One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 47
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
ung sướng biết bao khi lại được làm người trung thực! Cái túi trống rỗng cho tôi cảm giác nhẹ nhõm. Vâng, thật hạnh phúc khi biết mình trong sạch. Phải nói rằng những đồng tiền kia đã làm tôi băn khoăn, khổ sở. Mỗi lần nghĩ tới chúng, tôi lại rùng mình. Gì thì gì, xưa nay tâm hồn tôi chưa bị vấy bẩn lần nào, chính hành động thấp hèn ấy đã làm danh dự của tôi hoen ố. Vâng, vâng, đúng thế! Lạy Chúa, thế là tôi đã thanh minh được với chính bản thân mình.
- Xin mọi người hãy noi gương tôi! - Tôi khẽ nói, đưa mắt bao quát cả quảng trường đang chật ních những người là người. - Hãy làm theo tôi! Tôi đã biến một bà lão bán bánh nghèo khổ thành người hạnh phúc! Một việc đáng làm đấy chứ? Đúng lúc bà đang ở trong tình cảnh không lối thoát. Đêm nay bầy con của bà không còn phải ôm bụng đói đi ngủ...
Tôi tự an ủi bằng những ý như vậy, và thấy cách xử sự của mình là không chê vào đâu được. Lạy Chúa, cuối cùng tôi đã thoát khỏi những đồng tiền bẩn thỉu ấy.
Ngất ngây và xúc động, tôi bước đi giữa phố, kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Tôi run lên vì sung sướng khi nghĩ rằng tôi sẽ tới gặp nàng với tư cách là người trong sạch, và có thể mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt nàng. Từ nay lương tâm tôi không còn bị cắn rứt, các ý nghĩ thoáng rộng, đầu óc nhẹ nhõm và tràn đầy ánh sáng rực rỡ. Tôi bỗng muốn đùa, muốn nghĩ ra vài trò ngu ngốc nào đó, như lật ngược cả thành phố đầu lộn xuống đất, hoặc gây nên một sự hỗn loạn khủng khiếp chẳng hạn. Như một người điên thực sự, tôi đi qua Grenxơn, hai tai tôi ù ù, niềm vui làm tôi ngây ngất. Và trong cơn vui ngây ngất ấy, tôi túm lấy một thằng bé sai vặt mà tôi gặp dọc đường, rồi báo cho nó biết tôi là ai, bao nhiêu tuổi. Nhưng thằng bé không nói lời nào. Tôi lại cầm chặt tay nó, nhìn thẳng vào mặt nó rồi bỏ đi, không thèm giải thích vì sao tôi làm thế. Tôi lắng nghe giọng nói và tiếng cười của những người đi ngang, nhìn mấy con chim đang nhún nhảy trên hè phố, quan sát những viên đá lát đường và thấy chúng xếp lại với nhau thành những hình rất kì lạ. Cuối cùng, tối tới quảng trường, nơi có toà nhà nghị viện.
Tôi đứng sững lại, nhìn những người đánh xe ngựa. Họ đi lại giữa quảng trường, trò chuyện với nhau, còn ngựa của họ thì đứng cúi đầu, khó chịu vì thời tiết xấu.
"Nào, đi thôi!" - Tôi khẽ nói rồi lấy tay tự đẩy mình về phía trước. Tôi bước nhanh đến chiếc xe đầu tiên và leo lên ngồi.
- Phố Ullevônxvâyen, nhà ba mươi bảy! - Tôi quát.
Chiếc xe lăn bánh.
Dọc đường, người đánh xe bắt đầu ngoái lại nhìn tôi đang ngồi dưới mái che bằng vải bạt. Không lẽ hắn cảm thấy có điều gì không bình thường? Không nghi ngờ gì nữa, bộ quần áo sờn cũ của tôi đã làm hắn chú ý.
- Tôi có việc phải đến gặp một người ở đấy, - tôi nói để người đánh xe khỏi hỏi lôi thôi. - Một việc rất cần.
Xe dừng lại bên nhà số ba mươi bảy. Tôi nhảy xuống, chạy theo cầu thang lên tầng ba rồi giật mạnh dây chuông, làm chiếc chuông rung lên rền rĩ.
Người hầu gái mở cửa. Tôi để ý thấy tai cô ta mang khuyên vàng, còn chiếc váy màu xám có những chiếc cúc đen. Cô ta nhìn tôi hoảng sợ.
- Tôi hỏi ông Hierunf, Joahim Hierunf có nhà không, cái ông làm nghề buôn len ấy mà, ai chẳng biết ông ấy!...
Cô hầu gái lắc đầu:
- Ở đây không có ai là Hierunf cả.
Rồi cô ta nhìn tôi, vẻ muốn đóng cửa lại. Cô ta nói cái tên ấy thật dễ dàng, không một chút mắc mớ, như thể biết con người tôi đang tìm kia là ai, có điều không muốn giúp tôi mà thôi. Vô cùng giận dữ, tôi quay người chạy xuống thang gác.
- Ông ấy không ở đây! - Tôi nói với người đánh xe ngựa.
- Không ở đây?
- Không! Cho xe tới phố Tômtegaten, nhà số mười một.
Sự lo lắng của tôi chuyển sang cả người đánh xe. Ông ta vội cho xe phóng đi ngay, chắc nghĩ bằng cách ấy có thể cứu được tôi thoát chết. Ông ta luôn quát to, thúc ngựa chạy nhanh hơn.
- Người ông cần tìm tên là gì? - Ông ta ngoái lại hỏi.
- Hierunf, làm nghề buôn len. Hierunf!
Ông đánh xe ngựa cũng có cảm giác như có biết người này. Có phải ông ấy hay mặc quần áo màu sáng không?
- Ông nói sao? - Tôi hỏi lại. - Mặc quần áo màu sáng à? Ông không điên đấy chứ? Ông tưởng tôi đùa chắc?
Cái bộ quần áo màu trắng ấy đã làm hỏng hết mọi chuyện. Tôi tưởng tượng Hierunf là người khác hẳn.
- Ông nói tên ông ấy là Hierunf?
- Vâng, đúng thế, - tôi đáp. - Thì sao, có gì đáng ngạc nhiên. Nó chẳng xấu hơn bất kì cái tên
nào khác.
- Có phải tóc ông ấy màu hung không?
Rất có thể tóc ông ta màu hung, và khi người đánh xe nói lên điều ấy, lập tức tôi cho rằng quả đúng như thế. Tôi thấy phải cảm ơn người đánh xe, vì ông ta thông minh đoán ra ngay người tôi đang tìm là ai?
- Nếu tóc Hierunf không phải màu hung thì mới là điều đáng lạ, - tôi nói.
- Hoá ra tôi đã chở ông ấy hai lần rồi đấy, - người lái xe nói. - Tay ông ấy cầm chiếc gậy bằng gỗ.
Lập tức tôi hình dung thấy Hierunf đang đứng trước mặt tôi, tôi nói:
- Ha, ha! Chưa bao giờ có ai thấy ông ta không cầm chiếc gậy ấy trong tay cả! Đúng thế, ông cứ yên tâm rằng đúng như thế.
Vâng, tất nhiên đó chính là Hierunf mà người đánh xe này đã chở đi hai lần. Ông ta nhớ ngay mà...
Chúng tôi đi nhanh tới mức các đốm lửa toé lên dưới móng ngựa.
Dù đang rất hồi hộp, tôi vẫn tỉnh táo để ý hết mọi chuyện. Khi xe đi ngang một người lính gác, tôi nhận thấy anh ta đeo tấm biển nhỏ trên ngực có con số 69. Con số ấy làm tôi sửng sốt và cắm vào óc tôi như một cái dăm.
69, vâng, chỉ 69, chắc chắn tôi không quên!
Tôi ngả người xuống lưng ghế, để mặc trí tưởng tượng kì quặc của tôi tha hồ bay bổng. Tôi co người dưới tấm bạt che để không ai thấy tôi đang bĩu môi và bắt đầu nói chuyện với chính mình một cách ngu ngốc nhất. Sự điên rồ đang sôi sục trong đầu tôi. Tôi để nó tự do trào ra, biết trước tôi sẽ là nạn nhân của nó, cái mà tôi không đủ sức chống đỡ lại. Tôi bắt đầu cười, cười ngặt nghẽo không thành tiếng, dù hoàn toàn không có lí do gì để cười. Tôi là người đang vui, là thằng say khi uống hai cốc bia. Nhưng cuối cùng, dần dần cơn say ấy cũng qua và tôi bình tĩnh trở lại. Tôi thấy ngón tay bị cắn đau nhức nhối. Tôi cho nó vào nách để đỡ lạnh.
Xe tới Tômtegaten. Người đánh xe cho ngựa dừng lại.
Tôi thong thả bước xuỗng, không hề suy nghĩ điều gì, đầu tôi nặng trình trịch. Tôi đi qua cổng, vào sân rồi đến trước một cánh cửa. Tôi bước vào và thấy một lối đi có hai cửa sổ. Trong góc có hai chiếc hòm chồng lên nhau, cạnh tường là chiếc giường nhỏ không sơn có phủ thảm. Phía bên phải, trong phòng cạnh có tiếng ai đang nói về tiếng trẻ kêu, còn ngay trên đầu tôi, ở tầng hai, là tiếng búa gõ vào sắt chan chát. Vừa bước vào, tôi đã chú ý ngay tới tất cả những điều ấy.
Tôi thản nhiên đi khắp căn hộ tới một cánh cửa khác, rồi thong thả, không hề nghĩ tới việc chạy trốn, tôi mở nó và bước ra phố cạnh. Tôi ngước nhìn ngôi nhà mà tôi vừa đi xuyên qua, và đọc tấm bảng treo trên tường: "Nhà nghỉ cho khách vãng lai".
Không hề có ý định chạy trốn khỏi người đánh xe đang chờ tôi ở phía bên kia, tôi bình thản bước đi không chút lo sợ, không nghĩ rằng mình đã làm một việc gì đó không tốt. Hierunf, cái ông buôn len mà tôi tin là có thật và bỏ công tìm kiếm ấy, bỗng nhiên biến mất. Ông ta đã hoá thành hơi và tan đi cùng các ý nghĩ điên rồ khác. Bây giờ ông ta chỉ lởn vởn trước tôi như cái bóng mờ ảo, như một hồi ức xa xăm nào đó.
Càng đi, tôi càng trở nên tỉnh táo, tôi cảm thấy nặng nề và mệt mỏi, vất vả lắm mới lê nổi chân. Trong khi đó, tuyết vẫn rơi từng cụm lớn rất to và ướt. Cuối cùng, tôi tới Grơnlen, tới tận nhà thờ và ngồi xuống một chiếc ghế dài nghỉ lấy hơi. Những người đi ngang ngạc nhiên đưa mắt nhìn tôi. Tôi ngồi, chìm sâu trong trầm tư suy nghĩ.
Trời ơi, sao tôi phải khổ thế này? Cái cuộc sống khốn kiếp này đã làm tôi kiệt sức; tôi mệt mỏi đến tột độ, đến mức không còn đáng để đấu tranh kéo dài nó thêm nữa. Các tai hoạ kinh khủng dồn dập đổ lên đầu tôi, tôi bị đè bẹp và hiện chỉ là cái bóng của chính mình. Vai tôi nhô lên cao, khi đi tôi phải còng xuống để ghìm bớt cái đau trong ngực. Cách đây hai ngày, ngồi ở nhà mình, tôi quan sát kĩ cơ thể tôi và đã không cầm được nước mắt. Đã mấy tuần nay tôi không thay áo sơ mi, cổ áo dày cộm, đen xỉn vì mồ hôi và cọ vào cổ tôi đến chảy máu, làm thành cái u nhỏ và dù không đau, tôi vẫn thấy thật buồn khi phải mang cái vết thương ấy trên người. Tôi không có gì để chữa nó, mà rồi tự nó sẽ lành. Tôi chỉ dùng nước rửa sạch, cẩn thận xoa xoa nó vài cái rồi lại mặc chiếc áo bẩn vào. Biết làm thế nào được...
Tôi ngồi trên ghế, lan man suy nghĩ đủ điều, lòng nặng trĩu. Tôi chán chính bản thân mình, thậm chí cả đôi tay tôi, tôi cũng thật kinh tởm. Đôi tay yếu đuối, vô tích sự đến mức không thể chấp nhận nổi. Tôi bực bội nhìn những ngón tay thon gầy của tôi, tôi căm ghét cơ thể rệu rã của tôi. Tôi rùng mình khi nghĩ tới việc suốt đời phải nuôi sống, chăm bẵm cái cơ thể trần tục đáng ghét ấy. Trời ơi, mong sao tất cả những điều này nhanh chóng kết thúc! Tôi muốn chết làm sao!
Hoàn toàn bị chà đạp, khinh bỉ và lăng nhục trong con mắt của chính mình, tôi thẫn thờ đứng dậy, đi về nhà.
Dọc đường tôi lại nhìn thấy tấm biển quen thuộc treo trước cổng: "Hiệu Iomfru Anđerxơn, có bán những tấm vải liệm". Tôi nhớ tới căn gác xép tôi sống ở Hammerxborg, nhớ chiếc ghế xích đu nhỏ, những tời báo cũ dán bên cửa, tin quảng cáo của người coi đèn biển và mùi bánh mì mới của hiệu bánh Fabian Onxen. Chao, những ngày ấy sống còn sướng hơn bây giờ hàng chục lần. Có lần trong một đêm tôi viết xong một bài báo và được trả những mười curon. Còn bây giờ thì không! Hễ tôi cầm bút vào tay là lập tức các ý nghĩ chui ra hết khỏi đầu. Vâng, đã đến lúc phải chấm dứt mọi chuyện. Cứ thế tôi vừa suy nghĩ vừa đi, không dừng lại một lần nào.
Càng đến gần cửa hiệu tạp hoá, tôi càng cảm thấy lo sợ một cách mơ hồ. Rồi tôi quyết định dứt khoát rằng tự tôi sẽ thú nhận mọi chuyện. Đây, tôi đang bước lên cầu thang, đến cửa tôi gặp một cô bé tay đang bê chiếc bát. Tôi chờ nó đi xa rồi bước vào cửa hiệu, khép chặt cửa lại. Tôi và ông bán hàng lại mặt đối mặt nhìn nhau.
- Hôm nay thời tiết chẳng ra gì, - ông ta nói.
Ông ta nói thế làm quái gì? - Sao không bắt tôi ngay? Vô cùng tức giận, tôi nói:
- Tôi tới đây không phải để tán với ông về thời tiết.
Thái độ của tôi làm người bán hàng tội nghiệp bối rối. Ông ta không biết phải cư xử thế nào, và tất nhiên không thể nghĩ rằng tôi đã ăn cắp của ông ta năm curon.
- Chẳng nhẽ ông không biết rằng tôi ăn cắp tiền của ông? - Tôi bực bội quát to, thở hổn hển và sẵn sàng dùng sức bắt ông ta phải có phản ứng, nếu còn chần chừ nghi hoặc.
Thế mà ông ta, cái ông già tội nghiệp ấy, vẫn đứng ngây người không chịu hiểu.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói