Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Tác giả: Nicholas Sparks
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: A Walk to Remember
Dịch giả: Thái Hà
Biên tập: Yen
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9281 / 337
Cập nhật: 2015-09-12 18:39:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
àng bị bệnh máu trắng; nàng đã biết từ mùa hè vừa rồi.
Giây phút nàng nói với tôi, mặt tôi trắng bệch và vô số những hình ảnh choáng váng chấp chới lướt qua tâm trí tôi. Như thể trong khoảng khắc ngắn ngủi ấy, thời gian đột nhiên dừng lại và tôi hiểu toàn bộ những chuyện đã xảy ra giữa chúng tôi. Tôi hiểu vì sao nàng muốn tôi tham gia vở kịch; hiểu vì sao sau đêm công diễn Hegbert vừa khóc vừa thì thầm với nàng, gọi nàng là thiên thần của ông; tôi hiểu vì sao suốt thời gian qua trông ông mệt mỏi đến vậy và vì sao ông lại khó chịu khi tôi liên tục tới nhà. Tất cả trở nên hoàn toàn rõ ràng.
Vì sao nàng muốn Giáng sinh ở trại trẻ mồ côi đặc biệt đến thế…
Vì sao nàng nghĩ sẽ không học đại học…
Vì sào nàng tặng tôi cuốn Kinh thánh của mình…
Tất cả đều hợp lý đến hoàn hảo, nhưng đồng thời cũng chẳng điều gì có vẻ hợp lý hết.
Jamie Sullivan mắc bệnh máu trắng…
Jamie, Jamie ngọt ngào, đang chết dần...
Jamie của tôi...
“Không, không,” tôi thì thầm với náng, “chắc là có nhầm lẫn...” Nhưng không có nhầm lẫn gì cả, và khi nàng nhắc lại câu đó, thế giới của tôi trở nên trống rỗng. Đầu tôi bắt đầu quay cuồng, và tôi níu chặt lấy nàng để đứng vững. Trên phố, tôi nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà đang dạo bước về phía chúng tôi, đầu nghiêng nghiêng và tay giữ cho mũ khỏi bị gió thổi bay. Một con chó lon ton chạy qua đường và dừng lại chỗ đám bụi rậm để đáng hơi. Người hàng xóm bên kia đường đang đứng trên thang gỡ những bóng đèn Giáng sinh xuống. Khung cảnh bình thường của cuộc sống hằng ngày, những thứ trước kia tôi chẳng bao giờ để ý, đột nhiên khiến tôi thấy tức giận. Tôi nhắm mắt, những mong toàn bộ chuyện này biến mất.
“Landon, mình xin lỗi,” nàng cứ nói đi nói lại. Tuy nhiên, tôi mới chính là người nên nói câu đó. Giờ thì tôi biết rồi, nhưng nỗi bối rối khiến tôi không nói nổi nên lời.
Sâu thẳm trong lòng, tôi biết chuyện này sẽ không biến mất. Tôi lại ôm nàng, không biết phải làm gì khác, nước mắt tràn mi, tôi đang cố gắng để rồi thất bại trong việc trở thành điểm tựa mà tôi nghĩ nàng cần.
Chúng tôi cùng nhau khóc trên phố một lúc lâu, cách nhà nàng chỉ một đoạn ngắn. Chúng tôi khóc thêm một lúc thì Hegbert mở cửa và nhìn thấy hai đứa, ngay lập tức biết rằng bí mật đã được tiết lộ. Chúng tôi khóc lúc tôi kể với mẹ vào buổi chiều hôm đó, mẹ ôm cả hai đứa vào lòng và thổn thức tô đến nỗi cả chị giúp việc và chị bếp đều muốn gọi bác sĩ vì nghĩ có chuyện xảy ra với bố tôi. Vào ngày Chủ nhật, Hegbert thông báo với giáo đoàn, gương mặt ông phủ tấm màn của nỗi thống khổ và sự sợ hãi, và người ta phải giúp ông quay trở lại chỗ ngồi thậm chí trước cả khi ông nói xong.
Tất cả mọi người trong giáo đoàn im lặng nhìn chằm chằm, không tin nổi những gì vừa nghe thấy, như thể họ đang chờ lời cuối cùng cho câu chuyện đùa khủng khiếp mà không ai tin là đã được kể. Và rồi đồng loạt, tiếng khóc than nổi lên.
Ngày nàng nói với tôi, chúng tôi ngồi cùng Hegbert và Jamie kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của tôi. Nàng nói không biết còn sống được bao lâu nữa. Không, các bác sĩ chẳng thể làm được gì. Họ nói, đây là dạng hiếm của căn bệnh này, trường hợp không phản ứng với phương pháp điều trị hiện có. Đúng hồi đầu năm học nàng cảm thấy khỏe. Mãi đến vài tuần trước nàng mới bắt đầu cảm thấy những tác động của căn bệnh.
“Đó chính là cách bệnh tiến triển,” nàng nói. “Cậu cảm thấy khỏe, và rồi, khi cơ thể cậu không thể tiếp tục chiến đấu, cậu không thấy khỏe nữa.” Giấu đi những giọt nước mắt, tôi không thể không nghĩ đến vở kịch.
“Nhưng tất cả những buổi tập... những ngày dài đó... có lẽ cậu không nên...”
“Có lẽ,” nàng nói, tìm tay tôi và cắt lời tôi. “Chính việc tập kịch đã giữ cho mình khỏe lâu đến vậy.”
Sau đó, nàng bảo rằng đã bảy tháng trôi qua từ khi nàng được chẩn đoán có bệnh. Các bác sĩ nói nàng còn một năm, có thể còn ít hơn.
Ngày nay chuyện đã có thể khác đi. Ngày nay người ta hẳn đã chữa trị cho nàng. Ngày nay Jamie hẳn có thể sống. Nhưng chuyện này xảy ra cách đây bốn chục năm, và tôi biết bị máu trắng có nghĩa là gì.
Chỉ một điều kỳ diệu mới cứu được nàng.
“Sao cậu không nói với mình?”
Tôi đã không hỏi nàng câu ấy, câu hỏi tôi hằng trăn trở. Đêm đó tôi không ngủ được, và hôm sau mắt vẫn còn sưng húp. Suốt đêm dài, tôi đi từ trạng thái sốc đến phủ nhận thực tại, rồi buồn bã, rồi tức giận, rồi lại sốc, chỉ ước sao đây không phải sự thật, chỉ cầu sao toàn bộ chuyện này là một cơn ác mộng khủng khiếp.
Ngày hôm sau, ngày mà Hegbert tuyên bố với giáo đoàn, chúng tôi đang ở trong phòng khách nhà nàng. Đó là ngày 10 tháng Một năm 1959.
Jamie không hề chán nản như tôi tưởng. Nhưng cũng phải thôi, nàng đã sống với thực tế này bảy tháng rồi. Nàng và Hegbert là những người duy nhất biết, và họ không tin tưởng bất kỳ ai, kể cả tôi. Tôi cảm thấy đau lòng, đồng thời cũng sợ hãi điều đó.
“Mình đã quyết định,” nàng giải thích với tôi, “sẽ tốt hơn nếu mình không nói với ai hết, và mình yêu cầu bố làm như vậy. Cậu thấy mọi người như thế nào sau buổi lễ hôm nay rồi đấy.
Thậm chí rồi sẽ không có ai nhìn vào mắt mình nữa. Nếu cậu chỉ còn một vài tháng để sống thôi thì đó có phải là điều cậu muốn không?”
Tôi biết nàng đúng, nhưng như thế cũng chẳng làm mọi chuyện dễ dàng hơn. Lần đầu tiên trong đời mình, tôi hoàn toàn mất phương hướng.
Trước đó chưa có ai gần gũi với tôi qua đời, ít nhất không phải ai mà tôi còn nhớ. Bà tôi mất khi tôi mới ba tuổi, và tôi không còn nhớ một chút gì về bà hay tang lễ thậm chí những năm tháng sau khi bà mất. Tất nhiên, tôi có bố và ông nội kể lại, nhưng với tôi đó chỉ là những câu chuyện. Cũng giống như nghe những mẩu chuyện có thể đọc trên báo về một người phụ nữ nào đó tôi chưa bao giờ thực sự biết. Mặc dù bố đưa tôi đi cùng khi ông đặt hoa trên mộ bà, tôi chưa bao giờ có bất kỳ liên hệ tình cảm nào với bà. Tôi chỉ có tình cảm với những con người mà bà đã rời bỏ.
Không ai trong nhà tôi hoặc bọn bạn tôi từng phải đối mặt với chuyện gì giống như thế này.
Jamie mười bảy tuổi, tuổi thiếu nữ sắp trở thành phụ nữ, đang chết dần, nhưng đồng thời cũng lại đầy sức sống. Tôi sợ, sợ hãi hơn bao giờ hết, không chỉ cho nàng mà còn cả cho bản thân tôi nữa.
Tôi sống trong sợ hãi mình sẽ làm gì đó sai, làm gì đó khiến nàng tổn thương. Có được tức giận khi có mặt nàng không? Có được nói chuyện về tương lai nữa hay không? Nỗi sợ hãi khiến cho việc nói chuyện với nàng trở nên khó khăn hơn, mặc dù nàng thật nhẫn nại với tôi.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi còn khiến tôi nhận ra một điều khác, một điều khiến toàn bộ chuyện này còn tồi tệ hơn. Tôi nhận ra thậm chí tôi đã không biết Jamie khi nàng mạnh khỏe. Tôi chỉ mới bắt đầu ở bên nàng vài tháng trước, và tôi chỉ mới yêu nàng mười tám ngày. Mười tám ngày đó dường như là toàn bộ cuộc đời tôi, nhưng giờ đây, khi nhìn nàng, tôi chỉ có thể tự hỏi sẽ còn thêm bao nhiêu ngày nữa.
Vào thứ Hai, nàng không đến trường, và không hiểu sao tôi biết chắc nàng sẽ không bao giờ rảo bước ở hành lang nữa. Tôi sẽ không thấy nàng đọc Kinh thánh một mình trong giờ ăn trưa, sẽ không thấy chiếc áo lên nâu của nàng đi xuyên qua đám đông khi tìm đường tới lớp học kế tiếp. Nàng sẽ thôi học vĩnh viễn; nàng sẽ chẳng bao giờ nhận bằng tốt nghiệp.
Tôi không thể tập trung vào bất cứ điều gì khi ngồi trong lớp vào cái ngày đầu tiên quay lại trường ấy, nghe hết giáo viên này tới giáo viên khác nói với chúng tôi cái tin phần lớn chúng tôi đã nghe rồi. Phản ứng cũng tương tự như trong nhà thờ hôm Chủ nhật. Bọn con gái khóc, bọn con trai cúi đầu, mọi người kể những câu chuyện về nàng như thể nàng đã chết rồi. Chúng ta có thể làm gì đây? Bọn họ lên tiếng tự hỏi, và mọi người nhìn tôi tìm câu trả lời.
“Mình không biết,” là tất cả những gì tôi có thể nói.
Tôi rời trường sớm để tới nhà Jamie, bùng tất cả các tiết sau giờ ăn trưa. Khi tôi gõ cửa, Jamie mở cửa theo cách nàng vẫn luôn làm, vui vẻ như không hề vướng bận gì trên đời.
“Chào Landon,” nàng nói, “bất ngờ quá.”
Lúc nàng dựa vào để hôn tôi, tôi hôn lại nàng, mặc dù toàn bộ chuyện này làm tôi muốn khóc.
“Giờ bố mình không có nhà, nhưng nếu cậu thích thì ngồi ngoài hiên cũng được.”
“Làm sao cậu có thể làm thế hả?” tôi đột ngột hỏi. “Làm sao cậu có thể giả vờ như không có chuyện gì cả?”
“Mình không giả bộ rằng chẳng có chuyện gì hết, Landon. Hãy để mình lấy áo khoác và chúng mình sẽ ngồi bên ngoài nói chuyện được không?”
Nàng mỉm cười với tôi, chờ câu trả lời, và cuối cùng tôi gật đầu, môi mím chặt. Nàng vươn tay ra vỗ nhẹ lên cánh tay tôi.
“Mình quay ra ngay,” nàng nói.
Tôi đi về phía cái ghế và ngồi xuống, Jamie xuất hiện ngay sau đó. Nàng mặc một chiếc áo khoác dày, đeo găng tay và đội mũ để giữ ẩm. Những ngày gió rét nhất mùa đông đã qua, và ban ngày còn xa mới lạnh bằng cuối tuần trước. Dẫu vậy, trời vẫn còn quá lạnh với nàng.
“Hôm nay cậu không tới trường,” tôi nói.
Nàng nhìn xuống và gật đầu. “Mình biết.”
“Cậu sẽ đi học lại chứ?” Mặc dù đã biết câu trả lời, tôi vẫn cần phải nghe trực tiếp từ nàng.
“Không,” nàng nói khẽ, “mình sẽ không đi học nữa.”
“Tại sao? Cậu ốm đến thế rồi sao?” tôi bắt đầu bật khóc, và nàng nắm lấy tay tôi.
“Không. Thực ra hôm nay mình cảm thấy tương đối khỏe. Chỉ là vì mình muốn ở nhà mỗi sáng, trước khi bố phải tới văn phòng. Mình muốn ở bên bố nhiều nhất có thể.” Trước khi mình chết, nàng muốn nói thế nhưng đã không nói ra. Tôi cảm thấy buồn nôn và không thể đáp lại.
“Khi các bác sĩ lần đầu nói với bố con mình,” nàng tiếp tục, “họ bảo mình nên cố gắng sống cuộc sống bình thường càng lâu càng tốt. Họ nói làm thế sẽ giúp mình khỏe mạnh.”
“Chẳng có gì bình thường trong chuyện này hết,” tôi nói một cách cay đắng.
“Mình biết.”
“Cậu không sợ sao?”
Không hiểu sao tôi chờ đợi nàng nói không, nói điều gì đó khôn ngoan như người trưởng thành, hay giải thích với tôi rằng chúng ta không thể hiểu được kế hoạch của Chúa.
Nàng quay đi chỗ khác. “Có,” cuối cùng nàng nói, “lúc nào mình cũng sợ.”
“Thế tại sao cậu lại không cư xử như là cậu sợ?”
“Có chứ. Mình chỉ làm thế khi ở một mình.”
“Bởi cậu không tin mình?”
“Không phải,” nàng nói, “vì mình biết cậu cũng sợ.”
Tôi bắt đầu cầu nguyện cho một điều kỳ diệu.
Mọi người nói những điều kỳ diệu vẫn luôn xảy ra, tôi đã đọc về chúng trên báo. Người ta lấy lại được khả năng sử dụng chân tay sau khi được chẩn đoán rằng sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa, hay bằng cách nào đó sống sót sau một tai nạn khủng khiếp khi mà mọi hy vọng đều đã không còn. Thi thoảng lại có một nhà truyền giáo lang thang dựng lều bên ngoài thị trấn Beaufort, và mọi người tới đó để xem chữa bệnh. Tôi cũng tới vài lần, và dù tôi cho rằng phần lớn các vụ chữa bệnh này chẳng hơn gì một trò lừa đảo – bởi tôi chưa bao giờ nhận ra những người được chữa lành – nhưng thảng hoặc có những điều mà ngay cả tôi cũng không giải thích được. Ông già Sweeney, người làm bánh trong thị trấn, từng tham gia một đơn vị pháo binh chiến đấu phía sau những đường hào quân sự trong Thế chiến thứ nhất, và nhiều tháng nã pháo vào kẻ thù đã khiến ông bị điếc một bên tai. Chẳng có gì giả dối ở đây – ông thực sự không nghe thấy gì hết, vì vậy nhiều lần bọn trẻ con chúng tôi có thể thó một chiếc bánh quế. Nhưng nhà truyền giáo lang thang bắt đầu cầu nguyện như điên và cuối cùng đặt tay lên một bên đầu Sweeney. Sweeney hét toáng lên, làm mọi người suýt nhảy ra khỏi chỗ ngồi. Mặt ông lộ vẻ kinh hoàng, như thể nhà truyền giáo kia vừa chạm vào ông bằng cây cời nung nóng vậy, nhưng rồi ông lắc đầu và nhìn xung quanh, thốt lên, “Tôi lại nghe được rồi.” Chính bản thân ông cũng không tin nổi điều đó. “Chúa,” nhà truyền giáo nói khi Sweeney tìm đường quay trở lại chỗ mình ngồi, “có thể làm bất cứ điều gì. Chúa lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta.” Vì thế đêm đó tôi mở cuốn Kinh thánh Jamie tặng vào dịp Giáng sinh ra và bắt đầu đọc.
Đúng, tôi đã nghe toàn bộ Kinh thánh trong lớp học Chủ nhật hay tại nhà thờ, nhưng thành thật mà nói, tôi chỉ nhớ được những phần hay ho nhất – Chúa gửi bảy bệnh dịch tới để những người Israel có thể rời khỏi Ai Cập, Joah bị một con cá voi nuốt, Jesus đi trên mặt nước và cứu Lazarus thoát chết. Còn có những chuyện hay ho khác nữa. Tôi biết gần như ở mọi chương trong Kinh thánh, Chúa đều làm một việc ngoạn mục, nhưng tôi không biết hết những việc đó. Là tín đồ
Thiên Chúa giáo, chúng tôi vô cùng coi trọng những điều răn trong Kinh Tân ước, vậy mà tôi chẳng biết lấy một điều cơ bản về những cuốn như về Joshua hay Ruth hay Joel. Đêm đầu tiên tôi đọc hết Sách Sáng thế, đêm thứ hai tôi đọc hết Sách Xuất hành. Tiếp theo là Sách Levi, Sách Dân số, rồi Sách Đệ nhị luật. Tốc độ đọc chậm hơn một chút ở những phần nhất định, đặc biệt là đoạn giải thích các điều luật, nhưng tôi không thể bỏ cuốn Kinh thánh xuống. Tôi bắt buộc phải đọc cho hết, vì sao thì chính tôi cũng không thể hiểu rõ.
Một đêm đã muộn, tôi đã rất mệt khi cuối cùng cũng đọc tới Sách Thánh vịnh, nhưng không hiểu sao tôi biết đây là những gì mình đang tìm kiếm. Ai cũng biết chương hai mươi ba của Sách Thánh vịnh, bắt đầu bằng, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì,” nhưng tôi muốn đọc những bài Thánh vịnh khác, bởi vì không có bài nào được cho là quan trọng hơn những bài còn lại. Sau một tiếng đồng hồ, tôi bắt gặp một phần gạch chân mà tôi cho rằng Jamie đánh dấu lại bởi nó hẳn có ý nghĩa nào đó với nàng. Đoạn ấy như sau: Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, con kêu lên Ngài, xin đừng nỡ giả điếc làm ngơ.
Vì nếu Ngài cứ im hơi lặng tiếng,
thì con sẽ giống như kẻ đã xuống mồ.
Khi con hướng về nơi cực thánh
giơ đôi tay cầu cứu van nài,
xin Ngài nghe tiếng con khẩn nguyện.
Nước mắt dâng lên, tôi gập cuốn Kinh thánh lại, không thể đọc hết bài Thánh vịnh.
Không hiểu sao tôi biết nàng gạch dưới những dòng chữ ấy vì tôi.
“Con không biết phải làm gì nữa,” tôi thẫn thờ nói, nhìn chằm chằm vào ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn trong phòng ngủ. Mẹ và tôi đang ngồi trên giường. Gần cuối tháng Một, tháng khó khăn nhất đời tôi, và tôi biết tháng Hai mọi việc chỉ có thể tồi tệ hơn mà thôi.
“Mẹ biết chuyện này thực sự khó khăn với con,” mẹ tôi thì thầm, “nhưng con chẳng thể làm gì hết.”
“Con không có ý nói về việc Jamie bị ốm – con biết con chẳng thể làm gì để thay đổi điều đó. Ý con là về Jamie và con.”
Mẹ tôi nhìn tôi đầy cảm thông. Bà lo lắng cho Jamie, nhưng bà cũng lo cho tôi nữa. Tôi nói tiếp.
“Con cảm thấy khó mà nói chuyện với cô ấy. Cứ nhìn cô ấy là con lại nghĩ đến ngày không thể thấy cô ấy nữa. Thế là con dành tất cả thời gian ở trường nghĩ về cô ấy, ước có thể gặp cô ấy ngay, nhưng khi tới nhà cô ấy, con lại chẳng biết phải nói gì.”
“Mẹ cũng không biết liệu con có thể nói gì để con bé cảm thấy khá hơn hay không.”
“Vậy con nên làm gì?”
Bà nhìn tôi buồn bã và choàng tay qua vai tôi. “Con thực sự yêu con bé, đúng không.” bà nói.
“Bằng cả trái tim.”
Trông bà buồn hơn bao giờ hết. “Vậy trái tim con mách bảo con phải làm gì?”
“Con cũng không biết nữa.”
“Có lẽ,” bà dịu dàng nói, “con đang quá gắng sức nên không nghe được điều trái tim muốn nói.”
Ngày hôm sau, tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên Jamie, mặc dù không khá hơn là bao.
Trước khi tới, tôi tự nhủ sẽ không nói điều gì khiến nàng thất vọng – rằng sẽ cố gắng trò chuyện như đã trò chuyện với nàng trước đây – và mọi việc diễn ra đúng như vậy. Tôi ngồi trên ghế sofa, kể cho nàng nghe về vài đứa bạn và những gì bọn chúng đang làm; tôi cập nhật cho nàng về thành công của đội bóng rổ. Tôi bảo nàng tôi vẫn chưa nghe thấy tin tức gì từ Đại học Bắc Carolina, nhưng vẫn hy vọng sẽ biết kết quả trong một vài tuần tới. Tôi kể với nàng tôi đang chờ lễ tốt nghiệp. Tôi nói như thể tuần sau nàng sẽ quay lại trường vậy, và tôi biết trong suốt khoảng thời gian đó giọng tôi nghe rất bồn chồn. Jamie mỉm cười và gật đầu vào những lúc thích hợp, thỉnh thoảng lại đặt câu hỏi. Nhưng lúc tôi dứt lời, tôi nghĩ cả hai đứa đều biết rằng đây sẽ là lần cuối tôi làm thế này. Không ai trong chúng tôi thấy thoải mái.
Trái tim tôi cho tôi biết chính xác điều đó.
Tôi quay lại với cuốn Kinh thánh với hy vọng nó có thể chỉ dẫn cho mình.
“Cậu thấy thế nào rồi?” mấy hôm sau tôi hỏi.
Lúc này Jamie đã sút cân nhiều hơn. Da nàng đã bắt đầu tái xám, xương bàn tay bắt đầu lộ rõ dưới làn da. Một lần nữa, tôi nhìn thấy những vết bầm tím. Chúng tôi ở trong phòng khách nhà nàng; nàng không chịu nổi cơn lạnh.
Bất chấp tất cả những điều ấy, trông nàng vẫn rất đẹp.
“Mình ổn,” nàng nói, mỉm cười can đảm. “Các bác sĩ cho mình thuốc giảm đau, vậy nên cũng đỡ hơn một chút.”
Ngày nào tôi cũng đến. Thời gian vừa như chậm lại, vừa như nhanh hơn.
“Mình có thể làm gì cho cậu không?”
“Không, cảm ơn cậu, mình ổn mà.”
Tôi nhìn quanh căn phòng, rồi quay lại nhìn nàng.
“Mình đang đọc Kinh thánh,” cuối cùng tôi nói.
“Cậu đọc hả?” Mặt nàng sáng lên, gợi cho tôi nhớ về thiên thần tôi đã nhìn thấy trong vở kịch. Không thể tin nổi chỉ mới sáu tuần trôi qua.
“Mình muốn cậu biết.”
“Mình rất vui vì cậu cho mình biết.”
“Tối qua mình đọc cuốn Sách của Job,” tôi nói, “kể lại chuyện Chúa đối xử khắc nghiệt với Job để thứ đức tin của ông.”
Nàng mỉm cười và với tới vỗ nhẹ vào lòng bàn tay của tôi, tay nàng mềm mại chạm vào da tôi. Cảm giác thật dễ chịu. “Cậu nên đọc cuốn khác. Cuốn đó không kể về Chúa vào những khoảnh khắc đẹp của Người.”
“Tại sao Chúa làm thế với ông ấy?”
“Mình không biết,” nàng nói.
“Cậu có bao giờ cảm thấy giống như Job không?”
Nàng mỉm cười, mắt ánh lên một tia sáng lấp lánh. “Đôi khi.”
“Nhưng cậu không mất niềm tin?”
“Không.” Tôi biết nàng không mất niềm tin, nhưng tôi nghĩ mình đang mất niềm tin.
“Có phải vì cậu nghĩ cậu có thể khỏe hơn không?”
“Không,” nàng nói, “bởi niềm tin là thứ duy nhất mình còn.” Sau đó, chúng tôi bắt đầu đọc Kinh thánh cùng nhau. Có vẻ như đây là điều đúng đắn để làm, dẫu vậy, trái tim tôi mách bảo rằng có thể vẫn còn điều gì hơn thế nữa.
Đêm ấy tôi nằm thao thức, băn khoắn về điều đó.
Đọc Kinh thánh cho chúng tôi điều gì đó để tập trung vào, và đột nhiên mọi thứ giữa hai đứa trở nên ổn thỏa hơn, có thể bởi tôi không còn lo lắng về chuyện làm tổn thương nàng nữa.
Điều gì có thể đúng đắn hơn là đọc Kinh thánh chứ? Mặc dù tôi còn xa mới biết nhiều về Kinh thánh như nàng, tôi nghĩ nàng trân trọng hàng động ấy, và thi thoảng trong khi đọc, nàng đặt tay lên đầu gối tôi và chỉ ngồi lắng nghe giọng tôi tràn đầy căn phòng.
Những lần khác, tôi ngồi cạnh Jamie trên ghế sofa, vừa nhìn vào cuốn Kinh thánh vừa dõi theo nàng qua khóe mắt, khi chúng tôi đọc đến một đoạn hoặc một bài Thánh vịnh, thậm chí có thể là một châm ngôn, tôi hỏi nàng nghĩ gì về đoạn ấy. Nàng luôn luôn có câu trả lời và tôi gật đầu, ngẫm nghĩ. Thỉnh thoảng nàng hỏi tôi nghĩ gì, và tôi cũng trả lời hết sức, mặc dù có những lúc tôi bịa ra và tôi chắc nàng biết. “Có thật cậu nghĩ ý nghĩa của đoạn này là như vậy không?” nàng hỏi, và tôi xoa cằm ngẫm ngợi trước khi thử trả lời lần nữa. Mặc dù đôi lúc, chính bởi nàng mà tôi không thể tập trung, vì bàn tay nàng đặt trên đầu gối tôi và những cử chỉ đại loại như vậy.
Một tối thứ Sáu, tôi đưa nàng qua nhà tôi ăn tối. Mẹ tôi ngồi cùng khi ăn các món chính, rồi sau đó rời bàn đi ra phòng khách để chúng tôi có thể ở một mình.
Thật tuyệt khi ngồi bên Jamie lúc đó, và tôi biết nàng cũng cảm thấy y như vậy. Lâu rồi nàng không ra khỏi nhà, và đây là một sự thay đổi tốt với nàng.
Từ khi cho tôi biết về bệnh tình, Jamie ngừng búi tóc, và mái tóc buông xõa của nàng vẫn đẹp tuyệt như lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Nàng đang ngắm chiếc tủ bày đĩa sứ - mẹ có một cái tủ như thế thắp đèn bên trong – thì tôi với qua bàn và cầm tay nàng.
“Cảm ơn cậu vì đã đến tối nay,” tôi nói.
Nàng hướng sự chú ý lại về phía tôi. “Cảm ơn vì đã mời mình.” Tôi ngừng lại. “Bố cậu thế nào?”
Jamie thở dài. “Không được khỏe lắm. Mình rất lo cho bố.”
“Ông rất yêu cậu mà, cậu biết đấy.”
“Mình biết.”
“Mình cũng vậy,” tôi nói, và nàng nhìn đi chỗ khác. Nghe tôi nói lời yêu có vẻ lại khiến nàng hoảng sợ.
“Cậu sẽ vẫn đến nhà mình chứ?” nàng hỏi. “Ngay cả về sau, cậu biết rồi đấy, khi mà…?” Tôi bóp chặt tay nàng, không mạnh, nhưng đủ để nàng biết rằng tôi nói thực lòng.
“Miễn là cậu muốn, mình sẽ tới.”
“Chúng ta không phải đọc Kinh thánh nữa, nếu cậu không muốn.”
“Có chứ,” tôi nói nhẹ nhàng, “mình nghĩ chúng ta sẽ vẫn đọc.” Nàng bóp nhẹ tay tôi để đáp lại. Ngồi đối diện với tôi, trông nàng thật rạng rỡ.
“Mình yêu cậu, Jamie,” tôi nói một lần nữa, nhưng lần này nàng không hoảng sợ nữa. Thay vào đó, mắt chúng tôi gặp nhau qua bàn, và tôi thấy mắt nàng bắt đầu sáng lên. Nàng thở dài và nhìn đi chỗ khác, lùa tay vào trong tóc, rồi quay lại nhìn tôi. Tôi hôn tay nàng, mỉm cười đáp lại.
“Mình cũng yêu cậu,” cuối cùng nàng thì thầm.
Đó là những lời tôi đã cầu nguyện để được nghe.
Tôi không biết Jamie có kể với Hegbert về tình cảm của nàng dành cho tôi không, nhưng tôi ngờ là không, bởi lề thói hằng ngày của ông chẳng thay đổi chút nào. Ông có thói quen ra khỏi nhà mỗi khi tôi ghé qua sau giờ học, và chuyện này cứ thế tiếp diễn. Tôi gõ cửa và lắng nghe Hegbert giải thích với Jamie rằng ông phải đi và sẽ quay lại trong vòng vài giờ tới. “Vâng, thưa bố,” tôi luôn nghe nàng nói thế, rồi tôi chờ Hegbert mở cửa. Khi đã cho tôi vào nhà rồi, ông sẽ mở tủ ở hành lang, lặng lẽ lấy áo khoác và mũ, cài hết cúc áo trước khi ra khỏi nhà. Áo khoác của ông kiểu cũ, đen và dài, giống kiểu áo khoác nhà binh không khóa, loại thịnh hành đầu thế kỷ. Ông hiếm khi trực tiếp nói với tôi, kẻ cả sau khi ông biết Jamie và tôi bắt đầu đọc Kinh thánh cùng nhau.
Mặc dù ông không thích tôi ở trong nhà nếu ông không có đó, ông vẫn cho tôi vào trong.
Tôi biết một phần là do ông không muốn Jamie cảm lạnh vì ngồi ngoài hiên, và cách duy nhất là ông sẽ đợi trong nhà khi tôi ở đó. Nhưng tôi nghĩ Hegbert cũng cần thời gian một mình, và đó mới là lý do thực sự của sự thay đổi này. Ông không cần nói với tôi về nội quy của ngôi nhà – tôi thấy chúng trong mắt ông khi lần đầu tiên ông nói tôi có thể ở lại. Tôi được phép ngồi trong phòng khách, tất cả chỉ có thế.
Jamie vẫn đi lại tương đối bình thường, mặc dù mùa đông làm nàng thật khổ sở. Một đợt gió lạnh tràn về suốt chín ngày cuối tháng Một, kéo theo ba ngày mưa như trút nước. Jamie không có hứng ra khỏi nhà trong thời tiết như thế, mặc dù sau khi Hegbert đi khỏi, nàng và tôi có thể đứng ngoài hiên vài phút để hít thở không khí trong lành của biển. Mỗi khi chúng tôi làm vậy, tôi lại thấy mình đang lo lắng cho nàng.
Trong khi chúng tôi đọc Kinh thánh, mọi người sẽ gõ cửa ít nhất ba lần mỗi ngày. Người ta ghé qua liên tục, vài người mang đồ ăn, những người khác chỉ hỏi thăm. Ngay cả Eric và Margaret cũng đến, và mặc dù Jamie không được phép cho hai đứa vào nhà, nàng vẫn cứ làm thế, chúng tôi ngồi trong phòng khách, trò chuyện một chút, cả hai đứa chúng nó đều không dám nhìn vào mắt nàng.
Cả hai đứa đều hồi hộp, và phải mất mấy phút chúng mới nói vào mục đích chính. Eric đến xin lỗi, nó nói không thể tưởng tượng được tại sao trong số tất cả mọi người, chuyện này lại xảy đến với nàng. Nó cũng muốn tặng nàng một thứ nữa, và nó để một cái phong bì lên bàn, tay run run. Giọng nó nghẹn lại khi nói những lời rung lên cảm xúc chân thành nhất tôi từng nghe nó bày tỏ.
“Cậu là người tốt bụng nhất mà mình từng gặp,” nó nói với Jamie, giọng vỡ vụn, “và mặc dù mình đã lợi dụng điều đó và không phải lúc nào cũng tử tế với cậu, mình muốn cậu biết mình cảm thấy thế nào. Trong đời mình, mình chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về bất kỳ điều gì hơn thế.” Nó ngừng lại và chùi khóe mắt. “Cậu là người tốt nhất mình từng biết.” Trong lúc nó đang cố gắng ngăn những giọt nước mắt và tiếng sụt sịt, Margaret đã đầu hàng những giọt nước mắt của mình và ngồi khóc trên ghế sofa, không thốt nên lời. Khi Eric nói xong, Jamie chùi nước mắt trên má, chậm rãi đứng lên, và mỉm cười.
Dang rộng vòng tay theo cách chỉ có thể gọi là một cử chỉ tha thứ. Eric tự nguyện đi về phía nàng, cuối cùng bắt đầu khóc một cách công khai khi nàng nhẹ nhàng vuốt tóc nó, thì thầm với nó. Hai người ôm nhau một lúc lâu trong lúc Eric thổn thức mãi đến khi quá kiệt sức không thể khóc được nữa.
Sau đó đến lượt Margaret, và con bé với Jamie cũng làm y như vậy.
Khi Eric và Margaret chuẩn bị đi, hai đứa kéo áo khoác lên và nhìn Jamie thêm một lần nữa, như thể để ghi nhớ nàng mãi mãi. Tôi chắc chắn hai đứa muốn nhớ về nàng với hình ảnh như lúc này. Trong tâm trí tôi, nàng thật đẹp và tôi biết hai đứa bạn mình cũng cảm thấy như vậy.
“Bền chí nhé,” Eric nói trên đường ra đi ra cửa. “Mình sẽ cầu nguyện cho cậu, và tất cả mọi người cũng cầu nguyện cho cậu.” Rồi nó nhìn về phía tôi, với tay ra vỗ nhẹ lên vai tôi. “Cậu cũng thế”, nó nói, mắt nó đỏ hoe. Khi nhìn theo Eric và Margaret đi khỏi, tôi thấy tự hào về hai đứa bạn của mình hơn bao giờ hết.
Sau đó, khi mở phong bì, chúng tôi mới biết việc Eric đã làm. Không nói với chúng tôi, nó đã quyên góp được hơn bốn trăm đô la cho trại trẻ mồ côi. Tôi chờ đợi điều kỳ diệu.
Nó không đến.
Vào đầu tháng Hai, Jamie phải tăng liều thuốc để dịu bớt cơn đau ngày càng dữ dội. Liều lượng cao hơn khiến nàng hoa mắt chóng mặt, và nàng ngã hai lần khi đi vào phòng tắm, một lần đập đầu vào bồn rửa mặt. Sau đó nàng nằng nặc đòi bác sĩ cắt giảm lượng thuốc, và họ ngần ngại đồng ý. Mặc dù nàng có thể đi lại một cách bình thường, sự đau đớn mà nàng phải chịu đựng đã tăng lên, và đôi lúc thậm chí giơ tay lên cũng khiến nàng nhăn mặt. Bạch cầu là một căn bệnh của máu, một thứ chạy khắp cơ thể. Đúng là không có cách nào để thoát khỏi bệnh này chừng nào trái tim nàng còn đập.
Nhưng căn bệnh cũng làm yếu dần phần còn lại cơ thể nàng, bào mòn các cơ, khiến ngay cả những việc rất đơn giản cũng trở nên khó khăn. Trong tuần đầu tiên của tháng Hai, nàng sút gần ba cân, và việc đi lại chẳng mấy chốc trở nên khó khăn với nàng, trừ phi nàng chỉ phải đi một quãng ngắn. Tất nhiên, ấy là nếu nàng có thể chịu đựng được cơn đau, điều mà chẳng mấy nữa nàng không thể làm được. Một lần nữa, nàng quay lại với những viên thuốc, chấp nhận sự hoa mắt chóng mặt thay vì sự đau đớn.
Chúng tôi vẫn đọc Kinh thánh.
Cứ khi nào tới thăm Jamie, tôi cũng thấy nàng đang ngồi trên sofa với cuốn Kinh thánh mở sẵn, và tôi biết rồi cũng đến lúc bố nàng phải bế nàng ra ghế nếu chúng tôi muốn tiếp tục, cả hai chúng tôi đều biết chính xác điều đó có nghĩa là gì.
Tôi đang cạn dần thời gian, và trái tim vẫn đang mách bảo tôi có thể làm điều gì đó hơn thế.
Vào ngày 14 tháng Hai, ngày lễ Tình nhân, Jamie chọn một đoạn từ Thư gửi Corinto có ý nghĩa rất nhiều với nàng. Nàng bảo tôi rằng nếu có cơ hội, đó chính là đoạn nàng muốn được đọc tại lễ cưới của nàng. Đoạn thư như sau:
 
Tình yêu thì khoan dung, nhân hậu.
Tình yêu không ghen tuông.
Tình yêu không ba hoa, không tự mãn.
Không kiếm nhã, không ích kỷ.
Không cáu kỉnh, không chấp nhận sự giận dữ.
Không mừng trước sự bất công
Mà biết chia vui cùng lòng chân thật.
Trong muôn sự, tình yêu hết lòng bao dung,
Hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn.
Jamie là hiện thân chân thật nhất của những mô tả đó.
 
Ba ngày sau, khi trời đã ấm hơn một chút, tôi chỉ cho nàng một điều tuyệt vời, một điều tôi ngờ rằng nàng chưa từng nhìn thấy trước đó, một điều mà tôi biết nàng muốn thấy.
Đông Bắc Carolina là một vùng đặc sắc và tuyệt đẹp của đất nước, được ưu ái với thời tiết ôn hòa và địa thế tuyệt vời. Không đâu là bằng chứng sống động hơn Bogue Banks này, một hòn đảo ven bờ, gần nơi chúng tôi đã lớn lên. Dài hai mươi tư dặm và rộng gần một dặm ngoài khơi.
Những người sống ở đó có thể ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn ngoạn mục mỗi ngày trong năm, cả hai cảnh tượng đều diễn ra trên một vùng Đại Tây Dương rộng lớn.
Jamie quấn một đống áo trong áo ngoài, đứng bên cạnh tôi trên mép cầu tầu Iron Steamer trong lúc buổi tối miền Nam hoàn hảo đang dần buông xuống.
Tôi chỉ về phía xa và bảo Jamie chờ. Tôi có thể thấy hơi thở của chúng tôi phả ra, nàng thở rất gấp. Tôi phải đỡ lấy nàng khi đứng đó – nàng dường như còn nhẹ hơn cả lá rụng mùa thu – nhưng tôi chắc chắn tất cả những việc này đều đáng.
Chẳng bao lâu sau, mặt trăng sáng rực với bề mặt lồi lõm bắt đầu đi lên từ dưới biển, tỏa một quầng sáng lên mặt nước đang dần tối đen lại, chia mặt nước ra thành hàng nghìn phần khác nhau, cứ phần sau lại đẹp hơn phần trước đó. Cùng lúc, vầng dương chạm đường chân trời ở hướng đối diện, nhuộm bầu trời với những sắc đỏ, cam và vàng, như thể thiên đường ở trên bỗng mở toang cánh cổng để vẻ đẹp thoát khỏi nơi giam cầm linh thiêng. Đại dương chuyển sang màu bạc óng ánh khi phản chiếu bầu trời chuyển sắc, mặt nước gợn sóng và lấp lánh ánh sáng đang biến đổi, cảnh tượng thật huy hoàng, gần như thuở khai thiên lập địa vậy. Mặt trời tiếp tục chìm dần xuống, tỏa ánh sáng rực rỡ ngút tầm mắt trước khi dần biến mất dưới những con sóng. Mặt trăng tiếp tục chuyển thành nghìn sắc vàng khác nhau, sắc vàng sau lại nhạt hơn sắc vàng trước đó, và cuối cùng chuyển thành màu sắc của những vì sao.
Jamie nhìn ngắm quang cảnh này trong im lặng, tay tôi ôm chặt nàng, hơi thở của nàng ngắn và yếu. Cuối cùng khi bầu trời chuyển sang màu đen và những tia sáng lấp lánh đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở bầu trời phía Nam xa xa, tôi ôm nàng trong vòng tay mình. Tôi dịu dàng hôn lên cả hai má nàng và cuối cùng hôn môi nàng.
“Đó”, tôi nói, “chính là những gì mình cảm nhận về cậu”.
Một tuần sau, những chuyến đi đến bệnh viện của Jamie trở nên thường xuyên hơn, mặc dù nàng khăng khăng không muốn ở lại đó qua đêm. “Mình muốn chết ở nhà”, là tất cả những gì nàng nói. Bởi vì các bác sĩ chẳng thể làm gì giúp nàng, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận ước muốn của nàng.
Ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
“Mình đã nghĩ về mấy tháng vừa qua”, tôi nói với nàng.
Chúng tôi đang ngồi trong phòng khách, nắm tay nhau đọc Kinh thánh. Gương mặt nàng đang gầy đi, tóc nàng bắt đầu mất vẻ trơn láng. Tuy nhiên mắt nàng, đôi mắt màu xanh nhạt, vẫn đẹp như thủa nào.
Tôi không nghĩ tôi từng biết ai có đôi mắt đẹp như thế.
“Mình cũng nghĩ về thời gian qua”, nàng nói.
“Cậu đã biết, kể từ ngày đầu tiên trong lớp cô Garber, rằng mình sẽ diễn vở kịch đúng không. Lúc cậu nhìn mình và mỉm cười ấy?”
Nàng gật đầu. “Ừ”.
“Và khi mình mời cậu tới buổi vũ hội đầu năm học, cậu bắt mình phải hứa rằng sẽ không yêu cậu, nhưng cậu cũng biết mình sẽ yêu, đúng không?” Mắt nàng ánh lên vẻ tinh nghịch. “Ừ”.
“Làm thế nào mà cậu biết thế?”
Nàng nhún vai mà không trả lời, và chúng tôi ngồi cạnh nhau một lúc, ngắm mưa tạt vào cửa sổ.
“Khi mình bảo sẽ cầu nguyện cho cậu”, cuối cùng nàng nói với tôi, “cậu nghĩ lúc ấy mình đang nói về điều gì?”
Bệnh tình của nàng trầm trọng lên khi tháng Ba tới. Nàng uống nhiều thuốc hơn vì những cơn đau, và cảm thấy quá buồn nôn nên không ăn gì nhiều. Nàng mỗi lúc một yếu, có vẻ như sắp phải nằm viện, ngược lại với mong muốn của nàng.
Chính bố mẹ tôi là người thay đổi tất cả.
Bố tôi lái xe từ Washington về nhà, vội vã bỏ đi mặc dù Quốc hội vẫn còn đang trong phiên họp. Có vẻ như mẹ tôi đã gọi điện và nói nếu ông không về nhà ngay thì cứ ở Wasington mãi mãi.
Khi mẹ kể với bố về chuyện đang xảy ra, bố tôi nói Hegbert sẽ không đời nào chấp nhận sự giúp đỡ của ông, rằng những vết thương quá sâu sắc, rằng đã quá muộn để làm bất cứ điều gì.
“Chuyện này không phải về gia đình của anh, cũng không phải về Cha Sullivan, hay bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ”, mẹ nói với bố, không chịu chấp nhận câu trả lời của ông. “Đây chính là về con trai anh, tình cờ phải lòng một cô gái bé nhỏ, người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Và anh sẽ tìm ra cách để giúp đỡ cô bé:.
Tôi không biết bố tôi đã nói gì với Hegbert hay ông phải hứa những gì hoặc mọi chuyện cuối cùng tốn kém bao nhiêu. Tất cả những gì tôi biết là Jamie nhanh chóng được vây quanh bởi những thiết bị đắt tiền, được cung cấp các loại thuốc nàng cần, và được trông nom bởi hai y tá toàn thời gian với một bác sĩ ghé thăm nàng nhiều lần trong ngày.
Jamie có thể ở lại nhà.
Đêm đó lần đầu tiên trong đời, tôi khóc trên vai bố.
“Cậu có hối tiếc điều gì không?” tôi hỏi nàng. Nàng mằn trên giường, dưới những lớp chăn, tay được nối với ống dẫn truyền loại thuốc nàng cần. Gương mặt nàng nhợt nhạt, cơ thể nàng nhẹ bỗng. Nàng gần như không thể bước đi, giờ đây nàng cần phải có người giúp mới đi lại được.
“Landon, tất cả chúng ta đều có những điều hối tiếc”, nàng nói, “nhưng mình đã sống một cuộc sống tuyệt vời”.
“Làm sao cậu có thể nói thế được?” tôi thốt lên, không giấu nổi nỗi đau đớn. “Với tất cả những gì đang xảy ra với cậu sao?”
Nàng yếu ớt bóp tay tôi, mỉm cười dịu dàng với tôi.
Mặc cho nước mắt đang lăn dài, tôi cười lớn rồi ngay lập tức cảm thấy tội lỗi vì đã làm thế.
Đáng ra tôi phải động viên nàng, chứ không phải là ngược lại. Jamie tiếp tục.
“Nhưng ngoài bệnh tật ra, mình hạnh phúc, Landon ạ. Mình thực sự hạnh phúc. Mình có một người bố đặc biệt dạy mình về Chúa trời. Mình có thể nhìn lại và biết rằng mình đã cố hết sức để giúp đỡ những người khác.” Nàng ngừng lại và nhìn vào mắt tôi. “Thậm chí mình đã yêu và có một người đáp lại”.
Tôi hôn tay nàng khi nàng nói điều đó, rồi bàn giữ bàn tay ấy trên má mình.
“Thật không công bằng”, tôi nói.
Nàng không trả lời.
“Cậu vẫn sợ ư?”, tôi hỏi
“Ừ”.
“Mình cũng sợ”, tôi nói.
“Mình biết. Mình xin lỗi”
“Mình có thể làm gì?” tôi tuyệt vọng hỏi. “Mình không biết nên làm gì nữa”
“Cậu sẽ đọc cho mình chứ?”
Tôi gật đầu mặc dù chẳng biết liệu tôi có thể đọc hết trang tiếp theo mà không khóc òa lên hay không.
Chúa ơi, làm ơn hãy nói cho con biết phải làm gì!
“Mẹ này?” tôi nói chuyện với mẹ đêm hôm đó.
“Gì thế con?”
Chúng tôi đang ngồi trên sofa phòng khách, lò sưởi đang cháy trước mặt. Trước đó,Jamie đã ngủ gục trong lúc tôi đọc cho nàng, và biết nàng cần nghỉ ngơi, tôi khẽ khàng rời khỏi phòng.
Nhưng trước khi đi, tôi dịu dàng hôn lên má nàng. Nụ hôn vô hại, nhưng Hegbert vào đúng lúc đó, và tôi thấy những cảm xúc trái ngược trong mắt ông. Ông nhìn tôi, biết rằng tôi yêu con gái ông, nhưng đồng thời cũng biết tôi vừa phá vỡ một trong những quy định trong nhà ông, dù là một quy định bất thành văn đi chăng nữa. Nếu nàng khỏe mạnh, tôi biết ông sẽ chẳng bao giờ cho phép tôi quay trở lại nhà. Vì thế, tôi đi ra phía cửa.
Cũng không thể trách ông được. Tôi nhận ra ở bên Jamie làm tôi cạn kiệt năng lượng đến nỗi chẳng hơi đâu mà tổn thương bởi thái độ của ông. Nếu Jamie từng dạy tôi bất kỳ điều gì trong những tháng vừa qua, nàng đã chỉ cho tôi thấy rằng hành động – chứ không phải suy nghĩ hay ý định – mới chính là cách để đánh giá người khác, và tôi biết hôm sau Hegbert vẫn sẽ cho phép tôi vào nhà. Tôi nghĩ về chuyện này lúc ngồi xuống cạnh mẹ trên sofa.
“Mẹ có nghĩ rằng chúng ta ai cũng có một mục đích trong đời không?” tôi hỏi.
Đó là lần đầu tiên tôi hỏi mẹ một câu như vậy, nhưng quãng thời gian này đâu phải những ngày bình thường.
“Mẹ không chắc mình hiểu điều con muốn hỏi” bà nói, cau mày.
“Ý con là...làm sao mẹ biết được mình phải làm gì?”
“Con đang hỏi mẹ về việc ở bên Jamie à?”
Tôi gật đầu, mặc dù tôi vẫn còn bối rối. “Gần như thế. Con biết con đang làm điều đúng đắn nhưng...vẫn còn thiếu gì đó. Con ở bên nàng, bọn con nói chuyện và đọc Kinh thánh, nhưng...”
Tôi ngừng lại, và mẹ tôi kết thúc suy nghĩ ấy hộ tôi.
“Con nghĩ mình nên làm điều gì hơn thế nữa?”
Tôi gật đầu.
“Mẹ cũng không biết con có thể làm điều gì khác hay không đâu cưng à”, mẹ nói dịu dàng.
“Vậy tại sao con lại cảm thấy như thế này?”
Bà nhích lại gần tôi hơn một chút trên ghế sofa, và chúng tôi cùng ngắm ngọn lửa.
“Mẹ nghĩ đó là bởi vì con sợ hãi và cảm thấy mình không giúp gì được, và mặc dù con đang nỗ lực, mọi thứ cứ mỗi lúc một khó khăn hơn – cho cả hai đứa con. Và con cố gắng, mọi chuyện lại càng trở lên vô vọng”.
“Có cách nào để không còn cảm thấy như vậy không?”
Mẹ choàng tay quanh người tôi và kéo tôi lại gần. “Không”, bà nói khẽ, “chẳng có cách nào hết”.
Ngày hôm sau Jamie không thể ra khỏi giường. Vì lúc này nàng quá yếu, không thể đi lại ngay cả khi được giúp đỡ, chúng tôi bèn đọc Kinh thánh trong phòng nàng.
Chỉ được vài phút là nàng thiếp đi.
Một tuần nữa trôi qua và tình trạng của Jamie trở lên tồi tệ hơn, cơ thể nàng yếu dần. Nằm liệt giường, trông nàng nhỏ bé hơn, gần giống như một bé gái vậy.
“Jamie”, tôi van nài, “mình có thể làm gì cho cậu?”
Jamie, Jamie yêu quý của tôi, đã ngủ một mạch hàng tiếng đồng hồ rồi, ngay cả khi tôi trò chuyện với nàng. Nàng không hề cử động khi nghe thấy giọng tôi; hơi thở của nàng nhanh và yếu ớt.
Tôi ngồi bên cạnh giường nhìn ngắm nàng một lúc lâu, thầm nghĩ tôi yêu nàng đến nhường nào. Tôi nắm tay nàng đưa lại gần ngực mình, cảm nhận sự gầy guộc của những ngón tay. Tôi gần như chỉ muốn khóc ngay lúc đó, nhưng thay vì vậy, tôi đặt tay nàng xuống và quay mặt về phía cửa sổ.
Tại sao, tôi tự hỏi, thế giới của tôi đột nhiên sụp đổ như vậy? Tại sao tất cả chuyện này lại xảy ra với một người như nàng? Tôi tự hỏi có bài học lớn nào từ những chuyện đang xảy ra hay không. Có phải tất cả chỉ là một phần kế hoạch của Chúa, như Jamie vẫn nói, hay không? Phải chăng Chúa muốn tôi yêu nàng? Hay tình yêu ấy là do tôi tự nguyện? Jamie càng ngủ lâu, tôi càng cảm nhận rõ rệt sự hiện diện của nàng bên cạnh tôi, tuy nhiên đáp án cho những câu hỏi kia cũng chẳng sáng sủa hơn.
Bên ngoài, những giọt mưa cuối cùng của buổi sáng đã rơi xuông. Đó là một ngày u ám, nhưng lúc này ánh nắng buổi chiều muộn đang xuyên qua những đám mây. Trong không khí mùa xuân mát mẻ, tôi thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự hồi sinh. Cây cối đâm chồi nảy lộc, những chiếc lá chờ thời điểm thích hợp để vươn mình đón một mùa hè nữa.
Trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường nàng, tôi nhìn thấy bộ sưu tập những vật dụng mà Jamie rất trân trọng. Những bức ảnh của bố nàng, đang bế bé gái Jamie, rồi đang đứng ngoài cồng trường ngày đầu tiên nàng đi mẫu giáo; một chồng thiếp từ bọn trẻ trong trại mồ côi. Thở dài, tôi với lấy tấm thiệp và mở tấm trên cùng.
Tấm thiệp viết đơn giản bằng chì màu:
Mong chị sớm khỏe lên. Em nhớ chị.
Tấm thiệp được ký tên Lydia, cô bé ngủ trong lòng Jamie vào đêm Giáng sinh. Tấm thiệp thứ hai cũng thể hiện tình cảm như thế, nhưng điều thực sự thu hút sự chú ý của tôi chính là bức tranh mà đứa trẻ Roger, đã vẽ. Nó vẽ một con chim, đang bay liệng trên cầu vồng.
Nghẹn ngào, tôi gập tấm thiệp lại. Tôi không thể chịu đựng được việc nhìn lâu hơn nữa, và ngay khi tôi để chồng thiệp vào chỗ cũ, tôi để ý thấy một chồng báo được cắt ra, gần cốc nước của nàng. Tôi với lấy mẩu báo và nhận ra đó chính là bài báo về vở kịch, được đăng trên tờ báo Chủ nhật, một ngày sau khi chúng tôi hoàn thành buổi biểu diễn. Ở phía trên bài báo, tôi thấy bức ảnh chụp duy nhất từng được chụp của hai đứa.
Chuyện như thể đã lâu lắm rồi. Tôi đưa bài báo lại gần mặt hơn. Tôi nhìn chằm chằm, rồi cố nhớ lại cảm xúc cửa mình lúc thấy nàng đêm đó. Nhìn chăm chú thật gần bức ảnh của nàng, tôi tìm kiếm dấu hiệu cho thấy nàng lường trước được những điều sắp xảy đến. Tôi biết nàng đã dự cảm thấy, những biểu hiện của nàng đêm ấy không tiết lộ bất cứ thứ gì. Thay vào đó, tôi chỉ nhìn thấy niềm hạnh phúc rạng rỡ. Một lát sau tôi thở dài và đặt bài báo sang một bên.
Cuốn Kinh thánh vẫn để mở nơi tôi đặt xuống, mặc dầu Jamie đang ngủ, tôi thấy muốn đọc thêm nữa. Cuối cùng tôi đọc sang một đoạn khác. Đoạn ấy như sau: Tôi nói thế không phải để ra lệnh cho anh em đâu, Mà tôi chỉ nêu lên lòng nhiệt thành của người khác để xem lòng yêu mến của anh em chân tình đến mức nào.
Những lời đó khiến tôi nghẹn lại lần nữa, và đúng lúc tôi sắp khóc, ý nghĩa của đoạn Kinh thánh đột nhiên trở lên rõ ràng.
Cuối cùng Chúa đã trả lời tôi, và đột nhiên tôi biết mình phải làm gì.
Chắc là tôi không thể phi tới nhà thờ nhanh hơn lúc đây được, kể cả khi tôi đi bằng ô tô.
Tôi đi đường tắt, chạy qua sân sau nhà mọi người, trèo qua tường rào, và có lúc còn đi xuyên qua gara của ai đó và ra ở lối cửa hông. Mọi điều tôi biết về thị trấn này đều được đem ra vận dụng, và mặc dù chưa bao giờ là một vận động viên giỏi đặc biệt, ngày hôm đó tôi có cảm giác bất bại, cảm giác thôi thúc bởi những gì mình phải làm.
Tôi không quan tâm trông mình trông như thế nào lúc đến, bởi tôi ngờ rằng Hegbert cũng chẳng quan tâm. Cuối cùng khi vào nhà thờ, tôi đi chậm lại, cố gắng thở đều đặn rồi bước tới phía sau nhà thờ, về văn phòng của Hegbert.
Hegbert ngước lên khi ông trông thấy tôi, và tôi biết tại sao ông ở đây. Ông không mời tôi vào ông chỉ quay lại nhìn về phía cửa sổ. Ở nhà, ông đã chống chọi với bệnh tật của nàng bằng cách lau chùi nhà cửa theo một cách gần như ám ảnh. Ở đây, báo chí nằm rải rác trên bàn, sách vở vương vãi trong phòng như thể không được ai sắp xếp lại hàng tuần rồi. Tôi biết đây là nơi ông nghĩ về Jamie, đây là nowu Hegbert đến để khóc.
“Thưa Cha?” tôi nói khẽ.
Ông không trả lời, nhưng dù gì thì tôi vẫn bước vào.
“Ta muốn ở một mình” ông rền rĩ.
Trông ông già nua, rệu rã và mệt mỏi như những người Israel được miêu tả trong các bài Thánh vịnh của David. Gương mặt ông rúm ró, và tóc ông ngày càng mỏng hơn kể từ tháng Mười hai. Thậm chí hơn cả tôi, có lẽ ông đã phải giữ vững tinh thần mình khi ở bên Jamie, và áp lực của việc này đang làm ông kiệt sức.
Tôi bước tới bên bàn làm việc của ông, ông liếc nhìn tôi rồi quay lại phía cửa sổ.
“Làm ơn”, ông nói với tôi. Giọng ông mệt mỏi, như thể ông không có sức mạnh để đối diện với bất cứ ai, ngay cả tôi.
“Con muốn nói chuyện với Cha”, tôi nói chắc nịch. “Việc này rất quan trọng, nếu không con đã không đến đây”.
Hegbert thở dài, rồi tôi ngồi trên cái ghế mình đã từng ngồi trước đây, lúc xin phép ông cho đưa Jamie đi chơi đêm giao thừa.
Ông lắng nghe tôi trình bày với ông dự định của mình.
Khi tôi dứt lời, Hegbert quay về phía tôi. Tôi không biết ông nghĩ gì lúc ấy, nhưng ơn Chúa, ông không phản đối. Thay vào đó, ông quệt mắt rồi quay về phía cửa sổ.
Ngay cả ông, tôi nghĩ, cũng quá ngỡ ngàng không nói lên lời.
Tôi lại chạy không biết mệt, quyết tâm trong tôi đã đem lại sức mạnh tôi cần để tiếp tục.
Khi đến nhà Jamie, tôi ào vào trong mà không gõ cửa, cô y tá đang ở trong phòng ngủ của nàng đi ra để xem cái gì gây ra tiếng ồn. Tôi lên tiếng trước khi cô ta có thể nói.
“Cô ấy thức chứ?” tôi hỏi, vừa háo hức vừa lo sợ.
“Có”, cô y tá cảnh giác nói. “Lúc thức dậy, cô ấy hỏi cậu ở đâu” Tôi xin lỗi vì vẻ ngoài tơi tả của mình và cảm ơn cô y tá, rồi hỏi liệu cô có thể để chúng tôi lại một mình không. Tôi đi vào phòng Jamie, nhẹ nhàng đóng cửa sau lưng. Nàng rất nhợt nhạt, xanh xao, nhưng nụ cười của nàng cho tôi biết nàng vẫn đang cố gắng.
“Chào Landon”, nàng nói, giọng yếu ớt, “cảm ơn cậu đã quay lại” Tôi kéo một cái ghế ngồi cạnh, đặt tay nàng trong tay tôi. Nhìn nàng nằm đó, tôi cảm thấy lòng quặn lên, tôi cảm thấy gần như muốn khóc.
“Lúc trước mình có ở đây, nhưng cậu ngủ”, tôi nói.
“Mình biết...Mình xin lỗi. Mình không thể chống lại cơn buồn ngủ”.
“Không sao mà, thật đấy”
Nàng nâng nhẹ tay lên khỏi giường, tôi hôn bàn tay ấy, rồi cúi xuống và hôn vào má nàng.
“Cậu có yêu mình không?” tôi hỏi nàng.
Nàng mỉm cười “Có”
“Cậu có muốn mình hạnh phúc không?”. Khi tôi hỏi nàng câu này, tôi cảm thấy tim mình bắt đầu đập rộn rã.
“Tất nhiên là mình muốn”
“Thế thì cậu sẽ làm một điều cho mình chứ?”
Nàng quay đi, nét mặt buồn bã. “Mình không biết mình có thể làm gì được nữa”, nàng nói.
“Nhưng nếu có thể, cậu sẽ làm chứ?”
Không thể miêu tả đầy đủ sự căng thẳng tôi cảm thấy vào giây phút đó. Yêu thương, giận dữ, buồn bã, hy vọng và sự sợ hãi hòa trộn với nhau càng trở nên rõ rệt thêm bởi nỗi hồi hộp trong tôi. Jamie nhìn tôi dò hỏi, và hơi thở của tôi trở lên gấp gáp hơn. Đột nhiên tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ yêu một ai khác mãnh liệt như lúc này. Nhận ra điều đơn giản ấy khi đáp lại cái nhìn chăm chú của nàng khiến tôi cầu mong lần thứ một triệu rằng tôi có thể khiến toàn bộ chuyện này biến mất. Nếu có thể, tôi sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình cho nàng. Tôi muốn nói với nàng những điều mình đang nghĩ, nhưng giọng nàng vang lên đột ngột làm thinh lặng những cảm xúc trong tôi.
“Ừ”, cuối cùng nàng nói, giọng nàng dù yếu ớt nhưng vẫn tràn đầy hứa hẹn. “Mình sẽ làm” Cuối cùng, khi đã lấy lại được bình tĩnh, tôi hôn nàng lần nữa, rồi đưa tay lên mặt nàng, nhẹ nhàng vuốt má nàng. Tôi sửng sốt trước sự mềm mại của làn da nàng, sự dịu dàng tôi thấy trong mắt nàng. Ngay cả lúc ốm nặng nàng vẫn hoàn hảo.
Cổ họng tôi bắt đầu nghẹn lại, nhưng khi tôi nói, tôi biết mình phải làm gì đó. Bởi tôi phải chấp nhận mình không có khả năng cứu nàng, tôi muốn mang lại cho nàng điều nàng luôn mơ ước.
Đó chính là điều trái tim mách bảo.
Lúc này tôi mới hiểu ra Jamie đã từng cho tôi câu trả lời tôi vẫn hằng tìm kiếm, câu trả lời trái tim tôi cần phải tìm ra. Nàng đã nói cho tôi biết câu trả lời khi chúng tôi ngồi bên ngoài văn phòng của ông Jenkins, vào cái đêm hai đứa xin phép ông về việc biểu diễn vở kịch.
Tôi mỉm cười dịu dàng, và nàng đáp lại tình cảm của tôi bằng cách bóp nhẹ tay tôi, như thể tin tưởng những gì tôi sắp làm. Được khuyến khích, tôi cúi xuống gần hơn và hít một hơi thật sâu. Khi tôi thở ra, đây là những từ thốt ra cùng với hơi thở.
“Em sẽ lấy anh chứ?”
Đoạn Đường Để Nhớ Đoạn Đường Để Nhớ - Nicholas Sparks Đoạn Đường Để Nhớ