Think of all the beauty still left around you and be happy.

Anne Frank, Diary of a Young Girl, 1952

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 98
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 40
rong khi công tác biến rừng thành ruộng trồng lúa trong kế hoạch gọi là "tiến lên sự tự túc thực phẩm của trại" vẫn tiến hành, thì Vĩnh lại một lần nữa phải ngưng tham dự công tác vinh quang ấy. Chứng sạn thận trở lại hoàn hành và làm anh bí tiểu hai ngày trời. Công tác mà nhà trao phó cho Vĩnh trong lúc đau ốm nằm tại trại là thu hoạch phân tươi để cung cấp cho đội rau xanh. Công tác này cũng nằm trong kế hoạch "phấn đấu tiến lên việc tự túc rau xanh" của cả trại.
Ngày hai lần, sáng và trưa, Vĩnh phải cùng một vài bạn tù già bệnh trong đội, trang bị đầy đủ đồ nghề còn hơn một anh mũi thung chuyên nghiệp gắp xia, để nhào tới dãy cầu tiêu nằm sát hàng rào phía đông trại 1 dành giật phân tươi với những tay già bệnh của các đội khác. Chỉ tiêu cho mỗi người trong ngày là 4 thùng phân lớn, mỗi thùng có dung tích quãng 20 ga-lông.
Công việc này không nặng nhọc nhưng có lẽ mang đầy đủ nhất bi kịch tính của xã hội mới. Thứ nhất, phải dành giật nhau cả đến những thứ cặn bã của con người. Thứ hai, sự đòi hỏi của chỉ tiêu luôn luôn vượt quá mức cung của bọn tù - những kẻ được ăn với khẩu phần của chuột mà vì nhu cầu "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" lên xã hội chủ nghĩa đã bắt họ phải sản xuất ra những đống phân của những con voi!
Ông già có biệt hiệu lơ vơ lờ vờ Phạm Xuân Huy đạp nhằm một mảnh chai trong rừng gây một vết cắt lớn nơi bàn chân trái được nghỉ làm việc nhà với Vĩnh. Phạm Xuân Huy là một người bạn tốt, thật tốt. Anh từng là cựu chủng sinh một đại chủng viện và anh em ruột của anh đều là những linh mục công giáo. Hơn bốn mươi tuổi, được trang bị đạo đức và kiến thức đầy đủ, Huy chống Cộng một cách cụ thể nhất trong điều kiện hiện tại là thương yêu, an ủi, chia xẻ và giúp đỡ bạn bè từ vật chất đến tinh thần một cách vô điều kiện. Trong bất cứ khổ dịch nào, sau khi làm hết chỉ tiêu của mình anh lại lân la sang người yếu ốm để làm giúp một tay. Nhờ anh, rất nhiều anh em đau yếu, trong đó có Vĩnh tránh được tình trạng bị bọn quản giáo mạt sát hoặc bắt về làm tự phê tự kiểm gây phiền hà cho cả nhà vì cái tội không đạt chỉ tiêu.
Khi những tiếng kẻng báo thức vào lúc 5 giờ rưỡi sáng đua nhau rền vang khắp trại An Dưỡng, toán hốt phân nhà 2 gồm Vĩnh, anh Huy và ông Đáp chưa có quyền đánh răng xúc miệng như mọi người. Ba người phải bằng một tốc độ nhanh nhất phóng ra nơi tập trung đồ nghề lao động đàng sau phòng. Vì những thùng chứa phân đã được để sẵn phía sau dãy cầu từ đêm hôm trước, nên mỗi người chỉ cần chụp lấy một cái "phễu" rồi chạy đua ra dãy cầu tiêu với nhiều anh bạn của các nhà khác đội khác.
Cầu tiêu của trại 1 An Dưỡng có thể cũng tương tự như mọi cầu tiêu của các trại tù Cộng sản khác trên toàn quốc. Nó có mục tiêu chính không nhằm để phục vụ một trong tứ khoái của con người, mà là một nơi góp phần tích cực phục vụ nền kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa. Cầu tiêu gồm hai dãy bục gỗ cao một thước và trống thiên trống địa. Bên trên bục gỗ có khoét lỗ đủ rộng cho chất cặn bã của con người rơi xuống những thùng phuy cưa đôi đặt hứng phía dưới. Để phân được ròng, phía trước các lỗ đều có máng xối nhỏ dùng dẫn nước tiểu sang một thùng phuy khác.
Buổi sáng sau khi kẻng báo thức vang lên, non một ngàn tù của trại 1 thay nhau viếng thăm "lăng Bác". Một nghìn tù với 50 lỗ cầu nên họ phải xếp hàng rất nghiêm túc. Mỗi người một cái lon guigoz hoặc một cái chai đựng nước rửa cầm tay xếp hàng đứng đợi trông thật văn minh văn hóa!
Nhưng văn minh văn hóa hơn thì phải nói đến những anh hốt xia như Vĩnh. Vậy bọn hốt xia như Vĩnh hành động ra sao? Khi vác phễu (đồ hốt và hứng phân có cán dài quãng thước rưỡi) chạy tới xí phần được một cái thùng nào có phân nhiều nhất, người hốt phân sẽ múc lấy múc để đổ nhanh vào thùng của mình đã đặt sẵn từ đêm hôm trước. Khi phân đã cạn phải chạy ngay sang thùng khác. Thường có nhanh tay lắm cũng chỉ lấy kịp hai thùng là cao. Sau khi hàng ngũ những anh hốt phân đã dàn hàng ngang đều khắp những dãy cầu và bắt đầu thất nghiệp vì lượng phân đã cạn nhưng chưa đạt chỉ tiêu, họ phải đứng tại chỗ, nâng phễu lên gần đít người đang ngồi bên trên làm công tác phục vụ nền kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa. Đến giai đoạn này thì người hốt phân bắt đầu được hưởng những lời chửi ngọt ngào của bạn bè.
- Tiên sư cha mày! Hạ cái phễu quỷ quái của mày xuống thấp giùm chút đi.
- Ối trời đất ơi! Từ từ rồi múc dưới thùng. Người ta ỉa mà cứ dí cái quỷ ấy vào sát đít ai ỉa cho nổi! - Ý mèng ơi thằng khốn nạn! Mày ủi cái phễu dính đầy cứt vào đít tao rồi!...
Những anh hùng hốt phân trong tù, để đạt được chỉ tiêu và không bị kiểm thảo gây phiền toái cho cả nhà, mỗi ngày đều bị chửi những câu tương tự như vậy. Cũng vui thôi!
Sau khi khu cầu tiêu không còn người nữa, nếu ai đã đạt được chỉ tiêu 4 thùng thì cứ việc đậy nắp lại, lấy dây kẽm chằng cho chặt và lôi ra chỗ quy định bàn giao cho đội phụ trách xử dụng; riêng những anh chậm tay chưa đạt chỉ tiêu, phải lôi từng thùng dưới hầm cầu ra và nạo kỹ càng như người ta nạo... sái thuốc phiện!
Riêng nhà 2 công tác này chỉ là công tác chính của ông Inoxidable. Vĩnh và anh Huy chỉ làm nó như một công tác đột xuất. Thế nhưng sang tới ngày thứ hai, trong lúc Vĩnh vẫn chưa đạt nổi ba thùng thì anh Huy coi mòi đã rất thiện nghệ. Anh lấy đầy 4 thùng trong chớp mắt và lấy giùm luôn cho Vĩnh một thùng còn thiếu. Có lần vừa lấy phân vừa nghe bạn bè ngồi bên trên chửi bới, anh Huy đã hỏi Vĩnh.
- Này Vĩnh, tôi với ông đồng họ Phạm, chẳng hiểu có giây mơ rễ má gì với Thủ Phạm không? (Thủ Phạm: chữ tắt tù cải tạo hay dùng để gọi thủ tướng Phạm Văn Đồng). Nếu chẳng may có bà con, một ngày nào đó mình vồ được Thủ Phạm ông sẽ tính sao?
- Tính sao là sao?
- Trả thù hay tha?
- Trả thù chứ, thả thế quái nào được.
- Thế ông tính trả thù bằng cách nào?
- Ô hay, ông dân phòng Nhì hẳn phải nhiều sáng kiến hơn tôi chứ.
Huy cười.
- Đến ông mà còn ngộ nhận tôi! Tôi thề với ông dù là sỹ quan P2/TTM, bảy năm lính tôi chưa giết một con kiến. Ông tin không?
- Tin.
- Vậy ông là tay viết lách, giàu tưởng tượng, hãy nói tôi nghe cách trả thù của ông.
- Tôi chấm dứt hoàn toàn sự tưởng tượng rồi. Tôi sẽ hiện thực. Hiện thực cho đến ngày tôi chết.
- Thì trả thù một cách... hiện thực vậy. Cách nào?
- Mắt trả mắt, răng trả răng.
- Dở!
- Dở?
- Ừ.
- Vậy anh trả thù cách nào?
- Tôi sẽ không bắt Thủ Phạm ăn như súc vật, ở như súc vật, làm việc như súc vật, đấu tố nhau như súc vật. Tôi sẽ tạo mọi điều kiện sống tuyệt vời nhất cho hắn sống. Tôi sẽ cho hắn sống trong một biệt thự tân lập được trang bị đầy đủ nhất Việt Nam. Sơn hào hải vị. Mọi tiểu đội gái đẹp hầu hạ ngày đêm. Được đọc mọi loại sách báo đặc biệt. Được xem những băng tần truyền hình hoặc phim ảnh cũng đặc biệt. Nhưng...
Câu chuyện anh Huy kể bỗng thấy hấp dẫn, Vĩnh ngừng tay hỏi.
- Nhưng tất cả những phim ảnh và sách báo ấy đều có một đề tài nói về đời sống của chúng ta hiện nay?
Anh Huy mỉm cười, một nụ cười thật lạ lùng và bí ẩn mà từ trước Vĩnh chưa hề thấy trên khuôn mặt anh. Anh gằn giọng.
- Không. Tất cả gái hầu đều ở truồng. Tất cả sách báo đều là Play Boy, Pent House... và TV, phim ảnh đều là những phim sex. Hắn chỉ được ăn ngon mặc đẹp, chỉ được xem, nhìn và đọc. Tuyệt nhiên hắn sẽ không được hưởng một cái gì thêm nữa...
Vĩnh ngẩn ngơ một thoáng trước cái ý nghĩ trả thù lạ thường của anh Huy. Vĩnh nhìn anh. Anh đã quay lại với mấy thùng phân và yên lặng làm việc như trước. Thái độ của anh Huy làm cho Vĩnh có cảm giác anh vừa thoát qua một cuộc mộng du khác thường...
Vĩnh không được san xẻ những cảm giác hào hứng trong nghề hốt phân lâu hơn năm ngày. Căn bệnh sạn thận một lần nữa lại vật Vĩnh lè lưỡi và như một người may mắn nhất trong những người may mắn, Vĩnh lại được đi viện một lần nữa.
Sau khi hưởng một mũi thuốc vào thận như lần trước, Vĩnh còn được vào nước biển. Chính nhờ chai nước biển quốc doanh này mà Vĩnh có hy vọng nằm lâu. Anh bị sốc nước biển gần chết. Trước đây Vĩnh từng nghe nói đến việc Việt cộng dùng nước dừa tươi thay cho nước biển để tiếp trực tiếp vào máu những người bị thương nặng. Câu chuyện ấy có vẻ hơi hoang đường. Nhưng câu chuyện Vĩnh và một số bệnh nhân ở An Dưỡng được vào nước biển kiểu Việt cộng thì hoàn toàn không hoang đường chút nào. Sau khi bị sốc, Vĩnh ngủ thiếp gần một ngày trời. Khi thức dậy vào quãng 3 giờ chiều ngày hôm sau, không hiểu vì lý do gì, mặt Vĩnh sưng bụ lên như người bị phỏng nước. Những người nằm bên cạnh trông thấy hoàn cảnh của Vĩnh đều lắc đầu sợ hãi. Khi tỉnh dậy, Vĩnh thấy Cường đã ngồi bên cạnh mình. Nguyên một cẳng chân của Cường gần như đã ung thối hoàn toàn, và khi ra khỏi mùng, nó đều phải quấn quanh cẳng chân một miếng vải mùng đề phòng ruồi bu.
Cường đang ngồi cạnh Vĩnh, với một ly nước trên tay. Thấy Vĩnh mệt mỏi thức giấc, nó hỏi.
- Mệt không?
Vĩnh không trả lời chỉ hỏi lại.
- Tao ngủ lâu chưa?
- Từ chiều hôm qua.
- Không hiểu tụi nó chích cái gì cho tao mà kinh khủng quá.
- Chích gì đâu! Nước biển của Cách mạng đấy. Mày bị sốc gần chết không nhớ sao?
Sau đó, hỏi ra Vĩnh mới biết nước biển ở đây là thế nào.
Nước biển ở bệnh xá này có hai loại và chỉ được dùng trong trường hợp thật đặc biệt. Loại thứ nhất là loại "tồi tệ" của Mỹ ngụy để lại, chỉ được dùng cho người Cách mạng. Thản hoặc có dùng cho tù cũng chỉ được dùng trong một trường hợp đại giải phẫu mà thôi. Loại thứ hai là loại "dân tộc". Loại này được pha bằng đường bột Glucose với nước cất do tù tự làm lấy trong bếp bệnh xá. Việc cất nước này thật rùng rợn. Khi được lệnh chế nước biển, anh chàng Tính xuống bếp lấy cái nồi kho cá rửa sạch. Anh đổ đầy nước và bắc lên bếp nấu sôi. Bên trên cái nồi sẽ được đậy bằng cái vung đặc biệt có hai tầng cũng do Tính sáng chế. Nước từ tầng trên của nắp sẽ chảy theo vòi dẫn xuống một cái chai. Khi đã có nước cất, tên y sỹ Việt cộng sẽ trao cho Tính một trọng lượng đường Glucose cần thiết để pha vào chai nước cất. Cũng đề phòng nước đường bị tù lấy uống, tên y sỹ thường ra lệnh pha ít nước và nhiều đường để vào cho nhanh. Vĩnh bị sốc gần chết chính vì hôm qua độ đường Glucose đã được pha quá cao!
Vĩnh uể oải ngồi dậy. Anh muốn đi tiểu tiện. Lưng đau ê ẩm, Vĩnh cố gắng rời khỏi giường và tiến ra phía cửa sau của căn phòng. Anh đi qua mấy giường bệnh khác. Vì đang mùa thăm nuôi, hầu như ai cũng rình rang những túi đồ ăn được gia đình tiếp tế để ngay đầu chỗ nằm. Vĩnh mò xuống bếp. Bệnh xá phát cơm sớm nên đầu bếp Toàn đang sửa soạn đồ nghề phát cơm cho tù bệnh. Thấy Vĩnh, Toàn lên tiếng.
- Sao đau hoài vậy cha?
- Sao khỏe hoài vậy má?
Vĩnh không nói thêm. Anh lách người qua một khung cửa hẹp sau bếp và tiến ra dãy cầu tiêu nằm sát rào trại 4. Vĩnh vừa đứng tiểu một cách khó khăn, vừa ngó lung sang trại 4. Giờ này đang giờ lao động. Những anh bệnh ốm nằm nhà đang kín đáo sửa soạn những món ăn gia đình tiếp tế cho bữa chiều. Khu nhà bếp trại 4 khói bay mù mịt. Tổ anh nuôi có vẻ rất bực mình vì những người bệnh nằm nhà đã bu quanh bếp để nấu ké những lon gô đồ ăn.Thỉnh thoảng những tiếng la hét chửi bới, những tiếng cãi vả ầm ầm lại vang lên.
- Dẹp, dẹp, dẹp. Đá đổ hết bây giờ!
- Nấu nhờ tí mà.
- Nhờ cái đếch! Chảo cơm của cả trại có tí than để chín, mấy cha cào hết ra ngoài để nấu linh tinh thế kia, cơm sống chúng nó lao động về chửi sói đầu chúng tôi à?
- Trời đất ơi, sao mày tàn bạo quá vậy? Tao già rồi. Tao có tí nui nấu ăn sao mày đá đổ của tao?
- Trời ơi, cháy! Cháy cái nồi nhôm của ai rồi kìa!
Trong lúc đang ngó cái hoạt cảnh xảy ra bên bếp trại 4, một hoạt cảnh tương tự ở bất cứ bếp tù nào dưới chế độ quân quản, thì một tiếng nói nho nhỏ chợt cất lên bên tai Vĩnh.
- Phải tác giả Dạo Núi Mình Ta đây không?
Vĩnh quay phắt lại. Anh không nhận ra người đối diện vì cái mũ lưỡi trai đội xùm xụp trên đầu của anh ta. Người đối diện chợt mỉm cười. Anh ta tháo cái mũ xuống. Vĩnh chợt khẽ reo lên.
- Động Đình Hồ!
Người đối diện vẫn mỉm cười, một nụ cười mệt mỏi dù vóc dáng anh ta vẫn to gấp rưỡi Vĩnh. Anh nói.
- Lưu đầy ngộ cố tri.
Vĩnh gài cúc quần và bước ra khỏi cầu tiêu.
- Ông nằm đây à?
Nhà thơ Động Đình Hồ tức họa sỹ Nguyễn Hữu Nhật, người đang đứng đối diện với Vĩnh không trả lời câu hỏi. Anh ta nắm lấy tay Vĩnh, nói.
- Sắp tới giờ phát cơm rồi. Mình ra cái băng ghế kia ngồi nói chuyện.
Hai người tiến tới cái băng ghế kê ngoài sân gần bờ giếng và ngồi xuống bên nhau. Vĩnh hỏi.
- Ông đau ra sao? So với hồi tôi gặp ông ở tòa soạn Khởi Hành mấy năm trước không sút bao nhiêu...
Nhật cười.
- Coi vậy chứ tôi sút nhiều lắm. Ít nhất cũng trên mười ký.
Hai người ngồi chuyện trò. Vĩnh được Nhật cho biết anh được biên chế từ L3T5 Trảng Lớn về đây. Anh cũng cho biết thời ở L3T5 anh có cùng tổ với phóng viên Dương Phục, có gặp các anh Khuất Duy Trác, anh Đỗ Tiến Đức tác giả Má Hồng...Riêng Vĩnh, Vĩnh cho Nhật biết anh chưa từng gặp một anh em văn nghệ sỹ nào cả, ngoại trừ gần đây có Nguyễn Chí Kham nhắn tin cho biết là hắn đang ở trại 2, bên cạnh có cả nhà báo Dzoãn Bình; tuy nhiên đến ngày hôm nay Vĩnh vẫn chưa được gặp.
Chiều ấy ăn cơm xong, Vĩnh và Nhật lại ra đầu hồi nhà ngồi to nhỏ với nhau. Nhật cho Vĩnh biết nhiều tin tức sinh hoạt của anh em văn nghệ bên ngoài. Chẳng hạn nhà báo Uyên Thao đã vào bưng. Nhà văn Mai Thảo bị bắt vào khám Chí Hòa và đã anh dũng cắt gân máu tự tử để phản đối chế độ. Nguyễn Hải Chí vừa ra khỏi đề lao an ninh quân đội đã được Cách mạng hỏi thăm sức khỏe ngay. Ông Vi Huyền Đắc cáo bệnh già yếu nằm nhà. Ông Bùi Giáng bị đánh gần chết trên chung cư Minh Mạng vì lượm một bộ quân phục VNCH có lon trung tá mặc vào đi hiên ngang giữa đường. Bọn Cộng sản bắt cởi ra. Ông cãi vả ỏm tỏi và sau cùng bị chúng nện cho một trận nên thân...
Nhật kể lại nhiều chuyện kiêu hùng của anh em văn giới bên ngoài với giọng đầy kiêu hãnh khiến Vĩnh cảm thấy tự hổ. Sau cùng Nhật than thở.
- Chỉ có mình là hèn, hèn quá.
Vĩnh cũng ngậm ngùi.
- Mình hèn thật. Kết thúc một đời chiến binh bằng cái ô nhục đi nộp mạng này, muôn đời khó rửa.
Bỗng nhiên như nhớ ra chuyện gì, Nhật lên tiếng.
- À, tôi còn nghe ông Võ Phiến chạy được ra Phú Quốc, tàu trục trặc sao đó, không chạy thoát nên bị chúng vồ ngoài đó. Chẳng rõ sống chết ra sao...
Vĩnh hoàn toàn không biết tí gì về những chuyện này nên không thể góp bàn. Qua câu chuyện, Vĩnh biết Nhật cũng đã được bà Vinh vào thăm. Vợ chồng đều trong làng văn chắc sẽ biết được đủ chuyện. Vĩnh tin những chuyện Nhật nói có thể đúng.
Câu chuyện lại lan man qua đời sống ở đây. Những tháng ngày trầm luân khổ ải. Vĩnh ngậm ngùi nhìn ra vuông sân trại bệnh đã loang lổ một màu nắng chiều. Nếu không có những tiếng động ầm ĩ giờ sinh hoạt về chiều bên trại 4, quang cảnh ở đây sẽ đúng là một quang cảnh chết. Nhật bỗng ngâm khe khẽ một câu thơ.
Đứng không yên, ngồi không yên; Mà nằm thì sợ triền miên nỗi buồn...
Nghe câu thơ hay quá, Vĩnh hỏi.
- Ông có còn làm thơ đều được nữa không?
Nhật uể oải.
- Lâu lâu thôi. Dù hồn thơ chưa chết nhưng dường như nó bị đông đặc. Lâu lắm mới xón được một tí. Tôi mới làm được một vài đoạn đọc ông nghe chơi và xin cho biết ý.
- Thơ tình hay thơ gì?
- Muốn hiểu sao cũng được.
Nói đoạn Nhật ngâm.
Nếu phải chờ em mà hóa đá Thì anh cũng đợi hết đời anh Chỉ sợ ngày sau thành núi biếc Nghìn năm chẳng thấy dấu chân em...
Ngâm xong bốn câu, Nhật bỗng yên lặng. Vĩnh thúc.
- Tiếp đi chứ. Thú lắm. Thú vô cùng. Ông cứ yên tâm. Tôi hiểu cái em ở đây là cái em gì. Chẳng thể là một cái em huê tình đâu.
Dù được sự khuyến khích của bạn nhưng Nhật không ngâm tiếp nữa.Anh nói.
- Buồn quá. Ông có bài thơ nào lửa lửa một chút ngâm cho tôi nghe với.
Vĩnh thoáng nghĩ về thái độ của Nhật. Anh đoán chừng dù là bạn, trong hoàn cảnh này Vĩnh vẫn chưa đủ điều kiện để chứng minh với Nhật rằng sự moi ruột của anh ta ra cho Vĩnh xem không phải là một điều không nguy hiểm. Nghĩ thế, Vĩnh đồng ý ngay.
- Tôi sẽ đọc cho ông nghe một bài thơ của tôi. Tôi đang tính phổ nhạc nhưng chưa phổ xong. Nghe nhé. Đây là bài có tựa Tên Tiều Phu Quẫn Trí.
Nó đoạn Vĩnh lấy giọng đọc khẽ cho Nhật nghe bài thơ của anh.
Tên tiều phu quẫn trí Một sớm mai vào rừng Thuốc lào say bung khói Rồi cầm cái rìu lên.................
Khu rừng xưa đã cấm Là quế cam hàng hàng Chim nhiều năm đã sống Hạnh phúc cháu và con.................
Vĩnh đọc hết bài thơ rồi mà Nhật vẫn ngồi yên. Mãi một lúc sau anh mới lên tiếng.
- Tôi chịu cái ví von này lắm. Bây giờ tôi mới thấy cái tuyệt vời của Nhân Văn Giai Phẩm. Từ Ông Bình Vôi đến Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh. Ông thấy không? Cách sơn đả ngưu tuyệt đến thế là cùng...
Màn đêm đã bắt đầu buông xuống. Hai người đồng ý quay vào trong lấy tí trà đun nước pha uống với nhau. Khi lon trà đã nấu xong, Nhật lại chạy về giường lấy ra mấy tán đường. Hai người ngồi nhâm nhi nói chuyện gẫu chờ giờ điểm danh của trại bệnh. Bỗng nhiên Nhật chỉ tay sang cái nền nhà xi măng nằm ngay góc trại bệnh tiếp giáp với cái giếng của trại 4, nói.
- Hồi tụi mình chưa biên chế về đây, trên cái nền nhà xi măng kia đã tắm máu anh em ta rất nhiều.
Vĩnh ngạc nhiên.
- Sao lại tắm máu? Có vụ tàn sát tập thể ở đây nữa sao?
- Hiện tượng thì chỉ là một tai nạn, nhưng bản chất thì đúng là một cuộc tắm máu tập thể.
Tiếp theo, Nhật kể cho Vĩnh biết trên cái nền nhà ấy cách đây hơn một năm, vào một buổi chiều muộn màng như thế này, một số anh em tù ngồi ăn cơm với nhau. Bỗng nhiên từ bên ngoài hàng rào có một kẻ lạ ném vào vuông sân một vật gì. Kế đó là một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Bọn tù đang ăn cơm thốt nhiên biến thành những đống thịt bầy nhầy. Người chết cả chục, người bị thương cả mấy chục. Sau vụ nổ ấy, bọn chỉ huy trại cũng cho điều tra và tuyên bố rằng: Sở dĩ có tiếng nổ gây sát hại nhiều người là vì trong bọn cải tạo có kẻ lượm được lựu đạn ngoài khu lao động, đem về trại với ý đồ xấu xa. Do sự bất cẩn, lựu đạn phát nổ giữa khu ăn cơm của cải tạo viên trại 4, gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng...
Tiếng thét điểm danh của trợ y Tính đã cất lên qua các dãy nhà của trại bệnh. Trước khi đứng lên trở về phòng, Nhật còn cho Vĩnh biết.
- Nhạc sỹ Minh Kỳ và một lô bác sỹ phe ta đã thọ tử trong lần bị ném lựu đạn ấy!
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu