Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Tác giả: Pierre Rey
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Bản Quyên
Biên tập: Minh Nguyen
Upload bìa: Minh Nguyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3957 / 41
Cập nhật: 2015-11-05 09:29:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
iệc tuyên bố đóng cửa công trường thay vì làm thợ mỏ thờ ơ thì đã lại kích thích họ. Tựa hồ họ muốn giật ra khỏi lòng đất những hạt kim cương mà cho tới bây giờ nó đã từ chối xuất hiện. Thô thiển hay có giáo dục, viên chức cao cấp hay công nhân công trường, tất cả đều giống nhau, lên cái cơn sốt xưa kia từng làm bùng cháy những người tìm vàng. Khu mỏ cũng tạo ra sự xúc động như mặt thảm xanh của sòng bạc. Mỗi một ngày, mọi sự đều lại mới. Hy vọng dệt tấm diềm dài đặc của nó và nâng đỡ những kẻ suy sụp: cái mà lòng đất từ chối hôm nay thì ngày mai lòng đất lại sẽ cho.
Giuliô Anmâyđa cũng không ra ngoài thói thường.
Đến Chukuđu, anh chỉ nghĩ đến đồng lương cao được nhận, coi khinh một cách mụ mị tính chất lao động của mình. Trong vòng nửa tháng, anh đã bị lây nhiễm như mọi kẻ khác, lao vào săn tìm kim cương. Vật báu sáu khi được anh đưa ra ánh sáng lại tuột khỏi tay anh, cái đó không quan trọng lắm. Cái quan trọng là cưỡng bức được bùn lầy để ăn cắp đi của nó những hạt đá quý.
Cơn đam mê bới lục ở tất cả mọi người mạnh đến nỗi nhiều kẻ không thấy cả còi hụ báo ngày công đã hết.
Từ hôm qua, càng tệ hại hơn. Bằng cách báo trước công trường sẽ đóng cửa trong tám tháng, Eric Móoctaen đã thổi bùng lên, một cách rất vô tình, cơn điên tìm kiếm ở những người thợ mỏ. Riêng chỉ vì vẻ đẹp của cái vật đó thôi, mỗi người cũng đã hy vọng phát hiện ra được “cục bự” viên đá quý thần thoại có thể cân được tới, trước khi rũ gọt, khoảng giữa một trăm và một nghìn cara. Giuliô từng thức những đêm dài nghiến ngấu đọc các khảo cứu về môn học đá quý, đã bị mê hoặc đi bởi tính vĩnh hằng của kim cương, giống như trước anh, ba vị vua phương đông đã cho khắc tên mình bằng chữ Ba Tư lên viên kim cương nổi tiếng “Shah” ([64]) để cho nó bảo trì mãi mãi vong hồn mình vào tận cùng kiệt thời gian: Buôchan Nidan II, vua nước Achmetnaga, Giôhansếch Đại đế thành Đơli, Phét A-li vua Ba Tư.
Quỳ trong hầm lò, anh mơ tưởng những chuyện thần tiên đó... Dầu sao, chính là những con người như anh, những kẻ vô danh, đã đưa được ra ánh sáng, khỏi cái vỏ đất của nó những viên đá từng làm lẫy lừng những người chiếm hữu chúng, viên Quan Nhiếp chính 420 cara, viên Kim Cương Lam, viên Kêino, viên Đại đế Môgôn, viên Ocklốp. Tại sao lại không là anh chứ? Trước đây một tháng, khi qua cũng lối lò này, anh đã bị sửng sốt bởi một chi tiết mà anh muốn kiểm soát. Cần phải làm cho lẹ: trong vài giờ nữa, khu mỏ sẽ đóng cửa và được binh lính canh gác. Lấy cớ kiểm tra đáy hầm lò, anh đã để kíp thợ của mình ở xa lại đằng sau. Đường hầm này, ở tít trong cùng của nó được chống đỡ bằng những thanh gỗ.
Các kỹ sư bắt đào vào càng xa càng tốt. Nhưng trong tận cùng các đường hầm, ở những khoảng không gian chưa hề trải qua một thăm dò nào, đã xảy ra những vụ sụt lở và nhiều người đã chết. Nhiều khúc hầm lò đã được đóng kín lại bằng những hàng rào chắn thô sơ: vài đoạn ván gỗ bắt chéo nhau. Sau này, khi các mạch đá đã được phun phóng bê tông vào thì những người thợ khác, không phải Giuliô, sẽ moi khoét các vách đá đó bằng rìu. Và sẽ tìm ra... có thể...
Anh liếc lại đằng sau một cách bản năng và chĩa ngọn đèn vào bóng đêm tuyệt đối. Để tới chỗ này, anh đã phải vượt qua hai lần cửa đánh dấu khu vực cấm vào. Anh hoàn toàn đơn độc với tiếng những giọt nước rơi không biết mỏi vào một cái vũng, làm bạn đồng hành duy nhất của mình.
Dùng đầu mũi búa, anh nậy nhanh đinh ở các tấm ván cửa rào chắn. Khi lỗ thủng đủ để lọt qua, anh chui sâu vào trong. Anh chĩa đèn chiếu sáng đầu cùng hầm lò cách chừng hai chục mét: chỗ đó là bắt đầu hang động của Alibaba. Chưa một bàn tay nào vuốt ve lên những tảng đá đó. Chưa một công cụ nào làm rách xước chúng ra.
Đằng sau mỗi tấc đất đều có thể ẩn náu viên kim cương đẹp nhất thế giới. Hơi thở nặng nhọc, đương đầu với điều cấm đoán và điều bất khả xâm phạm, lúc đó Giuliô mới được hưởng cái lạc thú toàn vẹn mà trước anh, chắc chỉ có Chritxtôp Côlông lúc gặp bến bờ châu Mỹ hay nhà du hành vũ trụ đầu tiên lúc đặt chân lên mặt trăng, đã cảm thụ. Anh đứng bất động một lúc, tim đập dồn dập, bụng thắt lại bởi một cái gì đó còn dữ dội hơn những cảm giác mạnh nhất anh từng trải qua từ trước đến nay. Anh nghĩ tới những gì có thể sánh với trạng thái sảng khoái tuyệt đối này. Không có gì sất. Ngay cái khoái lạc cực điểm mà đôi khi Manuêla đã cho anh hưởng cũng thình lình hóa ra nhạt nhẽo. Anh đi vài bước ngập ngừng, tay đặt lên vách hầm cũng với sự nhẹ nhàng giống như khi anh lướt chạm vào bầu vú tròn trịa của một người đàn bà mới mẻ.
Anh lấy đầu ngón tay khẽ cạo cạo đất. Một dòng bụi nhỏ hẹp chảy êm ả xuống dưới chân anh. Anh thận trọng cầm lấy chiếc búa thợ mỏ, đưa mắt chọn cái chỗ, mà theo anh, hình như có khả năng tàng giấu vật báu. Anh bổ từng nhát búa gọn khẽ vào một miếng đá mềm. Lập tức mảng đá rời ra khỏi đó, kéo đá đất trượt theo: nguy hiểm...
Đoạn hầm này chỉ được chống qua loa bằng vài cọc lò đặt vội vàng theo chiều thẳng đứng. Giuliô phải hành động hết sức thận trọng kẻo sẽ làm vách đá vụn tơi ra. Nhưng có điều anh lại muốn biết, muốn đi xa hơn nữa, đào, đào...Anh đưa mu bàn tay lên lau mồ hôi đang làm cay mắt rồi lại bắt đầu đập khẽ khẽ đầu búa, một mình trong nhân thế, tựa như anh đã từng như thế trong bụng mẹ vậy.
Một ít đất đá nữa lại trượt xuống. Giuliô đứng im thít.
Nhưng đây là cơ hội duy nhất, một cơ may cuối cùng. Chiều mai, ngày 30 tháng Tư, Công ty Hợp nhất Vatxơna sẽ đóng cửa và chẳng ai, chẳng bao giờ còn có thể kiểm chứng được cái điều Giuliô dự cảm. Anh lại cạo cạo nữa... Khi anh đã khoét sâu được vào vách ba mươi phân, chiếc búa của anh gặp khoảng trống. Anh bới rộng cái lỗ ra bằng tay cho tới khi đưa được cây đèn vào trong đó. Anh biết mình đã không lầm. Anh đang đứng ở chỗ mở đầu của một “ống điếu”, một thứ ống thông khói do một vụ nổ núi lửa khoét nên và được một nham thạch kiềm bít kín lại, chắc là loại nham thạch kimbeclit, không nghi ngờ gì nữa.
Những điều kiện địa chất lý tưởng để phát hiện ra mạch của một vỉa kim cương nguyên sơ.
Run lên vì sốt ruột, Giuliô bỏ búa cầm lấy cuốc. Cùng với nhát cuốc thứ nhất anh giáng mạnh xuống, các cọc chống lò gẫy sập như những que diêm dưới sức nén của hàng nghìn tấn đá đang ở trong thế cân bằng mong manh.
Hầm lò sụp xuống hết cả chiều dài của nó trong một tiếng sấm rền âm âm. Đã bị vùi lấp nhưng còn sống được vài giây, mồm đầy đất, Giuliô trong hơi thở hắt cuối cùng đã buột ra những âm tiết hợp thành tên của người vợ, người mẹ của đứa con anh, mà anh sẽ chẳng còn bao giờ biết tới: Manuêla.
*
Người nhân viên hải quan liếc nhanh họ rồi cúi xem hộ chiếu, không tỏ vẻ gì chú ý đặc biệt.
Bốn người mặc con lê màu đen sang trọng. Trong tay họ là chiếc cặp có tính bắt buộc, mà nếu không có nó, thì một nhà kinh doanh xem chỉ giống như cái vốn dĩ ông ta đang là lúc đó: chẳng ghê gớm gì...
- Ta đi nào, các ông...
Vitôriô Pidu, Anđô Amanphi, Vixentê Bruto và Giôxep. Đôtô lập tức mất hút vào trong đám đông vừa được chiếc máy bay 747 New York - Duyrich mửa ra ở bãi đậu. Trong túi Pidu có địa chỉ tòa biệt thự mà Vônpôn và Môsê Yudenman đang chờ họ ở đó. Hắn bảo Bruto:
- Cậu có biết cái chỗ chúng mình đến là gì không? Phố Các Chủ Ngân Hàng! Ở Thụy Sĩ phải có tên phố như thế.
- Tớ đói, - Bruto nói.
- Ta lấy súng ở đâu nhỉ? - Đôtô hỏi.
- Chớ lo, - Vitôriô làu bàu. - Italô đã nghĩ tới chuyện đó rồi...
Họ rúc vào trong một chiếc tắc xi. Pidu không biết qua một tiếng Đức nào hơn các trợ lý của mình bèn đưa cho người tài xế một tờ giấy trên có ghi:
“Sonnenberg Aurorostrasse!
- Ja! - Người tài xế vừa nói vừa cho xe chạy.
Trong khi đó, người nhân viên hải quan đã được một đồng nghiệp thế chân, đang gọi dây nói cho trụ sở chính của cảnh sát Duyrich.
- Trung úy Bletsơ?
- Ai hỏi ông ấy?
- Hải quan sân bay. Thượng sĩ Gluc.
- Không có đây, anh bạn ơi, nhưng cứ nói, tôi biết chuyện. Một toán mới đến hả?
- Bốn người.
- Khoan, tôi lấy cái bút chì đã... Nghe đây - Họ từ New York đến. Vixentô Brutô...
- Viết với hai chữ T chứ?
- Vâng, Antô Amanphi... Giôxep Đôtô... Vitôriô Pidu.
-Tốt. Anh đã báo cho người chúng tôi biết chưa?
-Đã. Họ đang bám những người kia.
-Lại cám ơn nữa nhé.
-Chào! -Chào...
*
Giữa trung úy Bletsơ và đại úy Kiêcpatríc, mối ác cảm là tức thì. Trước hết Bletsơ không ưa những anh tóc đỏ. Nhất là khi vốn đã không hài lòng về sự có mặt áp đặt của họ, họ lại còn đổ bộ viện binh lên đất của anh nữa chứ.
- Trợ lý của tôi, trung úy Hecbi Phimnơgơn, - Kiếcpatríc giới thiệu.
Bletsơ lạnh lùng cúi đầu.
- Ông Xcốt Đemxây, - Kiếcpatríc tiếp tục.
Bletsơ nghiêm khắc nhòm vào cái con người bé nhỏ cười hề hề có vẻ thích thú ghê gớm lắm. Ông ta mặc một áo vét bằng tuýt đã cũ, chiếc cà vạt màu nước biển thì xoắn lại như một mảnh giẻ.
- Các ông là cảnh sát? - Bletsơ nghi ngại hỏi.
- Không đúng, - Kiếcpatríc hấp tấp nói.
Ông hắng giọng rồi nói toạc móng heo ra.
- Ông bạn tôi, Xcốt Đemxây, thuộc Ủy ban chứng khoán và Thị trường chứng khoán.
Bletsơ cau mày thầm phản đối. Nếu có một ai đó anh không muốn trông thấy bóng dáng ở cái thành phố Duyrich tử tế của anh thì chính là một viên chức của cái ủy ban này. Thay vì mời các vị khách ngồi, như trong một lúc sơ ý anh đã có ý định làm thế thật, thi anh lại lạnh lùng nói:
- Tôi ngạc nhiên, đại úy. Tôi lại tưởng là ông chỉ đến một mình và với tư cách cá nhân thôi.
Kiếcpatríc bật cười to thân mật, điều chẳng phù hợp gì với tình cảm của ông cả. Nếu Bletsơ ghét người tóc đỏ thì ông, trái lại, ghét tất cả cái gì giống như một dân Thụy Sĩ. Quá nhiều phen, những dấu vết ông theo dõi lại cứ chấm hết ở Lôdan, Giơne hay Duyrich. Ông tin chắc rằng nếu một cuộc xung đột bất thần, một sai sót nào đó trong một vụ ném bom nguyên tử đem xóa nước Thụy Sĩ đi khỏi bản đồ thế giới thì các đại gia tộc của Công đoàn Bờ biển phía Đông hay Bờ biển phía Tây sẽ đều bị chết ngạt hết. Trong con mắt ông, bất cứ anh Thụy Sĩ nào cũng đều đáng nghi là kẻ tàng trữ một phần kho báu chiến lợi phẩm của maphia.
- Chính là điều tôi đã nói với ông, trung úy Bletsơ!
- Như thế, tôi không thấy việc gì khiến một nhân viên đa chức năng của Sở tài chính Mỹ lại phải đến Duyrich!
Xcốt Đemxây cười ngặt cười nghẽo, tựa hồ những lời nói đó không chĩa vào mình, Kiếcpatríc phát ớn về cái tính nhởn nhơ đó của ông ta.
- Chuyến viếng thăm của ông ấy cũng là thân hữu và cá nhân thôi, - ông thanh minh.
- Tôi rất tiếc phải nói với đại úy, rằng tôi sẽ xem xét để cho lời ông nói trước sau được đúng như thế. Chúng tôi khó lòng tha thứ cho sự đột nhập của viên chức nước ngoài vào lãnh thổ chúng tôi, dù cho họ là của một nước bạn.
Một nước bạn! Kiêcpatríc suýt chết sặc. Nước nào nhỉ? Nếu người ta gói lãnh thổ Thụy Sĩ vào một chiếc mùi xoa rồi chở nó sang Mỹ thì toàn bộ diện tích của nó chẳng hòng che kín nổi cái xóm Tàu ở New York đâu.
Phinnơgơn bèn chi viện chủ để tránh cho ông một tai nạn nhồi máu não.
- Trung úy, những điều đó chúng tôi đều biết, - anh nói với nụ cười xởi lởi. - Không phải là chuyện hành động gì ở nước ông đâu. Hãy quên chúng tôi là những đồng nghiệp đi mà chỉ đơn giản coi là những trợ lý, những kẻ chỉ điểm không trong biên chế.
Bletsơ nhìn chằm chằm Xcốt Đemxây.
- Thưa ông, tôi có thể được biết ông đi chuyến này là nhằm mục đích chính xác gì không?
- Tôi đã xin ông ấy đi với tôi! - Kiếcpatríc xen vào.
- Tại sao?
Đemxây cười lục cục. Kiếcpatríc lừ mắt nhìn ông ta.
- Trung úy, trung úy thấy đó, cái vụ chúng tôi đang làm đã vượt quá thẩm quyền chúng tôi....
- Ông làm tôi ngạc nhiên đấy! - Bletsơ cắt lời. - Trong một lần trò chuyện mới đây, ông khẳng định với tôi đây là một vụ thuần túy hình sự cơ mà.
- Đúng vậy!
- Vậy thì?
Quen đặt câu hỏi hơn là phải trả lời, Kiếcpatríc cựa quậy bực dọc. Dẫu sao ông cũng không thú thật ra được với cái anh chàng cảnh sát nhãi này những lý do xác thực của việc điều tra. Một người Thụy Sĩ hiểu được cái gì ở các vấn đề sống còn mà sự tồn tại của Công đoàn đặt ra cho Hoa Kỳ cơ chứ?
- Ông không chơi đẹp, đại úy ạ! - Bletsơ lạnh lùng buông ra.
- Xin lỗi?
- Tôi nói thêm là tôi không thích cả cái cách làm của ông.
Mặt Kiếcpatríc trở thành đỏ rực như bộ bờm màu lửa của ông. Ông quan sát Phinnơgơn và Đemxây đang lúc cúc cười khe khẽ. Bletsơ chém mạnh bàn tay.
- Từ cái ngày tôi gọi tới báo về cái chết của thanh tra Mahôni, ông không lúc nào ngừng coi tôi như một thằng ngu cả. Ông nói ông muốn giúp tôi, không đúng? Ông muốn lấy ở tôi tất cả mà chẳng trả lại cái gì hết. Cái đó không phải tình anh em lắm đâu.
Lần cuối cùng Kiêcpatríc bị sát xà phòng đã cách đây những hai chục năm, lúc ông đang cố thi lên thanh tra. Vậy là ông không còn thói quen đó nữa. Ông im lặng, bàng hoàng, không biết nên xử sự như thế nào. Rất chi đau khổ...
- Cái mà ông đang bận tâm thì tôi cũng biết ngang như ông, có thể còn hơn nữa cơ, - giọng trịch thượng Bletsơ nói tiếp. - Tất cả các cái bí mật xíu xíu của ông, tôi biết hết trọi. Vônpôn, Yudenman, Pidu, Belindôna, Môri, Đôtô, Bruto, Amaphi chúng đang ở giữa các bức tường của tôi đây. Và cả cái băng Gabêlôti! Nào Crimelô, Bácba, Bađaletô, nào Mecta, Xabatini, Phêro!
Bletsơ chỉ vào bàn tay xoè rộng của mình rồi gập mạnh nó lại:
- Tất cả ở đây! Còn Rico Gatô, ông biết không? Không!Và Lanđô Baretô? Không! Ông còn nhiều cái phải biết nữa, đại úy ạ.
Kiếcpatríc chịu đòn. Phinnơgơn quay đầu đi, ngượng nghịu. Anh thấy hình như Đemxây cũng thôi cười rồi.
- Vậy tôi đề nghị với ông thế này, hoặc nhận hoặc bỏ. Hoặc chúng ta trao đổi thông tin với nhau một cách trung thực và tôi thề với ông rằng nếu phía các ông chỉ trí trá một chút xíu thôi là tôi xé hiệp ước liền! Hoặc ông thích im lặng. Trong trường hợp đó, tôi chẳng giữ các ông đâu.
Kiếcpatríc cắn môi. Bây giờ mặt ông không đỏ tía nữa mà hơi màu da cam. Ông đưa mắt hỏi Đemxây và Phinnơgơn.
Phinnơgơn nói:
- Đại úy, tôi nghĩ là trung úy nói đúng đấy.
- Khoan - Bletsơ cắt lời. - Tôi nói thêm là các ông không có một chút quyền lực nào ở Thụy Sĩ cả. Cả quyền lực cảnh sát lẫn quyền lực xem xét các hoạt động ngân hàng của liên bang.
- Chúng tôi còn lại cái gì? - Kiêcpatríc khó nhọc nuốt nước miếng và hỏi.
- Chẳng gì cả! Trao đổi với nhau vài cái tủ, tôi sẽ cho phép các ông chứng kiến cuộc điều tra của tôi. Các ông được tự do sử dụng các kết luận đó khi đã trở về Hoa Kỳ.
- Nhưng một khi các ông tiến hành bắt giam thì sao?
Bletsơ bĩu môi giễu cợt.
- Đại úy quên mất một chi tiết! Cho tới khi có bằng chứng ngược lại, thì hiện chưa có một lỗi nào đã xảy ra ở trên lãnh thổ Thụy Sĩ, chưa - lỗi - nào - cả. Trong những điều kiện như thế thì đại úy muốn tôi bắt ai đây? Và vì cái tội gì nào?
Để che đi niềm hả hệ đã trả được thù, Blesơ làm ra một bộ mặt cau có và đi đi lại lại trong văn phòng. Thình lình anh đứng lại ở trước Kiếcpatríc.
- Thế nào? Đồng ý chứ?
Kiêcpatríc ngập ngùng lùa tay vào bộ tóc đỏ lóe loé của mình. Ông đưa mắt hỏi ý Xcốt Đemxây và Hecbi Phinnơgơn, hai người ra hiệu với ông là bằng lòng.
- Đồng ý, - ông nói làu bàu.
Viên trung úy phác một nụ cười rồi bấm một cái nút. Một người công vụ thò đầu vào.
- Lấy ly, đá và uýtxki Xcôtlơn!
- Vâng, trung úy.
Vônđơma Bletsơ quay lại các vị khách.
- Nói thật giữa ta với nhau, tôi cần quái gì nhiều đến vậy sự có mặt của các... đồng bào các ông ở Duyrich chứ. Tôi chỉ muốn mỗi một điều là rũ sạch họ đi mà thôi! Nếu họ đủ điên rồ để biến Thụy Sĩ ra thành Sicagô thì tôi sẽ giao nộp nguyên như thế này cho các ông.
Anh lại quặp các ngón tay xuống lòng bàn tay mở xòe của mình. Rồi anh nói:
- Đại úy, bây giờ tôi nghe đại úy nào!...
*
Chẳng có ai trong gian đại sảnh cũng như các gian phòng khác nhau ở tầng dưới mà Lanđô đã lần lượt chạy qua xem. Hắn vào cầu thang leo bốn bậc một, quên hết mọi nhọc mệt, tập trung vào mỗi việc khẩn cấp duy nhất: báo cho Vônpôn biết là cảnh sát Thụy Sĩ đã phát hiện ra bọn họ. Trên thềm đầu cầu thang tầng một, hắn đâm xầm phải Phôncô Môri.
- Padrone đâu?
- Không thể quấy ông ấy được đâu.
- Tớ cần nói với ông ấy, Phôncô?
Pidu vừa mới đến cùng các tay trợ lý. Italô và Yuđenman đang cho họ một bài diễn văn. Cậu phải chờ thôi.
- Cứt! cứt! cứt! Có lâu không?
- Tớ không biết.
Vì tôn trọng ngôi thứ, Lanđô không dám thú thật với Môri rằng đất đã động ở dưới chân rồi. Cái tin mới mẻ bắt buộc phải đến với Vônpôn trước tiên. Hắn thất vọng xuống thang gác và đi vào trong bếp để làm cho mình một cái gì ăn lấy lại sức. Sau lần gặp Bletsơ vừa rồi, hắn rất cần nhét cho đầy bụng.
Hắn trông thấy cái lưng phè phè của Bêlindôna. Piêtrô, đang ngồi ở bàn, trên một chiếc ghế con, lật mở một tập tranh liên hoàn. Trước mặt, hai ba hộp bia rỗng. Lanđô lấy chai vôtca, rót một cực lớn và uống cạn. Nguy hiểm này dẹp nguy hiểm kia, nỗi kinh hoàng Bletsơ gây ra cho hắn đã nhất thời làm biến mất cái cảm giác nguy hiểm toát ra từ Belindôna.
- Piêtrô, theo cậu thì trên kia còn lâu nữa không?
- Tùy, - Pitrô nói... - Cậu tìm ai?
- Vônpôn.
- Họ vào đó hơn một giờ rồi đấy.
Lanđô thình lình ngạc nhiên bởi cái sự việc mới mẻ này: Bêlindôna đã hạ cố nói với hắn. Chợt yên tâm, hắn hiểu ra rằng việc mất ngủ đã làm cho hắn diễn giải sự tình ra như vậy mà thôi. Thấy Piêtrô cầm một con dao, những lời đe dọa thằng mọi khổng lồ hiện ra trong đầu hắn và liền suy ra một câu chuyện ngu xuẩn.
- Khá hơn chứ? - Hắn nồng nhiệt hỏi Bêlindôna.
- Cái gì? - Tên hộ pháp hỏi.
- Từ hôm qua cậu có vẻ sa sầm, chán nản...
Nếu có gan hắn có thể sẽ giải thích rằng mình, Lanđô, đã quên hết những gì từng chứng kiến một cách vô tình, không bao giờ mình lại nói với ai điều bất hạnh mà Piêtrô đã phải cam chịu kia đâu.
- Ừ, tốt rồi... tốt rồi...
Piêtrô mở tủ lạnh lấy ra chai bia và tu nửa chai rồi đi ra cửa, vẻ trầm ngâm. Lanđô thấy hắn uể oải quay hai vòng khóa: hai người đã bị nhốt ở trong bếp.
- Ấy! Cậu làm cái gì thế? - Lanđô kinh ngạc nói.
Bêlindôna vùi chìa khóa vào trong túi. Khi rút tay ra thì bàn tay hắn đã nặng trĩu một khẩu Vanthơ PP mà hắn chĩa vào Lanđô.
- Cậu điên à? - Lanđô ngắc ngắc.
Piêtrô để một ngón tay lên môi bảo im.
- Không làm ầm, người ơi! Chớ làm rầy những người đang làm việc...
- Tại sao cậu lại chĩa súng vào tớ?
- Tớ sắp giết cậu, Lanđô!
Lanđô có cảm giác mình đang bị bó trong một tảng băng.
- Tớ có làm gì cậu đâu?
Bêlindôna bối rối gãi đầu.
- Đúng là không gì cả, không gì cả... Tớ thề là tớ chẳng thù ghét gì cậu.
- Tớ không còn là bạn cậu nữa à? - Lanđô nói, cố giữ cho giọng không run.
- Có chứ. - Bêlindôna nói. - Nhưng tớ vẫn buộc phải giết cậu.
- Vì hôm qua à? - Lanđô hốt hoảng. - Cậu điên! Tớ có nhìn thấy gì đâu. Tớ không xem! Cái đó thể xảy ra cả với tớ cơ mà.
- Nó đã xảy ra với tớ, - Piêtrô thầm nói. - Và chừng nào cậu còn sống thì chừng ấy tớ không sống nổi.
- Piêtrô! - Lanđô nài nỉ. - Cậu đừng làm thế. Cậu đừng phơ tớ. Người ta sẽ nghe thấy cậu bắn. Italô sẽ róc xương cậu. Xóa chuyện cũ đi, anh bạn, quên rồi mà, lời hứa danh dự đấy!
Bêlindôna cau có.
- Đừng nhìn tớ! Tớ chán mắt cậu lắm! Quay đi!
- Piêtrô!
- Quay đi!
- Piêtrô, đừng làm trò con khỉ!
Chân run lẩy bẩy, Lanđô xoay người. Chẳng hề thấy hắn đến gần, Lanđô nhận ngay thấy hơi thở của hắn ở sát bên tai mình.
- Người ơi, xin lỗi nhé... Tớ chẳng con cách nào - Piêtrô! - Lanđô kêu to lên.
Hắn muốn quay phắt lại. Nhát chém bằng cạnh bàn tay của Bêlindôna bổ thật mạnh vào gáy, trúng huyệt đốt sống cổ. Lanđô đổ sụp xuống sàn lát đá ô cờ trắng đen. Piêtrô đi mau ra ghé tai vào cánh cửa. Để chắc chắn hơn, hắn mở khóa, thò đầu ra ngoài gian sảnh, nhìn và nghe ngóng: không một bóng người, không một tiếng động. Tất cả đều đang ở trên lầu hết.
Hắn khóa cửa lại, đến lấy ở tủ làm đá ra một khối to thù lù nặng chừng mười lăm ký. Hắn đặt hòn đá thăng bằng trên mặt tủ đá. Hắn quay lại chỗ Lanđô vẫn đang bất tỉnh, lấy chân hất ngửa lên. Hắn đến bê tảng đá, hai tay giơ lên trên đầu rồi dùng nó như một cái chùy quật xuống giữa trán Lanđô. Trong một âm thanh ghê rợn, những mảnh đá vấy máu bắn tung toé trong bếp. Bêlindônna xem cho yên trí trán Lanđô đã bị vỡ sụt vào hẳn thật chưa. Hắn lấy một cái chổi, vun những mảnh đá rải đầy mặt đất vào một cái xẻng bằng nhựa. Rồi đổ cả vào trong chậu rửa bát. Động tác chính xác hắn kiễng chân lên để mở tủ vách nằm ở đỉnh các ngăn giá, bên trên chiếc tủ buýpphê đựng thức ăn. Trước khi Lanđô tới, hắn đã cẩn thận cất ở đó những mẩu bánh cắt thành lát, gói trong một cái túi nhựa. Hắn lặng lẽ hất đổ chiếc ghế đẩu dưới chân các ngăn giá. Hắn ôm tảng đá mang vào chậu rửa bát, mở hết cỡ vòi nước nóng ra. Đá liền tan. Bêlindôna kéo xác Lanđô đến bên dưới chiếc tủ vách, cạnh chiếc ghế đẩu đổ kềnh. Lần này hắn để gã nằm úp sấp xuống, không quên cà trán gã, chỗ bị giập lõm, lên nền đá hoa cho máu váy bê bết vào. Đoạn buông tay cho mặt Lanđô rơi xuống đất, vào giữa vết máu.
Hắn còn phải giải quyết một chi tiết cuối cùng để cho sự dàn cảnh được hoàn hảo. Hắn lấy một chồng đĩa ở dưới tủ buýpphê đem đặt lên ngăn giá tủ vách, cạnh cái gói những lát bánh. Hắn lại lấy ở trong tủ lạnh ra một khay phó mát, để nó trên chiếc bàn cao lưng chừng mặt đất và chiếc tủ vách bên trên, nơi hắn phải kiễng chân lên mới với tới được bằng đầu ngón tay mà thôi. Hắn đập trong chậu rửa một mẩu đá dầy ba phân, dài năm phân.
Mẩu đá nom phảng phất một lười rìu tiền sử. Piêtrô dùng nó để kê giữ chồng đĩa thăng bằng ở trên giá. Chưa đầy hai phút, đá tan đi và đĩa sẽ rơi vỡ tan trên đất.
Trong chậu rửa bát, nước nóng đã làm cho vũ khí giết người biết mất hoàn toàn. Tảng đá nặng và rắn câng đang hóa ra thành nước thoát chảy trong lỗ chậu. Bêlindôna liếc xem lần chót công trình của mình: bức tranh đáng thương xót thật! Rõ ràng Lanđô, đã ngã giập mặt trong khi leo lên chiếc ghế đẩu để lấy gói bánh. Một cái chết vớ vẩn.
Piêtrô lại mở cửa bếp. Chỉ cần ba phút hắn đã hoàn thành tất cả những gì hắn muốn đạt tới. Vẫn vắng vẻ như lúc nãy. Hắn rón rén lẻn vào gian sảnh, lớp thảm đầy đặn ở đấy đã hút mất tiếng chân của hắn. Khoang cầu thang che hắn khuất khỏi đôi mắt Phôncô vẫn đang gác ở trước cửa phòng Italô Vônpôn trên gác. Khi Bêlindôna ngồi vào chiếc ghế bành ở góc sảnh xa căn bếp nhất và đã mở một tờ báo ra rồi, hắn mới gọi Môri.
- Này Phôncô!
Phôncô Môri nghển đầu nhòm qua tay vịn cầu thang.
- Hử?...
- Cậu có tin là thật không, cái trò tởm này?
- Tởm gì?
Piêtrô chỉ vào tờ báo - Chúng nó nói đã thành công trong việc cho nẩy mầm những hạt cốc già đã hai nghìn năm.
- Hạt gì cơ?
Bêlindôna nằm ườn trên ghế bành, toan trả lời thì trong bếp vang ra tiếng đổ đánh rầm. Lập tức Bêlindôna đứng phắt ngay dậy.
- Cái gì thế? - Phôncô lập tức vọt súng ra, hét.
- Im! Để tớ xem.
Khẩu Vanthơ PP trong tay, Piêtrô đi ngang qua gian sảnh. Môri nghe thấy hắn nói:
- Cục cứt! Không phải!
Hắn lao xuống thang gác đến cho Bêlindôna đang ngơ ngác đứng trên ngưỡng cửa nhà bếp.
Landô Baretô nằm sóng xoài, mặt úp xuống đất, giữa một vũng máu đầy những mảnh đĩa vỡ, nhiều có đến hàng trăm nghìn mẫu vụn. Phôncô đi đến lật người Lanđô lại. Hắn áp tai vào ngực gã, sửng sốt nhìn Piêtrô và nói:
- Đểu nhỉ! Chết rồi!
*
Khi nhà đòn sắp đóng nắp áo quan, người nhân viên hộ tịch ngăn tay họ lại và đến bên Simen.
- Thưa bà, bà có muốn nhìn con gái lần cuối cùng không?
Simen bật khóc nức nở, ôm chầm lấy Hôme Clốp, ông ghì chặt người bà, tay nhè nhẹ vuốt gáy bà. Ông nháy mắt với người nhân viên hộ tịch qua vai vợ. Nước mắt đầm dìa, người giật bắn, bám víu lấy chồng như kẻ sắp chết đuối, Simen nắm chặt tay đưa lên miệng cắn đến vãi máu. Hôme kéo bà ra hành lang đi về phòng riêng, giằng kéo với bà. Ông đã làm được cho bà ngồi xuống giường.
- Dũng cảm...
Ông đứng trước mặt bà, bản thân ông cũng đầm đìa nước mắt. Bà tuyệt vọng ôm níu lấy ngay đùi ông.
- Hãy bảo với em là không phải như vậy đi! Bảo với em đi!
- Dũng cảm, - ông nhắc lại, - Chúa không lìa bỏ chúng ta đâu.
- Chúa đã lìa bỏ chúng ta rồi - Simen rên rỉ. - Lìa bỏ...
Ông gỡ cặp kính bị nhòa mờ ra rồi lấy đầu ngón tay cái lau nó. Bên dưới kia, ngoài đường phố, một đoàn xe đang đỗ, chờ chiếc xe tang nặng trĩu những hoa, lăn bánh.
- Nào đi em. - Hôme nói. - Chúng ta cần phải đi trọn nỗi đau.
Ông giúp bà đứng lên. Bà dựa vào ông, mặt vùi vào vai ông! Thình lình Hôme đứng lặng lại: trong hành lang bốn người mặc đồ đen đang khiêng quan tài. Manuêla mặc đen tuyền khóc nức khóc nở. Chị vùng chạy đến Simen Clốp cùng với chồng bà, dìu bà ở hai bên. Họ từ từ xuống những bậc thang đầy hoa mà các nhân viên nhà đòn không chất xuể lên xe được.
Khi họ ra đến đường phố chật kín người, nhà thờ Grôtxmanxtơ đổ vang hồi chuông cầu hồn trầm trầm và buồn thảm.
Hêlêna Macculitx, người bạn gái thân nhất của Simen, không nhịn được, ôm chầm lấy bà. Hôme buông tay vợ ra. Đúng lúc ấy, ông trông thấy trung úy Bletsơ.
- Tôi đau lòng, thưa ông... Tôi xin gửi ông những lời chia buồn...
Clốp gật gật đầu, toan đi qua.
- Ông Clốp...
Hôme liếc Bletsơ bằng ánh mắt vô cảm.
- Ông Clốp, - người cảnh sát vội vàng nói tiếp giọng thấp và khẽ khàng... - tôi biết là không phải lúc...
- Đúng, - Clốp nói.
- Nhưng ông hãy hiểu cho... ông hãy nghĩ rằng tôi cũng không cho phép tôi đâu, nhưng gấp gáp quá... Thưa ông Clốp, ông có nhận được những lời đe dọa nào không?
Các nhân viên nhà đòn đặt quan tài lên xe tang, Hôme nhận ra trong đám đông hình thù đồ sộ của bà U tê Hanh.
Và như lệ thường, bên cạnh bà là ông chồng, Giôxep Hanh, lúc này lại thượng lên cặp kính râm. Hôme đưa mắt theo linh tính tìm Cuốc nhưng không thấy.
- Đe dọa gì?
- Xảy ra những chuyện lạ lùng tại Duyrich, có thể là có liên quan tới cái chết của cô Rênata bất hạnh của chúng ta đây... Tôi đang điều tra... Người ta có dọa nạt gì ông không?
Hôme nhìn thẳng vào mắt trung úy Bletsơ rồi nói, giọng ảm đạm:
- Tôi không hiểu là ông đang nói gì cả.
Ông tách ra khỏi để đi đến với Simen, giúp bà leo lên chiếc xe màu đen.
*
Vào bốn giờ chiều, cũng vẫn với những nghi lễ buổi sáng, Etô Gabêlôti và Italô Vônpôn gặp nhau lần nữa ở trong vườn hoa Đại khách sạn Đôntơ. Mặc dù hai viên cố vấn Angiêlô Bácba và Cácmin Crimelô có ý kiến trái lại nhưng xét tình thế khẩn cấp và ngặt nghèo, Đôn Etô đã quyết định thú thật với Vônpôn việc O Broi phản bội mình. Chẳng phải vì yêu sự thật cũng chẳng phải vì một cơn hứng tin cậy nào, mà là làm như vậy thì có lợi cho ông. Và trước hết, vì ông rất nghi Vônpôn không những đã biết việc này mà lại còn góp sức giúp lão chuyên viên tài chính của mình đi sang được cái thế giới tốt đẹp hơn kia. Và chắc hẳn là sau khi đã tra tấn để bắt lão nhè ra con số tài khoản: điều này thì không đạt được, bởi lẽ hắn vẫn còn ở lại đây.
Còn Italô kinh ngạc khi hay tin một thằng maphia mà lại chết vì ngã ghế đẩu được: xác Lanđô tạm thời để ở dưới tầng hầm ngôi biệt thự, chờ một chỗ chôn cất kín đáo và thích hợp hơn. Nếu tai nạn không có hai nhân chứng Phôncô Môri và Piêtrô Bêlindôna thì Bé Vônpôn sẽ nghĩ là không thể nào có được. Họ đang đứng quanh cái xác Lanđô thì chuông điện thoại réo và Yudenman nhấc máy lên.
- Angiêlô Bácba đây. Gabêlôti đề nghị với anh một cuộc gặp nữa. Bốn giờ chiều, vẫn chỗ sáng, anh thấy được không?
Chẳng chờ Vônpôn trả lời, hắn quăng luôn vào trong máy:
- Đôn Vônpôn đồng ý.
Tạm quên cái xác cứng đờ của Lanđô nằm dài dưới chân mình, các vị quan chức cao cấp của gia đình liếc mắt nhìn nhau vụng trộm: bằng cái chữ “Đôn” hắn vừa tung ra kia, Yudenman có phần nào đã công báo cho các thành viên gia đình Vônpôn và cho cả thành viên một gia đình đối thủ cái chức vị capô tối cao trao cho Italô Bé Vônpôn, đồng thời đặt gã ra trước các thành viên của Công đoàn, là người kế tục chính thức của anh gã, Giencô Vônpôn. Từ nay không thể nào còn chuyện mập mờ: vua cũ đã băng hà, vua mới vạn tuế! Italô không nói năng gì nhưng trong bụng thì tâm niệm sẽ đền bù cho Yudenman lòng tin cậy gã đã gắn vào cho con người mình. Với một bộ não như thế ở phe hắn thì còn nhiều những ngày tươi sáng cho gia đình.
Trời còn nóng hơn cả lúc trưa. Một khi hai “Đôn” nhìn thấy nhau là hai tên bảo vệ riêng, Tôma Mecta và Phôncô Môri kín đáo lỉnh ra, trong khi Ximêon Phêro và Piêtrô Belindôna thì vẫn đứng im lìm ở cách các capô chừng năm chục mét.
Lần này, Gabêlôti đi tới trước.
- Italô, tôi phải xin lỗi cậu...
Như buổi sáng, ông lại cầm lấy cánh tay hắn và kéo đến cái ghế dài quen thuộc để cùng ngồi xuống.
- Cậu nói đúng. Ô Broi đã phản tôi. Tôi đã đến ông chủ ngân hàng. Con số Ô Broi cho tôi là con số giả.
Italô hơi mềm người ra.
- Tôi vẫn chưa sao tin được chuyện đó đâu. - Đôn Etô lắc đầu nói tiếp. - Cái làm cho tôi lúng túng, cậu thấy đấy, là tôi không biết cái thằng cố vấn rác rưởi kia nó đã lấy được tiền của chúng ta ra khỏi ngân hàng này chưa...
Italô nhìn hai con sáo đang tranh nhau một mẩu bánh.
- Ông chủ ngân hàng tuyệt đối không nói với tôi cái gì hết... Làm thế nào biết được tiền chúng ta còn ở ngân hàng hay Ô Broi đã phới đi cùng với nó mất rồi? Ông nhìn Italô dò hỏi.
- Cậu cược con bên phải hay con bên trái nào - Vônpôn chỉ vào hai con sáo nói.
- Cậu và tôi biết được cái đó là rất quan trọng. Bao vây ngân hàng sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu như Ô Broi đã chuồn đi cùng với tiền mất rồi. Nếu ít nhất có được chút xíu tin tức về điểm này thì chúng ta sẽ biết hành động thống nhất của chúng ta nên hướng về phía nào...
- Cậu đến Duyrich trước tôi, cậu không biết gì hết à?
Vônpôn lắc đầu.
- Tôi bối rối lắm, Italô, và tôi hỏi thẳng cậu, cậu có ý nào không? Cậu đề nghị thế nào?
- Làm cho xong cái việc tôi đã mở đầu, - Italô nói.
- Tức là?
- Ép Clốp.
- Xem ra cho tới nay cách đó chưa ăn thua gì.
- Chúng ta đã tử tế quá.
Gabêlôti hể hả ghi nhận chữ “chúng ta”.
- Cậu biết rõ là cái mạng lão quý giá với chúng ta như thế nào rồi. Lão cũng biết. Lúc nào lão còn tin rằng tính mạng lão không bị uy hiếp thì lão còn tiếp tục trêu ngươi chung ta. Chưa nói tới việc lão co thể lại báo cảnh sát nữa kia. Nonsiamo casa nestra ([65]). Italô. Tốt đẹp lắm là người ta có thể tống cổ chúng ta đi như thế này. - Đôn Etô búng tay và nói.
Bé nghĩ một lát. Yudenman và hắn đã nhìn trước hai khả năng: hoặc Gabêlôti có con số hoặc không. Khả năng thứ hai thì tốt. Hắn nhớ đến lời dặn dò của Môsê và bình tĩnh nói:
- Nếu cậu đồng ý thì tôi có một đề nghị với cậu.
Gabêlôti chăm chú nhìn hắn. Không lúc nào, dù những cây sào đã được chìa ra, Italô bắt lấy những lời bình luận của ông về Ô Broi. Hắn không hề có một vẻ nào, chỉ một giây, tin rằng viên cố vấn đã lấy được tiền đi khỏi ngân hàng. Kết luận: hắn đã thanh toán Ô Broi mà không làm sao bắt lão xì ra bí mật.
- Tôi nghe đây, Italô, nói đi.
- Cậu có nghĩ là chúng ta có thể moi ra được con số ở miệng Clốp, nếu như chúng ta giữ hắn vài ngày không?
- Chắc chắn, Italô. Khốn nỗi cái dự án đó không thể thực hiện nổi.
- À thế à? Tại sao?
- Cậu thừa nghĩ được là nếu Clốp biến đi thì chúng ta sẽ gây ra khá nhiều sóng gió ở Thụy Sĩ, ngang với chìa chứng minh mời tất cả ngành cảnh sát Thụy Sĩ nhẩy bổ lên. Người ta sẽ biết ngay và bọn cớm sẽ đánh chúng ta liền.
Italô tự cho quyền mỉm một nụ cười đầu tiên.
- Tôi không nghĩ thế, Etô.
- Hắn lấy ở trong túi ra một phong bì.
- Cậu chịu khó liếc xem chứ?
Giấu vẻ tò mò, Gabêlôti lối ra một tờ giấy ở bên trong.
Giữa những nếp gấp của nó là một tấm ảnh. Chụp một người con gái da đen rất đẹp, và cao dài, chỉ mặc xilíp, hai vú phơi ra, hai tay giơ lên trời trong một dấu hiệu chiến thắng khải hoàn.
- Ai đấy - Đôn Etô hỏi.
- Bồ của Clốp đấy. Một con điếm tên là Inetx. Lão xơi nó ở trong hầm bọc thép của ngân hàng lão. Cậu xem phong bì gửi đến địa chỉ nào...
Một nét chữ dứt khoát, điển hình Mỹ, viết: “BÀ SIMEN CLỐP, SỐ CHÍN, ĐƯỜNG BỜ ĐẸP, DUYRICH”.
Gabêlôti ngạc nhiên nhìn Italô.
- Cậu muốn bảo rằng bồ của Clốp viết thư cho vợ lão?
- Viết theo lời tôi. Cậu đọc cái thư đi...
Gabêlôti mở ra đọc.
“Thưa bà, Vì Hôme không có can đảm nói ra cho nên tôi làm thay anh ấy vậy. Hai chúng tôi nghỉ hè tám ngày với nhau, ở Xácđennhơ đây, nếu như bà muốn biết chi tiết. Sau ba chục năm cưới nhau, bà còn nợ ông ấy một cuộc giải lao như vậy. Tôi sẽ trả lại ông ấy khỏe mạnh, có thể mệt nhưng thể trạng tốt lành, cho bà. Gửi bà lời chào dửng dưng.
Công chúa Kinbonđô”.
Tôi cược con bên trái, - Đôn Etô nói.
- Cậu thua. Xem kìa...
Con sáo bên phải bay vù lên với mẩu bánh mì ở mỏ.
- Nó là công chúa à? - Gabêlôti hỏi.
- Trước hết nó là con mọi. Tôi cũng thế, tôi là ông hoàng ở trong khu phố. Cậu có nghĩ rằng vợ Clốp nhận được thư này lại đi khoe với bọn cớm không? Mụ sẽ làm mọi cái cho câu chuyện không lọt ra. Có đứa đàn bà nào muốn mang tiếng là một con mặt nghệt không chứ lại?
- Nói tiếp đi, - Đôn Etô nói.
- Ta bắt cóc, Clốp.
- Thế nào?
- Trong khi đó, tôi gọi người của tôi ở Ý sang, ta phá ngân hàng!
- Nhưng cậu không nghĩ rằng cậu sẽ không thể phá được hết các két bảo hiểm à?
- Để làm gì chứ? Tiền chúng ta không ở trong đó đâu. Clốp phải cho nó quay vòng kiếm lợi cho lão chứ.
- Vậy thì?
- Ta sẽ ỉa tung ỉa toé vào cái tiệm, vào đời sống riêng của hắn để cho hắn chết cháy tại Duyrich này! Hắn sẽ chịu thua thôi. Chính là vụ tai tiếng ấy sẽ làm cho các két bảo kiếm của nó bị rỗng tuếch chứ không phải là chúng ta. Khách hàng sẽ lỉnh ngay sang một ngân hàng yên ổn hơn chứ!
- Cậu định đặt cược bao nhiêu?
- Xin lỗi?
- Về sáo thì tớ thua cược rồi, - Gabêlôti mỉm cười gượng gạo nói.
- Khi nào xong xuôi tất cả rồi, cậu sẽ cho tôi một cái đồng hồ Thụy Sĩ.
- Bắt cóc nó lúc nào?
- Tối nay.
- Còn ngân hàng?
- Đêm nay... nếu cậu nhận lời.
Đôn Etô bĩu môi.
- Đồng ý phải hành động lẹ nhưng không được hấp tấp cái gì hết...
- Một toán biệt kích mười đứa đêm nay sẽ đến Duyrich. Chúng từ Milan tới.
- Cậu làm thế nào cho chúng qua được biên giới?
- Tôi đã bố trí xong rồi.
Gabêlôti có vẻ thích.
- Những con sói con làm việc cho những con sói già hả?
- Không, Etô, mọi con sói đều làm việc chung với nhau.
Một cảm tưởng hùng mạnh làm cho hắn hăng lên, Italô nhìn Etô trừng trừng bằng hai con mắt long lanh như than đá:
- Cậu có tin không?
Gabêlôti đưa hai tay lên nắm lấy cánh tay hắn:
- Hắn toàn tin cậy, Italô... Hoàn toàn!... Bây giờ cậu giải thích cho tôi một ít chi tiết nhỉ?
- Tôi sẽ nói với cậu.
- Vì rằng, như cậu biết đấy, Italô, tôi rất muốn làm khán giả nhưng không thể như thế được khi là chuyện hai tỉ đôla.
*
Hình như toàn thành phố đã hẹn gặp nhau tại nghĩa trang. Còn nhiều hơn cả trong nhà quàn, các bó hoa chồng chất lên nhau ở khắp mọi nơi, điểm tô lên cả những nấm mồ cạnh nấm mồ Rênata sẽ ngủ giấc ngủ cuối cùng của nàng. Ở Hôme Clốp, ý thức tôn giáo mạnh đến nỗi ông không một giây phút nào ngờ vực việc linh hồn con gái mình vẫn còn sống. Chúa đã gọi Rênata đến với Người, ở một nơi bí ẩn mà Hôme và Simen một ngày kia cũng sẽ gặp con gái ở đó, khi giờ cuối cùng của hai người đã điểm. Hôme cũng biết rằng Chúa đã gửi đến ông nỗi thử thách này là để trừng phạt ông về những sự sa sút luân thường ông phạm phải.
Ở bên cạnh ông, Simen biến mất dưới những nếp khăn tang, đang nắm lấy những bàn tay chìa ra chia buồn trong khi rầm rì bên tai ông bài ai ca mơ hồ của những lời an ủi. Nhưng ông đã không thể ngăn được Cuốc Hanh đến đứng ở bên phải ông, thành thử kẻ lạ mặt, mới là con rể ông trong có chừng một chục phút, lại có vẻ được nhân danh chính ngay tên tuổi ông mà nhận lấy lòng thương cảm quý mến, lẽ ra theo quyền lợi thì phải dành cho bố mẹ của người chết mới đúng.
Ngay khi quan tài được đặt vào huyệt, Cuốc đã lách đến bên Simen, tựa hồ anh ta cũng thuộc về cái nhà này vậy. Đám đông dầy đặc không tưởng tượng nổi. Những ai muốn đến với vợ chồng Hôme đều phải chờ tới nửa giờ, giẫm tại chỗ ở giữa các ngôi mộ, lần lượt đổi chân cho đỡ tê trước khi đến hòa vào con sóng đồ sộ đang ứ dồn lại để đi ra khỏi nghĩa trang. Bên ngoài, những chiếc xe đậu trong một cảnh hỗn độn phát khiếp, ngăn cản lẫn nhau. Những người tới đầu tiên phải kiên nhẫn ở sau tay lái, không thể, dĩ nhiên, bóp còi hoặc réo chửi những người chắn đường mình, mà những người đó, bản thân họ lại bị những chiếc xe khác, mà chủ của chúng vất lại ở trước nghĩa trang chặn mất lối rồi. Trong vòng một giờ đồng hồ, Hôme, Simen, Cuốc, chịu mãi những cái bắt tay và ôm hôn của một dòng người vô tận mà đầu cùng của nó còn mất hút ở đằng sau một bụi cây hoàng dương và trắc bá che khuất. Simen cúi về phía Hôme, nói khe khẽ sau tấm khăn tang.
- Tôi thấy người khó chịu...
Hôme nắm lấy tay bà.
- Anh sẽ đưa em về.
- Không, không, - Simen nói. - Chóng mặt lắm...
- Không ổn à? - Hêlênna Mácculix hỏi.
Bà đứng ngay đằng sau bà bạn, tựa như đã cảm thấy Simen sẽ phải cần đến sự giúp đỡ của mình.
- Chúng ta đi thôi, - Hôme nói.
- Không, - Simen phản đối. - Chúng ta không thể bỏ được lời chào vĩnh biệt Rênata.
- Hêlêna, chị có đưa Simen về được không?
- Tôi lo cho việc ấy!
Bà ôm lấy eo Simen, giữ bà và ra hiệu vội cho Manuêla đứng kín đáo cách đó mấy bước, mắt không để sót một cử chỉ nào của họ cả.
- Tôi làm được cái gì? - Cuốc hỏi. Hôme lợi dụng việc nguýt va lngrit Xtrôn ôm mình để không trả lời anh. Chỉ một vài giây xảy ra chuyện này đã đủ làm cho lối đi bị một phen tắc nghẹn mới.Trong khi Hêlêna và Manuêla kéo Simen đi thì Hôme và Cuốc cố bắp kịp cái nhịp đều đặn của các bàn tay chìa ra. Với mỗi câu chia buồn, Hôme lại như máy cúi đầu, tâm trí rỗng không, nhìn mà chẳng thấy những bộ mặt đau buồn ngẩng lên phía ông.
Sau hai giờ đồng hồ, dòng người đã cạn, nhưng nhiều nhóm vẫn còn đứng ở giữa những gian hầm mộ gia đình, tựa như cái chốn chôn cất không bao giờ vơi được hết những con người vừa mới tràn vào chiếm lĩnh nó vậy.
- Xe tôi ở ngoài kia, - Cuốc nói với Hôme. - Ông có muốn tôi đưa ông về không?
Hôme cố kìm để khỏi quay đi chỗ khác. Một người tài xế mặc chế phục đến nói thầm vào tai ông.
- Ông Clốp, tôi đến tìm ông...
- Tôi theo ông đây, - ông chủ ngân hàng nói.
Người tài xế gạt đám đông đi về phía cửa ra. Hôme theo hắn, hài lòng đã thoát sự có mặt phiền toái của Cuốc, người mà ông xét thấy không thể tha thứ được cho cái tính bám dai và thiếu ý tứ. Người tài xế lách qua một biển xe cho tới tận vệ đường. Hắn kính cẩn mở cửa một chiếc Mecxeđetx 600 màu đen có kính màu. Clốp ngồi vào, người tài xế đóng cửa lại.
Bên trong xe đã có bốn người. Hai trong số đó lạ mặt với Hôme. Còn hai người kia thì ông sẽ cho bất cứ thứ gì để không bao giờ phải gặp mặt ở trong cái hoàn cảnh như thế này: Italô và Etô Gabêlôti.
Ông chủ ngân hàng, môi mím chặt, toan vặn tay nắm cửa xe: nó đã được khóa trái. Chiếc Mecxeđetx từ từ lăn bánh ra khỏi đám xe hỗn độn vây chung quanh, quẹo về hướng Duyrich rồi tăng tốc độ. Biết đã mắc bẫy, Hôme không chịu để cho bọn lưu manh có được niềm vui thấy ông biểu lộ ra bất cứ nỗi sợ hãi nào. Không thèm dựa vào lưng ghế bành da êm ái, ông ngồi im, người cứng khư, hai bàn tay đặt trên đầu gối, nhìn thẳng về đằng trước, bàng quan, không hé răng, không thốt ra một lời. Ông chẳng cảm thấy sợ sệt gì. Chỉ là một le lói tức giận, và một cảm giác tẻ ngắt mênh mông đối với tính chất hợm hĩnh của mọi mưu toan nói chung của con người cũng như đối vóc sự vô ích ngu xuẩn của việc bắt cóc này nói riêng mà thôi.
- Tôi thật sự bối rối, thưa ông Clốp. - Gabêlôti nói.
- Nhưng lần này, tôi sợ rằng ông sẽ phải hết sức chú ý mà nghe chúng tôi đấy.
Đồng Tiền Thấm Máu Đồng Tiền Thấm Máu - Pierre Rey Đồng Tiền Thấm Máu