Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 20
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hiếc đầu tàu bò vào sân ga, kéo theo sau năm toa đĩa, dừng lại phì phịt thở.
Tiếng còi của nó bị nhấn chìm ngay. Bởi vì dân chúng trong thị trấn bị huy động ra tụ tập ở sân ga, bấy giờ đang dồn hết hai cái cửa sắt chen, đẩy, nghển cổ, kiễng chân, trèo lên bờ rào để nhòm ngó, xem mặt ngài đảng trưởng từ Yên Bái thất thủ hôm nay tháo chạy lên tới trấn này.
Cuộc nghinh tiếp thật ra đã được sửa soạn từ hai ba hôm trước. Phố xá phải dọn vệ sinh. Trường tiểu học của ông giáo Huyền bị trưng dụng làm nơi tiếp đón. Đón tiếp đảng trưởng Vũ Khanh thiếu kèn trống, nhưng sự hoan hô nhiệt liệt của dân chúng là không thể thiếu. Vì vậy, viên sĩ quan Mộng Huyền từ sáng đã phải đứng trên bờ hè nhà ga hò hét đến khản cổ để dạy dân chúng cách thức vỗ tay và hô khẩu hiệu. Đoàn lính danh dự đội mũ chào mào lưỡi trai, ghệt lửng, đứng sin sít như cọc rào rải từ Tòa Sứ ra tới tận cửa ga.
Tàu dừng. Bọn lính nằm ngồi ngổn ngang trên các toa đĩa, liền choàng dậy, vươn vai, duỗi tay, và nhảy bịch bịch xuống đất. Bấy giờ, đám người bị dồn ra nghênh đón mới thật nhộn nhạo:
— Ối giời ôi! Có cả xác người chết kìa.
— Chó béc giê chúng mày ơi!
— Hoan hô đảng trưởng lấy vợ đầm!
— Chạy đi! Chạy đi không chúng cướp đấy!
— Bé ơi, ra đây tao cho ăn kẹo...
Mộng Huyền nhảy lên bờ hè nhà ga, vung tay:
— Trật tự! Nào, hô theo tôi: ủng hộ Việt Nam Quốc dân Đảng! Đả đảo...
Tiếng Mộng Huyền lút trong tiếng la hét của dân chúng, tiếng trẻ con khóc, tiếng ông già chửi rủa. Bọn cảnh sát đã tới, chúng dẹp dân chúng về một góc sân, lấy lối cho Lộc và các nhân viên tháp tùng ra đón đảng trưởng.
Tàu dừng được một lúc, Vũ Khanh mới thong thả bước xuống đường ke. Y quay lại đưa hai tay đón vợ, đặt thị cẩn thận như đặt một cái lọ thủy tinh dễ vỡ xuống đất xong, bấy giờ những sĩ quan hầu cận đi cùng toa mới rục rịch xuống theo cùng với đồ đoàn và những con chó béc giê. Toàn loại chó nòi cao nhong nhóng, tai vểnh, xám đen, dữ tợn, vừa xuống sân ke đã sủa rông rổng. Nghe tiếng chó, bọn trẻ con lập tức ào ra cửa sân ga. Chúng gọi, chúng ném, chúng trêu chọc, khiến bầy chó dù bị chủ đe nạt cũng cứ hểnh mõm lên mà sủa, mà tru từng hồi dài.
Bấy giờ, người lớn đã xô ra cửa ga. Bấy giờ đã nhìn rõ mặt những kẻ thất trận mới tới. A! Toàn những gương mặt nhang nhác quen; lão chủ đồn điền béo phệ, gã thầu khoán gầy đét, viên ký ga, chủ hãng ô tô khệ nệ những chiếc va li da to. Những tên võ sĩ cao lớn lùi lũi. Những cô cứu thương trắng muốt, tóc phi dê cuống quít khiêng những cái cáng đầy máu me. Đông nhất là bọn học sinh quân, bọn này thuộc: "Anh dũng phái", vai đeo huy hiệu hình đầu lâu trắng mà mặt ngơ ngác, xanh xám.
— Ông giáo bi-a ở Yên Bái kia kìa.
— Chúng mày ơi, lão Paulus Tánh.
— Xếp Phác! Kìa, Phán Lục nữa!
— Đ. mẹ! Một trăm đồng bạc cái đỉnh của ông đâu rồi!
— Bắn chết cha cái thằng điên kia đi!
Thằng điên. Đó chính là tên học sinh quân đang hò hét trên một cái toa đĩa. Nghe vậy, y liền nhảy xuống đất, cười sằng sặc.
— He, he... chúng mày lừa ông vào học trường Vô tuyến điện, rồi chúng mày lại đẩy ông lên đây à... Đ. mẹ chúng mày.
Khanh cau mặt khó chịu. Nhưng Lộc đang lắp xắp bước tới, hoạt bát và nhanh nhẹn, gõ giày đánh cộp và đưa tay lên vành mũ kê-pi:
— Kính chúc đảng trưởng cùng bửu quyến khương an,vui vẻ.
— Ồ! Chào anh Lộc! Kìa Phi Linh! Anh Lộc ra đón chúng ta, đẹp như tướng đi duyệt binh, không hề có mùi chiến trận nhé.
Khanh chìa tay đón tay Lộc. Cái miệng rộng tươi hơn hớn. Cặp lông mày sâu róm đen đậm nhướng cao.
Trắng trẻo, đẹp mã, cao lớn trong bộ quân phục kỵ binh Pháp, quần ngựa ka ki, đùi bành rộng như bạnh cây, chân đi ủng da, Khanh có dáng vẻ một trang phong lưu công tử.
Lộc đi cạnh Khanh, hai tay xoa trước bụng, lắp bắp:
— Trình... đảng trưởng đi đường chắc là vất vả?
— Thật là gian truân — Khanh búng tay, hất đầu — Thật là một con đường máu. May mà các chiến binh ta dũng cảm. Tình hình ở đây khá chứ, anh Lộc?
— Dạ... thưa... Xin đảng trưởng yên tâm ạ.
— Tốt! Tốt!
Khanh gật đầu, bước ra khỏi sân ga, vào con đường nhựa, giữa hai hàng rào lính danh dự.
Dù muốn hay không Khanh cũng thấy cái trấn biên giới quen thuộc với Khanh xao xác, tiêu điều rồi. Viền hai bên đường là những cây bàng, cây sấu, cây dạ hương cổ thụ đang vào mùa tàn héo. Bàng đã rụng lá. Dạ hương xơ xác, nghều ngào những cành bọc rêu, trông hoang dại, dị thường. Nắng hoe vàng. Gió hờ hững vẩn vơ. Trời trống tênh, hun hút, và con đường năm ngoái khi bọn Khanh theo quân Tưởng rầm rập kéo sang còn xanh bóng nhựa đường, nay đã long lở đầy ổ gà và lổn nhổn đá củ đậu.
Một năm trời! Một năm trời thật chỉ là một cái tích tắc trong lịch sử, một năm trời thật có đáng là bao! Vậy mà cái khoảng thời gian vừa qua ấy đã đầy ắp những biến cố hãi hùng. Ngày ấy, lòng Khanh chan chứa mộng tưởng huy hoàng. Ngày ấy, đầu Khanh chất nặng mưu mô tuyệt diệu. Còn bây giờ? Bây giờ, Khanh rỗng rễnh, trống trải thế nào.
Sự biến đổi từ cực này sang cực kia mới nhanh chóng và dường như khó hiểu làm sao! Sao lại có thể như vậy được? Khanh không phải là kẻ lười biếng, quen thụ hưởng. Khanh là con người của lý thuyết và hành động. Kêu gào. Quấy rối. Phá phách. Rồi thỏa hiệp. Rồi lật mặt. Đủ cả. Vậy mà sao cuối cùng Khanh cũng chẳng thành đạt được điều gì ngoài việc làm rối ren thêm đoạn lịch sử vốn đã rối ren này!
Đời Khanh, đoạn này dồi dào sự kiện nhất, mặc dầu là từ sau năm 1930, chạy dài sau sự kiện Yên Bái sang ẩn náu ở "quốc ngoại", trở thành tên tay sai mẫn cán của tướng Lư Hán, tướng Long Vân, cũng rất phong phú tinh tiết li kì và hấp dẫn. Phải, đây là thời kỳ thực thi những dự định, hoàn tất những sự chuẩn bị. Vậy mà hình như tất cả đều đã đổ vỡ và dở dang?
Hay là Khanh đã quá chậm chân? Ngày hai tháng chín, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời tuyên bố độc lập, vậy mà cuối tháng chín quân Tưởng mới tới được Hà Nội. Và tận ngày hai tháng mười năm ấy, đại tướng Lư Hán mới tới thủ đô cùng với Nguyễn Hải Thần, đại diện của Việt Nam Cách mệnh đồng minh, mưu đồ thành lập chính phủ mới; còn Khanh, Khanh còn chậm nữa: lúc ấy Khanh mới triển khai lực lượng dọc con đường sắt Hà Nội — Vân Nam, qua Lào Cai, Yên Bái tới Việt Trì. Chậm rồi! Nhưng chậm cũng hơn không! Khanh đã ra sức quấy phá để bù đắp lại sự chậm trễ.
Và hình như nhờ quấy phá mà bọn Khanh lấn tới được. Tháng 10 năm 1945, có cuộc họp giữa Việt Minh với Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, để rồi gần tháng sau ba bên mới có được biên bản thỏa thuận về bảy vấn đề đoàn kết để xây dựng đất nước. Tháng 1 năm 1946 Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cải tổ. Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó Chủ tịch nước. Khanh cũng giữ một chân trong Hội đồng Chính phủ. Đảng Khanh cũng được mấy chục ghế trong Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử tháng Giêng năm sau.
Nhưng có lẽ đó là giới hạn cuối cùng rồi. Việt Minh không thể lùi hơn nữa. Trong khi tham vọng của Khanh còn ngùn ngụt sức cháy. Khanh và đồng bọn phải bá chiếm quyền hành và dẫn dắt đất nước này theo một con đường hoàn toàn khác kia. Không? Khanh đã không thể làm gì hơn. Địch thủ của Khanh già dặn, cao tay quá. Cao tay quá! Họ dám tuyên bố giải tán Đảng để hòa hợp cả với kẻ thù của họ kia mà!
Cái nguy cơ bị diệt vong tăng cái sức phản động của bọn Khanh. Vả lại, quấy phá vốn là bản chất của bọn Khanh. Nguyễn Hải Thần bỏ chức Phó Chủ tịch nước, lên Lạng Sơn, Nguyễn Tường Tam — người của đảng Khanh — được cử đi đàm phán ở Ba Lê, thụt két hai triệu bạc rồi thoái thác chuồn về Vĩnh Yên cùng Khanh âm mưu đem quân về Hà Nội lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh, chính phủ Liên hiệp thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1946, ngày quốc hội họp phiên thứ nhất.
Việt Minh đã thẳng tay. Ngay từ ngày 12 — 9 — 1945, họ đã ra quyết định giải tán các đảng phái, hội đoàn tay sai của thực dân, phát xít. Sau đó một ngày, họ thành lập tòa án quân sự trừng trị các tội chính trị phản cách mạng. Các sắc lệnh quy định thể thức các cuộc biểu tình trừng trị các tội phá hoại, bắt cóc tống tiền... liên tiếp được công bố... Và cuối cùng, Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 đã gạt nhẹ hai mươi vạn quân Tưởng về nước, để lộ ra một khoảng trống không nơi nương tựa của bọn Khanh. Những ngày tàn của bọn Khanh đã điểm. Cái tổ quỷ Ôn Như Hầu bị khám phá. Vệ quốc đoàn, tối 11 tháng 6 đánh vào số nhà 136 Duvigneau, đã tóm gọn bọn tay sai của Khanh cùng toàn bộ vũ khí truyền đơn biểu ngữ của một cuộc biểu tình chống đối đang thai nghén.
“Sao bọn chúng lại có thể nhanh như thế!” — Khanh đứng chống tay vào hàng lan can trên tầng hai tòa sứ, bỗng giật mình ngơ ngác nhìn cảnh vật xung quanh. Đời như một giấc mộng vậy sao?
— Trình đảng trưởng, phu nhân vừa tìm ngài... — Tên lính hầu ở trong nhà bước ra, tiến đến sau Khanh, kính cẩn thưa.
Khanh quay lại, khẽ gật đầu và chậm rãi bước xuống thang gác. Khanh không vào buồng vợ. Khanh đứng lặng trước hoa viên. Càng rét, những bông hồng càng đậm sắc càng bừng nở thắm thiết, như trêu ngươi khiến Khanh phải cau mày khó chịu.
“Sao chúng lại tài như thế nhỉ? Mình đã tưởng chúng sẽ chết chìm, chết ngợp. Đói. Lụt. úng. Mỗi ngày cung cấp bốn mươi tấn gạo, mấy chục tấn thịt cho lính Tàu. Kiệt quệ đến tận cùng rồi chứ? Tiền Quan Kim mất giá mà cứ phải đổi một đồng Đông Dương ăn một đồng Quan Kim. Trong khi đó, ở phía Nam, thằng Pháp sau lưng bọn Anh — Ấn gây hấn. Hừ, thế mà chúng vẫn còn dư sức bình tĩnh tấn công Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái và giờ dồn mình về đây...”.
Chậm rãi đặt từng bước chân nhỏ, tới đầu vườn hoa kia, chợt thấy một bông hồng vàng Khanh liền dừng lại. Nhưng y chỉ lướt qua bông hồng rồi ngẩng đầu, ngước lên nhìn đăm đắm vòm trời phương Bắc. Có cái gì đó ẩn náu ở phương trời đó mà lòng Khanh, yên ắng dần?
“Hừ, năm 1930 còn đen tối hơn. Giờ, dù sao cũng còn một lực lượng, một địa bàn. Hơn nữa, đằng sau ta...”. Khanh nghĩ, đưa mắt nhìn về xa xăm, miền Thập Vạn Đại Sơn, bên Vân Nam.
Khanh chưa chịu bó tay đâu. Khanh chưa chịu thua đâu. Nếu chịu thua thì Khanh đã thua từ những năm ba mươi rồi. Thật thế, Khanh lại bắt tay vào công việc! Và thế là công cuộc chỉnh bị lại cơ ngũ, lực lượng ở tỉnh này, quyết chiến điểm cuối cùng đã được Khanh trực tiếp điều hành. Bộ máy được sắp xếp lại. Cạnh Khanh là bộ phận Vô tuyến điện, Quân vụ bộ, Quân lương cục và Thanh trừng cục. Bàn tay sắt của Khanh vẫn xòe rộng. Bức tử bằng dấm thanh, thuốc phiện. Diệt kẻ không ăn cánh bằng hơi ngạt. Thủ tiêu bọn cấp dưới muốn đào nhiệm. Khanh đã từng hành động như thế và bây giờ Khanh không hề run tay. Khanh cần nắm toàn quyền ở cứ điểm này với một lực lượng mạnh để chờ đợi. Khanh sẽ chờ đợi. “Đại quân” từ bên kia không bỏ rơi Khanh đâu, mặc dầu đã bỏ rơi sau Hiệp ước mồng 6 tháng 3.
Khanh lại dồi dào nghị lực. Chỉ một tuần sau, cái thị trấn có Khanh lại như khởi sắc. Sự khởi sắc bắt đầu từ đám thày tướng thày số. Họ trốn đi đâu giờ lại thấy ngồi cả loạt ở bậc hè phố, nhà ga. Càng loạn bọn họ càng nảy nở đông đúc. Ông nào cũng khoe có lá số của Vũ Khanh, rằng năm nay là năm vượng của Khanh, rằng theo can chi, ngũ hành, phương hướng thì năm nay vận Khanh sẽ phát phúc lớn lao, đạt quý hiển vì có quý nhân phù trợ nên mọi sự đều hanh thông “Cứ nhìn ngài mà xem: Phương phi trung hậu và khiêm cung lắm. Thật là quý tướng vậy”.
Dân chúng chen nhau đi xem mặt Vũ Khanh. Nhất là những buổi Khanh diễn thuyết. Khanh có tài ăn nói, Khanh có thể nói liên tục hai ba giờ đồng hồ liền, không giấy tờ. Khanh tổ chức tuần lễ thanh khiết toàn thị trấn, đứng ra chủ trì lễ cầu nguyện ở nhà thờ, thăm chùa Lê Lợi. Khanh mở dạ hội gắn Anh dũng bội tinh cho bọn lính thất trận từ Yên Bái lên, làm lễ xuất quân tượng trưng, mở tiệc khoãn đãi các chức dịch trong vùng, gặp gỡ các nhà công thương, trao quà kỷ niệm cho hết người này đến người khác, và tuyên bố sẵn sàng có những cuộc tiếp xúc cá nhân với mọi người đủ mọi tầng lớp để hiểu thêm sở nguyện của toàn dân.
Song, tất cả những việc ấy, dù bận rộn thế nào thì cũng chưa phải là công việc Khanh đang dồn vào đó tất cả tâm lực của mình.
— Trời ơi! Cái thằng Lộc võ biền không biết chính trị là gì cả. Thô lỗ, vô học thức, nó đã làm bao nhiêu điều thất thố về chính trị. Lòng người ly tán. Công chức tẩy chay. Và các thổ ty! Thổ ty! Thổ ty, đó mới là những con ngựa rừng cần thuần phục.
Ngồi trong ghế bành, hai tay ôm mặt, Khanh để trí tưởng tượng la đà trong hoạt cảnh một dô kề nắm dây cương con ngựa dữ đang tìm cách nhảy lên lưng con vật bất kham. Phải đến nửa giờ đồng hồ ngồi như thế, Khanh mới buông tay, à một tiếng reo khoan khoái.
— Trình đảng trưởng... có ông giáo Huyền...
Tên lính hầu chưa nói hết câu, Khanh đã nhổm lên, hào hứng:
— Được. Được... tôi ra ngay.
Huyền mặc áo bu dông da, cổ áo sơ mi xòe trắng, đang ngồi ở phòng tiếp khách. Ông giáo trẻ này đang phân vân. Sau khi ông Bằng cự tuyệt không tham chính, bị đe dọa, bị đánh đòn cân não, bị giam, Lộc vời Huyền ra đảm nhiệm chức chủ tịch ủy ban Hưng Việt thị trấn. Không! Huyền không thiết. Huyền muốn về xuôi, Huyền muốn chạy ra khỏi cuộc tranh chấp rối ren kia. Nhưng cuộc trốn chạy của Huyền thế là đã không thành rồi!
— Chào anh Huyền. — Vừa nghe thấy tiếng chân bước, Huyền đã thấy Khanh cao lớn phương phi bước tới vồn vã: — Rất hân hạnh được tiếp kiến với anh. Anh em tri thức mình nói chuyện với nhau chắc là sẽ gặp nhau ở nhiều điểm. Tôi cũng mới nói chuyện được với ông Bằng, tiếc là ông còn mệt nên chưa nói được với nhau bao nhiêu.
Huyền hơi co người lại, thoáng chút ngại ngùng. Nhưng anh chưa kịp lên tiếng Khanh đã nhoài tới gần, thật sôi nổi và thân tình:
— Anh Huyền ơi. Khôn khéo tức là thông minh, cũng có nghĩa là thánh trí mà lại như ngu si đần độn thì mới sinh tồn được... Anh có biết tôi sung sướng thế nào khi được trò chuyện với anh không?
Người hầu gái từ buồng trong bước ra, đặt xuống trước Huyền và Khanh mỗi người một tách cà phê nóng hổi.
— Anh cứ tự nhiên.
— Cám ơn đảng trưởng.
— Mời anh.
— Thưa đảng trưởng... Một vấn đề mà anh em trí thức chúng tôi ở đây thường lưu tâm là vấn đề độc lập của dân tộc ta.
— Hay!
— Vậy, chẳng hay ý kiến của đảng trưởng như thế nào về hiện tình của đất nước.
— Anh Huyền! Anh làm tôi quá đỗi sung sướng. Anh có biết vì sao không?
— Thưa...
— Vì chính mối quan tâm của anh đó. Người xưa nói: nước mất mà không biết là bất tri; biết mà không biết lo liệu là bất trung; lo liệu mà không dám liều là bất dũng.
— Đảng trưởng quá khen...
— Không, anh thật là một nhà giáo chân chính, anh Huyền ạ. Người xưa có câu tiến vi quan, thoái vi sư. Gặp thời loạn, kẻ sĩ không thể thi thố tài đức để cứu dân được thì lui về dạy học. Mạnh Tử nói: Người quân tử có ba niềm vui, mà một trong ba niềm vui là có được các anh tài trong thiên hạ để dạy dỗ. Tôi rất yêu nghề nhà giáo, anh Huyền ạ!
Đặt tách cà phê xuống bàn, lông mày nhíu lại, giọng Khanh càng trở nên thiết tha:
— Anh Huyền! Chúng ta phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật. Hiện tình đất nước là một tấm kịch bi thảm. Trước mắt chúng ta là họa xâm lăng. Bổn phận của chúng ta là kháng Pháp đến cùng. Anh biết rồi đấy. Đàm phán Fông-ten-nơ-blô thất bại. Đắc-giăng-liơ lập nước Tây Kỳ, triệu tập Hội nghị liên bang tại Đà Lạt. Hồ Chí Minh ở nán lại bên Pháp rồi ký tạm ước 14 tháng 9 với Mu-tê, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại. Tôi không tán thành. Đến bàn hội nghị lúc này là thỏa hiệp. Thỏa hiệp là phản bội dân tộc. Anh Huyền, anh thấy ý kiến của tôi thế nào?
Ngây ngô, mặt đờ ra như bị thôi miên, Huyền lập bập:
— Dạ, tôi thấy...
— Anh Huyền! — Hơi nhổm dậy, Khanh như cướp lời ông giáo — Tôi mới về đây, có lẽ anh em chưa hiểu tôi. Cũng chưa hiểu đảng tôi. Tôi làm chính trị không phải để kiếm tiền. Cần gì tôi phải bắt cóc, tống tiền, buôn lậu á phiện, in giấy bạc giả. Tôi làm chính trị vì hạnh phúc của dân tộc. Anh Huyền, chúng ta tất cả đều phải hành động vì công ích quốc gia.
Ôi! Giọng Vũ Khanh vừa đanh thép là thế, bỗng chùng xuống ngọt ngào quá: “Anh Huyền ơi! — Tôi nghe nói có lần anh đề đạt nguyện vọng được về xuôi... Nhưng mà...”.
Huyền ngẩng lên, chờ đợi. Chẳng lẽ là anh đợi chờ một lời quở trách? Thì lạ sao, khóe miệng Khanh vừa hé một nụ cười hết sức cảm thông và độ lượng.
Huyền gãi gãi cổ.
— Thưa đảng trưởng. Theo tôi nghĩ, cách mạng phải lấy dân làm gốc. Để cho dân có thể tin mình thì trước hết trình độ văn hóa của dân phải được nâng cao lên.
— Thật là hữu lý!
— Dạ thưa.
— Anh cứ mạnh dạn.
— Vì vậy, tôi có một đề nghị với đảng trưởng, xin thu xếp cho tôi hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Ngước lên, mắt chớp chớp, Huyền rụt rè, phấp phỏng quá. Khanh quả là có sức hấp dẫn anh. Anh đến đây với ý định đề nghị Khanh đừng bắt anh gánh vác cái chức trách Chủ tịch ủy ban Hưng Việt thị trấn và xin được về xuôi như hôm nào trong cuộc họp anh đã đề đạt với Lộc. Nhưng bây giờ thì Khanh chủ động dẫn dắt anh đi. Anh bị mê mị. Không! Không! Khanh và đảng của Khanh không phải là bọn người vô học như Lộc. Không! Họ là những người có tâm huyết với dân tộc, quốc gia.
Nhìn Huyền vừa ngẩng lên ánh mắt hấp háy đón đợi, Khanh hơi cúi xuống, khẽ khàng:
— Anh Huyền, Chu Hy, triết gia đời Tống có nói một câu mà tôi cho là vô cùng chí lý. Ở đời có ba điều đáng tiếc: một là hôm nay bỏ qua, hai là đời nay chẳng học, ba là thân này lỡ hư. Anh đừng phân tâm nữa. Đây là lúc quốc nạn, vì vậy cần kén chọn người có đức vọng để lãnh đạo, cần tuyển cử người có tài năng để ra gánh vác việc nước. Hãy bắt tay vào việc đi! Tất cả hãy quy thuận về một mối, xóa bỏ cái nguyên trạng chia rẽ hiện nay đi! Chúng ta hãy đồng tâm hiệp lực, anh Huyền...
Tiễn ông giáo Huyền ra về, quay trở vào, sắp bước lên thang gác, Khanh chợt nhìn thấy một người bé nhỏ, đeo kính cận, cắp một cuốn giấy tròn đang cắm cúi đi qua sân, liền dừng lại, gọi:
— Trọng! Trọng!
Người kia quay lại:
— A! Anh Vũ Khanh!
— Chà! Họa sĩ đã dạo gót phiêu du tới tận miền biên giới này rồi kia à?
— Ở trường Quốc gia thanh niên đoàn ra, người ta phân công tôi lên đây.
— Thế bây giờ làm gì? Lên nhà chơi đi! Phi Linh có nhà đấy.
Trọng quen Vũ Khanh từ hồi anh ở Hà Nội. Đó chính là lúc mộng đời của Trọng đã tan tành; anh đang kiếm sống bằng việc vẽ quảng cáo cho các hãng dầu cù là Nhị thiên đường, Cam tích tán, Đại quan dược phòng. Ân nhân đầu tiên của Trọng là Phi Linh, vợ Khanh. Phi Linh đã mua tranh của Trọng, mua với một giá rất cao. Qua Phi Linh, Trọng quen Khanh. Người mua kẻ bán chẳng mấy chốc thành đôi tri kỷ. Họ gặp gỡ nhau từ các buổi luận đàm. Nghệ thuật là đại dương mênh mang cho bao lá thuyền hội ngộ. Trọng là con thuyền lênh đênh. Khanh lại sẵn sàng làm bến cho thuyền Trọng tới đậu. Vậy là họ đã nói với nhau về các nền nghệ thuật. Họ ngồi hàng buổi ngắm tranh của các danh họa Lê-ô-na đờ Vanh-xi, Mi-ken Lăng-giơ, Ra-pha-en phủ trùm cả thời kỳ phục hưng. Và đã có lúc, Trọng nghĩ: Khanh khác hẳn bọn Lộc. Một bên là kẻ hiểu được rằng con bò bison (bò rừng), con tuần lộc trang hoàng trên vách đá hang động tại Lascaux chẳng bao giờ là khúc xạ thụ động hay hình ảnh đồ lại phi nhân tính của nghệ sĩ. Một bên là chẳng hiểu gì cả. Một bên là những con người ưu tú, tiêu biểu cho nền văn hóa cao. Một bên là những kẻ tầm thường, ngu dốt và thô lỗ.
Một người hầu gái mặc áo gấm, đi hài, y như từ trong Hồng lâu mộng bước ra từ buồng bên bưng ra một chiếc khay ngất ngưởng gần chục chai đủ các loại rượu màu và khe khẽ trình với Khanh là phu nhân vừa dắt chó đi chơi phố, đoạn lui vào. Khanh nghiêng cổ chai bồ đào.
— Gặp anh ở đất này, thật tình tôi mừng lắm, anh Trọng ạ. Ở đây Lộc làm ăn dở quá. Thế nào, anh vẫn vẽ đấy chứ? Tôi có được xem một số áp phích cổ động của anh gửi về dưới đó. Rất có tinh thần!
Trọng lắc đầu:
— Công việc chính của tôi lúc này đâu phải là vẽ.
— Tôi rất thông cảm với anh. Nhưng...
— Tôi muốn nói về người thưởng thức, bà đỡ của nghệ thuật. Vậy mà họ chẳng hiểu gì cả. Sao cái tay này to thế? Sao cái mặt người này lớn vậy? Họ cứ bắt bẻ tôi như vậy trên các tranh cổ động. Có biết đâu rằng tranh cổ động với hòa sắc mạnh mẽ, nó có sức âm vang kích động lòng người, phải được cường điệu...
Khanh ngửa đầu vào thành ghế, cười rung cả người. Lát sau, ngẩng dậy, Khanh vừa lắc đầu vừa cười một lúc nữa, rồi mới lấy khăn tay lau mặt:
— Đời còn lắm bi-hài kịch thế đấy! Nhưng thôi, sau này yên hàn chúng ta sẽ hồi tưởng lại với nhau vậy. Bây giờ anh định thế nào về công việc của anh?
Trọng đẩy cái kính cận áp tinh mũi, mặt đã đỏ hồng men rượu:
— Anh Khanh ạ! Anh còn lạ gì nữa. Họa đâu có phải là họa sự vật mà là họa nguồn gốc của sự vật.
— Anh có muốn tìm những cảm xúc mới không?
— Nghĩa là tôi sẽ đi...
— Hay lắm! Anh sẽ đến các vùng H'Mông, vùng Dao. Anh sẽ đến một xứ sở khác lạ. Tôi sẽ tạo điều kiện để anh đi. Anh sẽ thấy những ông chủ nô còn sót lại từ thời trung cổ. Những rung động mới lạ, những trạng thái siêu nhiên sẽ là động lực sáng tạo những họa phẩm tuyệt vời của anh.
— Cảm ơn anh.
— Vậy thì...
Cắn môi, Trọng ngẩng lên như vừa sực nhớ.
— Anh Khanh ạ, tôi còn một đề nghị...
— Anh cứ nói.
— Tôi có một người bạn thân: Nhạc sĩ Quang Ngọc. Anh ấy bị ông Lộc bắt.
— Vì sao đến nông nỗi ấy?
— Chỉ vì một chuyện không đâu. Đại để là ngăn cản ông ta làm một việc nhơ nhuốc. Anh còn lạ gì thói Tề tuyên* của Lộc.
Khanh gật đầu. Cặp mày rậm rì của y co lại một thoáng rồi lại giãn ra, khoan hòa:
— Được! Tôi sẽ đích thân điều tra lại mọi trường hợp bắt bớ. Anh cứ sửa soạn lên đường đi!
Khi Quang Ngọc sắp bước vào ngưỡng cửa căn phòng tiếp khách sang trọng của Khanh, anh đã thấy người thanh niên chơi đàn ác-mô-ni-om ở nhà thờ, đang lúi húi viết ở cái bàn nhỏ kê gần cửa. Bị giam nửa tháng trời, bộ râu quai nón của anh ta đã lờm xờm, kéo một vệt đen gai góc suốt từ mang tai tới cằm. Viết xong, anh ta ngoái đầu lại mắt ậng nước, miệng mếu xệch:
— Bẩm... tôi chỉ nhỡ mồm hát bài Tiến quân ca trên đài họ dạy mà các ông ấy bắt, đánh. Bắt tôi nằm trên đất, ép ván rồi đè đá lên...
Khanh ngồi trong ghế bành ở giữa phòng, bỏ tờ báo đang xem dở, cau mày, phẩy tay:
— Thôi chuyện cũ không nói nữa. Giờ anh ký vào tờ khai ấy, hứa từ nay không làm việc gì phương hại tới chính nghĩa quốc gia nữa và cộng tác với chúng tôi, rồi anh được tự do.
Nghe thấy tiếng ngòi bút ký sột soạt và thấy người thanh niên nọ đi ra, Ngọc mới bước vào căn phòng.
Thoáng thấy Ngọc, Khanh bật ngay dậy, niềm nở:
— Nhạc sĩ Quang Ngọc! Mời anh vào! Mời anh vào!
Ngọc ngồi xuống ghế, hai bàn tay nhợt, đỏ bầm vết trói nơi cổ tay, lúng túng không biết đặt đâu. Cái đệm ghế êm khiến anh dễ chịu, và hương cà phê rất đậm, rất thơm rất bùi từ cái bàn khách xộc mạnh vào khứu giác khiến anh đê mê như say.
— Anh uống cà phê đi. Tôi mới hay tin anh bị bắt. Anh có bị đau lắm không?
Ngọc thót ngực lại như vừa bị chạm vào những vết roi trầy da ở sau lưng. Anh thở dồn. Giọng Khanh thật trầm tĩnh dịu dàng, êm ái.
— Tôi ở xa, anh Ngọc ạ, nên nhiều khi cũng không quán xuyến được tất cả công việc. Anh em ở đây nói chung là họ tốt. Nhưng cũng có lúc, do thế này thế khác, họ làm sai. Anh bỏ quá cho. Được nghe Trọng nói về anh, thực tình tôi rất ân hận. Tôi, tự trong thâm tâm, vô cùng quý mến anh em nghệ sĩ. Hồi còn trẻ, tôi có duyên với âm nhạc lắm đấy. Âm nhạc cho ta thấy cái vẻ hùng dũng, cái chí khí cao xa của dân tộc. Xem âm nhạc biết được phong tục, chí hướng, đoán được điều thịnh suy của giống nòi. Tôi không phải là nhạc sĩ, cái đó phải do năng khiếu bẩm sinh quyết định, có phải không, anh Ngọc? Nhưng tôi là Bá Nha tri kỷ với ai là Tử Kỳ. Chính tôi là người đã dìu dắt anh Trọng đấy. Chà, giữa lúc Tổ quốc đang năm bè bảy mối, rối ren không tiền khoáng hậu như thế này, người nghệ sĩ cảm thấy bơ vơ, cô đơn lắm. Kìa, anh uống cà phê đi. À, ta vừa nói chuyện vừa nghe nhạc nhé...
Ngọc đã nhấc tách cà phê và lòng dạ thoáng dậy nỗi bồi hồi. Giọng Khanh thủ thỉ ân tình. Lời Khanh đậm đà xao xuyến. Khanh uyên bác, thông tuệ. Và gương mặt Khanh hoàn toàn cảm thông, hai con mắt Khanh giàu nỗi yêu thương. Ngọc đã được vỗ về, được an ủi. Và như vậy Ngọc có thể tha thứ tất cả, có thể lâng lâng quên đi tất cả những nhục nhằn, thương đau. Nhất là khi, sau tiếng lên dây cót cọt cọt nằng nặng, chiếc máy hát ở góc phòng bỗng dìu dặt cất lên một giai điệu trầm trầm, mượt mà sâu xa. Cánh cửa sổ như đã mở bung, khung trời hiện ra một khoảng không xanh bát ngát. Gió thổi tha thướt. Và dòng sông trôi lặng lẽ, êm ả trong ánh trăng vàng ngời. Ảo ảnh hiện thấp thoáng sau làn khói thuốc lá mỏng như sương.
Nhưng những rung động, những ảo giác sung sướng nhẹ nhõm của cám dỗ vừa xuất hiện trong Ngọc đã lập tức vụt biến mất. Tiếng đôi giày da của Khanh, dù bước nhẹ nhõm đến thế nào cũng vẫn không chịu hòa vào giai điệu khúc nhạc, nghe thật nghịch nhĩ, vả, cái mành trúc che cửa buồng bên bỗng bị một bàn tay thô bạo gạt mạnh, phát ra một chuỗi tiếng lách cách, một cái đầu chó béc-giê hếch lên, đen sì chỏm mũi đánh hơi. Rồi một phụ nữ gầy, tóc uốn, mặc áo liền váy nhung xanh ló ra, giọng mũi vừa lơ lớ vừa chua như dấm:
— Mừn ơi, em đã tiêm sẵn cho mừn rồi đấy. Em đi dạo bờ sông với con Ki-ki đây.
Khanh khẽ ngẩng đầu:
— Em cứ để đó cho anh. Anh còn tri kỷ vụn với anh bạn mới của anh đã — Quay lại, Khanh cười, nhún vai, nhìn Ngọc — Phụ nữ! Thật là những tâm hồn tuyệt diệu. Một tài tử và một giai nhân, anh Ngọc có ưng vậy không?
Ngọc không thể dửng dưng được nữa. Cặp mắt dễ tin yêu của anh tối mờ. Xộc vào anh mùi thuốc phiện ngai ngái hôi. Đưa tay, anh chẹn ngang cổ họng, như muốn ngăn cơn buồn nôn đang sắp trồi lên. Hệt như cái cảm giác anh đã có đêm hôm giẫm phải máu người trên mặt cầu Cốc Lếu. Không! Làm sao anh có thể quên được nỗi đau khổ của chính anh, của mọi người. Người thợ cùng bị giam đã bị bọn Lộc đem đi thủ tiêu. Đời còn bao nhiêu nỗi bi thương căm uất như thế, anh đâu có dễ dung hòa.
Lim dim hai con mắt, Khanh lặng lẽ ngắm nhìn Ngọc. Khanh đã từng thu phục được Huyền, được Trọng. Còn Ngọc? Khanh khẽ khàng:
— Người nghệ sĩ phải được tự do, anh Ngọc ạ. Có tự do họ mới phụng sự cho Chân, Thiện, Mỹ được. Nghệ sĩ phải giữ được cái ý hướng thăng hoa của nhân phẩm... Chúng tôi thành thật xin lỗi về sự vi phạm quyền tự do của anh. Và bây giờ...
— Thưa ông.
— Sao? Anh định...
Ngọc ngồi thẳng dậy, không đợi Khanh nói hết:
— Tôi có một yêu cầu.
—...
— Ông cho thả ngay người con gái thôn Vạn Hoa.
— Ai nhỉ?
— Cô Dung.
Nhìn thẳng mặt Ngọc, như chợt hiểu, Khanh ngã người chành miệng cười:
— Nhưng, cô ấy là người thế nào với anh? Xin lỗi, cho tôi được phép tò mò, anh nhạc sĩ.
— Một người quen.
— Không phải người yêu?
— Một cô gái.
— Láng giềng?
— Thì cứ coi là như thế!
— Ha! Anh Ngọc ơi, thiên diễm tình có chút bi đát, nhưng chắc chắn sẽ đắc thắng, khải hoàn. Tôi nhất định sẽ không để cho ai được lợi dụng. Mọi người phải trở về với thiên lương trong sạch — Nhấc tách cà phê, lại đặt xuống, mặt Khanh tươi hớn — Anh có tin như thế không, anh Ngọc? Thiếu tin tưởng, thì sống thế nào được. Cũng như lúc này đây là lúc Tổ quốc lâm nguy, sơn hà xã tắc khốn đốn...
“Chao ôi! Lại những giọng điệu sặc mùi mẹ mìn đã quá quen nhàm. Khanh dù có khác Lộc tí chút, thì cũng vẫn là một con vật trong đàn, trong bầy. Lại cũng một hệ thống ngôn ngữ và một đề tài đã cũ mèm và chán tai. Ra là vậy, khác chăng là kiểu cách hơn tí chút thôi."
Ngọc khẽ cựa mình:
— Thưa ông lúc này đây, tôi rất yếu.
— Anh từ chối?
— Thưa ông, sức tôi không đảm bảo nổi công việc đó.
— Thôi được. Tôi trân trọng sự lựa chọn của anh. Chỉ yêu cầu anh... giúp cho một việc.
Ngọc ngồi im. Anh đặt cả hai cổ tay bầm tím lên mặt bàn. Môi Khanh đã tắt ánh cười. Mặt Khanh lặng như mặt tượng, không cảm xúc, và giọng Khanh từng câu, từng chữ, thoát ra lành lạnh:
— Ngày kia, chúng tôi có tổ chức một cuộc khoáng đại hội nghị. Có đông đủ anh em công chức, tri thức, văn nghệ sĩ. Một thành phần tối ư quan trọng, không thiếu được nữa là các ông thổ ty ở các châu Pa Kha, Pha Linh, Mường Cang. Chúng tôi phải cử bài đảng ca. Anh biết bài ca ấy rồi đấy. Việt Nam minh châu trời đông...
Ngọc rụt hai cổ tay:
— Thưa ông, sức tôi...
— Chỉ mấy phút thôi.
— Thưa ông, không thể được! Thưa ông...
Trời! Mất bao thì giờ mơn trớn mà kết quả là con số không thế này. Khanh đứng phắt dậy, không đổi sắc mặt, giọng lạnh sắc:
— Thôi được, tôi không ép. Nhưng mời anh lại dự cuộc họp. Anh sẽ thấy hàng ngàn con người cố kết lại tranh đấu cho lý tưởng quốc gia của chúng tôi, chống lại điều hung hiểm của thời đại này là chủ nghĩa Cộng sản. Nghệ thuật không thể sống chung với chủ nghĩa Cộng sản được. Anh nhớ cho điều đó. Thôi, tạm biệt anh.
Ngọc sửa lại trang phục: cái bu dông ka ki xanh, cái quần dạ tím, và cố bước cho ngay ngắn, đàng hoàng; lòng tự trọng, khiến anh không muốn để cho bất cứ ai biết rằng mình là một người vừa bị hành hạ.
Nắng cuối thu vàng mỡ màng quyến luyến trên những ngọn dạ hương. Chớm rét, chim đã về, rộn rã trên những cành cao cổ thụ. Đàn nhạc sáo líu lo trên cây gạo trút lá thân mình trắng phếch nơi bờ sông. Dòng sông cạn đổ theo chiều dốc, âm vang tiếng sóng vỗ rạn vỡ hai bờ đá.
Đường phố tràn nắng, thứ nắng nhẹ mỏng như nắng chiêm bao. Trên những sân thượng, vẩn vơ những chú bướm, những con chuồn chuồn lượn lờ, nhớm chân đậu trên những dây phơi chất chồng chăn đệm, áo quần sặc sỡ. Lặng lẽ, một giò phong lan tuôn cái vòi hoa trước cửa Sở Dây thép, vẻ thanh nhàn, đơn chiếc.
Cảnh quen thuộc mà xa lạ vắng vẻ quá. Tất cả sự phồn tạp của một đời sống chen đẩy, xô lấn, vội vã biến đi đâu cả rồi. Hay là Ngọc nhìn mà chẳng thấy hình, nghe mà không ra âm thanh của chúng? Ngọc bơ vơ một mình. Ngọc cô đơn, vô định. Tự do, bài ca đẹp nhất, khúc luyến láy ngọt ngào nhất, đối với Ngọc lúc này thật quá là nhạt nhẽo, vô nghĩa.
Đời Ngọc chưa có khúc vui. Nhạc buồn thẫm nhiễm đời Ngọc. Một túp lều tranh ngoại ô, những chiều xám Ngọc đi học về. Tàu điện đỗ ở cái bến tàu Kim Liên có ma, năm nào cũng cán chết người, những bóng người lầm lụi, uể oải, bơ thờ đi sau những xe bò, những xích lô lăn khục khịch trên đường làng khấp khểnh. Gió từ đầm Bảy Mẫu hun hút, hớt thịt da. Những người thợ, những phu phen làm thuê, gánh mướn, những người bán rau, bán cá, trở về. Đèn thắp cùng với những tiếng eo sèo, chì chiết râm ran trong các mái nhà. Mẹ Ngọc tối mịt mới về, cái áo bông trần hạt lựu sờn bợt có sợi rơm buộc quanh bụng. Những buổi sớm rét cóng tay, bà cụ ngồi với cái đèn hoa kỳ, cặm cụi trong các ruộng rau muống. Bàn tay bợt bạt cứng đờ, lưng đau như gãy. Ông cụ làm thợ quét vôi, một lần ngã thang, nát ngực, thổ huyết chết. Năm đứa con, tất cả trông vào tay mẹ. Rau muống Đồng Lầm được gọi là thịt trâu Đồng Lầm. Đầm Bảy Mẫu lắm sen, nhiều cá. Ngoại ô với bao cảnh sắc và sản vật đã vào ca dao, bài hát. Nhưng đời chỉ đẹp trong ca dao thôi. Ngọc bỏ học khi hết năm thứ nhất thành chung. Ngọc phải góp phần nuôi các em. Ngọc phải tìm đường phát triển những thiên tư mới nảy nở. Cái khóa học ấy sao có nhiều nhân tài? Trọng giỏi họa. Ngọc yêu nhạc. Âm nhạc! Hình như ở giữa cuộc đời lầm lụi, buồn tẻ, những tiết tấu, những giai điệu mới đang phấp phỏng hình thành và hàng ngàn lỗ tai đang gắng gỏi đón nhận chúng. Ngọc theo ngành nhạc. Ông thầy dạy dẫn cả bọn đi hát ả đào, chỉ bảo cho thấy cái hay của từng tiếng chát, tom, đưa cả bọn đến cái đình làng Kim Liên, giảng cặn kẽ cái vẻ đẹp bay bổng rất gợi tứ nhạc của các vòm đao vút cong đầu đình. Điệu rao chè xôi giàu âm điệu, tiết tấu đặc sắc của tiếng rao lạc Tàu. Những mày mò tìm kiếm. Những phấn chấn của cảm hứng đầu tiên... Nhưng... ai có thể nhởn nhơ với chuyện cơm áo? Kiếm một chân nhạc công ở giữa cái đô thành đang tê nhức cơn sốt của chiến tranh đâu có dễ. "U ơi, con sẽ đi Lào Cai. Con sẽ đem tiền về cho u”. Ngọc ký hợp đồng với bọn Tưởng, từ biệt mẹ và các em, lên đây chơi nhạc.
Âm nhạc! Đàn đã đứt dây rồi? Những ngày đẹp nhất ở cái vườn hoa của Dung chỉ là một nốt nhạc lẻ loi chợt vang giữa đoạn trường thê thảm.
Âm nhạc! Cái thứ âm nhạc bấy lâu Ngọc chơi chỉ là một thứ âm thanh phù phiếm vô nghĩa lý với đời này.
Đời này đau khổ nhiều quá. Dung còn bị giam. Tâm đã bị thủ tiêu. Bản thân Ngọc bị đánh đập khảo tra. Đời là một cơn lốc lớn. Mà Ngọc thì thoạt đầu đứng ở bên bờ, khiếp nhược, chạy trốn, tìm kiếm một góc trời yên tĩnh với hoa lá và tình yêu. Rồi bây giờ, tuy thiên lương trong sạch mà vẫn do dự, hoang mang.
Âm nhạc! Cái thứ âm nhạc Ngọc chơi ở các ô-ten là thứ âm nhạc kiếm miếng cơm. Ngoài cái thứ âm nhạc ấy, có thứ âm nhạc nào nói được đầy đủ, sâu sắc những cuộc đời mà Ngọc đã trải qua, đã chứng kiến không?
“Dung giờ ở đâu?”. Ngọc ngơ ngác, đi đi lại lại trên cái phố dài đóng toàn các công sở quan trọng. Cái phố đang cữ đông. Sòng bạc nhộn nhạo người vào ra. Giọng cô hồ lỳ trong vắt gọi khách chơi. Không, Ngọc không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì cả. Tâm trí anh đang ở trong cơn mê hoảng, bất định.
— Ngọc!
Trọng đi xe đạp từ một ngõ hẻm vụt ra, phanh kít, nhảy xuống, đứng trước mặt Ngọc, reo gọi. Cái mắt kính cười tít, loang loáng:
— Gặp lúy rồi chứ?
— Gặp rồi? — Ngọc đáp nhẹ như một hơi thở.
— Cậu thấy chưa, có học thức, có đầu óc, made in Hải ngoại có khác bọn "quốc nội" chứ!
Thấy bạn hào hứng, Ngọc ngảnh mặt đi, im lặng.
Hai người đi dọc theo phố, chốc chốc lại phải len lách tránh những đám người tụ tập mua bán lộn xộn ở giữa lòng đường.
— Ngọc ạ, mình gặp lúy lúc mình đã bán bộ com-lê cuối cùng ở Chợ Giời Hà Nội. Lên đây, thế nào lúy cũng sà lù bọn Lộc cho mà xem. Lúy cử mình sang công tác khác, Ngọc ạ. Giờ mình có thể chuyên tâm vào nghề nghiệp hơn. Việc chính trị, tham gia phần nào thôi!
— Có lẽ như thế hợp với cậu hơn — Ngọc lơ lửng.
— Mình sẽ đi các vùng thổ ty. Pi-cát-xô trở lại với đề tài dũng sĩ đầu bò. Mình sẽ ngược dòng lịch sử về những thời hồng hoang, nguyên thủy. Cái chất núi rừng, và cuộc đời ở nơi ấy chứa đầy ý nghĩa nhân sinh, hợp với chất mình lắm. Cậu đã hiểu thế nào là một thằng thổ ty chưa? To phệ, ụt ịt, bụng căng, ria mép quặp, xủng xoẻng vòng bạc, bài ngà, cạnh bộ bàn đèn khảm bạc, ngồi trên kiệu nông nô khiêng. Ha ha... tớ sẽ làm những phác thảo cho những bức sơn dầu, sơn mài. Chỉ có nghệ thuật mới phản ánh được tồn tại của tớ, Ngọc ơi!
Ngọc rất đỗi ngạc nhiên về sự thay đổi quá đột ngột, từ một tâm sự u uất chán chường sang niềm phấn chấn, hứng khởi bột phát của bạn. "Khanh đã có sức đổi thay con người Trọng như thế ư?”. Ngọc nghĩ, lòng lo lo:
— Bao giờ cậu đi?
— Nay mai thôi.
— Cẩn thận đấy, Trọng ạ.
Hai người đi qua một dãy hàng tạp hóa, đứng lại trước một căn nhà đầu hồi quay ra đường. Trên tường, cạnh bức phù điêu đắp nổi bị long lở, chỉ còn sót lại một chữ Cercle, có một tấm áp phích lớn. Một đứa trẻ đội mũ cát bẹp, đang ngửa mặt ê a đọc:
"Chiều mai tức 11 Aout (tháng tám) tại đây, có khoáng đại hội nghị do Đảng trưởng Quốc dân Đảng triệu tập. Kính mời toàn thể đảng viên, các nhà tri thức, các nhà kinh doanh, các công chức, các bạn thanh thiếu niên tới tham dự.
Việt Nam độc lập muôn năm.
Chú ý: Sau buổi thuyết trình có đoàn vũ nữ công diễn những tiết mục đặc sắc độc nhất vô nhị".
— Thôi đi, Ngọc — Trọng dắt xe kéo tay áo Ngọc, Ngọc tần ngần:
— Trọng ạ, mình rất biết ơn cậu. Bây giờ còn Dung, cậu cố nói với chúng hộ mình. Còn về phần cậu, thực tình... mình rất băn khoăn... Những ý nghĩ về nghệ thuật của cậu viển vông, hão huyền làm sao ấy!
— Chậc! Biết thế nào mà tính toán được. Thôi, cứ thử một keo nữa. Việc cô Dung tớ sẽ gặp Khanh một lần nữa. Lúy dáng vẻ con nhà danh gia đệ tử, không đầu đường xó chợ như Lộc đâu.
Trọng dừng xe. Đã đến đoạn chia tay. Mắt kính hấp háy, anh ngập ngừng:
— Ngọc ạ... hay là... cậu có đi được với mình không? Một bảo đảm cho...
Trọng tắt câu nói dở. Nhìn mắt bạn, anh hiểu là không nên nói điều đó. Anh chia tay, đón tay Ngọc:
— Thôi, cậu còn yếu lắm. Tạm biệt!
Ngọc đi theo con đường men bờ sông. Càng xa trấn, dòng sông càng tụt xuống, như kẹp giữa hai bờ đá dựng. Nước lững lờ chảy. Trong nắng chiều, mặt nước ánh ánh sắc đỏ máu. Chiếc cầu vươn qua sông đen sì một vệt xa xa. Cầu sang Cốc Lếu đen đen. Sông sâu thăm thẳm cửu tuyền là đâu?
Thôn Vạn Hoa im lìm như chốn không người. Tiếng chim sẻ lạc lõng buổi chiều buông. Vụt bay lên một con dẽ giun xám như rạ ải. Tiếng ong quanh vòm cam, nghe xa lắc. Mới có nửa tháng trời qua, mà Ngọc thấy cảnh vật đã quá xa lạ.
— Ôi giời ôi? Anh Ngọc!
Bà cụ Dung đang ngồi lê vặt cỏ trong vườn cam, thấy Ngọc, nhổm lên, tiếng đẫm nước mắt.
— Mẹ! Mẹ?
Ngọc đỡ bà cụ. Bà cụ nức nở:
— Anh Ngọc ơi, em Dung nó bị bắt rồi.
— Mẹ, mẹ... Con biết, con biết...
Ngọc đỡ bà cụ ngồi xuống cái chõng tre ở gian giữa nhìn ra cái giại. Bà cụ gầy rộc, mái tóc bạc quá nửa, hai con mắt nứt kẽ, đỏ ngầu, giọng không thật hơi:
— Anh Ngọc ơi, sau hôm anh bị bắt, con bé đã phẫn chí nhảy xuống sông tự vẫn. Mấy bác thuyền chài vớt được em lên, em cứ bằn bặt. Tỉnh dậy là em khóc rưng rức. Thế mà chỉ được ba hôm, thằng Lộc đã sai lính xuống vu cho em là nuôi giấu, liên lạc cho Việt Minh, bắt em đi! Khốn khổ! Em khóc hức lên: "Giời ơi! Sao lại vớt tôi lên để tôi nhục nhã thế này...".
Ngọc cố nén, nắm tay bà cụ, an ủi:
— Mẹ, mẹ... con đã nhờ, một anh bạn... Mẹ, xin mẹ đừng buồn phiền.
Vừa lúc ấy, trong buồng bà cụ có tiếng động. Tiếng một người cựa mình. Tiếng người rên khe khẽ. Bà cụ như buột khỏi tay Ngọc, đứng dậy, run rẩy:
— Anh Ngọc à... Giữ kín nhé... Có một người tù bị nó đâm ở cầu Cốc Lếu rồi vứt xuống sông, được cứu đang nằm trong buồng mẹ.
Ngọc lạnh rợn sống lưng. Lượn nhanh qua anh một nỗi kinh sợ và khấp khởi.
— Sao anh lại giết thằng Tâm? Nó là một thành viên trong Ban Cán Sự tỉnh của bọn Cộng sản. Hừ, nó là hòn đá cuội ư? Vậy thì anh phải giữ chặt lấy nó, tìm cách bửa đôi nó ra mà moi bí mật ở trong nó ra chứ. Thủy chung, anh vẫn chỉ là thằng cai lục lộ, nhìn không quá mấy thước đường với mấy thằng phu! Sao anh lại điều hết cả quân đi đánh Pháp ở Phong Thổ? Anh không hiểu đó chỉ là cái cớ để ta chơi lại bọn Cộng sản Việt Minh à? Anh ngu quá. Anh tưởng tôi chơi tennít với giáo Huyền chỉ là để giải trí thôi ư? Không, qua việc này, tôi muốn cho dân chúng thấy rằng: giới trí thức ở đây đã quy thuận hoàn toàn với ta. Anh tưởng tôi mở dạ hội, mở tiệc khoản đãi, tiếp xúc với tên này tên kia là tôi tin tưởng ở các biện pháp đó lắm ư? Những lão thổ ty...
Khanh vừa mắc cái vợt tennít lên tường vừa nói với Lộc. Từng câu nói chậm rãi, vừa đủ nghe của Khanh như từng vòng dây trói rất êm ái, cứ từ từ quấn chặt lấy Lộc. Mặt Lộc tái dần. Đảng trưởng bao giờ cũng vậy. Từ tốn, khoan thai, không nóng nảy, ít to tiếng. Một người có bản sắc rất ghê gớm, bề ngoài đĩnh đạc, rộng lương, bên trong rất mực lạnh lùng tàn nhẫn. Mãnh hổ, khẩu trung kiếm. Lưỡi Đảng trưởng là thanh kiếm sắc ngọt, óc Đảng trưởng như cái lò so, ấn xuống bật liền. Việc nọ tiếp việc kia, rành rẽ, đâu vào đấy, khép tội ai, đố có thoát nổi. Tuyên án mà cứ khẽ khàng như nói chuyện ái tình. Cái mặt tỉnh không, nhẹ nhõm, vẫn vẻ phong nhã hào hoa, vẫn cặp lông mày, con mắt háo sắc, chỉ làn da như bợt đi. Cơn giận dữ biết che giấu, lặn vào bên trong, mới đáng sợ làm sao!
Mồ hôi nhớp đầy trán, Lộc cúi gầm, đần dại, nhú nhí:
— Thưa đảng trưởng, với các ông thổ ty, em đã...
— Chưa đủ — Khanh khẽ lắc đầu — Anh phải hiểu rằng từ thời Hậu Lê, đối với cái miền biên giới này, người ta đã phải đặt ra chế độ thế tập phiên thần. Sách Tàu người ta nói rõ là chế độ Thổ ty có cơ sở từ thập tam thiên niên kỷ kia. Anh thử nghĩ xem, vì sao người Pháp cai trị ở miền này phải lập ra chế độ đạo quan binh và giữ nguyên các chức vị, đặc quyền của họ? Năm bốn tư, khi Nhật ngấp nghé đảo chính, Thống sứ Ét-cát-lát đã thăng một loạt châu úy lên tri châu là nó có ý nghĩa gì? Sao họ không phớt lờ đi mà lại trọng vọng mấy lão thổ ty thế? Nhất đán, anh cứ lơ đi thì anh sẽ gặp hậu họa ngay!
— Dạ, trình đảng trưởng, em cũng đã có thư cho họ.
— Không được. Phải đích thân vào tận nơi. Chìa tay ra trước. Anh có biết thằng Phán Thông bây giờ nó ở đâu không? Nó đã vào Pa Kha làm quân sư cho bố vợ Hoàng Văn Chao của nó rồi. Nó khôn hơn anh. Sao anh cứ quẩn quanh ở cái thị trấn này, không xa được mấy con đàn bà à?
Lộc nuốt nước bọt đánh ực như nuốt tủi nhục. Nhưng Lộc chưa kịp nghĩ gì thêm, Khanh đã sát lại cạnh y, khe khẽ vỗ vỗ vai y, giọng thân mật:
— Anh sẽ đi các châu, trước hết là châu Pa Kha, anh Lộc à. Ở đấy anh gắng lập lấy một hai cái chi bộ, hương bộ. Còn đối với các thổ ty, anh thuyết phục họ theo ta chống lại Việt Minh. Trò chuyện với họ. Nếu cần thì giở một vài thủ đoạn của bọn mình ra, như bắt cóc vợ con họ, thủ tiêu rồi đổ cho Việt Minh... Không tàn bạo không làm nên lịch sử đâu. Rôbespie cực đoan, độc tài, nhưng cách mạng gia là vậy. Anh nhớ chưa? Việc ở đây tôi sẽ kiêm nhiệm thêm. Mai anh lên đường ngay nhé. Trọng nó sẽ đi cùng với anh.
Lộc chỉ thoáng qua một chút sửng sốt rồi xỉu xuống như một quả bóng xì hơi. "Không tàn bạo không làm nên lịch sử đâu...". Cha! Cái mặt thật của đảng trưởng là như vậy! Hắn có thể đốt cháy cả trấn này. Hắn có thể gây chết chóc cho cả ngàn con người. Xá chi một cái mạng Lộc. Hắn thừa biết rằng như vậy là đưa Lộc vào chốn hang hùm nọc rắn chứ? Tàn bạo! Tàn bạo nhưng lại lót nhung! Chao! Có cuộc cách chức nào đểu giả mà lại nhẹ nhõm như vậy không?
Mặt Lộc vừa tái tê vừa đầy khí giận. Khanh gật gật:
— Anh Lộc, tôi ngưỡng mộ lòng trung tín và liêm khiết của anh. Chúc anh may mắn. Ngày mai anh đi được chưa?
— Dạ, xin đảng trưởng thư thư cho tôi ít ngày.
— Có việc gì thế?
— Thưa... chút việc riêng...
Khanh bật cười, vỗ bộp vai Lộc, bả lả:
— Anh Lộc! Phương ngôn Tàu có câu: độc hơn nọc ong, nọc rắn là vú đàn bà đấy nhé.
— Trình...
— Ha ha... tôi biết rồi. Phải dỗ dành, phải ngọt ngào, anh Lộc ơi! Người Tây bảo: không nên đánh người đẹp dù bằng một cánh hoa. Anh thì anh dùng cả súng phoóc-ti phai-vơ đánh vào vú nó. Được rồi, tôi sẽ giúp anh. Phải đưa nó về giam ở trên lầu kia kìa, anh hiểu chưa? Anh về sửa soạn lên đường nhé. Tôi ra cuộc khoáng đại hội nghị đây!
Hai giờ ba mươi chiều, căn nhà Cercle đã nghìn nghịt người. Hai anh thợ máy đèn đang leo thang giăng thêm hai cái bóng một trăm nến trước cửa căn nhà, phòng khi cuộc họp diễn ra quá muộn. Một lá cờ đỏ giữa có ngôi sao năm cánh trắng toát trên nền xanh lam, phảng phất cờ của Trung Hoa dân quốc Tưởng Giới Thạch nhàu nhàu nếp nhăn, buông lưng lửng trước cửa ra vào. Cạnh đó, một cái loa bị ngạt mũi, chốc chốc lại nấc lên một câu hát bị ngắt quãng, vô nghĩa, khiến những kẻ đứng xem được thể lại bật cười à à.
Căn nhà dài ngoằng mà hẹp. Xưa nó là chuồng ngựa của một nhà chứa trọ, rồi được Tây sửa thành kho muối. Cuối cùng nó được sửa mới lại thành nơi vui chơi, hội họp, tiếp đón các phái đoàn quan khách. Tại đây cũng đã diễn ra cuộc đón tiếp quân đội Nhật hoàng do nhóm Đại Việt tổ chức. Cũng ở căn nhà này, Lộc đã đăng đàn khua môi múa mép khi làm xong cuộc đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân tỉnh này hồi tháng mười năm 1945.
Trong nhà bấy giờ đang ầm ĩ tiếng cười nói, tiếng huýt sáo, tiếng gọi nhau và tiếng chó béc-giê cắn toang toang. Hàng ghế đầu chưa có ai ngồi, trống tuênh. Băng ghế thứ hai là nơi dành cho giới công chức, các ông chủ sự, ông phán, ông ký, các nhà giáo và các nhà thầu khoán, chủ hãng buôn, tiệm ăn, tiệm hút, ô-ten, sòng bạc... Đám này gần nửa là người Hoa. Họ ngồi trang nghiêm, thỉnh thoảng mới ghé tai nhau thầm thì câu chuyện thời sự nóng hổi và nghển cổ tìm kiếm: Không thấy ông Bằng chủ sự bưu điện đâu cả; ông Bằng không nhận chức Chủ tịch Ủy ban Hưng Việt thị trấn, bị Lộc tra vấn, giam hãm, giờ ra sao? Đám các phu nhân, các tiểu thư nổi bật ở hàng ghế tiếp sau vì trang phục toàn tơ lụa, xa tanh, gấm, nhung, len dạ, sặc sô, ấm áp và sực nức mùi nước hoa, mùi phấn đầm. Họ chúi vào từng nhóm, kháo nhau về các mặt hàng vải, lụa len, dạ của hãng Đoóc-mơi hay từ Bom-bay mới về.
Phía trái, từ hàng ghế thứ ba trở xuống, sau đám các nữ y tá cứu thương áo bờ — lu trắng bong là nơi ngồi của các sĩ quan, áo quần ka ki vàng ối một khoang, súng lục kè kè bên hông. Phần lớn bọn này thuộc các Cục, Vụ của Trung ương Quốc dân Đảng mới thoát hiểm từ cuộc đại bại ở Yên Bái lên đây. Khỏi vòng cong đuôi, giờ chúng lại nghênh ngang lên mặt hoặc gác chân lên ghế, hát cười hô hố, và liếc mắt đưa tình đầy vẻ trịch thượng với các tiểu thư tỉnh nhỏ. Ngổ ngáo hơn là bọn mới từ mặt trận Phong Thổ về. Bọn này được Khanh gọi về để phòng thủ thị trấn. Chà! Những anh hùng kháng Pháp còn say mùi chinh chiến! Chúng coi trời bằng vung, cứ tung súng lục đùa nghịch, xuýt chó cắn ông ổng về phía các bà các cô ngồi và hò hét oang oang, chửi tục hoặc gây gổ cà khịa với bọn lính văn phòng ngồi trên.
Đông nhất, chiếm cả nửa căn nhà phía sau là lớp thiếu niên học sinh choai choai mười lăm, mười bảy tuổi, bị lùa tới hay tự nguyện đến vì hiếu kỳ, háo hức muốn xem mặt đảng trưởng và đám vũ nữ.
Chiếc Tắc-xông Avăng đen thui thả bụi mịt mù suốt đoạn đường từ Tòa sứ tới cửa nhà Cercle thì đậu lại. Khanh xuống xe, đưa tay đeo găng trắng đón vợ ở băng ghế sau. Vợ Khanh gầy đét, cao ngỏng như con hạc, tóc phi-dê loăn xoăn Bụt ốc, áo liền váy đỏ chóe, cặp cái ví đầm khoác tay chồng, chốc chốc lại quay lại, chúm môi mút chun chút gọi con béc-giê xám, lưng có một vệt đen, lưỡi dài thè lè, lững thững đi sau. Sau con chó là võ sĩ Vận cao một mét tám mươi hai, to như hộ pháp, đen cháy, mặc sóc nâu, bít tất tới đầu gối, đeo kính râm, khuỳnh tay đi, văng hai nắm đấm, vẻ hùng hổ.
Hai tên lính non choẹt đứng ở cửa giật chân, bồng súng đánh "pách".
Khanh đưa tay lên vành mũ.
Căn nhà như bùng lên. Đám thiếu niên nghển cả dậy:
— Chính khách thì phải mặc chế phục, đội mũ ống, mặc áo nỉ đuôi tôm, đi xe li-mu-din hòm kính chứ!
— Võ quan Tàu phù! Đoàn quân Tàu ô đi...
— Đầm! Đầm chúng mày ơi!
— Hoan hô! Hoan hô me tây.
— Vũ nữ! Vũ nữ đến rồi, bra-vô!
Vợ Khanh rời tay chồng, bước tới cái ghế dành riêng. Cái áo liền váy chật căng, mụ nhấp nhổm một lúc mới quay lại đám sĩ quan, giơ mùi soa lên vẫy, nhoẻn nhoẻn cười.
Vừa lúc ấy, từ hàng ghế các bà, các cô, tọt ra một phụ nữ mặc áo va-rơi dạ, quần trắng, chân đi hài cườm thêu kim tuyến. Ả len lách, rồi tót lên hàng ghế vợ Khanh ngồi.
— Chị Phi Linh! Ối giời, biết tin chị lên mà hôm nay mới gặp chị được.
Vợ Khanh quay lại. Đôi lông mày kẻ uốn như hai cái vòi, giật nhoay nhoáy:
— Cô Hoàng Uyên! Trông cô lạ quá! Lạ quá đi mất!
— Em định xung phong đi làm cứu thương ở mặt trận Phong Thổ, chị xem có được không? Chị Phi Linh ơi! Em nghe nói anh Vũ Khanh không đồng ý cho người đi Phong Thổ nữa. Có phải thế không, chị? Nếu vậy, em sẽ đi Pa Kha.
— Suýt! Trật tự!
Vợ Khanh đưa tay nắm những búp tóc ở sau gáy, ngồi dịch vào lòng ghế, vội nhìn lên.
Trên lễ đài, đảng trưởng oai vệ trong bộ quân phục cấp tướng quân đội Tưởng Giới Thạch, vừa ngồi vào chiếc ghế danh dự thì một tiếng hô vỡ ra như sấm nổ khiến tất cả cử tọa cùng giật bắn mình, im thin thít:
— Nghiêm iêm... Đảng kỳ... ỳ ỳ chào!
Tiếng hô vừa dứt, ở cánh gà bên trái lễ đài, chiếc đàn ác-mô-ni-om mượn của nhà thờ bắt đầu phì hơi phọp phọp. Anh thanh niên công giáo râu quai nón chân đạp, tay chạy phím, nhấp nhổm như ngồi trên mình ngựa. Chiếc đàn cũ, hở, lọt gió nhiều quá, tiếng như tiếng người ốm.
Giữa lúc mọi người còn đang nghênh nghênh nghe tiếng đàn lạc giọng, thì một người, cao lớn đã lừng lững bước ra, đứng chính giữa lễ đài, nhìn thẳng lên lá cờ sao trắng gắn vào tấm vải phông áp sát tường. Cử tọa đã có người định kêu to: Tên nào mà hỗn hào thế, định quấy phá cái gì đây, thì hắn đã cất tiếng ồm ồm:
Việt Nam minh châu trời đông
Việt Nam nước thiêng tiên rồng
Non sông như gấm hoa uy linh một phương
Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương.
Tiếng đàn phào phào một đằng, giọng gã nọ lại ồm ồm một nẻo, vừa to vừa rè, lại quá ư nặng nhọc.
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi
Tiếng anh hùng còn ghi núi sông muôn đời
Máu ai còn vương cỏ hoa...
Mấy trăm con người cùng lúc thở đánh phào như vừa qua một trò chơi căng thẳng khi bài đảng ca vừa hết và ban tổ chức mời quý vị an tọa. Đám sĩ quan quây lại từng nhóm, ồn ào:
— Đ. mẹ. Nó gào chứ không phải hát!
— Hết người rồi hay sao mà để thằng võ sĩ Vận hát, hả?
— Thằng nhạc sĩ Quang Ngọc nó không chịu hát!
— Ha ha... toát mồ hôi hột có thằng!
Một tràng vỗ tay vừa nổi như pháo ở hàng ghế trên cùng. Trật tự được thiết lập. Khanh trịnh trọng bước lên lễ đài, tiến lại sau diễn đài, cất giọng sang sảng:
— Thưa quý vị đại diện đoàn thể tôn giáo, hiệp hội, thưa quý liệt vị quan khách, quý vị thân hào thân sĩ, anh chị em công chức, cán bộ. Thay mặt Trung ương Quốc dân Đảng, tôi xin gửi đến quý vị lời chào huynh đệ gắn bó keo sơn, để chúng ta cùng chung lưng đấu cật giữ gìn tỉnh Lào Cai, nơi có nhiều khó khăn, và cũng nhiều hy vọng của chúng ta...
Tiếng vỗ tay rộ lên một hồi đáp lại lời Khanh. Đưa mắt nhìn những hàng ghế trên cùng, Khanh thừa biết rằng: hôm nay không có một đại biểu của một thổ ty nào chịu tới tham dự hội nghị này. Thất bại này thật cay đắng, Khanh hiểu, nhưng Khanh biết rằng, chẳng nên để mọi người biết tâm trạng này của mình. Vả chăng, tất cả còn đang trong sự khởi động.
Lát sau, giọng Khanh đã lại vừa dẻo vừa hùng. Điệu bộ Khanh vừa khỏe vừa mềm mại. Cánh tay Khanh khi giơ cao bổ mạnh, lúc gạt ngang dứt khoát, khi xỉa về phía trước, lúc rụt về phía sau, chém bên phải, đập bên trái, muôn vẻ, muôn hình. Khanh nói rằng tình hình quốc nội hiện thời rất bi đát. Rằng Cộng sản đã tự động ký Hiệp ước Mồng sáu tháng ba, rằng bọn y không phải tay sai của Tưởng, nếu không thì sao đã chịu đựng bao gian truân khổ ải để dấn thân vào công cuộc cứu giúp nước nhà.
— Thưa quý vị. Hơn mười hai tháng qua, con thuyền quốc gia đã lướt qua bao sóng gió để an lành cập bến. Nhờ nhiệt huyết sôi réo của hàng ngàn con tim mà anh em Quốc dân Đảng chúng tôi đã chu toàn công vụ. Tôi có thể đơn cử một trận tiêu biểu là trận Phong Thổ chống giặc Pháp. Phong Thổ! Nơi ghi bao dấu tích lịch sử, nơi người dân hiền hòa, nơi núi non xinh đẹp, đã làm chứng tích cho tấm lòng quả cảm của quốc dân quân và nghĩa binh ta. Thật là một trận mưa đạn. Ngày hai mươi tháng chín, đạn pháo kích ta nổ vang trời. Suốt từ Bình Lư đi Phong Thổ, quân ta đã án ngữ các mạch đường hiểm yếu...
— Bravô! Bravô!
— Híp híp hơ! Híp híp hơ!
Giữa những tiếng hoan hô hưởng ứng, lũ chó béc-giê bị kích thích, thỉnh thoảng lại "gâu” một tiếng làm bọn thiếu niên lại cười rú lên một hồi. Cuộc họp đã bắt đầu mất vẻ trang trọng. Phía sau có tiếng đập cửa thình thình. Bọn thiếu niên ngáp ngắn ngáp dài, kêu sao đảng trưởng nói gì mà dài thế, vũ nữ sao chưa đến, mở cửa cho ra ngoài một tí chứ, mót đái lắm rồi. Đám sĩ quan thì quay sang chuyện Lộc bị mất chức, dự đoán có thể Lộc sẽ nổi khùng vì mất mồi ngon, sẽ diễn ra chuyện tranh ăn gay gắt không chừng.
Trên diễn đài, Khanh vẫn say sưa:
— Thưa quý vị, tạo lập một nếp sống an bình và hạnh phúc là một mục tiêu tối thượng của chúng tôi, trong khi đó Cộng sản lại không thấy hiểm họa của đất nước. Chúng đem quân đi chiếm các đồn lẻ của ta.
Xem chừng cuộc họp đã đuểnh đoảng. Hoàng Uyên soi gương tô lại một nét môi, rồi quay sang vợ Khanh:
— Chị Phi Linh ạ, em có câu chuyện muốn hỏi chị.
— Tôi cũng định hỏi cô một việc.
— Việc gì thế chị!
— Bà cô tôi ở bên Hồ Kiều, Vân Nam nhắn tôi hỏi hộ xem giá Quan Kim dạo này ra sao?
— Tiền Quan Kim năm ngoái em thuê mỗi kiện đem về Hà Nội mất những năm tờ cái đỉnh kia. Quan Kim sang Côn Minh mua được vàng mà. Nhưng bây giờ cả kiện Quan Kim không chắc được năm cái đỉnh.
— Thế bạc trắng?
— Bạc trắng đang được giá đấy chị ơi!
Ghé sát tai vợ Khanh, Hoàng Uyên nhoẻn cười, thầm thì. Gật đầu, Phi Linh đập khẽ tay vào đùi ả me tây, nháy mắt:
— Cô cứ yên tâm. Để tôi bảo anh Khanh một tiếng. Rồi cô cứ vào với họ. Một công đôi ba việc mà.
Trên bục, giọng Khanh vẫn đang độ nồng nàn:
— Trước cái nguy vong quốc, mỗi người phải là một Kinh Kha. Vâng, tiện đây tôi xin có lời nhắn gió gửi mây tới các ông thổ ty các châu Pa Kha, Pha Linh, Mường Cang là: Chúng tôi không có tham vọng cá nhân, chúng tôi sẵn sàng dẹp bỏ mọi tị hiềm, chia rẽ, đoàn kết một lòng với quý vị. Nhân dịp này, tôi xin trình bày trước quý vị về sứ mệnh của Quốc dân Đảng...
Nuốt nước bọt, Khanh hạ giọng. Khanh bắt đầu giải thích về chính sách, đường lối của đảng y. Ôi chao! Bọn thiếu niên phần vì mệt mỏi, phần vì chẳng hiểu gì cả nên lúc này mới thật là cái tổ ong vỡ. Mặc, Khanh vẫn cứ hùng hồn, rằng thì là chúng tôi đối ngoại chủ trương hợp tác với Đồng minh, nhất là với Trung Hoa, đối nội thiết lập chính thể dân chủ xã hội tinh hoa của Tam dân chủ nghĩa, về kinh tế thì đảm bảo tự do kinh doanh, về giáo dục thì đặt ra Mặt trận Cần lao thanh niên để thanh niên hai mươi tuổi tập đời sống công cộng cho ý thức xã hội nảy nở... vân vân và vân vân.
Bọn thiếu niên chỗ thì đòi đi ỉa đi đái, chỗ thì kêu chán không được ra, xoay ra đánh cờ chân chó, đánh "croix zéro" tới lúc ào một hồi vỗ tay, chúng mới nghển lên.
Khanh đã xuống đài. Nơi Khanh đứng xuất hiện một tên mặt sẹo, đội mũ kê pi có bốn vạch trắng ở lưỡi trai, cấp hiệu đại tá. Tên này giơ nắm đấm lên trời, gào: — Các bạn thanh niên! Hưởng ứng lời kêu gọi của đảng trưởng, các bạn hãy ghi tên gia nhập Quốc dân quân và Quốc gia thanh niên đoàn! Nào!”.
Ngay một lúc, tất cả cửa ra vào và cửa sổ đều đóng ập. Căn nhà tối sầm. Lập tức có tiếng hô. Và sau đó, tiếng chân người chạy. Tiếng lũ thiếu niên la khóc, chửi rủa và tiếng nắm đấm nện cửa thình thình hoảng loạn.
— Mở cửa? Mở cửa cho chúng tao ra!
— Đ. mẹ chúng mày, đánh lừa bắt lính bố chúng mày à!
— Ôi giời ơi! Nó đánh tôi.
Vợ Khanh chui ra khỏi xe, nhìn Khanh tủm tỉm:
— Hóa ra mình bày ra hội nghị để bắt lính à?
Khanh nhún vai:
— Chuyện vặt? Tay ai mà không có móng vuốt. Không vậy sao lịch sử thăng tiến được, em. Mà thôi, em quan tâm đến việc của anh làm gì!
Vợ Khanh nguýt yêu chồng, rồi ghé tai chồng:
— Mình à, bạc trắng đang được giá lắm đấy.
— Thế thì bảo Xi Xám Mần chuyển tiền sang. Mua ngay vào đi. Giá còn lên. Mà còn phải nghĩ xem có cách nào moi của bọn thổ ty nữa. Bạc trắng là một. Thuốc phiện là hai.
Thoáng thấy bóng một sĩ quan ở phía trước, Khanh dịch xa vợ một khoảng, nghiêm mặt:
— Phi Linh về đi, anh lên pháo đài một lát rồi xuống xem Lộc đã sửa soạn đi chưa nhé.
Tên sĩ quan đi tới, Khanh quay lại:
— Anh Mộng Huyền? Việc đến đâu rồi?
— Thưa đảng trưởng, chấp hành lệnh của ngài, tôi đã cho thả ông chủ sự Bằng và lão già bán phá xa. Tên tướng cướp Man di khai sáng thì vẫn để ở nhà hầm.
— Được! Tôi sẽ gặp ông chủ sự Bằng. Các anh làm ăn thất sách quá!
— Còn một nữ phạm nhân...- Mộng Huyền ngập ngừng.
Khanh cắn môi, nhăn nhăn trán, rồi phẩy tay, vẻ khó chịu:
— Anh dẫn tôi đi xem nào. Rõ rắc rối!
Dãy hầm giam người vốn là hầm tránh máy bay cũ của lính Nhật được sửa sang lại, nằm ở vách đồi bên đường đi lên pháo đài.
— “Thưa... đây là hầm...”. Mộng Huyền mở cánh cửa sắt chưa kịp giới thiệu, Khanh đã hạ thấp người, chui tọt vào căn hầm giam thiếu nữ nọ.
Khom lưng tiến được mấy bước, trong vầng sáng nhòa nhòa ở đáy hầm, Khanh đã nhận ra bóng một người con gái vừa ngồi dậy. Sững lại, trong giây lát mắt Khanh lập tức như hóa đá chết lặng. “Bọn ăn chơi nói không sai. Đàn bà đẹp nhất lúc ngủ dậy và khi bàng hoàng. Nàng được cả hai thời điểm. Mắt nàng thế kia, cặp vú trái táo ngon lành thế kia, hèn nào mà Lộc không chết mê chết mệt”.
— Chào cô.
Tiến thêm một bước ngắn nữa, Khanh đứng hẳn lại và hơi cúi xuống.
— Cô Dung. Tôi xin tự giới thiệu với cô, tôi là đảng trưởng.
Ngập ngừng, Khanh liếm môi, khe khẽ tiếp:
— Cô Dung, cô chớ nên bị kích động. Cấp dưới của tôi có lúc họ nhầm. Cô Dung ạ, tôi rất quý trọng tấm lòng kiên trinh của người con gái. Bởi vì, nếu không có đức tính đó thì quốc gia, dân tộc không thể tồn tại được.
Không có tiếng đáp trả lời, Khanh có cảm giác như rơi vào khoảng không. Quay trở lại cửa hầm, Khanh vẫy tay gọi tên sĩ quan đang đứng chờ lại gần, rồi ghé tai y, khe khẽ:
— Anh Mộng Huyền! Từ bây giờ, tôi cấm không cho ai được có một hành động, một cử chỉ nào thô lỗ với cô gái này. Chiều nay, anh bảo dọn ngay căn buồng đẹp nhất trong dinh tỉnh trưởng rồi rước cô ấy sang nghỉ ngơi, an dưỡng, nhớ chưa?
— Dạ nhớ ạ.
Quay lại, nghiêng mặt nhìn cô gái một lần nữa, Khanh mới bước hẳn ra cửa hầm. “Chà, gái vùng hoa quả mẩy mang, nõn nường quá". Những ý nghĩ dâm cuồng chảy giần giật khắp người đảng trưởng.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe