In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Leslie T.Chang
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: khoa tran
Upload bìa: Son Le
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4104 / 165
Cập nhật: 2014-12-04 15:47:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hương 3: Chết nghèo là có tội
25 tháng Năm, 1994
Sau khi bị đuổi việc ở nhà máy Vĩnh Thông (Yongtong Factory), thật may là mình còn được trả lương đầy đủ. Mình có hơn một trăm đồng và mình không sợ sệt gì hết. Mình có hơi lo lắng một chút, vì mình thậm chí còn chẳng có cả chứng minh thư nữa. Nhưng chẳng còn cách nào hơn, mình đành lấy tạm cái chứng minh thư ghi rằng mình sinh năm 1969 và thử vận may vậy. Ai ngờ mình lại may đến thế chứ? Mình đã được vào làm trong bộ phận ép nhựa dẻo của cái nhà máy này rồi.
Từ lúc mình đến Quảng Đông, mình đã nhảy việc ở các nhà máy bốn hay năm lần rồi, cái sau luôn tốt hơn cái trước. Quan trọng hơn cả là trong mỗi lần như thế, mình đều dựa vào chính bản thân. Mình không bao giờ cầu xin sự giúp đỡ của bất cứ ai. Mặc dù mình có vài người bạn tốt, nhưng không ai giúp được mình trong lúc mình cần nhất cả.
Mình nhớ khi mình trốn về từ Thâm Quyến. Vào thời gian ấy, mình thực sự chẳng có gì cả. Ngoài chính bản thân mình ra, mình chẳng có gì hết. Mình lang thang ngoài đường suốt một tháng, hoàn toàn không xu dính túi, thậm chí có lần còn phải nhịn đói hai ngày liền mà chẳng ai hay biết... Mặc dù hai vợ chồng anh họ mình sống ở ngay Long Nhãn, mình không muốn đến tìm họ, vì họ thực sự không thể giúp mình được. Mình thường xuyên muốn dựa vào người khác, nhưng họ không phải là những người có thể dựa dẫm. Chỉ có thể dựa vào chính mình mà thôi.
Phải, mình chỉ có thể dựa vào chính bản thân.
Ngô Xuân Minh không hề nói với cha mẹ khi cô rời bỏ quê hương lần đầu tiên. Đó là mùa hè năm 1992, ly hương là điều gì đó liều lĩnh và nguy hiểm. Ở một làng nhỏ thuộc tỉnh Hồ Nam quê cô, người ta nói rằng cô gái nào lên thành phố sẽ bị lừa vào nhà chứa và từ đó bặt vô âm tín.
Mùa hè năm đó Xuân Minh mười bảy tuổi. Cô đã tốt nghiệp trung học cơ sở và đang bán rong rau quả ở thành phố gần nhà; cô ra đi cùng với một người em họ vẫn còn đang đi học. Hai cô gái vay tiền mua vé tàu đến Đông Quản và tìm được việc trong một nhà máy sản xuất sơn cho đồ chơi. Mùi hóa chất làm họ đau đầu, và họ đã trở về sau hai tháng, nghèo khó như xưa. Mùa xuân năm sau, Xuân Minh lại ra đi lần nữa. Cha mẹ cô phản đối, mắng mỏ và khóc lóc. Nhưng khi cô quyết định bất chấp tất cả để ra đi cùng vài người bạn ở mấy ngôi làng bên cạnh, mẹ cô đã đi vay tiền cho cô mua vé tàu.
Quảng Đông năm 1993 thậm chí còn hỗn loạn hơn ngày nay. Những người di trú từ nông thôn tràn ngập các con phố, tìm kiếm việc làm, ngủ trong trạm xe buýt và dưới gầm cầu. Cách duy nhất để tìm việc là gõ cửa các nhà máy, Xuân Minh và những người bạn của mình bị xua đuổi khỏi rất nhiều cánh cửa trước khi được nhận vào làm trong nhà máy đồ chơi Quốc Thông. Công nhân bình thường ở đó kiếm được khoảng một trăm nhân dân tệ một tháng, tức là khoảng mười hai đô la. Để chống lại con đói, họ mua những túi mì ăn liền khổng lồ, đổ muối và nước sôi vào ăn. "Chúng tôi nghĩ nếu có khi nào kiếm được hai trăm đồng; một tháng," sau này Xuân Minh nói, "chúng tôi đã cực kỳ hạnh phúc rồi."
Sau bốn tháng, Xuân Minh nhảy sang một nhà máy khác, nhưng rồi lại nhanh chóng bỏ đi sau khi một công nhân làm cùng nói họ hàng cô ta nghe đồn công việc ở Thâm Quyến tốt hơn. Xuân Minh và vài người bạn đã tới đó, qua đêm dưới cầu vượt bắc qua đường cao tốc, rồi gặp người họ hàng của cô gái kia vào sáng hôm sau. Anh ta đưa họ đến một tiệm cắt tóc rồi dẫn lên gác, trên đó có một người đàn bà trẻ trang điểm lòe loẹt mặt bự phấn đang ngồi trên ghế mát xa đợi khách. Xuân Minh hết sức kinh hoảng trước cảnh tượng đó. "Em được nuôi dạy theo cách rất truyền thống," cô nói. "Em nghĩ mọi người ở nơi đó đều xấu xa và muốn em trở thành một con điếm. Em nghĩ rằng khi bước vào đấy, mình cũng trở nên xấu xa theo họ."
Họ bảo các cô gái nên nghỉ ngơi và tắm qua trong một buồng tắm công cộng, nhưng Xuân Minh khước từ. Cô bước lùi xuống cầu thang, cẩn thận quan sát cửa trước, và chạy, bỏ lại các bạn và cả chiếc va li đựng tiền, một chứng minh thư được chính quyền cấp và tấm ảnh mẹ cô. Có tiếng bước chân phía sau. Cô rẽ vào một ngõ hẻm rồi lại một ngõ khác, rồi tiếng bước chân dừng lại. Xuân Minh chạy vào một cái sân và thấy một cái chuồng gà bỏ không ở đằng sau. Xuân Minh trèo vào chuồng trốn trong đấy, cả ngày và cả đêm. Sáng hôm sau, hai cánh tay cô hằn lên đầy vết muỗi đốt, Xuân Minh đi ra phố và quỳ trên vỉa hè để xin tiền, nhưng không ai cho cồ đồng nào. Một người qua đường đưa cô tới đồn công an; nhưng không có tên hay địa chỉ tiệm cắt tóc, công an cũng không thể giúp gì cho cô được. Họ cho cô hai mươi nhân dân tệ để mua vé xe buýt trở về nhà máy.
Tài xế xe buýt bỏ cô giữa đường trở về Đông Quản. Xuân Minh phải đi bộ, và một gã đàn ông trên phố đã đi theo cô. Cô để ý thấy một phụ nữ trẻ mặc đồng phục nhà máy và hỏi xem cô gái đó có thể lén giúp cô vào nhà máy một đêm được không. Cô gái kia mượn chứng minh thư của một công nhân đưa Xuân Minh vào, sau đó cô trốn cả đêm trong nhà tắm. Sáng hôm sau, Xuân Minh trộm một bộ quần và áo phông sạch sẽ đang hong khô trong nhà tắm và trèo qua cổng nhà máy để ra ngoài. Cho đến lúc ấy, đã hai ngày liền cô chưa ăn gì. Một tài xế xe buýt mua cho Xuân Minh một cái bánh mì và cho cô đi nhờ về Đông Quản, nơi vợ chồng anh họ cô làm việc.
Xuân Minh không kể cho họ chuyện gì đã xảy ra với mình. Thay vì thế, cô đi lang thang trên các con phố. Cô quen với một đầu bếp ở công trường xây dựng, cô này cho Xuân Minh ăn chung với những công nhân khác, đến tối cô lẻn vào nhà tập thể trong nhà máy của bạn bè ngủ nhờ. Không có chứng minh thư, cô không thể tìm được việc mới. Sau một tháng trời lang thang, Xuân Minh thấy một quảng cáo tuyển người làm trong dây chuyền lắp ráp ở nhà máy sản xuất đồ chơi Ngân Huy. Cô tìm thấy một cái chứng minh thư ai đó đánh rơi hoặc bỏ đi và dùng nó để xin việc, về mặt hành chính tên cô là Đường Tùng Vân, sinh năm 1969. Điều đó làm cô già hơn tuổi thực của mình năm năm, nhưng chẳng ai để ý đến những chuyện như thế cả.
Xuân Minh làm việc ở Nhà máy Ngân Huy trong một năm, việc của cô là trộn lẫn các bình nhựa lỏng lớn với nhau, sau đó thứ này sẽ được đổ vào khuôn để làm ô tô, máy bay và tàu hỏa đồ chơi. Xuân Minh rất bạo dạn và thích nói chuyện, nên cô kết bạn khá dễ dàng. Những người bạn mới gọi cô là Đường Tùng Vân. Cô đã trở thành, gần như là theo nghĩa đen, một người khác.
Nhiều năm sau khi rời nhà máy, cô vẫn nhận được thư gửi cho Đường Tùng Vân. Xuân Minh không bao giờ tìm được cô "Đường Tùng Vân" ấy là ai.
TÔI ĐÃ QUEN XUÂN MINH hai năm trước khi cô kể cho tôi câu chuyện này. Đó là một buổi chiều Chủ nhật cuối năm 2006, cô đang ngồi trong một quán nước ở Đông Quản sau một ngày đi mua sắm quà sinh nhật. "Em chưa bao giờ kể với ai về những chuyện xảy ra với em khi ấy cả," cô nói trong khi nhấm nháp cốc nước ép hoa quả của mình. "Khi kể ra, em có cảm giác như nó vừa xảy ra hôm qua thôi vậy."
"Cô có tìm hiểu chuyện gì xảy ra với những người bạn cô bỏ lại ở tiệm cắt tóc không?" Tôi hỏi.
"Không," cô nói. "Em không biết đấy có phải một nơi xấu xa thực sự hay chỉ là nơi người ta có thể làm nhân viên mát xa nếu muốn. Nhưng em sợ họ sẽ không để chúng tôi đi."
Bạn thân nhất của Xuân Minh là một trong những người mà cô bỏ lại ở tiệm cắt tóc. Họ gặp nhau ở thành phố, bên dây chuyền lắp ráp, nên Xuân Minh không biết tên làng của bạn cũng như không biết cách nào để tìm lại cô. Nhiều năm sau đó, Xuân Minh gặp một cô gái quen người bạn kia, cô gái kể rằng bạn của Xuân Minh đã về quê rồi sau đó lại rời quê hương đến Đông Quản lần nữa. Xuân Minh phải kết luận từ những lời kể vắn tắt đó rằng bạn cô cuối cùng cũng bình yên. Nhưng không có cách nào để biết chắc cả, có lẽ người bạn của cô, đã bị lừa vào trong nhà chứa và không bao giờ có tin gì của cô ấy nữa, như những người trong làng vẫn nói. Người bạn tốt của Xuân Minh đã bị tách khỏi cô, giống vô vàn những người khác cô gặp trên đường đời. Một năm ở Đông Quản rất dài, mà Xuân Minh đã sống trong thành phố này được mười ba năm rồi.
* * *
24 tháng Năm, 1994
Bọn mình bắt đầu làm việc vào bảy giờ sáng và nghỉ lúc chín giờ tối. Sau đó bọn mình tắm và giặt quần áo. Khoảng mười giờ, những ai có tiền thì ra ngoài ăn bữa khuya, ai không có thì đi ngủ. Bọn mình ngủ đến sáu rưỡi sáng. Không ai muốn dậy cả, nhưng phải làm việc lúc bảy giờ. Hai mươi phút để làm những việc sau: bò ra khỏi giường, dụi cặp mắt đang phù lên, đánh răng và rửa mặt. Còn lại mười phút: ai muốn ăn sáng thì tận dụng đế ăn sáng, nhưng mình thấy nhiều người không ăn. Mình khổng biết có phải vì họ không muốn ăn, hay để tiết kiệm, hay để giữ eo...
Chắc chắn là mình không hy sinh sức khỏe để giữ eo hay tiết kiệm rồi. Rốt cuộc, di trú đên đây làm việc là để làm gì? Có phải chỉ là để kiếm một chút tiền còm này thôi hay không!
Không bao lâu sau khi lên thành phố, Xuân Minh bắt đầu viết nhật ký. Trong những cuốn sổ bìa màu hồng nhạt, cô miêu tả cuộc đời trong nhà máy, sự khắc nghiệt của người chấm công, cả những khoảnh khắc thư nhàn ngắn ngủi được dùng để tán chuyện, ăn vặt và tơ tưởng các chàng trai. Phải viết lại mọi thứ bạn nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và nghĩ hằng ngày, cô viết. Như thế, không chỉ có thể nâng cao trình độ viết mà còn thấy được quá trình trưởng thành của mình nữa. Trong những trang tiếp theo, cô vạch ra kế hoạch trốn thoát khỏi thế giới nghèo đói của mình bằng một chương trình tự rèn luyện bản thân hà khắc: đọc tiểu thuyết, luyện viết chữ, và học nói - để xóa giọng Hồ Nam của mình và tinh thông tiếng Quảng Đông, thứ ngôn ngữ của các chủ nhà máy. Nỗi sợ lớn nhất của cô là bị kẹt cứng lại nơi mình đang ở. Thời gian là kẻ thù của Xuân Minh, bởi nó nhắc cô rằng lại một ngày nữa đã trôi qua và cô vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình. Nhưng thời gian cũng là bạn cô, bởi cô vẫn còn rất trẻ.
Các mục ghi trong nhật ký thường không ghi ngày tháng và lộn xộn. Xuân Minh ghi tốc ký, miêu tả những ngày của mình, viết nháp những bức thư gửi cho cha mẹ, chép những câu khẩu hiệu truyền cảm hứng và lời bài hát, và thúc giục bản thân làm việc chăm chỉ hơn. Đôi khi những câu của cô được viết theo đường chéo vắt qua hai trang giấy, to dần lên cho đến khi mỗi chữ phải cao đến hơn hai xăng ti mét. Như thể cô đang gào lên trong đầu mình vậy.
MÌNH KHÔNG CÓ THỜI GIAN ĐỂ BUỒN VÌ CÓ QUÁ NHIỀU ĐIỀU MÌNH MUỐN LÀM.
"THỜI GIAN LÀ CUỘC SỐNG."
"CHÚNG TA CÓ THỂ BÌNH THƯỜNG NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC TẦM THƯỜNG." - NGÔ XUÂN MINH
"NGAY BÂY GIỜ MÌNH CHẲNG CÓ GÌ CẢ. ĐỒNG VỐN DUY NHẤT CỦA MÌNH LÀ MÌNH VẪN CÒN TRẺ."
Đã gần một giờ rồi! Mình không thể đặt số báo Công nhân di trú này xuống được nhưng tối nay lại phải làm lúc bảy giờ rồi. Mình cũng nên đi ngủ nữa.
Ái chà! Mình thật sự khó chịu khi có quá ít thời gian. Hằng ngày mình phải làm việc mười hai tiếng; trong mười hai tiếng còn lại mình phải ăn, tắm, giặt quần áo và ngủ. Còn bao nhiêu thời gian để đọc chứ? Làm ca đêm, thời gian còn bị xé nhỏ ra nữa: sau khi hết giờ làm và ăn, mình phải đợi một tiếng đồng hồ để tắm. Buổi chiều mình ngủ đến sáu giờ, sau đó phải dậy. Bữa tối lại tốn thêm một tiếng nữa... Mình đọc vào buổi tối cho đến nửa đêm; chỉ còn chưa đầy sáu tiếng để ngủ. Vậy là chỉ có một tiếng nữa để làm những thứ khác.
MÌNH ĐÃ THẤT BẠI, THẤT BẠI PHẢI CHĂNG TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỜI NÀY SỐ PHẬN CỦA MÌNH ĐÃ ĐỊNH SẲN ĐỂ THẤT BẠI?
MÌNH KHÔNG TIN
MÌNH TUYỆT ĐỐI KHÔNG TIN
Ngô Xuân Minh, mày không thể tiếp tục sống ngày nào cũng như ngày nào thế này được! Nghĩ đi: mày đã ở trong nhà máy này được tròn nửa năm rồi, nhưng mày thực sự kiếm được gì rồi? Mày biết rằng làm công nhân trong cái xưởng ép nhựa này cả đời sẽ chẳng có triển vọng gì hết, nên mày muốn thay đổi và tìm một công việc hài lòng hơn. Trước tiên mày phải học nói tiếng Quảng Đông đã. Tại sao mày vô dụng thế? Có thực là mày ngu thế không? Tại sao mày không thể học những thứ người khác học được? Mày cũng là một con người, Ngô Xuân Minh. Mày có vô dụng đến nỗi thế hay không? Đã hai tháng rồi mà tiếng Quảng của mày chẳng tiến bộ thêm chút nào cả. Mày có nhớ rằng mục tiêu của mày khi vào nhà máy này là học tiếng Quảng hay không? Nếu mày không thể học tiếng Quảng trong năm nay, mày là một con lợn ngu, một con bò ngu và mày không cần phải đến tận Quảng Đông làm việc nữa đâu. Với hai hay ba trăm đồng một tháng thế này, thà mày ở nhà còn hơn.
Ngày 23 tháng Ba,
Ái chà, thực sự có quá nhiều thứ mình muốn làm, và có quá ít thời gian. Vài người nói họ phiền muốn chết đi được, ái chà! Những người khác khó chịu, nhưng mình chẳng có thời gian mà khó chịu.
Một, mình phải tập thể dục. Béo là không chấp nhận được.
Hai, mình phải đọc thật nhiều và rèn luyện khả năng viết, để sau này có thể sống hạnh phúc và sung túc.
Ba, mình phải học nói tiếng Quảng. Chuyện này không thể gấp mà phải học từ từ.
Còn thời gian ngủ, nhiều nhất sáu tiếng là đủ rồi.
29 tháng Ba,
Hôm nay bọn mình được trả lương. Mình được 365 đồng. Trả nợ năm mươi đồng, mình vẫn còn ba trăm. Mình muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, quần áo và vài món vật dụng cá nhân. Sau đó mình còn bao nhiêu nữa?... Mùa hè rồi và mình chẳng có quần áo gì hết... Mình phải mua một cái đồng hồ. Không có đồng hồ, mình không thể sử dụng thời gian tốt hơn được.
Còn chuyện gửi tiền về nhà lại càng ít khả năng hơn. Khi nhận lương tháng sau, mình sẽ đăng ký học ở trường Đại học Hàm thụ kỹ năng Thư ký và Tốc ký. Mình phải có bằng đại học. Mình dứt khoát không đến Quảng Đông chỉ để kiếm hai hay ba trăm đồng một tháng thế này... đây đơn thuần chỉ là điểm dừng tạm thời mà thôi. Đây chắc chắn không phải nơi mà mình sẽ dừng chân mãi mãi.
Sẽ chẳng ai hiểu cho mình cả, mình không cần người nào hiểu mình hết.
Mình chỉ có thể đi con đường của riêng mình và mặc người ta nói gì thì nói!
22 tháng Năm,
Nhiều người bảo mình đã thay đổi. Mình không biết là mình có thay đổi hay không nữa... giờ mình ít nói hơn rất nhiều và mình không thích cười như trước nữa. Thỉnh thoảng mình cười nếu bắt buộc phải thế. Thỉnh thoảng mình có cảm giác mình đã tê liệt cảm giác. "Tê liệt cảm giác." Tê liệt cảm giác. Không! Không! Nhưng mình thực sự không biết nên dùng từ ngữ nào để diễn tả cái đứa mình bây giờ nữa.
Dù sao chăng nữa, mình rất mệt, rất mệt.
Thực sự, thực sự đấy, mình thấy mệt lắm.
Thân thể và tinh thần mình đều rất mệt.
Quá mệt, quá mệt.
Mình không muốn sống như thế này nữa.
Mình không muốn sống như thế này nữa.
Không bao giờ sống như thế này nữa.
Mình nên sống thế nào bây giờ?
* * *
Đồng thời với việc đặt kế hoạch phát triển trong thế giới của các nhà máy, trong những lá thư gửi về nhà, Xuân Minh vẫn cố gắng tỏ ra là một cô con gái ngoan ngoãn theo kiểu truyền thống.
Mẹ, con đã đan cho mẹ một cái áo len... Nếu không đan áo len, con đã có thể dùng cả ngày đó đọc bao nhiêu là sách. Nhưng mẹ ạ, thỉnh thoảng con nghĩ: con nên làm con gái ngoan của mẹ, một đứa con hiếu thảo hơn, thậm chí là phải gạt bỏ đống sách con rất thích đọc sang một bên.
Mẹ, con đã đan tình yêu của con dành cho mẹ vào chiếc áo len này... Mẹ, còn nhớ hồi con vẫn ở nhà, mẹ lúc nào cũng nói con gái người ta biết đan áo len còn con thì quá thiếu kiên nhẫn. Nhưng hôm nay, mẹ thấy con gái mẹ cũng biết đan chưa? Mẹ nhớ nhé, con gái mẹ sẽ không bao giờ ngu ngốc hơn người khác đâu.
Kỳ vọng của gia đình đè nặng lên cô. Các cô gái trẻ đến từ nông thôn luôn cảm thấy áp lực rất lớn từ phía gia đình. Nếu họ không nhanh chóng tiến lên phía trước, cha mẹ họ sẽ thúc giục trở về quê để lấy chồng.
Cuối cùng mình cũng nhận được thư nhà... Ngoài bố ra, còn ai viết thư được cho mình nữa đây? Mẹ thậm chí còn không nhắn vào được một dòng nói rằng bà nhớ mình... Trong lá thư trước, mẹ nhắn một dòng bảo mình đừng tìm người yêu bên ngoài. Mặc dù chỉ có một dòng ấy thôi, nhưng nó khiến mình rất vui, như thể mẹ đang ở bên cạnh dạy dỗ mình vậy.
Mình muốn tuôn trào tất cả những từ ngữ chôn giấu trong lòng cho mẹ biết nhường nào, nhưng mình không thể. Mẹ! Mẹ của con, tại sao mẹ lại thất học? Thất học cũng được thôi. Vậy tại sao mẹ không viết được cả một bức thư nữa? Mẹ không thể viết thư cũng được thôi. Mẹ viết được vài chữ cũng tốt rồi. Cho dù mẹ chỉ viết vài chữ để nói lên những gì mẹ muốn nói với con, con cũng hiểu được suy nghĩ thực sự của mẹ rồi.
Mẹ, con biết mẹ có nhiều điều muốn nói với con, chỉ là bố không viết vào thôi...
Bố, mẹ, có vẻ như chúng ta không thể hiểu nhau. Bố mẹ sẽ không bao giờ biết và hiểu được trong lòng con gái bố mẹ đang nghĩ gì. Có lẽ bố mẹ nghĩ rằng con đã tìm thấy nhà máy lý tưởng, lương ba trăm đồng một tháng. Có lẽ bố mẹ nghĩ con sẽ không bao giờ nhảy việc nữa. Có lẽ bố mẹ mong rằng con không bao giờ nhảy việc nữa, mong rằng con làm việc ở nhà máy này trong hai năm rồi trở về lấy chồng, có một gia đình giống như tất cả những cô gái nông thôn khác. Nhưng con không nghĩ đến những điều ấy...
Con muốn tạo cho bản thân một thế giới riêng ở Quảng Đông này... Kế hoạch của con là:
1. Học đại học hàm thụ
2. Học tiếng Quảng Đông
3. Chưa có gì và chưa đạt được thành tựu gì, tuyệt đối không kết hôn
Ba năm đầu tiên ở thành phố, Xuân Minh không về thăm nhà một lần nào. Cô bảo với bạn bè rằng kỳ nghỉ của nhà máy quá ngắn, nhưng trong nhật ký cô lại viết: Có ai biết tại sao mình không về thăm nhà vào dịp Tết chứ? Lý do chính là: mình không muốn phí thời gian. Bởi vì mình phải học! Cô cũng bỏ qua lời khuyên của mẹ và viết thư tình cho một anh chàng đẹp trai làm việc ở công xưởng. Các chàng trai trẻ là của hiếm ở chỗ làm, những anh đẹp trai hơn thường được rất nhiều cô gái chú ý. Anh chàng này không quan tâm đến Xuân Minh, đưa thư của cô cho những người khác đọc.
Sau sáu tháng làm việc ở dây chuyền lắp ráp, Xuân Minh tìm hiểu được rằng nhà máy cô tuyển văn thư bên trong nhà máy, vậy là cô viết một bức thư cho trưởng bộ phận của mình để bày tỏ sự quan tâm đến việc ấy. Người quản lý đã nghe đến thành tích theo đuổi con trai của cô và ra lệnh cho cô phải chuyển sang một bộ phận khác. Nhưng mệnh lệnh của anh ta không hiểu sao lại bị hiểu lầm, thế là Xuân Minh được chuyển lên làm văn thư. Cô thực hiện công việc rất tốt và ông chủ đã thay đổi ý kiến của mình với cô. Công việc mới được trả ba trăm nhân dân tệ một tháng - gấp ba lần lương của cô một năm trước.
NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA CÁC CÔ GÁI DI TRÚ có nhiều điểm chung. Những người đến thành phố thường mơ hồ, bối rối và đều bị lừa đảo ít nhiều. Các cô gái trẻ vẫn nói họ ra đi một mình, mặc dù sự thật là họ đi chung với những người khác nữa; họ chỉ cảm thấy mình cô đơn. Họ nhanh chóng quên tên các nhà máy, nhưng những ngày tháng đặc biệt thì in sâu vào tâm trí họ, chẳng hạn ngày họ rời bỏ quê hương hoặc bỏ việc ở một nhà máy tồi tệ. Một nhà máy sản xuất thứ gì chẳng bao giờ là điều quan trọng; vấn đề là làm việc ở đó khổ sở thế nào hoặc có cơ hội ra sao. Điểm ngoặt trong vận mệnh của một người di trú luôn xuất hiện khi cô ta thách thức ông chủ của mình. Trong khoảnh khắc cô ta mạo hiểm với tất cả mọi thứ của mình, cô gái đó bước ra khỏi đám đông và buộc cả thế giới phải nhìn vào cô như một cá nhân riêng biệt.
Bạn rất dễ đánh mất mình trong các nhà máy, nơi có hàng trăm cô gái với hoàn cảnh giống hệt như nhau: sinh ra ở làng quê, thất học, và nghèo khó. Bạn phải tin rằng bạn quan trọng cho dù sự thực bạn chỉ là một người giữa hàng triệu người khác.
1 tháng Tư, 1994
Phải, mình là một đứa bình thường đến nỗi không thể bình thường hơn, đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn, một cô gái giống vô vàn các cô gái khác. Mình thích ăn vặt, thích vui đùa, và thích làm đẹp.
Đừng mộng tưởng rằng mình là siêu nhân.
Mày chỉ là một con bé bình thường, chân chất, bị hấp dẫn bởi mọi thứ đẹp, ngon miệng hay vui vẻ.
Vì vậy, mình sẽ bắt đầu từ bình thường và đơn giản.
* * *
Trong một nhà máy ở Đông Quản, giới tính được phân biệt rất rõ ràng. Phụ nữ làm văn thư và trong bộ phận nhân sự, bán hàng, cũng như thực hiện hầu hết công việc ở dây chuyền lắp ráp; các ông chủ cảm thấy phụ nữ trẻ thì siêng năng hơn đồng thời cũng dễ quản lý hơn. Đàn ông độc quyền trong các công việc kỹ thuật như thiết kế khuôn và sửa máy móc. Họ thường giữ những vị trí cao nhất trong nhà máy và cả những vị trí ở tận dưới đáy: bảo vệ, đầu bếp và lái xe. Bên ngoài nhà máy, phụ nữ làm tiếp viên phục vụ, giữ trẻ, cắt tóc và gái điếm. Đàn ông làm việc ở công trường xây dựng.
Sự phân biệt giới tính này được phản ánh trong những mẩu quảng cáo tìm người:
NHÀ MÁY TÚI XÁCH CAO BỘ TUYỂN NHÂN VIÊN
BÁN HÀNG: NỮ, TIẾNG ANH MỨC BỐN
TIẾP TÂN: NỮ, BIẾT NÓI TIẾNG QUẢNG ĐÔNG
BẢO VỆ: NAM, DƯỚI 30, CAO 1,7 MÉT TRỞ LÊN, CỰU QUÂN NHÂN, BIẾT CỨU HỎA, BIẾT CHƠI BÓNG RỔ LÀ MỘT LỢI THẾ
Sự chia tách giới tính đó ngầm định một số điều. Các cô gái trẻ được hưởng những công việc linh động hơn, họ có thể vào làm việc trong dây chuyền ở một nhà máy và chuyển lên làm văn thư hoặc bán hàng. Các chàng trai khó vào nhà máy hơn, một khi đã vào họ thường bị kẹt cứng trong đó. Phụ nữ, bên trong hoặc bên ngoài nhà máy, tiếp xúc rộng hơn và nhanh chóng tiếp nhận quần áo, kiểu tóc và khẩu âm thành phố; đàn ông có khuynh hướng khóa chặt mình với thế giới bên ngoài của họ. Phụ nữ hòa nhập vào đời sống thị thành dễ hơn đàn ông, và họ có nhiều động lực khuyến khích ở lại thành phố hơn.
Phụ nữ chiếm hơn một phần ba dân số di trú Trung Quốc. Họ có khuynh hướng trẻ hơn dân di trú nam giới cùng lứa và có lẽ là độc thân nhiều hơn, họ đi xa hơn và ở lại lâu hơn. Họ có nhiều động lực để thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn và đánh giá sự di trú vì khả năng thay đổi cuộc đời của nó. Trong một cuộc thăm dò, đàn ông cho rằng mục đích chính của việc ly hương là để có thu nhập cao hơn, trong khi đó phụ nữ lại khát khao "có thêm nhiều kinh nghiệm sống". Không giống đàn ông, phụ nữ không có nhà để trở lại. Theo truyền thống của Trung Quốc, một người con trai luôn được trông đợi trở về ngôi nhà của cha mẹ cùng với vợ mình sau khi anh ta kết hôn; một người con trai luôn có một ngôi nhà ở làng quê nơi anh ta sinh ra. Con gái, khi đã trưởng thành, sẽ không bao giờ trở về nhà sống - trước khi lấy chồng, họ chẳng thuộc về bất cứ nơi nào cả.
Ở một mức độ nào đó, sự thành kiến giới tính thâm căn cố đế này lại tốt cho phụ nữ. Nhiều bậc cha mẹ ở nông thôn muốn người con trai trưởng thành ở gần nhà, chẳng hạn như đưa hàng hoặc bán rau củ ở thị trấn gần làng. Những người đàn ông trẻ với viễn cảnh không mấy hấp dẫn ấy có thể chỉ đơn giản là hun (hỗn) - sống bừa bãi - làm những việc lặt vặt, hút sách nhậu nhẹt và đánh bạc hết số tiền ít ỏi kiếm được. Các cô gái trẻ - ít được coi trọng, ít được cưng chiều hơn - có thể đi xa nhà và có kế hoạch cho riêng mình. Nói một cách chính xác, chính vì họ không quan trọng, nên họ được tự do làm việc họ muốn hơn.
Nhưng đó là một lợi thế bấp bênh. Nếu sự di trú giải thoát các cô gái trẻ khỏi làng quê, nó đồng thời cũng thả họ vào một vị trí chơi vơi. Hầu hết các cô gái nông thôn kết hôn khi mới ngoài đôi mươi, còn người phụ nữ di trú nào trì hoãn việc kết hôn sẽ phải đánh liều với khả năng từ bỏ chuyện đó mãi mãi. Giới tính mất cân bằng nghiêm trọng ở Đông Quản, theo thống kê có tới 70% lực lượng lao động là phụ nữ, đầy cạnh tranh trong việc kiếm một tấm chồng tử tế. Và cả sự lưu động về mặt xã hội cũng khiến chuyện tìm một người chồng trở nên phức tạp. Những người phụ nữ đi lên từ dây chuyền lắp ráp coi thường đàn ông ở quê, nhưng đàn ông thành phố lại coi thường họ. Những người di trú gọi tình trạng này là gaobucheng, dibuiju (cao bất thành, đê bất tựu - cao không tới, thấp không xong) - không phù hợp với một vị trí cao hơn nhưng lại không muốn chọn cái thấp hơn.
Những phụ nữ di trú mà tôi biết không bao giờ phàn nàn về sự bất công đối với phụ nữ. Cha mẹ có thể yêu quý con trai hơn con gái, các ông chủ thích những cô thư ký xinh đẹp, và bảng thông báo tuyển người thì phân biệt một cách rõ ràng, nhưng họ chấp nhận tất cả những điều đó một cách thoái mái - hơn ba năm ở Đông Quản, tôi không bao giờ nghe một người nào biểu thị thứ gì đó kiểu như một ý kiến đòi hỏi nam nữ bình quyền cả. Có lẽ họ đã coi cuộc sống khó khăn với tất cả mọi người là chuyện đương nhiên. Sự phân biệt giữa nông thôn và thành thị là điều duy nhất đáng lưu ý: một khi vượt qua lằn ranh ấy, bạn sẽ thay đổi cuộc đời mình.
* * *
Việc tiến lên có vẻ dễ dàng với Xuân Minh. Năm 1995, cô nhảy việc sang một nhà máy sản xuất súng nước và súng hơi ở ngoại ô Đông Quản. Cuối cùng cô cũng học được cách nói tiếng Quảng Đông. Trong một năm, lương tháng của cô tăng từ ba trăm lên sáu trăm năm mươi nhân dân tệ, rồi sau đó là tám trăm, rồi một ngàn. Cô phát hiện ra các trưởng bộ phận kiếm được nhiều hơn dù cô cũng làm hệt những việc như họ. Nếu ông không tăng lương cho tôi lên 1.500 đồng một tháng, cô gửi thư cho ông chủ, tôi sẽ không làm ở đây nữa. Cô có được thứ mình muốn, không một ai trong nhà máy nhận được khoản tăng lương lên đến năm trăm nhân dân tệ trước đó. Nhưng sự thăng tiến này không làm Xuân Minh thỏa mãn. Nó ném cô vào một thế giới mới, nơi vẫn còn có quá nhiều thứ để học hỏi.
Quan hệ của cô với những người khác ngay tức khắc trở nên phức tạp hơn bội phần. Ở làng quê, quan hệ giữa người với người quyết định bởi mối quan hệ ruột thịt và quá khứ chung. Ở trường và ở dây chuyền lắp ráp, mọi người đều cùng một vị thế thấp như nhau. Nhưng khi một người bắt đầu vươn lên trong thế giới nhà máy, cán cân quyền lực nghiêng lệch, và điều đó sẽ làm mọi thứ bất ổn. Một người bạn có thể trở thành cấp trên, một cô gái trẻ có thể được đề bạt trước bạn trai cô ta.
26 tháng Ba, 1996
Lần thăng tiến này đã cho mình thấy hàng trăm trải nghiệm khác nhau của đời người. Có người chia vui với mình, có người đố kỵ với mình, có người chúc mừng mình, có người chúc mình may mắn, có người ghen tị với mình, và một số người không thể chấp nhận nó...
Đối với những người đố kỵ ganh ghét... mình sẽ chỉ coi họ như những chướng ngại trên đường tiến lên, đá chúng sang một bên và tiếp tục bước tới. Trong tương lai sẽ còn có nhiều đố kỵ hơn nữa cơ!
Tạo ấn tượng tốt với người lạ trở thành một vấn đề quan trọng. Xuân Minh nghiên cứu những cấp trên trong nhà máy mình làm việc, chăm chú như thể một nhà sinh vật học đang săm soi mẫu vật. Cô quan sát thấy rằng khi trưởng phòng nhân sự phát biểu, ông ta cũng căng thẳng đến nỗi tay run lẩy bẩy. Gần Tết, một giám đốc nhà máy lờ cô đi cho đến khi cô chúc ông ta năm mới tốt lành, ông ta nồng nhiệt đáp lại và cho cô mười nhân dân tệ trong phong bao đỏ, lì xì, một món quà truyền thống. Từ sự việc này, tôi hiểu rằng: có những người trông lúc nào cũng có vẻ như không thể đến gần lại không thực sự như vậy. Bạn chỉ cần làm cho mình hơi thân thiện hơn một chút là được.
Kế hoạch làm mới bản thân của cô bắt đầu tăng tốc. Trong nhật ký của mình, Xuân Minh không ghi chép lại những chi tiết gặp phải trong ngày nữa mà chép vào những quy tắc để trở thành một người nào đó khác, một nhiệm vụ mà vì nó cô đọc rất nhiều nhưng không phải lúc nào cũng thật mạch lạc.
Tự tin, siêng năng và thanh lịch là hình ảnh một người phụ nữ chuyên nghiệp nên có.
Mười ba đức tính tốt cần tuân theo mà Benjamin Franklin đề ra:
1. Chừng mực: Ăn không quá no, uống không quá nhiều.
2. Yên lặng: Tránh những cuộc nói chuyện cà kê mất thì giờ.
3. Trật tự: Hãy để mọi thứ vào vị trí ấn định và hãy ấn định thời gian để làm các việc.
4. Quyết tâm: Quyết làm điều bạn muốn làm, thực hiện bằng được điều bạn quyết tâm.
5. Tiết kiệm: Không lãng phí tiền bạc. Chỉ tiêu tiền vào những thứ có lợi cho bạn và người khác.
Khi bị phê bình
1. Khi người khác phê bình bạn, bạn phải bình tĩnh và thản nhiên, đồng thời tỏ ra là mình đang lắng nghe chăm chú.
2. Nhìn thẳng vào người đang nói chuyện với bạn.
3. Không phê bình lại người nào vừa mới phê bình mình.
4. Không được buồn nản.
5. Không đùa...
Những lý tưởng trong nhật ký của Xuân Minh có mối liên hệ ngược với thế giới cô đang sống. Một trong những danh sách cô ghi trong nhật ký, có tiêu đề "Mười lăm đặc điểm của nhà lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn", có thể dễ dàng gọi thành "Làm thế nào để trở thành sếp ở Đông Quản", ví như đặc điểm thứ ba:
Bận bịu với những chuyện nhỏ nhặt và tham gia vào mọi thứ.
và đặc điểm thứ mười lăm:
Khi cả tập thể được khen ngợi hoặc tặng thưởng, ông ta xuất hiện đầu tiên trong danh sách; giữa các quản lý, ông ta ngồi ở hàng đầu.
Xuân Minh đăng ký tham gia một khóa học hàm thụ để học các kỹ năng của thư ký, nhưng rồi bỏ cuộc vì trông cuốn sách giáo khoa quá phức tạp. Nỗ lực để học về quan hệ công chúng (PR) cũng đã thất bại.
Cô định học quan hệ công chúng như thế nào?
Trả lời: Để học quan hệ công chúng được tốt, trước tiên bạn phải học cách cư xử cho ra một con người đã.
Có lúc, Xuân Minh quyết định sẽ tự học tiếng Anh. Cô làm một danh sách các từ vựng...
ABLE
ABILITY
ADD
AGO
ALWAYS
AGREE
AUGUST
BABY
BLACK
BREATH
- nhưng cô đã bỏ cuộc trước khi đến vần C.
Có quá nhiều thứ đáng để học, những quy tắc để tiến lên pha trộn khắp nơi trong nhật ký của cô. Sáu mươi phần trăm người ta không có mục tiêu. Muốn một cái nhìn ''lộng lẫy rực rỡ", hãy trộn phấn mắt màu đen, xám, vàng kim, xanh mắi mèo và đỏ sáng với nhau. (A) Có thể giặt khô; "A" có nghĩa là có thể dùng mọi loại chất tẩy. Chào hỏi nhau là chất xúc tác và chất bôi trơn cho các cuộc trao đổi. Khi bạn uống canh, đừng để thìa gõ vào đĩa. Ai không đọc sách sẽ thầy mình nói năng thật ngu ngốc và vẻ ngoài của mình thật đáng ghét.
* * *
Ở xa mẹ, các công nhân di trú kiếm tìm lời khuyên cho mình ở một nơi khác. Các tạp chí cho độc giả di trú xuất hiện vào khoảng giữa những năm 1990, đặc biệt là ở những thành phố công nghiệp miền Nam Trung Quốc. Chúng được xuất bản trên giấy in báo rẻ tiền, bán với giá khoảng bốn nhân dân tệ, hay 50 xu, một số. Các tạp chí khảo sát điều kiện làm việc của công nhân di trú và cho họ những lời khuyên về mặt pháp lý, tìm việc và quan hệ cá nhân. Trong các câu chuyện ngôi thứ nhất kể về cuộc đời của một người di trú nào dó, theo một hoặc hai quỹ đạo nhất định: một cô gái trẻ lên thành phố, chịu đựng khó khăn và thành công rực rỡ, thường là bắt đầu tự kinh doanh buôn bán và mua một căn hộ. Hoặc một cô gái trẻ lên thành phố, và suy sụp, bởi một gã đàn ông cuối cùng hóa ra lại là một kẻ lười biếng, lật lọng, hoặc đã có vợ con. Đó hẳn có thể là nhân vật nữ chính của Theodore Dreiser(9), Edith Wharton(10) và Henry James(11) bởi những câu chuyện như vậy đã là nền tảng cho bút pháp tiểu thuyết phương Tây hiện đại ra đời. Nhưng trong những trang tạp chí dành cho người di trú, bài học luôn luôn giống hệt nhau: bạn chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình.
Mọi câu chuyện thành công đều kết thúc với thành tựu cá nhân có thể ghi vào trong sổ cái của một kế toán viên: doanh số hằng tháng của việc kinh doanh, số mét vuông của căn hộ. Trong "Tham vọng khiến tôi là tôi", một cô giữ trẻ tuổi thiếu niên đã tự học đọc học viết, rồi chi trả tiền học đại học của mình và em trai bằng những công việc như bán kem, đưa hàng, cắt tóc và bán bảo hiểm. Ở cuối câu chuyện, cô đã đứng đầu bộ phận bán hàng của một công ty bảo hiểm và sở hữu một căn hộ rộng hơn 120 mét vuông. Trong "Làm chủ chính mình", một cô cắt tóc trẻ tuổi đã làm việc không công hai năm để học nghề và tự mở cửa hàng của riêng mình. Doanh thu khoảng hơn ba nghìn nhân dân tệ một tháng, mất sáu trăm tiền thuê nhà và một trăm tiền thuế, còn lại là của cô ấy. Trong "Cô gái muốn làm phim truyền hình", một phụ nữ trẻ làm việc cần cù ở vị trí trợ lý văn phòng - cô ấy thường đánh máy mười tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ - và đã vươn lên trở thành phó chủ tịch một công ty giải trí, đồng thời sở hữu một căn hộ rộng gần 75 mét vuông.
Con đường đến với thành công vừa dài vừa khó khăn, nên rất nhiều người đã đi lạc khỏi nó. Một phụ nữ trẻ có thể mơ mộng tìm thấy một người đàn ông yêu và ủng hộ mình. Nhưng điều đó luôn luôn là một con đường sai.
Khi về đến nhà, tôi thổn thức khóc òa lên, không dám tin rằng tình yêu thực sự của mình lại là một tên lừa đảo.
Thứ hắn thấy ở tôi chỉ là tôi dễ bị lừa như thế nào.
Nếu tôi rời bỏ hắn như bây giờ, liệu có ai còn muốn lấy tôi nữa không?
Các bài báo còn miêu tả những nỗi xấu hổ nhọc nhằn trong đời sống hằng ngày của dân di trú. Một cô gái trẻ lẻn vào phòng tắm ở tiệm ăn McDonald's vì thiết bị trong tòa nhà nơi cô sống quá nghèo nàn: Môi truờng trong nhà tắm của tiệm McDonald's thật quá tốt. Trong ấy chẳng những rất sạch, mà lại có cả giấy vệ sinh và máy sấy tay nữa. Một công nhân di trú lấy làm hổ thẹn không dám nói với ông chủ rằng anh ta không thế chi trả cho một cái điện thoại di động. Những người may mắn kiếm được việc trong văn phòng thì cũng thấy hoàn cảnh khắc nghiệt hệt như những gì Darvvin đã viết:
Vì vài người khách của tôi trả tiền chậm, công ty nói rằng tôi có trách nhiệm thu số nợ đó và sẽ giữ lại 30 phần trăm lương hằng tháng của tôi cho đến khi đòi được hết tiền. Thế có châp nhận được không chứ?
Quy định của công ty chúng tôi là hằng tháng người nào có doanh số bán hàng thấp nhất sẽ bị đuổi việc. Thế có đúng luật không?
Nhiều khi thông điệp nhắn nhủ về tự lực cánh sinh đi quá xa. Bài báo về một cô giúp việc bị bạo hành không chỉ ra rằng người giúp việc gia đình dễ tổn thương như thế nào mà chỉ ca ngợi cô đã dám trốn khỏi căn hộ của người chủ thuê. Người duy nhất có thể giải cứu Vương Lệ là chính cô ấy. Bài báo về vụ cháy chết người ở cửa hàng bách hóa bỏ qua vấn đề lớn hơn - cơ sở vật chất và phương tiện phòng chống cháy nổ nghèo nàn - để tập trung vào lời khuyên để sống sót khi lửa cháy: Khi lửa thiêu đốt cơ thể bạn, hãy cởi ngay quần áo, lăn lộn dưới đốt để dập ngọn lửa.
Trái ngược với ngành truyền thông ù lì và thích thuyết giáo của Trung Quốc, những tạp chí của người di trú mở ra một hướng đi mới. Họ không khăng khăng vào những kết thúc có hậu, rất nhiều câu chuyện kết thúc trong đau đớn hoặc lúng túng. Họ mô tả một thế giới trong đó người ta lừa gạt lẫn nhau và chẳng làm gì để giúp những người thân cô thế cô và những người lạc lối. Họ không rao giảng về những đạo luật cần phải sửa đổi hay những hành vi cần phải thay đổi, và họ không bao giờ nhắc đến Đảng Cộng sản. Họ viết về cách sống trong một thế giới như nó vốn thế.
* * *
Mùa hè năm 1996, Xuân Minh viết trong nhật ký của mình:
Bạn ạ, chúng ta sinh ra trên đời này nghèo khó, đó không phải lỗi của chúng ta. Nhưng chết nghèo khó là một tội lỗi.
Trong cuộc đời của mình, liệu chúng ta đã làm việc chăm chỉ và kiên trì đấu tranh chưa? Muốn thành công trong mạng lưới bán hàng, chúng ta phải thực sự đạt được bốn điểm sau:
1. Có quyết tâm.
2. Có mục tiêu rõ ràng.
3. Nghiên cứu kỹ càng và hiểu thấu đáo sản phẩm cũng như kế hoạch của công ty.
4. Học tập các kỹ năng bán hàng theo mạng lưới.
Mùa hè năm đó, một người bạn trong nhà máy đưa Xuân Minh đến một buổi diễn thuyết, chính buổi diễn thuyết ấy đã thay đổi cuộc đời cô. Diễn giả làm việc cho một công ty có tên Sản phẩm thường nhật Hoàn Mỹ, nhưng thứ nó đưa ra lại là một giấc mơ giàu sang và thành tựu của cá nhân bọc trong một từ ngữ thần diệu chuanxiao (truyền tiêu). Từ tiếng Trung này dịch ra là "bán hàng theo mạng lưới", không phân biệt giữa loại hình bán hàng trực tiếp hợp pháp và mô hình kim tự tháp lừa đảo. Sự mục rữa, nhiều khi có cả trong không khí chúng ta thở, cũng đã thấm cả vào thứ ngôn ngữ họ dùng.
Xuân Minh bắt đầu bán các sản phẩm sức khỏe của Hoàn Mỹ để tăng thêm thu nhập, chủ yếu là cho các công nhân làm cùng nhà máy. Cô mua băng cát xét của Hoàn Mỹ và tham gia các buổi diễn thuyết, rồi nhật ký của cô chuyển thành một hướng dẫn bán hàng của Hoàn Mỹ trộn lẫn với vài triệu chứng sức khỏe dị thường.
THÀNH CÔNG CỦA VIỆC BÁN HÀNG NẰM TRONG BA GIÂY GẶP GỠ ĐẦU TIÊN.
KHI NÓI, HÃY NHÌN VÀO MẮT NGƯỜI KHÁC.
HÃY LÀM QUEN VỚI BA NGƯỜI MỖI NGÀY.
TINH THỂ KHOÁNG LÔ HỘI CÓ THỂ ĐIỀU TIẾT NGŨ TẠNG TRONG CƠ THỂ NGƯỜI.
NGƯỜI TA RỤNG TÓC VÌ THIẾU ĐỒNG.
Cuối năm 1996, Xuân Minh đã ở một vị trí khá thế lực trong nhà máy: cô làm trưởng phòng hành chính, nhưng cô nghỉ việc để bán các sản phẩm của Hoàn Mỹ toàn thời gian. Cô tiêu mười nghìn nhân dân tệ tiết kiệm được để thuê phòng họp và các thiết bị cho các buổi đào tạo. Cô chiêu mộ những đồng nghiệp cũ trong nhà máy gia nhập vào mạng lưới của mình, hứa rằng tất cả bọn họ sẽ trở nên giàu có. Trong những trang sau của cuốn nhật ký, Xuân Minh lên danh sách những người bán hàng cô đã chiêu mộ được. Rất nhiều người trong số họ vẫn còn đang ở tuổi thiếu niên, người nhiều tuổi nhất trong mạng lưới của cô mới hai mươi lăm.
Tại sao chúng ta lại tập trung ở đây ngày hôm nay? Đơn giản chỉ là để mọi người cùng bàn luận xem: "Một người nên sống cả đời mình như thế nào?"
Hãy nghĩ về nó: tại sao chúng ta vẫn quá đỗi bình thường? Tại sao có bao người đã làm việc chăm chỉ suốt đời mà vẫn không có được cuộc sống họ mong ước? Chúng ta ai cũng từng mơ mộng. Tất cả chúng ta đều đấu tranh và làm việc chăm chỉ. Nhưng tại sao những gì chúng ta kiếm được và những gì chúng ta bỏ ra lại quá thiên lệch như thế? Đã có bao nhiêu người thương tiếc chúng ta!
Chúng ta đã dần hiểu ra một sự thật: ai muốn phát triển thì phải nắm bắt lấy cơ hội. Chỉ có mỗi giấc mơ và quyết tâm thôi thì không đủ... Nếu lựa chọn phương tiện di chuyển không tốt, các bạn sẽ phải bận bịu với chuyện đi lại suốt cả đời. Giống như cha mẹ chúng ta đã chọn việc đồng áng vậy: họ bận bịu suốt cả đời, nhưng khi tóc đã chuyển sang màu bạc trắng, họ vẫn phải gom góp từng đồng để mua dầu mua muối.
Các bạn của tôi, chúng ta có muốn đi theo con đường của cha mẹ chúng ta không?
Không!
Hãy tự vỗ tay cổ vũ chính mình nào!
Các công ty bán hàng trực tiếp đã phát triển mạnh ở Mỹ suốt thời kỳ bùng nổ kinh tế sau Thế chiến II. Không giống những nhà bán lẻ truyền thống, các công ty như Amway hay Avon bán hàng hóa thông qua những phân phối viên độc lập chứ không phải trong các cửa hàng. Những phân phối viên này kiếm tiền theo hai cách: tự mình bán hàng hoặc thông qua việc chiêu mộ một mạng lưới người bán hàng và nhận hoa hồng dựa trên doanh số của họ.
Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, làn sóng bán hàng theo mạng lưới tràn qua Trung Quốc, vài công ty truyền tiêu học theo mô hình bán hàng của Mỹ. Còn những công ty khác đơn giản chỉ là thu của những thành viên mới gia nhập một khoản phí lớn, kèm theo lời hứa về sự giàu có khi họ chiêu mộ thêm nhiều thành viên khác. Đó là mô hình kim tự tháp: tiền không phải từ việc bán sản phẩm thực mà chỉ từ khoản phí gia nhập cao ngất ngưởng mà họ thu. Mô hình này kiếm tiền cho những người gia nhập sớm nhất nhưng sẽ sụp đổ khi hết thành viên mới, lừa gạt rất nhiều người mất trắng số tiền tiết kiệm của họ.
Mô hình bán hàng theo mạng lưới này đúng là hết sức phù hợp với xã hội Trung Quốc, một xã hội mà quy luật tàn khốc nhất - không tin bất cứ ai, kiếm tiền thật nhanh - đang được áp dụng. Những công ty này hoạt động dựa vào mạng lưới truyền thống gồm các thành viên trong gia đình và bè bạn, điều đầu tiên một người bán hàng truyền tiêu thường làm là ép uổng tất cả bạn bè và họ hàng mua thứ gì đó. Họ hứa hẹn sự giàu có và thành công. Và họ đưa ra một con đường bằng phẳng thẳng tiến tới thành công: Làm quen với ba người mỗi ngày. Việc kinh doanh này lan tràn trong khắp các thị trấn nhỏ và cộng đồng người di trú ở đồng bằng châu thổ sông Châu Giang. Đây là nơi thế giới của người nông thôn và thành thị giao nhau, người ta ganh tị với thành công của người khác và khao khát có được thành công của riêng mình. Nếu có người quen nào hứa hen một sự giàu sang nhanh chóng hay một phương thuốc diệu kỳ, họ liền dễ dàng dao động ngay.
Sự nổi lên của các công ty bán hàng theo mạng lưới này làm chính phủ trung ương lo lắng. Một số công ty kinh doanh hàng giả, hàng lậu thuế, hoặc hàng kém chất lượng; những buổi gặp gỡ đào tạo của họ, nơi những nhóm trưởng đầy uy tín đưa đẩy các thành viên vào một cơn sốt bán hàng cuồng tín, bắt đầu trở nên phiền phức như thể các nghi lễ tôn giáo. Hoạt động trở nên quá đà đến mức thậm chí còn đe dọa đến trật tự xã hội; năm 1994, người ta đã phải gọi công an đến để giải tán hàng trăm người phân phối đang sôi giận sau sự sụp đổ của một hệ thống bán kim cương của Đài Loan. Chính phủ Bắc Kinh đã thông qua rất nhiều quy định để đưa ngành kinh doanh theo mạng lưới này vào tầm kiểm soát, nhưng chính quyền địa phương rất hiếm khi kiên quyết chấp hành những quy định này. Một phần lý do của chuyện này là vì các công ty mang đến một khoản thuế khá lớn và công ăn việc làm cho địa phương, một phần nữa vì phân phối viên bán hàng theo mạng lưới chính là một trong những nghề phụ làm thêm ngoài giờ phổ biến trong giới công chức chính quyền.
* * *
Đối với Xuân Minh, những cuộc gặp mặt bán hàng là sân tập để cô học cách nói chuyện. Ở đất nước Trung Quốc truyền thống, nghệ thuật hùng biện không phải là một kỹ năng quan trọng - viết những bài luận văn nhã bằng chữ viết bay bướm mới là thứ được coi trọng - và những bài phát biểu ở Trung Quốc lúc nào cũng chán ngắt. Diễn giả hay đọc thẳng từ một kịch bản có sẵn, thường thì dài dòng tẻ nhạt. Một người như Xuân Minh - trẻ, đến từ nông thôn và là phụ nữ - sẽ có rất nhiều lý do để im lặng trước những người giỏi hơn mình. Nhưng ở đất nước Trung Quốc đang được điều khiển bởi thương mại và cạnh tranh này, diễn thuyết đã trở thành một kỹ năng thiết yếu.
Các công ty bán hàng theo mạng lưới đã du nhập phong khí của nước Mỹ thẳng đến tầng lớp thấp của Trung Quốc. Kiểu diễn thuyết của họ kết hợp giữa kiểu đối đáp của những người truyền giáo thời trước với kiểu thao thao bất tuyệt không biết mệt mỏi của những diễn giả nhiệt tình tràn đầy hứng khởi. Họ truyền bá rằng mỗi cá nhân đều quan trọng và mọi người đều là người chiến thắng. Và họ mang đến một niềm tin rất Mỹ rằng sự giàu có và đạo đức có thể song hành tay trong tay với nhau được.
Trong nhật ký của mình, Xuân Minh tập hợp các bản nháp cho những bài phát biểu của mình:
Tên tôi là Ngô Xuân Minh, một cái tên hết sức giản dị và bình thường. Nhưng tôi tin chắc rằng một ngày nào đó trong tương lai tôi sẽ khiến cái tên mình trở nên không còn tầm thường nữa...
Các bạn, trong tương lai các bạn muốn trở thành người như thế nào? Đây là một câu hỏi đáng để suy nghĩ đấy. Bây giờ bạn là người như thế nào: Điều đó có quan trọng không?
Không quan trọng!
Điều quan trọng là: Trong tương lai bạn muốn trở thành người như thế nào? Chúng ta đi hàng ngàn dặm và bỏ lại quê hương nhà cửa để ra đi làm việc?
Để kiếm tiền!
Chính xác, để kiếm tiền. Nhưng cho đến bây giờ, chúng ta đã kiếm được số tiền mình muốn kiếm chưa?
Chưa!
Cuộc sống hiện tại của chúng ta có phải là cuộc sống mà chúng ta muốn hay cuộc sống chúng ta có thể sống?
Chính xác, cái cuộc sống mà chúng ta có thể sống...
Các bạn, các bạn muốn trở thành người như thế nào? Tất cả đều phụ thuộc vào các bạn. Nếu bạn không bao giờ dám muốn được thành công, vậy thì bạn sẽ chẳng bao giờ thành công cả... Quan trọng nhất là bạn phải dám nghĩ, dám ham muốn...
Sự thực là, mỗi chúng ta đều độc nhất vô nhị trên đời này. Khi chúng ta sinh ra, số phận chúng ta không định sẵn để thất bại. Bởi vì chúng ta sinh ra đều là người chiến thắng.
Các bạn, hãy tin tôi! Nhưng quan trọng hơn, các bạn hãy tin vào chính mình! Bởi vì các bạn có thể!
Ở Hoàn Mỹ, Xuân Minh nhanh chóng vươn từ vị trí người tập sự lên làm quản lý. Năm 1997, cô bỏ việc để gia nhập một công ty Đài Loan tên là Công ty phát triển Vườn tháp Linh hồn Đường Kinh. Lĩnh vực kinh doanh của nó là xây dựng các công trình cao tầng để chứa tro người chết. Những tòa nhà ấy dược biết đến với tên gọi "tháp linh hồn", chiêu bài bán hàng của công ty này nhằm vào nhu cầu tâm linh, nhu cầu thực tế và niềm đam mê của người Trung Quốc đối với bất động sản. Với những người chết, Công ty Vườn tháp Linh hồn Đường Kinh hứa hẹn một nơi yên nghỉ vĩnh hằng cỏ phong thủy cực tốt. Cho người đang sống, nội dung rao bán hướng đến những vị trí chính của khu vườn, số lượng không gian giới hạn và dân số đang bùng nổ của vùng châu thổ sông Châu Giang. Một nhà đầu tư có thể mua trọn tháp linh hồn sau đó chia ra thanh những khoảng riêng biệt bán lấy lãi.
Công việc của Xuân Minh là tổ chức các buổi học cho nhân viên bán hàng của công ty. Cô đã học cách giao tiếp, giờ đây cô dạy lại những người khác - cũng giống như các nhà máy, sản phẩm gì bán ra là mặt ít quan trọng nhất của doanh nghiệp. Lý lẽ để mời gọi khách mua hàng của Xuân Minh hòa trộn giữa đạo Phật, lợi ích của việc hỏa táng đối với môi trường và một khẳng định gần như chắc chắn, nói rằng một tháp linh hồn sẽ đáng giá 300 phần trăm. Cái chết, nói một cách khác, là khoản đầu tư dài hạn tốt nhất từng có.
Hãy để cha ông chúng ta thực hiện chuyến du hành cuối cùng của đời mình theo cách văn minh nhất, trang nghiêm nhất và trịnh trọng nhất.
Chỉ riêng Quảng Đông đã có hơn một triệu người chết mỗi năm.
Về địa điểm trong tháp linh hồn của công ty chúng tôi, giá tháng Bảy năm 1995 là 3.500 đồng giờ đã tăng lên 5.600 đồng rồi.
Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói (từ hỏa táng đến đưa vào tháp, bao gồm cả nghi thức xưng tội cho người chết và các thứ khác).
Thời gian hoạt động của chúng tôi từ 11 tháng Bảy năm 1994 đến 10 tháng Bảy năm 2044.
Kế hoạch công tác của Xuân Minh đã rút ngắn đi rất nhiều. Cuối năm 1997, cô lại nhảy việc lần nữa, lần này là đến một công ty bán hàng theo mạng lưới truyền tiêu, công ty này thu của mỗi thành viên mới một nghìn nhân dân tệ đổi lấy một hộp thảo dược truyền thống vùng Tây Tạng. Đó là một công ty dạng kim tự tháp, đơn giản và rõ ràng. Xuân Minh đã gia nhập đủ sớm để kiếm được ít tiền thực sự. Cô chiêu mộ khoảng mười người, tất cả đều là những người đã kinh qua thử thách kiếm tiền, chỉ trong vài tháng cô đã đứng đầu một mạng lưới mười nghìn thành viên. Cho đến thời điểm đó, Xuân Minh kiếm được bốn mươi nghìn nhân dân tệ một tháng - khoảng năm nghìn đô la, một khoản thu nhập khổng lồ ở vùng châu thổ sông Châu Giang vào năm 1998.
Công ty bắt đầu ép các phiếu lương của cô bằng nhựa trong để trưng chúng ra với những người được tuyển mộ như một công cụ kích thích. Trong một chuyến về thăm nhà, Xuân Minh đưa cho bố mẹ ba mươi nghìn nhân dân tệ để sửa sang lại ngôi nhà của gia đình, lát nền gạch hoa, mua các trang thiết bị, thêm cả một chiếc ti vi 29 inches nữa. Thành công của cô trên thành phố khiến cô nổi tiếng khắp cả làng và xa hơn thế. "Mọi người sống trong vùng đều nghe nói đến tôi" cô kể.
Nhưng công việc này bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Ở một thị trấn tên là Đạm Thủy, cách Đông Quản chừng 64 kilômét, hệ thống bán mấy mát xa chân của Đài Loan đã trở nên rất nổi tiếng. Để gia nhập vào công ty, mỗi người phải mua một cái máy mát xa chân với giá 3.900 nhân dân tệ, tức là gần 500 đô la gấp khoảng tám lần giá thị trường. Những người tham gia được bảo rằng họ sẽ nhận 40% phí gia nhập của bất kỳ ai họ chiêu mộ vào mạng lưới. Dân di trú đổ dồn về Đạm Thủy, có người đã bán nhà, bán đồ đạc và trâu bò để trả phí gia nhập. Nhưng hóa ra bán một cái máy mát xa chân giá 3.900 nhân dân tệ ở một thị trấn nghèo thật chẳng dễ chút nào, đặc biệt là khi có hàng ngàn người khác cũng đang làm cùng một việc đó.
Khi hệ thống sụp đổ, một số thành viên bị lừa tiền đã tấn công những người chiêu mộ họ, trong khi những người khác thì biểu tình trước cửa các cơ quan nhà nước để đòi lại tiền. Công an được gọi đến để dẹp đám đông, lập lại trật tự và đưa những người di trú về nhà.
Sau đó, những tên đầu sỏ tổ chức đã đi sâu vào nội địa tới một thị trấn ở tỉnh Hồ Nam. Chúng đã gây dựng một hệ thống giống hệt và chiêu mộ khoảng ba mươi ngàn người tham gia, cho đến khi hệ thống ấy, cũng sụp đổ.
Tháng Tư năm 1998, nội các của Thủ tướng Chu Dung Cơ đã ra sắc lệnh buộc mọi công ty truyền tiêu phải dừng hoạt động.
Hơn hai nghìn công ty đóng cửa, và cả một ngành kinh doanh đã chống lại các luật định của chính phủ trong nhiều năm tức khắc sụp đổ trong nháy mắt. Xuân Minh nhận ra mình đã thất nghiệp; cuộc sống người giàu của cô kéo dài đúng tròn hai tháng. Cô khá choáng váng, và biết ai là người phải chịu trách nhiệm về chuyện này. "Sau khi Chu Dung Cơ xuất hiện," cô nói, "ông ta không cho phép bán hàng theo mạng lưới nữa, vì vậy tôi dừng lại thôi." Thật đáng ngạc nhiên, ở vùng châu thổ sông Châu Giang tự do thoải mái này, nơi Xuân Minh đã học kỹ năng giao tiếp, nơi thương mại là chúa tể, nơi mọi người đều là người thắng cuộc và chết nghèo khó là một tội lỗi, cánh tay dài của chính phủ đã chạm tới cuộc đời cô, lần đầu tiên, một cách đáng ngạc nhiên.
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng