A blessed companion is a book, - a book that, fitly chosen, is a lifelong friend,... a book that, at a touch, pours its heart into our own.

Douglas Jerrold

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 47
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
rên cầu thang có tiếng chân người bước. Lập tức tôi quay lại với thực tế. Đó là "Người cầm kéo". Thấy hắn, tôi vội vã cho nắm cúc vào túi. Hắn muốn đi ngang, thậm chí không thèm đáp lại cái chào của tôi. Bỗng nhiên hắn chăm chú ngắm nghía các móng tay của hắn. Tôi chặn đường hắn và hỏi về ông chủ bút.
- Ông ấy chưa đến.
- Ông nói dối! - Tôi đáp. Và với một sự trâng tráo đến tôi cũng phải ngạc nhiên, tôi nói tiếp: - Tôi nhất thiết phải gặp ông ấy. Chuyện rất quan trọng. Có tin tức đặc biệt.
- Ông có thể nói qua tôi được không?
- Không! - Tôi cắt ngang và nhìn hắn một lượt từ đầu đến chân.
Điều này đã mang lại hiệu quả. Hắn liền mời tôi lên gác và mở cửa phòng. Tôi hồi hộp đến ngạt thở. Để lấy lại bình tĩnh, tôi nghiến chặt răng, gõ cửa, rồi bước vào phòng ông chủ bút.
- Ông đấy à? Chào ông, - ông chủ bút nói. - Mời ông ngồi.
Nếu ông ta thẳng tay đuổi tôi ra khỏi cửa, tôi còn cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thấy nước mắt rưng rưng sắp trào ra. Tôi nói:
- Xin lỗi...
- Mời ông ngồi, - ông chủ bút nhắc lại.
Tôi ngồi xuống và bắt đầu giải thích rằng tôi đã viết xong một bài báo mới mà tôi rất muốn được đăng ở báo ông. Tôi viết rất lâu và mất khá nhiều công sức vì nó.
- Tôi sẽ đọc, - ông chủ bút nói rồi cầm bài báo. - Tôi biết những bài ông viết đều rất công phu, có điều ông quá say sưa. Nếu ông bình tĩnh chút nữa thì tốt hơn. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ đọc bài này.
Nói rồi, ông lại cúi xuống bàn làm việc của mình.
Còn tôi thì vẫn ngồi yên. Hay hỏi vay ông một curon chăng? Hay giải thích cho ông biết vì sao khi viết, tôi quá bốc như vậy? Tất nhiên ông sẽ giúp tôi, vì đây có phải là lần đầu ông ta giúp tôi đâu!
Tôi đứng dậy. Hừm! Tôi nhớ lần cuối cùng gặp ông, ông có kêu về khó khăn tài chính, thậm chí còn cho bà thủ quỹ đi đâu đấy kiếm ít đồng tiền lẻ cho tôi. Có lẽ bây giờ cũng vậy. Không, tôi không thể làm thế được. Lẽ nào tôi không thấy ông ta đang bận?
- Ông cần điều gì nữa chăng? - Ông chủ bút hỏi.
- Không, - tôi đáp, cố sao để giọng nói có vẻ dứt khoát. - Bao giờ thì tôi có thể đến gặp ông ạ?
- À, lúc nào tiện thì đến thôi, cứ cho là hai ngày nữa chẳng hạn.
Tôi không thể nói nên lời cái yêu cầu bức thiết của tôi. Hình như vẻ lịch sự của con người này là vô cùng vô tận, và tôi không thể không kính trọng nó. Thà chết đói còn hơn hỏi vay tiền ông ấy. Và rồi tôi bước ra khỏi phòng.
Tôi không lấy làm tiếc rằng đã rời tòa soạn mà chưa hỏi vay được một curon, thậm chí cả khi ra đến cửa, cơn đói lại thức dậy cắn xé tôi. Tôi moi từ túi ra chiếc vỏ bào thứ hai rồi cho vào miệng. Tôi lại cảm thấy dễ chịu. Tại sao tôi không làm điều này sớm hơn nhỉ?
- Thật xấu hổ! - Tôi nói to. - Không lẽ mày có thể nghĩ tới việc ngửa tay xin con người ấy một curon, và bằng cách ấy đặt ông ta vào tình thế khó xử? - Rồi tôi bắt đầu nguyền rủa mình vì ý nghĩ trâng tráo, nhục nhã ấy. - Lăn xả vào người ta, xuýt làm người ta ngã, chỉ vì mày, một kẻ đáng khinh bỉ, cần một đồng curon nào đó! Hãy cút khỏi đây ngay, nhanh lên! Nhanh lên, đồ ngốc! Được, ta sẽ cho mày biết tay!
Và để trừng phạt mình, tôi bắt đầu chạy, chạy hết phố này đến phố khác, chạy đuổi theo chính bản thân mình. Và mỗi lần chạy chậm, tôi lại quát lên giận dữ. Một chốc sau tôi có mặt ở Pilestredet. Cuối cùng, tôi dừng lại, suýt òa lên khóc vì không đủ sức chạy tiếp. Toàn thân tôi run lên bần bật. Tôi ngồi xuống một bậc đá nào đó.
- Không, hãy đợi đấy! - Tôi nói. Và để trừng phạt mình đến nơi đến chốn, tôi lại đứng dậy, không cho phép ngồi tiếp. Tôi cười giễu và lấy làm sung sướng trước sự bất lực của chính mình. Cuối cùng, sau mấy phút đứng như thế, tôi gật đầu cho phép mình ngồi xuống, nhưng không phải ngồi ở chỗ gồ ghề nhất trên bậc đá.
Ôi lạy Chúa, được ngồi nghỉ mới thích làm sao! Tôi lau mồ hôi trên trán và hít thật sâu không khí trong lành vào ngực. Tôi đã phải chạy quá nhiều! Nhưng tôi không hề vì thế mà thương hại mình. Đáng đời tôi lắm! Sao tôi dám nghĩ tới việc vay tiền? Thì đấy, nhận lấy! Sau đó tôi dịu dần và nói chuyện với mình cũng dịu dàng hơn, thậm chí còn dỗ dành như bà mẹ dỗ dành đứa trẻ. Điều này làm tôi cảm động, chả là vì tôi quá mệt, quá bất lực. Rồi tôi khóc. Đó là những tiếng khóc lặng lẽ, bị nén sâu trong lòng, khóc không nước mắt...
Tôi ngồi yên một chỗ độ mười lăm phút hay còn hơn thế. Nhiều người đi ngang, nhưng không ai để ý đến tôi. Trẻ con chơi quanh tôi, còn trên ngọn cây bên kia phố, một con chim nhỏ nào đấy đang hót.
Một người cảnh sát tiến lại gần tôi.
- Anh ngồi ở đây làm gì? - Ông ta hỏi.
- Tôi ngồi làm gì ư? - Tôi hỏi lại. - Chỉ ngồi thế thôi, ngồi cho thích.
- Tôi đã theo dõi anh suốt nửa giờ liền. - Ông ta nói. - Có đúng là anh đã ngồi đây nửa giờ không?
- Khoảng chừng ấy, - tôi đáp. - Thì sao ạ?
Tôi đứng dậy rồi bỏ đi.
Đến quảng trường, tôi dừng lại nhìn hai bên phố. Ngồi cho thích! Thế mà cũng gọi là trả lời! Đáng lẽ phải nói cách nào đó cho thật cảm động, thí dụ tôi ngồi đây vì mệt quá. Ngốc, mày đúng là một thằng ngốc, chẳng bao giờ học được cách giả vờ! Vì tôi quá mệt! Và thở cũng phải thở hổn hển vào, như con ngựa kiệt sức ấy!
Tới trạm cứu hỏa, tôi lại dừng lại vì một ý nghĩ điên rồ lại xuất hiện trong đầu tôi. Tôi bật ngón tay cười to, làm những người đi ngang rất ngạc nhiên. Tôi nói:
- Không, mày phải đến gặp ngay mục sư Lêvinxơn. Đến ngay lập tức! Cứ thử đi, chẳng còn gì mà sợ mất. Vả lại, thời tiết đang rất đẹp.
Tôi rẽ vào hiệu sách Pasa, hỏi mượn cuốn danh bạ địa chỉ để xem mục sư Lêvinxơn sống ở đâu, rồi đi thẳng đến nhà ông ta.
- Nào, bây giờ thì mày phải dũng cảm lên mới được, - tôi nói. - Đùa thế đủ rồi! Mày nói sao, lương tâm à? Nhảm nhí, nghèo như mày thì nói đến lương tâm làm gì? Mày đang đói, mày có một việc quan trọng, mày chỉ yêu cầu cái tối cần thiết. Mày phải cúi đầu thật thấp và nói bằng giọng thật tha thiết. Không muốn à? Thế thì ta chẳng còn là bạn của mày nữa, nhớ lấy. Hãy nghe đây: Mày đã bị giày vò đau khổ bởi lo lắng, mày phải đêm đêm vật lộn với các quyền lực của bóng tối, với những con quái vật khổng lồ lặng lẽ, mày đang chết đói, đang thèm rượu và sữa, thế mà mày chẳng có gì cả. Công việc của mày tồi tệ lắm. Đấy, mày đang đứng dậy với hai bàn tay trắng. Nhưng cũng may là mày còn tin vào lòng từ thiện, mày sẽ phải khoanh tay nhẫn nhục và trở nên ranh ma hơn cả quỷ Sa-tăng. Không thích thú gì đâu, nhưng mày sẽ nhận được một cuốn sách Kinh và hai curon gọi là để kỉ niệm...
Tôi dừng lại trước cửa nhà mục sư và đọc: "Tiếp khách từ mười hai giờ đến bốn giờ chiều".
- Nào, bây giờ thì dẹp mọi trò ngốc nghếch sang một bên, - tôi nói. - Đây không phải chuyện đùa. Nào, cúi đầu xuống, thấp nữa...
Tôi rung chuông.
- Tôi có thể gặp mục sư được không ạ? - Tôi nói với cô hầu gái; nhưng không thể nói thêm câu: "nhân danh Chúa".
- Mục sư đi vắng, - cô gái trả lời.
Đi vắng. Đi vắng. Thế là toàn bộ kế hoạch của tôi sụp đổ! Tất cả những lời nói tôi chuẩn bị sẵn đều vô ích! Vậy thì cần quái gì tôi phải đi xa thế này? Tôi không còn đủ sức bước thêm một bước nào nữa.
- Ông có việc quan trọng lắm à? - Cô hầu
gái hỏi.
- Ồ không, - tôi đáp. - Chuyện vặt vãnh thôi mà! Chỉ đơn giản là hôm nay trời rất đẹp, tôi quyết định đi dạo một chốc và ghé vào đây thăm mục sư để tỏ lòng tôn kính đối với ông.
Tôi vẫn đứng yên, cô kia cũng vậy. Tôi cố tình ưỡn ngực để cô ta chú ý tới chiếc kim băng sáng loáng đang cài áo khoác của tôi thay cúc áo. Tôi nhìn cô ta với vẻ van xin để cô ta hiểu được lí do thật sự đưa tôi đến đây là gì, nhưng cô gái tội nghiệp ấy đã không hiểu gì cả.
- Vâng, hôm nay là một ngày đẹp trời. Thế bà mục sư có ở nhà không ạ?
- Có, nhưng bà bị bệnh thấp khớp, phải nằm một chỗ, không dậy nổi... Hay ông để lại mảnh giấy chăng?
- Ồ không! Chỉ đơn giản là thỉnh thoảng tôi thích đi dạo, thích được hít thở không khí trong lành. Mà hôm nay thời tiết lại quá đẹp.
Nói rồi tôi bỏ đi. Tán dóc thêm làm gì? Vả lại đầu tôi đã bắt đầu quay cuồng. Không phải chuyện đùa, tôi có thể ngã gục. Tiếp khách từ mười hai giờ đến bốn giờ! Tôi đến chậm những một tiếng đồng hồ. Giờ ban phát lòng từ thiện đã hết!
Tới quảng trường, tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá cạnh nhà thờ. Trời ơi, sao tương lai đời tôi u tối thế này? Tôi không khóc. Tôi không đủ sức làm điều ấy. Mệt mỏi đến cùng cực, tôi ngồi yên bất động, ngồi để cái đói thả sức giày vò tôi. Từ bên trong, cả người tôi đang bốc lửa, đặc biệt là ngực. Tôi lại nhá mẩu vỏ bào, nhưng bây giờ nó không còn làm dịu cơn đói như trước. Đôi hàm của tôi đã quá mỏi do nhai một cách vô ích, vì vậy bây giờ tôi không bắt chúng làm việc nữa. Tôi đầu hàng. Thêm vào đó, miếng vỏ cam héo khô mà tôi nhặt được từ mặt đường đưa lên miệng nhai đang làm tôi muốn nôn. Tôi đang ốm, hai tay nổi những đường gân xanh.
Mà thử hỏi tôi chờ cái gì nhỉ? Suốt ngày tôi tìm mọi cách có được một đồng curon, cái có thể giúp kéo dài sự sống trong tôi thêm mấy ngày nữa. Suy cho cùng có khác gì nhau khi phải chết sớm hoặc muộn hơn một ngày? ở địa vị tôi, người tử tế chắc từ lâu đã về nhà nằm chờ chết, thế có hơn không? Các ý nghĩ của tôi bỗng trở nên sáng sủa hơn. Bây giờ tôi phải chết! Lúc này là mùa thu, cả thế giới đang chìm trong giấc ngủ uể oải. Tôi đã thử hết mọi phương tiện, tìm hết cách để cố sống, nhưng vô ích. Giờ tôi mang ý nghĩ về cái chết trong lòng, và mỗi lần có tia hi vọng may mắn nào đó, tôi vội dẹp đi, buồn bã tự bảo mình: "Đồ ngốc, mày là người đang chết". Chỉ cần viết một vài bức thư để lại, thu dọn mọi thứ rồi chuẩn bị đón cái chết. Cũng cần tắm rửa sạch sẽ và xếp lại chăn giường. Tôi sẽ lót dưới đầu hai tờ giấy chưa viết, hai tờ sạch nhất mà tôi có. Còn chiếc chăn xanh thì có thể...
Chiếc chăn xanh! Tôi bỗng giật mình, máu dồn lên đầu, tim đập mạnh. Tôi đứng dậy, vội vàng đi tiếp. Sự sống trỗi dậy trong tôi, chốc chốc tôi lại nhắc: "Chiếc chăn xanh! Chiếc chăn xanh!". Tôi đi mỗi lúc một nhanh như sợ ai đó đuổi theo, và một chốc sau đã ở nhà mình, tức là phòng làm việc của người thợ gò thùng.
Không một phút chậm trễ, không một chút do dự, tôi lại giường, cuộn chiếc chăn của Hanx Pauli lại. Một ý nghĩ tuyệt vời làm sao! Bây giờ thì tôi sẽ được cứu thoát. Tôi đã vượt qua được tính xấu hổ rụt rè của mình, tôi đã quyết định bất chấp tất cả. Nào tôi có là thần thánh gì đâu, cũng chẳng phải là một thằng ngốc nào đó. Tôi đang là người tỉnh táo...
Kẹp chiếc chăn dưới nách, tôi hăm hở đi đến phố Stenexgaten, nhà số năm.
Tôi gõ cửa rồi bước vào một gian phòng rộng, xa lạ. Chiếc chuông cửa treo ngay trên đầu tôi kêu rất to và dồn dập. Từ phòng bên, một người nào đó miệng đang ngậm đầy thức ăn bước ra đứng sau quầy.
- Xin ông cho tôi nửa curon để lấy chiếc kính này! - Tôi nói. - Mấy ngày nữa thế nào tôi cũng chuộc lại nó.
- Sao? Nhưng gọng kính của ông chỉ là kim loại bình thường, phải không?
- Vâng.
- Thế thì tôi không nhận nó đâu.
- Tất nhiên. Tôi nói đùa đó thôi. Còn chiếc chăn này thì quả thật tôi không cần tới nữa, tôi muốn thoát khỏi nó.
- Rất tiếc là tôi đang có cả một kho chăn cũ, - người chủ hiệu cầm đồ đáp, và khi tôi giở chăn ra, ông ta chỉ liếc qua và nói: - Xin lỗi, tôi không cần.
- Tôi cố tình cho ông xem mặt sau của nó đấy. Mặt trước trông còn mới lắm.
- Dù sao tôi cũng không thể nhận nó được, vì rõ ràng là không ai muốn bỏ ra mười ere để mua nó.
- Đúng vậy, nó chẳng đáng giá chút nào, - tôi đồng ý với ông ta. - Nhưng tôi nghĩ cùng một chiếc chăn cũ khác, cũng có thể bán nó được.
- Không, không, vô ích thôi.
- Hay có thể ông cho tôi hai mươi lăm ere cũng được? - Tôi hỏi.
- Không, quả thật tôi không thể nhận nó, ông bạn thân mến ạ. Tôi chẳng cần nó làm gì cả.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói