Never judge a book by its movie.

J.W. Eagan

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2153 / 81
Cập nhật: 2015-07-15 04:08:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 - Kết
âu thơ Tín Quốc để về sau.
(Nguyễn Thượng Hiền)
Sau Thế chiến thứ nhất, thế lực của Pháp lại có vẻ vững như bàn thạch, những nước lân cận có thể giúp ta được như Trung Hoa, Nhật Bản đều là đồng minh của Pháp, nên phong trào cách mạng Việt Nam phải tạm xuống, suốt mấy năm yên tĩnh, gần như không có một cuộc bạo động nào. Dù tận lực bôn ba, cụ Sào Nam cũng chỉ tổ chức được mỗi một cuộc ném bom ở Sa Diện để ám sát Toàn quyền Merlin. Merlin thoát chết mà Phạm Hồng Thái thì lưu danh thiên cổ, tới dân tộc Trung Hoa cũng phải ngưỡng mộ, đặt người nằm ở Hoàng Hoa Cương, bên cạnh 72 vị liệt sĩ của họ.
Pháp càng mạnh thì bọn “trành” hoạt động càng dữ, nhiều nhà ái quốc bị sa lưới, nên số đông ở hải ngoại phải tạm ngưng hoạt động, cụ thì làm ruộng chờ thời, cụ thì kiếm chỗ dạy học; chán ngán thế cuộc nhất là cụ Nguyễn Thượng Hiền, thấy con một nhà cách mạng mà đi làm mật thám cho Pháp, cụ nản chí, đầu thiền gõ mõ ở Hàng Châu, sau khi gởi cho đồng chí bài thơ đầy:
Thôi thôi càng nói lại càng rầu,
Mảnh áo đêm khuya thấm hạt châu.
Việc nước ai làm ra đến thế?
Cơ trời còn biết ngóng vào đâu?
Hai bên gánh vác vai thêm nặng,
Muôn dặm xa xôi bước khó mau.
Giận biển sầu non như chẳng chuyển,
Câu thơ Tín Quốc để về sau. 1
Năm 1925, cụ Sào Nam bị bắt ở Thượng Hải vì một tên trành điểm chỉ, mà tên đó lại là cháu một nhà ái quốc 2 cũng bôn ba hải ngoại như cụ mới là đau lòng cho chứ. Tưởng là sẽ chết, cụ làm bài thơ tuyệt mệnh:
Nhất lạc nhân hoàn lục thập niên,
Hảo tòng kiến nhật liễu trần duyên.
Sinh bình kỳ khí qui hà hử?
Nguyệt tại ba tâm, vân tại thiên.
Sáu chục năm nay ở cõi đời,
Trần duyên giờ hẳn giũ xong rồi.
Bình sinh chí lớn về đâu nhỉ?
Trăng giọi lòng sông, mây ngất trời
(Dịch giả: Khuyết danh)
Nhưng khi cụ về tới nước thì đủ các giới trong quốc dân xin chính phủ Pháp ân xá cho cụ, và cụ chỉ bị an trí ở Huế. Trong khi cụ còn bị giam ở Hà Nội, cụ Nguyễn Thượng Hiền mất ở Hàng Châu; theo lời di chúc, nhà chùa hỏa táng cụ rồi đổ cốt hôi xuống sông Tiền Đường.
Năm sau, cụ Tây Hồ mới ở Pháp về được ít lâu, cũng qui tiên ở Sài Gòn. Hay tin, cụ Sào Nam viết bài Văn tế khóc bạn:
Than ôi!
Tuồng thiên diễn mưa Âu gió Mỹ, cuộc nọ kém thua hơn được, ngó non sông nên nhớ bậc tiên tri;
Dấu địa linh con Lạc cháu Hồng, nguời sao trước có sau không, kinh sấm sét hỡi đau lòng hậu bối.
Vãn biết tinh thần di tạo hóa, sống là còn mà thác cũng như còn;
Chỉ vì thời thế khuất anh hùng, xua đã rủi mà nay càng thêm rủi.
Lấy ai đây nối gót nghìn thu,
Vậy ta phải kêu người chín suối
Nhớ Tiên sinh xưa:
Tú dục Nam châu,
Linh chung Đà hải 3.
Nghiệp thừa gia cung kiếm cũng pha đường,
Nền tác thánh thi thư từng thuộc lối
Gan to tày bể, sức xông pha nào kể ức muôn người,
Mắt sáng hơn đèn, tài linh lợi từ khi năm bảy tuổi.
Vận nước gặp cơn dâu bể, đeo vai thân sĩ còn lòng đâu áo mũ xênh xang,
Thói nhà chăm nghiệp bút nghiên, giấu mặt hào hùng, thì tạm cũng khoa truờng theo đuổi...................................................
Bài văn đó dài mà lâm li. Cụ lại điếu một đôi câu đối tuyệt hay, giọng trầm hùng:
Sương hải vị điền, Tinh vệ hàm thạch,
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền.
(Sương hải chưa bồi, Tinh vệ ngậm đá, 4
Chung Kỳ đã mất, Bá Nha đập đàn).
Lại năm sau nữa (13-6-1927), cụ Lương văn Can mất ở Hà Nội vì bệnh già. Cụ bị an trí ở Nam Vang từ 1914 đến 1924, về Hà Nội lại mở trường dạy học - trường Ôn Như - nhưng không còn hoạt động gì được nữa. Lời di chúc cuối cùng của cụ là:
“Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”
Đám táng cụ Tây Hồ được cử hành long trọng. Nhiều nơi làm lễ truy điệu; học sinh bãi khóa suốt từ Nam tới Bắc, gây tiếng vang rất lớn trong nước. Thấy vậy nên khi cụ Lương mất, chính phủ Pháp lấy cớ là cụ bị bệnh thời khí bắt làm lễ an táng rất gấp, ngay năm giờ rưỡi chiều hôm đó để khỏi náo động, thành thử di hài của cụ không đưa về quê ở làng Nhị Khê được mà phải chôn ở Phúc Trang Hợp Thiện (Bạch Mai) dưới ánh đuốc vì tới huyệt đã bảy giờ tối. Nhưng ở Hà Nội cũng có hằng ngàn người, đông nhất là học sinh và thợ thuyền, đưa cụ tới huyệt. Hai cụ Hoàng Tăng Bí và Ngô Đức Kế chấp phất bên cạnh linh xa (coi phụ lục II). Rồi ngày chủ nhật 19-6, cả ngàn sinh viên và thợ thuyền định biểu tình ở Phúc Trang Hợp Thiện, bị Pháp đàn áp (La Volonté indochinoise số 3-7-1928).
Ở Sài Gòn, ngày 26-6, một môn đệ cũ của cụ là Trần Huy Liệu, lúc đó làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo, đứng ra làm lễ truy điệu, đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng. Cụ Phương Sơn là đồng chí mà cũng là rể của cụ, điếu:
Bảy mươi bốn tuổi già, chứa biết bao giận nước thù nhà, cười nói vẫn bền cùng sắt đá,
Mười lăm năm lưu lạc, kể sao xiết tình thầy nghĩa bạn, đền bồi xin hẹn có non sông.
Chính phủ thực dân bắt giam ông Trần Huy Liệu, gần một tháng không hỏi tới, ông và vài đồng chí tuyệt thực để phản đối, năm ngày sau, Pháp phải thả ông.
Ngày 29-10-1940 cụ Sào Nam mất ở Huế, lưu lại một bài từ giã bạn bè, lời buồn vô hạn:
Từ giã bạn bè lần cuối cùng.
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
Thiên hạ hà nhân bất thức quân? 5
Bảy mươi tư tuổi trót phong trần,
Nay được bạn mới tinh thần hoạt hiện. 6
Những ước anh em đầy bốn biển,
Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian.
Sống xác thừa, mà chết cũng xương tàn,
Câu tâm sự gởi chim ngàn cá biển.
Mừng được đọc bài văn sinh vãn 7
Chữ đá vàng in mấy đoạn tâm can...
Tiếc mình nay sức mỏng, trí thêm khan,
Lấy gì đáp khúc đàn tri kỷ?
Nga nga hồ, chí tại cao sơn,
Dương dương hồ, chí tại lưu thuỷ! 8
Đàn Bá Nha mấy kẻ thưởng âm?
Bỗng nghe qua khóc trộm lại thương thầm:
Chung Kỳ chết, e quăng cầm không gảy nữa!
Nay đương lúc tử thần chờ trước của,
Có vài lời ghi nhớ về sau.
Chúc phường hậu tử tiến mau!
Vì thời cuộc không thuận, quốc dân không làm lễ truy điệu cụ được. Tiếp theo tới các cụ Nguyễn Quyền lìa trần ở Bến Tre, cụ Dương Bá Trạc ở Tân Gia Ba, 9 cụ Võ Hoành ở Đồng Tháp Mười, cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Ngãi (1947). Gần đây lại có tin cụ Lê Đại mất ở Hà Nội (1951) và cụ Nguyễn Hải Thần qui tiên năm ngoái ở Bắc Kinh.
Thế là các nhà cách mạng lớp trước, ở đầu thế kỷ, lần lượt theo nhau về cõi khác hết, 10 hiện nay may lắm còn được một hai cụ.
Từ khi cụ Sào Nam bị bắt thì hoạt động của các vị đó gần như hoàn toàn ngưng hẳn. Nhưng ngọn hồng kì lại chuyển qua tay những thanh niên và những đảng cách mạng khác nối nhau xuất hiện ở trong nước cũng như ở ngoài nước, nào là Tâm tâm xã, nào là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, nào là Tân Việt cách mạng đảng nào là Việt Nam quốc dân đảng, rồi hội kín này, hội kín nọ..., cứ đợt này chưa xuống thì đợt khác đã lên, liên miên bất tuyệt, đập vào nền tảng của thực dân Pháp ở Việt Nam, và ngày nay nền tảng đó đã hoàn toàn sụp đổ mặc dầu Pháp đã đem hàng ức thanh niên của họ, huy động tất cả những khí giới tối tân nhất để chống đỡ, và được cả Anh lẫn Mỹ giúp sức.
Cuốn sách này tái bản đúng kỳ lục thập chu niên của năm Đông Kinh Nghĩa Thục ra mắt quốc dân. 11 Ngày nay đã cách xa Nghĩa Thục đúng 60 năm, ta có thể xét Nghĩa Thục một cách bình tĩnh và vô tư được.
Lấy phần đông mà xét thì trong 25 năm đầu thế kỷ, phong trào cách mạng là do các nhà cựu học chỉ huy, với một số ít nhà tân học giúp sức; trong 25 năm sau phong trào do các nhà tân học tổ chức và được một số nhà cựu học làm cố vấn.
Trong giai đoạn trên, các nhà cách mạng chia làm hai phe: một phe bạo động mưu cầu ngoại viện mà cụ Sào Nam lãnh đạo, một phe ôn hòa chủ trương duy tân mà cụ Lương văn Can và cụ Tây Hồ cầm đầu. Tuy nhiên hai phe vẫn liên lạc, hợp tác mật thiết với nhau, kính trọng, quý mến nhau chứ không hề khuynh loát, mạt sát nhau.
Cả hai phe, mà nhất là phe ôn hòa, hoạt động còn thiếu kinh nghiệm, thiếu phương pháp, có vẻ những nhà cách mạng “tài tử” chứ không phải hạng cách mạng chuyên môn thấu rõ đủ cả lý thuyết lẫn kỹ thuật như nhiều nhà cách mạng gần đây. Có người lại chê các bực tiền bối đó làm thơ nhiều hơn làm cách mạng. Có phần đúng, nhưng ta không thể trách các cụ điều đó được: các cụ làm thơ cũng như ngày nay chúng ta chép nhật ký, mà chính nhiều bài thơ đó đã cảm hóa được quốc dân. 12 Trái lại, ta nên phục các cụ là hoạt động thiếu phương tiện, thiếu tổ chức trong một thời gian ngắn như vậy mà đã có ảnh hưởng vô cùng lớn tới quốc dân.
Ngày nay nghe nói đến Đông Kinh Nghĩa Thục, người Việt nào cũng ngưỡng mộ, kính phục những nhà cựu học đã gây nên phong trào duy tân đầu tiên ở nước nhà. Bị un đúc trong cái lò thi phú mà các cụ có đầu óc mới mẻ như vậy quả thực là siêu quần.
Công của các cụ rất lớn.
Nhờ Nghĩa Thục mà sau những vụ thất bại ở cuối thế kỉ trước, chúng ta lấy lại được lòng tự tin: không tự ti đối với Trung Hoa và Âu Tây mà cũng không tự cao đến mù quáng. Chúng ta vẫn tôn trọng những giá trị tinh thần - hy sinh và bất khuất - của cựu học mà đồng thời cũng biết nhận giá trị thực tế của tân học:
Học Tây học Hán có rành mới hay.
Cởi bỏ được những quan niệm lạc hậu rồi - nhất là quan niệm trung quân quá cố chấp - tinh thần dân tộc của ta vững thêm. Các cụ một mặt khai thác cái vốn cũ của dân tộc mà vốn quí nhất là ngôn ngữ, một mặt tiếp thu văn hóa Âu Tây bằng công việc dịch thuật. Các cụ là người đầu tiên bỏ khoa cử và hô hào mọi người học tiếng Việt, viết lách bằng tiếng Việt, do đó mở đường cho các nhóm Đông Dương tạp chí và Nam Phong sau này.
Các cụ lại dạy ta có một quan niệm mới về nhiệm vụ và khả năng của phụ nữ trong công việc cứu quốc; dạy ta chú trọng tới kinh tế, hướng về các việc kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ các đồ nội hóa; dạy ta phải đồng tâm gây dựng cho xứ sở, và đích thân nêu gương phục vụ đồng bào cho hạng trí thức trong xã hội.
Nhưng công của các cụ không phải chỉ có bấy nhiêu. Các cụ còn trực tiếp hay gián tiếp đào tạo các nhà cách mạng và nhà văn lớp sau, trong số này nhiều phần tử ưu tú tự nhận đã mang ơn nhiều của các cụ. Như tôi đã nói, những cụ Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục nhờ dịch sách cho Nghĩa Thục mà luyện được cây bút, sau thành những nhà văn xuất sắc trong nhóm Nam Phong. Lại thêm một số học sinh của Nghĩa Thục, như Đào Trinh Nhất, một số con cháu các cụ sau thành những nhà ngôn luận có danh trong nước, há không do ảnh hưởng của phong trào?
Nghĩa Thục chỉ thọ khoảng một năm mà tên Nghĩa Thục được ghi trên sử. Trong Nam thiên phong vân ca một thi sĩ khuyết danh đã chép lại hoạt động của Nghĩa Thục trong những vần lưu loát và nồng nàn mà chúng tôi đã trích dẫn trên đầu mỗi chương và bây giờ xin gom lại:
Cơn mây gió trời Nam bảng lảng,
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân.
Ngẫm xem con Tạo xoay vần,
Bày ra một cuộc duy tân cũng kỳ.
Suốt thân sĩ lưỡng kỳ Nam, Bắc,
Bỗng giật mình sực thức cơn mê.
Học thương xoay đủ mọi nghề,
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau.
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy,
Chưa học bò, vội chạy đua theo.
Khi lên như gió thổi diều,
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành.
Cách hoạt động người mình còn dại.
Sức oai quyền ép lại càng mau.
Tội nguyên đổ đám nho lưu,
Bắc Kỳ thân sĩ đứng đầu năm tên 13
“Mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ”. Mà danh ấy thọ là nhờ đám nho lưu ấy, gồm hầu hết những bực tuấn tú, nhiệt tâm, chí khí nhất trong nước tức cái tinh hoa của non sông đã tụ họp nhau ở nhà số 4 phố hàng Đào của cụ Lương văn Can để nắm tay nhau mà cải tạo non sông.
Thơ CẢM KHÁI
(của một cụ trong Đông Kinh Nghĩa Thục).
Tuổi xanh kết bạn xoay trời đất,
Năm chục năm nay thỏa ước mong.
Độc lập xa gần cờ phấp phới,
Anh hồn cố hữu khoái hay không
Phương Sơn (1882-1960)
Mạnh đông Ất Mùi (19551).
PHỤ LỤC I
THIẾT TIỀN CA
Bài Thiết tiền ca của cụ Nguyễn Phan Lăng có ảnh hưởng rất lớn ở đương thời, phá cả một chính sách kinh tế của thực dân, bị thực dân cấm, nên rất ít người biết. May mà có người nhớ được; chúng tôi theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam mà chép lại đây trọn bài vì nghĩ tài liệu đó rất nên phổ biển, có thể trích giảng trong các sách giáo khoa Tiểu học và Trung học được.
Tiền với bạc đó là máu mủ,
Không có tiền no đủ được sao?
Một ngày là một tiêu hao,
Máu rơi của hết sống sao được mà!
Trời đất hỡi! dân ta khốn khổ,
Đủ trăm đường thuế họ thuế kia,
Lưới vây chài quét trăm bề,
Róc xương róc thịt, còn gì nữa đâu?
Chợt lại thấy bắt tiêu tiền sắt,
Thoạt tai nghe bần bật khúc lòng.
Trời ơi có khổ hay không?
Khổ gì bằng khổ mắc trong cường quyền.
Họ khinh lũ đầu đen không biết,
Lấy mẹo lừa giết hết chúng ta.
Bạc vào đem sắt đổ ra,
Bạc kia thu hết sắt mà làm chi?
Họ tính lại suy đi đã kiệt,
Trói chân tay để chết người mình.
Anh em thử nghĩ cho tinh,
Sẽ đem soi xét tâm tình họ xem.
Họ không muốn người Nam buôn bán,
Để một ngày một cạn của đi,
Còn trơ đống sắt đen sì,
Bạc kia không có lấy gì thông thương.
Dầu có muốn xuất dương thương mại,
Đem sắt đi ai dại với mình,
Rồi ra luẩn quẩn loanh quanh,
Vốn kia không có, lợi sinh được nào?
Nó lại thấy lương cao muốn chiết,
Sợ người mình thấy thiệt thì kêu,
Nó đưa tiền sắt cho tiêu,
Tuy rằng không chiết mà hao thiệt nhiều.
Ấy nó nghĩ mưu cao dường thế,
Chỉ tìm đường làm tệ nước ta,
Làm cho kẻ xót người xa,
Làm cho nhớn bé trẻ già bỏ nhau,
Làm cho muốn cất đầu không được,
Làm cho đi một bước không xong,
Thế mà ta vẫn ngay lòng,
Tưởng làm như thế cũng không hề gì!
Rồi chỉ sợ đến khi hết cả,
Muốn làm gì cũng chả làm xong.
Muốn công cũng chả nên công,
Muốn nông không vốn thì nông thế nào?
Muốn buôn bán không dào lưng vốn,
Muốn học hành phí tổn lấy đâu?
Bấy giờ ta mới biết đau,
Dại rồi cắt rốn vật đầu được chi?
Nếu họ có bụng gì ta nữa,
Sao họ không mở cửa thông đồng
Nhà Đoan Kho bạc tiêu chung,
Lúc buôn lúc bán lúc cùng vào ra.
Sao nó chỉ bắt ta tiêu lẫn,
Mà nó không chịu bận đến mình?
Chẳng qua giở thói ma tinh,
Sao không cứ phép công minh mà làm?
Người Pháp với người Nam như một,
Bảo hộ thì chỉ cốt thuận dân,
Nhẽ đâu cậy thế cậy thần
Nhẽ đâu trái lẽ cầm cân công bình
Nào hiệp biện văn minh đâu đó?
Nào thượng thư, đốc bộ là ai?
Nào là phủ huyện quan sai,
Hội viên thông ký là người nước ta?
Ai tách bạch cho ra lẽ phải,
Ai dám đem lời cãi cho mình?
Thị phi ai biện cho rành.
Búa rìu chẳng nhụt, lôi đình chẳng kinh,
Làm cho tiền trở lại mới nghe,
Bảo nhau mạnh cánh, mạnh bè,
Cho người lừa đảo hết nghề hết khôn.
Tôi xin nhớ như chôn vào ruột,
Tôi xin châm lửa đốt hương trầm,
Tôi xin tạc chữ đồng tâm,
Dựng đài kỷ niệm trăm năm phụng thờ.
Thôi đừng giữ thói nhơ ô mị,
Bảo thế nào, người ký cả tay,
Ngại khi nhời nói hay hay,
Trăm người trăm miệng đắng cay muôn phần.
Này hỡi bạn quốc dân ta nữa,
Cơ sự này nó sợ đến đâu?
Bỗng như tiếng sét trên đầu,
Kinh kinh hãi hãi biết đâu thế nào..........................
Ấy là phúc nước Nam ta đó,
Ấy là cơ máu mủ ta còn.
Đời đời cháu cháu con con,
Còn non còn nước vẫn còn Việt Nam.
Nguyễn Phan Lăng.
PHỤ LỤC II
ÍT TÀI LIỆU VỀ CỤ CỬ LƯƠNG
VÀ ĐÁM TANG CỦA CỤ
Cháu chắt cụ Cử Lương hiện ở Sài Gòn cũng khá đông, chúng tôi đã lại thăm vài vị để sưu tầm bút tích, văn thơ của cụ, nhưng trong cơn binh lửa ở Hà Nội cuối năm 1946, nhà cụ ở phố Hàng Đào bị đốt phá, không còn gì cả, may mà còn giữ lại được một bức ảnh bán thân của cụ, vài ba chục bức hình về đám táng của cụ ông và cụ bà, và một số bài báo, cùng bản sao các đối trướng quốc dân phúng hai cụ.
Theo thân nhân thì cụ trứ tác khá nhiều, có xuất bản cuốn Lương Ôn Như gia huấn (1926 hay 1927). Chúng tôi nhớ hình như còn cuốn Luận ngữ cách ngôn nữa, một tập độ trăm trang trích và dịch Luận ngữ.
Hồi cụ bị giam ở Hoả lò Hà Nội, tụi Pháp nể cụ, không tra khảo gì nhiều.
Cụ ông và cụ bà rất quý mến nhau. Khi cụ ông sắp bị phát vãng, cụ bà tiễn biệt, dặn: “Ông ơi, ông đợi tôi với”. Khi cụ bà sắp mất, 14 cụ ông hứa: “Tôi sẽ theo bà”, và tới ngày trong nhà sửa soạn lễ thất thất, (49 ngày) thì sau một cơn bạo bệnh, cụ ông tắt nghỉ.
Cũng theo thân nhân thì bình sinh cụ thường chế thuốc trị bệnh thời khí để phát không cho người nghèo mà rồi lại quy tiên vì bệnh đó (chứ không phải vì bệnh sốt rét như có báo thời ấy đăng).
Có điều này rất buồn cho hai cụ khi về già: hai cụ có được năm người con trai, mà người nào cũng tới ba mươi tuổi thì mất, thành thử đi sau linh cữu của hai cụ, chỉ có cháu, chứ không có con, nhưng môn sinh của cụ rất đông và đều coi cụ như cha, điều đó cũng an ủi hai cụ được nhiều.
Dưới đây, chúng tôi xin trích ít bài báo thời đó để độc giả thấy cảm tình của quốc dân đối với gia đình họ Lương ra sao. Tôi xin cảm ơn ông Bà Cung Duy Độ, nhất là Bà Nguyễn Công Tốn, con gái cụ Lương Trúc Đàm, đã cho chúng tôi mượn những tài liệu đó và cho phép chụp lại tấm hình cụ Cử in ở đầu sách.
°
CẤT ĐÁM CỤ CỬ LƯƠNG ÔN NHƯ
Hà Thành Ngọ báo ngày 14 6 1927.
Trái lại với tin bản quán đã đăng trước, thì ngay hồi 5 giờ rưỡi chiều hôm qua đã cất đám cụ cử Lương.
Mới thoạt nghe tin này thì ai cũng lấy làm lạ là vì cụ mới mất sáng hôm qua mà sao công việc lại cử hành một cách hống tống như vậy. Người ta đồn rằng tòa Đốc lý nhận được một lá thư nặc danh của một tên phi nhân loại nào gởi đến nói rằng cụ mất vì bệnh thời khí, chớ thực ra thì cụ vì bệnh sốt rét (bệnh già) mà từ trần. 15
Cũng vì lá thư nặc danh ấy, nên sở Vệ sinh tức khắc bắt phải cất đám đi ngay (...)
Tuy chưa kịp cáo phó, các báo chương tuy chưa kịp đem tin buồn báo cáo khắp nơi mà người đi đưa cũng không phải là ít (...) Lúc đám mới khởi hành, thê thảm nhất là vẳng nghe trong nữ quyến đi đưa sau linh cữu có tiếng khóc rằng: “Ối, Cha ơi, chỉ vì yêu nước thương dân nên người ta mới làm khổ thân cha đến nỗi nước này...” (...) Lạ có một điều là người đi đưa đám lúc ban đầu ước chừng ba bốn trăm người, rồi dần dần qua các phố, người theo đưa thêm đông dần, đến lúc hạ huyệt thì có đến non nghìn người (...).
Lại có một điều lạ nữa là đám cụ Cử tuy sơ sài mà có vẻ đặc sắc long trọng hơn, là các vị thám tử Tây Nam đi theo gìn giữ trật tự rất nhiều, khiến cho đám đi càng được thêm lắm vẻ oai nghiêm (...). 16
°
CẢM TÌNH ANH EM LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CỤ
CỬ LUƠNG VĂN CAN
Hỡi đồng bào!
Lương chí sĩ nước nhà tạ thế,
Cái buồn chung há dễ riêng ai.
Tôi là lao động thiển tài,
Lòng thành tỏ dấu bi ai anh hùng.
Hỡi đồng bào Lạc Hồng Nam Việt,
Cái buồn chung phải quyết cùng nhau,
Thương nhà chí sĩ công lao,
Vì dân vì nước tiêu hao một đời.
Mấy chục năm bên trời góc biển,
Cụ Can cùng ông Quyến lao đao,
Cha con hết sức hô hào,
Rung chuông thức tỉnh đồng bào ngủ mê.
Dạ chí sĩ không hề thay đổi,
Gan anh hùng sôi sổi mấy phen.
Cố công dìu dắt dân đen,
Tấm lòng khảng khái chẳng phiền hiểm nguy,
Thân chẳng ngại lưu li đất khách,
Ý không buồn xa cách vợ con Kính thay lòng dạ sắt son,
Những lời tâm huyết hãy còn đinh ninh.
Phưởng phất nhớ Đông Kinh Nghĩa Thục,
Cảm xúc lòng kính phục Đại nhơn.
Một đời tỉnh táo tinh thần,
Làm hết nghĩa vụ người dân sanh thời.
Khuyên đồng chủng học người Âu Mỹ,............... 17
Tô điểm lại non sông gấm vóc,
Truyền bá thêm văn học cao xa.
Lấy nước người sánh nước ta,
Nước người tấn bộ, nước ta thẹn thùng.
Xưa ta lắm anh hùng hào kiệt,
Tên còn ghi sử Việt Nam nhà,
Biết bao nguy hiểm phong ba,
Vì dân vì nước vì nhà quên thân.
Nay sao cứ vững chân nô lệ,
Phó mặc người hộ vệ cho ta................. 18
Ai ơi! ái chủng đừng quên
Dắt nhau kéo riết tới đền văn minh.
Lột bỏ hết thân danh nô lệ,
Cố kết dây đoàn thể kim thời,
Làm cho bền vững hơn nguời,
Ấy là việc gốc của người nước ta.
Đồng bào! Xin chớ bỏ qua.
Lao động Chu. V. Tân.
Sài Gòn.
(Đông Pháp thời báo 24-6-27).
Đặc biệt nhất là các thương gia ở Nam Việt chẳng những trọng tinh thần ái quốc của cụ mà còn mang ơn cụ đã “chỉ đường cho đi buôn bán tại các xứ xa xôi nữa”. Đoạn dưới đây trích trong bài Thương giới Việt Nam đối với lễ truy điệu Lương chí sĩ của ông Trần Chi Cổ, thương gia tại đường d’Espagne, Sài Gòn, là cũng đăng trong Đông Pháp thời báo ngày 24-6-27.
“(...) Ấy, đương trong vòng đày ải đó, không còn cách sanh kế gì nữa, cụ mới lập nhà buôn, ở Côn Nôn 19 buôn đồi mồi, các đồ vặt, về Cao Man lại buôn lụa, buôn các vật dụng, làm thuốc, thế là cụ đã mở đường cho nhiều người Việt Nam trước kia sợ Cao Man “ma thiêng nước độc” bây giờ cũng bắt chước sang buôn bán, sau này trở nên rất giàu có. Coi đó thì biết công của cụ không riêng ở phần gốc, mà có cả ở phần ngọn, không riêng ở chánh giới, mà có cả ở thương giới nữa.
Vậy trong nhà buôn ta, đối với Lương tiên sinh, không những kính mến cụ về lòng yêu nước thương nòi của cụ mà lại phải biết ơn cụ đã chỉ đường cho ta đi buôn bán tại các xứ xa xôi (...)”.
Sau cùng tác giả bài đó hô hào các bạn đồng nghiệp chẳng những dự buổi lễ truy điệu cụ mà còn “đồng tình đóng cửa bữa chủ nhật tới đây để tỏ lòng thương mến đau xót”.
Đối trướng rất nhiều, chúng tôi chỉ xin trích hai câu đối một Hán, một Nôm:
Khảng khái do tồn, mẫn thế khởi ưng tiên yếm thế,
Thám tức thử khí, bổ thiên vị liễu hoặc do thiên.
Nguyễn Hữu Tiến 20
đại ý là:
Lòng khẳng khái của cụ vẫn còn, cụ vốn lo cho đời mà sao vội lìa đời trước tôi.
Cụ ra đi, tôi than thở, công việc vá trời chưa xong có lẽ do mệnh trời chăng?
Năm ngoái khóc cụ Phan, năm nay khóc cụ Lương, non sông đẫm lệ
Chuyện cha ở đất Miên, chuyện con ở đất Thái, sử sách sinh hương.
Trần Đăng Huyên, Ngô văn Triện. 21
PHỤ LỤC III
MỘT GIỜ VỚI CỤ VÕ HOÀNH
Hồi đó tôi vào đây mới được hơn một năm. Nhờ một người anh họ giới thiệu, tôi lại thăm cụ Võ Hoành ở Sa Đéc, tối ngày mùng ba Tết Bính Tý (1936).
Cụ sinh năm 1867 (?), dòng dõi một thế gia ở làng Thịnh Liệt, tục gọi là làng Quang (Hà Đông), một làng cách Hà Nội mươi cây số và nổi tiếng về trái vải cùi dày, hột nhỏ, hồi xưa dùng để tiến vua.
Cụ thi một vài khoa, không đậu, rồi gia nhập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, đứng trong nhóm bạo động; lãnh việc cổ động cho hội là liên lạc với các đồng chí. Khi Nghĩa Thục bị đóng cửa, cụ cùng với cụ Nguyễn Quyền (cũng gọi là Huấn Quyền, vì có hồi làm Huấn đạo Lạng Sơn) và cụ Dương Bá Trạc bị Nam triều kết án chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo, sau được ân xá và an trí ở Nam Việt: cụ Nguyễn ở Bến Tre, cụ Dương ở Long Xuyên, cụ Võ ở Sa Đéc.
Chính quyền thực dân mới đầu còn bắt các cụ đúng kỳ hạn (nửa tháng hay một tháng) trình diện một lần, sau để các cụ được thong thả, chỉ khi nào muốn đi chơi ra khỏi tỉnh mới phải xin phép.
Người anh em con ông bác tôi, thi sĩ Việt Châu, kể chuyện có lần viên chánh tham biện Sa Đéc mời cụ lại đòi tòa bố hỏi cụ muốn xin gì không? Cụ đáp: “Không”. Lần khác lại ngỏ ý muốn trợ cấp cụ mỗi tháng mười đồng, cụ cũng từ chối.
Vì sự từ chối đó mà dân châu thành Sa Đéc đều kính nể cụ.
Một lần, một chú lính cảnh sát chắc ở nơi khác mới tới chưa biết cụ, gọi cụ lại xét giấy thuế thân.
Cụ nhìn chú ta, mỉm cười đáp:
- Chú lên mà hỏi quan Chánh tham biện, Chánh phủ mười mấy năm nay còn thiếu tôi nhiều tiền lắm. Mỗi tháng chánh phủ thiếu tôi mười đồng mà tôi không lấy, còn bắt tôi đóng thuế thân nữa ư?
Chú lính ngơ ngác không hiểu gì cả, nhưng thấy cử chỉ, ngôn ngữ của cụ ngang tàng, đành làm thinh. Có lẽ trong thời Pháp thuộc, chỉ một mình cụ là khỏi phải đóng thuế thân, mặc dầu không được miễn.
Hồi tôi lại thăm, cụ làm thuốc để sinh nhai. Không mở tiệm thuốc. Bệnh nhơn tới nhà cụ xin toa hoặc đón cụ tới nhà mình coi mạch. Họ đưa cụ bao nhiêu tiền xe thì cụ cho hết cả phu xe bấy nhiêu. Có kẻ may mắn chỉ kéo cho cụ một cuốc mà được năm cắc, một đồng. Vì vậy phu xe nào ở Sa Đéc cũng biết địa chỉ của cụ. Khách nơi xa tới, cứ bảo họ kéo lại nhà “cụ Cử” chẳng cần phải hỏi thăm gì cả. Như tôi đã nói, cụ không đỗ đạt, người Sa Đéc thấy cụ học giỏi mà trọng cụ, gọi cụ như vậy.
Làm thuốc theo cái kiểu cứu nhân độ thế đó, tất nhiên không khá được. Nhưng cụ sống cũng tương đối phong lưu, phong lưu theo lối nhà Nho, nhờ có hai cô con gái lớn bán tơ lụa Hà Đông ở chợ Sa Đéc. Tính cụ rất nghiêm khắc, chỉ muốn làm thông gia với bạn đồng chí, nên các cô tuy đã lớn tuổi vẫn ở vậy để hầu hạ cha.
Qua một cái cổng bằng gỗ, một khu vườn có nhiều chậu cảnh, anh em tôi bước vô một căn nhà ba gian, lợp ngói, vách ván, bày biện sơ sài.
Cụ thân mật tiếp chúng tôi. Năm đó cụ đã bảy mươi mà vẫn còn quắc thước, tóc chưa bạc, người gầy, mắt sáng. Hai cái đặc biệt nhất trong con người của cụ là giọng nói và cái lưng.
Giọng cụ sang sảng, vang và ấm, còn lưng cụ thẳng như một cây cột. Cụ không bao giờ khòm lưng và vẫn thường nói với các người thân:
- Chính vì cái lưng tôi nó không cong được nên tôi mới bị Hoàng Cao Khải nó sai lính quất tôi. Lính nó quất tôi thì tôi chửi lại nó, rồi nó cũng chẳng làm gì được tôi.
Cụ ngồi xếp bằng tròn trên một bộ ngựa, bên mặt án thư, hỏi tôi về tình hình ngoài Bắc, bà con ngoài đó rồi tới công việc làm ăn của tôi.
Tôi hỏi cụ:
- Thưa cụ, năm mới cụ đã khai bút chưa?
Cụ cười đáp:
- Bạn bè mỗi người mỗi nơi, thành thử mấy năm nay tôi cũng chẳng làm gì được bài thơ nào. Cậu muốn nghe thì để tôi đọc cho cậu một bài tôi làm cách đây sáu, bảy năm, hồi cụ Phương Sơn lại thăm tôi tại đây.
Rồi cụ đọc:
Ngao ngán lòng tôi tối lại mai
Lòng tôi, tôi biết giãi cùng ai?
Ngàn năm cố quốc hồn chưa tỉnh,
Hai chữ đồng tâm nét cũng sai!
Mài lệ chép thơ chơi nước mắt,
Coi tiền như mạng bỏ ngoài tai
Thôi thôi biết nói chi cho hết,
Càng nói càng thêm nỗi thở dài.
Tôi hỏi:
- Thưa cụ cụ Phương Sơn có họa lại không?
- Có.
- Xin cụ cho cháu nghe cả bài họa nữa.
- Không chắc tôi còn nhớ đủ...
Cụ suy nghĩ một lát rồi bảo:
- May quá, còn nhớ. Như vậy:
Khí phách thường như buổi sớm mai
Đường văn minh đó hẹp chi ai?
Đạp vòng trời đất, chân cho vững,
Vẽ mặt giang sơn, bút dám sai?
Cọp bắt tay không đừng nói khoác,
Rắn theo tàn thuốc cũng công tai.
Anh em giữ lấy niềm hòa hảo,
Nòi giống về sau phúc lộc dài.
Tôi lấy bút chép cả lại. Chí hướng của hai cụ hiện rõ trong thơ: cụ Võ đứng vào phe cụ Sào Nam, cụ Phương Sơn đứng vào phe cụ Tây Hồ. Hai bài làm vào khoảng 1929-1930, mà lúc đó cụ Sào Nam đã ở trong cái cảnh “trăng gió nhốt ba gian”, còn cụ Tây Hồ thì đã qui tiên. Ở cái chốn tha hương này, hai cụ đều mang một niềm u uất, đều tìm nguồn an ủi người trong dĩ vãng, người trong tương lai để có thể quên được hiện tại.
Cụ mời tôi uống trà rồi hỏi:
- À, cậu biết chữ Hán không nhỉ?
Thưa cụ cháu cũng đương học.
- Thế thì cậu chép nốt bài này nữa, rồi lúc nào nhàn dịch cho tôi nghe.
- Cụ dạy cháu xin vâng, nhưng cháu chỉ mới bập bẹ thôi ạ.
- Bài này dễ mà, của Tây Hương Long Thạnh, một nhà ái quốc Nhật Bản. Này, cậu chép nhé:
Đại thanh hô tửu hướng cao lâu,
Hùng khí dục thôn ngũ đại châu.
Nhất phiến đan tâm tam xích kiếm,
Huy hoàng tiên trảm nịnh thần đầu.
Tôi hiểu ý. Cụ muốn khuyên tôi đây. Cụ không muốn cho con cháu cụ, cả con cháu các đồng chí cụ nữa đừng làm việc cho Pháp, nhưng đã vì chén cơm mà phải làm thì ít nhất cũng phải giữ lấy tư cách.
Chép xong, ngồi hầu cụ một lát nữa rồi chúng tôi đứng dậy, xin cáo biệt. Cụ tiễn chúng tôi ra tới cổng, lấy lòng chí thành dặn tôi câu này mà tôi ghi tâm tới bây giờ:
- Này cậu, nhà mình là nhà Nho thanh bạch, cậu có tính lập gia đình thì cũng nên tìm chỗ nào thanh bạch ấy nhé.
Tôi gặp cụ lần đó là lần đầu. Chỉ vì tình đồng chí giữa cụ và các bác tôi mà cụ coi tôi như con cháu trong nhà, tấm lòng đó, chỉ nhà Nho mới có. Tôi cảm động. Những hàng sao bên bờ rạch Sa Đéc, đưa vút lên một nền trời lấp lánh. Phảng phất có hương nguyệt quế. Không hiểu sao tôi có cảm giác rằng những cây có hương đó, ảnh hưởng đó, mặc dầu ở trước mắt tôi mà đã thuộc về một thời cách xa tôi khá xa.
Chiều hôm sau, mới bước chân xuống ghe đậu tại Ngã Bảy (Phụng Hiệp), tôi chép ngay lại bài dịch gửi về hầu cụ. Dịch rằng:
Lớn tiếng lên lầu gọi “rượu đâu”?
Khí hùng muốn nuốt cả năm châu.
Lòng son một tấm, gươm ba thước,
Loang loáng vung lên, nịnh rớt đầu.
°
Lẩn sau tôi gặp cụ đúng vào một lúc loạn nhất của lịch sử: cuối trung tuần tháng chín dương lịch năm 1945. Cụ mới ở Sa Đéc lên Sài Gòn, tóc đã bạc nhiều, bước đã chậm, nhưng lưng vẫn thẳng như thân sao.
Cụ lúc ấy quá bận việc, một đoàn thanh niên bao vây cụ, tôi không dám làm mất thì giờ của cụ, nhưng đinh ninh sẽ trở lại thăm cụ. Chưa kịp lại thăm thì đã mỗi người một ngả.
Sáu năm sau tôi mới hay tin cụ đã quy tiên, hình như trong Đồng Tháp Mười, không rõ trong trường hợp nào.
Có người nói nghĩa quân không nghe lời cụ mà thất trận, cụ uất ức rồi sức già của cụ tiêu mòn lần vì năm đó chắc cụ đã tới bát tuần. Phải vậy chăng? Nếu phải thì chắc có người còn nhớ mộ cụ. Và mộ cụ ở đâu? Mà căn nhà của cụ ở Sa Đéc còn không? Tôi đã hỏi vài người ở Sa Đéc, không ai biết cả. Giặc Pháp khi tái chiếm Sa Đéc đã phá rồi chăng?
(Bài này đã đăng trên số Xuân Ất Mùi, nhật báo Mai, nay sửa lại).
SÁCH THAM KHẢO
- Ngục trung thư - Phan Bội Châu - Tân Việt 1950 - (Đào Trinh Nhất dịch).
- Phan Bội Châu. Thế Nguyên. Tân Việt 1950
- Phan Châu Trinh. Thế Nguyên. Tân Việt 1950.
- Huỳnh Thúc Kháng. Thế Nguyên. Tân Việt 1950.
- Phan Tây Hồ tiên sinh. Báo Tân Dân số 3. 1949.
- Dật sự Phan Sào Nam. Anh Minh.
- Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. n.t., Nam Hưng 1951.
- Những chí sĩ. n.t.. Tân Dân 1951.
- Cụ Huỳnh Thúc Kháng. n.t.. n.t.
- Tự phán Phan Bội Châu. Anh Minh, 1956.
- Thi tù tùng thoại. Huỳnh Thúc Kháng, Nam Cường 1951.
- Sào Nam văn tập. Thanh Thanh.
- Đông Kinh Nghĩa Thục. Đào Trinh Nhất, Mai Lĩnh 1938.
- Phong trào đại Đông du. Phương Hữu. Nam Việt 1950.
- Đề Thám. Huyền Quang. Á Châu 1951.
- Phan Bội Châu. Lưu Trần Thiện. Ngày Mai 1949.
- Bãi Sậy. Vân Hà. Á Châu 1951.
- Khởi nghĩa Thái Nguyên. Phương Hữu Nam Việt 1946.
- Phan hình Phùng. Đào Trinh Nhất, Tân Việt 1950.
- Lương Ngọc Quyến. Đào Trinh Nhất Tân Việt 1957.
- Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. Văn Hóa 1963.
- Nguyễn Quang Diện. Nguyễn văn Hầu, Xây dựng 1964.
--------------------------------
1 Tín Quốc Công tức Văn Thiên Tường là một nhà ái quốc đời Tống, chống với quân Minh xâm lăng, thất bại, bị giam, chịu chết chứ không đầu hàng. Ông có làm hai câu thơ:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh.
(Tự cổ làm người ai chẳng chết,
Lòng son lưu lại miếng tre xanh)
Hãn thanh là tre chảy mồ hôi. Hồi cổ, chưa có giấy, phải khắc chữ lên tre. Muốn cho tre mau khô, người ta đốt cho tre chảy bớt nước ra.
2 Tương truyền cháu nhà ái quốc (tức cháu cụ Nguyễn Thượng Hiền) tên là Nguyễn Thượng Huyền (BT).
3 Ý nói: vẻ tốt đẹp cõi Nam (Quảng Nam), khí thiêng liêng bể Đà (Đà Nẵng).
4 Tích con gái vua Viêm Đế chết chìm ở biển, hóa ra chim Tinh vệ ngậm đá ở núi Tây đề lấp biển Đông. Nghĩa bóng trỏ người căm trả thù.
5 Hai câu thơ trong bài Biệt Đổng Đài của Cao Thích, nghĩa là:
Đừng buồn lối trước không tri kỷ.
Thiên hạ ai người chẳng biết ông?
6 Thể hiện sức sống.
7 Bài Tế sống của cụ Huỳnh điếu cụ Phan (BT).
8 Hai câu trong sách Liệt Tử, lời của Chung Tử Kỳ nhận xét tiếng đàn của Du Bá Nha, nghĩa là:
Tiếng vút lên: chí hướng đặt vào nơi núi cao.
Tiếng cuồn cuộn: chí hướng đặt vào nơi nước chảy.
Nhận xét đó, Ba Nha khen là rất đúng và hai người từ đó thành cặp tri kỷ.
9 Cụ được người Nhật đưa qua đó để Pháp khỏi bắt cụ.
10 Như ở một chương trên tôi đã nói, cụ Tăng Bạt Hổ mất vì bệnh ở Huế, khoảng năm 1915.
11 Vì thời cuộc ra trễ mất một năm.
12 Nghĩ vậy, nên tôi đã chép lại trong tập này, nhiều bài thơ, nhiều câu đối của các cụ. Bỏ những bài thơ văn đó tức là làm mất một phần bản sắc của các cụ.
13 Năm tên đó là năm cụ đã bị Pháp kêu án chung thân khổ sai, tức: Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Võ Hoành và Hoàng Tăng Bí, nhưng cụ Hoàng nhờ nhạc gia can thiệp, được an trí ở Huế như độc giả đã biết.
14 Cụ bà húy là Lê thị Lễ, mất ngày 24-1927, hưởng thọ 75 tuổi. Vậy là cụ bà cùng tuổi với cụ ông.
15 Như chúng tôi đã nói cụ mất vì bệnh thời khí, nhưng chắc người trong nhà giấu, tuyên bố là vì bệnh già; rồi có kẻ “phi nhân loại” nào đó tố cáo như vậy.
16 Trong bài này cũng như trong mấy bài sau, chúng tôi đã sửa vài lỗi chánh tả.
17 Chắc là đã bị kiểm duyệt ba câu vì bỏ trắng khoảng ba hàng.
18 Chắc là đã bị kiểm duyệt một đoạn tám câu, vì bỏ trắng khoảng tám hàng.
19 Tác giả đã lầm: cụ không hề bị đày Côn Lôn. Ta nhận thấy cụ Lương quả có tinh thần mới, trọng thực tế, biết kinh doanh. Các cụ khác trong Nghĩa Thục bị an trí thì chỉ làm thuốc, dạy học hoặc làm ruộng, chứ không ai mở tiệm buôn như cụ. Ta nên nhớ nhà nho vốn “ức thương”.
20 Có lẽ là cụ Đông Châu, tác giả những cuốn Giai nhân di mặc, Luận ngữ quốc văn giải thích, Mạnh Tử quốc văn giải thích v.v... Cụ sanh năm 1874 mất năm 1941.
21 Có lẽ là Trúc Khê, tác giả những cuốn danh nhân truyện ký: Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi.
Đông Kinh Nghĩa Thục Đông Kinh Nghĩa Thục - Nguyễn Hiến Lê Đông Kinh Nghĩa Thục