We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 20
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ằm giữa thung lũng châu Pa Kha mùa này hoa thuốc phiện đang bung nở đủ các cung màu sặc sỡ, tòa dương cơ của thổ ty Hoàng Văn Chao thoạt nhìn thấy giống như một pháo đài thời trung cổ ở Châu Âu. Vòng tường vi đắp đất nện, cao hơn một mét vây quanh tòa nhà đồ sộ quét vôi vàng khè, bốn bề vuông vức, từng đoạn một lại trổ một lỗ châu mai cho ta cảm giác ấy. Tuy nhiên, đến gần hơn, ta lại nhận ra, nó chính là một công sở, chốn huyện đường uy nghiêm, vì thấy trước cánh cổng sơn đỏ khắc nổi hình rồng cuộn có tên lính chân quấn xà cạp xanh, bồng súng đứng canh và giật mình vì tiếng lợn từ phía trong tòa dương cơ nọ thình lình bật thét, ta lại có cảm tưởng đang đứng trước một trang ấp của một điền chủ nước Tầu.
Tính đa dạng của kiểu trúc càng thấy rõ hơn khi ta theo một vệt đường láng xi măng thoai thoải dốc lên tới cái vọng lâu của tòa nhà, được xây đắp hệt cái đầu một con rồng, với thẻo lưỡi thè lè là vệt đường và hai cầu thang gác uốn vòng hai bên chính là hai cái râu rồng.
Đập vào mắt ta lúc này là mặt tiền của ngôi nhà chính hai tầng cao ngất, trên đỉnh đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Thấp hơn là hai nhành lá ôm hàng con số: 1921, thời điểm hoàn thành việc xây cất. Chữ Nho ngang dọc rất nhiều. Nhưng thời gian đã phôi pha, nay chỉ còn rõ bốn chữ Xuân phong — Thuỵ khí ở hai bên mặt tường khoảng giữa tầng một và tầng hai.
Hai dãy nhà ngang hai tầng, hợp với tòa nhà chính, và cái cổng, thành một vòng khép kín, ôm cái sân gạch đỏ như son, la liệt những bình, chậu, đôn, lọ trồng một thứ hoa nở bồng như cái bánh bao hai mầu hồng, trắng.
Kiến trúc và trang trí trong mỗi gian nhà càng lộ rõ vẻ cầu kỳ đa tạp. Cột nhà tròn đè trên khối đá đế hình bát giác. Vòm cửa đều một kiểu hình bán nguyệt, kẻ gờ, gắn phù điêu con dơi, chùm nho và hoa lá. Tiên sảnh lát đá kẻ chỉ hình hoa tám cánh màu vàng chanh. Tầng trên, nơi đặt điện thờ suốt ngày hương khói, lát ván gỗ quý ngâm dầu luyn bóng như gương.
Khó có thể gọi đúng tên kiểu kiến trúc ngôi nhà này. Tường vi trổ lỗ châu mai kiểu thành quách. Mái nhà cong mô phỏng kiểu cách chùa chiền. Cột tròn như đình làng. Sân thượng, nơi ngắm hoa thưởng nguyệt lại ở cạnh kho lẫn chuồng gia súc, gần nơi gia nhân xay lúa, giã gạo, dệt vải.
Gắn với tòa nhà nọ còn phải kể thêm mấy túp nhà gỗ mới dựng ở khu đất phía trước là nơi ăn ở của tiểu đội lính cơ; một cái hồ nước nhỏ ở sau nhà, giữa có cái quán lục giác mái cong sơn son, nơi quan châu thường đến nghỉ ngơi, chơi bời vui vẻ với các cô gái xòe. Cũng còn phải kể đến một dãy chuồng lợn hơn hai chục gian. Quan châu vẫn trọng nghề gia truyền, vẫn nuôi lợn đàn, nuôi lợn đực.
Dinh thự? Pháo đài? Trại lính? Trang ấp? Phải! Tất cả những tính chất ấy pha trộn, chồng chéo, lấn át nhau trong kết cấu và mỗi chi tiết của khu nhà. Thổ ty Hoàng Văn Chao cùng cô vợ ba mới cưới ở căn buồng trên gác trái. Gác bên phải, xưa là nơi ở của quan ba Phơ-rô-pông, đồn trưởng đồn Pa Kha. Tầng dưới là nơi tiếp khách, hội họp. Hai dãy nhà ngang thì tầng trên là nơi ăn ở của bà cả, bà hai, cậu con cả tên là Hoàng Văn Tưởng, vợ chồng cô con gái cả, cô con gái út, các viên quản lý, vệ sĩ. Tầng dưới là nơi chứa thuốc phiện, da hổ, xương khỉ, xương gấu, thóc lúa, nơi ăn của gia đình, nơi các binh thầu, seo phái, lý trưởng, mù lao* ăn ngủ, hút sách bài bạc, mỗi khi có việc phải lên châu.
Chủ nhân của tòa nhà, Hoàng Văn Chao, có một bước tiến thân khá kỳ quặc. Có mặt ở đây khi cả vùng này về phương diện hành chính chỉ là một xã đặt dưới quyền cai trị của một lý trưởng người H'Mông tên gọi Giàng Chẩn Hùng, bố Hoàng Văn Chao lúc ấy chỉ là một gã lái lợn người Tày từ Cao Bằng phiêu bạt sang.
Bố Chao là kẻ cực kỳ khôn ngoan. Y gả con gái đầu lòng, chị Hoàng Văn Chao, cho con trai cả của Giàng Chẩn Hùng. Hùng là thủ lĩnh người H'Mông, cầm đầu cuộc kháng Pháp cuối thế kỷ trước lúc này đã già yếu. Con cả Hùng, tức anh rể Hoàng Văn Chao, là Giàng Chẩn Mìn lên thay cha làm lý trưởng. Ông tiếp tục cầm đầu dân H'Mông chống lại sự đô hộ của người Pháp. Tham lam, bất nhân, bất nghĩa, bố Chao và Chao lập mưu nhờ tay Pháp hãm hại Mìn. Mìn chết, không còn con trai, lại bị ép, Giàng Chấn Hùng đành để Chao thay Mìn giữ chức lý trưởng.
Đặc quyền từ tay người H'Mông họ Giàng rơi vào tay cha con Hoàng Văn Chao. Bước hoạn lộ của Chao từ đó như diều gặp gió. Năm 1915, Chao làm lý trưởng. Năm 1921, Chao được Pháp thăng châu úy. Tới năm 1944, y được công sứ Et-các-lát bổ tri châu trông coi cả châu Pa Kha ba vạn dân, hơn một nửa là người H'Mông.
Tòa nhà xây từ năm 1921, năm Chao thăng châu úy. Một thày địa lý Tàu đi tìm đất, chọn lựa cả tháng mới cắm được đất này. Thế đất thật đẹp. Trước mặt là hai dông núi đá, hình hổ ngồi, rồng phục. Bên trái là khu rừng dẻ kín đáo; một con suối từ mạn phải lượn vòng đưa dòng nước chênh chếch vào cửa, đó là điềm báo: của cải tự dưng đội nón mà tới. Lại thử theo lối cổ truyền: mấy hạt gạo đặt xuống đất, úp cái bát lên; để ba đêm liền, mở bát, hạt gạo chỗ nào vẫn ở nguyên chỗ đó, không suy suyển; đúng là đất lành, hẹn sự yên ổn. Lại lập đàn, cúng tế rầm rĩ, mộng báo thấy toàn điều hay, kiểu đất phát tích, hưng vượng là cái chắc!
Tiếp đến việc chọn kiểu nhà. Chao ưng kiểu trang ấp đại địa chủ phong kiến Tàu. Bố Chao muốn dáng dấp chốn công đường. Hai cha con không bên nào chịu bên nào. Nghe nói, bố Chao khi chết không thèm gọi Chao tới dặn dò cũng vì lẽ đó. Quan ba Phơ-rô-pông, dạo đó mới là quan hai, đồn trưởng Pa Kha, cử nhân văn chương, con người am hiểu nghệ thuật xây dựng, góp thêm ý kiến. Cuối cùng, mua một bản thiết kế của một kiến trúc sư người Đức, một bản vẽ kiểu nhà của một kỹ sư người Pháp, đem về, đấu lại, thêm bớt cho phù hợp với hoàn cảnh địa dư, lịch sử của một vùng đất vốn nhiều tao loạn và chủ nhân vốn lắm mưu đồ tham lam.
Tòa nhà được thi công mới thật náo động cả châu. Theo giấy từ châu sức về, dân Tày ở Seo Chải xưa đã từng đùm bọc mấy bố con lão lái lợn, tha hồ mà chạy nhà chạy cửa ra khỏi khu đất đã cắm. Cả một xóm gần trăm hộ bỗng dưng như bị hỏa hoạn phải phiêu bạt vào tận chân núi. Người Dao ở làng Nhuần ven bờ sông Chẩy thì cứ mỗi xuất đinh đóng nạp một cây gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, hoàng đàn, ngọc am. Người Xã ở miền thượng châu vốn có nghề làm đá thì thay nhau mà lên núi Thái Giàng Phố, mỗi trai tráng mức mỗi ngày một phiến đá rộng hai gang, dài bốn gang tay. Người H'Mông vùng Can Chư Sử trừ trẻ con dưới mười ba tuổi còn thì đồng loạt hai tháng phục dịch việc xây cất: thồ đá, đào móng, cuốc đất, san nền... Cây đổ, gỗ đè, đá văng, núi sập; đói khát mệt nhọc, chết khổ chết sở phải đến vài chục mạng người. Thợ nề, thợ mộc thì quan châu kén từ Phủ Giày Nam Định lên. Công việc xem ra có vẻ thư nhàn. Làm công nhật. Quan không thúc ép. Cần chắc, bền. Cần mỹ thuật. Đá hộc làm móng dày hai thước. Chân tường đá xăm, từ đó lên cao hai thước nữa xây đá xô. Con chỉ uốn hình cẩm quy, đẹp như vẽ, yêu cầu rất tỉ mỉ. Quan tỏ ra hào phóng. Sợ thợ phản, thỉnh thoảng lại thưởng cho người làm đẹp một lai thuốc phiện. Lại mở tiệm hút và tổ tôm điếm cho thợ vui, đỡ nhớ quê. Ròng rã hai năm ba tháng mới xây xong. Đám thợ giũ quần áo ra về, đã tưởng được món tiền lớn về giúp vợ nuôi con, nào ngờ quan tính tiền ăn, tiền thuốc sái, bài bạc đã hết ngoẻn, bòn nhặt chỉ còn đủ xuất tàu về. Chà, về được còn may. Vì còn có người có đi mà không có về. Chuyện kín lắm. Mấy người này nghe đâu xây cái hầm sâu cho quan. Một sáng mai trở dậy tất cả đều biến vào vô tăm tích.
Ngày Chao dọn từ căn nhà gỗ kiểu chữ môn tới tòa lâu đài thì mới thật là một ngày hội có một không hai. Công sứ Ét-các-lat, chánh mật thám Đen-mátx, các sĩ quan Pháp đồn trú ở Pa Kha, Pha Linh, Mường Cang, ở tỉnh lỵ, ở các huyện miền Tây đều đến dự. Thổ ty La Văn Đờ ở Pha Linh, Nông Vĩnh Yêng bên Mường Cang cũng sang. Rồi binh thầu, seo phải, mù lao, tổng mán, quản mán, ở khắp các thôn xã trong châu kéo tới dâng quà, chúc tụng. Bò lợn chết như có dịch. Rượu bắp phải vài ba trăm cân. Thật là một dịp hiếm có để quan châu phô trương thanh thế với dân chúng và bày tỏ lòng trung thành với mẫu quốc đại Pháp.
Giờ thì tòa nhà lặng lẽ đứng đây, như một hiện vật câm lặng của lịch sử, muốn thách thức sự bền vững với thời gian và mọi biến cố.
Kiến chống tay trên sườn ngước nhìn tòa nhà như nhìn một đối thủ. Anh khó chịu vì cái vẻ cổ lỗ, già nua của nó, càng bực hơn vì hai cánh cửa từ nẫy đến giờ mặc dù tên gia nhân đã ra, hẹn sẽ vào bẩm báo quan châu, đến hơn một giờ rồi mà vẫn cứ đóng im ỉm.
— Ông Chính! Tôi đập cửa đây. Mẹ nó chứ! Mười lăm phút nữa mà nó không mở, tôi bỏ về ngay!
Chính đứng với Pao ở bờ con suối. Đêm qua, Pao đưa hai anh vào nghỉ một nhà người bạn ở châu lỵ. Nghe tin Việt Minh lên, dân châu lỵ đến trò chuyện với hai anh tới gần sáng.
Chính đang định can Kiến chớ vội nổi nóng thì thấy một người đàn bà giong một con lợn nái đi tới trước mặt mình. Sau người đàn bà nọ, lại một ông già người Xã và một chú thiếu niên, kẻ dắt dây, người đập que đuổi một con lợn nái nữa cũng tiến đến cổng tòa nhà.
— Các bác đem lợn đi đâu đấy?
Người đàn bà Tày mặc áo dài chít khăn đen, lắc đầu không đáp lời Chính. Chính hỏi ông già. Ông già nói tiếng Quan. Chú thiếu niên dịch lại bằng tiếng Kinh ngọng nghịu:
— Con lợn nái cấn, nó đến nhà quan châu lấy đực.
— Sao lại đến nhà quan châu? — Kiến quay ra, cau có.
Ông già bấy giờ mới bật tiếng Kinh, đáp cộc lốc:
— Quan châu không cho dân nuôi lợn đực!
Kiến nghiến răng, mặt đỏ sẫm như bôi phẩm:
— Hừ! Ra thổ ty là như vậy đó, ông Chính!
Nếu chế độ thổ ty là cái cây thì nó là cái cây cổ thụ sâu rễ bền gốc. Cắm rễ đâm ngọn từ trong lịch sử xa xưa, ở những vùng biên cương vắng vẻ, địa vực cách chia, cắt xẻ, nơi quyền năng của các chính phủ trung ương đã giảm thiểu hiệu lực tối đa, loài cây này cứ đâm cành sinh lá, tự do như một thứ cây hoang. Các vua chúa phong kiến trị vì thiên hạ từ lâu rồi đã hiểu ra điều rất giản dị này: quyền uy thế tử con trời của mình chẳng bao giờ có thể làm khiếp sợ những lãnh chúa xưng hùng xưng bá ở những vùng biên ải xa xôi nọ. Lề lối, cách thức cai trị ở những vùng này nhất thiết phải có sự khác biệt với những vùng đông đúc dân cư gần cận kinh đô. Không đặt ra tiết trấn, việc quân sự dân sự ở các châu thượng du, ngay từ thời bấy giờ, cũng đã được triều đình giao thẳng cho các tù trưởng, những lãnh chúa từng địa phương, những thủ lĩnh các bộ tộc. Rồi tiếp đó là khống chế họ bằng các mối giao hảo hoặc dùng cuộc hôn nhân hai chiều mà ràng buộc.
Cây cổ thụ được các ông hoàng bà chúa bụng không muốn mà vẫn cứ phải tưới tắm và tiếp tục vun xới. Nó cứ xúm xuê tươi tốt mặc dù đã có lúc nó bị người Pháp đào tận gốc, trốc tận rễ.
Mùa hè năm 1886, sau Hiệp ước Pa-tơ-nốt, người Pháp đem quân lên chiếm tỉnh Lào Cai: Lịch sử xâm lược của họ, ngay ở miền núi cao thưa thớt dân cư này, đã đầy rẫy những thất bại nặng nề. Các thổ ty kịch liệt chống lại những kẻ từ xa tới, định tiếm đoạt đặc quyền, đặc lợi của họ. Chật vật mãi, sau mười năm trời ròng rã đánh dẹp, người Pháp mới tạm gọi là chinh phục được các vùng đất của các thổ ty, lãnh chúa địa phương và đặt ra chức quản đạo người Việt để thay thế họ cai trị các vùng đất này. Tiếc thay, bọn quản đạo người Việt này đã tỏ ra không đủ năng lực hoàn thành trách vụ. Công việc hành chính ở những xứ này rơi vào tình trạng trì trệ chưa từng thấy.
Thực tế đó đã khiến các quan chức người Pháp tỉnh ngộ. Hỡi ôi! Họ đã thả mồi, bắt bóng. Họ đã gạt đi một tầng lớp mà nếu họ biết lợi dụng thì sẽ đắc dụng biết bao. Đầu thế kỷ này, chức quản đạo, như cái cây cắm nhầm đất, chết thui, bị nhổ bỏ. Chế độ đạo quan binh — đại diện ở các địa phương là các đồn binh — được thiết lập. Những cuộc thương lượng hết sức khôn khéo tiếp đó của các quan chức Pháp với những kẻ đang phẫn nộ vì thất thế, nhưng vẫn là thủ lĩnh thực sự của các bộ tộc, đã dẫn đến sự tái lập chế độ thổ ty cha truyền con nối có nguồn ngọn từ trong lịch sử xa xưa.
Chế độ phong kiến thế tập phiên thần lại đâm chồi nẩy lộc. Năm 1906, tỉnh dân sự được thành lập. Trên tỉnh có ông tuần phủ người Việt, nhưng chức vị này thực sự là không có quyền hành gì đáng kể, so với các thổ ty giờ đây chính thức được bổ làm tri châu, châu úy, châu đoàn, chánh tổng, lý trưởng. Các ông vẫn là chúa đất cát cứ, vẫn là chủ nô có quyền sinh quyền sát đám dân con như xưa, mặc dù giờ đây, nhiều ông đã biết mặc com-lê, đi giày giôn, cho con đi học ở Hà Nội, lập đội xòe đi công diễn các nơi xa, chăm chỉ việc giao du, tậu ôtô, mở thêm các đại lý độc quyền ở tỉnh, góp cổ phần vào công ty thương mại nọ, hãng nhà thầu kia: nghĩa là mọc thêm ra hai tay nữa để nắm chặt việc buôn bán các hàng hóa thiết yếu và các đặc sản địa phương, dưới sự bảo trợ của các quan chức Pháp. Họ mọc thêm những cánh tay mới, vươn ra xa hơn, bên cạnh hai cánh tay lực lưỡng chuyên thu tô, thu nợ lãi, thu cống vật, bóp nặn đến kiệt cùng người nông nô dưới quyền mình.
Cây cổ thụ ấy mỗi năm một nhiều cành nhiều lá. Bóng nó tỏa ra bốn phương, tám hướng, che rạp cả một khoảng đất rộng, làm còi cớm tất cả sinh vật và đất đai. Dưới bóng nó, tuy cùng một chủng loại thực vật, nhưng mỗi cây, tùy theo thung thổ, lại che trùm những vùng riêng biệt. Thổ ty Hoàng Văn Chao được lương mỗi năm ba trăm tạ thóc do Nhà nước trả, ngoài ra chính thức được cấp công điền mười mẫu, số ruộng này quy định rõ: do dân cấy cày không công cho quan châu. Chao còn được cấp ba mươi trai đinh phục dịch trong nhà, được quyền lập đội gái xòe ba mươi cô.
Trong dương cơ của Chao có nhà tù, phòng xử án, nơi tra vấn. Luật pháp trong tay Chao, được văn bản hóa, với các điều luật chi tiết như: chó cắn seo phái chủ chó bị phạt một đồng, cắn binh thầu tăng lên hai đồng. Ngựa vào ruộng nhà quan, bất kể đã vặt ngọn thuốc phiện nào chưa, cứ theo lệ, phạt hai lạng thuốc và năm đồng bạc. Mỗi năm, mỗi nhà dân trong châu phải góp cho nhà quan một cân thóc, một cân gà, gọi là thóc khách, gà khách; ai chậm nộp, phạt gấp đôi. Thượng ngọn cây, hạ ngọn cỏ là của quan châu. Con gấu bắn được trong rừng, cái mật và hai chân trước nó là của quan. Bắn được con hổ, thì tất nhiên phải nộp bộ xương và bộ da. Cố tình lờ đi là phạm trọng tội. Phạm trọng tội còn là những kẻ dám nuôi lợn đực trong nhà. Hiếm có kẻ nào trọng nghề ông cha như Chao. Ông Chao, bố Chao làm lái lợn và nuôi lợn đực. Chao là quan châu, tất nhiên không thể làm lái lợn, nhưng Chao có quyền cấm tất cả dân chúng trong vùng không ai được phép nuôi lợn đực. Nghĩa rằng là lợn cái của bàn dân thiên hạ muốn sinh đẻ thì chỉ còn có cách đưa đến nhà quan châu, với điều kiện trả công sức con lợn đực một đồng bạc và một nửa số lợn con mới đẻ phải nộp quan.
— Kính chào các quý ngài ạ. Dạ... tôi là tri châu Hoàng Văn Chao... e hèm, dạ... vì đang bối rối việc nhà, có chậm trễ... mong các ngài thứ lỗi... Dạ... Để rước hai ngài vào tiền sảnh ạ!
Tri châu Hoàng Văn Chao mặc áo dài nhiễu, đội khăn xếp rạp mình xuống chào Chính và Kiến rồi ngẩng dậy chắp hai tay, xuýt xoa.
Qua cái vọng đài Chính và Kiến bước xuống vuông sân gạch.
Đó là lúc những hoạt động của khu nhà đang cữ ồn ào nhất. Nắng lên, viên quản lý chân thọt, tập tễnh chạy đi chạy lại thúc các gia nhân đội thóc ra phơi. Trên sân ùn ùn thóc và nhộn nhịp bóng người vào ra. Ầm ĩ tiếng lợn rống ở khu chuồng. Tiếng lính hô tập bồng súng, đi đều ở đâu đó chộn trong tiếng quát tháo của ai đó từ dưới hầm ngầm vọng lên. Đôi tiếng chó sủa và lọt qua những kẽ hở im lặng của ồn ào, nghe thấy tiếng hát của một bầy thiếu nữ chen trong tiếng xa chỉ quay cót két, tiếng go vải giật phừng phừng.
Phòng tiếp khách ở tiền sảnh đặt bộ xa-lông bọc nhung đỏ bốn chiếc, xen kẽ là mấy cái đôn sứ, vây quanh một cái bàn tròn khảm xà cừ, trên có bộ đồ trà cổ màu da lươn.
Kiến khó chịu ra mặt khi ngồi xuống ghế. Phòng tiếp khách của Chao chật chội và nhìn quanh, chỗ nào cũng thấy la liệt đồ cổ. Bầu rượu hoa sen men xanh lam đời Minh. Bình hoa hình cá chép, quai hổ phù đời Thanh. Lọ men ngọc nổi hình song sư đời Khang Hy. Tượng Di Lặc, tượng tiểu thư, mục đồng, ngư ông. Cùng những là hoành phi, câu đối, đôn, lọ chóe, dĩnh lủng củng, lộn xộn tưởng như mới thu thập từ các nơi khác về.
Vật quen mắt nhất với Kiến là cái tủ chè chạm bách điểu, thì lại bị Chao che lấp. Ụt ịt đầy phệ trong lòng ghế. Tướng ngũ đoản. Cái mặt ngắn ngủn. Tóc như sơn đen, bị ép cứng trong cái khuôn khăn xếp. Mặt sùi mụn cóc. Thả hai cẳng chân vừa ngắn vừa như bị phù nề, vừa chạm đất, tay khuỳnh trên tay ghế, Chao liên tục lia con mắt ti hí sang phía Chính.
Chính hoàn toàn là một cực đối lập. Cái áo vét vải ka ki rất vừa vóc người, khép một bộ ngực nở, khuôn hai bả vai rộng. Tóc cắt ngắn hất cao. Gương mặt rám nắng, hơi cháy lên ánh đồng đỏ và hai con mắt sáng quắc, tự chủ, sắc sảo, nhưng nheo lại thì đôn hậu, thấu tình. Có cả sự từng trải, lịch duyệt và tế nhị, trẻ trung toát ra từ con người, trong những cử chỉ của Chính.
Nghiêm trang, nhìn thẳng mặt Chao, Chính nói:
— Ông Chao! Tôi là Lê Chính, đặc phái viên liên Bộ Nội vụ — Quốc phòng. Còn đây là đồng chí Kiến, ủy viên ban cán sự tỉnh. Chúng tôi được sự ủy nhiệm của Chính phủ Trung ương...
Căn phòng như trầm xuống. Và Chính thấy rõ lão già hơi co người lại sau một cái rùng mình rất khẽ. Cái rùng mình giống như để trút bỏ cái vỏ bề ngoài ngờ nghệch giả tạo của Chao.
Bởi vì đã là lúc vào cuộc! Đã đến lúc không thể chờn vờn được nữa rồi. Đây là cuộc đời thực. Đây không phải là một cuộc viếng thăm xã giao thông thường với những lời chúc tụng mơn trớn, vỗ về làm hài lòng nhau. Đây là một cuộc đối mặt, một cuộc đối đầu.
Người bên kia là đại diện cho một lực lượng mới, trẻ trung, mới bước lên vũ đài chính trị, có cả một vùng đất nước đã giải phóng ở phía sau. Kẻ bên này là đại diện cho một thế lực già cỗi đang suy tàn, nhưng hiểu rất rõ lợi thế của mình; hàng thế kỷ uy danh đã khẳng định cả một vùng núi non. Bên kia là ánh hào quang của một ngày mới rạng, nhưng còn non bấy. Bên này là tà dương buổi hoàng hôn nhưng chưa có dấu hiệu lụi tàn. Người từ xa tới, bỡ ngỡ như khách vãng lai. Kẻ mọc từ đất này lên có cái thế của ông chủ lâu đời. Sức trẻ hăng hái và lực lượng già cỗi bảo thủ. Niềm khát khao cao cả thiêng liêng muốn giải phóng cho những kiếp người nô lệ và dục vọng bám giữ những lợi quyền sở hữu thâm căn.
Le lé hai con mắt ti hí dò xét, Chao e hèm dọn giọng rồi cất tiếng:
— Dạ, văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, hôm nay mới tỏ mặt anh tài. Dạ, ngài Lê Chính, đúng là danh bất hư truyền, ngài đã làm tỉnh trưởng hồi năm ngoái. Dạ, về yêu cầu của các ngài thì chúng tôi đã thực hiện từ lâu. Chúng tôi bất hợp tác với bọn Quốc dân Đảng. Một con gà cũng không bán cho chúng. Vừa rồi, được tin có hai thằng lọt vào châu này, tôi đã sai lính đi lùng bắt.
Ngẩng lên, mũi nảy nảy như mũi ngựa, Chao tiếp:
— Dạ, đúng như thế ạ! Quốc dân Đảng là một lũ lợn rừng chuyên gây loạn. Sinh thời, cụ tổ nhà tôi rất căm ghét những kẻ tác loạn ạ. Cụ tổ nhà tôi đã đào hào đắp luỹ, chống bọn phỉ Sần Dìn Pao, Vàng Dìn Mui từ Lưỡng Quảng sang gây loạn. Chính cụ đã liên kết với tướng quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc chống người Pháp đó ạ... Dạ ông cụ lấy chảo gang vỡ, lưỡi cày gãy đúc đạn, làm súng. Quân Pháp cho thám tử dò la. Ông cụ sai lính đè một con lợn ra cho nó kêu toáng lên hàng chục lần. Quân Pháp tưởng là lính của cụ đông lắm. Hị hị...
Nấc lên tiếng cụt lủn, Chao trợn mắt, bỗng tỏ ra vui vẻ khác thường:
— Dạ, các ông châu khác bảo: thế là nhờ con lợn. Đúng là lập thân từ con lợn. Ông cụ tôi xưa là lái lợn, chuyên nuôi lợn đực. Nghĩa là, gốc gác cũng thuộc tầng lớp lao động một nắng hai sương cao quý đấy chứ ạ.
Môi thoảng ánh cười, Chính khẽ gật đầu.
— Ông Chao ạ, tôi rất hoan nghênh ông đã có những lời hay ý đẹp khi nói về tầng lớp lao động. Còn bây giờ, ông đã rõ tình thế đất nước rồi đấy! Giờ đây, vâng lệnh Hồ Chủ tịch và Chính phủ Trung ương, bộ đội ta đang tiến đánh bọn Quốc dân Đảng phản động. Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái đã giải phóng. Chúng tôi yêu cầu ông cùng hợp lực với bộ đội tiêu diệt bọn Quốc dân Đảng ở Lào Cai.
— Dạ, dạ, hợp lực thì xin sẵn sàng ạ! Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã ra lệnh thì có ai dám sai lời ạ!
— Cần phải như thế.
— Chỉ có điều là... trình quý ngài... lính của tôi thì rặt loại ốm o, nghiện ngập... Dạ, con lợn có béo thì lòng mới ngon ạ!
Chính hơi ngả người, khe khẽ cười:
— Khi họ chiến đấu có mục đích thì họ sẽ khỏe lên, ông Chao ạ!
— Dạ, trình ngài, quả là...
— Ông Chao, chúng tôi muốn hỏi, hiện thời ông có bao nhiêu khẩu súng?
— Dạ, ít thôi ạ. Lính dân tộc lại hay táy máy, nên lợn lành thành lợn què nhiều lắm mà.
— Một trăm khẩu, được không? — Kiến quay lại, nóng nảy chen lời.
Chao giãy nảy:
— Làm gì mà nhiều thế ạ. Chỉ có độ dăm chục khẩu là cùng thôi vớ.
— Được rồi, chúng ta sẽ thanh tra lại!
— Dạ, thanh tra làm gì cho mất thì giờ ạ.
— Phải nắm cho chắc lực lượng thì mới ra trận được. Ông Chao ạ, ta cần kiểm lại xem hiện đã có bao nhiêu súng, rồi sau đó ta xuống các bản làng hô hào trai tráng có sức khỏe sung vào đội quân đi đánh bọn Quốc dân Đảng.
— Thôi thì khỏi phải thanh tra. Cứ ghi là một trăm khẩu cũng được, quý ngài ạ! Hèm, còn trai tráng ở đây không đăng lính được đâu ạ. Toàn bọn đầu trâu đuôi cướp cả, hư lắm!
— Ta sẽ chọn lựa những người tốt. — Chính nói.
Chao gãi vành tai:
— Dạ, đông quá, lương phạn đâu cấp cho đủ ạ.
— Ta sẽ bàn cách ông Chao ạ.
Chính ngả hẳn người vào lưng ghế. Hai tay đan nhau, ung dung, tự chủ, lòng Chính đang dâng lên những khoái cảm mới mẻ lạ thường. Anh nhớ tới những cuộc đối mặt với những lý trưởng, chánh tổng, tri huyện, tổng đốc, chánh mật thám trong quãng đời hoạt động cách mạng vừa qua. Ở những cuộc đối mặt ấy, anh là tù nhân, là kẻ mất tự do. Vậy mà ngay cả lúc ấy, anh cũng vẫn còn cái cảm giác như bây giờ; những kẻ đang nắm quyền bắt bớ giết hại anh, chúng già lão, cổ lỗ quá. Còn bây giờ thì tất nhiên là khác hẳn rồi. Anh đã chuyển sang một tư thế mới. Vinh dự và thú vị làm sao, anh đang chứng kiến những ngày tàn suy cuối cùng của Chao và đồng bọn y, tầng lớp thống trị bóc lột cuối cùng của xã hội loài người. Đấu tranh này là trận cuối cùng. Một thời đại mới nhất định sẽ ra đời. Nay mai, con cháu anh làm sao chúng còn được có cơ hội như anh đây, được thấy một lão thổ ty già bằng xương bằng thịt.
Phảng phất một niềm vui sung sướng sâu xa, lại thêm có chút gì đó là sự thỏa mãn, cao ngạo trong giọng nói của Chính.
— Ông Chao ạ. Chính nói — Tham gia đánh bọn Quốc dân Đảng lúc này là cơ hội để mỗi người bày tỏ lòng thành thật đi theo Chính phủ, tôi mong rằng đó cũng là tâm nguyện của ông.
— Dạ... Thưa quý ngài đặc phái viên...
— Tôi cũng xin nói thêm để ông rõ, chúng tôi sẽ thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân ở châu này. Trụ sở sẽ đặt ở ngoài phố. Ông tạm thời vẫn điều khiển công việc hành chính ở châu này. Nhưng, từ nay trong khi làm mọi việc, ông cần xin ý kiến của đồng chí Kiến của chúng tôi. Đồng chí Kiến là chủ nhiệm châu bộ Việt Minh ở đây.
— Dạ thưa...
Chao phắt ngay đầu dậy khi Chính vừa dứt lời. Ngực lão vừa phát ra một tiếng rên rất nặng. Trút bỏ hoàn toàn vẻ già nua, hai con mắt lóe sáng vẻ tinh khôn, lọc lõi, Chao đứng dậy, lắp bắp:
— Dạ thưa... như thế không được ạ!
—...
— Dạ thưa, như thế không được!
Vừa lúc ấy, như đã hẹn trước, quả đấm cửa ra vào ở bên cạnh Chao, xoay nhẹ một vòng, cửa mở một vòng hẹp và nhanh nhẹn lách vào một bóng đàn ông trẻ. Người đàn ông này trạc hăm lăm tuổi, vóc dáng gày gùa, nhưng chỉnh tề trong bộ com-lê đen tuyền.
— Chào các ngài! Cất tiếng chào Chính và Kiến người nọ nhẹ nhàng bước tới cái đôn sứ cạnh Chao.
Chao quay lại, thở phào:
— Dạ... thưa các ngài, đây là con giai cả của tôi, cậu Hoàng Văn Tường.
Dạ, tôi là Hoàng Văn Tường. Rất hân hạnh được tiếp kiến các ngài.
Chà! Tre già thì măng mọc. Quân tiếp viện đã đến kịp thời. Mặt vênh nhẹ, ngực hơi ưỡn về trước, người tên Tường kiêu hãnh tự giới thiệu và ngồi xuống cạnh Chao. Mũi giày nhọn đập khe khẽ trên nền đá hoa trong khi những ngón tay gõ khẽ khẽ trên tay ghế, Tường tỏ vẻ rất chủ động. Vả đã theo dõi câu chuyện từ nãy rồi, cũng đã đến lúc không cần khách sáo, nên giờ Tường có thể lập tức nhập cuộc.
— Thưa các ngài! — Nhăn nhăn trán, Tường nói, giọng thật điềm tĩnh: Tôi xin phép được tham gia ý kiến như sau ạ. Việc lập chính quyền dân chủ ở châu này, xét về mặt pháp lý thì có thể được. Nhưng đã gọi là dân chủ thì theo tôi rất cần được dân sở tại tán đồng nữa, chứ ạ.
Giang hai cánh tay lực lưỡng trên hai tay ghế, Kiến như sắp đứng vụt dậy. Nhưng Kiến chưa kịp nổi nóng, Chính đã ghé về phía Chao, khẽ khàng nhưng hết sức rành rẽ:
— Ông Chao, chúng tôi yêu cầu việc bàn định chỉ giới hạn trong chúng tôi, các phái viên của Chính phủ với ông, quan chức cũ của địa phương.
Đòn đánh trả đơn giản mà mạnh mẽ làm sao! Tường sa sầm mặt. Chao ngúc ngắc cổ, quay ngang quay ngửa, rồi nhíu mày nhìn Tường, làu bàu.
— Khỏi dằng, khỏi càn, khỏi kin, khỏi chảng à *.
Đưa tay vuốt cằm nhìn Tường hậm hực không một lời chào bước ra cửa, Kiến hỉ hả như vừa thắng một keo lớn.
Ngoài sân, vàng nắng thu sớm mai ảm đạm như nắng rớt chiều hôm. Nghe trong ồn ào tiếng các gia nhân đi lại trang thóc, có tiếng ai đó kêu thét thất thanh đau đớn vọng lên từ khu hầm ngầm.
Người đàn ông buông vội người đàn bà. Cửa mở, Tường đâm sầm vào như con mồi bị vây, liều mình mở đường thoát thân.
— Hỏng bét! Anh phán Thông! Hỏng rồi!
Vừa rời khỏi chiếc ghế có người đàn bà ngồi, người đàn ông ngoài ba mươi, trán cao, da khô, kính cận lồi đít cốc, đeo cổ cồn, nơ đen, mặc bộ com-lê màu kiến vống, túi trái áo vét thõng một sợi dây đồng hồ vàng, vẻ thơ lại, ngẩng lên, lặng lẽ nhìn Tường.
Tường giậm chân đánh thịch:
— Hỏng rồi, anh phán Thông ơi! Hắn quay ông già như quay chong chóng. Nhiều lúc ông già ngẩn tò te chẳng biết đối phó thế nào. Cuối cùng ông già phải chấp nhận tất cả yêu cầu của hắn. Trời, thế là bọn Vẹm thắng một cú to rồi. Anh phải hiểu, hai thằng chứ hai ngàn thằng Quốc dân Đảng lọt vào châu này tôi cũng có khả năng đối chọi. Nhưng Việt Minh, Việt Minh chỉ cần một thằng đứng chân được ở đây thôi là chúng sẽ ùn ùn nảy nở như nấm sau mưa, cho mà xem.
Cởi phăng cái áo vét, vứt lên ghế, và khi thấy phán Thông ngây ngây mặt như chưa hiểu, Tường lại giậm chân, vò đầu cay đắng:
— Trời! Anh phán Thông, anh có hiểu không, chỉ cần có ba tấc lưỡi thôi mà hắn giành được rất nhiều thứ: lập ủy ban, có lính đi đánh Quốc dân Đảng, mở cửa hàng bán muối...
— Không phải hắn chỉ có ba tấc lưỡi đâu — Phán Thông nhếch mép — Hắn có những cái khác mà cậu không nhìn thấy đấy thôi, cậu Tường ạ.
Cơn uất chưa tan. Tường bước chuệnh choạng, miệng méo xệch:
— Hắn khẽ gạt một cái, tôi ra rìa liền. Trước hắn, ông già nhà tôi chỉ là một cây thịt sống. Trời ơi! Lão già đụt! Lão chỉ lo mất mấy ngàn đồng bạc trắng chôn ở nơi nào đó trong nhà này thôi!
— Hừ...
— Anh có biết không? Cái tên to ngang đội mũ cát-két thì lừ lừ, gầm ghì. Còn cái tên cao cao, rắn rỏi, thì, trời... hắn cứ thong thả, ung dung nói mà mỗi lời như một nhát dao!
— Hừm...
— Anh bảo sao? Tại sao anh lại cười mép? Anh chế giễu tôi à?
Tường loạng choạng, hai tay ấp má, hỏi dồn.
— Hoàng Uyên! Đứng dậy, hai tay đút túi quần, phán Thông khe khẽ gọi người đàn bà đang nhìn ra cửa sổ — Em lấy cho anh Tường cốc nước lạnh. Uống đi! Hừ, cậu đừng chê ông già. Cậu mà đối mặt với hắn thì cậu cũng chỉ là một anh hề! Hắn là ai, cậu có biết không?
— Sao? Hắn là ai? Anh biết à? — Đón cốc nước lạnh, hất mớ tóc rủ xuống trán, ngẩng lên, Tường lắp bắp.
Thông nhếch môi, khô lạnh:
— Biết quá đi chứ! Lê Chính, Vẹm đầu sỏ đó!
— Trời!
— Một cán bộ Cộng sản gộc. Chính hắn, năm ngoái một mình lên giải tán chính quyền bố chính của Nhật, lập chính quyền Việt Minh ở tỉnh này. Chính hắn đã trục xuất tôi ra khỏi tỉnh khi tôi yêu cầu chức chủ tịch phải do người địa phương nắm.
— Còn thằng thứ hai?...
— Nó tên là Kiến, nó sẽ là cố vấn kèm sát từng bước đi của tri châu! Nó là chủ nhiệm châu bộ Việt Minh!
Thấy Tường đặt cái cốc nước đã uống hết xuống bàn, nhấc cái áo vét, Thông giơ tay.
— Cậu định đi đâu? Cậu đừng chê ông cụ. Cộng sản và Quốc dân Đảng, hai đứa tất phải diệt một. Điều đáng ngại không phải là chỗ đi với Cộng sản để diệt Quốc dân Đảng. Mission 5 đã có ý kiến.
— Thật à?
— Phải. Bên Pha Linh, Mường Cang chắc cũng đã nhận được ý kiến của Mission 5. Cái đáng sợ là chúng đứng chân được ở đất này.
Tường xỏ tay vào áo, thọc mấy ngón tay lên tóc:
— Thì chính tôi uất là ở chỗ đó! Ông già dù sao thì cũng ngu. Giá như nghe tôi, bán tất cả ruộng nương đi. Ra tỉnh. Hay về Hà Nội. Ngu quá! Lại khoe gốc gác lái lợn. Lại còn định đem đám hát xòe ra khoe để bọn chúng được dịp đề ra cả loạt yêu sách: giải tán đám xòe, bỏ luật lệ cấm dân nuôi lợn đực. Trời!
— Cậu định đi đâu bây giờ.
— Tôi đi gặp bọn thằng Seo Cấu!
Cửa căn phòng khép lại. Ngồi như gắn sơn trên ghế, Thông lại khô lạnh như thép nguội. Hoàng Uyên mỹ nhân đến thiên thai xứ. Tình nhân những ngày xa xưa. Phút giây tình tứ ái ân. Những lời thỏ thẻ. Vô nghĩa cả rồi! Ôi chao! Mới chỉ là ngày hôm qua, khi Hoàng Uyên xuất hiện đột ngột ở tòa lâu đài này, Tường, Thông và cả Chao nữa đã vây lấy ả. Tường thì liến thoắng nói về Hà Nội. Hà Nội, nơi hắn học bốn năm năm không qua nổi lớp nhất. Hà Nội với hắn là Khâm Thiên, là những xóm bình khang. Hà Nội là Hoàng Uyên. Chao! Hoàng Uyên nhà ở ngõ Sinh Từ, gần nơi Thông trọ học, mười bốn mười lăm tuổi Uyên đã được Thông “bao”, rồi Tường “bao”. Khi Thông rời Hà Nội lên trên này nhận một chức vụ nhỏ ở tòa sứ, bán mình cho phòng nhì Pháp và ra sức lập nghiệp thì ả đã là vợ một ông Tây có vi la, có ôtô riêng. Nhật gây đảo chính, ông chồng Tây chết, Hoàng Uyên lấy lẽ một điền chủ, bị vợ cả ông này thuê bọn nặc nô bắt trói trôi sông, may được cứu thoát. Uyên ơi! Hôm qua, chính ở căn buồng này, Thông còn đọc tiểu thuyết của Nhất Linh, của Khái Hưng cho nàng nghe. Ôi! Vợ Thông đi vắng thì đã có làn mi nàng chớp chớp hắt cái ánh xanh huyền ảo vào lòng Thông. Và Tường, Tường dẫn nàng đi trong đồng hoa thuốc phiện, khoe với nàng rằng đây là ruộng hầu khách, ruộng rải chiếu, ruộng mắc màn, những mảnh ruộng dân Tày, dân H'Mông phải làm công cho nhà Tường. Hai vệt lông mày nàng như hai linh hồn ưa phiêu du cứ cong vếnh lên như hai cánh chim vẫy. Còn lão già Chao thì ngây đờ mặt thịt trước mỹ nhân. Lão cũng mình mình, em em. Còn Tường thì ỡm ờ: "Mon papa đang muốn kén một tiểu tinh diễm lệ để vui thú cảnh nhàn đấy!”.
Ôi thôi! Tất cả những mê mẩn, cuồng si đã đến lúc tan biến. Hóa ra tình tang, vùng bí ẩn phiêu lưu đâu có phải là cứu cánh cuối cùng. Việt Minh mà lập chính quyền ở tỉnh này thì Thông hết thời rồi. Thông kết thông gia với thổ ty là Thông hiểu cái thế của họ. Thông ranh mãnh hơn hẳn các công chức khác là ở chỗ ấy. Thổ ty! Họ làm chủ ở đây vĩnh viễn thì Thông còn giữ mãi địa vị quân sư của mình. Thông còn kiếm chác được. Thông còn giữ được cái gia sản kếch sù của Thông.
Còn bây giờ, thế là Thông đã gặp lại hắn. Ở sở mật thám Pháp, Thông đã thấy ảnh hắn. Hắn đeo số tù 9033. Hồi đó hắn gầy còm. Thông biết hắn kỹ lắm. Chỉ tiếc sao hắn không bị bọn Lộc bắt khi bọn này làm đảo chính? Hắn rút theo đi đường nào về xuôi? Và bây giờ hắn lên đây, Mission 5 biết chưa?
Ngồi lặng phắc trong tĩnh mịch của gian phòng thoảng mùi son phấn, đã có lúc Uyên tưởng là Thông ngủ, mà thực ra không phải, vì Thông đã nhổm dậy ngay khi Uyên khe khẽ cựa mình:
— Gì đó em?
Hoàng Uyên vừa nhổm dậy và chợt kêu to:
— Họ đã ra kia kìa!
Phắt dậy, Thông bước vội tới khuôn cửa sổ. Hai người phái viên đang đi qua sân. Bọn gia nhân đứng túm tụm trên bờ hè mắt dõi theo họ không giấu nổi vẻ thán phục và thiện cảm.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe