"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Pierre Rey
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Bản Quyên
Biên tập: Minh Nguyen
Upload bìa: Minh Nguyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3957 / 41
Cập nhật: 2015-11-05 09:29:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
nh sao thế? - Simen Clốp hỏi. - Nom anh lạ lắm...
Bà buông cái váy đang thử ra, đến đặt tay lên vai - vì Rênata ư? - Bà hỏi.
Hôme đập đập khẽ lên tay bà nhưng con mắt thẫn thờ và xa vắng.
- Anh uống trà không?
Ông lắc đầu ra hiệu không.
- Anh đừng lo... Em biết đây là một thử thách gay go với một người bố... Một thời điểm khó mà trải qua đấy...Anh nhìn em một xíu...
Bà đỡ lấy cằm ông, nâng lên - Anh cười với em nào...
Như máy, Hôme hé môi và để lộ ra hai hàm răng tuyệt vời - Em thích lúc anh cười! - Simen nói.
Bốn tiếng đồng hồ trước đây, Hôme nằm dí trong phòng bệnh của Oguýt Xtrôn. Ông là người duy nhất chịu nhục hình. Vậy mà chính ông lại phải cùng với Ingrít đứng còn chưa vững săn sóc cho ông giáo sư răng tỉnh lại. Giáo sư đã sụp đổ trong một cơn thần kinh, vừa khóc vừa phân trần.
- Ông Clốp, chúng nó bắt tôi làm! Tôi không muốn! Ghê sợ lắm…Cả một lưỡi dao cạo ở cổ Ingrít...Tôi không thể quên được cái tội của tôi đâu...không bao giờ quên được!
Nghịch lý thay, việc hai vợ chồng bác sĩ sụp đổ tinh thần lại đã khơi lên lòng dũng cảm và ý chí của ông chủ ngân hàng. Cái vô thức không bao giờ lầm lẫn cả: tựa như tình cờ ông chợt nhớ đến cái câu tóm tắt được tất cả tình thế: Nghiến răng lại! Nghĩ đến nó, ông phì cười: ông đâu còn răng nữa mà nghiến. Vị máu tanh lợm đầy trong miệng ông, một hòn máu đông mắc vào lợi trên, làm cho ông buồn nôn.
Theo bản năng, ông lấy đầu ngón tay kéo nó ra, cái cục nhũn nhũn xa lạ với ông, nhưng lại là một phần chất sống của ông. Ngay lập tức, nó lại xuất huyết, máu trào ra rất mạnh.
- Đồ ngu, chữa cho tôi đi chứ, sao lại khóc thút thít thế kia!
Ông bực tức lắc lắc Xtrôn. Ông giáo sư như ra khỏi cơn mê.
- Ông ngồi vào... ông nói đúng... chữa... tôi sẽ chữa cho ông... Ingrít! Băng, bông... thuốc đông máu!...
Ông lại lấy lại phản xạ nghề nghiệp, thình lình được lòng quả cảm của ông chủ ngân hàng giải phóng cho, được quyết tâm của ông kích thích, ông sẽ tu sửa lại... ông có đủ tài để tạo lại cái mà chúng đã bắt ông phá hủy.
- Rồi sau đấy... - Con gái tôi lấy chồng tối nay, - Clốp nói. - Tôi muốn chính tôi tiếp khách, trong đó có ông bà đấy. Với toàn bộ răng.
Tuy tiếng ông nói lào phào phát sợ, Ingnt và Oguýt vẫn hiểu được ý những lời thốt ra. Hai người lo lắng nhìn nhau: liệu có khả năng lắp được cầu răng tạm thời vào ngay những cái lợi đang bị thương như thế này không đây?
- Nào, làm, - Clốp cổ vũ họ, ông há miệng muốn cười nhưng chỉ càng để lộ ra hơn những vết thương trống hốc đóng khung lấy từ bên trong cái hố tàn phế là miệng ông thôi.
Công việc kéo dài ba tiếng. Giáo sư và vợ đã vượt quá sức mình. Vì những lý do khác nhau, chẳng ai trong ba người bàn luận gì về cuộc hành hung vừa qua. Clốp thì vì đã biết, Ingrít và Oguýt thì vì kinh hoàng và vẫn chưa hết choáng. Khi ông chủ ngân hàng, mặt mày rửa sạch sẽ, soi vào trong gương ông đã gần như lấy lại được mặt người: hàm ông lại đầy răng. Chỉ một chi tiết khác: không phải là răng của ông thôi.
- Tôi sẽ kiện ngay lập tức! - Xtrôn nói.
Hôme nhìn ông, con mắt sắc lạnh.
- Ông muốn gì thì ông cứ làm, đó là quyền ông. Nhưng lúc này tôi cấm ông gắn tên tôi vào với vụ này.
- Nhưng tại sao?... Tại sao?...
Clốp suýt buột ra câu trả lời: “Bí mật ngân hàng”, nhưng ông kìm được kịp thời, cầm lấy các viên thuốc, các thứ sát trùng, các thứ làm chóng lên da non mà Ingrít đưa cho ông. Ông cúi đầu chào hai vợ chồng.
- Tối nay tôi sẽ gặp ông bà. Tôi khen ngợi ông bà, ông bà làm giỏi quá...
Câu nói mập mờ quá đến nỗi Xtrôn thấy mắt mình rưng rưng. Ông rụt rè nắm lấy cổ tay ông chủ ngân hàng.
- Ông Xtrôn...
- Tôi biết... Tôi biết.... Tối nay.
Quá kích động bởi cái ý nghĩ phải đối phó với cuộc giằng co, khó mà tỉnh táo được, mặc dù đã uống đủ các thuốc giảm đau và an thần. Clốp vẫn dũng cảm trở lại ngân hàng để thực hiện ngay tại trận cái điều mà ông định hoàn thành sau đám cưới con gái. Ông đã gửi đi hai têlếch. Một cho Menvin Bốt, ở Đitơroi để ra lệnh cho anh ta, bằng bất cứ giá nào, thông báo cho những người chủ của những chiếc Bóng Đẹp P9 về những mối nguy có thể gặp phải khi lái nó. Một tới Nam Phi, cho Erích Moóctaen, giám đốc Công ty hợp nhất Vátxơna: “ĐỒNG Ý TÀI TRỢ CHO NHỮNG CÔNG TRÌNH AN TOÀN CỦA CÔNG TRƯỜNG, GỬI TIỀN MẶT NGAY”.
Từ nay Ngân hàng ông sập hay không, với ông cái đó không quan trọng lắm. Chủ yếu là ông có yên ổn được với lương tâm mình hay không thôi. Một cách dứt khoát.
Đang đà, ông đã định sẽ cởi mở cả với Simen, thú nhận những sai lầm của mình, không giấu bà sự thật nữa.
Về tới nhà, ông đã lùi cái giờ sám hối lại, thắc mắc, liệu việc đột nhập vào cái vũ trụ thô bạo vốn là của ông từ bốn mươi tám giờ qua sẽ có cơ làm cho bà bị chấn thương nghiêm trọng không. Ông có quyền gắn bà vào những trò phũ phàng này không? Simen đang sống trên áng mây hồng của bà. Bà có phải sinh ra để chịu đựng thử thách không?
- Simen...
- Hôme?
Đứng trước tấm gương, bà vừa rúc rích cười thích thú, vừa quấn ướm vào người một chiếc váy dạ hội màu nguyệt bạch tối nay bà sẽ mặc. Lễ nghi uống trà... đi mua hàng...chuyện tầm phào... mầu một chiếc khăn trải bàn...
- Anh cần nói với em - Hôme tuyên bố.
- Anh thích mầu nguyệt bạch không? Xin lỗi?... Anh muốn nói gì với em nào...
Clốp thôi. Hàm ông lại đau.
- Không, - ông nói. - Không có gì cả...
*
Câu nói đã làm cho ông ngạc nhiên. Ông đã vùi nó vào trong một góc của ký ức. Nó là của một tác giả Pháp, một gã Côctay hay Catô hay Côctô nào đó, ông không nhớ rõ nữa. Nó ý rằng: “Vì các bí mật vượt khỏi sức chúng ta, chúng ta hãy vờ như mình là những kẻ tổ chức ra chúng vậy...” Lạ lùng, hôm nay câu đó lại trở về với ông, nhưng Gabêlôti không bao giờ nghĩ mình sẽ lại đem ra thực hành nó, bởi vì đó là một câu bất lực. Ông ngồi, mặt âm thầm và đăm chiêu, chung quanh ông là Cácmin Vrimelô, Ăngiêlô Bácba, Tôma Mécta, Cáclô Bađalêtô, Frăngki Xabatini và Ximêon Phêrô. Việc hai thành viên của gia đình đối địch thủ tiêu hai tay chân của ông ngay dưới mắt ông mà ông không hề phản ứng lập tức đã dìm họ vào trong một nỗi sửng sốt, lo âu. Sức mạnh to lớn của Công đoàn là không bao giờ bỏ qua một sự xúc phạm nhỏ nhặt nào.
Chính vì ai cũng biết như thế mà ai cũng phải nhìn lại điều đó hai lần trước khi vi phạm những luật lệ ông đặt ra. Hoặc Đôn Etô mềm yếu đi, hoặc ông sợ Vônpôn, hoặc ông giấu một đòn bí hiểm. Điều mà ai cũng hy vọng.
Người ta đặt hai cái xác trong một thang máy đưa trực tiếp xuống dưới hầm nhà, nơi dùng làm chỗ đỗ xe.
Ở đây, người ta xếp chúng vào một chiếc xe tải nhỏ. Gia đình Gabêlôti đã mua ba chục hầm mộ gia đình ở ngoại vi New York. Khi xảy ra một đám tang, phần lớn do súng đạn, người ta lại đem kẻ quá cố giấu ở trong đó, chẳng cần qua các thủ tục hành chính thông thường, nhà xác, mổ xẻ, cảnh sát gì cả. Những người gác nghĩa trang là những người chắc chắn, được trả tiền hậu hĩ: việc chôn cất ban đêm một người vô danh chẳng rầy rà gì đến cuộc sống êm ấm xa hẳn với tiếng động thành phố, trong tiếng rì rầm giữa những cây trắc bá của họ. Với tư cách một người Xi xin lương thiện, Đôn Etô hiểu rằng đến tên đốn mạt nhất trong đám giết mướn của ông cũng đòi được chôn tại mảnh đất GiaTô hơn là bị gói kín trong một tảng bê tông liệng xuống đáy biển. Chính nhờ sự tinh tế và ý tứ của loại cử chỉ này mà ông đã tăng cường được lòng kính trọng của cấp dưới.
Ông mỉm cười ngọt ngào với ban tham mưu của mình.
- Các anh biết tình hình, - ông bắt đầu. - Moóctimơ Ô Broi đã lừa chúng ta. Tôi không biết lão chết hay sống cũng như lão đang ở đâu. Theo tôi, thì người liên doanh với chúng ta - ông dừng lại dặng hắng, - người liên doanh Vônpôn của chúng ta đã giải quyết công việc với lão. Và ông ta đã lầm lẫn ở đó. Vì vào tay tôi thì cái tên rác rưởi Ô Broi ấy sẽ phải chịu phép, tôi đảm bảo với các anh như vậy. Mà tiền của chúng ta, tôi hy vọng vẫn còn được giữ lại ở ngân hàng. Cả Italô Vônpôn lẫn tôi đều không có con số tài khoản. Bé Vônpôn đầy thiện ý. Nhưng cái đó không đủ. Do đó, để thanh toán câu chuyện bắt đầu thối um lên, tôi quyết định đích thân tới Duyrích.
Mọi người ngạc nhiên nhìn nhau: Đôn Babêlôti ghê tởm sự di chuyển. Thế giới đi đến với ông ta, tại sao ông ta lại đảo ngược cái trật tự ấy? Ngoài chuyện đó ra, tật kinh khiếp máy bay của ông đã là một trong những đề tài đùa cợt ở trong nhiều gia đình Công đoàn rồi.
- Ông định đi bằng gì? - Crimelô hỏi ướm.
Hắn đã sai lầm nói thêm, không có ý xấu gì:
- Tàu thủy à?
Cậu nói lại, - Etô nói, giọng mang ý đe dọa.
Biết mình đã lỗi, Cácmin Crimelô quay nhìn chung quanh. Nhưng chẳng ai cứu hắn cả. Họ khăng khăng quay đi, không nhìn hắn. Cácmin bị bỏ mặc, đành đương đầu.
- Tôi không nói cái gì xấu cả. Padrone. Tôi biết ông không ưa máy bay... Có thế thôi... Hèn nhát. - Hắn nói thêm. - Và không chỉ có mình ông như thế... Tôi cũng vậy, tôi không ưa đi máy bay...
- Về sau, giữ những lời an ủi của cậu cho cậu nhé? Còn máy bay à, sáng mai cậu sẽ đi đấy!
Những cái đầu ngỏng cả dậy.
- Tôi cũng đi, - Đôn Etô nói với một vẻ quyết tâm hung tợn. - Dĩ nhiên ta không thể đến Duyrích cả lô được. Angiêlô, Tôma, Cáclô, các cậu sẽ đáp xuống Lion ở Pháp. Từ đấy các cậu đi xe lửa tới Thụy Sĩ. Frăngki và Ximêon sẽ đi Milan và tới Duyrích cũng bằng xe lửa. Cậu, Cácmin, vì cậu sợ máy bay thì cậu đi thẳng với tớ đến Duyrích. - ông gườm gườm nhìn hắn. - Tớ sẽ bế cậu để cho cậu yên lòng.
Có vài tiếng cười, bặt đi rất nhanh.
- Ở đấy, các cậu sẽ gặp những người của Vônpôn. Người nào trong các cậu ám chỉ trước tiên tới những chuyện mới xảy ra vừa rồi, tớ sẽ tống cổ về Mỹ. Chừng nào chúng ta chưa thu lại được tiền về thì tớ còn cần hoà bình. Tớ yêu cầu một liên minh toàn vẹn.
- Rồi sau đó? - Ăngiêlô Bácba rất nghiêm túc hỏi.
- Sau đó cái gì?
- Khi tiền đã về chúng ta rồi?
- Vẫn cứ còn phải thảo luận với Đôn Italô Vônpôn! - Gabêlôti nói.
Chữ “Đôn” thốt ra giống như ông đang muốn nhổ đi một cực đờm.
*
Mọi cái đều tuột khỏi tay hắn! Angiêla vẫn chưa về nhà, Gabêlôti chọc gậy bánh xe hắn và giữ Yudenman làm con tin, Vitôriô Pidu giành thế chủ động mà chẳng bị làm sao. Hôme Clốp không chịu... Một lần nữa, Italô rủa mình đã không bình tĩnh; may mắn tóm được O Broi, hắn lại để hỏng mất dịp may đó. Lão luật sư không có xương cốt như lão chủ ngân hàng. Hắn chỉ cần kiên nhẫn chút xíu thôi là lão sẽ quỵ và sẽ giao nộp con số đã từng gây ra bao cảnh chết chóc. Italô chỉ có một thèm muốn: trở về Mỹ và làm sôi sục New York lên để tìm ra vợ mình.
Nhưng hắn đã thề không rời Duyrich trước khi thu được tiền của vụ TROY bằng chính tay mình. Đó là chuyện cuộc đời hắn, tương lai hắn, danh dự hắn. Hắn biết rõ điều người ta nói sau lưng khi so sánh hắn với Giencô: cờ bạc, nông nổi, hung bạo. Hắn là thế thật, nhưng tại sao người ta lại không hiểu rằng chính là vì Giencô đã ra đời trước hắn? Giencô, đã hơn cả ông bố, nuôi dạy, bảo vệ, chiều chuộng hắn, tránh cho hắn mọi lo phiền, quyết định thay cho hắn, nói hộ hắn. Dần dần, trong khi uy lực của ông anh không ngừng mạnh lên thì Italô lại thành có thói quen dựa vào anh, sống dưới bóng anh. Chinh phục làm gì khi hắn chỉ có việc yêu cầu? Chính Giencô đã cho hắn cái tên thân yêu “Bé”. Và Italô yêu quý, khâm phục anh, cuối cùng đã hoà đồng mình hoàn toàn với Giencô đến nỗi coi chiến thắng của Giencô cũng là của mình.
Hắn chỉ bắt đầu ý thức được bản ngã thật sự của mình sau khi gặp Angiêla. Hắn thấy có đầu óc độc lập riêng.
Hắn không là đứa em nhỏ của bất cứ ai nữa, mà là một con người toàn vẹn, sẵn sàng làm mọi cái để giữ lấy một người đàn bà. Hắn đã thử giải thích sự biến đổi đó với ông anh cả, nhẹ nhàng trách anh đã cất bỏ khỏi hắn quá nhiều trách nhiệm. Từ nay hắn muốn đóng một vai trò tích cực trong những chức vụ chỉ huy của gia đình. Giencô đã im lặng, rất chăm chú nghe hắn.
- Em không trách gì anh hết, Giencô, nhưng có lẽ anh đã cho em quá nhiều tình thương. Em có cảm giác chết ngạt vì thế. Anh quá lớn lao đối với em, nhưng em tồn tại cơ mà. Em muốn bay bằng chính đôi cánh của mình.
Giencô có hiểu cho hắn không? Ông đã vò bù đầu hắn lên và cười như khi hai anh em còn bé.
- Chắc là em đúng rồi, Bé, nhưng không nên giận anh. Có thể vì anh không trông thấy em lớn lên.
- Em ba mươi tám rồi!
Giencô mới bốn mươi sáu. Nhưng khi Italô vừa mười tuổi thì Giencô đã trị vì hàng chục người lớn khác, những kẻ sừng sỏ trong giới cướp bóc mà hắn không ngần ngại chọi lại bằng tay không hay bằng dao kéo. Hắn vượt trội lên đám kia bởi tính sắc sảo, óc thông minh, tinh thần mức độ. Hắn chưa hai mươi tuổi mà các nhân vật chóp bu của mọi bề đều đến xin lời khuyên và sự che chở của hắn. Chính cái tám năm khác biệt đó đã lập nên giữa hai người những mối quan hệ bố con, thầy trò. Với Giencô, Italô bao giờ cũng chỉ là mười bốn. Nhưng từ nay, với Italô, thì Giencô vĩnh viễn bao giờ cũng chỉ là bốn mươi sáu tuổi, lúc ông chết.
Sau khi Pidu gọi dây nói, hắn đã quay trở lại nhà xác. Người nhân viên lại mở cái hòm trong đó nằm dài cái chân của người anh. Itaiô đã đứng mặc niệm lâu trước cái thi hài nực cười, chảy những giọt nước mắt đắng cay và êm ả trong khi một ý chí phục thù ghê gớm lại đang tràn ngập người hắn.
Rồi hắn về ngôi biệt thự. Phôncô Môri lái. Hai người chẳng nói với nhau một lời nào. Italô Vônpôn biết từ nay mình sẽ tiếp tục sự nghiệp người anh, cái cách duy nhất tỏ lòng kính mến với vong hồn ông, đáp tạ những điều tốt lành và tình yêu thương ông đã dành cho hắn. Hắn hung dữ thề với mình rằng sẽ xứng đáng với tấm mũ miện nặng nề đội lên đầu mình: bất hạnh cho kẻ nào muốn đoạt nó đi! Nhưng muốn cho nổi trội lên với đám người của Công đoàn thì trước hết hắn cần phải hoàn thành cái việc đã bị đứt đoạn bởi cái chết của Giencô: buộc Clốp phải chuyển tiền.
Vào phòng khách ngôi biệt thự, trông thấy Piêtrô Bêlindôna và Lanđô Baretô đang ngồi mớm mớm trên cái đi văng, hắn biết ngay có chuyện gì đó không ổn. Nếu không thì Lanđô đã trở về chỉ một mình.
- Tớ tưởng đã bảo cậu là coi con mọi chứ? - Hắn gay gắt nói với Piêtrô.
Hắn nhận thấy mặt Piêtrô đầy những vết tím bầm.
Piêtrô cực nhục cúi đầu.
- Chúng tôi đã bị lừa. Nó phới mất rồi!
Italô cảm thấy máu rút khỏi mặt. Inetx còn phải chơi một ván bài quan trọng trong những dự án của hắn.
- Các thằng anh của nó đã đánh úp chúng tôi, - Lanđô hấp tấp nói.
- Câm! Tao nói với Bêlindôna!
Phôncô Môri thả mình say đắm ngắm những thảm cỏ vườn hoa. Bêlindôna không thốt lên lời, giơ hai tay ra tỏ dấu hiệu bất lực.
- Thế nào? - Vônpôn quát.
- Chúng có hai đứa... - Bêlindôna bắt đầu, giọng khàn và e dè. (Rõ ràng nói ra làm cho hắn đau đớn). - Chúng tôi không lúc nào lơi lỏng cả, nhưng chúng nó đến... Tôi đã để ngón tay vào cò súng... Cậu ấy cũng thế... Lúc đó...
- Lúc đó sao?
Bêlindôna cắm mặt vào mũi giầy. - Padrone, tôi không biết...
Hắn buông lửng, định nói tiếp, nhưng lại chỉ có thể nhắc lại câu đó, suy sụp vì hổ nhục.
- Chúng tôi đã bị lừa...
- Hai thằng khổng lồ... - Lanđô xen vào.
- Một thằng khổng lồ hễ bị một viên đạn vào đầu thì chẳng còn là khổng lồ, mà là một cục cứt. - Vônpôn nổi hung. - Và chúng mày nữa, chúng mày cũng là hai cục cứt. Tao cần con mọi. Nó ở đâu?
Lanđô và Bêlindôna chẳng dám nhìn nhau. Lanđo lo ngại vô cùng. Hắn thà mất hết mọi thứ chứ đừng có là người chứng kiến cảnh Bêlindôna bị làm nhục. Đứa thấp hơn trong hai tên mọi, cái thằng chỉ khoảng hai mét hai thôi, đã báo trước cho hắn: “Tại sao lại phải sờ đến mày nhỉ? Thằng bạn của mày sẽ làm việc đó hộ chúng tao: nó sẽ giết mày”. Từ lúc chúng đi khỏi căn nhà Inetx, lời đe dọa đó cứ khoan xoáy vào sọ hắn. Trên đường về biệt thự, Bêlindôna và hắn đã cố không bóng gió gì tới sự thất bại và nôi nhục nhã đó.
- Tao nói với chúng mày đấy! - Vônpôn quát. - Nó đâu?
Hai đứa im thít.
- Lanđô, xéo ngay! Mày còn có việc phải làm. Ở địa vị mày thì tao phải thành công cho bằng được đấy...
- Vâng, Padrone...
Trong tình trạng suy sụp thế này hắn còn có cơ may nào mà tán tỉnh được cô con gái ông chủ ngân hàng nữa chứ? Cho rằng hắn gặp được ả. Cho rằng hắn xóa sạch được cái vẻ mặt ngơ ngẩn đi. Cho rằng cô ả đế ý đến hắn và thích hắn. Và gì nữa? Lại còn phải có đầu óc thanh thản để mà giành được những thành tựu làm tình nữa chứ. Từ lúc thấy anh của Inetx ra tay hành động, lòng tin tưởng vững vàng vào bản lĩnh cường tráng của hắn đã bị một đòn nghiêm trọng. Nhưng hắn biết Vônpôn không cho phép một lần thất bại thứ hai.
- Phôncô, ra sân bay, lục soát nhà ga. Ba đứa khổng lồ thì dễ thò ra thôi. Piêtrô đi cùng với nó. Biến ngay không thì tao đập cho vỡ cái mặt...
Bêlindôna nặng nề đứng dậy. Còn sống ngày nào, hắn còn phải chung lưng với nỗi nhục ngày ấy. Trừ phi tự tay giết chết những kẻ đã bắt hắn phải chịu đựng nó.
Hắn gần như tiếc rằng Vônpôn bị điên lên vì bực tức đã lại không kết liễu đời hắn đi để trừng phạt cái việc hắn làm sai hỏng. Hắn đi theo Phôncô Môri, gã này khá ý tứ, không hỏi hắn một câu nào...
Tức giận vì thất bại mới này, Vônpôn xăm xăm chạy vào trong phòng để gọi dây nói cho New York: không biết tin tức về Angiêla, việc đó hắn không thể chịu nổi, nỗi sợ làm hắn ngạt thở... Những cậu đầu tiên hắn nghe từ miệng Pidu làm cho hắn nhẹ người, nở nang gan ruột:
- Vợ anh ở nhà, Padrone, chị ấy mạnh khoẻ... Tôi đưa máy cho Môsê, hắn sẽ giải thích hết với anh!...
Ở nhà Gabêlôti ra với Angiêla Vônpôn, Vitôriô Pidu cùng ba trợ thủ và Yudenman đã bàn kỹ với nhau về thái độ cần phải có. Nói sự thật với Italô cũng nguy hiểm như giấu hắn vậy. Môsê chẳng tin tí nào vào câu dối trá nhân từ của Gabêlôti; mặc dù các thứ đe dọa tưởng tượng ông ta gợi ra để biện bạch, thì thực chất, Đôn Etô vẫn là đã bắt cóc họ. Không phải để bảo vệ họ như ông đã đặt tay lên ngực khẳng định, mà là để giữ họ làm con tin nhằm gây sức ép với Italô. Việc ông không có phản ứng trước cái chết của hai thủ hạ không hề chứng minh được rằng ông có ý cho qua. Môsê biết Gabêlôti không quên cái gì hết và không tha thứ cho cái gì hết. Ông chỉ khôn ngoan đưa hai tỉ đôla tiền đặt cược nóng bỏng lên trước sự thoả mãn những trả miếng tức thì mà thôi; nợ nần rồi thanh toán với nhau sau.
Mối nguy thật sự là Vônpôn. Nỗi lo không được coi là một thủ lĩnh nghiêm túc đã làm tăng thêm lòng tự ái và tính đa nghi của anh ta lên. Anh ta vẫn còn quá non nớt, chưa đủ vững tin ở bản thân để biết nhận đòn mà không nao núng, biết trả đòn về lâu về dài. Yudenman sẽ phải lái anh ta cẩn thận chẳng khác nào tháo hạt nổ một quả bom. Chưa nghĩ ra được chiến thuật nào, Yuden- man thầm cầu nguyện các vị thần ngẫu hứng rồi cầm lấy máy nói Vitôriô Pidu đưa cho.
- Tất cả tốt đẹp hết, Italô, tất cả đều đã dàn xếp xong!
- Hắn nói, cố lấy giọng bình tĩnh, từ tốn.
- Angiêla đâu?
- Italô, tôi sẽ nói hết với anh...Chúng ta phải chịu ơn Đôn Etô! Không có ông ấy...
- Thế nào?...Cậu kể cái gì thế? - Vônpôn cắt lời hắn.
- Gabêlôti kéo được chúng ta ra khỏi một bước gay go... ông ấy được tin có người hăm doạ chúng tôi. Vì tử tế với anh, ông ấy đã cho chúng tôi trốn ở nhà ông ấy.
- Hử?
- Vâng, Italô, ông ấy mời chúng tôi đến ở nhà ông ấy.
- Mời ai?
- Mời tôi và Angiêla...
- Vợ tôi lại đến nhà con lợn ấy à? Nó có mó vào người cô ấy không? Nói!
Yudenman cảm thấy mất vững vàng đi phần nào.
- Tất cả câu chuyện này chỉ là một sự hiểu lầm quá đáng thôi, Italô.
- Thế Giencô cũng là một sự hiểu lầm ư? Và O Broi? Cậu sắp ca ngợi cái bị thịt ấy trong khi tớ không rõ là nó đã nẫng mất tiền của tớ đi chưa đây?
- Anh để cho tôi nói, Italô...
- Im đi? Cậu không hiểu gì cả. Nó đã nhận được cái lưỡi của tớ chưa?
- Lưỡi của anh?
- Lưỡi của cái thằng láu cá bám chúng tớ từ New York theo lệnh người bạn mới của cậu ấy mà? Lưỡi của Ricô Gatô. Tới gửi nó cho lão ta, gói ở trong hộ chiếu của nó.
- Angiêla đâu?
- Ở nhà anh.
- Ai trông?
- Bốn người dưới quyền của Vixentê: Gianini, Calô, Pixi và Chiphalô.
- Thêm bốn đứa nữa vào. Nếu chúng để cô ấy sợ một chút thôi, tớ cũng tự tay giết chết cậu, Môsê!
- Đồng ý, anh sẽ giết tôi! Tôi có thể nói được một câu không đây?
- Không. Cậu cũng không biết là người của tớ đã thịt hai thằng cớm à?
- Thụy Sĩ? - Yudenman tắc thở.
- Mỹ. Người của Klêcpatric. Có làm thay đổi gì không?
- Ô, cục cứt, không!...
- Có đấy! Tên chủ ngân hàng vẫn cứ không chịu cúi đầu. Duyrích lúc nhúc những cớm và chỉ điểm. Tớ chạy ngược xuôi. Thế mà trong khi đó, người cầm lái của tớ lại liên minh với cái cục phân đã sai bắt vợ tớ sau khi đã cho ám sát anh tớ!
- Không đúng! - Yudenman nổi loạn. - Anh lầm rồi. Nếu Gabêlôti là thủ phạm thì không đời nào lại thả chúng tôi.
Môsê cắn mạnh môi nhưng quá muộn: đã xổ ra mất rồi!
Vônpôn quát tháo ầm ầm:
- Con lợn nói dối khốn kiếp bẩn thỉu! Cậu có nghe thấy cậu vừa nói gì đấy không?
Thảm hoạ... Từ nay không thể có được một liên minh nào nữa rồi.
- O.K, O.K. - Yudenman ủ rũ, giọng hết sinh khí.- Vì anh muốn sự thật, thì nó đây. Tôi quay lại gặp Gabêlôti. Ông ta không cho tôi về nữa. Vì anh thôi, Italô. Ông ta bảo tôi gọi cho anh. Anh đã thôi ở khách sạn. Ông ta liền điên đầu. Ở vào địa vị ông ấy, anh cũng thế thôi. Ông ấy cho hai thằng đao búa đến nhà anh bắt Angiêla đi...
- Thằng khốn nạn!
- Năm giờ sáng hôm ấy, ông ta bảo chúng tôi tự do. Ông ta xin lỗi và giải thích với tôi vì sao đã làm như vậy. Theo ông ta thì người ta định bắt cóc vợ anh...
- Đứa nào?
- Tôi không biết. Ông ta muốn bảo vệ chúng tôi. Ông ta nói chúng ta là liên minh, chúng ta có những lợi ích chung...
- Và cậu xài được cái đó?
- Rất vui lòng nữa! Nhất là sau khi anh nói đến cái lưỡi. Lẽ ra ông ấy đã phơ chúng tôi mới phải! Lúc đó, theo lệnh anh, Pidu đến cùng với Anđô, Vixentê và Giôxép. Họ bắn chết hai đứa gác cửa, làm cho rắc rối thêm ra...
- Có lẽ cậu nghĩ là tớ sẽ để vợ mình bị giam mà không can thiệp chắc?
- Anh đừng cắt ngang, Italô, tôi van anh! Anh cứ chặn tôi... Nên hiểu rằng Gabêlôti cũng cùng hội cùng thuyền với chúng ta... ông ta đang bơi ngụp! Cả ông ta nữa cũng không thể lấy tiền được!
Vônpôn yên lặng một lát. Môsê hiểu rằng cái lý ấy đã có hiệu quả.
- Nhưng tại sao? Tại sao? Lão có con số tài khoản.
- Không! Vì một lý do nào đó, tôi không biết, ông ta vẫn chưa có tiền... Còn mệt mới có được!... Italô, nghe tôi, Giencô chết rồi và anh sẽ thành capô của gia đình. Anh sẽ là một Đôn. Điều đó ngứa mắt nhiều kẻ lắm...”Ban” không thích anh, anh sẽ bị “Ban” thảo luận dài dài, họ chĩa cả vào quá khứ của anh, anh đang làm cho họ khó chịu... Chỉ lỡ chân một cái là anh bị họ thịt ngay! Tôi không muốn anh bị người ta thịt. Italô!... Nếu anh nghe tôi, thì ta còn một cơ may...
- Dẹp! Thằng ba lăng nhăng! Gabêlôti sẽ không bao giờ dám bắt vợ Giencô đâu!
- Đúng! Nhưng anh của anh không bao giờ dứ dứ một mảnh vải đỏ ở trước mũi ông ta cả. Giencô sẽ làm cho ông ta yên tâm chứ không như anh đã làm cho ông ta hoảng sợ. Anh có biết ai được lợi do những trò nhố nhăng của chúng ta không? Lão chủ ngân hàng! Kẻ thù của anh không phải là Gabêlôti mà là Clốp! Anh chưa hiểu được cái nòi đó đâu, Italô. Đó là những thằng lưu manh hợp pháp, tệ hại hơn cả chó má! Mà mạnh, lì lợm xảo quyệt tham tàn! Bố láo hơn chúng ta nhiều... Chúng đã lật đổ nhiều chính phủ, thắng các cuộc chiến tranh, cho treo cổ nhiều quốc trưởng. Chúng nguy hiểm hơn mười đạo quân cơ. Chúng ỉa bậy lên khắp thế giới, chúng trị vì, chúng có xìn! Nếu ta không đưa ra được con số của nợ kia cho chúng thì ta sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy lại mặt mũi của hai tỉ đôla đâu. Phải liên minh với Gabêlôti, Italô, hoà chung sức chúng ta lại!
- Cái lão ú ớ ấy có thể làm được gì hơn tớ, nếu như lão cũng không có con số mật mã? - Vônpôn hỏi, giọng hậm hực.
- Anh sẽ xem cái đó tại chỗ với ông ta.
- Thế nào?
- Đôn Etô ngày mai đến Duyrích. Ông ta đến để gặp anh đấy.
*
Một cái hộp đêm nho nhỏ ở đường Gôlidê trong khu phố Săng Elidê. Những người đàn bà quét dọn chỉ đến đây vào chín giờ sáng, khi những người khách cuối cùng dám chọi mặt với ánh sáng ban ngày đã ra về và các nhạc công xếp dọn nhạc cụ của họ lại. Thường xuyên lưu cữu ở đó mùi thuốc lá ẩm lạnh, đôi khi lẫn vào cái vị cay xè của marihuama ([56]) mà những đệ tử của nhạc “jazz” lánh đi hút vụng trộm trong toa lét, giữa hai đợt khua trống phách và tiếng nức nở của một chiếc xắc xô. Nói chung, cái tiệm này chỉ bắt đầu sống lại lúc người chủ tiệm đến, khoảng sáu giờ chiều. Nhưng hôm nay, vào hồi bốn giờ, giữa cái đêm nhân tạo với những ánh sáng che chụp của nó, trong khi đường phố vang rung những ách tắc xe cộ và ồn ào của một đám đông vô danh mù quáng như đàn kiến, ngân lên tiếng pha lê trong vắt của những câu nhạc rải tinh tế do một nhạc công ngái ngủ buông gẩy lửng lơ, của những hợp âm đánh liền cả chùm được những nốt trầm của một cây đàn giọng bass đáp hoạ lại.
Những nhạc sĩ chắc đã phải dậy từ ba giờ sáng để một nữ ca sĩ mới mẻ ôn tập cho buổi mở đầu vào ngay chính tối nay. Ngoài ông chủ và người đánh đàn bass, một anh râu dài và người mảnh mai, mắt còn mờ vẩn hơi rượu đêm trước, tất cả đều là da đen.
- O K, fellows, - người nữ ca sĩ nói - Once moce. Ả uống ngụm nước cam và bằng một giọng khàn trầm hát lên câu nhạc của bài Lôra ả vừa ngừng lại để chỉ cho những người chơi ghita biết đúng cái chỗ anh phải đặt hợp âm thăng thứ chín vào.
Các nhạc công đã mừng rỡ đón ba người bạn trên đường ghé qua, trong đó ít nhất cũng có hai người lừng tiếng ở đất nước họ, Hoa Kỳ. Vì sự có mặt của ba người đó, họ bắt đầu dậm dựt, sung sướng được cho nghe nhạc của mình, biết rằng ba người cũng sống mãnh liệt với thứ nhạc đó chẳng khác nào tự họ đang cầm nhạc cụ biểu diễn vậy.
Hai chàng trai và cô gái, thẩy đều đẹp như các vị thần, đang lim dim mắt nằm dài ra, chân đặt lên bàn, đầu hơi ngả về đằng sau, đánh nhịp cho câu đối thoại giữa người nữ ca sĩ và các nhạc cụ bằng những búng tay và thân người uốn éo không trông thấy rõ.
- Come on, Inetx! - Người nữ ca sĩ khuyến khích - Come on and sing with me!... ([57]) Rócki và Kuaku mỉm cười tán thưởng, Inetx đứng lên, điếu thuốc lá trong tay, một ly trong tay khác, đi lại chiếc sân khấu tí hon bắt đầu khe khẽ hát phần bè, trệch xa nhịp và tách khỏi đàn đệm, ung dung, vững vàng như dân nhà nghề vậy.
Duyrich xa rồi... Ba anh em đến Pari trước đây một tiếng. Tối nay, Kuaka trở lại Xaclây, Rócki đáp máy bay đi New York, còn Inetx thì Luân Đôn, nơi ả chẳng thiếu gì bạn bè. Việc hai ông anh từ đầu quả đất chạy vội đến theo tiếng gọi của ả đã rửa cho ả vết ô nhục của ba ngày cuối cùng tại Thụy Sĩ, tựa hồ chẳng có chuyện gì đã xảy ra cả. Ngay bức thư Vônpôn cưỡng bức ả viết cũng làm cho ả mỉm cười: những trò đó không còn dính dáng gì đến ả nữa. Thêm một lần ả kẻ một gạch lên những gì đã là cuộc đời của ả trước đây. Ả chẳng cần quái gì đến quá khứ lẫn tương lai. Cái quan trọng với ả là cái hiện tại, bây giờ, ngay tức khắc.
Ả nháy mắt đồng loã với Rócki và Kuaku. Rồi với đầy khoái lạc và nhục cảm, ả quyết cho hai người anh thấy giọng mình đâu có thua kém gì giọng của ngôi sao sắp tới đây.
*
Mặc bộ nào để đi chôn cuộc đời con trai của mình đây? Rênata đưa đầu ngón tay vuốt nhẹ lên hàng chục bộ váy áo chèn chật cứng các tủ của nàng. Một số bộ nàng chưa từng mặc bao giờ. Có chúng là đủ hạnh phúc rồi.
Chỉ một cơn hờn đã đủ đẩy nàng vào tiệm mua một cái gì đó của Dior hay Cardin, như những kẻ đói khát nhào vào hiệu bánh nốc bánh bông lan vậy. Sau đó, nàng quên nó trong một xó tủ nào đó để sáu tháng sau thấy lại và tuồn nó cho Manuêla, người hầu phòng có nhiều đồ thời trang đủ loại nhất. Còn Rênata thì lại chỉ mặc vẫn cái quần gin ấy từ ba năm nay.
Cuối cùng, nàng chọn một bộ váy rời áo, màu lơ rất nhạt, may theo kiểu đàn ông. Nàng mặc vào, đứng soi gương và bĩu môi. Lúc thực hiện lời hứa tự ban cho mình thì nàng lại không thiết tha lắm nữa. Cái ý khi mới nói ra làm cho nàng thích thì nay thình lình lại thấy nó ngu xuẩn. Tại sao lại đi vồ lấy một cha lạ mặt trước đám cưới của chính mình có vài tiếng đồng hồ nhỉ?
Nàng muốn phân tích cái gì đã đẩy nàng tới nhận lời thách thức cuối cùng kia. Nàng đã tìm thấy: cái cử chỉ bề ngoài có vẻ vô vị đó sẽ bù đắp vào tấm lòng chung thuỷ nàng đã thề giữ vững bên trong suốt thời gian lấy Cuốc. Bà Hanh...Nàng đổi một con ngựa chột lấy một con ngựa mù. Nàng không bao giờ yêu cái tên của mình, Clốp, mà bố mẹ đã khéo nghĩ, chữa nó đi bằng một tên nghe êm dịu hơn Rênata. Hanh lại còn tệ hơn Clốp. Rênata Hanh... Nàng nhún vai, châm một điếu thuốc và cho trôi vào máy nghe nhạc nổi chiếc đĩa cũ rích của ban nhạc Beathes: Dưới đáy biển màu vàng, rồi ngồi phệt xuống sàn, tựa lưng vào tường suy nghĩ. Manuêla đi vào, khẽ huýt sáo ngưỡng mộ.
- Cái màu lơ này hợp với cô lắm. Mới à?
- Cũ rích như bạn nghèo hèn.
- Cô sẽ làm cho ông Cuốc thích đấy...
- Tôi mặc không phái để cho ông ấy.
- A! Vậy thì ai?
- Tôi chưa biết. Người đầu tiên nào gặp mà thích tôi.
Manuêla xếp một chồng khăn tắm lên ngăn giá, mỉm cười, một nụ cười vừa lễ phép, vừa ngượng nghịu.
- Chị có vẻ không tin, - Rênata nói. - Tôi sắp làm một cái việc vớ vẩn nhất trong đời tôi, sau chuyện cưới xin. Đúng, Manuêla, tôi chôn đi cuộc đời con trai của tôi.
- Với con gái cũng làm thế à?
- Chị bảo tôi làm sao mà biết được? Tôi khai mạc cái đó!
Manuêla nhìn trộm Rênata. Với cô chủ, chị không hiểu đầu đuôi xuôi ngược nổi nữa. Cho nên để khỏi phạm sai lầm, chị đã có cái tài trả lời nước đôi mọi câu hỏi của cô chủ, nếu nó không dính dáng gì đến việc hầu hạ của mình.
- Cô sẽ kể lại cho tôi nghe nhá?
- Chắc là không. Đó sẽ là điều bí mật cuối cùng của tôi về đời con gái. Có tin gì của Giuliô không?
- Có! Tôi vừa nhận được một lá thư xong.
- Anh ấy thế nào?
- Không hay lắm... Hình như người ta định đóng cửa công trường.
- Tai sao?
- Lý do an toàn.
- Anh ấy chắc phải phiền lòng.
- Anh ấy à, vâng. Anh ấy đang kiếm được nhiều mà.
- Còn chị?
- Tôi thích điên lên! Từ khi anh ấy đi, tôi vẫn van anh ấy trở về. Tôi sợ!
Cả Rênata lẫn Manuêla, và Giuliô nữa, đều không biết Công ty hợp nhất Vátxơna, cái mỏ kim cương ở Bốtxoana mà Guiliô làm cai kíp ở đó, thực tế là thuộc về Hôme Clốp, người có cổ phần chính trong công ty.
- Chưa hết đâu! - Manuêla nói.
Chị lấy hết can đảm để thú thật cái điều lẽ ra còn phải giữ riêng cho chị một thời gian nữa.
- Tôi sắp có con.
- Không! - Rênata kêu lên.
- Tôi có mang bốn tháng rồi. Đêm, nằm trên giường tôi thấy nó đạp trong bụng.
- Đáng sợ! Nhưng chị phải ngừng làm việc chứ!
- Tôi có nhiều thì giờ! - Manuêla phân trần, sợ Rênata trách mình. - Tôi có thể làm việc cho tới trước khi đẻ bốn tuần.
- Chắc không?
- Cô và ông ấy cần đến tôi, một cặp vợ chồng mới...
- Tôi sẽ tìm người thay nhưng vẫn giữ chỗ cho chị! Manuêla?...
- Sao vậy?
- Chị có thể làm cho tôi hết sức vui được không đây?...Tôi muốn là mẹ đỡ đầu của con chị.
Manuêla mắt ướt đẫm ngắm nhìn cô chủ.
- Thưa cô, cảm ơn cô...
- Và nếu Guiliô mất việc cũng đừng sợ. Tôi sẽ tim cho anh ấy một việc gì đó ở Thụy Sĩ. Váy của tôi đã là chưa?
- Chưa xong hẳn. Tôi đi là đây.
Rênata dí đầu thuốc lá vào một cái gạt tàn. Với người khác, mọi sự xem ra thật đơn giản... Nàng đứng lên nhăn mặt ở trong gương và bật phì cười với cái ý nghĩ ngộ nghĩnh vừa thoáng hiện ra trong đầu: theo kế hoạch nàng dựng ra để chôn đi cuộc đời con trai của mình, nàng sẽ ra ngoài phố, đi đến, hay để cho đến, với cái người đầu tiên nào nom không thấy tệ hại lắm rồi hỏi hắn ta bằng cái giọng quyến rũ nhất của mình: “Anh có muốn ngủ với tôi không?” Cho tới đó thì mọi sự đều ổn. Nhưng nếu như gã ta lại trả lời không thì sao? Đâu đâu, ngay cả ở Duyrich cũng thiếu gì những thắng ngố tàu. Cười một mình, nàng cầm lấv ví tay và đi ra đường Bờ Đẹp tìm gặp câu chuyện mạo hiểm cuối cùng của mình.
Nàng chẳng phải tìm lâu: hắn ta đang ở kia và đó là người đàn ông đầu tiên nàng trông thấy. Hắn dài, mảnh, đặc sệt kiểu người La tinh, ăn mặc không thể chê vào đâu được: một áo vét thể thao màu thẫm may rất tuyệt. Cà vạt bằng len màu lam trên một sơ mi màu trắng có đường kẻ nhỏ. Hắn đứng dựa vào một chiếc Bóng Đẹp P9 hạ được mui bóng loáng, màu xám thép. Và nhìn hắn nàng đi tới tựa như hắn đã chờ nang ở đó từ lâu lắm rồi, tựa như hắn đã được biết cuộc hẹn hò. Rênata đi vài bước lại phía hắn, tim đập mạnh, thầm hỏi rằng mình có đủ can đảm để thực hiện cái ý định của mình không.
Khi đến ngang hắn, nàng dừng lại. Nhìn gần, hắn rất đẹp, mặt xương, các nét đều đặn, hơi xanh, con mắt đăm đắm. Nàng nhìn hai bàn tay hắn, thanh và khoẻ, được săn sóc, tu sửa, hơi co lại trên thành xe.
- Tên anh là gì? - Nàng hỏi.
- Lanđô... - Hắn đáp.
- Em là Rênata. Em muốn làm tình với anh.
- Anh cũng vậy. - Hắn nói.
Hắn mở cửa xe cho nàng.
Đồng Tiền Thấm Máu Đồng Tiền Thấm Máu - Pierre Rey Đồng Tiền Thấm Máu