Until I feared I would lose it, I never loved to read. One does not love breathing.

Harper Lee

 
 
 
 
 
Tác giả: Nam Hà
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nhân Hi
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1041 / 3
Cập nhật: 2017-11-12 09:03:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
HƯƠNG MƯỜI BA
Sư trưởng Đàm Lê áp chặt hơn nữa tổ hợp vào tai, ông đang nghe Trần Thơ báo cáo những kết quả đầu tiên của trận đánh tiêu diệt Chiến đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5. Giọng thuốc lào của Trần Thơ vốn hơi rè, qua máy thông tin càng rè thêm. rất khó nghe. Đàm Lê phải chúi đầu vào ngách hầm mới nghe được.
- Sao? Số bị thương các anh phóng thích là bao nhiêu? một trăn bốn mươi tên à? Còn số bị bắt? Hả? Bao nhiêu? - Đàm Lê nghiêng đầu nhìn Lê Nhu đang đứng bên cạnh, ông nói nhỏ - Mới đếm sơ đã tới bốn trăm năm mươi tên. - ông tiếp tục áp tổ hợp vào tai, ông không hỏi lại câu nào, chỉ lắng nghe, chừng ba phút sau ông bỏ máy, ông ngồi xuống ghế. nhìn quanh. như không biết làm gì, không biết nói chuyện gì, không biết nói câu gì trước. Một niềm vui khó tả đang cuồn cuộn trong người ông- Lê Nhu thấy niềm vui đó, niềm vui chưa từng có trong mấy năm nay. Nhưng Lê Nhu không hỏi, anh lặng lẽ nhìn sư trưởng, anh cũng để cho niềm vui từ sư trưởng lan sang người anh.
Bỗng Đàm Lê hỏi:
- Anh Phan Nguyên đâu nhỉ?
- Báo cáo sư trưởng, chính uỷ đang nói chuyện với tư lệnh mặt trận ở ngách hầm điện thoại bên kia.
- Này Lê Nhu - Đàm Lê nói giọng gần như thì thầm nhưng rất rõ từng tiếng - Gần một nghìn tên, không tên nào chạy thoát được. Phóng thích một trăm bốn mươi, bắt sống hơn trăm năm mươi, còn lại đều toi mạng. Trần Thơ kêu không đủ người áp giải tù binh, sợ tối đến tụi nó phá hàng chạy trốn. Thằng 11, thằng 29 kêu không đủ người thu chiến lợi phẩm. Cậu tính sao hả
Lê Nhu điềm tĩnh:
- Báo cáo sư trưởng điều động thêm lực lượng của Trung đoàn 65 áp giải tù binh, còn thu chiến lợi phẩm thì huy động anh em các phòng ban quanh sư bộ đi thu.
- Phải đấy, cậu gọi thằng 65 đi. Trần Thơ đang rất lo. Còn chuyện chiến lợi phẩm triển khai sau, thu đêm nay không hết. sáng mai thu tiếp.
Lê Nhu vào ngách hầm thứ ba. Đàm Lê lại ngồi yên- Đôi mắt ông mở to nhìn lên tấm bản đồ chiến sự treo ở vách hầm- Trời còn sáng, mọi ký hiệu xanh đỏ hiện lên rất rõ. Trong suốt tháng 10, tháng 11, bốn trung đoàn trong biên chế của sư đoàn, cùng lữ đoàn 49 đặc công của mặt trận thọc sâu, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương, đánh phá kế hoạch bình định của địch, theo khuôn khổ kế hoạch C của chiến dịch trên một vùng rộng sát ngoại vi Sài Gòn từ bắc, sang tây bắc. Đến đầu tháng 12, sư đoàn được lệnh rút về đứng chân trong vùng giải phóng bắc Bến Cát, giữa tứ giác: Bàu Bàng - Rạch Bắp - Chơn Thành - Dầu Tiếng, chuẩn bị gấp rút tiêu diệt chi khu Dầu Tiếng, giải phóng quận lỵ Dầu Tiếng. Trận đánh này nằm trong kế hoạch thời cơ của mặt trận đường 13. Trận đánh lớn sẽ diễn ra trước khi hiệp định Pari ký kết.
Sau tám tháng ròng rã chiến đấu trên chiều dài từ biên giới Việt Nam - Cam pu chia xuống đến vùng ven Sài Gòn, bộ đội vô cùng mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng khi có lệnh chuẩn bị tiêu diệt chi khu Dầu Tiếng, giải phóng quận lỵ Dâu Tiếng tranh thủ mở rộng thêm vùng giải phóng, thiết lập thêm địa bàn đứng chân trước khi hiệp định Pa ri ký kết, toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn rất phấn khởi. Họ trút bỏ mệt mỏi một cách kỳ lạ, họ lao vào chuẩn bị. hăm hở, sôi nổi như những ngày đầu bước vào chiến dịch. Người lính, từ cán bộ đến chiến sĩ hiểu rất rõ mục đích cuối cùng của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 sắp đạt được. Họ biết chắc, dù Mỹ - ngụy có vùng vẫy gì, có giãy giụa điên cuồng mấy đi nữa, thì một hiệp định có lợi cho cách mạng cũng sẽ được ký kết tại Pa-ri. Đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Xuân Thuỷ, đồng chí Nguyễn Thị Bình và các đồng chí trong hai đoàn đại biểu của ta ở Pari đã sẵn sàng cầm bút. Việc ký kết hiệp định chỉ còn là vấn đề thời gian.
Người lính, từ cán bộ đến chiến sĩ, đều hiểu rằng cuộc tiến công chiến lược năm 1972 mới nhằm kết thúc một giai đoạn chiếntranh thôi. Hiệp định Pa ri được ký kết, sẽ có ngừng bắn. Họ sẽ được xả hơi ít lâu, nghỉ ngơi, củng cố, để rồi lại bước vào một giai đoạn chiến lược khác. Họ thấy rõ mục đích cuối cùng của cuộc chiến tranh chưa đạt được- Muốn kết thúc cuộc chiến tranh này. Thì họ phải vào được Sài Gòn, vào tận hang ổ và đầu não cuối cùng của kẻ thù. Nghĩa là họ phải tiến công nữa- Họ hiểu như thế, nên việc tranh thủ mở rộng vùng giải phóng, tranh thủ tạo lập bàn đạp đứng chân, để tiến công vào Sài Gòn, là một việc vô cùng cần thiết-
Bộ tư lệnh chiến trường và những người chỉ huy mặt trận đường 13 đã phân tích, cân nhắc rất kỹ giữa hai chi khu và quận lỵ của địch ở vùng trung tuyến- Đó là chi khu và quận lỵ Chơn Thành, chi khu và quận lỵ Dầu Tiếng. Cuối cùng những người chỉ huy cao cấp chọn quận lỵ và chi khu Dầu Tiếng. vì lẽ, chi khu và quận lỵ này nằm giữa vùng bắc và tây bắc Sài Gòn. Nếu như sông Sài Gòn là đường trung tuyến của vùng tam giác sắt, thì chi khu và quận lỵ Dầu Tiếng nằm trên đường trung tuyến đó, nó án ngữ một vùng đất rất quan trọng. Tiêu diệt và giải phóng được Dầu Tiếng, các sư đoàn của ta sẽ cơ động thuận lợi, dễ dàng. Về hậu cần, sông Sài Gòn là đường tiếp tế rất tốt.
Bộ tổng tham mưu ngụy, cả Thiệu và Uây En đều rất lo lắng, khó chịu, khi thấy một khối chủ lực quan trọng của ta đang đứng vững trong vùng tứ giác bắc Bến Cát. Mỹ - ngụy chuẩn bị xúc tiến một kế hoạch phản công lớn, nhằm trục cho được khối chủ lực của ta ra khỏi vùng đất lợi hại đó. Mỹ - ngụy sử dụng toàn bộ Sư đoàn 5 vừa xây dựng lại, các liên đoàn biệt động quân, Chiến đoàn 46 Sư đoàn 25, cùng với các cụm pháo của quân đoàn 3, pháo của các sư đoàn bộ binh, được các loại máy bay ném bom, kể cả B.52 chi viện. Tất cả đều dốc vào cuộc phản công. Kế hoạch đó được coi là cố gắng lớn nhất của Mỹ - nguỵ trên hướng chiến lược này- Kế hoạch được triển khai hợp lý, có lớp lang, thực hiện dần từng bước- Trong quá trình thực hiện có điều chỉnh, có bổ sung, Mỹ - ngụy cũng đã rút được những bài học nào đó, có vẻ biết mình, biết người, không dám mở những trận giao chiến lớn đối với đối phương dù rằng thế đứng chân của các chiến đoàn và mọi phương tiện yểm trợ tối đa, đã cho phép mở những trận giao chiến quyết định. Ở phía nam Chiến đoàn 7 cùng các chi đoàn xe tăng thiết giáp đóng Ở Bàu Bàng. sẵn sàng thọc mũi dùi vào vùng tứ giác hướng đông. Chiến đoàn 8 - chiến đoàn chủ lực của Sư đoàn 5 từ Bến Cát thọc ra Rạch Bắp - Bến Tranh. thọc vào vùng tứ giác từ hướng đông nam. Chiến đoàn 9 ở quận lỵ Chơn Thành theo lộ đá thọc vào vùng tứ giác từ hướng đông bắc. Chiến đoàn 46 ở Dầu Tiếng từ hướng tây bắc thọc xuống. Lực lượng địch có cả ở bốn góc của vùng tứ giác. Bọn địch dùng chiến thuật áp sát trước mặt, ép chặt hai bên sườn, bịt kín phía sau lưng, dồn Sư đoàn 267 vào giữa vùng rừng chồi của khu tứ giác. rồi dùng pháo bầy và B.52 huỷ diệt. Bọn địch tin chắc Sư đoàn 267 sẽ không chịu được đòn trừng phạt đó, sẽ phải bật lên Minh Hòa, Mình Thạnh. Nguyễn Văn Thiệu treo giải thưởng tám triệu đồng cho chiến đoàn nào lập công xuất sắc nhất.
Sư đoàn 267 được lệnh ngừng việc chuẩn bị đánh Dầu Tiếng. chuyển sang tiến công địch đang phản công.
- Tiến công, chứ không phải phòng ngự hay phản công – Tư lệnh Hoàng Việt nhắc đi nhắc lại với Đàm Lê những chữ, những câu trên, ông nói thêm - Địch có bốn chiến đoàn, các anh cũng có bốn trung đoàn, địch ưu thế về không quân, pháo binh, việc đó không mới lạ- Về bộ binh thế là một chọi một. Quân số địch nhiều hơn, nhưng chất lượng thì không cần so sánh, không nên so sánh. Các anh phải dùng lực lượng thích hợp kìm chân các Chiến đoàn 7, 9, 46 tập trung ưu thế lực tượng tiêu diệt cho được Chiến đoàn 8, mũi dùi chủ yếu của địch trong cuộc phản công này. Tiến công! Tiến công giỏi, sẽ thắng lợi to!
Những trận đánh Mỹ - ngụy trong chiến tranh cục bộ hiện ra, Những trận đánh ở Đầm Bê - Oát thơ mây, Xơ nun trên chiến trường đông bắc Cam pu chia hiện ra. Những trận đánh trong chiến dịch này hiện ra. Những kinh nghiệm và những hối tiếc của từng trận đánh hiện ra. Đầu óc Đàm Lê căng lên. Đảng uỷ và thủ trưởng sư đoàn hạ quyết tâm tiêu diệt Chiến đoàn 8 ngụy.
Suốt mười ngày liền từ mồng 9 tháng 1 đến 19 tháng 1, Đàm Lê và Phan Nguyên không rời sở chỉ huy. Họ ăn ngay tại sở chỉ huy và khi cần thiết họ ngủ ngồi trên ghế ở sở chỉ huy. Họ đã dùng các lực lượng thích hợp chặn đứng Chiến đoàn 7 ở Bàu Bàng, chặn đứng Chiến đoàn 9 ở Chơn Thành, chặn đứng Chiến đoàn 46 ở Dầu Tiếng, chặn đứng bọn biệt động quân ở Suối Dứa- Ngày 13 tháng 1, bộ tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy ra lệnh rút tiểu đoàn 3/8 ra khỏi đội hình Chiến đoàn 8 về Bình Dương, qua Củ Chi. lên Dầu Tiếng. nống ra làng 13 cùng một chi đoàn xe tăng, xe bọc thép, thiết lập căn cứ hành quân sâu trong vùng tứ giác, làm lực lượng yểm trợ, chi viện trực tiếp cho hai Tiểu đoàn 1 và 2 từ Bến Tranh lên. Thủ trưởng Sư đoàn 267 áp dụng một chiến thuật mới khá độc đáo là dùng Trung đoàn 65 chuẩn bị tiêu diệt cụm căn cứ hành quân ở làng 13. Dùng Trung đoàn 29, Trung đoàn 11 tiến quân hai bên sườn Chiến đoàn 8 thiếu, vừa tiến quân vừa nổ súng, kèm rất sát, buộc Chiến đoàn 8 phải đi vào vùng rừng chồi đầy tre gai và cỏ cây mắc cỡ, trước rừng chồi là một cái trảng lớn. đến đó, hai trung đoàn bao vây chặt Chiến đoàn 8. Trung đoàn 29 rút Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 11 rút hai Tiểu đoàn 12, 13. cả ba tiểu đoàn cắt vòng lên phía bắc trảng, bố trí thành hình cánh cung lõm. Ở đó, Đàm Lê đã điều tới mười hai khẩu trọng liên 12 ly 8, mỗi khẩu ba cơ số đạn, hai cây ĐK 106 ly chiến lợi phẩm, hai giàn H.12 với ba cơ số đạn và hàng chục khẩu súng cối 82 - 120 ly. Trọng liên và ĐK được bố trí ở giữa nơi tiếp giáp của các tiểu đoàn. Tất cả các loại hoả lực hướng vào trảng trống. Lê Nhu đã làm xong con tính: cứ một phút, mỗi một mét vuông trên trảng trống có ít nhất mười lăm viên đạn bắn thẳng bắn chéo nhau xuyên qua.
Đêm 15 tháng 1, Bộ tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy phát hiện ra nguy cơ Chiến đoàn 8 có thể bị tiêu diệt, ra lệnh cho cụm căn cứ hành quân ở làng 13 bí mật rút về Dầu Tiếng. Trung đoàn 65 truy kích theo, diệt được hai đại đội bộ binh. Bộ tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy cũng hạ lệnh cho Chiến đoàn 8 nhanh chóng bứt khỏi vùng rừng chồi chạy về Dầu Tiếng. Đàm Lê được tin, ông đập tay xuống bàn, xuýt xoa một hồi lâu ông ra lệnh cho Trung đoàn 29, Trung đoàn 11 siết chặt thêm vòng vây. Nửa đêm ngày 18, máy bay B.52 rải thảm khu vực bắc trảng trống. B.52 mở đường cho Chiến đoàn 8 tháo chạy về Dầu Tiếng. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng lần cuối. năm giờ sáng ngày 19. Đàm Lê ra lệnh công kích vào cụm quân gần một ngàn tên của Chiến đoàn 8 ở khu vực rừng chồi. Mười giờ sáng, đội hình của Chiến đoàn 8 vỡ tung. Binh lính địch nhìn thấy trảng trống, nhìn thấy vệt rừng B.52 mở đường, cả ngàn tên địch đạp lên nhau nhào tới. Khi những lớp sóng địch cách vòng cung lõm chừng năm mươi mét, thì cái cánh cung lõm ấy bật ra, biến thành một cánh cung lửa! Hàng mấy trăm con người ghì chặt súng vào vai- Họ trút lên đầu cả ngàn tên địch tất cả căm giận và sảng khoái.
Đàm Lê áp dụng phương pháp của người đi săn, ông tìm sẵn nơi bủa lưới, nơi đóng trổ lưới cuối cùng. Cái nơi đó thật lợi hại hoặc là con thú bị đâm chết, hoặc nơi đó thú thoát được vào rừng. Ông tìm mọi cách kèm riết con thú cả tuần lễ. Ông ép con thú đi vào nơi đã lựa chọn. để cuối cùng buộc con thú phải sa lưới,Lê Nhu từ trong ngách hầm thứ ba bước ra. Đàm Lê quay lại.ông đập tay xuống bàn, tặc lưỡi, xuýt xoa:
- Nếu như ta ra lệnh cho thằng 65 đánh trước đi một đêm thì sao hả Lê Nhu? - Đàm Lê ngồi phịch xuống ghế, ông vò đầu bứt tai vẻ mặt thoáng buồn, thoáng vui. nom rất lạ. Ông thở dài. vẫn còn rất tiếc rẻ: trận đánh cuối cùng của chiến dịch cũng khá, nhưng chưa thật hoàn hảo. Không biết bao giờ mới đánh được một trận như ý muốn.
Lê Nhu rất hiểu tâm tư của sư trưởng. Anh mỉm cười, nói rất thật:
- Báo cáo sư trưởng, lúc đánh vô Sài Gòn thì sẽ hoàn toàn đạt được như ý muốn-
- Đánh vô Sài Gòn à? - Đàm Lê nhíu lông mày - ông lắc đầu, cười -Nhưng cũng không tóm gọn, tóm hết bọn đầu sỏ cao cấp đâu. Chúng nó sẽ cao chạy xa bay trước khi chúng ta vào Sài Gòn, máy bay chúng rất sẵn cậu ạ.
Đàm Lê vừa dứt lời, thì Phan Nguyên từ ngách hầm thứ hai bước vào, ông nói:
- Bộ tư lệnh mặt trận khen anh em ta đã đánh một trận xuất sắc, kết thúc chiến dịch tiến công năm 1972 một cách giòn giã. Bộ tư lệnh ra lệnh giải quyết gấp công việc ở đây, tối ngày mai 21 tháng 1 cả sư đoàn hành quân về đông đường 13, trung đoàn 25 Trung đoàn 65 xuống Chánh Lưu, Bố Lá, Trung đoàn 11 vượt Sông Bé, chiếm ngay đoạn đường Phước Vĩnh - Đồng Xoài. Trung đoàn 29 đứng đông đường 13- Vùng tứ giác này giao lại cho Sư đoàn 290. Phải tranh thủ chiếm lĩnh ngay vùng đứng chân mới, không để địch kịp tranh chấp trước khi hiệp định Pa ri ký kết.
Lê Nhu, theo thói quen, ghi ngay các mệnh lệnh vào sổ, rồi mở tấm bản đồ mới- Trời đã tối. Đàm Lê bấm đèn pin. Ba người chụm đầu trên bản đồ. Các cụm pháo địch ở bốn căn cứ quanh vùng tứ giác bắc Bến Cát bắn dồn dập vào vùng rừng chồi. Nhưng ở đây, trong sở chỉ huy.không ai nghe tiếng pháo nổ.
Sư đoàn 290 giao Thị xã An Lộc lại cho Trung đoàn 24. hành quân xuống vùng giải phóng bắc Bến Cát thay thế Sư đoàn 267- Sư đoàn 267 chuyển hết sang đông đường 13. Trung đoàn 11 vượt sông Bé chiếm đoạn đường 14b từ Đồng Xoài đi Phước Vĩnh. Trung đoàn 65 tiến xuống vùng Chánh Lưu, Bố Lá, bên kia tỉnh lộ 15, bên kia quận lỵ Phú Giáo. Trung đoàn 29 đứng phía đông căn cứ Lai Khê. Ở tuyến sau, từ vùng Minh Hòa, Mình Thạnh, ngược lên những dải rừng phía tây Thị xã An Lộc, cặp theo bờ sông Sài Gòn. thấy xuất hiện nhiều tiểu đoàn xe tăng T.54, xe tăng lội nước PT76 và nhiều tiểu đoàn pháo tầm xa 130 ly. Những đoàn xe tăng và những cỗ pháo đồ sộ này còn nhuộm đầy bụi đỏ Trường Sơn- Xung quanh trị trấn Lộc Ninh, hai bên rừng, ven những con đường quan trọng, cả ở vùng trung tuyến, đã có nhiều trận địa cao xạ phòng không 57 ly. Rất nhiều đoàn tân binh mặt mày đỏ au, quần mới áo mới, vừa từ những chiếc jin 157, jin 130 chạy suốt từ hậu phương vào. Tân binh đi lại, ăn ở, trú quân đầy cả rừng cao su vùng Lộc Ninh, rồi hối hả hành quân bộ về các sư đoàn. Mặt đất vùng biên giới rung chuyển dữ dội vì những trận ném bom của máy bay B.52. Nguyễn Văn Thiệu sợ hãi, đã van nài Mỹ tiếp tục ném bom cho đến ngày ngừng bắn. Những tốp máy bay B.52 ba chiếc một, từ Thái Lan sang. từ Gu-am tới, gầm gừ trút bom, dựng lên những bức_tường lửa và khói dài hàng năm bảy ki lô mét. Máy bay F.5E, máy bay AD.6 của ngụy đi đánh phá cầu đường. bị những cỗ pháo cao xạ 57 bắn rơi ngay loạt đạn đầu. Bọn phi công không kịp nhảy dù chết cháy cùng máy bay. Lần đầu tiên bọn giặc lái ngụy nếm mùi trung cao, chúng hớt hải trút vội bom rồi tháo chạy. Đồng bào vùng giải phóng Lộc Ninh chăm chú theo dõi những trận đánh máy bay của bộ đội phòng không mà cả cuộc chiến tranh này họ chưa bao giờ thấy. Những người dân vùng cao su, suốt mấy chục năm sống trong vòng kiểm soát của địch, đã đứng suốt đêm ngoài cửa, vui sướng nhìn những đoàn xe vận tải quân sự dài dằng dặc từ Trường Sơn vào. Họ thầm so sánh những đoàn xe Mỹ với những đoàn xe Giải phóng. Ở Cục hậu cần có đoàn cán bộ của Cục xăng dầu đang làm việc. Bộ đội xăng dầu đã đặt những đoạn đường ống đầu tiên trên đất Tây Nguyên, sẽ kéo dài đường ống vào tận miền Đông Nam Bộ. Hậu phương đang khẩn trương tăng cường mọi sinh lực mới cho những chiến trường xa nhất.
Trong lúc đó ở các cảng Sài Gòn, Đà Nẳng, Cam Ranh, rất nhiều tàu trọng tải hàng vạn tấn của Mỹ, của các nước Tây Âu, trút lên bờ những khối lượng vũ khí khổng lồ. Máy bay vận tải C.130, C 5 từ những căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á, ở Thái Bình Dương, bay thẳng tới, dập dìu lên xuống các sân bay lớn như Đà Nẳng, Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Bình Thuỷ- Những chiếc máy bay vận tải đường dài ấy tuôn ra hàng loạt trọng pháo, xe tăng M.48, hàng loạt máy bay F-5E tháo rời, hàng loạt giàn tên lửa chống tăng. Ních xơn đang làm tất cả những việc hắn có thể làm trước khi buộc phải ký kết Hiệp định Pari. Khuôn mặt và nhịp điệu của chiến tranh những ngày cuối cùng của năm 1973 là như thế.
Phó chính uỷ Hồng Nam chưa có toàn văn bản Hiệp định trong tay, nhưng ông được biết bản Hiệp định ký kết là do hai đoàn đại biểu của ta thảo ra, qua gần bốn năm kiên trì đấu tranh - Sự kiện ta chưa từng có trong lịch sử của các cuộc đàm phán - Cuối cùng đã buộc Mỹ ngụy phải chấp nhận những điều khoản do chúng ta đưa ra. Bọn Mỹ từ khi bước vào cuộc đàm phán, chúng luôn luôn muốn dùng thế mạnh, đứng trên thế mạnh, nhưng cuối cùng chính chúng ta mới có thế mạnh, mới là người đứng trên thế mạnh- Cả thế giới đang hướng về Pari, nơi Hiệp định vừa được ký kết. Cả thế giới đang hướng về Việt Nam, nơi cuộc chiến tranh lớn nhất của phần cuối thế kỷ XX đã thực sự dừng lại ở trước một ngưỡng cửa mới, ít nhất cũng là trên danh nghĩa, trên văn bản chính thức. Còn những biểu hiện thực tế trên chiến trường, trên những vùng đất còn nóng bỏng lửa đạn, giữa hai lực lượng đối địch, thì chưa hình dung được sẽ diễn ra như thế nào, nhưng chắc chắn là quyết liệt, gay go và vô cùng phức tạp. Phó chính uỷ Hồng Nam rời Hà Nội vào những ngày Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc- Gần chục năm ở chiến trường, ông đã trải qua những bước thăng trầm của cuộc chiến đấu, những bước thăng trầm tất yếu phải diễn ra trong quá trình đọ sức với một kẻ thù như Mỹ - nguỵ. Nhưng cuối cùng chúng ta đã thắng, dù mới chỉ thắng thêm một giai đoạn chiến lược, mới kết thúc được một giai đoạn chiến lược. Mà cuộc chiến tranh nhằm giải phóng hoàn toàn đất nước, còn phải tiếp tục trải qua những giai đoạn chiến lược khác tất yếu phải có. Nhưng dù sao, đây cũng là một cái mốc hết sức quan trọng của quá trình chiến tranh. Bọn Mỹ chưa hoàn toàn thua hẳn, vì chế độ Sài Gòn- đang tồn tại, nhưng việc bọn Mỹ phải hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, rút khỏi Đông Dương đã là một thất bại nhục nhã nhất trong lịch sử của nó.
Phó chính uỷ Hồng Nam liếc nhìn tập bản tin tham khảo của Thông tấn xã giải phóng vừa gửi đến, ông cầm lên, xem lướt qua phần tin tức. rồi dừng lại trước một bài dài của tờ "Tuần tin tức". một tờ báo lớn ở Oa sinh tơn "Chiến tranh đã làm tăng thêm tất cả các mối căng thẳng trong nước Mỹ hiện đại. giữa các chủng tộc, giữa các giai cấp, giữa các thế hệ ở mức cao nhất. Nó đã khiến cho xã hội Mỹ hầu như tan vỡ. Đã đến lúc cuối cùng. giờ phút còn bị bao trùm bởi một trong những chuyện mỉa mai của lịch sử, đó là tang lễ của Giôn xơn. Nguyên nhân chính làm cho Giôn xơn chết là vì một cơn đau tim do xơ cứng động mạch. Nhưng đứng về một mặt rộng rãi hơn mà nói, Giôn xơn là nạn nhân cao cấp nhất của Mỹ bị thương vong trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Một nhân vật mà thành tựu ở trong nước bị phá hoại bởi cuộc chiến tranh cách xa nữa vòng trái đất. Cái " xã hội vĩ đại" mà ông ta tha thiết xây dựng đã tự thiêu huỷ trong một cuộc chiến tranh!.
Cuối cùng Mỹ bắt đầu thoát khỏi một cuộc chiến tranh sa lầy. từng làm khổ đau bốn tổng thống và làm mất chức một tổng thống. Đã chia rẽ đất nước một cách sâu sắc hơn bất cả sự kiện nào từ sau cuộc nội chiến, rốt cuộc đã bị đại đa số nhân dân Mỹ coi như một sai lầm bi thảm! Một cuộc chiến tranh không sản sinh ra những anh hùng dân tộc, không sản sinh ra những bài ca yêu nước rung động lòng người. thì cũng không thể sản sinh ra ngày kỉ niệm đình chiến đáng ghi trong tâm khảm. Nước Mỹ đã kiệt sức vì chiến tranh không thể ăn mừng được".
Phó chính uỷ Hồng Nam đọc lại lần nữa bài báo, rồi ngồi lặng yên suy nghĩ. Bài xã luận của tờ "Tuần tin tức" ông vừa đọc, là một bài báo khá trung thực. Nhưng ông hiểu rằng đó là những kết luận về bọn Mỹ của một tình hình đã qua. Thực ra bọn Mỹ chưa chịu thua hoàn toàn- Với trận tập kích chiến lược bằng không quân chiến lược vào Hà Nội - Hải Phòng, bọn Mỹ muốn đưa miền Bắc lùi lại mấy chục năm. Trong khi đó bọn Mỹ sẽ đổ tiền, đổ của, đổ vũ khí vào miền Nam, tiếp tục kế hoạch ViệtNam hóa chiến tranh. xây dựng ngụy quân. ngụy quyền Sài Gòn, duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, mãi mãi chia cắt Việt Nam thành hai nước, đặt miền Nam trong quỹ đạo của Mỹ. Bọn Mỹ sẽ tuyên bố trước thế giới rằng, quân Mỹ đã rút đi nhưng Việt Nam cộng hòa vẫn cứ tồn tại một cách vững vàng, chắc chắn. Kế hoạch Việt Nam hóa và học thuyết Ních xơn cuối cùng đã thành công tốt đẹp. Ních xơn sẽ làm như vậy. Và việc Mỹ - ngụy không thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari là một điều chắc chắn sẽ xảy ra, cũng như Mỹ - ngụy đã không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ cách đây mười chín năm. Nhưng dù sao Hiệp định Pari vẫn là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng của một chặng đường chiến đấu. Bằng Hiệp định Pa ri. chúng ta buộc Mỹ phải cút khỏi miền Nam Việt Nam. Bằng Hiệp định Pari, chúng ta sẽ có điều kiện tích luỹ và phát triển lực lượng, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho tình hình mới. Trên chiến trường còn lại một mình ngụy quân, ngụy quyền. bằng một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, chúng ta sẽ quét sạch chúng. Giai đoạn chiến lược đó tất yếu sẽ diễn ra. Nó chỉ còn là vấn đề thời gian và thời cơ nữa mà thôi. Cuộc đụng đầu lịch sử chưa kết thúc hoàn toàn. Nhưng đã kết thúc phần cơ bản. Bọn xâm lược Mỹ đang lủi thủi kẻo nhau về nước. Cuối cùng, chúng phải ngậm đắng nuốt cay thừa nhận rằng, cái sức mạnh được coi là siêu phàm của chúng. một chuỗi dài những học thuyết, những âm mưu và kế hoạch thâm độc, không thể nào khuất phục được ý chí và tài năng của một dân tộc đã thét vang vào lịch sử những lời nổi tiếng: " Thà chết quyết không làm nô lệ!" Không có gì qúy hơn Độc lập Tự do! "
Phó chính uỷ Hồng Nam mở sổ tay, ông cắm cúi viết thật nhanh. Viết xong ông đứng dậy tắt đèn.,ông ôm cả cặp tài liệu sang hầm Tư lệnh Hoàng Việt. Cuộc họp của Thường vụ đảng uỷ mặt trận sắp sửa bắt đầu
Trận địa trực ban của Trung đoàn 29 ở bên đông đường 13, cách vị trí Bàu Bàng chừng một cây số. Chiếc hầm phía ngoài trận địa cách bờ đường năm mươi mét. Đó là một chiếc hầm chữ A hai tầng ba cửa, nối với một chiếc hầm thùng có nắp che rất dày, trong hầm có ba cặp cọc mắc võng, chính giữa là chiếc bàn nhỏ bằng nhôm lấy ở xe M.113 nằm chỏng gọng bên đường. Chiếc hầm thùng này nối liền với chiếc hầm thùng khác nhỏ hơn, nhưng lộ thiên, trong hầm cũng có những tấm nhôm, vẫn là những thứ gỡ từ xe M.113 đem về, kê thành bàn và chỗ ngồi, rồi tới một ngách hào ngắn, sâu đến bụng. Ngách hào và hầm thùng lộ thiên đều có thiết bị bệ bắn. Toàn bộ chiếc hầm khuất sau một bụi cây lớn, được ngụy trang rất khéo, đi trên đường không thể nào phát hiện được. Trong hầm thường có tổ cảnh giới. được trang bị một trung liên, một B.40 và hai AK. Cách chiếc hầm này chừng năm mươi mét, cặp theo nền đường sắt cỏ mọc đầy, là những dãy hầm chữ A,. từng cụm ba chiếc. nối liền nhau bằng những đoạn chiến hào ngắn. Hầm chữ A nào cũng có hầm thùng để ngủ. Phía sau những tuyến hầm của các trung đội bố trí theo hình cánh cung lõm, là hầm của ban chỉ huy đại đội, hầm đặt điện thoại về thẳng sở chỉ huy trung đoàn, hầm đặt- máy PRC.25, hầm quân y và một chiếc hầm anh em gọi là hầm khách. Ở đó cũng có bàn ghế, chỗ ngủ, là nơi tiếp đón các cán bộ trên xuống kiểm tra trận địa. Phía sau trận địa của đại đội trực ban, nơi bìa trảng giáp với rừng, là trận địa của toàn trung đoàn được bố trí dưới hai hình thức chiến thuật: phòng ngự chốt giữ và vận động tiến công. Bên tây đường 13 là trận địa trực ban của một đại đội thuộc Trung đoàn 73 Sư đoàn 290, sau trận địa trực ban là trận địa cơ bản của trung đoàn 73, cũng triển khai giống như bên phía Trung đoàn 29. Toàn bộ trận địa hai bên đường 13 được triển khai sau ngày 27 tháng 1, một ngày sau khi Hiệp định Pa ri ký kết. Các chiến sĩ không phải đào hầm dưới các làn hoả lực của địch, vật liệu sẵn, chuẩn bị chu đáo, được lực lượng cả tiểu đoàn góp sức, nên chỉ một đêm, mấy chục chiếc hầm chiến đấu. hàng trăm mét chiến hào được đào đắp xong. Tuy Hiệp định đã ký kết, cuộc ngừng bắn đang được thực hiện, nhưng từ cán bộ đến chiến sĩ không ai tin Mỹ - ngụy sẽ chấp hành các điều khoản trong Hiệp định. Vì vậy việc đào đắp trận địa vẫn là một việc thiết thân, vừa khẩn trương, vừa hấp dẫn.
Theo kế hoạch chiến đấu mới, Sư đoàn 290 đảm nhiệm khu vực đường 13. Trong chiến đấu, Trung đoàn 29 đặt dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn 290. Tuỳ theo tình hình diễn biến. Bộ tư lệnh mặt trận có thể điều thêm các trung đoàn của Sư đoàn 267 ở bên kia Sông Bé, vận động về bên này đường 13 tiêu diệt địch- Sư đoàn 267 đảm nhiệm hướng đường 14b bên kia Sông Bé, vẫn là sư đoàn sẵn sàng thọc sâu vào sườn thị xã Thủ Dầu Một và vùng ven Sài Gòn theo hướng đông đường 13, hướng cơ động thuận lợi nhất. Cho đến lúc này, khi chiến dịch tiến công năm 1972 kết thúc, cán bộ và chiến sĩ trong khối chủ lực miền Đông chỉ còn một điểm chưa thật hài lòng, là sau lưng họ còn vướng bọn địch ở Thị xã An Lộc. Ở chi khu quân sự Chơn Thành. Ở Dầu Tiếng, sau lưng họ không được gọn gàng và sạch sẽ lắm- Tuy nhiên cái kiểu da báo ấy lại làm cho địch phân tán lực lượng, phải đối phó rất khó khăn. Trưa 30 tháng 1, ba ngày sau Hiệp định. Tư lệnh Hoàng Việt và một số sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần mặt trận, xuống các sư đoàn tiến hành kiểm tra phương án tác chiến, trực tiếp quan sát mặt trận mới.
Bầu trời vùng trung tuyến rất cao, rất xanh- Nắng mùa xuân toả khắp không gian, toả khắp mặt đất cái màu vàng nhạt quen thuộc. Gió tràn trề, trườn qua những khu rừng cao su rộng lớn, để lại sau lưng những trận mưa lá vàng, gió tràn qua những trận địa đã hoàn toàn im tiếng súng, không còn một bóng người, không còn sự giành giật. Gió cuốn đi mùi tanh của máu, mùi hôi thối của xác chết, mùi khét của bom đạn, gộp chung lại là cái mùi của chiến tranh, thường bám nết lấy cỏ cây, ngưng tụ rất lâu trong từng thớ đất và chỉ có gió, có nắng mới đủ sức làm cho trong sạch. Mặt đất sạch sẽ, khô ráo, bốc lên hương vị lạ lùng của mùa khô ở phương Nam, mà hễ ngửi thấy, thì từ người chiến sĩ cho đến vị tư lệnh đều nghĩ ngay tới những trận chiến đấu, đều thấy rạo rực, hồi hộp đến nao lòng!
Tư lệnh Hoàng Việt đội chiếc mũ tai bèo đã sờn mép, mặc hộ quân phục màu xanh lá cây, đi dép cao su. Chiếc túi bản đồ đeo chéo qua người đập nhè nhẹ theo nhịp bước. Khuôn mặt trầm tĩnh, cương nghị vốn có của ông, hô nay trông vui hơn. nhưng lại có cái gì sâu lắng hơn. Ông nhìn rất lâu, rất kỹ - những nơi chôn cất tử sĩ những chiếc hầm, những hố bom, những gốc cây xơ xác, những lối mòn vạch ngang vạch dọc, những vết xích xe tăng. những đám đất cháy sém trên đường đi. Ông dừng lại ở Tàu Ô hơn nửa giờ, dùng ống nhòm quan sát rất kỹ dải chốt chặn từ đông sang tây, từ nam lên bắc. Ông xuống xem xét vài chiếc hầm của Đại đội 111 gần suối Tàu Ô, ông xem xét cả những chiếc hầm gần nhất của địch. Hoàng Việt bốc một nắm đất. Không, không phải là đất mà là bột, một thứ bột có màu xám tro pha lẫn màu vàng thành một thứ màu hung hung. Trên sáu mươi nòng đại bác cỡ lớn của địch đã bắn vào vùng đất này suốt một trăm hai mươi ngày đêm. Hàng mấy trăm lần chiếc máy bay đã đổ bom xuống vùng đất này suốt một trăm hai mươi ngày đêm. Bom và đạn đại bác đã biến đất thành bột. Nhưng bom đạn đã không khuất phục được các chiến sĩ gan vàng dạ sắt. Cuộc đọ sức trên một vùng đất đã kết thúc. Cuộc đọ sức của cuộc chiến tranh rồi cũng sẽ kết thúc. Sự kết thúc thắng lợi ở mỗi vùng đất, mỗi chiến dịch, mỗi giai đoạn chiến lược, sẽ dẫn tới sự kết thúc thắng lợi của cuộc chiến tranh. Hoàng Việt tin chắc như thế. Cái mảnh đất nhỏ hẹp hoang vắng này, từ nay đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời chiến đấu của ông, được xếp ngang hàng với những Mường Chanh. Mường Giôn. Xuân Trạch, Đông Khê. Ba Vì, Điện Biên Phủ, Bàu Bàng, Lộc Ninh.v...v... ông nghĩ thầm: "Trên đất nước từ Bắc chí Nam, chỗ nào có giặc đến, là chỗ đó có chiến công. Rồi phải xây dựng ở đây. trên con đường 13 này một khu tượng đài kỷ niệm".
Rời Tàu Ô, ông theo đường 13 đi thẳng xuống Ngọc Lầu, thăm trận địa trực ban của Trung đoàn 71, nơi đã xảy ra những trận đánh đẫm máu giữa Trung đoàn 65 và lữ đoàn dù số 1, rồi tới Sư đoàn 21 hồi đầu chiến dịch. Ông rẽ sang tây đường. theo đường mòn xuống vùng giải phóng bắc Bến Cát, vào làm việc với thủ trưởng Sư đoàn 290, kiểm tra trận địa của Trung đoàn 73, dùng ống nhòm quan sát thị trấn Bến Cát và sông Sài Gòn, xem kỹ toàn khu vực Bàu Bàng, nơi diễn ra trận đánh Mỹ nổi tiếng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ. Trên mảnh đất xơ xác ngập dầy cỏ dại và hố bom lan ra tận đường 13, rất nhiều xác xe tăng M.48, M.41 xe thiết giáp, xe lội nước M.113. M.118, cái bể đôi, cái bay mất tháp pháo, cái cháy rụi, những xác xe này là của lữ đoàn xe tăng số 11 Mỹ và của lữ đoàn 3 xe tăng thiết giáp ngụy. Có những chiếc bị đánh gục cách đây bảy tám năm, có những chiếc bị đánh hồi đầu chiến dịch, có nhiều chiếc bị đánh cách đây ba tháng. Thời gian đã phủ lên mình những con quái vật hung hãn này cái màu đen xỉn, cái màu của sự tan rã, tàn lụi và huỷ hoại. Trong rất nhiều chiếc mũ sắt lăn lóc bên cạnh xác xe, những chiếc đầu lâu vẫn còn nguyên, gương hai hố mắt tối om, tròn xoay nhìn chòng chọc lên trời xanh, như vẫn còn u uất, như vẫn còn ngao ngán. Những hố mắt vẫn như hiện lên những dấu hỏi lớn. "Phải - Hoàng Việt nói thầm - Phải, chúng chỉ còn biết hỏi trời. nhưng trời cũng không giải đáp được!, Bên dưới những chiếc mũ sắt, là những hố xương rã ra, đen xỉn, mục nát dân trong những lớp cỏ thân cao, lá to. Có hoa màu xám, đồng bào địa phương thường gọi là "cỏ Mỹ". Đi mấy bước nữa, Hoàng Việt thấy một cảnh mới mẻ: xác hai tên lính ngụy ngồi tựa vào vòng xích chiếc xe tăng M.41 tháp pháo đã bay mất, còn trơ lại phần thùng dưới. Hai tên lính ngụy vẫn còn đầy đủ trang phục: mũ sắt đội đầu, quần áo trận, chân nguyên giày, ba lô đeo sau lưng. Hai đứa tựa vào nhau. tựa vào vòng xích xe tăng, sát hai bên cho hai tên lính ngụy ngồi là hai bụi chồi cây ép lại. Có lẽ nhờ những cành chồi giữ chặt. nên xác hai tên ngụy không đổ gục. Cứ trông qua tưởng như chúng đang ngồi nghỉ, mắt chúng đang nhìn đăm đăm ra đường 13. Nắng mùa khô ở vùng trung tuyến đã làm cho xác hai tên lính ngụy khô đét lại, phần thịt tiêu đi, nhưng phần da thì vẫn còn. dính sát vào xương. Có lẽ chúng là lính của Sư đoàn 25 trong trận đánh hồi tháng 12 năm ngoái. Phải chăng đó là hình ảnh cô đọng nhất của học thuyết Ních xơn "Việt Nam hóa chiến cuộc? "
Cái gọi là sức mạnh không tưởng tượng được, cùng những âm mưu thâm độc của Mỹ, cuối cùng đã để lại trên bãi chiến trường đầy đủ, nguyên vẹn mọi tang chứng! Tư lệnh Hoàng Việt thấy ngay một sự trùng hợp lý thú. Vùng đất diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên rất nổi tiếng trên hướng chiến lược này, giờ đây cũng lại là nơi đứng chân của hai sư đoàn bộ binh, mà cuộc đời chiến đấu của ông đã từng gắn bó, ông đã từ hai sư đoàn đó trưởng thành lên: sư đoàn 267 trong kháng chiến chống Pháp, Sư đoàn 290 trong kháng chiến chống Mỹ.
Tư lệnh Hoàng Việt hết sức sung sướng, hết sức xúc động. ông che tay ngang trán, nhìn lại lần nữa vùng đất vừa quen, lại vừa như lạ Vùng đất trong suốt cuộc chiến tranh này, luôn luôn gắn với những suy nghĩ, với những chiến dịch, với những trận chiến đấu, với những vui, buồn. Vùng đất ấy đang thở nhịp nhàng trước mặt
Tư lệnh Hoàng Việt chậm rãi bước trên đường 13, con đường nham nhở vết bom đạn, mệt mỏi, trườn mình dưới nắng trưa về Sài Gòn. Phía sau lưng ông, cách chừng một trăm mét, các chiến sĩ đang hối hả dựng một ngôi nhà. Một sĩ quan tham mưu đi theo cho ông biết anh em làm nhà thông tin để đón tiếp đồng bào. Trong nhà sẽ có tranh ảnh, sách báo Cách mạng, có chỗ ngồi xem phim và xem văn công. Sau khi làm xong, sẽ mở đường cho xe đò Sài Gòn - Chơn Thành qua lại. Hai chốt ở Bàu Bàng, Chơn Thành chỉ chốt chặn quân ngụy Sài Gòn, chứ không chốt chặn các loại xe đò. Và nhất là không "chốt chặn" tình nghĩa quân dân.
Tư lệnh Hoàng Việt nhìn lên phía trước. Trong mắt ông, chiếc tháp canh bằng bê tông ở cứ điểm Bàu Bàng hiện lên vẻ bướng bỉnh, ngang ngạnh, thách thức, mặc dù pháo 85 ly nòng dài đã bắn đứt phần trên của tháp canh. Bàu Bàng là vị trí tiền tiêu của sư đoàn 1 Mỹ "Anh cả đỏ". Ở đó hiện giờ có một tiểu đoàn bộ binh nguỵ và một trận địa pháo 12 khẩu.
Tư lệnh Hoàng Việt ngắm con đường rất lâu. Cuộc giành giật từng thước đường suốt mười tháng ròng vậy là đã tạm chấm dứt, Mỹ - ngụy buộc phải bỏ lại trước mặt cả trăm cây số đường, lùi về giữ phần đất còn lại quanh Sài Gòn bỏ lại tỉnh Phước Long, tỉnh Bình Long, tỉnh Quảng Đức đã hoàn toàn bị cô lập. Có bốn tuyến đường chính chạy về Sài Gòn. Đường 1 từ phía đông bắc. Đường 13 từ phía bắc. Đường số 1b từ phía tây bắc, và đường 4 từ phía tây nam. Trong bốn tuyến đường ấy, chúng ta mới thiết lập được thế trận vững chắc của bộ đội chủ lực trên tuyến đường 13 từ phía bắc, cách trung tâm Sài Gòn sáu mươi lăm cây số. Muốn tiến vào hang ổ cuối cùng của địch, chúng ta còn phải thiết lập thế trận trên ba tuyến đường kia, phải hoàn chỉnh cái vòng vây thép khổng lồ xung quanh Sài Gòn. Đó là nhiệm vụ của giai đoạn chiến lược sắp tới.
Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giao cho nó. Hiệp định Pa ri đã ký kết. Một giai đoạn chiến lược khác của cuộc chiến tranh lâu dài nhưng tất thắng sắp bắt đầu! Bằng tinh thần bền bỉ, dẻo dai. bằng lòng dũng cảm hy sinh vô bờ bến, bằng sự sáng tạo vượt lên trên sức mình, các sư đoàn cuối cùng đã đứng vững vàng ở những bàn đạp hết sức lợi hại được trù tính từ lâu. Khối chủ lực miền Đông Nam Bộ, bằng kết quả chiến đấu suốt mười tháng trời, đã đặt được những nền móng chắc chắn, đặt được những tiền đề cụ thể về chiến dịch hết sức tốt đẹp cho giai đoạn chiến lược sắp đến, trên hướng chiến lược chủ yếu này-
Đứng trên đường 13, cách Sài Gòn sáu mươi lăm cây số. Tư lệnh Hoàng Việt thấy rất rõ những vấn đề hết sức quan trọng đó- Ông nghĩ tới những việc phải làm để tiếp tục củng cố và phát triển thế trận. Củng cố và phát triển những tiên đề chiến dịch, đã hình thành trong buổi giao thời của những giai đoạn chiến lược.
Tư lệnh Hoàng Việt quay sang hỏi người sĩ quan tham mưu:
- Trận địa trực ban của Trung đoàn 29 ở đâu?
Người sĩ quan đứng nghiêm:
- Báo cáo đồng chí tư lệnh ở bên trái, mời đồng chí tư lệnh đi theo đường này.
Người sĩ quan bước xuống vệ đường 13, rẽ theo lối mòn. Tư lệnh Hoàng Việt và những sĩ quan khác tiếp tục đi theo thành một hàng dài. Đến cách hầm trực ban chừng mười lăm mét, anh sĩ quan tham mưu bước nhanh tới định báo tin. Nhưng anh chưa kịp nói, thì trong hầm đã có tiếng hô " nghiêm" rất dõng dạc, và bóng một cán bộ người thấp, nhỏ, nhưng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, đã vọt lên hầm, anh đi tới phía Tư lệnh Hoàng Việt, cách năm bước, anh đứng lại giơ tay chào:
- Tôi, Lê Cam Đại đội trưởng Đại đội 111 thuộc Trung đoàn 29, trực ban chiến đấu, báo cáo đồng chí Tư lệnh mặt trận, Đại đội 111 đang sẵn sàng!
- Được!
Tư lệnh Hoàng Việt chào đáp lại, ông bước tới đặt tay lên vai Lê Cam, đôi mắt của tư lệnh sung sướng nhìn khuôn mặt rám nắng của người đại đội trưởng trẻ. Ông ôm chặt lấy Lê Cam. Lê Cam áp đầu mình vào ngực ông, rồi ôm chặt lấy ông. Những sĩ quan đứng quanh rất xúc động, họ cũng muốn được ôm lấy Tư lệnh và người đại đội trưởng xuất sắc- Họ trân trọng cảnh đang diễn ra: Một vị tướng đang ôm chặt người sĩ quan cấp dưới của mình: Một người lính già đang ôm chặt người lính trẻ; Một người cha, người chú đang ôm chặt đứa con đứa cháu! Hai con người tiêu biểu, đại diện cho hai cấp, ở hai mũi nhọn của chiến dịch, họ luôn nghĩ tới nhau trong suốt cuộc chiến đấu, nhưng không nhìn thấy mặt nhau. Họ đặt hết lòng tin vào nhau, nhưng chưa có dịp chuyện trò với nhau, nên lúc này họ như hòa làm một!
Tư lệnh Hoàng Việt cùng Lê Cam bước xuống hầm. Tất cả cán bộ chiến sĩ xếp thành hàng từ nãy vẫn đứng nghiêm trong chiếc hầm thùng rộng. Họ nhìn cảnh vừa diễn ra. Trong đôi mắt sáng ngời, non trẻ của họ, đẹp thay, đều lấp lánh nước mắt! Tư lệnh Hoàng Việt âu yếm nhìn khuôn mặt, nhìn sâu vào đôi mắt từng chiến sĩ. Mắt ông cũng rưng rưng. Ở Tàu Ô, ông đã đứng lặng đi trước những chiếc hầm chữ A sạt lở, méo mó, còn nồng nặc mùi lửa đạn, lòng đau như cắt khi thấy những vệt máu thấm đen vào đất. Những vệt máu ấy là tinh hoa chói lọi nhất của đời người lính! Và lúc này ở đây, những giọt nước mắt ông nhìn thấy kia, cũng là tinh hoa của đời người lính! "ôi chao, là những Dũng sĩ tuyệt vời của Đất nước! Những dũng sĩ tuyệt vời của ông!". Hoàng Việt thở mạnh, ông dang rộng hai tay như muốn ôm tất cả những chiến sĩ vào lòng. Trong giờ phút hết sức tự nhiên và rất xúc động này, ông hiểu thêm thế nào là hạnh phúc của một người lính già, thế nào là niềm tự hào chính đáng của một người làm tướng cầm quân!
Nghỉ - Giọng Hoàng Việt ấm áp - Các đồng chí ngồi xuống đi. Các đồng chí mệt lắm, tôi biết các đồng chí rất mệt! Ròng rã ba trăm ngày đêm chứ đâu dăm bữa nửa tháng gì. Trận Điện Biên Phủ dài nhất trong đánh Pháp cũng chỉ có năm mươi lăm ngày đêm. Trận Tàu Ô của các đồng chí một trăm linh chín ngày đêm, còn trận trên đường 13 trước sau đúng một trăm năm mươi ngày đêm! Có thể coi đó là trận đánh dài ngày nhất trong đời chúng ta! ác liệt lắm. Vất vả lắm! Không có gian khổ nào bằng gian khổ của người lính ở chiến trường. Chúng ta hiểu như thế, nên chúng ta đã biết nghiến răng lại, chịu đựng tất cả, vượt qua tất cả mọi thử thách gay go để tiến lên, để đứng vững vàng ở vùng đất lý tưởng này trước khi tình hình mới xuất hiện.
Từ lệnh Hoàng Việt dừng lại, ông ngạc nhiên thấy các chiến sĩ vẫn đứng nghiêm, ông thấy mình cũng còn đang đứng. Ông vội vàng ngồi xuống chiếc ghế dài bằng tre, cán bộ chiến sĩ lần lượt ngồi xuống hai bên. Ông nhìn quanh hầm, ông gật đầu:
- Tươm tất, sạch sẽ, lại khang trang nữa. Tốt! Rất tốt! Chắc các đồng chí đã được thở những hơi khoan khoái?
Cán bộ, chiến sĩ dần dần vây quanh người ông. Họ chăm chú nghe ông nói, họ nhìn ông với cặp mắt kính trong, vừa tò mò. vừa vui sướng. Hoàng Việt trìu mến nhìn đi nhìn lại những chiến sĩ của mình: "Họ như thế đấy! - ông thầm nhủ - Họ đã chốt giữ một trăm linh chín ngày đêm ở Tàu Ô. Họ như thế đấy!". Ông đưa mắt nhìn ra cuối đường chiến hào. Ông thấy mấy chiến sĩ đang lúi húi dưới hầm, ông chỉ tay về phía đó, chưa kịp hỏi thì Lê Cam đã đứng dậy:
- Báo cáo đồng chí tư lệnh mặt trận, đó là một số chiến sĩ trong tiểu đội trực ban tranh thủ đào chiến hào.
- Tiếp tục đào chiến hào? - Hoàng Việt ra hiệu cho Lê Cam ngồi xuống, ông chỉ tay về phía Bàu Bàng - Vì cái tháp canh kia hả?
- Dạ - Lê Cam ngồi xuống tiếp tục nói - Thưa đồng chí Tư lệnh vì cái tháp canh đó và cả vì thói quen. Lúc rảnh rỗi, anh em vẫn tiếp tục đào hầm, giống như hồi ở Tàu Ô. Báo cáo đồng chí Tư lệnh. Ở ngoài trận địa ngồi không khó chịu lắm. Chúng ta đang thi hành lệnh ngừng bắn, nhưng thưa đồng chí Tư lệnh, cái cảnh hai phía vẫn chĩa súng vào nhau, nhưng lại đứng nhìn nhau thế này thật chưa quen ạ!
Hoàng Việt gật đầu, ông rất bằng lòng và tâm đắc:
- Chưa quen? Đúng! Vì cái tháp canh kia? Đúng! Nhất là vì tâm địa của kẻ thù các đồng chí ạ. Các đồng chí biết Nguyễn Văn Thiệu lên đài phát thanh Sài Gòn nói gì sau giờ ký Hiệp định Pari không? Hắn nức nở vì Mỹ ép hắn ký Hiệp định. Hắn hằn học, hắn giãy giụa, hắn kêu gào, một mực bốn lắc, bốn không. Hắn tuyên bố không ngừng bắn, không nhường một tấc đất cho Cộng sản. không nói chuyện với Cộng sản, không chính phủ liên hiệp ba thành phần - Hoàng Việt chỉ tay về phía các chiến sĩ đang đào hầm gật đầu - Các đồng chí tiếp tục đào hầm là rất đúng. Phải hết sức tỉnh táo, hết sức cảnh giác, phải sẵn sàng chiến đấu cao. Chúng ta phải nhanh chóng mạnh hơn nữa, bắt kẻ thù phải thi hành Hiệp định.
Lê Cam nhìn Tư lệnh Hoàng Việt vẻ suy nghĩ đắn đo, rồi bỗng mạnh dạn lên tiếng:
- Báo cáo đồng chí Tư lệnh. từ đây vô Sài Gòn, chỉ hơn sáu mươi lăm cây số, nóng ruột lắm thủ trưởng ạ!
Học ngồi cạnh, đoán được điều Lê Cam chưa dám nói, Học nói thay, cậu chàng này vốn rất mạnh dạn từ trước đến giờ.
- Thưa đồng chí Tư lệnh. vợ con đồng chí đại đội trưởng chúng tôi đang ở trong Sài Gòn. Mười năm nay không được tin tức gì. Đồng chí đại đội trưởng nóng ruột cũng đúng phải không ạ?
Tư lệnh Hoàng Việt gật đầu, ông nhìn Lê Cam với sự thông cảm. thương yêu. ông nói, giọng khoan thai:
- Chúng ta sẽ vào Sài Gòn. Không vào Sài Gòn thì làm sao kết thúc được cuộc chiến tranh giải phóng phải không các đồng chí? Chúng ta phải tạo thời cơ khi thời cơ đến thì phải sẵn sàng. Phải biết dằn lòng lại. Phải biết dồn sự dằn lòng đó cho sự sẵn sàng. Các đồng chí có hiểu ý tôi nói không?
- Dạ hiểu ạ!
Học nhanh nhẩu đáp trước. Vừa lúc đó Thúy từ ngách hầm thứ hai bước ra, tay cầm khay trà, tay xách siêu nước. Cái khay - cũng không thể gọi tên gì khác hơn - là một miếng nhôm loại đặc biệt hình chữ nhật, xung quanh có gờ, anh em lấy trong xe M.113. trên khay hai chiếc ca Mỹ chồng lên nhau. đang bốc hơi, và có đến một chục cái "cốc" trắng bằng nhựa. Những cái "cốc" nhựa trắng này là những nắp nhựa bảo hiểm đầu đạn M.79 anh em làm thêm chân. Thấy Tư lệnh Hoàng Việt, Thuý dừng lại, vẻ lúng túng. Hoàn ngồi ngoài, đã kịp đứng lên. Hoàn quay mặt nhìn Thúy, chỉ muốn nói ba tiếng "cảm ơn em" nhưng trước đông người không dám nói. Hoàn sung sướng đỡ khay trà trên tay Thuý đặt xuống chiếc bàn tre. rót nước trà ra cốc. Tư lệnh Hoàng Việt nhìn Thúy, ông ngạc nhiên. hỏi
- Đồng chí là...
Học lại nhanh nhảu:
- Báo cáo đồng chí Tư lệnh. đồng chí Thuý ở đội văn công sư đoàn đấy ạ
Hoàng Việt nghĩ tới ngôi nhà anh em đang làm trên đường 13, ông hỏi:
- Bao giờ thì văn công biểu diễn được?
Thúy hết lúng túng. cô đứng nghiêm, đôi mắt đen như cười:
- Thưa đồng chí Tư lệnh, văn công sư đoàn sẽ biểu diễn khi trên cho phép các loại xe đò qua lại.
Hoàng Việt cười, nét mặt đôn hậu của ông rạng rỡ:
- Hay lắm, đồng bào trong vùng địch, đồng bào Sài Gòn càng hiểu cách mạng, càng hiểu Quân giải phóng chúng ta hơn. Các đồng chí phải coi mỗi lần biểu diễn giống như một trận đánh, một trận đánh bằng nghệ thuật. Kết quả của những trận đánh đó đi thẳng vào lòng người. Có phải thế không?
Hoàng Việt uống cạn cốc nước, ông ngắm nghía chiếc cốc nhựa trắng, gật đầu, mỉm cười âu yếm với mọi người, rồi ông đứng dậy:
- Cảm ơn các đồng chí, chúc các đồng chí mạnh khoẻ, cảnh giác và luôn luôn sẵn sàng. Chúng tôi đi đây - ông xem đồng hồ - Sư đoàn trưởng, trung đoàn trưởng của các đồng chí chắc đang đợi chúng tôi.
Hoàng Việt bắt chặt tay từng người rồi bước lên hầm. Các chiến sĩ đứng nhìn theo ông.
Nắng xuân rực rỡ tỏa xuống đôi vai vững chãi của ông.
Nắng xuân rực rỡ trải rộng trên vùng trung tuyến.
Sông Lam tháng 8 năm 1978
Sông Sài Gòn tháng 10 năm 1981
NAM HÀ
Đất Niền Đông Đất Niền Đông - Nam Hà Đất Niền Đông