I divide all readers into two classes; those who read to remember and those who read to forget.

William Lyon Phelps

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Trung Hiền
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1854 / 26
Cập nhật: 2016-06-04 04:54:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
6/8/1995, sinh nhật thứ sáu mươi của Duyên Anh. Chúng tôi dậy sớm, ra vườn sau, uóáng cà phê với nhau. Tôi hỏi Duyên Anh về hồi ký văn nghệ Nhìn Lại Những Bến Bờ. Tôi muốn biết anh đã viết hồi ký này như thế nào. Duyên Anh cười thú vị:
- Để viết hồi ký cho hay, đôi lúc, em phải cho tưởng tượng của mình vào mới được. Đọc hồi ký của một nhân vật nào đó, em đừng bao giờ ngây thơ tin những điều đương sự viết là một trăm phần trăm sự thật. Độc giả đọc hồi ký của mình, nếu có nói: “Úi dào, đoạn này nó viết, chắc là nó tưởng tưởng tượng ra đó thôi”, thì mình cũng sẽ gật đầu mà thưa “ Vâng, tôi tưởng tượng ra đó.” Đến đoạn nào thiên hạ khoái chí, khen ngợi: “ Chỗ này được quá. Viết hồi ký phải như vậy chứ!”, thì lúc ấy mình cũng gật đầu theo: “ Vâng, đó là hồi ký”. Viết hồi ký, cũng như viết tiểu thuyết vậy, cái chính là viết làm sao cho hay trước đã.
Tôi thắc mắc:
- Như thế, trong cuốn đó, đoạn nào anh tưởng tượng?
- Thực ra, bảo là tưởng tượng hoàn toàn thì cũng không đúng. Thí dụ, đoạn anh nói chuyện văn chương với Đoàn Trọng Thu…
- Có phải Đoàn Trọng Thu trước dạy học ở Long Xuyên không?
- Đúng rồi. Sao em biết?
- Anh ấy dạy cùng trường với em. Em có đến thăm nhà anh ấy một lần. Nhưng không biết anh ấy là bạn anh.
- Thì chính Đoàn Trọng Thu ấy chứ ai. Nhân vật Đoàn Trọng Thu có thật. Nó có lên Ban mê Thuật với anh thật. Nhưng những đoạn hai đứa đấu láo chuyện thơ văn hoàn toàn là do anh tưởng tượng ra thôi. Anh mượn nhân vật ấy để bày tỏ quan niệm văn chương của mình mà thôi.
- Thế còn bà mẹ Tây Ninh?
- Bà cụ này có thật. Anh có gánh nước tưới rau ở nhà bà cụ thật.
- Thế còn chuyện tình giữa anh và cô gái con ông chức sắc địa phương?
Duyên Anh cười dòn tan:
- À, cô Hiên. Cái này thì anh phịa hoàn toàn. Ở cái xứ đạo ấy, không bao giờ có cô thiếu nữ nào tên Hiên cả. Chưa bao giờ có cô Hiên đi qua đời anh.
- Vậy thì nhà cách mạng ẩn danh đi bán cao đơn hoàn tán chắc cũng không có thật?
Duyên Anh gật đầu:
- Ông Lý Vô Danh. Thực ra, trong lúc đói rách, đi giang hồ, anh cũng gặp một ông Việt Nam Quốc Dân Đảng gần giống như vậy. Nhưng Lý Vô Danh là nhân vật do anh tạo ra. Tư tưởng triết lý, quan niệm chính trị của ông ta, chỉ là tư tưởng, và quan niệm của Duyên Anh thôi.
Tôi hỏi:
- Hồi anh làm tờ Công Luận của Tôn Thất Đính, anh viết hồi ký hộ ông ta phải không?
Duyên Anh cười, gật đầu, trề môi dưới thả khói thuốc. Tôi hỏi tiếp:
- Anh có theo phương pháp nào không? Thí dụ, nghe ông ta kể đi lính năm nào, tốt nghiệp các trường nào, chỉ huy các đơn vị nào….
- Dĩ nhiên, những cái ông ta kể, thì mình phải cho vào chứ. Nhưng có những chương, anh phải phịa ra tới tám mươi phần trăm. Hôm nào ông ta không kể, thì anh phịa hoàn toàn. Y như kiểu viết Thằng Vũ ấy mà. Có lần, ngồi uống rượu với Thanh Nam, nó chửi anh: “ Đ. m, hồi ký mày viết, sao “Thằng Vũ” ghê thế?”
- Ông Tôn Thất Đính có biệt đãi anh không?
- Dĩ nhiên rồi. Anh được trả lương cao nhất tòa soạn. Giờ giấc làm việc cũng tự do lắm…. Anh mô tả Tôn Thất Đính ở trong hồi ký như là Tôn… Mẹ nó, Tôn gì, quên mất rồi.
- Tôn Tử?
- Không.
- Tôn Văn?
- Không phải. Thằng gì tướng Tầu đó. Tự nhiên quên mất rồi! Cái hồi tụi Tầu đánh nhau với tụi Nga ấy mà… Hồi ký cái gì cơ chứ? Ông ta làm chủ báo, trả tiền thuê mình viết, thì mình viếât vậy thôi. Chán lắm cơ!
Tôi để ý, sau ngày gặp nạn, trí nhớ Duyên Anh dần dần phục hồi; nhưng
anh đã không thể nào có lại được cái ký ức siêu việt thuở trước nữa. Tôi
nói:
- Vậy mà hồi ký Tôn Thất Đính cũng đăng trên Công Luận ròng rã cả tháng.
- Cả mấy tháng ấy chứ. Chỉ riêng cái hồi ký không thôi, ông ta đã trả anh một trăm năm mươi ngàn rồi.
- Như vậy, anh xưng làm nghề thợ viết, đâu có gì là quá?
Duyên Anh cười hóm hỉnh:
- Thì đúng vậy chứ sao. Mẹ, viết xong rồi, các con em, đồ đệ của TTĐ quỳ xuống, tung hô hồi ký của chủ kỹ quá. Anh cười trong bụng: “ Có phải cuộc đời của chủ chúng mày đâu? Hồi ký cuộc đời của tao đấy chứ!”
- Hình như, có lần anh nói về Đại Cathay cũng tương tự như vậy?
Duyên Anh gật đầu:
- Ừ. Nó hỏi anh: “Tại sao anh viết về tôi mà không giống tôi chút nào?” Anh bảo nó: “Tôi có viết về anh đâu? Nhân vật của tôi chỉ trùng tên, nhưng không trùng họ với anh. Có thể, tôi mô tả Trần Đại của tôi giống anh ở một vài điểm nào đó. Nhưng còn lại, hoàn toàn là hư cấu của tôi. Tôi có bao giờ viết thật về một người nào đâu? Viết thật về một người, thì nó cũng chỉ tâàm thường vậy thôi. Chuyện đời của một người, viết trên một hai trang giấy, cũng là đủ rồi. Mà nếu như vậy, thì ai còn cần gì đến tiểu thuyết với văn chương nữa?”
Duyên Anh kết luận:
- Cho nên, một nhân vật được tạo ra, người ta yêu mến hay khinh bỉ nó, cũng là do thằng nhà văn. Thằng nhà văn, do đó, có sức mạnh ghê gớm lắm. Nó có thể cho thằng ăn mày lên làm vua, và nó cũng có thể bắt thằng vua đi ăn mày. Nó ghét một đứa con gái nào, thì nó mô tả con này ghê tởm lắm. Nhưng yêu đứa con gái kia, nó có thể cho người nó yêu trở thành công chúa ngay. Nghĩa là, nó hoàn toàn tự do trong sáng tạo; chẳng ai có quyền phán xét thằng nhà văn được…
- Trừ độc giả của anh ta thôi.
- Đúng rồi, chỉ những người mua sách của nó, những người đọc nó, mới có quyền khen chê tác phẩm của thằng nhà văn thôi. Nếu không, thì sẽ chẳng còn văn chương nữa. Chẳng ai còn muốn làm văn chương nữa.
Tôi hỏi:
- Còn Thằng Vũ, bao nhiêu phần trăm trong đó là Vũ Mộng Long thuở nhỏ?
Duyên Anh nói ngay:
- Chẳng có phần trăm nào cả. Thiên hạ cứ tưởng anh kể lại cuộc đời anh trong đó. Họ lầm tất cả. Thuở bé, anh sống với bố mẹ. Bố mẹ anh nghèo lắm. Đi học, anh toàn bị mấy đứa lớn bắt nạt thôi. Khổ sở lắm! Nhớ lại, hồi học lớp tư trường huyện, cũng chỉ vì sợ mấy thằng cùng học trong lớp, anh không dám xin phép ông thầy đi ị. Thế là cứ ngồi đó, ị ra quần, mang thêm tội ỉa đùn. Rồi xấu hổ, sợ sệt, cả tuần không dám đi học nữa. Sau đó, đi học lại, ngày nào cũng phải có mẹ dẫn đi. Tan học, mẹ đón về. Bữa nào mẹ không đón, chúng nó lại đuổi đánh mình…. Khi viết Thằng Vũ, anh mô tả nó là một đứa trẻ thật hào hùng, học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép với thầy, thương bạn bè….
- Và không sợ đứa nào cả.
- Không đứa nào dám bắt nạt nó cả. Mà chơi, thì cái gì cũng hay cả. Trò chơi nào nó cũng đưa ra những sáng kiến tuyệt vời lắm. Nhưng đó đâu có phải là thằng Vũ Mộng Long thuở nhỏ? Không đúng đâu. Tất cả những thằng bạn anh trong truyện, đều là những nhân vật có thật ngoài đời. Nhưng đến đó là chấm dứt. Những gì thằng Luyến, thằng Vọng, thằng Côn, v.v..., đã nói trong truyện, đều là hư cấu mà thôi. Chỉ có một chút thật về chúng nó thôi. Còn bao nhiêu, là tưởng tượng hết.
- Anh nghĩ sao về tiểu thuyết lịch sử?
- Thì cũng vậy. Chỉ có lịch sử là phải đúng thôi. Còn nhân vật, thì thằng nhà văn có toàn quyền hư cấu.
- Như vậy, Những Đứa Trẻ Thái Bình là hồi ký hay tiểu thuyết?
- Anh xếp nó vào loại tiểu thuyết lịch sử. Anh diễn tả lại tâm trạng của thế hệ thiếu niên mười ba mười bốn tuổi lúc cách mạng tháng 8, 1945 xảy ra. Bọn chúng nó có vui sướng không? Thực sự, chúng nó có được hưởng cái gì gọi là sung sướng đâu. Chúng nó biết thế nào là độc lập, là tự do đâu? Chỉ có những bài hát, loại Nhanh Bước Nhanh Nhi Đồng làm cho chúng cảm thấy vui thích. Có vậy thôi. Rồi sau đó chín năm, chúng nó găëp lại nhau. Thằng thì tàn tật, thằng thì sắp sửa vào Nam, thằng thì cuộc đời kể như phế bỏ… Chúng nó ngồi, ôn lại những kỷ niệm chín mười năm trước, thời chúng nó còn sống trong cái không khí đầy mê hoặc ấy. Một đứa hỏi: “ Cách mạng tháng 8 là gì nhỉ? Bởi vì, chỉ có chúng mình là nhớ nhiều về mùa thu cách mạng thôi.” Đứa khác nói: “Tao đánh cuộc với chúng mày, cụ Hồ đếch biết cách mạng là gì đâu. Ông Võ Nguyên Giáp cũng đếch biết gì cả. Nhưng mà các ông ấy cứ thích nói đến mùa thu cách mạng, để cho những thằng khác phải dấn thân, chịu khổ sở trong chiến đấu…”
- Anh có coi Những Đứa Trẻ Thái Bình là phần tiếp theo của những Con Thúy, Thằng Vũ, Thằng Khoa không?
- Chắc chắn là như vậy rồi. Chẳng lẽ lại tiếp tục viết về lúc chúng nó đã có gia đình, phải trả nợ áo cơm hàng ngày?
- Anh cho nhân vật của anh thay đổi như thế nào, khi chúng nó gặp lại nhau?
- À, thằng Luyến lúc ấy đã bị thương. Nó kể: “Mẹ, tôi có phải là thương binh đâu? Lúc Pháp tiến vào Thái Bình, tôi đang ở Đống Năm, bị đạn lạc trúng què chân. Người Pháp cũng tử tế. Biết tôi là học trò, nhà ở trong thị xã, họ cho xe chở cả gia đình tôi vào đó. Thế cho nên, tôi lại là người đầu tiên về tề”.
- Con Thúy thì sao?
- Trong những cuốn trước, anh mô tả con Thúy là đứa con gái ai cũng yêu mến hết. Nhưng tới cuốn này, khi con Thúy xuất hiện, nó đã là một con Cộng Sản rồi. Nó lấy chồng. Chồng nó cũng là Cộng Sản. Nó nói, nó đã quên thằng Vũ rồi. Nó bảo: “ Là người Cộng Sản, tôi phải nhìn về phía trước. Tôi không phải là tiểu tư sản. Tôi là người cách mạng. Người cách mạng không bao giờ nhìn về phía sau.” Bạn bè cũ, nó vất đi hết. Những đứa này thì buồn. Cũng chỉ biết buồn thôi; chẳng dám oán trách gì nó cả. Như thằng Lộc chẳng hạn. Nó chán gia đình nó lắm rồi. Gia đình nó là loại Hạc Bôn, nghĩa là chỉ giả vờ theo Cộng Sản thôi. Nó có cảm tưởng như đang bị cầm tù. Anh chị em nó bảo nó vào làm với chính quyền cộng sản. Bố nó bảo “Mày chán đời thì vào lính đi!” Đến khi quân Pháp thua, phải rút khỏi Thái Bình, gia đình nó hồi cư, nhắn người gọi nó về, Lộc thấy chỉ còn mỗi một con đường: phải vào Nam thôi. Nó xin thằng Vũ ít tiền còm, bảo thằng Luyến và thằng Vũ cố xoay cho nó chiếc xe đạp, càng nhanh càng tốt, “vì tao sợ bố tao lại lên Hà nội, tóm cổ tao về Thái Bình, là hết đi vào Nam!”
Rồi anh kể chuyện thằng Vũ quyết định ở lại miền Bắc, phố Lý Thường Kiệt. Bố nó và bà dì nó nghe lời thằng Khoa, chuẩn bị vào Nam. Trước hôm chia tay, bố nó nói chuyện với nó. Bố thằng Vũ hỏi: “Bao giờ bố con mình lại gặp nhau?” Vũ đáp: “ Con nhớ, trong trang đầu bộ Tam Quốc Chí, tác giả đã viết: Cái thế trong thiên hạ, tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan. Cho nên, con nghĩ, có thể là mười năm, hoặc là hai mươi năm nữa, hy vọng bố con mình sẽ gặp lại nhau thôi.”
Cuối cùng, còn hai đứa nhất định ở lại Hà Nội. Có cả con Ngọc nữa. Con này, ngày xưa yêu thằng Côn, nhưng thằng Côn không yêu nó.Về sau, nó yêu thằng Luyến. Thằng Luyến lúc này tàn tật rồi. Con Ngọc nói rất khôi hài: “Tại sao anh không lấy em? Tại sao anh đổ vạ là vì anh tàn tật? Ở cái thời mà mọi người phải đi lính cả, anh không phải đi lính. Anh không biết cám ơn điều đó hay sao?” Thế rồi, vân vân và vân vân.
Thằng Luyến, lúc bấy giờ đã trở thành một thứ triết nhân rồi, sau khi đi xem những thằng chủ tịch xã, chủ tịch huyện ở Thái Bình làm trò khỉ cách mạng, trở về nói với thằng Vũ: “ Đấy, mày thấy chưa? Mày đã biết sợ người Cộng Sản chưa? Ở môt tỉnh nhỏ như thế, mà họ đã làm ghê quá rồi! Thế thì, Cộng Sản lúc này mạnh lắm, mày đừng chống chúng nó nhé.” Thằng Vũ bảo: “ Đ. m, tao phải chống chứ.” Thằng Luyến khuyên nó “Không, mày đừng nên chống. Chống lại chúng nó bây giờ, mày cũng sẽ giống như một khúc củi, ném vào lò lửa thôi. Chúng nó sẽ đốt cháy mày ngay. Tao muốn mày làm một ngụm khói, để sẽ dần dần, làm tắt ngọn lửa ấy đi. Muốn được như thế, mày phải biết chờ đợi.”
Một lúc sau, thằng Luyến bảo: “ Hình như, tao muốn viết văn. Tao muốn viết về cái cầu Bo thôi. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra trên chiếc cầu ấy. Mày sẽ là nhân vật chính.”
Thằng Vũ nói: “Mày cứ viết đi. Nhưng làm sao tao là nhân vật chính được?”
Thằng Luyến đáp: “ Mày sẽ làm được. Nhưng mà phải đợi đã. Tao không viết ngay đâu. Có khi tao sẽ không viết được. Bởi vì muốn viết được một cuốn tiểu thuyết về thời đại của chúng mình, về những thế hệ đã sống, đã bước qua chiếc cầu Bo, thì phải lâu đấy. Phải lâu, vì một cuốn sách đã viết ra rồi, thì phải được in. Mà thời bây giờ, không ai được in cái thứ gì, thì chẳng biết bao giờ mới in được. Tao chỉ ao ước được in một cuốn duy nhất thôi.”
Hai đứa tiếp tục câu chuyện. Chúng nó nhớ đến anh bộ đội, tác giả bản Cuối Thu Đường Đời (Thực ra, đây cũng là một trong những bản nhạc, do chính Duyên Anh sáng tác). Anh bộ đội hối hận vì đã trót lỡ đi theo cách mạng mùa Thu. Mùa Thu kéo dài đã chín mười năm, để rồi cuối Thu là cái gì? Chả là cái gì cả! Chẳng được cái gì cả!
Hai đứa ngồi trong nhà, tưởng tượng một đám ma đang đi ngoài phố. Rồi tiếng nhạc, tiếng nhạc thiều trổi lên. Và hết ở đó.
Tôi hỏi:
- Như vậy, công lao đóng góp cho cái gọi là Cách Mạng Mùa Thu, là Toàn Quốc Kháng Chiến, coi như vứt đi hết?
Duyên Anh cười thú vị:
- Dĩ nhiên rồi. Mình không cần chửi rủa Cộng Sản một cách hung hãn làm gì. Cứ nhẹ nhàng đánh chúng nó như thế, cũng đủ đau thốn tim rồi.
Tôi hỏi:
- Phần anh vừa tóm tắt, là cuốn thứ mấy trong bộ sách?
- Cuốn thứ năm và thứ sáu, nếu tính theo bản in tiếng Việt.
- Còn tiếng Pháp?
- Là cuốn thứ nhì. Pháp nó in hai cuốn, coi như trọn bộ. Phần tiếng Việt, anh chưa cho xuất bản.
- Lần trước, anh nói mấy người bạn Thái Bình của anh sẽ lo việc in bộ Những Đứa Trẻ Thái Bình, bản tiếng Việt?
- Ừ, có lẽ anh sẽ nhờ anh Truyền lo việc này.
- Anh Truyền ở Georgia?
- Ừ. Mà cũng có thể, anh nhờ Vũ Băng Đình. Anh vẫn chưa nhất định gì cả.
Tôi hỏi:
- Thế còn Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ?
- Bộ này, anh viết xong hồi 1975. Chưa in, thì Việt Cộng vào, tịch thu mất bản thảo. Sang Pháp, anh phải moi óc viết lại. Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ chính là Những Đứa Trẻ Thái Bình đấy.
Duyên Anh tiếp:
- Mà lạ lắm, tụi Tây nó khen bộ sách này không hết lời. Nó bảo anh là très grand écrivain. Nó bảo anh đã viết một tiểu thuyết lớn về thế hệ của mình. Trong bài tựa, chúng nó ca ngợi quá, không biết thằng nào viết. Ở nước mình, và ra hải ngoại, mấy ông nhà văn xưng tụng lẫn nhau là nhà văn lớn, đã tưởng là ghê lắm rồi. Ở đất nước mình, phê bình văn học thường chỉ là bạn bè bốc nhau lên thôi. Ra hải ngoại này, đã anh nào được bọn Tây, bọn Mỹ xưng tụng là très grand écrivain chưa nào?
Duyên Anh bật cười:
- Thế mà bọn Tây đã khen anh như thế đó. Thế thì làm sao anh không khoái cho được? Anh bằng lòng lắm! Đ.m, très grand écrivain! …
Khoảng 11 giờ sáng, chúng tôi xuống đến khu vực Westminster. Tôi lái đến tiệm Avitek Trang Châu, định thăm Lê Quý An, nhưng anh không có ở đó. Buổi trưa, chúng tôi ghé Nguyễn Huệ. Duyên Anh gọi hai món anh thích: canh cá thì là, đậu phụ rán om cà chua. Sắp sửa ăn, thì Việt Dzũng bước vào. Vừa thấy Duyên Anh, Việt Dzũng mừng rỡ, vội vàng tiến lại chào hỏi. Tôi mời Việt Dzũng ngồi ăn luôn cho vui, nhưng Dzũng nói “em ăn cơm rồi, cám ơn anh. Em chỉ muốn hỏi thăm anh Duyên Anh vài câu thôi”. Rồi Việt Dzũng quay sang Duyên Anh:
- Hôm nào anh rảnh, em muốn bắt cóc anh một buổi lên đài với em.
Tôi vui mừng, vì đây là dịp để Duyên Anh nói về mấy tác phẩm mới của anh. Nỗi vui mừng tắt vội, khi Duyên Anh nghiêm mặt:
- Lúc này cậu ngon lành quá rồi nhỉ? Trước đây, cậu vẫn bố bố con con với tôi cơ mà. Nhưng mà thôi, cậu muốn gọi tôi là gì cũng được, là anh, hay là thằng cũng chẳng sao. Rảnh, thì tôi cũng không rảnh lắm đâu. Cậu cần gặp tôi lúc nào, cứ liên lạc với Vũ Trung Hiền.
Tôi trao cho Việt Dzũng tấm danh thiếp, và thấy rõ nét bẽ bàng trên khuôn mặt chàng nghệ sĩ tài hoa.
Việt Dzũng đi rồi, tôi có ý trách Duyên Anh:
- Anh hơi nặng lời với thằng bé đấy. Nó là một nhân vật đang lên, có khiếu đặc biệt về truyền thanh, và được rất nhiều thính giả yêu mến. Nhiều người ra sách, làm băng nhạc còn phải mất tiền mới được nó phỏng vấn đấy…
- Nhưng mà tự nhiên, nó đổi giọng, gọi mình bằng anh. Trước đây, ở Việt Nam, nó là bạn của thằng Tý, con anh mà.
Tôi yên lặng, không nói gì thêm. Tôi định nói với Duyên Anh là anh đã để lỡ mất một cơ hội.
Đúng như tôi nghĩ, Việt Dzũng nhận danh thiếp của tôi, nhưng không bao giờ gọi lại, để hỏi về Duyên Anh hết.
Xế trưa, tôi lái xe đến công viên Mile Square, tìm chỗ có bóng mát. Chúng tôi nghỉ ngơi tới chiều, rồi đến quán Anh Thy, nơi anh em tôi ăn mừng sinh nhật thứ sáu mươi của Duyên Anh.
Duyên Anh chỉ gọi cho một người bạn thân của anh, mời anh này đến quán, cùng chung vui với chúng tôi.
Bên mấy chai bia Heineken và vài món ăn giản dị, Duyên Anh cười vui, kể lại thời gian anh ở Denver và Wichita:
- Đ.m, không biết có phải vì mình què rồi hay không, mà bây giờ thiên hạ, nhiều người thương mình ghê! Tao đi đến đâu, cũng gặp độc giả cũ hết. Họ tiếp đón, đãi đằng tao chí tình lắm. Mình cũng hãnh diện chứ! Còn đ.m, làm sao mà giữ cho khỏi có đứa ghét mình. Chúa Jesus, chúng nó còn ghét. Cả Phật cũng từng bị chúng nó ghét đấy chứ. Tao còn nhớ, thượng tọa TNH có lần nói với tao “Thuở ấy, mấy người ghét Phật còn vu cho Ngài tội hiếp dâm nữa.”
Anh bạn hỏi:
- Mày có hay gặp TNH không?
- Mới đây thì không. Nhưng trước khi tao bị đánh, có gặp ông ta hai lần. Ông ấy rủ tao xuống Làng Hồng, Làng Mai gì đó, nhưng tao chưa có dịp đi bao giờ. Lúc tao què rồi, gặp thêm một lần nữa. TNH thích đọc tao lắm. Thấy tao ngồi ăn cơm, dùng tay trái xúc cơm, ông ấy hỏi “Này anh Duyên Anh, anh còn nhớ thằng Vũ thích ăn cơm với gì không?” Tao chưa kịp trả lời, ông ấy đã kể một lô, nào là canh bánh đa, nào là cải bẹ xanh nấu cua đồng. Đ.m, tao cảm động quá, vì biết ông ta đọc mình rất kỹ. Tao hỏi TNH “Thưa thầy, tôi nên viết về cái gì bây giờ?”, ông ta trả lời “Tôi thiết tưởng, anh nên tiếp tục viết về thằng Vũ, thì hay lắm.”
Duyên Anh chợt phá lên cười thích thú:
- Đ.m, tao nghĩ, TNH làm được nhiều việc có giá trị, một phần cũng nhờ đệ tử CK của ông ấy, nghĩa là cô CNP đó. Thế nhưng, ông ấy đã làm được nhiều điều tốt, mình cũng chẳng nên khe khắt với ông ấy làm gì. Phật giáo đâu có cấm người ta lấy vợ? Trước đây, Đức Phật cũng có vợ, rồi mới đi tu, có sao đâu? Đ.m, chúng nó là cái gì mà cứ thích đặt ra luật lệ, để cấm người ta? Tao nghĩ, ông TNH có quyền tự do của ông ấy; miễn là ông ấy tiếp tục làm những việc có lợi cho văn hóa Việt nam thôi. Chỉ nội một cái thiền thôi, ông ấy cũng hơn thiên hạ rồi. Thiền ăn, thiền uống, thiền đi, thiền đứng…, cái gì cũng thiền dược hết. TNH muốn gì? Ông ấy muốn người tu hành Việt nam trở về thuở huy hoàng của đời Lý, đời Trần. Ông ấy đã phát minh ra lối thiền hoàn toàn Việt nam, không ảnh hưởng của bất cứ nước nào hết. Thế là đáng đồng tiền bát gạo rồi. Thử hỏi, có thằng nào làm được như ông ta chưa? Thằng nào dám nghĩ như ông ta chưa? Tao là thằng không dám phán xét ai về chuyện ph. hết. Anh cứ tha hồ ph. đi. Miễn là anh làm được việc thôi. Còn ph., mà không làm được việc, thì chỉ khổ cho vợ, cho con anh thôi.
Anh bạn nói:
- Mẹ, ông cha TVN của mày, hồi dạy ở Đại Học Văn Khoa, cũng gớm lắm đấy nhé!
Duyên Anh:
- Ngay cả giáo hội, đặt ra luật lệ này nọ để cấm mấy ông cha, cũng là bố láo cả thôi. Mày phải biết, tao vào đạo công giáo rồi; những tao nói như thế đấy. Tao đã từng nói với mấy ông linh mục như thế này “Thiên Chúa Giáo hay lắm; nhưng tôi hỏi thử các cha, các cha có biết Chúa Giê xu chết như thế nào không?” Một ông trả lời “Có chứ. Chúa phải giang hai tay ra, để quân ác đóng đinh vào thập tự.” Tao hỏi tiếp “Thế có ai đến hôn tay Chúa không?” Các ông ấy chưa hiểu tao muốn nói gì, thì tao hỏi tiếp “Chúa Giê Xu có cái nhẫn, để mọi người níu lấy, quỳ xuống hôn không? Ông ấy có cái gậy nạm vàng, cái mão nạm ngọc, để cho người ta quỳ xuống chiêm ngưỡng, như chiêm ngưỡng ĐGH không?” Mấy ông ấy đ. trả lời tao được. Đ.m, theo Chúa là phải chịu nghèo khổ, thì mới đáng cho người ta kính phục chứ!
Liền sau đó là chuỗi cười dòn dã, sảng khoái, ngạo mạn quen thuộc của anh.
Duyên Anh và anh bạn nhắc đến những người bạn cũ còn ở lại Việt Nam. Người bạn hỏi:
- Trước khi đi, mày có gặp Nguyễn Thụy Long không?
- Không. Tao chỉ nghe nói nó làm nghề chữa xe đạp, hay lắp ráp xe đạp gì đó. Vợ nó bỏ nó rồi. Nó lấy vợ mới, lại có con như thường.
- Thế còn thằng Tú Kếu?
- Nó vẫn ở trên Blao. Nó làm rể một ông chủ đồn điền trà.
- Như thế, nó cũng yên phận rồi. Còn mày, tao nghĩ, nếu mày ở lại, viết truyện trẻ con không thôi, chắc chúng nó cũng để cho mày yên…
Duyên Anh ngắt lời người bạn:
- Yên thế đ. nào được với chúng nó. Thời gian ấy, vợ con tao đi rồi, tao phải nghĩ cách dzọt chứ. Với lại, mình đã trót thù ghét chúng nó, thì lúc nào mình cũng thù ghét thôi. Vấn đề là, chúng nó cứ tiếp tục làm những điều để mình phải thù ghét chúng nó. Chứ mình có muốn thù ghét ai đâu? Mình chỉ muốn được sinh ra đời để viết văn thôi. Chẳng những chúng nó đ. cho mình viết văn; lại còn bắt mình đi tù gần sáu niên nữa. Thế thì đ.m, mình ở làm sao được với chúng nó. Tiếp tục ở lại, một là mình phát điên, hai là mình lại phản động hiện hành, để chúng nó tiếp tục nhốt dài dài thôi.
Một nhà báo quen chúng tôi, từ bàn bên kia, bước qua ngồi góp chuyện.
Câu chuyện lan man tới thời gian tù tội. Duyên Anh nói:
- Đ.m, cái nhục của tao và những thằng bị bắt nhốt, là chúng nó chỉ cho những bọn cai tù từ 18 đến 25 tuổi giáo dục mình thôi. Bọn này đáng tuổi con cháu mình. Mình ngậm miệng, nhắm mắt mà bước đi, không chống lại bọn này, thì bạn đồng tù lại cho rằng mình hèn. Một số người cứ chửi tại sao tao hay tội nghiệp những thằng coi tù đáng tuổi con cháu mình, cho chúng ăn, đãi chúng thuốc lá. Những thằng này, có khi xa nhà cả hai ba năm, chưa về thăm cha mẹ vợ con được, vì không có tiền mua vé xe mà về. Chúng nó ăn uống cũng khổ lắm, chứ không hơn gì bọn tù chúng tao đâu. Tù lại còn được thăm nuôi. Chúng nó có ai thăm nuôi bao giờ. Tao mong cho những người tù cải tạo sang đây hết đi, để họ kể lại đời sống trong tù như thế nào…
- Từ từ, rồi thì họ cũng sang hết thôi…
- Từ tá đến tướng, chúng nó cũng thả hết, rồi cho đi HO…
Nhân nhắc tới HO, ông nhà báo cho biết điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu cũng vừa qua theo chương trình này. Rồi kể giai thoại trong tù “ Nguyễn Thanh Thu bị tụi nó bắt vẽ hình Hồ Chí Minh, nhưng lại chơi xỏ, vẽ HCM thành ra hình ông Thiệu, nên bị tụi nó nhốt.”
Duyên Anh nghe không rõ, nói ngay:
- Có phải Nguyễn Thanh Thu vẽ hình ông Hồ Chí Minh đâu? Ông Tạ Tỵ đấy chứ. Đ.m, tao ghét những thằng chửi những người đã bị tù, mà lại chửi trong lúc người ta vắng mặt. Nguyễn Thanh Thu là nhà điêu khắc vào hạng nhất của Việt Nam rồi. Tao khoái Nguyễn Thanh Thu và tác phâåm Tiếc Thương dựng ở Nghĩa Trang Quân Đội của anh ta lắm. Việt Cộng nó phá bức tượng ấy rồi. Anh ta cũng điêu khắc bức tượng nhỏ, hình như là bức tượng Được Mùa, dùng làm giải thưởng điện ảnh thời Nguyễn Văn Thiệu.
Rồi Duyên Anh kể lại câu chuyện về giải thưởng điện ảnh này:
- Lúc ấy chúng nó làm cuốn phim Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tao. Thế rồi, chúng nó gửi cho tao cái tượng vàng điện ảnh. Đ.m, cho như thế là cho tầm bậy thôi. Tao gạ bán cái tượng vàng ấy cho Quốc Phong, lấy mười lăm ngàn thôi. Quốc Phong đ. chịu mua. Tao đem về nhà. Dạo đó, tao có nuôi mấy con gà. Chuồng gà đặt ở ngoài sân. Buổi sáng, mấy con gà hay nhảy ra ngoài, vì nóc chuồng nhẹ quá. Tao bèn lấy cái tượng vàng giải thưởng văn học nghệ thuật tổng thống ra gác lên nóc chuồng gà. Thế mà, Nguyễn Văn Thiệu cũng chẳng làm gì tao cả.
Ông nhà báo nói về trường hợp Vũ Thành An trong thời gian ở tù, rồi kết luận:
- Tôi nghĩ, để cho êm đẹp, anh ta nên xin lỗi mọi người, nhất là về bài hát nhục mạ quân đội …
Duyên Anh nói ngay:
- Việc đ. gì phải xin lỗi. Vũ Thành An nó làm bài ấy đúng quá đấy chứ? “Nay mới biết đế quốc Mỹ là quân xâm lược..” Đúng là thằng Mỹ xâm lược Việt nam rồi. Người quốc gia Việt nam thực sự, có ai muốn mời Mỹ sang tàn phá đất nước mình đâu? Chính bọn Mỹ nó chủ động kéo quân sang đấy chứ? “Nay mới biết ngụy quyền là lũ tay sai” lại cũng đúng nữa! Bọn Thiệu Kỳ, không phải tay sai Mỹ, thì là cái gì bây giờ?
Người bạn Duyên Anh:
- Hồi Vũ Thành An làm trưởng ty dân vận chiêu hồi Gia Định, nó hay mặc áo bốn túi, một thứ đồng phục của phe cánh Hoàng Đức Nhã…
Duyên Anh:
- Nhưng mà thôi, nhắc lại chuyêän tù tội mãi làm gì? Đấy là vết đau chung của hàng triệu gia đình. Ai ở miền Nam sau 75 mà không có thân nhân bạn bè ở trong hoàn cảnh ấy?
Người bạn nói:
- Thằng Nguyễn Hải Chí cũng tội lắm.
Duyên Anh:
- À, thằng Chóe. Nhưng tao thấy, ông Côn mới đáng tội nghiệp. Trước 1975, ông ấy vẫn tự hào là người hiểu cộng sản nhất miền Nam. Thế mà, lúc vào tù, ông ấy bảo tao “Bây giờ, tôi với cậu viết một bài thật hay, tả cảnh học tập ở trại này đi.” Tao hỏi “Viết để làm gì, hả anh?” Ông ấy trả lời “Thì để cho cán bộ thấy rằng mình học tập đã tiến bộ, đã phản tỉnh rồi.” Tao bảo ông ấy “Anh viết, thì viết đi. Còn em, không viết. Bởi vì, nhỡõ em không phản tỉnh được đúng nghĩa như anh thì đ.m, lại chết nữa.” Rốt cuộc, có trách ông Côn, thì chỉ nên trách thuốc phiện thôi. Bởi vì, chính thuốc phiện đã làm đầu óc ông ấy suy nghĩ lạ lùng như vậy đấy…
- Cũng giống như ông em của DL. Trong Đêm Giáng Sinh ở Trại Kà Tum, ông ấy mô tả đời sống trong trại cải tạo thơ mộng lắm, cứ như là đi nghỉ dưỡng sức ấy.
- Ông NMG mới ghê chứ. Trên báo Tin Sáng năm 1979, chúng nó đăng hình ông ấy to tướng, và một bài phỏng vấn ông ấy. Ông G. nói ông ấy phải kiếm ăn bằng cách làm mì sợi, mì siếc…, và chửi bọn văn nghệ Ngụy tơi bời…
Người bạn Duyên Anh:
- NMG làm gì trước 75?
- Ông ấy là thầy giáo, như thằng em tao đây. Rồi được làm chức chánh sở giáo dục gì đó ở miền Trung. Chẳng biết vì sao, chúng nó cách chức ông ấy. Ông G. viết một bản trần tình, in ronéo, gửi đến các báo ở Saigon…
- Trần tình cái gì?
- Rằng ông ấy bị oan, rằng chính quyền đổ vạ cho ông ấy thôi…Nhưng cũng chính nhờ vậy, mà ông ấy đ. phải bị đi học tập. Bảy tám năm trước, tao gặp thằng chủ báo lai tầu, tao quên tên nó rồi, chỉ biết nó có con vợ chuyên môn hát dân ca…
Tôi hỏi:
- Cô DC, phải không?
- Ừ đúng rồi. Thằng tầu lai này kể với tao mấy chuyện rất thú vị về thời gian ông G. làm cho nó. Nhưng thôi, tao chán nói về ông ấy rồi. Ông ấy chỉ được mỗi một cái hay, là nhà văn đẹp trai nhất nước thôi..
Người bạn Duyên Anh:
- Đẹp trai bằng thằng T. không?
Duyên Anh cười:
- Có lẽ cũng gần bằng. Con NC nó vẫn ghét con TH, vợ thằng TN. Nó cũng ghét con TD nữa. Tao nghe chúng nó kể lại, một hôm hai con này nói chuyện với nhau. Con này hỏi con kia “Sao, mày mới đẻ con. Con mày có đẹp không?”. Con kia đáp “ Con tao, cũng thường thôi. Nhưng mà, nếu nó…, thì nó lấy được NC rồi.”
Sau một chuỗi cười dòn tan, Duyên Anh tiếp:
- Đ.m, mấy con đàn bà nó ăn nói độc địa lắm! Con TH lại càng độc nữa. Nó viết văn cũng đã độc rồi mà…
Câu chuyện bắt qua băng nhạc Ru Đời Phù Ảo của Duyên Anh:
- Hồi ấy, thằng Nam Á trả mười ngàn francs cho PD về hai bài thơ của tao, do ông ấy phổ nhạc. Ông ấy giữ hết…
Người bạn hỏi:
- Lẽ ra ông ấy phải chia cho mày một nửa?
- Ở đâu cũng vậy hết, mỗi bên phải một nửa chứ. Anh là nhạc sĩ, còn người ta là tác giả, phải chia đôi ra…Nhưng mà ông ấy không làm thế, dù lúc ấy, tao mới đến Paris, tiền bạc có gì đâu? Vì thế, ông ấy bảo tao “cậu về nhà tôi ở, nhà tôi rộng lắm”, tao cũng chỉ nghe vậy thôi. Về làm sao được?
Người bạn:
- Ông ấy phổ của mày hai bản nào?
- Em, Anh Đã Đến Paris, và Có Bao Giờ Em Hỏi. Về chuyện tiền bạc, ông ấy chơi không được.
- Lúc còn ở Việt Nam, tụi Mỹ ở USIS cho làm cuốn phim Con Búp Bê Nhồi Bông. Cốt truyện của thằng LTĐ. PD đứng ra làm, nhưng không chia cho thằng Đ. đồng nào cả. Cho đến khi tao làm cho USIS, và nắm văn phòng đó, thằng Đ. đến chơi, tao lục hồ sơ cũ, đưa cho nó xem PD lãnh bao nhiêu, ngày nào tháng nào, rõ ràng hết. Thế là, bao nhiêu hào quang của thiên tài biến mất hết. Nhưng mà, phải công nhận, thằng LTĐ rất tốt. Khi có thằng trong nhóm Chân Tín viết chửi PD, tao không nhớ tên thằng ấy…
Tôi nhắc:
- Nguyễn Trọng Văn.
Người bạn gật đầu:
- Đúng rồi. Thằng Đ. viết bài, quạt lại bọn kia ngay. Sau đó, lúc thi sĩ NTN được ông ấy phổ nhạc cho mấy bài, thằng bé hỏi chuyện chia tác quyền, ông ấy bảo, đại khái “Thơ của chú mày, đã được PD phổ nhạc, để cho chú mày nổi tiếng, là phước lắm rồi. Còn đòi hỏi tác quyền chi nữa?”
Duyên Anh:
- Hồi tao còn ở Paris, khoảng 84, 85, PD qua chơi. Tao gặp ông ấy trong một buổi họp mặt văn nghệ. Chúng nó đang nói chuyện về Văn Cao. PD bảo “Moa đã từng sửa hộ Văn Cao mấy bản nhạc.” Tao cáu sườn, nói liền “Ông đừng nói nữa, kẻo tôi lại phải nói!” Ông ấy im ngay. Nếu không, tao sẽ cho ông ấy biết, Văn Cao đã viết Buồn Tàn Thu, với dòng chữ ghi ngay ở đầu bản nhạc “ Tương Tiến PD, người đã mang nhạc buồn của tôi gieo khắp chốn”, có nghĩa là lúc bấy giờ, ông ấy mới chỉ đi hát nhạc của người ta thôi. Chưa sáng tác, thì làm sao đòi sửa nhạc của người ta được? Văn Cao viết Sông Lô trước. Một thời gian sau, PD cũng viết Sông Lô theo. Văn Cao viết Thiên Thai trước, từ thuở tiền chiến. Để cho mình cũng được nổi tiếng như Văn Cao, PD phổ nhạc Tiếng Sáo Thiên Thai, thơ của Thế Lữ. Văn Cao đã viết Trương Chi, từ thuở tiền chiến cơ. PD cũng viết Mối Tình Trương Chi. Vân vân, và vân vân. Như thế là đủ biết, PD chỉ đi theo chân Văn Cao mà thôi, chứ hơn Văn Cao thế đ. nào được? PD còn lấy bài Đàn Chim Việt của Văn Cao, hay như giời ấy, đổi lại thành bài Bến Xuân. Nhiều người không biết, trước khi Đàn Chim Việt bị đổi lời, Văn Cao đã làm hai câu cuối của bản tình ca ấy như thế này.
Duyên Anh nhắm mắt lại, nghiêng đầu, cất tiếng hát:
Nghe đâu đây ríu rít tiếng oanh ca, ánh đèn Hàng Gai ló ra
Đâu thấy nụ cười Nga
Ông ấy lại còn làm đơn xin về Việt Nam nữa. Hai vợ chồng cùng làm đơn xin về, nhưng nó chỉ cho bà vợ về thôi. Đ.m, nhục lắm! Tao mà như ông ấy, tao đ. thèm làm đơn. Chừng nào chúng mày mời tao về, có thể là tao sẽ về. Chứ phải làm đơn, là không có tao rồi.
- Ông ấy đã từng đặt vấn đề “Ta chống cộng hay ta trốn cộng, đây là điều ta phải hỏi ta, nhắc ta”, và xác nhận lập trường kiên quyết “ta chống cộng, ta không trốn cộng, ta phải về lấy lại quê hương”…
Duyên Anh:
- Ông ấy có thể là thiên tài âm nhạc. Đồng ý. Nhưng đòi hỏi lập trường chính trị ở ông ấy làm gì? Thấy cái gì có lợi, là ông ấy theo thôi. Lẽ ra, tên ông ấy, phải là PDLợi mới đúng (Duyên Anh có nhận xét này từ trước khi GS Lê Hữu Mục lên tiếng về lời tuyên bố Tôi Có Chống Cộng Bao Giờ Đâu, Tôi Chỉ Chống Gậy Thôi và Nếu Bây Giờ Có Ai Cho Tôi 10 Ngàn Đôn, Bảo Tôi Làm Nhạc Ca Tụng Hồ Chí Minh, Tôi Sẽ Làm Ngay). Ông NS cũng vậy. Ông ấy thu băng hai bài hát của LTN, hứa trả cho LTN hai trăm đôn, mà rồi có trả được đồng nào đâu. LTN nhắc vài lần, ông ấy lờ đi. Rồi cũng thôi luôn. Mà có phải ông ấy nghèo gì cho cam? Ông ấy di tản trước 30 tháng 4, dĩ nhiên là phải đem theo chút ít chứ. Ngay cả tao, ông ấy cũng còn không trả nữa mà.
Tôi hỏi:
- Lẽ ra, ông ấy phải trả anh bao nhiêu?
- Có hai trăm rưởi thôi. Cho năm bài báo. Nhưng mà anh cũng đ. nói. Cứ để họ biết vậy thôi. Có vậy, họ mới sợ mình…
Điếu thuốc trên tay đã gần tàn, Duyên Anh thong thả dụi vào chiếc gạt tàn, rút điếu mới. Rít một hơi thuốc, anh tiếp:
- Cái chuyện ông NS vái ông MT, ông MT vái ông NS, đưa nhau lên hai đỉnh núi văn học, thì cũng không hẳn là vái thực tình đâu. Mình phải ngược dòng thời gian, trở lại cái quá khứ Saigon của mình, thì mới rõ được. Trước tiên, vì bất bình với trường TS của NST, ông NS, chủ trường VH, chửi NST. MT bênh NST, nhảy vào cuộc chiến. Thế là, hai ông MT, NS đánh nhau trên báo. MT đi kiếm TVT, em rể của NS, để tìm cách chơi NS. Mày biết không, trước khi viết bài đánh MT, NS đến quán cà phê ba tầu gần tòa báo Công Luận, mời tao xuống nói chuyện. Ông ấy có bao Pall Mall, nhưng mà để trong túi áo thôi, hút điếu nào, rút ra điếu ấy. Còn tao, tao để cả gói thuốc trên bàn, đứa nào muốn lấy hút cũng được. NS bảo tao “Ông nên đứng trung lập cái vụ này, để mặc tôi đánh MT và đồng bọn.” Tao bảo “Ông muốn tôi trung lập, thì lúc nào tôi cũng trung lập thôi. Mẹ, các ông cứ đánh đấm nhau đi, nhưng mà đánh vừa vừa thôi nhé, kẻo tôi lại cáu tiết, nhảy vào bất cứ lúc nào đấy.” Thành ra, chúng nó cứ đánh nhau, đến lúc chán rồi, cũng nghỉ thôi. Nhưng mà, tao biết, MT hạän NS, còn NS hận MT và TVT lắm. Bây giờ sang đây, không biết sao, hai ông ấy lại chơi thân với nhau được?
Câu chuyện giữa Duyên Anh và người bạn thân còn tiếp tục cho tới mười rưỡi đêm, khi anh kết luận:
- Đ.m, tao cũng khổ vì đã biết quá nhiều chuyện của chúng nó. Chúng nó ghét tao, và sợ tao, có lẽ cũng vì cái sự biết quá nhiều của tao thôi…
° ° °
Hôm sau, tôi hỏi Duyên Anh kỹ thuật viết truyên tuổi thơ của anh. Duyên Anh nói:
- Khi viết về tuổi thơ, không nên để cho những nhân vật của mình bày tỏ ý nghĩ của chúng một cách dài dòng. Chỉ nên thoáng qua thôi, rồi lại đến cái khác. Vì trẻ con không giống người lớn. Khi nói, hay nghĩ về một vấn đề gì đó, người lớn phải tìm cách giải thích sao cho nó hợp lý. Trẻ con thì không như vậy. Chúng nó không cần giải thích, và cũng không cần biết mình đã nói cái gì cả. Cho nên, phải viết rất ngắn, và chuyển ngay sang cái khác. Trẻ con thích mới, mới, và mới. Chúng nó không thích nhắc lại cái cũ nữa. Vừa nói xong cái gì, chúng nó quên ngay, và đi tìm một trò chơi mới…
Ngừng một vài giây, anh tiếp:
- Viết về tuổi thơ, mình cần phải có một chút khôi hài mới được. Mình có máu cười, nhân vật của mình mới khôi hài được. Đã chơi, là không thể nghiêm trang được rồi. Khi trẻ con đã vào cuộc chơi, chúng nó có thể sẽ đùa nghịch, chọc ghẹo, hay ngay cả, đôi khi, làm đau bạn chúng nó, nhưng hoàn toàn không vì ác ý. Khi cho trẻ con vui đùa trong các trò chơi, mình có thể mô tả thật chi tiết những kiểu trò chơi ấy, và viết dài được. Nhưng nếu cho trẻ con suy nghĩ, cũng chỉ nên cho nó suy nghĩ thoáng qua thôi. Ví dụ, thằng bé thắc mắc không hiểu tại sao thầy giáo nó bị mật thám Tây đến tận trường bắt. Nó có thể thoáng buồn một chốc, có thể đặt ra một số thắc mắc, không biết phải hỏi ai. Nhưng rồi, có thằng bạn nào đến rủ đi chơi, nó đi ngay…
- Nghĩa là phải thật hồn nhiên mới được?
- Đúng thế. Lúc viết, mình phải đặt mình vào tâm trạng của mình, khi còn là một đứa bé, mấy chục năm trước, thì mới được. Có lẽ, anh nên thôi viết cho người lớn, để trở lại viết cho thiếu nhi mới được. Viết cho trẻ con, thú vị lắm! Trong cuốn Hạ Ơi, anh có cho đăng một bài tựa đề Tôi Phỏng Vấn Tôi, trong đó, anh nói nhiều đến chuyện này….
Vừa nói đến đây, điện thoại reo. Tôi nhấc máy. Một giọng phụ nữ:
- A lô, có ông Duyên Anh ở đó không ạ?
Tôi nói “Có, xin bà chờ một chút,” rồi đưa máy cho Duyên Anh. Nghe anh nói “À, em đấy hả,” tôi rời phòng.
Duyên Anh Và Tôi Duyên Anh Và Tôi - Vũ Trung Hiền Duyên Anh Và Tôi