm, đã có hơn ba mươi nghìn sinh viên châu Phi đến học đại học ở Trung Quốc, đây là một phần trong chính sách hỗ trợ các đồng minh ở thế giới đang phát triển của chính quyền Bắc Kinh. Có thể hiểu được tại sao họ ở lại với tư cách là giáo viên người nước ngoài. Ở trường của Lưu Nghi Hà, Joỉeph kiếm được nhiều tiền hơn cô trong khi lại dạy ít giờ hơn.
Lưu Nghi Hà cảnh báo tôi vì đã cho Joseph số điện thoại. "Chị nên cẩn thận," cô nói. "Anh ta sẽ gọi cho chị suốt cho mà xem." Cô kể rằng Joseph thường xuyên cưa cẩm các học viên nữ của anh ta, khi anh ta hỏi số điện thoại một người, cô gái đó thường xuyên phản ứng lại bằng cách không bao giờ đi học nữa. Thỉnh thoảng, một trong đám học sinh của Joseph lại hỏi Lưu Nghi Hà cách nói một câu bằng tiếng Anh: Tôi có thể kết bạn với anh nhưng không phải là bồ của anh.
o O o
Các buổi tối thứ Năm hằng tuần, Lưu Nghi Hà dạy tiếng Anh ở một nhà máy điện tử của Nhật Bản. Có một buổi tối đi theo cô đến lớp. Bốn người đàn ông và hai phụ nữ trong lớp làm ở bộ phận kinh doanh hoặc quản lý, tất cả bọn họ đều lớn tuổi hơn cô.
Cô trả lại bài kiểm tra của họ. "Đừng lo về điểm số của các anh chị ngày hôm nay," cô nói, ngay lập tức phá vỡ truyền thống trọng điểm số đã có nghìn năm tuổi. "Bài kiểm tra tiếng Anh của các anh chị không phải ở đó. Nó ở chỗ các anh chị có thể dùng được nhiều đến đâu.
Các học viên bắt đầu ôn lại bài tuần trước. Lưu Nghi Hà quay sang một trong những học viên ngồi ở hàng trước và hỏi bằng tiếng Anh: "Anh đã học gì?"
"Cô muốn tôi nói tiếng Anh hả?" Anh ta hỏi bằng tiếng Trung - không phải một khởi đầu hứa hẹn cho lắm. Anh ta cố gắng mãi, cuối cùng cũng nói bằng tiếng Anh: "Tôi học vài câu chuyện. Nó thú vị lắm."
"Anh có thể kể cho tôi nghe vài câu chuyện tiếng Anh không?" Cô hỏi.
Một thoáng im lặng dài. Sau đó, bằng tiếng Trung: "Tôi quên mất rồi."
Học viên tiếp theo nói: "Tôi học mấy từ và cách biểu đạt mới."
"Còn gì nữa không?"
Một thoáng im lặng dài. Sau đó, bằng tiếng Trung: "Tôi không biết nói thế nào."
"Okay, đến lượt chị," Lưu Nghi Hà nói với người phụ nữ ngồi hàng thứ hai.
Bằng tiếng Trung: "Khó nói lắm."
Lưu Nghi Hà chuyển sang nói tiếng Trung: "Học tiếng Anh tức là nói tiếng Anh. Nếu các anh chị không nói tiếng Anh, vậy thì không phải các anh chị đang học tiếng Anh. Các anh chị không được sợ mắc lỗi. Tôi mắc rất nhiều lỗi, nhưng tôi không bao giờ sợ cả."
Đó là sự thật. Lưu Nghi Hà không thể phân biệt âm l và n. Thậm chí cô còn không thể nói được từ pronunciation - cô đọc nó thành "pronuntion". Thỉnh thoảng cô không hiểu học viên của mình nói gì, đôi khi cô sửa cho họ trong khi họ đúng. Cô thường xuyên trả lời sai câu hỏi của họ. Nhưng cô có bản năng dạy học, đâu đó trên chặng đường ấy cô đã đoán ra được bí mật của việc học một ngoại ngữ, chính là bắt đầu từ việc không sợ hãi.
CÁC HỌC VIÊN QUÂY LẠI XUNG QUANH TÔI trong giờ nghỉ. Tôi đã có một bài phát biểu ngắn bằng tiếng Anh lúc lớp học bắt đầu, giới thiệu bản thân và nói đủ chậm để họ có thể hiểu tôi nói gì. Xét cho cùng, họ là những người đã tốt nghiệp đại học và đã tham gia lớp học này trong nhiều tháng. Nhưng sau khi quan sát họ vật vã với bài học, tôi nhận ra rằng có lẽ họ không hiểu một chút nào những gì tôi nói.
Mấy người đàn ông lên tiếng trước. "Ở đâu tốt hơn, Trung Quốc hay Mỹ?"
"Các thành phố ở Mỹ an toàn hơn nhiều, đúng không? Và chất lượng con người thì cao hơn nhiều."
"Chị có nhớ Trung Quốc lắm không?"
"Chị ấy đã sống ở Trung Quốc sáu năm," người phụ nữ giỏi tiếng Anh nhất lớp sốt ruột trả lời thay. "Anh vẫn chưa nghe thủng ra à?" Các học viên hỏi tôi rất nhiều điều về nước Mỹ. Nhưng không người nào dám nói với tôi bằng tiếng Anh.
Sau giờ nghỉ, họ chuyển sang một bài về chủ đề đi cắm trại. Lưu Nghi Hà yêu cầu các học viên hoặc là đọc thành tiếng một đoạn văn hoặc tự kể câu chuyện bằng ngôn từ của mình. Các học viên đều chọn đọc đoạn văn - họ đọc khá tốt, tốt hơn nhiều so với nói. Sau đó Lưu Nghi Hà yêu cầu các học viên kể lại câu chuyện. Người phụ nữ giỏi tiếng Anh nhất lớp nhớ toàn bộ đoạn văn, chính xác đến từng chữ một. Người tiếp theo cũng cố gắng lặp lại thành tích ấy. Nhưng khi anh ta quên mất một từ trong đoạn văn, anh ta dừng lại, như băng ghi âm bị kẹt, cho đến khi Lưu Nghi Hà nhắc cho anh ta nhớ.
Tôi có cảm giác thật lạ lùng khi ngồi trong một nhà máy ở Đông Quản nhìn những con người trẻ tuổi quá đỗi gượng ép bởi chính sự rụt rè của họ. Thành phố này được xây dựng trên sự tạm bợ và chắp vá, bí mật của sự thành công là chỉ cần học đủ để dựa vào tài miệng lưỡi mà kiếm được một công việc văn thư hoặc đi dạy, hoặc bất cứ thứ gì khác mà ta muốn. Nhưng trong lớp học của Lưu Nghi Hà, tôi đã thấy những hạn chế của lối suy nghĩ ấy. Học một thứ ngoại ngữ một cách tử tế cần thời gian, và không có đường tắt. Bạn không thể bịp bợm mà học được tiếng Anh.
o O o
Rủi ro bám theo ông Ngô. Trường của ông ta đã bị trục xuất khỏi Viện Bảo tàng Khoa học sau khi ông ta cãi vã với chủ đất, hầu hết các học viên đều bỏ học. Vợ ông ta bỏ rơi ông và đứa con trai chín tuổi của họ. Ông ta chuyển hoạt động của tiếng Anh kiểu dây chuyền sản xuất về nhà mình. Các lớp học chen chúc trên tầng cao nhất của ngôi nhà bốn tầng, phòng làm việc của ông Ngô ở tầng ba và phòng ngủ của ông ở tầng hai. Hôm tôi ghé qua, chân cầu thang chất đầy những rác, chủ yếu toàn là thùng các tông và báo cũ. Ông Ngô vui vẻ chào đón tôi và đẩy tôi vào xưởng làm việc của mình, chúng tôi ngồi trên ghế đẩu kim loại nói chuyện trong cái nóng hè oi ả, xung quanh toàn là những mẩu gỗ thừa lớn.
Thế giới vật chất của ông Ngô đã bị nén lại thành một không gian khiêm tốn, song tham vọng của ông vẫn mênh mông như thế. Đột phá mới nhất của ông nằm trên một chiếc bàn: chiếc máy dạy tiếng Anh được làm hoàn toàn bằng nhựa màu da cam và xanh lam, từ một bộ khuôn mà ông tự thiết kế lấy. Tiếng Anh kiểu dây chuyền lắp ráp đã bước vào kỷ nguyên công nghiệp. Giờ đây những chiếc máy ấy đã có thể sản xuất hàng loạt, tôi được biết rằng ông Ngô đã gia công được năm trăm chiếc; chúng được bọc trong giấy báo và chất khắp nơi xung quanh căn hộ của ông. Ông có kế hoạch cho các học viên thuê máy để họ có thể học tiếng Anh ở nhà. Phát minh của ông Ngô đã khiến các giáo viên trở nên lỗi thời, giờ cả phòng học cũng không còn cần thiết nữa.
Tôi nói với ông Ngô rằng tôi muốn tìm hiểu thêm về lý thuyết dạy tiếng Anh của ông.
"Cái này không chỉ để học tiếng Anh nữa," ông ta ngắt lời. "Nó là để phát triển đại não. Cô có thể học toán, lịch sử, bất cứ cái gì bằng cái này. Đây là một vật phi thường." Ông ta vừa nói vừa âu yếm vỗ nhẹ lên phát minh của mình.
Giả dụ, ông Ngô nói, một sinh viên lịch sử muốn học về cuộc chiến xâm lược Trung Quốc năm 1937 của Nhật Bản. Trước tiên, cậu ta sẽ đọc một đoạn viết về sự kiện được in trên những tấm thẻ đặt trên các tấm bảng chuyển động của chiếc máy. Một bộ thẻ khác sẽ chạy qua với những câu hỏi để kiểm tra xem cậu ta nắm bắt được đến đâu: Cuộc xâm lược xảy ra khi nào? Ý nghĩa đằng sau sự kiện này là gì? Những gợi ý khác nhau sẽ xuất hiện, thúc đẩy cậu sinh viên nghĩ đến những ý tưởng mới, rồi cậu ta sẽ viết những điều ấy dưới dạng một bài luận.
Tôi hỏi ông Ngô tại sao như vậy lại tốt hơn là đọc những thông tin đó trên một trang giấy in.
"Khi tay phải cô viết, não trái của cô hoạt động," ông ta trả lời. "Khi não trái của cô hoạt động, nhãn cầu phải của cô cũng hoạt động. Khi cô đọc một cuốn sách, nhãn cầu của cô chỉ nhìn chằm chằm vào trang giấy. Nhưng khi cô đọc trên chiếc máy này, nhãn cầu của cô chuyển động nhanh." Ông Ngô giải thích rằng ông đang phát triển một bộ giáo trình toàn diện cho chiếc máy này và có kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư.
"Có ai hứng thú không?" Tôi hỏi.
"Có," ông Ngô đáp. "Một người Mỹ đã tỏ ra hứng thú."
"Ai thế?"
"Anh ta đến từ Seattle. Michael." Ông Ngô đột nhiên nhìn vào khoảng không. "Tôi để danh thiếp của anh ta ở đâu đó quanh đây này."
Ông Ngô đưa tôi lên tầng để tham quan trường học. Mười chiếc máy Tiếng Anh kiểu dây chuyền lắp ráp đang chen chúc trong một căn phòng chật hẹp, đặt trên những chiếc bàn chỉ cách nhau vài bước chân. Mấy học viên đang đọc thành tiếng từ và các câu, giống như một căn phòng đầy ních những tổng đài viên điện thoại lẩm bẩm bằng một thứ ngôn ngữ gần giống như tiếng Anh nếu bạn đủ tập trung để nghe. Đây là những phần tử trung kiên, tất cả những phụ nữ trẻ đã theo chân ông Ngô từ Viện Bảo tàng Khoa học đến chỗ chật hẹp ở nhà ông. Bị tính nôn nóng muốn học thúc đẩy, họ nghiêng người về phía những cái máy. Trước mặt mỗi học viên là đồ ăn cho buổi tối: nước đóng chai, ba quả mận. Nơi này thật ngột ngạt.
Tôi đi theo ông Ngô vòng quanh căn phòng. Tôi nghĩ ông ta sẽ giới thiệu vài học: viên với tôi, nhưng thay vì thế, ông ta lại dẫn tôi đến cạnh một trong những cái máy. "Những cái này cồng kềnh nặng nề hơn những cái mới của tôi nhiều," ông ta nói. "Phải hai người mới khiêng được một cái."
Giờ trời đã chạng vạng tối, tôi có ý kiến rằng không có đèn thì hơi tối để có thể đọc được.
"Thế không có hại cho mắt," ông ta nói. "Ánh mặt trời chói lóa có hại cho đôi mắt ta."
"Tôi không nói rằng ánh mặt trời chói lóa tốt cho mắt," tôi nói. "Tôi chỉ nói đọc trong bóng tối thì không tốt thôi."
"Không đúng," ông ta nóng nảy gắt lên. "Đấy là chỉ khi nào nhãn cầu của cô không di chuyển. Nếu nhãn cầu của cô di chuyển, có tối đến mấy cũng chẳng ảnh hưởng gì cả."
Ngày hôm đó tôi tìm hiểu thêm được vài điều về ông Ngô. Ông ta chẳng có một chút nền tảng sư phạm gì cả; trước khi lập ra trường dạy ngoại ngữ này, ông ta làm việc trong một nhà máy sản xuất thiết bị sưởi ấm. Tiếng Anh của ông ta rất tệ, có lẽ là không biết chữ nào - đã vài lần khi tôi dùng những thuật ngữ tiếng Anh trong cuộc trò chuyện, ông ta gật đầu và vội vàng chuyển chủ đề. Từ tiếng Anh duy nhất tôi từng nghe ông ta dùng là "okay," như trong câu: "Thập yêu sự liên thượng đại não, na tựu okay." Từ đó nghe có vẻ đơn độc một cách lạ lẫm khi ở cuối một câu như thế. Câu ấy có nghĩa là "một khi bạn liên hệ với đại não, mọi thứ đều sẽ tốt."
Ông Ngô không giỏi giao thiệp với người khác. Ông ta đã nổi điên lên với chủ cho thuê nhà ở bảo tàng khoa học, đồng thời cũng nổi điên lên với Lưu Nghi Hà, học trò ngôi sao của mình. Có thể chắc rằng ông ta đã xua đuổi vợ mình đi, mặc dù khó có thể biết rằng chuyện đó xảy ra trước hay sau khi ông ta đã sản xuất hàng loạt năm trăm chiếc máy học tiếng Anh kiểu dây chuyền lắp ráp và để chúng khắp nơi trong căn hộ của họ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi tôi quen biết ông ta, ông Ngô cũng nổi giận với tôi nữa; thật dễ nổi điên khi qua lại với ai đấy giáo điều đến vậy. Tôi có thể kết luận rằng cả nhân loại làm ông ta cáu kỉnh. Ông ta thích nói về con người ở những bộ phận riêng biệt: nhãn cầu, tay, bộ não. Nhưng con người như một tổng thể lại chẳng có nghĩa gì với ông Ngô này cả. Họ là những kẻ thiếu hiệu năng, họ chỉ sử dụng 5% đại não, họ có thứ ác cảm khiến người ta phải nổi điên lên đối với chuyện ngồi trước một cái máy mười một tiếng một ngày để học ngoại ngữ. Về cơ bản, con người không làm việc - tưởng chừng như thể Đấng Tạo hóa tạo ra họ đã sử dụng các bộ phận thượng hạng nhưng lại lắp ráp hỏng vậy.
Máy móc là một vấn đề khác. Một ngày nào đó, khi đã sửa chữa vá víu đầy đủ, ông Ngô sẽ thiết kế một cái máy học kiểu dây chuyền lắp ráp hoàn hảo cho phép người ta có được toàn bộ kiến thức của nhân loại mà thậm chí không cần phải ra khỏi nhà. Ông ta có một niềm tin tuyệt đối vào kỹ thuật, ông ta biết rằng máy móc là câu trả lời. Thật trớ trêu thay, người đàn ông này lại bị trục xuất khỏi Viện Bảo tàng Khoa học.
o O o
Nỗ lực tự hoàn thiện bản thân đưa Lưu Nghi Hà sang một hướng đi mới. Ở thư viện công cộng Đông Quản - tôi chưa từng biết đến sự tồn tại của một nơi như thế - cô đã đọc những cuốn sách như Học tập toàn não bộ và Thánh Kinh tự học tại nhà của người Do Thái. Cô muốn cải thiện trí nhớ và học cách kinh doanh dựa trên những bài học của kinh Talmud. Cô bắt đầu uống những viên thuốc bổ não, vì làm việc quá sức sẽ dẫn đến bị gàu và rụng tóc. Cô bắt đầu nghĩ đến chuyện học thêm tiếng Nhật.
"Em nghe nói một người Trung Quốc phải mất một năm để học tiếng Anh, nhưng chỉ cần ba tháng để học tiếng Nhật thôi," cô nói với tôi. "Nghe đồn sinh viên tốt nghiệp đại học ở Bắc Kinh có thể kiếm thêm một nghìn đồng một tháng cho mỗi thứ tiếng họ nói được. Thật không thế?"
Tôi bảo Lưu Nghi Hà rằng có lẽ cô nên tập trung vào việc nâng cao trình độ tiếng Anh lên trước đã.
"Em đang dồn hết sức để mở rộng vốn từ đây," cô nói. "Mỗi ngày em ghi nhớ năm mươi từ."
"Năm mươi từ một ngày?" Tôi ngạc nhiên nhắc lại.
"Thế là nhiều hay ít?"
Lần cuối cùng tôi gặp Lưu Nghi Hà, cô đã có một tạo hình khác. Cô nhuộm và uốn tóc khiến nó trông dài và lượn sóng nhấp nhô, trông như cái kẹo caramen. Cô đã quyết định rằng, một giáo viên tiếng Anh có mái tóc đen bình thường thì thật tu (thổ), nhà quê quá. "Em làm vậy để trông mình Tây hơn." Cô nói. Cô đã thuộc lòng toàn bộ một cuốn sách từ vựng cho tiếng Anh cấp sáu, gồm năm nghìn từ. Những cô gái ở trường của ông Ngô tự cạo đầu lần nữa để biểu thị lòng quyết tâm học tiếng Anh. Ông Ngô đề nghị Lưu Nghi Hà làm đối tác trong công việc kinh doanh mạo hiểm mới của mình, đồng thời hứa cho cô một phần ba lợi nhuận, nhưng cô không tin ông ta. Kỹ năng giao thiệp với con người của ông ta vẫn chưa tiến bộ.
"Với trình độ tiếng Anh của cô," mới đây ông ta nói với Lưu Nghi Hà, "cô có thể trà trộn làm giáo viên dạy thêm cùng lắm là một năm nữa. Sau đó, sẽ không còn chỗ nào cho cô nữa vì tôi đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Nhưng cô cũng vẫn có thể đi dạy ở nơi nào đó khác."
"Tại sao ông ta lại nói thế?" Tôi hỏi.
"Em nghĩ ông ta đang cố buộc em trở lại làm việc cho ông ta."
"Thật tệ quá."
"Phải," cô nói, "nhưng em cảm thấy thương hại cho ông ta. Ông ta hoàn toàn cô độc."
Cô đã từ chối đề nghị của ông Ngô. Thay vào đó cô nhảy sang một công ty Internet để điều hành trang Web tiếng Anh nhắm vào đối tượng khách hàng nước ngoài. Một tháng sau khi cô gia nhập, công ty phá sản và người chủ biến mất mà không trả hơn một trăm nghìn nhân dân tệ tiền lương nhân viên. Lưu Nghi Hà cùng với những nhân viên khác tham gia vào một vụ kiện để đòi tiền, mặc dù họ không hy vọng nhiều lắm.
Vài tháng sau đó, mùa xuân năm 2007, Lưu Nghi Hà tìm được một công việc ở bộ phận thương mại quốc tế của một nhà máy sản xuất các bộ phận của chiếc micrô. Cô làm việc với khách hàng nước ngoài, tháp tùng họ trong các chuyến thăm nhà máy và tham dự các hội chợ thương mại. Công việc này yêu cầu tiếng Anh cấp sáu và bằng đại học. "Tôi không có những thứ ấy," cô đã nói như thế khi đến phỏng vấn vào vị trí ấy. Giờ đây, các buổi tối Lưu Nghi Hà dạy tiếng Anh cho đồng nghiệp hoặc các học trò riêng ở nhà. Cộng cả ba việc lại, cô kiếm được khoảng năm nghìn nhân dân tệ một tháng (625 đô la), một mức lương tuyệt vời ở Đông Quản. Cô có kế hoạch tiết kiệm tiền để mở một trường mẫu giáo tiếng Anh. Đó là kế hoạch năm năm của cô.
Sau khi vào làm việc ở bộ phận thương mại quốc tế, Lưu Nghi Hà gửi cho tôi thông tin liên lạc mới của cô qua email. Đó là số điện thoại di cộng thứ sáu cô cho tôi từ khi chúng tôi gặp nhau lần đầu. Sometime I feel very tried, but sometime I feel very enrichm (Thỉnh thoảng tôi cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy rất giàu có)(27), cô viết. Tiếng Anh của cô vẫn những lỗi là lỗi, cô tiến quá nhanh để có thể tự sửa cho mình. Nhưng tôi là ai mà có tư cách phê bình cô chứ? Trong hai năm tôi biết cô, cô đã có được chính xác thứ mà cô muốn.
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng