Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2353 / 63
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
ột buổi chiều như những buổi chiều, tôi ra bến đò để đón tin vui. Thì tin vui đến thật. Một người đã đưa tôi một lá thơ của em gái tôi.
Anh Hai,
Chị Hai đã sanh con gái. Mẹ tròn con vuông. Má đặt tên cho cháu là Mỹ Hạnh. Chờ chị Hai cứng cát em sẽ đưa chị và cháu sang thăm anh.
Em..
Tôi nghe như cả đất trời quay vun vút, tôi không đứng vững. Tôi đã có con. Tôi đã làm cha! Dòng họ tôi được nối tiếp. Tía má tôi có cháu. Tôi phải tìm ngay một người để chia sớt niềm vui. Người đó không ai khác hơn là Tư Mô.
Chiều hôm đó Tư Mô câu được nhiều cá. Chúng tôi về nhà Ba Dành nơi tôi đã ở để làm tiệc. Nhà cửa từ ngày vợ chồng tôi ra đi đã trở thành hoang tàn. Chị Ba chứa củi, nuôi gà và giã gạo xay lúa trong đó. Chúng tôi tìm vỏ dừa đốt than nướng cá. Đám con Ba Dành, học trò cũ của vợ tôi mừng ríu rít, tưởng thím Hai trở lại dạy học.
Ba Dành bắt con gà giò và sai con đi mua rượu để mừng chú Hai có con. Đêm đó tôi và Tư Mô tâm sự rất dài về gia đình. Chính tôi định đặt tên con tôi là Dung và tôi nhờ anh viết chữ nho để gởi về cho em gái tôi thêu trên áo con. Nhưng má tôi đã đặt cho nó là Hạnh. (Năm 1992 Mỹ Hạnh đã đỗ Cử Nhân Khoa Học – BS). Nếu tôi không cương quyết đá Bác Đảng thì tôi vẫn phải ở rừng để chiều chiều coi khỉ cái là những mỹ nhân. Tư Mô nói với tôi một câu để đời:
- Từ nay viết truyện chú sẽ mô tả vấn đề vợ con chính xác và sâu sắc hơn.
Từ đó tôi không ngớt nghĩ cách bỏ Đảng Bác mà đi, miễn sao gia đình tôi toàn vẹn. Mười cái Đảng và chục “thằng Bác” tôi cũng bỏ.
Bình Định xong Cù Lao Minh, quân Sài Gòn phóng mũi lao sang Cù Lao Bảo. Bên này đất hẹp người đông vì cán bộ dồn cục tới đây tìm sinh lộ. Tỉnh Ủy biến mất cùng với các cháu gái đánh máy và giao liên. Xã Phước Long có một khu rừng lá rộng lớn mà chúng tôi đặt tên là “Đám Lá Tối Mò”. Trước đây bị đuổi ở Tân Hào thì chúng tôi chạy dồn lên đây. Nhưng bây giờ nó không còn là nơi an toàn nữa. B52 đã thả bom bốn lần.
Tôi và Tư Mô cũng phải tính kế thoát thân. Toàn khu Giải Phóng của tỉnh Bến Tre bây giờ chỉ còn lại một lỏm đất trống ở xã Thành Phong. Đó là phần đất cuối cùng của Cù Lao Minh giáp với biển Đông. Nơi đây được Hà Nội dùng làm bãi đổ vũ khí của quân Bắc Việt.
Chúng tôi tự động đi tìm trạm giao liên. Mỗi chuyến xuồng đuôi tôm chở được từ tám đến mười người, nhưng phải có giấy giới thiệu của Tỉnh Ủy, bởi vì Thạnh Phong đã trở thành “thánh địa” của Tỉnh Ủy. Không phải ai muốn đến cũng được. Nhưng giao liên đi một ngày nghỉ hai ba ngày và còn tùy thuộc tình hình. Vì vậy nên cán bộ ứ đọng nằm lềnh khênh trong vườn ổi dọc bờ sông Hàm Luông chờ chuyến, chờ chụp, chờ chết.
Chúng tôi đành năn nỉ. Tuy là công tác dưới quyền Tỉnh Ủy nhưng đất nước này là xứ sở chúng tôi, chỗ nào mà chúng tôi không từng đi qua hồi chín năm? Cho nên chúng tôi đi không cần phải có liên lạc. Chỉ cần chiếc xuồng con là chúng tôi đi Thạnh Phú được thôi. Chỉ sợ ba cái hô-bo trên sông Hàm Luông. Chúng chạy như bay trên mặt nước. Khi chúng thấy thì không lủi kịp. Chỉ bị bắt thôi.
Chúng tôi đã xuống nước tận cùng nhưng liên lạc nhất định giữ vững nguyên tắc. Thời may có Trưởng Ty Công An là bạn học trường quận cũ với tôi ở đâu lơn tơn đi tới. Nó đang làm thường vụ Tỉnh Ủy nữa, không biết sao nó chưa vô Trung ương mà Mười Kỹ – Nguyễn Xuân Kỹ- lại được vào, nó nói với giao liên:
- Hai ông này là người của R. Cho ổng xuống căn cứ đí! Tôi chịu trách nhiệm.
Thế là hai ông cán R được hân hạnh xuống xuồng xuôi Thạnh Phú. Cùng đi với tôi có bà cô họ của tôi làm Chi Ủy ở Minh Đức. Bả đi tập huấn dưới tỉnh. Tuy là cô nhưng bả chỉ bằng tuổi tôi. Hồi 45 cách mạng đứng lên, bả cũng chỉ huy thiếu nhi như tôi thôi. Bây giờ bả vô Tỉnh Ủy nhưng bả không dám ra lệnh như thằng Trường Ty Công An.
Xuống xuồng chạy đuôi tôm trên sông cái mênh mông,anh Tư Mô rỉ tai tôi, ảnh nói. tiếng Pháp vì sợ họ biết.
- Non acte de violence nghe chú Hai!
Ý của ảnh là nếu bị hô-bo đuổi kịp bắt sống thì ríu ríu nghe theo chớ không có chống cự. Ảnh đã dặn tôi từ trên bờ nhưng xuống ghe còn dặn lại cho chắc.
Hai anh em đã từng đi trên R về tới đây, qua sông Cửu Long mấy lượt qua lộ Đông Dương mấy lần sanh tử có nhau. Tưởng về tới xứ là khỏe, ai dè lại vượt Cửu Long lần nữa. Mà lần này đi “đò dọc” nghĩa là đi trên sông một khoảng dài chừng mười cây số chớ không phải chỉ băng vọt qua là xong đâu. Cái đoạn đường thủy mười cây số này có nhiều “yếu tố”, đụng hô-bo hơn những khúc trên miệt Mỹ Tho.
Tôi cũng run gân lắm nhưng làm bộ tỉnh táo lấy mấy trái ổi ra nhai nhóp nhép. Anh Tư khều khều tôi bảo cởi cây K54 ra đút dưới sạp xuồng. Tôi chỉ cởi ra rồi ngồi lên thôi vì cái xuồng bể, nước vô óc ách, đút xuống đó ướt hết. Thực ra tôi không nghĩ là tôi dám bắn trả một phát nào trước họng súng lính Mỹ trên ho-bo. Ngồi lên súng là một
cử chỉ sẵn sàng giơ tay hoặc nhảy xuống sông lặn thôi. Từ 1948-49 gì đó, tôi đã làm phóng viên chiến trường nhưng cũng chưa bắn phát nào.
May mắn thay con đường đi “xuống căn cứ địa” hoàn toàn mỹ mãn. Lên đến trạm an toàn, hai anh em mừng húm, tưởng như tới Tây Phương. Vừa bước chân lên bãi đất cát êm ái thì đụng đầu một thằng mang K54 đòi xét giấy. Tư Mô né ngang. Còn tôi trờ tới, hỏi ngược lại hắn ta:
- Đồng chí là ai? Tôi phải coi giấy đồng chí trước rồi tôi mới đưa giấy của tôi cho đồng chí coi!
Bỗng hắn ta kêu lên:
- Mày là thằng…
Tôi cũng nói lại:
- Mày là thằng… à…
Thì ra hắn ta là thằng “Tòng địa” bí thư Huyện Ủy Thạnh Phú kiêm Tỉnh Ủy Viên, bạn học cùng Trại Thanh Niên Cứu Quốc tỉnh hồi trước. Nó coi anh Tư Mô như đàn anh nên khỏi giới thiệu. Xa nhau trên hai mươi năm mà vẫn còn nhận ra nhau. Gặp thằng thổ địa này thì đỡ nấu cơm và không phải lo hầm trốn nữa. Cứ nắm đầu nó thôi.
Nó lấy đuôi tôm chở tôi và Tư Mô vô căn cứ của nó, chớ không phải của Huyện Ủy. Vì mỗi thằng ở một hang, không ở chung, sợ bị chết chùm, tuốt trong một xóm lá rậm ri. Ăn nhậu xong, nó mới nói về tình hình.
- Các cha xuống đây là cái rọ. Cuộc sống chỉ tính từng ngày.
Tư Mô bảo.
- Được ngày nào hay ngày nấy!
- Tụi nó sắp lấy Hương Mỹ làm tỉnh lỵ cho một tỉnh mới là Kiến Tân.
Tôi cười ha hả:
- Rồi mình ở đâu?
Tư Mô mỉa mai:
- Ra biển.
- Hồi đó tới giờ mày có lái đầu xe lửa nữa không?
- Xe lửa gì? Chạy sút trứng non trứng già đây, xe đâu mà chạy?
Tôi nhắc lại chuyện xưa, lúc khóa học “Chiến Thắng” của Thanh Niên Cứu Quốc Tỉnh bế mạc, đốt lửa trại liên hoan thì hắn, do cái thân mập lù, được cắt giữ vai lái xe lửa, tức là làm bộ chạy xình xích bằng miệng trong lúc chúng tôi đồng thanh “hợp xướng” ba tên trùm Phát Xít là Ribbentrop (khi xe vừa khởi đầu), Von Papen (khi xe chạy nhanh), Hess (khi xe dừng lại).
Bây giờ hắn cũng còn mập như xưa, chỉ già đi thôi. Hắn đổi tên là Ba Thơ. Hắn cũng không hỏi chúng tôi tới đây làm gì. Vì hắn thừa biết lúc này quân Bình Định đang rải đều ở An Định Thành Thới để chiếm đất và chiêu an bà con. Tư Mô buột miệng hỏi Ba Thơ,
- Tết nhất rồi, tính sao chú Ba?
Hắn nói:
- Ông bà chạy mất hết có ở nhà đâu mà ăn Tết?
Một lúc sau, Tư Mô mới nói cho biết tôi là dân Mùa Thu. Hắn không tỏ vẻ mừng rỡ gì hết ráo. Mùa Thu hay mùa Đông gì cũng chạy vắt giò lên cổ thôi.
Ba Thơ bảo:
- Sáng mai nếu tình hình êm tôi sẽ dắt các cha đi ăn Tết chực.
- Sao lại không? Nhưng tội nghiệp ông bà mình. Con cháu không có ở nhà để cúng kiến.
Tôi tính đến năm nay là hai mươi năm tôi không có quét mộ ông bà và không gặp mặt tía má tôi. Tôi cũng buồn não lòng nhưng làm bộ:
- Thôi bỏ qua mấy chuyện đó đi anh Tư. Ở Sài Gòn ăn nhậu đã đời lại còn mò ra rừng mần chi.
- Hổng biết sao hồi đó tôi lại nhẹ dạ vậy, thằng bạn quèo cái là đi liền, lại còn giấu vợ con!
Sáng hôm sau, chúng tôi ăn cơm sớm. Đó là thói quen của dân cán xứ Đồng Khởi, vì nếu quân Sài Gòn tấn công thì hừng đông đã có pháo dọn bãi. Nếu không bỏ bụng ba hột thì làm sao chạy đua nổi với trực thăng? Lại nghe tin là Sư Đoàn 9 đang nghỉ quân ở Kiến Hòa, Tư Lệnh của Sư Đoàn này là Tướng Trần Bá Di con của ông Trần Bá Vạn là thầy của tôi ở Collège Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho, thì nó xuống đây không quá hai mươi phút.
Tôi hỏi Ba Thơ:
- Tết, không lẽ nó không “tha Tào” một phen?
- Có lệnh ngưng chiến 24 tiếng mà không bảo đảm ăn Tết một ngày sao ông Bí?
- Lệnh thì lệnh nhưng ba thằng du kích bắn bậy ai mà la cho nổi. Hồi năm ngoái năm kia gì đó, cũng chiều 30 Tết, tụi Sài Gòn đang chụp ở đây, sửa soạn rút về để cho mình ăn Tết. Rút gần hết, một thằng du kích bắn vét đuôi. Nó bèn quay lại cả bầy nó trả hỏa cho một giờ. Xong nhảy xuống đóng luôn không rút nữa. Bà con năm đó đâu có ăn Tết ăn nhứt gì. Tao vái trời năm nay không có thằng nào khùng như vậy nữa.
- Nó có đóng ở đâu đây à?
- Nó đóng trụ trên An Nhơn kia cà cha! Tao đang nhang đèn vái nó rút đi cho sớm sớm để mình còn ăn Tết.
May quá, không có việc gì xảy ra. Ba Thơ dắt chúng tôi đi đến nhà một cốt cán, tên là Tư Cua. Anh chị Tư Cua sở dĩ mang tên này vì anh chị buôn cua biển với tư cách gần như đại lý cho cả vùng này vì những người khác hoặc làm cán bộ hoặc có dính líu với Việt Cộng nên không dám thò mặt ra chợ quốc gia. Ngoài ra anh chị lại có cái tiệm bán tạp hóa. Anh Tư Cua là cán bộ của Ba Thơ. Anh chị vui vẻ nấu cơm mời khách. Chỉ đơn sơ rau mắm và khô cá thu. Đây là vùng biển nên thức ăn như thế này chỉ gọi là đạm bạc. Sự thực ở trên rừng đây là một bữa cỗ.
