The walls of books around him, dense with the past, formed a kind of insulation against the present world and its disasters.

Ross MacDonald

 
 
 
 
 
Tác giả: Aziz Nesin
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1619 / 37
Cập nhật: 2017-07-24 16:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Loại VI Trùng Quý Hiếm
ột vị giáo sư, người chưa bao giờ có một nụ cười, được một đoàn trợ giáo và một đám sinh viên y học hộ tống bước vào phòng bệnh. Giáo sư là người phụ trách khoa mắt nhưng cái vẻ nghiêm khắc, cái dáng ngang tàng, cái lối cứng cỏi khiến ngài giống một vị tướng hồi thế chiến thứ nhất hơn là giống một mặt trời y học. Chỉ riêng sự hiện diện của ngài cũng đủ cho ngài đè bẹp những người xung quanh. Không phải chỉ có sinh viên và trợ giáo, mà cả các bậc đồng nghiệp cũng phải cố né xa ngài. Tiếng tăm của ngài trong y giới nổi lên như cồn và ngài đã có chân trong nhiều hội y học và khoa học quốc tế. Những phát minh và công trình khoa học của ngài chiếm vị trí quan trọng trong giới nhãn khoa.
Trước mỗi giường bệnh ngài đứng lại không quá một phút rồi tiếp tục đi. Các trợ giáo và bác sĩ không dám hỏi ngài một câu.
- Đây là bệnh nhân mới à?
- Dạ, bẩm giáo sư, mới nhập viện hôm qua... - Một trợ giáo bên trái đáp.
- Anh ta làm sao?
- Chúng tôi chưa chẩn bệnh. Anh ta đau cả hai mắt lại còn kêu nhức đầu liên tục nữa.
Đứng từ xa nhìn hai hốc mắt sưng vù tấy mủ của con bệnh đang quằn quại đớn đau, ông mặt trời y học không hé môi mà lại xì ra một tiếng không hiểu được.
- Sẽ có ngay bây giờ, thưa giáo sư...
Đã quen với lối phản ứng ngắn gọn của giáo sư, đoàn tùy tùng hiểu ngay rằng ngài yêu cầu tiến hành nghiên cứu gỉ mắt của con bệnh. Chỉ cần một động tác là ngài ra lệnh được ngay.
Hai ông trợ giáo lập tức lấy gỉ mắt bệnh nhân đưa đi phân tích và báo cáo giáo sư. Giáo sư cúi mình trên ống kính hiển vi và ngồi rất lâu không rời chỗ. Đến khi ngài ngẩng đầu lên thì gương mặt ngài rạng rỡ với một nụ cười. Các trợ giáo và bác sĩ đứng chết lặng: lần đầu tiên sau bao nhiêu năm họ mới được thấy ngài tươi cười đến thế. Giáo sư với lên giá sách lấy mấy quyển dầy cộp, mở hết quyển này đến quyển khác, lật hết trang nọ đến trang kia. Ngài vừa đọc vừa lẩm bẩm một mình. “À... à... e hèm...”.
- Cho gọi tất cả các anh em đồng nghiệp khác lại đây. Cả sinh viên cũng đến! - Ngài ra lệnh cho đám trợ giáo đang xúm quanh theo dõi.
Văn phòng giáo sư vốn lạnh lùng là thế mà giờ tươi vui rạng rỡ hẳn lên, tựa như đứa trẻ được người lớn cho cái thứ đồ chơi thú vị, ngài không thể đứng yên một chỗ, cứ bước qua bước lại cạnh kính hiển vi.
- Thưa các bạn đồng nghiệp, - Ngài hướng về đám sinh viên và tốp trợ giáo mà nói như thế - một thành công vĩ đại. Chúng tôi đã phát hiện được một thứ vi trùng quý hiếm, độc đáo vô song, một trường hợp hiếm hoi thế này... Biết bao nhiêu bác sĩ nhãn khoa chưa bao giờ nhìn thấy được... Các bạn thật là may mắn vì các bạn vẫn đang còn là sinh viên mà đã được biết đến trường hợp hiếm hoi này. Cái thứ vi trùng gây bệnh này cứ phải hàng triệu, có khi hàng năm mười triệu bệnh nhân mới gặp một lần...
Giáo sư đứng nguyên và xoa tay thỏa mãn, miệng nhắc đi nhắc lại: “Một loại vi trùng quý hiếm”.
- Đây là lần thứ hai trong đời tôi được thấy nó. Ở Pari khi tôi còn là trợ giáo, ngài giáo sư của tôi đã cho tôi được thấy. Bệnh nhân là một người từ châu Phi tới. Nếu loại vi trùng này lọt vào mắt ta thì chỉ trong bốn mươi tám giờ mà không chạy chữa ắt là mù tịt. Khi thần kinh thị giác tê liệt thì cơn đau sẽ hết. Ta cần bắt tay vào việc ngay mới được. Bệnh nhân thấy đau bao giờ? - Ngài hỏi.
- Bẩm, sáng hôm qua, đến đêm thì đưa vào viện.
- Thế nghĩa là... Chúng ta chỉ còn hai mươi bốn giờ nữa, sau đó thì con mắt không nhìn được nữa....
Giờ đây anh ta đang bị đau ghê hồn... Vi trùng này sinh sản cực kỳ mau lẹ và tác động vào trung tâm thần kinh thị giác, phá vỡ các niêm mạc của nó. Bây giờ mời các bạn lần lượt nhìn vào ống kính để quan sát vi trùng.
Các vị trợ giáo và các chàng sinh viên nghiêng mình trước ống kính hiển vi nghiên cứu, còn giáo sư thì đứng bên máy nói thông báo cho các bác sĩ quen biết về cái thành tựu trời cho ấy bằng một giọng thật là cảm kích như báo một niềm hoan lạc.
- Bạn thân mến ơi... một tin chấn động... không phải mấy khi bạn có thể tận mắt mình nhìn thẳng... Phải rồi.. Có nghĩa là ngay chính bạn cũng chưa bao giờ được xem... Đó là một thể vi trùng rất hiếm. Tôi cho rằng ở Thổ chỉ có một số bác sĩ nhìn thấy nó thôi. Giờ đây tôi quả là xúc động thật, bạn hiểu không, nếu bạn có trí tò mò nghề nghiệp thì...
Ngài treo ống nói và bảo mọi người xung quanh:
- Đó các bạn thấy không, ông bạn tôi cũng chưa bao giờ được biết đến... Toàn là các bác sĩ nổi danh mà cũng không ai biết thứ vi trùng đó là gì.
Ngài lại liên tục gọi máy nói đi những đâu những đâu, nào là các hội y học, nào là các hội bác sĩ, đâu đâu ngài cũng tuyên bố “Vi trùng này trong môi trường không khí sẽ bị chết ngay. Phải, nó không thể... Vì vậy bệnh mới không lây được. Nếu không thì hóa ra người ta mù cả hay sao. Xin các ngài lưu ý rằng nó rất hiếm”.
Ngài giữ gìn con vi trùng ấy như một bảo vật, như một kỳ quan vĩ đại và làm hết sức mình để duy trì sức sống cho nó. Lo lắng quá ngài quên cả ăn trưa. Các trợ giáo cũng làm việc quên nghỉ. Ngài sai hai người nhuộm màu vi trùng và phóng to ra cả ngàn lần. Hai người nữa cùng với sinh viên chuẩn bị môi trường thức ăn cho chú vi trùng quý hiếm đó để có thể tiến hành thí nghiệm trong các môi trường axit, môi trường kiềm, trong cả nước canh thịt ở các nhiệt độ khác nhau nữa.
Ngày hôm đó ở khoa mắt, ngoài con vi trùng ấy ra, người ta không còn làm một việc gì khác. Các y tá, hộ lý, thậm chí cả mấy bà lao công cũng bận rộn tối tăm mày mặt. Từ ngày bệnh viện ra đời đến nay chưa bao giờ người ta lo âu, tất bật đến vậy. Bác sĩ các khoa khác nghe tiếng có vi trùng quý hiếm cũng chạy sang khoa mắt để được vào căn phòng có quý vật đó. Bác sĩ các bệnh viện khác cùng sang xem.
Không có ai được về nhà trước lúc đêm khuya. Hôm sau mọi người lại chuẩn bị nội dung cho bài giảng của ngài giáo sư; còn giáo sư thì gần sáng mới về nhà. Suốt đêm ngài chuẩn bị thông báo khoa học, cái thông báo sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong thư mục tài liệu y học thế giới về các bệnh nhãn khoa và sẽ mở đầu cho những công trình thú vị. Ngay trong mấy phút chợp mắt ngài vẫn để tâm đến con vi trùng quý hiếm như cũ. Hôm sau vừa rạng sáng ngài đã có mặt ở bệnh viện xem chú vi trùng sinh sống ra sao. Điều quan trọng nhất là phải tiến hành được thí nghiệm, phải xác định xem vi trùng có thể sinh sôi nảy nở ngoài mát được không. Quả thật, vi trùng đã sinh sôi và phát triển được.
Giáo sư đi lại như bay lượn trong phòng, ngài cười vui, ngài cố nói với mỗi người một câu thân ái, ngài đùa cợt cả với hộ lý. Bài giảng của ngài tại hội trường lớn đã được nhiều học giả lừng lẫy tiếng tăm tới dự.
Giáo sư nói về trường hợp hiếm hoi này cho các đồng nghiệp và các bậc thầy ngoại quốc.
Khoa mắt thật sự đã trở thành trung tâm khoa học có tầm vóc thế giới.
Công việc vẫn tiếp tục. Có ba trợ giáo đã nhìn thấy con vi trùng khoanh tròn hình vòng cung kia biến đổi hình dạng và vươn dài ra khi đưa nó sang môi trường mới. Sung sướng quá quên cả gõ cửa, họ vào thẳng phòng làm việc của giáo sư kể lại điều vừa quan sát.
- Bảo tất cả mọi người đến đây. - Ngài búng tay nói.
Văn phòng ngài lại đầy bác sĩ. Giáo sư hớn hở báo cho họ biết rằng ngài quyết định viết một cuốn chuyên khảo. Bỗng nhiên ngài im bặt và hỏi:
- Còn bệnh nhân thế nào?
- Anh ta hết đau rồi. - Bác sĩ điều trị đáp.
- Thế là thế nào?
- Anh ta mù rồi.
Giáo sư nở một nụ cười hết cỡ.
- Tuyệt vời - Ngài nói - tôi đã nói với các anh mà: sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ, nếu không vô hiệu hóa được vi trùng thì bệnh nhên ắt là mù tịt và cơn đau sẽ dứt... Cứ cho rằng anh ta đau buổi sáng cách đây hai ngày, vậy sáng nay - chắc chắn bệnh nhân mất hoàn toàn thị năng. Đúng thế không nào?
- Đúng thế ạ. - Ông trợ giáo đáp.
- Ở đây hoàn toàn không có gì sai lầm, các bạn thân mến... tôi đã nói với các bạn, khoa học không hề lừa dối.
Giáo sư, nhóm trợ giáo và đám sinh viên vui vẻ bước vào phòng thí nghiệm nhãn khoa để tiếp tục công trình nghiên cứu.
Điên Cuồng Bất Đắc Dĩ Điên Cuồng Bất Đắc Dĩ - Aziz Nesin Điên Cuồng Bất Đắc Dĩ