Most books, like their authors, are born to die; of only a few books can it be said that death hath no dominion over them; they live, and their influence lives forever.

J. Swartz

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Thái Long
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1841 / 36
Cập nhật: 2017-08-30 16:40:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Người Khách Viễn Phương
ồng ý, nhưng phải quyết định mau lên, nắng cháy da đây.
Đã sáu giờ chiều rồi, nhưng đó là giờ ước lệ chứ không phải giờ thật của trời đất, của viện do thời gian nào nên trời còn nắng chang chang.
Dân Việt Nam đã chịu cảnh giờ ước lệ nầy từ thời Decoux, từ thời Nhựt chiếm đóng tới giờ, qua bao triều hưng vong, những chiếc đồng hồ của ta của ta vẫn phải chạy trước một tiếng hoặc hai tiếng, thành thử tới bảy giờ tối, lắm hôm cũng chưa hết nắng.
Nắng chiều không gay gắt như nắng trưa, nhưng nó chiếu xiên, đâm lén sau lưng ta, hoặc làm ta mù quáng - nếu ta dại dột nhìn về hướng Tây, y như lái xe đi trên đường trường ban đêm, mà gặp phải một bác tài vô lễ đi ngược chiều của ta mà cho đèn pha của bác làm lòa mắt ta chơi.
Cả bọn nóng nảy đòi đi ngay, bởi vì đi ít khổ hơn đứng một nơi, ngoài phố, với bốn năm chiếc xì-cút-tơ dồn đống lại một chùm.
Chiều thứ bảy hôm nay, họ quyết định đi ăn cơm ở ngoài, chớ trời nóng quá ăn cơm nhà nuốt không trôi nữa, quyết định nầy tới rất bất thần, sau khi họ ra khỏi nhà một thằng bạn chung.
- Lẽ cố nhiên là nên ăn ở một quán lộ thiên, một thằng đề nghị:
- Cho mát, hay lắm. Nhưng phải là quán xa, để được hưởng ánh đèn nó làm cái gì cũng hóa nên thơ tuốt, bởi ta đi tới đó thì mặt trời phải lặn mất rồi mới được.
- Nè, quán Hoàng Anh có con gái ông chủ quán hấp dẫn như tiểu thuyết của Phú Đức nghen ta, đừng có quên điểm ấy.
- Hoan hô cô Hoàng Anh!
Hoàng Anh có lẽ chỉ là một cái tên phăng te di thôi, nhưng các cậu nhứt định rằng con gái chủ quán mang tên đó.
Chúng nó thích quán Hoàng Anh hơn tất cả mọi quán lộ thiên khác, trừ Thới ra.
Quán Hoàng Anh là một quán nhậu, chuyên bán các thức ăn mà khách hủ chìm rất ưa. Thới không biết uống rượu nên không bao giờ chịu đi ăn ở quán đó hết.
Nhưng chiều hôm nay chàng không phản đối và thót lên yên sau của một thằng bạn ngay.
Không hiểu sao mà chiều nay chàng nghe bồn chồn lạ. Đó là cái nỗi buồn không căn cứ của những năm trước, những năm chàng mới bắt đầu mơ yêu, đó là cái nỗi nhớ thương bâng quơ, không đối tượng.
Thới mắc trở lại chứng bệnh từ bốn tháng nay từ ngày mà Tuyết đi lấy chồng, ban đầu chàng đau tê tái rồi nguôi lần lần và nỗi buồn dìu dịu nầy lần lần xâm chiếm lấy chàng cho tới chiều hôm nay thì chàng nghe như quanh mình là một khoảng không mênh mông.
Mặt trời đã tắt, chưa tắt hẳn, nhưng quán lộ thiên lại không lộ thiên hoàn toàn, nên tối hù, thành thử ở đây phải lên đèn.
- Ta ngồi ở một buồng gần nhà nhứt cho thằng Thới nó thấy mặt "nàng" một lần, nghen các bồ! Ngạc đề nghị.
Cả bọn làm thinh, nhưng họ biểu đồng tình với Ngạc bằng cách chọn cái buồng đó.
Buồng chỉ là một lối nói thôi,
Quán cất giữa một vườn cao su nhỏ, khá cao niên, vì cây cao su nào thân cây cũng ôm được một ôm. Có lẽ đây là một vườn thử cây, nên chủ vườn chỉ trồng chơi năm bảy mẫu thôi, lại trồng ngay cửa Đông của một thành phố lớn là Saigon.
Cao su luôn luôn được trồng ngay hàng thẳng lối, cây nầy cách cây khác độ năm thước và vườn cây là khoảng đất trống giữa bốn cây cao su.
Chủ quán đã trồng trúc cảnh tức loại bỏ cây từ gốc cao su nầy đến gốc cao su khác để ngăn quán ra thành nhiều ô vuông, ô ấy được khách gọi đùa là buồng.
Tàn cao su không dày mịt nhưng cũng làm cho quán tối om, về chiều, và những ống nê ông gắn trên nhánh cây tỏa ra một thứ ánh sáng trắng huyền ảo hơn là những ánh trăng thật, xuống các "buồng ăn".
Thới nhìn qua các khóm trúc thì thấy nhà quán, cất bằng gạch men mà vách không tô xi măng, rất có vẻ gia đình. Sân nhà có đu cho trẻ con, có võng treo trên giá sắt, nhưng quầy thu tiền thì không thấy đâu, nhà bếp chắc là ở sau nhà quán.
Từ nãy giờ trước khi tới đây, chàng tưởng tượng ra một chiếc quầy bằng mây, theo lối sằn dã, và hình dung ra người thiếu nữ ngồi sau quầy với mái tóc bồng bềnh mà thằng Tôn nó thường tả.
Ý, cái thằng Tôn nầy nó mới là họa sĩ làm sao chớ. Nó vẽ bằng miệng, nhưng vẽ tài thế nào mà Thới như đã xem bức chơn dung vẽ dầu của cô Hoàng Anh, do một họa sĩ truyền thần danh tiếng vẽ ra.
Nè, đôi mắt nàng đen lắm, sâu như đáy giếng, lông nheo của nàng là lông nheo thật, mà nó cong quớt lên như là lông nheo giả của đào trên sân khấu vân vân và vân vân...
Không có quầy, nhưng cũng chẳng sao, vì có cái sân gia đình nầy thì hẳn lát nữa đây, cả nhà chủ quán sẽ ra sân hóng mát. Chắc chúng nó đã thấy "nàng" trong dịp ấy, chớ quán nầy đứng đắn, không có nữ chiêu đãi viên, thì Hoàng Anh không thể xuất hiện bằng cách nào khác được.
Trong khi bạn hữu chàng trò chuyện, giải khát để đợi món ăn, thì Thới đưa mắt nhìn sang các buồng khác, qua những bức rèm trúc sống.
Bóng dáng nhiều thiếu nữ thấp thoáng bên kia rèm, đó là khách ăn đấy chớ, chàng biết vậy, nhưng cứ có ảo tưởng đó là Hoàng Anh, ra đây để trò chuyện với khách quen hầu cầm khách.
Nhưng không có cô nào có vẻ là Hoàng Anh mới là đáng tức mình, chỉ cần ảo tưởng mà cũng không toại nguyện.
Hoàng Anh đang nằm nhà thì hẳn không ăn mặc lớn như các thiếu nữ mà chàng thấy dưới ánh đèn, bấy giờ đã sáng lên nhiều lắm, nhờ trời đã tối hẳn.
Chàng nhìn sững cái lưng của một cô gái mặc din và sơ mi đồng màu, một màu da trời thật nhạt, và cố tin rằng đó là thiếu nữ mà chàng tìm kiếm bởi bộ din cho người mặc nó cái vẻ nằm nhà như là bi-da-ma vậy.
Ở đây, cái gì cũng hư ảo hơn là dưới ánh đèn màu trong các hộp đêm nhiều. Lá cao su dày bụi thời gian mà được ánh đèn dịu, soi ngược lên, hoặc được nguồn ánh sáng ấy ẩn trong đó, lá ấy trông mơn mởn và người nhìn cứ như là đang đứng trước một mùa xuân mà thiên nhiên vừa được tái tạo.
Trong ánh đèn màu, người xấu cũng hóa đẹp, ta biết vậy nên cứ không tin là họ đẹp, nếu may mắn có người đẹp thật sự.
Ở đây, ta không đề phòng, vì ánh sáng thật, không cho phép ai ăn gian, mà ác lắm, họ chỉ thấy thoáng qua rèm trúc sống thôi, ta chẳng thấy rõ họ được, mà lại cứ tín nhiệm nơi tình thế không thể ăn gian của họ, thành thử tất cả phụ nữ đều như tiên giáng hạ trong khung cảnh khá thần tiên nầy.
Nhưng cô Hoàng Anh ảo tưởng, bỗng dưng không còn là cô Hoàng Anh nữa, bởi cô ấy đứng lên cùng một lượt với người thanh niên ngồi đối diện với cô, rồi người ấy đèo cô ta sau chiếc vét-ba mà y đã đẩy tuốt vào buồng ăn. Xe nổ máy, và ảo ảnh tan biến liền.
Món ăn đầu đã được dọn ra. Trước khi trải khăn lên đùi, Thới hỏi:
- Còn Hoàng Anh đâu?
- Chưa mà, Hổ nói, đào chưa xuất hiện vào giờ nầy đâu. Có lẽ đang ăn cơm sau bếp.
- Nhưng đào sẽ xuất hiện tại đâu?
- Lát nữa má của đào sẽ ra nằm võng trên sàn, còn đào thì coi chừng em trai nhỏ của đào chơi xích đu.
À, ra vậy. Đó là cảnh mà Thới đã đoán được trước từ nãy giờ.
Bọn nầy ăn tợn lắm. Chúng nó có sáu đứa, vậy mà một con gà giội mỡ to tướng, loại gà ngoại quốc ấy, chúng nó quất có mấy đũa là sạch trơn dĩa.
Huỳnh cầm thực đơn lên vừa xem vừa khỏ vào thành ly bằng muỗng để gọi bồi:
- Cho một dĩa lươn um sữa tươi.
- Dạ thưa hết rồi, anh bồi nói.
Thằng Quỳnh du côn nó trợn mắt hỏi:
- Tụi tui vô đây lúc quán vừa mở cửa, sao mới ăn có một dĩa mà dĩa thứ nhì lại đã hết?
Anh bồi bèn gãi đầu, ấp úng mãi, không đáp được.
- Thôi, cho ếch chiên bơ đi.
- Dạ, ơ...hơ... cũng hết rồi.
- Bộ giỡn sao chớ, muốn tôi ra sau bếp xét nhà không?
Anh bồi do dự rất lâu rồi nói giọng miền Bắc:
- Xin quí thầy thông cảm cho, vì đêm nay là đêm cuối cùng, nên quán không bày vẻ chi cho nhiều.
- Cuối cùng của cái gì? Sanh hỏi.
- Dạ, mai nầy thì chúng tôi dẹp quán.
Cả bàn đều kinh ngạc, Thọ trố mắt há miệng nhìn người bồi bàn rồi hỏi:
- Bộ chủ anh trúng số đặc biệt ba triệu hả? Khi không quán đang đông khách sao lại dẹp?
- Dạ, vì tình thế. Chẳng, ông chủ vườn cao su nầy, ổng cho người Huê Kỳ thuê cả khu vườn, nên chúng tôi phải đi.
Trong khi bạn hữu chàng nhao nhao lên phản đối một cách vô lý và điên khùng một việc mà lũ nó không có quyền ngăn, thì Thới thừ người ra, sau khi chết lặng đi trong mấy mươi giây đồng hồ.
Thình lình chàng nghe đau cái niềm đau của người khách viễn phương, mộ danh mà đến trễ. Thật là:
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
- Sao lại phải đi? Có giết người ta không? Hổ nói to, gần như là hét.
- Dạ, ông chủ vườn cao su đã bồi thường cho chủ tôi một số bạc to lắm. Chủ tôi bợ được sáu trăm ngàn, thì còn đòi gì hơn.
- Thế quán sẽ dọn về đâu?
- Đất gần khó tìm lắm, còn đất xa thì không có an ninh, khách không dám tới. Chắc là quán dẹp luôn.
- Ối giời, thế thì chết tớ dồi, Ngạc nhái giọng Bắc của anh bồi bàn, tớ còn làm sao mà thấy mặt cô Hoàng Anh của tớ được nữa?
Anh bồi ngạc nhiên nói:
- Cô Hoàng Anh là cô chị, đã đi lấy chồng từ lâu rồi, thầy không biết sao?
- Vậy à, thế còn cô em hiện ở nhà tên gì?
- Dạ, tên là cô Thịnh.
Lũ ba gai, thằng thì cười ngất, thằng thì la lối om sòm, trong khi Thới lại nghe đau một niềm đau thứ nhì nữa, trong sự im lặng triền miên của chàng.
Thì ra, chàng là khách viễn phương đến trễ tới hai chuyến, trễ cái chuyến đầu mà có lẽ cô lái đò còn đẹp hơn nữa.
Nhưng sự mất mát lớn lao hơn hết không phải là cô Hoàng Anh đã đi lấy chồng mà là cô gái còn ở lại không được mang tên Hoàng Anh nữa, nơi trí chàng.
Tấm lòng chàng giẫy nẩy lên, không nhìn nhận cô gái còn lại tên là Thịnh, vì chàng đã trót phối hợp tên Hoàng Anh với gương mặt, mái tóc mà bạn chàng đã tả cho chàng nghe. Nhưng không nhận cũng không được, vì sự thật cô ấy tên Thịnh.
Lắm khi, người ta mê ai, chỉ vì cái tên, cái tên còn quan trọng hơn là đôi mắt, cái môi, hoặc một tòa thân thể kiều diễm nữa, cái tên mà văn hào Marcel Proust đã nói đến trong cả một chương sách dày bảy mươi trang, tên nơi chốn hay tên người gì, cũng đều có sức sống riêng của nó, huyền hoặc lạ kỳ.
Có lắm cậu cưới một cô gái chỉ vì cô ấy tên Thu, nội bấy nhiêu đó đủ cho cậu ta lắm rồi, những thứ khác là phụ thuộc.
Có một nhà văn, anh bạn Vũ Xuân Tự, anh ấy từ Hà Nội vào Nam năm 1935, làm đủ thứ nghề, đều thất bại cả, và rốt cuộc năm 1961 anh ấy quyên sinh, anh ấy tâm sự rằng đã vào đây chỉ vì cái địa danh Sài Gòn nó mê hoặc anh thôi, không vì lẽ nào khác, bằng cớ là anh ấy không hề cưới vợ Nam, không hề doanh thương ở Nam, không hề thích cảnh vật miền Nam bằng cảnh vật Hà Nội. Địa danh Sài Gòn mê hoặc anh từ thuở anh còn ở Hà Nội, mà vào đây xong, thất vọng, thất bại, anh vẫn cứ bị nó mê hoặc như thường, chỉ muốn chết ở Sài Gòn thôi và quả nhiên, anh được chết ở Sài Gòn.
- Nhưng sao tới giờ nầy mà chưa thấy có mặt cô Thịnh ra hóng mát, Ngạc hỏi người bồi bàn.
- Dạ, cả nhà ông chủ tôi đều dọn đồ đi hôm nay. Có lẽ rờ-xét đêm nay để thưởng cho chúng tôi về công khó nhọc thu dọn ngày mai nầy.
Tồn cười ha hả mà rằng:
- Được, ngày mốt tôi sẽ tới đây để coi các anh bỏ rơi cái gì lại, tôi lượm, chậu mai nầy sẽ đem đi chớ?
- Dạ.
- Còn chậu kim-quít, chậu nguyệt quới?
- Dạ, cũng sẽ mang đi cả.
- Cái lồng chim?
- Dạ, lồng chim ấy của cô Thịnh, cô ấy quý nó lắm, thì chúng tôi càng mang nó đi cẩn thận hơn các món khác nữa.
Ngày mốt, Thới sẽ vào vườn cao su nầy, chàng tự nguyện như vậy, để nhìn dấu vết của cái lồng chim to lớn, hiện đang được chôn chặt trên một nền xi-măng.
Đó là di tích độc nhứt của người con gái mà chàng chưa bao giờ được cái diễm phúc thấy mặt mũi ra sao cả.
Nếu gia đình nàng chỉ đi nơi khác vì sa sút, chàng sẽ thuê đất, cất nhà giữa khu vườn nầy để tưởng lắng nghe hương thừa của nàng mỗi đầu hôm, để tưởng thấy hình bóng nàng thấp thoáng trong sương chiều như một bóng ma.
Nhưng ngày mốt, có lẽ xe ủi đất sẽ tới đây để ủi rạp mấy ngàn cây cao su cao niên nầy rồi một kho quân nhu sẽ được một vòng tường cao bao quanh, hoặc là mấy mươi chiếc buyn-đinh sẽ mọc lên, mười lần cao hơn cao su già nửa thế kỷ nầy.
Và không bao giờ, còn cái gì của cô Thịnh nữa cả.
Có thể đêm đêm tiếng cười con gái sẽ vang lên nơi đây, vì biết đâu người ta không lập khu giải trí với những quán rượu đông đúc chiên đãi viên ở đây, nhưng có tiếng người con gái và tiếng người con gái, cô Thịnh và những cô phấn bự ấy khác nhau rất xa.
Thới thẩn thờ trông qua màn trúc sống và thấy chiếc đu sắt và bàn đu gỗ sơn màu téch-ni-cô-lo. Chàng lim dim đôi mắt lại.
Người con gái có mái tóc bồng bềnh, mặc bi-da-ma xanh lợt như đang đứng vừa trông chừng em, vừa hỏi mẹ cái gì.
Chàng rùng mình, khi mở mắt ra chỉ thấy cái đu đứng không, y như là con ngựa về tàu, trên yên vắng người kỵ mã đã đơn thương ra đi.
Chàng cố nhìn sững chơn đu, nơi mà thiếu nữ tên là Thịnh có thể đã đứng mỗi đầu hôm. Chàng có đọc một quyển sách, trong ấy người ta nói rằng hình bóng con người hay vật gì, có thể in mờ lên một bức tường, lên cả không khí nơi đó nữa, mà chỉ có mắt của một số người là thấy được mà thôi, khi người ấy, vật ấy bị dời đến nơi khác rồi.
Chàng nỗ lực thử xem bóng cô Thịnh còn vất vưỡng trong không trung ở đó hay không, hoặc nó in mờ trên bức tường gạch không tô xi-măng mà được quét vôi trắng, sau đó hay không.
Không, không có gì cả.
Ngoài kia, quanh cái quán gà giội mỡ là bóng tối dày đặc của một vườn cao su lâu đời, bóng tối nầy, đêm mai, sẽ xâm chiếm nơi nầy, và bóng tối của Sài Gòn đông đúc hai triệu người nặc danh sẽ trùm lên một cô gái nặc danh mà riêng Thới, tên tuổi sẽ vang dội mãi bên tai chàng, chỉ vì chàng chưa thỏa ước mơ.
Bọn thực khách nầy ra khỏi quán, cho nổ máy rền trời, và năm chiếc xì-cút-tơ dẫn hàng một tiến ra cổng trên ngõ đá đỏ xuyên vườn.
Chàng nhìn mặt ngỏ, ngậm ngùi tưởng đến cái ngày mà:
"Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh".
Thật là:"Khóc than khôn xiết sự tình".
(Tuần báo Tiền Phong, 1966)
Diễm Phượng Diễm Phượng - Bình Nguyên Lộc Diễm Phượng