The secret of getting ahead is getting started. The secret of getting started is breaking your complex overwhelming tasks into small manageable tasks, and then starting on the first one.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Tác giả: Dương Hướng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 33
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1915 / 90
Cập nhật: 2015-11-21 06:32:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21: Người Tình Trung Hoa
ười tình Trung Quốc của anh ơi! Mai ơi Mai, em không cần phải đi đâu, cứ ở với anh chẳng phải sợ đứa nào. Kinh men theo bờ sông ngược lên cửa khẩu biên giới. Vừa đi Kinh vừa gọi tên Mai. Dòng sông lách rách chảy từ ngàn đời mòn nhẵn những bãi đá cuộị nằm trơ trơ nổi chìm theo dòng nước vơi đầy trôi ra biển. Đã ai làm gì em mà em phải hoảng loạn bỏ nhà bỏ cửa mà đi. Nhà cửa bên này là mồ hôi nước mắt của em, thằng Thuận, con trai em nó còn đi bộ đội chiến đấu đổ mồ hôi xương máu cũng vì đất nước này. Chẳng lẽ chính quyền lại không bảo vệ được em sao. Đời anh đã phải bỏ nhà, bỏ vợ con ra đây với em. Em vừa là người tình, người vợ, và cả là người mẹ sinh ra anh lần thứ hai. Đời anh được như ngày nay là nhờ có em, nhờ cái thuyền chuối của hai mẹ con em cập bến sông Đình làng Đoài quê anh. Trời đã cho anh gặp em, sao trời lại bắt em phải bỏ anh mà đi sao đành. Tối qua anh đã phân tích cặn kẽ với em, sao em không nghe. Em không hiểu truyền thống hữu nghị lâu đời của nhân dân hai nước chúng ta, núi liền núi sông liền sông sao. Chẳng qua là xung khắc nóng sốt nhất thời thôi mà. Giống như vợ chồng cũng có lúc giận hờn, rồi mọi chuyện cũng qua. Về với anh đi Mai ơi.
Kinh thất thểu ra tới cửa khẩu. Từng đoàn người Hoa, trai gái, người già, trẻ nhỏ ngồi vật vờ u uất mặt mày thất thần chờ làm thủ tục xuất cảnh. Kinh hỏi mới biết họ ở khắp mọi miền đất nước ra đây từ hôm qua vẫn chưa đi được. Người nào cũng lỉnh kỉnh túi xách, xoong nồi lếch thếch. Có đứa trẻ còn đỏ hỏn nằm cạnh người mẹ trẻ ngủ lịm trên chiếc chiếu trải xuống đất, phơi mặt ra nắng. Mùi tanh tanh khai nồng nặc, ruồi nhặng bay vù vù. Mùi cơm nắm mùi thức ăn ôi thiu, quyện vào mùi mồ hôi người gây gây làm không khí đặc quánh lại. Trong đám người nhốn nháo có cả mấy cụ già đầu tóc trắng phớ chống gậy đứng ngẩn ngơ giữa trời. Có chị phụ nữ lấy gạch kê làm bếp nấu bột cho con nhỏ. Chị ta vơ quáng quàng nắm cỏ chưa khô tống vào bếp làm khói bốc lên mù mịt. Kinh đi tìm Mai, nhìn vào mắt người nào cũng hằn lên nỗi nhọc nhằn lam lũ. Nàng Mai của Kinh đã đi rồi. Kinh đang dự tính lên tỉnh gặp Trần Tăng xin bảo lãnh cho Mai ở lại nhưng Mai đã vội vã ra đi không một lời từ biệt. Kinh đang đứng thẫn thờ nhìn đoàn người, kẻ đứng người ngồi dắt díu xếp hàng ba hàng bảy trước Đồn biên phòng. Bất chợt nghe có tiếng gọi tên mình, Kinh sững sờ nhận ra cái Mẫn con bà Cháo. Bụng con Mẫn chửa vuợt mặt đang bìu díu khóc lóc bên thằng chồng nó. Thằng chồng mắt đờ đẫn hốc hác vỗ về vợ. Con Mẫn lu loa.
- Chú Kinh ơi! Chú bảo chồng cháu hãy ở lại ít ngày nữa chờ cháu sinh xong rồi hãy đi. Ơi anh ơi sao anh lại bỏ mẹ con em mà đi thế này.
Con Mẫn đang kêu gào, bỗng trong đoàn người nằm ngả ngốn phía bờ sông xôn xao, Kinh cùng mọi người chạy xô tới. Kinh nhận ra chính người phụ nữ nằm ngủ bên đứa trẻ con đỏ hỏn lúc nẫy đang khóc vì đứa con chị ta đã chết. Đứa con của chị chết trong khi chị ôm con nằm ngủ trên chiếc chiếu trải dưới đất phơi mặt ra nắng, khi tỉnh dậy chị ta mới phát hiện ra đứa con đã chết cứng từ lúc nào. Kinh rợn người nghe tiếng khóc của người mẹ gào rú từng cơn thảm thiết.
- Ơi con ơi là con, sao con lại bỏ mẹ bơ vơ giữa đường giữa chợ thế này.
Cái Mẫn bị ám ảnh bởi tiếng khóc của người mẹ mất con sợ hãi ôm ghì lấy chồng như sợ chồng nó bỏ nó mà đi mất. Mặt con Mẫn chợt tái đi vật vã với cái bụng kềnh càng nhăn nhó kêu đau.
- Cô ấy đau bụng đẻ rồi. Có ai đó nói.
- Mới có bảy tháng đã đẻ sao? Thằng chồng con Mẫn nói.
Kinh gọi xích lô bảo thằng chồng con Mẫn đưa vợ nó đến bệnh viện. Tới bệnh viện, con Mẫn đẻ non, đứa trẻ ra đời nửa tiếng sau thì chết. Đứa trẻ chết mà con Mẫn vẫn chưa tỉnh. Thằng chồng con Mẫn đứng giữa sân bệnh viện gào rống lên mấy tiếng rồi ôm bọc quần áo chạy biến về hướng cửa khẩu như người mất trí, bỏ mặc con Mẫn nằm mê mệt trong bệnh viện.
Nắng rừng rực lấp loá trên dòng sông biên giới. Dòng sông nước trong vắt, Kinh nhìn thấu những lớp đá nằm im lìm dưới đáy sông. Bên kia cầu nối liền hai nước Việt Trung nhấp nhô từng dãy nhà cao tầng của đất nước Trung Quốc rộng lớn. Kinh đuổi theo thằng chồng con Mẫn.
- Sình ơi Sình, về bên ấy gặp cô Mai bảo chú Kinh sẽ chờ ngày cô ấy về. Chú tin sẽ có ngày tất cả chúng ta sẽ gặp lại nhau. Sình ơi ời...
Nói với chồng con Mẫn xong, Kinh lượn đi lượn lại ngó nghiêng tìm nàng Mai lần nữa trong đoàn người xếp hàng chờ làm thủ tục xuất cảnh. Những người lính biên phòng đã để ý thấy Kinh có gì đó không bình thường liền mời Kinh vào đồn kiểm tra hành chính. Kinh ngồi trước mặt người lính biên phòng như kẻ tội phạm.
- Anh cho biết họ tên.
- Tôi là Đào Văn Kinh.
- Quê quán.
- Làng Đoài, xã Chiến Thắng, Huyện...Tỉnh...
- Anh ra đây có việc gì?
- Tìm vợ.
- Vợ anh tên là gì?
- Dư Thị Mai.
- Giấy hôn thú của anh?
- Không có.
- Không có đăng ký kết hôn sao là vợ chồng? Chúng tôi buộc phải giao anh cho công an thị trấn giải quyết...
Kinh được đưa về đồn công an thị trấn. Theo quy định mới, tất cả những người từ tuyến sau ra các huyện thị biên giới phải có giấy phép của UBND tỉnh cấp. Kinh không có giấy tờ gì buộc phải quay về tuyến sau tìm gặp Trần Tăng.
Đào Kinh tất bật ra bến leo lên chiếc xe khách về tuyến sau. Chiếc xe cà tàng cóc cáy chạy cậm cạch trên con đường ngoằn ngoèo qua các triền đồi. Mỗi lần leo dốc cao chiếc xe lại rùng rùng gầm lên xả ra luồng khói đen kít lẫn bụi đất đỏ cuộn lên mù mịt xộc cả vào trong xe nồng nặc mùi xăng dầu khét lẹt. Về tới tỉnh lỵ đã tám giờ tối, Kinh vào Ủy ban tỉnh xin gặp Trần Tăng mới biết Trần Tăng bây giờ đã là phó bí thư Tỉnh ủy. Bước vào căn phòng khách của Tỉnh ủy, Kinh có cảm giác bơ vơ. Đã mười năm chưa gặp Trần Tăng, Kinh không ngờ Trần Tăng lại phát tướng to cao vậy: dáng đi oai vệ, giọng nói sang sảng quyền uy. Nhìn thấu tâm can Đào Kinh, Trần Tăng cười tinh quái kẻ cả.
- Cậu có đắp vàng vào người vẫn cứ lộ rõ thằng nông dân làng Đoài. Nghe nói cậu lấy được cô vợ trẻ đẹp lắm phải không?
- Anh lại nghe người làng Đoài kháo nhau chứ gì. Đúng thế! Nhưng giờ thì người ta bỏ đi rồi. Tôi đến anh cũng chỉ xin anh cái giấy ra biên giới, hy vọng tìm gặp lại cô ấy.
- Cậu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân, không thấy được cái lớn lao của cả dân tộc. Thằng đàn ông nào mà chả đắm đuối vì tình, nhưng trong điều kiện hiện nay, cậu hãy quên cô nàng người tình Trung Hoa ấy đi. Chuyện đại sự của cả dân tộc chứ đâu phải chuyện riêng nhà cậu. Cậu hãy về với cô Cam làng Đoài của cậu đi! Chính tôi đã can thiệp với xã cấp cho cô ấy mảnh đất đẹp nhất ở đầu cầu, cô ấy đã làm được ngôi nhà to tướng đang chờ cậu về.
- Tôi thà đi ăn mày cũng không về lại làng Đoài.
Lời nói chí tình của Trần Tăng không ngờ làm Kinh đùng đùng nổi giận không thèm chào Trần Tăng nửa lời bước vội ra khỏi phòng khách tỉnh uỷ. Bụng đói cồn cào, Kinh đi dọc quốc lộ18 tìm quán ăn. Đêm đã về khuya, hai bên đường vắng tanh. Suốt một ngày ngồi trên xe vật vã vì đường xấu, giờ phải cuốc bộ, chân tay Kinh rã rời. Lẽ ra không giận dỗi với Trần Tăng thì giờ đã được ăn no ngủ say trong phòng khách sang trọng của Tỉnh ủy. Kinh vừa đi thỉnh thoảng phải đứng sững lại nhìn từng đoàn xe quân sự trùm kín bạt, và những chiếc xe bánh xích kéo những khẩu pháo nòng đen chũi và những chiếc xe tăng rùng rùng tiến ra biên giới. Chả lẽ lại xảy ra chiến tranh nữa sao? Lúc này Kinh mới thấy mình mù mờ chẳng hiểu gì tình hình thời cuộc. Có tiếng còi toe toe sau lưng, Kinh giật mình sững lại nhìn chiếc xe con lao tới phanh kít trước mặt Kinh. Cậu lái xe ngó ra khỏi ca bin nhìn Kinh cười.
- Mời chú lên xe.
- Cậu là ai?
- Chú cứ lên xe đã. Chú chả biết cháu đâu. Giờ chú cháu mình đi kiếm chỗ ăn ngủ đàng hoàng. Chú đi bộ hết đêm cũng chả mò ra chỗ ăn ngủ đâu.
- Trần Tăng phái cậu đi đón tớ chứ gì?
- Chú cứ lên xe, chú cháu mình sẽ nói chuyện. Cháu là Hoà, người làng Đông, cháu là bạn với Măng nhà chú.
Kinh được Hoà đưa vào một quán ăn chỉ còn lác đác vài ba người khách. Hoà gọi đĩa thịt lợn luộc, rót rượu mời Kinh chạm cốc. Từ mấy ngày nay Kinh mới lại được bữa ăn ngon. Đã gần tới mười hai giờ đêm, nhà hàng rục rịch đóng cửa, cậu Hoà trả tiền cơm rượu, đưa Kinh về phòng riêng của Hoà ở khu tập thể thương nghiệp. Rượu vào, Kinh phó mặc sự đời lăn ra giường Hoà đánh một giấc rõ sâu. Sáng dậy, Kinh được Hoà đưa ra cửa hàng ăn uống số1 ở trung tâm thị xã. Mấy cô phục vụ nhìn thấy Hoà đon đả mời Hoà và Đào Kinh vào phòng riêng dành cho người nhà cán bộ nhân viên cửa hàng.
- Anh Hoà và chú ăn gì?
- Cô cho chúng tôi hai bát phở bò.
Cô nhân viên nhanh nhảu bê ra hai bát phở đầy tú ụ bốc hơi nóng rẫy mời Đào Kinh và Hoà. Ăn phở xong, Hoà đưa Kinh sang quầy giải khát. Kinh ngỡ ngàng nhìn con Măng đang ngồi trước chiếc bàn tròn đặt sẵn ba cốc cà phê chờ Kinh. Con Măng nhìn Kinh mỉm cười nói mát.
- Bố ngạc nhiên cũng phải thôi. Bao năm rồi bố có hỏi han gì mẹ con con đâu. Bố ngồi xuống đi! Con biết bố về trong này từ tối qua, nhưng khuya quá con để bố ngủ cho khỏe. Con biết bố lúc này đang bị khủng hoảng về tinh thần vì cô người tình Trung Hoa của bố đã bỏ bố đi tút sang bên kia rồi đúng không?.
Con Măng nhìn Kinh trách cứ thăm dò. Mới có mấy năm, con Măng đã lớn thành cô gái phổng phao, mỡ màng giống y mẹ nó hồi trẻ: da trắng mịn, mắt long lanh. Con bé này cũng đáo để tinh khôn giống bố Trần Tăng nó. Nó sinh ra trên đời này là kết quả của những cơn cuồng loạn của nàng Cam Quýt Mít Dừa với Trần Tăng trong những ngày u mê cuồng tín của đời Kinh. Kinh cũng chẳng hiểu sao ngày ấy Kinh lại hèn hạ đến vậy? Suy cho cùng con Măng chẳng tội tình gì. Nó cũng phải đối mặt với chính cuộc đời này. Ngọt ngào cay đắng, âu là do số phận, do thời cuộc. Nó cũng đã biết chọn con đường đi theo Trần Tăng. Nó đâu hiểu được sự bỏ làng Đoài ra đi của ta là vì lẽ gì?
- Mày đi bỏ lại mẹ mày một mình sao?
- Con không đi, ở nhà trông ngóng bố mẹ có mà chết đói.
- Con này lại học thói chanh chua của mẹ mày. Tao nói vậy thôi, mày thoát khỏi sớm cái làng Đoài lên đây là phúc rồi con ạ.
- Chú Kinh ơi, Măng bây giờ đã là cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống số1 này đấy chú ạ. Cậu Hoà liếc Măng bằng ánh mắt láu lỉnh khoe.
- Giỏi vậy sao?
- Giờ bố phải về ở với mẹ con ở làng Đoài, con Măng cười, lên giọng khuyên Kinh, con sẽ chu cấp cho bố mẹ đầy đủ mọi thứ. Bố bỏ nhà đi, nay mai anh Vương về, anh ấy không để bố yên đâu.
- Mày hãy lo lấy thân mày í. Tao đã thề không thèm về làng Đoài.
Kinh đứng dậy bước nhanh ra khỏi cửa hàng ăn uống số1. Kinh lang thang trên con đường giữa trung tâm thị xã người xe hối hả qua lại. Những chiếc xe chở đồ chất ngất chạy từ các huyện biên giới miền Đông sơ tán về các huyện miền Tây hú còi inh ỏi. Một người đàn ông cụt mất một chân, khoác chiếc áo bộ đội bạc phếch ngồi vá săm xe dưới gốc bàng gần ngã tư chửi đổng giữa giời.
- Mẹ kiếp! Vừa đánh nhau chí tử xong, hoà bình được mấy bữa giờ lại rục rịch chuẩn bị... Cái đất nước này chỉ đánh nhau là giỏi.
- Cái ông này phát ngôn bậy bạ- chị phụ nữ ngồi chờ vá săm xe lên tiếng phản đối- Giặc đến nhà không đánh thì bỏ chạy được sao?
- Nhà chị này cũng khí phách nhỉ. Xứng danh phụ nữ Việt Nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang. Nói cho bõ tức thế thôi, người như tôi còn đánh đấm được ai.
Đào Kinh tha thẩn ra phố Bến Tầu. Đã sắp đến giờ có chuyến tầu khách chạy miền Đông, từng đoàn người gồng gánh mang vác đồ đạc lỉnh kỉnh dắt díu nhau ra bến như chạy loạn. Ra tới bến, Kinh đứng sững sờ nhận ra đây là chuyến tầu đặc biệt dành riêng cho số người Hoa về nước. Nhìn nét mặt người nào cũng nhăn nhó, ánh mắt thất thần. Từng tốp người túm tụm dặn dò chia tay nhau, kẻ đi người ở bịn rịn khóc thương nức nở. Có nhà chồng đi vợ ở lại, có nhà vợ đi chồng ở lại. Trẻ con người già dắt díu bước xuống cầu tầu, tiếng la ó kêu khóc gọi nhau í ới. Trong đám người nhớn nhác, Kinh nhận ra người đàn ông cụt một chân đang giằng co níu giữ không cho người vợ xuống tàu kia chính là người sửa xe đạp ở bên gốc bàng lúc nãy.
- Mẹ kiếp, tôi đã bảo là cô không phải đi đâu hết. Tôi là thương binh đã đổ máu trên mảnh đất này lại không bảo lãnh để cô ở lại sao? Hay cô sợ ở lại sau này phải hầu hạ thằng cụt này thì cô cút đi, cút đi.
Người đàn ông tập tễnh chống nạng bỏ đi. Cô vợ hốt hoảng khóc tu lên, níu tay chồng.
- Em phải đi... phải đi, không thể ở lại được đâu anh ơi!...
Trong đoàn người xếp hàng xuống tầu có người phát hiện thấy có cả anh hùng lao động Voòng A Sình.
- Có đúng Voòng A Sình không?
- Ông ấy kia kìa, đúng chưa?
- Ông ấy đúng là người anh hùng lừng lẫy một thời ở đất này ai chẳng biết.
Con tàu rùng rùng nổ máy. Đoàn người trên bến đã xuống tầu hết còn trơ lại mỗi ông già đứng chơi vơi giữa cầu tầu khóc rống lên: Ối con ơi là con! Con tha lỗi cho bố! Bố đâu muốn bỏ con mà đi thế này. Giờ thì bố không còn cách nào để vào trong ấy đón con về với bố được nữa rồi. Bố phải về bên kia lần này biết bao giờ mới được trở lại đón con về...
Mặc cho mọi người hối hả cuống cuồng, ông già vẫn tức tưởi đứng khóc than giữa cầu tầu. Con tầu bỗng tu lên hồi còi dài âm vang, cả khoảng trời ong ong xám ngắt. Những ánh mắt rưng rưng từ cửa sổ con tầu dõi nhìn người thân trên bến.
- Tầu sắp chạy ông có đi không hả?- Tiếng quát của nhân viên nhà tầu khiến ông già giật thót người. Ông chợt bừng tỉnh lại khóc rống lên: Ối con ơi là con! Biết đến bao giờ bố mới đón được con về? Bố phải đón được con về bố mới yên lòng.
- Con cụ bây giờ ở đâu?
- Nó ở mãi trong rừng Trường Sơn í, nó đã chết từ hồi đánh Mỹ. Khổ thân con tôi không cơ chứ, đã mấy lần tôi định đi đưa nó về với tôi nhưng mọi người lại bảo chiến tranh bom đạn bời bời chắc gì còn giữ được xương cốt mà vào. Giờ thì làm sao bố còn thời gian mà vào đón con được nữa. Lượng ơi là Lượng...
Đất trời như quay cuồng, Kinh nhìn ông già lại nhớ tới nàng Mai giờ này đang ở đâu. Mấy con hải âu nghiêng cánh chao liệng dỡn đùa trên sóng. Kinh nhìn theo bước chân ông già lập cập bước lên boong tầu. Con tầu rùng rùng chuyển động rời bến cuộn lên một dòng nước sôi sục trắng xoá thành một vệt dài xa dần, xa dần. Đào Kinh nhìn mầu biển lẫn mầu trời xanh ngăn ngắt...
An cư lạc nghiệp. Còn chút vốn liếng Mai để lại, Kinh đi lần mua nhà để ở chứ không thể lang thang ở đất thị xã này mãi được. Giữa thời buổi nhộn nhạo chỉ vào xóm Hoa Kiều mua nhà là rẻ. Xóm Hoa Kiều này đã có lần Kinh theo nàng Mai vào giao hàng hồi đầu năm. Kinh không ngờ xóm Hoa Kiều sầm uất đông vui vậy bây giờ xơ xác vắng vẻ đến lạnh người. Những ruộng rau muống khô héo, những vạt rau cải vàng rụi trơ gốc. Có những căn nhà chính quyền còn dán niêm phong kín mít không người ở. Có nhà trước khi đi đã kịp bán rẻ hoặc làm giấy ủy quyền cho người hàng xóm trông coi nhờ bán giúp. Có nhà không bán được thì đập phá cho tan hoang ra hoặc yểm bùa mê ma quái hại những người nào đến ở.
Kinh được một bà cụ già trong xóm dẫn đến gia đình người Hoa duy nhất còn lại trong xóm này. Kinh theo cụ già bước qua một cái cổng gỗ rệu rạo khép hờ của ngôi nhà lợp ngói ống kiểu cổ, rêu mốc đen sì. Con chó đen đang thiu ngủ trên bậc thềm giật mình bật dậy tru lên mấy tiếng, nhận ra cụ già quen, nó liền vẫy đuôi mừng quấn quýt.
- Con Đen! Thôi nào, chủ mày ngủ say hay sao mà im ắng thế này hả. Cụ Trể ơi ời, có khách đến mua nhà đây này.
Trong nhà âm u tối mờ, mùi ẩm thấp khai khẳn xộc lên. Từ chiếc giường kê ở mãi đầu hồi phát ra tiếng rên, tiếng thở dốc của người mắc bệnh hen suyễn. Kinh tới gần mới nhận ra cụ già đen đúa gầy guộc như bộ xương ngồi co rúm trong chiếc màn nâu sỉn giương đôi mắt thô lố nhìn Kinh.
- May anh đến bữa nay cụ còn tỉnh táo ngồi dậy được!- Cụ bà hàng xóm nói, từ bữa con cháu cụ bỏ về bên kia, chúng nhờ tôi chăm sóc cơm nước ngày ba bữa cho cụ. Sức cụ yếu lắm rồi chả biết còn sống được mấy bữa.
Cụ già đưa cánh tay run rẩy gầy ngoẵng chỉ cho Kinh ngồi xuống chiếc ghế. Cụ già cố lết ra khỏi màn buông thõng hai chân xuống nền nhà.
- Cụ cứ ngồi đấy, để tôi tiếp khách cho cụ.
- Cảm ơn, cảm ơn! Cụ già gật đầu ngước cặp mắt mờ đục nhìn lên gian thờ, giọng cụ yếu ớt.
- Tôi sang đây tránh loạn cúng tổ tiên tôi muốn ở đất này hết đời mình. Căn nhà này, tôi và các con tôi đã mất bao công sức mới gây dựng được. Cụ già nói trong nỗi xúc động. Cụ ho khan một hồi, nước mắt ứa ra. Con chó đen ngồi chồm hỗm giương mắt nhìn chủ cảm thông. Cụ bà hàng xóm rót chén nước đưa cho cụ ông. Cụ ông người Hoa uống xong chén nước đưa tay vào túi áo móc ra tờ giấy gấp nhỏ đưa cho Kinh, Kinh cầm tờ giấy đọc những dòng chữ viết nghệch ngoạc.
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Giấy biên nhận. Tên tôi là Dương Quốc Minh, con trai ông Dương Quốc Trể, người Việt gốc Hoa, nay theo tiếng gọi thống thiết của Tổ quốc Trung Hoa vĩ đại, gia đình tôi phải về Trung Quốc. Vì hoàn cảnh bố tôi đã 93 tuổi, sức yếu lực kiệt, lại đang trong thời kỳ bệnh nặng không ra đi gối sóng nằm sương trên đường trở về Trung Quốc được. Vả lại, tập tục người Hoa chúng tôi rất sợ phận làm con mà để bố mẹ phải chết giữa đường giữa chợ là mắc tội bất hiếu nên tôi viết giấy này tha thiết xin chính quyền Việt Nam cho bố tôi được ở lại chết trên mảnh đất này. Được chết trong ngôi nhà của mình- ngôi nhà mà cả đời bố con tôi mới gây dựng được là điều phúc đức cho bố tôi. Trước khi bố tôi chết, tôi đồng ý để lại căn nhà bố tôi đang ở cho ai tình nguyện chăm sóc nuôi dưỡng bố tôi trong những ngày cuối đời...
Kinh bàng hoàng xúc động trước lời lẽ tha thiết của người con buộc phải ra đi bỏ lại cha mình nơi đất khách quê người. Trong tâm trí Kinh gợi lên cảnh những người Hoa nằm ngả ngốn chờ làm thủ tục xuất cảnh trước cửa khẩu biên giới bữa đi tìm nàng Mai. Kinh đứng dậy, đặt tờ giấy lên ban thờ thắp ba nén hương xin trời phật cho phép Kinh được chăm sóc cụ già chủ nhà này. Khấn xong, Kinh lấy ít tiền đưa cho bà cụ hàng xóm. Cám ơn cụ đã làm phúc chăm sóc người bạn láng giềng tốt bụng của cụ không chút vụ lợi. Con cảm ơn cụ, cụ cứ coi như con là con cái cụ chủ nhà đây. Từ nay con xin được thay cụ làm mọi công việc nghĩa ngọn này.
Kinh tiễn cụ già ra cổng. Con chó chạy ra sân ngửa cổ lên trời tru lên hồi dài rên rỉ. Kinh bước vào trong nhà đỡ cụ già nằm xuống giường.
- Từ nay con sẽ ở đây chăm sóc cụ chu đáo. Cụ thích ăn gì cụ cứ nói. Con với cụ bây giờ cùng cảnh ngộ. Vợ con cũng là người Hoa đã bỏ con về bên ấy rồi cụ ạ.
- Trời đã đưa anh đến đây giúp tôi đấy mà. Cụ chủ nhà nói, tôi giờ chỉ mong có người có tiếng cho đỡ buồn thôi. Thực ra con cái tôi trước lúc đi chúng đã chuẩn bị cho tôi đầy đủ mọi thứ nào khoai, gạo chất đầy trong buồng đấy. Nó còn sắm cả cho tôi cỗ quan tài từ chục năm nay mà tôi vẫn chưa chết, vẫn cứ sống cho tới nay. Giá mà tôi chết sớm vài năm thì đâu đến nỗi này. Cỗ quan tài kia bằng gỗ vàng tâm dày những ba phân cơ đấy. Loại gỗ quý này đóng áo quan là nhất, ngày xưa chỉ vua chúa mới có. Đời tôi được sống trong căn nhà này, lúc chết được nằm trong cỗ quan tài kia là sung sướng lắm rồi.
Kinh bước tới trước ban thờ trống không, chỉ còn lại duy nhất một bát hương. Bài vị gia tiên cậu con trai đã mang về Trung Quốc. Phía dưới là cỗ quan tài được kê bằng hai cái liễng gỗ. Cỗ quan tài được trạm trổ những đường nét hoa văn rất tinh xảo, màu vàng óng của gỗ vàng tâm toả hương ngan ngát. Quan niệm của người Hoa rõ kỳ lạ, họ lo chăm chút cho cái chết còn quan trọng hơn cả sự sống hàng ngày.
Kinh chăm sóc cho ông cụ được một tuần thì cụ đi. Trước lúc hấp hối cụ đưa cho Kinh bọc tiền mà không nói được với Kinh lời nào. Cụ chỉ nhìn Kinh bằng ánh mắt biết ơn. Kinh lấy số tiền của ông cụ đưa lo đám tang cho cụ chu đáo. Kinh cảm thấy mình như được thánh thần phù hộ. Chỉ trong vòng có tuần lễ Kinh được cả cơ nghiệp gia đình người Hoa phải chắt chiu cả đời mới có được.
Sau cái chết của cụ già người Hoa, Kinh lại được mọi người trong xóm kính trọng yếu quý. Cái xóm nhỏ đa phần người Hoa vừa trải qua cơn biến động, nỗi khiếp hãi vẫn còn ám ảnh trên gương mặt những người còn ở lại. Đêm đêm người ở lại vẫn giật mình thon thót mỗi khi nghe tiếng bước chân ngoài đường ngoài ngõ. Tiếng đập cửa rầm rầm thỉnh thoảng vẫn vọng về trong những giấc mơ hoảng loạn. Những vết máu đỏ thẫm, loang lổ trên các bức tường, trên cánh cửa mỗi nhà nay đã được xoá sạch. Nhưng đêm đến người ta vẫn vong vóng nghe tiếng khóc than của những oan hồn kẻ ra đi bị chết đuối vì đắm tàu, hoặc chết vì ốm đau bệnh tật đang còn vật vờ lẩn khuất đâu đây. Có tiếng gõ cửa. Ai lại đến đây vào giờ này? Kinh ra mở cửa. Một thanh niên trông khôi ngô trẻ trung đứng sững trước mặt Kinh.
- Cháu xin phép được thưa với chú câu chuyện. Cậu thanh niên bước vội vào trong nhà. Cháu nghe nói chú đang cần người làm thủy thủ phải không ạ? Cháu có thể làm được thuỷ thủ, lái được tầu thuyền. Cháu bây giờ đang bơ vơ. Nhà cháu đang bị chính quyền niêm phong mà không dám quay về chú ạ. Bỗng dưng cháu trở thành kẻ không nhà, không cha không mẹ, không anh em họ hàng người thân.
- Trước đây gia đình cháu sống ở đâu?
Cháu chính là người sinh ra và lớn lên từ bé ở trong xóm này. Từ bé cháu cứ đinh ninh cháu là con người Hoa. Cả nhà cháu quyết định về Trung Quốc sau cái đêm người ta đến đấm cửa thình thình. Lúc cả nhà cháu đã xuống tầu hết, chỉ còn cháu đang bước xuống cầu tầu thì bất ngờ mẹ cháu hoảng hốt quay lại nói “Con phải ở lại Việt Nam bởi con không phải là con đẻ của bố Tình”. Nghĩa là cháu không mang dòng máu người Hoa. Mãi tới phút trót mẹ cháu mới dám nói ra điều bí mật chỉ có mẹ cháu biết. Mẹ cháu đau đớn thú nhận tội lỗi đã phản bội bố Tình, người đàn ông gốc Hoa mà mẹ cháu lấy làm chồng. Mẹ cháu nói bố đẻ của cháu là người Việt Nam và đưa cho cháu địa chỉ của bố đẻ để cháu đi nhận bố. Mẹ cháu cuống quýt bảo cháu phải ở lại đi tìm bằng được bố đẻ cháu và còn doạ cháu mà sang Trung Quốc, họ sẽ thử máu, phát hiện cháu không phải con bố Tình, không phải dòng giống người Hoa họ sẽ giết chết cháu và giết luôn cả mẹ cháu vì tội phản bội chồng. Vậy là cháu đành phải nghe lời mẹ cháu cầm tờ giấy ghi địa chỉ của người bố mà cháu chưa hề biết mặt tên là Hồng. Đúng lúc ấy con tầu rùng rình nổ máy, cháu hớt hải chạy lên khỏi cầu tầu. Đầu óc cháu quay cuồng nghe tiếng còi tầu rúc lên báo rời bến đưa mẹ và các em cháu ra đi rời xa cháu mãi mãi. Cháu sẽ không bao giờ còn được gặp mẹ cháu và các em cháu nữa.
- Mẹ cháu buộc phải làm thế, cháu hiểu không. Kinh an ủi cậu bé, giờ bằng mọi cách cháu phải đi tìm bố cháu.
- Cháu đã đi tìm rồi chú ơi, cậu thanh niên lại thanh minh. Cháu lần theo địa chỉ về quê bố cháu thì bố cháu đã chết rồi. Cả họ hàng, gia đình bố cháu chẳng ai dám nhận cháu là con của người đã chết. Có lẽ họ sợ phải dây dưa tới mẹ cháu là người Hoa.
- Cháu cứ về ngôi nhà của mẹ cháu để lại sợ gì? Đào Kinh nói.
- Không được đâu chú ơi, cậu thanh niên lại nhăn nhó, căn cứ theo giấy tờ cháu vẫn là con của bố mẹ người Hoa. Ai chứng minh cháu mang dòng máu Việt. Đã là người Hoa mà không trở về Tổ quốc sẽ bị trừng phạt. Cậu thanh niên nói với nỗi lòng tha thiết, cháu xin chú cho cháu trốn xuống thuyền làm thủy thủ cho chú, cháu hứa sẽ làm tốt mọi việc. Chú cưu mang cháu qua khỏi lúc khó khăn này cháu ơn chú suốt đời. Người bố đẻ ra cháu đã chết rồi, nếu chú cho phép cháu nhận chú là bố để người ta khỏi nghi ngờ.
- Được, hãy biết vậy. Đào Kinh vui vẻ nói, cậu còn kém cả tuổi thằng con trai tớ. Thằng Vương con trai tớ đã đi bộ đội chiến đẫu mãi tít trong Nam cũng chẳng biết sống chết thế nào. Giờ thì cậu cứ ngủ một đêm cho thật thoải mái, thật yên lành. Cho dù cậu có là ai cũng vẫn phải sống một cuộc sống thật tốt đẹp. Tôi sẽ giúp cậu, cậu tên gì?
- Cháu tên Tráng.
Đêm trong căn nhà này lại có thêm một kẻ bơ vơ không cha không mẹ, không cả quê hương. Cầu mong cho chàng trai tên Tráng mơ một giấc mơ yên bình.
o O o
Mây để chồng nằm lại trong rừng, một mình mò về thị trấn.
- Mây ơi, mày đi đâu bây giờ mới về hả? Vừa về tới nhà, cô Lùn đã lu loa, thằng chồng con Mẫn, con Thuần bỏ đi cả rồi. Con Mẫn thì đẻ non, con nó chết rồi. Chồng con Thuần thì mang cả thằng Tốn đi theo. Cậu Sáng đâu mà mày về có một mình hả?
- Suỵt, cô nói gì mà oang oang cái miệng, Mây thì Thào, anh Sáng nhà cháu cũng đi rồi.
Cô Lùn dắt tay Mây vào trong nhà, cô dựng hai đứa trẻ còn đang ngủ dậy.
- Chúng mày muốn tính gì thì tính, phải vì hai đứa trẻ này, cô Lùn lo lắng, đêm qua chúng mày không về, họ lại đến nói, nếu không đi chúng sẽ phóng hoả đốt nhà. Tao đã nói rồi, chuyện này không đùa được đâu, hay là ngày mai ta cứ cho thằng Trong thằng Trung về làng Đoài.
- Cháu đã bảo không thể về quê được, cô chẳng hiểu chi cả. Mây gắt lên.
- Quê hương sao lại không về được. Cô Lùn gắt, chúng mày không về mai tao về một mình vậy.
- Cô hãy trông hai đứa trẻ, cháu chạy sang nhà cái Mẫn cái Thuần xem sao.
Mây chay sang nhà Mẫn, bà Cháo ra mở cửa, Mây hớt hải bước vào. Vừa nhìn thấy Mây, Mẫn lại tấm tức khóc. Mây cũng không cầm lòng khóc theo em gái. Tình cảnh Mây lúc này cũng đang sống dở chết dở.
- Mẹ ơi, cô Lùn đòi bỏ về làng Đoài, con đành phải nhờ mẹ sang trông thằng Trong thằng Trung giúp con, một mình con không thể lo hết công việc nhà.
- Thằng Sáng đi, còn để lại thằng Trong thằng Trung là phúc cho con rồi, còn kêu ca nỗi gì. Bà Cháo an ủi con gái, cố mà chăm cho chúng nó nên người con ạ.
- Mẹ chẳng hiểu gì cả, họ để yên cho mà nuôi con thì đã tốt, con lo thằng Trong thằng Trung cũng không được yên đâu mẹ ơi. Suốt đời nó vẫn mang dòng máu Hoa kiều ở đất này sao được.
Sáng hôm sau cô Lùn về làng Đoài, bà Cháo phải sang ở với Mây để trông hai đứa cháu. Mây thú nhận với mẹ hết mọi chuyện về Sáng.
- Trong tình cảnh này chúng mày tính thế là phải, bà Cháo khen, vợ chồng sống có tình có nghĩa trời sẽ phù hộ.
Nửa tháng sau, theo đúng hẹn, Mây lại lên rừng tiếp tế cho chồng. Mây chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết từ dao cạo râu, khăn mặt, xà phòng, thuốc chống muỗi và mua mấy cân cá khô mang lên cho Sáng. Lần này Mây định đi chuyến xe sớm để có thời gian ở với Sáng được lâu hơn. Từ ngày cưới, vợ chồng chưa bao giờ rời nhau, lần này mới xa nhau có nửa tháng Mây đã cảm thấy như đã hàng năm. Chị háo hức mong được gặp Sáng. Đêm đêm chị ngủ trong nỗi lo sợ và thường mơ những giấc mơ kỳ lạ hãi hùng. Có lần Mây mơ thấy mình đi cất vó tôm đêm với cô Lùn trên cánh đồng làng Đoài bị đàn hủi từ ngôi mộ mẹ chú Kinh bên kia sông đánh hơi bay tới từng đàn. Mây kinh hoàng cởi vội quần áo vứt lại cho đàn hủi nó bâu rồi nhẩy xuống sông Đình. Mây trần truồng bơi trên dòng sông để chạy trốn. Dòng sông Đình đêm đến đỉa từ khắp các ao chuôm, đầm lạch ruộng đồng túa ra như rươi. Mây bơi tới đâu, đỉa cũng bơi theo từng đàn. Những con đỉa đói nhẽo nhèo dai nhách bâm chặt vào da thịt Mây, chúng hút những tia máu ngọt lịm từ cơ thể non mởn của Mây. Chỉ loáng cái, lũ đỉa đói bám trên người mây đã hút đầy bụng máu căng tròn. Đúng là giống đỉa tham lam, bụng chúng càng phình to ra thì cơ thể Mây càng tóp lại. Lũ đỉa đã hút kiệt những giọt máu cuối cùng trong người Mây khiến Mây không còn đủ sức lực để bơi vào bờ. Mây hụt hẫng chìm dần xuống dòng sông Đình và lại hoá thành con đỉa. Mây kinh hoàng tỉnh dậy mới biết mình vừa mơ một giấc mơ quái đản. Có đêm Mây lại mơ thấy Sáng bị hổ vồ. Mây gào khóc chạy loạn lên trong rừng tìm chồng. Từ một tảng đá cạnh con suối, Mây nhìn thấy con hổ vằn đang thản nhiên xé từng miếng mồi ăn ngon lành. Miếng mồi trong bữa tiệc thịnh soạn của loài chúa sơn lâm chính là xác chồng Mây. Vừa ăn, con hổ vừa ngắm bóng mình dưới dòng suối trong vắt, nó khoái chí xé con mồi ra từng mảng phơi trên tảng đá, máu chảy loang đỏ cả dòng suối. Đồ quỷ dữ, Mây hét lên giật mình tỉnh giấc nhận ra mình lại vừa nằm mơ. Mây vùng dậy thấy trời đã sáng, ánh sáng trong lành của buổi sáng làm tâm trí Mây nhớ lại nhiệm vụ phải đi gặp chồng. Mây gọi mẹ dậy trông thằng Trong, thằng Trung để Mây ra xe cho kịp chuyến sớm.
Vào tới cửa rừng, không còn sợ ai nhìn thấy, Mây cắm đầu chạy theo con đường mòn vào tới đoạn suối quanh chỗ cây gội lần trước. Cả khu rừng lặng im, không thấy bóng dáng tăm hơi Sáng đâu. Mây đứng lặng quan sát mọi cảnh vật xung quanh. Theo thoả thuận với chồng, Mây ra hốc đá bên suối chỗ bữa trước ngồi vo gạo, Mây rờn rợn nghĩ tới giấc mơ đêm qua Sáng bị hhỏ ăn thịt. Mây luồn tay lật hòn đá nhỏ lấy ra chiếc lọ nhựa có nắp xoáy, bên trong đựng mảnh giấy vẽ đường để đến nơi Sáng đang ở. Theo sơ đồ, Mây đi lên thượng nguồn con suối chừng cây số, tới một thác nước đang đổ ầm ào. Luồn qua một vạt rừng nhằng nhịt dây leo Mây vào một chiếc hang nhỏ trong vách núi. Trong hang thâm u mờ ảo, Mây nghe rõ tiếng bước chân, lẫn tiếng tim mình đập thình thịch. Sự nôn nóng được gặp chồng khiến Mây không thấy sợ.
- Anh Sáng ơi, em đến với anh đây, tiếng Mây vang lên rồi lặng đi. Từ trong bóng tối nghe có tiếng rên yếu ớt, Mây sững người, nhắm mắt lắng nghe tiếng rên phát ra từ đâu.
- Mây ơi, anh ở đây.
Nghe rõ tiếng gọi của chồng, Mây bước lên mấy bước nhận ra Sáng nằm co rúm trong bóng tối lạnh lẽo. Mây nhào tới quỳ sụp xuống ôm Sáng vào lòng. Người Sáng nóng hầm hập run rẩy trong vòng tay Mây. Mới có nửa tháng trời mà thân hình Sáng teo tóp lại không còn sức sống.
- Trời ơi, sao lại khốn khổ thế này anh Sáng ơi.
- Anh bị sốt thôi mà, không sao đâu. Sáng nói trong hơi thở nóng rẫy. Anh mong em từng ngày. Thằng Trong thằng Trung có an toàn không? Anh lo cho các con quá.
- Các con vẫn khoẻ, cô lùn về quê rồi, mẹ phải sang ở với em. Dì Mẫn đẻ non, đứa bé chết rồi. Khổ thân dì Mẫn, vừa đẻ xong chưa kịp tỉnh dậy thì đứa bé đã chết, chồng lại bỏ dì ấy về bên kia rồi. Còn chồng dì Thuần cũng đã cuỗm luôn thằng Tốn đi trong đêm, sáng dậy mới biết mình đã mất chồng mất con. Lần này em lên đây bàn với anh, tình hình căng thẳng, có khi phải cho con về quê làng Đoài.
- Không được đâu em ơi, Sáng run rẩy nói,Về làng Đoài người ta vẫn biết thằng Trong thằng Trung là con chúng ta. Nửa tháng nay anh đã suy nghĩ mãi rồi, phải cho thằng Trong thằng Trung lánh vào bản nhờ người dân tộc nuôi giúp. Chả là bữa trước anh giả làm cán bộ kiểm lâm lần vào trong bản người dân tộc Tày, anh gặp cảnh cả hai vợ chồng nhà ấy đều bị sốt cao, anh chồng lên cơn co giật còn người vợ thì nằm run rẩy chẳng làm được gì giúp chồng. Anh đã cho họ uống mấy viên thuốc em mua cho anh đấy, chỉ vài ngày sau, vợ chồng họ khỏi sốt. Họ bảo anh đã là ân nhân cứu mạng của họ. Bây giờ thì anh được họ tin cậy, em cứ về đưa con lên đây, anh sẽ nhờ vợ chồng họ nuôi giúp. Họ sẽ nhận thằng Trong thằng Trung là con họ. Ta cứ tạm dấu biệt tung tích con của chúng ta, đổi họ đổi tên cho chúng...
- Nhưng anh còn đang bị sốt làm sao em bỏ anh ở đây một mình.
- Anh tự lo được, quan trọng hơn phải giữ an toàn cho các con. Sáng run rẩy nắm tay vợ. Mây xúc động ôm tấm thân gầy guộc nóng rẫy của Sáng vào lòng.
- Anh phải ăn và uống thuốc cho khoẻ em mới yên lòng quay về. Mây nói và vùng dậy lấy từ trong túi vải ra mấy thứ đã chuẩn bị từ ở nhà mang lên để Sáng dùng. Mây tất bật nhóm lửa nấu cháo cho Sáng. Nằm nhìn mấy thứ xà phòng, khăn mặt, thuốc đánh răng và mấy bộ quần áo Mây mang lên, Sáng mừng rơn.
- Mấy thứ kia anh không dùng đâu, em gói lại khi nào em đưa các con lên đây, ta mang vào bản làm quà...
- Anh cứ dùng, em sẽ lại mang lên nữa. Mây nói, mắt đăm đăm nhìn vào ánh lửa cháy lem lém quanh nồi cháo đang sôi lục bục. Giá mà vợ chồng mình được sống tự do, chúng ta đưa cả các con lên đây sống như người rừng vẫn sướng.
- Anh cũng rất muốn được sống gần em, gần các con, nhưng kéo nhau lên đây cả thì lấy gì ăn?
Cho chồng ăn cháo xong, Mây lại tất tả ra khỏi rừng cho kịp chuyến xe cuối cùng trong ngày. Về tới nhà, trời đã tối, Mây băn khoăn có nên cho mẹ biết kế hoạch của vợ chồng đã bàn tính cho thằng Trong thằng Trung vào bản. Bà Cháo đang lúi húi cho hai đứa cháu ăn, thấy Mây về, hai đứa trẻ háo hức nhoài vào lòng mẹ. Mây ôm cả hai đứa con vào lòng rưng rưng nước mắt. Tình cảnh này mẹ đành phải tạm xa các con thôi.
- Mẹ ơi, con đành phải gửi các cháu lên chỗ nhà con cho qua lúc này.
- Liệu có tin cậy không? Trông gương hai thằng chồng con Mẫn con Thuần đấy. Không tỉnh táo có ngày nó lại ẵm hai đứa về bên kia thì trắng tay con ạ.
Nghe mẹ nói, Mây thấy gai lạnh trong người. Không, chồng Mây khác, Sáng sống tình nghĩa. Sáng mà như chồng cái Mẫn, chồng cái Thuần thì anh ấy đã ôm con trốn đi ngay từ ngày đầu rồi, chẳng vạ gì phải sống chui lủi trên rừng cho khổ. Mây cho hai đứa con ăn nốt bát cháo dở rồi ôm con đi nằm. Trải qua một ngày căng thẳng, Mây thiếp đi.
Sáng dậy, Mây ra bến sông giặt quần áo. Chưa bao giờ ra bến sông Mây lại có tâm trạng nặng nề như lúc này. Dòng sông vẫn lặng lẽ trôi về biển. Mây đứng ngẩn ngơ nhìn về ngã ba sông, nơi dòng nước cuộn sôi lên chia làm hai ngả nhưng đều chảy về với biển. Biển là mẹ hiền của những con sông đón nhận tất cả niềm vui và nỗi buồn. Phìa dưới ngã ba có cây cầu nối đôi bờ dòng sông biên giới. Cây cầu tình nghĩa của hai nước Việt Trung đã in bao dấu chân của những cặp gái trai hò hẹn đi về. Mới ngày nào Sáng còn đưa Mây qua cầu về Trung Quốc, hai đứa ngồi xe xích lô đi ăn món Bánh Bao nóng và món Mằn Thắn có những sợi nhỏ đều như những sợi tơ hồng. Ngày ấy Mây thấy cuộc sống thật hạnh phúc yên bình.
Mây nhìn bầu trời ong ong vần lên từng mảng mây đen như sắp có giông. Dòng sông biên giới không một bóng dáng con đò qua lại. Từ mấy ngày nay dân thị trấn phải sơ tán triệt để thực hiện chính sách vườn không nhà trống. Bất chợt phía đầu cầu vang lên một loạt tiếng nổ rung chuyển đất trời, đạn pháo reo réo bắn vào đồn biên phòng và trạm hải quan, khói bụi mù mịt. Những bóng người táo tác chạy trong khói pháo.Thị trấn rùng rùng chuyển động. Chiến tranh đã xảy ra.
Mây hớt hải chạy về nhà vơ vội áo quần ấn vào chiếc túi xách.
- Đánh nhau to rồi mẹ ơi, Mây nói, mình phải rời khỏi nơi này ngay hôm nay.
Dưới Chín Tầng Trời Dưới Chín Tầng Trời - Dương Hướng Dưới Chín Tầng Trời