What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1727 / 73
Cập nhật: 2017-09-21 01:06:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
X - Đội Hộ Tống Mới
rích nhật ký của Amédée Florence)
TỐI HÔM ĐÓ. Không, tôi không muốn gặp họ trong góc tối chút nào, vậy mà tôi đang phải ở lại với họ trong rừng rậm, nguy hiểm hết chỗ nói.
Ồ, hình như tôi lại nghĩ lan man mất rồi. Việc tưởng tượng ra một trò đùa xấu xa và khắc họa nên những tên cướp có phải chuyện đùa không, trong khi rõ ràng bên cạnh chúng tôi là những người lính bình thường nhất? Còn lá thư, đúng là của đại tá Saint-Auban chứ? Thú thật, lá thư đã làm tôi bối rối và chẳng có gì có thể xóa đi cái ấn tượng mà đội hộ tống mới và viên chỉ huy của nó đã gây ra cho tôi.
Trước hết, có một chi tiết làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên. Rất lạ là số người này, kể cả mấy viên hạ sĩ đều dính đầy bụi đường, như thể họ đã đuổi theo chúng tôi mười lăm ngày rồi, thế mà viên chỉ huy của họ lại hoàn toàn đỏm dáng. Áo quần sạch sẽ, giày da bóng lộn, râu ria được cắt tỉa tử tế. Có thể nghĩ rằng trung úy Lacour đang đi duyệt binh. Trong rừng rậm hiếm khi có được sự trang nhã như thế.
Trung úy Lacour là người nhỏ con và tôi có cảm tưởng anh ta rất khó tính. Mắt màu xanh nhạt, không tỏ vẻ thân thiện chút nào. Anh ta trầm lặng và thích lẻ loi. Buổi chiều, anh ta ra khỏi lều của mình có hai lần và chỉ để kiểm tra đội hộ tống.
Suốt ngày tôi không gặp cô Mornas. Không thấy cả Tchoumouki nên bài báo của tôi vẫn còn nằm trong túi của tôi.
NGÀY 15 THÁNG MƯỜI HAI. Buổi sáng, tôi không thấy mọi người chuẩn bị để đi. Tongané nói cho tôi biết là hôm nay chúng tôi sẽ không đi. Hôm qua đã nghỉ, hôm nay lại không đi, lạ thật.
Tình cờ gặp trung úy Lacour, anh ta vẫn thẳng thớm và tao nhã không sai một ly. Tôi hỏi anh ta về lý do trì hoãn.
— Lệnh của Barsac, – anh ta trả lời cộc lốc.
Chỉ có ba tiếng, một cái cúi đầu chào theo kiểu nhà binh và quay gót bỏ đi. Trung úy Lacour không thuộc loại người biết cách tiếp chuyện.
Chẳng lẽ ông trưởng đoàn không chịu tiếp tục cuộc hành trình với một đội hộ tống đã bị giảm đi năm lần hay sao? Điều này khêu gợi tính tò mò của tôi. Song nó cũng làm cho tôi lo lắng vì quyết định như thế có thể chấm dứt bài phóng sự vừa mới bắt đầu gây được ấn tượng mạnh mẽ.
Gần mười giờ tôi thấy Barsac. Ông đang đi dạo, bước những bước dài, tay chắp sau lưng, mắt nhìn xuống đất và hình như không được vui. Điều này không ngăn cản được tôi, tôi quyết định phỏng vấn ông.
Ngài Barsac không giận. Ông dừng bước, lặng nhìn tôi hồi lâu rồi nói:
— Ông Florence ạ, mấy ngày trước đây ông đã hỏi tôi câu hỏi ấy. Tôi đã không trả lời. Hôm nay, tôi nói cho ông biết rằng chính tôi cũng không biết phải trả lời với ông như thế nào đây.
— Nghĩa là, ngài chưa có quyết định gì cả, phải thế không ạ, ngài dân biểu?
— Hoàn toàn chưa. Tôi đang suy nghĩ, thăm dò, cân nhắc mọi điều thuận, nghịch... Ông im lặng rồi bỗng nói: – Nhưng tại sao chúng ta không cùng bàn bạc với nhau nhỉ? Ông là người thực tế, sáng suốt (Xin cám ơn ngài Barsac!) Ông sẽ cho tôi những lời khuyên đấy chứ?
Tôi gật đầu.
— Tôi xin sẵn lòng, thưa ngài dân biểu.
Và tôi kể cho Barsac nghe những nhận xét của mình về đội hộ tống và viên chỉ huy của nó. Cuối cùng tôi dè dặt đưa ra giả thiết: nếu những người ấy không phải là lính thật sự thì có thể, bọn họ đang phục vụ cho kẻ thù giấu mặt của chúng tôi.
Barsac cười hô hố.
— Cứ như trong tiểu thuyết ấy! – ông thốt lên. – Ông có óc tưởng tượng tuyệt vời, ông Florence ạ!
— Dù sao... – tôi nói, cảm thấy mình bị xúc phạm.
— Ở đây không có “dù sao”. Ở đây chỉ có sự thật. Trước hết, đó là tờ lệnh có chữ ký.
— Có thể, lệnh giả.
— Không, – Barsac phản đối, – vì đại úy Marcenay đã xác nhận lệnh thật và đã chấp hành không do dự.
— Nó có thể bị đánh cắp...
— Lại tiểu thuyết! Ông hãy nói xem, làm sao có thể thay đổi đội hộ tống thật? Theo giả thiết này, cần phải có sẵn một toán quân khác, đủ đông để, thứ nhất, diệt hết những người lính thật, ông hiểu cho – diệt sạch sành sanh! – và thứ hai, sau khi đoạt được tờ lệnh, sẽ thay đội thật bằng đội giả, hoàn toàn giống đội thật và phải làm trong khi không ai có thể biết gì về biên chế của đội hộ tống mới, thậm chí cũng chẳng biết là đại tá Saint-Auban sẽ phái đội ấy đi. Không một ai trong số lính của Lacour bị thương, tức là đám quân đó phải rất đông vì những người lính chân chính sẽ không bao giờ để mình bị giết mà không kháng cự. Ông còn muốn nói rằng sự hiện diện của toán quân đông người như thế sẽ không bị phát hiện, rằng những lời đồn đại về một trận đụng độ không đến được tai chúng ta trong khi tin tức ở rừng truyền từ làng nọ sang làng kia nhanh như điện tín hay sao?
Mặc sức tưởng tượng, bạn sẽ vấp phải những vấn đề phi thực tế như vậy đó! Barsac nói đúng: tờ lệnh không bị đánh cắp. Tôi rụt rè rút lui ý kiến vì quả thật, đã bị dao động.
— Dù sao, trung úy Lacour...
— Ồ! Ông ta hết sức lịch sự! – Barsac mỉm cười thốt ra. – Ông ta rất chăm chút đến bản thân và quần áo. Nhưng điều đó đâu có phải là tội lỗi.
Tôi cố lần cuối.
— Bộ quân phục hoàn toàn mới, lạ lắm...
— Vì một bộ khác đang nằm trong vali của trung úy, – Barsac giải thích, ông có khả năng trả lời được mọi vấn đề. – Ông Lacour đã kịp ăn mặc chỉnh tề trước khi đến trình diện với chúng ta. Vả lại hôm qua, sau bữa ăn trưa, tôi đã trò chuyện khá lâu với trung úy Lacour. Đó là một người khả ái, tuy có hơi quá ham muốn ăn diện. Lịch lãm, được giáo dục chu đáo, thậm chí còn khả kính nữa kia...
Tôi hỏi:
— Trung úy không thấy có gì bất tiện nếu chúng ta tiếp tục chuyến đi trong những điều kiện như vậy hay sao?
— Không.
— Tuy nhiên, ngài đang dao động, thưa ngài dân biểu.
— Tôi không dao động, – Barsac tuyên bố, ông tự bắt buộc mình phải tin vào lời nói của mình. – Mai chúng ta sẽ đi.
Buổi chiều, tôi đi dạo. Tongané đi cùng, anh cưỡi con ngựa của Tchoumouki vì nó tốt hơn ngựa của anh. Chúng tôi đi kiệu nhỏ trên đồng. Đột nhiên Tongané nói:
— Hay thật. Tchoumouki đã bỏ trốn. Tchoumouki là tên phản bội ti tiện.
— Sao? Tchoumouki cũng phản chúng ta à?
Tôi làm bộ ngạc nhiên.
— Anh muốn nói: Moriliré?
— Moriliré xấu, – Tongané hào hứng nói, nhưng Tchoumouki cũng giống như Moriliré thôi. Hắn đã nói với dân phu da đen: “Đi nguy hiểm lắm!”. Hắn đã cho họ nhiều dolo toubab[1], nhiều bạc, nhiều vàng.
[1] Rượu trắng
Moriliré và Tchoumouki có vàng? Thật khó tin.
— Anh muốn nói rằng bọn chúng đã cho dân phu Cauri[2] để lôi kéo họ?
[2] Vỏ sò nhỏ, dùng làm tiền xu ở nhiều vùng châu Phi
— Không phải Cauri, – Tongané quả quyết. – nhiều vàng, – và anh còn nói thêm một chi tiết làm tôi bàng hoàng, nhiều vàng của Anh.
— Thế anh biết tiền vàng của Anh à, Tongané?
— Vâng, – anh đáp. – Tôi là người Achantis. Tôi biết livchterlignes.
Tôi hiểu Tongané đã dùng tiếng dân tộc của anh để gọi đồng bảng Anh như thế. Vàng – tiền vàng của Anh! – nằm trong tay của Tchoumouki và Moriliré.
Tôi bị bối rối. Tất nhiên, tôi phải làm ra vẻ những điều thông báo của anh không quan trọng chút nào.
— Anh là chàng trai rất dễ mến, Tongané ạ! – tôi nói với anh, – nếu anh đã biết rõ livchterlignes như thế thì xin anh hãy nhận lấy đồng tiền vàng có quốc huy của Cộng hòa Pháp này.
— Một nước cộng hòa tốt! – Tongané vui sướng reo lên khi tung đồng tiền lên không trung, anh đón bắt nó đang rơi xuống và bỏ vào chiếc túi trên yên ngựa.
Tức thì mặt anh lộ rõ nỗi ngạc nhiên: tay anh kéo ra một cuộn giấy lớn. Tôi la lên và giật lấy cuộn giấy mà tôi biết rất rõ.
Những bài báo của tôi! Những bài báo không dễ gì có được của tôi vẫn còn nằm trong chiếc túi của tên vô lại Tchoumouki! Tôi mở ra xem. Hỡi ôi! Tất cả các bài báo, từ bài thứ năm, vẫn còn đây. Giờ thì mọi người ở tờ Expansion française đang lên án tôi nghiêm khắc biết chừng nào! Tôi bị sỉ nhục và mãi mãi không còn thanh danh nữa!
Trong khi tôi đang bần thần vì những ý nghĩ đau buồn thì cuộc dạo chơi vẫn tiếp tục. Cách trại gần sáu km, tôi bỗng dưng dừng lại.
Sát đường, trên một khoảng trống có chiều rộng bảy mét, chiều dài gần năm mươi mét, đám cỏ cao đã bị giẫm nát, thậm chí đôi chỗ như bị lưỡi hái cắt trụi. Và chính ở chỗ trơ trụi nhất của khoảng trống, tôi nhận ra hai vết bánh xe, giống như những vết bánh xe mà tôi đã trông thấy ở cạnh Kankan.
Tự dưng tôi liên hệ hai bánh xe này với tiếng động ù ù đã nghe ba ngày trước. Ở Kankan chúng tôi cũng đã từng nghe thấy tiếng ù ù lạ tai trước khi phát hiện ra những dấu vết bí ẩn đó trên mặt đất.
Giữa các hiện tượng: tiếng động ù ù, những vết bánh xe và lão Kéniélala ở Kankan, có mối liên hệ nào không? Ở đây, tôi không thấy có mối liên hệ nào cả. Nhưng nhất định phải có. Khi nhìn thấy mấy rãnh xẻ bí ẩn, trong tiềm thức của tôi hiện lên hình ảnh xấu xí của lão phù thủy da đen. Tôi bỗng nhận ra rằng trong bốn điều tiên đoán của lão thì ba điều đã được thực hiện.
Và thế là tôi, một mình với người bạn da đen giữa nơi hoang vắng mênh mông, rợn cả người.
Trong những hoàn cảnh như vậy có thể tha thứ cho trạng thái đó lắm chứ. Nhưng nỗi lo sợ không kéo dài. Điểm yếu của tôi là hiếu kỳ. Trên đường về tôi đã cố gắng đoán cho ra những điều bí ẩn làm tôi bực mình. Việc này thu hút tôi tới mức tôi không còn trông thấy gì ở xung quanh.
Đến gần trại, Tongané nói ngay, không rào trước đón sau:
— Toulatigui[3] không tốt. Một kẻ a dua đê tiện!
[3] Viên trung úy
— Đúng! – tôi đáp, không suy nghĩ.
NGÀY 17 THÁNG HAI. Hôm nay chúng tôi đi được một chặng đường dài, còn dài hơn ngày hôm qua. Năm mươi km đi trong hai ngày! Tchoumouki không xuất hiện – rõ đồ tráo trở! Dưới sự điều khiển của một mình Tongané, mục phu và phu khuân vác của chúng tôi đã làm nên những điều kỳ diệu.
Hai ngày nay, nỗi lo sợ của chúng tôi vơi đi rất nhiều. Đội hộ tống của chúng tôi thực thi chính xác chức phận của mình, vả lại, những việc ấy cũng không có gì khó khăn cho lắm. Không thể chê vào đâu được. Tuy nhiên... có mấy sự kiện.
Chuyện ấy xảy ra sáng nay, lúc gần chín giờ. Khi đi ngang qua một làng nhỏ hoàn toàn hoang vắng, chúng tôi nghe thấy tiếng rên rỉ trong một túp lều.
Theo lệnh của Barsac, đội hộ tống dừng lại, bác sĩ Châtonnay cùng trung úy Lacour và hai người lính bước vào lều. Dĩ nhiên, cánh nhà báo, tức là tôi cũng nhót theo họ.
Cảnh tượng thật hãi hùng! Hai người chết, một người bị thương. Hai cái xác, một đàn ông và một đàn bà, méo mó thảm hại.
Vì trong lều tối quá nên bác sĩ bảo hai người lính khiêng người bị thương ra ngoài trời. Đó là một cụ già da đen. Ông lão bị thương ở vai và vết thương của ông trông rất ghê. Xương đòn gánh lòi cả ra ngoài.
NGÀY 18 THÁNG HAI. Tin giờ chót, miễn bình luận. Đội hộ tống của chúng tôi đã bỏ trốn. Ba hoặc bốn giờ trước đây, khi thức dậy, chúng tôi đã không nhìn thấy đội hộ tống. Nó đã bốc hơi hồi đêm và cùng với nó, tất cả bọn phu khuân vác, mục phu, không trừ một tên, cũng bay mất luôn.
Các bạn có hiểu không? Trung úy Lacour, hai viên hạ sĩ và toàn bộ đội hộ tống gồm hai mươi tên đã bỏ đi, không phải để dạo chơi rồi về ăn sáng. Chúng đã ra đi, ra đi mãi mãi.
Thế là chỉ còn lại có chúng tôi, giữa rừng rậm, với bầy ngựa, với vũ khí cá nhân, với ba mươi sáu con lừa, với số lượng lương thực đủ ăn trong năm ngày và Tongané.
A ha! Tôi đã muốn phiêu lưu cơ mà!
Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac - Jules Verne Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac