Reading means borrowing.

Georg Christoph Lichtenberg, Aphorisms

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 20
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Năm - Chương 1
ặc tất cả những biến động đang từng giờ từng phút diễn ra với con người, mùa xuân theo sự tuần hoàn của trời đất, với tất cả sức mạnh màu nhiệm và kỳ lạ của nó, vẫn êm ả trở về làng H'Mông Can Chư Sủ trên núi cao.
Trời thoáng ấm. Gió vẫn rồ, nhưng đã bớt sương giá và trong không gian, một phút nào đó đất trời đang bâng khuâng, bỗng rộn lên tiếng con chim én tránh rét trở về, chao cánh vun vút, phô cái ức trắng nõn. Én lại về tha rác luyện với nước dãi làm những cái tổ xinh xinh trên hốc vầu đầu hồi mỗi căn nhà. Ở những đám cỏ bị sương muối đốt cháy hoen hoen màu gỉ sắt, mầm cỏ non nhỏ bằng cái đầu tăm đã lấm chấm nảy, xanh rượi, trẻ trung. Mặt ruộng trống hơ trống hoải sau ngày gặt mùa, ngày nào còn đóng băng, láng phẳng như lát kính, nay chỉ còn âm ẩm và những chồi cây khúc xanh xanh đã bật dậy khỏe mạnh như những cái mầm đá.
Can Chư Sủ qua mùa mưa ướt. Mái nhà đầy rêu hong dưới trời ấm bốc hơi ngút ngát. Cây soán sử thôi không rắc sương. Khói bếp đã nhìn rõ từng vệt mỏng mảnh. Đàn chó rời bếp, đi đi lại lại ngoài sân, chạy nhởn ngoài nương. Những con lợn béo cũng ục ịch leo qua dóng chuồng, ra vườn, chịn mông vào những gốc đào già gãi ngứa, kêu ịt ịt khoái trá. Mùa xuân hào hứng từng ngọn cây. Lá xanh chưa mở con mắt, nhưng những cành đào khẳng kheo, xám mốc suốt cả mùa đông, nhạy cảm với tiết xuân, lại đã bật lên những nụ hoa, thoạt đầu chỉ như cái chấm nhỏ rồi ngày qua bụ dần, mòng mọng, hồng hồng.
Mùa đông, lúc trời đổ ba gáo nước lạnh xuống trần gian, đã qua. Giờ, trời đang trút xuống trần gian ba gáo nước ấm. Mùa xuân đã về.
Tết H'Mông đã tới. Lại như mỗi cái tết của đời người đàn ông, đàn bà vất vả quanh năm, nhìn vào cái tết như nhìn thấy một niềm vui an ủi. Bố vất vả, chờ ngày tết đón anh đón em. Mẹ cực nhọc, mong ngày tết đón bè đón bạn. Cái tết sum họp, cái tết mở đầu năm mới với bao ước ao hy vọng đang tới. Tranh tết, giấy đỏ viết điều mong ước dán đầy cửa, đầy liếp.
Chiều ba mươi tết, Pao mới theo ngựa thồ về tới Can Chư Sủ. Nhà lạnh như hang đá. Bà Xóa đã mất. Lử không thấy mặt về. Cả nhà chỉ còn hố pẩu, Pao và thằng Pùa.
— Pao, gọi thằng Pùa về đi, con.
— Để con giúp cha.
— Thôi, mình cha làm cúng cũng được. Nhà mình năm nay không có lợn, cúng không làm to được đâu.
Hố pẩu nói khe khẽ, như cố giấu nỗi buồn tủi. Nhà nghèo. Còn bao nhiêu tiền bạc dành dụm được thì cái đám ma của bà cụ cuốn đi hết. Trâu một con, lợn ba con. Bà cụ hưởng thọ hơn trăm tuổi, đó là cái phúc lớn cho gia tộc rồi. Bà cụ về, cũng là lúc đã đến cõi, nhưng vắng bà cụ mới thấy thiếu. Bà cụ mất, nhà trống tênh trống toang. Hố pẩu phải đi kéo củi. Con lợn không còn ai nuôi. Chuồng bỏ không, dỡ ra đốt dần.
Bàn thờ đã bầy xong. Hương đã thắp. Hố pẩu ngước lên cái bàn thờ chỉ có hai chồng bánh gù, lòng chợt ắng lặng và nước mắt lại muốn ứa tràn.
“Thôi thì tổ tiên, ông bà cũng xá tội cho con cháu”. Hố pẩu nghĩ, tay với cái cành trúc gài ở bếp. “Ma tà, ác quỷ, năm nay ám ở nhà này, hãy đi đi”. Phạch, phạch... Cành trúc phất, đập. Cành trúc phất trên vách, đập trên gác bếp, khua dưới gậm giường, quét quáy nơi xó cửa. Phạch, phạch... Mồ hóng rơi, bụi bặm tan, rác rưởi ra. Cái ác, cái xúi đi đi!
Phạch, phạch... Lá trúc quất trong gió cuộn theo tiếng hố pẩu lầm thầm:
Tôi không quét vía mẹ vía cha
Tôi không quét vía con vía cháu
Tôi không quét vía gia súc, gia cầm
Tôi không quét vía mùa màng, nương rẫy
Tôi quét đường ốm đường đau, đường chết chóc
Cho nó theo đường buôn bán mà đi...
Pao dẫn thằng Pùa về tới cổng rào đá thì thấy cha cầm cành trúc, đang chậm rãi bước ra sân. Ông đi về phía tay trái, nơi mặt trời lặn, dừng lại, vung tay ném cái cành trúc, miệng nói to:
— Đi khỏi nhà, không trở lại nữa nhé!
Pao kéo tay thằng Pùa. Nó chùn lại. Pao gắt khẽ:
— Ngày tết ở nhà chứ, như con dê cả năm à!
Thằng Pùa đứng lại, phụng phịu. Văng vẳng tiếng lợn rít, tiếng bò rống, tiếng gà quang quác trong làng.
Bấy giờ là lúc cúng gia tiên, sơn thần, thổ địa. Hố pẩu bưng cái mẹt trên đặt con gà luộc, mấy bát cơm, mấy quả trứng. Pao đặt cái ghế xuống sân. Cái mẹt đặt lên ghế. Hố pẩu châm hương, nét mặt đã đỡ phần buồn tủi:
— Pao à, rồi khéo chỉ còn có con lớn ở nhà thôi, phải học cúng đi để ông bà, tổ tiên về hưởng gà, hưởng trứng, năm mới phù hộ cho con cháu không bị rắn cắn, hổ vồ, đi núi không bị dây quấn, xuống khe không bị dây quàng...
Pao đứng sau cha. Hố pẩu đứng trước mâm cơm cúng đã đèn nhang nghi ngút. Rất xa, hình như có tiếng pháo nổ. Pháo nổ hay súng bắn? Pao thấy thằng Pùa chạy vụt đi. Tiếng hố pẩu khấn lầm rầm, đứt nối...
— Mời ông bà, tổ tiên... bịt mồm kẻ gây vạ... Cái ác, cái xúi theo đường buôn bán mà đi... Cơn binh lửa nổi rồi tan... Anh em họ hàng khăng khít... Như đai thùng không rời thùng gỗ thông...
Tận tối mịt thằng Pùa mới về. Pao và cha đang ngồi ở bếp. Thằng Pùa ngồi xuống cạnh Pao.
— Anh Pao à, nhà ông Giàng Ly Trang lấy ở gác xuống cái nồi to lắm.
— Làm gì?
— Nấu cháo. Ông ấy còn thuê người lấy về một cây vầu dài làm cây nêu.
Hố pẩu đang xoay miếng cao chè trên đống than mới cời trước lò, ngẩng lên:
— Người ta có của, người ta đứng ra mở hội gầu tào cầu may, lại càng được may.
Pao chống gối đứng dậy, tự nhiên thấy buồn quá. Trời đêm mù mịt. Pao đứng ở cửa, thoáng rùng mình. Cái cối xay từ ngày chị Pàng chết, vẫn nằm đó, cái tay cối vẫn ghếch chéo như từ hồi ấy. Xác chị Pàng như vẫn còn đặt ở cạnh bếp. Bắp tay Pao như có vết răng chị. Khốn khổ! Cả đời người không được ai yêu thương, bà Xóa chết, cũng nằm đúng chỗ chị Pàng nằm. Người chết có hóa hổ được không? Chin chết, nằm ở ngoài thị xã, sẽ hóa hổ trở về làng ư?
Hố pẩu vẫn ngồi ở trong bếp. Chè vụ một chưa hái được, phải uống cao chè để dành. Bát nước đỏ đậm, bốc hương thơm dịu, tỏa ấm tâm trí. Hố pẩu nghĩ ngợi gần xa.
Pao leo lên gác. Một lát sau, anh đang lục cái địu thì thằng Pùa leo lên, bò tới. Nó kêu khẽ:
— Anh Pao, anh có súng à?
— Im!
— Súng thật rồi! Đẹp lắm!
— Mày lục hả, con chuột nhắt?
— Không, hôm nọ con gà đẻ, em lên tìm trứng, em thấy.
— Chết đấy! Mày mở cái miệng nói với người nào là mày muốn anh Pao chết đấy. Nhớ lời tao chưa?
Pao kéo khẩu súng từ trong địu ra: khẩu poọc hoọc. Các ông thổ ty Mường Cang biếu Chính, Chính cho Pao. Bọc ngoài một lượt vải đỏ, bao gỗ còn vàng bóng và khẩu súng bên trong còn ánh lên sắc thép lạnh, hôi hôi mùi dầu.
— Úi cha!
— Suỵt!
— Hôm nọ em thấy, có một người đến nhà ta cũng đeo khẩu súng như thế này.
— Ai!
— Không biết tên. Có cái sẹo dài ở mặt. Đến hỏi anh Lử, rồi nói: Về Phéc Bủng đây!
Pao cất khẩu súng, dặm lại ổ rơm, kéo thằng Pùa cùng nằm xuống. Gác bếp nhà người ta nấu nướng nhiều khói um. Gác bếp nhà mình không khói, thông thoáng dễ chịu quá. Thằng Pùa cựa mình loạt soạt.
— Anh Pao này!
— Gì?
— Năm nay, anh đi ở rể... thì ở nhà còn có một mình em.
— Ai bảo mày thế?
— Cha nói thế.
Pao ngồi dậy. Lòng bỗng xốn xang, năm mới, có cái gì ở trước mặt, cứ phấp phỏng, không hiểu rủi hay may, sướng hay khổ, hay một cuộc đổi thay, đảo lộn chưa từng có.
Ôm vai thằng Pùa, thốt nhiên Pao thấy thương nó bé bỏng:
— Pùa à, năm mới, chóng lớn lên, mười phần anh đi ở rể chỉ chắc hai thôi. Nhưng chắc là anh không ở nhà đâu. Pùa ở nhà với cha.
— Anh Pao đi đâu?
“Anh Pao đi đâu?”. Thằng Pùa hỏi, đay đi đay lại. Pao không biết nói với nó thế nào. Dưới nhà, hố pẩu vẫn ngồi bên bếp lửa. Đèn thắp sáng trưng gian giữa.
Đèn thắp sáng trưng gian giữa suốt ba ngày tết như tục lệ tổ tiên. Đèn thắp như chờ đợi, như nhớ mong ai. Hố pẩu ngồi dưới ánh đèn, chòm râu xác xơ không rung động, thắc thỏm nỗi nhớ, nỗi mong. Lử vẫn chưa về. Đứa con lớn thứ hai, nay là thứ nhất trong nhà, sao vẫn chưa về? Hố pẩu không ưa tính Lử. Nhưng Lử là con của hố pẩu, ngày tết nó phải về. Và hố pẩu vẫn nhớ mong nó.
Ngày mồng ba, vừa sáng, hố pẩu còn đang nấu nước uống thì Seo Cấu tới: “Chào bác ạ, anh Lử vẫn chưa về hả bác?” Nhìn cái mặt sẹo của thằng ấy, hố pẩu lo bời bời, lại càng mong đợi Lử về. Nhưng, hễ cứ nghĩ đến Lử lại thắc thỏm, sợ hãi. Nhà có hai đứa con lớn, mỗi đứa đi một con đường. Sự chia rẽ đã bắt đầu có ở ngay trong nhà này rồi? Nỗi lo sợ càng hiện rõ trong mấy ngày tết. Quanh các bếp lửa, người đi xa về, chuyện trò râm ran. Rộ lên tin đồn bên kia Pha Linh, ông Đờ đang lập nước H'Mông.
Năm ngoái đã bàn định, Giàng Ly Trang bằng lòng ly khai thổ ty Hoàng Văn Chao rồi. Nay lại thôi. Hình như không ai bảo được ai nữa. Một hồi nghe nói ông Chao được làm phó chủ tịch tỉnh. Ông Chao theo Việt Minh. Rồi một hôm lại thấy ông lý trưởng Giàng Súng dẫn con bé cháu Seo Váy, vợ của quan tư Phô-rô-pông chạy sang Vân Nam hồi nọ, đi xuống châu. Và cán bộ Kiến, bấy lâu quen thân với người Can Chư Sủ, ngày tết ở bên Phéc Bủng nói: Việt Minh nhất định đánh tan xâm lược Pháp. Người sửa soạn theo sang Pha Linh. Người đón lời chỉ bảo của Giàng Ly Trang. Người nghe theo cán bộ Kiến. Một dòng họ chia ba. Cái họa giặc giã, phân ly chập chờn ở trước mặt rồi. Rồi cái họa ấy chẳng còn chập chờn nữa. Ba ngày tết, chẳng sợ dông cả năm, đã có đám cãi, chửi nhau. Hố pẩu là người gốc của dòng họ tới hòa giải. Hóa ra hai anh em con chú con bác suýt đánh nhau vì anh đòi đi với ông Đờ, em đòi đi với Giàng Ly Trang. Xử thế nào? Chịu! Kê H'Mông kê lý. Đường người H'Mông đường lý. Đâu là đường người H'Mông?
Nỗi lo ám ảnh đủ mấy ngày tết. Vẫn là có hội gầu tào, trai gái hát, có con trai chơi tù lú * con gái chơi tâu tí * mà cái vui không đậm. Quả cầu lông gà quay quay phân vân trên trời.
Nhà quạnh vì vắng người. Hố pẩu lo nghĩ rầu rầu cả nét mặt. Thằng Pùa chưa biết lo, chạy đi chơi suốt. Pao không đi đâu. Ngày mồng hai tết, Pao phải phục dịch đám khách đến nhà. Ba người thì hai người họ gần, một người nữa là lão Sếnh hay kể chuyện người hóa hổ. Nghe nói, hố pẩu định mời họ đi làm ông mối cho Pao.
Sang ngày mồng bốn hoa đào nở bung, nhưng hương vị tết đã nhạt lắm rồi. Pao dậy sớm, chải lông cho ngựa hồng, định dẫn nó đi thồ thuê thì hố pẩu đang nấu nước, ngoái cổ ra gọi.
— Pao à, hôm nay đến lượt nhà mình đi cày ruộng công đấy!
Pao bỏ con ngựa, bước vào hiên:
— Ruộng công nhà ông Chao à, cha?
— Ừ.
— Sao bảo bỏ lệ ấy rồi? Lại vẫn theo Hoàng Văn Chao à?
— Bỏ đâu! Hòn đá ở đâu vẫn ở đấy thôi! Giàng Ly Trang hôm qua xuống châu về, nói thế.
Pao vào nhà, thúc thằng Pùa dậy, bảo nó đi thả ngựa rồi ra chuồng, vác cày, dắt trâu đi.
Trước cửa nhà Giàng Ly Trang có gần chục trai làng đang đứng cạnh một cây đào hoa nở đỏ hoe. Xem chừng mọi người đang bực. Năm ngoái nói: Ly khai thổ ty Chao, sao giờ lại đi làm cho ông ấy? Giàng Ly Trang là con dũi có ba đường vào hang à? Pao vác cày, bước vào, hỏi một người trai mặt rỗ. Người nọ lừ Pao một cái, rồi lại quay vào nhà Giàng Ly Trang, nói to:
— Tôi tưởng cái kiếp con giun, con dế thế là hết rồi chứ!
Trong nhà Giàng Ly Trang đang có đám cúng. Tiếng chập choeng lanh lảnh, tiếng thẻ xin quẻ gieo choanh choách. Người nọ lại gào một hơi nữa. Bấy giờ, ông lý trưởng Giàng Súng mới bước ra, mặt dài lắc lắc, miệng kêu ài ài:
— Dà dà... Trời mưa, nước chảy xuống, nước đi, đá còn lại. Đường cũ thế nào cứ đi đi đã, ở với ai, sống với ai, làm với người ấy chứ! Bỏ sao được!
Pao không nghe hết lời ông Giàng Súng vì bấy giờ có tiếng người vừa gọi tên anh. Anh quay lại. Đám gái gầu phàng, bốn năm cô ở nhà lý trưởng vác ống nước, từ bên trái nhà vừa đi qua. Một cô đứng lại, mặt xanh nhợt, cái khăn hoa lệch, chạm vệt mày đen nhánh bên trái.
— Seo Cả! — Pao khẽ gọi.
Người phụ nữ nhấc ống nước lên vai, quay đi:
— Lúc rảnh, cho tôi hỏi chuyện này nhé, anh Pao.
Pao quay lại. Ông Giàng Súng đã vào nhà. Đám trai làng vác cày lên vai, hậm hực bước theo sau trâu.
Đám ruộng của thổ ty Chao ở dưới chân núi, cạnh một con suối nhỏ. Đám trai cày tản ra, chọn mỗi người một mảnh.
Pao chọn mảnh to nhất, định cày ba ngày cho xong, Pao mắc cày vào trâu, quát một tiếng “mổng” *, con trâu nhún chân, nhoài cổ, miết dây.
Dưới thấp, ấm hơn trên làng. Và trời đang rạng ra. Pao chạy theo con trâu, lúc bên phải, lúc bên trái cái cày, người rạp xuống, mềm mại. Đất mùa xuân nở bục bục, đổ rào rào về một phía, nâu tươi, thoáng có hơi sương. Trời cao bổng, lặng lẽ và bình yên, lôi cuốn hồn người, quen thuộc như ngàn xưa vẫn vậy.
“Trời mưa, nước rơi xuống, nước có chân nước đi rồi. Đất không có chân, đất ở lại”. Lại vẫn đất này. Lại vẫn khoanh ruộng này, hết Lử cày, lại đến Pao cày mỗi năm mười ngày, từ lúc mười ba tuổi, hết tuổi trẻ con. Lại vẫn là Pao, năm ngoái mười chín, năm nay hai mươi, to, khỏe, hiền lành, với con trâu và cái cày.
Vậy là sau những ngày biến động ồn ào, rầm rập, con trai lên ngựa, cắp súng đi đánh Quốc dân Đảng, Pao lại trở về làng, lại dắt con ngựa hồng non tuổi đi thồ thuê, lại vác cày đi cày công không cho quan châu Hoàng Văn Chao, nay là phó chủ tịch tỉnh.
Pao đã về làng được gần tháng. Đánh Quốc dân Đảng giải phóng tỉnh lỵ xong, lẽ ra Pao được anh Chính cho vào bộ đội Vệ quốc đoàn. Thì hố pẩu nhắn ra cho gọi Pao về: Bà Xóa sắp chết rồi. Pao đeo khẩu poọc hoọc về làng, tưởng rồi lại ra đi. Bà Xóa chết. Chết trong khắc khoải, tay còn đang sờ tay Pao thì bà chết. Tang lễ cho bà xong, đã nghĩ đến khẩu súng đeo bên sườn đi. Nhưng sự đời thật chẳng dễ. Hố pẩu buồn dụi. Năm nay, chịu hai cái mất của người thân: Chị Pàng, bà Xóa, lại nghe tin Lử hư thân mất nết, thật quá sức. Pao đi, còn ai? Lử vẫn không thấy bóng thấy hình. Giàng Ly Trang có ý can ngăn Pao ra mặt. Đi với người ngoại tộc, dễ quên lý lối dân tộc đấy. Tết đến rồi, không ở nhà cúng tổ tiên sao? Thời buổi loạn lạc này, đi xa nhà, chết ở bên ngoài, không đưa vào nhà làm ma được như Chin, không về với tổ tiên được đâu! Mà cháu cũng lớn rồi, Pao ơi, năm nay thành chim cu có đôi đi thôi.
Trăm cái níu kéo. Một ngày ở lại, quen đi. Hai ngày ở lại, quen đi. Và công việc thì cứ sùng sục tới. Thả con ngựa xuống bờ sông Chảy, chất hàng lên nạng thồ cho lái buôn, rồi đuổi ngựa ngược dốc về. Người rộc rệch vì hết hơi đằng ngực. Mồ hôi lúc nào cũng ướt tóc. Đói, khát chỉ có khe nước bên đường. Hai bàn chân dày ụ lên chai đá. Ngày nào cũng vậy, ba mươi cây số xuống dốc, ba mươi cây số lên dốc. Sức trai đang lớn cũng bã. Nhưng không thế không có tiền mua cái áo, cái khăn, nhúm thuốc lào, đấu muối, ve dầu, bao diêm cho hố pẩu.
Pao cắm cúi đẩy cày.
Mặt trời lên giữa đầu. Mặt trời ngả cạnh sườn. Ngó lên, thấy họ về cả, anh lại cúi đầu giật con trâu đi tiếp: “Cố cày cho xong, mai còn đi cày nương nhà”.
Trời xanh ngả hung hung màu lá bàng héo. Con trâu đã phì phò, mép trắng bọt nước. Pao tháo cày. Đất cày nằm cuồn cuộn từng dòng, nhìn sướng con mắt. Nghĩ ức vì mình làm hầu cho Hoàng Văn Chao, nhưng vui vì sức còn dai, vì chính tay mình làm nên.
Con trâu ra khỏi ách, lồng ra bờ suối. Con suối uốn những nét mềm mại giữa hai bờ cỏ xanh rười rượi, rải rác khóm mua rừng. Gió thổi mơn man. Khoảng đồng chân núi nhấp nhô đá tảng thoáng bóng sương.
Pao lội ào xuống suối, định tắm, lại trở lại bờ, nhặt cái áo chàm. Trời chiều bâng khuâng. Sương đang dâng lãng đãng mấy vệt xa. Gió lay động khóm mua, chập chờn tiếng sáo ngang.
Tiếng sáo như những đôi cánh mềm vẫy vẫy:
— Pừ lê lê... Pừ từ từ...
Em là con gái Mèo hoa
Bước chân em thoăn thoắt như chim gùa trên cành
Em đi tìm dòng suối trong
Tắm sạch từ làn da tới tận cõi lòng
Pừ lê lê... Pừ từ từ...
— Seo Ly! — Pao khẽ reo, cầm cái áo, lội qua khúc suối cạn.
Seo Ly tựa sườn hòn đá, hai chân duỗi song song. Tiếng sáo nắn nót. Đàn bò vàng đang gặm cỏ ở bên này suối.
— Anh Pao!
Sáo ngừng tiếng. Seo Ly ngẩng lên. Mặt hình quả đào, hai má màu vỏ đào chín. Tóc mượt như lông chim câu. Hai cánh tay thon biết nắn tiếng sáo, biết thêu hình tròn xoáy ốc trên váy, trên áo, biết đuổi con bò đi chăn thuê, biết cầm cuốc đi làm cỏ nương.
— Seo Ly à, tết anh bận tiếp khách, bụng muốn sang Phéc Bủng mà chân không đi được.
— Ba ngày tết em cũng phải đi vác nước cho nhà seo phải.
— Seo Ly à, cha anh đang chọn ông mối để sang thưa chuyện anh xin cưới em làm vợ với bên nhà em rồi đấy!
Pao thở rộn rực. Seo Ly, về làm dâu nhà anh, em chẳng để cái chảo có ba tầng muội nhọ. Về làm rể nhà em, anh đẩy cày băng băng, không cho cỏ tế mọc trên rẫy, trên nương. Ta sẽ sống đời đời kiếp kiếp bên nhau, như cây đào, cây mận, chung một mảnh đất. Ta nghèo, không có lợn, ta mổ quả bí làm lợn ăn. Ta yêu nhau hết tháng. Ta thương nhau cả năm. Ta đem cho ta cái vui cái sướng.
Đàn bò vàng nghển cổ, thũng thẵng cái yếm vải muốn nghe lời Pao nói. Gió huýt yếu đuối, nhường tiếng con tim Pao đập.
Seo Ly cười, răng đều hạt bắp. Seo Ly đang ở trên ngọn cỏ lắt lay. Pao nắm tay Seo Ly.
— Em à, mai anh lại cày ở đây, em đưa bò ra đây thả nhé.
Seo Ly gật đầu. Mắt vẫn ngước nhìn Pao.
Chiều hôm sau, mặt trời còn trên đỉnh núi Can Chư Sủ, Pao đã về tới làng. Mặt Pao sầm tối, hai con mắt xếch như hai cái lá héo. Đã buồn vì không thấy Seo Ly đem bò ra thả, thằng quản gia nhà thổ ty Chao lại ra hạch, không nhận số đất đã cày cố hôm qua để trừ cho một ngày, cứ bắt đủ mười ngày cày. Đã vậy, thì cày cho nó một mạch rồi về. Đường về là đường buồn đường bực thì gặp Seo Cả đi vác nước, Seo Cả hỏi: Con ngựa của anh Chin đâu? Con ngựa ấy em mượn của ông Giàng Ly Trang, nay ông ấy đòi em. Chết thôi! Pao ngơ ngẩn: Con ngựa Chin cưỡi đâu nhỉ?
Pao leo qua rào, vào sân.
Thằng Pùa phốc từ cửa nhà ra:
— Úi, anh Pao, các ông mối về rồi. Cả anh Lử cũng về rồi, đang ở bên nhà Giàng Ly Trang.
Pao không đáp. Qua gian giữa, thấy mấy ông mối đang ngồi uống nước, anh rẽ vào buồng. Căn buồng tối om. Đó là nơi xưa bà Xóa nằm. Chỉ có mấy phên vầu trên trải rơm sóng, đặt trên bốn cái chân cột ngoãm chôn dưới đất.
Pao nằm ịch xuống giường, hồi hộp, bồn chồn, bực bội trộn lẫn thành một cảm giác khó chịu, bứt rứt.
— Anh Pao à!
— Đi chơi đi, Pùa!
Mặt Pao sực hơi thở của thằng em, nó ghé xuống mặt Pao:
— Anh Pao à, anh Lử về, mang một bọc tiền to lắm.
— Ừ, đi chơi đi nhé!
Thằng Pùa tọt ra ngoài buồng. Căn buồng chỉ còn có Pao. Chuột rúc chút chút trên mái, chạy rìch rịch, cắn nhau chí chóe dưới gầm giường. Có tiếng người nào kêu: “Được rồi, vớt ra” ở phía bếp. Pao nằm im.
Bên ngoài, có tiếng lão Sếnh lé nhé:
— Làm đủ mọi lý rồi. Nhưng họ thách cao đấy, hố pẩu.
Như nằm phải gai, Pao nhổm dậy. Bên ngoài hố pẩu chặc chặc lưỡi:
— Chết thôi, que thách mười hai vạch. Cao thế! Nhiều thế! Lão Sếnh cười he hé:
— Không cao nhiều đâu. Bỗng dưng được một người về làm, mất có một trăm hai mươi đồng bạc trắng, một trăm hai mươi cân thịt, hai nhấc tay rượu còn gì!
— Hố pẩu ơi, từng ấy không nhiều — Tiếng một người trong họ gần — Còn phải sắm sửa cho cô dâu, đền ơn vú sữa cho mẹ nó, đền ơn bà ngoại nó, rồi còn phải biếu các cô phù dâu nữa cơ mà.
— Đây rồi! Đây rồi! — Chợt lão Sếnh reo, lão vừa ở trong bếp bước ra- Hợp số, hợp tính rồi, xương đầu gà hồng trắng không có vết là tốt đẹp, chân gà chụm là sum họp bền lâu đấy.
Pao thở một hơi thật dài. Hố pẩu nói khe khẽ. À! Sẽ đi vay Giàng Ly Trang. Vay nặng lãi đấy, nhưng đành phải vậy thôi, vì không muốn để buồn phiền cho lòng con trẻ. Pao đặt chân xuống đất. Được, Pao sẽ lại đi thồ thuê, đi bán công, đi cày thuê. Vụ này gắng trồng thêm cây thuốc nữa.
— Anh Pao!- Thằng Pùa lại luồn vào buồng, thở phì phò, phồng bong bóng mũi- Anh Lử về rồi! Có cả người mặt sẹo. Nhưng người ấy lấy ngựa đi rồi!
Pao ra khỏi căn buồng, len lén đi ra cửa, bước ra sân, vòng về phía chuồng ngựa. Lử ngồi ở đầu hồi. Không nhìn thấy mặt hắn vì hắn đang cúi gục, xõa tóc, hai tay quài trên đầu, tay phải cầm con dao trắng toát như dao mổ, nạo tóc. Gáy đã trắng hếu như da lợn cạo một mảng. Cái gương vuông để ở dưới đất.
Pao nhấc cái rìu, kéo cây gỗ khô ra cạnh chuồng ngựa, đẹn chân lên, vung rìu. Choác! Cây gỗ khô toác một khe dài. Choác! Kịch, Choác! Kịch. “Ối! Khéo bắn vào tao, mày”. Tiếng Lử kêu như bỡn cợt. Mặc, Pao cứ vung rìu.
— A! Tưởng ai, hóa thằng Pao!
Pao quay lại, rực lên một cảm giác vừa ghê sợ vừa kinh tởm. Lử đã tự cạo xong đầu. Chỉ có bọn trộm cướp dữ dằn mới tự cạo đầu như thế. Tóc rơi một đống, dài, hôi khét ở đất. Trông Lử lạ hẳn đi. Bộ quần áo vải xám may kiểu người Hoa. Đôi giày vải đen. Và cái đầu, bộ mặt mới khiếp làm sao! Cái đầu hết tóc, trắng ởn, méo mó, hóp vào ở giữa, lồi ra ở phía trán và phình ra ở sau gáy. Trông nó như một hòn đá cuội. Nhưng cái đầu thì nhẵn mà mặt Lử thì lờm xờm lông lá. Lử bắt chước ai mà để bộ ria mép đen sì như hai con bọ hung châu đầu vào nhau ở dưới mũi. Cái trán ngắn có một vệt sẹo ngang đỏ hỏn. Và khi Lử nhếch mép, cùng với những chiếc răng nhọn xám khói thuốc phiện, Pao nhìn rõ hai cái răng nanh đã bịt vàng sáng chóe. Bộ mặt ấy đủ nói về Lử rồi. Lử đã thành người dữ tợn, ác độc tới mức trơ tráo.
— Tao tưởng mày ở lại làm quan với Việt Minh!
Pao không đáp, cúi xuống bổ nốt thanh củi to, rồi mới ngẩng lên, nén mình:
— Bà nội chết không về. Ngày tết không về, anh đi đâu?
— Đi làm con gấu, con hổ, chứ đi đâu! Hé hé...
Lử cười trơ trẽn, tay thọc túi áo trái có cái dây bạc níu lên cái khuyết áo dưới cùng, như kiểu con buôn đeo ví, bước xuống thềm:
— Mày đi cày về đấy, hả Pao?
Pao ném cái rìu:
— Mai anh ở nhà mà đi cày cho ông Chao nhé!
— Hé hé... tao không cày đâu.
— Anh phải cày.
— Tao thuê mày. Tao có tiền — Lử bước lại cạnh Pao — Tiền thật, nhiều nữa! Đ. mẹ. Mày không có tiền cưới Seo Ly, hả? Cướp đi! Gái ấy thiếu gì!
— Im đi!
— Nói thật đấy. Đi với tao, gì cũng có. Mày có muốn có súng không, cứ đi với tao. Mà con Seo Ly, không nhanh, mất đấy!
— Không đi đâu cả — Pao cúi nhặt thanh củi, vứt lên thềm — Từ mai tôi không đi cày cho ông Chao nữa — Sực nhớ, Pao ngửng phắt dậy:
— Anh Lử, tôi hỏi anh: Con ngựa của Chin đâu?
Lử giật thót, há hốc miệng, cục yết hầu hất ngược:
— Ngựa nào?
— Ngựa của Chin! Đánh đồn Bản Phiệt xong, lúc ra lấy ngựa, tôi không thấy con ngựa của Chin. Anh lấy đi rồi.
— Ơ! Tao nào lấy!
— Trả người ta đi — Pao tiến một bước, khí giận trào lên đột ngột — Trả đi! Con ngựa màu mun của Chin.
— Tao không có lấy — Lử giật lùi, kêu hoảng hốt — Mày đánh tao đấy à?
— Trả ngựa người ta! — Pao gào — Đã bỏ bạn chết, lại còn ăn cắp của bạn, hả?
— Ối, hố pẩu, cha ơi!
Lử chạy ra trước cửa. Bấy giờ, thằng Pùa ở đâu chạy về, nhảy lên bức rào đá, gọi toáng:
— Anh Pao ơi, cán bộ Kiến. Cán bộ Kiến đang ở nhà ông lão Pâu, anh Pao.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe