Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Bà Tùng Long
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2808 / 44
Cập nhật: 2015-07-10 14:34:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hi Nga ngồi trên ghế đá, hai tay thoăn thoắt cặp kim đan, bé Hoàng đi chập chững một bên. Bỗng bên ngoài có tiếng gọi lớn:
- Chị Phi Nga!
Phi Nga chưa kịp quay lại đã nghe tiếng giày chạy lộp bộp sau lưng và một giọng rất quen thuộc vang lên:
- Chị vẫn khỏe chớ?
Quay lại và nhìn thấy Paul, da dẻ hồng hào, cao lớn hơn trước, Phi Nga mừng rỡ:
- Cậu Paul! Cậu ở Đà Lạt về à? Bà có về với cậu không?
- Mẹ em cùng về nhưng chưa tới thăm chị được. Hôm qua xe đi ngang đây thì trời tối quá rồi, không ghé được. Nhớ chị quá, em phải đi xe đạp đến đây, xe nhà hỏng máy rồi.
- Cám ơn em. Mấy lúc nay em làm gì?
- Em vẫn đi học trên Đà Lạt. À, chị có nhận được thư của ba em không?
- Không, chị không nhận được thư của ông.
- Thế chị không biết gì cả sao?
Phi Nga ngạc nhiên:
- Biết gì?
Paul nói:
- Lẽ ra để mẹ em đến báo tin mừng cho chị thì hơn, nhưng em thấy vui quá vì thế phải tiết lộ cho chị biết trước. Bức tranh “Người gánh lúa” của chị được giải khuyến khích và được các báo bên Pháp khen rất nhiều. Lại có một họa sĩ Việt Nam nào đó bảo đã biết bức tranh đó và có biết qua về chị nữa.
Phi Nga để tay lên ngực, không giấu được sự hồi hộp:
- Chắc là Giang rồi. Giang đã thấy bức tranh của ta. Anh ấy đã nghĩ thế nào?
Paul thấy Phi Nga làm thinh, tưởng nàng xúc cảm quá không nói được nên hỏi:
- Chắc chị mừng lắm nhỉ?
- Chị mừng lắm, nhưng em chưa nói hết cho chị nghe.
- Tại sao chị chưa nhận được thư của ba em? Người họa sĩ Việt Nam mà em nói đó, bảo là sắp về nước, bao giờ về sẽ đến gặp chị. Thích chưa? Ba em muốn chị theo học với ông ấy.
Phi Nga lắc đầu:
- Không thể được, em ạ. Nếu muốn học thì chị đã học với ông ấy rồi, đợi chi đến bây giờ. Lúc ấy chị chưa lập gia đình.
Paul hỏi lớn:
- Lúc ấy chị chưa lập gia đình à? Thế tại sao chị không học? Đáng tiếc thật!
- Và bây giờ thì chị lại chưa thể học được. Vì chị đang có thai, sắp được làm mẹ lần thứ hai.
Paul cau mày:
- Ba em sẽ không bằng lòng nếu chị không chịu học với người họa sĩ kia. Ba em bảo ông ấy nổi tiếng, giỏi lắm. Ba em có mua của ông ta ba bức tranh gần nửa triệu bạc. Chị mà chịu khó học thì rồi đây tranh chị cũng có giá như thế.
Phi Nga hỏi thăm Paul về sự học của cậu ta, rồi hỏi:
- Em có vẽ thêm được gì không?
- Không có chị em đâu thèm vẽ, ba em muốn cho em theo chị học vẽ với ông họa sĩ gì đó. Nhưng hôm nay gặp chị, em thấy chị không có chút gì gọi là thích vẽ, nên cũng nguội lạnh rồi. Chị chỉ biết có chồng và con.
Phi Nga bồng bé Hoàng lên đưa vào mặt Paul:
- Em nhìn thử có phải nó đẹp lắm không?
Paul mỉm cười với thằng bé:
- Đẹp lắm, nhưng chị đã vẽ tranh của nó chưa? À, mấy lâu nay chị không vẽ gì cả sao? Nào cho em vào xem xưởng vẽ của chị với.
Nói xong, Paul chạy qua xưởng vẽ, nhưng khi thấy hai cánh cửa được khóa chặt bằng một ống khóa lớn, Paul thất vọng nói:
- Chắc chị chẳng bao giờ đặt chân đến đây.
Phi Nga đứng dậy ẵm bé Hoàng đi theo Paul:
- Để chị mở cửa cho em. Nhưng chị đã bảo chị không vẽ được thêm gì nữa cả.
Khi hai cánh cửa mở rộng ra, Paul chạy tọt vào trong, đứng nhìn khắp nơi rồi đi lại bên giá vẽ, mở tấm vải che bên ngoài:
- Chưa vẽ xong?
Nhưng khi Paul nhìn kỹ và nhận ra đó là hình của Dũng thì hỏi bằng một giọng bất bình:
- Chị vẽ hình anh ấy?
Phi Nga gật đầu:
- Em thấy anh ấy bao giờ mà nhận ra?
- Cần gì phải thấy. Chị không vẽ thêm một bức tranh nào, mà lại vẽ bức tranh này thì là hình của anh chớ hình ai?
Ngắm kỹ một lúc, Paul nói:
- Anh ấy tầm thường quá! Nhưng sao nét mặt anh không được vui, lại dường như có điều gì lo nghĩ?
Phi Nga lấy vải phủ bức tranh lại:
- Chúng ta vào nhà uống nước đi.
- Thôi chị, cho em về, em đến đây mà không nói cho mẹ em biết, thế nào mẹ em cũng cho người đi tìm.
- Nhưng thế nào bà cũng biết là em đến thăm chị. Sao em về gấp vậy?
- Em còn đi thăm tụi bạn.
Khi Paul về rồi, Phi Nga hôn lên đầu bé Hoàng:
- Danh vọng và sự nghiệp của mẹ đây.
Nhưng khi bé Hoàng ngủ ngon lành trong đôi cánh tay của Phi Nga sau một hồi đùa giỡn với mẹ thì Phi Nga trở nên nghĩ ngợi. Phi Nga nhớ đến cái hôm mà nàng gặp Giang. Giang đến thăm Phi Nga với Đình. Vì Đình đã giới thiệu với Giang về tài vẽ của Phi Nga, nên khi gặp Phi Nga, Giang hỏi:
- Sao cô không đi học vẽ?
Phi Nga còn nhớ là mình đã trả lời Giang:
- Tôi chưa muốn học.
- Bao giờ cô mới muốn? Đợi đến khi có gia đình rồi thì còn học được gì nữa. Một ông chồng là tất cả của người đàn bà, một ông chồng sẽ lấy hết thì giờ của cô.
Giang đã nhìn Phi Nga sửng sốt, và khi Đình rủ chàng về thì chàng nói:
- Nếu có dịp tôi sẽ gặp lại cô.
Sau đó Phi Nga được Đình cho biết là Giang phục Phi Nga có tài, Giang sẵn sàng chỉ vẽ thêm cho Phi Nga. Nhưng sau cái lần gặp đầu tiên ấy, Giang không đến nữa. Phi Nga hỏi thì Đình bảo Giang bận lắm và Đình có nói sơ qua về Giang cho Phi Nga biết:
- Anh ấy là một họa sĩ, mà họa sĩ tức là người sống cho nghệ thuật, tất cả vì nghệ thuật. Với họ chỉ có sự nghiệp là đáng kể. Anh Giang đã có một người vợ, do cha mẹ cưới cho anh, nhưng dường như anh không thích người vợ này, anh chỉ thích sống bừa bãi với những cô bạn gái. Anh bảo: Một họa sĩ mà có vợ thì còn đâu là sự nghiệp!
Ít khi Đình nhắc đến Giang, cho đến khi Đình hân hoan báo cho Phi Nga biết là Giang được học bổng đi Rome, gởi lời chào Phi Nga. Hôm ấy Đình nói:
- Anh Giang bảo giá không có vợ thì anh sẽ kết bạn với Phi Nga để hai người cùng phụng sự cho hội họa. Hai người sẽ cùng ký dưới một bức tranh.
Nghe Đình nói thế, Phi Nga bẽn lẽn:
- Anh chỉ tài bịa đặt, anh Giang không bao giờ nói như thế. Anh Giang không đến từ giã tôi để đi ngoại quốc đủ thấy anh ấy không quan tâm đến tôi.
Đình không nói gì, nhưng Phi Nga đoán biết là Đình không thành thật với mình về chuyện Giang. Có lẽ Đình sợ để Giang và Phi Nga gặp nhau thường thì cả hai sẽ cảm nhau mà Đình không còn hy vọng chiếm được con tim của người đẹp. Nhưng Đình đâu ngờ là Phi Nga lại yêu một người rất tầm thường như Dũng, Dũng lại không hề tìm cách chinh phục Phi Nga.
Sau ngày nghỉ hè, Dũng có vẻ mệt mỏi, kém vui. Phi Nga không hiểu tại sao Dũng bỗng có ý muốn mua một ngôi nhà khác. Chàng nói:
- Nếu là nhà của mình, em sẽ tha hồ trang hoàng theo ý muốn của em.
Phi Nga liền bàn:
- Hay để em lấy món tiền hồi môn mua nhà? Chúng ta ở rộng mà hai con có chỗ chạy chơi. Ngôi vườn này nhỏ quá, trồng trọt gì cũng không được.
- Ngôi vườn nhỏ thế này mà anh cũng chẳng trồng trọt gì được. Anh lười quá.
Nhưng rồi Dũng lại tự bào chữa:
- Nhà của người ta chớ nào phải nhà mình mà trồng cho mệt. Bao giờ chúng ta có nhà riêng, em sẽ thấy anh làm lụng ngoài vườn suốt ngày.
- Chúng ta sẽ lưu ý về việc mua nhà, tậu vườn. Nhưng anh định ở đây mãi sao? Việc dạy dỗ có thể dời đổi chỗ, anh cũng thừa biết điều này.
- Mua nhà để đó, ở được càng tốt, không ở thì cho mướn, còn không bán lại cũng có lời.
Phi Nga lấy làm ngạc nhiên tại sao lần này khi nghe nàng nói lấy tiền hồi môn để mua nhà, Dũng không phản đối nữa.
Trong khi Phi Nga chưa tìm được một ngôi nhà vừa ý thì Paul lại hiện ra đưa nàng vào một giấc mộng khá vui, khá đẹp. Tuy vậy, Phi Nga cũng tự nhủ:
- Bao giờ các con lớn rồi sẽ hay.
Hai hôm sau, bà Quỳnh đến thăm nàng, bảo là bà đến trễ vì xe hỏng máy, phải chờ sửa. Cũng như mọi lần, bà mang cho Phi Nga rất nhiều quà, có cả quà của ông Malê ở Pháp gởi qua:
- Nhà tôi gởi cho cô cái gói này. Chắc có cả thư của nhà tôi trong ấy. Thằng Paul nó đã kể gì với cô rồi? Tôi nhận được thư nhà tôi nói về bức tranh của cô. Cô may mắn quá, con đường vinh quang mở ra trước mắt cô mà cô lại không chịu bước lên, nhà tôi tiếc lắm. Nhà tôi bảo kỳ sau cô sẽ nhận được những tờ báo có bài phê bình về bức tranh “Người gánh lúa” của cô.
- Ông bà tử tế với tôi quá. Chỉ tiếc là tôi chưa thể nghe lời khuyên của ông.
- Nhà tôi tin chắc cô sẽ nghe lời khuyên của nhà tôi khi cô gặp họa sĩ Giang. Nhà tôi gặp ông Giang ở phòng triển lãm tranh ấy. Ông Giang rất mừng khi thấy bức tranh của cô được phần thưởng khuyến khích. Theo lời ông Giang nói với nhà tôi thì ông ta có quen với cô lúc cô chưa có chồng.
Phi Nga không muốn nghe bà Quỳnh nói mãi về chuyện bức tranh, nên nói:
- Bà để cháu nghĩ kỹ lại đã. Lần này có lẽ cháu phải nghe lời ông mới được. Gặp lại bà, thấy bà khỏe mạnh, cháu mừng lắm.
Rồi Phi Nga chỉ bé Hoàng:
- Cháu cũng đã lớn. Chập chững đi rồi. Đã biết gọi ba, má...
Bà Quỳnh khen:
- Cháu dễ thương quá nhỉ.
Rồi bà thở dài:
- Tại vậy mà cô không muốn nghĩ chuyện tương lai, sự nghiệp của cô.
- Cháu đã nghĩ nhiều về vấn đề này, bà ạ. Người đàn bà có chồng thì tương lai, sự nghiệp là con cái của mình.
- Nhưng cậu giáo có bao giờ nghĩ đến sự nghiệp của cậu không? Hay là cậu an phận với nghề gõ đầu trẻ này, an phận ở đây, không cần biết nơi nào khác?
Bà Quỳnh thấy Phi Nga không để ý đến gói quà mà bà vừa mang lại thì nói:
- Cô mở thử cái gói kia và đọc bức thư mà nhà tôi gởi cho cô.
Nể lời bà Quỳnh, Phi Nga mở cái gói thì đó là một quyển sách bách khoa về hội họa, có cả những bức tranh nổi tiếng từ xưa đến nay ở những nước trên thế giới.
Phi Nga mừng rỡ:
- Ông cho tôi quyển sách này thật có ích. Lúc nào ông cũng lo nghĩ đến tôi. Tôi biết nói gì để cám ơn ông bà. Chỉ tiếc hiện giờ tôi đang có thai.
Bà Quỳnh nói như một tiếng thở dài:
- Lại có thai!
Phi Nga mở bức thư của ông Malê ra đọc lớn cố ý cho bà Quỳnh cùng nghe. Nhưng bức thư vỏn vẹn có mấy hàng:
Cô Phi Nga, cô còn nhớ những lời khuyên nhủ của tôi không? Tôi đợi mãi không thấy thư cô, chắc là cô chưa cần đến sự giúp đỡ của tôi. À, bức tranh của cô được nhiều người chú ý lắm. Tôi sẽ gởi những tờ báo có bài phê bình về cho cô. Tôi có gặp họa sĩ Giang chắc cô biết ông ta. Nếu từ nay đến ngày ông Giang về nước mà cô không thay đổi ý kiến thì lúc ông Giang gặp cô, ông ấy lãnh phần chinh phục cô đó. Luôn luôn nhớ đến cô.
Malê
Bà Quỳnh tươi cười:
- Tôi không thấy người nào săn sóc cô như nhà tôi, đó chẳng qua là lòng liên tài. Nhà tôi đã dắt dẫn không biết bao nhiêu người bước lên con đường vinh quang, danh vọng. Vậy mà bây giờ gặp cô, nhà tôi không thuyết phục cô được, kể cũng lạ. Chắc ông ta đang bực mình về việc này.
- Nhờ bà viết thư nói dùm với ông là hiện giờ tôi đang có thai.
- Tại sao cô không viết cho nhà tôi? Viết cho ông vài hàng cũng được.
- Bây giờ tôi có viết cho ông cả chục bức thư, dài năm bảy trang giấy mà nếu tôi bảo tôi chưa thể học vẽ được, chưa muốn nghĩ đến tương lai và sự nghiệp nào khác ngoài chuyện tương lai và sự nghiệp của chồng con, thì ông cũng liệng những bức thư ấy vào sọt rác mà thôi. Ông chỉ cần tôi viết một câu thôi, nhưng cái câu ấy hiện giờ tôi chưa viết được...
- Cô bảo nhà tôi chỉ cần cô viết một câu. Câu gì vậy?
- Nhờ ông ấy giới thiệu cho một họa sĩ, hay là tôi sẽ gặp ông tại... Chỉ một câu như thế, nhưng câu ấy sẽ định đoạt cả cuộc đời tôi, thay đổi cả cuộc sống của tôi.
- Thế tại sao cô không viết?
Phi Nga cười một cách hồn nhiên:
- Bà hiểu vì lẽ gì rồi.
Phi Nga cầm tay bà Quỳnh đặt lên bụng của mình:
- Bà nghe đó, đứa bé đã bắt đầu cử động mạnh. Một mầm sống đang lớn dần trong tôi. Cái việc này cần thiết hơn tất cả mọi việc trên đời.
Bà Quỳnh nhìn kỹ nét mặt hồn nhiên như một đứa trẻ của Phi Nga lúc ấy. Đôi mắt đen sáng rực, đôi môi hé mở như một đóa hoa hàm tiếu, để lộ những cái răng vừa trắng vừa nhỏ. Phi Nga không có vẻ gì là một thiếu phụ đã có một lần sanh đẻ và giờ đây sắp làm mẹ một lần nữa. Nàng bé bỏng, ngây thơ và xinh đẹp một cách lạ lùng.
Bà Quỳnh nghĩ:
- Một con người không biết tham vọng. Và có lẽ hạng người này mới dễ hưởng được hạnh phúc.
Bà Quỳnh bất giác cảm thấy yêu thương Phi Nga một cách lạ lùng. Bà đặt lên mái tóc Phi Nga một cái hôn:
- Chồng tôi phải đợi cô sanh xong, chờ biết sao? Cô phải biết nàng nghệ thuật không chịu chờ đợi ai mà thời cơ cũng không đến hai lần trong đời người ta.
Phi Nga cảm động và sung sướng vì cử chỉ thân yêu của bà Quỳnh nên nói:
- Cháu có bắt nàng nghệ thuật đợi cháu bao giờ?
Bà Quỳnh nguýt yêu Phi Nga:
- Tôi chịu thua cô rồi. Cô cứng đầu không ai chịu nổi, nhưng khổ cho tôi là tôi lại phải nhượng bộ trước sự cứng đầu mới tức chớ.
Nói xong bà đưa tay choàng qua vai Phi Nga rồi cả hai đi ra cửa:
- Tôi sẽ còn đến thăm cô. Bao giờ thì cô sanh?
- Cuối năm. Còn những bốn tháng nữa. Bà có vui lòng nhận làm mẹ đỡ đầu cho cháu bé này không?
Bà Quỳnh cười:
- Tôi thì sao cũng được, chớ còn nhà tôi thì ông ấy bảo chỉ làm cha đỡ đầu cho những bức tranh sắp tới của cô mà thôi.
Phi Nga reo lên:
- Ông nói hay thật, nhưng chuyện ấy còn lâu.
Bà Quỳnh lên xe rồi còn nói:
- Tôi nghe ông hội đồng Tích nói ở đây ai cũng phục cô hết, kể cả bà Châu, vợ ông hiệu trưởng. Bà ấy phục cô đến nỗi giờ đây bà ấy đi học vẽ để theo kịp cô. Nhưng bà ấy lầm, vẽ phải có thiên tài mới mong nổi tiếng, nổi tên, chớ còn vẽ theo lối bắt chước thì suốt đời cũng chỉ làm anh thợ sơn mà thôi.
Đợi cho chiếc xe của bà Quỳnh chạy khuất sau lũy tre xanh. Phi Nga mới lững thững đi vào nhà. Nàng ngồi phệch xuống chiếc ghế dựa, đeo đuổi theo những tư tưởng mà nàng bỗng thấy hiện ra trong đầu óc từ khi bà Quỳnh ra về. Lúc nãy khi đọc bức thư vắn tắt của ông Malê, Phi Nga có vẻ như không chú ý đến nhưng bây giờ thì nàng nhớ lại từng câu, từng chữ không sót một ý nào.
Rồi Phi Nga nhớ lại những lời bà Quỳnh đã nói với nàng. Phi Nga ngồi thừ người cả giờ không để ý là bé Hoàng vịn hai tay vào thành ghế và đi từ ghế này qua ghế khác, miệng thì kêu “Ma! Ma!”. Nàng không còn nghe thấy tiếng động bên ngoài mà chỉ còn nghe những lời trong bức thư của ông Malê. Nàng nghĩ:
- Bức tranh của ta được một giải thưởng an ủi trong một triển lãm tranh ở kinh đô của một cường quốc ở Châu Âu, thật là một vinh dự ngoài sức tưởng tượng.
Dù chưa có thể đeo đuổi theo sự nghiệp của mình nhưng Phi Nga cũng cảm thấy lòng đang mở rộng, đón một niềm vui mới mẻ.
Giữa lúc ấy Dũng đi dạy về, chàng đã bước vào trong sân mà Phi Nga cũng không hay biết. Dũng đi vào nhà, bé Hoàng reo lên khi thấy chàng:
- Ba! Ba!
Và thằng bé đưa hai tay về phía trước, chờ chàng ẵm lên. Dũng cười hỏi vợ:
- Em nghĩ gì mà trông bơ phờ như thế?
Phi Nga giật mình như rơi từ cung trăng xuống:
- Mấy giờ rồi mà anh đã về?
Dũng cười có vẻ tha thứ:
- Tội nghiệp em tôi chưa? Quên cả thời gian, chắc cơm nước gì cũng chưa có. Vậy để anh đi nấu nhé.
Phi Nga vội vàng đứng lên. Bé Hoàng nhảy trong đôi tay cha và cười reo ầm ỹ. Dũng hỏi bé Hoàng:
- Mẹ ở nhà làm gì mà giờ này chưa lo cơm nước cho cha con mình?
Bé Hoàng lấy tay đập vào má Dũng, cười toe toét để lộ hai hàm răng chưa mọc đầy đủ, Phi Nga lấy cái gói trên bàn và nói:
- Ở nhà em có khách, bà Quỳnh đến thăm.
Dũng nói như có vẻ tiếc rẻ:
- Đã từ lâu bà ấy không đến.
Và Dũng nghĩ nhưng không nói ra:
- Và như thế hay hơn. Mỗi lần bà ấy đến là một lần tâm hồn Phi Nga bị xáo trộn.
Phi Nga nói:
- Đây là quà của ông Malê gởi từ Pháp qua. Một quyển sách nghiên cứu về ngành hội họa. Có đủ những bức tranh nổi danh từ trước đến nay, và ở khắp các nước của các họa sĩ tên tuổi.
- Món quà đặc biệt quá. Ông Malê vẫn còn ở bên Pháp chứ.
- Còn...
- Chỉ có một quyển sách ấy thôi à!
- Có một bức thư rất ngắn.
Rồi Phi Nga nói tiếp:
- À, bức tranh “Người gánh lúa” của em được một giải thưởng an ủi.
- Nghĩa là em sắp được ngang hàng với những họa sĩ có tên tuổi?
- Đây là cuộc triển lãm những bức tranh của các nghệ sĩ tự do, chưa thuộc hẳn về trường phái nào, chưa có tên tuổi, chưa có thầy hướng dẫn. Ông Malê cho biết ông có gặp họa sĩ Giang trong cuộc triển lãm này. Anh Giang cũng sắp về nước.
Dũng hôn lên mái tóc tơ của Hoàng và nói một cách như không quan tâm đến chuyện của vợ:
- Lớn lên con sẽ làm gì hả Hoàng? Đi dạy học làm ông giáo quèn ở một làng nhỏ, hay vẽ tranh để nổi tiếng như mẹ con?
Hoàng nhìn cha cười:
- Ma! Ma!
Không thấy Dũng hỏi về bức thư của ông Malê, Phi Nga đi xuống bếp làm cơm.
Đêm hôm ấy, đang ngủ ngon lành, Phi Nga giật mình thức dậy vì bỗng có cảm giác Dũng không còn nằm bên nàng. Mà đúng như thế, Dũng đã ra đứng chống tay trên thành cửa sổ để nhìn ra vườn. Cánh cửa sổ đầu hôm Phi Nga mở rộng cho mát vì trời nóng bức quá. Ánh trăng lọt vào phòng. Bên ngoài trời quang đãng. Lúc ấy đã ba giờ.
Phi Nga tự hỏi:
- Tại sao đêm nay Dũng lại không ngủ được? Thường ngày vừa đặt lưng xuống giường là ngủ một giấc ngon lành đến sáng.
Phi Nga bỗng nhớ đến món quà của ông Malê đến bức thư,Nlến chuyện bức tranh được các báo nhắc nhở, phê bình suốt cả tháng. Chiều hôm qua trong bữa cơm Dũng không hề nhắc đến chuyện ấy, chàng tỏ ra vui vẻ, nói cười luôn miệng, nhưng trong sự vui vẻ ấy Phi Nga thấy rõ là Dũng cố giấu một sự bực mình. Đêm nay chàng lại không ngủ. Phi Nga nhè nhẹ ngồi dậy, đi chân không lại đặt nhẹ bàn tay lên vai chồng:
- Sao anh không ngủ?
Cử chỉ đột ngột ấy giữa đêm khuya, trong sự im lặng hoàn toàn của vũ trụ, lại không hề làm Dũng giật mình. Chàng cứ đứng im như pho tượng đá.
Phi Nga sợ hãi kêu lên:
- Ô kìa, sao anh không...
Nàng chưa nói hết câu thì Dũng đã quay phắt lại. Trên đôi mắt của Dũng, Phi Nga thấy dường như long lanh nước. Phi Nga vẫn chưa tin nên lấy tay sờ lên mặt Dũng và hốt hoảng hỏi:
- Anh khóc sao anh Dũng?
Dũng cũng hốt hoảng khi thấy Phi Nga khám phá ra là mình khóc. Anh cố chối:
- Tại anh ngáp nên nước mắt chảy.
Phi Nga ôm chầm lấy Dũng:
- Không, anh đã giấu em, anh có chuyện buồn.
Dũng nhè nhẹ gỡ tay của Phi Nga ra, rồi quay mặt nhìn lên bầu trời đêm. Trăng sáng đang lơ lửng giữa trời, những vì sao lấp lánh như những hạt kim cương. Phi Nga choàng tay qua vai Dũng, đứng sát vào người chàng, rồi cũng nhìn lên không trung. Cả hai đều im lặng không ai nói với ai lời nào. Họ đứng như thế không biết là bao lâu.
Dũng buồn, điều ấy thấy rõ, nhưng giờ đây chính Phi Nga cũng cảm thấy một nỗi buồn khó tả. Nàng nghe ngột ngạt khó thở, như vừa bị đầu độc bởi một chất gì mà nàng chưa khám phá ra được. Nàng bỗng thấy căn phòng ấy thiếu không khí, quá chật hẹp đối với vòm trời cao lồng lộng giữa đêm khuya. Giữa lúc ấy một con vạc đi ăn đêm buông lên những tiếng lẻ loi như phá tan cái không khí yên tĩnh. Phi Nga nghĩ:
- Con vạc kia và ta, ai lẻ loi, cô đơn hơn?
Có tiếng Dũng thở dài bên tai nàng:
- Anh vô lý thật, đã làm em mất ngủ.
Phi Nga siết chặt đôi vai của Dũng:
- Nhưng tại sao anh không ngủ? Anh buồn chuyện gì?
- Không, anh nghĩ vơ vẩn vậy thôi.
Rồi Dũng siết đôi vai của Phi Nga bằng một cử chỉ âu yếm thật sự:
- Tự nhiên anh đâm ra cuồng trí. Anh đã nghĩ như một kẻ điên.
- Anh nghĩ cái gì?
Dũng bẽn lẽn:
- Nói ra xấu hổ lắm. Em sẽ cười anh, khinh anh và oán anh là khác.
- Việc gì thế?
Dũng thú thật:
- Anh đang ngủ bỗng có cảm giác mất em. Anh ngồi ngay dậy và khi anh ra đứng đây, anh đã cố tìm một giải pháp. Nếu không có em thì anh sẽ sống như thế nào?
Trong khoảnh khắc ấy, Phi Nga hiểu tất cả, vì lẽ gì mà Dũng lại nghĩ như thế. Chỉ vì cái giải thưởng mà ông Malê vừa cho nàng hay. Sự thật Phi Nga cũng chưa biết dư luận bên ấy đã bàn tán như thế nào về tài của nàng.
- Con vạc lẻ loi trong đêm tối, nhưng nó còn tự do tung cánh bay giữa bầu trời bao la. Chớ còn ta, ta có khi nào được tung trời mà bay như thế?
Ý nghĩ ấy vừa hiện ra trong trí Phi Nga thì cái bào thai trong bụng nàng chợt cựa quậy như nhắc nhở nàng bổn phận trước mắt. Phi Nga lấy tay Dũng đặt lên bụng mình:
- Anh lắng nghe con chúng ta đạp kìa. Nó đạp mạnh lắm rồi. Chắc là một đứa con gái.
Dũng cảm động nói bằng một giọng buồn buồn:
- Anh cũng thích có thêm một đứa con gái. Thôi, chúng ta đi nghỉ. Anh xin lỗi em.
Phi Nga không nói không rằng đi theo Dũng. Khi nằm lên giường, Dũng nói:
- Nếu không có em, cuộc đời của anh mới ra sao nhỉ?
Phi Nga thở dài:
- Đừng nói nhảm mà anh.
* * * * *
Nhân ngày giỗ ông, Phi Nga về thăm cha mẹ, mang theo bé Hoàng. Vì gần ngày sanh, Phi Nga được mẹ và các em cho ngồi ở trên nhà, không phải xuống bếp nấu nướng hay dọn dẹp. Bà Minh nói:
- Con lên nhà trên nói chuyện với cha con. Để mẹ và các em nấu nướng được rồi. Còn mấy bà hàng xóm qua làm phụ nữa.
Phi Nga ẵm con lên nhà, ông Minh đang ngồi trầm ngầm nhìn lên bàn thờ, thấy Phi Nga với dáng điệu nặng nề, tay dắt bé Hoàng thì nghĩ:
- Mới đó mà tay bồng tay dắt.
Phi Nga vừa cười vừa nói:
- Mẹ không cho con làm gì hết. Con gái có chồng, về nhà cha mẹ là được nuông chiều.
- Chớ bụng dạ như thế kia lại thêm con nhỏ nữa thì làm cái gì. Con ngồi đây cha hỏi cái này.
Phi Nga ngồi xuống ghế bên cha. Ông Minh nói:
- Hôm nọ cha có gặp ông hội đồng Tích, ông ấy có nói về bức tranh mà con gởi dự thi ở Pháp.
- Không phải con gởi dự thi đâu, cha ạ. Con bán bức tranh ấy cho bà Quỳnh và ông Malê đưa đi dự thi.
- Nhưng con đã được một giải thưởng an ủi và người ta khen bức tranh ấy, có phải vậy không?
- Dường như vậy. Con chưa biết rõ mà chỉ nghe bà Quỳnh nói lại mà thôi. Ông Malê có hứa sẽ gởi những số báo có viết bài phê bình về bức tranh cho con xem nhưng con chưa nhận được.
- Như vậy là con may mắn lắm. Có phải ông Malê muốn con học thêm về ngành hội họa không?
- Ông ấy khuyên thế thôi, còn học hay không là quyền của con.
- Ông ấy khuyên như thế, có gì là quá đáng đâu? Con nên thu xếp thì giờ để học.
Phi Nga ngó xuống cái bụng của mình:
- Lúc này con chưa tính đến chuyện ấy được cha ạ. Còn nhiều việc khác phải lo.
Ông Minh lặp lại:
- Con nói phải. Còn nhiều việc khác phải lo. Nhưng con nên nhớ cái cưa, cái cuốc, con dao để lâu không dùng rồi cũng rỉ sét. Con bỏ không vẽ thì rồi con cũng không còn thích sờ mó đến cây cọ nữa.
Ngừng một lát, ông Minh nói tiếp:
- Dùng nghĩ thế nào về việc con được giải thưởng?
- Anh ấy không nói gì hết.
- Nó cũng phải có một phản ứng chớ, hoặc vui, hoặc buồn.
- Anh Dũng bảo lúc nào cũng nghĩ đến hạnh phúc của con, nếu con có vì sự nghiệp mà không lo nổi việc gia đình thì anh cũng không lấy thế làm phiền con.
Ông Minh gật đầu:
- Nó nói vậy là phải lắm. Con không thấy bà Châu đó à, bà ta đã lớn tuổi như vậy mà vẫn cố gắng học vẽ để trở thành một họa sĩ thì sao. Con không chịu học thêm là uổng lắm.
Phi Nga cười:
- Đời có nhiều bà Châu...
Ông Minh hiểu ý con gái nói gì, nên cũng cười:
- Nhưng đời chỉ có một mình Phi Nga, con gái của cha. Con có ý tự phụ như thế cũng được lắm.
Sau bữa giỗ, Phi Anh và Phi Yến đều hỏi chị về chuyện được giải thưởng. Phi Nga cười:
- Giải thưởng ấy thì thấm tháp vào đâu so với cái giải thưởng mà chị sắp nhận được trong một ngày gần đây.
Phi Anh hỏi:
- Giải thưởng gì nữa?
Phi Yến cũng hỏi:
- Chị lại gởi tranh dự thi nữa à?
- Không, đây không phải là chuyện tranh, chuyện vẽ, mà chị sắp có con. Một đứa con gái.
Phi Anh bĩu môi, tỏ vẻ thất vọng:
- Đẻ cho nhiều, vài ba năm nữa trông chị già khú và mộng đẹp ngày xanh không còn thực hiện được.
Phi Yến cũng nói:
- Chị chỉ biết có anh Dũng, nhưng anh ấy làm sao ngăn cản con đường tiến thủ của chị được.
- Anh ấy ngăn cản làm gì? Các em cứ vu khống cho anh Dũng, tội chết, anh ấy hiền lắm, cắn cơm không bể mà!
Phi Anh nói:
- Chính những hạng người ấy mới đáng sợ, lạt mềm buộc chặt mà!
Phi Yên cười vì nghe câu nói hay hay của chị. Phi Anh được thể liền nói:
- Bà Châu bất tài như vậy mà còn đi học vẽ, còn chị, chị lại định dẹp tất cả để lo cho mỗi một mình anh Dũng. Mà nào anh ấy có phải là người có tài gì cho cam.
- Các em không nên công kích anh Dũng hoài vậy. Chị không muốn nghe các em bàn đến công việc của chị. Thế nào, cha bằng lòng rồi đó, sao Phi Anh chưa đi học?
Phi Anh nói:
- Em sắp đi rồi. Lần này chị sanh cháu nhỏ chắc không có em ở nhà. Từ nay em không bàn gì về chuyện của chị nữa.
Từ hôm ăn giỗ ở nhà cha mẹ về, Phi Nga thấy Dũng có vẻ băn khoăn, lo nghĩ. Sau cái đêm Dũng ra đứng ở cửa sổ đôi mắt ngấn lệ, Phi Nga nhận thấy Dũng ít nói hẳn, có khi ngồi sững cả giờ không buồn nhìn đến bé Hoàng. Rồi một hôm ở trường về, Dũng đột ngột nói với vợ:
- Anh xin đổi về Biên Hòa.
Phi Nga ngạc nhiên:
- Từ miền Tây xin đổi về miền Đông? Lại xin đôi giữa niên khóa thế này? Ông hiệu trưởng có chịu chuyến đơn của anh lên cấp trên không?
Dũng chậm chạp nói:
- Lẽ ra anh nên bàn với em về việc này, trước khi gởi đơn đi. Nhưng anh nghĩ, chúng ta là một, em không bao giờ phản đối việc làm hợp lý nào của anh, mà việc anh xin đổi đây cũng rất hợp lý.
Phi Nga dằn từng tiếng:
- Hợp lý? Hợp lý khi niên khóa chưa mãn, khi em đang thai nghén gần ngày sanh... Đổi lên Biên Hòa, mình không quen với ai hết, nhà cửa phải thuê mướn. Trả ngôi nhà này lại cho ông Châu, em tiếc lắm. Đây đang là tổ ấm của chúng ta.
- Giữa niên khóa xin đổi khó lắm chớ đâu phải dễ. Anh có một người bạn dạy ở Biên Hòa. Anh ấy có việc nhà, cần về đây, anh ta năn nỉ anh hoán đổi cho nhau. Có vậy mới mau chóng. Em có sanh cũng còn vài tháng nữa.
- Anh đã có ý đổi đi nơi khác thì mọi việc anh lo lấy, em không lo được nữa. Em thấy mệt lắm rồi.
- Từ trước đến giờ anh không bao giờ nghe em kêu mệt.
- Nhưng lần này thì em mệt. Anh lo sao cũng được, miễn là có nhà ở, đồ đạc chuyển lên trên ấy đầy đủ cho em thì thôi.
Dũng buồn bã nói:
- Em không lo thì anh lo chớ sao. Nhưng anh lo thì không thể nào đầy đủ bằng em. Theo lời anh Phong thì có một biệt thự nhỏ rộng bằng hai ngôi nhà này. Nhà ở trên bờ sông, mát mẻ. Cái biệt thự ấy anh Phong thuê nhưng bây giờ người ta muốn bán, vài trăm nghìn gì đó. Em nhắm mua được thì mua.
- Anh thấy nhà chưa?
Dũng lắc đầu:
- Sắp có lễ được nghỉ hai ngày, anh định đi Biên Hòa xem nhà cửa ra sao? Anh sẽ hỏi kỹ càng hơn, rồi chúng ta định liệu sau.
- Anh cứ quyết định đi, không cần có ý kiến của em. Anh xin đổi, anh có hỏi ý kiến em đâu?
Từ ngày cưới nhau, đây là lần đầu Phi Nga nói lẫy với chồng. Dũng biết Phi Nga đang giận vì Phi Nga hiểu rõ nguyên nhân khiến Dũng không muốn ở đây nữa. Dũng không thích cho Phi Nga gặp bà Quỳnh thường. Nếu Phi Nga ở Biên Hòa, mỗi lần về thăm ông hội đồng Tích, bà Quỳnh sẽ không đến thăm Phi Nga được. Nàng sẽ không nhận được tin tức của ông Malê. Không ai nhắc nhở nàng về chuyện vẽ. Bà Châu cùng không lui tới kể chuyện học vẽ với các họa sĩ ở Sài Gòn. Như thế hạnh phúc của Dũng không bị hăm dọa nữa.
Dũng thấy rõ là Phi Nga đang tức giận nên hỏi:
- Em không muốn cho anh đối lên Biên Hòa à?
Phi Nga bực dọc:
- Anh đặt em trước một việc đã rồi như thế, anh còn hỏi em bằng lòng hay không thì thật là dư sự. Em hiểu vì lẽ gì anh không muốn ở đây nữa. Em nói cho anh hiểu, với em, ở bất cứ nơi nào, em cũng có thể tạo một nếp sống yên vui, hạnh phúc. Hạnh phúc do mình tạo ra. Nhưng dời chỗ ở giữa lúc em mang thai gần ngày như thế này, em thấy anh nông nổi và thiếu suy nghĩ.
Trước những lời trách móc của vợ, Dũng thấy hối hận, liền đi lại ngồi bên Phi Nga. Để nàng bớt tức giận, Dũng bắt chước những cử chỉ mà trước đây nàng dùng để làm Dũng đừng nghĩ ngợi lan man. Dũng cầm lấy tay Phi Nga đặt lên bụng của nàng:
- Nghe kìa, con đạp mạnh thật. Nó đang đòi quyền được sống.
Nhưng lần này nghe Dùng nói thế, Phi Nga cau mày:
- Anh nói đúng, nó đang đòi quyền được sống và chắc chắn nó là một đứa con gái. Đàn ông các anh tha hồ ngang dọc, còn đàn bà chúng tôi thì lúc nào cũng đóng vai phụ vì thế lắm lúc cũng bực mình, muốn đạp tiêu phòng mà ra.
Trong khi Dũng đang sững sốt vì câu nói của Phi Nga thì nàng nói tiếp, giọng mỉa mai:
- Đạp tiêu phòng là cảnh các cung nữ ngày xưa, còn con bé trong bụng em thì chắc chắn là nó muốn đạp cái bụng em để trông thấy ánh sáng.
- Tại sao em biết nó là một đứa con gái? Em muốn mà được sao?
- Sao lại không được? Ý chí em mạnh lắm, anh biết mà. Nhưng thôi, bàn chi chuyện viển vông. Anh nhất định đổi về Biên Hòa phải không? Được, em không làm trái ý anh, nhưng mọi việc anh hãy lo lấy.
Phi Yến và Phi Anh được tin chị sắp dọn về Biên Hòa liền đến thăm và phản đối:
- Anh ấy làm mà không hỏi ý kiến chị à?
- Và chị bằng lòng đi theo anh ấy à? Cha mẹ biết chuyện này đều không được vui. Cha bảo có chồng thì phải theo chồng, cha mẹ đâu có quyền gì trong việc này, cha nói vậy nhưng em thấy cha buồn. Còn mẹ thì không yên lòng vì nghĩ đến lúc chị sanh không có ai ở bên chị.
Phi Anh nói tiếp:
- Bây giờ em mới thấy, anh Dũng ngó vậy mà khó chịu thật.
Phi Yến nói:
- Hôm nọ em chất vấn anh Dũng thì anh bảo anh nể bạn nên mới chịu đổi như vậy. Anh không ngờ chị không vui.
Phi Nga nói:
- Ở mãi một chỗ cũng buồn, đi đây đi đó để thay đổi không khí cũng hay. Chỉ bực mình là lúc này chị đang có thai gần ngày sinh, không dọn dẹp nhà cửa gì được.
Phi Yến nói:
- Vài tháng nữa chị hãy nghĩ đến chuyện ấy, bây giờ chị nặng nề như thế kia đừng làm lụng nhiều. Hãy để anh ấy lo cho biết chừng.
Ba chị em cùng cười. Phi Yến nói:
- Anh Dũng đổi đi chắc ông Châu tiếc anh ấy lắm.
Phi Anh cãi lại:
- Tiếc chị Phi Nga thì có... À, ông ấy không nói gì cả sao, hay là ông ấy cũng thích vì anh chị đi thì trả ngôi nhà này lại cho ông ta?
Phi Nga nói:
- Hôm nọ ông Châu có đến đây, lúc anh Dũng dạy ở trường. Ông không muốn cho anh Dũng đổi đi nhưng chị không thể làm như thế. Kể ra cũng tội nghiệp cho anh Dũng. Thì cứ thử chiều anh ấy một lần xem sao? Người đàn bà một khi có chồng mong mỏi cái gì? Sự hòa thuận, êm ấm ở gia đình. Ngoài ra cái gì cũng chỉ là ảo ảnh cả. Khi nào các em có gia đình rồi, các em mới hiểu điều này.
Phi Nga nói như thế vì nàng nhớ lại cái đêm Dũng đang ngủ bỗng thức dậy ra đứng ở cửa sổ mà nước mắt chạy quanh. Phi Nga không nói cho hai em biết điều này và cũng không nói lại những lời ông Châu đã nói với mình:
- Cô Phi Nga à, tại sao cô lại để cho thầy Dũng hoán đổi về Biên Hòa? Chúng tôi có lấy lại nhà cửa đâu? Thầy Dũng và tôi cũng không có sự gì bất bình nhau.
- Nhà tôi muốn thế, biết sao bây giờ?
- Cô còn nhỏ, cô cùng như em gái của tôi, cô cho phép tôi lấy tình thân hỏi cô việc này.
- Xin ông cứ hỏi.
- Hình như thầy Dũng không vui khi hay tin cô được giải thưởng gì đó bên Pháp.
- Nhà tôi vui lắm chớ.
- Không, cô đừng che đậy như thế. Liền sau cái tin mừng kia, ai cũng thấy thầy Dũng có vẻ nghĩ ngợi. Và thầy bỗng có ý muốn đổi đi. Tôi có khuyên thầy Dũng khi thầy nộp đơn nhưng thầy không chịu nghe. Nếu cô tỏ ra nể chồng thái quá thì tôi e từ đây cô chỉ biết sống cho gia đình.
- Sống cho gia đình, cho chồng con là nguyện vọng của tôi.
Ông Châu lắc đầu:
- Không đâu. Tôi không hiểu tại sao cô lại chịu kết hôn với một người như thầy Dũng. Lẽ ra cô phải có một người chồng hiểu cô hơn. Dũng không hiểu cô, không biết tài của cô. Cô không chịu nghe lời khuyên của ông Malê, của bà Quỳnh và bây giờ của cả tôi nữa. Cô đành để cho tài của cô mai một trong bổn phận làm vợ, làm mẹ thì thật là điều đáng tiếc.
Ông Châu nói nhiều lắm, Phi Nga ngồi nghe, đôi mắt nhìn ra vườn, tâm trí để tận đâu đâu. ông Châu kể chuyện bà Châu đang học vẽ ở Sài Gòn, coi bộ ham thích lắm.
- Tôi tưởng bà ấy nói đùa cho vui, ai ngờ bà ấy chịu khó học thật sự. Mấy hôm trước bà ấy mang về mấy bức tranh phong cảnh, xem cũng đỡ đỡ. Nay mai gì thì bà đi học với ông Trần Phong. Cô thấy đó, tôi không hề ngăn cản nhà tôi, tôi còn khuyến khích là khác.
- Cảnh của tôi khác của bà xa lắm. Tôi còn trẻ, đang lúc cần sống cho chồng, cho con, đang lúc chỉ thấy tình thương là lẽ sống, sự nghiệp, công danh là chuyện chưa phải lúc nghĩ đến. Không hiểu trước đây tôi chưa lập gia đình mà tôi gặp ông Malê, gặp ông với những lời khuyên của ông, tôi có nghe hay không, có đem hết tâm trí vào việc tạo cho đời tôi một sự nghiệp không? Chớ còn bây giờ, con tim có những lý lẽ mà lý trí không sao hiểu được, ông ạ. Tôi không hiểu nếu tôi phụng sự cho nghệ thuật, những bức tranh của tôi đem lại cho đời những lợi ích thiết thực gì, và nếu tên tôi được đời nhắc nhở đến, có lợi ích gì cho tôi không? Chớ còn bây giờ sống cho chồng con, tôi thấy lòng tôi lúc nào cũng ngập tràn một niềm vui. Chồng tôi có tôi, con tôi có tôi, tôi nhận thấy tôi có ích cho những người thân và rồi đây con tôi lớn lên, tôi dạy dỗ chúng nó nên người. Như thế ít ra tôi thấy rõ ràng trước mắt cuộc sống của tôi cần thiết đối với gia đình và với cả xã hội nữa.
Phi Nga còn nói nhiều lắm và ông Châu ngồi im nghe. Khi ra về ông tiếc rẻ là chưa thuyết phục được Phi Nga. Ông đành nói:
- Cô đi xa thỉnh thoảng về thăm nhà, nhớ ghé qua thăm vợ chồng chúng tôi.
Sau khi Dũng đi Biên Hòa xem qua ngôi nhà mà Phong nói với Dũng, Dũng rất hài lòng là Phong hứa giúp Dũng việc chuyên chở đồ đạc, kêu thợ sơn quét nhà cửa. Đâu đó yên xong rồi Dũng sẽ rước vợ con lên. Phong còn giới thiệu cho Dũng một người bạn làm cô đỡ ở bệnh viện để khi nào Phi Nga sanh đẻ thì nhờ đến cô ấy.
Phong còn nói:
- Ở đây phong cảnh đẹp, chị ấy tha hồ vẽ. Nếu anh chị có tiền thì mua luôn ngôi nhà này.
Từ hôm Dũng đi Biên Hòa về thì chàng và Phi Nga vẫn vui vẻ như thường, cả hai cùng tính chuyện dọn dẹp đồ đạc, chờ ngày Phong cho người xuống chở. Dũng nói:
- Em cứ ngồi nghỉ đi, để anh làm cho.
Phi Nga vẫn dọn dẹp đồ đạc vào rương, vào thùng. Những bức tranh và dụng cụ để vẽ, nàng bỏ hết vào một thùng lớn. Đôi khi vừa làm, Phi Nga vừa nói đùa:
- Em muốn để anh dọn một mình cho đáng kiếp, ai bảo xin đổi đi làm gì, nhưng rồi thấy anh hì hục, em không nỡ.
Dũng mừng rỡ:
- Em hết giận anh rồi chớ?
- Giận mà làm gì? Giá mạng có hai vợ chồng mà giận nhau thì ở với ai đây? Em mà giận anh thì còn thương yêu thằng Hoàng sao được?
Dũng cười:
- Vậy mà mấy hôm nay anh lo quá.
- Lo quá? Anh mà biết lo cái gì? Dù anh có lo thì chuyện lo nghĩ của anh cũng chỉ là chuyện tầm phào.
- Em khinh anh đến mức ấy sao?
- Không phải khinh mà em biết rõ tánh anh như thế. Chuyện đã rồi có cãi nhau cũng không ích gì. Nếu sống ở đây, anh không yên lòng thì muốn đi đâu em cũng có thể theo anh, xem thử rồi đây anh có vui lòng hay không? Em không muốn thấy anh tái diễn cái cảnh đêm nọ anh bỏ ngủ để lo nghĩ những chuyện không đâu.
Dũng nghe vợ nhắc lại chuyện cũ, bẽn lẽn:
- Thôi mà em, nhắc chi chuyện ấy? Từ nay anh không còn có ý nghĩ chán nản, cuồng điên ấy nữa. Đôi khi anh cũng nhận thấy anh quá ích kỷ, nhưng nếu em hiểu cho anh thì em cũng sẵn lòng tha thứ cho sự ích kỷ có lý do ấy. Một người chồng bao giờ cũng không muốn mất vợ, không bao giờ yên lòng khi hạnh phúc gia đình bị hăm dọa thường xuyên.
Phi Nga không muốn nghe những lý luận ấy. Nàng chỉ nghĩ Dũng muốn đòi đi Biên Hòa mà nàng chiều ý Dũng là được, nhưng lúc nào nàng cũng tin là nàng có thể làm chủ hoàn cảnh, nàng có thể tạo cho đời nàng, những người thân của nàng một cuộc sống theo ý nàng.
Khi Phi Nga lên tới Biên Hòa thì thấy nhà cửa dọn dẹp đâu đó yên xong. Ngôi nhà ấy rộng gấp đôi ngôi nhà cũ, có vườn rộng, ngó ra bờ sông mát mẻ. Dũng nói:
- Ở đây, nếu em muốn sẽ có chỗ riêng biệt cho em vẽ. Có cả phòng riêng cho con cái, nếu ta có tiền thuê vú thì các con chúng ta ở một phòng. Em tha hồ làm việc.
Mặc dù gần ngày sanh, Phi Nga cũng chịu khó trang hoàng lại nhà cửa và Dũng mừng thầm khi thấy Phi Nga không phiền trách chàng.
Làm việc gì Phi Nga cũng để hết tâm trí vào việc ấy và cũng có thể say mê vì công việc. Dũng ngồi nhìn nàng trang hoàng căn phòng dành riêng cho bé Hoàng, không khỏi phục tài nàng nên nói:
- Em định mua ngôi nhà này hay không mà vẽ kỹ như vậy?
- Anh muốn mua ngôi nhà này à? Anh định ở luôn đây sao?
- Anh thấy khí hậu miền Đông dễ chịu hơn.
- Nếu vậy, anh cứ nhờ anh Phong thương lượng giùm đi rồi em thưa với cha mẹ lấy món tiền hồi môn của em mà mua. Nếu là nhà của mình thì em sẽ sửa lại cái giếng, đặt máy bơm, em giao anh phần trồng trọt ngoài vườn, nhớ trồng thật nhiều hoa hồng cho em đấy nhé.
Việc dạy học của Dũng không có gì thay đổi, vẫn ngày hai buổi. Phi Nga không bao giờ nghe Dũng bảo là chàng thích học sinh, lớp học chàng vui vẻ... Dũng làm việc một cách bất đắc dĩ, không có gì sốt sắng. Từ ngày về đây, Dũng chưa có bạn bè thân. Chỉ vài đồng nghiệp mới đến thăm, có ông cũng đưa vợ đến chơi với Phi Nga.
Một tháng sau khi Dũng mua xong căn nhà thì Phi Nga sanh một đứa con gái. Con bé lần này cân nặng hơn bé Hoàng lúc trước, khỏe mạnh, hồng hào và Phi Nga cũng chóng bình phục. Lần này trong lúc sanh, không có cha mẹ và hai em thăm viếng, Phi Nga hơi buồn. Tuy vậy, Dũng không thấy vợ băn khoăn nhiều về việc này. Trước khi sanh, Phi Nga có mượn được một người giúp việc đã lớn tuổi. Một hôm Dũng đi vắng, Phi Nga chuyện trò với chị Tâm:
- Trước đây chị đã làm việc với ai chưa?
Chị Tâm nói:
- Tôi chưa đi làm, cô ạ. Chồng tôi chết sáu, bảy năm nay, hai con tôi đều có gia đình, nhưng thật ra chúng nó là con riêng của nhà tôi, vì thế bây giờ tôi không còn ai thân thích cả. Cô Phong thấy vậy khuyên tôi đến giúp cô vài tháng, bao giờ cô thật mạnh rồi, không cần đến tôi nữa thì tôi buôn bán làm ăn.
Phi Nga nghe thế liền hỏi:
- Chị có nhà cửa ở đây chớ?
- Không, quê tôi ở Bình Dương, tôi ở chung với một người bà con nhưng mà cảnh ở nhờ phiền lắm.
Phi Nga do dự một lát rồi hỏi:
- Chị có muốn ở đây luôn với chúng tôi không?
Chị Tâm nói, vẻ chân thật:
- Tôi chưa đi làm thuê ở mướn với ai bao giờ nên không biết có thể ở đây lâu với thầy cô không. Cô cứ để tôi ở thử xem sao? Nếu tôi thương hai cháu được, nếu thầy cô thương tôi được thì tôi có thể giúp cô lâu dài. Và cô cho phép tôi xem gia đình của thầy cô như gia đình của tôi.
- Bây giờ trong giai đoạn ở thử thôi phải không? Nhưng tôi tin rồi đây chị sẽ mến hai cháu. Bé Hoàng cũng dễ thương phải không chị?
- Dễ thương lắm, mà cháu nhỏ cũng đẹp quá, cô ạ. Cháu nhỏ tên gì hả cô?
- Bé Phi Hồng... Chị không còn ai là người thân thích thì hãy xem gia đình tôi như gia đình chị, chị ở đây với chúng tôi, bao giờ thấy buồn không muốn ở nữa thì hãy đi.
Nhờ vậy mà chị Tâm đã hết lòng với Phi Nga. Phi Nga rất mừng khi thấy chị Tâm nấu nướng rất khéo, làm lụng lanh lẹ, gọn gàng. Nhờ vậy mà Phi Nga rảnh rang săn sóc hai con. Chị Tâm còn thu xếp thì giờ tắm rửa cho bé Hoàng, đưa nó đi chơi, hoặc ẵm bé Phi Hồng, ru nó ngủ. Tối lại chị còn giành phần giữ hai đứa bé để Phi Nga có thể ngủ yên giấc.
Phi Nga nói với Dũng:
- May thật, chị Tâm giỏi quá mà lại biết thương yêu hai đứa bé. Chị làm tất cả và xem việc nhà của mình như của chị. Chị nấu nướng rất khéo, còn khéo hơn em nữa, lúc này em rảnh rang thật đấy mà bé Hồng thì dễ hơn Hoàng lúc nhỏ.
- Nhưng chắc gì chị ấy ở mãi đây với mình?
- Em chưa thấy chị ấy phiền gì về mình cả, chắc là chị ấy sẽ ở đây lâu. Nếu được vậy thì em sẽ dùng thì giờ dư vẽ cho xong mấy bức tranh em định vẽ lúc chưa có thai bé Phi Hồng. Vẽ hình anh, vẽ hình của chúng ta.
Không thấy Dũng nói gì, Phi Nga nói:
- Em định bán vài tấm tranh để trang hoàng nhà cửa. Em bắt đầu làm việc lại, xem thử có được không.
Ngày hôm sau, Phi Nga dọn dẹp một căn phòng để làm chỗ vẽ. Nàng hì hục dọn quét cả ngày. Chị Tâm thấy vậy liền hỏi:
- Cô làm gì, sao không bảo tôi làm cho?
Phi Nga cười:
- Chị cứ để yên cho tôi, tôi sửa soạn một chỗ để vẽ.
- Cô biết vẽ sao?
- Biết chút ít thôi. Nếu chị ở lại đây với tôi, tôi được rảnh rang sẽ vẽ tranh.
- Vẽ tranh để bán hả cô?
- Vẽ để tập và nếu ai mua cũng bán.
Chị Tâm suy nghĩ một chút rồi nói:
- Nếu cô có công việc làm thật sự, nghĩa là cô cần tôi thì tôi sẽ ở đây lâu với cô.
Phi Nga hỏi lại:
- Chị bằng lòng ở lại đây với tôi? Tốt lắm. Tôi sẽ có việc làm và nếu có đi đâu, tôi yên lòng vì đã có chị săn sóc hai cháu.
Từ hôm ấy, hễ Dũng đi dạy thì Phi Nga vào phòng vẽ. Nàng sửa lại bức vẽ hình của Dũng, rồi vẽ một tấm hình lớn gồm Dũng, nàng và hai đứa bé, Dũng và Phi Nga ngồi bên nhau, bé Hoàng đứng bên Dũng, còn bé Phi Hồng thì ngồi trong lòng mẹ. Vẽ xong bức tranh ấy, Phi Nga cuốn lại, rồi vẽ các bức phong cảnh “Buổi chiều trên sông”, “Bình minh trên cánh đồng”...
Cuộc sống của nàng và Dũng không có gì thay đổi, ngày nào cũng thế. Dũng ở trường về đã thấy Phi Nga bồng bé Hồng ra đón chàng, sáng cũng như chiều. Còn bé Hoàng hễ thấy Dũng về là ôm chầm lấy Dũng. Thằng bé rất yêu Dũng. Những bữa cơm vẫn ngon, nhà cửa thứ tự, các con vẫn sạch sẽ, khiến Dũng không ngờ là Phi Nga đã làm việc trong những lúc Dũng vắng nhà. Chiều nào Dũng cũng tưới hoa, xới đất trong khi phi Nga săn sóc con, chờ chị Tâm làm cơm. Sau bữa cơm tối, Dũng chấm bài, Phi Nga may thêu...
Ngày tháng cứ như thế trôi qua một cách nhanh chóng. Ngày bãi trường lại đến nhưng mùa hè năm ấy Dũng phải đi dự lớp tu nghiệp và còn phải đưa học sinh đi dự trại hè. Phi Nga ở nhà với hai con tha hồ mà vẽ. Nàng biết Dũng không thích đi xa, nhưng ông hiệu trưởng ở đây không phải như ông Châu. Ông Châu vì nể Dũng, mến Phi Nga nên rất dễ dãi với Dũng, tránh cho Dũng những sự mệt nhọc, vất vả.
Sau khi dự khóa tu nghiệp, Dũng về nhà bỗng xuống sức hẳn. Phi Nga săn sóc chồng và khuyên Dũng đi khám bệnh, nhưng Dũng bảo là chỉ mệt xoàng, nghỉ ở nhà vài hôm sẽ bình phục. Nhưng còn phải đưa học sinh đi dự trại hè, Dũng mất sức thêm một cấp nữa. Người ta đi nghỉ mát thì khỏe, Dũng đi nghỉ mát lại yếu đau, mệt mỏi.
Đến ngày tựu trường, Dũng vẫn nghe mệt nhiều, bỏ cả việc săn sóc vườn tược. Vì thế chiều nào Phi Nga cũng đưa Dũng đi dạo trong vườn. Một hôm tình cờ Dũng hỏi Phi Nga:
- Mấy lâu nay sao không thấy em vẽ?
- Em có vẽ, nhưng anh không biết là vì em chỉ làm việc những lúc anh đi dạy.
- Em vẽ được những gì, sao không cho anh xem với? Hay em nghĩ anh không biết gì về tranh?
- Tại anh có vẻ không muốn xem tranh của em.
Dũng theo Phi Nga vào phòng vẽ. Sau khi xem các bức tranh đang vẽ lỡ dở, Dũng hỏi:
- Còn đâu nữa?
Phi Nga lấy từng cuốn giấy căng ra cho Dũng xem. Khi xem bức vẽ chính mình. Dũng ngạc nhiên:
- Anh như vậy sao?
Phi Nga gật đầu thì Dũng nói:
- Không có anh ngồi làm mẫu, làm sao em vẽ giống anh được?
- Em thuộc tất cả những nét đặc biệt của anh. Anh thấy không giống anh à?
- Không phải không giống, nhưng trông anh xa vắng, yểu tướng, có một nét gì đó mong manh quá.
- Sao anh lại nghĩ vậy?
Dũng không được vui:
- Anh nhìn bức tranh, tự nhiên có cảm giác như thế.
Phi Nga vội nói:
- Anh chỉ tài nghĩ nhảm.
- Còn tấm tranh nào nữa?
- Còn tấm vẽ chúng ta và hai con. Đây này.
Dũng giúp Phi Nga căng tấm tranh ấy lên giá vẽ, rồi lùi lại để ngắm. Phi Nga đứng sau lưng, chờ chàng phê bình. Nàng hồi hộp không hiểu tại sao Dũng lại đứng tần ngần cả mười phút, không nói năng gì cả, đôi mắt cứ nhìn đăm đăm vào bức tranh. Phi Nga lo sợ đi lại đứng sát bên, đặt nhẹ tay lên vai chồng. Dũng giật mình khi cảm thấy có bàn tay của Phi Nga đè nhẹ lên chiếc áo.
- Anh thấy thế nào? Có được không?
Dũng quay lưng lại rồi đi lại cửa sổ, nhìn ra vườn, lặng lẽ không nói một lời. Phi Nga nhớ lại cái đêm nọ lúc còn ở ngôi nhà cũ, Dũng cũng đã đứng như thế giữa đêm khuya, trong lúc Phi Nga ngủ ngon.
Phi Nga bối rối hỏi:
- Anh không thích bức vẽ ấy à?
- Bức vẽ đẹp lắm, em thật là một thiên tài. Nhưng tại sao em lại vẽ như thế? Một người vợ ngồi bên chồng, phải nhìn về phía chồng, còn không phải cúi nhìn đứa con. Trong tranh, em lại nhìn về phía khác, và đôi mắt của em xa xăm, như đang mơ ước một chân trời nào khác, không phải cái khung cảnh chật hẹp của gia đình. Nét mặt em đầy nhựa sống, đầy tin tưởng, còn nét mặt anh thì đầy băn khoăn, lo nghĩ...
Phi Nga quay nhìn lại bức vẽ:
- Lúc vẽ em không để ý.
Dũng hỏi gằn:
- Em không để ý?
- Hình hai con đẹp chớ?
- Lẽ dĩ nhiên là đẹp.
- Thế tại sao em lại vẽ anh không đẹp? Như thế nào phải vẽ thế ấy. Vẽ hình người nào, tức là chép y hình dung người ấy. Và nếu có tài thì lột hết nội tâm của họ lên bức vẽ.
Dũng bực bội nói:
- Anh không cần em vẽ anh thành một kép xinê đẹp trai, anh chỉ nói về chuyện em vẽ em ngoảnh mặt về phía khác, trông nó làm sao ấy. Lại nữa hình anh ở đây cũng có một cái gì đó phù du. Đôi mắt thì vô thần còn nụ cười lại quá nhạt nhẽo...
Nói xong Dũng đi thẳng ra vườn, ngồi lên chiếc ghế đá. Phi Nga cuốn bức vẽ lại cất rồi đi ra theo, lại ngồi bên Dũng:
- Anh không thích bức vẽ ấy?
Phi Nga thấy Dũng chỉ lắc đầu mà không nói, không giải thích tại sao. Không hiểu được ý chồng, Phi Nga dọ dẫm:
- Hay là để em vẽ bức khác?
Dũng buồn rầu nói:
- Vẽ bức khác làm gì? Cứ để vậy đi.
Tối hôm ấy trước khi đi ngủ, Phi Nga còn nói:
- Vài hôm nữa, em sẽ vẽ bức tranh khác. Anh muốn em nhìn về phía anh hay nhìn con?
Dũng chua chát nói:
- Em nhìn anh hay nhìn con là tự ý em, anh muốn mà làm gì? Anh muốn thì còn có ý nghĩa gì nữa?
Phi Nga làm thinh, nàng cũng không được vui vì chuyện này và từ hôm ấy Phi Nga không còn muốn bước vào phòng vẽ nữa.
Chị Tâm thấy cả tuần Phi Nga không mó đến cây cọ thì hỏi:
- Sao cô không vẽ nữa? Tôi không biết vẽ nhưng thấy cô làm việc tôi thích quá. Đàn bà có tài là chuyện quý.
Phi Nga nghe thế liền kéo chị Tâm vào phòng vẽ, chỉ bức tranh gia đình của mình rồi hỏi:
- Chị xem thử nó có đẹp không?
Chị Tâm đứng ngắm một lúc lâu rồi nói:
- Đẹp lắm. Hai em giống lắm. Hình thầy cũng giống. Thầy có vẻ không được linh hoạt, nét mặt lúc nào cũng bơ phờ như thế đó. Dường như là người bất mãn. Hình cô thì giống lắm rồi, những lúc cô nghĩ ngợi nét mặt cô như thế đó.
- Vậy mà nhà tôi không thích bức tranh này. Chị biết tại sao không?
Chị Tâm nói vì chị nghĩ quá giản dị:
- Tại thầy không được đẹp.
- Không phải vậy. Thầy hỏi tại sao tôi lại không nhìn về phía thầy?
- Như thế thì đã sao?
Rồi chị Tâm gật đầu:
- Hèn gì mấy hôm nay tôi thấy thầy không vui, thì ra là tại bức tranh này.
Phi Nga chỉ muốn biết qua ý kiến một người ít học như chị Tâm. Chị ấy đành là không hiểu gì về hội họa, nhưng nghe chị nói thế, Phi Nga hơi yên lòng. Chị Tâm nói tiếp:
- Có lẽ thầy nghĩ cô không nhìn về phía thầy là không để ý đến thầy, bận tâm cho chuyện gì khác.
- Để tôi vẽ lại bức tranh khác.
Nhưng Phi Nga không vẽ gì hết, nàng chán nản vì thấy Dũng lúc nào cũng đăm chiêu, nghĩ ngợi. Riêng về phần Dũng, Dũng thấy mỗi ngày mỗi mệt mỏi thêm, dường như từng ngày qua đã mang đi một phần sinh lực của chàng. Chàng không sao quên được bức tranh gia đình của Phi Nga và ý nghĩ này luôn có trong đầu Dũng:
- Tại sao Phi Nga lại nhìn về phía khác? Không nhìn ta hay nhìn con? Tại sao Phi Nga lại vẽ ta với nét mặt mệt mỏi ấy?
Phi Nga không biết phải làm sao để Dũng vui lại như trước. Những món ăn do tay Phi Nga làm trước kia Dũng thích và ăn ngon lành, bây giờ Dũng không còn muốn đụng đũa đến. Dũng ăn rất ít, người gầy thấy rõ. Phi Nga buồn lắm.
Trong lúc gia đình Phi Nga đang trải qua một cơn xáo trộn ngấm ngầm thì một hôm bà Châu tìm đến thăm. Bà Châu như trẻ ra, phục sức trang nhã hơn trước. Vừa thấy mặt Phi Nga, bà reo lên:
- Tại sao cô lại nghe lời thầy Dũng dọn về đây?
Nói xong câu ấy, bà khựng lại vì thấy Dũng đang ở nhà. Bà giả lả nói tiếp:
- Tôi tìm nhà thầy cô mất cả buổi... Mệt quá! Ô kìa, sao thầy Dũng gầy sút hẳn đi như thế, không hạp khí hậu ở đây à?
- Từ hôm đi trại hè về đến nay, anh Dũng của tôi bệnh luôn.
- Chắc thầy bị sốt rét rồi. Khí hậu miền Tây hiền lành hơn. Lúc ở dưới, thầy khỏe mạnh, da dẻ hồng hào.
Dũng hỏi thăm sức khỏe của ông Châu và công việc ở trường thì bà Châu nói:
- Nhà tôi vẫn mạnh, công việc vẫn như trước. Không có thầy và cô Phi Nga nên kỳ nghỉ hè vừa rồi, lễ phát phần thưởng mất cả hào hứng.
Dũng hỏi:
- Bà không giúp ông hiệu trưởng sao?
- Tôi đâu có thì giờ. Tôi học vẽ ở Sài Gòn mà.
Phi Nga nói:
- Xa xôi mà bà cũng chịu khó đến thăm chúng tôi, chúng tôi cảm động quá.
- Tôi lên đây thăm người bà con, nhân thế ghé thăm thầy cô. À, tôi sắp cho triển lãm tranh của tôi tại phòng triển lãm Đô thảnh. Hôm ấy tôi sẽ rước cô đi dự lễ khai mạc vởi tôi. Tôi sở dĩ đưực như ngày nay là nhờ cô. Vì thế mà tôi lên đây cảm ơn cô.
Phi Nga đưa mắt nhìn Dũng. Dũng cúi đầu làm thinh. Bà Châu nói tiếp:
- Tôi lên Sài Gòn, lúc đầu học với ông Nam, một họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định. Ông Nam không phải là một họa sĩ có tài, chỉ chuyên vẽ những tấm quảng cáo, bìa tiểu thuyết, truyện tranh... Ông ta dạy tôi được ba tháng. Nhờ ông Nam dẫn dắt tôi vẽ được tất cả mười bức tranh phong cảnh, tranh người. Rồi ông Nam đưa tôi đến giới thiệu với ông Trần Phong. Lần này thì ông Trần Phong nhận cho tôi học. Ông Trần Phong xem những bức tranh của tôi, khen vẽ được, nhưng chưa phải là họa sĩ vì tôi chỉ chép lại tranh của người khác. Bây giờ thọ giáo với ông Trần Phong, tôi tiến bộ nhiều rồi, chính ông đã khuyến khích tôi triển lãm những bức tranh vẽ được trong thời gian học với ông. Ông Trần Phong lo tất cả về cuộc triển lãm này chứ tôi có biết gì đâu.
Bà Châu càng nói, Phi Nga càng cảm thấy buồn, nhưng cô làm vui để bà khỏi hiểu lầm nàng ganh tị với bà. Dũng đang ngồi nghe bà Châu nói chuyện, bỗng đứng lên:
- Anh có hẹn với một người bạn, em ở nhà tiếp bà hiệu trưởng và mời bà ấy ở lại đây dùng cơm nhé.
Quay lại bà Châu, Dũng nói:
- Xin lỗi bà, tôi có hẹn với một người bạn. Bà cứ ở chơi...
Không để Dũng nói hết câu, bà Châu vội nói:
- Thầy có việc cứ đi. Để tôi ở nhà nói chuyện với cô cũng được. Lâu ngày không gặp nhau, chị em chúng tôi còn nhiều chuyện nói với nhau.
Đợi Dũng đi rồi, bà Châu nói:
- Cô không vẽ gì hết sao cô Phi Nga?
- Gần đây tôi có ý định vẽ lại, nhưng rồi lại phải dẹp một chỗ vì anh Dũng bị bệnh. Không phải mắc bệnh nặng nhưng anh ấy ăn ít, ngủ ít và gầy thấy rõ. Bác sĩ bảo anh ấy bị suy nhược, tẩm bổ một thời gian sẽ khỏe lại.
- Họa sĩ nào quen với cô ở Rome về chưa?
- Dạ chưa.
- Thế cô có định đi học với ai không?
- Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó.
- Cô nên nghĩ gấp đi. Tôi vẽ thua cô nhiều mà bây giờ nhờ học có thầy, tôi tiến bộ nhiều lắm.
Phi Nga nghĩ thầm:
- Bà ấy vẽ như thế nào mà dám bảo là tiến bộ?
Bà Châu nói:
- Ông Trần Phong phục tôi. Tôi có nói với ông về cô, và ông tỏ ý muốn gặp cô. Hôm nào cô đi Sài Gòn dự triển lãm tranh của tôi, tôi sẽ đưa cô đến thăm ông Trần Phong. Cô nhớ kỹ, tuần sau tôi đem xe lên rước cô.
Phi Nga do dự:
- Anh Dũng đang bệnh, tôi đi sao tiện? Lại còn hai đứa bé...
- Thầy Dũng chỉ mất sức, đâu phải đau nặng. Còn hai cháu thì đã có chị vú. Tôi thấy cô có mướn người, tôi mừng quá.
Lúc đứng dậy ra về, bà Châu còn dặn:
- Nhớ đấy nhé, tuần sau, đúng thứ tư, tôi lên rước cô. Cô sửa soạn sẵn, bảy giờ tôi lên tới. Có cần mời thầy Dũng cùng đi không?
Nghĩ một giây, bà nói tiếp:
- Phải mời cả thầy Dũng, còn đi hay không là tùy ở thầy.
Bà Châu về rồi, Phi Nga ngồi nhìn ra vườn, đôi mắt buồn rười rượi. Bé Hoàng chạy lại gọi nàng mấy lần mà nàng cũng không nghe. Chị Tâm thấy vậy phải lên bồng bé Hoàng xuống bếp. Một sự chán nản từ đâu kéo đến xâm chiếm tâm hồn nàng, nàng nhớ lại những lời của bà Quỳnh, những lời khuyên của ông Malê, rồi thở dài.
Giữa lúc ấy thì Dũng về. Dũng đi lại gần bên mà Phi Nga vẫn không hay biết. Dũng đứng nhìn vợ rồi lên tiếng:
- Bà Châu về rồi à? Em nghĩ gì mà thừ người ra vậy?
- Nghĩ vẩn vơ vậy mà.
- Em nhớ đi dự cuộc triển lãm tranh của bà Châu nhé. Em nên đi cho biết.
Nói xong Dũng ngồi xuống bên Phi Nga rồi nói tiếp:
- Bà Châu đâu có tài gì, vậy mà bây giờ người ta gọi bà là nữ họa sĩ Huỳnh Ngọc Diệp. Rồi đây các báo sẽ nói đến tên bà, trong khi đó, một người có tài như em lại ngồi nhà ẵm con. Vô lý thật!
- Bà Châu tên thật là Huỳnh Ngọc Diệp à? Sao anh biết?
- Lúc nãy anh đến thăm anh Trinh, anh ấy có nói về bà Châu vì bà này có họ hàng với vợ anh Trinh.
- Thế anh có cùng đi xem triển lãm với em không? Từ ngày cưới nhau đến giờ, chúng ta chưa có dịp đi Sài Gòn. Bà Châu mời cả anh nữa.
- Nếu đến hôm đó mà khỏe thì anh sẽ đi với em, chúng ta sẽ gặp ông Châu.
- Chắc gì ông Châu đến dự.
- Sao lại không? Có vợ là một nữ họa sĩ cũng thích chớ.
Phi Nga buột miệng:
- Vậy mà có người không thích thì sao?
Dũng hiểu ý Phi Nga muốn ám chỉ mình liền nói:
- Anh cũng thích thấy em nổi tiếng lắm. Từ nay em nên sắp đặt thì giờ để đi học vẽ. Độ rày đã có chị Tâm chăm nom các con.
Phi Nga nhìn Dũng, vẻ mặt của Dũng thản nhiên, đầy vẻ thành thật. Dũng hiểu cái nhìn ấy nên nói:
- Anh đã nghĩ lại rồi. Em có tài, em nên nghĩ đến sự nghiệp của em. Bao nhiêu người đã khuyên em như thế, lẽ nào anh lại ích kỷ cứ bắt em phải sống bên anh, phải lo cho anh, cho các con?
Dũng nói đến đây ngừng một chút để suy nghĩ, rồi hỏi tiếp:
- Anh Giang về chưa? Em có định học với anh Giang không?
- Anh Giang chưa về. Nhưng lúc này em cần vẽ hơn là học. Em có sẵn nhiều đề tài nhưng chưa vẽ được.
- Thế thì bắt đầu từ ngày mai, em vẽ đi.
Phi Nga hỏi:
- Anh có muốn em sửa lại bức tranh gia đình của chúng ta không?
- Không cần. Em đã vẽ như vậy thì cứ để vậy.
- Anh không muốn em sửa thì thôi, chuyện ấy sẽ nghiên cứu lại.
Dũng cầm tay Phi Nga rồi nói:
- Mấy năm nay, em mất thì giờ nhiều cho anh, cho con rồi. Lúc này anh lại không được khỏe. Không hiểu tại sao từ ngày dọn về đây, anh nghe trong người suy yếu nhiều. Anh cảm thấy anh yếu dần.
Phi Nga nhìn Dũng. Quả thật nét mặt Dũng đầy vẻ mệt mỏi. Nàng liền nói:
- Bác sĩ dặn anh phải tĩnh dưỡng, uống thuốc bổ thật nhiều, vậy mà anh lại không chịu uống thuốc.
Dũng làm bộ vui vẻ:
- Anh sẽ uống để em vui lòng.
Từ hôm ấy, mỗi khi ở trường về, Dũng thường hỏi vợ:
- Ở nhà em đã vẽ được gì chưa?
Phi Nga vui vẻ:
- Em đã vẽ được rồi.
Thế là Dũng đi nhanh vào phòng vẽ của Phi Nga để xem nàng đã làm được những gì. Phi Nga không ngờ sự thăm viếng thình lình của bà Châu đã làm Dũng thay đổi như vậy.
Một hôm Trinh đến thăm Dũng khi Phi Nga đi vắng. Khi Phi Nga về thì chị Tâm nói nhỏ với nàng:
- Thầy mời ông khách vào phòng vẽ. Cả hai nói chuyện trong ấy cả giờ rồi.
Phi Nga đến đứng ngoài cửa thì nghe hai người đang nhận xét về những bức vẽ của nàng. Trinh nói:
- Tôi đâu ngờ chị ở nhà có tài như thế. Ồ, những bức tranh của chị còn đẹp hơn những bức tranh của bà Châu. Vậy tại sao chị không đem ra triển lãm?
- Nhà tôi không có học với ai, vì thế không có người đỡ đầu. Đâu phải ai có tranh cũng đem ra triển lâm được. Phải có vây cánh nữa chớ.
- Thì hãy để chị ấy đến học với ông Trần Phong như bà Châu. Rồi tự nhiên ông ấy đứng ra lo việc ấy cho. Bà Châu cũng nhờ ông Trần Phong lo cho đấy chớ.
Phi Nga nghe Dũng kể Trinh nghe về sự giúp đỡ và khuyến khích của ông Malê thì Trinh liền nói:
- Nếu vậy thì chị đã bỏ trôi qua một dịp? Hay là anh không muốn cho chị có sự nghiệp nào khác ngoài sự nghiệp sanh con đẻ cái cho anh?
- Tôi cũng có khuyên mà nhà tôi bảo đang bận cháu. Có lẽ từ nay nhà tôi sẽ nghĩ đến con đường sự nghiệp.
- Không có lẽ gì hết. Chị phải nghĩ đến con đường sự nghiệp và anh phải vui vẻ giúp chị, có thế gia đình mới có hạnh phúc. Nếu anh vì ích kỷ mà tìm cách ngăn cản không cho chị vẽ thì rồi chị sẽ chán anh.
Dũng phàn nàn:
- Tôi đâu có ngăn cản. Tại sao ai cũng nghĩ vậy? Ông Châu, bà Châu đều nói như thế. Và giờ lại đến phiên anh.
Trinh nhận định:
- Anh không ngàn cản nhưng anh lại muốn chị lo cho anh từng ly từng tí thế kia, thì khác nào anh ngăn cản. Lúc mới yêu nhau, chị ấy có thể hy sinh tất cả cho tình yêu, nhưng anh cũng thừa biết với hạng đàn bà có tài phải đối xử với họ một cách khác. Không thể xem họ là một cái máy đẻ, là chị bếp, chị vú được. Đã lỡ cưới họ rồi thì nếu họ có tài hơn mình, mình hãy nhượng bộ, đừng lên mặt chủ nhân ông với họ mà hạnh phúc gia đình tan vỡ. Nếu anh không phải là hạng người cúi đầu trước một thiên tài thì đừng cưới vợ giỏi hơn mình.
Trinh nói đến đây thì Dũng đứng lên:
- Thôi, chúng ta hãy ra ngoài nói chuyện. Anh hiểu lầm đấy, Phi Nga hiền lành lắm, không cậy mình có tài, không nghĩ mình hơn chồng. Phi Nga bảo đã là vợ chồng thì phải xem nhau như một.
Phi Nga vội vã tránh vào phòng bé Hoàng. Nhưng cũng nhờ nghe câu chuyện giữa Trinh và Dũng mà Phi Nga hiểu vì lẽ gì Dũng thay đổi ý kiến, chịu để cho Phi Nga đi học vẽ, đi xem triển lãm.
Đưa Trinh ra về, Dũng trở vào thấy Phi Nga ngồi bồng con thì ngạc nhiên:
- Em về từ hồi nào?
Phi Nga cười:
- Đố anh biết?
- Em về lúc anh và anh Trinh nói chuyện trong phòng vẽ phải không?
- Đúng rồi! Em tránh mặt, để yên cho anh trò chuyện với bạn. Anh thích anh Trinh lắm phải không?
- Ở đây anh chỉ có Trinh là bạn, không thân thì rồi cũng phải thân.
Để Phi Nga khỏi hỏi lôi thôi về sự thăm viếng của Trinh, Dũng hỏi:
- Bé Hoàng đâu rồi?
- Nó đang đuổi bướm ngoài vườn.
Trong lúc ấy, Dũng nghe có tiếng gọi:
- Mình ơi! Ra đây Hoàng nói cái này.
Dũng ngạc nhiên:
- Nó gọi ai vậy?
- Đố anh biết nó gọi anh hay gọi em?
Dũng cười một cách đầy thú vị:
- Chắc là nó gọi anh.
Bé Hoàng gọi lớn hơn:
- Mình ơi ra bắt dùm em con bướm.
Phi Nga giải thích:
- Mọi ngày chúng ta gọi nhau bằng “mình” nên nó tưởng đâu chúng ta tên Mình.
Thấy gọi mãi mà Dũng không ra, bé Hoàng gọi lại:
- Anh ơi ra bắt con bướm cho em.
Dũng cười và nói với vợ:
- Đúng là nó gọi anh rồi!
Dũng vội vàng chạy ra vườn. Nét mặt Dũng vui hẳn lên và Phi Nga nhìn theo chồng, lòng rộn lên niềm vui khó tả. Trong lúc ấy, Phi Nga cảm thấy mình và Dũng gần nhau vì cả hai đều hướng về bé Hoàng. Phi Nga biết Dũng yêu Hoàng lắm, nhất là từ khi thằng bé bắt đầu tập nói. Dũng cũng rất yêu bé Phi Hồng, nhưng vì nó còn bé quá nên tình cảm ấy chưa thể hiện nhiều được.
Phi Nga bồng bé Hồng đi ra vườn. Dũng đuổi theo con bướm trong khi bé Hoàng đưa hai tay ra chờ đón con vật nhiều màu sắc ấy. Thấy mẹ ra, bé Hoàng nói:
- Mẹ bắt bướm, nó bay mất rồi.
- Cha đang bắt cho con kìa.
Phi Nga kêu Dũng:
- Anh ráng bắt cho con, con bướm nhỏ ấy.
Hoàng nói theo:
- Ba ráng bắt cho con, con bướm nhỏ ấy.
Dũng đã chụp được con bướm trong hai bàn tay úp lại, chàng cười lớn, vang lên cả một góc vườn. Tiếng Hoàng hò reo hòa với giọng cười vô tư của Dũng khiến Phi Nga càng quên tất cả. Câu chuyện của Dũng và Trinh lúc nãy gây cho Phi Nga bao bâng khuâng, xúc cảm thì bây giờ đã tiêu tan theo nhịp cười của cha con Dũng.
Nhưng tôi lại, sau bữa cơm, Dũng nhắc vợ:
- Em phải thu xếp thì giờ để vẽ và nhớ đi xem cuộc triển lãm tranh của bà Châu, em nhé. Em hãy quên đi những gì xảy ra trong đêm nọ và tha thứ cho anh về những gì mà anh đã làm em buồn phiền, nếu có.
- Anh không có lỗi gì hết. Chính em mới là người có lỗi. Nếu em không muốn hay chưa muốn nghĩ đến nghệ thuật, là vì em đang thích sống cho tình yêu. Chỉ có thế, thiên hạ làm sao hiểu em được. Nhưng anh đã muốn cho em học vẽ thì em sẽ nghĩ đến chuyện đó.
Từ hôm ấy Phi Nga thấy Dũng có vẻ cởi mở hơn bao giờ hết.
Nhưng rồi đến ngày bà Châu lên mời Dũng và Phi Nga đi xem triển lãm thì Dũng lại viện cớ chưa được khỏe, không đi dự, để vợ đi một mình. Dũng nói với vợ:
- Em cứ yên lòng mà đi chơi. Ở nhà đã có chị Tâm và anh, em đừng ngại.
Hôm ấy bà Châu chưng diện thật đẹp, nhưng Phi Nga lại rất giản dị trong chiếc áo dài màu xanh nhạt mặt không chút son phấn. Lúc ngồi vào chiếc xe hơi của bà Châu, Phi Nga nói:
- Đây là lần đầu tiên em đi xem một cuộc triển lãm, chắc em quê mùa lắm.
Bà Châu khuyên:
- Cô nên thoa một chút son cho tươi.
Phi Nga lắc đầu. Nàng đang nghĩ về sự thành công của bà Châu. Bà Châu thì khoe khoang luôn miệng:
- Tôi mới mua chiếc xe này để làm phương tiện đi lại. Từ rày về sau chắc tôi phải đi nhiều. Buồn cười lắm, cô Phi Nga ạ. Lúc mình còn ở dưới tỉnh, đội cái chức hiệu trưởng của ông chồng thì không ai thèm biết mình là ai, vậy mà từ khi mình vẽ được vài bức tranh và nàng nghệ thuật cho phép mình mang lại cái tên hồi con gái Huỳnh Ngọc Diệp thì không biết bao nhiêu người tìm đến làm quen với mình. Rồi các báo nói đến tác phẩm của mình, đến phỏng vấn, đăng hình mình lên báo. Có nhiều người lầm tưởng mình chưa lập gia đình nữa! Vì họ nghĩ một người đàn bà đã có chồng, có con và lớn tuổi như mình thì làm sao vẽ vời được... Có vậy ông Châu nhà tôi mới không còn khinh rẻ tôi chỉ biết vẽ bài tứ sắc...
Bà Châu như người say hơi men đắc thắng không có một chút gì gọi là khiêm tốn, quên phắt là mình đang ngồi bên một người có tài hơn bà nhưng người ấy lại vui lòng chịu sống trong bóng gia đình.
Bà nói một hơi, không nghe Phi Nga nói gì thì quay qua nhìn nàng. Nàng cúi đầu nhìn bàn tay, nhìn mà không để ý đến vật mình đang nhìn, tâm trí để tận đâu đâu. Phi Nga đang nghĩ lại sự gặp gỡ của nàng và ông Malê trước đây, về những lời khuyên nhủ của ông, của bà Quỳnh... Bà Châu hỏi:
- Cô nghĩ gì thế?
Phi Nga lim dim đôi mắt:
- Tôi không quen đi xe hơi nên nghe mệt, chớ không nghĩ gì hết.
- Nãy giờ cô nghe tôi nói chớ?
Sự xã giao bắt buộc Phi Nga phải nói dối:
- Tôi nghe.
Thế là bà Châu nói tiếp:
- Ông Trần Phong trước đây làm tôi thất vọng bao nhiêu thì giờ đây lại tử tế với tôi bấy nhiêu. Ông ta thật là người có tinh thần nâng đỡ những người mới chập chững bước vào con đường nghệ thuật. Để tôi giới thiệu cô với ông Trần Phong. Người có tài như cô, chắc thế nào cũng được ông ta mến nể. Trong thời gian người bạn của cô ở Rome chưa về, cô hãy nghe lời tôi, đến học với ông Trần Phong.
- Cám ơn những lời khuyên của bà, tôi sẽ nghĩ lại.
Chiếc xe hơi chạy bon bon trên đường, nuốt bảy chục cây số giờ, thì bà Châu cũng nói không ngừng. Phi Nga ngồi nghe, thỉnh thoảng mới trả lời vài câu hỏi của bà.
Xe ngừng trước một biệt thự lớn ở đường Vĩnh Viễn. Bà Châu nói:
- Chúng ta ghé lại đây để rước họa sĩ Trần Phong.
Bà Châu mở cửa xe và rủ Phi Nga cùng vào nhà ông Trần Phong. Phi Nga đi theo bà như một cái máy. Trong khi bà Châu đi thẳng vào phòng trong thì Phi Nga ngừng lại xem những bức tranh treo đầy phòng lớn bên ngoài. Tranh các môn đệ của ông Trần Phong treo về một phía, một phía là tranh của ông. Những bức tranh của các môn đệ không có gì là đặc sắc, trong khi tranh của ông Trần Phong thật là tài tình.
Phi Nga ngắm say sưa một bức tranh lụa, màu sắc thanh nhã không sao tả được. Phi Nga cảm thấy một cái gì cao khiết, thần diệu len lỏi vào tâm tư mình. Lúc nãy ngồi trên xe, Phi Nga bực mình bao nhiêu vì chuyện khoe khoang của bà Châu thì bây giờ lại thấy khoan khoái, nhẹ nhàng bấy nhiêu khi được xem bức tranh thủy mạc ấy.
Phi Nga không còn biết mình đang đứng ở đâu, quên cả thời gian, không gian. Nàng không ngờ nghệ thuật đi đến một chỗ tuyệt mỹ như thế.
Một bàn tay đặt nhẹ lên vai Phi Nga, lúc bấy giờ Phi Nga mới giật mình quay lại. Bà Châu giới thiệu nàng với ông Trần Phong trong khi nét mặt của nàng còn chìm đắm trong một cảm giác mới lạ. Nàng cũng không để ý là ông Trần Phong đang nhìn mình với đôi mắt vừa ngạc nhiên vừa mến phục:
- Cô Phi Nga mà bà thường nói với tôi đây phải không?
- Dạ phải.
Ông Trần Phong hỏi Phi Nga:
- Cô ngắm gì mà thẫn thờ vậy?
Phi Nga nói:
- Bức tranh này đẹp quá.
Ông Trần Phong chỉ một bức tranh gần đó và hỏi:
- Thế còn bức tranh kia?
- Tôi không thích nó lắm.
- Tại sao vậy?
- Tại vì nếu tôi vẽ, tôi sẽ vẽ thế này.
Vừa nói, Phi Nga vừa đưa tay phác họa một cử chỉ. Nàng nói về con đường dài trải ra trước mắt trong bức tranh:
- Một túp lều bên một con đường hoang vắng phải nằm về hướng này thì bức họa mới nói lên được sự hoang vắng của cảnh vật mà ông muốn diễn tả.
Phi Nga vừa nói vừa đi lại một tấm bảng đen gần đó, lấy viên phấn phác họa những nét chính trước mặt ông Trần Phong.
- Cô không thích tôi vẽ như thế à? Vậy mà có người trả bức tranh ấy đến hai vạn đồng đó.
Ông Trần Phong chắp hai tay sau lưng đi lại trong phòng mà đôi mắt không rời khỏi bức tranh, vẻ mặt ông thay đổi từ tức giận đến suy tư. Bà Châu thấy thế liền nói:
- Xin mời thầy ra xe kẻo trễ.
Ông Trần Phong liếc nhanh Phi Nga, rồi đi theo bà Châu. Bà này lôi Phi Nga đi và nói:
- Chiều nay cô trở lại xem những bức tranh của thầy. Mới xem qua không thể phê bình được.
Lúc ngồi vào xe, ông Trần Phong nói:
- Bà Châu nói phải đó, chiều nay mời cô trở lại xem nốt những bức tranh khác.
- Vâng, chiều nay tôi sẽ trở lại. Mong họa sĩ không giận tôi về những ý kiến mạo muội lúc nãy.
Ông Trần Phong cười lớn:
- Không sao, biết đâu cô không có lý.
* * * * *
Phi Nga bước vào xưởng vẽ của ông Trần Phong, định xem tiếp những bức tranh treo trong phòng. Phi Nga đã dự lễ khai mạc cuộc triển lãm tranh của bà Châu. Không dám nói ra nhưng nàng thấy không có bức nào đặc sắc cả, đó chỉ là một sự sao chép tranh của các họa sĩ khác. Tuy vậy, cũng có vài bức khá đẹp mà Phi Nga đoán chắc đã có ông Trần Phong nhúng tay vào. Ai tinh mắt sẽ thấy rõ ngay.
Trong lúc người đi xem tranh tấp nập trong phòng, nhiều người tụ lại bên bà Châu, thì Phi Nga thấy ông Trần Phong ra về trước. Phi Nga không ganh tị với sự thành công của bà Châu ngày hôm nay, nhưng nàng không sao chịu được cái không khí ồn ào, náo nhiệt ấy. Vì thế Phi Nga đã lặng lẽ ra khỏi phòng triển lãm và kêu xe đi thẳng lại nhà ông Trần Phong.
Phi Nga xem kỹ từng bức tranh, rồi đến ngắm lại bức tranh túp lều giữa cảnh hoang vu thật lâu. Tâm trí nàng để hết vào sự phê bình bức tranh ấy thì sau lưng nàng có tiếng chân đi nhè nhẹ.
- Tôi biết thế nào cô cũng trở lại đây. Cô vẫn giữ ý kiến của cô về bức tranh này?
Phi Nga quay lại và nói:
- Vâng, tôi vẫn thấy nó không được đẹp.
Rồi nàng nhìn lại tấm bảng đen mà sáng nay mình đã phác họa những nét đơn sơ, thấy nó vẫn còn nguyên, chưa được lau chùi. Đôi mắt sáng lên, nàng nói:
- Tôi là một người vô danh tiểu tốt mà lại dám phê bình tranh của một họa sĩ bậc thầy của thiên hạ thì thật là một điều đáng trách, xin ông tha thứ cho tôi.
Ông Trần Phong nhìn thẳng vào đôi mắt của Phi Nga:
- Tôi đã nghĩ kỹ trước khi cô đến đây. Bức tranh này đúng là phải sửa lại.
Rồi với một cử chỉ thân mến, quên rằng ông ta là đàn ông còn Phi Nga là người của phái đẹp, ông lấy hai tay ôm lấy đôi vai nhỏ bé của Phi Nga, y như đối với một người bạn cùng phái:
- Tại sao cô không đến học với tôi? Tôi sẵn sàng chỉ vẻ cho cô. Tôi cũng sẵn sàng xem cô như một người bạn. Cô thấy đó, tôi vẫn nghe theo lời phê bình của cô.
Phi Nga gỡ nhẹ đôi tay của ông Trần Phong ra:
- Tôi hiện đang làm mẹ hai đứa con. Tôi nghĩ đó cũng là một sự nghiệp đáng kể.
Ông Trần Phong la lên:
- Làm mẹ... Chuyện ấy tầm thường quá! Bất cứ người con gái nào có chồng cũng có thể làm mẹ được hết. Nhưng trên đời này có mấy người con gái vẽ được một bức tranh?
Rồi ông chỉ tay ra ngoài đường:
- Kìa, cái bọn đàn ông chạy qua chạy lại đó, có đứa nào không làm cha được đâu, nhưng thử hỏi mấy đứa vẽ được một bức tranh?
Phi Nga phì cười trước lời nói đầy tự đắc của ông Trần Phong. Thấy thế ông Trần Phong hét lên:
- Cô cười à? Tôi nói không phải sao?
Rồi kéo Phi Nga lại một chiếc ghế, ông ra dấu bảo nàng ngồi xuống. Ông đến ngồi trên một góc bàn thấp đối diện và nói:
- Tôi nghe bà Châu nói về cô rất nhiều. Tôi chưa được xem một bức tranh nào của cô. Tôi phải tìm lên chỗ cô ở để xem qua cho biết. Nhưng cô hãy hứa với tôi đi.
- Hứa cái gì thưa ông?
- Hứa sẽ đến đây để tôi chỉ vẻ thêm cho cô. Tôi không lấy tiền đâu mà cô ngại.
Phi Nga lắc đầu:
- Nhưng tôi chưa học được thì làm sao dám hứa? Xin ông đừng đi Biên Hòa mất công, tôi chưa vẽ được bao nhiêu đâu. Mấy lúc nay tôi bận lo cho chồng con. Những bức vẽ được lúc còn con gái thì tôi đã bán hết rồi.
Ông Trần Phong nhìn thẳng vào đôi mắt Phi Nga:
- Vậy cô muốn gì?
- Tôi không hiểu câu nói của ông? Tôi có muốn gì đâu?
- Thế cô đến đây làm gì? Tự nhiên ở đâu đến đây chê tranh của tôi?
Phi Nga nói một cách tự nhiên:
- Tôi được bà Châu mời đi xem cuộc triển lãm tranh của bà. Bà ghé lại đây rước ông nên tôi có dịp ngắm những bức tranh của ông. Chỉ thế thôi. Đâu phải tôi đến đây với ý định xin học vẽ với ông.
Ông Trần Phong nói, giọng bực dọc:
- Tôi muốn giúp cô.
- Tôi thành thật cám ơn ông. Hôm nào rảnh, tôi sẽ đem vài bức tranh của tôi đến đây cho ông xem.
- Cô thích vẽ loại tranh gì?
- Tôi thích vẽ phong cảnh, nhưng trong phong cảnh phải có người. Tôi không thích cảnh chết như bức tranh túp lều bên đường vắng của ông.
Ông Trần Phong mỉm cười:
- Đàn bà thường không thích cảnh chết.
Chỉ một bức tranh treo trên vách, ông Trần Phong hỏi:
- Bức này có đẹp không?
Đó là một bức tranh vẽ một người mẹ đang âu yếm nhìn đứa con nhỏ ngồi chơi dưới đất. Phi Nga nhìn một lúc rồi nói:
- Chưa diễn tả được một cách đầy đủ. Cái đầu người mẹ nghiêng xuống quá, nên đôi mi nhắm lại. Tình mẫu tử chỉ bộc lộ ở nét mặt hiền từ, mà nét mặt người mẹ, họa sĩ nào đây diễn tả không nổi. Bức tranh này không phải của ông.
Ông Trần Phong gật đầu thì Phi Nga nói tiếp:
- Muốn vẽ được bức tranh này phải là một họa sĩ tài hoa, là thợ thì không nên chọn đề tài này.
Ngừng một lát như để suy nghĩ kỹ thêm, Phi Nga nói:
- Một tay thợ mà chọn đề tài này thì càng dễ cho thiên hạ thấy sự bất tài của mình. Một tay thợ có thể vẽ vầng thái dương đang nhô ở chân trời, trải trên mặt biển một rừng hào quang lóng lánh, lung linh năm màu mười sắc; hoặc vẽ những cành hoa tươi thắm giữa trời xuân huy hoàng, với màu sắc óng ánh. Một tay thợ cũng có thể vẽ những đề tài sau đây: một bà cụ già đầu tóc bạc phơ ngồi trên chiếc ghế đá trong một ngôi vườn mát mẻ, giữa cảnh hoàng hôn, chung quanh là năm ba đứa trẻ đang xúm xít để nghe kể chuyện cổ tích; hoặc một thiếu phụ đang làm bếp, đang trang điểm, đang thêu may... Những đề tài ấy ai vẽ không được, vì nó thuộc thể loại chép y một cảnh mắt thấy, màu sắc có sẵn. Nhưng vẽ bức tranh tình mẫu tử thì phải diễn đạt hết tinh thần.
Ông Trần Phong ngồi im nghe Phi Nga nói, đôi mắt dán lên đôi môi nàng. Nhưng Phi Nga không để ý cái nhìn chăm chú của ông, nàng đang bận rộn suy nghĩ như chính mình đang tìm cách thực hiện bức tranh về tình mẫu tử:
- Vẽ một người mẹ đang nghiêng mình bên chiếc nôi của con là cả một công trình vĩ đại. Người mẹ ấy không cần đẹp, ăn mặc không cần sang, nhưng phải vẽ sao cho nét mặt bà thật dịu hiền, đôi mắt trong sáng trong tình yêu thương tha thiết... Phải vẽ đôi tay bà thật mềm mại, để khi ngắm đôi bàn tay mềm mại ấy, người ta hình dung ngay được những cái vuốt ve êm ái.
Đứa bé thì phải vẽ thật mũm mĩm, đôi mắt đen lánh với những cái núm đồng tiền xinh xinh, hai cườm tay no tròn, có ngấn. Phải vẽ như thế để thấy rõ sự khéo nuôi, khéo săn sóc của người mẹ. Đứa bé nhìn mẹ cũng như bà mẹ nhìn đứa bé. Phải vẽ thế nào cho Vũ trụ thu hẹp lại bên chiếc nôi, đôi mắt đứa bé chưa nhận định được gì xung quanh nó, nhưng nó đã nhận ra được nét mặt thân yêu, quen thuộc lúc nào cũng nghiêng mình bên nó. Nếu người vẽ có tài thì qua nét bút, người ta sẽ cảm thấy lúc nó khóc, lúc nó cười, lúc nó vòi vĩnh... nó chỉ thấy có mẹ nó mà thôi.
Vẽ được như vậy sẽ là một bức tranh tuyệt bút. Bức tranh ấy sẽ đẹp hơn tất cả những kỳ quan của vũ trụ, đẹp hơn tất cả những sáng tạo của khoa học. Không một bài hùng ca nào, không một lời triết lý nào và cũng không một vẻ kiều diễm của bậc quốc sắc nào có thể so sánh với bức tranh mẫu tử này của nhân loại.
Đôi mắt sáng lên một cách kỳ quặc, đôi môi đỏ hồng như bị nung đốt bởi một ham muốn say mê phụng sự cho nghệ thuật, Phi Nga nói tiếp:
- Loài người chỉ có bức tranh ấy là đẹp nhất và có vẽ được như thế, nét bút của họa sĩ mới lột được cái ý: Tình mẫu tử còn thì nhân loại còn.
Ông Trần Phong nghe Phi Nga nói đến đây liền đứng ngay dậy:
- Ồ, cô nói phải lắm. Mặc dù chưa thấy bức họa nào của cô, nhưng tôi tin chắc cô là một họa sĩ có tài. Cô đã học với ông thầy nào chưa?
- Có học lúc còn đi học ở trường.
- Lúc ấy cô đi học chữ kia mà! Mỗi tuần được mấy giờ vẽ?
- Vài giờ. Nhưng tôi thích vẽ, nên học thêm, phần nhiều là tự học.
- Bây giờ cô chưa học được à?
- Tôi phải sống cho chồng con tôi.
Ông Trần Phong thở dài:
- Lại trở lại vấn đề này. Sống cho chồng con! Sao cô nghĩ tầm thường quá vậy?
- Sao lại tầm thường?
- Tôi không cãi với cô đâu. Tôi chỉ khuyên cô ráng thu xếp thì giờ để học vẽ, còn không học thì cũng vẽ. Cô đã xem xong những tấm tranh này chưa?
- Xem xong tất cả rồi.
- Cô thích nhất bức nào? Cứ nói đi, tôi tặng cô bức ấy.
Phi Nga từ chối:
- Cám ơn ông. Nhưng tôi đâu dám nhận như thế.
Ông Trần Phong như nhớ ra, chỉ bức tranh lụa mà lúc sáng Phi Nga đã khen:
- Cô thích bức tranh này. Tôi sẽ tặng cho cô.
Phi Nga do dự thì ông Trần Phong nói:
- Đây chỉ là một món quà của một họa sĩ hiểu tài của một họa sĩ khác nên đề tặng. Trên lãnh vực văn học nghệ thuật, không nên phân biệt nam hay nữ, đã là nghệ sĩ thì ai cũng như ai. Tôi có tặng bức tranh này cho cô Phi Nga đâu, mà tôi tặng cho một nhân tài. Thượng đế khi phân phát cho loài người cái thiên tài, đâu có phân biệt người này là đàn ông, người kia là đàn bà. Chỉ tại cô phân biệt như thế, nên cô mới khư khư nghĩ rằng cô phải sống cho chồng con, sự nghiệp của người đàn bà là làm vợ, làm mẹ, và cô tàn nhẫn chôn mất cái tài mà Thượng đế đã ban cho cô. Như vậy Thượng đế một là mù quáng, hai là quá rộng rãi, vung vãi tài hoa mà không cần lựa người, không cần biết người nhận lãnh cái kho thiên tài ấy có chịu đem ra phụng sự cho đời không?
Bây giờ đến Phi Nga ngồi im nghe ông Trần Phong nói. Ông nói một hồi, cũng hùng biện, thiết tha như Phi Nga nói về bức tranh tả tình mẫu tử lúc nãy. Nói xong, ông Trần Phong hạ bức tranh thủy mạc xuống, đề vào những dòng chữ này với cây bút lông:
“Thân tặng một người có tài, nhưng chưa nổi tiếng. Khi nổi tiếng hãy nhớ đến Trần Phong”.
Ông Trần Phong viết xong, cuốn bức tranh lại, lấy giấy hoa gói cẩn thận, bỏ vào một cái hộp giấy, trao cho Phi Nga. Phi Nga nhận và nói:
- Cảm ơn ông. Bây giờ thì tôi phải trở ra phòng triển lãm của bà Châu để còn về Biên Hòa.
Đưa Phi Nga ra tận đường, ông Trần Phong hỏi:
- Cô thấy thế nào về cuộc triển lãm này?
- Tôi cũng nghĩ như ông.
Ông Trần Phong ngạc nhiên:
- Cô biết tôi nghĩ thế nào mà dám bảo rằng nghĩ như tôi?
Phi Nga cười:
- Ông muốn khuyến khích phái nữ.
Ông Trần Phong nhìn sững Phi Nga, không ngờ Phi Nga tế nhị và thông minh như thế:
- Tôi khuyến khích bà Châu là để mở đường cho cô đó, cô có tin vậy không?
- Lúc ấy ông đã biết tôi là ai?
- Mới nghe nói. Nhưng bà Châu nói về cô tỉ mỉ quá khiến tôi biết là cô có tài.
Lúc Phi Nga ngồi trên xe rồi, còn thấy ông Trần Phong đứng trước cửa nhìn theo chiếc xe của nàng, đôi mắt đăm chiêu, nghĩ ngợi...
Con Đường Một Chiều Con Đường Một Chiều - Bà Tùng Long Con Đường Một Chiều