"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 20
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ao giật cái chạc, con trâu quẫy cái đuôi, cắm cúi bước. Lưỡi cày xục đất, đổ nghiêng. Đường cày võng theo sườn đồi; len lỏi giữa những mô đá nổi. Cái bắp cày uốn vòng hình cung như ngực Pao nở, to như bắp tay Pao.
Đã vào giữa mùa xuân. Buổi sáng, phía đông rực rỡ những vệt mây màu cá vàng. Trên cao, trời xanh thanh thản, mịn như da mặt con gái. Mảnh nương sáng choang. Nắng như những lớp cánh nhỏ phong phanh, phập phồng trong gió. Pao cởi cái áo vứt lên mô đá, nhổ nước bọt xoa hai tay nắm tay cày. Đế cày trượt êm. Ria lưỡi cày vặn nghiêng, xén lục bục rễ cây ngầm. Đất nguyên sơ bốc mùi ngai ngái. Gió hất tóc Pao. Mặt Pao nhoáng ánh mồ hôi. Cày nương vất vả gấp ba cày ruộng. Không được chạy thỏa chân. Hai con mắt phải chăm chỉ. Đá ngầm, đá nổi, sơ ý gãy cày liền. Đường cày uốn, áp sát mô đá. Nương đá là nương tốt, mỗi hòn đá là một lạng mỡ. Ngô sẽ mọc trên đất này, giữa những hõm đất, cạnh đá. Đá giữ ẩm cho cây ngô.
Đường cày mở đất dịch lên cao dần. Sườn đồi mở toang những luống đất hăm hở. Có tay người động tới, đất đã cựa mình sinh sôi.
Đất nhất định sẽ ngùn ngụt bốc cao cây ngô, cây lúa. Như chính đời Pao qua những tháng ngày ươm hạt đã bắt đầu nẩy những lá mầm. Pao đã bước sang thời kỳ nẩy mầm. Cái đấm vào ngực Lử đêm nào như một tiếng động báo hiệu Pao đã dứt khoát chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Pao trung thực, đôn hậu, hiền lành, trong sáng. Không! Không chỉ có thế. Những nỗi đau đã tận mắt thấy, và những cuộc giao tiếp với những chiến sĩ cách mạng đã khiến cái mầm khỏe khoắn, tốt đẹp có sẵn trong người Pao phá vỡ lớp vỏ cứng, bật dậy. Pao đã nhìn rõ bọn bất lương đê tiện và những người lương thiện cao quý. Đã biết tới thói tham lam, bạo ngược, cũng như lòng yêu thương nhân hậu, vị tha của những người quanh Pao, Pao đã nhìn ra, Pao đã phân biệt rõ ràng tên tay sai và người chiến sĩ cách mạng. Pao đã hiểu ra cái nguyên nhân của bao cảnh đời bần cùng, khốn khổ, và những ước vọng đẹp đẽ của người chiến sĩ cách mạng đã bắt đầu nẩy nở trong Pao, Pao vốn giầu lòng thương người nghèo khổ, sẵn sàng chở che bênh vực những người yếu đuối, khốn cùng.
“Thu bắp về, bán trả nợ Giàng Ly Trang, thêm tiền xin cưới Seo Ly. Rồi ta xuống châu xem tình hình thế nào”.
Nghĩ tới hạnh phúc và dự định mới mẻ, Pao lại thêm sức ở đôi tay, ở đôi chân. Đường cày thoáng lúc đã lên tới đỉnh đồi. Sườn đồi ngờm ngợp đất cuộn, trải nghiêng mênh mang. Nắng đứng. Bóng con diều hâu như một tấm khăn đen mềm mại liệng tròn.
— Pao ơi! Pao ơi...!
Pao dừng cày. Bầu trời chỉ có gió lướt thướt bỗng vọng dài tiếng ai gọi. Pao nhìn xuống chân đồi. Một phụ nữ đứng cạnh một bó củi to hơn người chị, cao hơn người chị.
Người phụ nữ bỏ bó củi, theo những vệt cày, chạy ngược lên. Chị vấp ngã. Chị lại đứng dậy. Chị bò trên các mô đá.
Pao cắm cái cày, chạy xuống. Đất lăn tròn tảng lớn, hòn nhỏ.
— Seo Cả!
Người phụ nữ đứng cạnh mô đá, mắt buồn lo bợt như hai vệt sáp. Mất con ngựa, chị không được là gái gầu phàng nữa. Chị trở thành người ăn người ở trong nhà Giàng Ly Trang rồi. Đời người sao khổ nhục như đời con trâu thế! Là vợ Seo Cấu, bị Seo Cấu hành hạ tàn tệ. Bây giờ lại thế này. Nước chảy được nước chảy. Đất không chảy được đất đứng... đời con gái là đất đứng. Pao muốn an ủi Cả. Nếu bây giờ Pao có tiền, Pao sẽ mua một con ngựa tốt ngay...
— Seo Cả à...
Pao bước xuống cạnh mô đá, giọng thương xót. Nhưng người phụ nữ ngẩng lên, cái miệng xinh xắn, há tròn sửng sốt, kêu to:
— Pao! Không biết chuyện gì à?
— Chuyện gì?
— Nhà Seo Cấu nó cưới Seo Ly.
— Sao?
— Giàng Ly Trang bắt tất cả người ở, gái gầu phàng đi lấy củi đem sang bên đó cho nhà seo phải Seo Cấu. Hôm nay nó đón dâu!
Pao kêu một tiếng, không rõ tiếng gì. Cái sườn nương nghiêng dốc thăm thẳm. “Không! Không để buột mất như thế được”. Pao ngồi phịch trên phiến đá. Pao như một tảng đá. Lát sau, tháo cày, thả trâu, đi theo Seo Cả, Pao như một cái bóng.
Gái gầu phàng và người ở trong nhà Giàng Ly Trang đi hàng một, vai lù lù những vác củi nương đen sì. Họ là con trâu của ông lý trưởng.
Lý trưởng Giàng Súng đi đầu đoàn người vác củi.
Khôn ngoan, giỏi xoay xở, gió chiều nào che chiều ấy là lão. Đã ly khai thổ ty Chao, nhưng Phô-rô-pông về, lão lại nhịn nhục theo Chao. Gần đây, thanh thế cánh Pha Linh lên mạnh, lão lại giao dịch với bọn sảo quán La Văn Đờ, ngỏ ý muốn theo về cánh Pha Linh. Giờ, lão lại muốn kết thân với seo phải Phéc Bủng.
Đến cổng nhà seo phải Phéc Bủng, lý trưởng Giàng Súng quát bọn người vác củi xếp củi vào một góc sân, rồi đứng ở sân, tay vẫn cái ô đen e hèm đánh tiếng:
— Tiếng khèn, tiếng sáo ở đâu mà vang tới tận bên núi Can Chư Sủ thế không biết.
Seo phải Phéc Bủng gầy, đen, tóc bạc, miệng móm, mặc cái áo ca pốt xanh, lộp khộp đôi guốc, từ trong nhà bước ra, cất tiếng khàn đặc:
— Giàng Ly Trang! Mời vào, mời vào...
Quay lại phía sau, Giàng Súng cụp ô, lên giọng:
— Chúng mày về đem nốt củi sang nhé!
Cái sân tam hợp thổ phẳng lỳ bây giờ đang ầm ĩ tiếng người. Ba cái chảo to bắc ở cạnh sân. Khói bốc mù mù. Phía bên trái, một bọn con trai đang tập tòe nhảy múa khèn. Cạnh đó, bọn trẻ con đứng xem dưới một rặng đào lác đác hoa và mấy cây vông cằn, cao hơn đầu người. Ngựa, hơn chục con buộc ở phía trái nhà đang đá nhau lịch bịch và cắn nhau lộn xộn. Phía sau nhà, tiếng lợn bị chọc tiết rít thảm thiết.
Xếp củi ở góc sân nhà Seo Cấu xong, Seo Cả quay ra luồn vào trong xóm. Đã làm dâu ở nhà Seo Cấu, chị không lạ gì đường đi lối lại ở đây. Lát sau, bọn các cô gầu phàng và người ở nhà Giàng Ly Trang về hết, chị mới chạy đi tìm Pao. Pao nấp ở khu rừng tống qua sủ, thấy bóng Seo Cả, chạy ra.
— Anh Pao — Đội lại vành khăn, Seo Cả hổn hển: Lễ cưới làm to lắm. Thằng Seo Cấu lần này lên làm seo phải thay bố nó. Seo Ly khóc. Nó muốn theo con đường chết. Nhà nó nợ nhà seo phải, một năm rồi mà chưa trả hết. Bây giờ thế này, lát nữa anh theo tôi, tìm cách vào buồng cô dâu. Cô dâu vào buồng rồi, bọn khách còn ăn uống...
Mắt người phụ nữ bị khổ đau nhiều ánh lên tia hận thù.
Pao như sống trong ác mộng. Thỉnh thoảng Pao lại giật mình! Ta ở đâu thế này, ta làm gì thế này? Anh vác một bó củi, lùi lũi theo đoàn gia nô Giàng Ly Trang vào sân nhà Seo Cấu, thấy mình như một cái bóng không hồn. Trời đã tối. Lửa ở các bếp vàng ánh từng khối bùng bùng.
Pao ngồi cạnh đống củi ngút đầu. Cái sân đã bớt người. Khách đang ở trong nhà. Nhà seo phải Phéc Bủng năm gian, tường trình, lợp ngói cổ. Bấy giờ ở hiên đã treo hai cái đèn lồng. Một bánh pháo mắc lơ lửng ở giữa cửa.
Bỗng có tiếng chó sủa ngậu. Đám rước dâu đã đến. Họ đến chậm, vì tuy nhà cô dâu ở gần, nhưng cũng phải đi vòng vèo, rồi ngả cơm ở giữa đường ăn cho đúng lý lối.
Pao lẻn ra sau nhà. Anh lại như sống trong chiêm bao, nhất là khi tiếng pháo ở cửa nổ ran và Pao đã leo qua bức tường đầu hồi vào buồng cô dâu. Chao ôi! Trong đời Pao, chưa bao giờ Pao phải làm một việc như thế này. Pao đi con đường thẳng đã quen. Sao đời lại bắt Pao không được đi con đường thẳng? Lòng Pao tê dại, xót xa. Ngoài nhà bọn khách ầm ĩ cười nói. Nhiều tiếng lạ. Nhiều tiếng quen. Chúng nói về đám cưới, chúng nói chuyện Pha Linh, chuyện Việt Minh, chuyện Tây đánh Hà Nội, đánh Phong Thổ, đất phía tây tỉnh nhà.
Pao nhảy xuống đất, hai chân hai tay run lẩy bẩy, miệng lật bật Seo Ly! Seo Ly, Pao đến đón em đây. Anh phải đưa em ra khỏi chốn này. Cha anh đã nhờ ông mối sang hỏi xin em. Anh sẽ là chồng của em. Anh phải cứu anh và cứu cả em. Chúng nó là bọn người xấu xa, độc ác.
Pao bế cô gái, bước lên cái ghế. Anh loạng choạng.
— Seo Ly, bám vào bờ tường, đạp chân lên vai anh đây, có Seo Cả đón ở ngoài rồi, em đừng sợ.
Pao run từng thớ thịt. Kịch, cái gì đổ thế?
Bục! Một mảng tường rơi. Pao nhảy xuống đất.
— Có kẻ trộm! Có kẻ trộm!
Cánh cửa buồng bị đập mạnh. Tiếng một người la hốt hoảng. Rồi một bóng đen ập vào, xô tới Pao. Pao đấm mạnh vào ngực nó. Một cái bóng nữa nhao lại. Cái ghế phang trúng vai nó. Pao đấm tay, Pao đá chân. Tiếng Seo Ly rú kinh hãi. Pao đạp cái cửa sổ. Nhưng bốn, năm cái bóng nữa đã sáp gần người Pao, hò reo hỗn loạn:
— A, nó định cướp cô dâu!
— Có đứa con gái ở sau nhà! Bắt! Bắt!
— Đ. mẹ, dám trêu gấu hả?
— Trói chặt nó lại!
— Đem nó lại đây!
— Hừ hừ... Đ. mẹ, đưa nó ra đây xem mặt nào.
Pao bị đè sấp dưới đất, hai tay bị bẻ quặt ra sau. Rồi bị kéo dậy. Ngoài buồng, có tiếng một lão già khàn khàn:
— Đưa nó ra trói ngoài cây vông kia! Xử sau! Làm mất cả vui!
Pao bị đẩy mạnh. Anh ngã giập xuống sân. Rồi lại bị kéo dậy. Đầu, mặt anh ê ẩm, tối sầm vì những cú đấm, những cái tát. Lát sau anh bị trói vào một gốc cây vông.
Trời tối đen thui. Lóe sáng những vòng đèn pin xanh lét. Mắt Pao chói lòa. Trán anh rớm máu. Chộn rộn trước mặt anh những cái mặt rượu.
— A! Trông mặt thằng này quen nhỉ?
— Há há, mày định cướp vợ ông seo phải Seo Cấu hả?
— Chung cào nả *! Nó là quan Việt Minh đấy!
— Thằng này à?
— Châu Quan Si, Lèng Sì Trà ơi, thằng này nó theo Việt Minh.
— Này, mày có biết chúng ông là sảo quán của La Văn Đờ bên Pha Linh đến làm đám cưới cho sảo quán Vàng Seo Cấu không?
— Thằng này phải giết! Nó là kẻ thù của ta!
— Cho ngựa kéo xác nó, anh em ạ.
Chập choạng một cái mặt đỏ cháy lừ đừ đi đến trước mặt Pao. Pao nhận ra nó. Nó có cái đầu trọc lốc, bộ ria chum chủm, hai cái răng vàng. Nó là Lử. Nó say mê mết, giọng nó chuếnh choáng:
— Đ. mẹ... thằng này có lần nó đánh tôi... Nhưng để nó đấy, uống rượu đã, không mất vui. Đ. mẹ, thằng này phải cho ngựa kéo.
— Ngựa kéo xác mày!
Bốp! Pao nhận một cái tát lệch mặt, đau điếng. Nước mắt Pao ứa nhòe. Như có cái dùi nhọn đâm suốt từ mũi lên óc Pao.
Bọn hành hạ Pao đã kéo vào trong nhà. Tiếng chúng cười, nói ầm ĩ, lọt ra cửa tới ngoài sân. Hai cánh tay Pao, bị trói chặt đau nhức. Cây vông cụt cao hơn đầu Pao thân bằng bắp tay Pao, cọ vào sống lưng Pao đau rát.
Trời lất phất mưa hay sao mà má Pao ướt. Không! Pao khóc. Nước mắt nhục nhã, nước mắt uất nghẹn dồn lên vành mi, ào ra hốc mắt, tràn xuống má Pao. Sau lần khóc chị Pàng, một lần nữa Pao khóc. Những khổ đau của những người khác đã nhức nhối lòng Pao, giờ đây hòa với nỗi đau đớn, oán giận của chính Pao, thành nỗi căm uất đang dâng lên đỉnh cao chất ngất, căng đầy lồng ngực Pao, ngực Pao sắp vỡ tung. Bật dậy trong từng bắp tay, bắp chân Pao nỗi hờn căm thúc giục Pao phải dứt khoát. Phải, Pao không thể nấn ná, chần chừ! Cái vạch chia đôi đã rõ ràng rồi!
Những đớn đau, những uất tức mỗi lúc một căng nhức người Pao. Cái chết của chị Pàng. Tiếng khóc của ông lão Pâu. Cảnh ngựa kéo xác bố hai anh em Seng — Tếnh. Ông bố mù của Mìn với hai con mắt chết vì thổ ty họ Nông... Tất cả các nỗi uất đau ứ đầy trong Pao, chúng đòi phải bộc lộ. Pao cựa quậy. Sức Pao căng tức trên hai chân, trên sống lưng, trên hai cánh tay bị trói. Dồn lên ngực Pao, hai bả vai Pao sức lực ẩn náu tiềm tàng như từ tiền kiếp Pao. Đất dưới chân Pao rung nhè nhẹ. Lựt phựt tiếng rễ cây đứt và cuối cùng, chính Pao cũng bị bất ngờ vì sức mạnh ghê gớm của chính mình. Lòng căm thù, sức quật khởi, của tất cả những thống khổ đòi được thể hiện đã cùng Pao gồng dậy, nhổ bật rễ cây vông lên khỏi mặt đất.
Hai tay vẫn bị trói quặt đằng sau, cây vông cụt dính sau lưng, Pao luồn theo chái nhà, lẻn qua cổng nhà Seo Cấu, chạy thẳng ra khu rừng tống quá sủ.
Gần tiếng đồng hồ sau, Pao về tới nhà. Anh đứng ở sân gọi thằng Pùa. Thằng Pùa chạy ra, kinh ngạc:
— Anh làm sao thế? Anh bị chảy máu kìa!
— Nói khẽ chứ, em Pùa. Lấy con dao cắt hộ anh dây trói. Rồi em lên gác lấy cho anh khẩu súng xuống đây. Đừng để cha biết, cha lại buồn, cha lại lo.
Lát sau, đã không còn vướng víu cây vông và đám dây rợ lằng nhằng ở sau lưng nữa, đeo khẩu súng vào người, Pao xoa đầu em, nghẹn ngào:
— Em Pùa, em cất hộ anh cây vông này lên gác bếp. Cất kỹ cho anh. Anh đi đây, em Pùa ơi! Hai anh em ta không được ở với nhau nữa rồi! Anh mong em Pùa của anh ngoan ngoãn, giúp đỡ cha già yếu. Rồi anh sẽ về! Em Pùa ơi!
Nước mắt Pao nhòa hai con mắt. Pao ôm thằng Pùa rồi gạt nước mắt, nghiến răng bước ra cổng. Anh xuống châu tìm đến ông lão Pâu coi kho muối.
Ông lão Pâu tay đeo cái băng đỏ, nhìn Pao, hoan hỉ:
— Ôi! Lão biết, thế nào cháu cũng ra châu thăm lão mà. Cháu có súng đẹp quá. Ai phát cho đấy. Lão trông kho muối mà chưa có được phát súng đâu. Thôi, cứ ở đây với lão, ở đây, nhiều chuột to lắm.
— Chuột nó ăn muối ạ, cụ?
— Chuột! Chuột nó mặc áo người ấy. Trâu thèm muối thế nào, chúng nó thèm muối thế ấy, cháu à. Đêm nào lão cũng thức. Thức để canh gác mà. Chúng nó thèm muối rỏ dãi ra đấy, cháu à. Dà dà... không ăn cắp được chúng lại ỉa bậy ra đây chứ.
Ông lão Pâu cười. Mới ra đây có ít lâu mà ông lão đã hồng hào trẻ hẳn lại. Hai cái răng cửa còn sót cứ phô ra trong ánh cười. Và cái bìu chỉ còn nhỏ bằng quả trứng cứ nhoay nhoáy. Chẳng bù với hôm vừa ăn thịt lợn vừa khóc.
Pao nghĩ: “Tạm ở đây với ông lão. Ngày đi thồ thuê, đi bán công, tối về gác kho muối. Cán bộ Kiến ra tỉnh họp về sẽ gặp rồi xin đi bộ đội. Không thì ra tỉnh gặp cán bộ Chính”.
Ông lão Pâu vác cái xẻng ra cạnh nhà. Pao đi tới giằng cái xẻng:
— Để cháu hót bùn ở rãnh cho.
— Ừ, lão cũng hót. Sắp có mưa nhiều rồi. Nước nó tràn vào, ướt hết muối đấy.
Pao đẩy lưỡi xẻng theo vệt rãnh. Cái kho muối to, vuông, bốn bề xây đá. Đó là cái kho muối của thổ ty Hoàng Văn Chao, Kiến mới tịch thu, đuổi lão quản lý thọt của Chao về, giao cho ông cụ Pâu trông nom.
Pao đi hết một vòng rãnh, bỗng dừng tay dẩy. Có tiếng chân ngựa nện cộp cộp ngoài sân và tiếng ông lão Pâu quát: “Sao lại vào đây?”. Pao chạy ra.
Trên cái sân nhỏ, ba con ngựa đang quẩn một vòng tròn, vây ông lão Pâu ở giữa. Cưỡi trên một con ngựa trắng đốm xám là Hoàng Văn Tường. Bụi phủ một lớp đỏ trên cái áo va rơi dạ xám của hắn. Hai con mắt hắn quầng quầng, đo đỏ.
Pao kéo khẩu poọc hoọc ra cạnh sườn.
Tường giật cương, con ngựa co chân. Ông lão Pâu thét, vung cánh tay đeo cái băng đỏ:
— Ra ngay, không được làm loạn ở đây!
Con ngựa trắng đốm xám vụt qua mặt Pao. Tường rít trong tiếng roi quất:
— Đúp pú mung *! Cóc nhái sinh sôi nẩy nở ở đâu ra mà lắm thế!
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe