The oldest books are still only just out to those who have not read them.

Samuel Butler

 
 
 
 
 
Tác giả: Pierre Rey
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Bản Quyên
Biên tập: Minh Nguyen
Upload bìa: Minh Nguyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3957 / 41
Cập nhật: 2015-11-05 09:29:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
- Ông có hẹn trước?
- Không.
- Tôi không rõ ông Clốp có ở bàn giấy hay không?
Người mặc đồ đen nhìn cô chằm chằm, không nói không rằng. Lúng túng, cô thư ký vội nói thêm:
- Tôi có thể xin ông nhắc lại tên của ông không?
- Vônpôn! - Ông ta nói, không thôi nhìn cô.
Cô đỏ mặt quay đi, hài lòng được lánh xa con người kỳ dị khiến cho cô khó chịu này. Ông ta có thứ bản mặt lỳ lợm và một mép luôn bị những cái giật máy đau đớn kéo xếch lên thành một nụ cười giả tạo và ghê sợ. Quần áo ông ta cũng có một cái gì đó sầu thảm, bộ đồ, đôi giày, chiếc cà vạt đen. Thiên thần của chết chóc.
- Thưa ông, có người muốn gặp ông.
- Ai vậy, Mácgơri?
- Ông ấy nói tên là Vônpôn.
Clốp ngạc nhiên: đang chờ Ô Broi thì ông lại sẽ gặp Vônpôn. Vậy mà lão đại diện trí trá lại khẳng định với ông rằng Vônpôn đã trở về Mỹ. Dịp rất tốt để làm rõ sự tình.
- Bảo ông Vônpôn là tôi sẽ gặp. Một phút nữa thì đưa ông ta vào.
Ông hơi nhăn mặt, nửa nhẹ người, nửa thất vọng. Một mặt ông sắp có thể báo cho Giencô Vôpôn biết cái mánh bất lịch sự mà Ô Broi đang sửa soạn gây ra. Ông tự khen mình đã không chấp hành ngay những chỉ thỉ của người đại diện. Mặt khác, ông đã hy vọng những đồng tiền ông tạm thời cai quản sẽ có thể sinh lợi lâu la hơn một chút nữa ở Sean, tại nhà bạn ông, Ogien Sơmenblinh, “Chủ ngân hàng của các ông chủ ngân hàng”. Ông làm lại các con tính nhẩm rất nhanh... Trong ba ngày tròn, lợi tức riêng từ món tiền gửi ông rút ra được đã lên tới ba lần 109.588 đôla, tức là 328.764 đôla. Chưa kể 0,125% của hai tỷ đôla chuyển khoản tính cho cái “tài chính phí” cổ điển, tức hai triệu rưỡi đôla nữa. “Chà chà” - ông thì thầm.
- Ông Vônpôn. – Mácgơri báo.
Hôme đứng lên để đón người bạn hôm trước đã cho ông cái “ôm hôn abbracio” của những tên maphia Xixin.
Bàn tay chìa sẵn, vừa để thay lời chào, vừa để tránh cái hôn mới, ông đi vòng bàn giấy ra tiếp. Kinh hoàng, ông thấy một người lạ mặt. Mácgơri đầu bã đậu đã đóng cánh cửa nặng nề bọc da lại mất rồi: Quá muộn để đuổi hắn ra khỏi.
- Ông là Hôme Clốp? - Người khách hỏi trong khi cánh tay ông chủ ngân hàng rơi thõng xuống cạnh người.
- Tôi đây. - Clốp lạnh lùng đáp. - Tôi nghĩ là có sự nhầm lẫn rồi. Cô thư ký của tôi chắc đã nhầm tên.
- Tôi là Vônpôn. - Người khách nói. - Italô Vônpôn.
Giấu nỗi kinh ngạc của mình, Hôme quan sát bộ mặt thảm sầu và căng thẳng, cảm thấy có sự đe doạ âm ỷ và sức hút như của nam châm toát ra từ người lạ mặt này. Hắn ta nói thêm:
- Tôi là em út của Giencô Vônpôn.
Thình lình hắn thọc tay vào túi trong áo vét.
- Kiểm tra đi, đây là hộ chiếu của tôi.
Ông chủ ngân hàng cầm lên và nhìn vào đó.
- Nghiêm chứ? - Vônpôn nói.
- Mời ông ngồi ông Vônpôn.
Nhưng Italô Vônpôn không ngồi.
- Tôi cho rằng ông đã biết cái tin ghê gớm.
Hôme nhướn một bên lông mày lên, quay về bàn giấy, ngồi xuống ghế và tỏ vẻ quan tâm một cách lễ độ.
Yết hầu Vônpôn nhoi lên hạ xuống dọc cổ họng, tựa như hắn không kịp nuốt nước miếng. Rồi trong một cố gắng dữ dội, hắn quăng tuột ra:
- Anh tôi đã chết.
Clốp cứng lại nhưng không để lộ ra.
- Người ta đã giết anh tôi! - Italô nói tiếp, hằn học.
- Ông có gặp lại Ô Broi trong ba ngày hôm nay không?
- Ô Broi?
- Moóctimơ Ô Broi! Hắn có lộ mặt ra bằng cách nào đó không? Hắn có tìm cách tiếp xúc với ông không?
Clốp cắn môi và đập đập khẽ tay vào cây bút máy.
- Tôi chờ ông trả lời! - Vônpôn sốt ruột.
- Bất hạnh kia xảy ra với anh ông như thế nào? - Clốp nhẹ nhàng hỏi.
- Ông có đọc báo không?
- Hờ... hờ... trước hết đọc báo tài chính...
- Ba ngày trước đây, sau khi Giencô gặp ông, người ta đã thấy trên mặt bàn chắn của một đầu máy xe lửa vào ga Duyrích...
Lại cái yết hầu lên xuống và ở đuôi mắt - nhưng có thể Clốp lầm chăng? - một giọt long lanh như nước mắt.
- Người ta đã tìm thấy một cái cẳng. Bị chặt đứt. Cẳng bên phải anh tôi.
Đến lượt Clốp nuốt nước miếng:
- Ghê gớm... Chân ông ấy?
- Vâng!
- Nhưng vậy thì, ông Vônpôn, nếu ông chưa thấy chỗ thi thể còn lại, ông vẫn có thể hy vọng là anh ông...
Mặt kín bưng, Vônpôn lắc đầu.
- Ông Vônpôn - Clốp nói tiếp, - làm sao ông có thể khẳng định...
- Tôi ở nhà xác đến đây mà - Italô cắt lời ông. Tôi khẳng định! Tôi khẳng định rằng anh tôi đã chết! Tôi khẳng định rằng người ta đã giúp anh tôi chết! Và tôi khẳng định rằng Ô Broi sẽ phải trả giá vụ án mạng.
Clốp thấy mình suýt giẫy nảy người lên.
- Ông nghe tôi, ông Clốp. Ở New York, chính tay tôi nhận được bức điện anh tôi báo rằng đã trao tiền mặt cho ông rồi. Và giữa chừng anh tôi đã bị ám hại, còn Ô Broi thì biến mất. Rõ quá rồi, phải không?
Cúi xuống, Clốp lại bắt đầu nghịch chiếc bút máy.
Vônpôn hít một hơi dài.
- Ông chớ lo, chúng tôi sẽ tìm ra cái thứ rác rưởi đó! Chuyện từng giờ thôi. Trong khi chờ đợi, tôi được quyền thừa tiếp. Với ông, không có gì là thay đổi cả. Tôi yêu cầu ông cho chuyển tiền ngay lập tức theo các lệnh mà anh tôi đã đưa ra với ông?
Hôme kín đáo ho húng hắng. Rồi ngước lên nhìn người đối thoại:
- Ông muốn nói đến tiền gì cơ chứ, ông Vônpôn?
Italô ngỡ mình nghe lầm.
- Xin lỗi!
Nhìn lại hắn Clốp lại nói, bình tĩnh.
- Tôi hỏi là ông định nói đến tiền gì cơ chứ?
Quá ghê gớm, đến nỗi Vônpôn không phản ứng gì được trong một tích tắc. Hắn quan sát ông chủ ngân hàng tựa hồ ông là người sao Hoả vậy.
- Tiền gì à? Tiền của chúng tôi chứ còn tiền gì? Hai tỷ đôla mà anh tôi đã nhờ ngân hàng của ông cho chuyển đi.
Cây bút máy nằm im trong tay Clốp. Với một giọng hoàn toàn trung lập, không chớp mắt, ông buông ra:
- Tôi không hiểu được điều ông vừa nói với tôi.
- Ông không hiểu cái gì? - Vônpôn gầm lên. - Ba ngày trước đây, ông chẳng đã tiếp anh tôi, Giencô, và tên Ô Broi cứt đái kia đấy thôi?
- Đúng là tôi có gặp hai người đó.
- Thế thì? - Vônpôn đắc thắng. - Tôi không bảo ông cái gì khắc hơn là đưa hai tỷ đôla đó đi?
Clốp khẽ dang hai bàn tay, tỏ ý không hiểu.
- Ông đang nói gì, tôi không hiểu.
- Sao? - Vônpôn nghẹt thở.
- Tôi tuyệt đối không nhận ra được điều ông ám chỉ là cái gì?
Italô bước một bước đến phía bàn giấy. Môi mím chặt lại, Hôme đứng lên.
- Ông nhắc lại! - Vônpôn ra lệnh, giọng bệch ra.
- Cái điều ông vừa nói với tôi, tôi không hiểu. - Clốp dằn từng tiếng.
- Ông trêu tôi chắc? - Italô nghiến răng, mặt méo xệch lại.
- Ông Vônpôn, tôi thông cảm với tang tóc của ông. Nhưng bất cứ trường hợp nào, tôi cũng không chịu được sự bất lịch sự.
Italô đảo mắt tìm cái chỗ tại động mạch cổ mà hắn ấn hai ngón tay vào bóp bóp để thoát ra khỏi cơn ác mộng này, để hoà nhập với thực tại, để mọi sự lại ổn định như xưa. Mọi dục lực của hắn dồn cả vào một cái duy nhất đang nhấn chìm hắn: Giết!
- Tôi hỏi ông điều này lần cuối cùng. Tiền ấy để đâu rồi?
- Tôi mời ông ra.
Italô nhìn trừng trừng từ đầu đến chân cái người béo múp và lạnh băng đã có gan thông qua hắn để thách thức cả Công đoàn.
- Ông biết tôi là ai không? - Hấp lắp bắp.
Không một sợi lông mi nào của Hôme Clốp động đậy.
- Đi ra! - ông lạnh lùng nói.
Những tia nho nhỏ màu đen và đỏ nhảy nhót ở trước mắt Vônpôn.
- Nghe tôi này!... Nghe cho rõ tôi nói!... Tôi không biết ông đang chơi cái trò gì, nhưng tôi long trọng báo trước với ông... Tôi cho ông tới trưa mai là hạn chuyển hai tỷ đôla của chúng tôi đi! Quá hạn đó, ông hết sống!
- Một câu nữa thôi là tôi cho trục xuất ông ra khỏi Thụy Sĩ ngay lập tức!
- Cái đó cũng chẳng làm cho ông sống thêm được đâu! - Vônpôn đe.
Loạng choạng như một người say, hắn đi hai bước ra phía cửa, quay lại:
- Chẳng ai có thể làm được gì cho ông nữa rồi! Mai, trưa, chớ quên!
Lúc ra đi, hắn chĩa ngón tay trỏ vào Clốp và phóng ra, giọng run run vì điên khùng:
- Ông đã có mùi xác chết rồi đấy!
*
Piêtrô Bêlidôna xoa xoa má, ngơ ngác.
- Cho tới hôm nay, chưa ai tát tớ bao giờ.
- Cậu thấy đấy, cái gì cũng có thể được cơ mà. - Phôncô bình luận cộc lốc.
- Đấm vào mặt tớ, bắn tớ, tớ đồng ý... Nhưng thế này... là... là...
- Nhục! – Môri bổ sung.
- Đúng! Nhục! Cậu có để làm như thế với cậu không, cậu ấy?
- Người ta lại chưa tát tớ bao giờ chứ! – Môri nhẹ nhàng đáp, mắt nhìn vào cõi không.
Hắn nằm thượt trên giường, ăn mặc sang trọng, toàn màu đen, nơ cà vạt không thể chê được, đôi giày không dây loại thượng hạng đặt bên trên chiếc gối trắng tinh.
- Lẽ ra tớ phải đối đáp lại!
- Tại sao không?
Bêlidôna giận điên lên, nhún vai:
- Vì đấy là một Vônpôn!
- Thế tại sao ông ấy lại tát cậu? - Phôncô lừng khừng hỏi.
- Sao mà biết được! Cậu buồn cười à?
- Không cười to. Mỉm cười thôi.
- Ở vào địa vị tớ, cậu sẽ làm gì?
- Chìa má bên kia ra.
- Ông ta có gì kỵ tớ nhỉ?
- Đi hỏi ông ấy xem!
- Cứt! Cứt và cứt! Bêlidôna chửi thề, quả đấm to tướng bên phải đấm vào lòng bàn tay khổng lồ bên trái.
Từ lúc đến Duyrích, ba giờ trước đây, hắn liên tiếp chịu đựng những cơn phá phách của ông chủ. Thêm nữa, hắn có cảm giác vô dụng. Thông thường, hắn biết việc của hắn là gì. Không phải toàn bộ (hắn không ở trong vòng bí mật của các đấng thánh thần) mà những nét lớn thôi. Bản thân Giencô Vônpôn, người hắn đã nhiều phen làm khỉ đột bảo vệ, đôi khi cũng rỉ tai cho hắn vài ba cái tin mật, một đôi lời ngon lành. Nhưng còn Italô?
Ông ta không cả cho hắn vào nhà xác cùng. Rồi ở trong đó ra lại đẩy hắn dúi dụi và khi hắn hỏi: “Liệu tốt đẹp cả chứ?” thì lại la hắn: “Đống cứt thối, câm!”. Bêlidôna cảm thấy đau khổ hơn là giận. Chưa ai đối xử với hắn như thế bao giờ. Có. Một hay hai lần. Nhưng những kẻ liều lĩnh như thế đều chẳng được sống sót lâu la để lên mặt đến lần thứ hai. Còn về cái tát?...
Rời ngân hàng, Italô lại về khách sạn, không hé răng.
Bêlidôna đi kèm bên trong thang máy, theo sau ở hành lang và ngập ngừng khi Vônpôn lấy chìa khoá ra mở cửa phòng. Lúc đó hình như hắn mới phát hiện ra sự có mặt của tên vệ sĩ.
- Mày làm chó gì ở đây, mày?
Bêlidôna chẳng biết trả lời thế nào. Hung ác, Bé nhắc lại:
- Hử? Mày làm cái chó gì ở đây?
Hốt hoảng vì nước da tái nhợt, ánh mắt rồ dại và những cái giật máy rất mạnh làm mặt ông chủ méo đi, Bêlidôna ấp úng:
- Môsê bảo tôi...
Hắn chưa nói hết câu, cái tát đã vang đánh đốp ở má hắn.
- Cuốn xéo!
- Nhưng “Padrone” ([27]) tôi làm cái gì chứ?
Vônpôn chỉ ngập ngừng một tích tắc:
- Mày lồ lộ quá?
Rồi đóng sầm cánh cửa vào mũi gã.
- Phôncô này, tớ bảo với cậu... Tớ không thích thế! Tớ ớn lắm!
- Đừng nghĩ tới chuyện đó nữa! – Môri cắt lời hắn.
- Khi cậu chờ ở cửa nhà xác, cậu có để ý thấy gì không?
- Có chứ. Trò xiếc con khẹc của cậu. Tại sao cậu lại làm thế?
- Có hai thằng bám cậu.
- Cứt?
- Ngộ hơn cả là chúng không cùng với nhau...
- Chúng theo gót tớ đến tận đâu?
- Không đâu cả. Đến nhà xác là hết.
- Cậu chặn chúng lại như thế nào?
- Tớ trang trí một cái xe ở giữa đường. Chúng đút đầu vào đít nhau.
- Cậu bảo Bé chưa?
- Quên đi. Mình ở đây để bảo vệ hắn, không phải để quấy rầy hắn.
- Cậu điên à? Để hắn cứ choang vào tớ!
- Mặc xác hắn! Mình cũng đủ lớn để tự giải quyết lấy cái đó rồi. Tớ biết có thể xơi ngay lập tức như thế nào một trong hai thằng mặt mẹt ấy.
- Nó ở trong khách sạn à? - Bêlidôna hỏi, một ánh hung tợn và thích thú trong con mắt.
- Ừ. Cả thằng kia.
- Người Thụy Sĩ.
- Thụy Sĩ cái đít tớ! Chúng cùng đi một chuyến máy bay với cánh ta từ New York.
Bêlidôna thò một đầu lưỡi thèm thuồng ra liếm môi dưới, thình lình quên hết mọi đau khổ.
- Bọn cớm à?
- Không biết. Theo tớ, chúng không cùng cánh. Một cảm tưởng thế.
- Cậu định làm gì? Rồi. Ngộ đấy. Cậu sẽ làm thế này nhá. Đây...
*
Cơn giận dữ lớn đến mức vừa vào phòng, Italô Vônpôn lao vào ngay cái trò có lẽ Giencô sẽ đặt cho cái tên là “trò con nít”. Không dám lấy súng bắn vào một cái gì đó, và cái tát giáng cho Bêlidôna còn lâu mới làm hả được ý định giết người của hắn, Italô bèn đi lấy ở trong túi đồ vệ sinh ra con dao cạo có cán hắn vẫn dùng để cạo râu mỗi sáng.
Hắn thử lưới dao sắc đáng sợ vào ngón giữa - hắn tự tay mài nó một cách thủ công như bố hắn đã làm xưa kia, để cho lưỡi dao có thể cắt đứt được một sợi tóc vắt giữa ngón cái và ngón trỏ. Đoạn hắn ngắm chằm chằm vào mặt giường, chờ cho cơn giận lan toả ra khắp người thành những đợt sóng mỗi lúc một mau, mỗi lúc một hung dữ. Hắn bắt đầu lầm rầm vài lời chửi thề bằng tiếng Xi xin, trong đó thấy luôn trở đi trở lại cái từ Clốp. Dần dần chỉ thấy còn lại những tiếng Clốp thốt ra bằng một cái giọng bạc phếch, lắp bắp, một dòng rớt rãi từ mép chảy ra làm ướt nhoèn các âm tiết phun khạc ra như đờm. Bàn tay phải của hắn rắn câng lại ở trên con dao đến độ các khớp ngón tay trở thành tái nhợt.
Khi đã mất khả năng kiểm soát cơn điên đang xâm chiếm mình, hắn nhảy bổ với tiếng gầm gừ thú vật lên mặt giường rồi rạch chém lung tung bằng những nhát dao cạo trả thù, tựa hồ các chăn đệm này chính là thân xác của Clốp vậy.
- Đức mẹ đồng trinh. Lạy Chúa! Hắn vật lộn với một chiếc gối mà hắn đã rạch thủng toang ra một cách khoái trá, những chiếc lông chim bay ra như những cơn lốc trắng xoá. Sau đó, hắn nằm im, khò khè, mặt bóng nhẫy mồ hôi, mắt đờ đẫn, thở hổn hển, dồn dập, miệng hớp hớp không khí. Từ từ, bàn tay hắn buông con dao cạo, cánh tay hắn nới lỏng vòng ôm chiếc gối. Hắn ngắm gian phòng như thể chưa nhìn thấy nó bao giờ, xem xét từng xó, từng góc như thể đồ đạc bầy biện ở đó là những thứ xa lạ với mình. Hắn đứng dậy. Người hắn nặng có tới hàng chục tấn. Trong buồng tắm, hắn chĩa thẳng miệng vòi hoa sen vào mặt, không hề rùng mình dưới sức quát đập của tia nước lạnh buốt. Có lẽ tới hai ba phút. Lúc lau người, hắn đã hoàn toàn bình tĩnh lại. Tình hình khẩn cấp bảo hắn gọi Yuđenman. Ngón tay trỏ, lờ đi sự cho phép của hắn, tự nó độc lập với hắn, cứ bấm những số của máy điện thoại nhà hắn tại New York. Sau sáu hồi chuông réo, ở đầu dây đằng kia có tiếng nói của vợ hắn...
- Angiêla!...
Tiếng Angiêla lọt vào hắn rõ đến nỗi có thể tưởng chị đang ở ngay trong phòng.
- Italô...
- Chefai? ([28])
- Em ngủ.
Hắn hình dung ra nàng đang cuộn tròn trên chiếc giường rộng, nép vào một bên góc, mặc một trong những chiếc áo ngủ dài thời bà nội mà nàng thích, ấm nóng, dịu dàng, nhẵn mịn, bất lực, cô đơn. Ở Mỹ chắc chưa sáu giờ sáng.
- Italô? - Nàng hỏi, giọng gấp gáp, lo sợ.
- Có đây!
- Giencô?
Italô nuốt nước miếng, nói:
- Đúng!
- Italô... Anh chắc chắn chứ?
- Chắc chắn!
Hắn biết nàng đang nén tiếng khóc. Có lẽ bởi nỗi buồn của hắn nhiều hơn là bởi cái chết của Giencô, người mà nàng mới biết cách đây chưa đầy sáu tháng. Sau một lúc lâu im lặng, nàng thì thầm:
- Non posso crederlo... Et terribile. ([29])
- Em báo cho Frăngxetxca nhé.
- Vâng!
- Bảo là anh sẽ lo liệu tất cả.
- Vâng.
Bây giờ hắn nghe rõ tiếng vợ nức nở. Gần đến độ hắn tưởng có thể thu nhận được cả mùi vị nước mắt của nàng ở đầu lưỡi mình. Hắn thấy mắt cay cay.
- Anh sẽ gọi lại em trong hôm nay.
- Italô?
- Niente ([30])...
Hắn nhẹ nhàng đặt máy nói, đưa mu bàn tay lên lau mí mắt rồi quay con số thứ hai. Vừa nhận ra tiếng Môsê Yudenman, hắn nói ngay:
- Tôi!
Dù có gọi Tổng thống Hoa Kỳ, hắn cũng không xưng danh nhiều hơn thế. Bất kể người nói chuyện là ai, hắn bao giờ cũng chỉ tự giới thiệu bằng một câu: “Tôi” trịnh thượng. Người kia có phận sự nhận ra hắn.
- Giencô?... - Môsê bập ngay vào, làm cho Italô biết ơn. Nhưng hắn không trả lời được, sợ lại banh vết đau ra.
- Giencô?.... - Yudenman nài.
- Đúng rồi - Italô ném ra.
- Trời... trời... - Môsê lắp bắp. - Còn người ông ấy?
- Chưa có.
- Trời... một thảm hoạ.
- Đúng!
- Có cơ may nào không?
- Không. Không cơ may nào hết. Đừng hỏi tại sao tôi lại cảm thấy cái đó. Tôi biết là như thế. Và có thế mà thôi!
- Anh định thế nào?
- Tôi nắm quyền thừa tiếp!
Chợt vấp phải sự im lặng đột ngột, Italô tưởng đường dây bị cắt.
- Môsê! Cậu nghe tôi chứ?
- Có có!Tôi bảo cậu là tôi nắm quyền thừa tiếp!
- Tôi nghe...
Giọng của Yudenman có vẻ là lạ, giả.
- Cậu có gì phản đối không?
- Không... không...
- Cậu có vẻ không bằng lòng?
- Không, không! Mọi sự đến nhanh quá...
- Tớ vừa ở ngân hàng về.
- Sao?
- Tớ bảo là tớ vừa ở ngân hàng về? Cậu điếc à? Có một cái xương hóc!
- Italô! Xương hóc nào! - Môsê hỏi, giọng hốt hoảng.
- Thằng chủ ngân hàng khốn nạn bảo rằng nó chẳng biết cái gì hết!
Ở đằng kia, tại New York, mặc dù nỗi kinh hoàng mà những phản ứng thô bạo của Italô đã đem đến cho mình, Yudenman vẫn cứ can:
- Không nên! Nếu Gabêlôti biết cung cách hành động của anh, ông ấy sẽ nghĩ... Ông ấy sẽ nghĩ...
- Sẽ nghĩ sao?
- Tôi không rõ... Anh vội quá? Anh làm vậy có cơ tung hê hết đấy!
- Môsê!!
- Đây!
- Cậu đi với tớ hay cậu chống lại tớ?
- Nhưng Italô, anh hiểu chứ... Cố hiểu đi?
- Cùng hay chống? - Vônpôn gay gắt cắt lời.
- Nếu chống thì tôi đã mặc anh làm các trò ỉa bậy ấy một mình anh rồi. - Yudenman hăng lên. - Anh có thể tưởng tượng ra một chủ ngân hàng Thụy Sĩ mà lại đi trả lời anh khi anh không có cả đến con số tài khoản nữa à?
- Tớ đếch cần con số! - Italô gầm lên. - Tớ đã cho nó chỉ hạn đến trưa mai để thực hiện các mệnh lệnh của tớ.
- Trời.... - Môsê rên rỉ.
- Không phải là tiền của chúng ta ư? Anh tớ đã chết vì nó rồi! Mà cậu lại muốn tớ chịu lép một bề!
- Italô! Nghe tôi đã. Tôi xin anh nghe tôi. Chuyện quá nghiêm trọng đấy! Không làm gì nữa và chờ tôi đến.
- Tôi sẽ thuê ngay một chiếc máy bay!
- Cậu làm như tớ, một thằng nhãi ấy? - Vônpôn sủa.
- Italô! Tôi quen với loại công việc này. Tôi hiểu nên làm như thế nào!
- Tớ cũng hiểu.
- Italô, để tôi đến.
- Nếu cần, tớ sẽ gọi.
- Tôi cứ đến!
- Cứ thử đặt chân lên đất Thụy Sĩ xem nào! Tớ sẽ giết cậu. Tớ thề đấy!
- Italô... Như thế thì ta lao vào tai họa mất.
- Vậy cậu đừng có dây vào.
- Cho phép tôi ít nhất đi báo Gabêlôti. Ông ấy sẽ có thể nghĩ là người ta định lừa ông ấy.
- Quên cái đống mỡ thối ấy đi. Khi nào xong chuyện thằng chủ ngân hàng, tớ sẽ mò đến nó. Tớ không có cái sự nhẫn nại của Giencô, tớ ấy.
- Italô! Lần cuối cùng...
- Câm đi!
- Đừng bỏ máy, Italô? Tôi đề nghị với anh một cái cuối cùng... Anh tin tôi, có phải không?... Tôi có một người bạn ở Duyrích, bạn rất tốt... Cậu ta đã giúp Giencô nhiều việc lớn rồi... Tên cậu ta là Các Đoisơ... cậu ta vẫn làm việc cho chúng ta... Vì thương yêu vong linh Giencô, hãy cho phép tôi báo cậu ta... Cậu ta rất quen lão chủ ngân hàng... Để cậu ta làm... Tôi sẽ bảo cậu ta tiếp xúc ngay với lão chủ ngân hàng...
- Có gửi giáo hoàng đến cho tớ, tớ cũng kệ! Nhưng nếu ngày mai, trưa, tớ không có cái tớ cần thì tớ sẽ thanh toán theo cách của tớ.
- Không hay! Không hay! - Yudenman bất bình. - Anh sẽ chẳng lấy được cái gì nhờ vào sức mạnh đâu.
- Cậu chỉ muốn nói với tớ có thế thôi phải không? - Italô ném ra, đe doạ.
- Không!... Ô Broi sao?
- Không gì hết.
- Hắn là người duy nhất có thể... Italô! Bọn Thụy Sĩ là bọn đần. Anh sẽ làm hỏng be bét mất cả thôi.
- Môsê...
- Cần phải làm nhè nhẹ họ cơ?
- Môsê?
- Có?
- Dẹp cha chúng nó đi cho tớ!
Italô dằn mạnh máy xuống, lại nổi cơn điên. Hắn đảo mắt nhìn quanh gian phòng, thầm hỏi có thể đập phá được cái gì nữa.
Thì lúc đó chuông điện thoại réo.
*
Đêvơ Cavanô vắt áo vét lên thành ghế, vào buồng tắm vốc nước đẫm lên mặt. Anh bực tức vì đã mất tăm Vônpôn do một thằng ngu vô danh kéo không chặt phanh tay chiếc xe của nó. May sao khi vào gian sảnh khách sạn Xoócđi, anh đã bắt gặp cái nhìn của Patric Mahôni có vẻ đang mải đọc một tờ tạp chí. Mahôni đã chớp chớp mắt để ra hiệu cho anh rằng con mồi vừa mới trở về hang ổ.
Tin mừng - vì không mất dấu vết nó. Nhưng dẫu sao vẫn cứ phiền: có một lỗ hổng trong thời gian biểu của Vônpôn. Trong nửa giờ, Đêvơ bỏ ra để cày xới các đường phố Duyrích lên tìm kiếm nó, chắc chắn là thằng khốn ấy không đi đến nhà thờ rồi. Nó đi đâu? Nó đã làm gì? Nó đã gặp ai? Đại uý Kiếcpatric không thích những câu hỏi không có trả lời và Cavanô ngại phải thú thật với ông ta rằng anh không thể đưa ra được một câu trả lời nào hết. Anh trở về phòng. Theo thói quen, anh kiểm tra lại khẩu Côn, - Môđơn chính phủ - bắn bảy phát, tự động, cơ bẩm chèn, khẩu súng quá quen thuộc với anh đến nỗi nó vừa nằm lọt trong tay là anh đã có thể nhắm mắt bắn được rồi. Bạn anh, Mahôni lại thích khẩu Trăn Mốc 375 - Cảnh sát Magnum - có ổ quay xệ, sáu phát, đầu ruồi cố định. Sau các buổi tập gần như hàng ngày ở nhà bắn của cảnh sát New York, họ đã thảo luận không dứt về những chỗ hơn thua của súng, về hợp kim của đạn, về khả năng xuyên sâu, tốc độ đầu nòng, biết bao sự chính xác kỹ thuật xa lạ với người nghiệp dư, nhưng một cảnh sát xung kích thì lại không thể không biết vì nếu không, hắn sẽ chẳng bao giờ được hưởng tuổi hưu trí.
Trong vòng vài giờ ở Thụy Sĩ, Đêvơ chỉ được giao lưu với Mahôni hai bận và hơn nữa, chỉ toàn bằng dấu hiệu. Một trong hai người phải thường xuyên bám sát Vônpôn hoặc tên khỉ đột kinh khủng của gã,Piêtrô Bêlindôna.
Cho nên khi máy nói réo, Đêvơ lập tức nghĩ rằng Patric đã tìm được cách gọi mình từ gian đại sảnh. Anh đặt khẩu Môđơn Chính phủ lên giường, cạnh bao súng rồi nhấc máy nói.
- Có đây?
Anh ngạc nhiên nghe thấy tiếng nói sợ hãi, lắp bắp, vội vàng:
- Người gác cổng đây... Ông mau lên! Ông mở cửa sổ nhìn xuống dưới xem! Vừa xảy ra một chuyện không may.
Mahôni à? Đêvơ nhào đến cửa sổ, vặn chốt, nhoài ra. Còn sáu tầng bên dưới, gian đình tạ hình tròn tạo thành mảnh sân trời ngăn không cho anh nhìn thấy được cái gì xảy ra trước bậc tam cấp khách sạn. Tấm màn tuyn bị gió thổi chợt dính vào mặt anh. Đồng thời anh cảm thấy có một người ở đằng sau mình. Rất gần. Lúc gạt được tấm rèm ra, anh kinh hoàng thấy ai đó đang nắm lấy hai cổ chân mình. Anh cố bám lấy gờ bê tông cửa sổ bằng hai bàn tay to lớn và gân guốc. Vô ích. Mặc dù các cơ bắp của anh cứng cả lại một cách tuyệt vọng, chín chục ký người anh vẫn cứ lộn nhào bên trên thanh sắt tỳ tay, và trong khi trọng tâm người anh chuyển dịch thì hai chân anh vẫn bị nắm chắc đã chổng ngược lên trời không sao cưỡng lại nổi. Anh cuống cuồng giẫy đạp, cào cấu vào tường bằng hai bàn tay toé máu. Không thể thay đổi được chút nào cái vận động có tính số mệnh đang đẩy chúi đầu anh xuống dưới đất kia. Trong một loạt hình ảnh hoảng loạn, anh hình dung trước tiên đến cái ngã, muốn gọi to tên Mahôni, trông thấy vợ bế đứa con gái bé nhất trong tay, nghe Kiếcpatric vừa cười vừa chế anh: “Cavanô, anh vào cảnh sát đâu phải để cho chúng nó lừa!”. Khi anh hiểu rằng anh đang rớt như một hòn đá dọc theo bề mặt toà nhà trong một cú rơi kinh hoàng của cơn ác mộng mà không gì có thể ngăn lại nổi, thì cái ý nghĩ cuối cùng còn tỉnh táo của anh là một câu hỏi, câu hỏi sẽ không bao giờ có câu trả lời, giống như nhiều câu hỏi khác: “Liệu có đau không đấy?”...
Không chậm một tích tắc, Phôncô Môri làm dấu. Do thói quen cũ kỹ của người theo đạo mỗi khi đưa một người đương thời “về chầu Chúa” hắn vẫn không quên nghi thức bởi lòng mê tín. Chẳng mất thì giờ thưởng thức cảnh kia, hắn rời ngay cửa sổ đến lục túi nạn nhân, lấy ra một chiếc ví. Tấm thiếp đầu tiên lọt vào mắt hắn cho hắn biết tất cả: “Đê vít Cavanô - Cảnh sát bang - Thành phố New York”. Thế là hắn vừa hạ một tay cớm. Không phải đứa đầu tiên. Cũng chẳng phải đứa chót, hắn tỏ ý hy vọng bằng một cái bĩu môi châm biếm. Hắn đặt lại chiếc ví vào túi áo vét, liếc một cái liếc sành sõi vào khẩu Môđơn Chính phủ, nhưng giữ ý không sờ vào đó. Hắn thận trọng thò đầu ra hành lang. Hàng lang vẫn vắng, trừ một xe đẩy nho nhỏ chất đầy khăn trải giường, chổi và các thứ dụng cụ dọn dẹp, đậu trước phòng 609. Hắn khe khẽ kéo cánh cửa lại sau lưng. Rón rén, hắn đi qua hai chục mét đang ngăn hắn với gian phòng 609, hé một mắt vào bên trong. Chị hầu phòng đang đẩy máy hút bụi và quay lưng lại hắn. Bình tĩnh, hắn cầm chiếc chìa khoá nẫng ở cánh cửa trước đây một phút, lùa trả lại vào trong ổ khoá. Cách đó không xa, đứng ở khe cửa của đầu cầu thang vào phòng mình, Piêtrô Bêlindôna đang quan sát hắn. Bêlindôna giơ ngón tay cái lên thay lời chúc mừng.
Nom có vẻ nặng nề nhưng gã đã sắm được tuyệt vời vai người gác cổng ở máy nói. Việc của gã không vì thế mà xong. Phôncô đã yêu cầu gã tiếp tục canh gác sau vụ án mạng. Không phải không có khả năng tên cớm mở cửa sổ kia còn có một đứa đồng bọn. Nếu thế, tên kia dứt khoát phải lộ mặt khi cái tin “vụ tai nạn” loan đi.
Điều chẳng muộn mằn gì sẽ xảy ra thôi.
Phôncô lách vào trong phòng mình, ở ngay trước phòng của Italô.
Hắn thầm nghĩ không biết mình có nhìn đúng hay không.
*
- Hôme, anh chẳng ăn gì cả! - Simen ngạc nhiên trách. Rồi quay sang Rênata:
- Con bảo bố ăn đi. Con không thích bánh phồng à?
- Ăn chứ... À! Anh xin lỗi, anh không đói lắm... - Clốp nói.
- Anh ốm ư? Anh gần như chẳng ăn gì tối qua cả...
- Thưa ông, ông muốn tôi đưa lên thứ gì khác để ông xơi không ạ? - Manuêla xen vào, hôm nay chị thay người đầu bếp bị ốm.
- Không, cảm ơn, không...
Phòng khách lớn nhìn thẳng ra dòng sông Dima trong vắt. Simen khăng khăng theo mốt thời Lui XV. Bà cho rằng bà đã dám bạo dạn đem trộn phong cách Lui XV với những bức tranh của Rơnoa, Manê và Picátxô treo thường xuyên trên tường. Những dịp lễ hội lớn, người ta lấy ở két bảo hiểm ra hai bức của Van Gốc - thời hoạ sĩ này sống ở Aclơ, nơi ông đã nhìn thấy những ba mặt trời ở trên cao (ước lượng vào phỏng giữa ba và bốn triệu đôla) bức Gôganh về Tahiti (hơn một triệu đôla) và bức Vanhxi (siêu, không đặt giá được) mà các nhà bảo tồn của những viện bảo tàng quốc tế lớn nhất vẫn đều kỳ đề nghị với Hôme một tấm ngân phiếu khống chỉ để có được nó. Đúng là một bức duy nhất thật nhưng trong thâm tâm, Simen lại thấy nó là tẻ, xỉn và ít hài hoà với sắc thái lơ nhạt của nhà mình. Sợ làm phật ý chồng, bà đã tế nhị không nói cảm tưởng của mình với ông chồng vốn không bao giờ thích vạch ra cho bà biết nguồn gốc của tác phẩm đó.
- Mẹ đừng lo... Mùa xuân tác động đến bố đấy!
- Rênata!
- Sao lại không nhỉ? Nó tác động đến con nhiều lắm, con ấy mà.
- Rêtana! - Bà mẹ bất bình... - Không ai dám nói là ba ngày nữa con lấy chồng đâu.
- Thì chính vì thế con mới lấy Cuốc chứ, mẹ à! Chính vì thế đấy!
- Cô Rênata, - Manuêla nói, - một ít bánh phồng nữa?
- Manuêla, thật thà đấy nhá, không có Giuliô, mùa xuân có tác động đến chị không?
- Rênata kìa! - Môi mím chặt, Simen ném ra.
Đó là một bữa trưa ở nhà Clốp, giống hệt hàng trăm bữa ăn khác trong gia đình. Chỉ một chỗ khang khác nhỏ: lần đầu tiên trong đời, Hôme Clốp thấy mình bị doạ giết, trước đó hai giờ. Dạ dày ông bị quặn lại vì sự xúc phạm và giận dữ đến nỗi ông không thiết gì ăn. Không có chuyện báo cảnh sát. Hơn cả nơi khác, ở Thụy Sĩ “ngân hàng” không đi liền với “cảnh sát”. Không vì thế mà Hôme coi cái chuyện gã lưu manh chửi ông là đã xong. Có cả một kho tinh tế những biện pháp hợp thức buộc nó trả giá cho sự hỗn hào đó. Ông cảm thấy Italô gấp gáp, mất bình tĩnh, lo lắng muốn được biết: Vậy nó sẽ không bao giờ được biết gì hết. Chừng nào Giencô Vônpôn, hay cùng lắm Moóctimơ Ô Broi, không chường mặt ra thì hai tỷ đôla còn cứ tiếp tục sinh lợi ở Sean, tại nhà Sơnmenblinh, bạn ông. Nếu thấy Italô xứng đáng biết điều bí mật thì một trong hai người kia đã lộ ra cho gã biết con số của tài khoản rồi. Đây lại không phải như vậy. Bây giờ, nếu Giencô Vônpôn đã chết thật, như em ông ta khẳng định - nhưng chỉ một cái chân thôi thì liệu đã cung cấp được căn cước chính xác của một cái xác không tồn tại chưa nhỉ? - Hôme vẫn có thể trao lại chỗ tiền mặt (với vẻ ghê tởm) cho gã Ô Broi khả nghi được lắm. Hoặc cho bất cứ ai có thể nói với ông cái mã hiệu mật của hai tỷ tiền gửi. Xa hơn thế nữa, ví như O Broi, vì một lý do nào đó cũng lại không ló mặt ra, thì lúc đó, Italô Vônpôn sẽ chỉ còn trông cậy vào mỗi một cách để nhìn thấy lại đồng tiền của hắn: Toà án. Nói chung, cuộc điều ra sẽ kéo dài hàng năm ròng, các vị quan tòa có quá nhiều ý tứ phải gìn giữ để không thể phán định một cách hấp tấp được. Có khi đến hai chục năm.
Quá cái hạn phải chăng đó, chẳng còn gì làm bằng chứng để các vị đáp ứng một cách thuận lợi đòi hỏi những người tự nhận mình thay quyền chủ tài khoản.
Nếu trước mắt, tên nhãi hung hăng và lỗ mãng còn nài nỉ, Hôme sẽ báo động một người bạn thân ở trên đỉnh chóp bu đẳng cấp chính trị, cho người ấy biết những lời đe doạ kia.
Thế là trước khi kịp hiểu ra cái gì xảy đến, Italô Vônpôn đã bị tuyên bố là phần tử không được chấp nhận tại Liên bang Thụy Sĩ và bị trục xuất kín đáo khỏi Liên bang rồi.
Như biết bao kẻ khác, gã ngỡ mình khá hùng mạnh để cao giọng ở một xứ sở mà tại đó, sự im lặng vừa là cần thiết, vừa là đạo đức.
Hắn nói gì với ông khi bước ra khỏi bàn giấy nhỉ? À, phải... “Đã có mùi xác chết ở người ông rồi đó!”.
- Bố, nếu bố nói với con, không hề gian dối, rằng bố đang nghĩ đến cái gì thì con sẽ cho bố một cái hôn.
- Đến một cái chân. - Clốp nói, vẻ hồn nhiên.
- A! - Rênata đắc thắng reo lên - Con đúng nhá! Mùa xuân đang tác động đến bố mà lại?
Ông chủ ngân hàng khẽ mỉm cười.
- Manuêla, muốn thế nào tôi cũng nên ăn một chút bánh phồng tôm chứ nhỉ?
Simen rạng rỡ lên. Khi Hôme ăn, bà bay lên đến tận mây xanh.
*
Họ ở trong một phòng của tầng ba đã hơn một giờ rồi. Cho một cuộc dàn hoà thì hỏng bét! Anh đã nhờ cậy vào mùa xuân, vào niềm vui tìm lại nhau, anh đã nghĩ làm chị thích bằng cách đưa chị tên Xoócđi, khách sạn sang nhất Duyrích. Cho tới lúc đó, tất cả những gì anh làm được chỉ là cởi áo sơmi chị ra, vuốt ve lưng và hông chị mà vẫn không được chị cho phép cởi nịt vú.
Anh cố một lần nữa kéo chị vào lòng và đặt tay lên đùi chị. Chị kéo váy xuống, ngồi lên giường.
- Mađơlen... Tại sao?
Chị đứng lên, đi ra cửa sổ, vén các tấm rèm, tỳ trán lên kính.
- Anh đã làm gì em nào, Mađơlen?
Thất vọng, anh nghĩ mình sắp mất toi tiền và thời gian rồi đây, cái thời gian quý báu đến thế kia. Con đĩ bướng như một con lừa. Biết anh thèm dữ dội, thế là bằng cự tuyệt, bằng vùng vằng, ả đã lạm dụng sự thèm muốn của anh để mà sướng.
- Mađơlen, anh nói này!
- Em nghe đây thôi…
Chị muốn anh tôn trọng chị, đừng đối xử với chị như với đồ vật, khi thèm thì đến, mỗi tuần một lần tại một khách sạn trong lúc người kia, vợ anh, thì...
- Em mặc quần áo vào đây, Rôgiê.
- Thì em đã trần truồng ra đâu mà! - Anh nổi cáu.
Ở dưới kia, chị nhìn thấy những chiếc taxi tới lui, thả những người khách mới tới trước cửa khách sạn, hay đưa đi? Đi đâu? Chị hé mở cửa sổ hít một hơi dài không khí lạnh và trong lành.
- Mađơlen!...
Thình lình chị kêu rú lên. Một cái khối đồ sộ rơi từ trên trời xuống vừa sạt qua chị. Chị nhảy lùi lại đằng sau và kinh hoàng hiểu ra rằng cái mà trong khoảnh khắc chị vừa trông thấy rơi xuống mái gian đình tạ tròn của khách sạn dưới kia, với tốc độ của một cái túi chì thả từ máy bay xuống, là một người đàn ông! Rú lên để không nghe thấy tiếng gớm ghiếc của thân người đập bẹt xuống mặt bê tông, chị xô ra cửa, mở chốt, lao bổ vào hành lang, mắt trợn trừng, cứ rú và rú nữa, tựa như tiếng kêu của chị có thể xoá đi hết được hình ảnh cơn ác mộng. Sợ cuống cuồng, Rôgiê nhảy ra khỏi thường để đuổi theo ả đã lên cơn thần kinh! Điều làm anh ngán hơn là các khách trọ có thể nhìn thấy ả chỉ mặc có cái nịt vú mà thôi.
Anh cảm thấy người lạnh toát bởi cái điều vừa xảy đến, chưa kể cái tai tiếng đẻ ra từ đó gây ảnh hưởng tới địa vị xã hội và vợ con anh - nó to lớn đến độ anh quên hẳn đi một chi tiết: Bản thân mình cũng đang trần truồng như ngày đầu tiên ra chào đời vậy? Mà các cánh cửa thì đang mở ra khắp chung quanh...
*
- Ôtavio! - Tiếng người đằng kia nói.
- Tôi. - Italô đáp.
Otaviô là quản lý của nhà Vônpôn ở phần châu Âu, vùng ven Địa Trung Hải. Hắn có nhiều chỗ ở tại Rôm, Náp, Milan, không bao giờ sống ở một chỗ nào trong số đó nhưng ở tất cả các chỗ đó, người ta vẫn có thể báo ngay tức khắc cho cấp trên của hắn biết chỗ tìm ra hắn.
Trái với những kẻ ăn sót làm mảnh, suốt đời bon chen cốt được cái quyền nhắm mắt chết ở dưới một mái nhà, những người làm nên thế giới, ngấm ngầm hay lộ liễu hằng ngày đem vương quốc của mình ra đánh bạc với sự mau lẹ của thông tin, Giencô Vônpôn đã dệt nên tấm mạng che bọc bằng cách cho mình được cùng một lúc biết trước những thăng trầm đang đe doạ công việc của mình ở mọi ngóc ngách xó xỉnh của cái hành tinh này.
Không một thành phố quan trọng nào lại không có thông tin viên của ông, không một thị trấn nào những thông tin viên kia lại không thể tiếp xúc được với một người nào của họ ở đó. Cái tổ chức này tốn kém rất nhiều nhưng tiền này chỉ bằng một giọt nước so với cái nó đem lại.
- Người ta đã tìm thấy cái thằng của anh đấy!
Italô khoái trá run lên:
Sống chứ?
- Sống nguyên.
- Nó ở đâu?
- Nó không chỉ một mình.
- Cậu định nói gì với tớ thế? Nó ở đâu?
- Với Lanđô. Anh đến góc đường Univecxtat và đường Vanđécbách. Hình như không xa chỗ anh lắm. Anh có thể đi ngay không?
- Được!
- Đến số 7 đường Univecxtat, lầu ba. Chỉ có một cửa thôi. Hắn chờ anh ở đó. Tôi báo hắn đây.
- Otaviô?
- Có!
- Cảm ơn!
Italô Vônpôn đặt máy. Rồi vặn hai bàn tay vào nhau, nhoẻn một nụ cười của thằng khùng. Thế là cái rác Moóctimơ Ô Broi đã được tìm thấy. Cuối cùng, hắn sắp sửa được biết điều gì đã xảy ra với anh hắn. Hắn cũng sẽ được biết con số của tài khoản mà hai tỷ đôla nằm ngủ yên ở bên dưới đó! Nhất là hắn sắp được tự tay phá tàn phá hại Ô Broi một khi hắn đã phun hết ra.
Hắn gọi phòng Bêlidôna:
- Piêtrô, báo Phôncô! Dẫn ngay cái đít bự của mày tới đại sảnh mau lên? Ta đi đây!
*
Patric Mahôni thấy người gác cổng chạy và tất cả những người ở trên bậc tam cấp đều ngẩng đầu lên. Anh nhổm dậy, tờ báo - mà anh đã thuộc lòng - nhàu nát trong tay.
Bên ngoài, những tiếng kêu cất lên. Người gác cổng chạy nhanh hơn rồi leo bốn bậc một lên cầu thang lớn. Không suy nghĩ, Mahôni theo sát ngay người đó, không biết làm như thế là tuân theo động cơ gì trong khi, trước hết, anh phải không được để cho mình lộ diện. Nhưng một khi các cơ bắp của anh hoạt động không được sự tán thành của ý chí thì cũng hiếm trường hợp là vô dụng. Một thứ bản năng thú vật, mà các cảnh sát và bọn cướp đẻ ra để hành nghề, thường có giống nhau. Anh đến đầu cầu thang lầu một, nơi có quầy rượu, sàn nhảy, các toa lét và các buồng dây nói. Anh thấy người gác cổng đứng sững, đưa tay lên miệng, mặt nhăn lại ghê sợ. Tất cả những cái đầu của nhân chứng đều quay về người này. Mahôni đến bên anh ta, liếc nhìn xuống mái tròn đình tạ làm thành khoảng sân trời và suýt nữa thì ói mửa: Bạn của anh, Đêvơ cao kều, đang nằm xộc xệch trong một vũng máu, giữa hai thùng cây xanh, những mảnh óc vấy lên chiếc sơmi trắng tinh. Anh không mặc áo vét. Lạ lùng là một chiếc giày của anh lại đặt ngay cạnh cái đầu vỡ giập, tạo thành một góc kỳ dị khác thường với cái cổ. Chỉ bởi người Đêvơ thì nằm úp sấp xuống mà hai con mắt lại thao láo và không hồn nhìn ngước lên trời...
Mahôni lấy ngay lại được những phản xạ nghề nghiệp.
Cavanô không phải tự nhiên ngã từ trên cửa sổ xuống: Có người đã giúp anh. Anh phóng vội về cầu thang máy rúc vào đó, bấm cái nút ghi số Sáu trong khi tay anh đã lăm lăm khẩu Trăn mốc 375. Cứt! Đang ở Thụy Sĩ cơ mà!... Anh đút lại súng vào túi, người giận điên lên.
Anh không thể làm được gì cho Đêvơ hiện đang nằm sóng sượt trên mặt bê tông, nhưng anh vẫn có một dịp may nhỏ bé là tóm được đứa khốn nạn đã ném bạn anh từ trên ấy xuống. Đêvơ để chúng chẹt cổ như thế nào ấy nhỉ? Anh bèn nhảy ra khỏi thang máy, chạy dọc hành lang, kịp để ý thấy phòng 647 đóng cửa. Anh gọi một chị hầu phòng mà chẳng cần nhìn rõ mặt, chị ta nhìn anh, ngạc nhiên.
- Chị có chìa khoá không? Một tai nạn vừa xảy ra xong. Mở cho tôi phòng 647 đi nào?
Chị ta bỏ chiếc xe đẩy và làm theo. Gian phòng trống không. Bao da và khẩu súng Môđơn Chính phủ trên giường.
Trên lưng một chiếc ghế, là cái áo vét của Đêvơ. Mahôni thọc ngón tay vào túi trong cảm thấy lần da ví. Cửa sổ mở. Những tấm rèm bị gió thổi căng phồng ở trong phòng như những khăn choàng cô dâu.
- Có chuyện gì đấy? - Chị hầu phòng hỏi.
- Một người đã ngã qua cái cửa sổ này. Chị có thấy ai ở hành lang không?
- Không!
- Chị không để ý thấy gì cả chứ?
- Không!
- Không có ai đi qua chứ?
- Thì tôi đã bảo ông rồi còn gì. - Người đàn bà ngạc nhiên.
- Chị ở đâu cứ ở đấy. Cảnh sát đến bây giờ.
Mahôni xuống tầng dưới để về phòng mình. Chị hầu phòng trở lại phòng 607 để thu dọn đổ nghề ở đó. Hai cánh cửa mở ra hành lang; Phôncô Môrivà Piêtrô Bêlidôna cùng giơ ngón tay cái lên làm dấu hiệu chiến thắng. Cả hai đã biết cái đứa sắp phải hạ thủ là ai rồi. Tiếng rầm rập cho hay nhân viên khách sạn đang tới. Chúng đóng cửa lại.
Mahôni chật vật mất năm phút để liên hệ với New York. Khi anh biết chắc chắn rằng lời chỉ dẫn thối tha kia không cho phép anh báo với Kiêcpatric tấn thảm kịch bằng cách riêng của mình, anh bèn xin nói chuyện ở tổng đài.
Anh đi đến trước cửa sổ. Bên dưới, một xe cảnh sát và một xe cấp cứu đang đỗ ở gần bậc tam cấp. Xé ruột xé gan, anh thấy những người mặc áo choàng trắng lùa chiếc cáng vào trong xe cấp cứu. Chiếc cáng được phủ một tấm khăn trải giường và từ chỗ anh đứng, cao tít nhòm xuống, anh phân biệt được cả những chỗ lồi lõm cao thấp của tấm khăn. Lúc đó anh chỉ còn một ý nghĩ trong đầu: Trả thù cho Đêvơ Cavanô mà lúc này hình hài đang nằm thõng thượt bên dưới tấm khăn kia. Anh nghĩ với một ý châm biếm chua chát rằng Đêvơ cao kều chắc chắn sẽ tạm thời đến nghỉ tại nhà xác, ngay bên cạnh cái chân đã đẩy dạt họ tới đất nước Thụy Sĩ này. Chúng làm chó gì với chiếc máy nói này thế nhỉ? Kiếcpatric phải cho anh những chỉ thị mới. Tốt nhất là cho toàn quyền hành động.
Có cùng với cảnh sát sở tại hay không thì anh cũng sẽ phải làm rõ cái chết của Đêvơ. Vô phúc cho Vônpôn nếu như bằng cách nào đó mà hắn lại dính vào vụ này.
Đúng lúc đó anh thấy hắn ra khỏi Xoócđi, ngang qua chiếc xe cấp cứu đang sắp khởi động, kèm bên cạnh là Piêtrô Bêlidôna. Anh như bị một dòng điện giật. Chìm đắm vào suy tưởng và đau khổ, anh đã để chậm mất một giây trước khi hiểu ra được rằng tên đó đang lỉnh đi ở ngay trước mặt mình. Anh vơ lấy chiếc áo gió và nhảy bổ ra cửa, yên tâm thấy khẩu Magnum 389 vẫn nằm bình thường trong bao da, dưới nách. Cồn cào lên bởi cái cuồng vọng thầm kín là được sử dụng nó ngay, thật sớm.
Đồng Tiền Thấm Máu Đồng Tiền Thấm Máu - Pierre Rey Đồng Tiền Thấm Máu