Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được.

Aeschylus

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Thái Long
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1841 / 36
Cập nhật: 2017-08-30 16:40:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Kẻ Giết Cô Thu
ôi làm thư ký riêng cho ông chủ hãng Vinapoupa. Anh cũng biết rằng cái nghề thư ký cũng giống như nghề phóng viên của các anh ở cái điểm có thể đi chơi cà rều mà chủ nhơn không kiểm soát được.
Hôm ấy ông chủ hãng mà tôi giúp việc sai tôi đi tìm một người thợ chuyên môn về chất nhựa plastique và cố nhiên tìm được rồi, tôi còn để ra hai ngày để đi rểu phố, bởi hạng thợ ấy khá hiếm, rất khó tìm, tôi đi cả tuần, chủ nhơn tôi cũng chẳng nói vào đâu được.
Hãng không đăng báo cần người vì thợ chuyên môn họ có thất nghiệp đâu, phải biết nơi họ đang làm việc tới đó "dụ khị" họ, mới mong chuộc kép, chuộc đào được.
Khi tôi cởi xe gắn máy dòng xuống tiệm hủ tíu cá ở đường Nguyễn Công Trứ thì tôi thấy hơn một trăm thiếu nữ, cô nào cũng đẹp cả, đang chen lấn nhau trước văn phòng hãng buôn kia, văn phòng nầy chỉ là căn nhà rộng bốn thước thôi.
Tiệm hủ tíu cá danh tiếng sau Hội Trường Diên Hồng chỉ cách đó mấy căn nhà, nên tôi ngừng xe lại, hỏi một cô đứng trên vỉa hè, gần tôi nhứt:
- Thưa cô, quí cô làm gì mà xung phong hãng nầy dữ tợn như vậy?
Cô gái ấy mĩm cười héo hon rồi đáp:
- Chúng tôi đi xin chỗ làm. Hãng đăng báo cần một nữ thư ký đánh máy, báo ra chiều hôm qua, sáng nay chúng tôi đến thì nghe mấy thầy trong ấy cho biết rằng chiều hôm qua đã có bốn mươi cô tới xin chỗ rồi.
- Hãng bối rối, đề nghị mở cuộc thi và lát nữa đây thì khóa sổ xin thi, nên chúng tôi phải thúc cùi chõ để nộp đơn kẽo trễ.
- Nhưng sao cô đứng ngoài coi tỉnh táo quá vậy?
Thiếu nữ lắc đầu nói:
- Anh thử tưởng tượng coi làm sao mà ta giỏi hạng nhứt trong một trăm năm mươi người được! Khó ăn lắm. Em chỉ sợ rách áo mà chẳng được gì.
Bấy giờ tôi mới "thấy" người đối thoại với tôi, vì tôi bận tò mò về trận xung kích nầy nên chỉ nhìn tổng quát vào đám đông mà thôi, miệng hỏi thăm thiếu nữ mà mắt vẫn xem mấy cô đeo song sắt cửa sổ, kêu gọi bên trong nhận giùm đơn của các cô, vì cái thầy nhận đơn ở cửa chánh, cũng là cửa sắt khóa lại, thầy ấy nhận "rùa" quá.
Thiếu nữ nầy có gương mặt đẹp tuyệt trần. Cô ta bé nhỏ quá, bàn chơn, bàn tay xoàng, cái co cũng không được eo lắm, nhưng gương mặt thì ăn đứt cả các hoa khôi, hoa hậu nữa.
Là tư chức khiêm tốn, tôi không dám trèo đèo mơ những trang giai nhân tuyệt sắc, và một cô gái như thế nầy rất vừa với địa vị của tôi.
Cô ta mặc áo rẻ tiền mà còn sợ rách thì hẳn cô ta sẽ không làm tôi sạt nghiệp vì khoản làm đẹp của cô ta.
Tôi hỏi:
- Cô đã làm qua nơi nào chưa?
- Em đã có chỗ làm một lần rồi, cũng làm thư ký đánh máy.
- Như vậy có hy vọng lắm. Nhào vô đi!
Thiếu nữa lại lắc đầu:
- Em biết rằng khó ăn lắm. Em đã thấy đồng nghiệp của em năm đó, họ đánh máy như gió táp mưa sa; sở dĩ em không bị đuổi chỉ nhờ có gởi gắm mà thôi.
- Nhưng rồi sao cô lại thất nghiệp?
- Vì lẽ riêng.
Tôi đoán rằng con người có vẻ mặt thùy mị, có tác phong đoan trang nầy, con người không son phấn, không xức nước hoa trong một đám người diện như bà hoàng, tôi đoán nàng có lẽ tự dưng xin thôi việc vì khó chịu với ông chủ băm lăm, nên không hỏi gì nữa, vả tôi cũng không có quyền quá tò mò.
Cô gái hỏi tôi:
- Anh làm việc hay buôn bán?
- Tôi là tư chức.
- Hãng anh có cần người làm hay không?
- Có, nhưng chỉ cần người chuyên môn, thư ký thì quá dư. Tôi là thư ký riêng nên giờ nầy mới được ra ngoài, vì...chắc cô biết nỗi khổ của thư ký riêng chớ?
- Dạ biết.
- Nhưng tại sao các cô cứ muốn làm thư ký mà không nghĩ đến nghề khác?
- Ai thì sao không rõ, chớ riêng em, em không biết nghề nào khác hết.
- Sao không học?
- Biết học nghề gì bây giờ?
- Thợ may chẳng hạn.
- Thợ may cũng dư xài, cũng thất nghiệp, cũng lương thấp y như thư ký thì học làm gì?
- Tôi có nhiều sáng kiến lắm, hay tôi mời cô ăn hủ tíu để ta cùng trò chuyện.
Tôi mời mà không hy vọng được nhận, nên tôi ngạc nhiên mà thấy thiếu nữ không do dự, bước theo liền.
Gọi xong hai tô hủ tíu, tôi hỏi:
- Quên biết đến quí danh. Tôi là Lộ, hãng Vinapoupa.
- Em tên Thu.
- Cô phải nuôi mấy miệng ăn trong gia đình?
- Em ở với má và hai em nhỏ, anh của em đi quân dịch, binh nhì, nên cũng chẳng nuôi gia đình được.
Phổ ky đã bưng hủ tíu lại, và chúng tôi phải ăn ngay, kẻo bánh nhão hết.
Khi uống cà phê, tôi hỏi:
- Cô có dạn dĩ không?
- Dạ, cũng không nhát, cũng chẳng dạn.
- Cứ vài hôm, cô tới hãng tìm tôi một lần được không? Để có tin gì về chỗ làm, tôi mách cô. Tôi có quen với một sạp báo, chị ấy muốn sang lại để làm nghề khác kiếm được nhiều tiền hơn. Sạp đó khá lắm, mỗi ngày kiếm không dưới hai trăm, vì chị ấy còn bán thêm thuốc lẻ, vé số, với lại chị ấy cho mướn báo, còn lợi hơn bán nữa.
- Em sẽ đến tìm anh. Nhưng em không thích bán báo.
- Cũng chẳng sao. Rồi sẽ có "tuy dô" khác nữa. Cô có đến thì đến buổi chiều, lúc tan sở.
- Dạ.
Tôi thật thà lắm, không biết tán gái, mặc dầu hẹn với Thu, tôi chỉ có hậu ý mà thôi.
Những ngày sau đó, Thu đến, đúng giờ hẹn và chúng tôi ra đi với nhau vài vòng, tôi chẳng biết nói cái gì cho hay cả, mà tin tức của chỗ làm cũng chẳng có để mà mách Thu.
Nhưng Thu vẫn bền chí đến tìm tôi đều đều, không tỏ vẻ nản lòng, cũng chẳng bực mình vì những câu hỏi ngớ ngẫn của tôi. Tôi hỏi:"Cô có biết nấu ăn chăng?", "Cô có biết vá áo chăng?", "Sống khiêm tốn cô có chịu được chăng?". Thật là chán phèo!
Đôi khi tôi bắt chợt được nụ cười hóm hỉnh của người thiếu nữ thất nghiệp, tôi chắc một trăm phần trăm rằng nàng đang rủa thầm:"Thằng ngốc, có muốn nói gì cứ nói, nào ai ăn thịt được mấy thằng tán gái mà sợ. Cứ bắt con người ta tới mãi cho mất công, rồi không dám mở miệng. Thôi người ta không tới nữa đâu!".
Nhưng nàng vẫn tới.
Và hôm ấy, tôi dám nói, nói một cách rất là cổ điển:
- Cô Thu ơi, tôi đã nghĩ ra lối giải quyết sinh kế cho cô rồi.
Thu sáng mắt lên, đoán rằng tôi đã tìm được chỗ làm cho nàng. Nàng hỏi lia:
- Làm gì? Chừng nào đi làm được? Em sẽ nhớ ơn anh mãi mãi.
- Làm một việc mà tôi e cô không thích.
- Anh cứ nói thử xem.
Tôi nuốt nước bọt mấy cái rồi liều mạng nói ra một câu cụt ngủn, như một anh con trai đi quân dịch mới tập bắn lần đầu, nhắm mắt lẩy cò đại, trúng trật bất cần:
- Làm vợ của tôi.
Nói xong tôi muốn thót lên xe mà chạy ngay.
Nhưng lạ quá! Thu không nổi giận mà cũng chẳng bật cười.
Nàng làm thinh rồi lâu lắm mới nói:
- Anh Lộ nè, lần gặp nhau thứ nhì, em đã thấy anh nói chuyện ăn trợt và đoán biết hậu ý của anh. Nhưng em cứ đến, vì sao, rồi anh sẽ rõ.
Đề nghị của anh hôm nay làm cho em kinh ngạc ghê lắm. Té ra anh chưa vợ?
- Cô cứ theo tôi về nhà để kiểm soát. Tôi cũng nuôi mẹ y như cô, và có một đứa em trai. Tuy nhiên, tôi vẫn đủ sức nuôi vợ và nuôi mẹ vợ.
- Anh yêu em thật tình chớ?
- Tôi thật không biết nói sao cho cô tin.
- Em cứ ngỡ anh muốn tán tỉnh em mà còn nhút nhát. Nay thì vấn đề đã khác rồi. Khó khăn hơn nhiều.
- Cô kén chồng lắm hả?
- Ừ, nhưng người như anh thì được.
- Má cô khó tánh lắm hả?
- Em không có má mới chết chớ.
- Sao cô nói là...
- Em nói láo. Giờ thì không còn giả dối được nữa.
- Cũng chẳng sao.
- Rất là khó anh à. Liệu ba anh chịu để anh đem một cô gái bá vơ về làm vợ không?
- Sao lại bá vơ?
- Không cha, không mẹ, không căn, không cội là bá vơ chớ còn gì?
Tôi châu mày, chợt cũng thấy là rất khó, vì ba tôi khó tánh lắm, không thể nào nhận một cô gái bá vơ vào gia đình.
Thu hỏi:
- Anh có thể xây tổ riêng cho ta được không?
Tôi thở dài mà rằng:
- Tôi không thể vắng nhà ban đêm, mà ban ngày nữa, cũng phải về. Nhưng tôi dám thoát ly gia đình. Mặc kệ.
- Thế nghĩa là anh yêu em nhiều lắm. Anh là người tốt, rất tốt. Mối tình của anh rất chân thật. Như vậy, nếu xảy ra chuyện gì không may, anh có thể tự tử lắm. Mà nếu anh tự tử, em sẽ
ân hận suốt đời.
- Có gì lại không may?
- Biết đâu!
- Cô không tự tin, sợ sẽ phụ tôi sau nầy?
- Không bao giờ.
- Như vậy tôi sẽ liều. Có chết tôi cũng mát dạ.
- Nhưng em sống sót mà dạ lại sẽ bị nung nấu. Thôi nhá!
- Cô Thu, có gì cô cứ nói thật tôi nghe. Nếu cô từ chối hôn nhơn rồi bặt tin luôn thì tôi sẽ chết chắc chắn vì tôi yêu cô lắm rồi.
- Khổ quá. Coi bộ anh si lắm rồi. Nếu em từ chối rồi cút luôn, anh dám tự tử lắm, em tin anh bằng lời về chỗ đó. Nhưng nói thật ra, anh sẽ đau khổ.
- Nhưng đau khổ vẫn hơn là tự tử.
Thu gục gặc đầu. Tôi nói thêm:
- Biết đâu đau khổ mà tôi vẫn bỏ qua được và hạnh phúc được với cô. Chẳng hạn nếu cô là gái bị chồng bỏ...
- Tệ hơn thế. Sỡ dĩ em phải nói thật là vì trong sở anh có một thầy biết em. Thế nào thầy ấy cũng bép xép.
- Thầy nào?
- Thầy Quang.
- Như vậy cô càng nên nói thật.
Chúng tôi đi trên một trăm bước trong im lặng, Thu mới dừng bước lại mà rằng:
- Em không phải tên Thu. Em tên Lê Thị Giang, mồ côi cha mẹ năm em học đệ tứ. Em học đánh máy rồi đi xin chỗ làm một cách phóng mạng. Em được hãng Vinacotygéna nhận, và một tháng sau em trở thành nhơn tình của ông Đồng, giám đốc hãng ấy.
Ông ấy làm áp lực và dụ dỗ em bằng tiền.
Chỗ hẹn là phòng ngủ lậu.
Hai tháng đầu, ông ấy ghen ghê lắm, luôn luôn bắt em đến sau ổng, và ra về trước ổng. Nhưng qua tháng thứ ba, một hôm ổng lại cho em về sau ổng.
Bà chủ nhà cầm em lại, hỏi thăm ổng có ngọt với em hay không, em thú thật là mỗi tháng ổng cho một ngàn rưỡi với lương một ngàn rưỡi nữa là ba ngàn.
Bà ấy chửi ổng tan nát hết, và nói rằng ổng bóc lột em thì không dại gì mà trung thành với ổng. Nếu em muốn kiếm tiền, cứ cho bả biết bả sẽ giúp.
Em bất bình bỏ đi ngay, nhưng về sở thì ông giám đốc gọi em vào phòng giấy của ổng mà cho em hay rằng ổng không cần em nữa, cho em hai tháng lương bồi thường thâm niên và sự thôi việc. Ổng nói em mới làm có ba bốn tháng mà được bồi thường hai tháng lương là hậu lắm đó.
Em tức nghẹn, không nói được mà cũng không khóc được.
Sau suy nghĩ nhiều, em mới biết rằng ổng chán em mà không dứt khoát được nên mới âm mưu với bà kia, để sẽ có dịp bắt quả tang em nhảy dù. Nhưng em không ngã, ổng phải đuổi em vậy.
Em thất nghiệp hai tháng, hết tiền và quẫn bách quá, đành trở lại bà chủ phòng ngủ lậu.
Vì thế mà thầy Quang mới biết em.
Ban đầu em ngỡ là anh biết sự thật, muốn cái gì, nên cứ đến. Không dè anh không như người khác, đề nghị hôn nhơn, em kẹt vì nhơn chứng Quang ấy, đành phải từ chối, nhưng lại thương anh sợ anh quá si rồi tự tử, nên lại phải tự vạch áo cho anh xem lưng.
Anh đau nhưng rồi anh sẽ quên em. Lương tâm em sẽ an ổn.
Tôi đã chết lặng từ lâu, từ hơn mười phút đồng hồ rồi.
Tôi chết đứng vì cô Thu vừa bị giết, bị chính cô ta giết chết.
Cả hai chúng tôi đều im lặng rất lâu, rồi tôi mếu máo nói:
- Em.
- Dạ.
- Em dại quá!...
- Vâng, em chưa phải là con quỉ, vì thế nên em mới còn ráng tìm chỗ làm.
- Em dại quá. Cái kẹt của em rất dễ tháo gỡ. Em cứ tìm riêng thầy Quang, lạy thầy là để em yên, cho em hoàn lương. Thầy ấy coi vậy mà tốt bụng lắm.
Như vậy có phải là anh được hạnh phúc và em có dịp làm lại cuộc đời hay không?
Tôi nói vừa xong thì Thu ôm mặt khóc òa, lâu lắm nàng mới nói được!
- Em còn ngu lắm. Con gái trong trắng không ra con gái trong trắng, mà lão luyện trong tình trường cũng chưa lão luyện. Em tự sát thật là vô ích, làm cho anh đau, không lợi gì cho ai cả. Nhưng đây là bài học mà em đã trả giá rất đắt, trả bằng một chuyến hụt xe hoa, chắc rồi em sẽ khôn ra được.
Thôi, vĩnh biết anh nhá! Lần nầy thì vĩnh biệt thật, em bặt tin luôn mà khỏi lo anh tự tử.
Tôi tần ngần, đứng nhìn theo hai cô gái cứ xa lần, xa lần tôi, một cô Giang, sát nhơn, và một cái xác của cô Thu, cả hai thất thểu bước đi trên hè phố.
Tôi rất tiếc là cô Giang còn khờ quá. Nếu cô ta đã thành một con hồ ly chánh hiệu thì cô ta sẽ tàng hình để cho cô Thu tạo hạnh phúc cho tôi.
Vâng, chắc chắc là tôi sẽ được hạnh phúc thật sự với một ả giang hồ mà tôi không biết dĩ vãng, bởi cô Thu đoan trang với cô Thu bán phấn buôn hương nào có khác gì nhau đâu.
Hai cô chỉ khác nhau khi nào cô biết sự thật. Nhưng tôi chỉ biết ảo ảnh mà thôi, thì tôi sẽ được hạnh phúc.
Thì ra giữa sự lành lặn và sự hư hèn, biên giới rất mong manh, cốt là kẻ ấy có đặt biên giới, và ta đừng vượt biên giới.
Cả hai chúng tôi đều không may, cô Giang bị kẹt thầy Quang và quá non trí, không đặt biên giới được, còn tôi thì phải vượt biên giới một cách bất đắc dĩ.
Bóng kẻ sát nhân và bóng xác chết đã mất hút trong đám đông hè phố từ lâu rồi mà tôi cứ còn tần ngần đứng đó, thương xót một thiếu nữ không may, thương tiếc một người đẹp vừa mất và thương hại cho mình, vừa bắt đầu yêu đã phải chạm trán với một bề trái không đẹp của cuộc đời.
(Tuần báo Tâm Tình, 1965)
Diễm Phượng Diễm Phượng - Bình Nguyên Lộc Diễm Phượng