Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1727 / 73
Cập nhật: 2017-09-21 01:06:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Thứ Hai - I - Blackland
hành phố Gao-Gao nằm ở tọa độ 20 kinh Đông và 160 vĩ Bắc, trên tả ngạn sông Niger. Bao quanh nó là sa mạc lớn, hướng Bắc trải dài đến Maroc, Algérie và Tripolitaine, hướng Tây đến Ai Cập, và Nubie, hướng Nam đến Trung Phi và hướng Đông đến đại dương. Các ốc đảo gần Gao-Gao nhất là Adrar ở phía Bắc và Aïr ở phía Tây. Adrar cách xa thành phố bốn trăm km, còn Aïr thì cách nó chín trăm km. Ngay cả những tấm bản đồ mới nhất cũng vẫn ghi rõ vùng đất rộng 360 nghìn km vuông này là khu vực chưa được nghiên cứu. Vào lúc đoàn thị sát của dân biểu Barsac phải chịu đựng những thử thách được miêu tả trong phần đầu của câu chuyện chúng ta, chưa một ai đặt chân đến đó cả.
Bấy giờ trong cư dân ven sông Niger lan truyền những câu chuyện huyền hoặc về vùng đất chưa được khảo sát này. Thỉnh thoảng – theo lời thổ dân kể – có những con chim đen rất to, mắt đỏ bay lượn ngoài đồng khô, đôi khi từ cõi bí ẩn hiện ra một bầy quỷ cưỡi ngựa chạy qua rất hăng. Bọn kỵ sĩ quái đản ập đến các làng, phá nát mọi thứ gặp trên đường đi rồi biến mất, bắt đàn ông, đàn bà và trẻ em mang đi luôn trên yên ngựa, những người bị bắt không bao giờ trở về được nữa.
Các sinh vật khủng khiếp đã tàn phá và cướp bóc làng bản rồi biến đi, để lại sau lưng cảnh hoang tàn và chết chóc đó là ai? Không một người nào định tìm hiểu điều này. Ai mà dám lần theo dấu vết của bọn giặc đã được trí tưởng tượng của dân chúng thêm cho cái sức mạnh siêu nhiên và coi chúng là những đấng thần linh của sa mạc?
Nhưng, giả sử có người dũng cảm nào đó đi sâu vào sa mạc và sau chặng đường dài hai trăm sáu mươi km đến được tọa độ 1040’ kinh Tây và 15050’ vĩ Bắc thì anh ta sẽ thấy được cái mà không một nhà địa lý, nhà nghiên cứu hay thương đoàn nào thấy được: một thành phố.
Vâng, một thành phố thực sự mà chẳng ai có thể ngờ, mặc dù dân số của nó lên tới bảy nghìn tám trăm linh tám người, chưa kể trẻ em.
Nếu nhà thám hiểm giả định ấy hỏi một người dân về tên gọi của thành phố thì có thể, tay đó sẽ trả lời bằng tiếng Anh: “BLACKLAND”. Song cũng có thể bằng tiếng Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bambara. Dẫu bằng tiếng gì, lời đáp vẫn chỉ có nghĩa là “Xứ đen”.
Người ta nói đủ mọi thứ tiếng trong cái thành phố hỗn độn này, dân số của nó vào lúc đoàn Barsac gặp nạn ở Koubo, có sáu nghìn bảy trăm bảy mươi tám người da đen và một nghìn không trăm ba mươi người da trắng thuộc đủ các nước trên thế giới. Phần lớn đó là những tên phiêu lưu trốn tòa và trốn tù, sẵn sàng làm những việc tồi tệ nhất. Do bọn đại diện của chủng tộc Anh thống trị đám đông lố lăng ấy nên tiếng Anh chiếm ưu thế so với các thứ tiếng khác. Mọi mệnh lệnh của Ông Chủ và tờ báo chính thức của địa phương “Tiếng sấm Blackland” đều được in bằng tiếng Anh.
Báo này rất kỳ cục nếu xét theo các đoạn trích từ một vài số báo:
“Hôm qua, John Andrew đã treo cổ mọi da đen Koromoko vì tên này quên đưa tẩu thuốc cho ông ta sau bữa ăn sáng”.
“Sáu giờ chiều mai sẽ phái đi Kourkoussou và Bidi mười tàu lượn cùng với mười Chàng trai Vui tính dưới quyền chỉ huy của đại tá Hiram Herbert. Cướp phá toàn bộ hai làng mà ba năm rồi chúng ta chưa đến thăm. Trở về ngay trong đêm”.
“Chúng tôi đã thông báo: đoàn thị sát của Pháp do dân biểu Barsac dẫn đầu sắp khởi hành từ Conakry. Rõ ràng đoàn có ý định đến Niger qua Sikasso và Ouagadougou. Các biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng. Hai mươi người của Đội vệ binh Đen và hai Chàng trai Vui tính lập tức lên đường. Đại úy Edward Rufus như mọi người đều biết, là lính bộ binh thuộc địa đào ngũ – sẽ đóng vai trung úy Lacour và sẽ sử dụng kiến thức quân sự tuyệt vời của dân tộc Pháp để chặn Barsac lại bằng mọi cách. Dĩ nhiên, ông ta sẽ không đến được Niger”.
“Hôm sau, ở trên cầu, sau một cuộc cãi vã, cố vấn Ehle Willis đã nổ súng vào đầu Chàng trai Vui tính Constantin Bernard. Anh này ngã xuống sông Đỏ và bị cái đầu quá nặng do mới được nạp thêm một số lượng đạn chì kéo chìm. Lập tức có cuộc thi tuyển để thay người quá cố. Gilman Ely đoạt giải nhờ có mười bảy bản án của tòa án Pháp, Anh và Đức, tính chung là hai mươi chín năm tù giam và ba mươi lăm năm khổ sai. Vì vậy, Gilman Ely được chuyển từ khối dân sự sang khối các Chàng trai Vui tính. Chúc anh những điều tốt đẹp nhất!”.
Hẳn độc giả đã nhận thấy John Andrew, Hiram Herbert, Edward Rufus, Ehle Willis, Constantin Bernard, Gilman Ely là những cái tên ghép từ hai tên ở Blackland, bất kỳ một người nào mới đến đều nhận được tên mới và bỏ đi cái họ không ai biết, trừ Ông Chủ.
Ông Chủ là người duy nhất trong số dân da trắng, ngoại trừ một bộ phận đặc biệt sẽ nói đến sau, có mang họ nhưng nghe nó như một biệt danh báo điềm dữ. Mọi người gọi hắn là Harry Killer, theo nghĩa đen là Harry Sát nhân.
Mười năm trước, trước lúc đoàn Barsac bị bắt cóc. Harry Killer cùng với một số tên như hắn không rõ từ đâu đến sa mạc, cất lều và nói: “Ở đây sẽ có một thành phố!”. Và Blackland hiện ra trên hoang mạc như có phép lạ.
Đó là một thành phố rất lạ. Nó nằm trên một vùng đất bằng phẳng, bên hữu ngạn sông Tafasasset – con sông vẫn hoàn toàn khô cạn cho tới ngày ý muốn của Harry Killer làm cho nó đầy nước chảy, thành phố có hình bán nguyện đều đặn, dọc theo dòng chảy, từ Tây Bắc xuống Đông Nam rộng sáu bảy trăm mét. Như vậy, diện tích của nó lên tới năm mươi sáu hecta, chia ra làm ba khu to nhỏ khác nhau được bao bọc bởi các bức tường bằng đất sét trộn rơm kiên cố, cao mười mét và bề dày của chân móng cũng xấp xỉ như thế.
Ngay cạnh bờ của con sông mà Harry Killer gọi là sông Đỏ, khu Một nằm trong vòng bán kính hai trăm năm mươi mét. Con lộ rộng một trăm mét chạy dọc bờ sông đã làm tăng diện tích của nó lên một cách đáng kể.
Tầng lớp quý tộc của Blackland mà người ta chế giễu gọi là các Chàng trai Vui tính sống ở khu Một.
Trừ một vài người được yêu cầu giữ những chức vụ cao hơn, đám bạn bè của Harry Killer là nhân tố cốt lõi tạo nên khối các Chàng trai Vui tính khi hắn xây xong thành phố. Quy tụ quanh số hạt nhân ban đầu là một lũ tướng cướp, Killer đã chiêu dụ và hứa sẽ thỏa mãn đầy đủ mọi bản năng tội lỗi của bọn chúng. Chẳng bao lâu số lượng các Chàng trai Vui tính lên tới năm trăm năm mươi sáu người và không được vượt quá con số này với bất kỳ lý do nào.
Chức trách của các Chàng trai Vui tính rất đa dạng. Được tổ chức theo kiểu nhà binh, do một đại tá, năm đại úy, mười trung úy và năm mươi hạ sĩ quan chỉ huy, chúng là quân đội của Blackland. Chiến tranh mà chúng tiến hành là cướp phá các làng bản thảm thương và giết hại những người dân không được chúng bắt đi làm nô lệ. Các Chàng trai Vui tính còn là cảnh sát của thành phố và có nhiệm vụ cai quản tù nhân. Đội cảnh vệ của Ông Chủ, đội thực hiện mù quáng mọi mệnh lệnh của hắn ta, cũng được tuyển lựa từ trong số bọn chúng.
Khu Ba, khu ở cách xa trung tâm nhất, là một vành bán nguyệt bao quanh thành phố, nằm giữa dãy tường ngoài cùng và khu giam nô lệ.
Những người da trắng không thuộc khu Một thì sống ở khu Ba và được gọi chung là khối Dân sự. Trong khi chờ chỗ khuyết ở khối các Chàng trai Vui tính, mà cũng thường hay có chỗ khuyết vì lối sống dã man của Blackland luôn dẫn đến những trận đấu súng – họ phải “tập sự” ở khối Dân sự. Các thành viên của khối Dân sự buôn bán để kiếm sống bởi vì chỉ có các Chàng trai Vui tính mới được Ông Chủ chu cấp bằng tiền của Nhà nước. Khu Dân sự là khu thương mại, các Chàng trai Vui tính có thể tìm mua bất cứ thứ hàng hóa gì ở đấy. Thương nhân mua lại hàng hóa của Ông Chủ, tên này kiếm được bằng cách cướp bóc hoặc đối với các vật dụng có nguồn gốc từ châu Âu, thì bằng những thủ đoạn mà chỉ có những kẻ thân cận nhất của hắn mới biết được.
Vào thời điểm Blackland xuất hiện trong câu chuyện của chúng ta, khu Ba có hai trăm tám mươi sáu nhân khẩu, trong đó có bốn mươi lăm phụ nữ da trắng.
Nằm giữa khu Một và khu Ba là khu Hai – khu của những người nô lệ. Số lượng nô lệ lên tới con số sáu nghìn bảy trăm bảy mươi tám, trong đó bốn nghìn một trăm chín mươi sáu người là đàn ông và hai nghìn năm trăm tám mươi hai người là đàn bà.
Sáng sáng, bốn cánh cửa trổ trên tường của địa ngục ấy mở ra và dưới sự giám sát của các Chàng trai Vui tính được trang bị dùi cui và súng lục, những người da đen không làm việc ở thành phố ra đồng làm ruộng. Buổi chiều, họ trở về cũng y như lúc ra đi và mấy cánh cửa nặng nề đóng sầm lại cho đến sáng hôm sau.
Nhiều người bất hạnh đã chết, do không chịu được đói khát hoặc đòn roi của cai ngục. Con số thiếu hụt được bổ sung ngay sau những trận đột kích và những nạn nhân mới thay thế cho những người đã được cái chết giải thoát.
Blackland không phải chỉ có mấy khu bên hữu ngạn. Bên trái sông Đỏ, ở chỗ bờ dốc dựng đứng của nó, tường thành chạy dọc theo sông, tạo nên hình chữ nhật có chiều dài là một nghìn hai trăm mét và chiều rộng là ba trăm mét. Khu vực này của thành phố được ngăn ra làm hai phần bằng nhau bởi một bức tường ngang rất cao.
Nửa nằm bên sườn đồi Tây Bắc có một công viên gọi là vườn Thành lũy, cầu Vườn nối liền nó với khu các Chàng trai Vui tính và khu Dân sự. Nửa nằm trên đỉnh đồi là trung tâm sinh hoạt của thành phố.
Ở góc phía Bắc, nơi tiếp giáp với công viên vươn cao lên một công trình tứ giác đồ sộ, có tường bậc thang bao quanh, mặt Đông Bắc của nó cao gần ba mươi mét và chấm dứt đột ngột ở chỗ sông Đỏ. Đó là cung điện như người ta thường gọi. Harry Killer và chín bạn cố tri làm quân sư cho hắn sống ở đó. Quân sư gì mà lạ, vì nhiệm vụ chính của chúng là kiểm tra xem mệnh lệnh và các bản án không được kháng cáo của ngài lãnh chúa xa vời và hầu như vô hình kia có được thực hiện hay không.
Một chiếc cầu khác, cầu Cung điện, có cửa chấn song chắc chắn đóng lại vào ban đêm, nối liền nơi ở của Killer với bờ phải.
Sát với cung điện là hai trại lính: một cái dành cho mười hai gã nô lệ làm công việc phục dịch và năm mươi tên da đen hung dữ trong đội vệ binh Đen, một cái thì dành cho bốn mươi người da trắng được giao quyền điều khiển bốn mươi chiếc máy biết bay, ở Blackland người ta gọi chúng là tàu lượn.
Sáng chế phi thường của một bộ óc thiên tài, những chiếc máy tuyệt vời ấy có khả năng bay liên tục qua chặng đường dài năm nghìn km với vận tốc bốn trăm km/giờ. Hình như, bọn cướp Blackland có mặt được ở khắp mọi nơi là nhờ tàu lượn, tàu lượn giúp chúng tẩu thoát ngay sau khi gây ra tội ác. Cả sự hùng cường của chính thể chuyên chế Harry Killer cũng dựa vào chúng.
Quả thật, bằng cách làm cho mọi người khiếp sợ, Killer đang trị vì cái đế chế bí ẩn có thủ đô là Blackland; bằng dọa nạt, hắn đã thiết lập và duy trì quyền lực của mình. Tuy nhiên, tên độc tài cũng thấy trước được khả năng nổi dậy của thần dân da trắng và da đen của hắn. Cung điện được xây cất theo kiểu làm cho hắn khống chế được toàn bộ thành phố và đặt các khu dân cư, vườn tược, trại lính dưới tầm đại bác. Mọi biểu hiện bất bình đều có thể là tín hiệu đưa đến sự tàn sát toàn thể và những người nổi loạn không còn khả năng chạy trốn. Sa mạc là chướng ngại vật không vượt qua nổi, nên bạn đọc sẽ thấy một khi đã rơi vào sào huyệt đó thì phải từ bỏ mọi hy vọng thoát ra.
Blackland được giữ gìn sạch sẽ và có đầy đủ tiện nghi. Không một ngôi nhà nào của các Chàng trai Vui tính hay ở khối Dân sự mà không có điện thoại, không một đường phố nào, căn nhà nào – dù là nhà ở của tù nhân, mà không có đường ống dẫn nước và điện.
Ở vùng ngoại vi của cái thành phố được xây dựng giữa sa mạc cách đây mười năm, sự biến đổi còn kỳ diệu hơn nhiều. Bây giờ biển cát đã lùi xa tường thành vài km. Ven đô, sa mạc được cải tạo thành đồng ruộng, cây cối của châu Phi và châu Âu mỗi năm lại càng mọc lên tươi tốt.
Sự sáng tạo của Harry Killer, dựa trên cơ sở những tội ác là như vậy đó. Song nó đã được thực hiện như thế nào? Làm sao hắn biến được những mảnh đất khô cằn thành đồng ruộng phì nhiêu? Để con người và súc vật tồn sinh, để đất đai cho hoa thơm trái ngọt, thì cần phải có nước. Harry Killer đã ban nước cho vùng đất mà trước đây quanh năm suốt tháng trời không hề mưa lấy một giọt, quả là tài! Hắn có phép thuật chăng?
Không, Harry Killer không có sức mạnh siêu nhiên và bằng nỗ lực của bản thân, hắn đã chẳng làm nên những điều kỳ diệu như thế. Harry Killer không đơn thương độc mã. Cung điện, dinh trại của đội vệ binh Đen và nhà để máy bay chỉ chiếm một phần nhỏ trong khu cuối của Blackland. Giữa khoảng đất bao la đó còn có những công trình, còn có nguyên cả một thành phố nằm trong Blackland, nhà cửa, sân bãi và vườn nội của nó chiếm chín hecta. Đối diện với cung điện nổi lên một nhà máy.
Nhà máy là đơn vị độc lập, tự trị. Ông chủ chỉ cung cấp tài lực. Hắn vừa kính nể nó, vừa e ngại nó – điều này hắn không dám thú nhận với chính bản thân mình.
Hắn chỉ nghĩ ra thành phố, còn nhà máy thì xây dựng, nhà máy cung cấp cho hắn những cải tiến mới nhất và nhiều hơn cả là những sáng chế phi thường mà mãi mấy năm sau khi Blackland không còn nữa, Châu Âu mới biết được.
Nhà máy có phần hồn và phần xác. Hồn của nó là ông giám đốc. Xác của nó là một trăm công nhân thuộc nhiều dân tộc, chủ yếu là người Pháp và người Anh. Mỗi công nhân được trả lương ngang lương bộ trưởng, thế nhưng bọn họ phải tuân theo luật lệ khắc nghiệt của Blackland.
Công nhân thuộc đủ mọi nghề, nhưng phần đông là thợ lắp máy. Một số người trong bọn họ đã lấy vợ và vào thời điểm miêu tả lịch sử Blackland, nhà máy đã có hai mươi bảy phụ nữ và một ít trẻ em.
Số công nhân lương thiện này trái ngược hẳn với những công dân khác của thành phố, họ sống ở nhà máy và bị cấm ngặt không cho ra khỏi nơi này. Đội vệ binh Đen và các Chàng trai Vui tính ngày đêm theo dõi họ sát sao. Công nhân bị tách khỏi thế giới bên ngoài trong suốt thời gian lưu trú tại Blackland. Họ chẳng những không thể ra khỏi nhà máy mà còn không được viết thư cho ai hoặc nhận thư từ bên ngoài gửi vào. Điều kiện thuê mướn như vậy đấy.
Tính chất nghiệt ngã như thế của điều kiện đã buộc nhiều người phải rút lui. Thỉnh thoảng cũng có người bị đồng lương hậu hĩnh cám dỗ. Quả thật, anh mất gì nào một khi anh đang nghèo khổ và phải đánh nhau vì một mẩu bánh mì? Rốt cục – họ tự nhủ - “Chúng ta chỉ có cái mạng thôi mà”.
Ngay sau khi ký xong hợp đồng, người được tuyển mộ đi đến một hòn đảo nằm trong quần đảo Bissagos, gần bờ biển của Guinée thuộc Bồ Đào Nha. Ở đó anh ta bị bịt mắt và một trong mấy chiếc tàu lượn được cất giấu ở một nơi vắng vẻ trên quần đảo, chưa đầy sáu giờ đồng hồ sau đã chở anh ta đến Blackland, cách đó hai nghìn km. Tàu lượn hạ cánh xuống bãi trống giữa cung điện và nhà máy và người công nhân được tháo băng bịt mắt, anh ta bước vào nhà máy, ở luôn trong đó cho đến ngày anh ta muốn hủy bỏ hợp đồng và quyết định trở về quê hương.
Về vấn đề này, quả thật, hợp đồng có để cho người làm công được quyền tự do. Ở Blackland anh ta là tù nhân, nhưng có quyền rời bỏ vĩnh viễn thành phố Blackland bất cứ lúc nào. Đến lúc đó, chính từ bãi đáp, tàu lượn mang anh ta ra quần đảo Bissagos để tìm tàu thủy trở lại Châu Âu. Ít nhất, người ta cũng đã cam đoan với số công nhân ra đi như vậy. Nhưng những người còn lại ở nhà máy không biết rằng số ra đi không bao giờ đến đích, rằng hài cốt của họ phơi trắng ngoài sa mạc và rằng số tiền lương mà họ đem theo đã quay về với người phát ra nó. Vậy là quỹ tiền của Ông Chủ không bị cạn, vậy là bí mật về sự tồn tại của Blackland được bảo toàn và đế chế Harry Killer vẫn không bị lộ.
Tuy nhiên, những cuộc ra đi như thế là rất hiếm. Công nhân không được biết đến thành phố sống như thế nào và vạn bất đắc dĩ họ mới ra khỏi khu phố nhỏ nhoi, biệt lập của mình vì phải bù đầu vào công việc.
Sếp của công nhân là ông giám đốc người Pháp Marcel Camaret.
Marcel Camaret là người duy nhất sống ở nhà máy có thể tự do đi ra khỏi nhà máy và dạo chơi trên các đường phố hoặc vùng ngoại ô Blackland. Nhưng không vì thế mà rút ra kết luận là ông rành tập tục của thành phố hơn những người dưới quyền, đến tên gọi của nó ông cũng không rõ.
Có lần, một công nhân đã hỏi ông về điều đó, Camaret suy nghĩ rất lung và trước sự kinh ngạc của anh ta, đã trả lời:
— Nói thật..., tôi không biết...
Quả thật, ông không định tìm hiểu về những “chuyện vặt vãnh” như thế.
Marcel Camaret là người kỳ cục thế đấy.
Trông ông gần bốn mươi tuổi. Người tầm thước, vai hẹp, ngực lép, tóc vàng, thưa. Ông có dáng mảnh khảnh, trang nhã. Ông luôn điềm tĩnh và như một đứa trẻ nhút nhát, ông nói năng thỏ thẻ, không bao giờ cáu gắt. Cái đầu quá nặng của ông luôn luôn nghiêng xuống vai bên trái và trên khuôn mặt ốm yếu, nhợt nhạt chỉ có đôi mắt xanh hết sức mơ màng là tuyệt đẹp.
Người quan sát tinh tế có thể nhận thấy trong đôi mắt tuyệt đẹp ấy đôi khi lộ ra vẻ thảng thốt, lo âu và đờ đẫn. Kinh ngạc trước ánh mắt đó, anh ta vội vàng kết luận: Marcel Camaret bị điên mất rồi và có thể xét đoán này không cách xa sự thật lắm đâu, bởi vì chẳng hiểu sao thiên tài rất gần với điên loạn.
Mặc dù yếu về thể chất, Marcel Camaret vẫn được trời phú cho một nghị lực vô biên. Ông coi thường mọi nguy nan và thiếu thốn. Ông sống không theo thời giờ, trong cái thế giới thần tiên đầy mộng tưởng. Marcel Camaret chỉ là chiếc máy nghĩ, lạ lùng, bất lực và thảm hại.
Xa lạ với tất cả những gì làm nên cuộc sống hiện thực, nhiều lần ông bị ngã xuống sông Đỏ mà vẫn cứ nghĩ là mình đang đi trên cầu. Gã đầy tớ Joko không thể bắt ông ăn đúng bữa được. Marcel Camaret chỉ ăn lúc đói, chỉ ngủ khi buồn ngủ – cả giữa trưa lẫn giữa đêm đều dễ dàng như thế.
Mười năm trước, hoàn cảnh đã đưa đẩy ông đến với Harry Killer. Lúc đó, ước mong của Marcel Camaret là một thiết bị kỳ lạ, có khả năng gây ra mưa – như lời ông nói. Harry Killer trân trọng niềm say mê đó và dựa trên cơ sở của nó, lập ra cái dự án mà sau này hắn đã thực hiện.
Harry Killer là một tên cướp, nhưng là tên cướp có tầm cỡ, hắn biết hắn có thể khai thác được nhiều ở bậc thiên tài ẩn dật. Cơ may đã hiến Camaret cho hắn, hắn hiện ra trước mắt nhà bác học như một khả năng thực hiện những mong ước của ông, hắn kéo ông đến sa mạc và nói: “Ông hãy bảo cơn mưa mong đợi rơi xuống đây”. Và trời ngoan ngoãn bắt đầu mưa.
Từ ngày ấy, Camaret sống trong tình trạng luôn luôn căng thẳng. Tất cả những ước mơ viển vông của ông lần lượt được thực hiện. Sau thiết bị gây mưa, bộ óc của ông đã nghĩ ra cả trăm phát minh. Harry Killer đã thu lợi, còn người sáng tạo ra chúng thì chẳng bao giờ bận tâm xem chúng được sử dụng như thế nào.
Harry Killer muốn có mưa, thì Camaret làm mưa. Harry Killer đòi máy bay thì Camaret cung cấp cho hắn những chiếc tàu lượn có khả năng bay xa năm nghìn km với vận tốc như sao sa.
Ông chỉ nghiên cứu lý thuyết, không tham gia áp dụng chúng vào thực tế, không tìm hiểu nguồn gốc của các phương tiện vật chất cần thiết cho công việc thực hiện chúng. Đầu tiên, Marcel Camaret yêu cầu phải có một nhà máy như là điều sơ đẳng nhất – thì hàng trăm người da đen đã dựng lên nhà máy. Ông yêu cầu phải có đồ nghề, máy phát điện và máy hơi nước – thì những thứ ấy hiện ra trên sa mạc một cách huyền diệu. Cuối cùng ông yêu cầu phải có công nhân – thì công nhân lần lượt hiện về đông đủ. Những điều kỳ diệu ấy đã xảy ra như thế nào? Marcel Camaret không quan tâm. Ông yêu cầu – người ta cung cấp. Vậy thôi.
Ông không bao giờ hỏi câu hỏi đơn giản: Tiền ở đâu ra?
Vào lúc phần thứ hai của câu chuyện chúng ta bắt đầu thì ở Blackland mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Nhà máy hoạt động, một số Chàng trai Vui tính giám sát những người da đen làm việc ngoài đồng, số khác thì phè phỡn. Khối dân sự buôn bán lai rai.
Mười một giờ trưa, Harry Killer đang ở trong phòng của hắn. Hăn đắm mình trong suy tư và nếu căn cứ vào nét mặt thì thấy ý nghĩ của hắn chẳng thú vị tí nào.
Điện thoại reo.
— Tao nghe đây, alo! – Harry Killer nói.
— Hướng Tây, mười bảy độ về phía Nam, mười chiếc đã xuất hiện.
— Tao sẽ lên. – Harry Killer trả lời.
Mấy phút sau, hắn đã có mặt trên nóc cung điện. Ở đấy có một tháp nhỏ, cao chừng hai mươi mét. Hắn gặp Chàng trai Vui tính đã gọi điện báo cho hắn trên sân tháp.
— Kia kìa, – gã nọ chỉ tay lên trời và nói.
Harry Killer nhìn vào ống nhòm.
— Chúng nó đấy. – Rồi hắn bỏ ống nhòm xuống và nói: – Roderik, cho gọi các quân sư. Tao xuống đây.
Trong lúc Chàng trai Vui tính gọi điện cho các quân sư, Harry Killer nhanh chóng đi ra bãi trống nằm giữa cung điện và nhà máy. Chín tay quân sư lần lượt đến bên hắn. Chúng ngước mắt lên trời, chờ đợi.
Không phải đợi lâu. Mấy chiếc tàu lượn to ra rất nhanh. Vài phút sau chúng đã hạ cánh xuống bãi trống.
Mắt Harry Killer sáng ngời vì khoái trá. Bốn chiếc chỉ có toàn người lái, thế nhưng sáu chiếc còn lại mỗi chiếc chở thêm hai hành khách nữa: một vệ sĩ Đen và một tù binh bị trói chặt.
Sáu tù nhân được tháo bao trùm đầu. Khi những cặp mắt bị lóa của họ quen dần với ánh sáng, họ nhìn quanh, kinh ngạc. Họ đang ở trên một bãi đất rất rộng, có tường kiên cố bao quanh tứ bề. Cách xa vài bước là những cỗ máy kỳ lạ đã chở họ trên không. Trước mặt là một cung điện đồ sộ có tháp canh và ba mươi tên trong đội vệ binh Đen đang đứng chụm vào nhau. Gần hơn – một nhóm khác, gồm mười tên, trông có vẻ dữ tợn. Sau lưng bọn chúng, cách hơn trăm mét là dãy tường dài, không có cửa sổ và cửa ra vào, bên trên nhô lên một ống khói cao của nhà máy và một cái tháp còn cao hơn bằng thứ kim loại nhẹ, có công dụng không thể biết được. Họ đang ở đâu? Cái pháo đài không được đánh dấu trên các tấm bản đồ châu Phi là gì thế?
Trong khi họ đang thắc mắc thì Harry Killer đã ra hiệu và những cánh tay thô bạo chụp xuống vai họ. Dù muốn hay không họ cũng phải đi về phía cung điện. Cửa mở đón họ vào rồi đóng sập lại. Jane Buxton, Saint-Bérain, Barsac, Amédée Florence và bác sĩ Châtonnay đã sa vào tay của Harry Killer, tên độc tài thành Blackland – thủ đô lạ của một đế chế lạ.
Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac - Jules Verne Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac