Nhiều sự thất bại trên đời là do người ta không nhận ra người ta đang ở gần thành công đến mức nào khi họ từ bỏ.

Thomas Edison

 
 
 
 
 
Tác giả: Pierre Rey
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Bản Quyên
Biên tập: Minh Nguyen
Upload bìa: Minh Nguyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3957 / 41
Cập nhật: 2015-11-05 09:29:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
ừ khi bắt đầu mọc râu, lần đầu tiên đã tám giờ sáng mà Bletsơ vẫn chưa cạo mặt. Thật ra anh cũng chẳng ngủ nữa. Sau cuộc xung phong vào Sữa và Bơ Thụy Sĩ, anh đã phải lo liệu cho xong những hậu quả. Nào người chết, nào người bị thương. Tổn thất của cả hai bên là nặng nề. Hai thanh tra có tương lai, Hanx Brêghen và Pôn Rômason đã tan thây tại đường Xtămphenbách bởi một quả lựu đạn. Hai cảnh sát đồng phục bị bỏng cấp ba. Ba người bị thương vì đạn trong xưởng sữa và ba người chết, trong đó có Sơlinhlơ, người đã can đảm leo lên mái nhà để chặn đường rút của bọn chạy trốn. Sơlinhlơ bị viên đạn đum đum của một khẩu Hecxtan làm cho vỡ tan đầu.
Còn bọn phá hoại thì chết chín tên. Trong người chúng không tìm thấy một tấm căn cước nào. Ba tên bị bắt sống vết thương toang hoác phải nằm bất động. Một tên háng gẫy rời - được truyền máu ngay trong xe cứu thương, tên kia thì hai viên đạn vào ngực. Các bác sĩ đã từ chối việc Bletsơ muốn hỏi cung chúng, chừng nào tình trạng sức khỏe chúng vẫn còn nguy ngập. Nếu hai đứa cũng ba hoa như đứa thứ ba, đứa duy nhất không bị sứt mẻ, thì hỏi chúng cũng lại vô tích sự như hỏi các bức rào chắn đặt trên đường để ngăn giữ những tên đã trốn thoát được.
Như những tên kia, hắn cũng chẳng có giấy tờ gì. Mặc dù hắn bị một viên đạn thủng đùi, Bletsơ vẫn yêu cầu các bác sĩ trả hắn cho mình sau khi đã tạm băng bó. Mặc các mánh khoé hỏi cung, các dọa nạt, giận dữ, trung úy vẫn không thể nào cậy được ở hắn ra một lời, không gì hết... Tựa hồ hắn từ một hành tinh xa lạ đến, không hiểu ngôn ngữ trái đất.
Hắn cự tuyệt cả thuốc lá, bia, bánh kẹp thịt đem tới.
Bảy giờ sáng, đúng lúc Bletsơ sắp sửa đi thì cái bộ ba bất kham thình lình đổ bộ vào bàn giấy: đại úy Kiêcpatric, trung úy Phinnơgơn và Xcốt Đemxây, người của Uỷ ban chứng khoán. Giận quá, Bletsơ đã tống họ ra cửa sau một cuộc trao đổi lời lẽ rất gay gắt và thiếu xã giao. Kiêcpatric lại còn tự cho phép mình dạy dỗ anh:
- Trung úy, tôi đã bảo ông rồi mà...
Bletsơ đã phải nhờ đến hai người công vụ lầm lì và gân bắp nở nang để đưa ông ta ra khỏi bàn giấy và chúc ông ta về Mỹ thượng lộ bình an.
Dĩ nhiên cả Duyrich đều đã biết chuyện máu chảy đầu rơi kia. Vào khoảng nửa đêm, thành phố đã thức giấc vì tiếng lựu đạn nổ, tiếng súng tự động lanh chanh liên hồi, và còn vì ánh sáng trắng lóa của súng phun lửa và ánh lửa đỏ rực của những đám cháy. Không may cho Bletsơ: tiếng tăm trung lập đã thành tục ngữ của Thụy Sĩ bị vỡ vụn trong thời anh trị vì.
Tám giờ ngán ốm vì sự im lặng của tên tù, da mặt nhợt đi một cách đáng sợ, Bletsơ cuồng dại lên vì hậm hực và mệt mỏi đã nặng nhọc khoác vào người chiếc tanh cốt để trở về nhà. Lúc đó anh món nhận thấy mình không đi tất. Anh được gọi qua dây nói: Simen Clốp muốn gặp anh khẩn cấp. Càu nhàu nhưng tò mò đến phát rồ, anh đến nhà bà, đường Bờ Đẹp.
- Trung úy, chồng tôi đã bi bắt cóc, chắc chắn như vậy - Bà đưa anh xem bức thư Inetx.
Tôi nhận được nó hôm qua. Tôi đã chờ, chờ trước khi báo ông. Tôi đã hy vọng là Hôme về.
- Bà có biết việc xảy ra đêm qua không, thưa bà?
- Việc gì chứ, trung úy?
- Bà không nghe thấy gì cả?
- Không!
-Tiếng súng nổ?
- Nhưng ông nói gì thế chứ?
- Một toán biệt kích đã tiến công vào Ngân hàng Thương nghiệp Duyrich.
Phản ứng của Simen làm anh cụt hứng.
- Chúng đã phá ngân hàng ông ấy à?
Cái giọng mà có lẽ bà muốn nói: “Người ta làm vỡ con búp bê của nó mất rồi!”.
- Bà cần phải giúp tôi, thưa bà. “Chúng” ấy là ai?
- Nhưng kìa trung úy, chuyện đó thì chính là ông phải nói cho tôi chứ? Làm sao mà tôi biết được!
- Gần đây, ông nhà có tỏ ra lo âu, suy sụp không?
Anh rụt lưỡi lại, ân hận đã nói như thế trong khi Simen nhìn anh trách móc và nước mắt đã rưng rưng.
Lỡ miệng mất rồi! Người ta vừa mới chôn cất con gái hôm qua xong.
- Thưa bà Clốp, xin bà đừng giận tôi, tôi rất căng thẳng đầu óc, mệt bã cả người...
- Tôi cũng vậy, trung úy ạ.
- Bà có thể giúp tôi tìm ra manh mối đấy... Bức thư tôi vừa đọc kia rõ ràng là một cách đầu độc nhằm ngăn bà báo động với tôi...
- Ông muốn biết gì nào?
- Ông nhà có nói cho bà hay về công việc không? Công việc ngân hàng ấy, tôi muốn nói là như vậy?
Trước vẻ bất bình và ngơ ngác của Simen, anh hiểu mình lại vừa mới nói ra một điều sống sượng thứ hai.
- Bà có nhận được thư đòi tiền chuộc không?
- Tiền chuộc?... Nhưng để làm gì chứ?
- Không gì cả, thưa bà, không gì cả... Tôi chỉ tự hỏi thế thôi... Đó là một khả năng... Tôi có thể xin bà liên hệ với tôi nếu như xảy ra một việc gì đó khác lạ không? Bà chớ sợ! Tôi lập tức cho lùng sục, tôi báo động cho các đội hình sự, tôi cho lục soát thành phố và tôi sẽ cho bà biết tình hình...
Anh chào để cáo biệt. Bà nói:
- Trung úy...
- Thưa bà?
- Chồng tôi là một người tốt, rất tốt... Tại sao người ta lại xâu xé ông ấy như thế? Tại sao người ta lại muốn làm cho ông ấy đau khổ như vậy?
*
- Tôi lấy làm tiếc báo các anh biết là “Ban” vừa mới yêu cầu giải thích - Gabêlôti nói.
Ông im lặng, mặt lì xì, lạnh băng. Không ai hé răng.
Đôn Etô để trôi đi vài giây đầy dọa nạt. Không nhìn ai, ông nói tiếp:
- Không một gia đình nào trong Công đoàn lại phải chịu những nguy cơ này nọ vì các sai lầm do một vài thành viên một gia đình khác gây ra.
Quai hàm nghiến lại, mắt gườm gườm, Italô Vônpôn khe khẽ cựa quậy trong ghế nhưng vẫn cố kiềm chế được.
Môsê đã bắt hắn thề không đáp lại một sự khiêu khích nào. Khốn nỗi, hắn biết giới hạn của mình và tâm tình hắn lúc này không thể chịu đựng lâu la những lời móc máy ngọt xớt của Gabêlôti. Trong chuyến bay về New York, hai người chẳng nói với nhau một lời, cùng cố thủ trong im lặng thù địch. Italô vừa về đến nhà liền nhảy bổ ngay vào vòng tay Angiêla và kéo tuột nàng vào phòng, khóa trái cửa lại, chẳng nề hà gì đến sự có mặt của Yudenman, Phôncô Môri và Piêtrô Bêlindôna đi theo hắn, đang ngồi ở phòng khách. Một giờ sau, Môsê gõ cửa.
- Bé, quan trọng đấy...
- Cút!
- Angiêla, chị bảo anh ấy ra đi! Đây là chuyện an toàn của anh ấy.
- Italô... Angiêla nói thầm vào tai hắn.
Hắn chẳng kịp cởi quần áo nàng, man rợ ôm chầm lấy nàng, quay tít nàng trong một đà quay thú vật, đè nàng xuống giường, xuống thảm sàn, nhấc nàng dậy, thô bạo vít chặt nàng vào tường trong khi nàng bám lấy đôi vai chắc nịch của hắn mà rên rỉ, như một mảnh ván vật vờ, sung sướng. Hắn chỉ buông nàng ra sau khi bản thân đã hú hét vì khoái lạc ba lần liền nhau. Nàng nằm vật ra đất, thở đứt hơi, hai tay dang ra, đủ đầy, chết giấc. Đầu gục vào ngực, hắn nhè nhẹ đưa lưỡi lướt trên vú nàng. Lại Môsê...
- Italô!
- Cậu để cho tớ tắm một cái đã chứ!
- Lẹ, Italô Nhanh lên!
Hắn quàng tay xuống dưới người nàng bồng nàng lên và mang vào buồng tắm, đùi nàng quặp lấy hông hắn, đầu nàng nép vào dưới cổ hắn, người nàng lắc lư, gắn chặt lấy hắn. Hắn mở to vòi nước ra. Và ở đây nữa, ngập mình trong trận mưa ấm nóng dìu dịu chảy tràn lên người, hắn lại đi vào nàng.
- Đôn Etô đang chờ chúng ta, Italô!
- Nếu nó muốn gặp tớ thì nó hãy đến đây.
Môsê không sao làm cho hắn quay lại với quyết định của hắn được.
Hắn đã gọi lại Angiêlô Bácba để bảo tìm một nơi gặp trung lập. Họ mau chóng thỏa thuận với nhau về một hộp đêm ở Đại lộ Sáu, có tên “Cái Bát”, vắng tanh vào giờ này, chủ quán chịu sự chỉ huy của Công đoàn.
Hai Đôn đến đó cùng một lúc. Gabêlôti có kèm hai viên cố vấn, Cácmin Crimmelô và Angiêlô Bácba cùng hai vệ sĩ, Giulianô Matarela và Nitô Crixaphuli.
Matarela, Crixaphuli, Phôncô Môri và Piêtrô Bêlidôna đứng gác ngoài cửa hộp đêm, còn Gabêlôti, Vônpôn, Crimelô Bácba và Yudenman ngồi trong bóng tối, quanh một cái bàn bên rìa sàn khiêu vũ. Môsê rất lo lắng. Từ hôm chạy trốn ở Duyrich đến nay, hắn không có tin tức gì của Vitôriô Pidu và các trợ lý capô, Anđô Amanphi, Vixentê Brutô, Giôxep Đôtô. Việc cảnh sát xung phong vào xưởng sữa sẽ gây ra những phản ứng phiền toái mà hậu quả sẽ tới New York chẳng muộn mằn gì. “Ban” ghét tất cả những gì có thể khuấy động trật tự đã được thiết lập. Công đoàn có thói quen giải quyết thầm lặng các vụ việc nội bộ, càng ít gây xáo động càng tốt. Đằng này, việc xảy ra ở Duyrich cũng bằng một cuộc tuyên bố chiến tranh của Nhà nước này gửi Nhà nước nọ rồi còn gì.
- “Ban” đã cho tôi hay rằng, - Gabêlôti nói, - “Ban” không chấp nhận các sáng kiến cá nhân lại có thể làm nguy hiểm nghiêm trọng đến nền an ninh của toàn thể các gia đình.
Thấy Italô sắp mở miệng, Môsê vội vàng nói:
- Ông đã trả lời “Ban” thế nào, Đôn Etô?
Cho tới lúc đó, vờ như không nói riêng với một ai, Gabêlôti bèn nhìn viên cố vấn một cái nhìn nặng trịch và phản đối.
- Sự thật, Môsê... sự thật thôi... Tôi đã kể cho họ là tôi bị buộc phải đến Thụy Sĩ để sửa những vụng về không do tôi gây ra.
- Tôi có thể hỏi cậu, vậy do ai gây ra? - Vônpôn hỏi lạnh lùng và không sắc thái.
Lờ câu hỏi xen vào này, Gabêlôti tiếp tục nhìn Yuđenman “Ban” đã quở trách sự nhẹ dạ của tôi, Môsê. Và tôi đã phải nhận rằng tôi có lỗi.
- Về gì chứ, Đôn Etô? - Môsê lịch sự hỏi, tim ngày một đập nhanh.
Gabêlôti nhẹ nhàng buông ra:
- Để cho một người vô trách nhiệm hành động.
Vônpôn chồm lên.
- Strenzen! Người vô trách nhiệm là cậu.
Gabêlôti có vẻ như đến lúc này mới nhận thấy Italô có mặt.
- Có những lời lẽ người ta không bao giờ nên nói nếu như người ta muốn sống được đến già...
Italô hận căng lên, vất toẹt ra:
- Đứa nào già hơn thì đứa ấy chết trước! Cậu cố mà nhớ lấy điều đó.
Từ nay chẳng còn cái gì vãn hồi được nữa rồi: sự tình đã đi quá xa. Cứng đờ, Cácmin Crimelô và Angiêlô Bácba nín thở.
- Các ông, các ông! - Yudenman kêu. - Tôi xin các ông! Hãy quên những bất đồng riêng tư đi nào! Tiền đặt canh bạc quan trọng quá! Chúng ta có những hai tỉ đôla phải thu hồi cơ mà!
Etô Gabêlôti đứng lên, bộ mặt tái như co rúm lại vì giận dữ. ông chỉ ngón tay kết tội vào Vônpôn.
- Cậu không là cái thứ gì cả nhá! Cậu làm hết cái bố láo này đến cái bố láo khác. Cậu đã tiếm quyền của Đôn Giencô. Cậu đừng chõ vào việc này nữa? Khi nào tôi giải quyết nó xong, những người thừa kế của gia đình cậu sẽ nhận được phần của mình. Cậu hiểu chứ?...
Tức điên cuồng, Vônpôn dướn người về trước.
- Cậu lại dám dọa tôi hả? Sau cái chuyện cậu làm với ông anh tôi!
- Tôi chẳng làm gì ông anh cậu - Gabêlôti sửa, tay đấm xuống bàn. - Đồ nhãi con khốn kiếp! Cậu đã cho thủ tiêu O Broi.
- Không! - Vônpôn hét. - Không phải là cho thủ tiêu. Mà chính tay tớ giết nó, cái thằng cố vấn rác rưởi ăn cắp của cậu!
- Conrnuto! - Đôn Etô gầm lên. - Nếu lão ta còn sống thì chúng tớ đã có con số rồi. Cậu phải trả giá cho cái đó.
- Các ông, các ông! - Môsê ngắc ngắc nói. - Nếu các ông đoàn kết thì chẳng mất mát cái gì cả. Hôme Clốp vẫn ở trong tay chúng takia mà!
Thình lình Môsê dừng lại, mặt dài thượt ra, rồi hắn ấp úng, như sắp chết đứng:
- Bỏ mẹ!
Không ai nghe thấy hắn chửi thề bao giờ. Nhưng có cái gì còn rõ rệt hơn câu chửi thề, là giọng nói của hắn, làm mọi người nhớn nhác. Lúc đó, hắn nói, giọng lạc hẳn đi, không còn là của hắn nữa:
Tôi biết ai có con số rồi!
*
Thời tiết rất xấu ở New York. Đại úy Kiêcpatric khoác áo mưa vào rồi nói với Xcốt Đemxây. giọng ngán ngẩm:
- Thế đấy!...
Gian sảnh lớn của sân bay Kennơđi đầy kín người.
Họ đã đáp cánh xuống đây mười lăm phút. Chuyến đi không vui, Kiêcpatric, Phinnơgơn và Xcôt Đemxây trở về tay trắng. Tệ hơn: họ đã bị một thằng cớm nhãi con nói thánh nói tướng làm nhục, những trò giữ bí mật và tinh thần thiếu hợp tác của hắn làm cho họ phải bàng hoàng.
- Cứ nghĩ đến việc nó đã vây được bọn kia rồi mà...- Kiêcpatric mơ màng nói. Ông không thôi gậm nhấm nỗi hậm hực của mình. Đemxây thấy thương ông.
- Tôi sẽ cho kiểm tra lại một lần nữa tất cả những quyết toán làm ăn của các sòng bạc ở Bờ biển Tây. Cuối cùng ta sẽ chẹt được chúng thôi mà.
- Nói thật tình chứ, anh tin như thế?
- Anh hãy nhớ đến Al Capôn. Hắn cũng đã ngỡ hắn bất khả xâm phạm đấy chứ?
- Tôi muốn tóm chúng lắm, anh có hiểu không? Tôi biết rõ là như vậy cũng chẳng làm cho Mahôni, Cavanô sống lại được, nhưng vẫn làm cho tôi sướng lắm!. Xcốt!...Anh có muốn tôi nói với anh điều tôi nghĩ về cái nước Thụy Sĩ ấy không!
- Cứ nói, anh bạn, nói đi i...
Phinnơgơn chạy đến:
- Đại úy, tội gọi được một tắc xi rồi.
- Tôi đưa anh về nhé? - Kiêcpatric hỏi Đemxây.
- Không, cảm ơn. Vợ tôi phải ra đón tôi.
- Kìa nhanh, đại úy, - Phinnơgơn nài, - người ta đáng xâu xé nhau tăcxi.
- Tôi đi, tôi đi đây!... Xcốt, mai anh sang tôi chứ?
- Tôi không rõ... Thế nào thì tôi cũng gọi điện cơ mà...
Họ giơ tay thân mật chào nhau. Một đại hội các quý bà trong tổ chức bảo vệ môi sinh mang đầy phù hiệu, huy hiệu tách rẽ họ ra. Trong khi Đemxây xem đồng hồ thì Kiêcpatric và Phinnơgơn nhào vội ra cổng.
*
Acxen Grin nhăn mặt nhấm hết chỗ uýtxki còn lại ở đáy cốc. Đá đã tan, làm cho thứ nước uống này thoảng có cái vị nước trà tơm tởm. Hắn xếp dọn lại vài ba giấy tờ trên bàn rồi xem đồng hồ. Ngày làm việc của hắn đã hết. Hắn thắt lại cà vạt, khoác chiếc áo vét nhẹ vào người rồi liếc qua cửa sổ.
Đường phố Vịnh phô diễn ra cái đám đông láo nháo quen thuộc của những người lượn phố, đội mũ rơm, trôi thành một làn sóng sặc sỡ không ngừng đến dán mũi vào các quầy kính. Hai năm trước, Grin quay về Luân đôn vì một công chuyện nhỏ. Sau ba ngày, hắn đã ngán cái thành phố đó, ngán cơn mưa bụi và lạnh, bầu trời xám ngoét của nó. Tuy đỏ thắm máu Anh, hắn vẫn không chịu được nước Anh. Hắn đã đến Naxau cách đây mười bẩy năm, cho một kỳ tập huấn ba tháng ở Ngân hàng Tín dụng Bahama. Hắn ở lại đó mãi.
Mặc dù mang tên sở tại, Ngân hàng Tín dụng Bahama này vẫn là một ngân hàng kinh doanh Anh mà nhà tổ gốc gác cắm rễ chắc chắn tại Luân đôn đã thò các cái vòi của nó dưới dạng chi nhánh vào các nước chủ yếu có sứ mệnh làm thiên đường thuế má. Vì một số vụ việc kín và có lợi ích quốc gia, chính phủ của Công đảng Anh - không khoe khoang về chuyện này - bản thân đôi khi cũng phải nhờ đến nó đỡ đần.
Trước dây, bắt đầu là ký quèn. Acxen Grin bây giờ lãnh đạo “Foreign Branch” - vụ ngoại hối của ngân hàng. Tức là nói trách nhiệm của hắn quá to lớn tại một hòn đảo được những món tư bản đồ sộ quá cảnh, nguồn gốc các tư bản này không bao giờ được minh bạch lắm nhưng lại có một điểm giống nhau: tất cả đúng vậy, đều là của nước ngoài.
Paradise Island ở ngay sát cạnh cái cạm bẫy quái đản được maphia dựng lên cho những kẻ lửng của tiêu xài, đầy phè những sòng bạc, những máy ra xu ([71]), những câu lạc bộ tư nhân, những khách sạn lớn. Tiền bạc cũng có từ châu Âu đến để rồi lại quay về châu Âu, sau những ngày trú ngụ tẩy trần ngắn ngủi ở trong vô thiên lủng các ngân hàng của Naxau. Ở đây, toàn thiên hạ được lời. Grin thì càng được nhiều hơn: một hình thái hạnh phúc, một hình thái hoan lạc uể oải nào đó mà các bạn đồng nghiệp của hắn ở châu Âu không có được, họ bị thuế má hành, vĩnh viễn chẳng nên cơm cháo gì giữa những kết toán và những công việc kiểm soát nhấn ngụp họ trong đó. Ở Naxau, hắn đã lấy một cô vợ Mỹ có được ba đứa con mà thằng lớn Giôn đang học lớp cuối cùng trung học.
Ở bàn giấy ra chỉ đi vài bước đã tới bãi biển và như luôn luôn được phần thưởng là có biển và mặt trời muôn đời ấm dịu.
Hắn ra đường, hòa vào dòng người du lịch, tự hỏi có nên về qua nhà trước khi đi bơi hay không?
- Ông Acxen Grin - Vâng.
- Mời ông lên xe! - Một gã cao lớn chỉ vào chiếc Vocxhon màu xanh chai, nói với hắn.
- Xin lỗi?
Một người ngồi ở đằng sau xe mở cửa ra, người kia đẩy hắn vào trước khi hắn hiểu được sự tình. Nhanh quá, đến nỗi hắn cũng chẳng kịp cả ngạc nhiên hay sợ hãi nữa.
Một người thứ ba ngồi ở tay lái cho xe chạy đột ngột. Đọc báo đều lúc này Grin sợ rằng mình đang là nạn nhân của một vụ bắt cóc kiểu Ý. Trong trường hợp như thế thì toi đời. Mặc dù những sự hầu hạ hắn đã làm ở Bahama này, các vị chủ lớn ở Luân đôn cũng vẫn chẳng chịu bỏ ra một xu để giải cứu cho hắn đâu. Tuy là cao thật nhưng chức trách của hắn không phải là một răng của bánh xe quan trọng cần thiết đối với nhà tổ gốc; rồi nữa, hắn lại không có chân cổ phần.
- Tôi đang sắp sửa đi tắm, - hắn nói cầu âu.
- Sau đây ông sẽ đi. Chúng ta không đi xa đâu mà.
- A! Đâu vậy?
- Khách sạn Bãi Biển. Có mấy người muốn gặp ông.
- Gặp tôi? Để làm gì nhỉ?
- Họ sẽ nói với ông, ông Grin.
Không còn một câu nào nữa cho tới khách sạn. Khi xe đỗ, tên cao lớn thấy nói rõ ra thì hơn.
- Chúng tôi, hai người đi cùng với ông đây, ông Grin.
Hắn kín đáo thò ra báng một khẩu súng lục rồi nói thêm, không hề có tí nào hài hước:
- Thậm chí ba cơ, phải nói là thế! Tôi nghĩ ông đừng làm trò gì thì tốt với ông hơn. Rõ chưa?
- Tôi sẽ chẳng có trò gì cả, - Grin nói.
- Tôi lắm, ông Grin. Nào đi.
Hai người kèm hai bên, hắn đi ngang qua gian sảnh và nhiều người quen tưởng tượng được việc mình bị bắt cóc ở ngay trước mắt hàng trăm con người chứng kiến mà chẳng một ai nghi ngờ gì. Họ đi thang máy lên tận tầng cuối cùng. Ở đấy, tất cả đều lộng lẫy, thanh bình, lặng lẽ.
Người thấp hơn trong hai người bấm chuông gian phòng đầu, số 1029. Một người ra mở cửa.
- Vào đi, ông Grin. Các vị đang chờ ông đó.
Grin thấy mình ở trong một phòng khách mênh mông, chung quanh toàn cửa kính rộng lớn. Nhìn ra thấy cảnh đẹp đến ngạt thở. Nhưng điều đó chẳng có gì là thích thú với năm người lạ mặt đang ngồi ở trước mặt hắn. Người ta đã đóng cửa lại. Năm người kia đứng lên. Một trong đám đi lại đón Grin.
- Ông hãy tin rằng chúng tôi lấy làm phiền lòng về cái cách mời ông có phần hơi sỗ sàng. Nhưng do tình hình khẩn cấp... Cho phép tôi trước hết tự giới thiệu... Môsê Yudenman.
- Và đây, ông Etô Gabêlôti.
Người to béo mặt dầy hất hàm chào.
- Ông Italô Vônpôn, - Yuđenman nói tiếp. - Các ông Angiêlô Bácba, Cacmin Crimelô, cố vấn tài chính của Gabêlôti...
Grin bàng hoàng cả người vì phần giới thiệu danh tính này. Nói chung các capô của Công đoàn không bao giờ đồng thanh chiềng mặt ra cả.
- Ông muốn uống chút gì không, ông Grin?
- Vâng! Sẵn sàng, - Grin nói.
- Uống nguyên hay chế nước, - Bácba hỏi, tay rót rượu Uytxki Xcôtlen vào cốc.
- Tôi xin một thỏi đá thôi, - Grin nói.
- Ông ngồi xuống đi, ông Grin, ngồi xuống...
Grin ngồi. Ngoài Yudenman và Bácbara, chưa ai hé răng.
- Chúc sức khỏe ông, ông Grin, - Yudenman nâng cốc nói. - Và chúc công chuyện chúng ta sắp bàn.
- Chúng ta sắp bàn một công chuyện ư? - Grin hỏi bằng cái giọng xã giao ngọt lừ.
- Đúng vậy. - Yudenman nói. - Một công chuyện rất tốt với ông. Ông sắp giàu đó, ông Grin.
- Tôi sung sướng được như thế, - Grin nói.
- Ông có thể lắm mà. - Yudenman nghiêm trang khẳng định. - hai trăm nghìn đôla, ông Yudenman!
- Và tôi phải làm gì để có được nó?
- Ít thôi. Thông báo cho chúng tôi một dẫy số mà chúng tôi, do gặp những không may, đã làm thất lạc. Đó là con số của cái tài khoản ông đã cho chuyển đến Thụy Sĩ theo lời yêu cầu của một khách hàng, ông Giencô Vônpôn. Hai tỉ đôla, ông Grin ạ mà ông đã chuyển đi Duyrich, tới Ngân hàng Thương nghiệp Duyrich, ông Hôme Clốp hẳn đã báo với ông là đã nhận được nó rồi. Ông có thể cho chúng tôi con số tài khoản đó được không, ông Grin?
- Đây là một câu hỏi rất lôi thôi, ông Yudenman...
- Ông có biết chúng tôi là ai không? - Môsê nói một cách dễ thương.
- Có! - Grin nói.
Yudenman dang hai tay ra, tư thế bất lực.
- Tôi sợ rằng ông không được chọn đâu, ông Grin. Dẫu sao, để giảm bớt sự giữ gìn ý tứ của ông, tôi đã nói với ông nhưng điều ông đã biết rõ, vì đích thân ông thực hiện việc chuyển khoản theo lệnh của chúng tôi mà. Tiền đó là của chúng tôi, về điểm này thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Hai người giữ chìa khóa lấy tiền đó, ông Giencô Vônpôn, anh của ông Vônpôn có mặt đây, và Moóctimơ O Broi, đại diện của ông Gabêlôti, đã bị chết trong những hoàn cảnh bi thảm trước khi báo lại cho chúng tôi con số của tài khoản đăng ký. Báo nó cho chúng tôi, ông đâu có làm điều gì bất lương. Trái lại, ông chỉ thực hiện sự công bằng và giúp chúng tôi một việc chúng tôi không dễ gì quên được mà thôi.
Grin hắng giọng.
- Giả định như tôi từ chối?
- Sau những lời tâm tình vừa nói ra thì theo tôi, cái việc đó khó đấy, - Yudenman nói.
Grin gật gật đầu.
- Vâng, - hắn nói, - Vâng...
- Ông có vui lòng nhận hai trăm nghìn đôla chúng tôi biếu ông để tỏ tình hữu nghị và biết ơn không?
Grin đưa một bàn tay lên mặt và đắm mình ngắm bầu trời trong veo có những con hải âu lao bắn qua, nhanh như những viên đá ném đi. Hắn biết những điều Yudenman nói đều là sự thật cả. Khi hắn nhận được lệnh chuyển hai tỉ đôla thì Giencô Vônpôn - trong con mắt một người được coi là sếp tối cao của Công đoàn, “capo dei capi” ([72]) đã đích thân chọn con số cho khoản tiền được chuyển tới Ngân hàng Thương nghiệp Duyrich. Grin có một trí nhớ thần kỳ về con số, vẫn giữ được nó ở trong đầu mình.
Ngay lúc bấy giờ, hắn đã quy con số Giencô đưa cho hắn thành những phần tử số học đơn giản chẳng có gì là bí hiểm cả: 82, 83, 84. Một trò chơi con nít...
Hắn cố tưởng tượng xem những người hắn kính trọng và chiêm ngưỡng, những bậc anh hùng, sẽ ứng xử như thế nào ở địa vị hắn bây giờ. Các bậc anh hùng có lẽ sẽ không nói đâu. Nhưng các bậc anh hùng thì bị chết. Acxen Grin lại muốn sống kia. Hắn ngụ ở Naxau quá lâu rồi để chẳng lạ gì rằng một sự cự tuyệt với Công đoàn cũng sẽ tương đương một bản án tử hình miễn xin ân xá cho hắn, cho gia đình hắn mà thôi.
- Chúng tôi biết việc học hành của Giôn rất tốn kém cho ông, - Yudenman nói tiếp, vẻ mặt nghiêm trang. - Ông chớ quên còn hai đứa con nữa, sau nó, bé Pôn và bé Crixtin, cháu gái này thì vợ ông đang muốn nó trở thành diễn viên múa đấy. Chẳng có cái gì đẹp bằng một gia đình sất, nhưng ông Grin, một nền giáo dục nghiêm chỉnh đòi hỏi tốn kém lắm.
- Rất lớn, - Grin nói.
- Các bạn tôi và tôi đều đồng ý là những ưu điểm to lớn của ông đã không được thù lao thỏa đáng với giá trị của chúng, tại Ngân hàng Tín dụng Bahama. Chúng tôi phàn nàn chuyện này. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi quyết định biếu ông một khoản tiền quan trọng như vậy để đáp lại việc giúp đỡ của ông. Hai trăm nghìn đôla. Ông hãy tin rằng, với một con người không đáng kính trọng và ít thiện cảm như ông thì chúng tôi đã không tỏ ra hào hiệp đến thế đâu.
- Tôi nhận thấy điều đó, - Grin nói.
- Trong những điều kiện như thế, tôi cho phép mình đặt lại với ông câu hỏi: con số tài khoản của chúng tôi là bao nhiêu nhỉ?
- 828.384, - Grin thở dài đánh sượt nói. - Hay nếu ông thích thì 82, 83, 84.
- Cảm ơn, ông Grin. Ông là một người vô cùng khôn ngoan. Hai trăm nghìn đôla sẽ được đưa đến nhà ông bằng tiền mặt vào chiều mai, cuối giờ làm.
*
Những cái lắt nhắt nhỏ mọn đã làm phí uổng đi nỗi tuyệt vọng mênh mông của ông, đã dằn vặt ông, trong khi ông những mong có được một sự tĩnh tâm suy tưởng tuyệt đối. Từ khi bị bắt cóc ở cổng nghĩa trang, Hôme Clốp chưa thay quần áo. Nách ông, thiếu nước thơm diệt hôi hám, đã bắt đầu bốc ra một mùi hăng khé và phản phúc. Cũng không bàn chải đánh răng, tuy răng chẳng còn phải là của ông nữa. Sơmi dính vào người mặc dù ông vã nước lạnh ở vòi chậu rửa mặt vào đầy tay để rửa ráy rồi.
Cái chết của Rênata đã cắt ông ra khỏi với cuộc đời.
Bốn mươi tám giờ trôi qua trong cái ánh sáng nhân tạo của nhà giam lấy đi mất ở ông khái niệm thời gian, đồng thời cũng cắt ông ra khỏi với thế giới. Simen chắc đã báo trung úy Bletsơ về việc ông mất tích. Cảnh sát chắc đang giăng lưới để tìm ông đây.
Một chiếc chìa quay trong ổ. Ông vội vàng ngồi xuống giường, bất giác đưa tay lên bộ râu lởm chởm: Chúa đã muốn ông phải chết bẩn thỉu đây mà! Ông hoàn toàn biết rõ cái chết của bản thân là câu trả lời của những tên đao phủ đáp lại sự từ chối cuối cùng của ông.
Người lạ mặt bước vào trong phòng, ném một miếng băng đen lên giường.
- Bịt cái này lên mắt.
Clốp lắc đầu cự tuyệt Quyết chết thì thà cứ nhìn thẳng vào cái chết.
- Thế nào? Còn chờ cái gì? Nhanh lên, cục cứt, người ta thả ông rồi.
Vì ông vẫn không động đậy, người này đi ra sau lưng ông buộc mảnh vải vào mắt ông.
- Tôi báo trước là từ nay hễ tháo nó ra thì tôi cho ngay một viên kẹo đồng vào sọ đấy.
Clốp nghe thấy cái tiếng đặc biệt của khẩu súng lên đạn.
- Nào, đứng lên!
Mùi xăng xộc vào mũi ông, lẫn với một làn không khí trong trẻo. Ông thở căng lồng ngực. Người ta bắt ông lên bậc thang. Tiếng một cánh cửa sắt đóng sầm làm ông biết mình đang ở trong một chiếc cam nhông nhỏ. Động cơ nổ ròn. Trước hết là những tiếng động của thành phố, rồi tiếng gầm rú của các xe đi ngược chiều nhau. Cuối cùng sự im ắng của thôn quê. Nhát thắng xe xô dúi ông về đằng trước. Người cạnh ông giữ ông cho khỏi ngã.
- Đi xuống... bạn tớ sắp cho xe chạy. Còn tớ thì tớ ở lại với cậu. Đếm tới hai trăm đi. Sau đó cậu muốn làm cái gì thì làm. Nào đếm!
- Một, hai, ba, bốn, năm...
- To nữa!
- Sáu, bảy, tám...
- Tốt, cứ thế đếm! Tiếng xe ầm ầm đi xa...
- Ba mươi hai, ba mươi ba, ba mươi tư...
Clốp yên lặng. Không có gì xảy ra. Ông tháo tấm băng vải ở mắt. Đằng đông, mặt trời đang mọc lên và tựa hồ ông được thấy nó lần đầu ở trong đời vậy. Ông khoái trá thở hít mùi cây cối; và để xem mình đang ở đâu, ông đi lên một lối nhỏ trong rừng phủ đầy cỏ non mọc ẻo lả thoai thoải đổ xuống con đường đang có tiếng gầm của những cam nhông hạng nặng lao hết tốc độ vọng lại. Không thể xác định chính xác nó ở đâu nhưng cái chỗ này ông loáng thoáng quen. Ông đứng lên taluy đường, bắt đầu ra hiệu cho các xe qua. Không chiếc nào đỗ lại. Bằng vào thời gian xe chạy đi thì ông chắc ở cách Duyrich khoảng mười lăm cây số. Những người lái xe đều có một thái độ lạ lùng, vờ không ngó thấy ông, trái lại con tăng tốc độ khi đi ngang qua ông. Cột cây số đầu tiên ông gặp cho ông biết ông đang đi đúng hướng: “Durich - 11 km”. Ông giơ tay đến hai chục lần. Trong chớp mắt, ông trông thấy người ngồi sau tai lái một chiếc Mecxêđetx quay mặt đi. Một người ăn mặc sang trọng, hơi béo... Một người giống ông như anh em. Và đi qua dửng dưng. Trước đây ông đã từng làm như thế, trong những trường hợp tương tự...Ông thề từ nay sẽ đón nhận những người đáp nhờ xe. Một tiếng hãm thắng làm ông quay lại.
- Thế nào, bố, cuốc bộ thể dục buổi sáng phải không?
Họ ba người, hai trai, một gái, trên một chiếc xe Gip ọp ẹp có phủ một dòng chữ thuộc loại: “Chớ cười, con gái ông bà có thể đang ở trong này!” Họ chừng hai mươi tuổi. Cô con gái nom hao hao giống Rênata.
- Các anh chị có thể đưa tôi đến Duyrich được không?
- Lên! Càng đông càng điên, càng cười khỏe.
Khi về đến đường Bờ Đẹp, ông thấy Simen trong phòng khách. Bà đánh rơi chén trà trong tay, nhảy choàng vào ông, khóc.
- Hôme Hôme!... Em sợ quá... Anh không làm sao cả chứ? Ít ra cũng không làm sao cả chứ, phải không?
Ông nhẹ nhàng vuốt tóc bà, mắt xa vắng.
- Không, không... Mọi sự tốt cả... Chỉ cần tắm một cái thôi...
- Đội ơn Chúa! Đội ơn Chúa.
Bà khoác một áo choàng tắm ở ngoài một váy ngủ. Người bà thơm. Vùi đầu vào vai ông, bà lúng túng nói:
- Hôme, anh cần được biết... Người ta đã đốt ngân hàng...
*
Việc Acxen Grin cho biết con số tài khoản không làm cho Gabêlôti và Vônpôn hòa dịu hơn. Từ hôm qua, hai người chỉ nói với nhau qua các viên cố vấn làm trung gian.
Những lời chửi rủa và dọa nạt trao đổi trước đây vài giờ ở New York đã đào lên ở giữa họ một vực sâu mà sớm muộn chỉ có thể được lấp đầy bằng cái chết của một trong hai mà thôi.
Sau khi Grin đi rồi, Môsê đã làm một cuộc dàn hòa tuyệt vọng:
- Các ông! Các ông! Chúng ta đã tới được đích. Không cái gì chống lại được việc thu hồi tiền về tay chúng ta nữa rồi.
Đôn Etô cầm lấy máy điện thoại. Ông đàng hoàng cắm nó vào máy tăng âm để ai cũng có thể nghe được điều ông sắp nói. Ông quay gọi người luật của ông ở Thụy Sĩ, Philip Điêgô. Khi người luật sư đáp: “Vâng?...”, tất cả nghe thấy tiếng hắn như hắn đang ở trong phòng vậy.
- Tôi đã có con số chúng ta quan tâm. - Gabêlôti nói. Anh có muốn ghi lại không?
- Chắc chắn quá chứ! Từ khi ông đi, đã xảy ra nhiều điều đáng tiếc ở Duyrich. Một trong những ông chủ ngân hàng nổi tiếng nhất chúng tôi, ông Hôme Clốp, mất tích.
- Tội ông ta quá, - Gabêlôti đáp.
Crimelô Bácba, Yudenman nhìn gắn vào ông. Duy mình Italô Vônpôn thì vờ nhìn phong cảnh bốn bề, tựa như chẳng thiết đoái gì tới việc đó.
- Chúng tôi không hiểu có cái gì xảy ra, - Philip Điêgô nói tiếp. - Ngân hàng của Hôme Clốp bị tấn công. Tất cả cảnh sát đã được báo động. Có nhiều người bị chết...
- Tôi không thấy những việc như thế ở đó có quan hệ gì với chúng tôi cả! - Đôn Etô sốt ruột. - Ông có định ghi con số kia lại và nhận đứng ra làm việc chuyển tiền kia không?
- Cha này không có đến ngân hàng một mình được đâu? - Vôpôn nói với Yudenman. - Người đại điện của chúng ta sẽ đi cùng. Cậu báo ngay cho Các Đoisơ.
Gabêlôti cau mày khi nghe những lời được bắn thia lia đến với ông.
- Tôi sợ là đã làm ông hiểu lầm ý tôi, - Philip Điêgô nói tiếp. - Mọi công việc của ngân hàng đều đang bị treo lại Tôi nhắc lại với ông là ông chủ ngân hàng đã mất tích...
- Tôi biết rõ lắm rồi! - Gabêlôti quát lên với Philip Điêgô. - Ai bảo ông là lão chủ ngân hàng chưa trở về nhà lão ấy lúc này? Nếu lão về thì cái gì cản được việc chúng ta làm nào?
- Chắc là không rồi, không rồi...ông có con số và mã hiệu không?
Gabêlôti trợn hai con mắt cáu kỉnh về phía Angiêlô Bácba và Cacmin Crimelô. Môsê Yudenman và Italô Vônpôn đứng cứng đờ.
- Cái gì hả? - Đôn Etô gầm lên.
- Các khoản tiền đều tất yếu phải đăng ký dưới một cái tên mượn, một cái tên mã hiệu. Ông có nó không?
- Tôi có con số. Như thế đủ rồi! - Gabêlôti thét.
- Tôi sợ là không... - Điêgô nói, lời lẽ ngập ngừng. - Giả như ông chủ ngân hàng có trở về thì cái…hờ hờ... bất đồng nho nhỏ giữa chúng ta với ông ấy sẽ chẳng làm cho việc tôi chạy chọt được dễ dàng đâu. Ông ấy sẽ khăng khăng theo đúng lời văn pháp luật.
- Ông kể lể cái gì thế? - Gabêlôti nói hung.
Thật là quá vớ vẩn: đã tới đích rồi,vào đúng cái lúc sắp tóm được thì nó lại dạt xa.
Môsê ra hiệu cho Đôn Etô.
- Ông nói với luật sư Điêgô là ông sẽ gọi lại, - hắn thì thào.
-Ông đừng đi đâu khỏi nhà ông đấy, tôi sẽ gọi lại ông, - Gabêlôti hét.
Ông đặt máy. Chẳng ai dám nhìn ai.
Angiêlô Bácba phá tan sự im lặng vừa dâng lên:
- Môsê, anh thấy chúng ta hội ý riêng vào khoảng mười lăm phút thì có hại gì không?
- Tôi sắp đề nghị với anh cũng cái đó, - Yudenman noi.
Bácba, Crimelô và Gabêlôti rời phòng khách. Môsê và Italô cũng làm như vậy. Khi chỉ còn có họ với nhau, Yuđenman lắc đầu, vẻ chán nản.
- Hỏng, Italô. Chỉ Giencô và Ô Broi biết mã hiệu. Cả hai đều chẳng còn cách nào báo cho chúng ta. Tôi thú thật là tôi chẳng còn biết xoay xở thế nào nữa đây!...
Vônpôn đấm một cú hung dữ vào tấm rèm.
- Thằng đểu cáng Ô Broi! Tôi lại không cho nó ngoẻo từ từ cơ chứ! Đầu nó ở dưới lưỡi cưa như thế này! Đáng lẽ khai ra thì cái thằng mặt mẹt lại đi gọi con mẹ nó lên: Mama? Mama!
Môsê bị một luồng điện giật nảy.
- Nhắc lại! Nhắc lại! Anh nói cái gì chứ?
Italô chăm chú nhìn hắn:
- Môsê! Cậu làm sao?
- Nó, Ô Broi ấy, nó nói cái gì ở dưới lưỡi cưa?
- Mama, - Vônpôn nói. - Thì làm sao? Cái đồ rác rưởi ấy nó sợ mà! Nó biết tớ sắp làm gì với nó rồi mà. Lẽ ra trả lời tớ thì nó lại khóc thút thít rồi gọi cái con mẹ nhà thổ của nó lên?
Môi Yudenman bắt đầu run lật bật. Hắn buông ra một câu thất sắc:
- Ô Broi người Ai len, Italô, người Ai len! Anh có hiểu thế là thế nào không?
Vônpôn nhìn Yudenman tựa như hắn đã hóa điên.
- Cậu lảm nhảm cái gì thế?
- Ô Broi đã trả lời anh rồi còn gì, Italô! Một người sắp chết thì nói bằng tiếng mẹ đẻ của nó! Một thằng Ai len không gọi mẹ bằng tiếng Ý mà phải bằng tiếng Anh chứ. MAMA là tên mã hiệu!
*
Đường Xtămphenbach, ba người cảnh sát đồng phục đi đi lại lại trên hè trước Ngân hàng Thương nghiệp Duyrich. Hôme thắt ruột thắt gan lại khi nhìn thấy gian đại sảnh bị đám cháy và các đám nổ phá hủy. Các cột cẩm thạch sứt sẹo chứng tỏ cuộc chiến đấu ác liệt.
Những người thợ làm việc túi bụi trong đống vôi vữa.
Người trực cổng ngân hàng, bình thản, vẫn ở vị trí: đứng đằng sau một cái bàn kê tạm.
- Vichto, - Hôme thì thầm.
Người trực lễ phép chào ông.
- Thưa ông Clốp...
Mặc dù phiền muộn, ruột gan Hôme vẫn nở nang từng khúc vì kiêu hãnh. Ông thuộc vào một cái nơi vững bền, ương bướng chuyên cần. Mọi tai họa có thể đổ sụp xuống đất nước nhưng ngân hàng này, bất chấp tất cả, vẫn cứ tiếp tục!
Bắt đầu từ tầng một, tất cả đều vẫn nguyên vẹn. Trong các hành lang, vẫn sự hoạt động thoáng hoạt như thường lệ: Mácgơti, được báo trước ông sắp đến, đã chờ ông ở trong phòng chờ của văn phòng. Chị nói với ông như thể từ bữa họ thấy nhau lần cuối cùng đến nay không hề xảy ra cái gì cả, tuyệt đối không. Hữu hiệu, không sắc thái tình cảm, lạnh lùng.
- Thưa ông, đã có nhiều nơi gọi cho ông... Tôi đã ghi lại cả, ông có vui lòng?
- Chốc nữa, - Clốp nói.
- Tôi có phải đưa ông các thông báo không?
- Những cái nào chị thấy là quan trọng!
Ông vừa kéo chai Uôtơmen trong ngăn kéo ra thì Macgơti gọi ông qua máy nói nội bộ.
- Ông Sơmeblinh đang ở đầu dây.Ông có nói chuyện không ạ?
- Cho tôi nói...
Hôme rót cho mình hai giọt uýtxki. Tiếng của Sơmenblinh vọng đến.
- Hôme! Chết chửa! Tôi đã hoang mang quá. Cái gì xảy ra thế?
- Đang tiến hành điều tra mà.
- Chúng ta đang đi đến đâu đây? Nhưng đi đến đâu?...Người ta chẳng còn kính trọng cái gì nữa cả!
- Thế đấy, - Clốp thở dài, - vâng... thế đấy!...
Chính Ogien Sơmenblinh, “ông chủ của các chủ ngân hàng” đã được ông chuyển cho hai tỉ đôla mà Giencô Vônpôn và Moóctimơ O Broi trao cho ông. Rất chính xác là tám ngày trước. Những con số nhảy nhót trong đầu ông. Giữa cái lãi ông phải trả và cái lãi mà Sơmenblinh nộp ông thì hiện ông vẫn được trên tám lần 109.588 đôla, tức 876. 704 đôla. Ngay cho có phải làm lại cái mặt tiền cho nhà ngân hàng đẹp hơn đi nữa thì ông vẫn cứ được xơi nhiều. Thế mà ông đâu có phải trả tiền sửa cái mặt tiền ấy! Đã có công ty bảo hiểm được lập ra để cáng đáng cho rồi...
- Này, Hôme. Về cái mà anh đã gửi tôi ấy, anh có nhớ không?
- Có.
- Tôi làm thế nào bây giờ?
- Anh cứ tiếp tục Ogiên... Anh tiếp tục cho đến khi có lệnh mới...
- Thế thì được, tốt lắm, anh bạn thân mến, tôi muốn được nghe anh nói ra như thế... Chớ quên gửi lời tôi chào phu nhân nhé.
- Tôi sẽ nhớ đến chuyện đó, Ogien... Sẽ gặp sau...Sẽ gặp sau.
Macgơti len vào trong thánh cung thâm nghiêm, khép cửa lại ở đằng sau chị.
- Ông cảnh sát nọ, thưa ông, trung úy Bletsơ. Ông ấy đến nhiều lần rồi ạ.
- Chị bảo ông ấy vào.
Hôme cất chai Uôtơmen vào ngăn kéo rồi đứng lên đón Bletsơ.
- A! ông Clốp, thấy ông bình yên mạnh khỏe, tôi mừng quá.
- Cám ơn, trung úy, cám ơn...
- Bà nhà báo tôi là ông đã trở về. Tôi lập tức cho ngừng ngay các cuộc tìm kiếm.
- Ông hãy tin rằng tôi rất ân hận đã để ông phải lo lắng đến như thế... Tôi đáng trách. Lẽ ra tôi đã phải báo trước với ông.
Mặt Bletsơ liền khép lại. Anh nói:
- Ông Clốp, tôi không hiểu...
- Kìa trung úy, tôi đã quá bối rối... Tôi đi chẳng báo trước được cho ai. Tôi muốn suy tư một mình.
- Tôi có thể hỏi là ông đã ở đâu được không, ông Clốp?
Ông chủ ngân hàng nhìn trừng trừng vào khách với một chút ngạc nhiên.
- Trung úy, tôi nghĩ cái đó chẳng ích gì với ông cả đâu.
- Thưa ông, chớ lầm. Hai người của tôi đã bị chết. Bốn người khác bị thương nặng. Chúng tôi đã phải bắn nhau trong hai giờ đồng hồ. Để bảo vệ tài sản của ông và con người ông.
- Chính vì việc đó mà các công dân của Liên bang mới duy trì ngành cảnh sát, trung úy. Ông có vẻ ngạc nhiên vì đã thực hiện bổn phận của mình à?
- Không, thưa ông. Chính câu trả lời của ông mới làm tôi ngạc nhiên. Vợ ông bảo tôi rằng ông bị bắt cóc.
Hôme âm thầm buông ra:
- Sau những thử thách chúng tôi vừa trải qua, vợ tôi căng thẳng đầu óc thì có gì đáng ngạc nhiên? Đáng lẽ ông phải kiểm tra lời bà ấy nói trước khi lao vào chiến dịch chứ.
Bletsơ nặng nhọc nuốt nước miếng.
- Ông có biết Italô Vônpôn và Etô Gabêlôti không?
Mặt Clốp càng kín bưng lại.
- Không, trung úy.
- Cả đến tên của họ?
- Tôi chỉ mới nghe lần đầu.
- Con gái ông đã bị chết trong một chiếc Bóng đẹp P9 thuộc về một tay Lanđô Baretô nào đó. Baretô trước có quan hệ với con gái ông không?
- Trung úy, Rênata không còn ở đây nữa để trả lời. Cho phép tôi nói với ông là tôi đã tiếp ông như tiếp bè bạn. Tôi thú thật là không chờ đợi một cuộc hỏi cung thế này đâu.
- Ông Clốp, tôi đang điều tra mà. Tôi muốn biết sự thật.
- Trung úy, tôi cũng thế. Tôi xin ông thứ lỗi cho. Tôi có nhiều việc phải làm.
Bletsơ nuốt cơn giận đang dâng lên. Clốp có những chỗ quen biết hùng mạnh. Bản thân lão đã là một lực lượng rồi. Lão tiêu biểu cho cái trật tự đã được thiết lập ổn định của Duyrich và lão bay lượn trên chín tầng không, được tài sản cùng những chức năng tôn nghiêm của chủ ngân hàng bảo vệ. Nếu lão đã muốn im thì chẳng ai buộc được lão phải lên tiếng. Trái lại, những đồng nghiệp lại tán thưởng lão vô cùng. Trước mắt, Bletsơ chủ trương hãy tạm khom lưng lại cái đã.
- Tôi xin ông tha lỗi nếu như tôi đã tỏ ra hơi thô lỗ trong con mắt ông.
- Tôi lại lấy thế làm điều hay, trung úy. Ông hiểu cho là tôi khó lòng chấp nhận để người ta coi là thủ phạm trong khi tôi lại chính là nạn nhân.
Ông đứng lên để tỏ ý cuộc gặp gỡ đã hết. Bletsơ bắt chước ông.
- Tin tức nhỏ nhặt nào đối với tôi cũng là quý cả, thưa ông Clốp. Theo ông thì ai đánh vào ngân hàng ông?
Clốp nhìn lâu vào mặt Bletsơ.
- Trung úy, tôi rất muốn biết điều đó. Nhưng nếu tôi là cảnh sát thì có lẽ tôi sẽ tìm kiếm nó ở một số phần tử mờ ám mà cơ quan của ông đã để cho nẩy nở lan tràn tại Duyrich.
- Ông định nói đến ai?
- Những phần tử cánh tả, trung úy.
Clốp đi ra cửa, mở và giữ cánh cửa trong tay.
- Chớ ngại đến tìm tôi nếu như cuộc điều tra của ông có tiến triển. Tôi sẵn sàng giúp ông.
Bletsơ chào và đi ra. Trong phòng chờ, anh nhận ra hai viên luật sư kinh doanh nổi tiếng nhất của thành phố, Philip Điêgô và Các Đoisơ.
- Họ không có hẹn nhưng họ cứ đòi, Macgơti nói - ông có muốn tiếp họ không?
- Có! - Clốp nói.
Philip Điêgô ra đòn trước.
- Chúng tôi đã được biết... Tai tiếng quá!
- Không thể tưởng tượng được - Đoisơ đế thêm.
Cứng khư, im lìm, Clốp chăm chú nhìn họ, hai tay đặt trên bàn.
- Tôi rất bận, - ông lạnh lùng nói. - Các ông có thể cho biết các ông đến với mục đích gì?
- Thế này, - Philip Điêgô nói. - Bạn đồng nghiệp của tôi, Các Đoisơ và tôi, đại diện cho lợi ích của một khách hàng có tài khoản mang số trong ngân hàng ông. Người khách hàng này trao quyền cho chúng tôi đến làm cho tiền của ông ta được chuyển đi ngay hôm nay tới Tờ-rớt hóa chất Panama.
- Người khách hàng của ông đăng ký với tên gì?
- MAMA.
- Con số tài khoản?
- 828384.
- Tổng số tiền gửi?
- Hai tỉ đôla Mỹ.
Clốp nhắc máy nói.
- Macgơti, yêu cầu Gachaimơ đưa lên hồ sơ MAMA.
Trong vòng năm phút, ba người ngồi im không nói một câu. Im lặng tuyệt đối...
Macgơti đặt hồ sơ lên bàn. Hôme mở ra, lật lật các trang rồi rút ra một tài liệu đưa cho Điêgô.
- Ký vào bên phải, ở dưới, xin yêu cầu ông.
Philip Điêgô ký.
- Ông nữa, - Clốp nói với Đoisơ.
Đến lượt Đoisơ ký. Ngay sau đó, Clốp đứng lên. Philip Điêgô cầu âu chìa tay ra. Clốp hình như không trông thấy.
Ông lạnh lùng nói:
- Việc then chốt sẽ được làm trước tối hôm nay.
Khi các viên luật sư đã đi rồi, ông lại bên cửa sổ trầm ngâm tì trán vào ô kính. Lần này, mùa xuân nở bùng trong vẻ huy hoàng chiến thắng toàn vẹn của nó, cái mùa xuân đẹp nhất chưa bao giờ chiếu sáng tưng bừng Duyrich như thế này.
Hôme Clốp quay lưng lại với nó, nặng nề buông mình xuống chiếc ghế bành rồi cầm lấy chai Uôtơmen.
Đồng Tiền Thấm Máu Đồng Tiền Thấm Máu - Pierre Rey Đồng Tiền Thấm Máu