Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2153 / 81
Cập nhật: 2015-07-15 04:08:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tựa
HONG TRÀO DUY TÂN
ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ,
Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành,
Gái trai nô nức học hành,
Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn.
(Ca dao)
Chúng ta thường tự hào là một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến. Bốn ngàn năm văn hiến và giá có gom lại hết những sách vở tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm trong bốn ngàn năm văn hiến đó rồi để riêng ra những tài liệu về các ông vua bà chúa - tức những tài liệu thường vô ích cho văn hóa - còn lại bao nhiêu, có chất lên một chiếc xe cam nhông, cũng không đầy! Dù có chất đầy muời chiếc xe đi nữa thì so với những tài liệu của Pháp cũng chẳng thấm vào đâu: chỉ riêng những tài liệu về thi sĩ Victor Hugo đã chật cả một viện bảo tàng, tức viện Victor Hugo ở Paris rồi. Mà người Pháp không có được bốn ngàn năm văn hiến như ta.
Chắc có độc giả trách tôi là tự ti mặc cảm, mà quá tôn sùng người. Trách tôi tôi xin nhận, nhưng làm sao tôi không tôn sùng người ta, khi người ta hơn mình xa quá đi. Vả lại, tự nhận là mình kém rồi cố theo cho kịp người, hơn người, còn có lợi hơn là tự cao tự đại mà chẳng chịu gắng sức để tiến tới.
Vâng, về phương diện văn hóa, ta đã kém xa Trung Hoa mà cũng thua xa cả Pháp. Hai ngàn rưỡi năm trước, Trung Hoa đã biết đặt ra một chức quan chuyên đi lượm những bài ca, bài hát trong dân gian, nhờ vậy họ mới có được một tập thi vào hàng cổ nhất thế giới. Tới thế kỷ 18, vua Càn Long cho chép lại hết các sách, lập thành bộ “Tứ khố toàn thư” 1, một công việc sưu tầm tài liệu không tiền trong lịch sử nhân loại.
Nước Pháp thì chẳng những nhà cầm quyền mà đến thường dân cũng biết trọng tài liệu. Trong cuộc cách mạng 1789, những anh thợ xay bột, những chú lính của họ, viết còn sai be bét mà cũng chịu ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, rồi chính phủ trân tàng tất cả những tài liệu đó. Nói chi tới những di bút của các danh nhân thì họ quý hơn vàng: trong Thư khố Quốc gia của Pháp, ta thấy cả những toa mua hàng, sổ chi tiêu của các văn hào, nhạc sĩ.
Còn ở nước mình, có được bao nhiêu nhà nho chép lại những tai biến cùng cảnh sinh hoạt trong thời Nguyễn, Trịnh xung đột, hoặc trong chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn? Mà thôi, hãy nói chuyện gần đây. Chúng ta có muốn chép tiểu sử của Nguyễn Khuyến hoặc Chu Mạnh Trinh để dạy học sinh ban Tú tài, cũng không biết tra cứu ở đâu, và nếu không tán hươu tán vượn thì may lắm về tiểu sử mỗi cụ, ta viết được độ một trang.
Đổ trọn lỗi cho tánh lười viết, không biết trọng tài liệu của cổ nhân thì cũng oan cho các cụ. Thực ta, còn nhiều nguyên nhân khác: nghề in thời xưa không phát triển, rồi cái nạn binh đao (thành Thăng Long biết mấy lần bị tàn phá), cái họa văn tự (hễ sơ ý một chút mà nói phạm tới nhà cầm quyền thì có thể bị tru di tam tộc; lại thêm triều đình chẳng khuyến khích những công việc sưu tầm khảo cứu; vua chúa đều chỉ thích mỗi một món thơ, kẻ làm thơ mà có tài điêu trùng khắc triện thì được thưởng, còn người cặm cụi tra khảo soạn sách thì cơ hồ không vị vua chúa nào ngó tới 2.
Cái tinh thần không biết trọng tài liệu, xưa như vậy mà nay cũng không hơn gì mấy. Các việc bác cổ và thư viện của mình ngày nay, mở ra cho có với đời vậy, chứ thực ra đã làm được những việc gì quan trọng cho văn hóa? Trong bài “Bàn về vấn đề dịch sách cổ của ta” tôi đã đề nghị một phương pháp làm việc tập thể để dịch ra Việt ngữ hết thảy những văn thơ cổ, bất kể về loại gì, để những người không biết chữ Hán có thể dùng những tài liệu đó mà nghiên cứu về văn hóa thời xưa. 3 Vấn đề đó, mười lăm năm trước, Vũ Ngọc Phan đã nghĩ tới, nhưng từ đó tới nay, những cơ quan Văn hóa của chính phủ đã làm được gì chưa? Mà có bao giờ người ta nghĩ tới cái việc thu thập tài liệu trong dân gian không? Chẳng hạn khi một danh nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bè bạn của người mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích cùng dật sự về vị ấy, rồi đem về giữ trong các thư khố làm tài liệu cho đời sau. Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lợi cho văn hóa biết bao. Có như vậy các người cầm bút mới có tài liệu để soạn sách, còn như bây giờ đây thì một nhà văn Việt viết tiểu sử Tản Đà còn khó hơn viết tiểu sử của Molière, của Shakespeare, của Tolstoi. Thực là ngược đời, nhưng rất dễ hiểu. Vì tra cứu ở đâu bây giờ để viết về đời sống của Tản Đà? Chỉ có cách đọc những báo mà cụ đã viết hoặc người khác viết về cụ. Nhưng chính những số báo đó, kiếm được cũng là thiên nan, vạn nan. Ngay những tạp chí có giá trị như Thanh Nghị, Tri Tân mà thư viện Nam Việt cũng không có đủ, và những nhật báo Việt xuất bản ở Sài gòn trước 1945 cũng thiếu nữa. Chắc nhiều độc giả không ngờ được nỗi khổ tâm đó của những người muốn khảo cứu về văn hóa nước nhà.
Muốn tránh những khó khăn ấy cho thế hệ mai sau, ai lưu tâm đến văn hóa cũng nên thu thập hết những tài liệu về mỗi phong trào chính trị, kinh tế hoặc văn chương ngay từ khi phong trào vừa tắt và như vậy, ta có thể có một khái niệm tổng quát về nó được.
°
Trong những năm 1949 - 1951, nhờ thời cơ thuận tiện, nhiều người đã chép lại lịch sử cách mạng của ta từ đầu thế kỷ tới cuộc đại chiến vừa rồi. Trước sau được khoảng hai chục cuốn, nhưng tiếc thay, không có cuốn nào nói rõ về phòng trào Duy tân đầu tiên do cụ Lương văn Can 4 làm chủ động năm 1907. Thành thử, tới bây giờ chúng ta chỉ mới có cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục của Đào Trinh Nhất (Mai Lĩnh xuất bản năm 1938), mà trong cuốn này có lẽ vì tị hiềm 5 Đào quân không nhắc gì tới cụ Lương cả, gần như chỉ chuyên kể tiểu sử của cụ Nguyễn Quyền, một viên học giám, chứ không phải là thục trưởng của Nghĩa thục như hiểu người tưởng lầm 6.
Tôi may mắn được vào hàng con cháu một vị lão nho đã hoạt động cho Nghĩa thục, thường được nghe cụ kể lịch sử của Nghĩa thục nên được biết cuốn của Đào quân có nhiều chỗ sơ sót và mười sáu, mười bảy năm trước, tôi đã có ý đợi cuốn của Đào quân bán hết, sẽ viết một cuốn khác để bổ túc, song thời đó, sự “kỵ húy” còn quá nghiêm, có viết xong, xuất bản cũng khó, nên mãi đến ngày nay mới thực hành được ý muốn.
Tôi xin thưa ngay, cuốn sách nhỏ độc giả đương đọc đây không phải là một cuốn lịch sử, nó chỉ chứa những tài liệu về sử thôi. Tôi chưa dám chắc rằng những tài liệu tôi đưa ra đã đúng hết, vì ba lẽ:
Lẽ thứ nhất, cụ lão nho 7 đã kể chuyện Nghĩa thục cho tôi nghe là người trong cuộc - chính cụ dạy học và soạn sách cho trường, lại là con rể cụ Lương - nên sự nhận xét, phán đoán dù có công tâm tới mấy, cũng không sao tránh được đôi chỗ thiên lệch.
Lẽ thứ nhì là những việc cụ cho tôi biết đều do ký ức mà kể lại chứ không được ghi chép ngay từ khi mới xảy ra. Cụ rất cường ký nhưng dù nhớ dai tới đâu thì cũng phải quên nhiều chi tiết, nhất là những chi tiết về thời gian của những việc đã qua trên bốn chục năm rồi.
Lẽ thứ ba là tôi đã rán kiểm soát những lời của cụ, song chỉ kiểm soát được một phần nào thôi. Trong công việc kiểm soát ấy tôi dùng cuốn Ngục trung thư của cụ Phao Bội Châu (Đào Tính Nhất dịch và Tân Việt xuất bản năm 1950) làm căn bản vì tôi nghĩ những tài liệu trong cuốn đó có phần đúng hơn cả. Trước hết, cụ Phan rất thông minh và nhũn nhặn, tất nhớ nhiều và trọng sự thực, khi viết cuốn đó năm 1913, cụ mới 46 tuổi 8, tinh thần còn cường tráng, lại thêm, cụ chép những việc mới xảy ra mười năm trước (từ 1903)
thì tất phải ít sai 9.
Ngoài ra, tôi còn tham khảo nhiều sách khác của cụ Huỳnh Thúc Kháng, và các tác giả Thế Nguyên, Phương Hữu, Anh Minh... (coi bản kê tên ở cuối sách), song những tài liệu trong các cuốn đó nhiều khi mâu thuẫn nhau, và đáng tin hơn cả chỉ có cuối Thi tù tùng thoại của cụ Huynh Thúc Kháng và những cuốn của ông Anh Minh viết theo di cảo của cụ Phan Bội Châu.
Chủ ý của tôi là chép về Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng tôi nghĩ không thể tách riêng phong trào duy tân đó ra được mà phải đặt vào phong trào cách mạng của dân tộc trong 25 năm đầu thế kỷ, nên tôi đã ghi thêm - nhưng chỉ vắn tắt thôi - những vận động cách mạng trước và sau Đông Kinh Nghĩa Thục để độc giả hiểu rõ nguồn gốc và ảnh hưởng của nó.
Ba nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử cách mạng hồi đầu thế kỷ là cụ Lương văn Can (cụ cao niên hơn cả) cụ Phan Bội Châu và cụ Phai Châu Trinh, nhưng sở dĩ tôi chép tiểu sử cụ Lương nhiều hơn của hai cụ Phan chỉ vì tiểu sử của hai cụ này trong nước không ai không biết, còn đời sống cụ Lương thì chưa sách vào nhắc tới.
Lại có nhiều nhân vật phụ mà tôi chép lại dật sự cũng kỹ càng. 10 Như vậy có hai lỗi, một là mang tiếng thiên lệch, hai là làm mất tính cách nhất trí của sách, song tôi nghĩ đã không có ý viết một cuốn sử, chỉ có ghi chép tài liệu thì tôi có thể - mà cũng nên - ghi càng nhiều càng tốt, biết đâu ghi đấy, nhất là những tài liệu chưa ai nhắc tới mà có tính cách làm vui câu chuyện, lại giúp độc giả rõ thêm tâm trạng cùng cách làm việc của các cụ thời đó. Dám mong độc giả hiểu cho chỗ ấy mà lượng thứ.
Sài gòn ngày 9 tháng 9 năm 1955
TỰA
(IN LẦN THỨ NHÌ)
Các ông bạn tôi đi xa về đều nói: “Có ra nước ngoài mới thấy dân tộc mình về sự thông minh, nhanh nhẹn, kiên nhẫn, không kém một dân tộc nào khác. Đừng nói Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân, đến ngay như Trung Hoa, Nhật Bản, Gia Nã Đại, Huê Kỳ... cũng không hơn mình được”.
Những nhận xét đó thường có tính cách chủ quan và hấp tấp, chỉ đáng tự một phần nào thôi. Nhưng ôn lại lịch sử của tổ tiên thì nhiều khi chúng ta cũng đáng tự hào về nòi giống của mình lắm. Những vũ công oanh liệt phá Nguyên, diệt Thanh thì ai cũng biết cả rồi, chúng tôi không muốn nhắc lại, hôm nay chỉ xin so sánh công cuộc duy tân của ta với công cuộc của Trung Quốc.
Nước ta chỉ nhỏ bằng một tỉnh của Trung Hoa, dân số của ta chỉ bằng một phần hai mươi hay một phần ba mươi của họ, ta lại ở trong một hoàn cành khó khăn hơn họ nhiều - ta hoàn toàn mất chủ quyền, chỉ là một bán thuộc địa - vậy mà cuộc vận động duy tân của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục oanh liệt và có ảnh hưởng không kém gì cuộc duy tân của nhóm Khang, Lương thời cuối triều Mãn Thanh.
Phong trào của ta phát động sau họ khoảng mươi năm - họ năm 1898, ta năm 1907 - nhưng như vậy không nhất định có nghĩa rằng ta giác ngộ sau họ; có thể là vì cho tới cuối thế kỷ trước, các nhà ái quốc của ta vẫn chua chịu bỏ khí giới, và nhất quyết sống mái với quân xâm lăng; tới đầu thế kỷ này thấy con đuờng xả thân đó khó thành công được, mới chuyển hướng qua một đường lối khác, mở mang dân trí, bồi dưỡng dân khí, tức con đường duy tân.
Vì phát động sau Trung Hoa tất nhiên chúng ta rút được kinh nghiệm của họ, chịu ảnh hưởng ít nhiều của họ - những sách báo của Khang, Lương, các cụ trong Đông Kinh Nghĩa Thục đều có đọc cả - nhưng chúng ta vẫn có những hoàn cảnh riêng, một chủ truơng riêng.
Khang, Lương còn cầu hợp tác với triều đình Mãn Thanh - vua Quang Tự; các cụ trong Nghĩa Thục không chịu hợp tác với nhà Nguyễn, cơ hồ như không biết đến triều đình Huế nữa - các cụ Sào Nam, Tây Hồ, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng... đều chửi thẳng vào mặt bọn vua quan “phường chèo” ở Huế - và tuy phải sống dưới chế độ dã man của thực dân, các cụ cũng không khi nào hợp tác với thực dân, giữ một thái độ bất khuất, làm cho chính thực dân cũng phải kính nể.
Khang, Lương hô hào bãi bỏ khoa cử, bỏ lối văn tám vế trong các kỳ thi thôi, nhưng vẫn giữ cổ văn, và mãi đến năm 1917, bọn Hồ Thích, Trần Độc Tú mới đề nghị dùng bạch thoại; các cụ trong Nghĩa Thục ngay từ 1907 đã đề cao “quốc ngữ”, dùng nó làm phuơng tiện khai hóa quốc dân, dịch sách ra quốc ngữ, làm thơ cảnh tỉnh đồng bào bằng quốc ngữ. Ta cứ nghĩ hiện nay sống sau các cụ sáu chục năm 11 mà một bọn giáo sư Đại học của ta còn nghi ngờ khả năng của Việt ngữ, ngăn cản bằng mọi sự phát triển của nó thì ta sẽ phải khâm phục các cụ sáng suốt, nhiệt tâm yêu nuớc ra sao. Người ta thường nhắc những câu bất hủ của Nguyễn văn Vĩnh: “Tiếng nước ta còn thì nước ta còn”, hoặc của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn thì nước ta còn”, nhưng ít ai nhớ rằng hai ông đó chỉ lập lại chủ trương từ mươi lăm hai mươi năm trước của các cụ trong Nghĩa Thục.
Khang, Lương đề cao khoa học, cái học thực dụng của phương Tây, nhưng cả nhóm Khang, Luơng không có một người nào đứng ra lo việc kiih doanh, như mở xưởng dệt, mở tiệm buôn, khẩn ruộng, khai mỏ, hô hào dùng đồ nội hóa...như các cụ trong Nghĩa Thục. Khang, Lương chỉ lý thuyết, các cụ mới thực hành.
Nhóm Khang, Lương có khi đi quá xa, chẳng hạn Khang Hữu Vi đề nghị sự phân biệt quốc gia, nhân biệt trai gái, phân biệt sản nghiệp..., còn Đàm Tự Đồng có hồi muốn phá tung cái lưới luân thường, các cụ trong Nghĩa Thục không cuồng nhiệt như vậy, chủ trương hấp thụ tân học, nhưng vẫn phát huy cổ học.
Từ đây phải nhận cho tinh,
Học Tây học Hán có rành mới hay.
Học đủ cả, nhưng phải cho rành, để phục vụ quốc gia cho đắc lực, vẫn trọng luân thường, vẫn phân biệt trai gái, nhưng nhận rằng gái bình đẳng với trai và cũng có nhiệm vụ với xã hội, nhân quần như trai.
Xét về đức hy sinh thì nhóm Khang, Lương có lục quân tử 12, còn chúng ta có hàng chục cụ bị đày ra Côn Đảo, và hằng chục cụ khác bôn ba hải ngoại để rồi lén chở khí giới về nước mà chiến đấu với quân xâm lăng cho tới chết.
Về ảnh hướng của phong trào thì chúng ta có thể tin rằng khắp thế giới, không có cuộc vận động nào trong những hoàn cảnh khó khăn mà chỉ có mấy tháng lan tràn khắp trong nước, thành đề tài cho biết bao bài ca ái quốc được dân thuộc lòng như công cuộc duy tân của Nghĩa Thục.
Như vậy các cụ trong Nghĩa Thục có kém gì bọn Khang, Lương đâu, dân tộc chúng ta có kém gì dân tộc Trung Hoa đâu. Tôi thấy rằng các cụ còn có phần sáng suốt, có nhiều lương tri hơn các nhà cách mạng của họ nữa, mà dân tộc ta có tinh thần đoàn kết, tiến bộ hơn họ nữa: các cụ khuyên dân cắt búi tóc, dân thấy phải nghe liền, còn dân tộc Trung Hoa cả chục năm sau Cách mạng Tân Hợi vẫn còn giữ cái đuôi sam.
Điều đó làm cho tôi phấn khởi vô cùng. Mỗi lần ôn lại lịch sử là mỗi lần vững thêm được niềm tin. Chiến tranh bi thảm hiện nay mà kết thúc, chủ quyên mà đòi lại được hết, mọi người mà có tinh thần tự lập, hạng trí thức mà biết noi gương các cụ trong Nghĩa Thục, hết lòng dắt díu khai hóa đồng bào, thì không có lý gì tương lai của chúng ta không rực rỡ vào bậc nhất nhì ở Đông Á.
Nhân đến kỳ đệ lục thập chu niên của Đông Kinh Nghĩa Thục chúng tôi sửa chữa kỹ lưỡng cuốn này, thêm khá nhiều tài liệu để gây lại niềm tự trong lòng độc giả, nhất là thanh niên, diệt cái tâm trạng hoang mang nó làm suy nhụt chí khí của dân tộc. Hoàn cảnh, phương tiện của ta lúc này đều hơn các cụ hồi xưa. Chúng ta chỉ thiếu sự đồng tâm và lòng hy sinh thôi. Mà những đức này chỉ có thể tìm lại được bằng sự tự giác, bằng cách ôn lại hành động của cổ nhân.
Chúng tôi tự biết tài liệu còn thiếu nhiều lắm, cho nên dám mong độc giả mọi nơi hễ biết thêm được tài liệu nào, nghe thêm được một chuyện nào liên quan tới Đông Kinh Nghĩa Thục, thì xin vui lòng chỉ bảo cho, để chúng tôi bổ túc thêm vì công việc phát huy văn hóa dân tộc phải tiếp tục hoài không lúc nào ngừng được.
Sài gòn ngày 23-2-1967
(Thượng nguyên năm Đinh Mùi)
Đông Kinh Nghĩa Thục Đông Kinh Nghĩa Thục - Nguyễn Hiến Lê Đông Kinh Nghĩa Thục