Người không đủ can đảm để mạo hiểm thì sẽ không gặt hái được gì trong cuộc sống.

Muhammad Ali

 
 
 
 
 
Tác giả: Park Lee Jeong
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1022 / 20
Cập nhật: 2017-08-04 07:41:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Quang Cảnh Nhìn Từ Thùng Rác
ôi không bao giờ quên được buổi tối ngày hôm ấy.
Bởi từ ngày đó, bố đã không quay về nữa.
Thật ra, buổi tập trung trước ngày nhập học cũng không có gì đặc biệt ngoài vài thứ cần chuẩn bị. Sau khi buổi tập trung kết thúc, tôi chạy về nhà nhanh như một cơn gió. Vì hôm nay bố chỉ phải làm ca sáng nên sau khi ăn trưa, bố chắc chắn sẽ về nhà. Tôi nhất định phải về để cùng ăn tối với bố chứ! Và trước khi ăn tối, tôi định sẽ cùng bố đi xa thật xa đến hết con đường lớn gần nhà chúng tôi. Chỉ vì chuyện mua cặp sách mà bố phải bận lòng, nên cùng đi dạo như thế chắc sẽ khiến chúng tôi dễ chịu hơn.
Nhưng bố đã không về.
Đợi mãi không thấy bóng dáng bố đâu. Tôi ngồi trước máy điện thoại, chốc chốc lại nhìn vào, nhưng điện thoại lại để gần phía nhà vệ sinh. Thế là tôi kéo nó ra gần cửa và ngồi đợi. Có thể hôm nay siêu thị nghỉ muộn.
Tôi đã cố gắng nghĩ vậy. Có thể siêu thị có quá nhiều khách đến mua hoặc có ai đó đột nhiên bị ốm nên bố phải làm hộ. Tôi đã nghĩ thế và kiên nhẫn chờ đợi.
Đêm xuống.
Tôi ngồi một mình trong phòng ngó ra ngoài khung cửa sổ bé tẹo. Trời tối đen. Chiều cao của tôi không thể với đến cửa sổ, tôi bèn kê chiếc bàn cũ và leo lên đó. Bên ngoài cửa sổ, nhiều nhà đã lên đèn. Những người vội vã trở về nhà dần khuất vào bóng tối.
Rốt cuộc bố đang làm gì, bố đang ở đâu?
Lòng tôi tràn ngập bất an. Tôi bám cả hai tay vào cửa sổ, cố gắng nhìn ra xa hơn một chút. Nhưng cũng chỉ nhìn được đến con ngõ tối đen. Có phải bố sẽ xuất hiện ngay lập tức, ôm cặp sách Thủy thủ mặt trăng trước ngực mang đến cho tôi không?
Nhưng tôi đã lầm. Giờ tôi cũng chẳng thiết chiếc cặp ấy nữa.
Cảm giác hối hận lại ùa về. Bố bị người đàn ông xấu xa đối xử tệ, phải ở ngoài trong tiết trời lạnh buốt không thể trở về nhà, tất cả là do tôi. Và việc có người mua cặp sách đó trước tôi, cũng chẳng có gì sai cả.
Tôi cứ nghĩ như thế và vừa khóc, vừa giận bản thân mình. Tôi vẫn nắm chặt chấn song cửa sổ, mặc cho nước mắt rơi lã chã vào cánh tay mình. Chiếc bàn cũ kỹ bên dưới đã bắt đầu không chịu được sức nặng và chẳng mấy chốc tôi mất thăng bằng. Lúc chiếc bàn bị đổ sập cũng là lúc tôi ngã nhào xuống nền nhà.
“Aaaaaa...!”
Bị ngã nhưng tôi chẳng cảm thấy đau vì khi ấy tôi vẫn còn đang khóc. Mắt tôi bắt đầu đỏ và tay áo đã ướt đẫm. Vì bố sợ nhất là thấy tôi khóc nên bình thường nếu chịu đựng được, tôi sẽ chẳng khóc bao giờ...
Đồng hồ đã báo 10 giờ tối. Mọi khi giờ này tôi đã nằm gọn trong vòng tay bố và ngủ ngon lành, nhưng hôm nay tôi không tài nào ngủ được.
“Bố đang ở đâu cơ chứ?”
Giờ thì không thể nhìn ra ngoài cửa sổ được nữa, tôi đành ngồi dựa vào tường và chờ đợi. Chưa bao giờ phải ở nhà một mình muộn thế này, tôi kéo chăn ôm trước ngực. Dù rất muốn chạy ngay ra ngoài để gọi bố về, nhưng tôi biết rõ sẽ chẳng ích gì.
Đêm thật lạnh biết bao!
Tôi ngồi co ro một mình, ngủ chập chờn. Những lần tỉnh dậy là những lúc tôi phải đối mặt với việc bố chưa về. Thế rồi trong cơn buồn ngủ, tôi ngả xuống sàn và thiếp đi lúc nào không biết.
Lúc tôi thức dậy thì trời đã sáng. Ánh sáng lọt vào phòng. Nhưng tôi vẫn không thấy bố. Sáng nay tôi phải đi dự lễ nhập học, vậy mà bố không về ư?
Lễ nhập học của tôi... Bố nhất định sẽ về mà!
Tôi cố không khóc và đứng thẳng dậy. Nếu bây giờ tôi vừa khóc vừa đi tìm bố, bà chủ nhà sẽ thè lưỡi ra mà cười chúng tôi. Tên đần độn đã bỏ rơi con gái và chạy trốn rồi! Nghe những câu như thế, tôi biết rõ người ta đang nghĩ về nơi mà tôi sẽ phải vào.
Tôi tuyệt đối không phải là đứa trẻ mồ côi. Và bố tuyệt đối sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi. Bố sẽ đến lễ nhập học. Nhất định bố sẽ đến. Vì bố nghĩ rằng lời hứa với tôi là quan trọng nhất kia mà!
Lúc đồng hồ điểm 8 giờ, tôi nhanh chóng vào nhà vệ sinh và rửa mặt. Tôi mặc chiếc áo sạch sẽ, tươm tất nhất trong ngăn tủ quần áo, thay chiếc găng tay mà đêm qua ngủ chưa kịp cởi. Tôi xỏ tạm đôi dép đi trong nhà mà tuần trước chị con bà chủ nhà mới cho. Tất cả sao mà trống rỗng...
Tôi không có cặp sách!
Đừng nói đến cặp sách Thủy thủ mặt trăng, ngay cả một chiếc cặp bình thường để đựng sách giáo khoa và vở cũng chẳng có. Bỗng dưng sự buồn giận trong tôi lại trào lên. Tôi mím chặt môi quay vào phòng và tìm trong hộp đựng những đồ lặt vặt được một chiếc túi. Đó là chiếc túi đựng quà khuyến mại bố mang về từ siêu thị, coi như một chiếc ba lô nhỏ dành cho tôi. Tôi đựng tất cả sách vở, hộp bút vào trong đó và một mình đi đến trường.
Tôi không rõ lúc ấy mình có đói hay không nữa. Suốt buổi lễ nhập học tôi chẳng có tâm trí đâu mà theo dõi, chốc chốc lại đưa mắt tìm xung quanh. Vì không biết chừng bố đang trốn ở một góc nào đó nhìn tôi, có thể vì đêm qua không về nhà, bố sẽ sợ tôi giận mà không dám ra gặp cũng nên!
Thế nhưng buổi lễ kết thúc rồi, bố vẫn không xuất hiện. Những đứa trẻ khác ôm hoa rực rỡ chụp ảnh cùng bố mẹ trong ngày đầu nhập học. Chỉ có tôi đứng một mình. Lễ nhập học đầu tiên, cả đời chỉ có một lần, vậy mà với tôi cái ngày quan trọng ấy đã trôi qua thật vô vị!
Nghĩ vậy tôi lại không kìm được nước mắt. Dù cắn chặt môi và cố gắng kìm nén, nhưng cuối cùng nước mắt vẫn lăn dài trên má. Tôi cảm thấy những đứa trẻ, thầy cô giáo và các phụ huynh lạ mặt xung quanh đang nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, tôi lại càng buồn và muốn khóc to hơn.
Điều tồi tệ nhất là đúng lúc ấy, trời bắt đầu đổ mưa rào. Tôi cứ đứng đó mặc cho nước mắt tuôn trào. Mọi người xung quanh đã vội vã chạy vào hiên đứng trú. Chỉ còn mình tôi và màn mưa mặc sức rơi ướt đẫm, cho đến hết buổi nhập học tôi mới mệt mỏi trở về nhà.
Chưa khi nào tôi thấy hận bố như bây giờ. Bố có thể đi đâu được chứ? Tại sao đêm qua lại không về nhà? Bố đã nói nhất định sẽ đến trường với tôi, chỉ vì không tìm mua được cặp cho tôi mà không đến sao? Bố thật ngốc nghếch! Nhưng dù thế nào cũng vẫn phải đi tìm bố. Nếu đi ra biển thì xa quá, nên tôi quyết định về nhà cất cặp sách, sau đó sẽ đi đến siêu thị và những nơi xung quanh tìm thử.
Thế nhưng trên đường về, nơi con ngõ nhỏ gần chợ thường ngày vẫn vắng người qua lại, hôm nay bỗng ồn ào và rất nhiều người tụ tập.
Người hiếu kỳ nhiều đến mức con ngõ nhỏ bị tắc nghẽn lại. Xe cảnh sát liên tục chạy đến. Tôi nghe thấy những tiếng nói ậm ừ không rõ từ người quay camera và tiếng xì xào bàn tán của những người xem đứng xung quanh.
“Giết người à?”
“Đứa bé chết rồi sao?”
Bên này mấy chục người đứng xem bỗng tạo thành một bức tường rào ngăn cách hiện trường vụ án. Phía bên kia một người phụ nữ cầm micro vội vàng trang điểm rồi bắt đầu giới thiệu và phỏng vấn người ở hiện trường.
“Vụ án giết người lần này có thể coi là một hành động trả thù nhằm hướng vào lực lượng cảnh sát, cảnh sát Hàn Quốc bằng mọi khả năng và cố gắng hiện tại...”
Đây có vẻ là một vụ việc rất nghiêm trọng. Nhưng hình như không dừng lại ở đó...
“Chỉ một lát nữa cảnh sát sẽ đưa kẻ tình nghi đến hiện trường vụ án để kiểm chứng sự việc. Vâng, hiện trường vụ án tại đường Sojin số 2...”
Xung quanh tôi là một mớ những âm thanh hỗn độn, ồn ào, bất an và sợ hãi. Tôi không thể chen ra khỏi đám đông ấy nên đành đứng lại, lọt thỏm giữa những người cao lớn.
Bỗng ai đó hô rất to “Đến rồi! Đến rồi!” và người xem bắt đầu di chuyển. Tôi bị xô một cách thô bạo và mắc kẹt giữa đám người. Đám đông xung quanh nhốn nháo xô đẩy, chỉ trỏ, bàn tán không ngớt lời, khuôn mặt sợ hãi như nhìn thấy quỷ dữ.
Tôi cố kiễng chân nhướn lên nhưng cũng chẳng nhìn được gì. Xem ra không thể vượt lên đám người đang đứng như bức tường chắn trước mặt, tôi bèn leo lên chiếc thùng rác dựng gần đó.
Và tôi đã nhìn thấy bố.
Lạ thật! Sao bố lại trong bộ dạng như vậy? Bình thường dù có nóng nực đến đâu bố cũng không bao giờ đội chiếc mũ kín như thế, lại còn đeo khẩu trang màu trắng. Đến cả mắt cũng sợ hãi nhắm tịt lại. Nhưng tôi vừa nhìn đã biết đó chính là bố.
Người đó là bố tôi. Nhưng tại sao người ta lại chửi bố, chỉ tay vào mặt bố và nhổ nước bọt vào người bố?
Bố bị một nhóm cảnh sát đáng sợ còng tay đưa đến. Tôi đứng lặng, nhìn theo không chớp mắt. Camera lập tức chĩa vào khi bố xuất hiện và những câu hỏi dồn dập bắt đầu. Nhưng cảnh sát đã yêu cầu họ tránh đường.
“Làm ơn đứng tránh ra! Xin hãy tránh đường!”
Cảnh sát và cánh nhà báo bắt đầu to tiếng, còn bố đứng rũ ở giữa, không chút sức lực.
“Thằng khốn kiếp này!”
Bỗng tiếng ai đó chửi rủa và lao về phía bố. Cảnh sát đã nhanh chóng ngăn lại, nhưng không ngăn được những tiếng chửi rủa không ngớt từ bốn phía.
“Đồ không bằng súc vật!”
“Chết đi! Khốn kiếp!”
“Đừng làm rơi micro!”
“Mau tránh ra, tránh ra nào!”
Tôi đứng trên thùng rác, dưới trời mưa ướt sũng và choáng váng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ấy. Tôi hoàn toàn không còn thần trí và đứng thẫn người nhìn bố. Mỗi bước đi của bố, có hàng bao nhiêu con mắt chòng chọc nhìn theo.
Ở giữa vòng người có một con ma-nơ-canh nhỏ hình đứa bé gái, bố tiến lại gần và ngồi xuống. Tôi trông thấy người đàn ông đứng cạnh cúi xuống mấp máy môi với bố điều gì đó, và bố cứ thế làm theo những lời ấy. Người ta bắt đầu khóc lóc, gào hét xung quanh tôi. Những lời chửi rủa văng ra đập vào tai tôi đau đớn chẳng khác nào những mũi kim đâm. Tôi không đủ sức để đứng vững, liền bám vào bộ đồ ngủ của người đàn bà đứng bên, cố gắng nghển lên nhìn bố.
Bố chầm chậm cúi xuống mở miệng và sau đó cởi quần của ma-nơ-canh. Rồi bố cũng từ từ đứng lên và bắt chước cởi quần.
“Bố đang làm cái gì thế? Người ta đang bắt bố làm gì thế kia?”
Tôi thật sự bàng hoàng. Xung quanh tôi, mọi người bắt đầu nhao lên phía trước, ném đủ thứ vào người bố, giơ nắm đấm vào bố và la hét. Cảnh sát lập tức dẹp đoàn người và vội vã đưa bố đi.
“Mày chết đi, đồ súc vật!”
Có ai đó đã vung tay giật chiếc mũ của bố, rồi đến khẩu trang cũng bị giật phăng. Tôi gần như nín thở khi nhìn thấy khuôn mặt bố đầy thương tích. Những vết xước, những chỗ thâm tím sao lại có trên mặt bố? Có những chỗ máu vẫn còn rớm, những vệt thâm dài trên mắt bố...
Rồi không thể nén được tôi hét to.
“Bố...!”
Tôi chỉ gọi một lần nhưng bố đã nghe thấy tiếng. Bố nhận ra tôi giữa đám người hỗn độn và quay đầu lại. Bố nhìn tôi bằng đôi mắt bầm tím, nước mắt bắt đầu ứa ra. Dù tay đã bị còng nhưng bố vẫn cố bám vào cửa xe, mặc cho cảnh sát kéo đi, bố vẫn nhào người về phía tôi và gọi lớn.
“Ye Seung ơi! Ye Seung ơi!”
Lúc ấy thực ra khoảng cách giữa tôi và bố không xa lắm, dường như tôi và bố đang đứng đối diện nhau. Vậy mà tôi lại không thể nào đến gần bố hơn được. Tôi cứ đứng trên thùng rác và gọi không ngớt lời.
“Bố ơi! Bố! Bố ơi!”
Tôi và bố cứ nhìn nhau như thế, bố chỉ tìm cách làm thế nào để chạy đến chỗ tôi, nhưng bị quá nhiều người cản lại. Tiếng của bố vang lên giữa những âm thanh la lối chửi rủa không ngớt.
“Ye Seung à...!”
Tôi nhảy xuống khỏi thùng rác và bắt đầu chạy ào đến bố. Tôi sẽ phải chạy đến phía bố, nhất định phải chạy đến cho dù có nhiều người cản như thế nào. Tôi đã nghĩ thế và liều lĩnh chen lấn giữa đám người nhưng rốt cục chẳng chen nổi. Một đứa trẻ như tôi không đủ sức vượt qua dòng người đang bủa vây quanh bố.
Tôi gào lên như muốn xé tan tất cả, nước mắt chan hòa. “Bố ơi! Bố ơi...!”
Bố cũng nhìn thấy tôi, lấy hết sức đẩy tay cảnh sát để nhào về phía tôi. Chiếc xe tám chỗ của cảnh sát bị vỡ mất gương chiếu hậu, nhưng người ta đã đẩy bố vào đó, đóng sập cửa lại. Và tiếng xe nổ máy...
Tôi chỉ còn biết òa khóc mà chạy về phía bố, không còn biết xung quanh ra sao nữa. Trên đời này bố sợ nhất là tiếng khóc của tôi. Bố đang bị giữ trong xe và không biết phải làm gì. Còn tôi bị người ta giữ không cho chạy vào, thế là tôi lại càng gào khóc to hơn.
“Ye Seung à, hãy về nhà đợi bố! Ye Seung à!”
“Bố ơi! Bố đi đâu vậy? Bố ơi...!”
Trong xe, cảnh sát đã còng tay và trói chân bố lại, bố không di chuyển được nhưng vẫn cố rướn người ra để bảo tôi trở về nhà. Bố dùng cả hai tay bị còng, dùng cả đầu đập vào cửa kính xe. Tôi nghe thấy cả những tiếng đập mạnh của bố.
“Bố ơi! Bố ơi!”
Tôi nhìn thấy bố đang cố gắng nói thật to bên trong cửa kính nhưng tôi không thể nghe thấy gì. Tôi cố vùng ra khỏi người đàn ông đang giữ mình, tôi gào khóc và gọi bố. Nhưng dẫu tôi có kêu gào thì bố cũng vẫn bị đưa đi, chiếc xe chở bố cứ thế đi xa dần...
Tôi cứ đứng và khóc mãi ở nơi mà bố bị đưa đi ấy. Tôi không tài nào hiểu được bố đã xảy ra chuyện gì. Tôi không tài nào biết được.
Có điều, với một đứa bé 8 tuổi lúc ấy, bố là tất cả thế giới. Và, vào ngày hôm đó, có rất nhiều kẻ đã cướp mất thế giới ấy của tôi.
Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 - Park Lee Jeong Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7