To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2677 / 74
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
hủy Thủ đi về lều. Còn nửa gói giao lại cho Tư Mô để ngày mai lại hội nghị bàn trà. Trời ngả hẳn sang chiều. Nắng làm khô những cuốn sách và những tờ báo. Tôi khao khát được đọc báo Sài Gòn xem sinh hoạt văn học trong này ra sao.
Tôi hỏi Tư Mô:
- Tờ nào anh thích nhất?
- Chú cứ đọc đi rồi tôi sẽ trả lời sau.
Tôi mắc màn chui vô nằm kỹ vì sợ lúc mê đọc muỗi đòn xóc chích không hay mà mang khốn. Tôi để một chồng báo và một mớ sách dưới đất ngay đầu võng còn một xấp thì ôm trên mình, như vậy khi đọc hết thì sẵn đó với tay lấy khỏi phải đi đâu mất hứng. Khởi đầu bằng các tờ tạp chí. Tôi dở từng tờ thì thấy mấy truyện ngắn của các nhà văn Liên Xô chống đối Stalin. Như truyện Bàn Tay của nhà văn Kuzenetsov. Anh ta mô tả Stalin với bàn tay đẫm máu, loại truyện ẩn dụ không phải tả chân. Đọc xong tôi dở tìm những bài khác. Bất ngờ tôi gặp bài nói chuyện của Trường Chinh (lâu quá rồi, tôi không còn nhớ tên bài và tờ báo nào đã đăng nó). Nhưng sau này khi về Sài Gòn thì tôi biết đó là do Vũ Hạnh từ khu mang về. Tôi đọc lại cả bài thì thấy gần nguyên văn bài nói chuyện của Trường Chinh mà tôi nghe và sau này đăng trên báo Hà Nội. Lần đó, sau đại hội văn nghệ toàn quốc đè bẹp Nhân Văn Giai Phẩm, ông ta lên lớp toàn thể văn nghệ sĩ Hà Nội. Tất cả là chín điểm. Dài lắm. Cho nên nói không kịp giờ, phải dời văn nghệ sĩ đến Câu Lạc Bộ Quân Nhân ở trong sân Cột Cờ. Câu- lạc bộ nhỏ quá không đủ chỗ chứa cho nên một nửa ngồi bên trong, một nửa đứng ngoài sân cỏ. Tôi là cái thằng không bao giờ chịu đọc hết một bài báo Nhân Dân, bất cứ bài gì và của ai viết trừ bài của ông vua xét lại Khơ Rút Sốp (có bài dài cả ba trang báo nhưng đọc vẫn khoái). Từ 1958 trở đi tôi có ý nghĩ tờ Nhân Dân là tờ báo Ngu Dân nhất thế giới, nói bậy nói bạ, nói ẩu nói tả, nói láo nói toét, không có một bài nào đàng hoàng, ngay cả một mẩu tin sản xuất của Hợp Tác Xã. Các báo Cộng Sản phụ họa cái đường lối đó. Nhân dịp câu lạc bộ không có chỗ ngồi, nên tôi ra ngoài sân cùng với cả trăm người khác một cách hợp pháp. Nghe ông diễn giả nói đâu tới điểm thứ năm gì đó thì tôi ngủ khò. Nằm trên cỏ xanh êm như nệm lại có gió thổi lai rai, tội gì không ngủ. Khi giật mình thức dậy thì tôi nghe lan man được một câu – đến bây giờ vẫn còn nhớ – Câu đó như thế này:
- Ở nước ta thì có nhà văn Tô Hoài chú ý tới lời ăn tiếng nói của quần chúng.
Thế là tôi ghi trong trí câu nói ấy. Tất cả chín điểm của ông nói mất tám tiếng đồng hồ, còn sót lại trong tôi có mấy chữ đó. Bây giờ có cả bài in trên báo Sài Gòn, tôi có thừa thì giờ đọc nhưng tôi cũng không đọc. Tôi tìm các báo khác. Tôi có đọc một truyện ngắn của Thế Uyên, không nhớ là truyện gì trong đó có câu: “Những tên cộng sản cuồng tín”. Câu này không làm tôi phản ứng gì cả. Tuy vậy vẫn còn nhớ tới bây giờ: “cộng sản cuồng tín!” Đúng quá!
Sau đó tôi đọc “Loan mắt nhung” một cách say sưa. Vì lâu nay không đọc loại truyện có nhiều “chất mặn” như vậy. Đúng ra là thời kỳ còn đi học thì có đọc lén các sách của Pháp như Paris Magazine, Sous Les Tilleuls, v.v.. Rồi đi kháng chiến thì đọc báo sách toàn là căm thù giết Tây. Có thể nói chồng báo sách Sài Gòn đã cho tôi thấy hai con đường văn học khác nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn. Hà Nội thì quá nhiều thứ cấm kỵ còn Sài Gòn thì chẳng cấm kỵ gì cả. Tôi cũng không nghĩ là một ngày nào đó tôi sẽ viết như nhà văn Sài Gòn, nhưng có một thời tôi mơ ước được làm nhà văn viết như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân – mô tả những cảnh khốn cùng, những cảnh chơi bời, những cảnh éo le của cuộc đời. Đó là khoảng 1956, khi tôi từ trong Nam mới ra Hà Nội. Tôi thấy sao người viết văn ở đây bị gò bó quá xá. Hở ra một cái là lập trường. Nhất là trong Cải Cách Ruộng Đất thì lập trường càng phải được giương cao lên như một thứ quốc hồn. Nhưng nhìn quanh tôi những nhà văn tên tuổi, có ai viết được một quyển nào về Cải Cách Ruộng Đất đâu!
Tôi chỉ đọc có một quyển “Mười năm” của Tô Hoài. Anh nghe tôi than thở: “Không viết được” thì cầm quyển sách tới tận cái ga-ra bần hèn của tôi – (ở chung với Nguyễn Quang Sáng) ngay bên cạnh một cái cầu tiêu thùng – mà cho tận tay rồi lại còn rủ tôi đi đến chợ Hàng Da ăn bít-tếch và uống rượu vang nữa. Nhưng tôi chỉ uống rượu chớ không ăn, nại cớ là đã ăn cơm rồi, kỳ thực thì bụng nghĩ giá miếng bít tếch năm đồng (tôi lãnh lương có đâu ba chục đồng) thì nhiều quá, ăn rồi biết bao giờ mới mời lại anh được?
Anh khuyên tôi cố gắng nhớ lại chuyện kháng chiến và quan sát chuyện bây giờ… Tôi nhận lời cả, nhưng cứ nao nao tâm trí thế nào ấy, vẫn cứ không viết được. Và ý nghĩ về Sài Gòn ngủ dưới gầm cầu để viết những chuyện trong đó có gã Gavroche, có cô Colette như Victor Hugo hay những chuyện đi hát lang thang trong Sans Famille của Hector Malot, chứ ở đây thì suốt đời chắc chắn không viết được, nên đã có ý định giang hồ lang bạt chứ không thích cuộc sống bình thường. Do đó tôi lên Ủy Ban Quốc Tế xin về Nam để viết… Nhưng chuyện bất thành, như đã kể trên.
Bây giờ tôi lại được thấy “đồng nghiệp” ở Sài Gòn viết những gì mà mình từng mong ước nhưng quả tình là chưa có ý định về Sài Gòn. Vì ít ra mình cũng đã ra khỏi miền Bắc bó buộc, về Nam thì có không khí mới mẻ của chiến tranh chống Mỹ, nào Ấp Bắc, nào Đồng Xoài, nào Địa Đạo Củ Chi, nào anh hùng diệt Mỹ. Do đó ý định xưa của tôi bị loãng đi, hầu như bị vùi lấp. Tuy vậy không chết hẳn!
Tối hôm đó, nhân có một cuộc diễn tập một vở kịch nói của Nguyễn Vũ, tức là ca sĩ Ngô Y Linh trước kia từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam Bộ. Tôi muốn đi xem cho biết. Đây là vở kịch thứ tư của nhà soạn kịch này. Ở Hà Nội, Nguyễn Vũ có vài vở diễn ở Nhà Hát Tây được ở trên khen mạnh. Đó là những vở mô tả phong trào học sinh chống đối chánh quyền ở Sài Gòn. Tôi có đi xem nhưng không đến màn cuối. Tôi thấy nó không đúng. Tác giả bịa ẩu quá! Cũng kiểu như vở Giáo Sư Hoàng của Bửu Tiên. Tôi được vé mời mấy lần mới đi xem, nhưng cũng chỉ xem nửa chừng. (Cái lối của Hà Nội là ở Sài Gòn cái gì cũng tệ hết cả, kể cả lương tâm). Tôi đi học, có nhiều thầy và giáo sư có bằng cấp cao, tôi tin chắc giới trí thức không ngông cuồng như thế, nếu có thì không phải là bản chất mà là hiện tượng, không phải phổ thông mà chỉ là đặc thù gì đó (theo như lý luận của các ông giáo sư Chính trị Hà Nội).
Buổi diễn tập này tôi lại cũng không xem được, vì ông ta cũng phịa ẩu như ở Hà Nội, bất chấp thực tế. Tôi lại gặp Thuần, thằng bạn Hà Nội. Hắn làm Phó giám đốc Đại Học Nhân Dân ở Thái Hà ấp. Trường này tọa lạc trong khuôn viên của Phó vương Hoàng Cao Khải do ông Nguyễn Văn Trấn làm giám đốc, một cái trường đại học gần Khâm Thiên, như một cái ổ cô đầu, dùng để làm mọi việc ngoại trừ đào tạo sinh viên thành tài.
Thuần chán cái chức Phó Giám Đốc trường Đại Học Nhân Dân này vì thực chất không có ai học cả. Nó như một cái nhà chứa. Cơ quan nào cần họp đại hội thì đến mượn hội trường. Chính cuộc đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm đã xảy ra ở cái trường Đại Học Nhân Dân này.
May mắn không hiểu ở trên nghĩ thế nào mà ông Phó Giám Đốc được cho đi học Triết học ở Liên Xô. Hắn đi hồi nào quả tình tôi không hay, nếu có thì sẽ nhờ hắn mua giùm cái quạt máy tai voi để dùng dỗ giấc ngủ vào mùa hè. Bù lại tôi sẽ gởi cho hắn vài chai nước mắm. Khi tôi sắp về Nam thì lại gặp hắn ở Hà Nội. Hắn cho tôi biết cũng sẽ đi Nam cùng với Bùi Thanh Khiết sau này về làm trưởng phòng Chính Trị mà tôi sẽ có dịp nói đến trong hồi ký “Củ Chi Đất Thép Thành Bùn” của tôi.
Khi vào Trường Sơn, đến trạm năm, hay sáu gì đó thì lại gặp Thuần. Bấy giờ hắn làm bí thư riêng cho ông đại tướng Mặt Sắt. Ông đại tướng giấu mặt nhưng nhờ hắn mà tôi biết được. Lần đó hắn cho tôi cả một hộp sữa Con Chim Nestlé thứ thiệt. Ối giào! Phải là một thằng như thế nào và thân với tôi đến mức nào mới có thể làm cái nghĩa cử vĩ đại đó. Rồi hai đứa chia tay. Không rõ hắn đi đường nào nhưng bây giờ gặp lại thì thấy hắn tốt tươi như hoa xuân trong vườn xuân vậy.
- Mày lò mò tới định làm rể cho bà Thanh Loan hả?
- Bậy hoài! Thằng nào muốn làm suôi với tao thì làm chớ tao chịu làm rể cho ai mậy!
- Mày có con trai hay con gái?
- Con trai con gái có đủ, nhưng con trai lớn hơn.
Hắn lớn hơn tôi vài tuổi. Thế mà con đã lớn ngần ấy, còn tôi “vợ còn chưa có, có chi con!” Rõ buồn. Bây giờ tôi mới thấy thích thú thay là cái sự có con. Cứ xách xe chạy rong hết yêu lại yêu, yêu từ Hà Nội yêu vô tận trường đi B, yêu vô tận Trường Sơn rồi bây giờ chả con ma nào bên cạnh cả.
- Tao đem thằng con gởi cho chị Ba Thanh Loan đây chớ.
- Mày móc nó vô hả?
- Chớ sao! Cha Việt Cộng, con Quốc Gia sao được!
Hai thằng kiếm chỗ mắc võng, nhưng nằm một chập, hắn gợi ý:
- Mày có chỗ nào nhậu không?
- Có!
- Vậy thì đi! – Để tôi yên tâm hắn nói ngay – Tao có rượu, thịt, cà phê, thuốc lá đủ hết. Kiếm chỗ nào yếm yếm hai đứa làm một bữa. Tao biết qua đây là gặp mày nên chuẩn bị sẵn hết.
Nói xong hắn đi một chốc rồi trở lại với chiếc xe đạp.
Tôi kêu lên:
- Mày làm chúa tể rồi!
- Vợ tao nó gởi vô đấy!
Tôi nhìn chiếc xe Peugeot mà trầm trồ:
- Phải còn ở Hà Nội tha hồ mà “nhỡn” với các em.
Thuần cười:
- Thứ này trong Nam là đồ bỏ. Tao nói cho vợ tao nghe về tình trạng xe đạp ở Hà Nội. Tao kể cho nàng nghe luôn chuyện một ông giám đốc gởi thơ về nhà ở Sài Gòn qua đường Pháp, chỉ xin gia đình cái khung xe đạp thôi. Vợ tao hỡi ơi. Nàng không dám hỏi “xã hội chủ nghĩa gì nghèo vậy anh?” Nhưng tao đọc trong đầu nàng một trăm câu. -Nào, nhảy lên cho anh đội “lái” về nhà! – Thuần pha trò – Rồi về nhà mời anh đội uống tí “nước”…! Bộ sợ hư xe hả. Peugeot chắc lắm, đừng lo!
Thuần gò lưng đạp đi.
Tôi cũng pha trò trở lại:
- Độ này anh đội còn khỏe không ạ? Vừa gặp “chị đội” có công tác tốt không?
- Tốt chứ! Hí hí! Cả chục năm tích trữ lực lượng chẳng lẽ lại thua à?
- Ba ván liền không bỏ ván nào hả?
- Ôi giào, anh đội khỏe như vâm ấy. Ban đêm không đủ, tranh thủ cả ban ngày.
- Rồi chị đội về à?
- Ở trong này muỗi mòng chịu sao thấu. Ẻn gốc “đ. chĩa” mà.
- Chị ấy có rù rì câu gì mất lập trường không?
- Ẻn thì rầu lắm. Còn thằng con tao thì nó gặp tao nó không mừng chút nào. Nó nói với má nó rằng tao không giống ba nó mới thấy mẹ chớ! Đã vậy, một hôm nó hỏi tao: “Ba ơi ba! Việt Cộng là thằng nào hả ba? Sao hổm rày con không thấy? ” Tao vừa tức cười vừa tức giận, quát: “Là thằng cha mày đây nè!” Nó nói: “Ở trường, tụi con nghe nói: Việt Cộng, ba thằng đeo một tàu đu đủ không rụng.”
Hai đứa cười vang rừng. Chiếc xe bất ngờ sụp xuống một cái ổ gà nhưng Thuần đạp rướn lên. Tôi nói:
- Trường hợp của mày còn có chỗ chế, vì trẻ con chẳng biết gì. Mày đi hồi nó mới bốn, năm tuổi. Ở nhà nó lớn lên không có cha bên cạnh lại bi Ngô Đình Diệm nhồi nhét hai tiếng Việt Cộng vào đầu cho nên nó không thể tưởng tượng một thằng lèm nhèm lùi xùi như mày lại có thể là bố nó. Để tao kể cho mày nghe trường hợp thằng cháu vợ của Lê Đức Thọ. Mày biết Nguyễn Văn Cung trưởng ty Công An Bạc Liêu thời chống Pháp không?
Thuần nói:
- Hắn đeo đít ông em vợ ủy viên Bộ Chính Trị nên được lãnh chức trưởng Sở Du Lịch Hà Nội rồi về Nam được đi bằng máy bay không phải lội Trường Sơn như mày.
- Như mày nữa chớ?
- Ý tao thì khác mày đa nghe!
- Nói vậy mày đi trên mây hả?
- Không biết chừng! Rồi sao nữa?
- Thằng chả có thằng con trai tên là Chu Dung Chu Vương gì đó. Ở tại Sài Gòn nó ăn chơi khét tiếng và mần ký giả nữa. Ông già nó về, kêu nó vô khu nó không vô. Ổng phải nhờ chú ruột nó gọi tiếp nó mới vô.
- Tại sao bố không có quyền bằng chú?
- Tại vì chú nó có công dạy nó nuôi nó từ bé! Ngoài ra chú nó còn là giáo sư triết học đi Liên Xô như mày. Nó vô bị chú nó chỉnh một keo nặng lắm. Nó ngồi im không nói gì. Chú nó tưởng thằng cháu thấm bài bèn lấy bài thơ “Hãy Nhớ Lấy Lời Tôi” của Tố Hữu ra đọc cho nó nghe và giải thích cho nó theo kiểu triết học. Đại khái là: “Phút thiêng liêng anh gọi Bác ba lần” và “lũ giết thuê và lũ viết thuê. “ Y nói là lính Sài Gòn và các ông nhà báo Sài Gòn là một lũ “viết thuê.” Đến đây thì không còn nhịn ông chú được nữa, ông cháu bèn hỏi:
- Chú nói ai là “lũ viết thuê? “
- Là tụi báo biếc Sài Gòn.
Ông cháu cười nhạt:
- Chú đã lần nào gặp “tụi” đó chưa mà biết họ “viết thuê”?
- Chưa gặp nhưng chú biết chúng nó chỉ viết theo lệnh đồng tiền và bọn chánh quyền.
- Cháu xin lỗi chú, cháu cũng là nhà báo đây, nhưng chưa bao giờ cháu viết theo lệnh đồng tiền và lệnh chánh quyền cả. Cháu hoàn toàn làm chủ ngòi hút của cháu. Ngược lại cháu thấy các nhà báo Hà Nội toàn viết theo lệnh chánh quyền.
- Sao cháu biết?
- Cháu có đọc báo Hà Nội khá nhiều. Toàn là một khuôn. Chỉ có Nhân Văn Giai Phẩm là khác thôi.
Ông chú bí lý, ngồi im. Ông cháu tấn công tới tấp:
- Cháu nghe ba cháu nói là nước mình độc lập dân chủ nên má cháu ở nhà nuôi cháu và em cháu để ba cháu đi kháng chiến. Khi hòa bình lập lại, cháu cũng muốn tập kết với ba cháu nhưng má cháu không cho đi vì cháu là con trai duy nhất. Cháu tưởng là miền Bắc có dân chủ thật sự, nhưng khi hành nghề ký giả, cháu tìm hiểu nền báo chí và văn học miền Bắc để so sánh với báo chí và văn học miền Nam đặc biệt là Sài Gòn. Càng tìm hiểu, cháu càng thất vọng. Qua các báo Nhân Dân, Độc Lập, Lao Động, Văn Học, Tạp Chí Nghiên Cứu Văn Học và một số truyện, bút ký của Hà Nội, cháu có thể thấy ngay miền Bắc không có tự do, bất cứ tự do gì. Còn như ông Tố Hữu viết cái câu thơ “viết thuê” là viết ẩu.
Ông chú trợn ngược và nhảy dựng lên:
- Mày nói thật đấy chứ?
- Vâng, đây là cháu nói với một sự chính xác và nghiêm túc tối đa. Cháu có thể đặt giả thuyết: Nếu tất cả các báo đều xóa tên của mình chỉ đề tên báo Nhân Dân thì cũng được, bởi vì báo nào cũng nói giống y báo Nhân Dân, gần như “báo cóp.” Còn truyện và ký, nếu xóa hết tên tác giả chỉ để một ông X hoặc Y nào đó đứng tên giùm tất cả cũng cứ được, vì ngòi bút không có sắc thái, không có cá tính riêng mà chỉ có một lập trường.
Ông chú ngồi ngẩn tò te. Cuộc “tranh luận” giữa chú, cháu chấm dứt. Đường ai nấy đi. Sáng hôm sau ông cháu cắp nón ra về. Mày biết ông chú đó là ai không?
- Ai?
- Ổng ở bên tổ huấn học của Ban Tuyên Huấn Miền Nam.
Thuần đạp một mạch tới nơi “tư thất” của tôi và Tư Mô, thì hạ trại. Tư Mô thấy chiếc xe Peugeot còn mới mà trầy trụa, bùn đất dính đầy thì lắc đầu. Tôi liền giới thiệu thằng bạn:
- Đây là ông Phó Giám Đốc trường Đại Học lớn nhất Hà Nội nhưng không có ông bà học trò nào cả, đồng thời là một nhà triết học suýt đỗ bằng Phó Tiến Sĩ… Còn đây là ông Tư Mô dân ghiền có “bài nhì” của tiểu ban Văn Nghệ nhưng vì không có nước cay nên không vươn lên “bài nhứt” được. Bữa nay ông Phó Tiến Sĩ hụt sẽ đãi ông ghiền bằng một hộp thịt Mỹ, một chai rượu Tây, một gói cà phê Lèo, một chai mắm bò hóc Miên và một hộp sữa Sài Gòn v.v…
- Cơm chiều với mấy cục thịt dọc dai nhách, nuốt không vô, xót ruột chưa biết phải cải thiện sinh hoạt bằng cách nào đây, chẳng ngờ ông bạn mang bằng ấy chiến lợi phẩm tới thết chúng tôi quả thật là nhờ hồng phúc của Sáu Lăng đại đế.
- Đại rượu đế!
Bếp núc nổi lửa rào rào. Rượu khui một cách êm ái. Tránh mọi tiếng động có thể quến những ông khách không mời mà đến, những ông vô ngại tướng quân, và những ông hay đi rảo qua các lều vào những buổi chiều ăn cơm “hẽo” như thế này.
Tư Mô vừa khui hộp thịt vừa nói với tôi:
- Chú Hai sẽ thấy một cục thịt nạc heo bằng chiếc gối đệm trong cái hộp này.
- Sao anh biết?
- Ở Sài Gòn tôi ăn hoài mà. Nhưng nhậu thì đây không phải là món hấp dẫn.
- Kệ nó, dù sao cũng hơn rắn mối và cua đá.
Anh nói:
- Chỉ nên ăn một phần ba, còn hai phần ba để đành ngày mai chớ! Ông bạn ở lại chơi mình lấy gì đãi?
Chai rượu tây hiệu gì tôi không còn nhớ nhưng ngon lắm, lạ lắm. Tư Mô đem nó pha với rượu đế để khỏi xa xỉ. Nhậu xong thì uống cà phê. Cà phê xong đến trà. Vì có khách đặc biệt nên tôi lẫn anh Tư đều đồng ý không mời Thủy Thủ. Tuy nhiên, theo điệu nghệ “bài nhì” chúng tôi long trọng quyết định sẽ để dành cho ông bạn vàng một cục thịt khả dĩ chi dụng trong một bữa cơm, ngoài ra sẽ đãi ông một chén cà phê sữa pha theo kiểu nhà nghề và một điếu thuốc Pall Mall.
Thuần nói với tôi:
- Tao tìm mày để nhậu bữa nay vì tao sắp đi với “ổng” xuống Củ Chi đất thép không biết chừng nào về và không biết có về được không. Ngoài ra tao muốn gởi thằng nhỏ cho mày trông coi giùm. Má nó không cho nó đi nhưng tao sợ để nó ở ngoài rồi nhiễm ba cái văn hóa Sài Gòn. Sau này khó uốn nắn theo cách mạng dữ lắm.
Tôi hỏi:
- Sao mày không để nó ở “bển” có phải tốt không? Ở đó toàn là tướng tá gương mẫu cho thằng bé noi theo, còn trong cái tiểu ban Văn Nghệ này chú bác của nó bê bối lắm, làm sao mà dạy dỗ nó cho được?
Thuần nói:
- Nó bảo nếu để nó ở bển nó sẽ đi về với má nó. Tao nghe nói văn công của chị Ba có lắm chất tươi cho nên muốn gởi nó ở đó. Chị Ba đang cần người mặt mày sáng sủa để làm diễn viên, chắc nó nhảy cóc nhảy nhái giúp cho chỉ cũng được.
Tôi cười:
- Nhưng mà chuột sa hũ nếp, ở đó có mấy cô đào non Việt kiều, coi chừng nó bị hớp hồn đó nghe mày.
Thuận lắc:
- Dòm ngó cho vui thì được nhưng đi sâu hơn nữa ắt không xong. Má nó ở nhà đã lựa chỗ làm suôi rồi. Con nhỏ kia có cho nó hình. Coi cũng khá lắm. Tao nghĩ cũng kỳ, bỗng nhiên mình có dâu. Giống in như trời cho.
- Tao thấy mầy khỏe rồi đó. Dầu sao cũng lấy vốn.
- Vụ con “ba lê” của mày tới đâu rồi?
Tư Mô cười:
- Phải nói là “ba lết” mới đúng.
Tôi cũng cười và phụ họa:
- Chắc là phải “lết” thôi. Nhưng bà bầu Thanh Loan canh kỹ quá. Tao không muốn ra đó.
- Cô “ba lê” tôi gặp ở dọc đường đó anh Tư.
- Anh đội leo núi mệt ứ hơi mà lại còn đèo em út. Vô tới đây chắc em không ngó tới anh nữa phải không? Công anh xúc cá nuôi cò, nuôi cho cò lớn cò dò lên cây.
Tư Mô lắc đầu:
- Không phải vậy đâu ông bạn. Vấn đề lại quay ngược.
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là cô ta đeo mà cậu chàng muốn gỡ. Vì nghe đâu có một cô ở ngoài Hà Nội sắp vô.
Thuần cười:
- Tôi biết vụ đó anh Tư à. Tôi có bằng chứng đây này! Thuần vỗ vô túi áo. Tôi đem tin cô nàng qua cho chú Hai nó đây. Cái thư gởi đi từ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 330. Biết đâu nàng đang trên đường vào. Chú mày biết không? Tôi vào đến đây. – Thuần đưa tay che miệng – mất có sáu ngày kể từ khi gặp chú ở trạm năm. Đó là trạm đặc biệt cho loại cóc nhái như tao. Còn anh Sáu thì chỉ mất có hai ngày.
- Tin gì?
- Để nhậu xong sẽ biết!
- Đi mất sáu ngày mà là cóc nhái, còn tao mất trên ba tháng thì là cái gì? Là ruồi muỗi chắc.
Tư Mô cắt ngang:
- Rượu này khá quá đó ông bạn. Chắc uống xong gân cốt sẽ chuyển răng rắc như dây giăng võng vậy. Ở bên Liên Xô có bán thứ này không?
Thuần lắc:
- Không có đâu. Toàn là Volka. Muốn có rượu Pháp, ý, thì phải vô tiệm rượu đặc biệt.
- Lại cũng quốc tế mậu dịch như ở Hà Nội à?
- Không phải có phiếu nhưng phải có xu cho nhiều. Một chai Cognac, Champague của Pháp giá gấp ba Cognac Champagne của Liên Xô.
- Tại sao vậy?
- Tại uống Champagne Pháp đã hơn. Uống vô một ly là nhớ người yêu phương xa ngay.
- Người yêu phương xa thì nhớ còn người yêu phương gần thì sao?
- Cái vụ đó thì khỏi phải nói rồi. Con gái ở bên xứ bạn “đại chúng và khoa học ” lắm. Tụi nó không có phong kiến như con gái xứ mình. Mày rủ nó đi chơi là nó đi ngay.
- Đi đâu?
- Vô rừng thông, đi bãi biển, đi hái nho.
- Đi hái nho chớ không phải hái lá nho nghe chú Hai? – Tư Mô chen vô.
- Mấy vụ này thì ông Hoàng Cò nhà mình tương đối rành.
Thuần hỏi:
- Ổng có gần đây không? Hú ông lại chơi! Cái giò què của ổng khỏe lại chưa?
- Ổng đi đón con ổng vô. Thằng nhỏ cũng mười lăm, mười sáu tuổi gì đó.
Thuần uống một hớp buông chén và nói:
- Mong rằng nó không hỏi bố nó: Việt Cộng là thằng nào như con tôi hỏi tôi. Thuần quay sang Tư Mô – Anh Tư được mấy cháu?
- Nhờ trời tôi được bốn đứa. Ba trai một gái.
- Chỉ ở ngoải làm nghề gì để sống?
- Bán bánh bò ở nhà lồng chợ Bến Tre.
- Trời đất!
- Đứa con gái và thằng con trai lớn của tôi ở với cô đặng đi học vì vợ tôi không nuôi nổi.
- Nó học trường Sài Gòn thì đố khỏi nó nói “Việt Cộng ba thằng đeo tàu đu đủ cho coi.”
- Thì cũng đành thôi chớ biết làm sao bây giờ ông bạn. Đến vợ tôi còn không hiểu nổi “tại sao anh cứ đi hoài” và “anh đi làm gì?” nữa mà, huống hồ con nít.
- Hồi kháng chiến trước anh ở đâu?
- Mấy năm đầu thì ở tại xứ, sau ngày Một On chiếm, chạy xuống miền Tây. Hòa bình về thành bị tù. Tù ra có người móc, nhảy vô khu. Tóm lại từ ngày có vợ có con tôi chỉ ở trong gia đình chừng vài tháng. Còn bao nhiêu thì đi mần cách mạng.
- Thì tôi cũng như anh vậy. Từ năm 1946 tới giờ có đụng vợ được mấy lần đâu.
Tôi xen vào:
- Sao bả vô mày không bắt ở lại lâu lâu mà thả bả về mau vậy?
- Bắt sao được mà bắt. Ở trong này bom đạn bất ngờ. Rủi chết chùm cả đám làm sao? Bả còn muốn lôi tao về thành nữa đó mày ơi! Đây là tao chỉ nói riêng với mày và anh Tư. Đừng để ông Tổ Chức hay được là tao mất chức “bí” đấy.
- Mấy vẫn còn làm “bí” cho “ổng” à?
- Còn chớ. Ngoài vụ đó ra tao có mần được cái gì.
- Bí nhứt hay bí nhì?
- Chỉ một mình tao thôi.
- Vậy là bí nhứt. Nhút bí!… Ba cái triết học ở Lomonossov, mày đã kho tương hết chưa?
- Chưa. Còn chờ nấu canh Xiêm Lo với mắm bò hóc!
- Sao không ráng học chút nữa lấy cái bằng Phó Tiến sĩ Triết học mà về đút đầu vô rừng mần chi?
- Thì tao cũng tính vậy nhưng mấy chả kêu về đi giải phóng Miền Nam. Đúng ra tao cũng chán ngấy học hành rồi. Học cái gì kỳ vậy mà học năm sáu năm trời. Tao thấy nó chẳng ăn nhập gì với nước mình cả: Duy vật biện chứng pháp xài vô cái ngả nào trong khi dân ăn toàn mắm cáy? – Thuần rút thuốc hút và tiếp – Tao chuẩn bị làm luận án Phó Tiến sĩ.
- Viết về vấn đề gì đó ông bạn? Tư Mô hỏi.
- Chủ nghĩa Mác và vấn đề tôn giáo Việt Nam.
Tôi kêu lên:
- Mày muốn làm Phó Tổng bí thư theo sát đồng chí Trường Chinh chắc! Ổng thì làm một phát “Chủ nghĩa Mác và vân đề văn hóa” còn mày thì “Chủ nghĩa Mác với vấn đề tôn giáo Việt Nam. “
Tư Mô nói:
- Vấn đề của ông bạn đây hóc búa hơn vấn đề của đồng chí Trường Chinh nhiều. Tôn giáo Việt Nam rất phong phú nhưng cũng rất phức tạp.
- Tôi cũng biết vậy nhưng loay hoay mãi chẳng tìm ra đề tài nào. Lại nữa, mình phải chọn đề tài mà mấy ông thầy đọc phải điếc con ráy, mấy ổng không mò ra thì mấy ổng phải chịu thua mình và cho mình năm điểm cộng. Còn nếu mình chọn đề tài dễ xơi như “Chủ nghĩa Mác và kinh tế Việt Nam” thì mấy ổng thừa biết kinh tế của mình là cái cày chìa vôi và xếp hàng rồng rắn mua đồ thì làm sao mình hù mấy ổng được. Tôi chọn đề tài đó là cao tay đó chớ anh! Hì hì. Nhưng khi tôi gởi cái dự thảo về cho anh Bảy Trấn xem thì ảnh trả lời: “Vứt sọt rác cho mau! Đừng có mà bêu riếu chủ nghĩa Mác kiểu đó.”
Thuần bật cười khoái trá:
- Cũng may là tôi được ra trường về nước đi giải phóng Miền Nam.
Thấy tôi ngồi đăm chiêu có vẻ nghĩ ngợi, Tư Mô nói:
- Tôn giáo của mình vô số kể ngoài những tôn giáo lớn như Công giáo, Phật giáo, Cao Đài giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành v.v.. Còn có các ông đạo Nổi, đạo Liếm, đạo Nằm, đạo Ngồi, đạo Đũa Bếp… ở vùng Thất Sơn Châu Đốc ở trên núi Cấm, núi Tượng, ngoài ra lại còn nhiều đạo khác nữa, mà ông giáo chủ nào cũng được tôn thờ cả.
Tôi nói:
- Điều đó cũng khó luận, nhưng không khó bằng đề cập tới các tôn giáo Cao Đài và Hòa Hảo.
- Tại sao? Thuần hỏi.
- Mày không nhớ hồi đầu kháng chiến à? Tại đất Tây Ninh này, bộ đội của các ông Tô Ký, Hai Bứa đã làm cỏ tín đồ Cao Đài quăng chật giếng các đồn điền cao su, còn bộ đội Miền Tây thì giết vô số tín đồ Hòa Hảo ở các vùng Thất Sơn, Bảy Núi, Ba Dầu, Định Mỹ, Láng Linh v.v…. Đặc biệt ở Láng Linh, Vệ quốc đoàn đã giết hằng trăm tín đồ, đốt phá triệt hạ mấy làng. Cảnh tượng ghê rợn đến đỗi có bài hát đồng dao phỏng theo bài “Nhớ Chiến Khu” của Đỗ Nhuận:
Còn đâu trên Láng Linh khi trời chiều
Bên ngàn chất đống cao ngàn thây chết…
- Chú có đi Láng Linh à? Tư Mô hỏi.
- Có chớ. Hồi 47 tôi đi theo bộ đội tảo thanh vùng đó. Rồi năm 50-51 tôi đi chiến dịch Long Châu Hà I – Long Châu Hà II. Bộ đội mình đã bị tín đồ Hòa Hảo bao vây chạy suýt chết.
Cả Tư Mô lẫn Thuần ngồi im. Tôi nói:
- Tệ nhất là mình đã giết ông Huỳnh Phú Sổ lúc ổng đang làm ủy viên đặc biệt của ủy Ban Kháng Chiến/HC Nam Bộ.
- Chuyện đó cũng chưa ghê gớm.
- Vậy chuyện gì mới ghê gớm?
- Mầy không biết cụ Hồ giết Dương Bạch Mai bằng thuốc độc của Trần Quốc Hoàn ở tại Quốc hội à?
Tôi làm bộ không biết:
- Không, tao chỉ nghe ổng đau tim.
- Đau gì mà đau. Thôi bỏ qua đi! Tao mong sao giải phóng cho dân Nam Kỳ về xứ.
- Về con mẹ họ chớ về! Bỏ xác khắp nước Lèo và Trường Sơn! Còn về được mấy ngoe?
Buổi nhậu đạt chỉ tiêu năm trăm phần trăm. Nói chuyện khào một lúc, ai leo lên võng nấy. Tư Mô kéo chăn lên tới cổ buông màn và bảo:
- Các chú xổ bầu tâm sự đi nhé. Tôi du tiên đây.
Đêm đã khuya, nhưng tôi không chợp mắt được. Lá thư của Nguyệt làm cho tôi bồi hồi. Tôi nhớ đêm “tái ngộ” trên đỉnh Trường Sơn. Chúng tôi đã xóa hết giận hờn của ngót mười năm và sống những phút vợ chồng trong căn lều của thằng bạn dược sĩ đồng hương tốt bụng. Nguyệt hứa với tôi khi trở về đơn vị sẽ lập tức xin đi B.
Y như lời, bức thư vào trước như một cánh én mùa Xuân.
Đến Mà Không Đến Đến Mà Không Đến - Xuân Vũ Đến Mà Không Đến