You can never get a cup of tea large enough or a book long enough to suit me.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 20
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
iếu thuốc phiện trên đầu kim đã nở phồng, mòng mọng, đen nhánh. Phóng điếu thuốc vào lỗ tẩu, hố pẩu Giàng Lầu nghiêng người, tay nâng dọc, hóp má hít. Pập, pập... ro ro... Thuốc cháy. Không một sợi khói. Nhưng hố pẩu Giàng Lầu đã vội choàng dậy. Ông tìm cái ấm. Và rũ người trên sạp, ho.
“Hay là mình ốm?" Hố pẩu nghĩ, nhìn ra bóng đêm ngoài sân còn rất đậm. Hố pẩu ốm thật rồi! Thuốc phiện làm khuây khỏa, lại là thuốc thử xem người ốm hay người khỏe. Hơi thuốc hôm nay đắng ngắt. Hố pẩu ốm rồi! Hơn sáu mươi, sức đã hao sụt. Đã thế, mấy hôm nay, cái chết của Pàng lại ám ảnh ông, làm ông mãi không hết bàng hoàng. Cái tiếng Pao kêu lúc đặt chị Pàng xuống cái giát nữa vẫn còn văng vẳng bên tai ông. Và cảnh đưa ma trong mưa phùn vẫn như đang ở trước mắt, khiến ông bải hoải, tê bại cả tâm trí.
Đợi cho hết cơn mệt vì trận ho, hố pẩu mới gượng đứng dậy đi ra bếp lò gầy lại lửa “Ai đấy?" Giật mình, hố pẩu lùi lại. Bà cụ Xóa vẫn ngồi đó, người tròn một khối vì cái lưng còng, đầu giấu trên gối.
— Bà! Bà không đi ngủ à?
Bà cụ ngẩng dậy, không đáp, đứng lên, chậm chạp ra sàn nước, như cái bóng không hồn.
Lò đã ăn củi, thốc ra miệng lò một luồng rực đỏ hớt lên cao. Tiếng nước trong chảo đồ máo của sôi lục sục, đều đều.
Trời tờ mờ sáng. Con chim chiung của Pao nuôi ở trong chiếc lồng treo trước chuồng ngựa hót một tiếng bạc trong vắt. Con chó lông đen nằm ở ngoài hiên cả đêm, nhổm dậy, uể oải đi về phía chuồng lợn có con lợn ma nuôi vỗ sửa soạn cho Tết H'Mông sắp tới.
Sương bắt đầu động đậy. Nhìn ra, thấy trời trắng đục. Ngọn cây xoán sủ xòe tán như cái ô mờ mờ. Hàng rào cây vông ướt rượt. Hoa cây pằng sua trắng phếch, không mùi vị nở cạnh hàng rào đá, trông buồn như hoa giấy.
Hố pẩu ngồi ở bàn trà, nhìn ra ngoài trời, rưng rưng lệ. Buồn quá!
Buổi sáng mọi khi có buồn bã như thế này đâu. Buổi sáng thường khi Lử dậy là dắt con ngựa hồng ra sân, chải lông cho nó. Lử dạo đó chăm chỉ, chứ không lêu lổng, bợm bãi như bây giờ. Và Pao, Pao mười bảy tuổi, cởi trần, ngực căng nở như cánh cung, cũng từ nhà chạy ra. Trò chơi quen thuộc lại bắt đầu. Pao vỗ lưng con ngựa hồng. Con ngựa brừ brừ vui thích. Bất ngờ, Pao cúi xuống, nắm hai cẳng con ngựa. Con ngựa toại chân, đạp liên hồi. Mặc nó, tay Pao vẫn giữ chặt chân nó. Con ngựa hí sợ hãi. Vẫn mặc nó, Pao hấy một tiếng, giật mạnh, nhấc chân con ngựa lên. Con ngựa đổ ềnh lưng xuống đất. Pao nhoai qua lưng nó. Pao xốc. Pao ôm nó đứng dậy. Con ngựa như thích chí vừa sợ hãi kêu he he. Dạo đó con ngựa chưa đầy tuổi. Và thằng Pùa đứng ở hiên cười hị hị. Pàng ở trong bếp gọi với ra, tiếng lanh lảnh: “Mấy anh em vào ăn cơm, rồi còn đi nương chứ, nắng rồi!”.
Bây giờ, cảnh ấy biến đi đâu? Cái sân trống tuếch, lỗ chỗ dấu chân người đến đưa ma Pàng in trong bùn.
“Pao ơi! Lử ơi!”. Thảng thốt, hố pẩu cất tiếng gọi. Chẳng có tiếng đáp. Ông nhìn vào bếp. Bà cụ cũng đi đâu rồi.
— Hố pẩu có nhà không?
Nghe tiếng gọi mình, hố pẩu Giàng Lầu vội quay lại. Lý trưởng Giàng Súng dáng cao cao, đang bước qua rào đá vây cái sân.
— Vào uống nước, Giàng Ly Trang.
Hố pẩu nâng cái điếu ống đã dịt sẵn thuốc. Nhận cái điếu, thọc tay vào túi lấy bật lửa, lý trưởng Giàng Súng ngồi xuống cái ghế rơm vặn cuộn tròn như bánh pháo cối, khuôn mặt dài nghêu thoáng nỗi bần thần.
Trong làng Can Chư sủ, Giàng Súng thuộc loại giàu có, theo cách diễn đạt của người H'Mông là có ăn có uống, có ăn có mặc. Ông giàu vì nhà có nhiều nương thuốc tốt, lại có nhiều người làm: bốn chàng trai ở rể đều khỏe, thêm nữa lúc nào cũng có gái trốn chồng gọi là gái dong đến ở, làm không công cho. Đàn trâu của ông đông hai mươi con. Ông lại có người cháu họ xa ở Thải Giàng phố lấy quan ba Phơ-rô-pông. Nhờ vậy, ông còn được giấy đồn binh cho phép đi lại dễ dàng. Ông lợi dụng việc đó, đóng luôn vai ông lái buôn. Ông buôn đủ thứ: từ bánh thuốc lào, tới cái kim. Ông có tiền nên mua được chức lý trưởng cũng dễ. Người làng chẳng quý trọng ông, nhưng cũng chẳng khinh ghét ông. Phần vì gần đến nửa làng đều làm thuê cho ông, từ chăn ngựa, thả trâu tới cày nương thuốc. Lại đều vay tiền của ông. Tính ông khác tính hố pẩu, bề ngoài cứ lấp lửng, không ra ừ, không ra không, tuy bên trong thì đã khăng khăng.
Hút xong điếu thuốc, Giàng Súng tựa điếu vào vách, đón chén nước hố pẩu đưa, xuýt xoa:
— Hương chè thơm hứ! Hố pẩu mới sao à?
Hố pẩu Giàng Lầu lắc đầu:
— Cao chè để dành từ lâu rồi! Chè vụ rồi bị sâu cắn hết. Trời hại quá thôi!
— Dà! Năm qua thật nhiều xui xẻo quá, hố pẩu à.
— Ờ, cả làng năm rồi...
— Hố pẩu à, năm nay làm hủi thầu, tôi lo quá! Tôi định bỏ cái chức lý trưởng đấy, hố pẩu à! Vì sao ư? Vì tri châu Chao nó coi tôi như con chó...
— Này — Hố pẩu hơi cúi xuống, chòm râu im phăng phắc — Cầm đầu dân phải có một người. Ông đừng bỏ chức ấy. Còn tri trâu Chao ác quá thật! Thì ta phải bỏ nó đi thôi Giàng Ly Trang ạ!
Giàng Súng nghển cổ:
— Bỏ tri châu Chao?
— Ừ, bỏ!
Giàng Súng thao láo hai con mắt. Ý hố pẩu trúng ý ông lý trưởng rồi. Ông cười nhè nhẹ:
— Vậy thế này nhé, hố pẩu cho một lời để cả dòng họ theo nào! Ta bỏ tri châu Chao: không đóng thuế, không đi phu cho nó... Nhưng bây giờ bỏ nó thì ta theo ai?
— Theo ai?
Mặt hố pẩu đăm đăm. Giàng Súng kéo dịch cái ghế lại gần hố pẩu, đưa tay với ống thuốc:
— Hố pẩu à! Theo thì phải theo người mạnh. Một năm nay phố châu có bao nhiêu sắc cờ rồi. Mỗi sắc cờ được vài tuần trăng. Chỉ có lá cờ của Phăng-ki * là lâu nhất!
— Theo Phăng-ki?
— Ông Phô-rô-pông nói: Người H'Mông ta với người Phăng-ki là anh em. Ta là Phăng-ki ở trên núi. Phăng-ki còn mạnh lắm. Giờ họ ở bên Vân Nam.
Mặt hố pẩu chìm đắm.
“Theo ai? Hừ! Người H'Mông ta khổ thế đấy. Ngày xưa có đất, có ruộng, người H'Mông ta sung sướng hơn. Thua trận người Hán rồi thì phải đi. Đi mãi về phương Nam. Lau mồ hôi rát cả mặt rồi mới tới đất này. Đất không ba thước bằng. Trời không ba ngày nắng. Đó là quê mới người H'Mông ta. Đã tưởng an cư... Vậy mà vẫn khổ, đói, bệnh — hai cái lo đời nào cũng có. Vầu đập rập làm giường ngủ. Váy vá làm chăn. Hạt muối lúc có lúc không. Ông lão Pâu đấy! Mạng người sao rẻ thế? Cây có nấm để trên rừng cũng có nấm. Cây không có nấm ngâm dưới ao cũng không có nấm. Người H'Mông giỏi nhất cũng chỉ làm tay làm chân cho người ta thôi.
“- Bỏ tri châu Hoàng Văn Chao nhưng giờ biết đi lối nào? Hay là nổi dậy như Giàng Đran, Chang Tả Dìn, Sần Suế *. Chỉ có tán dù mới che cán dù. Sao lại theo Phăng-ki? Chỉ có người H'Mông mới biết thương người H'Mông thôi... Nhưng biết ai Giàng Đran, là Sần Suê, là Chang Tả Dìn bây giờ?”
Hố pẩu nghĩ mung lung. Mắt hố pẩu bồi hồi ánh lửa. Tính hố pẩu là tính người H'Mông: đã chém là vác, nghĩ tới mình một, nghĩ tới dòng họ hai, ba...
— Giàng Ly Trang à! Không theo Phăng-ki được. Phăng-ki là bố mẹ tri châu Chao đấy! Tôi nghe nói bên Pha Linh đang sửa soạn đón phua thay, đón vua.
— Bên Pha Linh?
— Phải! Bên ấy tri châu La Văn Đờ người H'Mông ta. Nghe nói có ác, nhưng vẫn là người H'Mông ta. Ông Đờ biết vua H'Mông ta sắp ra.
— Vua H'Mông ta sắp ra!
Vua H'Mông, Phua thay H'Mông! Ý nghĩ gì mà vừa nhắc tới đã nức nở trong lòng hố pẩu thế! Ôi chao, phua thay H'Mông! Người mang kỳ hình kỳ tướng, tai người to bằng cái quạt, ngón tay người bằng quả chuối, vẫy tay người bay vù vù, qua sông rẽ nước, giậm chân cỏ dại thành lúa, lá chuối thành vải, người đem lại phúc lộc mãn đời cho người H'Mông ta. Đời hố pẩu đã một lần đi tìm Phua thay rồi đấy. Lần ấy có tin phua thay sẽ ra ở Phéc Bủng. Can Chư Sủ giết gà trắng. Và chờ. Chờ, cho đến một hôm Phăng-ki về, bắt một người bên Phéc Bủng. Người này xưng là tiên. Vua vẫn chưa ra. Chưa ra nhưng nhất định sẽ ra chứ! Thời buổi loạn lạc nhiễu nhương này... Người H'Mông chết, lúc liệm còn khâu một hạt gạo ở vạt áo làm lương ăn cho hồn đi tìm vua kia mà. “Vì ta ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nên phải xắn tay áo, băng chín thị thành, đi tìm nhà vua”. Bài hát còn nói vậy với mọi người đó thôi.
Lử leo lên gác chuồng ngựa, đẩy xuống một bó cỏ, cởi dây lạt.
— Seo Cấu, giúp tao cắt nhé!
— Thằng Pao đâu?
— Nó xuống châu từ hôm qua.
— Làm gì thế?
— Chắc nó đi mua súng. Quốc dân Đảng nó cho mày súng chưa?
— Có đếch đâu. Đ.mẹ, tao mất cho nó mười con gà rồi! Này, mày hiếp con Pàng nên nó ăn lá ngón phải không?
— Ai bảo mày thế?
— Đừng giấu tao. Hí hí... Tao có một con xinh nhất Phéc Bủng.
— Đứa nào thế?
Seo Cấu ngồi nhấp nhổm bón nắm cỏ vào lưỡi dao. Hắn chưa kịp đáp lời Lử thì có tiếng ai la ở ngoài đồi.
— Ối họ Giàng ôi! Người Kinh chúng nó hiếp con gái H'Mông!
— Con gái H'Mông bị hiếp, ối làng ôi...ôi...ôi...
Bỏ con dao và bỏ cỏ, Lử và Seo Cấu, chạy ra sân, nhảy qua bờ rào đá. Có một đám người đang tụ lại ở chỗ rừng cấm. Lử hỏi người đứng giữa đám. Người nọ phanh áo, mặt đỏ gắt, nói:
— Tôi đi tới miếu Quan Âm thì thấy một thằng cheo chi * đang đuổi... Đứa con gái chạy...
Lử thần mặt rồi bất thình lình nghiến răng ken két, giậm chân đánh phịch:
— Chính thằng Kinh ấy nó hiếp chị Pàng tôi! Đuổi ngay, bắt được, cho nó theo đường chết!
Bấy giờ tiếng tù và bắt đầu rúc ti u ti u... ở Can Chư Sủ, báo hiệu có cướp tới làng, như đã ước định ở hội nào sồng vừa rồi.
Pao cầm cái liềm chạy ngược dốc. Từ châu về Can Chư Sủ đường như đường lên trời. Gió núi đổ như thác cuốn. Ngực Pao đón gió, hứng nắng, đỏ lẫm. Mấy hôm nay, sau khi chôn cất chị Pàng, Pao như người mất hồn, xuống phố châu, đi lang thang vơ vẩn thì gặp lại anh Chính và anh Kiến. Kiến đang cùng mấy người thanh niên ở phố lợp mái nhà trụ sở ủy ban lâm thời huyện, ở cạnh cửa hàng muối của tri châu Chao. Chao đã chịu mở cửa hàng bán muối cho dân. Giờ, Chao được làm chủ tịch châu. Pao đi cắt cỏ về lợp mái nhà. Anh Kiến đi cùng Pao. Pao cứ lầm lì cắt, bó, rồi ghì cỏ vào cái quẩy tấu địu về. Anh Kiến đòi địu thử. Quai mắc vào vai rồi, anh dùng sức ở lưng, ở chân, cố đứng dậy, còn lom khom đã loạng choạng rồi đổ nghiêng đánh uỵch. Pao cười. Đó là cái cười đầu tiên sau ngày chị Pàng chết. Cái cười lại héo ngay. Pao lại im lìm. Anh Kiến hỏi gì chỉ lắc đầu. Lợp xong nhà, cắm một lá cờ trên nóc, lá cờ đỏ ở giữa có ông sao vàng, anh Kiến hỏi: "Đẹp không?", Pao mới đáp: “Đẹp”. Nhìn Pao như dò xét, anh Kiến lại hỏi: “Pao dẫn anh Chính đi Pha Linh được không?", Pao đáp: “Được”, rồi cắp cái liềm đi về.
Pao sốt ruột, mong chóng về tới làng. Làng thì buồn đấy, rặt những chuyện buồn, nhưng xa thì nhớ.
Qua một mỏm núi, Pao đã nhìn thấy làng. Can Chư Sủ ở trong một cái hẻm giữa ba ngọn núi. Nắng trong. Ba ngọn núi như ba ngọn giáo đâm lên trời. Trên đỉnh núi xanh um rừng chè tuyết. Dưới nó, đỏ ửng màu chân hương những nương sèo. Thấp hơn, ngô tháng bảy vàng ngà những ô nương vuông vức. Thuốc phiện ở lẫn trong rừng già, lấm chấm sắc hoa, giữa những khoảng rừng trống.
Pao leo qua quả đồi gianh. Gianh già vàng suộm quấn quýt dải lá. Những cây tông-qua-mu thân đen sì như cháy, gặp gió lồng, rung ào ào như gà mẹ rũ lông.
Bỗng, Pao dừng lại. Phía trước Pao, ở cạnh một bãi đá có mấy chục người đang túm tụm. Pao chạy tới. Toàn mặt người quen. Có cả ông Giàng Súng. Ai cũng cầm gậy, cầm súng, mặt hằm hằm tức giận.
Pao len vào vào đám đông. “Có chuyện gì thế?”. Cái liềm trong tay Pao muốn rơi xuống đất. Trong vòng người, trên một phiến đá bằng, có một cô gái mái tóc hung đỏ rối tung đang ngồi, hai chân quặt về sau, váy hoa chùm quá gối, hai tay ôm mặt, sụt sùi khóc.
Pao gọi, tiếng mất trong gió:
— Seo Ly!
Hai bàn tay như hai cái lá buột rơi, hai con mắt cô gái như vừa hiện ở dưới đáy hồ nước, lóng lánh kinh hoàng.
— Tôi đang cắt cỏ ngựa ở Phéc Bủng... Một người cheo chi nó đến... Nó trêu tôi... Tôi chạy... Nó đuổi theo...
Lử dộng cái báng súng đánh kịch:
— Tôi biết rõ bọn này. Có hai đứa ở trong hang Phéc Bủng. Chính chúng hại đời chị Pàng tôi. Nào, theo tôi, đi bắt! Bắt được, cho nó lót quan tài người chết.
Phiến đá chông chênh, chỉ còn Seo Ly. Người chạy đi cả rồi. Pao đứng, cầm liềm gại gại những móng tay rất dày đã bằng lỳ.
Seo Ly quấn lại vành tóc, như không biết có Pao. Đứng dậy Seo Ly lẳng lặng đi. Pao bước theo sau cô. Nắng chiều vàng ửng. Gió lay những khóm lau đuôi bạc. Chim chào mào bậu trên những cuống bông lau nghiêng ngả, hót vô tư. Cảnh vật giống như buổi đầu xuân năm ngoái Pao sang Phéc Bủng chơi hội gầu tào *. Hát ở cái mỏm đồi dựng cây nêu treo tấm vải đỏ một buổi rồi về sân nhà chơi cầu lông gà. Đang chơi thì một cô gái tới. Ôi chao! Mười sáu tuổi. Seo Ly như hoa vừa độ nở. Cả đám trai ngẩn ngơ. Pao ngộc nghệch càng ngơ ngẩn. Quả cầu lông gà bay đi bay lại trao duyên, Pao đánh trượt luôn chịu phạt, hai tai bị các cô vò xoắn đến đỏ nhừ. Từ bấy mà sinh mến sinh yêu. Tình yêu tròn như cái dù hồng hai người đội chung ngày đi chợ. Tình yêu êm như tiếng đàn môi Pao nảy những đêm băng qua núi qua rừng, tới tận đầu nhà cô, làm con chim họa mi hót.
Gió càng chiều càng xông xổng, dữ tợn. Seo Ly đang bước, chợt quay lại. Hai con mắt láng nước như hai lá đào run rẩy. Môi chưa tươi màu còn như in dấu tiếng khóc. Trời! Seo Ly, nhỏ bé, yếu ớt quá. Seo Ly là ngọn cỏ trong cơn gió lớn.
Pao ngất ngư như ở trên cỏ, khẽ khàng:
— Seo Ly!
Seo Ly chớp chớp mắt, tiếng nói lướt qua vành môi nhợt:
— Pao... về đi...
Pao như cái cây đứng giữa cơn gió chiều vật vã.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe