The art of reading is in great part that of acquiring a better understanding of life from one's encounter with it in a book.

André Maurois

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1727 / 73
Cập nhật: 2017-09-21 01:06:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
VIII - Tiếng Kêu Cứu Trong Không Gian
ại úy Pie Marcenay hết sức buồn vì phải chia tay với đoàn Barsac và đặc biệt là với Jane Mornas. Nhưng anh lên đường không chút do dự. Đại úy Marcenay trước hết là một người lính nên anh quen chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện.
Dù anh đã đi vội đến mức nào thì cũng phải mất chín ngày mới vượt qua được chặng đường dài bốn trăm năm mươi km, ngăn cách anh với Ségou-Sikoro, anh đến đó vào khuya ngày 22 tháng Hai. Mãi sáng hôm sau anh mới trình diện được với đại tá Sergines, chỉ huy trưởng pháo đài và trao cho ông lệnh của đại tá Saint-Auban.
Đại tá Sergines đọc lệnh ba lần liền và mỗi lần đọc như thế, vẻ ngạc nhiên của ông lại càng tăng lên. Ông không hiểu gì cả.
— Trò hề ngu xuẩn gì thế này! – Cuối cùng, ông kêu lên. – Lấy người ở Sikasso để chuyển đến Tombouctou... Thật không thể tưởng tượng được!
— Thưa đại tá, nghĩa là ngài không được báo trước về việc chúng tôi sẽ đến.
— Hoàn toàn không!
— Viên trung úy trao lệnh cho tôi nói rằng ở Tombouctou có phản loạn.
— Lần đầu tiên tôi được nghe thấy đấy. Mới hôm qua thôi, đại úy Peyrolles từ Tombouctou đã đến đây. Ông ta không hề nói chuyện gì như thế cả. Song chúng ta không thể bàn ra tán vào. Đã có lệnh và nó phải được thi hành. Nhưng quỷ tha ma bắt tôi đi nếu tôi biết được khi nào các ông có thể lên đường.
Quả thật, rất khó chuẩn bị cho một chuyến đi đột ngột như vậy. Phải mất tám ngày để tìm phương tiện vận tải và số lương ăn đầy đủ. Mãi ngày 2 tháng Ba, đại úy Marcenay mới có thể đưa đội quân của mình xuống thuyền và bắt đầu xuôi dòng về phía Niger.
Chuyến đi vào những tháng cuối cùng của mùa khô này gặp nhiều khó khăn vì nước cạn, nó ngốn nguyên hai tuần lễ và tới ngày 17 tháng Ba họ mới lên bờ tại cảng Kabara của Tombouctou.
Khi đại úy Marcenay trình diện với đại tá tư lệnh Allègre thì ông ta cũng nhìn anh với vẻ ngạc nhiên. Ông ta tuyên bố rằng trong vùng không có cuộc nổi loạn nào, rằng ông ta chưa bao giờ xin tăng viện và ông ta hoàn toàn không hiểu tại sao đại tá Saint-Auban không báo trước, đã điều đến cho ông ta một trăm con người mà ông ta chẳng cần thiết chút nào để làm gì.
Sự việc trở nên kỳ lạ và đại úy Marcenay đã phải suy nghĩ là anh có bị lệnh giả đánh lừa hay không. Nhưng với mục đích gì? Câu trả lời đã quá rõ ràng, để tiêu diệt đoàn thị sát Barsac không còn khả năng tự vệ. Nỗi lo ngại của anh càng lớn khi ở Tombouctou, cũng như ở Ségou-Sikoro, anh không thể nhận được một tin tức nào về trung úy Lacour. Không ai biết hắn cả. Hơn nữa, không ai nghe nói về đội quân tình nguyện Soudan, mặc dù chính đại tá Saint-Auban đã có nhắc đến chúng trong mệnh lệnh.
Tuy vậy, lệnh của đại ta có vẻ là lệnh thật khi được xem xét cẩn thận, vẫn có hiệu lực. Người ta đã bố trí chỗ ở cho đại úy Marcenay và binh lính của anh, còn lệnh thì họ gửi đi cho tác giả của nó vì chỉ có đại tá Saint-Auban mới có thể nói mệnh lệnh đã bị tráo hay không. Nhưng Tombouctou ở cách xa Bamako một nghìn km nên đại úy Marcenay phải đợi thư trả lời rất lâu. May thay, cuối tháng Ba, đại úy Perrigny, bạn cũ cùng trường quân sự Saint-Cyr của anh đã đến và thời gian đối với Marcenay trôi đi nhanh hơn.
Đại úy Perrigny, được cử đến Tombouctou hai năm đã mang theo mình một lô hòm xiểng. Bạn anh giúp anh mở chúng ra. Một số hòm toàn là thiết bị thí nghiệm. Giả sử không có bộ quân phục thì Perrigny là một nhà bác học. Tận tâm với khoa học nên anh nắm vững những thành tựu mới nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực điện. Perrigny là người tiêu biểu của khoa học, còn Marcenay là người tiêu biểu của khoa quân sự. Sự khác nhau trong quan điểm đôi khi làm nảy sinh những cuộc tranh luận thân ái. Họ cười đùa, gọi nhau là “con mọt sách già” và “kẻ le gươm tồi tệ”.
Mấy ngày sau khi bạn đến, đại úy Marcenay bắt gặp anh ta đang lắp chiếc máy gì trong sân nhà của anh ta.
— Cậu đến đúng lúc quá! – Perrigny kêu lên – Tớ sẽ cho cậu xem cái này hay lắm nhé.
— Cái này đấy à? – Marcenay vừa hỏi vừa chỉ vào chiếc máy, gồm có hai cục pin, một nam châm điện, một ống thủy tinh nhỏ chứa mạt sắt và một thanh đồng cao vài mét.
— Nó đấy. Vật bài trí mà cậu đang thấy là một sáng chế tuyệt vời. Đây là máy thu điện tín vô tuyến.
— Tớ có được nghe về chuyện này, – Marcenay nói, anh bắt đầu quan tâm. – Thế vấn đề đã được giải quyết?
— Chứ còn gì nữa! – Perrigny kêu lên, – Hai người trên trái đất cùng nghiên cứu vấn đề này. Một người là người Italia, tên là Marconi, ông ta đã tìm ra phương tiện phát sóng Hertz vào không gian... Nhưng cậu đã từng nghe nói về họ đấy chứ, hả chú lính bất trị?
— Có, có, – Marcenay trả lời. – Marconi dạy ở trường phổ thông. Hơn nữa, người ta nói về ông ấy khi tớ còn ở Châu Âu cơ. Thế nhà phát minh kia là ai?
— Nhà vật lý người Pháp Branly. Ông ta đã tìm ra máy thu – một kỳ quan thuần chất sáng tạo.
— Và cả chiếc máy tớ đang nhìn thấy đây?
— Cả nó nữa. Branly nhận thấy rằng mạt sắt dẫn điện kém, nhưng mạt sắt trở thành chất dẫn điện tốt dưới tác động của sóng Hertz, chúng được đưa vào mạch của bộ pin. Dòng điện trong mạch không có vì ống mạt sắt là một dây dẫn tồi. Cậu hiểu không?
— Hiểu, cậu nói tiếp đi.
— Khi sóng Hertz đến, thanh đồng được gọi là anten thu lấy nó. Ống mạt sắt nối với anten trở thành dây dẫn, dòng điện được đóng kín và chạy trong mạch. Cậu vẫn hiểu đấy chớ, hở quân khát máu?
— Ờ, lão già bác học lòi tròng ạ. Tiếp tục đi!
— Tới đây người kể đang đứng trước mặt cậu nhúng tay vào. Nhờ ứng dụng phát minh của tớ với phát minh của Branly, dòng điện này làm cho băng giấy trong máy Morse chạy được. Lúc đó cò máy cũng mổ xuống. Dòng điện bị ngắt thì máy Morse ngừng hoạt động. Thế là trên băng giấy có một chấm. Việc ấy cứ tiếp diễn khi anten thu sóng. Trên dải băng xuất hiện một loạt các dấu chấm, liên kết với nhau thành những nhóm không đồng đều, đó là những dấu chấm, gạch của tín hiện Morse mà điện báo viên nào cũng đọc được.
— Như cậu đây?
— Ừ, như tớ.
— Thế cậu lôi chiếc máy kỳ lạ này đến cái xứ sở nguy hiểm của chúng ta để làm gì?
— Ngày mai tớ sẽ lắp máy phát. Tớ muốn là người đầu tiên xây dựng trung tâm điện tín vô tuyến ở Soudan. Đó là lý do tại sao tớ mang đến đây hai chiếc máy còn rất hiếm này. Tớ cam đoan với cậu là ở Châu Phi chưa có. Cậu nghĩ xem, giá có thể liên lạc thẳng với Bamako...
Đại úy Perrigny bỗng ngừng lại. Đôi mắt của anh trợn tròn, cái miệng hé mở tỏ vẻ hết sức kinh ngạc. Từ chiếc máy của Branly vang lên tiếng lách cách khô khan mà đôi tai đầy kinh nghiệm của anh mới nghe được.
— Cậu sao vậy? – đại úy Marcenay sửng sốt hỏi.
— Nó chạy?! – Perrigny lắp bắp và chỉ vào chiếc máy.
— Sao cơ? Nó chạy ư?! Marcenay kêu lên với vẻ mỉa mai. – Cậu đang nằm mơ đấy, viện sĩ tương lai ạ! Bởi vì máy của cậu là chiếc máy duy nhất ở châu Phi cơ mà. Nó bị hỏng rồi, có thế thôi.
Đại úy Perrigny không trả lời, anh chạy đến bên máy thu.
— Hỏng sao được! Anh phản đối trong tình trạng hưng phấn dữ dội. – Nó hỏng mà tớ đọc được rất rõ trên băng đây nè: “Gửi đại úy Marcenay...Gửi đại úy Marcenay!”
— Tên tớ! Marcenay cười giễu. – Bố già ạ, tớ rất sợ cậu đang nhạo báng tớ đấy!
— Tên cậu mà! – Perrigny quả quyết với vẻ ngạc nhiên chân thành làm bạn của anh sửng sốt.
Máy ngưng, nhưng rồi lại nghe rõ những tiếng lách cách mới.
— Chạy nữa! – Perrigny kêu lên và cúi xuống xem băng giấy. – Đây! Bây giờ là địa chỉ của cậu: “Tombouctou!”
— Tombouctou! – Marcenay bất giác nhắc lại và đến lượt anh run lên vì một nỗi xúc động không giải thích được.
Máy dừng lại lần thứ hai, sau một thoáng gián đoạn băng giấy bắt đầu chạy để vài giây sau nó dừng lại.
— Jane Buxton...– Perrigny đọc.
— Tớ không biết người phụ nữ nào như thế, – Marcenay tuyên bố, vô tình thở phào nhẹ nhõm. – Đó là trò đùa của ai đó...
— Trò đùa ư? – Perrigny trầm ngâm nhắc lại, – Sao có thể như thế được nhỉ? A! Nó lại bắt đầu! – Và anh cúi xuống băng giấy. -... “Hãy đến cứu Jane Mornas...”
— Jane Mornas! – Đại úy Marcenay kêu lên và anh vừa thở hổn hển vừa nới cổ áo quân phục.
— “...đang bị giam ở Blackland...”.
Tiếng kêu lách cách ngưng lần thứ tư. Perrigny đứng thẳng người lên và nhìn bạn. Anh nọ xanh xám mặt mày.
— Cậu bị sao thế? – anh lo lắng hỏi.
— Tớ sẽ giải thích cho cậu sau, – Marcenay trả lời một cách chật vật. – Nhưng Blackland, cậu kiếm đâu ra Blackland vậy?...
Perrigny không kịp trả lời. Máy đã bắt đầu hoạt động lại:
— “Vĩ độ mười – lăm – độ năm – mươi – phút kinh – độ Tây...”.
Hai viên sĩ quan cúi xuống chiếc máy ngưng chạy một lần nữa, họ phí công chờ đợi trong vài phút. Chiếc máy vẫn im hơi lặng tiếng.
Đại úy Perrigny trầm tư khẽ khàng:
— Có người chơi cái điện tín vô tuyến thứ hai ở xứ nguy hiểm này! Và ông ta biết cậu... Nhưng cậu làm sao thế? Cậu xanh quá!
Marcenay giải thích sơ lược cho bạn biết nguyên nhân gây ra nỗi lo lắng của mình. Chính anh đã biết Jane Mornas, anh yêu nàng và hy vọng sẽ có lúc nàng thành vợ anh. Bức điện bí ẩn gửi đến từ không trung có nghĩa là Jane Mornas đang bị nguy hiểm.
— Và nàng yêu cầu tớ giúp! – anh kết luận với vẻ buồn vui lẫn lộn.
— Được thôi! Dễ lắm mà! – Perrigny trả lời. – Phải đi cứu nàng.
— Dĩ nhiên! – Marcenay kêu lên, cơ hội hành động làm anh tươi tỉnh, – Nhưng cứu như thế nào?
— Chúng ta sẽ thảo luận chuyện đó ngay bây giờ, – Perrigny nói. – Theo tớ, sự thể không đáng lo...
— Tớ cho rằng: thứ nhất, tiểu thư Mornas không đơn độc vì chính cậu cũng biết nàng không có máy điện tín vô tuyến. Không kể những người bạn đồng hành mà cậu đã để nàng ở lại với họ thì nàng còn có một người bảo trợ, chủ của chiếc máy đó. Cậu hãy tin tớ, ông ta là người cừ khôi.
Marcenay được khích lệ, ngẩng cao đầu.
— Thứ hai, tiểu thư Mornas không bị nguy hiểm trực tiếp đe dọa. Nàng đã đánh điện tín đến Tombouctou. Nghĩa là nàng cho rằng cậu có thời gian để đáp ứng lời kêu cứu của nàng. Cậu hãy bình tĩnh, hãy tin vào kết cục tốt đẹp của chuyến phiêu lưu này. Bây giờ chúng ta sẽ đến đề nghị đại tá cho phép tổ chức đoàn đi cứu ông dân biểu Barsac và tiểu thư Mornas.
Hai viên đại úy lập tức đến chỗ đại tá Allègre và kể cho ông nghe về sự kiện tuyệt vời mà họ đã được chứng kiến. Họ trình lên cho ông cuộn băng do máy Morse ghi lại.
— Trong này không nói gì về ngài Barsac, – đại tá nhận xét.
— Không, – Perrigny trả lời, – nhưng vì tiểu thư Mornas đi cùng với ông ấy...
— Ai bảo với các ông là tiểu thư không tách khỏi ông ấy: – đại tá bác lại. – Tôi biết rõ hành trình của đoàn Barsac và quả quyết với các ông rằng nó không thể có mặt ở vĩ độ như thế. Chuyến đi thị sát phải ngang qua Ouagadougou ở vĩ độ 12 và kết thúc ở Saye, ở vĩ độ 130. Thế mà bức điện bí ẩn này lại nói về vĩ độ 15050.
Lời nhận xét của đại tá khiến cho ký ức của Marcenay hồi sinh.
— Ngài nói đúng, thưa ngài đại tá. Tôi nhớ ra rằng tiểu thư Mornas cần phải tách đoàn ở chỗ cách xa Sikasso hai hay ba trăm km và đi lên phía Bắc để tới Niger, gần Gao.
— Điều này làm thay đổi tính chất công việc, – đại tá băn khoăn nói. – Để giải thoát cho Barsac, một dân biểu, một quan chức, thì có thể phái một đoàn đi, nhưng tiểu thư Mornas là thường dân...
— Tuy nhiên, – Marcenay sôi nổi nhận xét, – nếu lệnh bị giả mạo, thì ngài Barsac thành nạn nhân của tên đê tiện đã thay thế tôi...
— Có thể, có thể...– đại tá nói với vẻ nghi hoặc – Dù sao đi nữa cũng nên đợi thư trả lời từ Bamako.
— Vô vọng! – Marcenay đau khổ kêu lên. – Chúng ta không thể bỏ mặc con người đáng thương đang gọi tôi đến cứu khỏi cái chết.
— Ở đây không có nói về cái chết... Tiểu thư chỉ bị bắt, thế thôi. Còn Blackland đó ở đâu?
— Nàng đã báo vĩ độ.
— Nhưng không có kinh độ. Vĩ tuyến, mà các ông được báo cho biết cắt ngang Niger và đi sâu vào những vùng hoang vu, huyền bí. Tôi không thể cử một đội đi về hướng này và thí mạng của hai trăm con người để cứu một người.
— Tại sao lại phải hai trăm! – Marcenay hỏi khi thấy rằng mọi hy vọng đã tiêu tan. – Có thể ít hơn rất nhiều.
— Tôi không nghĩ như vậy, ông đại úy ạ. Ông đã biết có nhiều tin đồn ở Niger. Người da đen nói rằng đâu đó đã thành lập một quốc gia và tiếng tăm của nó không tốt đẹp gì. Có thể, Blackland là thủ đô hay là một trong những thành phố của cái quốc gia giả định ấy. Vĩ độ đã làm cho giả thiết dễ chấp nhận hơn, vì nó trùng với vùng chưa được khảo sát, một quốc gia như thế chỉ có thể được thành lập ở một nơi như thế. Chẳng lẽ ý nghĩa tiếng Anh của từ “Blackland” không làm cho ông ngạc nhiên hay sao? Tôi nghĩ rằng tiến vào vùng chưa hề được nghiên cứu mà không đủ mạnh là nông nổi.
— Thưa ngài đại tá, như vậy là ngài từ chối?
— Tôi lấy làm tiếc, nhưng phải từ chối.
Đại úy Marcenay tiếp tục năn nỉ. Anh đề nghị cho một trăm người mà anh đưa đến đi cùng với anh.
Đại tá Allègre không thay đổi ý kiến.
— Chúng ta sẽ đợi tin tức mới của tiểu thư Mornas. Nếu tiểu thư đã đánh điện một lần thì có thể sẽ đánh điện lần nữa.
— Nhưng nếu tiểu thư không thể? Việc đánh điện bị cắt ngang đột ngột.
Đại tá làm điệu bộ tỏ ý vô cùng thông cảm nhưng không thể thay đổi quyết định của mình.
— Vậy thì tôi sẽ đi một mình, – Marcenay tuyên bố một cách cương quyết.
— Một mình?
— Vâng. Tôi xin ngài cho tôi nghỉ phép, ngài sẽ không từ chối cho tôi việc ấy...
— Ngược lại, tôi sẽ từ chối. Không lẽ ông nghĩ rằng tôi sẽ cho phép ông lao vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà ông sẽ không thể trở về được hay sao?
— Thưa ngài đại tá, nếu thế, tôi xin ngài chấp thuận cho tôi từ chức.
Đại tá Allègre không trả lời ngay. Ông nhìn viên sĩ quan dưới quyền và hiểu rằng anh ta đang trong tình trạng không bình thường.
— Đại úy, anh biết rằng, – ông nói như một người cha, – việc xin từ chức của anh phải qua nhiều cấp và tôi không có quyền chấp thuận. Dẫu gì thì việc này cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Sáng mai anh hãy lại đây.
Hai viên sĩ quan dập gót chào rồi đi ra. Sau khi chia tay với bạn, Marcenay khóa trái cửa phòng mình, gieo người xuống giường và bật khóc nức nở.
Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac - Jules Verne Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac