In books lies the soul of the whole Past Time: the articulate audible voice of the Past, when the body and material substance of it has altogether vanished like a dream.

Thomas Carlyle

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1727 / 73
Cập nhật: 2017-09-21 01:06:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XII - Ngôi Mộ
hững người còn lại của đoàn Barsac rời làng Kadou cùng với sáu người phu khuân vác thuê trong làng. Mặc dù sự kiện xảy ra gần đây rất đáng lo ngại, họ vẫn ra đi vui vẻ. Mọi người đều hứng khởi với viễn cảnh là sẽ thực hiện được hành động cao thượng, thậm chí anh hùng nữa. Vả lại, họ chưa bị tổn thất gì. Sáu người Âu và Tongané – anh này cho Malik ngồi ở sau lưng – đều có ngựa để cưỡi, có vũ khí và hàng hóa để trao đổi.
Không có gì cản trở cuộc hành quân nhanh chóng vì nó không còn bị đám lừa đông đúc làm chậm bước. Để tăng tốc độ, họ phải bỏ bớt những thứ cồng kềnh. Họ bỏ cả lều bạt và chỉ giữ lại có một chiếc cho Jane Buxton.
Bây giờ chuyện kể về quãng đường đi dài năm trăm km, tức là về chặng đi trong mười lăm hay hai mươi ngày. Đoạn đầu có nhiều dấu hiệu chứng tỏ thuận lợi. Số phu khuân vác mới rất cần mẫn và chỉ trong năm ngày đã đi được một trăm bốn mươi km từ Kadou đến Sanabo. Họ tới Sanabo ngày 20 tháng Hai.
— Như vậy là quá tốt! – Amédée Florence tuyên bố với anh bạn Saint-Bérain của mình lúc họ trò chuyện với nhau vào ngày 2 tháng Ba.
— Ai mà biết được! – Saint-Bérain nói. – Chúng ta đã đến đích đâu.
— Ôi dào! – Amédée Florence thốt lên – Đằng nào cũng thế thôi. Lần này chúng ta đang thuận buồm xuôi gió. Tôi cam đoan với anh là chúng ta sẽ đến Koubo êm ru, chẳng có gì trắc trở đâu. Tuy nhiên, như vậy sẽ không làm cho nhà báo vui lòng, ông chủ báo của tôi...Ê! – anh bỗng ngừng lời và cất tiếng gọi con ngựa đang ngắc ngứ của mình.
— Việc gì thế? – Barsac hỏi.
— Con ngựa của tôi, – Florence giải thích – Tôi không biết nó bị làm sao. Sáng nay nó vấp lia lịa. Phải khám cho nó...
Anh không kịp nói hết câu, con ngựa bỗng dừng lại rồi hí lên. Chàng phóng viên vừa mới nhảy được xuống đất thì con vật khụy gối, nằm lăn ra đất. Một giờ sau con ngựa chết.
— Tôi phải chống gậy mất thôi! – Amédée Florence than thở vì anh đã trở thành khách bộ hành. Những tưởng thành công thì mang lại gông xui xẻo, rõ khỉ!
Ngựa của Tongané được giao lại cho chàng phóng viên. Jane Buxton để Malik ngồi phía sau nàng và sau hai giờ bị trì hoãn, họ tiếp tục lên đường.
Đến đêm, họ dừng chân bên cánh rừng cạnh đường, trên một khoảnh đất cao, từ đây có thể bao quát cả vùng xung quanh. Sự tiện lợi của nó có lẽ đã thu hút nhiều lữ khách khác nữa. Căn cứ vào dấu vết còn lưu lại thì thấy có một toán khá đông người, có cả ngựa, đã nghỉ chân ở đây. Những người đó là ai? Da đen hay da trắng? Amédée Florence đã tìm thấy và đưa cho các bạn đồng hành xem một chiếc cúc áo – vật dụng văn minh mà người da đen ít khi dùng.
Đám cỏ cao đã vươn thẳng, nghĩa là những người đó đã ở đây hơn mười hai ngày trước. Vì đoàn Barsac không gặp họ nên có thể rút ra kết luận: họ đang đi về hướng Tây và không thể nào gặp được họ.
Ngày 3 tháng Ba không có gì đặc biệt, nhưng chiều tối ngày mùng 4 thì ngựa của Barsac ngã xuống y như ngựa của Amédée Florence.
Sau khi xem xét kỹ con ngựa bị chết, bác sĩ Châtonnay nói riêng với Florence:
— Ngựa chết vì thuốc độc.
— Không thể như thế được! – Chàng phóng viên kêu lên. – Ai đã thuốc chúng? Mấy người phu da đen thuê ở làng Kadou ư? Gây khó khăn cho ta họ đâu có ích lợi gì?
— Tôi không kết tội cho ai cả, nhưng tôi khẳng định điều mình nói. Các triệu chứng rành rành ra đó. Kẻ ngu dốt nhất cũng không thể nhầm lẫn. Tôi khuyên ông hãy báo cho các bạn của chúng ta biết, trừ cô Buxton. Tôi nghĩ, làm cho cô ấy lo sợ là vô ích.
— Tất nhiên rồi, – Florence đồng ý. – Nhưng thưa bác sĩ, chẳng lẽ không thể giải thích việc này theo cách khác hay sao? Ngựa của chúng ta có thể đã ăn phải cỏ độc lắm chứ?
— Chẳng những có thể, – bác sĩ nói, – mà còn là điều hiển nhiên. Còn phải tìm hiểu xem cỏ độc lẫn vào thức ăn của ngựa là do tình cờ hay do người nào đó?
Họ quyết định theo dõi năm con ngựa còn sống gắt gao hơn bao giờ hết. Một người Âu hoặc Tongané luôn luôn ở bên cạnh chúng trong thời gian nghỉ chân để không ai có thể tới gần chúng được. Chắc là do có những biện pháp đề phòng như thế này hoặc chỉ vì hai ngày trôi qua một cách bình yên mà mọi người đã hơi yên tâm trở lại.
Chiều tối ngày 6 tháng Ba, họ đến gần làng Yaho. Họ vừa mới tới tata – tường bao quanh làng, – thì những tiếng chửi bới, thậm chí có cả tiếng súng nữa, đã nổi lên. Lần đầu tiên, đoàn gặp phải sự đón tiếp như thế, nếu không kể trò nghịch ngợm của dân làng Kokoro.
Barsac quyết định đàm phán với dân làng. Họ giương một lá cờ trắng trên đầu gậy. Biểu tượng hòa bình này đã gây ra thêm một trận mưa đạn rào rào. Tongané và hai người phu khuân vác được cử đi làm sứ giả nhưng chẳng kết quả gì. Dân làng không chịu nghe lời họ và đã đáp lại bằng đất đá và tên đạn. Rõ ràng dân làng cự tuyệt quan hệ với người nước ngoài.
Nguyên nhân gây ra thái độ đó có là gì đi nữa thì các du khách cũng không thể mua thêm được lương thực và ngày 7 tháng Ba họ phải đi tiếp. Lương thực dự trữ chỉ còn đủ cho hai ngày. Tuy vậy, chưa có gì đáng lo hết cả. Đoàn đã đi cách làn Kadou hơn ba trăm km và có thể hy vọng rằng những làng bản sắp đến sẽ đón đoàn thân thiện hơn làng Yaho.
Ngày 7 tháng Ba, con ngựa thứ ba gục xuống, giống hệt như hai con trước.
— Có ai đó bất chấp cả sự canh phòng cẩn mật của chúng ta, đã thuốc được ngựa? – Florence hỏi bác sĩ Châtonnay.
— Ít có khả năng đó, – bác sĩ trả lời. – Ngựa đã bị đánh thuốc độc trước lúc chúng ta rời Kadou, có thể vào cái đêm đội hộ tống bỏ trốn. Ngựa chết lần lượt là do cơ thể của chúng khác nhau và chắc là do liều lượng thuốc ăn phải cũng khác nhau.
— Hiện giờ, – Florence nói, – chúng ta có ba người phải đi bộ và bốn người cưỡi ngựa. Chẳng thú vị lắm đâu.
Ngày 8 tháng Ba, họ ra đi, lòng nặng trĩu lo âu. Đằng nào tương lai cũng mù mịt. Kẻ thù hùng mạnh mà đoàn nghĩ thì đã thoát khỏi bọn chúng đã đánh thuốc độc vào ngựa trước khi bỏ trốn; điều đó cho thấy tính chất bất biến trong lòng căm ghét của bọn chúng đối với họ, nó khủng khiếp đến mức huyền bí. Mặt khác, lương thực của họ chỉ còn đủ cho một ngày, họ sẽ bị đói nếu như không gặp được làng nào trước khi mặt trời lặn.
Chưa hết giờ đi đầu tiên thì xa xa đã hiện ra mấy nóc nhà. Các du khách vừa rảo bước vừa cố đoán xem họ sẽ được đón tiếp như thế nào. Họ không thấy gì cả trên cánh đồng lớn đang trải rộng ra trước mắt họ. Làng như hoang vắng, đồng như trống không. Chỉ có một thảm cây hoa lệ và một con đường rừng, rải rác trên đó mấy chấm đen.
Barsac và các bạn đồng hành tiến về phía làng. Họ đi chưa được một km thì mùi hôi thối bốc lên làm họ ngạt thở. Họ bước lên mấy bước, đến gần một trong những chấm đen mà họ đã nhìn thấy từ xa. Họ lùi lại. Chấm đen hóa ra là xác của một người da đen, hầu như đã bị thối rữa. Trên đường vào làng, họ còn đếm được mười cái mốc tang thương như thế nữa.
— Những người ngày bị giết bằng đạn nổ, – Châtonnay nói với Amédée Florence.
— Lại bọn ấy? – Florence kêu lên.
Trong làng, cảnh tượng còn hãi hùng hơn. Nhiều dấu hiện cho thấy làng là nơi đã xảy ra trận giao chiến quyết liệt. Sau trận đánh, kẻ chiến thắng đã đốt làng. Trong mấy căn nhà còn sót lại, họ thấy có nhiều xác chết.
— Những người bất hạnh này đã chết cách đây ít nhất mười ngày, – ông bác sĩ nói.
— Nhưng bọn đê tiện nào đã gây ra vụ thảm sát như vậy? – Saint-Bérain kêu lên.
— Có lẽ, bọn đã để lại dấu vết mà chúng ta nhìn thấy mấy ngày trước đây? – Amédée Florence phỏng đoán.
— Đúng là bọn chúng rồi, – Barsac tức giận nói.
— Thì ra vì bọn chúng mà chúng ta đã gặp phải sự chống đối mới đây ở làng Yaho, – Florence nói thêm. – Bọn chúng định cướp phá làng Yaho nhưng vì làng có tường bao bọc nên không vào được. Đó chính là nguyên nhân khiến những người da đen sợ hãi và từ đó họ phải lo thủ thế.
— Có lý đấy, – bác sĩ Châtonnay tán thành.
— Nhưng bọn vô lại đó là ai? – Jane Buxton hỏi, – và sự hiện diện của chúng có nguy hiểm cho ta hay không?
— Chúng là ai thì tôi không biết, – Florence trả lời, – nhưng tôi nghĩ là chúng ta không việc gì phải sợ bọn chúng. Chúng đi trước chúng ta mười đến mười hai ngày và vì chúng đi bằng ngựa nên ít có khả năng chúng ta sẽ đuổi kịp bọn chúng vào một lúc nào đó.
Buổi tối, họ dừng chân ở ngoài đồng. Chỉ còn lương ăn một bữa. Họ chia đôi, một phần để dành cho sáng hôm sau.
Ngày 9 tháng Ba họ gặp hai làng. Làng thứ nhất không thể đến gần được vì có tường bao bọc, làng thứ hai không có gì để bảo vệ, đã bị đốt phá tan hoang.
— Dựa vào thực tế, có thể nói rằng, – Barsac nhận xét, – bọn người ấy chủ tâm tạo ra hoang mạc trên đường chúng ta đi.
Điều nhận xét ấy là chính xác. Bọn chúng không muốn giết các du khách bằng những cách khác, bọn chúng định khuất phục họ bằng cái đói.
— Ôi dào! – Amédée Florence xốc nổi. – Chúng ta bất chấp ý muốn của bọn chúng, sẽ vượt qua hoang mạc này cho coi. Còn non một trăm năm mươi km nữa thì đến Koubo. Rốt cục, chẳng nhằm nhò gì đâu. Việc săn bắn sẽ đem lại cho chúng ta thức ăn.
Trừ Poncin không biết bắn súng, còn những người khác đều hưởng ứng lời khuyên tuyệt vời đó. Rủi thay, chốn ấy không có nhiều thú săn. Suốt ngày họ chỉ bắn được có một con chim đồng lớn, hai con chim nhỏ và hai con gà gô. Như vậy hơi ít so với mười bốn người.
Chiều tối, Florence và bác sĩ Châtonnay nhận thấy rằng chỗ trại của họ cũng đã từng có những du khách khác dừng chân. Hình như là khoảng thời gian đi trước họ của những du khách kia đã rút ngắn lại vì cỏ cây bị giẫm nát mới đây thôi. Trong lúc mọi người đang thảo luận về vấn đề này thì Tongané gọi họ. Cả hai con ngựa đều lăn đùng ra đất. Họ không thể cứu chúng được nên sau một giờ vật vã chúng đã chết.
Còn lại hai con, song họ cũng không thể giữ chúng được: hai con đã chết vào ngày 10 tháng Ba.
Số phu khuân vác thuê ở làng Kadou đã hoảng sợ trước việc ngựa lần lượt chết? Hay họ sợ bị đói vì cuộc đi săn ngày 10 tháng Ba đã đem lại kết quả thảm hại? Dù gì thì họ cũng đã bỏ trốn vào đêm mùng 10 tháng Ba và sáng ra, sáu người Âu, Tongané và Malik đã không còn phu khuân vác, không còn ngựa và lương thực.
Họ nản lòng trong giây lát, một sự nản lòng hoàn toàn tự nhiên vì họ bắt đầu cảm thấy đuối sức. Jane Buxton vô cùng buồn phiền, trách mình đã lôi kéo bạn bè vào chuyến đi khóc dở mếu dở này. Nàng thấy mình có lỗi trước nỗi bất hạnh của họ và mong họ tha thứ.
Florence thấy cần phải chống lại sự rầu rĩ của mọi người.
— Lời nói chẳng giúp gì đâu, – anh nói to, giọng chủ tâm thô lỗ với Jane Buxton. – Hình như chúng ta chưa chết cơ mà. Mấy ngày vừa qua tuy săn bắn không kết quả, nhưng đã sao! Ngày mai việc săn bắn sẽ khá hơn, thế thôi.
— Xin các bạn đừng quên rằng, – bác sĩ Châtonnay nhận xét, phụ họa với chàng phóng viên, – mấy người phu da đen của chúng ta khi bỏ trốn đã bớt đi cho chúng ta những sáu miệng ăn.
— Với hoàn cảnh của chúng ta thì đó là một ân huệ, – Florence kết luận.
— Cám ơn ông Florence, cám ơn các vị, – Jane Buxton cảm động, nói. – Xin các vị hãy tin rằng tôi không bao giờ quên lòng tốt của các vị...
— Không nên tỏ ra yếu đuối như thế, – Florence cắt ngang. – Chẳng có gì tệ hại lắm đâu. Tốt hơn hết là chúng ta hãy đi săn, kiếm cái ăn trước khi thành dạ dày kịp dính liền lại với nhau. Chúng ta sẽ dốc bầu tâm sự sau bữa ăn.
Phu khuân vác đã bỏ trốn nên họ không thể mang theo các kiện hàng, họ phải bỏ lại chiếc lều bạt cuối cùng và số hàng để đổi. Từ nay, Jane Buxton sẽ ngủ ngoài trời. Việc các món đồ phải bỏ lại không làm cho mọi người tiếc lắm. Chúng chẳng có tác dụng gì khi đường sá vắng hoe. Hơn nữa, làm gì mà họ không có vàng phòng khi cần buôn bán?
Cuộc hành trình được tiếp tục trong những điều kiện đáng buồn như thế đấy. Ngày 12 tháng Ba, họ đi ngang qua một cái làng có nhiều xác chết của người da đen. Bác sĩ Châtonnay thấy rằng những người này bị chết không quá hai ngày trước đó. Từ đấy họ rút ra kết luận là bọn giết người nay đã ở gần họ hơn; chúng có thể chạm trán với họ hay không?
Cho dù viễn cảnh có đáng buồn, họ vẫn tiếp tục đi lên hướng Bắc. Họ biết làm gì khác? Trở lại hướng Nam, theo con đường có nhiều làng thù địch hoặc bị tàn phá thì không thể được nữa rồi. Tốt hơn cả là bằng mọi giá phải đến được Niger, vì ở đó họ sẽ được giúp đỡ.
Trên đường đi, các du khách bị kiệt sức gặp toàn cảnh tan hoang. Những làng có tường thành chống cướp thì thù địch, những làng khác bị cướp phá trụi lủi. Đoàn sống sót được là nhờ những may mắn bất ngờ: khoai lang, khoai mỡ hoặc các loại củ khác bới được ngoài đồng trống, chim thú bắn được và đôi khi là những con cá nhỏ nhoi do Saint-Bérain câu được, song cũng rất hiếm. Họ đi ở những nơi thường không có sông. Nhiều lúc họ bị khát vì các giếng nước trên đường đi bị lấp sạch. Thế lực hung hãn đang bám riết các du khách đã không quên làm bất cứ điều gì.
Song nhiệt tình của họ vẫn không hề nguội lạnh. Mặc cho nắng thiêu và sức yếu, mặc cho đói khát và mệt nhọc, họ vẫn dũng cảm lần hồi lên phía Bắc.
Hai người da đen chịu đựng mọi thử thách với lòng kiên nhẫn tuyệt vời. Quen với những nỗi gian truân của cuộc sống khắc nghiệt, họ dường như ít đau khổ bằng mấy người Âu. Họ thể hiện lòng trung thành với nhau hết sức cảm động.
— Tôi không đói lắm đâu, – Tongané nói với Malik khi anh mời cô ăn khúc củ do anh kiếm được.
Malik đón nhận món quà nhỏ, song cũng chỉ để mời lại Jane Buxton, còn Jane thì lại sung vào số lương thực dự trữ chung cho tất cả mọi người.
Dường như Jane Buxton chịu đựng thử thách mà số phận đem lại ít kiên nhẫn hơn cả, tuy nhiên những thử thách ấy không phải là nguyên nhân gây ra nỗi lo buồn ngày càng tăng của nàng. Nàng không bao giờ hy vọng chuyến đi sẽ xuôi chèo mát mái, sẵn sàng chấp nhận mọi trở ngại xảy ra trên đường đi. Nàng bị gầy yếu vì đói khát, nhưng vẫn giữ trọn lòng nhiệt tình của mình và ý nghĩ của nàng luôn hướng tới cái đích đã định. Song nàng càng gần đến đích bao nhiêu thì nỗi lo buồn càng chống lại ý chí của nàng bấy nhiêu. Ngôi mộ ở Koubo sẽ nói lên điều gì với nàng? Nàng có phải trở về với hai bàn tay trắng hay không?
Amédée Florence có nỗi lo khác mà bạn bè của anh cũng không thể ngờ tới. Việc ấy bắt đầu từ ngày 12 tháng Ba, khi họ đi ngang qua một cái làng vừa bị cướp phá hôm trước đó mà thôi. Từ ngày ấy Amédée Florence tin rằng họ đang bị theo dõi, bị dò xét. Anh tin rằng bọn thám báo đang lẩn quất trong các bụi rậm, bám theo từng bước đi của đoàn người kiệt sức, nhìn thấy tình trạng hấp hối của đoàn và sẵn sàng xóa bỏ mọi nỗ lực của họ một khi họ sắp thoát ra được. Vì luôn luôn cảnh giác nên anh có nhiều bằng chứng cho sự nghi ngờ của mình: ban ngày là dấu trại còn mới nguyên, ban tối là tiếng nói thì thầm, tiếng chân bước nhè nhẹ, những bóng đen mờ mờ giữa màn đêm sâu thẳm. Anh không nói cho bạn bè biết về sự lo ngại của mình và đã ra lệnh cho Tongané, là người cũng nhận thấy các hiện tượng đó, im lặng. Họ tăng cường cảnh giới.
Hành trình với bao khó khăn gian khổ như thế nên không thể nào đúng hạn được. Mãi tối ngày 23 tháng Ba họ mới nghỉ chân lần cuối, trước khi đến Koubo. Từ chỗ các du khách kiệt sức dừng chân đến Koubo còn độ bảy – tám km nữa, song theo lời của Tongané thì mộ của George Buxton cách đó non hai km.
Bấy giờ Amédée Florence mới cho rằng cần phải kể cho các bạn nghe về những sự kiện khiến anh bận tâm. Anh kể cho họ nghe về những điều quan sát được vào ban ngày và ban đêm, và rằng họ sẽ không thể tiến thêm được bước nào mà kẻ thù bí ẩn không hay biết.
— Tôi xin trình bày tiếp, – anh nói thêm, – và dám quả quyết rằng kẻ thù của chúng ta là những người quen cũ, bọn chúng gồm hai mươi tên da đen và ba tên da trắng, một trong ba tên này giống hệt ông bạn hào hoa phong nhã được gọi là trung úy Lacour của chúng ta.
— Có thể ông nói đúng, ông Florence ạ, – Barsac công nhận. – Song điều đó không thay đổi được tình thế của chúng ta đâu.
— Tôi không đồng ý, – Amédée Florence phản đối. – Tôi không tán thành nên quyết định nói ra ngay hôm nay, tôi đã im lặng trong một thời gian dài để không làm tăng một cách vô ích nỗi lo sợ của các vị. Nhưng dẫu gì thì chúng ta cũng đang ở gần đích. Thú thật, lần này tôi muốn đánh lừa bọn săn đuổi để chúng không biết được ý đồ của chúng ta.
— Vì sao? – Barsac hỏi.
— Chính tôi cũng không biết nữa, – Florence thú nhận. – Ý nghĩ ấy đã đến với tôi thế thôi. Có lẽ, vì lợi ích của cô Buxton, để mục đích chuyến đi của cô ấy không bị lộ trước khi cô ấy tiến hành điều tra.
— Tôi xin đồng ý với ông Florence, – Jane Buxton ủng hộ. – Ai mà biết được, có thể ngày mai bọn chúng sẽ tấn công chúng ta và tôi sẽ bị nạn. Tôi không muốn đi quá xa mà không đạt được mục đích của mình. Ông Florence nói đúng: cần phải thoát khỏi bọn do thám đang vây quanh ta. Tiếc thay, tôi không biết phải làm việc này thế nào.
— Không có gì dễ bằng, – Florence giảng giải. – Chắc bọn chúng vẫn lơ là cảnh giác khi chúng ta dừng chân nghỉ đêm. Việc duy trì thường xuyên thói quen của chúng ta nhất định đã làm cho bọn chúng yên tâm và chúng đinh ninh rằng sáng hôm sau chúng sẽ tìm thấy chúng ta ở chỗ mà chúng đã bỏ đi đêm trước. Phải lợi dụng lúc trời tối đi ngay bây giờ. Chúng ta im lặng rút đi, từng người một, theo hướng xác định rồi gặp nhau ở chỗ quy ước trước. Rốt cục, sẽ không có nhiều tên bám được theo chúng ta đâu, nhưng cũng sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta rơi ngay vào tay của tên trung úy điển trai Lacour.
Kế hoạch đã được thông qua. Họ quy ước với nhau là sẽ đi về hướng Tây, đến chỗ có mấy cây to cách đó một km. Tongané ra đi đầu tiên, tiếp theo là Jane Buxton, rồi Malik. Mấy người Âu khác cũng lần lượt ra đi, đi sau cùng là Amédée Florence.
Việc di chuyển diễn ra bình yên. Sau hai giờ, sáu người Âu và hai người da đen tập kết tại bìa rừng, sau đó họ băng qua rừng để che mắt địch.
Sau nửa giờ đi khẩn trương, Tongané dừng lại. Theo lời anh nói thì họ đã đến được chỗ đội quân phiến loạn của đại úy Buxton bị tiêu diệt, nhưng trong đêm tối anh không thể chỉ chính xác vị trí mà Jane Buxton quan tâm. Đành phải đợi trời sáng. Họ được nghỉ ngơi vài giờ. Chỉ có Jane Buxton không biết ngày mai sẽ mang lại cho nàng điều gì nên nàng không thể chợp mắt được.
Chưa đến sáu giờ, mọi người đã thức dậy. Tongané đi xem xét chung quanh. Mọi người vô cùng hồi hộp theo dõi anh.
— Kìa! – Cuối cùng thì chàng da đen cũng đã cất tiếng nói và chỉ vào một cái cây đứng riêng lẻ.
Mấy phút sau, tất cả mọi người đều đã đứng dưới gốc cây đó và đào đất ở chỗ Tongané chỉ, chỗ ấy chẳng có dấu hiệu gì của một ngôi mộ cả. Họ dùng dao đào đất, dùng tay lấy đất quẳng lên trên, cái hố to ra rất nhanh.
— Cẩn thận đấy! – Anh phóng viên bỗng kêu lên. – Xương kia kìa...
Vì quá xúc động, cô Buxton phải tựa vào tay của ông bác sĩ.
Họ bắt đầu dọn sạch cái hố. Một thi hài hay đúng hơn là một bộ xương còn nguyên hiện ra. Quanh tay có mấy mảnh vải thêu bằng chỉ vàng – đó là dấu hiệu của chiến tích. Giữa đống hài cốt, họ nhìn thấy một chiếc cặp đã bị hư hỏng nặng vì thời gian. Họ mở cặp ra: bên trong chỉ có mỗi một lá thư của em gái George Buxton gửi cho anh ta.
Lệ tuôn tràn từ đôi mắt của cô gái.
— Thưa bác sĩ, tôi mong ông, – nàng nói giọng run run, – ông sẽ làm ơn xem xét hài cốt người anh bất hạnh của tôi chứ?
— Tôi rất sẵn lòng, cô Buxton ạ, – ông bác sĩ cảm động trả lời.
Ông bước xuống mộ và tiến hành xem xét theo các quy tắc pháp y. Khi xem xong, nét mặt ông lộ vẻ nghiêm trang và xúc động.
— Tôi, Loren Châtonnay, tiến sĩ y khoa, trường Đại học tổng hợp Paris, – ông trịnh trọng nói giữa cảnh im lặng như tờ, – xác nhận những điều sau đây: Thứ nhất, bộ hài cốt mà tôi vừa nghiên cứu và cô Jane Buxton tuyên bố là của George Buxton – anh trai của cô – không hề có thương tích do hỏa khí gây ra; thứ hai, người để lại bộ hài cốt này đã bị giết; thứ ba, chết do bị đâm bằng dao găm, từ sau lưng và từ trên xuống, lưỡi dao đã xuyên qua bả vai bên trái và chạm vào phần trên của quả tim; thứ tư, còn đây là hung khí của tên sát nhân, chính tay tôi đã rút nó ra khỏi cái xương mà nó mắc vào.
— Bị giết!... Jane Buxton bối rối lắp bắp.
— Bị giết, tôi khẳng định điều đó, – bác sĩ Châtonnay nhắc lại.
— Và từ sau lưng!
— Từ sau lưng.
— Nghĩa là George vô tội! – Jane thốt lên và òa khóc nức nở.
— Việc anh cô có vô tội hay không đã vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của tôi rồi, cô Buxton ạ, – bác sĩ Châtonnay nhẹ nhàng nhận xét, – và tôi không thể mạnh dạn khẳng định điều đó như đã khẳng định các chứng cứ vừa mới xác định được, nhưng tôi nghĩ là anh cô rất có khả năng vô tội. Quả thật, từ kết quả kiểm tra của tôi có thể rút ra rằng anh cô bị giết không phải trong lúc chiến đấu như cho đến nay người ta vẫn tưởng, mà bị đâm từ phía sau lưng. Không phải lính của quân đội chính quy đâm vì loại dao này không phải là vũ khí của quân đội.
— Cám ơn bác sĩ, – Jane nói, nàng đã hơi bình tĩnh lại. – Những kết quả đầu tiên của chuyến đi của tôi cho phép hy vọng... Thưa bác sĩ, tôi xin có thêm một đề nghị nữa... Ông có thể viết lại kết quả giám định trong ngày hôm nay và những người khác sẽ vui lòng làm chứng chứ ạ?
Tất cả mọi người đều sốt sắng làm theo yêu cầu của Jane Buxton. Amédée Florence viết biên bản, bác sĩ Châtonnay và tất cả những người có mặt ở đó đã ký tên, biên bản được giao lại cho Jane Buxton cùng với hung khí tìm thấy trong ngôi mộ của anh nàng.
Cô gái run run cầm lấy hung khí. Con dao phủ một lớp gỉ dày, có lẽ lẫn cả máu nữa. Trên chiếc cán bằng ngà voi có thể nhận thấy vết tích của mấy chữ khắc trên đó.
— Các ngài hãy nhìn xem, – Jane nói, – hung khí này trước đây đã mang tên của kẻ sát nhân.
— Tiếc thật, nó bị mờ, – Amédée Florence thở dài. – Nhưng hãy khoan, có chữ gì đây như là “i” và “L”.
— Ít quá, – Barsac nhận xét.
— Nhưng có lẽ đủ để vạch mặt chỉ trán tên giết người, – Jane Buxton nghiêm nghị nói.
Theo lệnh của nàng, Tongané lấp đất lên hài cốt của George Buxton, sau đó mọi người từ giã ngôi mộ cô đơn, bi thương và lên đường đến Koubo. Nhưng họ mới đi được ba – bốn km thì phải dừng lại.
Jane bị kiệt sức, nàng khụy gối và ngã xuống.
— Do quá xúc động, – bác sĩ Châtonnay giải thích.
— Và do bị đói nữa, – Amédée Florence bổ sung rất chí lý. Này cụ Saint-Bérain, chúng ta không được để chết đói cô cháu gái của anh, cho dù cô này có là bà dì của anh đi nữa, nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ tin vào điều đó đâu nhé. Đi săn đi!
Rủi thay, thú săn rất ít. Mãi đến chiều tối, số phận mới mỉm cười với họ. Hai con chim đồng lớn và một con gà gô đã bị hạ. Lần đầu tiên, sau một thời gian dài các du khách mới có được một bữa ăn tối thịnh soạn. Song họ đã phải từ bỏ ý định đến Koubo vào tối hôm đó và họ quyết định phải nghỉ đêm cuối cùng ngoài đồng.
Đêm ấy, vì mệt mỏi và chủ quan cho rằng đã đánh lạc hướng được kẻ thù, các du khách đã xao nhãng việc tuần tra canh gác. Đó chính là nguyên nhân làm cho không một ai trong bọn họ thấy có những hiện tượng lạ xảy ra trong đêm. Có mấy ánh đèn yết ớt nhấp nháy ở hướng Đông. Đáp lại chúng, ở hướng Tây cũng có những ánh đèn khác, rất sáng và phát ra từ trên cao, mặc dù bình nguyên hoàn toàn bằng phẳng, không có ngọn đồi nào. Dần dần ánh đèn lờ mờ ở hướng Đông và ánh đèn sáng rực ở hướng Tây xích lại gần nhau. Chúng hợp lại ở chỗ những người đang nằm ngủ.
Thình lình những người đang ngủ bị đánh thức dậy bởi những tiếng động ù ù lạ tai mà họ đã từng nghe thấy ở gần Kankan. Nhưng giờ đây, tiếng động đó ở gần hơn và to hơn nhiều. Khi họ vừa mở mắt thì những đốm ma trơi, giống như đèn pha, đột nhiên sáng lóe lên ở hướng Tây, cách họ chưa đầy một trăm mét. Trong lúc họ đang cố tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng đó thì một bọn từ trong bóng tối đã nhảy ra. Chúng lao vào các du khách đang bị lóa mắt và bàng hoàng. Trong nháy mắt, họ đã bị quật ngã.
Giữa đêm, một giọng thô bỉ hỏi bằng tiếng Pháp:
— Tụi bây xong chưa?
Rồi sau một lúc im lặng:
— Đứa nào ngọ nguậy, tao bắn vỡ sọ... Thôi đi!
Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac - Jules Verne Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac