Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 47
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
hông được trả lời, tôi buộc phải rút lui. Suốt cả buổi nói chuyện, người - cầm - kéo không hề nhìn tôi lần nào. Hắn đã nhận ra tôi qua giọng nói. "ở đây mày đã bị khinh ghét thế đấy, - tôi tự bảo mình, - đến mức mày hỏi, người ta không thèm trả lời". Lẽ nào ông chủ bút ra lệnh cho hắn đối xử với mình như vậy? Thật ra mà nói, sau cái bài báo nổi tiếng mang lại cho tôi mười curon ấy, tôi đã đổ lên đầu ông ta hàng đống các bài khác. Tôi tới đây gần như hàng ngày, mang theo những trang viết nhảm nhí mà ông ta buộc phải đọc và trả lại cho tôi. Có lẽ ông ta muốn kết thúc chuyện này, và đã ra lệnh cho hắn... Tôi đi tới trung tâm thành phố.
Hanx Pauli là một sinh viên từ vùng nông thôn tới, ở tầng mái của một ngôi nhà năm tầng, có nghĩa Hanx Pauli là một người rất nghèo. Nhưng nếu có một đồng curon, anh chàng sẽ chẳng ngần ngại gì mà không cho tôi. Tôi có thể tin chắc rằng nó đã nằm trong tay tôi. Vừa đi tới chỗ anh ta, tôi vừa mừng thầm vì đồng curon ấy. Cửa vào ngôi nhà đóng kín, tôi buộc phải rung chuông.
- Tôi muốn gặp sinh viên Peterxơn, - tôi nói rồi định bước vào. - Tôi biết anh ấy ở đâu.
- Sinh viên Peterxơn à? - Người hầu gái hỏi. - Có phải sống ở tầng mái không? Anh ấy dọn đi chỗ khác rồi.
Đi đâu thì cô hầu không biết; nhưng trước khi đi, có nhờ chuyển thư đến cho ông Hermanxen ở Tunbutgaten, nhà số...
Vẫn còn hi vọng, tôi lại đến Tunbutgaten tìm địa chỉ của Hanx Pauli. Chẳng biết trông chờ vào đâu nữa, đành phải bám lấy những gì có thể bám được. Tôi đi ngang qua một công trường xây dựng, nơi một tốp thợ mộc đang bào các tấm gỗ. Trong đống vỏ bào, tôi chọn hai miếng sạch nhất, cho vào miệng một miếng, còn miếng kia đút túi dự trữ, rồi đi tiếp. Tôi phải rên lên vì đói. Trong cửa kính một hiệu bánh, tôi nhìn thấy một chiếc bánh mì khổng lồ, giá những mười ere, nghĩa là chiếc bánh to nhất có thể mua được với số tiền ấy...
- Tôi muốn biết địa chỉ anh sinh viên Peterxơn.
- Phố Bert Anker, nhà số mười, tầng sát mái... Ông tới chỗ ấy à? Nếu vậy có thể nhờ ông chuyển hộ cho mấy bức thư này được không?
Thế là tôi lại quay vào trung tâm thành phố, bằng chính con đường mà tôi đã tới đây, lại đi ngang tốp thợ mộc lúc này đang ăn bữa ăn trưa nóng, ngon lành; ngang qua hiệu bánh vẫn với chiếc bánh mì vĩ đại ấy.
Cuối cùng, khi đến được phố Bert Anker, tôi mệt quá, suýt gục xuống. Cửa vào nhà không đóng, tôi đi lên theo một chiếc cầu thang dài và thẳng đứng cho đến tận mái nhà. Tôi rút các bức thư khỏi túi, cầm tay, định bước vào và sẽ làm Pauli ngạc nhiên sung sướng. Tất nhiên, anh chàng sẽ không từ chối giúp đỡ tôi, khi tôi trình bày hết hoàn cảnh của mình, tất nhiên không, Pauli là người tốt bụng, tôi biết thế, và bao giờ cũng...
Trên cửa phòng Pauli có mảnh giấy ghi hàng chữ: "H.P. Peterxơn, sinh viên khoa thần học đã về quê thăm nhà".
Tôi ngồi phịch xuống, ngồi ngay trên nền sàn trần trụi, không đủ sức làm một cử động nhỏ vì yếu mệt và thất vọng. Như cái máy, tôi nhắc đi nhắc lại mấy lần: "Về quê thăm nhà! Về quê thăm nhà!". Sau đó tôi im lặng. Hai mắt tôi khô khốc, trong đầu không một ý nghĩ, một tình cảm nào. Tôi thờ thẫn nhìn những bức thư và ngồi yên bất động.
Mười phút trôi qua, cũng có thể nhiều hơn, hai mươi hoặc ba mươi phút, nhưng tôi vẫn tiếp tục ngồi yên, không một cử động nhỏ. Trạng thái đờ đẫn ấy giống một cơn mơ ngủ. Bỗng tôi nghe có tiếng bước chân trên cầu thang.
- Anh sinh viên Peterxơn trước sống ở đây, tôi mang thư đến cho anh ấy, - tôi nói.
- Anh ấy đi rồi, - người đàn bà đáp. - Nhưng sau hè sẽ quay lại. Còn thư thì nếu muốn, ông có thể gửi lại tôi.
- Cảm ơn, bà thật tốt bụng, - tôi nói. - Khi quay lại, anh ấy sẽ nhận chúng từ tay bà. Những bức thư này chắc quan trọng lắm. Chào bà.
Bước ra khỏi phố, tôi dừng lại chính giữa phố, rồi bóp chặt nắm đấm nói to:
- Được, thưa Đức Chúa từ tâm, tôi sẽ cho Ngài biết tay! Bây giờ thì tôi rõ Ngài là người thế nào! - Và rồi trong cơn giận dữ tột độ, tôi nghiến răng, giơ tay lên trời dọa: - Quỷ tha ma bắt tôi đi, nếu tôi không làm được điều đã nói!
Đi thêm mấy bước, tôi lại dừng lại. Bỗng nhiên, thay đổi giọng, tôi nhẫn nhục khoanh hai tay trước ngực rồi khẽ hỏi bằng giọng hết sức dịu dàng, thành kính:
- Thế con đã cầu xin Ngài chưa, con trai
của ta?
Nhưng câu này vang lên thật giả dối.
- Chữ Ngài viết hoa đấy, - tôi nói tiếp. - N viết to, to như chiếc tháp chuông vậy. Con đã cầu xin Ngài chưa, con trai của ta? - Rồi cúi đầu, tôi buồn bã đáp: - Chưa!
Cả câu này nghe cũng không thật.
Mày không biết giả vờ, đồ ngốc ạ! Đáng lẽ mày phải nói: "Vâng, con đã cầu xin Đức Chúa của con!". Và phải nói câu này sao cho thật não lòng càng tốt. Nào, thử làm lại lần nữa nào! Đấy, bây giờ tốt hơn rồi đấy. Nhưng khi nói, mày đừng quên thở dài, thở dài thật to vào, như con ngựa kiệt sức vậy. Thế, thế được đấy!
Tôi vừa đi vừa tự dạy mình cách giả vờ, và khi điều này làm tôi chán, tôi giận dữ giậm mạnh chân xuống đất, mắng mình là thằng ngốc, làm ai đi ngang cũng ngạc nhiên, lấm lét nhìn tôi.
Trong suốt thời gian ấy, tôi vẫn nhai miếng vỏ bào và đi liên tục không dừng lại lần nào. Thậm chí tôi không nhận thấy tôi đã ở sân ga từ bao giờ. Kim đồng hồ trên đỉnh tháp Đấng cứu thế chỉ một giờ rưỡi. Tôi dừng lại lưỡng lự trong chốc lát. Trán tôi nhễ nhại mồ hôi, chảy xuống cả mắt.
- Có nên đi ra bến tàu không? - Tôi tự hỏi mình. - Tất nhiên là nên, nếu có thời gian.
Tôi cúi đầu tự chào mình rồi đi ra cảng.
Tàu vẫn đậu trong cảng, biển gợn sóng lấp lánh dưới ánh mặt trời. ở đây không khí nhộn nhịp, còi tàu vang to, phu khuân vác luôn đi lại khắp nơi, lưng cõng những chiếc hòm bằng gỗ, còn từ những chiếc phà có tiếng hát vui vẻ bay lại. Cách tôi không xa, có một người đàn bà bán bánh rán, bà ta gí chiếc mũi đen nhẻm của mình sát những chiếc bánh. Chiếc bàn nhỏ trước mặt bà ta chất đầy thứ bánh ngon lành, nhưng tôi quay mặt đi với vẻ khinh bỉ. Cái mùi bánh bẩn thỉu ấy đang bay khắp bến cảng! Phải có gió mạnh xua đi mới được! Tôi quay sang một người ngồi cạnh, tìm cách chứng minh rằng không thể để ai muốn bán bánh rán ở đâu thì bán... Ông không nghĩ thế à? Được, nhưng chắc ông sẽ đồng ý với tôi rằng... Nhưng ông kia hình như đã nhận thấy có điều gì không bình thường nên không để tôi nói hết, vội đứng dậy bỏ đi. Tôi đứng dậy đi theo, quyết làm cho ông ta thấy rằng ông ta không đồng ý với tôi là sai.
- Về phương diện vệ sinh mà nói, điều này không thể chấp nhận được, - tôi vừa nói vừa vỗ vai ông ta.
- Xin lỗi, tôi là khách xa mới tới, tôi không hiểu gì về vệ sinh cả, - ông ta nói, trợn tròn mắt vì hoảng sợ.
- A, nếu ông là khách từ xa mới đến thì lại là chuyện khác... Tôi có thể giúp được gì cho ông không? Dẫn ông đi xem thành phố nhé? Không à? Tôi sẵn sàng giúp ông điều ấy mà không cần được đền bù gì cả...
Nhưng rõ ràng là ông ta muốn nhanh chóng thoát khỏi tôi, nên vội vàng bước sang bên kia phố.
Tôi quay lại chiếc ghế, ngồi xuống. Tôi hoàn toàn thất vọng. Tiếng đàn phong cầm quay tay của ai đó đang vang đến từ xa càng làm tôi khó chịu thêm. Nấc lên từng tiếng, nó chơi một điệu nhạc của Vebe(1), và với điệu nhạc ấy làm nền, một cô bé đang hát một bài hát thật buồn... Tiếng nấc não lòng của chiếc đàn thấm qua người tôi, các dây thần kinh của tôi rung lên như hòa cùng tiếng nhạc, và rồi tôi ngả người xuống ghế, khe khẽ hát theo bài hát buồn bã ấy.
Chao, một người đói như tôi thật chẳng có tình cảm nào mà không trải qua! Các âm thanh ấy xâm chiếm tôi, tôi hòa tan vào chúng, chảy thành dòng như suối. Tôi hình dung rất rõ thấy mình là một dòng nước chảy ngược lên cao, cao quá cả những ngọn núi cao nhất, thành một điệu vũ giữa khoảng không bao la xanh biếc...
- Xin ông cho con một xu! - Con bé vừa hát kia chìa chiếc đĩa sắt xin tôi. - Chỉ một xu thôi ạ.
- Được, có ngay! - Tôi mơ màng đáp rồi đứng bật dậy, đưa tay sờ các túi.
Nhưng cô bé kia lại nghĩ là tôi định giễu nó, liền bỏ đi, không nói thêm một lời nào nữa. Tôi không thể chịu nổi sự rút lui lặng lẽ và nhẫn nhục ấy. Nếu bị nó mắng, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Tôi đau đớn gọi theo nó.
- Hiện giờ chú không có một đồng xu nào cả, nhưng chú không quên cháu đâu, chẳng bao lâu nữa, có thể ngày mai, chú sẽ có tiền. Tên cháu là gì? Một cái tên rất đẹp, chú sẽ nhớ. Thôi, ngày mai nhé...
Nhưng tôi thừa hiểu rằng nó không tin tôi, mặc dù nó đứng im không nói gì. Rồi tôi òa lên khóc, khóc vì cả một đứa bé ăn mày ngoài phố cũng không tin tôi. Tôi gọi nó lần nữa, nhanh chóng cởi cúc áo ngoài, định cho nó chiếc áo gilê của tôi.
- Chờ chú một phút, - tôi nói. - Cháu cầm lấy chiếc áo gilê này làm tin...
Nhưng thật tiếc, từ lâu tôi chẳng còn chiếc áo ấy nữa.
Tại sao tôi lại nghĩ tới chiếc áo chết tiệt ấy nhỉ? Đã hơn tuần nay tôi có được mặc nó trên người đâu. Chuyện gì đang xảy ra với tôi? Cô bé kia vì hoảng sợ đã lùi xa. Tôi không thể giữ nó thêm được nữa. Mọi người kéo đến khá đông, cười nói rất to. Một nhân viên cảnh sát rẽ đám đông đi tới, hỏi chuyện gì đã xảy ra.
- Chẳng có chuyện gì cả, - tôi đáp. - Hoàn toàn không! Chỉ đơn giản là tôi muốn đem chiếc áo gilê của tôi cho đứa bé, hay đúng hơn là cho bố nó... Chẳng có gì đáng để các ông cười. ở nhà tôi còn một chiếc nữa.
- Không được gây lộn xộn ngoài phố! - Người cảnh sát nói. - Bước khỏi đây ngay! - Và rồi anh ta ẩy tôi đi, nhưng một phút sau lại gọi theo: - Khoan, đây có phải là giấy tờ của anh không?
- Vâng! Quỷ tha ma bắt tôi đi! Đó là một bài báo rất quan trọng của tôi. Làm sao tôi lơ đãng thế nhỉ?
Tôi nhặt tập giấy lên, kiểm tra xem có mất tờ nào không, rồi ngay lập tức đi tới tòa soạn, thậm chí không ngoái đầu nhìn lại lần nào... Đồng hồ trên tháp Đấng cứu thế chỉ bốn giờ.
Cửa tòa soạn đóng chặt. Tôi đi xuống theo cầu thang, run lên như một tên trộm thực sự rồi rụt rè đứng trước cổng ra vào. Biết làm gì bây giờ? Tôi tựa lưng vào tường, đưa mắt nhìn xuống chân, xuống những viên đá và suy nghĩ. Ngay sát chân tôi là một chiếc kim băng lấp lánh, tôi cúi xuống nhặt nó lên. Hay mình thử cắt hàng cúc trên áo khoác đem vào hiệu cầm đồ? Liệu người ta mua bao nhiêu? Không, vô ích thôi. Suy cho cùng, cúc vẫn là cúc. Tuy vậy, nhìn kĩ, tôi thấy chúng hầu như còn mới. ít ra thì đó cũng là một ý nghĩ tốt. Tôi sẽ cắt chúng khỏi áo và mang tới hiệu cầm đồ. Hi vọng sẽ kiếm được ít tiền nhờ năm chiếc cúc kia làm tôi vui hẳn lên, tôi tự bảo mình: "Thấy không, rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy cả". Liền sau đó, tôi hăng hái lấy dao cắt chúng ra, từng chiếc một. Vừa làm điều ấy, tôi vừa nói không thành tiếng:
"Vâng, xin lỗi, quả là tôi đang gặp khó khăn, tạm thời thôi... Ông nói sao, cúc quá sờn à? ồ không! Xin ông tin rằng trên đời này không ai giữ cúc cẩn thận hơn tôi đâu! Báo ông biết chiếc áo khoác của tôi bao giờ cũng để hở không cài cúc, ấy là cái tính của tôi như thế, tôi quen thế... Còn nếu ông không muốn thì thôi... chẳng sao cả... Tôi chỉ cần đổi chúng lấy mười xu thôi... Không, lạy Chúa, có ai nói về ông đâu? Buông tôi ra, ôi, làm ơn buông tôi ra... Thôi được, ông cứ đi gọi cảnh sát đi! Tôi sẽ đứng đây chờ ông gọi cảnh sát tới. Tôi không ăn trộm cái gì của ông cả... Tốt, tốt lắm, chào ông, chào ông! À, tên tôi là Tangen, tôi ngồi quá lâu ở quán cà phê..."
Đói Đói - Knut Hamsun Đói