Chúng tôi chén xong thì nằm chỏng cẳng tán gẫu, mặc dù tình hình không ổn. Nếu cái chốt An Nhơn đánh tỏa xuống đây, trong vài phút thì tới. Chúng tôi chỉ đủ thời giờ để chạy tụt vô rừng ở ngay sau hè. Ở đây rừng khắp nơi nên “địa thế chạy trốn” rất thuận lợi, chưa ở đâu hơn ở đây. Chỉ có một điều bất lợi là không có hầm. Rừng đước ngập nước không đắp hầm được. Nếu có trực thăng bắn thì vui lòng né tránh (!!) may nhờ rủi chịu. Bạn cũng nên nhớ cho rằng trong một phút cà nông 20 ly trực thăng phóng xuống mặt đất tới sáu ngàn viên đạn và mỗi viên cách nhau chừng vài phân, nghĩa là không đủ kẽ hở cho một thân người. Liệu mà né cách nào thì né!
Nhưng cũng may sao du kích không chọc bậy nên cái chốt kia nằm im. Ba Thơ dặn Tư Cua lo lắng cho hai đứa tôi rồi quảy ba lô đi công tác. Đến chiều Ba Thơ trở lại bảo:
- Tết này chắc êm. Các cha ở đây ăn Tết với tụi tôi!
Rồi dắt tôi và Tư Mô đi dạo cảnh. Nếu tôi không lầm thì toàn tỉnh Bến Tre quê hương Đồng Khởi lúc bấy giờ chỉ còn có xã Thạnh Phong là giải phóng nhưng đang chuẩn bị “rước bọn ngụy về Bình Định” bởi vì chẳng còn nơi nào để quân Bình Định làm việc nữa cả. Đàn bà đi chợ về cũng xám xịt với nhau rằng ở trên Kiến Hòa lính sẵn sàng hành quân, dây chì gai và trụ cọc, bao xi măng đã chất đống ở bến tàu để đưa xuống đây xây đồn bót. Cho nên buổi dạo cảnh của chúng tôi cũng có nghĩa là mắt dáo dác, chân bỏ vó hùm sẵn sàng phóng vô rừng.
Tư Mô đã từng than với tôi khi vừa đặt chân xuống vùng biển này một câu bất hủ:
- Ước gì mình có được một mảnh đất không có chụp dù để đi bộ và để nghỉ ngơi! Tôi không đòi gì hơn. Đây là mảnh đất lý tưởng nhất nhưng nó có giới hạn, một bên là sông Cổ Chiên một bên là sông Hàm Luông dày đặc những hô-bo, trên đầu thì diều ó, còn chúng tôi là gà con. Nhưng đi thì đi, dạo qua cảnh củ cho đỡ buồn. Thoạt tiên Ba Thơ đưa ra bãi biển và trỏ cái xác tàu tô hô nằm giữa cát lấp đến nửa thân.
- Tàu gì vậy?
Tôi nhìn Ba Thơ như hỏi. Ba Thơ nháy tôi. Tôi thấu cáy:
- Tàu chở đạn ngoài Bắc vô chớ gì! Mày tưởng tao điên à?
Ba Thơ cười trừ:
- Biết rồi thì thôi. Đại khái là vậy đó, còn hỏi làm gì?
- Nghĩa là sao? Tôi không hiểu gì hết!
Tư Mô làm bộ ngây thơ.
- Tàu chưa cặp bến thì trực thăng tới bắn tanh bành rồi phóng lửa xuống đốt tàu luôn. Ở trên bảo tụi tao phải thủ tiêu cái xác tàu để chạy án, nhưng tụi tao đã đánh mấy trái mìn mà nó còn ỳ như thế đó. Thôi đừng có hỏi nữa.
Ba Thơ dắt tụi tôi đi trên con đường cát dưới những ngọn đồi. Miểng cà nông của hạm đội Bảy bắn lên nằm lẩn trong gốc cây, bên vệ đường. Có cái giống như vỏ chuối già. Ba Thơ bảo:
- Tụi nó bắn không có giờ giấc gì hết. Uống bia xong, là tụi nó giật cò bắn tưới như đốt pháo vui chơi.
- Rồi mình làm sao?
- Hầm sẵn kia. Chui chớ còn sao nữa! Nếu trái đầu nổ mà mình còn sống thì có hầm chui. Hầm ở khắp nơi mà. Cứ vài trăm thước có cái hầm to, vài chục thước có hố cá nhân. Nhà cũng là hầm. Nửa nhà nửa hầm hoặc cả nhà là một cái hầm, gọi là nhà hầm.
- Rồi làm sao mần ăn?
- Ra ruộng dưa cũng “vác hầm theo” chớ sao hà hà… Các cha có “vác” nổi không, tôi cho mỗi cha một cái?
Ba Thơ dắt tôi và Tư Mô đi một chập thì dừng lại bảo:
- Đây là trại huấn luyện tao với mày học cách đây hai mươi năm. “Khóa 3: Chiến Thắng”!
Câu nói làm tôi giật mình. Tôi nghe như có một sợi thần kinh nào cháy lên trong đầu. Đây là trại huấn luyện Thanh
Niên Cứu Quốc tỉnh sao? Thời gian quả là bàn tay tàn phá vĩ đại. Tự nhiên nước mắt tôi tuôn trào.
“Cảnh đây người đây luống đoạn trường”.
Tôi ra đi “theo cái cuộc cách mạng” từ đây, thuở còn thiếu nhi. Rồi rời tỉnh, lên Tháp Mười xuống Miền Tây, lên Miền Đông, ra Bắc, lội Trường Sơn rồi trở về đây. Hai mươi năm như một cái nháy mắt không khác một giấc mơ. Thằng bé ngày xưa bây giờ đã đến tuổi sồn sồn, trên đầu đã có dăm ba sợi bạc. Tôi phóng mắt nhìn quanh không thấy gì ngoài những đụn cát vàng và ven rừng nâu, những vệt mây và một mảnh Thái Bình Dương man mác.
- Mày có gặp mấy thằng cũ ở đây không?
- Thằng nào?
Tôi kể lại tất cả những tên đồng khóa
- Thằng Thự, thằng Phong, thằng Lực và ông Huệ huấn luyện viên môn Địa Dư chuyên môn vẽ bản đồ trên bãi cát bằng vỏ ốc, để dạy.
Ba Thơ ngẩn ngơ một giây rồi lắc:
- Tao không có gặp thằng nào cả. Ra trường rồi đi luôn tới bây giờ.
- Mày có gặp lại anh Tư, anh Hậu không? Anh Thông nữa?
Ba Thơ ngơ ngác như thằng ngố. Có lẽ hắn không ngờ tôi đã đào đến tận đáy óc hắn một cách bất ngờ. Hồi lâu mới đáp:
- Anh Mạch Văn Tư nghe nói sau khi bế trại được rút về làm ủy viên thường vụ, kiêm Trưởng Ban Huấn Luyện trên Thanh Niên Cứu Quốc Nam Bộ mà.
- Rồi sao nữa?
- Mày ở trên tỉnh mà không rõ, tao ở dưới huyện biết gì?
- Còn anh Hậu, anh Cầu, anh Tôn, anh Hưng… tao cũng không bao giờ gặp lại. Anh Cầu có lúc muốn làm rể ông Hoàng Như Nam. Bà Đào rất đẹp, biết không?
- Sao mày quên các ảnh mà nhớ anh Hoàn Cầu?
- Là vì nhà chị Đào ở gần nhà tao.
Tôi ngó quanh rồi hỏi:
- Nền trại ở chỗ nào?
- Đâu vùng này nhưng không chắc là chỗ nào. Có lẽ là chỗ cụm lau đó.
Tôi nhìn khóm lau vàng ngoách gật gờ trong nắng nhạt.
Chung quanh chỉ vài mái lá núp mình trong đụn cát và vài ba con chim rừng sập sân bay.
- Nhà ông Chín Bản ở đâu?
- Chín Bản nào?
- Một nhà giàu đã hảo tâm giúp vật liệu và bàn ghế cho trại. Ngôi nhà ở phía sau trại, sát ven rừng! Nằm ở nhà ngủ của tụi mình vạch vách nhìn thấy cái tủ kiếng trong nhà ổng lấp lánh.
- Tao quên rồi.
- Ổng có người con gái tên là chị Bê là người con gái duy nhất mặc áo bà ba trắng trong vùng trại minh. Còn ngoài ra ai cũng mặc áo nâu hoặc áo đen.
- Tao không còn nhớ ai.
- Chị Vấn, bà Tư nấu cơm cho trại mày cũng quên nữa sao?
- Hai người đó thì tao còn nhớ vì tao có tật xin cơm cháy ăn hằng ngày. Chị Vấn thiệt đẹp, vẻ đẹp khỏe mạnh, có cái đầu tóc rất to, còn bà Tư thì gầy gò, có thằng cháu nội cũng đến phụ nấu cơm.
Bỗng nhiên Ba Thơ vỗ vế la lên:
- Chết cha rồi!
Tôi giật mình hỏi.
- Gì vậy?
- Bà Tư Cua!
- Bà Tư Cua làm sao?
- Hổng chừng bà Tư Cua đó! Hồi đó tao không có quen ông Chín Bản cũng không biết chị Bê. Từ khi tao về công tác ở huyện này, tao chỉ gọi bà ta là bà Tư Cua. Mày không nhận ra chỉ sao?
- Tao hơi ngờ ngợ nên không dám hỏi. Hồi đó chỉ mới chừng mười tám bây giờ gần bốn mươi.
- Người ta sắp làm suôi rồi đó. Mày với anh Tư ở đây lâu lâu sẽ được ăn đám cưới.
Thời gian! Đó là điều ghê gớm. Trước mắt tôi cả một khu trại lá hiện ra. Vô cùng đơn sơ nhưng thật vĩ đại. Không có gì đáng giá cả, nhưng tuổi trẻ yêu nước của tỉnh nhà thời 45-46 đã được đào tạo nơi đây.
Một trại lá đài thấp lè tè được ngăn đôi. Văn phòng của Ban Chỉ Huy trại chỉ chiếm một phần năm. Phần còn lại dành cho giảng đường. Không có cửa đóng then gài. Vách lá dừng cao tới ngực. Người đi ngoài đường nhìn vào có thể đếm tất cả trại sinh. Bàn ghế làm toàn bằng cây tràm cây đước đốn ngoài rừng róc sơ và bện cặp vào nhau, ngồi lên còn đau đít. Chỉ có chiếc bàn đặt trên bục giảng viên là sản phẩm của thợ mộc mà thôi. Chiếc bàn đó được mượn từ nhà ông Chín Bản. Trước trại là một vuông sân, cát ngập tới mắt cá. Giữa sân lêu nghêu cây cột cờ. Chân cột được tô điểm một vòng tròn xây bằng vỏ sò, ốc, điệp mà mỗi buổi sáng trại sinh, sau khi tắm biển phơi nắng đều có ý thức nhặt năm bảy chiếc để góp phần vào đó.
Mỗi buổi sáng hai khóa gần chừng sáu mươi, bảy mươi trại sinh, một nửa là cán bộ thiếu nhi, một nửa là cán bộ thanh niên, sau khi tắm nước ngọt xong đến đây xếp hàng ngắn để chào cờ và nhận lời giáo huấn của ban chỉ huy trại.
Bên trái là Nhà Ngủ của trại sinh. Ngủ bằng nóp trên hai dãy sạp dài ọp ẹp, chiếc này úp sát chiếc kia, như những cái mả đất. Trên vách có treo hai khẩu hiệu: “Quân sự hóa thanh niên, du kích hóa đồ đạc”. Trong giờ ngủ có thể có còi kẻng báo động, trại sinh phải cuốn nóp vác lên vai ra tập họp trong vòng năm phút. Hình như có súng gỗ nữa thì phải. Còn bình thường thì nghe kẻng thức, trại sinh vừa tung nóp vừa hô “Xung phong, xung phong “ tay cuộn nóp miệng hát: “Anh nghe chăng cung kèn rạng đông, đang uy linh lừng vang trên không” (Cung Kèn Rạng Đông của Hùng Lân). Dứt hồi kẻng là phải ra biển để được huấn luyện viên dắt chạy vài vòng trước khi tập thể dục lẫn võ thuật.
Đó là giảng đường và trại ngủ. Còn văn phòng thì gồm có bốn chiếc giường bện bằng tràm con, một cái bàn dài cũng bằng tràm. Áo quần sách vở của ban chỉ huy rất đơn sơ không cần có tủ. Gió lật sách, gió thổi sáo và tràm đước gảy đàn. Nhà bếp là một cái chòi gồm có một chiếc lò, nấu cơm bằng chảo đụng, thức ăn suốt tháng chỉ một món kho. Rau sam trại sinh tự túc lấy để ăn. Thỉnh thoảng mới có được bữa canh dưa hường nêm mắm ruốc. Đặc biệt dù kho hay canh, dưới đáy tô vẫn đọng một lớp cát. Khi nhai trong mồm, nghe rào rạo. Đứng mà ăn chớ không có ghế ngồi. Ban chỉ huy cũng như trại sinh. Thế nhưng tâm hồn cao cả vô biên!
Linh hồn của ban chỉ huy trại là anh Mạch Văn Tư tức thi sĩ Tâm Điền. Đêm nào cũng vậy, sau khi dạy chúng tôi một bài chính trị, tình hình thế giới, thi sĩ cũng đọc thơ kháng chiến như Ngọn Quốc Kỳ của Xuân Diệu hoặc những bài thơ của chính anh viết trong lúc làm trại trưởng.
Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo
Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng
Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo
Gió bay đi mà nhạc cũng bay theo.
Xuân Diệu
Đây biển rộng, đây rừng sâu
Đây mênh mông cao cả,
Đây thiên nhiên hòa hợp với lòng người
Đây muôn lòng xinh đẹp giữa hồng tươi.
Tâm Điền
Anh là thần tượng của tuổi trẻ chúng tôi. Những thanh niên đầu óc mới tinh như trang giấy trắng, những học sinh vừa bỏ trường lòng còn rộn tiếng trống Chi Lăng, tiếng sóng Bạch Đằng nhưng chưa biết đi đâu, những thiếu nhi ham hát “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng” nhưng chưa biết đàng nào để đi, tất cả đều đến đây để nhận đường đi cứu nước như những chiến sĩ trẻ lên đường:
Với núi sông vừa khi tươi sáng
Lên đường ta quyết tiến
Đoàn quân ta cùng bước đều ca
Rền khắp ngàn nơi xa
Cứu nước non vượt khi nguy biến
Lên đường ta quyết chiến
(Chiến Sĩ Lên Đường, Tâm Điền – Lữ Sinh, 1947)
Trước mặt chúng tôi, ba tấm ảnh lớn của các văn hào: Gorki, kỹ sư tâm hồn; Romain Rolland, bạn của kẻ yếu; Henri Barbusse, Đại Tướng chống Phát Xít được treo ngang nhau một cách trang trọng. Tôi nhớ không có ảnh Hồ Chí Minh. Không biết vô tình hay sự cố ý của ban chỉ huy trại.
Anh Mạch Văn Tư là người không chấp nhận CS từ đầu kháng chiến. Ngày nay, tức là sau bốn mươi sáu năm rời trại bất ngờ tôi được biết vị trại trưởng của tôi chính là thi sĩ Xuân Tước hiện tị nạn ở Colorado! Chỉ có ba khẩu hiệu: “Dân Tộc – Khoa Học – Đại Chúng” viết trên gỗ thô đóng đinh trên xà ngang của giảng đường. Tuy không hiểu trọn vẹn, nhưng tất cả những gì tôi được dạy, tôi đều cảm thấy mới lạ và rất bổ ích. Chương trình huấn luyện của trại như một bó đuốc soi đường kỳ diệu. Bên ba tấm ảnh là bức tranh một chiến sĩ trẻ ôm súng máy xông trận với dòng chữ chú thích: “Thanh Niên Mới”.
Ba mươi ngày học ở đây thật chẳng khác nào một khúc nhạc xuân vui tươi, hồn nhiên và nóng sốt. Trong khung cảnh này, thi sĩ Tâm Điền và nhạc sĩ Lữ Sinh có được nguồn hứng để đẻ ra những tác phẩm bất hủ.
Cùng đi nguyền đem thân hiến cho đời mới
Tim thơm nồng đứng lên thét lên ánh dương chan hòa
…. Nghe nắng mới reo xôn xao,
chim với gió tung bay cao
Ta muốn đắp xây tương lai, ngàn tươi sáng.
Khi sông máu thôi tràn đầy
Ta quyết hiến tâm hồn này
Dâng ánh sáng cho đời sống
Nghe nắng mới reo xôn xao
Chim với gió tung bay cao…
(Tiến Lên Đường Sáng – TĐ-LS, 1946)
Một hôm anh Lữ Sinh nhạc sĩ vĩ cầm sang giảng đường bảo chúng tôi:
Hôm nay tôi dạy các em bản hát mới.
Rồi tay kẹp nách vĩ cầm, tay ra bộ, anh hát:
Làm sao khắp chúng dân đều tự do
Làm sao khắp muôn dân đầy cơm áo
Làm sao khắp thiên hạ hưởng hòa bình
Bao nhiêu năm đói rét và lầm than
Bao nhiêu lần bao nước mắt đẫm máu xương
Đứng lên đều tung gông cùm giam đời sống
Vùng lên đem hết máu xương
Vùng lên quyết tranh phần sống
Nào nại tan nát thân mình
Nào nại cực khổ gian lao
Muôn dân khóc than
Muôn dân nát lòng
Muôn dân căm hờn
Vìđời bất công!
Vùng lên đem hết máu xương
Vùng lên quyết tranh phần sống!
Tự do hạnh phúc kia rồi
Hòa bình no ấm chào đón ta!
(Tự Do, Cơm Áo, Hòa Bình, Lữ Sinh-Tâm Điền,1947)
Chúng tôi học thuộc rất mau nhờ tiếng đàn dẫn dắt. Nhưng chính là nhờ những ý tướng xã hội cao đẹp của bài hát đã đi vào tâm hồn chúng tôi như một mồi lửa phóng vào một mớ rơm khô. Nó tiếp nhận một cách hào hứng.
Cũng như đối với những bài khác sáng tác chung với anh Tâm Điền, anh Lữ Sinh đều không giới thiệu tác giả nên mãi về sau chúng tôi mới biết lời ca là cửa thi sĩ Tâm Điền. Hai mươi năm đi khắp đất nước, bây giờ trở lại vùng biển rừng như gặp lại một “kỷ vật” vĩ đại, tôi nghe nỗi buồn thấm tận tâm can.
Con người và tác phẩm của thi sĩ Tâm Điền đã ảnh hưởng sâu sắc trong đời viết văn của tôi. Chính anh đã gieo vào tâm hồn tôi mầm mống nghệ thuật từ đó nhưng tôi cũng không biết. Có lẽ anh cũng chẳng hay Bà tiên cầm đóa hoa
thổi đi, những hạt hoa bay, bà đâu biết nó sẽ bắt mầm và mọc lên ở mảnh đất nào. Bà chỉ biết gởi nó cho gió:
“Je sème à tout vent. “
Thật vậy tôi bắt đầu ham thơ phú, nhạc họa từ lúc hát những bài của Lưu Hữu Phước, xem tranh của Diệp Minh Châu và nghe thơ của Tâm Điền. Hồi ở trại, chính anh đã bảo tôi đóng mấy tập thơ “Đượm Hồng” của anh để triển lãm ở buổi lửa trại bế mạc khóa Chiến Thắng tại huyện lỵ Thạnh Phú. Nhờ đó tôi đã đọc hết tập thơ của anh. Và chưa bao giờ tôi đọc nhiều thơ cùng một lúc như vậy.
Bên cạnh văn học nghệ thuật anh còn dạy cho tôi lòng yêu nước. Anh đã làm theo những lời anh từng dạy chúng tôi Một lòng yêu nước trọn vẹn và không bị bất cứ thứ chủ nghĩa nào chi phối.
Trong lúc làm Tỉnh Đoàn Trưởng Thanh Niên Cứu Quốc Tỉnh, anh đã bị Tỉnh Ủy chèn ép, mua chuộc, nhưng anh nhất định không vô đảng. Vì quá cứng đầu nên anh bị đưa lên Nam Bộ cho Tỉnh Ủy khỏi chướng tai gai mắt. Lên đây anh lại bị chèn ép bởi cơ quan Thanh Niên Cứu Quốc Nam Bộ đứng đầu là Trần Bạch Đằng. Tài năng vượt xa Đằng nhưng anh bị đặt dưới Đằng. Mặc dù vậy anh buộc lòng chấp nhận công tác cho đến 1954. Chính anh quen biết Hoàng Xuân Nhị từ 1946 trong buổi lễ bế mạc khóa Chiến Thắng kể trên, nhưng sau này chính Hoàng Xuân Nhị lẫn Hà Huy Giáp thuyết phục anh vô đảng. Anh vẫn từ chối. Nhất định không vô Cộng sản để được ân huệ của đảng. Khi đình chiến, anh tuyên bố:
- Tôi chịu đựng các anh đã quá nhiều. Sự đóng góp của tôi trong chín năm kháng chiến coi như đã đủ đối với đất nước. Bây giờ tôi phải đi con đường của tôi!
Và anh dắt vợ con về Sài Gòn.
Mạch Văn Tư, người thanh niên hai mươi sáu tuổi trại trưởng, tỉnh đoàn trưởng, ủy viên thường vụ Thanh Niên Cứu Quốc Nam Bộ, người đã võ trang trên bốn trăm cán bộ Thanh Niên cho tỉnh Bến Tre, hằng ngàn cán bộ cho toàn Nam Bộ, vũ khí lòng yêu nước mầu nhiệm, đành phải về Sài Gòn, tự hủy bỏ công lao của mình vì không thể hợp tác với Cộng sản năm 1954 và đã phải bỏ nước ra đi vì không thể sống chung với Cộng sản năm 1975. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh khuất phục chúng. Không! Thi sĩ Tâm Điền thời đầu Kháng chiến và nhà thơ Xuân Tước bây giờ là một, vẫn chiến đấu chống Cộng sản, với ngọn bút trong tay.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc