You know you've read a good book when you turn the last page and feel a little as if you have lost a friend.

Paul Sweeney

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2353 / 63
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
ình hình sau Mậu Thân càng găng tới. Không có ngày nào vùng này yên ổn. Cứ vài hôm lại chụp một phát. Lại còn thêm tiết mục mới là trực thăng soi. Ban đêm nó đang bay trên đầu, mình đi dưới đất hoặc bơi xuồng, chạy đuôi tôm trên sông, yên chí lớn là nó không thấy mình, nhưng bất thình lình nó bật đèn lên sáng choang, con kiến bò cũng rõ. Nếu có bụi rậm thì lủi vào. Nhưng đi giữa đồng trống thì lòi lưng. Nó xã súng bắn, hoặc táo bạo hơn, nó đáp xuống chĩa súng bắt.
Ngoài ra lại còn có tin đồn quân Bình Định trở lại. Ruột rối như tơ vò. Một buổi chiều êm ả duy nhất từ mấy tháng nay, tôi đi thơ thẩn trên bờ ruộng sau nhà má, mắt ngó về phía vườn chuối xanh trong đó ẩn nấp một mái lá. Dưới mái lá đó là bóng hồng thân thuộc lâu nay.
Tôi lẩm nhẩm bài Lỡ Chuyến Đò của Anh Việt. Anh Việt là bạn của hai ông bạn nhạc sĩ của tôi thời kháng chiến: Thanh Cao và Thanh Sử. Hai bạn này thường nhắc đến Anh Việt (không đi kháng chiến). Đặc biệt hai bản nhạc bất hủ của Anh Việt được Thanh Cao và Thanh Sử chơi Hạ Uy cầm và violon còn tôi thì solo luôn. Hai bài đó được cán bộ kháng chiến rất mê. Đến nỗi trong tập nhạc cá nhân của thằng nào cũng có, cơ quan phải cấm nhưng càng cấm cán bộ càng hát lén dữ dội. Tôi chỉ còn nhớ được vài câu:
Chiều vàng lại đem mong nhớ tiếc thương bóng con đò xưa
Và chiều chiều thôn nữ vấn vương…
Tôi bỗng bật cười khi hát, mình là khách lỡ chuyến đò vừa là nghệ sĩ. Nghệ sĩ lỡ chuyến đò. Chuyến này không phải là thứ nhất. Cả chục chuyến rồi. Chuyến nào cũng sắp sang nhưng rồi không sang được. Vì hoàn cảnh éo le. Nếu tình thế bình thường thì cha mẹ tôi đã có cháu lớn rồi. Khi tía tôi bằng tuổi tôi bây giờ thì tôi đã học trung học.
Chiều buồn mênh mông. Nhớ nhà, nhớ những kỷ niệm Hà Nội. Nhớ người đàn bà đã có chồng mà muốn ly dị chồng để yêu tôi. Chỉ dấn thêm một bước nữa là thành. “Em yêu anh như yêu mối tình đầu” Ácxinha nhân vật của Cholokhov trong Sông Đông Êm Đềm có mối tình bốc lửa với một anh chàng đã có vợ là Gorigôri làm anh chàng này không dứt ra được. Đàn bà khi đã yêu thì tình yêu vô cùng quyết liệt. Chỉ đàn bà mới biết yêu và phục vụ tình yêu.
Tôi ngồi giữa đồng, không muốn vào nhà nữa, nhưng sực nhớ chiến thuật soi cá của trực thăng nên vội vã men về vườn. Vào nhà thấy má vừa đốt đèn, mặt má tươi rói:
- Mày đi đâu nãy giờ tao kiếm không được.
- Dạ con ở ngoài ruộng.
- Mai mày chuẩn bị đi nghe!
- Dạ chuẩn bị gì vậy má?
- Tìm người đi về móc gia đình.
- Chung quanh Cầu Mống bây giờ lính bủa vây đâu có ai đi lọt, má!
- Vậy thì làm sao?
- Có việc gì quan trọng vậy má?
- Chuyện của mày chớ còn chuyện gì nữa!
Tôi ngớ ra, má nói tiếp:
- Người ta chịu gả rồi, nhưng người ta đòi phải có người của gia đình mày đến.
Tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi:
- Nhưng ai vậy má?
- Thì còn ai nữa? Thằng bác ruột nó biết bên gia đình mày. Tao nói hết gốc gác của mày thì bác nó bảo là tưởng ai chớ ông già mày là bạn đá gà của nó hồi trước. Nó còn xúi ông già con nhỏ: “Tưởng ai thì còn điều tra chớ chỗ đó thì nên gả!”.
Nghe má nói tôi tưởng chừng một cú sét đánh bên tai mà cái búa Thiên Lôi làm bằng một đóa hoa hồng. Nhưng gia đình đồng ý còn đối tượng thì sao?
Ít lâu nay tôi không côn trông thấy nàng thấp thoáng trong mấy bờ mía nữa. Tôi phải tìm cách gặp nàng để xem tình ý. Nàng không sang nhà má Bảy, thì tôi phải đến nhà nàng, nhưng với lý do gì? Không có lý do gì cả.
Ngày ngày tôi cứ ngẩn ngơ. Vẫn ngồi ở bàn làm như sáng tác, nhưng sự thực thì chỉ “sáng tác” thư tình và thơ tình. Có khi cả chục trang viết xong mà không biết làm sao đưa. Nàng có mấy đứa em trai ra vào ngôi nhà lớn của nàng ngang nhà má Bảy. Ngôi nhà nay đã dỡ đi cột kèo xếp lại chở về Mõ Cày để gởi bà con giữ giùm. Trong nền nhà đó, ban đêm tôi lén đào chôn chiếc thùng tiểu thuyết của tôi. Trong vườn chuối của gia đình nàng, tôi cũng đã đào một cái hầm bí mật. Mấy đứa em nàng đi bắn chim, hái ổi tình cờ lại tìm thấy cái nắp. Chúng bèn kêu nàng ra xem. Tôi thấy thế bèn chạy sang. Biết là hầm mình bị lộ nhưng lại có dịp gặp nàng. Thấy tôi đến mấy đứa bé nhìn tôi bằng cặp mắt dò xét rồi lần lượt chúng lảng tránh. Tôi tưởng nàng cũng đi theo đám em, chẳng ngờ nàng đừng lại. Đây là cơ hội ngàn năm có một. Tôi hỏi:
- Sao lâu nay không thấy em ra đánh lá mía nữa?
Nàng nghiêm nghị đáp:
- Phải chờ một tháng mới có lá khô.
- Lâu quá vậy?
- Phải chờ, nếu sốt ruột thì lá non không đánh được.
- Bờ nào cũng vậy sao?
- Em đánh qua lượt hết rồi.
Tôi đã thủ sẵn một xấp cả chục lá thư nhưng không dám đưa. Sợ người ta không nhận. May sao nàng lại hỏi:
- Anh có làm tiếp bài “Bến Tre xanh thẳm bóng dừa” không?
- Có, đây nè, em có muốn đọc tiếp không?
Tôi vừa hỏi vừa đưa ra. Nàng hơi lưỡng lự rồi nhận xấp giấy từ tay tôi.
- Sao lâu nay em không sang nhà bà Bảy chơi nữa?
Nàng ngập ngừng một chút rồi nói:
- Em qua, bà nói chuyện gì kỳ quá hà!
- Chuyện gì mà kỳ?
Nàng đỏ ửng mặt, tay bứt mấy chiếc lá ổi non vò nát mà không nói gì. Tôi hỏi:
- Chuyện gì, đâu em kể lại cho anh nghe với, được không?
- Bà hỏi em có chịu đi chờ Cầu Mống không?
- Chợ Cầu Mống thì cũng như chợ Cái Quao, chợ Mỏ Cày vậy chớ có gì mà kỳ.
Nàng dậm chân nhè nhẹ:
- Không phả…ải. Bà có ý khác.
- Ý khác là ý gì?
- Mà thôi bỏ qua đi. Em nhờ anh giúp chuyện này một chút.
- Chuyện gì nói đi!
Tôi mừng rơn trong bụng. Chuyện lên trời xuống biển gì mà không nhận? Nàng nói:
- Ở xã muốn em dạy học. Em biết gì mà dạy. Nhưng ba em đã nhận lời rồi.
Tôi bảo:
- Em dạy được mà. Trẻ con ở thôn quê ít học lắm.
- Em dạy gì nổi ba lớp một lúc. Em đâu có từng làm cô giáo.
- Em dư sức dạy mà. Em cứ bắt đầu, rồi anh giúp cho.
- Bộ trước đây anh có dạy học sao mà giúp?
- Không. Nhưng dạy con nít khó gì.
Nàng giở xấp giấy ra liếc qua và nói:
- Thơ gì mà nhiều dữ vậy?
- Thơ của anh làm.
- Giải Phóng mà cũng biết làm thơ sao?
- Biết chớ.
- Vậy em nghe báo thành nói Giải Phóng rừng rú, dã man, ốm yếu ba người đeo một tàu đu đủ không rụng.
Nàng che miệng quay ngang. Tôi bật cười to lên rồi hỏi:
- Như anh vầy, em coi có dã man không?
Nàng cười và lắc đầu. Thỉnh thoảng nàng đi đâu về, ghé nhà má nói chuyện với tôi. Má thấy chúng tôi xưng hô “anh, em” với nhau ngọt ngào, bèn bảo cô nàng:
- Hổm rày tao thèm bánh mà không biết bánh gì, sẵn có cháu đây làm một món!
Nàng lắc đầu:
- Cháu không biết làm bánh gì hết.
- Ờ phải, con gái ở chợ, muốn ăn bánh thì đi mua. Vậy thôi làm kẹo bẹ chuối ăn uống trà đỡ đỡ.
- Cháu cũng không biết nữa.
- Bà chỉ cho làm!
Rồi không đợi cô bé đồng ý, má lấy dao nạy đường mía trong hũ ra để trong soong chụm lửa và dặn:
- Cháu ngồi coi chừng để bà đi cắt ít cái bẹ chuối.
Thấy tôi đứng xớ rớ bên cạnh, má lại trách:
- Con trai không biết làm gì hết, nữa có vợ, vợ nó bảo nấu cơm kho cá không biết làm nó đánh đòn.
Tôi cười:
- Con nấu cơm giữa trời mưa còn chín đó má ạ!
- Vậy thì ở đó phụ với người ta nấu nước đường, đừng để cho khét.
Nàng cúi nhìn lửa, đôi má đỏ rần. Tôi rón rén ngồi xuống cách nàng xa xa. Thỉnh thoảng lại rút một thanh bã mía khô đưa cho nàng. Nàng đưa tay lấy mà không quay mặt lại nhìn tôi. Thấy nàng nhận sự ngồi gần của tôi, tôi bèn nhích tới chút, rồi lấy chiếc muỗng đưa cho nàng, bảo:
- Em khuấy lên cho đều kẻo khét.
Nàng cũng làm theo tôi bảo nhưng vẫn không nhìn tôi. Tình yêu có mắt sau lưng. Tôi thấy trán nàng rươm rướm mồ hôi bèn đi lấy chiếc khăn của tôi đưa cho nàng:
- Em lau mồ hôi đi!
Nàng đưa tay quệt ngang trán chớ không nhận khăn. Tôi hơi bối rối trước sự từ chối nho nhỏ đó, định bụng tìm kế khác nhưng má đi vào, tay cầm một mớ bẹ chuối. Má bảo cô nàng:
- Để đó bà coi chừng, cháu di ra cái tủ ngoài vườn lựa lấy vài cái dĩa đem vô đây đổ kẹo.
Nàng vừa đi thì má lại bảo tôi.
- Con ra phụ với nó. Chén dĩa để lộn xộn lắm. Không dám để trong nhà vì sợ cháy nhà tiêu hết. Mau lên, con trai gì không sáng trí.
Tôi hiểu ý má bèn nhanh nhẩu đi theo nàng. Chiếc tủ đứng giữa những bụi chuối. Nàng sợ rắn không dám chen vào Tôi xung phong thay cho nàng. Tôi lấy chén dĩa đưa ra nàng cầm lấy xếp dưới đất. Đến vài lần nàng vừa đưa tay ra để nhận thì tôi cầm chặt lấy rồi bất thần tôi hôn. Rồi hôn luôn trên má nàng. Mặt nàng đỏ rần. Nàng lí nhí trong miệng:
- Bà Bảy thấy mét ba.
- Không thấy đâu.
- Bà ra kia kìa.
- Bà không rầy đâu!
Tôi lại hôn lên má nàng những cái hôn thật dài. Chúng tôi không nói gì với nhau. Chúng tôi hôn nhau. Hôn chính là lời nói, lời thơ. Thơ nào, lời nào nồng nàn bằng những cái hôn mở ngõ một cuộc tình.
Chúng tôi đi vào. Má bảo nàng để ngửa những bẹ chuối trên ván lấy dầu dừa thoa lên và bảo tôi lấy muỗng múc nước đường đổ từ từ lên những bẹ chuối, với sự điều khiển của má, nàng cầm đũa khuấy cho đường kẹo lại. Má bảo:
- Kẹo tốt lắm. Vậy là thành rồi.
Rồi má xách cái soong ra ao cạo rửa. Tôi bắt ngây nên tìm cách hôn nàng. Tôi nhìn những vệt trầy trên tay nàng và hỏi:
- Tay em sao vậy.
- Lá mía cắt.
Tôi bất thần cầm lấy rồi hôn luôn. Rồi đưa lên miệng mút những ngón tay dính đường. Nàng đẩy nhẹ tôi ra:
- Bà Bảy vô kìa!
Má nhắc lại lần nữa.
- Kẹo dẻo chớ không loãng. Vậy là thành rồi!
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc