Hướng tới tương lai mà chỉ dựa vào quá khứ, chẳng khác nào lái xe mà cứ chằm chằm nhìn vào kính chiếu hậu.

Herb Brody

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9455 / 252
Cập nhật: 2016-01-30 21:44:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
hững con chim pít báo hiệu mùa màng và tình yêu trai gái từ miền xa lại bay về. Ngoài nương rẫy lúa đã chín vàng rục. Lần đầu tiên những người dân vùng cao miền Tây ở đây gặt vụ lúa hạ. Cũng như ở dưới đồng bằng, theo phong tục làm ăn từ lâu đời, ở đây mùa hái hạt bao giờ cũng trúng vào tháng mười, tháng một, những ngày tháng vui vẻ nhất trong một năm. Và mỗi năm hạt lúa chỉ đậu trên tay người ta có một lần: Tháng hai phát rẫy, tháng tư thì đốt, hạt lúa tra dưới những cái lỗ tròn tròn đen sì chất màu mỡ của tro than. Tháng chín, tháng mười, chim pít đã rủ nhau bay về từng đàn, những con chim sẻ rừng ấy cũng thóc mách và lắm điều, tiếng hót ríu rít cứ xoáy tròn trong nắng mai và gió rét căm căm. Đồng thời chim vẹt kêu điếc tai, chim cu gù, khỉ trên các hang đá từng bầy lần xuống bắt chước tiếng vẹt kêu choèn choẹt trong các nương lúa chín vàng hoe. Các giống vật và chim chóc cứ chực phá hết mùa màng đã sắp được ăn, từng nhà bắt đầu vào rừng đẵn gỗ dựng những chiếc chòi canh. Chung quanh mỗi chiếc chòi canh thú lợp lá sơ sài diễn ra biết bao mối tình thầm kín, biết bao niềm vui rạo rực. Mỗi buổi sáng sớm, các cô gái đi ra nương, gấu váy cũng như hai ống tay áo dính đầy cỏ may và ướt đẫm sương, các cô gái đi nhởn nhơ chung quanh từng gốc cây bị đốt chỉ còn trơ lớp than đen đen, bàn tay thoăn thoắt cắt từng bông lúa nặng trĩu hạt dính lắt lẻo trên cái thân rạ khô xác. Lúa cắt bằng dao hoặc thanh nứa cật rất sắc, cắt xong, lúa được chất vào gùi đeo trên lưng đem về xếp đầy bốn góc chòi. Chiếc bàn đập lúa làm bằng một thân cây gỗ đã bóc hết vỏ, cây gỗ kê cao giữa vạt đất được trang phẳng và rải một lượt phân trâu lên trên. Tất cả những người già, trẻ con và đông nhất là thanh niên trai gái trong bản xúm lại, mỗi đêm đập lúa ở từng chòi canh của từng nhà.
Con trai con gái đứng hàng hai song song, tiếng đập lúa bồm bộp, những hạt lúa chắc mẩy văng thật mạnh và xa. Tiếng con gái hát:
Tìm anh khó hơn tìm ông trăng tròn.
Ông trăng tròn ở xa,
Mỗi tháng còn thấy một lần.
Anh ở gần,
Em tìm mãi không thấy.
Vắng anh, em ăn không no.
Hút thuốc không cháy.
Uống nước mà vẫn khát,
Trời mưa lâu làm cho chòi anh dột,
Chòi anh dột anh phái đi lợp lại.
Anh có ưng em, em cắt tàu lá chuối,
Giúp anh lợp mái chòi.
Không ưng nhau chòi lành cũng dột,
Ưng nhau, chòi dột, anh cùng em lợp cái lá...
Những bông lúa tróc hết hạt được nhả ra khỏi răng chiếc kẹp làm bằng hai thanh gỗ. Bó rơm được tung lên cao về phía sau, rơi xuống giữa những đống lửa cháy bùng bùng hai bên góc chòi. Rơm thải ra đến đâu được vứt tiếp cho đống lửa đến đấy. Tàn một đêm đập lúa, cây rơm đều biến thành tro, chỉ còn đống hạt chắc mẩy chất ùn dưới chân bàn đập. Bên ngọn lửa gần sáng, rượu thịt và xôi mới được dọn ra nhưng chỉ còn người già mải ăn uống, con trai con gái từng đôi chỉ mải trò chuyện, vui đùa. Mùa gặt hái trên nương rẫy ở vùng quê của Xiêm ngày xưa vui vẻ như thế. Suốt vụ gặt không ai hề chợp mắt mà vẫn tỉnh táo vui vẻ. Sau mùa gặt là mùa săn bắn của đàn ông, mùa xe chỉ và dệt vải của đàn bà con gái, mùa những đám mây trắng nõn nà trôi trên trời, và dưới mặt đất những đám cưới với áo quần, tiệc ăn tiệc rượu đông đúc ồn ào trong tất cả các bản...
Buổi sáng nay, Xiêm kẹp con dao giữa kẽ hai ngón tay suốt tùng bông lúa, không khỏi nhớ những đêm đập lúa hồi mình còn nhỏ. Tiếng máy bay râm ran trên đầu. Tiếng đạn đại bác từ xa dội về từng chập âm trong vách đá. Nắng như một thác lửa đang chảy. Mồ hôi ướt thẫm một vạt tròn tròn bên nách bó chặt và trên lưng áo vẽ hai vệt rất thẳng. Xiêm vận chiếc áo xanh đã sờn, khăn đen trùm nửa mặt. Chị cặm cụi cắt lúa, lâu lâu mới ngẩng lên. Sau từng đốm hoa nắng chờn vờn phía trước, mỗi lần ngẩng lên Xiêm lại trông thấy cái bóng xam xám, im lặng của thằng Kiếm. Hắn cũng đang cắt lúa. Hai người đang cắt chung một đám lúa nương bên chân dãy núi đá kề gần nhà.
Thế là thằng Kiếm, thằng chồng Xiêm đã trở về!
Cách đây chừng nửa tháng, Xiêm đi một chuyến dân công phục vụ thương binh, lúc trở về thì đã thấy hắn ngồi ở nhà, bên cái máng đựng sữa ngựa mốc xanh, hai con mắt nhìn dán xuống hai bàn chân xỏ đôi giày nửa da nửa bạt cao cổ. Ông cụ Phang hôm đó cũng có nhà. Hai cánh tay chắp sau lưng, ông lão đi đi lại lại trước mặt thằng con trai, nét mặt hầm hầm đỏ bừng bừng và không để mắt nhìn tới hắn, Xiêm đặt chiếc gùi mây đựng vài bộ quần áo trên vai xuống, vừa nhận ra thằng Kiếm suýt nữa chị thốt kêu lên.
Ba người chẳng ai nhìn nhau, cũng chẳng ai nói với nhau một lời nào. Đó là buổi gặp gỡ sum họp đầu tiên giữa ba người trong gia đình.
Ngay buổi chiều hôm đó, theo lệnh ông cụ, thằng Kiếm đã khoác chiếc túi dết đạn không biết hắn đựng những cái gì bên trong, lên trình diện trước ủy ban Giải phóng xã. Từ lâu, theo nhận xét của xã thì hắn là một đứa lợi hại và nguy hiểm. Nhưng khi đứng trước mặt cán bộ của ta, hắn đã khai hết, cả những điều tội lỗi và xấu xa nhất mà hắn đã làm trong suốt mấy năm đi lính cho Mỹ. Nào ai biết được trong lòng hắn, một tên lính biệt kích được mệnh danh là "Tướng Kỳ", niềm tin đã hoàn toàn mất hết. Từ khi giết tên đại đội trưởng và sau đó được thoát chết trong một trận bộ đội Giải phóng đánh lấn sâu vào chiến hào, hắn đã quyết định dứt khoát phải đảo ngũ. Hắn đã bỏ trốn khỏi đại đội ngay sau đêm bị đánh tan tác. Hắn bỏ trốn, đi lang thang trong rừng, sống vật vã như một con thú đi lạc bầy. Hắn trải qua những ngày buồn rã rời. Hắn lang thang giữa những cánh rừng của thời thơ ấu đang bị thuốc độc và bom đạn Mỹ tàn phá, và cả bàn tay hắn tàn phá.
Không biết giữa cái đêm kinh hoàng chung quanh chiến hào đầy lửa, ai đã biết đích tên hắn để gọi? - Thằng Kiếm tự hỏi - Ai đã gọi hắn thức dậy giữa cơn mê man trong chiến hào? Kiếm, ai đã lên tiếng gọi mày quay súng trở về với gia đình, làng bản?
Hắn cầm hòn đá đập nát khẩu súng, hất tất cả đạn xuống bờ suối, khoác chiếc túi dết đi thẳng một mạch về nhà.
Trên ủy ban Giải phóng xã, cùng hàng chục tên khác, hắn được theo một lớp học ba ngày. Hắn được nghe giảng trên lớp và liên hệ - Hắn là con người thế nào? Hắn là gì? Bước đầu hắn đã tìm thấy câu trả lời.
Từ hôm ở lớp học về, thằng Kiếm càng thầm lặng. Hắn buồn. Con mắt lúc nào cũng nhìn xuống. Trong ngôi nhà bé nhỏ, ông cụ đi vắng luôn. Ban đêm, Xiêm phải sang ngủ nhờ nhà bên cạnh, thằng Kiếm trải chiếc chăn nửa nằm nửa đắp ngủ ngoài sân thượng. Ban ngày, hắn làm đủ mọi việc, lúc theo Xiêm đi cắt lúa, lúc vác dao và rìu đi làm rẫy ngoài núi. Hắn vừa ăn làm một cách chăm chỉ vừa theo dõi tình hình bọn Kỵ binh bay đi giải vây cho Tà Cơn. Thế là bọn "Ngựa bay" cũng bị đánh què rồi! Hắn mừng vì hắn đã thoát ra được. Hắn đã kịp thời đứng ra ngoài một cuộc hành quân đẫm máu của Mỹ. Hắn không sợ chết nhưng cũng không muốn sống để cầm súng đánh thuê cho Mỹ nữa!
Hắn đã bắt đầu nhận ra. Hắn đã đi lạc một quãng đường đời. Từ chỗ ăn chơi, trai gái đến đốt phá, giết chóc để rồi chán ngấy đến tận óc tất cả. Sau này con đường quay trở về với nhân dân sẽ còn hết sức gian khổ nhưng hắn đã nhìn thấy con đường mới, con đường đối với hắn dài dằng dặc trước mặt phải đi tới.
Sang cuối tháng tư, gặt hái xong hạt lúa lại đem vùi xuống đất. Những đám nương mới đốt, tàn tro chưa kịp dẽ, một đôi nơi cành cây còn ngổn ngang. Bà con các bản vùng giải phóng đang bắt đầu tấp nập làm vụ lúa chính vụ. Một buổi tối, ông cụ Phang trên con đường đi công tác xuống một bản vùng phía nam, ghé về nhà, có một người đàn bà cùng đi với ông cụ. Người đàn bà đã có tuổi, ăn mặc nửa như người "dân tộc" nửa như người Kinh, một chéo khăn xanh quấn trên đầu. Chéo khăn ôm sát lấy khuôn mặt hiền hậu đã có nhiều nếp dăn deo hõm sâu. Cách đây mấy tháng, Xiêm đi dự một cuộc họp trên huyện, Xiêm đã gặp chị cán bộ này, và đã được nghe chị nói chuyện. Chị là huyện ủy viên của một huyện vùng dưới, mới lên phụ trách công tác phu vận. Cuộc họp Xiêm dự lần đó triệu tập những người đàn bà có chồng đi lính cho địch. Chị cán bộ kêu gọi các chị em phải tìm cách gọi chồng con trở về, người đã có chồng quay trở về không được xa lánh hắt hủi, phải giáo dục và giúp đỡ tận tình tạo điều kiện cho họ cải tạo thành người tốt.
Xiêm nấu nồi nếp mới cho ông cụ và chị cán bộ ăn. Thằng Kiếm không thấy có mặt ở nhà. Ông cụ Phang muốn nhân dịp về nhà tìm cách nói chuyện với hắn nhưng lâu nay hắn lại đi chơi đêm luôn. Chị cán bộ vừa ăn vừa trò chuyện với Xiêm. Chị tâm sự hồi kháng chiến chị cũng có chồng làm nhân viên ngụy quyền. Chính người chồng một lần đã phục kích và bắn lén chị. Suốt hai năm trời, hai người vẫn sống chung với nhau. Ngày nào chị cũng để phần cơm cho hắn. Sáng, chị thổi một niêu cơm nóng ủ trên bếp. Buổi chiều, chị ăn phần cơm nguội, và lại thổi niêu cơm khác. Chị vừa bí mật hoạt động vừa thuyết phục chồng. Đến năm gần hòa bình, bộ đội sắp về đánh bốt, thằng chồng đã trở về nhà thú tội và tự kiểm điểm trước mặt chị, và xin đứng ra làm nhân mối cho ta. Chị cán bộ, đêm ấy, trong khi ngồi nói chuyện với ông cụ và Xiêm, tỏ ra là người đàn bà luôn luôn nghĩ đến cách mạng và có nghị lực, trước sau không bao giờ ruồng bỏ chồng nhưng phải qua một thời gian nhiều năm, chị mới coi người chồng cũ của chị như một người có thể hòa thuận và sống chung với nhau được.
Trước khi đi, ông cụ dặn con dâu chú ý theo dõi mọi việc làm của con trai và đừng cho hắn đi đâu xa. Ông cụ đột ngột hỏi:
- Rồi nay mai mày định với nó thế nào?
Xiêm cúi đầu đứng im lặng trước mặt bố chồng và chị cán bộ. Ông cụ an ủi con dâu rồi hỏi:
- Mấy lần trước đi dân công phục vụ thương binh, mày tìm không gặp anh Lượng phải không?
Xiêm đỏ mặt, đáp lí nhí:
- Không gặp. Con tìm mà không gặp...
- Rồi sau này mày có thể quyết định dứt khoát với thằng Kiếm - ông lão nói thẳng thắn - Lại ăn ở với nhau hay là thôi nhau, tùy con đấy thôi! Nhưng trước mắt mày có nhiệm vụ giúp đỡ nó cải tạo, đừng để nó hư một lần nữa. Bố bận công tác không về nhà luôn được đâu.
Hai người vừa đi khỏi Xiêm đã sập hết các phên cửa, gài chặt then - Cũng như ngày nào Lượng hay đến đây, Xiêm lại đến ngồi bên bếp, rồi Xiêm nhóm lửa. Cái bếp lửa trước mặt Xiêm cháy sáng rừng rực vậy mà Xiêm đang ngồi một mình? Những đốm hoa lửa đang bay lên mà ở phía bên kia chẳng có anh Lượng về ngồi?
Xiêm đã đi một chuyến dân công tải thương hơn hai tháng vừa trở về. Không thể kể hết những khuôn mặt bộ đội Xiêm đã gặp, đã trò chuyện. Đôi vai Xiêm đã khiêng bao nhiêu đồng chí bộ đội bị thương. Xiêm đã tìm Lượng trên khắp các ngả đường rừng tràn ngập bộ đội và súng ống.
Bây giờ anh đang ở đâu, anh Lượng? Đêm tháng năm, ở ngoài kia trăng sáng vằng vặc. Bây giờ anh đang ở nơi nào? Ở đây lúc này em nghe tiếng bọn con gái ở ngoài chòi kia đang đập lúa và hát:
Vắng anh, em ăn chẳng no,
Hút thuốc không cháy.
Uống mà không khát,
Anh là ngọn núi ở xa hay ngọn suối ở gần?
Là ông trăng tròn ở trên cao,
Hay là ngọn lửa cháy trong bếp?
Anh là con chim pít ăn lúa trên nương.
Hay anh là búp hoa chuối đỏ trên bàn tay cô
Gái trẻ nào vừa hái được ngoài rừng?
Em nhớ anh như con voi quật nát dây xích,
Lang thang khắp trong rừng.
Băng qua một trăm ngọn nút và một trăm con suối...
o O o
Trời chưa sáng hẳn. Dọc theo dãy núi đá, các nhà đang thổi cơm hoặc luộc ngô, khói bếp bọc trên mái. Tất cả các gia đình ngoài ấp mới dọn về mấy bữa nay cũng đang chộn rộn thổi nấu để kịp ăn đi lên nương. Bên nhà Xiêm, chỉ cách vài vòm đá là nhà vợ chồng Nhì Tớ. Nhà bên ấy nửa dựng trên sàn đá, nửa cắm cột bắc sàn nằm thìa lìa ra ngoài. Một lũ trẻ con đứa nào cũng khỏe và trọc đầu, cả mấy đứa con gái. Người vợ khá tiến bộ, lại trông được, chỉ phải điều hay ỷ lại chồng. Ngày còn ở trong ấp, chị đã vào tận trong thị trấn Khe Sanh gọi chồng về, nhất định không cho đi lính nguy. Từ ngày dọn về đây, hai vợ chồng như đôi chim cu gáy. Anh chồng luôn luôn bị vợ bắt nạt nhưng uống rượu vào lại giơ một bàn tay lên, nói phét rằng đã từng bạt tai một thằng lính Mỹ. Cả hai vợ chồng đều làm ăn chăm chỉ. Đợt đi dân công vận tải chiến dịch vừa qua, anh chồng xung phong đi thay vợ, khoác áo lính ngụy đi nghễu nghện, áo chẳng bao giờ cài khuy, gặp bộ đội Giải phóng liền giơ một bàn tay lên đầu: "Chào đồng chí Giải phóng!". Nhì Tớ sống trong cái bản mới của vùng giải phóng một cách thoải mái và vui vẻ, từ hôm hắn ta đi dân công về, lại mặc chiếc áo lính ngụy nghễu nghện khắp bản.
Bên này, Xiêm vừa thức dậy. Nghe tiếng động loạt xoạt ngoài tấm liếp che cửa sổ. Thằng Kiếm đã dậy từ lâu. Hắn nhét mấy thứ đồ đạc và bộ quần áo vào trong chiếc túi dết màu xám cứt ngựa. Hắn đang nói chuyện với một tay thanh niên trong bản đến rủ rê cùng đi săn nai. Anh chàng thanh niên này thuộc loại người không tốt, ngày xưa đã có thời gian hay đi lại trong các ấp và hiện đang bị các cán bộ trên xã chú ý. Xiêm chỉ biết hắn hay chơi bời, tính nết lười biếng và hay tán gái. Hắn khoác khẩu súng săn sơn đen, chiếc củ tỏi bọc giẻ dầu, đứng lấp ló bên dưới cái sàn nứa. Hắn đang giục thằng Kiếm rối rít.
Thằng Kiếm khoác túi, thắt bao đạn, động tác nhanh nhẹn và thành thục của một tên lính biệt kích. Hắn không đi ra lối cầu thang. Hắn chống tay nhảy xuống đất, không một tiếng động.
Hai thằng bạn phường săn đang châm lửa hút thuốc. Xiêm nghe tiếng hai đứa trao đổi thì thầm, liền vội vàng theo xuống. Chị trao cho thằng Kiếm gói xôi và con dao phát to bản. Xiêm hơi rùng mình, cặp mắt của hai thằng đàn ông như đang ôm lấy thân hình chị.
Tiếng Xiêm nói nhỏ nhưng cương quyết:
- Công việc ngoài nương không còn hay sao mà mày bỏ đi săn? Hôm nay tao đi gieo hạt, mày ở nhà dọn nương cho tao làm mùa màng lấy cái mà ăn chứ?
Tên thanh niên lé mắt nhìn Xiêm hồi lâu:
- Vậy là mày không cho nó đi săn nai nữa hả?
Xiêm khoát tay:
- Mày đi một mình thôi. Từ nay nó phải ở nhà làm ăn!
- Nó có phải chồng mày nữa đâu - Tên thanh niên cười giọng khê nặc, nhe mấy cái răng bịt vàng - Bắt nó làm mà không cho được làm chồng hử?
Thằng Kiếm đưa bàn tay vuốt thử lưỡi dao. Hắn nhận ra con dao ông cụ thường dùng để chặt cây to mỗi mùa làm rẫy. Ngày xưa ông cụ có hai con dao phát, hắn chợt nhớ ra, đây là con dao tự tay ông cụ rèn lấy.
- Mày đi một mình thôi vậy! - Thằng Kiếm bảo thằng thanh niên hay ăn chơi rồi quay sang nói với Xiêm, như một tiếng thở dài - Buồn thì theo nó đi săn chơi thôi.
Xiêm nhìn thẳng mặt hắn, giọng bỗng trở nên giận dữ:
- Ngày xưa mày cũng buồn đi chơi thôi mà!
Đó là câu chuyện đầu tiên giữa Xiêm và hắn, sau hơn hai tháng hắn trở về gia đình. Xiêm quay trở lên nhà, vội vàng chỉ sợ không kìm mình được bật khóc lên trước mặt hai đứa. Chị chợt nhớ hết sức rành rọt cái lúc thằng Kiếm cầm roi ngựa đánh chị. Chị cảm thấy y như không khí chung quanh người hắn vẫn chưa phai hết cái mùi nôn lợm của nước hoa, mùi thuốc lá Mỹ và mùi hơi thở của một tên lính biệt kích.
Buổi sáng ấy, sáng hè, mặt trời lên rất.nhanh. Con đường từ bản lên khu vực rẫy mới đốt đi men theo chân dãy núi đá. Dòng suối không chảy nữa, nước bắt đầu đọng thành từng vũng. Ở những quãng lòng suối sâu, nước trở màu rêu, nom đùng đục. Những tảng đá to và sắc cạnh in ngấn nước mùa lũ năm ngoái nằm lô nhô dọc con đường hẹp. Tiếng khiếu hót lanh lảnh. Sườn núi đá dốc thẳm vẩn một vài vệt mây trắng, những vệt mây dần dần trở thành màu đỏ. Mặt trời sắp lên rồi!
Tiếng những người đàn bà gọi nhau dội trong núi. Tiếng nói chuyện râm ran. Những con chó chạy theo chủ dún mình nhảy qua cái lạch nước giữa hai vách đá, miệng sủa vu vơ. Mùi thuốc lá cuốn. Mùi nhựa cây. Mùi hăng hắc thum thủm của thuốc bom tỏa ra từ các khu rừng bị bom B.52. Mới ngày nào đó còn ngổn ngang bừa bộn vậy mà bây giờ đâu đã vào đấy! Chỉ sau có ít lâu, những khu rừng mới phát đã được đốt xong, màu tro đen loang lổ, những vệt đường thú rừng hay đi, những con đường mòn bộ đội vận tải mới mở, những vệt đường lờ mờ của thám báo để lại từ năm ngoái, những con đường trên mặt đất đan xuyên nhau, trước kia hết sức bí mật, bây giờ nằm phơi ra, chạy ngoằn ngoèo từ đám nương nhà này sang đám nương nhà khác.
Xiêm dẫn thằng Kiếm theo một con đường mòn của bộ đội để lại. Chị dừng bên rìa một đám rẫy mới đốt, lửa còn bốc cháy âm ỉ. Khói vương trên một đám cây chó đẻ lẫn gai góc nằm ở đầu bờ bên kia. Tiếng bom dội về từ phía đường 9 nghe như đã xa hơn. Mỗi lần nghe tiếng nổ Xiêm lại ngước lên, vẻ mặt thờ thẫn Xiêm đang trộn thêm tro vào mớ thóc giống đựng trong một mảnh vải bạt sơn, bỗng nghe bên kia chân núi, tiếng vợ Nhì Tớ kêu thét đến khủng khiếp. Xiêm vội vàng chạy sang, dọc đường búi tóc xổ ra phải vừa chạy vừa vấn lại. Xiêm chạy một mạch không kịp thở, cứ tưởng người đàn bà hàng xóm bị tai nạn gì. Chị chạy sang tới nơi bỗng "à" một tiếng đứng ngẩn ra nhìn. Nhì Tớ, tay chồng, áo sơ mi lính màu rêu đầy nhọ than, ngực áo mở phanh, tay cầm đầu một con rắn, khúc đuôi rắn vắt quanh cổ. Thằng cha vừa nhe răng cười vừa chạy chung quanh một gốc cây, chị vợ áo váy tơi tả, tóc xổ tung bay phấp phới, chạy trước tay chồng chỉ vài bước, vừa thét lên những tiếng thất thanh vừa chửi rủa.
Xiêm đứng ngắm cảnh vợ chồng nhà hàng xóm đang đùa nhau rồi quay trở về, tự nhiên thấy hai chân mỏt rã rời như vừa leo lên trên đỉnh núi đá xuống.
Thằng Kiếm cầm con dao phát, đang ngồi trên một thân cây cháy dở dang, đôi giày và hai ống quần của hắn sương ướt đầm đìa.
- Làm đi, mặt trời lên cao mất rồi! - Xiêm giục bằng cái giọng gắt gỏng.
Thằng Kiếm đứng dậy. Xiêm sai hắn đi khuân các cành cây to và những đám gai góc bị đốt còn sót lại, đem chất vào một đống. Rồi cái gì cũng có việc, đám gai góc và cành cây nay mai sẽ dùng làm hàng rào.
Xiêm cầm chiếc que đầu vạt nhọn cắm xuống đất, mấy ngón tay nhon nhón cầm mấy hạt thóc rắc xuống từng cái lỗ, mỗi lỗ hai hạt. Chị tra hạt đến đâu vội vàng lấp đất ngay đến đấy. Hạt thóc nằm kín dưới đất, thế là vững tâm, chim chóc không còn có thể dòm ngó!
Suốt cả buổi sáng, vợ Nhì Tớ chốc chốc lại chạy sang miệng cười khanh khách:
- Xiêm à! - Người đàn bà thò những ngón tay đen nhẻm cào lên món tóc vẫn còn xổ tung - Thằng Nhì nó ác lắm! Nó vẫn còn giấu con rắn ở chỗ nào đó, tao chẳng tìm thấy đâu. Tìm được con rắn thì tao lấy đá đập chết. Nhưng mà, con rắn ấy, thằng Nhì đã lấy cái nọc trong miệng nó ra rồi còn gì?
- Chị chạy sang chơi luôn vậy, để nó làm một mình à?
Xiêm hỏi đùa người đàn bà hay ỷ lại vào chồng.
- Nó là đàn ông thì để cho nó làm! - Chị ta đáp lại và lại cười khanh khách một cách sung sướng.
Xiêm chợt liếc về phía thằng Kiếm. Hắn cởi trần chỉ mặc độc một chiếc quần dài xắn cao, mặt mũi chân tay nhẫy mồ hôi và đen sì. Suốt từ sáng, hắn chẳng bao giờ ngơi tay. Người đàn bà thật dễ dàng động lòng. Trông hắn làm quần quật, và con mắt cứ nhìn xuống, miệng không hề dám hé ra một lời, Xiêm lại chợt thấy thương hại, một chút tình thương dấy lên âm thầm...
Dấu Chân Người Lính Dấu Chân Người Lính - Nguyễn Minh Châu Dấu Chân Người Lính