I've never known any trouble that an hour's reading didn't assuage.

Charles de Secondat, Baron de la Brède et de Montesquieu, Pensées Diverses

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2353 / 62
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
ám cưới của tôi thật gian nan. Quân Bình Định đã đóng lại chợ An Định làm rối loạn của sinh hoạt khu giải phóng. Đường đi nước bước thay đổi hoàn toàn. Cơ quan đua nhau lủi. Những ông cán thận trọng biết hầm hố vùng này không còn tác dụng nữa, nên cạy nắp hầm gói vô nilông quảy sau lưng đi tìm địa điểm mới kiến trúc cái khác.
Nhà nhạc phụ tôi ở cách chợ chừng non hai cây số. Lúc bấy giờ tôi đang ở bên An Thới gần văn phòng Tỉnh Ủy và Phụ Nữ tỉnh. Tôi không thể rước gia đình ở Cầu Mống lên được vì ở dưới đó quân Bình Định cũng đã lấn chiếm, ngoại khó nhập mà nội thì khó xuất. Gần ngày đám cưới mà tiền không có để mua nữ trang cho cô dâu. Đã đành là dân giải phóng nghèo kiết nhưng cũng phải giữ lễ. Tôi bèn mạo hiểm băng đồng về Tân Trung rồi len lỏi trong vườn về Minh Đức đến nhà ngoại tôi, cầu cứu với dì Năm tôi. Dì bảo em tôi lấy nữ trang cưới của nó đưa cả cho tôi và cho tôi một số tiền mua sắm thêm “để bên đàng gái chê dòng họ mình”. Tôi gởi đó đi Bến Tre mua thêm vài ba món cho đủ bộ.
Chị Sáu Hòa đoàn trưởng Phụ Nữ Giải Phóng Tỉnh đã từng mai mối cho tôi nhiều cô trong số cán bộ của chị, nhưng tôi không ưng cô nào. Do thế ngày nay nghe tôi cưới vợ là nữ sinh thành thì có ý không vui. Chị bảo:
- Nên coi lại thành phần.
Tôi trả lời nhỏ nhẹ:
- Bác vợ tôi có hai người con trai hi sinh. Cô của vợ tôi có con đi cán bộ tỉnh.
- Còn một cánh ở Sài Gòn thì sao?
- Gia đình vợ tôi ở trong vùng giải phóng không có liên lạc với “họ”..
- Để tôi xin ý kiến Tỉnh Ủy đã. Vì hiện giờ Tỉnh thay mặt cho R giải quyết việc hôn nhân cho cậu.
Tôi hơi nực nhưng cố nén lòng và lễ phép tối đa. Chị Sáu là Tỉnh Ủy Viên. Tôi. quen hồi thời kháng chiến.
- Dạ thưa chị Sáu, mọi việc đã do hai bên gia đình chúng tôi xếp đặt cả rồi. Chỉ còn mời đại diện Tỉnh Ủy đến chứng kiến. Cá nhân tôi đề nghị chị thay mặt Tỉnh Ủy đến công nhận cuộc hôn nhân là đủ.
- Ngày nào thì em tiến hành?
- Dạ hai bữa nữa.
- Chờ đúng ngày sinh nhật Bác cử hành luôn cho đầy đủ ý nghĩa cậu à.
- Dạ tôi sợ tình hình không ổn. Nên ngày nào không có chụp dù thì ngày đó có ý nghĩa. Nếu đình hoãn sợ đàng gái bắt bẻ.
Chị biết không có cách gì ngăn cản hoặc đình hoãn lễ thành hôn của tôi nên đành phải nhận lời đại diện Tỉnh Ủy đến làm chủ hôn đàng trai.
Buổi lễ cử hành trong căn chòi túm húm ở sau vườn nhà nhạc phụ tôi. Chủ tọa vừa tuyên bố lý do xong, cô dâu chú rể sắp ra tuồng thì trực thăng tới. Từ xa đã thấy đèn rọi, chụp xuống đất dọc theo gân lộ đá tỉnh bị phá hoại từ 45 còn sót lại. Cả đám tiệc tắt đèn ngồi êm rơ, chờ cho trực thăng biến mất mới thắp đèn lại, tiếp tục. Mặt người nào người nấy cắt không được hột máu. Cũng may, ngoài trực thăng không có màn gì khác. Nếu cà-nông thụt thì không có đủ hầm để chun.
Đại diện Tỉnh Ủy đứng lên lặp bặp vài ba câu vừa côngnhận cuộc hôn nhân vừa chúc mừng đôi tân hôn. Rồi chàng rể trao tặng cô dâu một bó hoa do bà đạo diễn của đoàn văn công tỉnh sáng tác. Thế là kết thúc. Mỗi đại diện cơ quan đến dự được ông nhạc tôi tặng một cục thịt heo rồi mạnh ai nấy hối hả ra về.
Thế là tôi đã có vợ. Một biến chuyển lịch sử trong đời cách mạng chầu rìa của tôi. Qua một sớm hơn một chiều tôi đã là chồng của một người con gái.
Khuya hôm đó đôi tân hôn phải dắt nhau băng đồng qua An Thới hãy còn chưa bị quân Bình Định thăm viếng. Ông nhạc tôi bảo vợ chồng tôi đến nhà ông Ba Còn là người quen để ở đậu. Ông Ba Còn tuổi chỉ bằng ông nhạc tôi nhưng ông để râu dài như cụ Hồ. Nghe vợ chồng tôi đến, ông sốt sắng kêu các con trai khiêng bàn ghế, giường ngủ đến ngôi nhà trong vườn của ông cho vợ chồng tôi ở.
Ngôi nhà ba căn đầy đủ tiện nghi, nhưng theo thời trang bây giờ thì không dùng được. Vì nó ở trong vườn, mà vườn là mục tiêu của bom pháo. Cho nên gia đình ông cất chòi ngoài ruộng để ở tạm. Của đáng tội chòi cách nhà chừng trăm thước. Tuy vậy, ông yên tâm là khỏi bị trực thăng và đầm già để ý.
Gia tài của cặp vợ chồng mới gồm có cái ba lô bao tử trâu của chồng, và cái xách tay bằng ni lông trong đó đựng vài bộ bà ba và một ít đồ tế nhuyễn của vợ. Thế là hết. Nếu muốn kể thêm thì còn vài món khác như đôi dép bắt heo và cây K54.
Vừa đặt ba lô xuống là tôi đi rảo sau vườn để nghiên cứu những tử điểm và sinh lộ. Sau nhà là Rạch Cái Chát không rộng lắm, nhưng nếu ai không biết bơi thì nhảy xuống đó sẽ bị bà thủy mời dễ dàng. Hai bên bờ rạch là lá dừa nước um tùm. Nếu trực thăng nhảy giò ở trước ruộng thì tôi có thể vọt qua rạch dông một hơi đến “vương quốc Thành Thới” một vùng tiếp giáp với bờ sông Cổ Chiến và bên kia sông là tỉnh Trà Vinh: Thành Thới có rất nhiều vùng đất hoang rậm ri, có thể làm nơi cho tôi dung thân vạn đại.
Nhìn qua địa thế hiểm trở, tôi lấy làm an tâm xây tổ uyên ương trong ngôi nhà bỏ hoang này. Đoán chắc tình hình thay đổi làm cho vợ tôi suy nghĩ bâng quơ và buồn bực, tôi bèn lấy hết lập trường cách mạng ra để công tác chính trị cô nàng. Nhưng vợ tôi cười vui vẻ:
- Em đâu có sợ lính quốc gia mà anh lo dữ vậy! Em gặp họ hoài. Họ có gì đáng sợ đâu.
Tôi mừng rỡ, nói tiếp:
- Dần dần rồi em sẽ quen với đời sống lưu động của anh.
- Anh không phải ngại gì cả. Anh đi đâu em đi đó. Em biết trước cuộc sống của anh rất cực khổ nhọc nhằn nhưng em vẫn yêu anh. Em chấp nhận cuộc sống của anh và coi đó là cuộc sống của em.
Được lời như mở tấc lòng, tôi hôn nàng say đắm. Ở đây chúng tôi sống tiếp tuần trăng mật, hầu như quên lãng cả thế giới bên ngoài.
Không ngày nào dài bằng ngày chúng tôi
Không đêm nào ngắn bằng đêm chúng tôi
Không ngày nào ngắn bằng ngày chúng tôi
Không đêm nào dài bằng đêm chúng tôi.
Bây giờ tôi không sáng tác Đồng Khởi mà cũng không làm thơ Bóng dừa xanh thẳm nữa. Không bóng nào xanh thẳm bằng mắt, tóc của nàng.
Anh yêu em tuyết phủ
Anh yêu em sông dài
Anh yêu em núi một
Anh yêu em đồi hai.
Bài thơ dài vô tận còn nằm trong lòng tôi chưa viết lên trang giấy. Một hôm trong lúc yêu nhau tôi nói với nàng:
- Hai mươi năm sau con đầu lòng chúng mình sẽ đỗ tú tài.
Chúng tôi đã thực hành được lời hứa này. Lúc nào yêu nàng tôi cũng nghĩ đến đứa con mà chúng tôi sẽ có. Để cha mẹ tôi ẵm bồng nâng niu. Đó cũng là cách tránh khỏi cái tội bất hiếu của tôi.
Bỗng một hôm Tư Mô đến thăm tổ uyên ương của chúng tôi. Vợ tôi nấu đãi anh một tô mì gói. Loại mì này chúng tôi dự trữ hằng khối trong nhà để phòng khi ứng dụng, nhất là khi có chụp thì nàng nhét hai ba gói vào trong chiếc túi con cho tôi đắp đầu gối để chạy cho khỏe. Tư Mô húp xong tô mì rồi chậm rãi móc trong túi ra nào là tiêu tỏi hành ớt tương chao nghệ ngãi bày đầy một bàn, tỏ vẻ tìm kiếm.
- Anh tìm cái gì vậy?
- Công điện ở trên Tiểu Ban R.
- Nói cái gì?
- À, đây rồi. Hồi nãy tôi dùng gói bột ngọt… Ở trên bảo mình về gấp.
Tôi ngẩn người ra hồi lâu mới đọc:
” Tiểu Ban Văn Nghệ R gởi Tỉnh Ủy Bến Tre, Tư Mô và Hai Bùi về gấp. Tư Siêng. “
Tôi đưa cái công điện lại cho Tư Mô. Anh bảo:
- Chú tính thế nào?
- Về gì được mà về!
- Quân áo Đen’ đóng lan ra tới Ngã Tư Giồng Võ rồi.
- Anh đi ngã nào tới đây?
- Chẳng biết ngã nào mà nói, cứ nhắm hướng càn đại tới!
- Sao anh biết vợ chồng tôi ở đây.
Tư Mô cười:
- Bây giờ có vợ rồi ăn nói mạnh miệng ha! Tôi có đến nhà ông nhạc chú. Ủa thím Hai đâu rồi? Ông nhạc chú gởi cho chú thím vài thùng đường mía.
Tôi kêu lên:
- Làm sao anh vác nổi. Mỗi thùng 50 kí lô lận mà!
- Đường đã đổi ra tiền nên nó nhẹ hoe thôi, chú nó!
- Ba má tôi mạnh hả anh Tư?
- Mạnh hết. Nghe gia đình sắp dời lên Mõ Cày ít lâu lính đóng đồn xong sẽ về. Bây giờ lúc tranh tối tranh sáng, bom đạn mệt lắm.
Vợ tôi vốn quen tánh anh Tư, hễ ngồi lại là hút thuốc uống trà, nên đã nấu nước sôi. Anh Tư lấy trà ra bỏ vô bình:
- Ở trên R uống trà con khỉ hộc máu, xuống đây cũng gặp nó, cho nên chúng mình lúc nào cũng chạy hộc máu mồm…
Vừa uống trà chúng tôi bàn thêm về bức công điện. Anh Tư nóì nhỏ với tôi:
- Có lẽ Tỉnh Ủy báo cáo lên trên.
- Báo cáo gì anh?
- Vụ vợ con của chú sao đó, biết đâu!
Tôi phát cáu nhưng anh nháy tôi bảo giằn lại kẻo cô nàng nghe. Tôi nói to:
- Đường dây chắc chắn là đứt hết. Bây giờ giao liên chạy tán loạn, dễ gì mà tìm được trạm.
- Đó không thành vấn đề.
Anh lại móc đưa một tờ giấy khác, bảo:
- Chú đọc đi!
Thì ra cái “thông báo” của văn phòng Tỉnh Ủy cho hay sẽ cắt sinh hoạt phí của chúng tôi. Thật ra số tiền đó không đủ mua dấm nấu một nồi canh chua. Lâu nay về đồng bằng tôi sống nhờ sự tiếp tế của gia đình nhiều hơn. Nhưng sự cắt sinh hoạt phí này có tính chất đe dọa bắt buộc chúng tôi phải cuốn gói, chết sống băng Đồng Chó Ngáp về R.
Anh Tư vừa nhấp trà vừa bình luận:
- Đi thì không thể, ở không xong.
- Mình cứ coi như không có cái công điện này.
- Giỡn hoài chú nó!
- Theo anh thì phải quyết định như thế nào?
Tư Mô ngồi làm thinh. Anh đã trải qua quá nhiều éo le trong cuộc đời đi theo cách mạng của anh nên gặp chuyện gì dù phật ý đến đâu anh cũng phản ứng rất nhẹ nhàng, khác hẳn với ‘tôi. Có lẽ Tỉnh Ủy đã báo cáo vụ tôi cưới vợ chăng? Tôi vụt nhớ chuyện bác Ba Lắm Bình Xuyên. Ba Lắm là một trong những ông tướng chỉ huy đánh trận Cầu Mống ở làng tôi. Khi ra Bắc, tôi nghe bác bỏ phục viên với chức “đại đội phó”. Suốt chín năm không được đề bạt một cấp nào. Tôi gặp bác tại nhà bác gái ở gần Cầu Long Biên. Tôi nhắc chuyện xưa. Bác lắc đầu:
- Thôi cháu ơi! Dân Nam Bộ mình bị hố rồi, nhớ chuyện xưa chỉ thêm đau lòng!
Lúc đó bác đã ngoài năm mươi mới cưới vợ. Bác gái là một bà tư sản có phố cho mướn, có con phục vụ chế độ: một là bác sĩ, một là diễn viên kịch nói. Thế nhưng bác bị ban tổ chức trung ương qui cho cái tội’ “mất lập trường”.
Bác nói với tôi:
- Chúng nó bỏ vợ lớn lấy con địa chủ thì cho là khuyết điểm sinh hoạt, còn mình lấy một bà góa bị tước đoạt hết tài sản thì bị qui là mất lập trường.
- Trường hợp của tôi thì sao? Sao thì sao. Mặc! Tôi không sợ gì nữa. Muốn kỷ luật gì thì kỷ.
Tư Mô rỉ tai tôi:
- Hai Tranh phó bí thư Tỉnh Ủy vừa bị bắn chết ở Đồng Chó Ngáp!
- Tin ở đâu vậy?
- Tin hành lang..
- Thằng chả đi đâu lên đó?
- Đi lên R để nhận chỉ thị cho tình thế mới gì đó!
Anh Tư nói vậy thì có nghĩa là không thể về, không nên về đừng về.
- Tụi nó sẽ đóng bít hết Cù Lao Minh. Không biết rồi mình chạy đi đâu.
- Bộ đội không “gỡ” được cái đồn nào hay sao?
- Chú không biết là trong Tết bộ đội mình bị thiệt hại bộn à?
- Nó sẽ bỏ vòi vô tới chợ An Thới. Mình lại phải đi khỏi chỗ này.
- Qua Thành Thới trú tạm ít lâu vậy. Ở đó có hai ấp An Trạch Đông và An Trạch Tây còn độc lập.
Sau đó anh tìm nhà một nông dân ở đậu, nhà ông Năm Triều, ngày ngày bắt nhái, làm mồi câu cua sinh sống, chớ không ở với chúng tôi. Anh không muốn quấy rầy cặp vợ chồng mới. Ngày nào tôi cũng thấy hàng đàn dân chúng cán bộ đi qua đi lại trước cửa nhà tôi, như kiến động ổ. Quả thật không bao lâu, quân Bình Định bỏ vòi vô An Thới.Tình thế bi đát võ cùng. Tôi định đưa vợ tôi về với gia đình ông nhạc để nàng lên Mõ Cày ở tạm. Như vậy thì càng mất lập trường. Nhưng vợ tôi không chịu đi.
- Anh đâu em đó!
Thế là vợ chồng tôi đành phải bỏ cái tổ êm ấm này chạy qua Thành Thới. Chỉ hôm sau là quân Bình Định chiếm luôn An Thới không có một phát súng phản ứng.
Tưởng rằng tìm được nơi héo lánh mà ẩn thân chẳng ngờ qua đó lại đụng đầu cán bộ lụp cụp. Càng rủi hơn lại chạm trán tên Nhái bén. Hắn có vẻ không bằng lòng nhưng chẳng dám nói gì. Vì đất này đâu phải của riêng ai.
Thấy tay chân mặt mũi vợ tôi không hạp với sinh hoạt nông dân, tôi phải tìm quần áo phèn cho nàng mặc. Ngoài ra tôi còn dặn:
- Nếu có gặp lính chụp thì em cứ nói em là cháu của Tổng Cường, dượng rể ở quận Hương Mỹ.
Nàng cười:
- Anh sợ lính chớ em không sợ đâu. Hồi trước em gặp họ hoài mà.
Chúng tôi may mắn gặp một anh bạn do Tư Mô giới thiệu. Đó là Ba Sơn, người ở thị xã Bến Tre. Ba Sơn làm việc trong ban Điện Đài của Tỉnh Ủy. Ở cơ quan này còn có anh Hồng là con của cô vợ tôi. Anh Hồng có đến hỏi thăm chúng tôi qua loa rồi biến mất. Chúng tôi không nhờ cậy gì được Một hôm Ba Sơn bảo tôi:
- Anh chị phải đi qua bên Cù Lao Bảo mới yên. Tỉnh ủy sắp “lui ghe” rồi.
Nghe câu nói đó tôi mọc ốc đầy mình. Cưới vợ xong, chưa gặp lại gia đình, cũng không cho vợ về thăm. Vợ tôi làm sao vượt sông Hàm Luông nổi? Cô nàng có chịu bỏ xứ mà đi lưu linh như tôi không? Qua đó tứ cố vô thân, lấy đâu làm nguồn tiếp tế?
Nhưng may quá, nàng vẫn cương quyết “anh đâu em đó”. Thế là cuộc trường chinh bắt đầu. Ba Sơn cũng có một cái “rờ-moọc” đeo sau lưng như tôi mà lại đang trọng tải “một trái bầu” khá to. Đường đi thuộc lòng do Ba Sơn hướng dẫn trên con đường “Ba bước lội” (nói nhại tên xã Đa Phước Hội) không có khúc nào khô ráo được vài thước, toàn bùn sình và cầu kỳ quái gỡ. Nhưng vợ tôi cũng cố mím môi mím lợi mà lội với tình cảm “Chàng đi theo nước, thiếp theo chàng!”
Riêng tôi đã phải vượt sông Cửu Long năm bảy lần rồi, bây giờ thêm một lần nữa cũng chẳng sao. Trước khi bốn ông bà xuống chiếc ghe tang thương, anh giao liên khai thông tư tưởng bằng một giọng lạnh như tiền:
- Bến này đã bể. Đầm già vừa phóng pháo hôm qua. Chúng tôi đi chuyến này là chuyến chót. Đuôi tôm chạy không bảo đảm. Nếu ra giữa sông mà chết máy thì yêu cầu các đồng chí bơi tiếp. Nếu đầm già hoặc trực thăng tới thì các đồng chí tự lo liệu lấy…
Chúng tôi đành cắn răng nhắm mắt mà bước xuống ghe. Hành thuyền kỵ mã tam phân mạng. Đó là thuyền bình thường, còn đây là thuyền giao liên thì thập tử nhất sanh.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc