Books are the compasses and telescopes and sextants and charts which other men have prepared to help us navigate the dangerous seas of human life.

Jesse Lee Bennett

 
 
 
 
 
Tác giả: Pierre Rey
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Bản Quyên
Biên tập: Minh Nguyen
Upload bìa: Minh Nguyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3957 / 41
Cập nhật: 2015-11-05 09:29:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
Ôtaviô Giacômaxi là bậc trưởng lão trong lớp già.
Sáu mươi lăm tuổi, hắn trước đây là người của Lucki Luxianô. Năm 1936, khi Lucki bị khép án ba mươi năm tù, Tômatx Điuây thống đốc bang New York đã nói: “Một trong những tên tội phạm đốn mạt nhất chưa bao giờ ra đứng trước tòa”, thì Otaviô, kẻ học nghề làm chúa đảng hai mươi lăm tuổi, đã cảm thấy mình bị mồ côi bố. Sau hôm Lucki bị tống giam, hắn đã được một trợ lý của Padrone lộ cho biết rằng không có gì thay đổi với hắn cả, từ bổng lộc cho chí hành động. Từ trong xà lim, Luxianô vẫn tiếp tục lãnh đạo đế quốc của mình. Ba năm sau, chiến tranh bùng cháy ở châu Âu: Giacômaxi coi khinh chuyện đó như mẻ. Pari, Beclin, Luân đôn với hắn chỉ là những cái tên trên một tấm bản đồ. Nhưng phương hướng của nghiệp đời hắn đã thay đổi từ ngày Hoa Kỳ quyết định nhẩy vào cuộc chiến. Cần phải chuẩn bị chiến trường đổ bộ cho quân đội Mỹ. Nước Ý thì bị chủ nghĩa phát xít bịt chặt mất mồm rồi. Một cách tự nhiên nhất trần đời, sở mật vụ của Nhà Trắng đã vào trong tù tham khảo ý kiến của Luxianô.
“Tên tội phạm đốn mạt nhất” thình lình được đề bạt thành cố vấn chiến tranh của phủ tổng thống, với những quyền hạn vượt xa lắc xa lơ mười viên tướng năm sao.
Người ta yêu cầu hắn cung cấp các chỗ quen biết, các mối quan hệ, các chân tay và hạ tầng của tổ chức hắn, vào phục vụ nước Mỹ. Đổi lại, hắn nhận được lời hứa sẽ ra tù sớm hơn bản án - lời hứa đã được tôn trọng ngày hai tháng hai năm 1946, lúc đó án tù của hắn đã được rút xuống còn chín năm sáu tháng, thời hạn vừa xoẳn với thời hạn hắn đã nằm trong tù.
Otaviô Giacômaxi có vinh dự được Luxianô đích thân chọn vào nhóm những người Mỹ gốc Ý chịu trách nhiệm tổ chức cho quân đồng minh đổ bộ vào Xi xin. Khi Luxianô bị trục xuất khỏi Mỹ, đặt chân tới Palecmô, thì Giacômaxi là một trong số những người đón hắn ở đó. Hắn đã giúp chủ xây dựng lại các mạng lưới. Mười năm sau, Lucki mà người ta nghĩ là một thành viên có ảnh hưởng của cái “Ban” hùng mạnh, toàn năng, bí mật, đã phái Otaviô đến với một chú sói trẻ nhiều tham vọng và chắc chắn gã đem lòng yêu mến, là Giencô Vônpôn. Từ ngày đó, Giacômaxi giữ cho gia đình Vônpôn cái công việc cao quý là thông tin viên trưởng ở miền nam nước Ý.
Khi Bé Vônpôn, đứa em út của Giencô, cho hắn biết vắn tắt tình hình những sự kiện mới xảy ra. Otaviô cảm thấy buồn rầu lắm. Sau Lucki, Đôn Giencô là người thứ hai đáng được kính trọng mà hắn đã mất đi. Và rõ ràng Italô đang thèm kế tục ông anh cả đứng đầu gia đình thì không có ý định ngủ yên rồi: vì việc đầu tiên hắn làm với tư cách cũng là yêu cầu Otaviô cung cấp cho mình - ngay trong tối hôm ấy - một toán biệt kích gồm những tên “đao búa” có nhiệm vụ cướp một ngân hàng ở Thụy Sĩ: Ngân hàng Thương nghiệp Duyrich! Nhận được điện của Italô, Giacômaxi không bị bất ngờ. Kinh nghiệm du kích và những hoạt động bất hợp pháp của lão đã cho lão khả năng đáp ứng được ngay. Hơn nữa, cái táo tợn của Bé làm cho lão mê. Lão biết đưa người vào Thụy Sĩ mà không phải quá cảnh biên giới. Nhưng có một điểm khiến hắn buồn: Itlô đã không nói rõ mình tính làm như thế nào để đưa bọn kia trở lại Milan sau chuyến viễn chinh.
Chao! Tuổi trẻ ơi, tuổi trẻ! May sao bố già Otaviô lại trông nom đến mọi cái cho đấy!
*
Manuêla sẵn sàng mất bất cứ thứ gì để cho chính lúc này chị không phải nói với Simen Clốp điều chị cần thú thật ra. Vừa về tới nhà, Simen liền đi ngay vào phòng mình. Chẳng cởi váy áo, bọc trong tấm khăn tang, bà nằm dài ra giường được Hêlêna Macculitx âu yếm đỡ cho. Manuêla pha trà. Hêlêna uống cạn tách, còn Simen thì từ chối.
- Uống đi, Simen, uống đi!... Uống cho đỡ mệt!
Simen lắc đầu tuyệt vọng, lại rơi vào một cơn khóc lóc thảm thiết mới. Nghẹn ngào nước mắt, bà vẫn cố thốt ra lời:
- Đừng giận tôi, Hêlêna... Tôi muốn nằm một mình...một mình!...
Bà bạn đi ra sau khi dặn dò Manuêla nhớ báo ngay nếu có chuyện gì xảy ra. Manuêla nhận lời. Bây giờ, chị đứng ở bên giường, không biết nói chuyện của mình ra như thế nào.
- Bà có muốn tôi giúp bà bỏ váy áo ra không?
- Không, không... Hôme sắp về ngay rồi đấy mà...
- Thưa bà, tôi rất xúc động về những việc đã xảy ra...
- Manuêla, tôi biết, tôi biết... Em nó yêu chị lắm...
- Tôi cũng vậy, thưa bà, tôi cũng yêu cô nhà lắm.
- Tôi biết...
- Tôi muốn nói với bà, thưa bà... khó quá... nhất là lúc này, tôi chẳng có ruột gan nào, bà cần phải biết, nhưng tôi lại không thể...
- Chị không thể cái gì? - Simen sụt sịt nói.
- Tôi muốn đi, thưa bà... về Bồ Đào Nha...
Simen nhìn chị, ngơ ngác không tin, và lại lặng lẽ khóc nức lên. Manuêla đứng giậm giậm chân, nước mắt đầm đìa, vô cùng lúng túng.
- Xin bà hiểu cho tôi, thưa bà... Trong nhà này, lúc nào tôi cũng nghĩ đến cô ấy...
Chị cắn môi, lại khóc rồi ấp úng:
- Không thể được... Tôi sẽ không thể nào...
Một lần nữa, Simen lại ngắc ngứ, lúng búng một giọng khó nghe rõ:
- Ôi, Manuêla... Manuêla.
Bà lắm tay chị bóp thật mạnh, tựa như cô hầu gái Bồ Đào Nha là cái phao cứu nạn của mình vậy.
- Manuêla!... Manuêla... Tôi cũng thế, tôi không chịu được nữa đâu... Tôi không hiểu tôi sẽ sống tiếp thế nào nữa đây... Chúa bất công... Chị đi là phải thôi... cái nhà này từ nay mãi mãi có mùi chết chóc... Manuêla... Tôi hiểu chị...
- Thưa bà!
- Tôi sẽ giúp chị... Tôi ở đâu thì chị vẫn cứ sẽ ở đó với chúng tôi, để tưởng niệm em nó... Và đứa con của chị...đứa con của chị nữa...
Nước mắt ràn rụa trên mặt, bà không thể nói thêm.
Manuêla vẫn khóc, lùa bức thư vào trong tay bà rồi đi ra khỏi phòng.
Còn lại một mình, Simen bình tĩnh lại dần. Bà lau mặt bằng tấm khăn trải giường. Nó bê bết kem phấn và thuốc bôi mặt. Bà ngồi trên giường, mắt đăm đăm, gắng gỏi kìm lại những cơn thổn thức khác đang muốn dâng lên từ cổ họng thắt nghẹn của bà. Bà bất giác bóc lá thư.
Một bức ảnh rơi lên trên chăn. Bà cầm lên, dụi mắt bằng đầu ngón tay và lập tức nhận ra cô da đen khổng lồ mà bà đã tìm thấy những bức ảnh ở trong áo pađơxuy của chồng. Tim thắt lại, bà đọc hết bức thư, đọc đi đọc lại nhiều lần hai câu làm cho ruột gan bà như bị đứt đoạn: “Sau ba chục năm cưới nhau bà con nợ ông ấy một cuộc giải lao như vậy. Tôi sẽ trả lại ông ấy khỏe mạnh, có thể là mệt nhưng thể trạng tốt lành...” Những ý nghĩ điên rồ quay cuồng trong đầu óc bà.
Bà lại ngắm tấm ảnh, xem kĩ đôi vú trần của cô khổng lồ giơ hai tay lên theo hiệu chiến thắng. Bà tin chắc rằng Hôme đang trong cơn nguy hiểm: bà hiểu ông quá rồi, ông không thể một giây phút nào bỏ rơi bà được. Đã không thể trong những hoàn cảnh bình thường thì càng không thể trong cơn thử thách khủng khiếp mà Chúa đã gửi đến cho hai vợ chồng bà bằng việc làm cho con gái bà phải chết này.
Hưng phấn lên, bà gọi Cuốc. Anh đã về nhà và cho bà hay rằng Hôme đã rời nghĩa trang được khoảng một giờ đồng hồ rồi. Bà cảm ơn anh rồi quay gọi ngân hàng: Macgơri không thấy ông chủ của mình từ hôm qua. Simen gọi văn phòng cảnh sát. Khi đằng kia có người cầm máy bà chợt cảm thấy mình lố bịch nên lại hạ máy xuống.
Bà cho mình cái hạn hai giờ để hành động. Nếu quá cái hạn đó mà Hôme vẫn chưa về thì bà mới báo cho trung úy Vônđơma Bletsơ.
*
Chiếc máy bay đậu ở đầu một đường băng phụ của sân bay Milan được nhà cầm quyền dành cho những máy bay tắc xi và hai câu lạc bộ hàng không. Đường bay thương nghiệp bình thường thì ở xa hơn về phía tây, nơi có các tòa nhà của hải quan và hành khách nhô vọt lên trên những đường bay thênh thang được bảo dưỡng chu đáo để cho các chuyến bay xuyên lục địa sử dụng. Sườn chiếc máy bay nhỏ xíu được điểm tô bằng dòng chữ lớn “MAY BAY NHÀ TRƯỜNG sơn đỏ. Đó là một chiếc MD315 quân đội Pháp xếp xó và được hót đi trong một dịp bán hàng đồng nát.
Sau khi cho một chiếc hòm lớn lên rồi, mười người lần lượt leo mấy bậc thang, nghi ngại nhìn những mảng gỉ sắt bọc viền lấy rìa khung cửa. Trong khoang không có ghế ngồi. Thắt lưng an toàn buộc thẳng hành khách vào thân máy bay. Một trong đám hành khách quen ông lái đã hỏi khẽ để cho các người khác khỏi sợ:
- Này, Môrôbia, cậu có tin là nó bay được không?
Amađêô Môrôbia nhún vai, bĩu môi, cử chỉ chẳng có gì làm yên tâm được:
- Cái đó là tùy ngày giờ, gió máy và tùy Đức Mẹ. Trói mày vào máy bay đi, ta khởi hành đây.
Hắn quay gót vào buồng lái, trong đó người nhân viên vô tuyến điện và thợ cơ khí đã ngồi chờ sẵn.
- Đi chứ?
- Đi!
Amađêô mở điện. Hai động cơ ngập ngừng, khậm khạch nấc sặc rồi cuối cùng kêu ro ro, làm cho chiếc máy bay không được cách âm và chống áp suất cứ rung lên một cách hãi hùng.
Chẳng quan trọng. Theo chỉ thị của Ôtaviô Giacômaxi, Môrôbia sẽ phải rà sát mặt đất và nhìn thấy được bằng mắt thường ngay sau khi vượt qua biên giới Thụy Sĩ. Hắn đã thuộc lòng chỗ hạ cánh, một thứ cao nguyên chăn bò nằm trong vùng tam giác gồm Đức, Naphen và Sơviđơ.
Hắn sẽ đáp xuống một đồng cỏ đẩy mô ụ, lỗ hố, dài khoảng năm trăm mét, quá mức cần thiết để hạ chiếc máy bay MD mà Môrôbia có thể cho dừng được rất tài chưa tới ba trăm mét sau khi chạm đất. Trong khi mọi người đang xuống máy bay thì hắn cứ để nổ máy. Người cuối cùng vừa rời xong, hắn liền cất cánh đi Duyrich luôn, như Giacômaxi đã ra lệnh. Khi Amêđêô nẩy ra cái ý dùng máy bay nhà trường này, Giacômaxi đã cấp vốn cho hắn. Dĩ nhiên hắn kiến sống là nhờ những phi vụ bí mật Giacômaxi thỉnh thoảng giao cho thực hiện chứ đâu phải là mấy mống học trò. Những kiện hàng lấy đi hay đổ xuống ở giữa Thụy Sĩ và Ý luôn luôn nằm trong vùng tam giác Đức, Naphen và Sơviđơ. Hoặc đôi khi cả người nữa, những người này họ quá mải miết tập trung vào những cặp tài liệu ôm khư khư trước ngực cho nên họ chẳng nói năng với gã một lời bao giờ.
- Máy bay Nhà trường MD315 xin đường băng số 5.- Amađêô nói.
- MD315, anh có đường băng, - tháp chỉ huy trả lời.- Cất cánh.
- Hiểu, tôi cất cánh!
Môrôbia nhấn ga, Đống sắt vụn chòng chành rợn người trên khoảng chừng ba trăm mét rồi nặng nề dứt khỏi sức hút, khó nhọc cất mình lên bên trên những dãy lán kho kiểm tra máy móc. Theo đường chim bay, giữa Milan và nơi đáp xuống xa chừng một trăm rưởi cây số. Khi có tải, chiếc MD vất vả mới lên được hai trăm cây số một giờ, nếu mở hết tốc độ. Tính rộng rãi ra, Amađêô luận rằng phải mất ít nhất gần một tiếng để tới được địa điểm.
Hắn bay theo hướng bắc. Hắn vỗ vỗ khẽ vào cánh tay người thợ cơ khí rồi gào vào giữa mặt anh ta để át tiếng gầm của động cơ.
- Giancáclô... Cậu đã kiểm tra lượng dầu chưa hả?
*
Com lê xám chì, sơ mi trắng, cà vạt đen, chẳng xấu chẳng đẹp, tầm vóc trung bình, dáng dấp trung bình, da mai mái, Xêda Piombinô là mẫu muôn thuở của con người trung bình, thứ người ta gặp hàng mười lần trong phố mà chẳng thấy, vì lẽ chẳng có cái gì ở họ khiến ta để ý cả. Hắn vào Ngân hàng Thương nghiệp Duyrich bốn mươi lăm phút trước khi đóng cửa, lễ phép hỏi người gác gian sảnh chỗ cho thuê két ở đâu, cảm ơn rồi đi thang máy lên lầu ba. Cặp đen cắp trong tay, hắn đi hết một hành lang, tới một sàn bệ xây cao có ba cô thư ký váy và áo vét màu nước biển đang tán nhảm tán nhí trước một hàng rào những cây cọ.
- Tôi hỏi các cô, Herr ([66]) Rungơ.
- Herr Rungơ chiều nay không ở đây. Ông có hẹn à?
- Vâng.
- Ông có muốn gặp người thay ông ấy không?
- Không. Đây là chuyện riêng. Bao giờ thì Herr Rungơ có mặt?
- Sáng mai.
- Cảm ơn. Tôi sẽ trở lại.
Bề ngoài hắn nhạt đến nỗi ba cô thư ký chẳng thèm hỏi đến tên hắn. Như hầu hết các trưởng phòng, Rungơ đi dự đám tang Rênata Clốp, con gái ông chủ. Khi Xêda Piombinô khuất sau đầu hành lang, ba cô gái đã quên bẵng hắn, sẵn sàng thề rất thật lòng rằng mình chưa hề trông thấy hắn bao giờ.
Xêda Piombinô kinh doanh đồ gỗ cổ ở trong Khu Auxơxin, đường Duôcliđen. Doanh số của hắn còm thôi vì hắn thiết quái gì những thứ đồ cổ ấy chứ. Hắn là một trong năm thông tín viên nằm tại Duyrich của nhà Otaviô, tên đầu đàn tại Bắc Ý và Thụy Sĩ của Công đoàn.
Xưa hắn có làm việc với Otaviô, thời chiến tranh, ám sát và đánh du kích. Chuyên môn của hắn là đánh mìn xe lửa và bỏ thuốc độc vào nước tiếp tế cho quân chiếm đóng. Nhiệm vụ Giacômaxi giao cho hắn lần này cũng tế nhị gần bằng các nhiệm vụ hắn đã hoàn thành cách đây ba chục năm. Trước hết là hắn làm cho mình bị nhốt lại trong ngân hàng. Sau đó, nếu Thượng đế phù hộ thì hắn thực hiện được cái việc hắn phải làm rồi sống mà thoát. Lúc đó hắn có thể lĩnh mười ngàn đôla Otaviô đã hứa. Lúc này, hắn cần phải tìm gấp lấy một chỗ nấp cho tới khi đóng cửa ngân hàng. Xêda Piombinô thận trọng đẩy một cái cửa ở đằng sau buồng thang máy. Hắn vào trong một cầu thang dành cho nội bộ ngân hàng.
Hắn kẹp chặt cái cặp da đen nhồi đầy mìn và dây mìn, bắt đầu lên các bậc.
*
Chị đi ngang qua căn phòng nho nhỏ của mình, mở tấm rèm che khoang tắm có vòi hoa sen, bắt đầu cởi quần áo và chỉnh nhiệt độ nước. Khi đã trần truồng, chị bước vào trong bồn sứ, mở vòi nước và ngửa mặt lên nhận lấy, như một lễ vật, trận mưa dầy hạt đang lau sạch đi những giọt nước mắt, nỗi nhọc mệt trong ngày, niềm phiền muộn, những mối phân vân. Thôi làm việc với bà chủ mà chị thấy tuyệt vọng. Vợ chồng nhà Clốp luôn luôn tỏ ra yêu mến chị, với một sự ý tứ rất tinh tế khiến chị quên đi cả cái phận tôi đòi. Trái lại hình như chị còn là một thành viên của gia đình nữa. Từ nay phải làm một dấu chấm hết. Giuliô chẳng bao lâu sẽ trở về châu Âu. Khi anh về tới Anbuphâyra, họ sẽ cưới nhau...
Manuêla ra khỏi vòi hoa sen, chân ướt giẫm lên bộ váy áo tang phục vất thành đống trên sàn rồi lau khô người. Chị mở cánh cửa của chiếc tủ kiểu cổ nặng trịch mà cái hình khối của nó đã chiếm đi mất một phần tư gian phòng rồi. Bên trong tủ, gắn vào cánh cửa là một tấm gương cho phép chị nhìn được cả người mình. Chị ngắm trước tiên mặt mình, nhè nhẹ xoa bụng và đôi vú mà sự thai nghén đang làm cho căng to lên từng ngày.
Chị lấy một chiếc gương nửa, nhỏ hơn, ở bàn phấn, bên trên chậu rửa mặt. Lần này chị đứng nghiêng so với mặt gương trong tủ. Bằng cách đối chiếu lại nhau của hai mặt gương chị nhìn thấy mình ở chiều ngang, quan sát tò mò cái thân hình là chị nhưng lại có vẻ như xa lạ kia, cái bụng tròn phồng và đường lượn thon thả, bầu vú năng nề hơn bình thường, và bây giờ thì đầu vú lại xệ xuống vì trọng lượng mới mẻ của nó. Trên tấm vải phủ giường trắng tinh, chị trông thấy một hình chữ nhật màu lơ. Chị ngạc nhiên bóc bức điện mà chắc ông quản gia đã để vào phòng khi chi đi đám tang Rênata.
Chị đọc bức điện lần thứ nhất, mày cau lại, không hiểu chút nào. Chị ngồi xuống giường, đầu ù lên và đọc lại lần thứ hai. Lúc ấy, miệng chị bỗng đắng ngắt và chị không thể nào thở được đến một vài giây. Bức điện gửi cho chị gồm nhiều từ và chúng cắm xuyên vào tim chị như ngần ấy viên đạn vậy:
ÂN HẬN BÁO TIN CHO CHỊ BIẾT GIULÔ CHẾT TAI NẠN CHỜ CHỈ THỊ ĐỂ ĐƯA THI HÀI ĐI.
Ký tên:
Eric Moóctaen, Giám đốc Công ty hợp nhất Vatxơna - Chukuđu - Bôtxoana!
Cái ý nghĩ mạch lạc đầu tiên được sắp xếp ở trong đầu chị là đứa con mình sẽ không bao giờ có bố.
*
Một trạm dịch vụ xe hơi giống như trăm nghìn cái khác mất hút ở đầu cùng của một con phố yên tĩnh, đường Etxovixen. Ba vòi bơm; hai cây xăng, một cho dầu nhớt các động cơ Điêden và xe vận tải hạng nặng. Bên phải vòi bơm là lối đi bằng bê tông dẫn xuống tầng ngầm, đến một bãi đỗ xe cho khoảng ba chục chiếc. Chính Lanđô Baretô đã định đưa Moóctimơ O Broi và Dada Phini đến chỗ này khi tóm được họ trước cửa ngân hàng của Clốp.
Người quản lý trạm, cũng dân Xi xin như hắn, thỉnh thoảng giúp việc cho Công đoàn. Nhưng không thật sự có chân trong đó - Anđô Prianô không đặt ra câu hỏi bao giờ, càng không bình luận gì khi người ta đưa cho hắn cái phong bì đựng tiền frăng Thụy Sĩ ngon lành, giá của những việc lặt vặt hắn đã giúp đỡ. Phổ biến nhất là giấu một số người nào đó vốn không để lại danh thiếp cho hắn bao giờ cả. Trong cùng bãi đậu xe, dựng lù lù một đống tướng những lốp xe cũ và dựa lên nó là một cỗ bàn thợ. Chuyển các chiếc lốp đi, người ta sẽ làm hiện ra tấm cửa sắt luôn luôn đóng im ỉm. Nó mở vào căn buồng bê tông một chiều ba mét một chiều bốn mét gồm có một giường sắt, một hố đào dưới đất được gọi huênh hoang là “toalet Thổ Nhĩ Kỳ”, một chậu nước lạnh và một ngọn đèn điện không có chao treo lòng thòng vào một sợi dây trên trần. Hai ghế đẩu và một chiếc bàn gỗ dài, trên đặt vài cuốn sách cũ và khoảng chục tờ tạp chí bổ khuyết cho đồ đạc gian buồng. Sự thông hơi được đảm bảo bằng một ống dẫn gió nối gian buồng với lối vào bãi đỗ xe. Chẳng cửa ra vào lẫn cửa sổ.
Mười phút trước đây, một chiếc Mecxêđetx 600 màu đen và kính màu đã đổ dốc xuống lối đưa tới bãi đậu - Enđô Prianô đã chuyển vài chiếc lốp đi và mở cánh cửa sắt của cái mà hắn gọi thân mật là “phòng bạn bè”. Ba người rúc vào đó, người thấp nhất bị bịt mắt bằng một mảnh vải đen. Người thứ hai là một gã khổng lồ to béo mặc đồ đen, người thứ ba, một gã lực lưỡng da tái, mặt dữ dằn. Enđô đưa chìa khóa buồng cho người thứ ba này.
Khi quay trở lên với những vòi bơm xăng, hắn nhận thấy chiếc Mexêđetx đã biến khỏi bãi đậu...
Khi Vônpôn tháo băng ra, Clốp chớp chớp mắt rồi khinh miệt nhìn cái nơi người ta dẫn ông vào.
- Kính tôi đâu? - Ông nói.
Etô Gabêlôti đưa kính cho ông. Đeo lên, ông nhìn thấy những chi tiết mà đôi mắt cận thị của ông đã che giấu đi mất: những bức tường trần trụi, mặt sàn bê tông, chiếc giường sắt, chậu rửa mặt.
- Ông có thể ngồi xuống, - Gabilôti nói.
Hôme cứ đứng. Ông biết ông đang ở Duyrich, bên trong cùng của một bãi đậu xe, bởi mùi xăng nhớt cứ xộc vào mũi ông khi người ta đưa ông ra khỏi xe. Nhưng ở khu phố nào thì ông không rõ. Khi người tài xế mặc chế phục nói với ông ở nghĩa trang “tôi đến kiếm ông”, ông lại ngỡ hắn được Hêlêna Macculitx phái đến cho nên đã theo hắn chẳng chút nghi ngờ gì.
- Ông Clốp, - Gabêlôti nói ngọt ngào, - ra khỏi nơi khó chịu này nhanh hay chậm là do ông quyết định. Tôi nói đây là sống mà ra khỏi. Sự bướng bỉnh bất lương của ông đã biện bạch cho những phương pháp chúng tôi buộc phải làm, trái với ý muốn của ông, và của cả chúng tôi. Ông nắm giữ hai tỷ đôla không thuộc về mình, vì lẽ đơn giản những người sở hữu chính thức là chúng tôi. Bây giờ hỏi lần cuối cùng, ông có định cho chuyển chúng đi như cách Giencô Vônpôn đã chỉ ra với ông không, nào, có hay không đây?
Clốp ngồi mồm lên mép giường. Từ nay, với ông mọi cái đều là dửng dưng hết. Tra tấn không làm cho ông sợ...Nghĩ đến chết chóc cũng chẳng mảy may ảnh hưởng gì tời ông. Rênata chôn rồi, những giá trị từng là hạt muối mặn của đời ông bây giờ xem ra nhẹ bỗng. Trừ một cái: những nguyên tắc bí mật nghề nghiệp tuyệt đối từng làm nên sức mạnh và niềm vinh quang của đất nước ông.
Các nhân viên ngân hàng đã không nói khi bọn quốc xã muốn moi ở họ con số các tài khoản Do Thái bị kẹt lại trong thời gian chiến tranh. Bản thân ông cũng đã có thể im lặng được lắm rồi, bất kể hậu quả như thế nào đối với con người và của cải của ông. Ông thong thả nhìn chằm chằm vào Etô Gabêlôti và Italô Vonpôn. Bóng dáng một nụ cười khinh bỉ thoáng hiện ở trên cặp môi mỏng dính cua ông.
- Tôi cho là lão chẳng kể gì đến cái mặt chúng ta đâu, - Italô buông ra, giọng không sắc thái gì.
Sau khi gặp Đôn Etô trong vườn hoa Đại khách sạn Đôntơ, Bé Vônpôn đã phái một người đến ngôi nhà ở đường Bờ Đẹp để đưa bức thư của Inetx cho Simen Clốp. Chỉ sau khi hắn trở về, Italô mới biết tin Rênata chết. Việc đó đã làm thay đổi toàn bộ các kế hoạch của hắn cùng xây dựng với Gabêlôti. Hai người vội nhào đến nghĩa trang.
- Tôi hỏi ông kia mà! - Thình lình thô bạo, Gabêlôti quát. Hôme Clốp bình thản lắc đầu.
- Tôi không hiểu ông nói cái gì cả.
Bé Vônpôn quay phắt lại, túm lấy cổ do ông chủ ngân hàng và thét vào giữa mặt ông:
- Nghe tao nói này, thằng strenzen ([67])! Ít nhất có một điều mày sắp sửa hiểu đấy. Đó là cái sẽ xảy ra với mày, với ngân hàng mày, với vợ mày.
*
Ngay lúc cảm thấy Kiêcpatric im bặt, Bletsơ liền bớt gây gổ. Trong gần một giờ đồng hồ anh đã moi được ở những đồng nghiệp nước ngoài một số lượng lớn thông tin, còn về phần mình thì anh khá vui vẻ xởi lởi trả lời những câu hỏi họ đặt ra. Dần dần những miếng trong trò chơi ghép hình đã khớp lại được với nhau...
Bletsơ đã ngừng cuộc họp mặt để đi tới nhà Clốp.
Đemxây, Kiêcpatric, Phinnơgơn thì về khách sạn. Tại khách sạn Xoócđi họ đã cất hành lý và tắm rửa qua loa. Một lần nữa, tất cả lại họp với nhau ở bàn giấy của Bletsơ.
Đề tài: Việc Patric Môhôni mất tích.
- Tôi có một giả thiết, - Bletsơ nói Nhưng nó thật sự không dựa trên cái gì lắm đâu.
- Ông cứ nói, - Kiêcpatric khuyến khích.
- Nếu viên thanh tra của ông bị thủ tiêu như các ông có vẻ nghĩ là vậy, thì có lẽ tôi biết được như thế nào...
Cách đây ba ngày có một cuộc ẩu đả ở dưới tầng hầm khách sạn Cômôđo.
- Giữa ai với ai?
- Tôi không biết. Không ai nghe hoặc trông thấy cái gì cả. Nhân viên được báo động bởi hơi nước thoát ra khỏi gian hầm máy. Những ống dẫn nước nóng đã bị bắn thủng ở trong đó. Người của tôi đã dò ra được những vết máu và nhiều vỏ đạn. Bản thân tôi cũng tới hiện trường. Tôi gần như chắc chắn rằng một xác người đã được kéo lê trên mặt đất đã bị ném vào nồi súp de của khách sạn.
- Các ông chưa cho kiểm tra? - Kiêcpatric ngạc nhiên.
Bletsơ liếc ông cáu kỉnh.
- Không, đại úy. Không thể. Lò trung tâm cung cấp cho sáu trăm phòng của khách sạn Cômôđo là một ống trụ ngầm dưới đất luôn luôn cháy rực những hai trăm mét khối dầu madut, rác rưởi cũng được thiêu hủy luôn trong đó. Mọi vật rơi vào đều bị cháy rụi trong chưa đầy mười phút, không để lại một dấu vết gì. Mà làm nguội nồi súp de đi đòi hỏi những ba ngày. Địa ngục, đại úy, địa ngục đấy...
- Cái gì làm cho ông tin rằng Mahôni...
- Hai người mất tích mấy ngày rồi. Thanh tra Mahôni và một Ricô Gatô nào đó, một “đao búa” của Bờ biển phía Tây.
- Tại sao ông biết tay Gatô mất tích?
- Hắn đã vào Thụy Sĩ. Hắn lại chưa ra khỏi Thụy Sĩ. Hắn chưa thanh toán tiền khách sạn ở Cômmôđo. Hoặc là Ricô Gatô hoặc Patric Mahôni. Tôi không có cách nào để xác định ai đã chết, chừng nào chưa tìm ra và nhận dạng được một trong hai cái xác.
- Và nếu không tìm thấy cái xác nào cả? - Phinnơgơn hỏi.
Bletsơ dang hai tay ra tỏ vẻ bất lực.
- Tuy việc này không liên quan tí nào tới các ông nhưng các ông nên biết, rằng nếu đây là chuyện làm ăn về tư bản thì nó đã diễn ra ở giữa những người mà các ông theo dõi với Ngân hàng Thương nghiệp Duyrich. Con gái ông chủ ngân hàng Rênata Clốp đã chết cách đây hai ngày trong một tai nạn giao thông, sau hôn lễ của chị ta mười lăm phút. Người ta đang chôn cất chị ấy ngay trong lúc này đây. Các ông có biết chiếc xe mà chị ta chết ở trong đó là của ai không? Của một tay Lanđô Baretô nào đó gốc Xixin. Và các ông có biết ai đã trả tiền mua cái xe đó không?
Anh im lặng một lát, khoái trá thấy mấy người kia bị quay, ngoan ngoãn như những cậu học trò chăm chỉ.
- Giencô Vônpôn, - anh buông ra.
- Baretô hiện ở đâu? - Kiêcpatric nghiến răng.
- Trong thành phố, - Bletsơ lừng khừng đáp!
- Sao? Ông không cho bắt nó à?
- Chẳng lẽ những ai đến khai mất cắp xe tôi cũng đều bắt cả hay sao?
- Trung úy, - Phinnơgơn chen vào, - hiện nay trung úy đã có khả năng thành công một mẻ lưới kỳ diệu, một cơ hội nghìn năm có một! Tại sao lại không bắt hết chúng nó với một cái cớ nào đó?
Bletsơ nhìn anh với một vẻ chói tai gai mắt.
- Cớ nào? Hắn có phá rối trật tự công cộng không? Có bị một lời kiện cáo nào không?
Kiêcpatric và Phinnơgơn bực bội nhìn nhau.
- Tôi xin phép hỏi một câu được không? - Xcốt Đemxây cười hềnh hệch nói. - Clốp đã có nói với trung úy rằng ông ta có nhận được những lời đe dọa gì không?
Vôndơna Bletsơ bậm môi.
- Ông Đemxây, ở nước tôi ngân hàng là một Nhà nước trong Nhà nước. Các công ty ngân hàng là hoàn toàn độc lập. Họ tuyển người bảo vệ, điều tra viên, chuyên viên của họ và tự họ làm lấy cho họ công việc cảnh sát. Ông tin là một chủ ngân hàng lớn lại con nít đến mức đem công việc tiền bạc của mình hòa chung vào với công việc của cảnh sát Nhà nước à?
- Clốp không biết mình làm ăn với ai - Kiêcpatric cười khẩy. - Công đoàn khá là hùng mạnh để bắt được Thụy Sĩ phải quỳ gối.
Bletsơ nhìn ông với vẻ thương hại vô cùng.
- Chưa ai thành công được trong việc ấy bao giờ, đại úy ông có biết tại sao không? Vì ở nước chúng tôi, không công dân nào lại có thể bị sa đọa hư hỏng được lâu.
Thấy Kiêcpatric đỏ lựng mặt, anh không thể cho ông ta có cơ hội đập lại
- Đại úy ông có nghĩ Vônpôn và Gabêlôti đủ điên rồ để chơi vào một ngân hàng tại ngay giữa trung tâm Duyrich không?
- Sao lại không? - Kiêcpatric cáu kỉnh khạc ra. - Nếu chúng cho rằng chúng được quyền...
Xcốt Đemxây tán thưởng nét tinh tế này, thú vị cười lúc cúc.
- Như thế thì hay quá, - trung úy Bletsơ làu bàu.
- Nếu tôi hiểu đúng thì, - Kiêcpatric bất bình, - ông chờ khi nào bọn khốn nạn kia làm Duyrich loạn lạc lên rồi ông mới can thiệp?
Bletsơ gay gắt cắt lời:
- Tôi biết phải làm cái gì.
- A, trung úy, - Xcốt Đemxây thở dài một cách mơ màng. - Thế mà tôi nghĩ là ta sẽ có thể chặt đứt đầu Công đoàn đấy... ông sẽ chẳng cần phải động đậy gì... Chỉ cần, thí dụ, tôi có được một con số, một con số tí xíu thôi. Tổng số tư bản gian lận ra khỏi nước Mỹ... Một câu của ông chủ ngân hàng nước ông thôi, chỉ một câu như thế thôi, là tôi tóm được hết chúng nó ngay.
Qua vẻ mặt đáng sợ của Bletsơ, Đemxây biết rằng mình đã vượt quá xa ranh giới của sự phải chăng. Khôn ngoan, ông quay đi ngắm trần nhà.
- Trung úy, xin nghe tôi, - Kiêcpatric thanh minh - tôi không hề muốn khuyên can gì ông cả... Nhưng dẫu sao, căn cứ hoàn cảnh hiện nay, ông có thể đặt máy nghe trộm...
Mặc dù ông nói nghe ngây thơ và nhún nhường, Bletsơ vẫn quắc mắt lên nhìn.
- Chúng ta hãy để Oatơghết ở lại Washington, đại úy. Các ông đang ở Duyrich! Những cách làm như thế, chúng tôi nghe tởm lắm!
Kiêcpatric nắm chặt tay nuốt hận. Viên công chức thấp bé huênh hoang và hợm hĩnh này sắp để tuột đi mất các capô của hai gia tộc hùng mạnh nhất Công đoàn ngay trước mũi hắn đây. Do hiệu quả của những cơ bắp quá ư tập trung, mặt ông đang có một cái màu rất đẹp của quả cà tím.
Bletsơ nhìn thấy cái đó. Anh muốn câu trả lời bớt gay gắt và làm cho Kiêcpatric yên tâm. Anh đứng thẳng tắp ở trước mặt ông.
- Chẳng việc gì ông phải lo ngại cả, đại úy, tôi đã làm cái chủ yếu rồi: hai người của tôi đang bảo vệ nhà ngân hàng đấy!...
*
Bãi cỏ để trực thăng đậu xuống nằm náu mình trong một dẻo đất kẹp giữa những sườn đồi rắn căng phủ đầy thông. Khác nào Amađêô Môrôbia sẽ phải cho máy bay đâm sầm xuống khi hạ cánh vậy. Hơi giống như người ta phải đỗ xuống một cái đáy bát. Nhưng Môrôbia đã quen, cái trò câu lạc bộ hàng không hoạt động đã ba năm rồi còn gì... Chỉ cần các thành viên của Công đoàn, hay người được Công đoàn che chở có một tấm thẻ hợp lệ của câu lạc bộ là có thể băng qua được dễ dàng cái cửa rào mắt cáo của sân bay Milan. Lúc đó họ được xếp hạng là “học sinh lái” và có thể tung hoành tự do trên phần đất dành cho các câu lạc bộ và máy bay tắc xi.
Trong ba năm, Amađêô đã làm hơn một trăm chuyến đi về hai chiều Milan - Thụy Sĩ. Phần lớn là bay ngày.
Bay là là sát các đỉnh núi, bám lấy sườn núi, khiến cho hắn phải hoặc leo lên tận ngọn hoặc nhào xuống dưới thung lũng để tránh ra đa phát hiện. Tuy bề ngoài nhếch nhác nhưng chiếc MD315 của hắn chưa hề phản hắn bao giờ, nó ngoan ngoãn tuân theo mọi yêu cầu nhỏ nhặt của tay lái, thậm chí nó lại còn có cái ưu việt là hạ cánh được ở các cự li dưới ba trăm mét. Thường thường hành khách của hắn nhảy xuống máy bay là chạy đến một lối mòn trong rừng đã có xe chờ sẵn. Môrôbia, lương tâm nhẹ nhõm, bèn làm chuyến về và báo cáo với Ôtaviô Giacômaxi bằng một cú điện thoại.
- Tôi đã về. Mọi sự tốt cả!
Hôm nay có một thay đổi nhỏ trong chương trình. Hắn phải đỗ chiếc máy bay nhà trường xuống cánh đồng, cho nó chạy bộ tới rìa những hàng cây đầu tiên bọc viền đồng cỏ che nó đi càng kín càng tốt rồi chờ.
- Bao lâu?
- Tớ chẳng biết, - Otaviô đã trả lời hắn.
- Nếu tôi không về có thể ở Milan người ta lại sợ?
- Có thể là do cậu bị pan máy, buộc phải hạ cánh.
- Đúng, nhưng tôi cần phải báo cho họ trước.
- O K! Tớ sẽ lo cái đó. Nếu sáng mai cậu không thấy ai thì cứ về.
- Đồng ý.
Hắn đã bay qua Glarutx ở bên phải mình được mấy phút rồi. Hắn dò ra quả đồi đang tìm kiếm, leo sát đất lên tới đỉnh rồi lại cho rơi xuống lòng thung lũng như một hòn đá, sau đó ngóc lên song song với sườn đồi rồi nằm ổn định với đường chân trời sau khi đã quẹo một góc gẫy khúc ở chân quả đồi. Bánh máy bay va mạnh vào mặt đồng cỏ lỗ chỗ những hố cùng rãnh. Cánh hãm của chiếc MD dựng đứng lên trong khi quạt của nó vạch một luống sâu vào lớp cỏ dầy của cánh đồng, Môrôbia tiếp tục lăn bánh cho tới chấm sườn đồi đối diện của lòng thung lũng. Hắn cắt điện.
Giancacalo Phêrêrô đã nhảy vọt xuống ở đằng đuôi để giúp mười người khách gỡ khỏi những chiếc thắt lưng an toàn.
- Lẹ lên..! Các bạn, lẹ lên!....Người ta chờ các bạn ở sau ụ đất kia!...
Họ nhảy ra khỏi máy bay. Tất cả đều trẻ, ăn mặc đàng hoàng, cà vạt, áo vét. Phần lớn lại mang cặp của nhà doanh nghiệp và vắt trễ nải một tấm áo mưa trên tay. Qua cách họ chạy leo lên quả đồi cao thì thấy ngay đó là những vận động viên có tài. Mau chóng, họ biến mất, bị những vòm lá dầy nuốt chửng. Xe hơi đỗ xa hơn một chút. Bằng những nẻo riêng rẽ chúng sẽ đem họ, từng nhóm nhỏ một, về Duyrich, nơi họ chỉ còn có việc giết thì giờ trước khi bước vào hành động.
- Ta làm gì bây!giờ? - Phêrôrô hỏi.
- Ngâm tôm ở đây, - Môrôbia lầu bầu.
- Lâu không.
- Cái đó ấy à, ông bạn ơi, nếu như tớ mà biết được nhỉ!... - Môrôbia vẻ bất lực nói.
Hắn tỳ lưng vào ghế ngồi, mắt mơ màng, châm một điếu thuốc.
*
- Bạn tôi, Italô Vônpôn, và bản thân tôi hoàn toàn đồng ý với nhau, đã có một số quyết định. Chính là để các ông biết nên chúng tôi đã triệu tập các ông.
Etô Gabêlôti đưa con mắt hiền hòa lên các bộ mặt chăm chú của những người ngồi nghe. Cuộc họp tiến hành trong thư viện của biệt thự Vônpôn thuê.
Nhưng những nhân vật có ảnh hưởng của hai gia đình đã chẳng vì thế mà lại hòa một vào nhau. Người của băng nào vẫn ngồi vón lại với băng ấy ở hai bên cái bàn rộng hình chữ nhật bọc da đen. Một bên Vônpôn ở giữa Môsê Yudenman, cố vấn, và Vitôrio, Giôxep Đôtô. Ngồi đối lại, hai cố vấn Cácmin Crimelô và Angiêlô Bácba ở bên trái và phải Đôn Etô, Tôma Mecta, phó capô, Cáclô Badalêtô và Frăngxi Xabachiê, các trợ lý.
Ở đầu bàn, Luixianô Dulinô, thông tín viên của Etô Gabêlôti tại nam Âu. Đứng gác sau cửa là Ximêon Phêro.
Gabêlôti làm bộ đau khổ.
- Cả Bé Vônpôn lẫn tôi đều không ủng hộ bạo lực. Nhưng các anh sẽ dễ dàng hiểu ra rằng, qua lợi ích cá nhân của chúng ta lại còn có uy tín của toàn bộ Công đoàn đang bị thử thách. Nếu một lão chủ ngân hàng lau nhau có thể thách thức tổ chức mà không việc gì hết thì cái gì sẽ xảy ra đây? Cho nên người hợp tác của tôi và tôi đã đồng ý là không bỏ qua được sự xúc phạm đó.
Ông chìa tay về phía Vônpôn.
- Italô, giải thích cho các bạn chúng ta hiểu chúng ta chờ đợi gì ở các bạn ấy đi.
Đôn Etô ngồi xuống lau trán, Italô đứng lên. Chưa tới hai tuần trước đây, hắn đã sống ở Naxau một cảnh huống tương tự thế này. Trước các vị chức sắc của hai gia tộc tụ tập lại, hắn đã đọc bốn chữ cái hợp lại thành bức điện của anh mình: “TROY”. Lúc đó, hắn không thể tưởng tượng được rằng hắn có thể là cái gì khác ngoài người thay thế tạm thời của Đôn Giencô, đứa em út của ông anh hắn, kẻ nghiện cờ bạc mà thật sự chẳng có ai coi làm trọng cả. Nhưng cái chết của Giencô cùng những trách nhiệm phũ phàng bắt nguồn từ cái chết đó đã làm nảy ra trong ý thức hắn một tiếng “kịch” khe khẽ, nó bật mở cỗ máy, giải thoát, làm hiện ra những khả năng bị chôn vùi quá sâu bên trong con người hắn đến độ hắn nghi ngờ ngay cả rằng chúng từng đã từng tồn tại. Quyền lực là một quả ngon lành, mùi vị hoàn toàn mới lạ mà từ nay đã trở thành nhu cầu thiết yếu của hắn mất rồi. Cả Gabêlôti lẫn bất cứ ai khác đều sẽ không thể ngăn hắn thưởng thức cái quả ngon lành đó nữa. Hắn lần lượt nhìn vào mặt từng người một ngồi quanh bàn.
- Chúng ta có hai mục tiêu, - hắn nói, - thu hồi và trả thù. Không thể thủ tiêu lão chủ ngân hàng vì có nguy cơ cắt đứt mất sợi dây duy nhất nối chúng ta với tiền của chúng ta. Chỉ có bằng một loạt sức ép liên tiếp, chúng ta mới hy vọng hắn chịu quy hàng. Hôme Clốp đang ở trong tay chúng ta, nhưng chúng ta lại ở Duyrich quá lâu mất rồi. Cần phải làm nhanh, đánh chiếm và biến. Đêm nay, chúng ta sẽ phá ngân hàng của lão. Cần để cho Hôme hiểu rằng chúng ta sẵn sàng đi tới cùng nếu như hắn không trả cho chúng ta cái thuộc về chúng ta ở Thụy Sĩ, loại ăn cắp hợp pháp này vẫn được giải quyết bằng những luật sư môi giới. Với chúng ta thì không! Người ta không ăn cắp của Công đoàn được!
- Nếu cậu nói cậu định hành động như thế nào thì hay hơn đấy, - Caclô Bađalêtô nhởn nhơ cắt đứt lời hắn.
Từ ngày cái răng nanh hàm trên của hắn cắm ngập vào trán Italô tới nay, Bađalêtô không bỏ lỡ dịp nào để tỏ thái độ hỗn xược, khinh bỉ với Italô. Bàn tay trên mặt bàn của Italô hơi quắp lại. Hắn cúi đầu xuống và không cao giọng buông ra:
- Câm! Tôi đang nói!
Qua giọng hắn, Môsê Yudenman hiểu rằng nền hòa bình mong manh mình từng vất vả lập ra sẽ lập tức chấm dứt ngay trước khi mang lại kết quả. Cả Đôn Etô cũng cảm thấy thời tiết có thay đổi. Ông đã gắng bỏ ra nhiều công sức dàn hòa đâu phải để ai đó phá hỏng đi mất chỉ bằng những thù hằn cá nhân. Mắt long lên, ông cay độc nhìn viên trợ lý:
- Cậu im ngay cái mồm hay để là tôi tống cổ cậu ra?
Thế là Cáclô hiểu đã có thay đổi trong trật tự quan hệ giữa hai băng rồi. Lúc thường, Đôn Etô còn khuyến khích những lời hắn chế nhạo Vônpôn. Ngượng ngịu, hắn quay đầu đi. Không biết nên nhìn vào đâu, hắn dán ánh mắt vào hai bàn tay mình, ngồi im lặng như chết.
Italô cứng khư, hít một hơi dài, tựa hồ chẳng có gì vừa cắt đứt bài nói của mình. Môsê thầm bỏ cho hắn những lá phiếu ngợi khen nồng nhiệt.
- Tôi cho phái đến từ Ý mười quả thủy lôi. Các anh sẽ nhận họ vào dưới quyền mình để phá ngân hàng.
Tôma Mecta giơ một ngón tay lên lễ phép xin nói.
- Tôi đã thấy cái ngân hàng, - hắn nói. - Đó là một tòa nhà năm tầng bằng đá. Trừ phi thả một quả bom hai tấn lên mái nó chứ không thì chỉ có thể làm nó hư hỏng ở bên ngoài mà thôi.
- Nếu như cậu làm theo cái cách tôi bảo thì được. - Vônpôn bác lại. - Tất cả thành công trông ở sự thực hiện lẹ làng của chúng ta. Nếu các cậu có thể hành động trong bốn phút là ta thắng! Đôn Etô và tôi đã quyết định để cho các trợ lý capô của hai nhà đều tham gia vào vụ này.
Vitoriô và Tôma sẽ lãnh đạo trận đánh. Anđô, Vixentô, Giôxep, Bađalêtô, Frăngki và Ximêon chỉ huy đám thủy lôi. Nói rõ là mười tám người các anh sẽ đột nhập vào ngân hàng. Ba người một tầng gác, ba người trong gian đại sảnh. Các anh cho nổ tung cả lên và cho bắt lửa hết cả lên. Các anh sẽ có lựu đạn cháy và súng phun lửa của quân đội Mỹ.
- Padrone, ông chủ, - Pidu bác lại, - không phá cửa gian nhà bảo hiểm bằng lựu đạn được đâu.
- Ta cóc cần gian bảo hiểm! - Gabêlôti nhẹ nhàng nói. - Cậu đừng quên là chúng ta tác chiến ở ngoài trời, trong một cảnh hỗn loạn đáng sợ. Mục đích chúng ta là gây được nhiều thiệt hại nhất trước khi chúng ta rút đi. Chưa đầy bốn phút phải làm cho toàn bộ hồ sơ cháy trụi hết. Cái chúng ta muốn không là tiền mà là cứt đái, là tai tiếng, là nhà thổ cho nó!
Mecta nói với Italô Vônpôn:
- Anh nói mười tám người chúng ta sẽ vào ngân hàng. Anh có nghĩ vào bằng cách nào không?
- Thì bằng cửa chứ bằng gì, đơn giản thế thôi...
- Anh có chìa à?
Italô thoáng một nụ cười dữ dằn.
- Đúng nửa đêm, cổng chính sẽ mở bung. Một trong những người cộng tác của tôi đã lọt được vào trong ngân hàng với một đống mìn rồi.
- Với cớm thì lệnh cho chúng tôi là gì? - Vixentê Bruto hỏi.
- Cậu sẽ chẳng thấy chúng đâu! Vônpôn cắt lời. Giữa lúc tín hiệu báo động hoạt động và lúc bọn chúng ló mặt đến hiện trường thì đã tám phút trôi qua. Các cậu đã cao chạy xa bay rồi!
- Xa bay là đâu? - Frăngxi Xabatinô hỏi. - Sau một trận nã pháo như thế thì làm sao ra khỏi cái xứ này trong vòng bốn phút được?
- Khỏi phải lo xa quá như thế! - Sáng mai cậu uống cà phê expresso ở Ý rồi.
Với Italô, việc rút quân là quan trọng nhất. Do phần lớn quân số ra trận là người của hắn cho nên Đôn Etô tới nay vẫn tránh đặt ra vấn đề này. Những thiệt hại về người là thuộc về nhà Vônpôn và với ông, cái đó không quan trọng gì mấy. Trái lại, sự suy yếu của băng này chỉ có giúp ích cho những dự án sau này của ông mà thôi. Khốn thay, Italô đã chẳng để cho ông có khả năng vớ bở một mình.
Trước đây một lát, Vônpôn đã nói rõ: “Đôn Etô và tôi đã quyết định để cho các trợ lý capô của hai nhà tham gia việc này”. Mà Etô làm gì có quyết định nào? Nghe nói thế, ông không tỏ vẻ gì ngạc nhiên nhưng bộ óc cảnh giác của ông đã quay nhanh hơn để rút ra được cái nghĩa là chắc chắn có gài bẫy ở đó. Cho là Vônpôn trong cơn say hám chỉ huy, muốn tổ chức trận đánh bằng xương máu của nhà hắn ta thì cái đó cũng được thôi. Nhưng hắn lại muốn nạp cả những trợ thủ của chính nhà ông vào đội biệt kích cảm tử thì không đâu! Muốn gì cũng không thể được nếu như không có bảo đảm. Tựa hồ đã biết câu trả lời rồi, ông nói với Italô, giọng ngọt như mía lùi:
- Cậu hãy giải thích cho đám họ là họ sẽ rút đi như thế nào... Tôi cảm thấy họ lo ngại đấy.
Italô chỉ chờ câu này để giành lấy một lợi thế nữa.
Hắn cười hiền lành với Gabêlôti.
- Tôi đã nghĩ tới, Đôn Etô, tôi đã nghĩ tới...
Biết rằng dùng ngôi thứ nhất “tôi” như vậy, hắn tự nhiên sẽ rút Gabêlôti ra khỏi cái công tham gia tìm thấy được giải pháp. Sự thật là do Otaviô Giacômaxi cung cấp cho, gã đã giải quyết mọi chuyện từ Milan kia rồi. Nhưng ai bắt buộc hắn phải khai ra như thế?
- Khi ra khỏi ngân hàng đã có sáu chiếc xe chờ các anh. Chúng sẽ phân tán ngay ra làm nhiều hướng khác nhau, trên một chặng đường đã được tính trước để không gặp phải cảnh sát.
- Ai sẽ lái các xe đó? - Cácmin Crimelô hỏi.
- Những người bạn. Họ thuộc thành phố như lòng bàn tay. Bằng những đường phố khác nhau, các anh sẽ đến cùng một điểm tại ngoại ô Duyrich.
- Mười lăm phút sau khi có tiếng nổ, tất cả các đường đều bị chặn hết. - Tôma Mecta nói. - Ta làm thế nào, lẩn trốn ở cái xứ nuôi bò này ư?
Italô nhìn hắn, vẻ phản đối:
- Tôi tưởng là đã bảo cậu sáng mai ăn điểm tâm ở Ý rồi cơ mà?
- Thế qua biên giới làm sao?
- Qua trong sữa! - Vônpôn bình thản nói.
Hắn để cho họ dao động xôn xao một lát mới hạ cố giải thích.
- Anh Giencô tôi có một số quyền lợi trong một xưởng sữa của Duyrich. Chiều nào người ta cũng thu gom hàng nghìn thùng sữa trong vùng mang đến xưởng sữa của chúng tôi. Một tuần ba lần, mười bốn camnhông xitéc của xưởng sữa anh tôi lại nhúc nhích đến Milan để cho các trẻ con kháu khỉnh dễ thương của nước Ý được uống sữa tươi ngon lành Thụy Sĩ. Mỗi xitéc chứa năm chục nghìn lít. Tôma, cậu xem cậu có ghét bò đến độ ấy không hả...
Tràng cười làm bầu không khí đỡ căng thẳng. Vônpôn ngăn lại:
- Từ sáu năm nay, các nhân viên hải quan vẫn thấy những cam nhông này đi qua. Ở tám chiếc trong số đó, anh tôi đã làm một chỗ ẩn trong xitéc. Ba bốn người ngồi thoải mái được bên trong. Chưa đầy năm tiếng đồng hồ, các anh đã đến Milan. Rõ chưa?
Angiêlô Bácba liều một câu hỏi đang làm miệng hắn ngứa ngáy.
- Còn chúng ta? Nếu sự thế quay ra gay cấn?
- Tại sao lại gay cấn được nhỉ? - Italô ngạc nhiên.- Cậu có thể nói với tôi có mối liên quan nào ở giữa cậu, một nhà thương nghiệp Mỹ lương hiện ghé qua Duyrich với những bọn vô chính phủ đốt một nhà ngân hàng để đùa vui, chẳng thiết tháu đi một đồng nào cả?
- Thì cứ giả như thế đi, - Bácba nài, bướng bỉnh. - Ta sẽ ra khỏi Thụy Sĩ như thế nào?
Vônpôn có một vẻ trách móc độ lượng.
Sao cậu lại cho là tớ không nghĩ tới chuyện đó nhỉ, Angiêlô?
Đồng Tiền Thấm Máu Đồng Tiền Thấm Máu - Pierre Rey Đồng Tiền Thấm Máu