For friends... do but look upon good Books: they are true friends, that will neither flatter nor dissemble.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Thái Long
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1841 / 36
Cập nhật: 2017-08-30 16:40:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bóng Ma Suối Kiết
oàn đang mơ giấc thần tiên của một thanh niên viễn du một mình trên một quãng đường vắng, giữa đêm khuya, thì cảm giác hơi kỳ kỳ.
Cảm giác nầy đánh thức tỉnh chàng, chàng lắng nghe để xem cho biết đó là cái gì, thì ra xe lửa đang hạ tốc độ khá nhiều rồi để cho cơ thể của chàng vốn quen với tốc độ cũ suốt mấy tiếng đồng hồ, bị tốc độ nầy làm mất thăng bằng nên báo động cho tiềm thức của chàng hay, rồi kế đó tiềm thức lại báo động cho ý thức rõ.
Toàn ngồi thẳng dậy, day ra cửa mà nhìn bóng đêm dày mịt ngoài kia, khối lá xanh ở cận thiết lộ chỉ được đèn trong xe soi qua lờ mờ thôi và sau đó là tối hoàn toàn.
Đoạn day trở vào, chàng hỏi người bạn đồng hành cao niên ngồi cạnh chàng:
- Thưa ông, ga nầy là ga gì?
- Tôi cũng không biết nữa, ông khách trả lời, tôi đi xa lắm.
Ông ấy nói giọng Huế và Toàn tin ngay là ông không biết thật chớ không phải là ông không sẵn lòng đáp một câu hỏi vô ích, vì chàng đã khai với ông ta, lúc đầu hôm, khi xe mới khởi hành ở ga Sài Gòn, rằng chàng đi Nha Trang thì có cần gì biết cái ga xép giữa truông nầy.
- Xe lửa đã rời ga Biên Hòa khá lâu rồi phải không ông?
- Ừ, nãy giờ xe ngừng ở mấy ga rồi.
- Vậy chắc gần tới ga Suối Kiết rồi chớ?
- Tôi thật mù tịt.
Toàn nghe lòng rộn vui, nhưng một nỗi buồn dịu nhẹ cũng đồng thời làm cho chàng nao nao trong dạ.
Chàng vui vì Suối Kiết như là cái tên của nơi hành hương mà khách mộ đạo là chàng, sắp đến nơi. Nhưng mà chàng cũng buồn vì đấng thiêng liêng Suối Kiết, thật ra, chắc chắn không còn ở đó nữa.
Chàng đứng dậy, nhìn về phía trước. Thình lình còi xe lửa hú lên, cũng y tiếng còi đầu hôm, nhưng ở ga Sài Gòn, giọng nó lại buồn nỗi buồn tiễn biệt, mà nơi đây tiếng còi sau lại nghe vui nhộn thế nầy?
Bỗng Toàn thấy một vùng sáng ở trước đầu xe rồi xe chạy từ từ một lúc thì ngừng hẳn.
Một hành khách đứng dậy, nói to lên một mình, giọng mừng rỡ một nỗi mừng không hăng hái lắm.
- Thôi, tới Suối Kiết rồi.
Rồi ông ta xuống xe.
Trong một giây phút, một sức mạnh vô hình xô chàng bước theo hành khách đó. Biết mình có một công việc quan trọng và cấp bách ở một nơi xa kia, Toàn cố cưỡng lại với sức mạnh ấy, nhưng không thể được.
Chàng bước tới mấy bước rồi nắm chặt lưng dựa của chiếc băng trước mặt làm như bám níu như vậy không còn sợ bị gì lôi cuốn đi nữa.
Nhưng sức mạnh ấy ở chính trong chàng nên rồi chàng buông chỗ bịn ra bước tới nữa.
Ra đến cửa. Toàn còn tự vệ lần cuối cùng, nhưng có một tiếng xa xôi nhưng rất là thiết tha réo rắc kêu gọi chàng, nên chàng đành đầu hàng.
Đêm hăm ba tháng chạp ta trời tối như mực Tàu. Nếu ở nơi khác, ngửa bàn tay lên trước mặt cũng không thể thấy được chính bàn tay của mình.
Mấy ngọn đèn thắp quanh nhà ga, có vẻ bịnh hoạn và khổ sở vô cùng.
Đây là một ga xép giữa rừng, Toàn rất biết điều đó từ lâu. Phía bên kia xóm ga, sau một khu rừng, là con đường thiên lý với lữ quán Cao Văn Trạng, cất lên để đón du khách sang đi xa bằng xe hơi nhà. Chỉ ở đó là có hơi hám văn minh thôi, còn xóm ga nầy là nơi đèo heo hút gió.
Chàng lại còn biết chắc một điều nữa là nàng không còn ở đây.
Thế mà chàng cứ xuống xe, không dừng được.
Thình lình xe lửa nổi còi rồi cả đoàn xe dài thậm thượt chuyển mình lướt tới. Toàn chưa ra khỏi nhà ga chợt tỉnh, và hoảng hốt chạy theo xe, nỗ lực bám vào một thanh sắt ở một đuôi goong kia, nhưng không kịp.
Gã thụy du nầy đành buông thanh sắt ra, không chạy đua với xe nữa, và nhẫn nại chịu số phận, nhìn mười mấy goong hàng hóa bịt bùng kết ở đuôi đoàn, lướt qua nhanh chóng trước mặt.
Gã thụy du? Vâng, đó là một gã thụy du và nói "hắn chợt tỉnh lúc nghe tiếng còi" không phải là nói quá.
Hắn hành động như một kẻ đang ngủ, đứng dậy đi mà không hay biết, đó là kẻ mắc chứng bịnh thần kinh gọi là thụy du.
Hắn bị một định kiến ám ảnh và sai khiến. Định kiến ấy là tên của ga nầy: Suối Kiết.
Thuở còn đi học, những lần nghỉ hè, đi Huế, đi Nha Trang, qua đây hắn không thèm để mắt đến cái ga quê này. Tên Suối Kiết đối với hắn là một tên làng hẻo lánh nặc danh, vâng, mặc dầu địa điểm ấy có tên, nhưng nó vẫn nặc danh như thường như một nông dân tên là Nguyễn Văn Hai, hoặc Trần Văn Ba vậy.
Hiện kim, địa điểm ấy không phải là danh lam thắng cảnh để du khách nhắc nhở đến, mà trong thời gian, nó cũng không phải là một bãi chiến trường như gò Đống Đa, như truông nhà Hồ, như bến Vạn Kiếp để sách vở phải nói đến nó và học trò phải thuộc tên nó.
Thình lình năm ngoái, lên lớp đệ nhị ở một tư thục kia, địa danh Suối Kiết bỗng trở nên vô cùng quan trọng đối với Toàn.
Đó là một lớp hỗn hợp lam nữ, đông được tám mươi tám học sinh mà quá phân nửa là nữ sinh.
Nữ sinh nào cũng có tên thơ mộng cả, nhưng sau ba tuần nhập học, giáo sư gọi đến tên một cô thì cả lớp rầm rộ mà cười.
- Hà thị Suối Kiết!
Người bình dân miền Nam rất sợ tĩnh từ "Kiết" vì nó đồng âm với một danh từ chỉ một bịnh không đẹp mắt bao nhiêu. Lắm người muốn gọi cái ga nầy là ga Suối Cát cũng vì thế.
Riêng Toàn không cười. Chàng chết lặng đến mấy mươi giây vì bị tiếng sét.
Nhưng suốt niên học, chàng không trao lời với cô gái ấy. Chàng nhút nhát, lại được giáo dục nhà luyện cho cái tính quá dè dặt nên mấy mươi lần muốn hở môi, mấy mươi lần lại thôi.
Không nói gì, nhưng mơ nhiều lắm.
Nếu cái tên Suối Kiết là đầu đề câu chuyện pha trò của bạn hữu chàng thì trái lại, nó là cái đích là hồn chàng viễn du tới, một cách nghiêm trang.
Hà thị Suối Kiết, ngoài vẻ xinh đẹp, lại có tướng sang trọng đài các thì không thể nào là dân bổn xứ của một nơi khỉ ho cò gáy như Suối Kiết. Đó là một điểm chắc chắn!
Điểm chắc chắn thứ nhì là người địa phương không bao giờ lấy tên làng mà đặt cho con. Đó chỉ có thể là thói quen của dân cư ngụ, họ đặt thế để kỷ niệm cái thời gian họ tạm trú nơi nào đó.
Mà hạng người cư ngụ ở cái xứ Suối Kiết đìu hiu quạnh quẽ chỉ có thể là một ông xếp ga thôi. Toàn suy luận như vậy, và tin rằng mình đoán đúng vì người bổn xứ Suối Kiết ắt hẳn không gởi con đi theo học trung học ở Sài Gòn.
Chàng lại đoán rằng ông xếp ga ấy gốc người miền Bắc. Hồi tiền chiến, người miền Nam rất sợ làm ở Bưu điện và sở Hỏa xa vì có thể bị thuyên chuyển đến những nơi hẻo lánh như cái đất Suối Kiết này.
Năm ngoái, cô Suối Kiết mười chín thì tức thân phụ cô là một xếp ga tiền chiến rồi vậy.
Nhưng cô Suối Kiết lại nói giọng miền Trung, giọng Quảng Nam hay giọng Bình Định gì đó chàng không rõ.
Để nói cái câu: "Hắn làm rầm rầm tôi phải cắn răng chịu, chớ không dám cằn rằn" cô ta nói: "Hén làm rèm rèm, tui phải kén ren mà chịu, không dám kèn rèn".
Chàng tưởng tượng ông xếp ga ấy bị thuyên chuyển vào Nam theo cái đà Nam tiến ngày xưa, nghĩa là đi qua miền Trung trước, rồi lấy vợ ở đó, đoạn mới đổi vào Suối Kiết. Con cái gần mẹ hơn, nên nói theo giọng mẹ.
Chàng yêu Suối Kiết kể từ năm ngoái và cái làng nặc danh ấy, cái nơi rừng rú cỏ cháy đồng khô ấy bỗng trở nên trù mật vô cùng trong trí của chàng. Đó là nơi vườn tược sầm uất, suối trong thấy đáy, dân cư đông đảo, mộc mạc bình dị mà không quê.
Cuối niên học, cả hai đều đậu tú tài I, rồi vì gia đình suy sụp, Toàn phải bỏ học để đi làm.
Sau đó, chàng có trở lại trường cũ để hỏi thăm tin tức về cô bạn đồng song mà chàng đã yêu thầm lặng thì cô ta đã đổi trường, đi học ở đâu, không ai biết cả.
Từ đó mối tình câm của chàng càng ngày càng trưởng thành lên thì niềm tiếc nhớ cứ làm cho chàng ngậm ngùi đau xót.
Suối Kiết trở thành một nơi hành hương mà đêm đêm, hồn chàng tìm đến để ngưỡng mộ nàng tiên chắc chắn không còn ở đó nữa, vì cái nghề xếp ga nầy y như nghề công chức, không thể nào ông cụ của nàng làm ở nơi đó mãi từ lúc sanh nàng ra đến nay là hai mươi năm rồi.
Hà thị Suối Kiết không còn ở Suối Kiết nhưng mà nơi tiên ngự, tiên thường để dấu gót chân lại trên các tảng đá.
Chính những kẻ hành hương chỉ đến các nơi ấy để chiêm ngưỡng trước các gót chân chứa nước mưa trong vắt, giữa rừng sâu núi thẳm ấy thôi.
Toàn xem lại đồng hồ tay thì bấy giờ đã hơn mười giờ đêm rồi. Tàu Nha Trang khởi hành hồi bảy giờ rưỡi tối ở Sài Gòn, đã vội rời cái nơi mà chắc chắn một trăm phần trăm không hề có người hành khách nào lên xe để đi đâu bằng chuyến xe đêm, từ ngày đường thiết lộ được thành lập đến nay.
Tiếng còi tàu nghe xa vắng trong rừng rồi chết lần trên dặm đường bán dạ.
Toàn nghĩ đến món hàng Tết chở trên xe, mà chàng phải bỏ cho một hiệu buôn ở Nha Trang mà đâm lo.
Đó là hàng Nhựt Bổn. Ác một cái là một hiệu buôn khác cũng cho người đi bỏ hàng Tết ở Nha Trang, cùng một chuyến xe với chàng. Hàng của họ lại là hàng Pháp, được chuộng hơn.
Trễ một chuyến tàu là hỏng một mối lớn, mà có thể mất cả sở làm nữa, khi chủ hãng của chàng biết chàng làm không tròn phận sự vì một lý do không đâu.
Vâng, chàng sẽ thú nhận nửa chừng thôi, là xuống ga để đỡ tù chơn rồi lỡ tàu chạy. Tuy là đỡ tội, chớ thật quả là quá bất cẩn, không thể tha thứ được.
Mấy ngọn đèn ở sân ga đang ngủ gục, chỉ chờ chuyến xe cuối cùng nầy để mà ngủ luôn. Ông xếp ga cũng thế. Ông ta cũng sốt ruột đợi cho hành khách ra để đóng cửa ga và được thở ra vì xong một ngày lao lực.
Hành khách chỉ có hai người mà một cứ đứng đó mãi để nhìn trời đất coi bộ muốn mọc gốc mọc rễ luôn ớ đó!
Ông xếp ga tiến đến nói:
- Xin lỗi ông, cửa ra ở đằng kia.
Giọng nói ông ta là giọng Sài Gòn, Toàn nhìn trừng trừng vào viên xếp ga cao niên nầy, không biết vì ở đây lâu năm quá mà ông nhái được giọng địa phương chăng?
- Thưa ông, ông làm ở đây được bao nhiêu năm?
Viên xếp ga kinh ngạc, trố mắt mà nhìn lại chàng rồi đáp.
- Hai năm, ông tìm người quen chắc?
- Vâng tôi tìm ông xếp ga của những năm tiền chiến.
- Ồ, cái đó rất khó. Đã bao nhiêu lớp người trông coi ga nầy từ hai mươi năm nay, qua không biết bao nhiêu là biến cố. Cái ông tiền chiến ấy chắc đã về hưu từ lâu rồi.
Toàn tần ngần đứng lặng rất lâu. Tiếng còi tàu hấp hối từ nãy giờ vừa tắt nghỉ trong đêm khuya, nhưng chàng cứ còn nghe văng vẳng đâu đó và tưởng như đó là tàu cuối cùng của thế gian mang đi, không bao giờ trở lại cả, người con gái mà chàng thầm mơ.
Ngày mai sẽ có tàu Nha Trang nữa. Ngày mốt cũng thế, mà ngày kia cũng vậy. Nhưng tất cả đều không phải chuyến tàu của đêm nay. Đêm nay không bao giờ tái hiện.
Trên đời còn rất nhiều gái đẹp, nhưng không phải Hà thị Suối Kiết, người con gái của đời chàng. Người nầy không bao giờ chàng được gặp lại mà có dấu vết của nàng chàng cũng không mong tìm thấy.
Viên xếp ga ái ngại hỏi:
- Ông có quen với ai ở đây không?
- Thưa không!
- Vậy mà không thấy ông lo. Chỉ hơi buồn thôi. Hay là ông cứ tạm nghỉ lưng ở nhà tôi. Thật không có chỗ nhưng chắc ông không chê cảnh luộm thuộm nầy.
- Cám ơn lòng tốt của ông.
Toàn lặng lẽ bước theo ân nhân của chàng và được cho mượn một bộ đồ mát và được mời ngủ trên một chiếc ghế bố, đặt ngay ở nhà ga vì nhà riêng của một xếp của một cái ga nhỏ như thế nầy thì chỉ to bằng chiếc khăn mu-xoa mà chứa nào vợ nào con ông ấy, ông ấy có tốt bụng tới đâu, cũng không thể ưu đãi khách hơn.
Nằm dài trên chiếc giường vải, Toàn lắng nghe khí lạnh của rừng thiêng thấm vào da thịt, thắm vào hồn chàng.
Cuối năm trời lạnh, mà khí hậu giữa rừng càng lạnh lắm, đành là thế. Nhưng từ đây, dù giữa mùa viêm nhiệt, trong bốn bức tường kín, có lẽ chàng cũng nghe lạnh như thế nầy.
Không phải là chàng thất vọng vì không tìm được người thương. Chàng đã biết Hà thị Suối Kiết không có ở đây rồi kia mà! Và chàng đã xuống xe trong một lúc ngông thôi.
Nhưng cái phút ngông của con người nhiều tình cảm là đời thật đó. Hắn đã sống y hệt như thật trong những giờ điên loạn của lòng hắn. Và giờ hắn đau khổ thật sự như là cố nhân đã biệt tích.
Nhân diện đào hoa hà xứ khứ
Toàn đã chi phí vào cái ga xép nầy một số tình cảm lớn lao quá nên giờ tiếc quá nhiều cái sự mất mát không mong gỡ gạc được phần nào.
Bên kia tường, tiếng một em bé nói mơ hồ rồi ré lên khóc. Toàn bất giác lội ngược giòng thời gian, tưởng chừng như đang nghe con bé Hà thị Suối Kiết nhõng nhẽo với mẹ.
Ừ, bên kia tường là căn buồng hẹp đã chứng kiến Hà thị Suối Kiết lớn lên, đã chấp chứa những giấc mơ thơ dại của nàng.
Hồn người chưa chết như quanh quẩn đâu đây và hương của nàng cùng với hương rừng như thoang thoảng đưa qua.
Mặc kệ, chàng đã lãng phí tình cảm thì cho "vỡ nợ" luôn ấy, cứ tưởng tượng cho nhiều vào chớ đã trót xài bạc triệu, gần sạt nghiệp rồi, bây giờ hà tiện cũng chẳng đi tới đâu.
Giờ nầy, ở một nơi nào đó trong thành phố Sài Gòn, Toàn nghĩ, có một người thiếu nữ đang mơ đến nơi chôn nhao cắt rún của nàng, nơi nàng trải qua buổi hoa niên sung sướng nhất đời nàng. Nàng lắng nghe tiếng còi tàu của ngày xưa hú trong tđêm của thời gian, cách đây hơn mười năm.
Hồn nàng đang quanh quẩn ở sân ga là nơi nàng tập cỡi xe đạp lần đầu tiên trong đời nàng, hồn nàng thơ thẩn qua mấy gian buồng hẹp, nhưng thờ ơ đi qua, không thèm nhìn một linh hồn bơ vơ đang co rút ở một xó ga mà chịu cái lạnh ngoài trời và nỗi lạnh trong lòng.
Nhưng mặc kệ, miễn chàng yêu là đủ rồi, yêu nhiều như con đường sắt nầy dài vô cùng tận. Mai nầy chàng có thể mất chỗ làm. Cũng mặc kệ cái vặt ấy. Chàng không hối hận gì cả. Suối Kiết là một biến cố cần có mặt trong đời tình cảm của chàng, và dám nhỡ tàu là một hành động can đảm của kẻ biết yêu.
Gió rừng vi vu hú, từ xa đến, rồi đi thật xa, không ghé lại ga nầy giây phút nào cả, như người con gái có mớ tóc thề chảy trên vai như suối đã đi qua không ghé lại lòng chàng giây phút nào cả.
Bất giác Toàn ngước lên trời với ảo vọng nhìn theo gió. Chàng cũng đã ghé qua đây với ảo vọng tìm ai.
Gió rừng vi vu thổi.
(Diễm Phượng)
Diễm Phượng Diễm Phượng - Bình Nguyên Lộc Diễm Phượng