"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 20
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
i Tùng ơi! Quái, cái thằng bé, cứ như cóc bỏ đĩa, tót cái là đi mất. Khéo nó lại ra sông rồi.
Châu chít lại khăn, xách cái túi quần áo, nhìn trước nhìn sau, gọi. Vẫn không thấy thằng bé đâu. Cái sân vắng tanh. Phía nhà cụ đầu tộc họ Tẩn có tiếng reo a a của đám đông, khéo nó ở đấy.
Châu bận quá. Giờ lại đèo thêm thằng Tùng. Thằng Tùng con một đồng chí huyện ủy viên ở Việt Trì đã đi Nam tiến. Mẹ nó ở nhà bị bệnh mất hồi đầu năm. Nó đi chăn trâu cho mấy nhà phú hộ trong thôn. Đoàn cán bộ lên Tây Bắc qua Việt Trì, biết chuyện đó. Châu mủi lòng, nhận nó là cháu, đưa nó đi theo.
Thằng Tùng mười một tuổi, mặt mũi rất khôi ngô. Mấy ngày đầu đến đây, Châu đi họp, đi dạy học, đi làm công tác dân vận, nó nhằng nhẵng bám theo như cái đuôi. Nhưng chỉ vài hôm, nó đã quen thuộc khắp ngõ ngách xóm thôn, dám ra tận sông Chảy bơi, "trồng cây chuối" cho bọn trẻ con Dao xem.
Trước cửa nhà cụ đầu tộc có đám đông khoảng hơn chục người. Tiếng chó cắn ông ổng. Hay là thằng Tùng đang xem anh Tôyama dạy bộ đội cách bắt chó? Người hàng binh Nhật Bản này, Chính đưa từ chiến khu Vần lên, rất nhiều tài.
— Chị Châu!
— Anh Tôyama! Anh cứ làm việc đi. Tôi vào nhà anh Chính một lát.
Tôyama vóc thấp, trắng trẻo, chân tay to, thịt chắc như nén. Con mắt một mí, cái mũi tẹt, vẻ mặt thâm trầm. Giữa vòng người vây quanh, Tôyama đang tay dắt một con chó béc giê nòi Đức cao lớn, lông xám, tai vểnh, trên mắt có hai chấm trắng. Con chó đứng cao tới thắt lưng Tôyama.
— Đi đi!
— Xùy xùy...
Đàn chó trong làng đen nhẻm, còm nhom, thấy đám đông, lại thấy con chó lạ, chạy nhao tới, quây tròn sủa nhóc nhách tức tưởi.
Các chiến sĩ đứng quanh Tôyama bá vai nhau cười, miệng xùy xùy. Đàn chó trong làng dạt ra rồi lại sán đến. Lần này xem chừng không khí đã có vẻ thân thiện hơn. Chúng tiến đến con chó béc-giê, ngửi chân, ngửi đuôi con chó lạ, rồi lại sang liếm giày người lính hàng binh Nhật.
— Anh Tôyama ơi! Nó rủ anh đi chơi đấy.
— Kia, Tôyama! Bảo chúng nó đi chơi đi!
Tôyama cười, miệng chành rộng, hàm răng đều chằn chặn. Cái cười tươi, dễ mến, đầy thiện cảm. Lạ thế! Tới đâu, dù gặp con chó dữ thế nào, chỉ mươi phút Tôyama cũng có thể quen thân với nó, điều khiển được nó theo ý muốn của mình anh. Thành ra bây giờ thì lũ chó làng Nhuần đã rất thân thiện với Tôyama, chúng kéo nhau đi hàng đàn theo anh.
— Thôi nhé! Các đồng chí tập trung chú ý nào.
Tôyama vỗ tay. Vòng người dãn ra, ngồi xuống. Con béc giê chạm mông xuống đất. Cái đuôi xám kéo thẳng một vệt. Tôyama buông dây xích chó. Anh lừ mắt, mắt anh như phát ra phép lạ. Quả nhiên đám chó trong làng vừa chạm ánh mắt anh liền cúi gằm mặt, len lén tản đi.
— Chúng mày ơi! Lại đây...
Thằng Tùng từ trong cái nương sắn chân đồi reo gọi toang toang, chạy lên. Tóc nó ướt rượt. Các anh bộ đội quay cả lại:
— Tùng! Tùng!
— Tùng bi li! Ai cho mày ra sông bơi đấy?
Thằng Tùng len vào giữa hai anh bộ đội, hếch cái trán bò liếm, xịt mũi:
— Thế mà các anh không gọi em!
— Mi muốn làm chiến sĩ quân báo, hỉ? Chị Châu đi tìm mi đó.
Tôyama bước lại phía đầu vòng người bên này. Cái quần may bằng vải thô lùng thùng lật phật. Anh giơ những ngón tay ngắn ngủn:
— Các đồng chí cần biết rằng, bất cứ một con chó nào, nòi nào, dù hung dữ đến đâu cũng có một số nhược điểm. Thứ nhất là chó rất sợ người đàng hoàng, bình tĩnh, tự chủ.
— Đúng đấy nhỉ!
— Bởi vậy, như thế này... thấy nó rồi, mắt ta tuyệt đối không được tỏ ra chăm chú tới nó. Nghĩa là không nhìn nó. Như tôi đây, cứ bước đi, mắt nhìn thẳng, tự nhiên và đàng hoàng.
Tay vung vẩy thật tự nhiên, Tôyama bước lại phía con béc giê lúc này đã được huấn luyện thuần thục, theo đúng bài bản đã nhổm dậy, nhe răng nhọn, từ từ tiến đến trước mặt anh.
— Úi!
Thằng Tùng phắt dậy, há hốc mồm kêu to. Đang xăm xăm bước tới bỗng thình lình Tôyama ngồi thụp xuống. Tiếp đó, dựng thẳng lưng lên, anh giơ hai bàn tay đã xòe đủ mười ngón, tua tủa như chùm gai về phía trước.
— Tiếp đó — Tôyama nói — Tại sao lại xòe mười ngón tay? Vì loài chó rất sợ những gì xòe rộng trông như gai, như đinh.
Đứng bật dậy, nhìn các chiến sĩ, anh hàng binh Nhật tiếp:
— Tất nhiên, lúc ấy con chó dữ sẽ chồm tới. Và chúng ta cần hết sức thật bình tĩnh. Bình tĩnh để ôm được cổ nó. Đây, các bạn hãy theo dõi.
Một lần nữa, theo đúng bài bản đã định, nhanh như cắt, con béc giê nhảy phốc tới và Tôyama còn nhanh hơn, đã kịp thời né đầu, tránh hàm răng nhọn của con vật, trong khi hai bàn tay như hai cái đinh thép đã bập trúng cổ nó.
— Cừ quá!
— Hoan hô anh Tôyama!
Thằng Tùng bật dậy, reo. Tài tình quá! Bị hai bàn tay Tôyama siết chặt cổ và bấm trúng huyệt, con chó ngoẹo đầu một bên, há hốc mồm, thè lè cái lưỡi đỏ hỏn. Bây giờ có tóm lưỡi nó, nó cũng không cắn được.
— Nào, bây giờ một đồng chí vào làm thử!
— A!
— Đồng chí nào vào thử?
— Em!
Thằng Tùng hăng hái, giơ thẳng tay. Tôyama gật gật đầu. Các anh bộ đội quay cả lại, cười à à.
— Ơi Tùng ơi!
Châu ở trong nhà cụ đầu tộc vừa đi tới cất tiếng gọi. Chú bé bị đẩy ra ngoài vòng người.
— Tùng! Cháu lại đi tắm đấy à? Chết thôi. Ở ngoài ấy có con thuồng luồng đấy. Về nhà học bài đi cháu!
— Cho cháu xem một tí nữa.
— Thôi, về học bài đi. Cô ra sông giặt rồi cô về ngay. Chỗ nào không hiểu thì nhờ anh Khả bày cho. Có về không?
— Có ạ.
Lúc ấy, từ phía đầu làng, bốn anh bộ đội vác bốn cái bọc dài vừa hò nhau chạy tới cái sân; thấy anh lính Nhật đang dạy cách bắt chó, liền vứt bịch bốn cái bọc, xô vào lại xem.
Châu bận quá. Cuộc hội quân lớn sắp tới. Lương ăn. Quần áo mặc. Thuốc bệnh, sinh hoạt phí cho cán bộ, bộ đội. Thêm nữa, phải lo xa hơn, làng Nhuần có thể là căn cứ của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Và như vậy việc xây dựng cơ sở làng Nhuần và mở rộng ra các làng Dao, làng Tày lân cận trở nên quan trọng xiết bao! Đối với Châu, công việc sẽ trở nên hết sức thiêng liêng từ những buổi trò chuyện bên bếp lửa với những phụ nữ Dao nghèo khổ. Phụ nữ Dao khổ lắm. Mặt cúi sấp hết xuống đất nương lại là mảnh vải thêu. Khép nép sợ từ người khách lạ vào nhà. Châu phải giúp chị em ngẩng đầu dậy. Đầu tiên là những lớp bình dân học vụ. Bài số một Châu dạy chị em hai chữ i tờ, tờ i ti, ti lèn, tiếng Dao là cái túi. Rồi Châu giảng giải để chị em hiểu về tổ chức Việt Minh, về thế giới có hai phe.
Chao ôi! Yêu vô cùng, quý vô cùng những người Dao nghèo khổ, ít nói mà tấm lòng thơm thảo, sâu xa. Còn nhớ mới ngày nào, tay nải đeo vai, đóng giả người đi buôn, Châu đi tìm cái làng Nhuần trốn thuế, li khai chính quyền cũ này. Châu bán thuốc lào, kim chỉ cho bà con. Rồi Châu lân la trò chuyện và khi Châu nói thật về nhiệm vụ của mình thì ông cụ đầu tộc Tẩn Mè Thòn đã bật đứng dậy, run run nắm tay Châu: Cháu, cháu cứ cho Việt Minh về đây. Về cả đây. Người Dao có gì ăn, Việt Minh có nấy ăn...
Gió sông Chảy hắt lên tê tê. Châu nhấn cái áo của anh Chính. Nước sông xanh màu đá, nhìn rõ những viên cuội trắng phau dưới đáy. Đàn cá mương bơi vun vút như những mũi tên. Nước sóng soi bóng Châu. Tóc Châu rẽ ngôi giữa. Mặt Châu hình trái xoan. Đôi mắt Châu vừa sáng rỡ vừa hiền dịu. Đoạn sông này sao giống sông Dang làng Sải quê Châu. Xa nó hơn hai năm trời rồi. Châu nhớ lần gần đây về gặp u đang đãi gạo nếp đồ xôi, làm bánh giầy cho bộ đội Nam tiến. Cả đêm Châu ngồi vắt bánh với bạn bè. Các bạn hỏi: “Bao giờ được vắt bánh giày đội một mâm sang nhà con Châu rước nó về làm vợ nhỉ?”. Nhao nhao quanh Châu lời hỏi han, bình luận. Có bạn còn bảo: Giờ Châu đã là huyện ủy viên, chồng Châu ắt phải là cán bộ cấp cao. Châu cười: "Chúng mày con đầy đàn rồi mới được ăn cỗ của tao". Châu nói thế làm u lo, u bảo: "Châu à, con gái có thì, con hăm tư rồi, mải mê việc nước thì cũng phải nghĩ đến chuyện gia thất chứ!".
Con đường len lỏi trong rừng vầu già. Một tốp phụ nữ Dao khăn đỏ, vòng bạc lấp lánh, địu thóc từ phía trước đang đi tới. Đứng né bên đường, Châu cất tiếng vui vẻ:
— Pá liền chầu to đăm hía máy kia?*
— Máy hía! Tọ Châu mình dồ huy hầu duần oa.
— Ê!
— Không nặng đâu. Chị Châu đi giặt quần áo về à? — Vâng.
Qua khu rừng vầu, Châu đã nhìn thấy căn nhà dài mới dựng làm nơi hội họp Ban chỉ huy các cánh quân từ các châu về hội tụ nay mai. Một tấm băng đỏ căng trước hiên nhà, vàng ngời dòng chữ: Toàn dân đại đoàn kết cứu nước, kiến quốc! Giữa sân, đầy ụ một đống cao những quả bí đỏ to như cái nồi hông một.
Phơi cái áo sơ mi của anh Chính xong, Châu bước vào nhà. Quái! Thằng Tùng lại chạy đâu rồi. "Tùng ơi!". Châu gọi. Có lẽ nó xuống dưới văn phòng. Mới có cái máy chữ Rơ-manh-tông Đắc đem về, chắc Khả gọi nó xuống để khoe.
Ngoài hiên bỗng bịch bịch tiếng chân giày và tiếng một người quát oang oang:
— Ai là người to nhất ở đây? Cho tôi hỏi: ai là người to nhất ở đây?
Ngẩng lên, Châu nhận ra, đó là tiếng Đắc. Hất cái mũ vải rộng vành ra sau lưng, tay chống sườn, súng trễ hông phải, Đắc vừa bước tới trước căn nhà vừa dằn từng tiếng, tưởng là nói với Châu mà thật ra là nói với tất cả mọi người.
Mãi sau Châu mới hiểu, Đắc vừa từ cuộc thâm nhập thị trấn Lào Cai, lập công lớn trở về. Đắc đang muốn xưng danh.
Chiếc máy chữ Rơ-nanh-tông được lau chùi sạch sẽ, trông cũng khá tươm. Khả đặt nó lên cái bàn mộc mượn ở nhà cụ đầu tộc họ Tẩn ở giữa căn nhà mới dựng, rồi lui ra, ngắm nghía, thở khà, khoái trá.
Ra dáng một cái văn phòng chính quy hẳn hoi rồi. Thú vị thật! Cái máy chữ! Sản phẩm này của nền văn minh, hiển nhiên là nó làm rạng rỡ văn phòng tỉnh bộ Việt Minh, làm đẹp mắt Khả rồi.
Giờ đây ngồi vào cái bàn máy chữ, Khả cảm thấy hào hứng hẳn lên. Thành ra khi thấy thằng Tùng tay cầm quyển vở bước vào nghiêm trước mình. Khả liền giơ tay lên đuôi mắt cất tiếng thật rổn rảng:
— Chào đồng chí chiến sĩ quân báo.
— Chào chú chánh văn phòng!
— Khá lắm!
Thằng Tùng sán ngay đến cạnh chiếc máy chữ lí láu:
— Chú chánh văn phòng biết đánh máy chữ cơ ạ?
— Ấy, nói khẽ chứ.
— Sao ạ?
— Khéo không cô Châu nghe thấy, cô ấy lại phê bình chú là có đầu óc địa vị cá nhân chủ nghĩa. Này, đồng chí chiến sĩ quân báo vừa đi đâu về đấy!
— Cháu đi nghe chú Đắc kể chuyện đánh vào tỉnh lỵ. Đi goòng nhé. Rồi cháu đi học bắt chó béc giê. Úi chà! Chú Tô-ya-ma ấy mà. Cừ lắm...
— Hay nhỉ!
— Chú Tôyama bảo: ở cổ chó có một cái huyệt.
— Hay nhỉ!
— Chú Khả, sao chú hay nói hay nhỉ thế. Có lúc chú lại hay nói: ấy, tôi cũng nghĩ thế. Nghe buồn cười là.
— Ấy vĩ nhân thường hay có tật nọ tật kia mà.
— Vĩ nhân là gì, hả chú?
Nghiêng nghiêng cái má bầu bầu, cái mũi tin hin của thằng Tùng bỗng nhăn nhăn:
— Chú Khả, chú uống rượu hả?
Khả trợn mắt:
— Đâu nào?
— Ở mồm chú ấy.
Khả lim dim mắt:
— Ờ có tí tỉnh. Nhưng này, cấm cháu lộ cho cô Châu biết nhé. Ha ha... Còn trời còn nước còn non... Còn cô bán rượu, anh còn... say sưa...
— Chú lại tiếp tục uống rượu nữa á?
— Ấy, ngốc thế. Câu thơ ấy tả một cô gái giả đi bán rượu mà hoạt động cách mạng. Cô gái ấy chính là cô Châu của cháu đấy.
— Cô Châu ý à?
— Còn gì nữa. Này, cháu thấy cô Châu có xinh không?
— Hắc xì dầu!
— Thế à?
— Cô ấy vừa chỉnh chú Đắc một trận nhé. Cháu đứng ở sau nhà, cháu nghe thấy hết.
— Hay nhỉ! Nhưng thôi, chuyện ấy để lúc khác. Bây giờ cháu cầm tờ giấy này đọc to lên.
— Để làm gì ạ?
— Thì cứ đọc đi rồi khắc biết.
Thằng Tùng cầm tờ giấy, đọc chầm chậm:
— Như vậy là cuộc hội quân sẽ được tổ chức vào đúng ngày đã định. Quân số các địa phương như sau: châu Pa Kha: năm mươi người, châu Pha Linh: tám mươi người, châu Mường Cang hai trăm người. Quân của cụ Lục Đình Hoàng: hai mươi. Ngoài ra...
— Được rồi! Đọc tiếp đi!
— Hản Sào Long...
— Hay nhỉ! Cái tên nghe kỳ quái thật đấy. Ấy khoan...màn màn.
Đặt tờ giấy lên bàn, thằng Tùng ngó vào chiếc máy chữ:
— Cháu thấy có người họ không cần nhìn mà tay cứ mổ chữ kia.
— Thì tớ cũng mê-tót đít đoa đây, chứ kém à!
— Có người nhắm tịt hai mắt mà vẫn đánh được cơ, chú ạ.
— Phét!
Khả lò dò tìm chữ. Anh đánh mổ cò hai ngón. Người nhấp nhổm như trên mình ngựa. Thỉnh thoảng lại vỗ đùi bộp, xuýt xoa, và gãi như điên bộ tóc rậm, rồi quay lại thằng Tùng, toe toét:
— Hừ hừ... văn ôn võ luyện... các cụ nói chẳng sai câu nào cả. Này cháu Tùng, đọc đi chứ, cho cháu tha hồ mở máy đọc đấy! Nào!
Sáng nay, miền củ dân tộc họ Tẩn dậy sớm tập bài "ngũ cầm bí” đủ năm động tác: hổ vồ, hươu nghển cổ, gấu bò, vượn nhảy, chim vươn cánh, rồi lẳng lặng vào nhà, đeo khẩu súng kíp ra đi.
Phường săn đã vào rừng từ mấy hôm nay, hôm qua một tốp đã khiêng một con dê rừng về, xả thịt ướp muối để dành cho cuộc hội quân. Miền củ đã sáu mươi, tuổi này thường chỉ ngồi nhà hưởng lộc con cháu. Nhưng, miền củ ngồi nhà thì áy náy không yên. Không phải là miền củ chưa có phần đóng góp. Trái lại, công lao miền củ chẳng ai bì được. Miền củ đã cho cả dòng họ đi theo Việt Minh. Miền củ đứng ra lập đàn ngựa thồ, chữa bệnh cho cán bộ Chính, dẫn cán bộ Chính đi tìm con đường sẽ mở để đón các cánh quân về hợp lực nay mai. Miền củ là làng Nhuần. Làng Nhuần là miền củ. Dòng họ và trưởng tộc xưa nay vốn là một, hòa quyện trong kính trọng và ưu ái lẫn nhau. Làng Nhuần làm gì cho cách mạng là làm theo ý miền củ, là miền củ làm cho cách mạng.
Nhưng, hôm nay miền củ cứ ra đi. Ấy là bởi vì lòng miền củ đang vô cùng xúc động. Xúc động vì cảnh hội quân nay mai đối với miền củ thật là cảnh anh em trăm họ đồng thuận một lòng trở về theo cụ Hồ, cùng đem tài sức cứu giúp muôn vạn sinh linh đang lầm than đau khổ. Xúc động vì làng Nhuần, từ ngày trốn thuế vào núi này ở ẩn, tiếng là gan góc, nhưng cũng khác chi con dao gỉ và bây giờ con dao gỉ đã được người mài giũa, lau chùi thành cây kiếm sáng sắp được tỏ mặt với đời.
Tuy nhiên, miền củ đeo súng đi còn vì cơn mơ đêm qua. Mơ gì mà lạ quá! Mơ đang đi trên đường bỗng có một đàn rắn rết bò qua chắn lối. Tỉnh dậy thì nghe thấy tiếng hoẵng kêu xa xa. Điều xấu rồi chăng? Có sự gì trắc trở công việc chăng?
Vượt qua cánh rừng ven bờ sông Chảy, đi sâu vào bên trong, miền củ nhận ra rừng đang ở thời kỳ thưa lá và vắng vẻ. Quả nhiên, lúc này sợ người, hổ ít lai vãng. Hươu nai còn chờ cỏ non mùa xuân mọc. Có chăng chỉ có mấy loài thú nhỏ thôi.
Qua cây gáo, không thấy dấu vết con cáo về ăn quả, miền củ rẽ cây rừng, đến phục ở cạnh cây hạt dẻ để đón gà lôi. Chờ một lúc không thấy con nào về, miền củ lại chống súng đứng dậy.
Và lần này, không còn ở thể chủ động như hai lần trước, vừa nghe thấy sột soạt ở phía trước, ngẩng lên, miền củ đã nhìn thấy một con lợn rừng lững thững như con trâu, miệng chĩa hai chiếc răng nanh trắng ởn đang từ từ đi về phía mình.
Thoáng qua một chút run rẩy, miền củ trở lại bình tĩnh ngay. “Con này già rồi, da bì nó dày phải nửa đốt ngón tay”. Ý nghĩ như chớp lóe khiến đôi chân miền củ bỗng dẻo như mây. Khom người để giấu mình, quặt sang trái, dấn lên mấy bước, miền củ đang ở ngang chừng với con lợn độc.
Hồi hộp quá, miền củ giương súng. Mũi súng đã trỏ đúng nách con lợn. Có nghĩa là bây giờ chỉ cần kéo cò là xong... Nhưng vào đúng lúc ấy miền củ bỗng hốt hoảng hạ súng. Phía bên kia con lợn, nơi đạn sẽ bắn tới, không hiểu từ đâu đến, bỗng có hai bóng người.
— Hai người kia tránh ra!
Thét một tiếng ngắn thất thanh, miền củ chạy vòng về phía sau con lợn, giơ súng.
Miếng ăn rõ là đã đến miệng mà lại trượt. Miền củ bực lắm. Nhưng khi xộc thẳng đến hai người lạ mặt nọ thì ông bỗng lạnh toát người vì lo sợ.
Hai người nọ trông quần áo biết ngay là người H'Mông, họ lại nhang nhác giống nhau. Vành khăn to, cuộn chặt trên đầu. Vóc cao, ngực mỏng. Mặt trái xoan, trán lấm tấm mấy hạt rỗ nhẹ “Chiêm bao gọi điều xấu thật rồi. Bọn thám tử thật rồi ư? Đất này xưa nay nào có kẻ lạ đến? Mà đến lén lút thế kia!”.
— Hai người kia! Các người đến đây làm gì?
Thấy hai người nọ vẫn trơ trơ, miền củ liền nâng súng ngang ngực, quát:
— Ta là đầu tộc họ Tẩn làng Nhuần. Làng Nhuần ta xưa nay không biết độc ác với ai, dân làng quanh năm làm ăn lương thiện, cấy lúa, tỉa bắp, nuôi lợn. Có làm sao các ngươi đến đây quấy phá?
Lần này, chừng như đã hiểu lời miền củ, hai người lạ mặt liền cùng nhau khuỵu gối xuống đất. Người có khuôn mặt già hơn ngẩng lên, rành rọt:
— Cụ đầu tộc ơi chúng con là người H'Mông, phải qua chín mươi chín ngọn núi, chín mươi chín con suối mới tới được đây. Tới đây, chúng con điều ác không làm, chỉ làm điều lành.
Người trẻ hơn, đợi người nọ nói xong, mới ngẩng lên, tiếp:
— Cụ đầu tộc người họ Tẩn ơi, ở đây có anh Chính Việt Minh không?
Tim đập hẫng một nhịp, miền củ vội trấn tĩnh, quăng quắc hai con mắt:
— Không có ai tên Chính cả!
— Vậy có ai tên là Châu Quán Lồ?
— Lồ nào?
— Châu Quán Lồ người H'Mông ở Pha Linh. Nó có một mắt!
Hai người H'Mông thấy nét mặt ông cụ đã dịu lại, liền đứng dậy. Người trẻ hơn, bước tới sát miền củ, nước mắt từ đâu bỗng đổ ra chan chan:
— Thưa cụ đầu tộc. Chúng con phải lấy đầu Châu Quán Lồ làm ma cho bố đẻ chúng con!
— Thưa cụ, bố đẻ chúng con đã bị nó và tri châu La Văn Đờ sát hại. Thù này dù sông Chảy có cạn chúng con cũng không thể quên.
Người già hơn nói tiếp. Họ chính là Seng và Tếnh, hai anh em, con ông già đã bị Lồ cho ngựa hành hình kéo xác ở Pha Linh. Nghe xong chuyện hai người kể, miền củ vỗ vai người anh, hạ giọng nghiêm nghị:
— Thôi, hãy biết thế đã! Bây giờ, tôi đưa hai người về gặp anh Chính. Đưa hai cây súng cho tôi!
Hai người nọ bất đắc dĩ phải trao súng và lầm lũi đi theo miền củ về làng Nhuần.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe