Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 98
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
hấm thoát đã hai tháng trôi qua. Hai tháng tưởng dài như hai thế kỷ. Đêm từng đêm những giấc mộng có màu xanh hy vọng úa héo dần với sức khỏe ngày một suy thoái. Thế giới bên ngoài ra sao? Sài Gòn như thế nào? Vợ con ta, cha mẹ ta bây giờ ở đâu? Những người ra đi, đặc biệt là các chiến hữu thoát được vào bưng biền có bắt lại được liên lạc với nhau không? Và mặt trận mới đã hay sẽ bùng nổ ra ở đâu? Nếu có, nguồn yểm trợ sẽ từ đâu tới? Những nguồn tin Thủy quân lục chiến Mỹ đã chiếm một cái đảo thuộc lãnh thổ Campuchea, Phú Quốc có giao tranh... gần đây được mọi người rỉ tai nhau. Nhưng, đó cũng chỉ là những tin đồn. Thực tế, những tù nhân của chế độ mới hoàn toàn không biết một mảy may gì đến thế giới bên ngoài. Nói một cách thơ mộng, họ là những kiếp người đã thực sự bị cắt khỏi mạch đời. Kiếp sống nơi đây khác nào bị nhốt trong một cái hộp sắt tối đen.
Hai tháng với những món quà tráng miệng mà Cách mạng cho tù ăn là lao động vừa phải, nhồi sọ phớt phơ, chửi rủa nhẹ nhàng đã qua đi. Cùng với những chuyển động bên ngoài (?), tù "ngụy" bắt đầu bị đối xử nặng tay hơn.
Dọc theo những mảnh đất trống giữa hàng rào trại giam và bộ chỉ huy tiểu đoàn L4T3 đã bắt đầu mọc lên những túp lều nho nhỏ lợp tranh do tù được lệnh thực hiện. Buổi chiều lao động về, gặp nhau ngoài sân, bọn tù nhìn những túp lều nho nhỏ đó và bàn tán.
- Tao nghe nói những túp lều ấy sẽ là nơi cho tù tiếp đón thân nhân vào thăm.
- Thằng nào tiến bộ sẽ được ngủ với vợ ngoài đó một đêm.
- Tao không tin nó lại cho phép tù "hủ hóa" công khai như thế.
- Lại xét theo nguyên tắc cũ rồi! Phải nhớ Cách mạng rất thực tế. Muốn cầm chân tù lâu ngày, Cách mạng cũng phải giúp tù có phương tiện giải phóng bớt cái chất ngô khoai trong người ra chứ. Xã hội duy vật chứ có duy tâm như mình đâu!?
- Cứ để xem.
Dù sao tin thăm nuôi, tin được ngủ với vợ một đêm cũng làm lắm anh hồ hởi phấn khởi. Bọn quản giáo đánh hơi được chuyện này đã tương kế tựu kế, gọi nhiều anh loại mặt tái lên khung ỡm ờ hứa hẹn, rằng nếu tích cực báo cáo, tích cự lập thành tích dâng lên Cách mạng thì thế nào cũng được thăm nuôi trước mọi người và được hưởng nhiều hạnh phúc bất ngờ...
Khối 2 do vậy đã vô cùng vất vả với thằng Ba Tô. Chao ôi, chuyện lớn chuyện nhỏ gì xảy ra trong khối tên Cư đều biết rõ ràng... Thế nhưng một thời gian sau đó vẫn chẳng có ai được thân nhân vào thăm kể cả những thằng chó săn tự nguyện làm việc chỉ điểm cho giặc. Mà ngược lại, những cái lều ấy biến thành ác mộng cho mọi người.
Người đầu tiên của khối 2 được mời ra ngồi tại một trong những cái lều lý tưởng ấy là Nguyễn Văn Lộc, trung úy P.2/TTM và cũng là tổ viên tổ A.3. Lộc dính búa đầu tiên vì cái tiểu sử tự khai của anh ta: Nhân viên ban trận liệt. Sự thành khẩn khai báo của Lộc không giúp anh tránh được một trận đòn no nê. Đi 6 giờ chiều trở về 2 giờ sáng. Và còn được hứa hẹn "Cách mạng sẽ phải làm việc nhiều nữa với anh"!
Người thứ hai là anh chàng Thắng trẻ tuổi thiếu úy Biệt Cách, người thứ ba, rồi người thứ tư... Mỗi người một đêm.
Rồi một buổi chiều vừa ăn cơm xong, khối trưởng Trai đến nói nhỏ vào tai Vĩnh.
- Quản giáo cho gọi ông lên tiểu đoàn...
Lúc ấy Vĩnh đang đau. Đau nhiều thứ. Tấm thân không bao giờ vượt quá 45 kg của Vĩnh với đủ thứ căn bệnh trong người hiện nay đang bị bệnh tật hoành hành trở lại. Liệu ta chịu nổi một trận đòn không? Anh tự lượng sức mình. Nổi! Nhất định phải nổi. Mà không nổi cũng không được. Thôi đành phó thác cho định mệnh. Tùy cơ ứng biến.
Vĩnh bước ra khỏi phòng. Một tên vệ binh súng ống đầy đủ đã đứng chờ sẵn. Thấy Vĩnh, hắn lên tiếng.
- Phải anh là Vĩnh không?
- Vâng, chính tôi.
- Đi!
Tên vệ binh ra lệnh ngắn gọn và bước đi trước. Vĩnh lẽo đẽo theo sau. Dù không ngoái nhìn nhưng Vĩnh cũng biết rõ hàng trăm con mắt của anh em khác đang ngồi chơi ngoài sân ngó theo với tất cả ái ngại.
Tên vệ binh dẫn Vĩnh qua cổng trại, tiến về những túp lều nằm bên ngoài hàng rào. Tới trước một túp lều, hắn dừng chân và quay lại nói với Vĩnh.
- Vào đó ngồi đi.
Vĩnh bước vào trong lều một mình. Cửa ngỏ dẫn vào âm ty địa ngục? Vĩnh thầm nghĩ và hít mạnh một hơi cho tỉnh táo hơn.
Trong lều có một cái bàn ọp ẹp đóng bằng gỗ thông thùng đạn. Có một cái băng đủ cho ba người ngồi. Một góc khác có một ghế đẩu nằm lẻ loi. Mùi khói của ngọn đèn dầu ma-dút hòa với mùi bùn tanh của nền nhà mới đắp chưa khô hẳn khiến Vĩnh ngầy ngật khó chịu. Nơi bụng anh bỗng nhiên lại quặn đau. Cứ hễ có gì căng thẳng hay cần suy nghĩ một chút là y như rằng cái bệnh bao tử của Vĩnh lại nổi lên hành hạ. Chắc cái ghế đẩu kia dành cho mình. Vĩnh nghĩ bụng rồi tự động ngồi xuống đó. Đầu óc anh tan loãng.
Phải gần 10 phút sau Cách mạng mới xuất hiện!
Thằng thủ phó tiểu đoàn tên Môn, thẳng quản giáo khối tên Cư và sau cùng là một thằng mang quân hàm chuẩn úy trông còn rất trẻ. Ba tên cùng bước vào và ngồi nơi cái băng sau bàn. Mỗi thằng đều tặng cho Vĩnh một cái nhìn trắng dã. Thấy Vĩnh lặng thinh, tên thủ phó phủ đầu ngay.
- Hai tháng học tập rồi, thấy Cách mạng chỉ trố mắt nhìn!
Vĩnh hơi nhổm dậy nhích cái ghế tới một chút và vờ như không nghe thấy tên Môn nói. Tên quản giáo Cư như sợ xếp giận vội lên giọng dạy dỗ.
- Có biết chào kính cán bộ quản giáo không?
- Chào các anh!
Như để khỏi mất thì giờ, tên chuẩn úy Cộng Sản vào đề liền.
- Hôm nay tôi từ F xuống làm việc với anh. Yêu cầu trước mắt là anh ý thức cho đúng vị trí của một cải tạo viên, trả lời thành thật tất cả những câu hỏi của Cách mạng. Tôi nhấn mạnh đây là một khâu vô cùng quan trọng cho tiền đồ của anh. Về sớm hay về muộn là do chính lần khai này. Khung đã nghiên cứu kỹ bản tự khai của anh và nhận thấy còn nhiều chỗ ỡm ờ lắm. Nói chung chung là chưa đạt yêu cầu.
Tên thủ phó chợt len vào.
- Cách mạng đã biết hết, liệu mà trả lời.
- Tôi...
- Khoan! Anh chưa được nói. Tên thủ phó cướp lời và nhìn chòng chọc vào Vĩnh. Anh đừng tỏ ra ngoan cố. Hồ sơ của anh đây, bản tự khai của anh đây, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ. Có phải anh đã khai trình độ văn hóa lớp 10 không? Rõ bố láo bố lếu! Anh tưởng Cách mạng không biết gì phỏng? Anh là sỹ quan Hải Quân, tuổi mới 30, như thế thuộc lớp sỹ quan trẻ. Nếu anh là thằng tướng già gốc khố xanh khố đỏ, lời khai ấy có thể chấp nhận. Còn lớp tuổi của anh, thế hệ anh, làm sao trở thành sỹ quan Hải quân ngụy mà trình độ văn hóa chỉ có lớp 10? Còn nhiều cái man khai quan trọng nữa, Cách mạng sẽ lần lượt cho anh thấy...
Một con tính chạy thật nhanh qua đầu Vĩnh. Mình nhảm quá, lỗ nhỏ đắm thuyền! Thế nhưng để đối phó với thực tế, Vĩnh cho xuất hiện ngay một bộ mặt thật ngây thơ. Anh làm bộ sửng sốt.
- Dạ không, tôi khai lớp 12 đấy chứ. Có thể là tôi viết nhầm...
Tên quản giáo nhếch mép cười nham hiểm.
- Anh có khai lớp 13 thì cũng chưa đúng đâu. Ngoan cố lắm! Phản động lắm!
Dù thế nào Vĩnh cũng lạnh người trước câu nói gằn của tên quản giáo. Anh im lặng tính toán. Tiếng tên chuẩn úy an ninh sư đoàn chen vào.
- Để tranh thủ thời gian, tôi lập lại mục đích yêu cầu buổi "mạn đàm" với anh chiều nay, ấy là, Cách mạng muốn một lần cuối xác nhận lời khai trong bản tự khai của anh đã đúng hay chưa? Đã đầy đủ hay chưa? Tất cả chỉ có thế thôi!
Hắn chợt quay sang nói nhỏ gì đó với tên thủ phó tiểu đoàn, rồi lại quay sang Vĩnh, tiếp. Bây giờ ta làm việc. Trước nhất, tôi hỏi anh ngoài hai chức vụ, một, phụ tá trưởng khối bổ nhậm P.TQT/BTL/HQ, hai, chỉ huy phó Trung Tâm Tiếp Vụ Hải Quân Sài Gòn, trước và sau đó anh còn nắm chức vụ nào khác nữa không?
Không thể lừng khừng được. Ta phải dứt khoát ngay. Vĩnh nghĩ bụng và cất tiếng.
- Như đã khai trong bản tự khai, tôi chỉ có hai chức vụ duy nhất từ ngày ra quân trường. Thứ nhất là sỹ quan quản trị nhân viên phòng Tổng quản trị Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Thứ hai là chức vụ chỉ huy phó Trung Tâm Tiếp Vụ Hải Quân.
- Tốt, thế anh có theo học khóa chiến tranh chính trị nào không?
Vĩnh giật mình. Trong dĩ vãng anh có theo học 3 tháng CTCT ở trại Lê Văn Duyệt, nhưng Vĩnh đã cố ếm nó từ lúc làm bản tự khai, giờ phải ếm luôn.
- Tôi chưa bao giờ!
- Tốt, thế anh có công tác hải hành ở Cửa Việt bao giờ không?
- Thưa không. Tôi chỉ làm công tác giấy tờ hành chính, sau đó lo việc sổ sách kế toán hành quân tiếp vụ cho Hải Quân thôi.
Tên quản giáo Cư lườm Vĩnh một cái và cất giọng mỉa mai.
- Công tác nuôi lính ngụy cho béo tốt để càn quét chống phá Cách mạng đấy!
Tên sỹ quan an ninh như không lý tới lời mỉa mai của tên quản giáo, hắn hỏi tiếp.
- Này nhá, ngoài cái tên cúng cơm Phạm Vĩnh của anh ra, anh còn cái tên nào khác nữa không?
Câu hỏi thình lình của hắn làm Vĩnh chột dạ. Nhưng Vĩnh vẫn cứng.
- Thưa không. Cha sinh mẹ đẻ tôi chỉ có cái tên ấy dùng trên tất cả mọi loại giấy tờ hộ tịch.
Tên an ninh mỉm cười. Chao ôi, nụ cười mới ghê gớm làm sao, lạnh tanh và ác độc.
- Này, bảo thật nha. Đây chưa đánh đấy cái nào, mà đánh thì...
Nói tới đây hắn đứng dậy. Bây giờ Vĩnh mới nhận ra trên mặt bàn để sẵn một khúc cây cỡ 3X3 dài chừng một thước. Đây là loại cây đúc bằng nhôm dùng căng đầu giường bố của Mỹ trước kia. Tên an ninh cầm lấy khúc cây nhôm và lù lù tiến về phía Vĩnh, đổi giọng tức thì. Mày ngoan cố nữa tao đánh mày chết. Tao hỏi lại, ngoài cái tên Phạm Vĩnh mày còn dùng cái tên nào khác nữa không?
- Thưa không?
Cây đầu tiên phang vào bả vai phải làm Vĩnh tê liệt cả nửa người. Tên thủ phó ngồi nơi bàn bình thản cất tiếng.
- Bác dạy khoan hồng với những người thành khẩn ăn năn, nặng tay trừng trị những kẻ ngoan cường, ngoan cố. Cách mạng rất muốn anh thuộc loại thứ nhất, vậy anh nghĩ sao?
Vĩnh cố nén đau trả lời.
- Tôi có gì đã khai hết rồi.
Như nhịn không nổi, tên an ninh gầm lên.
- Địt mẹ thằng chó con này ngoan cố thật.
Tiếp theo câu chửi thề hắn thẳng tay nện Vĩnh. Nhưng hắn không nện vào đầu vào cổ. Hắn cứ nhè những khớp xương vai xương chân để ghè!
Tiếng thằng thủ phó Môn lại cất lên.
- Đồng chí an ninh! Để từ từ nào.
Tên an ninh ngừng tay đánh nhưng chộp lấy tóc Vĩnh. Hắn hét.
- Thế còn cái tên Hà Thúc Sinh là tên của thằng phản động nào?
Vĩnh bàng hoàng như không tin ở lỗ tai mình.
- Anh nói sao tôi nghe không rõ!
- Tiên nhân cha mày lại còn giả vờ giả vịt. Ngoài việc cầm súng chống phá Cách mạng huy chương có đến 5 cái trên ngực, mày còn viết lách phản động bôi nhọ Cách mạng, xuyên tạc chính nghĩa của Cách mạng. Tao đã bảo Cách mạng biết hết, mày nghĩ là tao nói đùa đấy phỏng?
Thế là tiêu rồi! Vĩnh than thầm trong bụng. Tại sao nó biết bút hiệu của anh? Như thế này chắc chắn có thằng chỉ điểm, mà thằng này nhất định phải là thằng thuộc loại văn nghệ văn gừng. Nhưng nó là ai? Hiện tại Vĩnh biết mình không có thì giờ để nghĩ xem kẻ chỉ điểm là ai. Vả lại điều ấy chưa cần thiết. Điều cần thiết hiện tại là anh phải cực kỳ tỉnh táo và phải xử dụng tối đa ba tấc lưỡi mới hy vọng thoát hiểm được. Ú ớ nó đánh kiểu này chắc tiêu. Nghĩ thế Vĩnh lấy giọng từ tốn nói.
- Thưa anh nếu nói ngoại hiệu thì tôi không chỉ có thêm một tên Hà Thúc Sinh, mà còn có nhiều tên khác nữa...
- Thế tại sao mày không khai trong bản tự khai?
- Thưa anh có vài điểm tôi cần thưa thực với anh như thế này. Thứ nhất, trong mẩu tự khai không có mục nào bảo khai về việc viết lách. Chỉ có những phần bảo khai về quân đội và những hoạt động đảng phái mà thôi. Thứ hai, trước kia tôi viết lách không phải là một nghề chính. Tôi chỉ tập tành viết văn làm thơ lẩm cẩm vậy thôi.
Tên an ninh chận họng Vĩnh tức thì.
- Lại bố láo bố lếu! Mày không phải tập viết và cũng không lẩm cẩm chút nào cả. Mày là một thằng cầm bút phản động chuyên nghiệp. Mày đã có ít nhất 10 quyển sách đủ loại xuất bản ở miền Nam. Mày tưởng trong chúng mày không có người hoạt động cho Cách mạng à?
Vĩnh không ngần ngại gì nữa vì đã biết chắc mình bị chỉ điểm.
- Thưa đúng, nhưng không phải loại sách chống Cách mạng. Những sách ấy chỉ thuần văn học nghệ thuật mà thôi.
Tên Môn chợt nói xía vào.
- Này, bảo cho mà biết. Văn học nghệ thuật tư sản đồi trụy nô dịch đều là thứ phản Cách mạng cả đấy!
Vĩnh không còn biết nói sao trước câu khẳng định dứt khoát của thằng Việt cộng nữa. Anh ngồi im, hít thật sâu để đè những cơn đau nhói lên từ các khớp xương. Tên an ninh nhổ một bãi nước bọt vào góc nhà.
- Mày là nòi nhà lừa, nhẹ không muốn muốn nặng. Bây giờ mày khai cho tao biết mày đã viết cái gì, tên các sách báo, nhà xuất bản, năm nào...
Vĩnh lấy hết khôn ngoan trả lời.
- Có một điều tôi mong các anh tin, ấy là trước đây ở miền Nam ai in sách cũng được. In sách là vấn đề tự do của dân chúng...
Tên quản giáo Cư chợt hét lên.
- Thằng kia! Giờ này mà mày còn dám gọi nhân dân là chúng nó nữa à?
Trời ơi! Biết làm sao tính toán được trước cái lũ ngu ngốc này!? Chữ dân chúng thì nó diễn dịch thành... gọi dân bằng chúng nó! Vĩnh cố giả vờ như không nghe thấy lời sửa sai của thằng quản giáo Cư. Anh tiếp.
- Trước đây, nhân dân miền Nam in sách một cách rất dễ dàng.
Tên thủ phó chận lại.
- Này, đừng phản tuyên truyền đấy nhá. Tôi khẳng định với anh sách báo miền Nam trước đây đều do ngụy quyền chi phối cả. Nó gật mới được in, nó lắc là xếp xó. Tuổi anh mới 30 đã có hàng chục quyển sách xuất bản. Nhất định anh phải nằm trong guồng máy tuyên truyền của CIA.
Vĩnh buồn trong bụng quá. Giải thích chưa xong vụ in sách giờ lại được đội thêm cái mũ CIA! Ta cứ bình tĩnh giải quyết từ từ, Vĩnh dặn lòng. Cứ nói chuyện sách cái đã. Vĩnh vừa dợm lên tiếng thì thằng quản giáo Cư đã chen vào.
- Miền Bắc xã hội chủ nghĩa ngay những nhà văn có Đảng tịch mà mỗi ba năm mới được in một quyển sách, mà phải là sách đạt tiêu chuẩn và được hội nhà văn nhất trí thông qua đấy nhé. Mày là gì mà mới 30 tuổi ngụy nó cho mày in nhiều sách thế?
- Thưa tôi chỉ là quân nhân. Việc in sách thì tôi đã nói rồi. Rất dễ. Nó được chính quyền cho in...
Tên an ninh gằn giọng nhắc nhở.
- Ngụy quyền!
- Vâng, nó được ngụy quyền cho in là chỉ trên vấn đề kiểm duyệt mà thôi. Còn mọi khía cạnh khác đều thuộc vấn đề thương mại. Các nhà xuất bản họ đọc bản thảo thấy có thể ăn khách là họ mua bản quyền và xuất bản. Các nhà xuất bản này cũng đều là những dịch vụ tư nhân. Với lại sách tôi đều là những dịch phẩm, dịch từ các tác giả cổ điển... Không có gì chống phá Cách mạng trong đó cả.
- Thế bây giờ số sách đó ở đâu?
- Sách ở nhà tôi Cách mạng đã cho người đến tịch thu đem về phường từ hồi tôi còn ở nhà. Nhưng nếu các anh cần kiểm chứng vẫn có thư viện quốc gia. Tôi có nộp bản, và nếu Cách mạng chưa đem ra đốt hết thì nó còn nằm trong đó.
Như tạm thỏa mãn về lời khai của Vĩnh trong vấn đề sách báo, tên an ninh nói.
- Thôi được, đồng chí Cư sẽ bắt tên này khai chi tiết về vụ sách báo của nó trên giấy trắng mực đen. Bây giờ hỏi tiếp: Thủ trưởng CIA của mày là ai và hiện ở đâu? - Tôi là một quân nhân phụ trách phân phối hàng quân tiếp vụ cho Hải quân. Tôi không dính líu gì đến CIA cả.
Tên an ninh giơ khúc cây lên tính phang, nghĩ sao lại bỏ xuống. Hắn nạt.
- Mày là thằng ngoan cố ngoan cường, hỏi cái gì cũng chối đây đẩy, đến khi gọi tận tên bắt tận tội mới chịu khai ra. Tao bảo thật, bọn vừa là sỹ quan vừa cầm bút viết lách phản động như chúng mày nếu không là CIA cũng là CIB! Mày có biết thằng Phan Nhật Nam không?
-.....!
- Lỳ như nó, chống Cộng điên cuồng như nó mà rốt cuộc cũng phải khai hết. Nó đã thú nhận nó là một thằng CIA loại gộc đấy!
- Cái đó tôi không rõ. Riêng tôi, thú thật với anh tôi chưa hề biết mặt mũi CIA nó ra làm sao cả?
Tên an ninh hét.
- Vậy mày nhận chỉ thị của ai để viết lách? Ai trực tiếp chỉ đạo?
Tự dưng đầu Vĩnh nẩy ra một kế. Nếu cứ dông dài mãi chưa biết đến bao giờ mới kết thúc vụ hỏi cung. Và còn mềm xương là đàng khác. Tính kế một chút, Vĩnh nuốt nước bọt, nói.
- Thú thật với anh tôi viết sách chỉ nhằm mục đích kiếm thêm tiền nuôi vợ con. Không có ai chỉ đạo cho tôi cả. Tuy nhiên, trước đây chúng tôi có chơi từng nhóm với nhau. Không vì chính trị mà vì quyền lợi. Trong nhóm của tôi có một anh lớn tuổi nhất tên là Bột. Anh ta ở nhà số... đường Trương Minh Ký.
Tên an ninh vội giơ tay chận Vĩnh lại. Hắn bước tới bàn cầm lấy tờ giấy và cây bút Bic. Hắn quay lại Vĩnh:
- Mày đọc lại tên tuổi tao nghe. Đọc từ từ thôi...
Vĩnh mừng thầm trong bụng. Anh rất hy vọng thằng khốn nạn sẽ mắc lỡm anh. Và rồi với bộ mặt quan trọng, anh bắt đầu khai.
- Vâng tôi xin đọc lại. Tên anh là Bột. Nguyễn Văn Bột. Nhà số... đường Trương Minh Ký... Cheo chéo nhà thờ Ba Chuông chừng mươi căn... Tôi không biết rõ anh ta là gì. Tôi chỉ biết trên danh nghĩa anh là thầu khoán nhưng trên thực tế anh là người thường lui tới và đặt sách cho tôi dịch. Có lần có một quyển tôi không thích lắm, nhưng anh nói xa xôi rằng: Nếu cậu không dịch cuốn này tôi e mai mốt cậu khó in thêm sách...
Tên an ninh đổi giọng.
- Thế anh nghĩ nó là gì?
Vĩnh ỡm ờ.
- Thì tôi đã thưa với anh rồi. Bề nổi anh ta là thầu khoán, nhưng bề chìm thì tôi không rõ. Tôi chỉ biết anh ta đặt sách cho tôi dịch và trực tiếp chi tiền cho tôi. Sách cổ điển có nội dung hay, tôi lại có thêm tí tiền nuôi vợ con, thế là tôi thích và tôi làm. Sự thật chỉ giản dị thế thôi!
Tên thủ phó Môn xoay sang nói khẽ với tên quản giáo Cư: Bằng mọi giá phải thông báo địa phương chộp cổ thằng Bột này... Vĩnh vờ như không nghe thấy. Anh tiếp. Các anh cứ nghĩ ở cấp bậc chúng tôi quyền hành giàu có lắm. Thực ra chúng tôi có là gì đâu trong miền Nam! Lương ba cọc ba đồng đâu có đủ sống. Ai có nghề phụ đều phải cố gắng làm thêm kiếm sống.
Tên an ninh như đã thu nhận được một số tin tức quan trọng, hắn đỡ bực và xoay sang vấn đề khác.
- Thôi được, lời khai của anh rồi sẽ được kiểm tra sau. Anh hoàn toàn trách nhiệm về lời khai này. Còn một vấn đề nữa. Tại sao các anh thua nhanh như thế? Tại sao không đánh mà chạy? Mỹ ngụy có ý đồ gì trong tương lai? Nghe hỏi, Vĩnh trả lời ngay. Anh lớn giọng hơn bình thường một chút, ra điều ta đây thẳng thắn và vô can trong vụ này.
- Tôi không rõ ngoài Bắc, trong quân đội nhân dân với cấp bậc như cấp bậc thượng úy của thủ phó đây, có được biết nhiều những bí mật quân sự quan trọng hay không, chứ riêng trong quân đội miền Nam, cỡ cấp bậc tôi hoàn toàn không được phép biết một cái gì ngoài những phần vụ chính của mình. Vả lại với riêng tôi, suốt ngày bù đầu với con số, với máy tính, với bao gạo bao đường; tôi làm sao biết được những chuyện lớn ấy!
Lời giải thích của Vĩnh nghe lọt tai. Tên thủ phó chợt nhìn đồng hồ tay. Qua kẽ hở trên cánh liếp, Vĩnh liếc nhìn ra ngoài sân. Trời tối đen như mực. Thốt nhiên Vĩnh nghe người mình nhẹ hẳn đi lúc tiếng nói của thằng an ninh cất lên bên tai anh.
- Bây giờ khung cho anh trở về lán. Chúng tôi sẽ còn phải làm việc với anh nhiều lần nữa. Điều cuối anh phải nhớ: Tuyệt đối không được tiết lộ với bất cứ ai nội dung và sự kiện buổi làm việc chiều nay. Tiết lộ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm!
Một lúc sau Vĩnh khập khễnh bước ra khỏi lều. Vừa đi được vài bước bỗng nhiên Vĩnh khụy xuống y hệt một chân vừa bị lọt xuống một cái hố. Bây giờ anh mới thấy những khớp xương đau ê chề. Vĩnh chống tay vào đầu gối đứng dậy. Anh vươn vai cố hít một hơi dài. Một cơn gió đêm thổi qua làm Vĩnh tỉnh táo lại. Tên vệ binh chẳng biết đứng sẵn từ góc tối nào đã xuất hiện bên cạnh Vĩnh. Nó không nói gì nhiều hơn một cái lệnh ngắn ngủi.
- Đi!
Vĩnh lầm lũi đi theo tên vệ binh. Anh vừa đi vừa ngước nhìn những vì sao thưa thớt trên bầu trời, lòng thầm nghĩ: Cậu Bột ơi, giờ này chắc cậu đang ở Mỹ, đang hưởng tự do; cậu đừng trách cháu nếu cháu bỗng dưng đè cậu ra và đổ hết "tội lỗi" lên người cậu...
Tới cổng tên vệ binh bỗng cất tiếng hỏi khẽ: Anh hải quân hả?
- Vâng.
- Sao anh không di tản theo Mỹ ngụy?
Vĩnh liếc nhìn bộ mặt non choẹt của thằng vệ binh nhòe nhoẹt dưới ánh sao đêm. Bộ mặt nó ngây thơ quá! Nhưng ngây thơ thế nào thì mình cũng phải thủ. Nghĩ thế Vĩnh khẽ trả lời.
- Trước đây tôi có nghe nhiều về chính sách hòa hợp hòa giải của các anh.
Tên vệ binh bỗng cười khẽ, một nụ cười thật thần bí trong bóng đêm.
- Lạ nhỉ? Nó nói. Thật lạ nhỉ! Sao các anh trả lời cứ như cùng một sách vở! Cái nhà anh Trần Trọng Minh gì đấy, hôm nọ cũng trả lời quản giáo giống hệt như anh...
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu