Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Thái Long
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1841 / 36
Cập nhật: 2017-08-30 16:40:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Căn Gác Hồng Của Lâm
hật ra thì căn hồng của Lâm màu xám. Nóc tôn màu xám thì đã đành rồi, mà gỗ và ván màu trắng, màu vàng lợt, cũng muốn màu xám vì nắng táp, mưa tạt chầy ngày.
Nhưng bạn hữu của chàng lại đặt tên gác ấy là "gác hồng" vì một lý do kể ra kể ra rất dài dòng, chớ không phải dịch hai chữ "Hồng lâu" ra đâu.
Lâm là một anh con trai vui tánh. Chắc anh ta cũng có bị những ray rứt hành hạ anh ta chớ chẳng không, ray rứt vì thế sự, vì vận nước, vì tình hoặc vì một chuyện thấp lè tè là chén cơm hằng bữa, nhưng bề ngoài trông cứ như là anh ta yêu đời luôn luôn.
Mà cái gì làm cho một anh con trai yêu đời? Một người đẹp. Đó là lối suy luận của bạn hữu của Lâm.
Suy luận như vậy, lũ nó tò mò tìm xem người ấy là cô nào. Nhưng anh chàng Lâm cứ lủi thủi một thân trên đường đời.
Đi xi-nê, đi dạo phố, đi ăn uống gì chàng ta cũng chỉ đi một mình, hoặc với bạn trai.
Thế nên rồi mấy thằng bạn "ưu thời, mẫm thế" của Lâm lại suy luận sâu thêm rằng, nếu nó cứ đi ra ngoài cu ky một mình mãi thì hẳn là nó giấu người đẹp trong nhà nó, vì một lẽ gì đó.
Vậy là lũ nó trổ tài thám tử, dò la mãi rồi tìm ra cái tổ uyên ương bí mật của Lâm.
Đó là căn gác xép mà Lâm thuê mỗi tháng một ngàn đồng, chủ nhà ở dưới bao luôn đèn nước.
Căn gác, à không, cà căn nhà nầy, nằm trong một ngõ hẻm ngánh, nghĩa là một ngõ hẻm của một ngõ hẻm, ngõ hẻm chánh, rộng hơn ngõ ngánh một chút, là một con dơi muốn xưng mình là chim hay chuột gì cũng được, vì nó nối liền hai con phố song hành rất gần nhau, phố Phan Đình Phùng và phố Trần Quý Cáp, người trong hẽm có cho địa chỉ, khi thì đề Phan Đình Phùng, khi thì đề Trần Quý Cáp, người tìm phải ráng mà thám hiểm vì số nhà vô trật tự ở khu đó đừng có tin nó mà khổ.
Lũ nó tìm được căn gác hồng của Lâm, nhưng không có người đẹp nào trong đó hết. Ừ, lũ nó cố lì, nằm vạ ở đó mấy hôm, mà ra vào chỉ thấy bộ mặt hề của Lâm thôi, còn bóng hồng thì tuyệt nhiên không thấy dạng.
Nàng về quê ngoại chăng? Không, nhà không mang lấy một dấu vết cỏn con của một phụ nữ đẹp hay xấu.
Lũ bạn của Lâm đành chịu bí, vì không còn cách nào khác để truy nguyên bí quyết yêu đời của chàng.
Chiều hôm ấy chàng đi chơi, thằng bạn kiên tâm nhứt vẫn còn nằm vạ trên gác xép với hi vọng mong manh khám phá ra cái gì.
Và nó đã khám phá được cái đó.
Bên kia ngõ hẻm ngánh, trước căn gác xám của Lâm là một biệt thự đồ sộ, trổ mặt ra phố Trần Quý Cáp. Vách nhà bếp, day ra đây, sơn đen thui. Ba căn nhà bếp nầy đều có lầu và mỗi căn lầu đều có cửa sổ kiếng mờ, sau trấn song sắt.
Kiếng mờ nầy không phải là loại kiếng trắng đục, mà là kiếng trong, nhuộm màu lục, có gọt bông hoa trên ấy. Trấn song sắt và bông hoa làm cho những gì hiện lên sau đó, hư ảo ghê lắm chớ không phải có đường viền rõ rệt như là sau kiếng trắng đục vậy đâu.
Hồi bảy giờ tối, thằng bạn kiên tâm ấy đứng hóng mát dựa vào bao lơn gỗ nơi hàng hiên gác và thấy đèn sáng lên trong căn lầu giữa của nhà nhà bếp.
Liền sau đó, một bóng người hiện ra. Vì khả năng biến hình của loại kiếng, bóng người ấy giống như một bức chân dung của phái "quy bít" gồm nhiều mảnh người vỡ ra và được ráp lại. Tuy nhiên nó cũng nhận ra được rằng đó là một cô gái.
Cô gái cởi áo ra rồi mặc vào chiếc áo khác.
Thằng kiên tâm chết lặng đi trước một thứ thoát y rất hấp dẫn nầy vì còn chuyện sau sẽ tiếp theo, gợi tò mò ghê lắm chớ không trắng trợn như thoát y vũ trong các hộp đêm, xem vài pha là hết muốn xem nữa.
Tới đây thì The End, mặc dầu đèn bên ấy còn. Cô gái tan nát trong các bông hoa gọt của lớp pha lê dầy màu lục, rồi biến mất.
Thế rồi ngày hôm sau huyền sử về "bí mật của chàng Lâm" được phổ biến sâu rộng ra và bao nhiêu bạn hữu của Lâm đều cũng đổ xô về căn gác của chàng mỗi đầu hôm, để xem Ti-Vi.
Chính Lâm cũng chỉ mới biết có chuyện động trời nầy thôi, nhưng chàng nói sự thật lũ nó không chịu tin, còn trách chàng xấu bụng nữa là khác.
Mỗi đêm, có thêm một trò chơi mới lạ; người đẹp làm gì như là soi gương, luôn luôn có thay áo, còn thay cả y phục thì chỉ thỉnh thoảng mà thôi.
Tất cả những trò công xúc tu sĩ nầy, lũ bạn dịch vật của Lâm chỉ đoán thấy thôi chớ không thấy rõ, vì hình ảnh nát quá và lũ nó rất giận sao chủ nhà không dùng loại kiếng trắng đục, có phải là hình ảnh mê ly hơn không. Qua kiếng trắng đục, họ cũng chẳng thấy gì rõ ràng được, tuy nhiên, đường nét viền quanh một thân thể vẫn nổi bật lên, đen thui.
Từ đây, hễ thằng nào chán đời, tới đây mua vé là được lạc quan. Ư, thằng Lâm nó bán vé hẳn hòi, chỉ lấy tượng trong năm đồng thôi mà nó nói là để trám miệng chủ nhà ở dưới, ông ấy phàn nàn họ làm ồn quá.
Căn gác xám được đặt tên là "Căn gác hồng" kể từ chiều hôm ấy, hồng vì nó giúp những thằng muốn quyên sinh thấy cuộc đời mang màu hồng, có bám níu vào dương thế để được tiếp tục xem thoát y vũ rẻ tiền.
Nhưng lũ nầy là thi sĩ cả chớ không phải là một bọn thấp lè tè đâu mà chỉ hài lòng mãi với bóng dáng người con gái cởi áo mỗi đầu hôm, bóng dáng ấy nó thô bỉ, không xứng với tâm hồn thơ của lũ nó.
Lũ nó vẽ vời ra: ông chủ nhà là một nhà thầu khoáng, cô gái thoát y là con gái thứ tư của ông ấy. Hai người chị của cô ấy được mỗi người hai buồng ở trên kia, còn cô ấy vì còn đi học nên ở riêng sau nhà cho yên tịnh. Tuy là nhà bếp, nhưng thật ra nhà bếp ở dưới là lầu độc lập, mà ba căn lầu nhà bếp là đã quá sang rồi.
Để xem cô ấy tên gì? Lucie, Hélène, Bích thu. Thúy Liễu? Cái tên cuối cùng mà cậu nào cũng đồng ý là tên Phù Vân.
Và trời ơi, nàng đẹp không vần thơ nào tả cho đúng mức.
Nàng học ở đâu? Đệ nhất Trưng Vương, Đệ nhị Gia Long? Không, như thế thì còn bé lắm vì tâm hồn nàng phải học đại học lận kia.
Bọn thi sĩ cố không xem thoát y vũ nữa mà chỉ đợi đèn tắt để nhìn cái cửa sổ không bao giờ mở ra ấy để mà mơ người đẹp.
Họ cao hơn thường nhơn một bực là chỉ "con người" một vài hôm thôi, rồi đâm ra ghê tởm thú tánh của mình chỉ còn ham ngắm trong tưởng tượng một tâm hồn đẹp mà thôi.
Ư, hẳn là tâm hồn nàng phải đẹp và để cho xứng với vẻ đẹp tinh thần của nàng, họ tự ý bỏ một trò ngoạn mục vô song.
Lâm không được tiền thu vé nữa, nhưng chàng lại rất hài lòng. Chàng si ghế lắm và đâm ghen, muốn chiếm độc quyền người ngọc.
Giờ, không ai dòm mỹ nhân cởi áo nữa, chàng vẫn chưa hết ghen bởi lũ nó còn mơ giai nữ của chàng, còn tưởng tượng về nàng lúc chúng nó nằm trên sạp ván hàng hiên, mà có lẽ mơ cả những lúc chúng nó đi ăn, đi chơi, về nhà ngủ nữa.
Con người vui tánh nầy đã ít nói cười, mặc dầu thật ra giờ đây chàng mới thật sự yêu đời. Chưa chắc gì là những anh hề lại yêu đời và chưa chắc gì anh chàng có bộ mặt lầm lầm lì lì đang đi ngoài kia, mắt nhìn mặt đường nhựa như để tìm một đồng bạc đánh rơi, chưa chắc gì hắn là kẻ có niềm riêng u uẩn gì đâu. Sự thật thường đi trái ngược lại nữa, mấy thằng hay cười, chỉ cười để che dấu tâm sự não nùng nào, còn mấy thằng có bản mặt buồn buồn lại rất vui bên trong, chúng nó cố mà buồn, sợ người ta biết rồi xin bớt niềm vui của chúng nó chăng?
"Ôi là nàng đẹp! Ôi là nàng thanh cao! Mà hễ nàng thanh cao thì nàng biết trọng sự thanh bần, nàng phục lăn cái thằng ở một căn gác xép, biết làm thơ, cái thằng ấy là nhơn vật thơ mộng của các tiểu thuyết mà nàng thường đọc và chắc chắn ngày kia, nàng sẽ can đảm thủ vai nhơn vật nữ trong loại tiểu thuyết ấy, nghĩa là từ bỏ sự giàu sang của ông cha trọc phú, ông ấy cương quyết gả ép nàng cho một viên kỹ sư chỉ biết những con số, để ra đi xây tổ ấm với người lý tưởng của nàng là chàng.
- "Phù Vân! Em Phù Vân, em đẹp như một sợi mấy trắng lững lờ trôi trên nền trời xanh ngắt tháng giêng ta của miền Nam. Có phải là em đang ngồi học bài đó chăng? Và sau vầng trán của em, hình ảnh anh đang nổi lên?".
Bao nhiêu thằng cô đơn, bao nhiêu thằng chán đời vì bị tình phụ trong đám bạn hữu của Lâm đều lành tâm bệnh cả, bởi cuộc đời đã mang màu hồng rồi dưới con mắt mới của họ; trong Căn Gác Hồng; trước bức tường sơn đen và khung cửa sổ tối thui không bao giờ mở ra cả.
Đời họ đã có ý nghĩa nào, một chỗ nhằm để cho họ khỏi vất vưởng như những cô hồn lạc lòng, một chỗ dựa tinh thần để lấy hứng mà làm việc.
Cả bọn sống trong hạnh phúc tưởng tượng ấy được chín tháng
- thời hạn hoài thai và cưu mang của một bà mẹ
- thì một hôm, một biến cố xảy đến cho riêng Lâm.
Một người bà con của của chàng, trong tình cờ câu chuyện, cho chàng biết rằng, một người quen của bác ấy có nuôi một con nhồng (yểng), loại chim nhái tiếng người giỏi nhứt, miễn là có một lớp da xù xì bọc bên ngoài lưỡi của nó. Ông ấy tìm mãi một người biết kỹ thuật lột lưỡi nhồng, nhưng chưa tìm ra.
Lâm biết kỹ thuật đó, không giỏi lắm, nhưng người Sài Gòn không ai biết cả thì chàng có thể vô địch trong thành phố nầy và thà là giúp người ta một cách không toàn bích, còn hơn để vậy thì phí con nhồng của người ta lắm.
Thế nên chàng tình nguyện làm nhà chuyên môn, và được người bà con đưa tới nhà chủ của con nhồng, năm hôm sau đó.
Tới nơi Lâm buồn cười hết sức vì cái nhà ấy không đâu lạ, đó là ngôi biệt thự áng ngữ trước căn gác xép của chàng, cái lâu đài bí mật chứa chấp nàng tiểu thơ kiều diễm mà chàng mơ gần một năm rồi.
Thật là không có sung sướng nào to hơn trong đời của Lâm. Chàng không định mơ suông trọn đời, mà rất mong mỏi một cuộc gặp gỡ tình cờ, và cuộc gặp gỡ ít hi vọng ấy lại tới bất thình lình quá, thật là ly kỳ y như trong tiểu thuyết.
Chủ nhà tử tế không chỗ nào chê, ông ấy thành thật chớ không phải chỉ xã giao để lấy lòng trong một buổi kẽ giúp ông ta đâu, vì chàng xong công việc rồi, ông ấy khẩn khoản mời chàng uống rượu, chàng không uống được rượu, ông ta nài nỉ chàng uống một chén trà ngon, rồi tha thiết khẩn cầu chàng trở lại, càng nhiều lần càng tốt, ông ấy buổi xế luôn có mặt ở nhà.
Nếu không có Phù Vân, chắc Lâm không trở lại đây làm gì, mặc dầu chủ nhà có lòng bao nhiêu đi nữa, bởi một nhà thầu khoán với chàng, hai người xa nhau vạn dặm, không nói chuyện tiền của đâu, mà chỉ nói về cái điểm tâm hồn thôi.
Vậy chàng đã trở lại. Chủ nhà quả nhiên tử tế thật, vì bây giờ ông ấy không còn cần chàng nữa mà vẫn niềm nở tiếp đón chàng.
Ông phải cái tật lẫm cẫm, hay nói chuyện gia đạo và khoe nhà khoe cửa.
Ông ta đưa Lâm đi xem buồng tắm của ông, trong ấy có đặt bồn tắm sen hồng, giá hai trăm ngàn đồng, ông khoe cây cảnh ở sân sau, và khoe luôn cả kho hàng
Vâng, kho hàng, vì ông ta không phải là thầu khoán mà là nhà xuất nhập cảng.
Ông ta có hai người con trai, người trưởng nam làm kỹ sư cho hãng Esso, người thứ nam đi quân dịch và kỳ lạ chưa, ông ta không còn người con nào nữa hết nghĩa là ông ta không có con gái.
Nhưng cũng chẳng sao, người con gái có thể là cháu của ông, hay cháu của bà. Rất có thể là như vậy, vì là cháu nên nàng chỉ ở phía sau nhà thôi.
Kho hàng của ông xuất nhập cảng nầy là...ba căn lầu nhà bếp! Trời ơi!
Khi Lâm được đưa lên đó, chàng nghe như quả địa cầu nổ tung ra vì một tai nạn nguyên tử nào khi thấy căn lầu giữa đây nghẹt hàng hóa, chỉ chừa một chỗ đi nhỏ, trên lối đi ấy đặt một chiếc ghế bố (giường vải) tồi tàn và cái ông chủ lẫm cẫm nầy lại cho biết thêm một chi tiết rất là vô ích và rất tai hại, đó là chỗ ngủ của con sen.
Dưới nhà bếp, là bếp nấu ăn, buồng tắm, buồng vệ sinh và chỗ ngủ của bà bếp với lại thằng nhỏ, con sen hết chỗ nằm, nên được cho lên đây.
Lâm vội xin phép ra về ngay để soát lại vị trí của ngôi biệt thự nầy và vị trí của căn gác của chàng. Quả nhà chàng nhìn thấy nhà kia và cạnh ngôi biệt thự của ông xuất nhập cảng không còn ngôi biệt thự nào khác cả mà có thể bảo rằng chàng lầm lẫn. Hơn thế nữa, cái cửa sổ luôn luôn đóng, chàng đã nhìn thấy bên trong. Nó được trấn song sắt, và được đóng thêm bằng một cửa kiếng làm bằng pha lê gọt bông hoa màu lục.
Ảo ảnh vừa tan biến và giấc mơ chín tháng của chàng chỉ là một giấc mơ.
Lâm đứng tựa lan can gỗ nhắm mắt lại để sống giật lùi trong thời gian, sống lại những xúc động buổi đầu của chàng, sống lại những giấc mơ, những sung sướng của chàng sau buổi đầu ấy.
Những thứ ấy đều thật cả, và quả chàng đã có hạnh phúc.
Chàng bùi ngùi nhớ lại một cô Phù Vân không còn nữa, nhưng sau mấy giờ đau tương tư chàng chợt thấy rằng không cần có cô Phù Vân chàng mới sung sướng được. Một ảo ảnh đã đủ lắm rồi.
Hơn thế nữa, càng không nên có cô Phù Vân nào cả, vì nếu có, thì khi nàng lên xe hoa, chàng sẽ ra sao, hoặc nếu may mắm khó mong, chàng được nàng, rồi chán nàng thì vẻ đẹp của mối tình bông lông sẽ còn gì?
Không, không nên có cô Phù Vân.
Mãi đến giờ phút nầy, chàng mới hiểu được một đoạn văn của một người bạn của chàng "Đi câu, đối với tôi không phải là để được cá. Đi câu là những giờ rình một tăm cá, những phút hồi hộp, nhìn cái phao chim lần...chim lần, nghe đầu cần câu nằng nặng".
Hỡi những anh con trai thất vọng ơi, cô Phù Vân không có, là may mắm cho các anh đó. Cô Phù Vân không có thì giấc mơ niên thiếu, giấc mơ thanh niên của các anh mới có được và mới thọ được cho tới khi các anh đầu bạc rằng long. Mà hình như là các anh cần giấc mơ ấy hơn là cần một cô Phù Vân bằng xương bằng thịt.
Lâm giấu luôn sự thật với bạn hữu của chàng, không phải là vì chàng ghen với lũ nó như mấy tháng trước nữa mà vì thương lũ nó. Nếu lũ nó không tìm thấy được cái triết lý về sự cần thiết của ảo ảnh, chúng nó sẽ đau đến đâu và sẽ chán đời đến đâu?
Cứ để cho lũ nó mơ cô Phù Vân không bao giờ có cho đẹp cuộc đời của lũ nó. Riêng chàng, chàng sẽ đi tìm một ảo ảnh khác, để mà mơ...
(Tuần báo Nghệ Thuật, 1965)
Diễm Phượng Diễm Phượng - Bình Nguyên Lộc Diễm Phượng