Để leo dốc cao, cần chầm chậm trước tiên.

Shakespeare

 
 
 
 
 
Tác giả: Leslie T.Chang
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: khoa tran
Upload bìa: Son Le
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4104 / 165
Cập nhật: 2014-12-04 15:47:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hương 2: Thành phố
Cuộc hành trình dài kết thúc ở ga xe lửa Quảng Châu, hành khách tràn ra khỏi các toa xe sau chuyến đi dài hai mươi, ba mươi hay năm mươi tiếng đồng hồ. Hầu hết đều còn trẻ và đi một mình, kéo theo va li hoặc ba lô hay bao vải thô, loại trước đây dùng để đựng gạo. Quảng trường rộng mênh mông trước nhà ga chật cứng hành khách, và điều đầu tiên bạn nghe được là tiếng loa thông báo om sòm tìm những người vừa mới đến đã bị lạc. Ai quê ở Hà Nam, em cô đang tìm cô. Chị dâu, ra cửa đi. CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI THÀNH PHỐ HOA(2) XINH ĐẸP: một công ty xe buýt đang chào mời các tour du lịch thành phố. Nhưng thành phố này không đẹp, mà cũng chẳng có hoa ở đây.
Đi lên một đoạn dốc, qua cây cầu bắc qua đường là trạm xe buýt đường dài, nơi cổ xe tốc hành đến Đông Quản cách đó ba mươi dặm, mười phút một chuyến. Xe buýt chật như nêm, nồng nặc mùi mồ hôi cùng với mùi thứ quần áo ngày nào cũng mặc kể cả lúc đi ngủ - mùi của dân di trú. Xe buýt xuống khỏi đường trục, và các nhà máy hiện ra bên dưới, nhà máy sản xuất sơn và nhựa, nhà máy điện thoại di động và đinh vít, nhà máy sản xuất ghế sofa. Các tòa nhà lợp mái trắng, trông giống như những nhà tắm công cộng khổng lồ, khu tập thể của công nhân mọc lên phía sau chúng, ban công chăng đầy quần áo đủ màu. Các nhà máy ở Trung Quốc được đặt những cái tên liên tưởng đến sự hưng vượng, và hành trình đến Đông Quản là một chuyến đi tốc hành đầy các đức tính tốt và may mắn. ĐlỀU HÒA KHÔNG KHÍ CAO THƯỢNG. MAY MẶC VĨNH THÀNH. CÔNG TY KHÓA KÉO TÂN THỜI ĐẠI.
Hai thập kỷ sau khi những nhà máy đầu tiên được xây dựng, sự phát triển vẫn còn rất mới. Phần bên trong một quả núi trào ra, đất đỏ và thô, trong khi bề mặt của nó đã bị thổi bay; các đường dốc xuống khỏi đường cao tốc biến mất trong những cánh đồng đầy cỏ dại lầy lội. Tổng hành dinh của một công ty liên doanh mới nhìn ra ruộng lúa, ao cá, và trại vịt; thật phi thường là người ta vẫn còn canh tác và chăn nuôi ở đây được. Hồi thế kỷ mười bảy, những người khai hoang đến đây định cư đã biến vùng đất ngập của châu thổ sông Châu Giang thành một trong những khu vực màu mỡ nhất Trung Quốc, cung cấp cá, rau xanh và gạo cho cả nước đồng thời xuất khẩu tơ lụa sang châu Âu. Ngày nay, ở vùng đất công nghiệp đang phát triển như tên lửa này, chính những cảnh thiên nhiên đâu đó ấy mới là bất ổn. Hầu hết nông dân đều là dân di trú, ở bậc thấp nhất, bởi họ đã rời bỏ quê hương đi hàng ngàn dặm đường đến đây nhưng cũng không thể bỏ lại hoàn toàn đồng ruộng.
Xe buýt chậm lại ở lối vào thành phố Đông Quản, các nhà máy đã hiện lên ở rất gần. Băng rôn đỏ chăng ngang phía trước các tòa nhà võng xuống tạo thành hình một nụ cười chào đón: CẦN TUYỂN NỮ CÔNG NHÂN CÓ KINH NGHIỆM. Trước cổng một nhà máy, những người di trú đã tụ tập lại để nhìn chằm chằm, lặng yên như thể bị thôi miên, vào một bảng thông báo tuyển người: GẶP MẶT LÚC 1H30 CÁC BUỔI CHIỀU Ở CỔNG BÊN. Một công ty tên là Jobhop Limited có vẻ đang tuyển công nhân. Xe buýt đi qua một công trường xây dựng lớn khác - không, đây là trạm xe buýt - và cho hành khách xuống.
Cách tốt nhất để hiểu thành phố Đông Quản là đi bộ vào. Trụ sở ngân hàng, tòa tháp kính tráng gương, cao vút lên so với những cửa tiệm ven đường bán phụ tùng xe máy, ống nhựa và có cả dịch vụ chăm sóc răng nữa. Đường rộng mười làn xe chạy, đường cao tốc thay cho phố xá. Những người dân di trú bước đi dọc theo vỉa hè, mang theo va li hay chăn gối, xe buýt và xe tải chen lấn lao tới từ phía sau. Khắp nơi đâu cũng thấy công trường xây dựng, máy móc, búa chèn, xe mô tô, máy khoan và bụi mù, ngoài phố thì tiếng ồn điếc tai. Đường rộng và lát rất đẹp nhưng không có đèn tín hiệu giao thông hay lối qua đường cho người đi bộ. Thành phố này được xây dựng cho máy móc, không phải cho con người.
Các cơ quan hành chính của bộ máy nhà nước xuất hiện ở khắp các ngóc ngách trong những thành phố Trung Quốc khác lại chẳng hề thấy bóng dáng ở nơi này. Những gã đi mô tô xán lại chỗ mấy người đi bộ, gạ gẫm đi một vòng taxi, tất cả các xe đều hoạt động chui. Bằng đại học giả bày bán đầy các góc phố. Ở Đông Quản, có một chuỗi cửa hàng IKEA(3) giả mạo và chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh mà tên được dịch ra thành "McKFC(4)", còn có một tòa nhà mười tầng gọi là Khách sạn Haiyatt(5), với gian sảnh lát cẩm thạch và thái độ rõ ràng là hết sức không nghiêm chỉnh đối với việc vi phạm bản quyền ("Chúng tôi có thêm một chữ "i" ở tên gọi, họ có đâu," cô gái trẻ ở bàn lễ tân giải thích). Thành phố được chia thành ba mươi hai trấn (và quận), mỗi khu vực chuyên về một ngành sản xuất. Trường An sản xuất thiết bị điện, Đại Lãng nổi tiếng với áo len, còn Hậu Nhai sản xuất giày. Nhà xưởng của Samsung và Pioneer ở Liêu Bộ, Nam Thành là nơi đặt nhà máy sán xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của Nokia. Tất cả cà phê hòa tan của hãng Nescafé mà người Trung Quốc vẫn uống đều được gia công chế biến trong một nhà máy ở khu trung tâm Đông Quản. Các nhà máy đồng thời là các trạm xe buýt, là đài kỷ niệm, là cột mốc đánh dấu, tất cả mọi thứ ở đây tồn tại để phục vụ chúng. Mạng lưới đường cao tốc ở Đông Quản, thuộc loại dày đặc nhất Trung Quốc, nhưng vẫn liên tục được mở rộng với mong muốn đưa hàng hóa ra thế giới nhanh hơn. Khách sạn cao cấp và sân golf mọc lên để dụ hoặc khách hàng của các nhà máy. Khách mua hàng trên toàn thế giới về đây nghỉ tại khách sạn Sheraton Đông Quản, ở đây họ nhận được một danh sách tất cả các địa điểm họ có thể cần đến:
TRUNG TÂM TRIỂN LÃM QUỐC TẾ QUẢNG ĐÔNG
TRUNG TÂM TRIỂN LÃM QUỐC TẾ ĐÔNG QUẢN
BẢO TÀNG CHIẾN TRANH NHA PHIẾN
ĐÊ CHẮN SÓNG THÁI BÌNH
VVAL-MART
CARREFOUR
PARK 'N' SHOP
CÂU LẠC BỘ GOLF HARBOUR PLAZA
CÂU LẠC BỘ GOLF HILLVIEVV
CÂU LẠC BỘ GOLF LONG ISLAND
Không ai biết chính xác có bao nhiêu người sống ở đây. Theo chính quyền thành phố, Đông Quản có 1,7 triệu người địa phương và khoảng gần bảy triệu người di trú, nhưng hiếm có ai tin vào những con số chính thức này, và có rất nhiều dự đoán về dân số thực của thành phố. Đông Quản có tám triệu dân di trú. Một năm Đông Quản nhận thêm một triệu người di trú. Đông Quản có mười triệu dân di trú, nhưng họ chỉ báo cáo là bảy triệu để không phải đóng nhiều tiền thuế hơn. Thị trưởng thành phố có lẽ còn biết nhiều hơn, nhưng ông không chịu nói. "Dân số Đông Quản nhiều hơn nhiều con số được công bố" ông nói với các phóng viên trong một diễn đàn năm 2005. Cá nhân ông ước tính, "ít nhất", theo lời ông - là khoảng trên mười triệu.
Đông Quản là thành phố đang được xây dựng, mọi thứ đều đang trong quá trình chuyển đổi thành một thứ gì đó khác. Một đoạn vỉa hè dài được lát đá, bên trên là một tấm biển hứa hẹn NHỮNG TÒA NHÀ VĂN PHÒNG CAO CẤP KlỂU CHÂU ÂU. Quận thương mại trung tâm toác ra với những hố sâu ở khắp nơi. Ở phía đông khu vực này, một trung tâm thành phố mới đang được mọc lên, nơi này sẽ có văn phòng của chính quyền địa phương, một thư viện, một bảo tàng khoa học và một nhà hát. Hiện giờ, các đại lộ rộng mênh mông của khu vực này vẫn còn vắng xe và các trung tâm thương mại vẫn hoàn toàn trống không, hàng rào được cắm ngay ngắn gọn gàng. Phương châm của Đông Quản là "Mỗi năm một bước tiến lớn, mốt thành phố mới trong năm năm."
Tạo ra một cuộc sống mới thậm chí còn nhanh hơn nữa. Vài bài học máy tính có thể phóng vọt ai đó lên một giai cấp khác, và một buổi sáng ở hội chợ việc làm đủ để tạo dựng một sự nghiệp mới. Hai mươi nhân dân tệ một gói dịch vụ chụp ảnh nhanh ở tiệm ảnh, chụp trên phông nền vẽ hàng rào hoặc một khu vườn đúng kiểu, các tấm ảnh in ra được gửi về nhà hoặc đưa cho bạn bè, hoặc dính lên tường nhà tập thể, một thứ để nhắc nhở rằng người trong ảnh đã là ai đó hoàn toàn mới. Trên các bức tường khắp thành phố, cạnh những tờ quảng cáo tuyển lao động và phòng khám chữa bệnh giang mai, là thông báo tìm người mất tích. ANH ẤY RỜI NHÀ NĂM NĂM TRƯỚC, DA ĐEN MẶT RỖ NÓI KHÁ NHANH, THÍCH CHƠI TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ. Những thông báo này được thành viên trong gia đình dán lên để tìm kiếm những người thân yêu đã mất tích trong cái miệng khổng lồ của thành phố này.
Đến cuối tuần, thanh thiếu niên tràn ngập khắp Đông Quản, tạo cho các công viên và quảng trường ở đây cảm giác của một trường trung học ngoài trời. Các cô bé đi thành từng nhóm, mặc những chiếc áo kiểu cách và quần jean bó, cô này bá vai cô kia. Các cậu bé đi chơi theo nhóm nhỏ hơn, ống tay áo sơ mi xắn lên dưới nách. Những đôi yêu nhau đi riêng hẳn ra, các cô gái thì tự hào vì quyền sở hữu, các cậu trai thì uể oải thờ ơ. Vào các buổi sáng thứ Hai, công viên và quảng trường ở Đông Quản gần như vắng tanh không một bóng người. Con đường dài toàn các nhà máy chỉ phô bộ mặt trơ khấc ra với thế giới, những chàng trai và cô gái bị nuốt bên trong. Việc sản xuất không cần đến người qua kẻ lại và các hoạt động ồn ào, nhưng ở phía đối diện - những con phố trải dài, cũng vẫn chỉ có sự im lìm vô tận.
Buổi tối, các nhà máy dọc theo đường trục đều sáng đèn. Nhìn ở khoảng cách gần, thỉnh thoảng bạn sẽ thấy những cái bóng di chuyển trên một cửa sổ, lập lòe như đom đóm - khi nào còn có ánh đèn, mọi người vẫn còn đang làm việc. Mỗi mảng cửa sổ sáng đèn màu xanh trong đêm tối là dấu hiệu của một nhà máy, mảng này tách rời ra khỏi mảng khác, tựa hồ như những chiếc tàu khách vượt đại dương oai vệ trên biển. Nhìn từ xa, chúng trông cũng đẹp.
o O o
Các cô gái đã rời khỏi quê hương được hai mươi ngày, quá lạ lẫm với thành phố đến nỗi họ còn không biết ai là chủ nhà máy nơi mình làm việc. Họ không mang gì theo người: không đồ uống, không túi nylon đựng hoa quả hay đồ ăn vặt. Họ chỉ ngồi đó, dưới ánh nắng chói chang, giữa quảng trường công cộng ở một quận được biết đến với những nhà máy nhỏ sản xuất giày thuộc thành phố Đông Quản.
Họ là Điền Vĩnh Hạ và Trương Đạt Lệ. Cả hai đều mười sáu tuổi và đây là lần đầu tiên họ xa nhà. Họ đã bỏ quê hương, một làng nông nghiệp ở tỉnh Hà Nam, vào ngày mùng Chín Tết âm lịch, thời điểm được cho là may mắn, hanh thông để khởi hành. Một cô gái cùng làng làm việc trong một nhà máy ở đây kiếm được tám trăm nhân dân tệ một tháng, và họ cũng muốn thế. Mỗi người đã trả bốn trăm nhân dân tệ (khoảng năm mươi đô la) cho một cặp vợ chồng, những người đã hứa hẹn công việc trong nhà máy và đưa họ lên thành phố trên một chuyến xe buýt ba ngày. Nhưng lúc đến nơi, chẳng có công việc nào cả, và cặp vợ chồng kia biến mất.
Hai cô gái đã ngủ bốn đêm ở bến xe buýt và cuối cùng cũng liên lạc được với vài người đồng hương, những người này đã tìm cho hai cô công việc trong một nhà máy sản xuất đồ điện tử với mức lương ba trăm nhân dân tệ một tháng. Đó là một mức lương thấp, nhưng hoàn cánh lúc này không cho phép hai cô thương lượng gì. "Lúc ấy, tôi chỉ muốn vào làm trong nhà máy chỉ để có thể ngủ yên được một đêm" Vĩnh Hạ, cô gái có gương mặt rộng, mắt nhỏ và cười rất nhiều, nói. Hầu hết câu chuyện đều do cô kể. Đạt Lệ có vóc người thon hơn và xinh hơn, nét mặt thanh nhã cùng hàm răng khểnh.
Vĩnh Hạ và Đạt Lệ nhanh chóng tìm hiểu được hệ thống cấp bậc trong cuộc sống à nhà máy, và biết được rằng họ đang ở dưới đáy của hệ thống ấy. Các công nhân vào làm từ năm ngoái khinh thường những người mới đến và không nói chuyện với họ. Nhà máy nơi họ làm việc là một chi nhánh nhỏ, mức lương thấp hơn, nhưng để làm việc tại cơ sở sản xuất chính của một công ty, bạn cần đến kỹ năng và một tấm chứng minh thư hợp cách, trong khi cả hai cô gái đều vào làm nhà máy này bằng chứng minh thư đi mượn vì họ còn chưa làm chứng minh thư cho mình. Dây chuyền lắp ráp làm việc tám tiếng một ngày và nghỉ cuối tuần, được nghỉ cũng chẳng hay ho gì bởi làm thêm giờ đồng nghĩa với việc bạn có thể kiếm thêm tiền. Làm trong nhà máy giày được trả nhiều hơn, nhưng ở đó nổi tiếng với ngày làm việc cực dài, nên hai cô cứ tranh luận mãi về chuyện số tiền được thêm ấy có xứng đáng với công sức đổ ra hay không. Chẳng bao lâu sau khi Vĩnh Hạ và Đạt Lệ vào làm trong nhà máy, họ đã bắt đầu bàn cách rời bỏ nó.
Trước khi rời khỏi quê hương, hai cô gái đã có một thỏa thuận: nếu công việc ở nhà máy đầu tiên không ổn, họ sẽ trở về nhà luôn. Nhưng khi công việc ở nhà máy đầu tiên không ổn, họ đã ở lại. Họ đã lên thành phố, và đã thay đổi.
TÔI GẶP VĨNH HẠ VÀ ĐẠT LỆ vào hôm thứ hai sau khi đến thành phố. Đó là một buổi sáng thứ Hai nắng nóng, nền trời trắng nhờ nhờ đục đục, bầu không khí rên xiết trước cái nóng và chất thải từ ống xả xe máy; ở đồng bằng sông Châu Giang, mùa hè sẽ bắt đầu sau một tháng nữa. Tôi dẫn hai cô gái đến một tiệm mì và gọi Coca Cola. Hai cô gái uống từng ngụm một bằng ống hút một cách cẩn thận trong khi kể cho tôi nghe câu chuyện họ đã rời bỏ quê hương như thế nào.
Tôi giải thích rằng mình là phóng viên của tờ Wall Street Journal. Vĩnh Hạ lật đi lật lại tấm danh thiếp của tôi, lẩm nhẩm địa chỉ xa lạ ở Bắc Kinh. "Chúng em gửi thư cho chị được không?" Cô bất ngờ nói. "Bọn em nhớ mẹ. Bọn em cô đơn quá." Qua cửa sổ nhà hàng, một trong hai cô gái nhìn thấy gì đó bên ngoài. Cả hai đứng bật dậy và cuống quýt như hai chú chim bị động, "Xin lỗi, bọn em phải đi ngay."
Khi tôi bắt kịp, họ đã đi được quá nửa con phố, đang đứng trên vỉa hè với một cô gái khác - niềm tự hào, người đã đi khỏi làng từ năm ngoái và kiếm được tám trăm nhân dân tệ một tháng. Cô ta đang đi đâu đấy, nhưng lần này hai cô gái trẻ không để cho cô kia thoát khỏi mình nữa.
Tôi hỏi Vĩnh Hạ số điện thoại nhà tập thể nơi cô ở, nhưng cô còn quá mới mẻ với công việc và không biết số điện thoại ở đó. Cô gái hứa sẽ viết thư cho tôi. Chúng tôi thỏa thuận sẽ gặp lại nhau trong hai tuần nữa, cũng ở quảng trường nơi chúng tôi gặp mặt sáng hôm đó. Sau đó họ biến mất. Họ mới mười sáu tuổi, và đang ở giữa một trong những thành phố trên đà tăng trưởng hỗn loạn nhất Trung Quốc, mà không có sự kiểm soát của người lớn. Họ là con mồi cho tất cả các thể loại lừa đảo, họ đưa ra những quyết định của cuộc đời dựa trên những thông tin cực kỳ ít ỏi. Họ nhớ mẹ. Nhưng đồng thời họ cũng đang hưởng thụ những khoảnh khắc đẹp của đời mình.
HAI TUẦN SAU, tôi đáp máy bay từ Bắc Kinh đến Đông Quản chờ họ trên quảng trường. Chúng tôi đã hẹn gặp nhau lúc mười giờ, nhưng có rất nhiều lý do có thể giải thích việc hai cô gái không xuất hiện. Có lẽ họ đã tìm được công việc tốt hơn có tăng ca và không thể ra ngoài. Hoặc cũng có khả năng họ đã quyết đinh rằng họ không nên tin tôi. Hoặc đơn giản là hai cô gái đã quên, hoặc có việc khác thú vị hơn để làm, biết đâu họ đã gia nhập hàng ngũ những người mất tích. Tại sao họ lại phải đến gặp tôi? Hy vọng duy nhất của tôi là những gì Vĩnh Hạ đã nói: Bọn em cô đơn quá.
Tôi đợi đến gần trưa. Sau đó tôi biết là họ sẽ không đến, nhưng đồng thời tôi cũng biết là một khi rời khỏi quảng trường này, tôi sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Hai cô gái mười sáu tuổi quê ở tỉnh Hà Nam, đó là tất cả những gì tôi biết về họ, và cả tên họ. Mặc lên người áo xếp nếp có diềm và quần jean, buộc tóc đuôi ngựa, họ giống với hàng triệu người phụ nữ trẻ khác đến Đông Quản từ nhiều nơi khác. Tôi không còn lòng dạ nào khiến mình gặp bất kỳ ai khác trong ngày hôm đó. Tôi lang thang dưới mặt trời đổ lửa trong nhiều giờ đồng hồ, nhìn mọi người và tự nhủ mình không tiếp cận họ vì những lý do vặt vãnh nhất. Nếu họ đi một nhóm, có thể sẽ khó nói chuyện; nếu họ đang ăn hoặc đang uống, họ có vẻ sung túc.
Nhiều tháng sau đó, bất cứ lúc nào đến Đông Quản, tôi cũng nhìn chăm chú gương mặt của những cô gái trẻ trên phố, hy vọng có thể tìm thấy Vĩnh Hạ và Đạt Lệ lần nữa. Rất nhiều cô gái nhìn lại tôi, cảnh giác, tò mò hay thách thức. Có hàng triệu cô gái trẻ, mỗi người đều có một câu chuyện đáng để kể ra. Tôi phải nhìn vào gương mặt họ để bắt đầu.
LẦN ĐẦU TIÊN TÔI ĐẾN ĐÔNG QUẢN là vào tháng Hai năm 2004. Sự di trú ở Trung Quốc đã có hai mươi năm lịch sử, nên hầu hết báo chí nước ngoài, bao gồm cả Wall Street Journal, đã đăng bài về điều kiện làm việc khắc nghiệt bên trong các nhà máy. Tôi muốn viết về một thứ gì đó khác - bản thân những công nhân nghĩ như thế nào về sự di trú. Tôi dành sự chú ý đặc biệt cho phụ nữ, những người có vẻ như thu được nhiều nhất khi rời bỏ làng quê nhưng đồng thời có lẽ cũng là những người đánh mất nhiều nhất.
Các dây chuyền lắp ráp ở Đông Quản, một trong những thành phố công nghiệp lớn nhất Trung Quốc, thu hút nhiều lao động trẻ không có kỹ năng, khoảng bảy mươi phần trăm trong số đó là phụ nữ. Đây có vẻ như một nơi tốt để bắt đầu.
Trong hơn hai năm sau đó, mỗi tháng tôi ở Đông Quản khoảng một đến hai tuần. Tôi đã quen thân với vài người, và gặp rất nhiều người khác, những người chỉ kể cho tôi nghe chuyện của họ rồi biến mất, giống như hai cô gái ở quảng trường mà tôi sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Khả năng chấp nhận rủi ro của những cô gái này thật đáng kinh ngạc. Nếu họ không thích một nhà máy hay ông chủ hoặc đồng nghiệp nào đấy, họ sẽ nhảy việc ngay sang nơi khác và không bao giờ nhìn lại, khi họ kể lại câu chuyện của mình với tôi, có những khoảng trống thời gian không thể giải thích được, những khoảng thời gian ở các nhà máy mà họ không còn nhớ nữa. Bố mẹ họ ở quê nhà chỉ lờ mờ ý thức được rằng con gái mình đang làm gì. Sinh tồn, đối với các nữ công nhân, là một thứ hiện tại trường cửu, có vẻ như giải phóng cho họ rất nhiều, nhưng cũng mang lại khá nhiều phiền não lo âu. Lên thành phố, đồng nghĩa với việc cắt đứt toàn bộ những mối liên hệ mà họ biết trước đây.
Những cô gái trẻ thân thiết với tôi nhất đều có một vài điểm chung: họ hiểu những chi tiết gây xúc động trong câu chuyện của mình và tại sao tôi muốn biết về những điều đó. Tôi nghĩ họ cũng hiểu tôi, nhiều hơn tôi mong đợi. Tôi đến từ nước Mỹ và tôi đã học đại học; về học vấn và tầng lớp, tôi cách xa họ cả triệu dặm đường. Nhưng tôi biết thế nào là ở một mình, là một người đàn bà đơn độc trong thành phố. Tôi cũng bị đám đàn ông Trung Quốc quấy rối, bị công an quát tháo, bị đám tài xế xe buýt lừa gạt; tôi cũng có những vấn đề nan giải về bạn trai và bố mẹ lo lắng rằng tôi vẫn còn độc thân. Khi tôi lấy chồng vào mùa xuân năm 2006, một trong những phụ nữ di trú biết rõ về tôi nhất đã làm tôi hết sức ngạc nhiên. "Mẹ chị hẳn là phải hạnh phúc lắm" là điều đầu tiên cô nói. "Tôi có cảm giác bà ấy là một người Trung Quốc kiểu truyền thống."
Có lẽ liên kết chắc chắn nhất giữa tôi và các cô gái là một điều mà họ không bao giờ biết: tôi cũng đã ra đi khỏi mái nhà mình. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, tôi chuyển đến Prague, Tiệp Khắc cũ. Tổng cộng tôi đã sống ở nước ngoài mười lăm năm, một hai năm lại về thăm gia đình một lần, giống như những người di trú ở đây. Trong một thời gian dài, tôi đã cưỡng lại sức hút của Trung Quốc. Ở trường đại học, tôi lảng tránh các tổ chức của người Mỹ gốc Hoa và chỉ tham gia một khóa học tiếng Trung; tôi học chuyên ngành lịch sử và văn học Mỹ, viết luận văn tốt nghiệp đại học về tiểu thuyết chủ đề Miền Tây nước Mỹ của Larry McMutry. Ở Prague, tôi viết về chính trị và xã hội Tiệp cho một tờ báo của những người xa xứ. Một ngày mùa đông năm 1992, một cặp vợ chồng người Trung Quốc kéo lê những chiếc va li của họ trên vỉa hè lấm bùn hỏi đường tôi bằng tiếng Trung phổ thông. Tôi lặng mất một lúc lâu mới trả lời, một cách bực dọc, bằng thứ tiếng của họ - như thể họ buộc tôi phải trở lại với cái thế giới mà tôi đã bỏ lại phía sau.
Mới đầu, sự hấp dẫn của Trung Quốc đối với tôi khá thực dụng - đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế phát triển bùng nổ của đất nước này bắt đầu thu hút sự chú ý của toàn cầu, tiếng Trung lưu loát của tôi bỗng nhiên trở thành một tài sản quý giá. Tôi đến Hồng Kông năm 1993 làm phóng viên cho tờ Wall Street Journal và bắt đầu đọc sách về lịch sử Trung Quốc lần đầu tiên, loại bỏ hết mọi thứ khác; đốì với tôi, Trung Quốc luôn luôn mang lại cảm giác như một bài kiểm tra mà tôi lơ là không học. Khi tôi chuyển đến Đài Loan hai năm sau đó, người ở đây thường xuyên hỏi tôi rằng tôi xuất khứ, tôi ra đi sang Mỹ năm nào - họ ngầm mặc định rằng mọi người trên đời này đều là người Hoa hết. Sau đó, khi thuyên chuyển đến Trung Quốc, tôi vẫn thường xuyên nghe những câu hỏi tương tự. Đó là một trong những phương diện mà Trung Quốc và Đài Loan, về mặt hình thức thì vẫn còn đang chiến tranh với nhau cho đến tận gần đây, giống nhau hơn là họ nghĩ.
Một trong những điều đầu tiên hầu hết người Mỹ gốc Hoa nào cũng làm khi họ tới Trung Quốc là đến thăm quê hương của tổ tiên, nhưng tôi đã sống ở Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc mười hai năm mà không thực hiện chuyến đi đó. Tôi lo rằng mình chưa sẵn sàng để hiểu những gì mình tìm thấy ở ngôi làng quê hương, trong sâu thẳm, tôi sợ rằng điều đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết. Bằng cách này hay cách khác, tôi hiểu được các nữ công nhân khi họ nói lên cảm xúc phức tạp của mình đối với quê nhà.
NHỮNG PHỤ NỮ TRẺ đến từ các miền quê dạy cho tôi về thành phố. Nhờ họ, tôi biết được nhà máy nào đang hoạt động tốt; không cần phải rời khỏi Đông Quản một lần nào, những công nhân này cũng hiểu được thứ bậc của các quốc gia trên thế giới. Các ông chủ Mỹ và châu Âu đối xử với công nhân tốt nhất, tiếp đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và sau nữa là những ông chủ nhà máy đến từ Đài Loan. Các nhà máy của người Trung Quốc bản địa là tệ nhất, vì "tất cả bọn họ đều phá sản hết" một người di trú giải thích với tôi. Họ cũng biết khi nào các chính sách lớn sắp có sự thay đổi - đầu năm 2005, một số công nhân nói với tôi mức lương tối thiểu sẽ tăng lên, trước khi điều đó được công bố chính thức.
Rất nhiều điều tôi đọc về người di trú ở Trung Quốc trước đó không đúng sự thật. Họ không còn sống trong nỗi sợ bị công an bắt mà thay vào đó, nhà chức trách đơn giản là lờ họ đi. Chuyện họ bị người địa phương kỳ thị cũng không thực sự là một vấn đề, vì người di trú hầu như không bao giờ chạm trán với người địa phương cả. Và tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng mức độ thay đối việc làm ở đây rất cao. Hầu hết những người ở nấc cao hơn trong các nhà máy mà tôi gặp mặt đều bắt đầu từ dây chuyền lắp ráp. Các cô gái tôi quen biết không có vẻ như là đã được định sẵn sẽ trở về với ruộng đồng, vì họ chưa bao giờ làm ruộng cả. Họ thường không biết gia đình mình có bao nhiêu đất hay khi nào thì mùa vụ bắt đầu. Suy nghĩ ngầm định này của tôi bắt nguồn từ những nghiên cứu về người di trú ở Trung Quốc được hoàn thành vào khoảng giữa thập kỷ 90; gần một thập kỷ sau đó, thế giới này đã hoàn toàn thay đổi, nhưng nhiều thứ diễn ra quá nhanh để có thể kịp ghi chép lại.
Tôi bắt đầu thấy thích Đông Quản, thành phố có vẻ như là một biểu hiện tai quái nhất của Trung Quốc: Chủ nghĩa vật chất, môi trường bị hủy hoại, tham nhũng, giao thông, ô nhiễm, tiếng ồn, nạn mại dâm, lái xe ẩu, suy nghĩ thiển cận, stress, vật lộn, và hỗn loạn. Nếu sống được ở đây, bạn có thể sống được ở bất cứ nơi đâu. Tôi đã cố gắng hòa nhập hết mức có thể. Tôi ăn những bát mì hai mươi lăm xu(6) cho bữa trưa và đi khắp nơi bằng xe buýt. Tôi mặc đồ vải jean và đi dép xăng đan, giản dị hơn rất nhiều cô gái di trú đến đây, họ mặc áo sơ mi thêu diềm trang trí và đi giày cao gót khi ra ngoài. Tôi trở nên vô hình ở Đông Quản và tôi cũng thích điều đó. Ở những nơi khác: trên đất nước Trung Quốc này, một người nhìn chằm chằm vào người lạ và ghi ghi chép chép các thứ trong một cuốn sổ sẽ thu hút sự chú ý; ở đây, mọi người đều quá tập trung vào các mối quan hệ của bản thân nên không để ý đến tôi. Chỉ một lần duy nhất có người đến làm phiền: tôi đang đứng trong hội chợ việc làm, chép lại hướng dẫn trong một quảng cáo trên tường. Một người bảo vệ bước lại hỏi xem tôi đang làm gì. Tôi nói mình đang luyện tiếng Anh, vậy là anh ta liền để tôi yên.
Đông Quản là một thành phố vô hình với thế giới bên ngoài. Hầu hết các bạn của tôi ở Bắc Kinh đã đi qua thành phố này nhưng tất cả những gì họ nhớ được - với một cái nhún vai - là các nhà máy kéo dài vô tận và những cô gái mại dâm. Tôi đã tình cờ tìm thấy thế giới bí mật này, thế giới mà tôi chia sẻ với bảy triệu, hoặc tám triệu, hoặc thậm chí là mười triệu con người khác. Sống ở Đông Quản giống như là đến đây lần đầu tiên, lao vút đi bảy mươi dặm một giờ trên đường vậy, cảnh vật thay đổi quá nhanh để có thể ghi nhớ chút gì. Đông Quản là vùng đất không có ký ức.
o O o
Đông Quản đồng thời là một thành phố của những đối nghịch, bởi lịch sử Trung Hoa hiện đại đã bắt đầu ở đây. Vào thế kỹ mười chín, thuốc phiện nhập lậu của người Anh hủy hoại đất nước và rút cạn quốc khố. Mùa hè năm 1839, đại thần Lâm Tắc Từ của triều đình Mãn Thanh đã ra lệnh công khai thiêu hủy hai mươi nghìn thùng thuốc phiện tại bến cảng Hổ Môn, một thị trấn ở Đông Quản. Hành động ấy khiến hai quốc gia bước vào cuộc Chiến tranh Nha phiên lần thứ nhất, xảy ra ở Quảng Đông và nhanh chóng kết thúc khi tàu chiến Anh đè bẹp lực lượng quân đội Trung Hoa. Hiệp ước Nam Kinh đã cắt Hồng Kông cho nước Anh, buộc triều đình phải mở cửa các cảng Trung Quốc cho thương mại quốc tế, cho các quốc gia khác đặc quyền thương mại và pháp lý xưa nay chưa từng có trên lãnh thổ Trung Quốc. Trong các bài lịch sử được dạy ở trường học Trung Quốc, ngọn lửa đốt thuốc phiện ở Hổ Môn đã nhóm lên thời kỳ hiện đại: khuất phục trước sức mạnh của nước ngoài, theo đó là sự sụp đổ của triều đình Mãn Thanh, cách mạng, chiến tranh và chiến thắng của Đảng Cộng sản năm 1949.
Nhưng nơi này còn có một lịch sử khác. Mùa thu năm 1978, hãng túi xách Thái Bình của Hồng Kông đã mở nhà máy tại nước ngoài đầu tiên ở Đông Quản. Thu nhập trong năm hoạt động đầu tiên là một triệu đô la Hồng Kông. Nhà máy này xử lý các nguyên vật liệu nhập từ Hồng Kông, biến chúng thành thành phẩm, sau đó sẽ được vận chuyển trở về Hồng Kông để bán đi khắp thế giới. Nó đã tạo ra hình mẫu cho hàng ngàn nhà máy khác học theo. Hơn hai năm sau đó, Trung Quốc thành lập bốn "đặc khu kinh tế" làm nơi thử nghiệm cho các chính sách tự do kinh tế như đầu tư nước ngoài và ưu đãi thuế. Đặc khu lớn nhất là Thâm Quyến, cách Đông Quản năm mươi dặm về phía Nam, nó nhanh chóng trở thành biểu tượng của một guồng quay Trung Quốc sẵn sàng rộng mở cho việc kinh doanh. Thâm Quyến là một thành phố kiểu mẫu được hoạch định, được các lãnh đạo ở Bắc Kinh quyết định cho ra đời và được các bộ ngành cùng những công ty bên dưới hỗ trợ.
Đông Quản thì khác. Thành phố này mọc lên chẳng theo một sắc lệnh của bất cứ ai, đơn giản là cứ mọc lên mà thôi. Khi Thâm Quyến đặt mục tiêu vào công nghệ tiên tiến và đổi mới, thì Đông Quản nhận lấy những gì có thể, nghĩa là thu nhận các nhà máy kỹ thuật lạc hậu từ Hồng Kông và Đài Loan sản xuất quần áo, đồ chơi và giày dép. Tất cả những gì họ cần chỉ là giá đất và lao động rẻ mạt, cũng như chính quyền địa phương để cho họ yên. Thứ họ xây dựng ở đây vào thuở ban đầu không thể gọi là công nghiệp hiện đại được. Rất nhiều nhà máy vào thời kỳ ấy chỉ là những ngôi nhà hai hay ba tầng, nơi các công nhân ngồi ở bàn, năm chục người một phòng, cắm cúi thực hiện các tác vụ đơn giản như khâu vỏ cho thú nhồi bông hay gắn tóc giả cho búp bê. Một số nhà máy chỉ là những gian nhà tạm bợ bằng kim loại tấm, vì chủ nhân của chúng không muốn phải tốn tiền cho những tòa nhà tử tế.
Trong những ngày đầu, tuyến xe lửa từ Hồng Kông còn chưa mở. Các doanh nhân đi tới biên giới giữa thuộc địa Anh và Thâm Quyến, đi bộ qua, và bắt taxi đến nhà máy của họ tại Đông Quản ở phía bên kia, trên đường đi qua các cánh đồng. "Ở đây không có đường, không có ô tô, không có ti vi, thậm chí cả cái rèm cũng không có nốt," Allen Lee, cán bộ quản lý ngành công nghiệp sản xuất giày Đài Loan, đã chuyển đến thành phố năm 1989 nhớ lại. "Người ta không thể mua những thứ đó ở đây được." Tháng Sáu năm 1989, ông ta đã phải đạp xe bốn mươi phút để xem tin tức trên ti vi về vụ bắn giết những người chống đối ở Quảng trường Thiên An Môn.
Nguồn cung cấp lao động địa phương nhanh chóng cạn kiệt nên người di trú bắt đầu đến từ các tỉnh lân cận. Lâm Tuyết, người phụ nữ viết bài cho một tạp chí dành cho người di trú mà tôi quen biết, đã đến Đông Quản từ miền quê Tứ Xuyên vào năm 1990. "Chúng tôi đến đây mà chẳng biết gì cả," cô nói với tôi. "Tôi đến gặp ai đó bán vé và hỏi: "Tôi nên mua vé đi đâu bây giờ?" và chúng tôi làm theo những gì họ nói." Lâm Tuyết tìm được một công việc trong nhà máy với mức lương bảy mươi nhân dân tệ một tháng, còn em gái cô làm công việc ép gỗ dán trong một xưởng gỗ.
Những năm 1990, sản xuất chính của thành phố chuyển sang đồ điện tử và linh kiện máy tính. Ngày nay Đông Quản sản xuất ra 40 phần trăm đầu tư dùng trong máy tính cá nhân và 30 phần trăm ổ cứng trên toàn thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong hơn hai thập kỷ qua khoảng trên 15 phần trăm một năm. Nhưng có một số điều vẫn không thay đổi. Người di trú vẫn tiếp tục đến. Các nhà máy đòi hỏi nhiều nhân công vẫn thống trị. Mặc dù các sản phẩm đã trở nên tinh vi phức tạp hơn nhiều, bản thân công việc vẫn không hề khác, vẫn còn rất nhiều tòa nhà kiểu căn hộ, nơi công nhân ngồi ở bàn cắm cúi vào những tác vụ thủ công đơn giản.
Vậy, Đông Quản là một vùng đất có các phiên bản hoàn toàn trái ngược nhau trong quá khứ - một phiên bản cương quyết phản đối sự hiện diện của người nước ngoài ở Trung Quốc, một phiên bản kia lại lẳng lặng nhiệt tình đón tiếp. Mọi học sinh Trung Quốc đều học về sự kiện đốt thuốc phiện. Nhưng từ Nhà máy túi xách Thái Bình, thứ chẳng xuất hiện trong bất cứ cuốn sách giáo khoa nào, tôi có thể vạch một đường thẳng đến bất cứ người nào tôi từng gặp ở Đông Quản, từ những lao động di trú học cách sử dụng Microsoft Word đến những chuyên gia tự học hoặc đến đại diện bán hàng của hãng Mercedes, người đã kể cho tôi rằng hai loại xe đắt nhất, S-Class và E-Class, bán chạy nhất ở thành phố này, bởi vì "đây là sản phẩm tốt dành cho những ông chủ muốn nâng tầm hình ảnh của mình." Đối với tất cả họ, lịch sử hiện đại bắt đầu từ nhà máy sản xuất túi xách.
* * *
Tôi đã ở đây vài tháng mà không gặp một người Đông Quản gốc nào. Trong thế giới công xưởng, từ quản lý cấp cao nhất của dây chuyền lắp ráp, là lĩnh vực chỉ toàn dân di trú, cho tới sếp cao nhất đôi khi cũng đến từ Hồng Kông hoặc Đài Loan. Dân địa phương nói tiếng Quảng Đông, nhưng các nhà máy hoạt động chủ yếu bằng tiếng Trung phổ thông, bởi đó là cách duy nhất để người từ những tỉnh khác nhau có thể nói chuyện với nhau. Dân di trú không đánh giá cao dân bản địa cho lắm: dân bản địa là những nông dân thất học, sống bằng cách cho các nhà máy thuê đất nông nghiệp, họ không thể sống sót được một ngày trong môi trường làm việc khắt khe của nhà máy. "Hai bên khinh thường lẫn nhau," Lâm Tuyết bạn tôi miêu tả mối quan hệ giữa người bản địa và dân di trú.
Sáu tháng sau khi đến Đông Quản lần đầu tiên, tôi đã phỏng vấn phó thị trưởng. Ông ta tên Trương Thuận Quang và là người gốc Đông Quản: người bản địa đầu tiên mà tôi gặp. Chúng tôi ngồi ở phòng tiếp khách lớn trông một tòa nhà công sở, uống trà bằng những cốc giấy bé xíu. Vài tay trợ lý của ông ta tụ tập ở đó, tán chuyện với nhau bằng tiếng Quảng Đông. Tôi chưa bao giờ gặp một người Đông Quản, thì ra tất cả bọn họ đều tập trung ở đây, bên trong chính quyền.
"Chị có nói tiếng Quảng Đông không?" Một tay trợ lý hỏi tôi.
"Xin lỗi, không," tôi đáp. Chưa ai trong thành phố hỏi tôi một câu tương tự như vậy cả.
"Đây có phải lần đầu tiên chị đến Đông Quản không?"
"Không, tôi đến đây nhiều lần rồi."
"Ồ, có phải tất cả đều là những chuyến đi bí mật không?"
"Nếu anh không biết về nó thì nó là bí mật à?"
Chúng tôi đã cảm thấy không ưa nhau. Giữa cuộc phỏng vấn, tôi săm soi nhìn tay trợ lý và anh ta cũng nhìn chòng chọc lại tôi. Người phụ nữ trẻ ngồi cạnh anh ta đã lăn ra ngủ. Cụm từ khinh thường lẫn nhau nảy ra trong đầu tôi.
Cuộc phỏng vấn cũng khá hữu dụng: không tận mắt chứng kiến, tôi sẽ không bao giờ tin được rằng chính quyền lờ người di trú đi một cách triệt để tới mức nào. Ngài phó thị trưởng không có nổi con số chính xác về số lượng dân di trú - đó là việc của ủy ban điều tra dân số, không phải việc của cơ quan ông ta. Ông ta thú nhận rằng chính quyền địa phương thiếu nguồn lực để kiểm tra điều kiện trong các công xưởng. "Nếu tôi thanh tra mỗi nhà máy một ngày," ông ta nói, "tôi sẽ mất năm mươi năm để thanh tra tất cả các nhà máy ở đây. Vì vậy chúng tôi phải trông vào việc tự kiểm soát của các nhà máy."
Sau đó, ông ta nói về một kế hoạch để "nâng cao chất lượng người dân Đông Quản," nhưng nỗ lực này không có lợi ích gì cho những người không phải gốc Đông Quản. Giống như tất cả dân thành phố này, ông ta luôn mang một sự coi thường trong suy nghĩ đối với waidiren (ngoại địa nhân), người nơi khác, thuật ngữ thông dụng dành cho dân di trú. "Chất lượng của lao động nhập cư không cao" ông ta nói, "nhưng đấy là trách nhiệm của các công ty. Họ nên tổ chức các lớp học cho công nhân."
Tôi hỏi ngài phó thị trưởng xem tại sao không có người Đông Quản nào trong các nhà máy, ngay cả ở tầng lớp cao nhất, và ông ta mâu thuẫn với chính những gì mình vừa nói mà không hề thấy ngượng mồm.
"Những người từ nơi khác đến," ông ta nói, "có chất lượng cao hơn và nhận lương thấp hơn."
Sau cuộc phỏng vấn, ngài phó thị trưởng bắt tay tôi và khen ngợi hiểu biết của tôi về thành phố. Tôi không nói với ông ta những người cung cấp thông tin của mình đều là các cô gái di trú còn rất trẻ có chất lượng thấp và đồng lương thậm chí còn thấp hơn.
MỘT NĂM SAU KHI ĐẾN THÀNH PHỐ này, tôi thuê một căn hộ đơn ở trung tâm thành phố với giá 160 đô la một tháng. Tòa nhà cao tầng này có tên Đông Quản City Holiday, đối tượng nó nhắm đến là phụ nữ độc thân, các bảng quảng cáo tấm lớn rực rỡ chăng khắp nơi: NHÀ CHO MỘT NGƯỜI, SỰ TRÁNG LỆ CHO MỘT NGƯỜI. Tôi nghĩ mình sẽ gặp các phụ nữ trẻ và nghe họ kể chuyện, nhưng không ai nói một lời nào với tôi trong hành lang và thang máy, và tôi không bao giờ thấy một người nào trong phòng công cộng. Mọi người quá bận rộn với cuộc sống của riêng mình nên chẳng buồn lo chuyện của người khác. Tôi nhận được hầu hết các tin tức từ bảng thông báo trong khu căn hộ, khắc họa một cộng đồng toàn tội phạm vặt vãnh và việc xây dựng diễn ra suốt ngày đêm.
VÌ SỰ YÊN TĨNH CỦA CÁC HỘ DÂN, VIỆC SỬA CHỮA SẼ TẠM DỪNG VÀO NGÀY 1 THÁNG MỘT VÀ SẼ TIẾP TỤC VÀO NGÀY 2 THÁNG MỘT.
KHI CÓ NGƯỜI GÕ CỬA NHÀ, KHÔNG NÊN MỞ CỬA NGAY TRƯỚC KHI XÁC ĐỊNH ĐƯỢC NHÂN THÂN CỦA NGƯỜI ĐÓ.
AI CÓ THÔNG TIN VỀ BẢNG TRỘM Ở KHU NAM THÀNH HÃY BÁO NGAY VỚI CẢNH SÁT.
Chủ nhà của tôi chuyển đến thành phố từ vùng nông thôn Quảng Đông từ nhiều năm trước. Chị ta thường xuất hiện trước căn hộ của tôi trong bộ pyjama hồng và dép lê đi trong nhà để thu tiền, có lần tôi đã nghe thấy chị ta hét "mả mẹ nhà anh" vào điện thoại với chồng mình vì anh ta vừa bảo sẽ trở về muộn sau chuyến công tác. Chị ta làm nhân viên bán hàng ca đêm ở một khách sạn. Tôi băn khoăn không hiểu chị ta bán loại hàng gì mà phải làm từ nửa đêm đến sáu giờ sáng như thế, nhưng tôi không bao giờ đủ dũng khí để hỏi. Bà chủ nhà luôn có cách để chuyển hướng các câu hỏi.
"Làm sao chị có được hai đứa con thế?" Một lần tôi hỏi chị ta. Hầu hết các gia đình ở thành thị đều bị giới hạn chỉ có một con.
"Làm sao cô lại nghĩ tôi có hai đứa con?" Chị ta đáp.
Môi trường buôn bán bên ngoài căn hộ của tôi luôn luôn thay đổi. Vào hôm chuyển đến, tôi đã rất hưng phấn khi thấy một tấm biển PIZZA LÒ GẠCH bên cạnh lối vào tòa nhà, một hương vị dễ chịu của quê nhà. Lần tiếp theo, tấm biển đó đã chuyển thành SIÊU THỊ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG ĐẠI CHÍ. Đúng là những gì Trung Quốc cần: một cửa hàng bán diện thoại di dộng khác. Trong hai tuần tiếp sau đó, không gian bên dưới căn hộ của tôi biến đổi từ căn phòng trống với dây điện nhỏ lòng thòng trên trần thành một cửa hàng điện thoại di động hoạt động hết công suất, với những người bán hàng trông như người máy và tiếng nhạc phát ra từ những chiếc loa khổng lồ hướng về phía bãi đỗ xe vắng tanh. Vào hôm tiếp theo, công tác tiếp thị đã bắt đầu, một cô gái trẻ đứng ở cửa vào và đọc tên các đời máy và giá bán vào microphone, hết loại này đến loại khác. Một tấm biển khác hiện lên phía trước tòa nhà tôi ở: CÓ CỬA HÀNG KFC Ở CẠNH NHÀ BẠN! LỢI NHUẬN 8% HÀNG NĂM MÀ KHÔNG PHẢI LÀM BẤT CỨ ĐlỀU GÌ. Tôi không thích thú lắm với việc có một cửa hàng KFC ở cạnh nhà mình. Thứ bất biến duy nhất trong khu này là nhà máy Nescafé ở bên kia đường. Vào những ngày hè, mùi cà phê bọc kín lấy tôi ngay khi bước ra ngoài, một trận tắm ấm áp cả ngọt lẫn đắng.
Khi sống ở Bắc Kinh, bạn bị che đậy khỏi rất nhiều thứ, nhưng ở các thành phố xa trung tâm bạn có thể thấy cận cảnh khuynh hướng của sự phát triển ở Trung Quốc. Xe buýt công cộng thường xuyên rẽ khỏi lộ tuyến cố định để đổ thêm nhiên liệu, thiếu xăng dầu là chuyện rất thường tình, vì vậy trạm xăng nào cũng đáng dừng lại ngay cả khi trên xe có đầy khách. Mất điện cả ngày là chuyện thường xuyên xảy ra, và các nhà máy phải sắp xếp lại lịch sản xuất vì chính quyền phân phối điện theo định mức. Trong các thông báo trên tấm bảng ở khu nhà tôi ở, có một cái không bao giờ thay đổi: ĐƯỜNG DÂY TRỤC CUNG ÚNG ĐIỆN CÁP HIỆN TẠI KHÔNG THỂ THEO KỊP NHU CẦU PHÁT TRIỂN VÀ PHẢI THAY THẾ.
Suốt mùa hè năm 2005, mỗi chuyến đi đến Đông Quản của tôi đều gặp phải ít nhất một ngày không có điện. Nếu được thông báo trước, tôi sẽ sắp xếp lại kế hoạch, nhưng nhiều khi điện bị cắt mà không có một lời cảnh báo, buộc tôi phải ở trong nhà cả ngày trong cái nóng 32 độ C và di chuyển càng ít càng tốt. Tôi bèn gọi điện cho phòng quản lý tòa nhà, trút cơn giận dữ, nhưng đó không phải lỗi của họ. Không phải lỗi của bất cứ ai. Nền kinh tế Trung Quốc phát triển mười phần trăm mỗi năm, ở miền Nam còn nhanh hơn thế, nên chỉ có phép màu mới khiến mọi thứ có thể gắn kết như chúng đã từng.
* * *
Tôi đi khắp nơi bằng xe buýt. Làm vậy một phần là để quan sát thế giới của những người di trú hết mức có thể, song nó cũng rất thực tế. Lái xe taxi là những tên lừa gạt giỏi nhất ở đây - không chỉ một lần tôi nhận ra mình đang lao vút trên con đường tối om khi tay tài xế dọa sẽ bỏ tôi lại giữa đường nếu tôi không chịu trả thêm tiền. Một chiến thuật đàm phán hiệu quả nhanh khác nữa là đề nghị chở một hành khách đi một phần quãng đường tới nơi đến với giá thấp hơn, tài xế là những người suy nghĩ ngắn đến nỗi họ chấp nhận lấy ít hơn để được trả tiền sớm hơn. Thậm chí cả những bác tài thành thật nhất cũng mắc phải những lỗi lầm rất "nông dân": một khi rời khỏi khu vực họ thông thạo, họ cũng lạc đường hệt như tôi vậy.
Nhân viên trong hệ thống xe buýt làm việc theo từng cặp: lái xe thường là người địa phương, còn người bán vé là một phụ nữ di trú. Đôi khi họ hét với qua đầu hành khách suốt dọc chiều dài chiếc xe để trò chuyện, và đôi khi có một màn hình ti vi nhỏ gắn trên bảng điều khiển để tài xế có thể vừa xem ti vi vừa lái xe. Mỗi khi gần đến điểm dừng, người bán vé thò người qua cửa trong khi xe vẫn di chuyển và khản giọng hét to điểm tới tiếp theo. Những người đang đợi thường dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực, nếu bị hét gọi đủ lâu, vài người sẽ leo lên.
Những chàng trai trên xe buýt bốc mùi mồ hôi nồng nặc, mùi của những người đã đi bộ những quãng dài bên ngoài và chưa bao giờ được hưởng cái thú xa xỉ gọi là điều hòa nhiệt độ. Các cô gái lại thường sạch sẽ: họ không bao giờ bốc mùi, mái tóc luôn suôn mượt. Trên xe buýt nào cũng có vài người di trú khư khư cầm túi nylon giơ lên mồm lặng lẽ nôn ọe. Chứng say xe là nỗi sợ của những người đến từ nông thôn, những người không quen đi lại bằng ô tô. Túi nhựa màu nâu treo lơ lửng trên trần xe thành từng chuỗi một, trông như những quả chuối chín nẫu sắp hỏng. Hành khách trên xe buýt mang theo nhiều loại đồ đạc một cách đáng kinh ngạc; ở nông thôn, người ta chẳng vứt đi thứ gì cả. Trong những chuyến đi khác nhau, tôi thấy có người mang theo một cái ti vi cổ lỗ sĩ, cả một giỏ dây điện, một xô đóng đầy vữa bùn đựng các đồ lề thợ xây, và một cái cờ lê dài đến nửa mét trông phát khiếp. Có lần, tôi còn thấy một chàng trai trẻ vác theo một cái cán chổi dài gần hai mét.
Các trạm dừng xe buýt không được đánh dấu, và chẳng có tấm bảng nào hiển thị tuyến đường. Bạn phải hỏi; thông tin truyền đạt bằng miệng, như thể chúng ta sống vào thời cổ đại trước khi chữ viết được phát minh ra. Tôi đã hai lần mua bản đồ thành phố có bảng giờ xe buýt nhưng cả hai lần các tuyến đường đều lỗi thời, mọi thứ xảy đến quá nhanh để có thể ghi chép lại. Những hành khách khác cũng bối rối chẳng kém gì tôi, họ thường lớn tiếng gọi tên những trạm vừa mới đi qua và hoảng hốt xuống xe. Tôi đi đến đâu cũng bị hỏi đường. Một buổi chiều, tôi đã rối beng vì các tuyến đường với một người đàn bà di trú, bà này sau đó đã hỏi tôi: "Cô là dân Hồ Bắc hả?" Đó là một lời châm chọc hay lời khen đây? Tôi chỉ muốn về nhà thôi.
Buổi tối xe buýt ngừng chạy rất sớm, một sự bất công đối với những ai không đủ điều kiện sử dụng các phương tiện giao thông khác. Sau tám giờ tối, người ta chắc chắn phải qua đêm ở chỗ của bạn bè, mặc dù hầu hết các nhà máy cấm khách ở lại qua đêm và bị phát hiện đồng nghĩa với một khoản phạt lớn. Tôi không bao giờ thấy người già trên xe buýt.
MỘT BUỔI TỐI, tôi bắt xe buýt từ Thâm Quyến trở về Đông Quản. Được khoảng nửa đường, chiếc xe dừng lại và tài xế quát đuổi các hành khách chuyển sang một xe khác. Chuyện này khá phổ biến, dù bất hợp pháp: vào buổi tối khuya, những chiếc xe trống một nửa ghế ưa chuyện dồn khách gộp khách hơn là tiếp tục chuyến đi để chịu lỗ. Tài xế xe này sẽ trả cho người kia một giá ấn định cho mỗi hành khách chuyển khỏi xe mình.
Sau khi chiếc xe buýt thứ hai đã lên đường cao tốc, người bán vé mới tuyên bố rằng chúng tôi sẽ không đến Đông Quản. Chuyện này cũng phổ biến: sau khi xe thứ hai được trả tiền để nhận khách, mục tiêu duy nhất của nó chính là thoát khỏi họ càng sớm càng tốt.
Chiếc xe dừng lại. "Người nào đi Hậu Nhai xuống ở đây." Người bán vé là một gã người Quảng Đông gầy trơ xương lúc nào cũng thét lên bằng giọng mũi. Y đi dọc theo hai dãy ghế, chỉ vào từng người một và ra lệnh cho họ đi xuống. Gã ta chỉ vào tôi.
Một hành khách ngồi trước tôi đã xuống xe, biến mất vào màn đêm tối tăm. Tôi đi ra phía trước xe ngó ra ngoài từ bậc lên xuống dưới cùng. Chúng tôi đang ở trên đường cao tốc tối đen như mực bên cạnh một công trường xây dựng bỏ hoang.
"Ở đây không có taxi," tôi nói với gã bán vé. "Tôi không xuống đâu."
"Có taxi đây," gã hét lên bằng giọng Quảng Đông cáu kỉnh.
"Tôi không xuống đây."
Gã bước tới sau lưng và đặt bàn tay lên vai tôi.
"Đừng có chạm vào tôi!" Tôi bước lên bậc thang trở lại xe ngồi xuống một chỗ ở hàng đầu tiên. Những hành khách khác không ai nhúc nhích.
Và chiếc xe lại tiếp tục lên đường. Nó đã thất bại trong việc tống khứ đống hàng hóa mình đang chở, vì vậy nó lại chạy tiếp. Hành khách lại tiếp tục xuống ở trạm của họ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. "Bọn xe buýt này bẩn lắm," một phụ nữ trẻ có gương mặt ngăm đen gầy gò ngồi cạnh tôi nói. "Cô chỉ nên bắt xe buýt nào có tài xế mặc đồng phục thôi." Nói vậy nhưng cô vẫn ở trên chiếc xe này, giống như tôi.
"Cái bọn làm trên cái xe này toàn lũ xấu xa cả," cô cao giọng nói, "lại toàn nói tục chửi bậy nữa." Chỉ ngồi bên cạnh cô tôi cũng đã thấy an toàn, nhưng rồi cô cũng xuống xe.
Chiếc xe ngoặt vào ven đường và dừng lại lần nữa. "Được rồi, tất cả xuống xe," gã bán vé quát lên. Lần này gã đi đi lại lại dọc lối giữa hai hàng ghế, đưa cho mỗi người hai nhân dân tệ.
Tôi bước xuống chỗ gã đang đứng. "Tôi trả hai mươi lăm đồng để đến Đông Quản, giờ tôi muốn lấy lại tiền ấy."
Gã bán vé quay lại đối mặt với tôi. Tất nhiên, gã cao hơn tôi và là đàn ông. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra thực tế mình bất lực đến nhường nào.
"Nếu cô trả một trăm đồng thì tôi cũng phải trả cô một trăm đồng hả?" Gã hét lên. "Nếu tôi tụt quần ra, cô có trả tôi một trăm đồng không?"
Câu đó chẳng có nghĩa gì và cũng chẳng buồn cười nữa, nhưng gã thích cái kiểu ấy và nói lại một lần nữa. "Nếu tôi cởi quần ra, cô có trả tôi một trăm đồng không?"
"Con mẹ mày," tôi nói bằng tiếng Anh. "Thằng khốn. Đồ đầu..." Điều này đã vi phạm quy tắc chủ đạo của tôi khi sống ở Trung Quốc - không bao giờ chơi bài Mỹ - nhưng thỉnh thoảng chỉ có chửi thề bằng tiếng Anh mới có hiệu quả. Gã đàn ông nhìn tôi với sự tôn trọng mới.
Tôi gạt gã sang một bên đi tới phía trước xe tìm thứ gì đó để ném. Tôi muốn giật cái túi tiền đeo ở thắt lưng của gã quăng qua cửa sổ, nhưng tất nhiên là gã giữ nó rất chặt. Có một cái khăn bông bẩn thỉu trên bảng đồng hồ, tôi bèn hất nó vào mặt gã tài xế. Sau đó tôi nhảy xuống xe và chạy. Tim tôi đập thình thịch; tôi nghĩ có thể hắn sẽ đuổi theo. Rồi tôi dừng lại, nhận ra chắc hẳn là trông mình ngu ngốc lắm.
Trên một con phố ngang, tôi thấy một chiếc taxi và hỏi tài xế đến Đông Quản thì bao nhiêu tiền. Tám mươi nhân dân tệ - mười đô la. Tôi lên xe. Tôi bực đến nỗi run bần bật. Tôi nghĩ đến tất cả những phụ nữ trẻ sống ở đây mà tôi quen biết, và mỗi người đã bị một kẻ nào đó giống như gã người Quảng Đông gầy trơ xương kia, những kẻ sáng sớm thức dậy đã thấy nổi giận với cả thế giới này, lừa gạt, nhục mạ và quát tháo như thế nào. Không thể trông đợi gì ngoài nước mắt và nổi giận với sự bất lực của chính bản thân mình. Trong một cuộc cãi vã, mọi chuyện sẽ lập tức chuyển thành bạo lực, người phụ nữ sẽ luôn thua cuộc. Tôi có tiền, và với tiền, tôi có thể trả tiền để đi lại thoải mái và an toàn. Họ thì không.
Nhưng cũng có những người tử tế, giống người phụ nữ trẻ trên xe buýt đã chửi đổng gã tài xế thay cho tôi. Bạn phải tập trung vào những điều đó, nếu không bạn sẽ không bao giờ sống nổi.
* * *
Đông Quản có thể giống một nơi không có quá khứ, nhưng quan chức thành phố không nghĩ như vậy. Ở khu trung tâm mới, họ đã dựng lên một nhà bảo tàng lịch sử - một khu nhà rộng mênh mông bằng đá xám, thấp lè tè và kiên cố như lăng mộ của một nhà độc tài đã chết. Các tài xế taxi không biết chỗ ấy - họ luôn đưa tôi tới một trung tâm triển lãm thương mại dưới phố - nhà bảo tàng ấy vắng tanh vắng ngắt trong cả ba lần tôi đến thăm vào mùa hè năm 2005.
Bảo tàng lịch sử Trung Quốc là nơi vô cùng lộn xộn. Nền văn minh cổ xưa rất vĩ đại, hoặc lối thuyết minh chính thức nói như thế, nhưng nó phong kiến và lạc hậu. Trung Quốc thời kỳ cận hiện đại bị người nước ngoài cướp bóc tàn phá, nhưng nhân dân Trung Hoa là những anh hùng bị làm nhục và bại trận. Trung Quốc vùng đứng lên năm 1949 khi những người Cộng sản lên nắm quyền lực, nhưng có một số năm sau đó - 1957, 1966 và đặc biệt là 1989 - đã hoàn toàn không được nhắc đến. Tất cả những điều rối tung, không gắn kết với nhau và tốt hơn là không nên nói ra ấy phải được dàn xếp sao cho thành một khuôn mẫu hợp lý, bởi vì mục đích của lịch sử từ thời của Khổng Tử là phải truyền đạt những bài học đạo đức cho đời sau.
Ở Đông Quản, tiền sảnh mở rộng của nhà bảo tàng là một biểu trứng cho sự phí phạm đất đai và cho hệ thống điều hòa công suất lớn. Các tấm biển chỉ đến khu Lịch sử, thẳng phía trước, và Kinh tế, tầng hai. Trong lần tham quan đầu tiên, tôi vào khu Lịch sử. Căn phòng đầu tiên trưng bày từ các hóa thạch sinh vật biển thời tiền sử đến các hiện vật đời nhà Thanh, với các tủ kính trưng bày thứ gì đó trông như mấy cục đá. Nhìn kỹ hơn, chúng là mấy cục đá với dòng chú thích bằng thứ tiếng Anh không thể nào hiểu nổi: Whetstone appearing from Haogang shell mound remains. (Đá mài xuất hiện từ di chỉ gò vỏ sò (?) Hào Cương). Một cảnh nổi khổ lớn bằng cả căn phòng với hình các thợ dệt nữ minh họa nghề thủ công truyền thống ở Đông Quản thuở trước. Một cuộn băng tiếng dập khung cửi phát đi phát lại ám ảnh tôi suốt các gian phòng.
Nhiều đống đá hơn nữa được bày tiếp theo, sau đó lịch sử đột nhiên lao vọt về phía trước với sự chính xác đến đáng ngạc nhiên. Dân số tăng lên và đạt 150.378 người vào năm Thiên Thuận thứ sáu triều Minh (1462). Chợ búa được xây dựng, ngành sản xuất muối phát triển rực rỡ, nông nghiệp thịnh vượng. Trong một căn phòng lớn, một cái cây giả rủ bóng xuống một cái hồ giả, một con thuyền giả, một cái cầu cạn vòm cuốn giả, ba con ngỗng giả và hai con vịt cũng giả nốt. Tiếng quạc quạc vang lên không dứt.
Còn một khó khăn khác nữa trong việc kể về quá khứ. Mọi nơi đều phải phản ánh tính liên tục của năm ngàn năm lịch sử Trung Quốc, nhưng ở hầu hết mọi nơi, có rất ít thứ được ghi chép lại và chẳng có gì cụ thể còn lại cả. Các mẫu vật có giá trị đã được yêu cầu chuyển về Bắc Kinh hoặc mất mát trong chiến tranh cũng như những cuộc vận động chính trị, vì vậy các nhà bảo tàng buộc phải tự sáng tác ra phần còn lại. Họ đúc súng thần công, chuông và các bộ giáp giả, rồi in những văn bản cũ lên các tấm formica và treo lên tường. Cảnh nổi ba chiều ở khắp nơi trong phòng - một kiểu trưng bày được ưa thích, có lẽ bởi vì chúng chiếm rất nhiều không gian. Những mẫu vật gần như là duy nhất ở bảo tàng Đông Quản chính là các đống đá.
Đến khi lịch sử cận hiện đại bắt đầu bằng cuộc Chiến tranh Nha phiến thế kỷ mười chín, mọi chuyện thật sự trở nên khó hiểu. Một mẫu trưng bày có tiêu đề "Phẫn nộ chống lại quân Anh" gồm có ma nơ canh các sĩ quan hải quân Anh và một viên quan triều đình Trung Quốc có vẻ mặt giận dữ. Thất bại trong cuộc Chiến tranh Nha phiến luôn luôn là một nỗi nhục, là nỗi đau sâu sắc với Trung Quốc. Nhưng có lẽ không thể dồn được đủ nỗi phẫn uất cần thiết để chống lại người Anh trong một thành phố thương mại phồn vinh, cho nên mẫu trưng bày tiếp theo đã chuyển sang cung bậc tình cảm khác. Năm 1878, thống đốc Hồng Kông cho thành lập Bảo lương cục(7) để bảo vệ phụ nữ và trẻ em Trung Quốc. Vật trưng bày lướt nhanh qua Chiến tranh thế giới thứ hai và thẳng tiến đến thắng lợi của Cộng sản, một tấm ảnh mờ mờ đầy những gương mặt hạnh phúc. Hàng triệu con người hân hoan vì được giải phóng.
Trong căn phòng tiếp theo, một dòng tiêu đề kéo dài hết cả bức tường: "Tầm nhìn thành hiện thực: từ huyện nông nghiệp đến thành phố công nghệ thông tin". Một tấm bảng có đèn trưng bày những tấm ảnh đại hội Đảng Cộng sản mà tại đó Đặng Tiểu Bình đã đề ra chương trình cải cách kinh tế và mở cửa đối với phương Tây. Đó là năm 1978. Từ phòng nọ đến phòng kia, triển lãm đã nhảy cóc ba mươi năm, bỏ qua sự thành lập nước Trung Quốc Cộng sản, cải cách ruộng đất và các hoạt động thanh trừng những kẻ phản cách mạng, công kích "kẻ thù giai cấp" và sự thành lập các công xã, công cuộc Đại Nhảy Vọt và nạn đói đã giết chết ít nhất là hai mươi triệu người, và cả một thập kỷ Cách mạng Văn hóa.
Tôi ra khỏi khu Lịch sử, đi vào khu Kinh tế, triển lãm trở nên sống động. Một cảnh ba chiều lớn thể hiện nhà máy túi xách Thái Bình với bốn người phụ nữ khom người xuống bàn khâu giày. Một hình mẫu của cơ quan công quyền nơi người ta đến xin giấy phép kinh doanh đặc tả hình ảnh quen thuộc của Người Đông Quản: một doanh nhân bụng phệ xách cặp táp giả da. Lịch sử tăng tốc - Nhiều thập kỷ trôi qua trong nháy mắt - và những tấm ảnh khổng lồ chụp cầu vượt bắc qua đường cao tốc, các nhà máy xử lý nước thải và những hội thảo đầu tư.
CÁC VÒNG TỐT LÀNH(8) GỒM
ĐẦU VÀO - ĐẦU RA - ĐẦU VÀO
THỊ XÃ ĐẦU TIÊN CÓ MỘT TRIỆU THUÊ BAO DI ĐỘNG
XÂY DỰNG ĐƯỜNG SÁ, CẦU CỐNG VÀ NHÀ MÁY ĐIỆN ĐỂ TẠO RA NGUỒN VỐN CHO NHIỀU ĐƯỜNG SÁ, CẦU CỐNG VÀ NHÀ MÁY ĐIỆN HƠN NỮA
Một gian trưng bày tương tác thể hiện GDP, kim ngạch xuất khẩu, cân bằng thu chi và khoản thu từ thuế của thành phố. Mẫu trưng bày cuối cùng là một tấm ảnh buổi lễ ký kết công nhận Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
MỘT THỜI ĐẠI MỚI ĐANG ĐẾN!
KHI TÔI RỜI KHỎI BẢO TÀNG, các em học sinh lớp ba và lớp bốn trong giờ ngoại khóa đang chen chúc xếp hàng ở sảnh lớn. Các em mặc quần thể thao đồng phục và đeo khăn quàng đỏ của đội viên Thiếu niên Tiền phong trên cổ. Hướng dẫn viên của bảo tàng, một phụ nữ trẻ có gương mặt nghiêm nghị và cặp giò khẳng khiu, xách theo một cái loa cầm tay. Tôi chờ đợi được nghe về Chiến tranh Nha phiến và 150 năm ê chề nhục nhã.
"Ở tầng ba, các em sẽ thấy một hình mẫu của thành phố," cô ta bắt đầu. "Cô muốn tất cả các em tìm ra ngôi nhà của mình trong mô hình này. Các em đều biết hồ Tùng Sơn chứ?"
"Vâng ạ." Các học sinh đồng thanh đáp.
"Hồ Tùng Sơn là khu công nghiệp công nghệ cao của chúng ta. Khẩu hiệu của Đông Quản là: "Mỗi năm một bước lớn, năm năm một thành phố mới." Chúng ta đang ở năm thứ ba của kế hoạch ấy rồi đấy."
Cô ta ngưng lại một chút. "Các em có biết "Xây thành phố, làm đường sá, đổi mới núi đồi, lợi dụng sông ngòi" không?"
Im lặng. Không ai biết câu này.
"Đây là chính sách của thành phố, Đông Quản cũng có một bến cảng mở rộng đón tàu nước ngoài..."
Thế kỷ thứ bảy, hoàng đế Đại Đường lệnh cho các sử quan hoàng gia soạn một bộ biên niên về các triều đại trước. Từ đó, mọi triều đại phong kiến đều viết sử cho triều đại trước mình, sửa đổi hoặc xóa bỏ một số sự thực để hỗ trợ cho chế độ cầm quyền. Từ năm 1949, Đảng Cộng sản cũng làm điều tương tự, giới thiệu về lịch sử cận hiện đại như một cuộc đấu tranh anh hùng chống lại ý chí của thế lực ngoại quốc. Nhưng ở Đông Quản này, quá khứ chứa đựng một bài học khác một cách đáng ngạc nhiên: lịch sử là mở cửa, thị trường và đầu tư nước ngoài. Lịch sử bắt đầu với một nhà máy sản xuất túi xách, và trẻ em phải được thấm nhuần tư tưởng biết trân trọng cơ sở hạ tầng tốt.
Hướng dẫn viên nhắc nhở lũ trẻ hãy trở thành "khách tham quan văn minh," và các em lớp ba, lớp bốn lại lục tục xếp thành các hàng không được ngay ngắn lắm đi vào khu Lịch sử. Chẳng mấy chốc đại sảnh rộng mênh mông lại vắng tanh vắng ngắt và tôi bị bỏ lại một mình để suy nghĩ về một bảo tàng lịch sử Trung Quốc khác biệt, không hề nhắc một lời nào dến Mao Trạch Đông.
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng