Ta có thể vượt qua những khó khăn có thật, chứ không thể vượt qua những khó khăn tưởng tượng.

Theodore N. Vail

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9455 / 252
Cập nhật: 2016-01-30 21:44:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ết, người chị của Khuê được điều đến.công tác ở trạm phẫu thuật 25 từ cuối mùa đông, từ ngày những trận mưa dai dẳng sậm sụt đánh ngập hết các con suối trong rừng, và rừng thì ngập những bộ đội.
Một đám con gái quần áo cô nào cũng ướt, ngồi vón lại bên một bìa rừng tranh. Ngổn ngang chung quanh băng ca vải, túi thuốc, ba lô cóc, tăng võng, vài đôi sọt mới đan đựng thuốc men và bông băng. Bộ đội vác súng đi qua trước mặt nườm nượp Những đôi mắt anh con trai nhìn đăm đắm. Những cặp mắt con gái nhìn xa xôi. Con gái ở chiến trường không là văn công thì vận tải hoặc quân y. Con gái ở chiến trường được bộ đội quý và chiều chuộng như em, đó là những cô văn công. Nữ nhân viên quân y, các nữ y sĩ, y tá và hộ lý mặc dầu còn ít tuổi nhưng bao giờ cũng được bộ đội coi như chị.
Những người lính chiến đấu nhìn các cô gái y tá của trạm phẫu thuật ngồi bên đường hành quân thường hay buông câu đùa thân mật.
- Chúc các cô "ế hàng" nhé!
- Chúng em cũng chúc các anh...
- Chúc gì nào?
- Thôi chẳng chúc nữa!
Lợi dụng lúc vắng bộ đội đi qua, đội trưởng phẫu thuật (một ông bác sĩ to béo như vị hộ pháp nhưng lại mang cái tên một thứ hoa) liền ra lệnh cho đám nữ nhân viên của mình đặt quang sọt thuốc men lên băng ca tranh thủ vượt suối. Suối chảy ồ ồ và đục ngầu, nhặt hòn đá ném xuống thấy nổi bềnh lên và trôi băng băng.
Tiếng con gái gọi nhau í ới bên bờ suối:
- Bác sĩ Lan ơi, làm thế nào bây giờ?
- Thế nào là thế nào hả bay, không biết bơi à?
- Hay là thủ trưởng quay mặt vào trong bụi kia.
- Tao quay rồi đây, nhưng lỡ đứa nào bị trôi thì sao?
- Không sao, bọn chúng em vớt nhau được!
Cực ơi là cực, những ngày dắt díu nhau đi tìm khu vực đào hầm dựng lán của đội phẫu thuật. Trưởng phòng tham mưu hậu cần giao cho bác sĩ Lan một cái bản đồ, rồi đánh dấu một cái toạ độ bằng bút chì đỏ. Lội hàng chục khúc suối, vượt cao điểm, luồn bãi tranh, đến được nơi đặt trạm mà vẫn còn hoài nghi. Anh chị em bàn tán lo lắng: "Đã đúng nơi này hay chưa?". Bác sĩ Lan vừa miết xà phòng cạo râu vừa cười: "Đúng rồi! Hồi kháng chiến tao làm cán bộ tham mưu đã dẫn cả tiểu đoàn hành quân theo góc phương vị chứ có phải ít đâu".
Mười mấy anh chị em xoay trần giữa trời rét đào hầm mổ và hầm thương binh, chia nhau đi cảnh giới thám báo, tổ chức lực lượng đề phòng thám báo sục vào hoặc địch đổ bộ bằng đường không.
Nết có một đứa bạn gái rất thân đã từng ở với nhau từ hồi còn làm cấp dưỡng. Cô này tên là Dự, cao lớn chỉ thua bác sĩ Lan chút đỉnh, con gái mà mặc quân phục ngoại cỡ, từ hồi ở bếp trạm giao liên anh em bộ đội đã phải gọi là Dự "voi nước Lào". Một hôm nửa đêm hai người cầm súng đứng gác, Dự bỗng sợ hãi ôm choàng lấy Nết đến chừng nghẹt thở. Dự giơ tay chỉ một đàn voi lững thững đi qua trước mặt họ chỉ cách dăm chục thước.
Tất cả mọi khó khăn, vất vả của đội phẫu thuật tại mặt trận, Nết chẳng coi thấm vào đâu. Nhưng nước da con gái mỗi ngày một khô, hai vòm mắt thâm quầng lại. Người trông cứ ngơ ngác, da thịt như đem đổ đi đâu mất. Nết nhận được lá thư của Khuê báo tin mẹ và em ở nhà chết đúng vào những ngày đội phẫu thuật đang đi tìm khu rừng đặt trạm.
Chuyện buồn của Nết, trong đội chỉ có Dự biết, Dự là cô gái tuy khung người thì to nhưng lại vụng về hết sức, bàn tay đụng vật gì là đổ là hỏng, chỉ được tính hay làm và tốt bụng với bạn bè. Bất kỳ sống ở đơn vị nào, Dự cũng là người cáng đáng các phần việc nặng nhọc như đào đất, hạ cây, xắn quần đi bắt lợn, bửa củi. Hành quân gặp bộ đội chiến đấu, Dự có thể mang giúp ba lô vũ khí cùng một lúc cho hai ba anh bộ đội kém sức khoẻ. Có lần Dự mang giúp cả một cái bàn đế 82, cái bàn đế khẩu súng cối đặt lên vai Dự "voi nước Lào" chẳng hề thấy động đậy!
"Nết ơi, giá nỗi khổ của mày tao có thể mang giúp một lúc được?" Dự đến phát sợ hãi mỗi khi ngắm con bạn thân của mình. Hai con mắt nó cứ ráo hoảnh nom đến là khiếp, cứ như vừa có lửa vừa có nước mắt ở bên trong ấy.
Câu chuyện thì thầm giữa hai người bạn gái:
"- Nết ơi, tao lạy mày, mày khóc đi một cái!". "- Tao không khóc đâu, lỡ để ảnh hưởng đến chị em khác thì sao?". "- Mày cứ khóc đi, rồi tao nói dối rằng...'!. "- Tao không biết nói dối", "- Cứ cắn răng chịu mãi thế này rồi mày đến chết mất". "- Tao chẳng chết đâu, tao chỉ khổ thôi. Nhưng mà chịu được! "
Không phải lần này là lần đầu tiên Nết gặp phải chuyện chết chóc và buồn bã, chuyện những người thân nhất của mình ngã xuống. Ngày còn ở bên "thanh niên" đi làm đường, những ngày đầy bỡ ngỡ và khó khăn, Nết cũng có một đứa bạn gái rất thân tên là Uy. Hai chị em thân với nhau đến mức đêm nào không chung chăn chung màn với nhau là không ngủ được. Quần áo đồ đạc đều dùng chung. Hôm đó, địch thả bom bi vào khu vực hiện trường chị em đang làm: Uy đã hy sinh! Nết chạy đi cấp cứu các bạn. Cô đã bước qua xác Uy mà chạy. Cõng các bạn khác bị thương trên lưng mà miệng vẫn khóc. Đưa thương binh đi hết thì trời đã tối, Nết chạy trở về cõng bạn vào một cái hầm lán, sập rèm và đuổi hết cả mọi người ra ngoài. Sao mà da thịt nó trắng và đẹp làm vậy? Cô tắm rửa và thay quần áo cho bạn. Quần áo cũng chẳng biết cái nào của mình, cái nào của bạn. Cô lồng chiếc áo cánh nâu và chiếc quần láng mới may, xong cặp lại tóc cho bạn, liền gục đầu khóc nức nở: "Uy ơi, tao đem chôn mày đây!". Nết nhớ ngày còn sống, trong các buổi họp tiểu đội thanh niên xung phong, Uy thường đấu tranh với Nết về khuyết điểm hay khóc và "còn nặng tư tưởng gia đình". Ôi! Một cái gia đình, một cái mái nhà lẫn giữa hàng chục cái mái nhà bên đường tàu hoả. Nhà trong xóm, mái nhà nào cũng lợp bằng những tấm phên rạ đất đồng chiêm trũng bạc trắng màu bùn, tường nhà nào cũng đắp đất, lác đác mới có nhà quét vôi. Năm mới hoà bình, chuyến tàu hoả bắt đầu chạy qua vùng quê ấy, phun khói lên một cánh đồng nước bạc trắng có hàng chim bói cá khoác áo xanh đậu im lìm trên sợi dây thép chăng giữa trời. Con đường sắt và con đường nhựa trơn láng chạy song song, chỉ cách nhau một cái bồn cỏ. Từ sau bức rèm nứa trong nhà đứng nhìn ra cánh đồng nước buồn tẻ thì đó là thế giới ồn ào và đông vui của các cửa sổ toa tàu chật ních khách hàng, những chuyến xe ngựa với tiếng díp xe tiếng móng ngựa quệt trên mặt đường, những chiếc xe ca sơn màu đỏ chạy từ sáng sớm, những đoàn xe mang quân hiệu có những chú bộ đội vui tính và yêu trẻ con. "Hoan hô các chú bộ đôi tài ghê!". Trong đám trẻ con trong xóm vừa hát nghêu ngao vừa chạy ùa ra tận ngoài đường cái, người ta vẫn thấy có một con bé tóc nâu và xinh xẻo mặc quần đùi, tha một đứa em nhỏ trên lưng, tay dắt một đứa khác.
Nết đã đi làm đường trong đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước hai năm, hai năm làm cấp dưỡng nữa, cô đã đi gần suốt dãy Trường Sơn mà vẫn không sao sửa được cái bệnh nhớ nhà.
Mấy năm về sau làm cấp dưỡng, Nết được chuyển sang chế độ quân nhân và được kết nạp Đảng. Bộ đội đi đường giao liên mỗi ngày một đông. Nết và Dự, hai cô cấp dưỡng đã từng thuyên chuyển qua hầu khắp các trạm giao liên của nhiều binh trạm khác nhau. Trái với Dự, bàn tay Nết rất khéo léo, cô thường được cử đi khắp nơi phổ biến cách làm bếp Hoàng Cầm cải tiến cho các trạm. Bàn tay bé nhỏ của Nết đã tùng vắt đất rừng đắp nhiều cái bếp mới dọc theo các triền núi có quân đi.
Làm sao nói hết mọi điều đáng nói về một cái bếp lửa trên chon von Trường Sơn? Những cái bếp bằng đất vắt nặn nên bởi bàn tay của Nết đầy khéo léo, khói chỉ lan lờ mờ trong cỏ như sương ban mai rồi tan dần, lửa thì đậu lại. Ngọn lửa được ấp ủ trong lòng người con gái đồng bằng. Những chiến sĩ hành quân trên Trường Sơn chợt trông thấy một ánh lửa hồng, một mái nhà, một bờ dậu bằng cây sắn có rặng mồng tơi leo, đàn gà đàn lợn trong chuồng, bên đường làng, một mái tóc cặp buông lơi, một kiểu chít khăn mỏ quạ, một nước da con gái đang sốt rét, một ánh mắt đằm thắm vồn vã: "Các anh người quê ở đâu ta?". Có biết bao nhiêu là nỗi nhớ đồng bằng gửi vào trong một câu hỏi ấy? Có đêm khuya khoắt ngồi trước khuôn bếp, Nết lắng nghe thấy đủ các thứ tiếng động của rừng: tiếng suối chảy, tiếng gà rừng gáy, tiếng con tắc kè và tiếng chim "bắt cô trói cột". Mỗi lúc như vậy, nỗi nhớ nhà và nhớ vùng xuôi cứ cồn cào trong gan ruột. Nết nghe rõ tiếng cá chép đớp mồi bên bờ ao ấu, cùng tiếng mẹ khỏa nước rửa chân ngoài cầu ao... Suốt những năm ở nhà cùng với mẹ, chẳng mấy khi Nết trông thấy mẹ mặc một chiếc quần chùng, hai ống quần ướt sũng bao giờ cũng vo quá gối, đôi bắp chân đen thui khẳng khiu bao giờ cũng in một ngấn bùn trắng. Mỗi buổi trưa hè đi làm ngoài đồng trở về, bước chân bao giờ cũng lật đật, mẹ vứt xóc cua đồng trước thềm nhà và liền nằm úp sấp bụng trên cái thềm đất, vừa cười ngượng nghịu vừa vẫy Nết lại, Nết chạy tới nhẹ nhàng giậm bàn chân trên dọc sống lưng mẹ, giận dữ rầy la mẹ sau các kỳ sinh nở không biết kiêng cữ. Và những lúc như vậy, mẹ chỉ nín lặng nhẫn nhục rên khe khẽ và đưa mắt nhìn lũ con cãi cọ tranh nhau đuổi theo những con cua đồng. "- U ơi!". Ngày hôm đó, Nết đã cầm chặt lá thư ngắn ngủi của Khuê trong những ngón tay cứng đờ như không còn biết cảm giác, cô kêu lên một tiếng rên rỉ đầy đau khổ và phẫn nộ. Nết nhớ ngày ở nhà, cô thường giả vờ xắn ống tay áo dọa đùa thằng em bé nhất: "Hiên ra đây chị gội đầu nào?" Thằng bé sợ nhất là bị bế đi gội đầu liền khóc thét om cả nhà và lần nào Nết cũng bị mẹ mắng: "Cái con quỷ này lớn xác chỉ khoẻ trêu em!". Các mẩu kỷ niệm vui buồn vụn vặt gần như chẳng có ý nghĩa gì hết ở trong cái gia đình nghèo và lam lũ, Nết cứ theo bộ đội đi một bước lại nhớ thêm một chuyện. Không biết bao nhiêu chuyện vui buồn nho nhỏ trong gia đình. Mỗi mẩu chuyện là một lưỡi dao cắt vào gan vào ruột. "Nết ơi, tao lạy mày, mày khóc đi một cái! " - Không bao giờ tao chịu khóc đâu Dự ạ, lúc xong việc ở đây rồi thì tao sẽ khóc. Nhưng bây giờ anh chị em trong đội đang vội vàng chuẩn bị đón thương binh về, mỗi người xẻ ra làm hai ba mà chưa làm hết việc, lẽ nào ngồi khóc? Làm sao sinh ra người con gái giàu nước mắt vậy, nhưng Nết không rỏ một giọt nước mắt nào cho mẹ và em ở nhà đã chết vì bom Mỹ. Hãy nghiến răng lại mà làm việc đừng quản ngày đêm. Hãy nghiến răng lại mà chiến đấu và làm việc để trả thù cho những người thân đã mất!
o O o
Bây giờ Nết đã quen với công việc một cô y tá ở một trạm phẫu thuật kiêm điều trị. Nỗi đau lòng dù lớn lao đến đâu cũng không thể quật ngã nổi một người con gái can đảm đang tuổi dậy thì. Tiếng cười đã trở lại trên khoé miệng. Tiếng cười của Nết đã có cái âm thanh ríu rít trong trẻo, như tất cả mọi người con gái cha mẹ sinh ra từ mảnh đất đồng bằng lam lũ và phì nhiêu. Khổ người Nết cao dong dỏng và mềm mại. Cô càng lớn càng giống mẹ hồi con gái: chân dài và nhẳng, hai bàn chân bước đi không bao giờ bén đất. Mỗi khi nói chuyện, hai con mắt đen mở to nom đằm thắm. Mới ngoài hai mươi một chút, cô đã có dáng dấp một người chị của các cô gái khác. Suốt mấy tháng đầu chiến dịch hầu như đêm nào Nết cũng phải ngồi trực bên các đồng chí thương binh, không mấy khi được ngủ một giấc cho trọn vẹn. Vậy mà Nết vẫn khỏe, mỗi ngày càng hồng hào. Mỗi lần Nết ra suối giúp Dự giặt giũ quần áo cho thương binh, Dự phải kêu lên một cách mừng rỡ: "Trông mày như cái cây đang ra lộc ấy Nết ạ! ". Cũng như hồi làm cấp dưỡng, Nết đem tất cả tình thương yêu cha mẹ và làng xóm vào công việc hàng ngày. Qua một vài đồng chí thương binh, Nết đã dò hỏi được địa chỉ đơn vị của Khuê, cô khao khát được gặp thằng em trai. Nhưng công việc giữa chiến địch luôn bận rộn, cô biết khó có hoàn cảnh chị em gặp mặt nhau được.
Trạm phẫu thuật từ ngày đầu chiến dịch đã di chuyển địa điểm hai ba lần để tránh B.52. Bây giờ trạm đang dựng giữa một cánh rừng le nằm về phía Tây Nam Khe Sanh. Mọi công việc đã đi vào nề nếp quy củ: Thương binh từ trên tiền duyên được đưa về tuyến cấp cứu, ở đó có một đồng chí quân y sĩ giỏi phụ trách, làm công việc băng bó và phân loại. Thường thường bác sĩ Lan trực tiếp mang y tá giúp việc lên mổ ngay ở tuyến cấp cứu. Một đại đội vận tải kiêm tải thương có nhiệm vụ cáng thương binh từ tuyến cấp cứu về trạm, sau đó một thời gian lại tiếp tục đưa từ trạm phẫu thuật về các đội điều trị tĩnh tại phía sau. Thương binh về nhiều hay ít rất thất thường. Sau những tháng đầu xuân, bộ đội đánh những trận đánh lớn và dồn dập, thương binh về nhiều. Bây giờ không khí trong trạm đã bớt bận rộn, thương binh về ít đi. Trạm phẫu thuật đã có thể vừa làm nhiệm vụ mổ xẻ vừa điều trị thương binh nhẹ. Đôi khi bác sĩ Lan còn giữ lại cả các "ca" nặng để nhanh chóng trả quân số chiến đấu về cho các đơn vị.
Chiều hôm ấy trong trạm đang có cái không khí bận rộn thường thấy trước một trận đánh: Bác sĩ Lan kiểm tra lại dụng cụ mổ, bộ phận dược xem lại thuốc men và bông băng, các y sinh chuẩn bị các thứ thuốc gây mê, thuốc tiêm chống choáng và cầm máu. Dưới bếp, anh nuôi cùng nhân viên hậu cần chạy toáng khắp nơi kiếm thêm thức ăn tươi và đường sữa cho thương binh mới sắp về.
Trạm cấp cứu đặt phía sau một cái gò đất sát đường 9. Bên con đường giao thông hào trục cũ, mấy cái hầm đặt cáng thương binh mới được đào lõng vào chân gò đất. Hầm mổ là một căn hầm vuông vức, lát ván gỗ, chung quanh và trên nóc lát vải dù trắng. Bộ phận quân y chuẩn bị xong bắt đầu ngồi nghe tiếng súng. (Đêm hôm ấy, trung đoàn 5 đánh lẩn sâu vào chiến hào ngụy trong Tà Cơn). Đến chừng khoảng nửa đêm thì thấy lác đác có thương binh đưa về. Suốt từ nửa đêm đến gần sáng, pháo và bom giội dọc hai bên đường 9. Nết cùng một đồng chí quân y sĩ phụ mổ giúp bác sĩ Lan giải quyết gần hết các "ca" cần cấp cứu ngay tại trận. Anh em tải thương đang chuyển thương binh về phía sau. Trời bắt đầu sáng và đầy sương mù. Con đường dốc quanh co từ trạm cấp cứu về phía sau đi qua một bãi tranh địch vừa thả bom khói bốc nghi ngút. Nết hộ tống một thương binh nặng. Cô về đến khúc suối chảy qua trước khu vực hầm nhân viên, trông thấy thấp thoáng sau màn sương một cái bóng to lớn đồ sộ. Dự đang ngồi giữa một đống quần áo thương binh vừa thay ra, bộ quân phục nào cũng có dính máu. Dự đang giặt. Nước suối đỏ, lởn vởn bông băng trôi quanh dưới chân phiến đá màu nâu bên bờ.
Dự lần giở từng cái túi quần và túi áo để lấy ra các thứ giấy tờ đồ đạc, miệng giục Nết:
- Mày hãy về tranh thủ chợp mắt một tí, hãy cố chợp mắt lấy mươi phút cũng được.
Nết ngồi xuống bên cạnh bạn, cầm lấy một chiếc áo sơ mi vải bạt:
- Bây giờ hễ nằm xuống là ngủ ngay được.
- Ừ thì ngủ đi! Để tất cả đấy cho tao.
Nết trở về hầm nằm một lúc sốt ruột lại chạy bổ lên khu rừng thương binh. Buổi sáng hôm ấy, Nết ngồi theo dõi và lấy huyết áp cho một "ca" mổ ruột, một đồng chí chiến sĩ rất trẻ bị một lúc hai ba vết thương vùng đại tràng. Cặp môi người chiến sĩ trắng như bôi sáp cứ mấp máy gọi trong cơn mê: - "U ơi!...U ơi...".
- " U con đây!... U con đây!" - Nết đưa bàn tay vuốt nhẹ trên mái tóc lấm bết những đất, miệng trả lời thủ thỉ. Nết đang theo dõi huyết áp cho đồng chí thương binh đại tràng thì thấy Dự chạy xộc vào:
- Nết, mày có quen ai tên là Lượng không?
Nết ngơ ngác:
- Không. Người ta ở đâu?
- Ở đây! Tao vừa lục trong ví một đồng chí thương binh vừa cáng về sáng nay, đấy, trong chiếc áo vải bạt có một lá thư...
Dự chìa ra một tờ giấy gấp tư đã mòn hết chung quanh mép. Nết nhìn qua lấy làm ngạc nhiên nhận ra nét chữ của Khuê từng hàng chữ đứng nét ngòi bút sắt dằn rất mạnh đến xước cả mặt giấy. Bức thư đề ngày 25 tháng 8, túc là thời gian đã trôi qua rất lâu rồi!
Nết ngồi làm việc và đọc. Đây là bức thư Khuê đã viết trước khi về thăm nhà. Những điều trong thư đã gây cho Nết một nỗi hổ thẹn xen lẫn bồi hồi cảm động: "Chị Nết ạ, chị hãy tin lời em nói. Anh ấy là đại đội trưởng đơn vị của em. Anh ấy là một người rất vụng về, không biết nói chuyện đâu, nhưng em cam đoan anh ấy là một người rất tốt một người em thấy rất hợp với chị". "- Sao lại thế này nhỉ? Anh ấy là ai?". Trường hợp vừa xảy đến với cô như một câu chuyện của ai ấy? Hay là một câu chuyện chỉ có thể xảy ra ở trong sách truyện? Dù sao Nết cũng không thể nào cưỡng lại được ý muốn gặp để trông thấy mặt người thương binh ấy. "Dù sao thì anh ấy cũng là bạn bè và là cấp chỉ huy của thằng em trai của mình".
Xong phiên trực, Nết tìm trong hai ba cái hầm thương binh, nhìn mặt và hỏi thăm tên từng người. Cuối cùng, cô tìm thấy một cái thân hình đàn ông vạm vỡ nằm bất động trên một cái sạp lát bằng nứa. Đồng chí nữ y tá trực ngồi ngay bên đầu giường, mái tóc cặp rất dài vắn ngược trên đỉnh đầu, đang chăm chú theo dõi mạch của thương binh và ngước cặp mắt lo lắng nhìn Nết.
Lượng đang ở trạng thái hôn mê. Trong lúc bị thương, anh đã mất máu nhiều quá. Anh bị chấn thương ở vùng ngực, thủng ruột già, vỡ ổ khớp khuỷu tay, hai chi dưới đều bị nhiều vết thương của mảnh lựu đạn. Ngay vừa thoạt trông thấy Lượng, Nết đã phái rùng mình sực nhớ đêm qua lúc cô gắp chiếc kim đã được khử trùng trong một cái đĩa cồn giúp bác sĩ Lan khâu lại từng mối ruột cho Lượng, bởi vì chính lúc đó cô đã nghĩ nếu không thật khoẻ anh có thể chết ngay trên bàn mổ. Ruột già của anh phải khâu lại nhiều khúc nên thời gian giải phẫu kéo dài. Hơn nữa, anh lại còn bị nhiều vết thương ở các chỗ khác. Nết và đồng chí y sĩ Sinh, cả bác sĩ Lan, ba người trán đã toát mồ hôi đầm đìa!
Hai ngày sau, bác sĩ Lan giao cho Nết đặc trách theo dõi tình trạng của Lượng. Lượng vẫn phải truyền huyết thanh và tiếp máu. Anh tỉnh và mê thất thường. Bác sĩ Lan và Nết cho máu đến hai lượt. Máu của Dự không cùng nhóm máu với máu của Lượng. Suốt ngày đêm anh phải nửa nằm nửa ngồi, nửa phần trên được kê cao để có thể thở dễ dàng. Nhiều lần đến phiên trực, Nết phải ngồi cho Lượng tựa và nghe những lời nói mê sảng của anh: "Cánh trái! Chuyển sang cánh trái! " - "Thằng Kiếm! Thôi đừng có bắn nó!" - "Hãy kêu gọi chúng nó! Đừng bắn nữa!" - "Chị Nết ạ, chị hãy tin em. Anh ấy là một người vụng về nhưng rất tốt...!". Nết sực nhớ mấy câu trong bức thư Khuê viết cho mình, vừa chăm chú lắng nghe các câu nói mê sảng của Lượng thỉnh thoảng lại thốt lên, và cô cố gắng nhìn thấu vào trong cái thế giới hôn mê mà anh đang sống nhưng cuối cùng cũng chẳng hiểu được gì hết. Có đôi khi Nết rất lo cho vết thương, anh thét to quá! Nhưng Nết đã có kinh nghiệm chăm sóc thương binh. Cô sẽ đặt bàn tay lên ngực, lên mái tóc anh, bàn tay se sẽ vuốt ve hồi lâu. Lượng nói lảm nhảm một lát rồi như một đứa trẻ được an ủi, anh bắt đầu ngủ được. Lúc đó Nết mới nhẹ nhàng đặt anh nằm tựa nửa người trên một tấm nệm gai độn lá khô đặt trên đầu tấm sạp.
Ngày thứ ba, Lượng nuốt được vài thìa sữa và đôi lúc đã tỉnh lại. Khắp mình mẩy chân tay chỗ nào cũng có vết thương, vòng băng quấn đầy nửa người. Làn da dưới hai vòm mắt trở nên vàng vọt như rắc ký ninh bột, vòm mắt trũng sâu khiến đôi gò má cũng nhọn lên. Lượng cố mở mắt: Thế giới chung quanh như một thứ chất lỏng đang dần dần đông đặc. Trí nhớ của anh hoạt động chông chênh trên một cái bờ đất rất cao. Rồi anh nhắm mắt, lập tức đã thấy mình từ trên cao rơi xuống đáy một đoạn chiến hào có cự mã nằm chắn ngang. Những quả lựu đạn từ trong một cái hang tối om rất sâu ném vọt ra từng chùm. Anh nhặt từng quả lựu đạn xì khói trắng đang lăn lông lốc dưới chân ném trả lại "Chuyển sang cánh trái! Trung liên bắn mạnh vào!". Lượng thét rất to như khi đang hạ lệnh. Thế là anh lại mê rồi, cơn mê kéo dài gần suốt đêm nhưng bắt đầu gần sáng thì lại tỉnh lại. Anh mở mắt thấy chói, đầu nhức như búa bổ và biết mình đã mê gần suốt một đêm đến sáng. Lần này đầu óc anh trở nên tỉnh táo lạ lùng. Trí nhớ như một viên đạn vừa bay thoát ra ngoài đường rãnh xoắn nòng súng liền đi thẳng tới đích. Mỗi lúc hễ vừa tỉnh lại được là Lượng nhớ ngay đến trận đánh vừa qua "Đáng lý phải có chừng khoảng một tiểu đội đánh vòng sang cánh trái chiến hào địch! ". Câu đầu tiên, Lượng tự nói với mình. Anh nằm trên bọc cỏ khô, nhớ hết sức rành rọt cái cảm giác sảng khoái râm ran như có gió mát thổi tràn qua người khi anh cùng các chiến sĩ xung phong thẳng vào chiến hào. Đã mấy tháng phải ngồi bó gối trong hầm ếch, lần này anh mới được cùng các chiến sĩ cầm súng lao mình về phía trước mặt: Loạt đạn pháo phá hoại vừa chấm dứt, tùng người đã đạp mũi giày vải lên lớp đất bột nóng hầm hập sặc mùi diêm sinh, nhảy chồm dậy. Trên con đường chạy qua lớp hàng rào cuối cùng, Lượng trông thấy một ngọn đèn dù pháo sáng rơi xuống đất, anh chỉ kịp giậm lên chiếc dù trắng, ngọn đèn đã tắt từ lưng chừng trời bỗng lại bùng dậy một đám lửa. Bọn địch bên cánh trái vẫn im ắng như đã bị đạn pháo dọn đi hết. Bên cánh trái, chúng vừa hồi tỉnh lại đang xả từng băng đạn súng máy. Cái bóng cao lớn của Lượng cùng một tổ ba người được ngọn lửa đèn dù cháy dưới đất in hằn lên nền trời. Lượng tưởng mình đã có thể "đi đứt" ngay lúc đó, vì cái ánh sáng xanh lét như ma trơi kia! Thế mà lạ thay, cả anh và cả tổ chiến sĩ chạy bên cạnh không một ai việc gì. Hôm ấy một đại đội bộ binh kết hợp với trinh sát đặc công do Lượng chỉ huy đã ập vào giữa chiến hào vòng ngoài của quân ngụy, chỉ có một phần bọn địch bên cánh trái chạy thoát được. Chính một tên ngụy binh ra hàng buổi tối hôm trước đã khai hắn ở trung đội thằng Kiếm và báo cáo với Lượng đầy đủ tài liệu về chiến hào quân ngụy. Lượng trúng mảnh lựu đạn khắp người đã ngã xuống giữa một phút dùng dằng thiếu dứt khoát trước chiến hào địch. Một loạt lựu đạn hàng chục quả từ một cái hầm ngầm nằm xế bên trái bất ngờ tung ra tới tấp. Anh cùng các chiến sĩ không thể nào bắt lấy ném trả lại bằng hết được ngay cùng một lúc. Đáng lý phải tập trung trung liên và bazôka nã đại vào, và đặt vào đó một quả bộc phá gói. Xưa nay đối với địch, với bọn Mỹ, Lượng vẫn quen xử trí các tình huống ấy như thế. Tại sao lần này anh đã dồn chúng vào chỗ chết để rồi dừng lại kêu gọi? Anh muốn kêu gọi chúng ra hàng để chúng được sống vẹn toàn với gia đình vợ con. Anh tin vào uy lực của lẽ phải có thể thuyết phục kẻ thù phải hạ súng khi chúng còn đạn trong nòng súng. Anh không muốn thanh toán bằng gói thuốc nổ, đám người Việt Nam lầm lạc đã bán rẻ thể xác và linh hồn cho giặc Mỹ, trong đó có thằng Kiếm con trai ông cụ Phang.
Tất cả mọi sự việc cùng ý nghĩ sáng tỏ ấy hiện ra như một tấm phim được đem chiếu trên màn ảnh rồi lại cuốn lại, cất thật kín đáo cẩn thận. Suốt ngày thứ tư, Lượng luôn luôn lại bị những cơn mê của những trận sốt liên tiếp hành hạ không dứt. Anh là "ca" trọng thương độc nhất trong các thương binh còn nằm lại ở trạm phẫu thuật. Bác sĩ Lan giữ anh lại để theo dõi. Vết thương của Lượng chua thể đảm bảo trong khi đưa đi dọc đường nên chưa thể cho chuyển về phía sau ngay được.
Có lẽ vì sự tính toán chu đáo mà trường hợp của Lượng càng phức tạp hơn. Cách đây đã gần một tháng, đội phẫu thuật nhận được tin báo địch có thể sẽ oanh tạc bằng B.52 trong khu vực toạ độ gần trạm. Buổi trưa hôm đó, các nhân viên quân y và thương binh đứng nhìn qua vòm lá thấy giữa bầu trời trong xanh và rất cao, một vệt khói trắng, thẳng như một đường chỉ kẻ rạch ngang trên đầu. Ban đầu B.52 rải bom ỏ xa cách hơn một cây số, nhưng các đợt sau, mỗi đợt cứ xích gần lại.
Đợt thứ hai, Nết cùng Sinh, đồng chí y sĩ đang làm bản bệnh án và theo dõi tình trạng của Lượng. Bom nổ dữ dội. Đèn trong hầm tắt phụt. Hầm đầy khói. Đất đá bên ngoài văng vào rào rào. Nết bật lửa lấy huyết áp. Huyết áp tụt xuống. Nết cùng y sĩ Sinh đang tiêm thuốc trợ mạch thì nghe loạt bom khác. Lần này tất cả đồ đạc trong hầm đều đổ ngổn ngang, nắp hầm dồi lên dồi xuống cứ chực sập. Y sĩ Sinh phải đứng thẳng lên giơ tay đỡ lấy cây cột chống. Nết cũng không kịp nghĩ đến ý tứ và ngượng ngùng gì hết, cô vội vàng ôm choàng lấy Lượng, nằm nghiêng bên cạnh anh phía bên ngoài để che cho đất đá khỏi văng vào các vết thương.
Khói bịt kín gian hầm như một chất đặc. Chung quanh chẳng còn có thể nhìn thấy gì hết. Khói làm Nết và Sinh tắc thở, ngực đau buốt, người rất khó chịu. Nết vội vàng xoã tóc quạt khói trên mặt Lượng cho anh khỏi bị ngạt. Lượng bị sặc khói giãy giụa mạnh, làm tụt kim chuyền tĩnh mạch. "Anh Sinh, nghe áp huyết không nổi nữa rồi!". Nết kêu bất ngờ, thất thanh. Cô sờ lại mạch thấy nhanh và nhỏ, dần dần mạch lặn đâu mất. Người Lượng đã lạnh toát như chỉ còn một cái xác nằm đó. Bên ngoài bom vẫn nổ. Tự nhiên Nết xệch miệng khóc oà lên. Y sĩ Sinh vội chạy tới bật lửa châm đèn. Bật cái nào tắt cái nấy. Hơi bom thổi vào hầm như bão. Sinh quát Nết: "Im đi, không được khóc!". Tiếng quát làm Nết sực tỉnh. Cô trấn tĩnh được liền nhận thấy chính y sĩ Sinh cũng đang luống cuống. "Tiêm thuốc hồi sinh ngay!", Nết giục. Nhờ có ánh sáng bom nổ bên ngoài, hai người tìm được thuốc và ống tiêm. Y sĩ Sinh một tay bật lửa toé lên, một tay giữ cho tĩnh mạch nổi lên, miệng động viên Nết. Hầm tối mò mò. Khói bom đặc tưởng cầm dao xén được. Làm sao tiêm được? Làm sao tiêm được? Bàn tay Nết cầm ống tiêm cố giữ cho không run một tí nào, những ngón tay trái sờ trong bóng tối tìm tĩnh mạch trên cánh tay của Lượng và đặt mũi tiêm đúng vào đó. Tiêm xong được hai phát thuốc hồi sinh cho Lượng, Nết mệt đến toát mồ hôi chỉ muốn nằm vật xuống, nhưng cô vẫn ngồi quạt tóc để xua bớt khói. Sinh đặt nghiêng bàn tay cầm cái gạc bên cánh mũi Lượng thấy còn chút hơi ấm phảng phất. Sờ mạch thấy đang hồi sinh lại, Sinh sung sướng kêu: "Sống rồi!"
- "Sống rồi ư?", Nết tưởng như nhìn thấy bằng mắt, những hạt máu vừa đông cứng trong các ống vi ti huyết quản nhỏ xíu của Lượng đang sống trở lại, đang hoạt động chậm chạp và đều đặn trong cơ thể của Lượng. Khói bom đã tan hết. Anh đã có thể thở được, thở rất khó nhọc và yếu ớt như một đứa trẻ đang ốm. Anh nằm, đầu nghẹo về một bên, đôi mi mắt vàng vàng càng trũng sâu luôn luôn nhắm nghiền lại.
Nết đặt anh nằm tựa trên tấm nệm cỏ, đắp lên ngực tấm chăn dệt kim. Nết khắc khoải nhìn anh, mong mỏi theo dõi từng nhịp tim đập se sẽ, rất yếu ớt.
Hầm sáng dần. Bên ngoài, giữa không khí im vắng nghe có một tiếng chim kêu rụt rè.
Nết ngồi quấn lại mái tóc sổ tung. Những ngón tay lần nắn nắn cái búi tóc vừa cuộn chặt sau gáy, một làn khói bom màu xám và khen khét từ giữa những sợi tóc bay thoát ra ở các kẽ ngón tay. Nết nắn lại búi tóc lần nữa, khói cứ toả ra các ngón tay. Bất giác Nết ngơ ngác đưa từng ngón tay xương xương rám nâu của mình lên trước mặt và ngắm nghía: Những ngón tay của cô như còn mang hơi giá của cái chết vừa vờn trên tính mạng của Lượng. Nết chợt rùng mình. Chính cô cũng phải ngạc nhiên không hiểu sao trong cái khoảnh khắc đó bom thì nổ và hầm tối mù mịt, những ngón tay của mình lại có thể tự chủ và sáng suốt như là có mắt, để có thể đặt đầu mũi tiêm đúng vào giữa cái tĩnh mạch mà không chệch ra ngoài.
Xong phiên trực, Nết bước ra ngoài bàn chân cứ lâng lâng như đang bước ra từ một cõi thế giới nào khác. Trên vạt sân cỏ trước hầm nhân viên, lá xanh rụng đầy, những chiếc lá giập nát rách tơi tả, và từng tảng đất to mới từ đâu bay tới nằm ngổn ngang. Không có hầm nào sập. Thương binh và nhân viên đều an toàn cả. Dự từ mé nhà bếp đi lên. Nhìn mãi, Nết mới nhận ra Dự. Dự nhìn vào mắt bạn như có cái gì vội hỏi thảng thốt:
- Anh Lượng "gì" rồi à?
- Sống rồi, không sao đâu.
Dự phải kêu lên hết sức ngạc nhiên trông thấy Nết lạ hẳn đi, trán có nếp dăn, mắt thụt sâu mà sáng lóng lánh, da mặt nhợt trắng:
- Mày làm sao vậy Nết?
- Không, chẳng làm sao cả.
- Trông mày, tao lạ quá đi...
- Tao làm sao?
- Y như người vừa mới đẻ được vài ngày vậy, cứ trắng nhợt!
Ừ, chẳng phải Nết vừa làm một việc tái sinh một con người đó sao? Và chả lẽ chỉ mới có qua một phiên trực mà Nết mệt mỏi quá đến nỗi khác đi nhiều vậy? Sau hôm đó, bác sĩ Lan vẫn giao cho y sĩ Sinh và Nết đặc trách săn sóc theo dõi tình trạng vết thương cho Lượng. Nết chẳng bao giờ dám rời Lượng nữa. Tâm trạng của Nết cũng như tâm trạng của một người mẹ. Mỗi khi đến ngồi bên Lượng, tận trong lòng Nết lại dào dạt một tình thương cưu mang. Bác sĩ Lan cũng phải chẩn đoán tình trạng Lượng qua những ý kiến của cô y tá: Nết theo dõi và "nghe" được bệnh tình của Lượng. Cô biết cách làm cho Lượng ngủ yên giấc mà không nói mê. Chỉ nhìn nét nhăn nhó trên khuôn mặt, cô cũng biết là anh đang đau vùng nào. Vài hôm sau, chỗ mổ các vết thương đã tiến triển tốt nhưng vùng ngực của Lượng bị chấn động vẫn còn bị ảnh hưởng. Anh thở nặng nhọc, đôi khi như tắc thở.
Nết đã có kinh nghiệm từ hồi bé, mỗi khi đau yếu hễ được mẹ đặt bàn tay lên ngực thì cô thấy lòng mình yên tĩnh và cơn đau đớn dịu bớt đi. Về sau Nết giúp mẹ trông nom lũ em, mỗi khi có đứa nào ốm đau, cô cũng làm như vậy. Mỗi lần thấy Lượng đau đớn hoặc tắc thở, bây giờ Nết cũng thử lại đặt bàn tay và khẽ thoa trên khuôn ngực của Lượng một hồi lâu, quả nhiên Nết thấy hơi thở của Lượng trở nên đều đặn, anh nằm im lặng, nét mặt bớt nhăn nhó và anh ngủ được.
Bàn tay Nết như có phép màu. Bàn tay người mẹ với những ngón tay xương xương rám nâu đã từng săn sóc thương binh, bàn tay ấy đã từng nhóm lửa và giữ lửa, đã từng phát rừng đắp đường, bàn tay cũng đã từng may vá quần áo và dựng nhà dựng cửa trong rừng sâu.
o O o
Suốt quãng thời gian bị thương và sống trong tình trạng lúc tỉnh lúc mê, Lượng hầu như rất ít khi tiếp xúc bằng tri giác hoàn toàn minh mẫn với thế giới chung quanh. Những lúc chợt tỉnh, anh trông thấy trước tiên là một mái tóc và khuôn mặt đàn bà, mái tóc và khuôn mặt ấy hiện ra lờ mờ trong tri giác Lượng giữa một khái niệm nhận thức chung về ngoại vật, cũng như một làn ánh sáng, một tiếng nổ, một bức vách hầm bằng đất vô tình hiện ra trước mắt anh. Thảng hoặc khuôn mặt đàn bà im lìm như một tĩnh vật đó tiếp tục đi sâu vào trong cơn mê triền miên của Lượng, liền biến thành hình ảnh sinh động của Xiêm, hình ảnh một người đàn bà cụ thể duy nhất từ bao lâu ẩn náu rất sâu từ trong thế giới tiềm thức.
... Lúc ấy, lần gặp cuối cùng vào một đêm khuya tại nhà Xiêm, căn nhà sàn có bếp lửa đỏ rực và ấm áp, anh đã bất ngờ đứng dậy khoác súng trên vai: "Chị ạ, tôi phải đi đây!" Và anh quay lưng bước xuống cầu thang bằng những bước chân rắn rỏi mạnh mẽ vốn thường có. Sau lưng, củi khô cháy nổ tý tách, bếp lửa đang cháy rực, một bông hoa lửa bay lên. Xiêm tiễn anh ra tới chân cầu thang, ra khỏi vùng hào quang của lửa và khoảng không gian đang bị sức nóng thiêu đốt...
Sương mù cuồn cuộn bay như bông xơ dưới sàn nhà, ấp vào các chân núi đá lạnh buốt.
- Bao giờ anh lại trở lại? - Lúc ấy Xiêm đã hỏi, tay vịn thành chiếc cầu thang bằng nứa yếu ớt chực đổ.
- Trở lại đâu, chị?
- Đây.
- Khi nào ông cụ có nhà, tôi sẽ lại chơi.
- Anh lại trở lên trên Tà Cơn ngay bây giờ ư?
Lượng nhìn Xiêm qua đám sương mù trắng quyện trên vành mi mắt, mặt sàn nứa hở in ánh lửa từ phía trên rọi xuống từng rãnh sáng lấp lánh. Hai người dùng dằng bên nhau, đứng yên. Những câu hỏi của Xiêm như thốt ra từ trái tim chị đang bị ngọn lửa tình yêu đốt cháy và trong giây phút ấy, Lượng cứ tưởng đôi mắt chị như hai đốm hoa lửa bay lượn trong vùng sương mù.
Những ngày sau, Lượng đã quyết định dứt khoát sẽ cắt đứt mối quan hệ tình cảm không biết nhen nhóm từ bao giờ giữa anh và Xiêm. Anh tự dặn dò như vậy chứ thật ra mối quan hệ ấy đã có gì đâu? Anh chưa hề bao giờ nói với Xiêm là anh đã yêu chị, thậm chí có khi chị đã mạnh dạn muốn cầm bàn tay anh, anh biết thế và điều đó khiến anh trở nên lúng túng sợ hãi. Không, anh không có quyền có quan hệ tình cảm với một người đàn bà đã có chồng. Lượng tự xác định thái độ dứt khoát như vậy. Rồi đây bọn lính ngụy vừa quay trở về đang sống nhan nhản chung quanh đây sẽ nói ồn lên rằng, anh, một cán bộ Quân Giải phóng cướp vợ một tên lính ngụy? Trong những ngày chiến đấu tiếp theo ở trên chốt phía nam Tà Cơn, Lượng cố gắng quên đi để không bao giờ còn phải nghĩ đến Xiêm. Thế nhưng hình như lúc nào anh cũng trông thấy đôi mắt Xiêm, đôi mắt như hai đốm hoa lửa bay qua vùng sương mù của một đêm mùa xuân đến rình đậu bên anh, đôi mắt Xiêm hình như bao giờ cũng nhìn về phía chiến hào tiền duyên ở đây, cái mảnh đất Lượng và thằng Kiếm đang đứng, cái vùng mặt trận đang tiếp diễn chiến sự và đang định đoạt cuộc đời chị. Đôi mắt Xiêm bao giờ cũng cháy rực. Đôi mắt cầu khẩn tình yêu và khao khát đòi giải phóng!
Cho nên mối tình của Lượng đối với Xiêm mỗi ngày càng thêm tha thiết và ngang trái. Ở trong trái tim sắt đá của người lính ấy vẫn có một khoảng còn hoang vu. Trên cái khoảng đất hoang vu chưa ai đặt chân tới một con chim xanh bị buộc cánh đã sa vào đấy, in những dấu chân đầu tiên, cất lên những tiếng hót đầu tiên. Bây giờ khoảng đất đã rào kín và con chim bị giam vẫn cất lên tiếng hót của nó, giọng hót bao giờ cũng rụt rè nhưng âm thanh như lời giục giã ban mai cứ đọng mãi trên từng lá cây ngọn cỏ, khiến người ta không thể nào quên nguôi được! Xen giữa tùng cơn sốt mê man vừa dứt thỉnh thoảng Lượng lại trông thấy một mái tóc, một khuôn mặt: Xiêm, đẹp đẽ và quen thuộc, với hai con mắt ngời sáng và cháy rực, đang cúi xuống từng vết thương của anh.
Một buổi sáng Nết đến ngồi ghé bên giường Lượng và chăm chú cuộn một cuộn băng cá nhân. Khi Nết tiếp máu cho anh, Lượng đang ngủ bỗng mở hé mắt cất tiếng gọi tên một người nào đó. Nết tưởng anh sắp nói mê lại nhẹ nhàng đặt bàn tay trên ngực. Được một lát, anh khép mắt ngủ say và vô tình cũng đặt bàn tay to lớn trùm lên bàn tay bé nhỏ của Nết. Bàn tay Lượng nóng hâm hấp và có mồ hôi. Nết cầm mùi xoa lau từng ngón tay. Nết thấy những ngón tay bám đầy đất. Nết lau đến đâu đất vón lại đến đấy. Hôm sau, Nết nấu nước nóng lau sơ người cho anh. Người Lượng lâu ngày chưa được tắm cũng bám đầy những đất mang từ chiến hào về.
Khoảng một tuần lễ sau anh trở nên tinh táo và bắt đầu ăn được cháo. Anh biết mình bị thương nặng đến nỗi những ngày qua tưởng chết và đã trở thành một "ca" trung tâm của cả trạm phẫu thuật. Anh đã ngồi tựa lưng vào vách hầm một mình được. Như một đứa trẻ mới tập nhìn, Lượng men ra ngồi bên cửa hầm, quan sát thế giới hiện tại chung quanh. Cái nhìn của Lượng trở nên bỡ ngỡ, ngơ ngác, hơi chớp chớp và run rẩy. Dưới hai hố mắt trũng sâu đã hiện rõ một cái quầng vàng vàng xam xám. Bàn tay anh đụng cầm vật gì cũng run run, cũng phải với tới nom đến là tội nghiệp. Không thể nào nhận ra anh trước đây, một đại đội trưởng trinh sát xông xáo và tràn đầy sức lực. Trước đây giá có lúc anh phải nằm một chỗ lâu thế này, chắc hẳn anh phải hết sức bực bội vì buồn chán, vậy mà bây giờ anh nhìn cái gì chung quanh cũng thấy bỡ ngỡ, mới lạ và đầy hấp dẫn; Lát đất in hình một vành bán nguyệt của lưỡi xẻng để lại trên vách hầm, màu lá rừng xanh thẫm và tiếng chim hót, một dải băng cá nhân đang được cuộn dần lại từ trên hai bàn tay rám nâu và xương xương, nom cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt đến là vui mắt. Cái hầm của anh nằm trên lưng chừng một đoạn dốc đổ xuống bờ suối. Có ai đang giặt ngoài kia? Con đường từ ngoài cửa rừng vào đi qua khúc suối có tiếng con gái đang cười ré lên. Lượng lắng nghe tiếng chim kêu rả rích, tiếng bom, tiếng bổ củi, tiếng cười nói râm ran chung quanh.
- Tôi vào nằm ở đây được bao lâu rồi, chị? - Lượng hỏi.
Nết ngồi bên cạnh đang cuộn dải băng cá nhân.
- Mới hơn một tuần thôi, anh ạ!
- Bom chúng nó vừa bỏ gần đây à?
- Vâng. Sao anh biết?
- Tôi thấy đất vật lên ngoài bờ suối cứ đỏ cả!
- Anh không nên ngồi lâu đâu.
- Chị đang trực đấy à?
- Vâng.
- Chị nói chuyện đi?
- Chuyện gì?
- Tôi thèm nghe chuyện cho vui, chị nói chuyện gì cũng được.
- Em vụng chuyện lắm, chẳng biết nói... Anh không nên ngồi lâu đâu.
- Chị cho ngồi một lát. À quên tên chị là gì nhi?
Lượng ngắm cô y tá có khuôn mặt trái xoan nhẹ nhõm, đẹp một vẻ kín đáo. Nhưng sao cô ta nghiêm nghị và nói chuyện một cách miễn cưỡng khó nhọc vậy?
- Tên chị là gì? - Lượng nhắc lại.
- Anh cứ gọi em là cô "y tá trực" cũng được.
- Nhưng tên chị là gì?
- Anh thấy tôi... già thế kia ư? - Đột nhiên Nết đỏ bừng mặt, hỏi.
Đuôi dải băng cá nhân màu xanh chạy rối rít thoăn thoắt trên hai đầu gối của người con gái đang cố thu lại.
Lượng vẫn ngơ ngác:
- Tôi chẳng hiểu chị nói sao cả?
- Anh phải gọi em bằng chị kia ư?
- À quên, nhất định cô phải ít tuổi hơn tôi nhiều...
Nết chỉ cầu mong sao cho chóng hết phiên trực. Bây giờ thời gian trực đối với Nết sao mà dài vậy? Không biết mình còn phải chịu ngồi chuyện với anh ấy kiểu thế này đến bao giờ? Xưa nay các thương binh hôn mê lâu khi tỉnh dậy đều có vẻ yếu ớt, trí nhớ đứt đoạn cứ ngơ ngác, và rất thích được nói chuyện, người nào cũng trở nên tò mò, hễ trông thấy cái gì cũng hỏi han, cũng thóc mách. Không biết rồi cứ cái đà này "anh ấy" có thể nhận ra mình chưa biết chừng? Nhưng nếu anh ấy nhận ra mình thì đã sao? Người ta đã "bắt" lấy mình đâu mà mình sợ. Nết tự cười mình.
o O o
Đối với một đôi người con gái mới bắt đầu lớn lên, những chuyện "yêu đương" và "chồng con" chỉ cần khi mới nhắc đến đã khiếp phải khiếp hãi. Vẫn biết đấy là một việc tất nhiên, một chiếc cầu ai cũng phải bước qua, nhưng đấy lại là một chiếc cầu bắc qua "Suối Quỷ". Chiếc cầu ấy bắc qua dòng suối đen của loài quỷ dữ! Lại đi gửi xương gửi thịt vào một người đàn ông ư? Thật là đáng sợ! Sẽ chăng bao giờ Nết có gan như thế. Nhưng chẳng lẽ như thế rồi chẳng bao giờ mình lấy chồng ư? - Sẽ chẳng bao giờ mày lấy chồng ư Nết, con này chỉ làm điệu làm phách? Hồi làm cấp dưỡng đường giao liên, mấy chị em bao giờ cũng phải thức khuya dậy sớm để nấu nướng và vắt cơm cho bộ đội. Mấy đứa bạn của Nết đều là những tay bạo mồm mép. Cứ đêm đến ngồi vắt hàng ngàn vắt cơm nắm, hai con mắt muốn díp lại, chỉ còn có một cách nói chuyện đùa cười ngặt nghẽo, cười ầm ĩ và đấm lưng nhau thùm thụp cho đỡ buồn ngủ. Con gái ngồi riêng với nhau cũng "nói trạng" đến khiếp! Đôi khi Nết cũng vui miệng hùa theo chị em nhưng cô chỉ dám ăn nói bạo dạn đến một mức độ nào đó. Cô thẹn. Nết cũng thừa biết đám con gái bạn bè của mình đôi khi có đứa nhẹ dạ thậm chí hư hỏng, nhưng phần đông đứa nào cũng đứng đắn. Tại sao người ta có ý ngầm chê bai những cô gái làm đường, những cô gái đường dây, những cô gái y tá, nói chung là những người con gái vì nhiệm vụ cách mạng và kháng chiến phải sớm thoát ly gia đình. Như Nết? Như các bạn bè của Nết? Chẳng lẽ làm con gái khoác ba lô đi kháng chiến mà sống ru rú bên cạnh công việc, như một cái bóng ẻo lả và im lặng hễ trông thấy bóng con trai là thẹn thò chạy trốn? Đám con gái bạn bè của Nết ở đây cũng như các chị các cô ở làng Nết, đã là người lao động quen làm việc chân tay thì bao giờ cũng phải vui, cần phải vui, phải có tiếng cười, phải chuyện trò tiếp xúc với đàn ông, cũng có trường hợp yêu nhau và lấy nhau, những mối tình nảy nở từ trong cuộc sống chiến đấu và lao động.
Chi có Nết mới biết rõ: Những người con gái bạo dạn không phải bao giờ cũng là người con gái thiếu đứng đắn, và những người nổi tiếng bạo dạn và lắm mồm miệng cũng có những phút yếu đuối, những lúc thẹn thùng, những phút bâng khuâng. Chao ôi, bao giờ người chung quanh có thể hiểu biết cho lòng một người con gái? Như Nết. Như các bạn bè của Nết. Nỗi lòng sâu kín chính bản thân họ cũng không tài nào hiểu mình cho thấu hết được: Đang khi vui thoắt buồn bã, buồn cũng không biết buồn vì nỗi gì, khi vui muốn cười đến nghẹt thở nhưng cũng không biết vui vì đâu: Mỗi buổi sáng mai thức giấc, mỗi buổi trưa một mình ôm gói quần áo ra suối tắm, nhìn xuống khuôn ngực, nhìn xuống làn da thịt mơn mởn tươi thắm lại chợt nảy ra một nỗi thẹn thùng vô cớ và chỉ sợ ai biết mình đang trộm ngắm mình. Rồi những ngày nằm rừng, ngủ suối, những trận sốt rét phải trùm ba bốn lần chăn bông. Sau cơn đau ngồi dậy một mình trên tấm sạp lán, kê tờ giấy lên mặt ba lô viết lá thư về nhà cho cha mẹ, nói dối rằng "con vẫn ăn, vẫn làm khỏe như hùm beo!" Mà khỏe thực chứ sao, dứt cơn sốt lại xuống bếp, lại ra mặt đường. Làn da con gái đang thắm tươi trở nên vàng vọt, cái cổ cao duyên dáng cứ ngẳng ra. Vậy mà vẫn đi làm, vẫn cười đùa và "nói trạng", vẫn chăn gà và nuôi lợn, đi làm về vẫn tu sửa lán trại, vẫn trang hoàng nơi ăn chốn ở thật ngăn nắp, đẹp đẽ và khang trang. Người con gái vốn có một sức mạnh nào đó hơn con trai, tiếng nói và bàn tay họ bao giờ cũng ấm hơn, tiếng cười của họ trong rừng nghe lanh lảnh vang rất xa, như là một điều để chứng tỏ: nơi đây đã có cuộc sống bình thường! Nhưng để xây dựng một cuộc sống bình thường giữa chốn rừng núi hiu quạnh, những người con gái đang cùng anh em nam giới sống và chiến đấu ở đây có những khó khăn riêng chỉ riêng họ mới biết hết. Một cái cặp tóc, một mảnh gương soi, một bộ quần áo lót mình, những cái vặt vãnh không thể nào thiếu được của đời sống con gái nhưng rồi sẽ chẳng tìm đâu ra. Nhiều lúc đến một nơi mới, ôm gói quần áo ra bờ suối phải đi hằng buổi mà chỗ nào cũng trống trải. Nết còn nhớ hồi mới đi thanh niên xung phong, máy bay địch lao xuống, cán bộ hô "tản ra", con trai tản ra mỗi người một nơi, con gái thì cứ dắt díu nhau ngồi tụm vào một chỗ. Không có ở đâu bạn bè con gái biết thương nhau như ở những nơi Nết đã từng công tác. Mỗi đứa một cái ba lô, một "tấm thân gái dặm trường", chẳng có gì đáng gọi là của cải riêng, cũng chẳng có gì đáng phải đối xử ghen tị và hẹp hòi đối với nhau, cũng chẳng có gì mà không đáng đem ra nói với nhau, kể cả những điều mắc míu, những chuyện tình yêu ban đầu. Nết có tính hơi khác chị em, cô không thích nói chuyện yêu đương và tìm hiểu người này người khác; mặc dầu trong các chị em, Nết là người được các anh con trai chú ý nhiều hơn cả, và cô cũng chưa yêu ai cả. "Yêu đương" và "lấy chồng" ư? Cái việc thật là xa xôi nhưng cũng gần gũi đến phát sợ! Từ ngày còn ở bên "thanh niên", Nết đã phải luôn luôn nghe một câu hỏi tha thiết của những anh con trai: "Tôi muốn xây dựng với Nết, không biết ý nghĩ của Nết thế nào?". Mới hơn mười tuổi đầu tóc đuôi gà còn đỏ hoe, cô đã phải giúp mẹ chăm nom đùm bọc một lũ em. Tính tình từ lúc nhỏ đã quen đi, rồi khi cô nấu cơm cho bộ đội hay lúc chăm sóc thương binh, mối tình thầm kín gửi vào trong công việc cũng là mối tình bẩm sinh của một người mẹ. Có lẽ vì vậy mà bao nhiêu anh bộ đội đã yêu Nết. Thỉnh thoảng đám bạn gái đã phải mắng: "Mày thật ngu dại, sao không yêu anh ấy?" - "Tao chỉ biết công tác cho tốt đã!" - "Anh ấy tốt quá đi chứ!" - "Eo ôi, tao sợ chuyện yêu đương lắm, vả lại, lấy chồng ở đây rồi bỏ bố mẹ ở nhà cho ai?" - "Vậy thì chẳng bao giờ mày lấy chồng ư Nết?". Không biết bao lần bạn bè góp ý, Nết đã trả lời. Người con trai này và người con trai khác. Bao người đã bị từ chối mà vẫn theo đuổi, những lá thư lại bay về. Những bức thư ngỏ tình của những anh con trai mà mỗi khi cầm trong tay, cô đều phải tự trách mình đã làm gì khiến các anh ấy phải luôn luôn tưởng nhớ đến mình? - Các anh ơi, các anh đều là những người tốt, em đều quý như anh ruột - Nết muốn nói với từng người - Nhưng các anh hãy quên đi, để ý tới em làm gì? Ở đây em chẳng dám yêu các anh con trai, em chỉ yêu lũ bạn bè con gái cũng đủ. Anh không thể biết gia đình em khó khăn đến như thế nào đâu, em đi công tác xa mà có bao giờ bụng dạ được khuây khỏa vì gia đình đâu? - "Nhưng chẳng lẽ sau này trở về nhà, mình sống mãi với bố mẹ được ư? Nhiều lúc, Nết cũng tự đặt cho mình câu hỏi ấy, và cô đã xác định. Vì nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước mà phải xa gia đình là dĩ nhiên, nhưng cô không muốn vì hạnh phúc riêng mà phải đi xa. Tất nhiên trước sau mình cũng phải thành lập gia đình, phải lấy chồng và đẻ con. Nhưng cô sẽ lấy chồng gần để còn được chạy đi chạy lại với bố mẹ, được chăm sóc các em, còn được trông thấy làng xóm và mái nhà của mình.
Trạm phẫu thuật lại vừa thay đổi nơi trú quân, một khu rừng lim kề gần đó. Đã từ lâu, bác sĩ Lan phân công cho Nết phụ trách theo dõi các đồng chí thương binh vừa mới về, phần nhiều đều thuộc loại nhẹ. Nhưng vài ngày một lần, cô vẫn thường sang khu vực của các thương binh nặng bên kia suối, cách một cánh rừng nhỏ. Cô sang bên đó thăm Lượng. Vài ba hôm không sang, Nết đã sốt ruột và áy náy. Tuy không phải trách nhiệm, Nết vẫn theo dõi tình trạng các vết thương của Lượng. Cô chăm chỉ theo dõi sức khỏe của anh đang dần dần hồi phục bằng một tinh thần trách nhiệm vượt ra ngoài phạm vi chức trách của một người y tá. Mỗi lần sang bên ấy, cô lại sung sướng thấy anh ăn ngủ được. Mỗi khi ngắm nghía cái thân hình vạm vỡ kia đã có thể cử động và nếu có người dìu đã có thể đi lại tập tễnh được, cô lại choáng ngợp bởi một niềm hạnh phúc giản dị. Từ ngày bước vào quân y, chưa lần nào Nết gặp một "ca" khó khăn đến thế, như một kỷ niệm trong cuộc đời. Cuộc sống của một con người mà Nết đã giành lại được đang hồi sinh, các tế bào đang nảy nở, hơi thở của đứa con phả trên khuôn mặt người mẹ ngày một mạnh mẽ, và những giọt máu của người mẹ già vào đấy mỗi ngày một hồng hào trong da thịt đứa con. Tình thương mà Nết đã dành riêng cho Lượng chính là tình thương mẹ con bẩm sinh nảy nở sau một lần chính cô trông thấy anh đang bước dần vào cõi chết, điều đó đối với cô rõ ràng như hiện nay anh đang sống, đang ngồi trước mặt mọi người.
Cho nên sự sống của Lượng hiện tại mới đáng quý làm sao! Sự sống ấy thuộc về anh, đồng thời cũng thuộc về người dã đưa bàn tay níu giữ lại nó.
Một buổi trưa, Nết đang đi qua cánh rừng nhỏ sang thăm Lượng. Khoảng rừng lim cao vút đầy bóng nắng. Dọc hai bên lối đi, trên các thân cây có vết khắc đánh dấu. Đã sang cuối mùa xuân, mặt đất trở nên khô ráo. Rừng sạch bong. Những chiếc lá mới rụng vàng thắm chung quanh các gốc cây rễ mọc nhô hẳn lên. Vài đồng chí thương binh nhẹ xách những chiếc giỏ mới đan, đang tha thẩn đi đào sâm đất. Thỉnh thoảng trong rừng mới có một khoảng đất ẩm ướt, tán cây đan lá trên cao thành vòm kín mít, chỉ nghe tiếng gió thổi lao xao phía trên, trên đó tiếng máy bay địch thỉnh thoảng bay qua rít lên từng hồi. Nết bước vào giữa một vạt đất tròn tròn rất trống trải, nắng trên cao ùa chiếu xuống chung quanh một thân cây thẳng và cao vút, cành đâm ngang dọc nhưng chẳng hề có một chiếc lá nào. "Cây "gì" đây rồi!". Nết mỉm cười chợt nhớ một lần cô hỏi thăm Dự đường sang khu trung trọng thương. Dự đã chỉ: "Cứ theo vết khắc đi thẳng, đến chỗ nào có cái cây "gì" đang thay lá, cành cứ trơ trụi thì rẽ! "
Nết rẽ ngang. Vạt cỏ vạn thọ lá sắc khô cháy với những nụ hoa vàng vàng quệt sau gót chân buồn buồn. Cô đang đi bỗng trông thấy cái thân hình "hộ pháp" của bác sĩ Lan đứng chắn ngang trước mặt. Lan mặc áo "lui" nhuộm màu lá sim, mũ công tác trắng, râu quai nón đã tô đen nửa khuôn mặt to bè luôn luôn vui vẻ và cởi mở. Anh đứng giữa lối đi, một tay cầm chiếc ống nghe đút trong túi áo "lui" trước bụng, đang nói chuyện với đồng chí đại đội trưởng đại đội tải thương, một người đàn ông thấp lùn mặc áo trấn thủ. Lan vừa trông thấy Nết liền mỉm cười, cặp mắt đỏ kè hấp háy nhìn cô y tá:
- Đồng chí Nết ạ, may quá tôi đang định đi tìm đồng chí.
- Có việc gì ư anh?
- Tối mai lại thêm một đợt thương binh nữa sẽ về...
- Vâng.
- Cho nên tôi mới quyết định cho chuyển một số đồng chí thương binh bên trung trọng thương về tuyến điều trị.
Lan nói luôn:
- Chuyến này tôi định cử đồng chí đi hộ tống các đồng chí ấy.
Nết sẵn sàng:
- Vâng. Vậy thì chiều nay em sẽ thu xếp để sáng mai kịp đi!
Lan cười rất tinh quái:
- Đáng lẽ có thể cứ đồng chí khác, bởi vì cô còn nhiều việc ở nhà. Nhưng chuyến này có đồng chí Lượng cho nên tôi quyết định cử đồng chí, chứ... chẳng có ai thay thế được.
Cặp lông mày Nết bỗng cong lại:
- Anh nói cái gì vậy?
- Hì...hì...,
- Vậy thì tôi đề nghị...
- Sao?
- Anh cử đồng chí khác!
- Tôi nói đùa đấy!... Mà nói thật thì đã sao?
Đại đội trưởng tải thương cũng góp thêm một câu đùa nữa. Nết phụng phịu vội quay đi, bởi vì cô biết còn đứng trước mặt hai người đàn ông này thì còn chịu thua thiệt. Với người con gái, nhiều khi thái độ chịu thua trong cuộc đối đáp với đàn ông là điều cần thiết, là cả một nghệ thuật nói chuyện. Nết không biết làm duyên như thế: "Mình cần phải chấp hành mệnh lệnh của bác sĩ đội trưởng, đồng thời vô tình phải công nhận một chuyện đùa cợt của hai người đàn ông này hay sao?". Cảm giác oan ức thật ngọt ngào dịu dàng như đi được giữa không khí khu rừng nắng nhiều cây cao Nết thường đi qua. Tự nhiên, Nết đi chậm lại và nhớ rành rọt một câu chuyện xảy ra trước đây nhân một lần cô sang thăm Lượng.
... " Có cái gì mà làm ồn lên vậy?" - Tiếng Lan quát mấy nhân viên của mình to đến nỗi cô đứng bên ngoài, ngay chỗ này, cũng nghe được. Đám nữ nhân viên quân y cười như phá. Nắng sớm xôn xao trên những chiếc lá đung đưa trước mặt Nết, từ phía sau đó cô ghé mắt nhìn vào. Tiếng "con Dự" cười to nhất, "voi đang cười!". Tự nhiên tiếng cười "đổ rừng" ấy khiến cho Nết đứng ngoài phải chột dạ: "Chúng nó lại cười về chuyện gì có liên quan đến mình đây?" Lượng đang ngồi kia, trước mặt Dự và mấy cô nhân viên. Anh vừa húi tóc và tắm xong. (Ai tắm cho anh ấy vậy?) Lượng ngồi trên một chiếc ghế dài làm bằng hai thân cây gỗ ghép lại. Anh phải tựa vào vai một đồng chí nữ nhân viên để khỏi ngã, đang giơ cánh tay trái lên một cách khó nhọc để lồng chiếc ống tay áo, đó là chiếc áo vải bạt mà Dự vừa đưa tới. Khuôn mặt Lượng trở nên trắng trẻo sáng sủa hơn bởi vừa cắt tóc xong, nhưng vì thế nom có vẻ đần đần và ngây thơ, càng tương phản với khổ người cao lớn. Trong một khoảnh khắc, Nết đứng từ xa ngắm kỹ cánh tay để trần của Lượng đầy xương xẩu vừa giơ lên, và cô sực nhớ đến cái lúc cô sờ soạng tìm những đường tĩnh mạch chính trên cánh tay ấy để tiêm những phát thuốc hồi sinh, giữa lúc khói bom đang bịt kín cả hầm.
Dự giúp Lượng mặc áo rồi trao cho anh tất cả giấy má gói trong một tấm vải nhựa:
- Anh soát lại xem... còn thiếu gì nữa không?
- Đủ cả đấy đồng chí ạ!
Mấy cô lại gục vào nhau nhìn anh mà cười. Dự nói tiếp:
- Anh vẫn phải cứ suy nghĩ thêm đi...
Đám đông con gái:
- Lỡ cái "con voi" ấy nó lấy cắp mất anh Lượng cái gì thì sao?
Lượng bị vây giữa tiếng cười của các cô y tá. Khuôn mặt vàng võ cứ ngây ra nom rất đáng thương. Chưa hết điều ngạc nhiên này thì Lượng đã lại gặp điều ngạc nhiên khác. Mấy cô y tá sau khi đã cười với nhau chán chê liền báo cho anh hay: chính Dự đã trao một lá thư trong cái ví của anh cho Nết. Ngay lúc đó anh nhớ lại bức thư và tất cả câu chuyện cũ: Anh sực hiểu Nết là người chị của Khuê. Mặt anh bỗng đỏ bừng lên. Bấy giờ anh cũng mới biết chính Nết đã từng cứu sống anh và chăm nom săn sóc anh trong những ngày anh đang còn hôn mê; và cuối cùng anh hiểu tất cả lý do vì sao khiến các cô y tá tinh nghịch cứ vây lấy mình mà cười!
Đó là một buổi sáng lần đầu tiên từ khi Lượng trở nên tỉnh táo và chấm dứt được cơn sốt, trí nhớ của anh phải làm việc nhiều nhất. Anh nhớ được nhưng hãy còn lờ mờ lúc Khuê trao lá thư cho anh, việc đó xảy ra từ lâu lắm và, có một lần anh đã đi qua một khúc suối có nhiều đá vôi để tìm Nết ở một trạm giao liên... Lượng nhớ ra dần dần không khí trời mưa của buổi mờ sáng, một cái bếp lửa ấm áp, những cô gái đang vắt cơm, và cũng giống như ở đây, những tiếng cười trêu chọc của các cô gái tinh nghịch bao vây tứ phía. Thật ra từ lâu anh đã hầu như quên lãng hẳn lá thư cũ kỹ vô tình nằm trong cái ví, cũng như câu chuyện giữa anh và Nết do Khuê sắp đặt ra từ hồi đơn vị còn ở hậu phương, từ lâu anh không còn nghĩ đến nữa.
Buổi sáng ấy chính là buổi sáng đầu tiên Nết sang thăm Lượng mới được chuyển sang ở chỗ trú quân mới. Sau khi hiểu câu chuyện vừa xảy ra, Nết không dám đến gặp Lượng nữa. Cô quay về. Những bận sau, mỗi lần Nết sang thăm Lượng, hai người đều làm ra vẻ như không hề biết có lá thư của Khuê. Hai người đều coi như ở giữa nhau không có một mối dây quan hệ nào đó đang còn ngấm ngầm mà cả hai đều nhìn thấy. Về phía Nết, chỉ có một lần cô sốt ruột vì muốn biết tin tức của đứa em nên đã hỏi thăm. Lượng cảm động và mừng rỡ, anh đã ngồi suốt một tiếng đồng hồ để kể hết mọi chuyện về công việc và sự tiến bộ của Khuê cho Nết nghe.
Và hôm nay, lần cuối cùng, Nết lại sang với anh. Lượng đang hái thuốc. Không biết Lượng kiếm được ở đâu về một xếp lá thuốc "đồng bào", những chiếc lá vàng và khô, sườn nhỏ, chỉ có những người nghiện sành sỏi mới biết đó là loại thuốc lá quý, khi hút khói rất thơm chỉ để lại một chút tàn trắng như vôi bột. Ngay trên vùng giồng thuốc lá "đồng bào", loại thuốc này cũng rất khó kiếm. Lượng ngồi bên cạnh mấy anh em thương binh khác, đang cẩn thận nhón một dúm thuốc lá rời vừa thái đặt vào tờ giấy báo thì trông thấy Nết bước vào. Anh tìm chiếc nạng gỗ định ra đón cô y tá nhưng cô đã vội vàng đi nhanh tới. Nết dìu Lượng ra ngồi bên chiếc bàn ăn của nhân viên quân y ngoài sân. Nết lo lắng nghe Lượng ho mấy tiếng. Cô ngồi xuống bên cạnh anh. Bao giờ Nết sang Lượng cũng thấy vui hơn. Anh bật lửa châm thuốc. Anh chẳng có ý tứ gì cả, cứ khoan khoái hút từng hơi và phả khói bay mù mịt.
- Anh hút thuốc gì mà nặng khiếp vậy? - Nết hói.
- Thứ thuốc này chúng tôi gọi là thuốc lá "đồng bào" đấy đồng chí ạ!
- Tôi nghe nhiều anh em nói thứ thuốc lá ấy nặng quá họ không hút được.
- Ngày mới vào, tôi chỉ ngửi khói cũng sặc. Vậy mà bây giờ hút cũng quen dần đi đấy thôi!
- Hồi này các anh không được phát thứ thuốc lá từ "ngoài mình" đưa vào ư?
- Lâu nay hậu cần chi kịp đưa vào có đạn và gạo, những thứ ấy cần thiết hơn.
Nết khuyên:
- Anh đừng hút thuốc lá "đồng bào" nữa. Vùng ngực bên trái của anh bị chấn động, phổi có bị ảnh hưởng. Về sau này cũng vậy...
Lượng sực nghĩ ra:
- Bác sĩ Lan vừa bảo ngày mai tôi đã được chuyển xuống dưới tuyến điều trị, đồng chí Nết ạ, chắc chỉ khoảng nửa tháng nữa tôi sẽ được về đơn vị.
- Em cũng chúc anh mau lành... để trở lại đơn vị chiến đấu.
- Nết có nhắn gì cho cậu Khuê không? - Lượng hỏi, và anh không gọi Nết bằng "đồng chí" nữa.
- Nếu có gặp em nó - Nết đáp và ngước lên nhìn Lượng - Anh nói giùm rằng tôi đang công tác ở đây.
Lượng ngập ngùng một lát rồi nói:
- Những ngày nằm ở đây, Nết săn sóc tôi chu đáo quá.
- Anh nói gì vậy?
- Dù sao tôi cũng không dám... quên ơn Nết.
- Sao anh nói vậy... Đừng nói vậy, anh Lượng!
Nết ngồi nói chuyện với Lượng một lúc lâu rồi dìu anh trở vào lán. Cô phải về để kịp chuẩn bị đi công tác. "Tối mai, mình còn bận hộ tống anh ấy về tuyến sau! ". Thế là ngày mai anh ấy đã rời trạm phẫu thuật để xuống tuyến điều trị rồi ư? Sẽ chẳng còn bao lâu nữa, anh ấy đã có thể trở về đơn vị chiến đấu được. Rồi ngày mai ngày kia sau này nữa sẽ như thế nào?...
Nắng ngoài rừng xôn xao. Tiếng cười hai người đàn ông ban nãy như còn vẳng lại: "Tôi nói đùa đấy... mà nói thật thì đã sao?", "Đồng chí khác... không thay được đồng chí!", "Chị hãy tin ở em. Anh ấy là một người vụng về nhưng rất tốt!". Làm sao những lời nói ấy cứ vang lên, y như có ai đang nói từ trong lòng Nết vậy? Nết thật thà nhận thấy một dấu hiệu mới lạ đột ngột len vào giữa trái tim đồng trinh của mình hãy còn khóa kín. Cô chợt thấy thẹn thùng như mỗi lần ra suối tắm, mình phải nhìn thấy da thịt của mình. Không biết những điều mình đang nghĩ, có ai có thể biết được không? Cô đang bước từng bước chân run sợ và quả quyết vào một khu rừng cấm tràn đầy ánh nắng, hoa nắng trên cành cây cứ xôn xao lấp lánh đến chói mắt. Cây "gì" của Dự đây rồi! Không biết thứ cây gì trong rừng sâu thân cây thẳng vút, vó cây dày sạm đen vả nứt nẻ tùng rãnh, đang thay lá vào cuối mùa xuân? Nết bỡ ngỡ đưa bàn tay lên mắt che nắng, chợt trông thấy vô số những chiếc búp xanh màu lá mạ vừa đâm ra ở đầu một số cành cây khô đen ở trên cao, một vài cái búp đã nở xòe thành hình chiếc lá tròn như quạt. Sao những lần trước, mình đi qua đây không để ý cây "gì" đang ra lá?
Bàn chân người con gái giậm trên đám cỏ vạn thọ khô xác lá sắc như dao. Như để giấu niềm vui cùng nỗi sợ hãi vô cớ. Nết cúi ngắt một chiếc nụ hoa màu vàng và lập tức vò nát trong bàn tay. Hai bàn tay xương xương và rám nâu của Nết dính đầy phấn hoa, một mùi hương ngai ngái hăng hắc tỏa ra. Chiếc nụ hoa vàng đã bị vò nát, nhưng cái mùi hương cỏ vạn thọ thường phảng phất bâng quơ trong lá cỏ và đất rùng càng tỏa mùi thơm trong từng kẽ ngón tay.
Dấu Chân Người Lính Dấu Chân Người Lính - Nguyễn Minh Châu Dấu Chân Người Lính