The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Tác giả: Virgil Gheorghiu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1470 / 29
Cập nhật: 2015-10-05 05:54:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cuốn Sách Của Những Người Do Thái
ddy Thall đặt con dao rọc giấy bằng vàng lên mâm đựng các thức ăn điểm tâm buổi sáng. Nàng đọc lại bức thư. Đoạn nàng gọi người đàn bà mặc blu trắng đang cuốn tấm màn che cửa sổ buồng ngủ.
- Tới gần đây, Tinka! - Eddy Thall bảo - Vú có biết cô gái này không?
Người đày tớ dùng ngón tay cầm lấy tấm ảnh chỉ to bằng con tem bưu chính. Bà ta để xa mắt ra để nhìn cho rõ hơn. Bà ngắm nghía bộ đồng phục màu đen, cái cổ trắng nho nhỏ. Đôi mắt Tinka ướt lệ. Bà ta rất dễ xúc động và rưng rưng nước mắt mỗi khi người ta nhắc đến một sự việc gì hay một điều gì liên quan đến quá khứ của bà hay cuộc sống của gia đình Thall.
- Đây là cô Eddy! - Tinka nói. Và bà lau nước mắt.
- Tôi vừa nhận được sáng nay. - Eddy Thall nói - Từ tay một người hâm mộ tôi gửi tới. Tinka ạ, vú hãy tưởng tượng đó là một cậu bé đã từng say mê tôi ngày tôi mới tuổi trăng tròn.
Eddy Thall cầm lấy bức thư nàng vừa bóc với con dao rọc giấy bằng vàng. Nàng kéo chiếc gối lên kê vào dưới vai.
Anh ta viết như thế này. - Nàng nói.
“Thưa cô, cách đây mười lăm năm, khi cô còn là học sinh Nhạc viện, cô có bỏ quên tấm ảnh này trong một cuốn sách ở Thư viện. Tôi đã tìm thấy. Tôi đã giữ nó trong mình rất lâu, đợi có dịp sẽ đưa tận tay trả lại cho cô. Cái dịp ấy đã không đến. Hay nói đúng hơn, tôi đã không có đủ can đảm nói chuyện cùng cô và trả cô tấm ảnh, mặc dù tôi đã gặp cô hàng bao nhiêu lần, ngoài đường, trong nhà hát, ở cửa hàng bánh kẹo hay nơi công viên.
Cô đã tới Néamtz trong dịp hè, và ngày nào tôi cũng thấy cô.
Rồi cô trở thành một nghệ sĩ lớn, tên tuổi. Cô đã thành lập Nhà hát riêng.
Mặc dù đã là người đàn ông ở độ tuổi vững vàng, tôi vẫn thiếu can đảm. Nhưng lần này không phải cái bẽn lẽn của tuổi vị thành niên mà chính cái Vinh quang của cô làm cho tôi sinh e sợ.
Tối hôm qua, tôi đã nhìn thấy cô trong vai “NỮ HOÀNG SABA”. Tôi đã về nhà. Tôi đã tìm lại tấm ảnh và gửi cho cô, với hy vọng cô sẵn sàng nhận lấy cùng với tất cả tấm lòng ái mộ sâu sắc của tôi.
Thẩm phán Pierre Pillat”.
Tinka đứng nghe cạnh chiếc giương, bà đang dọn dẹp.
Có một đoạn tái bút. - Eddy Thall nói tiếp.
“Một anh bạn tôi - Boris Bodnar - trước khi trốn sang Nga, có xin tôi tấm ảnh này. Anh ta bị đuổi học và anh ta đã bơi tay không vượt qua sông Dniestr. Số phận tấm ảnh cỏn con này là phải đi du hành về phía Đông. Tôi rất sung sướng đã được giữ nó bao lâu nay và được trả nó lại cho cô bây giờ, mặc dù tôi không phải là người duy nhất say mê nó”.
Eddy Thall bước xuống khỏi giường. Nàng nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc nhỏ phủ một mảnh lụa mỏng màu thanh thiên. Tám giờ sáng. Nàng ngoảnh lại nhìn Tinka và thấy bà đang khóc.
- Có cái gì trong bức thư tôi vừa đọc làm cho vú khóc à? - Eddy Thall hỏi.
- Những lời ông ta viết trong thư đẹp quá! - Tinka đáp - Đẹp quá! Làm cho nước mắt tôi cứ thế nó trào ra.
- Vú này, hồi còn nhỏ, tôi có đẹp lắm không, đến nỗi người ta có thể say mê một tấm ảnh của tôi? - Eddy Thall hỏi.
- Cô Eddy Thall bao giờ cũng đẹp! - Tinka đáp.
Bà ta đặt chiếc khay xuống. Eddy Thall nhìn qua những bức thư khác rồi nàng lại cầm lấy bức thư của ông thẩm phán Pierre Pillat. Nàng nghĩ tới cậu học sinh đã trốn sang Nga. Và nàng ân hận cho anh chàng Boris Bodnar ấy đã thi trượt và đã bị đuổi khỏi trường.
Eddy Thall là một nghệ sĩ lớn. Ngày ngày người phát thư mang tới cho nàng nhiều thư từ của những người hâm mộ.
Nhưng không một bức thư nào khiến lòng nàng vui sướng cho bằng bức thư của ông thẩm phán Pierre Pillat.
- Thưa, có hai cảnh sát muốn gặp cô! - Tinka quay trở lại buồng ngủ và báo.
Giọng nói của bà không được bình thường. Bà kinh sợ.
- Bảo họ đợi tôi dùng cà phê xong sẽ ra. - Eddy Thall bảo.
- Họ đang vội. Họ muốn nói chuyện với cô ngay. Tôi bảo với họ: Cô ngủ chưa dậy. Họ cứ vào phòng làm việc và chờ.
Eddy Thall khoác tấm áo choàng lên mình. Nàng bực dọc bước vào văn phòng. Các nhân viên cảnh sát - hai thanh niên khoác áo mưa - đang đứng ở đó. Nàng mời họ ngồi, xé một tờ lịch và nhìn họ như ở trên sân khấu.
- Các ông muốn gì?
Họ vẫn đứng.
- Sao các ông không ngồi? - Eddy Thall hỏi. Nàng vo viên tờ lịch ngày 9 tháng 1 năm 1940 và ném vào sọt giấy.
- Chúng tôi xin làm phiền bà chút xíu về một cuộc điều tra. - Một trong hai tên cảnh sát nói.
Tên thứ hai mở chiếc cặp của hắn (đặt tựa vào thành ghế bành) trong khi tên thứ nhất tiếp tục hỏi:
- Bà già vừa mở cửa cho chúng tôi là đày tớ của bà phải không?
Eddy Thall nhìn hai người. Họ nghiêm nghị như hai học sinh Nhạc viện đang thể hiện vai đầu tiên của mình. - Người đàn bà mở cửa cho các ông là bà quản gia của tôi. Eddy Thall mỉa mai đáp.
Tên cảnh sát thứ hai rút ra một cuốn sổ tay và bắt đầu ghi.
Người thứ nhất hỏi:
- Bà ta hầu hạ bà đã lâu chưa?
- Ngày tôi sinh ra, bà ấy đang phục vụ cho cha mẹ tôi.
- Cách đây bao nhiêu năm? - Vẫn viên cảnh sát thứ nhất hỏi.
- Tôi nghĩ rằng bà ấy ở trong gia đình chúng tôi khoảng bốn mươi năm nay. Muốn biết chính xác hơn, các ông có thể trực tiếp hỏi bà ta.
- Lương tháng bà ta bao nhiêu?
- Năm nghìn là mỗi tháng gửi ngân hàng dưới tên tuổi của bà ta. Ngoài ra, bà ta có đủ tất cả mọi thứ cần dùng. Bà ta ở đây như là ở nhà mình, không thiếu một thứ gì.
Eddy Thall đốt một điếu thuốc. Nàng là Giám đốc một Nhà hát lớn mang tên nàng. Các báo chí đều ca ngợi nàng là Nghệ sĩ lớn nhất. Khắp mọi nơi trên đất nước, đi mỗi bước là gặp một tờ quảng cáo có in ảnh của nàng. Tên nàng được nêu trên Đài phát thanh mỗi ngày không biết đến bao nhiêu lượt, được dán ở phòng đợi của mọi nhà ga, ở tất cả các trạm tàu điện và ngay trong các xe buýt chở khách. Các em bé cũng biết rành rọt tên tuổi của Eddy Thall. Tất cả những nhân viên cảnh sát nàng quen cho tới lúc này đều đã xin nàng ghi cho một câu làm bút tích.
Hai viên cảnh sát hôm nay là những người đầu tiên không mong có bút tích của nàng. Họ đến vì một cuộc điều tra.
- Bà cho biết tên người quản gia? - Viên cảnh sát hỏi.
- Tinka Neva. - Nàng trả lời - Nếu ông muốn hỏi gì nữa thì xin khẩn trương lên chút?
Nàng đứng lên, dập tắt điếu thuốc.
- Chúng tôi muốn biết người quản gia của bà theo tôn giáo nào? - Tên cảnh sát hỏi.
- Cơ Đốc giáo. - Eddy Thall đáp.
Tên cảnh sát thứ hai gập cuốn sổ lại, bỏ vào cặp.
- Pháp luật hiện hành cấm những người Do Thái không được dùng người Cơ Đốc giáo làm đày tớ. Bà có nhiệm vụ trả cho bà ta ba tháng lương rồi cho bà ta nghỉ việc. Chúng tôi chỉ thông báo với bà một điều ấy thôi.
Hai tên cảnh sát nghiêng đầu chào, vẫn nghiêm túc như khi mới đến. Eddy Thall đợi họ đi ra phía cửa.
- Ai vi phạm điều luật này sẽ bị phạt tù sáu tháng. - Tên thứ nhất nói. Hắn tiếp - Chúng tôi có thể thẩm vấn bà Tinka Neva chứ, thưa bà?
Eddy nhấn chuông gọi.
- Các ông ấy muốn nói chuyện với vú đó, Tinka!
Nàng lên buồng riêng.
Tinka ở lại với hai gã thanh niên. Bà ta quan sát chiếc áo mưa, đôi giày màu xỉn của họ.
- Tên bà là Tinka Neva? - Tên cảnh sát thứ nhất hỏi.
Tinka đưa mất nhìn hắn từ đầu xuống chân với thái độ hằn học.
- Cô chủ đã nói tên tôi với các ông rồi, hỏi tôi làm gì nữa?
- Bà chủ nói chưa đủ. Bà cần phải tự mình nói với chúng tôi.
Tên thứ hai lại rút cuốn sổ ra và lại bắt đầu ghi.
- Bà bao nhiêu tuổi? Bắt đầu vào làm công cho gia đình Thall bao nhiêu năm?
- Ngày tôi tới làm công cho gia đình Thall tôi mới mười tám tuổi. Tức phải ba mươi tám năm nay.
Tinka sợ. Bà ta run lên. Chưa bao giờ bà thấy nhà này lại có một cuộc viếng thăm kiểu đó.
- Bà có bằng lòng về cách đối xử của bà chủ không?
- Nếu không bằng lòng thì tôi đã chẳng ở đây trọn cả cuộc đời tôi.
- Bà chủ sẽ trả cho bà ba tháng lương rồi cho bà nghỉ. Luật lệ hiện hành cấm không cho người Do Thái có người ở Công giáo.
Bọn cảnh sát cài lại khuy áo của họ.
- Tôi không có quyền làm việc để kiếm sống hay sao? - Tinka hỏi.
- Bà có quyền làm việc, nhưng không được làm tại các gia đình gốc Do Thái.
Tinka cảm thấy bất công. Bà không sợ nữa.
- Người chủ mà tôi tìm đến hầu hạ là do tôi ưng, tôi chọn lấy. Tôi là một người ở. Điều quan trọng đối với tôi là có được một người chủ tốt. Còn lại, cái chuyện ông ta là Do Thái hay Công giáo, chuyện đó tôi đâu có cần quan tâm!
Bọn cảnh sát tiến về phía cửa.
- Nếu bà chủ không trả bà ba tháng lương trước khi cho bà thôi việc thì bà hãy tới sở cảnh sát mà làm đơn khiếu nại! - Tên thứ nhất nói.
- Tôi không rời khỏi nhà này. Tôi hoàn toàn vừa lòng ở đây! Tinka đáp.
Bây giờ thì bà khóc.
Chỉ một mình cô chủ có quyền đuổi tôi đi nếu như tôi không làm vừa lòng cô chủ. Nhưng mà cô chủ lại rất vừa lòng về tôi. Tinka nói qua dòng nước mắt, trong khi các viên cảnh sát đi ra.
II
Bọn cảnh sát đi rồi, Tinka khóc. Tấm thân già run rẩy bẩy như một cành cây mong manh.
Eddy Thall thân mật nắm lấy vai bà:
- Quỷ sứ không đến nỗi đen thui như thiên hạ tưởng đâu! Vú hãy cứ yên tâm, Tinka ạ! Vú sẽ ở lại đây. Tôi có nhiều quan hệ rộng rãi, tôi sẽ nhờ một người nào đó can thiệp.
Tinka không làm sao nói được nữa. Bà lau chùi những chiếc ghế bành. Rồi bà lau sàn nhà, ở những chỗ bọn cảnh sát vừa ngồi, thật kỹ như để xóa thật sạch đi mọi dấu vết của chúng trong cái nhà này.
Điều sỉ nhục vừa qua làm cho bà bàng hoàng đau xót đến tận ruột gan. Bà nghĩ: “Ngoài cô chủ của ta ra, không ai có thể đuổi ta ra khỏi cái chỗ ta đang sống. Kể cả nhà vua cũng không có quyền dính dáng đến việc của ta. Ta làm tốt hay làm xấu, đó là vấn đề giữa ta và cô chủ!”
Tinka đã rời bỏ xóm làng lúc còn là một thiếu nữ mới lớn. Bà không có họ hàng, gia đình gì cả. Chẳng có lấy một người thân thích bất cứ ở nơi nào. Nhà của bà, chính là ngôi nhà của cô chủ.
Eddy trao cho bà một bó thư.
- Này Tinka! Vú đừng khóc nữa! Cầm lấy chồng thư từ này, đốt nó đi cho tôi!
Tinka đưa cả hai tay cầm lấy chồng thư. Lệnh của cô chủ nghe tuồng khắt khe quá. Tinka Neva là một con người rất nhạy cảm. Đốt thư đi, nhất là trong lúc này, sau vụ cảnh sát tới điều tra, là một hành động quá đau lòng, trên sức chịu đựng của bà.
Tinka không biết đọc. Suốt cả cuộc đời bà không có một bức thư. Nhưng suốt đời bà, bà đã nhận và đã mang thư từ cho chủ mình cùng một lúc với bữa điểm tâm buổi sáng tới tận giường nằm của họ. Mỗi lần như vậy, bà đã trông thấy đôi tay cô chủ vội vàng bóc thư ra như thế nào, thấy cô chủ buồn, vui như thế nào sau khi xem mỗi bức thư. Trong tiềm thức của Tinka đã hình thành cái ý nghĩ không sao xóa được rằng những bức thư là những con người sống. Nó làm cho ta cười vui hay rầu rĩ. Nếu không có sự sống thì làm sao có được cái khả năng kỳ diệu ấy? Bởi vậy, bao giờ Tinka cũng lau sạch bàn tay trước khi mở cái hòm thư bên cổng để lấy thư ra. Với thư từ, bà có lòng tôn trọng thật sự. Vậy mà bây giờ đây người ta lại bảo bà phải đốt những lá thư đi! Có khác gì bảo bà phải đốt những sinh vật đang sống, những con chim câu, những con thỏ con, hoặc những con chim non vậy!
Eddy Thall đứng quay lưng lại phía bà. Nàng đang chọn lọc những bức thư khác để đốt. Tinka cảm thấy mỗi một cái phong bì ấy là một tội lỗi, tội này đến tội kia mà buộc lòng bà phải phạm.
- Đây là những bức thư của Lidia Petrovici. - Eddy Thall nói - Vú có nhớ chúng ta gửi cái bưu phẩm cuối cùng cho Lidia vào lúc nào không? Hình như bốn tháng rồi thì phải. Tôi không được thư trả lời. Tôi sợ có chuyện không lành xảy ra với chị ấy. Có thể cảnh sát đã tịch thu bưu phẩm. Chúng sẽ tới thẩm vấn ta. Hãy đốt sạch những thư này đi thì hơn.
Eddy Thall nghĩ tới người chị họ của nàng, Lidia Petrovici, đang cư trú tại Quốc gia những người Slaves phương Nam. Ở đó, người ta đã giết hại hết mọi người Do Thái. Lidia sống dưới một cái tên giả. Chị ấy là một trong những người đàn bà Do Thái cuối cùng còn sống sót. Nhưng gửi bưu phẩm cho chị ấy đã thành một chuyện nguy hiểm. Vì vậy mà Eddy đốt hết các thư từ của chị đi, những bức thư trả lời đều đặn đã nhận được những gói thuốc men, kẹo sôcôla, áo quần.
- Thưa cô chủ, cô có bực mình nhiều khi bọn cảnh sát đến vì chuyện của tôi không? - Tinka hỏi - Tôi xin lỗi cô chủ. Đáng lẽ tôi không nên gây phiền hà cho cô như vậy.
- Vú chẳng có tội tình gì trong việc đó cả, Tinka ạ! - Eddy đáp - Làm sao vú lại có thể cho rằng đây là lỗi của vú? Này, tốt hơn cả là vú hãy đốt nhanh những bức thư ấy đi!
Chuông gọi rung lên lần hai, lịch sự.
- Đừng có cầm cả gói thư ra mà mở cửa đó nghe, vú! - Eddy Thall bảo.
Nàng lấy lại gói thư từ tay Tinka và cẩn thận giấu vào dưới tấm chăn lụa.
III
Một quân nhân mặc bộ quân phục màu xanh nước biển bước vào văn phòng, nơi mà các nhân viên cảnh sát vừa mới tới cách đây một giờ.
- Tôi dám chắc vẫn là về chuyện của tôi. - Tinka nói và đi vào trong buồng - Tôi muốn chết đi cho xong cô Eddy ạ. Hơn là gây bao nhiêu phiền phức cho cô. Sáng nay bọn cảnh sát đã tới vì tôi. Bây giờ lại là một thẩm phán quân sự.
- Vú cứ yên tâm nào, Tinka!
Eddy bước vào văn phòng. Viên sĩ quan - khuy áo bằng vàng, ngù vai bằng vàng - nghiêng mình chào. Chỉ một cử chỉ thôi cũng nói cho Eddy biết một con người nào đó có làm chủ được mình không, hay là lúng túng. Trong nghề sân khấu, nàng đã học được cách quan sát các cử chỉ. Viên sĩ quan đứng trước mặt nàng đang bối rối ngượng ngùng.
- Thưa cô, tôi dám cả gan cho phép mình thực hiện cuộc thăm viếng này. - Anh ta nói - Tôi là đại úy thẩm phán Pierre Pillat. Chắc cô đã nhận được bức thư của tôi.
Eddy Thall nhìn chiếc súng ngắn, con dao găm, chiếc quân hàm.
- Tôi chỉ khoác bộ quân phục này nhất thời thôi. Tôi bị động viên.
- Bức thư của anh làm tôi xúc động. Cảm ơn anh thực lòng! - Eddy nói.
Nàng chỉ cho anh chiếc ghế bành. Hai người ngượng nghịu trước mặt nhau như thể họ đang gặp nhau mười lăm năm về trước.
- Tôi buộc phải thú nhận với cô một điều: Tôi mang ơn cô nhiều lắm. Chỗ chúng tôi, trường trung học hoàng gia Kichinev, người ta thi hành một thứ kỷ luật sắt kiểu nước Phổ. Chương trình học rất nặng. Bọn chúng tôi, tất cả đều tìm mọi khả năng để trốn thoát. Trong thực tế thì thật là vô phương. Chỉ có thể thoát trong giấc mơ. Tấm ảnh của cô là một dịp cho tôi mơ mộng. Đêm đêm tôi mơ tưởng tới cô, giấc mơ bỗng trở thành xiết bao xinh đẹp!
Anh hơi đỏ mặt khi nói câu đó.
Giá tôi ở ngoại trú, thì chuyện đó đã có khả năng xảy ra. Nhưng những chàng trai vị thành niên sống trong một cái doanh trại không thể nào sống thiếu mơ mộng được. Tôi cứ việc nhìn tấm ảnh của cô, và tôi mơ. Tấm ảnh bị nhàu đôi chút.
Cô thứ lỗi. Người ta kiểm tra cả con người chúng tôi hàng ngày, túi áo, túi quần, sách vở. Tôi đành phải giấu tấm ảnh của cô cùng với thuốc lá để người ta khỏi tịch thu...Cô luôn luôn đứng trước nguy cơ bị người ta tịch thu đi mất, từng phút, từng giờ... Xin lỗi, tôi muốn nói là tấm ảnh của cô...
Anh cười. Eddy Thall cứ dán mắt vào những cái ngù vai bằng vàng, những con số của nhà vua, vào chiếc súng ngắn, chiếc dao găm - biểu tượng của sức mạnh, biểu tượng của quyền hành.
- Cô có biết tôi đã tưởng tượng ra những điều gì cách đây mười lăm năm không? Tôi đã thề với lòng lớn lên sẽ cưới cô làm vợ và không yêu bất cứ cô gái nào khác ngoài cô. Tối hôm qua tại nhà hát, tôi đã nghĩ tới tất cả những chuyện đó. Tôi hết sức và chân tình chúc mừng cô. Cô thực sự là tuyệt vời, là kỳ diệu trong vai “NỮHOÀNG SABA”. Diệu kỳ. Buổi diễn xong, tôi đã tìm tấm ảnh và gửi cho cô...
- Trong thư anh có nói tới một người hâm mộ khác. - Nàng nói - Anh ta tên là gì? Boris...
- Boris Bodnar - Pierre Pillat đáp - Anh ta đã đi đâu mất tích từ năm mười lăm tuổi. Anh ta có nói với tôi rằng anh sang Nga. Từ bấy đến nay tôi không được tin tức gì về anh ta cả.
Tuy nhiên tôi cũng đã cố gắng thu nhặt được một vài mẩu tin nhỏ về anh. Tôi có biên thư cho người em trai của anh. Giữa hai anh em đã xảy ra một tấn bi kịch: khi còn thơ dại, Boris đã chọc thủng mắt em. Vì vậy mà Boris bị cha mẹ tước quyền thừa kế. Em trai anh, Angelo, đã làm tu sĩ và không hề biết gì về Boris cả. Cũng chẳng một ai biết gì về anh.
Trong lúc nói chuyện, Pillat nhìn vào trong buồng qua cánh cửa hé mở.
Eddy Thall có cảm giác anh đang nhìn cái gói thư giấu dưới tấm chăn. Điều đó khiến nàng lo ngại.
- Tôi đang có một buổi tập. - Nàng bảo - Nếu anh vui lòng, chúng ta có thể gặp lại một lần sau.
Nàng xem giờ. Pillat không nhúc nhích. Anh quan sát căn buồng.
Sự lo ngại của Eddy càng tăng. Nàng đã trở thành cảnh giác. Nàng sợ cuộc viếng thăm của ông quan tòa này nhằm mục đích nghiệp vụ.
- Tôi cần nói chuyện thêm với cô về điều này nữa. - Anh ta rất lúng túng - Cô thấy đó, tôi là biện lý quân sự. Với tư cách này, chúng tôi biết nhiều chuyện lắm.
- Anh tới đây tiến hành một cuộc điều tra phải không? Bức thư và tấm ảnh chỉ là một duyên cớ... Đáng lẽ ra, anh có thể bắt đầu đi ngay vào cuộc điều tra thì đúng hơn...
Eddy Thall đứng lên, run run.
- Không phải điều tra. - Pierre Pillat nói - Tôi chỉ muốn hỏi xem cô có quen biết một người đàn bà tên là Lidia Petrovici, ở Quốc gia những người Slaves phương Nam hay không?
Eddy Thall đỏ bừng mặt lên vì giận. Nàng muốn ném một vật gì đó vào mặt gã quân nhân kia, gã đã dám bày ra một câu chuyện yêu đương để xâm nhập nhà nàng và điều tra về Lidia Petrovici!
- Cách đây ít lâu, các nhân viên phản gián của chúng ta có bắt được một điệp viên địch, một tên mật thám nhân viên ngành Đường sắt. Người ta chuyển sang cho tôi xử lý.
Trong số nhiều thứ nó đã chuyển sang biên giới, có một bưu phẩm gửi cho bà Lidia Petrovici - thông qua bà Debora Paternik rất nhân hậu. Bị cáo khai rằng gói bưu phẩm ấy là của cô gửi. Nó chỉ gồm những thứ hàng hóa không nguy hiểm: thuốc trị lao, các thứ sinh tố, sôcôla, cà phê và một vài bộ quần áo. Thực tình thì đó cũng là cái bưu phẩm duy nhất gửi những vật vô hại tịch thu được của tên gián điệp ấy. Tôi đã không ghi tên cô vào biên bản. Tôi mang trả lại gói bưu phẩm cho cô. Tôi đã muốn giúp cô cái việc cỏn con ấy.
Pierre Pillat mở cặp lấy gói bưu phẩm ra đặt lên bàn.
- Chính tôi gửi. - Eddy Thall nói - Lidia Petrovici là chị họ của tôi. Chị ấy bị lao. Nếu hợp pháp thì tôi không có quyền gửi bưu phẩm cho chị: tôi đã phải giữ bí mật. Đó là cái tội duy nhất mà tôi đã phạm?
- Thưa cô, đây không phải là một cái tội. Vả lại, như tôi đã trình bày, tôi không tới đây với tư cách là một vị công tố tòa án.
Cả hai người im lặng. Cái gói bưu phẩm gồm thuốc bổ phổi, trương lực chống suy nhược và thiếu máu, sinh tố và chiếc áo pull đan tay để giữ ấm cho ngực đang để trên bàn, giữa Eddy Thall và Pierre Pillat.
Tại Quốc gia những người Slaves phương Nam, tất cả mọi người Do Thái đều bị lưu đày. - Eddy nói - Lưu đày hoặc bị hạ sát. Chị họ tôi, một nghệ sĩ viôlông tiếng tăm của thế giới may mắn đã thoát khỏi cuộc săn giết, ít ra cũng đến được hôm nay. Chị ấy sống dưới một cái tên giả, tại một làng quê. Thỉnh thoảng tôi có gửi cho chị tôi một ít thuốc men qua trung gian của Milostiva Debora Patemik [1]. Bà Debora quả là một người bảo trợ cho những kẻ bị áp bức. Chính là phu nhân của vị Quốc trưởng.
- Tôi cảm thấy như mình có tội khi thấy gói bưu phẩm đó không tới được địa chỉ của nó. - Pierre Pillat nói - Tôi sẵn sàng bù đắp vào thiếu sót ấy. Tôi muốn giới thiệu cho cô một người bạn thân của tôi làm ở toa giường nằm. Anh ta sẽ mang gói bưu phẩm tới cho chị của cô. Tên anh ta là Daniel Motok. Có thể trong ngày mai, tôi sẽ bảo anh ta tới gặp cô.
Pierre Pillat đứng lên, nghiêng đầu cáo từ và đi ra phía cửa.
- Mời anh trở lại! - Eddy Thall nói - Hãy đến đây. Chúng ta sẽ trò chuyện về tuổi thơ của chúng ta. Lần này, chính tôi là người cần được thoát khỏi thực tại, anh hiểu không? Cũng như anh đã từng cảm thấy cần phải thoát ra, trong thời gian anh đang học tại trường trung học hoàng gia, khi anh ngồi hằng giờ mà mơ mộng về một tấm ảnh. Anh hãy trở lại! Nhưng tôi van anh, đừng mặc quân phục! Anh sẽ làm cho tôi hết sức hài lòng nếu anh tới với một bộ thường phục, chứ không phải với một bộ quân phục, như hôm nay.
IV
- Dạ thưa, tôi là người mà ông thẩm phán Pierre Pillat đã nói với bà. Tôi là Schaffner Daniel Motok.
Trước mặt Eddy Thall là một người đàn ông thắt cà vạt xám, khoác áo măng tô đen. Anh ta đứng thẳng người, tay đeo găng.
Eddy chỉ cho anh một chiếc ghế bành.
- Bạn tôi cho biết rằng bà có một gói bưu phẩm cần chuyển đi. - Motok nói.
Gói thuốc men và quần áo cho Lidia Petrovici đã để sẵn giữa bàn. Motok nhìn xem địa chỉ người nhận.
- Chỉ cần trao cho anh đày tớ của bà Debora Paternik nhân hậu và nói là “gửi cho Lidia”, thế là được.
Motok bỏ gói bưu phẩm vào chiếc vali da. Anh ta đứng lên và toan cáo từ.
- Tôi nhờ anh chỉ giao cho một mình người đày tớ hầu phòng. Ông ta tên là Duppelhof. Đó là một ông già tóc trắng bạc. Anh sẽ nhận ra ông ta dễ dàng thôi. - Eddy bảo - Vả lại ông ta là kẻ duy nhất ở với bà Debora Paternik nhân hậu. Tuyệt đối không giao cho bọn lính, bọn gác cổng. Họ có hỏi thì cứ mặc họ.
Motok nghiêng mình, ý nói anh ta sẽ thực hiện nhiệm vụ này đến nơi đến chốn.
- Chắc là ông thẩm phán đã nói cho anh rõ: trong cái gói này, chỉ có một ít thuốc men gửi cho bà chị họ tôi bị bệnh, chứ chẳng có thứ gì khác. Milostiva Debora Paternik là phu nhân Ngài Quốc trưởng nước Slaves độc lập.
- Tôi biết! - Motok nói Bàn tay mang găng của anh đã cầm lấy chiếc quai xách của chiếc vali.
- Tôi cần gửi cho anh bao nhiêu thù lao đây? - Eddy Thall hỏi.
- Thưa bà, không phải lo chuyện đó! - Anh ta đáp - Trái lại tôi lấy làm sung sướng được giúp bà cái công việc nhỏ mọn này.
Nhưng Motok hiểu rằng từ chối bất cứ điều gì với một phụ nữ là không được lịch sự, nên anh ta nói tiếp:
- Nếu bà có ý định ban cho tôi một niềm vui lớn thì tôi sẽ vô cùng sung sướng được nhận một chiếc vé đặc biệt đi xem biểu diễn “Nữ HOÀNG SABA” vào buổi tối thứ sáu. Nhân tiện tôi sẽ báo lại với bà rằng gói đồ đã được trao tận tay.
Anh cất vào túi tấm danh thiếp có chữ ký của Eddy thay cho vé vào nhà hát và nói:
- Tôi sẽ trở về tối thứ sáu vào hồi bảy giờ. Trước khi mở màn buổi diễn, tôi có đủ thì giờ tạt qua nhà một vài phút để thay áo quần... Tôi hết sức cảm ơn, thưa bà!
Anh ta đi về phía cửa, vẫn bước chân ấy. Cách ăn mặc, nói năng, đi đứng của Schaffner Motok khiến người ta nghĩ tới những cái máy đồng hồ và sự chính xác của những giờ tàu chạy. Eddy Thall gọi điện thoại cho Pierre Pillat để báo cho anh biết Motok đã tới và để cảm ơn anh.
- Đây là lần đầu tiên tôi gửi bưu phẩm cho Lidia mà không phải nơm nớp lo sợ và tin chắc nó sẽ tới nơi. Tôi cảm ơn anh, Pillat.
- Schaffner Motok là con người có thể tin cậy.
Trong lúc đó, Schaffner Motok dừng lại ở ngưỡng cửa. Trước khi ra đường, anh ta vừa đi vừa cài khuy đôi tất tay.
Anh muốn bao giờ cũng chỉnh tề trước khi ra đường.
V
Tôi tin rằng mọi việc rồi sẽ thu xếp ổn thỏa thôi.
- Tôi có gặp chuyện không may, nhưng đã qua rồi.
Eddy đang ngồi, hai chân xếp bằng trên chiếc ghế bành, như mỗi lần nàng thấy lòng vui vẻ. Đối diện với nàng là Max Reingold với chiếc kính gọng vàng, ăn mặc như mọi ông chủ nhà băng trên thế giới. Cực kỳ lịch sự. Kín đáo. Đắt tiền. Ông ta là giám đốc hành chính của nhà hát, vừa là người cộng tác vừa là người bạn của thân sinh Eddy Thall.
- Lần đầu tiên bác tới thăm không báo trước, đó là một điều vui lớn cho cháu. Mấy hôm nay, cháu đến là khổ sở. Người ta buộc cháu phải thải Tinka. Người ta đã tịch thu mất một gói bưu phẩm gửi cho Lidia. Gã đưa thư là một tên mật thám. Có thể cháu còn gặp nhiều điều phiền phức. Cảnh sát đã tới. Bây giờ thì tất cả đã trở lại trật tự. Tất cả sẽ trở lại bình thường thôi. Bác tới. Thế là bây giờ cháu vui, rất vui là đằng khác.
- Con gái thân mến ơi! - Max Reingold nói - Bác không ngồi được lâu. Còn nhiều việc lắm! Rất tiếc là bác chỉ đến để làm tan vỡ niềm vui của cháu. Nhưng là việc bắt buộc cháu ạ! Nhà hát của chúng ta bị đóng cửa!
Eddy Thall đứng phắt dậy.
- Các nhà hát Do Thái đã phải đóng thêm một khoản thuế phụ. - Max Reingold nói - Đó là chuyện cũ. Khoản thuế này có thể nộp chậm hoặc miễn giảm. Lần này thì khác. Bác đã nhận được lệnh của Bộ Nội vụ phải nộp ngay trong vòng bốn mươi tám giờ hai triệu Lêi [2], hoặc đóng cửa. Một trong hai việc đó. Phải đóng cửa thôi! Chúng ta lấy đâu ra một số tiền như vậy? Lại không được phép hoãn một giờ!
Max Reingold đứng lên. Ông toan bước ra.
- Bác chẳng có việc gì để ở lại nữa. - Ông nói - Không có gì phải bàn bạc cả. Điên rồ hết rồi! Tối nay, cháu tới dùng bữa tối với bác Rebecca và Esther. Hôn cháu.
Esther là con gái Max Reingold. Rebecca là vợ ông. Eddy Thall rất quý họ, nhưng giờ đây nàng không còn có thể dành thì giờ để nghĩ tới họ nữa.
- Có thể có một giải pháp: tiếp tục biểu diễn bằng tiếng Yiddish [3]. Có điều diễn viên của ta là người Do Thái nhưng lại không nói được tiếng Yiddish. Khán giả cũng vậy. Chỉ còn cách đóng cửa.
Eddy Thall cố giữ ông lại. Max Reingold vuốt lên trán nàng. Ông lại gọi Eddy là Liebes Kind - con gái thân yêu - như cha nàng thường gọi nàng trước kia. Và ông ra đi. Đến ngưỡng cửa, ông quay lại: Eddy, có hai ông nào muốn gặp cháu đấy!
Max Reingold vẫn để mở cánh cửa nhà Eddy Thall cho hai người khách đang chờ bước vào.
VI
- Các ông là người của cảnh sát? - Eddy Thall hỏi.
Nàng nhìn hai người đàn ông. Cả hai người đều mặc áo mưa và một trong hai người có mang cặp.
- Các ông muốn gì ở tôi nữa? Các ông tới kiểm tra việc tôi thải hồi bà quản gia của tôi ư? Có những ông khác đến rồi.
Hay đến về việc đóng cửa nhà hát của tôi? Các ông muốn điều tra thêm những vấn đề gì nào?
- Chúng tôi là thành viên cộng đồng Israel. - Người xách cặp nói - Chúng tôi đến về vấn đề quyên góp áo quần.
Eddy Thall nhìn hai người đàn ông. Khó mà đoán biết tuổi họ. Tuy nhiên, qua con mắt, nét mặt, cử chỉ, giọng nói của họ đều toát ra một niềm đau khổ. Trong cái nhìn của họ người ta thấy có sự nhục nhã và lo âu.
- Bà biết - Người đàn ông không mang cặp nói - rằng mỗi công dân gốc Do Thái phải góp cho các Hội từ thiện của Nhà nước một số quần áo phù hợp với mức sinh hoạt của mình.
Eddy Thall bấm nút chuông gọi và khi Tinka ra thì nàng bảo:
- Các vị đây muốn quyên góp quần áo cũ cho Cộng đồng Israel.
- Không phải cho Cộng đồng. - Người đàn ông không xách cặp nói - Cuộc quyên góp này là cho các Tổ chức từ thiện của Chính phủ. Cộng đồng chỉ có trách nhiệm đứng ra thu góp.
Người đàn ông thứ hai rút từ trong cặp một cuốn sổ và mở ra.
- Theo mức thu nhập khai báo ở phòng thuế thì bà phải cho ba đôi giày, bốn áo dài và hai áo măng tô.
- Các ông muốn lấy thứ gì thì cứ lấy! - Eddy nói.
Nàng mở cánh cửa tủ treo áo. Tất cả mọi áo quần đều treo ở đó. Nàng run lên cầm cập.
- Nếu Chính phủ đã lệnh cho các ông tới thu quần áo của tôi thì các ông cứ việc thi hành. Hãy lấy đi! Và nếu các ông thấy chưa đủ thì lột luôn những chiếc tôi đang mặc, để tôi trần truồng.
Eddy Thall đi vào nhà tắm, khóa trái cửa lại và khóc.
Hai người đàn ông nhìn vào tủ, thấy hàng chục chiếc áo dài, những bộ y phục mà Eddy Thall từng mặc ra sân khấu để biểu diễn những vai lớn của nàng.
- Đây tôi mang cho các ông một vài quần áo cũ. - Tinka nói - Nếu chưa đủ thì các ông hãy trở lại lần nữa.
Bà dẫn họ xuống nhà bếp, mở ra trước mắt họ một bọc to đựng những quần áo, giày dép và các thứ linh tinh cũ kỹ. Hai người đàn ông lựa chọn một số, gói lại rồi cáo biệt.
Thế là vừa đủ cho họ.
Eddy Thall vào nhà bếp. Trên ghế có hai đôi giày khiêu vũ màu đen, giống như hai cánh hoa. Đó là những đôi giày của nàng khi còn là nữ sinh lớp múa thuê.
- Sao vú lại bỏ đôi giày này ra làm gì?
- Tôi định cho họ. - Tinka đáp - Nó trong cái rổ đựng đồ cũ vất đi ấy mà! Nhưng bọn chúng nó không thèm. Họ bảo rằng cái đôi này không thể coi là giày được, thậm chí cũng không phải là dép! Và họ bỏ lại.
- Tinka này! - Eddy bảo - Vú biết là nhà hát của ta bị Chính phủ đóng cửa. Tối mai là buổi biểu diễn cuối cùng. Họ lấy quần áo chúng ta, họ bắt con người chúng ta, họ tịch thu nhà hát chúng ta. Tôi sẽ làm gì bây giờ, Tinka? Vú nói đi! Tôi phải làm gì đây? Bởi tôi vẫn cứ phải làm một cái gì trước khi Chính phủ lấy luôn mạng sống của tôi chứ? Nhưng từ đây cho tới lúc đó thì tôi phải làm gì đây?
Tinka vuốt ve mái tóc của nàng. Bà không thể nào trả lời khi Eddy Thall hỏi bà trong nức nở:
- Tinka, vú nói đi! Tôi phải làm gì đây?
VII
Chuyến xe lửa của Daniel Motok đến thủ đô Quốc gia độc lập bị trễ. Một tiếng đồng hồ trước đó, đường sắt bị quân du kích phá hủy. Motok bàn giao lại giấy tờ của toa giường nằm. Anh ta báo cáo nhanh gọn. Anh đứng trước tấm gương soi chỉnh đốn lại bộ đồng phục thêu những chữ cái vàng của Công ty Toa nằm và khoác lên vai một tấm áo choàng. Anh xách chiếc vali có gói bưu phẩm ở trong và đi về phía khu những biệt thự, trong đó có ngôi nhà của Milostiva Debora Patemik.
Thành phố đã chìm lâu trong bóng tối, như tất cả mọi thành phố khác của châu Âu trong thời kỳ chiến tranh, Motok nhìn đồng hồ rồi rảo bước nhanh lên để tới nơi kịp trước chín giờ như đã hứa với Eddy Thall.
Bà Debora Paternik không đội vương miện. - Viên Schaffner mơ màng suy nghĩ - Bà không đội vương miện mà bà giống như một vị nữ hoàng. Đó là vị Đệ nhất Phu nhân của Quốc gia độc lập của những người Slaves phương Nam. Anh chàng Schaffner Motok cũng biết mơ mộng như những đứa trẻ con, những cô thiếu nữ, những nhà thơ mơ mộng.
Anh ta không còn buồn chán như những hành khách khác của chuyến tàu. Anh ngồi trên ghế của anh và mơ màng như đang xem một cuốn phim, hay dở từng trang họa báo nhiều màu. Con tàu của anh có thể trễ bảy tiếng đồng hồ, hoặc nằm trên một con đường tránh. Nhưng anh không buồn chán tí nào. Anh không phải chỉ có một mình. Anh mơ mộng, cũng y hệt như giờ đây anh đang mơ tới bà Debora Paternik, tay vẫn xách chiếc vali và đôi chân bước gấp. Anh mơ nghĩ tới những bức ảnh của các nữ hoàng trong những cuốn sách lịch sử để hình dung bà Debora Paternik một cách dễ dàng hơn. Anh hãnh diện sẽ được bước chân vào cái lâu đài lịch sự ấy và đưa gói đồ cho Ivo Duppelhof, người đày tớ có mái tóc óng ánh bạc của bà.
Motok đang mơ màng, bỗng giật nẩy người lên vì hàng chục tiếng còi báo động đột ngột nổi lên trên thành phố chết.
Anh nép mình sát bức tường, bên phải con đường cái. Trên đầu anh, vòm trời như nổi lửa. Những đám lửa từ mặt đất phụt lên cùng một lúc với tiếng còi rú và tiếng động cơ nổ ầm ầm. Nền đường rung rinh. Bức tường Motok đang nép rung rinh. Cả những cây to hai bên đường dường như cũng rung rinh. Năm chiếc môtô đèn pha bật sáng và bóp còi inh ỏi đang bò lên con dốc sau lưng anh. Motok bỗng nhiên bị ngập vào một luồng sáng cháy mắt. Anh có cảm giác là những ngọn đèn pha đang lột hết quần áo anh ra. Anh nép sát mình vào bức tường đá.
Anh cảm thấy mình trần truồng. Tiếp sau xe máy là ba chiếc ôtô vừa bóp còi vừa bật đèn sáng trưng chạy theo. Rồi lại nhiều xe môtô khác. Motok tái xanh mặt mũi. Cả đoàn xe cơ giới từ dưới thấp đi lên như xuất hiện từ trong lòng đất giờ đây có vẻ như đang chạy lên đến tận trời. Bởi những tiếng còi càng ngày càng xa dần vào trong mây theo hướng những ngọn đèn pha chiếu sáng. Motok rùng mình.
Anh quay đầu lại. Kề bên anh cũng có một người khác, một người đi bộ, nép mình bên bức tường.
- Milan Paternik!
Những người lái xe máy mặc măng tô da, đội mũ sắt ánh lên dưới luồng sáng của những đèn pha, như thể người họ làm bằng kim loại. Những khuôn mặt, những đôi giày ống, những chiếc xe... tất cả đều ánh lên màu thép. Và họ đi qua như một đạo quân cơ giới của Ngày Tận thế. Mắt của Motok đau nhói lên vì ánh sáng gay gắt của những ngọn đèn pha và ù cả hai tai. Anh lại quay người vào phía tối.
- Tướng Milan Paternik chỉ đi lại ban đêm với ba chiếc ôtô và hai chục chiếc xe máy. Đó là đội cơ giới của sự chết chóc: đèn pha, còi và tốc độ 120 kilômét/giờ. Vị tướng Milan Paternik ấy, hắn ta không bao giờ đi lại bằng một phương tiện nào khác. Chỉ có điều là một ngày nào đó, hắn ta sẽ bị vỡ mật.
Người ta không thể đi lại theo kiểu ấy mà không bị vỡ mật một ngày nào đó.
Người lạ đứng bên Motok cười, một tiếng cười rùng rợn.
Mùi rượu mạnh tỏa ra từ con người của hắn. Hắn nói tiếp:
- Ông bạn có biết tướng Milan Paternik đi đâu không? Chắc chắn là người ta báo với hắn rằng tại một xó xỉnh nào đó trong thành phố đã phát hiện ra một người Do Thái hoặc một người theo đạo chính thống Kitô. Tất nhiên là một sự tố giác láo! Bởi lâu lắm rồi, tại cái Quốc gia độc lập của những người slaves phương Nam này làm gì còn bóng dáng một người Do Thái hoặc một người theo đạo Kitô nào? Họ đã bị giết sạch sành sanh, từ lâu... Vậy mà Milan Paternik vẫn cứ xuất hiện với cái đạo quân cơ giới giết người của hắn mỗi khi nghe tin có một người Do Thái lẩn tránh đâu đây. Hắn ta muốn tự chính tay mình tiêu diệt tên Do Thái đó. Và giờ đây hắn tìm đến nơi mà người ta tố cáo là có một người Do Thái. Nhưng hắn ta sẽ chẳng tìm ra một tên Do Thái nào nữa đâu!.... Thôi, xin chào!
Milan Paternik không tìm thấy người Do Thái nào nữa. Hết sạch sành sanh rồi!
Người lạ đi xa, khuất chìm trong đêm tối.
- Eddy Thall có nói với mình - Motok suy nghĩ - rằng Lidia Petrovici là người Do Thái. Nhưng người lạ này thì quả quyết không còn một ai.
Motok vội rảo bước đi tới nhà bà Debora Paternik rất mực nhân hậu.
VIII
Những cánh cửa của lâu đài Milostiva Debora Paternik mở toang. Hai chục chiếc môtô đi vào trong sân.
Tiếng còi rú chấm dứt. Những ngọn đèn pha vẫn để sáng và động cơ vẫn nổ, sẵn sàng xuất phát. Những con người mặc áo da, đội mũ sắt, đi giày ống và mặt mày lấp lánh như kim loại vẫn ở trong đội hình và trong tư thế hành quân.
Milan từ trong chiếc ôtô giữa bước ra. Hắn ta bước lên chiếc cầu thang cẩm thạch. Trông hắn giống hệt một cậu học sinh trung học. Chỉ có chiếc quân hàm cấp tướng, những ngôi sao trên mũ và những chỉ vàng viền trên tay áo ngoài của hắn đang ánh lên dưới những ngọn đèn pha xác nhận rằng hắn không phải là một cậu học sinh. Hai người đàn ông cao lớn mặc áo da, đã đứng gần bên cửa. Chuông gọi của lâu đài réo lên không ngớt, như những hồi còi. Cánh cửa mở ra. Milan Paternik không đợi. Hắn đi thẳng lên các bậc cầu thang, không nhìn cả Ivo Duppelhof- người đày tớ - và bước những bước nặng nề trên những tấm thảm màu sẫm. Hắn đi vào phía phòng khách.
Hai tên cảnh sát mặc áo da vẫn đứng ở tiền đình. Những tên khác thì đứng ngoài, như có ý bao vây lấy tòa lâu đài vậy.
- Mời mẹ ta đến đây! - Milan Paternik thét.
Bây giờ hắn đã ở trong phòng khách. Một mình. Hắn đứng trước tấm gương soi đồ sộ, đưa bàn tay đeo găng lên sờ đôi má hóp, xanh mét như má người bị bệnh. Đoạn hắn lại quan sát đôi mắt của mình, đôi mắt nhìn mệt nhọc nhưng mà tàn nhẫn. Hắn cũng đã quan sát chiếc áo choàng của hắn, những ngù vai to tướng bằng vàng hắt những ánh hào quang vào mặt hắn như những chiếc đèn pha.
- Ta mệt mỏi...- Hắn nói với mình. Hắn thấy tự hào về nỗi mệt mỏi của hắn mà không hề mặc cả những giờ giấc dành cho giấc ngủ của hắn.
Tại buồng bên cạnh, Milostiva Debora Paternik đang sửa soạn bước sang phòng khách. Ivo đang đứng kề bên cửa.
- Đang bị kích động mạnh à? - Bà Debora hỏi.
- Như thường lệ, thưa bà! - Duppelhof đáp - Kích động rất mạnh!
Bà thực tình không muốn nói chuyện lúc này. Nhưng mà không ai có thể cưỡng lại ý muốn của Milan Paternik con trai bà được. Chẳng mấy khi hắn đến gặp bà. Các buổi nói chuyện giữa hai mẹ con luôn luôn căng thẳng và thù địch.
- Rất kích động ư? - Bà hỏi và khoác tấm khăn mỏng màu đen lên vai.
- Thưa bà vâng, rất kích động - Người hầu phòng trả lời.
Milan Paternik năm nay hai mươi sáu tuổi. Mọi người đều hay biết sự nghiệp của hắn, kể cả bọn trẻ con. Một tay hắn đã giết tám trăm ngàn người Do Thái và Kitô chính thống.
“Hình phạt nặng nề nhất đối với một bà mẹ là có một đứa con giết người... Một đứa con tắm mình trong máu”.
Bà lau giọt nước mắt, một giọt nước mắt nhỏ xíu, như hạt trân châu. Và bà đi vào phòng khách, mắt nhìn cao, bước thẳng. Bây giờ thì bà đang đứng trước mặt con trai bà.
- Vì sao con cứ phải đeo lấy chiếc áo choàng làm gì, Milan? Bà Debora hỏi. - Con đi ra sẽ bị cảm lạnh đấy.
Hắn ta không hôn tay mẹ. Hắn xoa tay một cách cáu kỉnh.
Vẫn đứng sừng sững.
Bà Debora nhìn khuôn mặt nhợt nhạt, đôi mắt mệt mỏi và đôi vai mỏng manh của con. Bà không nhìn thấy những quân hàm và những ngù vai cấp tướng. Trong lúc này, bà chỉ nhìn thấy con bà đang mệt mỏi, xanh xao, làm việc quá nhiều. Và bà thấy tim bà đau nhói. Con trai của bà đây. Bà bước lại gần.
- Đưa tay mẹ xem, Milan! - Bà bảo - Con gầy đi bao nhiêu?
Hai bàn tay khô đét của bà Debora nhân hậu cầm lấy bàn tay của Milan Paternik. Nó vẫn mang găng.
- Con mang găng nữa làm gì? - Bà hỏi.
Bà nhìn thẳng vào đôi mắt con trai. Bà muốn hôn lên vầng trán cao của Milan, vầng trán của con, nhưng bà không đủ can đảm. Bà nắm chặt hai bàn tay vẫn đeo găng của con, không buồn bảo con cởi găng tay ra nữa. Bà biết Milan sẽ không nghe lời bà. Hắn cứng đầu lắm. Hắn cứng đầu từ cái tuổi bé thơ!
- Mẹ! Con khổ lắm...- Hắn bảo.
- Con hãy kể hết những nỗi buồn phiền của con cho mẹ nghe, Milan! - Bà càng nắm chặt đôi bàn tay đeo găng da - Mẹ sẽ giúp con. Con hãy nhìn thẳng vào đôi mắt mẹ đây! Đừng nhìn chỗ khác. Hãy nhìn mẹ như ngày xưa còn bé bỏng con thường nhìn!
Trong một giây, hắn nhìn khuôn mặt trắng trẻo, có nhiều nếp nhăn của mẹ. Ngón tay hắn nắm ngón tay Milostiva chặt hơn một chút. Rồi hắn lại nhìn quay đi.
- Điều mà con sắp nói với mẹ đây sẽ rất nặng nề đau đớn mẹ ạ?
- Không ai hiểu sự khổ đau cho bằng một người mẹ. Con hãy kể đi, Milan, con trai yêu quý. Điều đã xảy đến cho con nghiêm trọng đến như vậy thực sao?
- Mẹ có biết con là ai không mẹ? - Milan Paternik hỏi.
Giọng nói của hắn trở lại cứng cỏi, cũng như cái nhìn của hắn.
Milostiva nghĩ tới mấy trăm nghìn mạng người vô tội đã bị Milan tàn sát. Bà toan kêu lên vì nỗi đau thương này nhưng bà đã kìm chế được mình.
- Dù con có làm những gì thì con vẫn cứ là con của mẹ, Milan ạ! Và mẹ vẫn cứ là mẹ của con!
- Tất cả cái bi kịch là ở chỗ này! Bà là mẹ của tôi?
Milan Paternik đứng lên.
- Tôi đã yêu cầu bà trả lời câu hỏi của tôi rõ ràng và không úp mở. Tôi là ai? Một khi bà là mẹ của tôi thì tôi đoán bà hẳn phải biết điều đó!
Milostiva nhìn hắn với đôi mắt ướt lệ. Bà im lặng.
- Tôi, tôi sẽ nói cho bà biết: tôi là ai? - Tôi sinh ra cách đây hai mươi sáu năm, tại Budapest, nơi mà bà với cha tôi bị lưu đày. Cả hai người lúc đó đang lãnh đạo tổ chức chính trị Za Dom do Cơ Quan Tình báo tổ chức. Chính thức thì Za Dom có nhiệm vụ đấu tranh giải phóng đất nước chúng ta khỏi ách nước ngoài. Thực ra thì nó là một tổ chức khủng bố, hoạt động trong vùng Balkan cho đế quốc Anh. Các chị tôi và tôi được nuôi nấng trong tôn giáo của Za Dom.
Những câu đầu tiên tôi tập nói là “Tổ quốc trên hết”. Cùng một lúc với những môn tiếng Latinh, Sử, Địa, các người đã dạy cho tôi bắn súng ngắn, đâm dao găm, bắn súng tiểu liên. Các người kiêu hãnh vì tôi. Tôi chờ ngày Tổ quốc tôi được giải phóng để được trở về. Suốt hai mươi sáu năm ròng, chưa một lần nào tôi được đặt chân lên mảnh đất quê hương, điều mà tôi ước mong hơn tất cả.
- Tất cả những người bị lưu đày đều mong muốn được trở về quê hương. - Bà Milostiva nói - Đây là một mong muốn thiêng liêng, Milan ạ! Mẹ không hề ân hận về việc mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con trong tôn giáo của Tự do ấy, trong cái ước mong Tổ quốc ấy, trong cái độc lập dân tộc ấy bao giờ! Mẹ còn lấy làm tự hào đã biết nuôi nấng các con mình trong những tình cảm cao thượng.
- Bà còn nhớ chuyến du lịch đầu tiên của chúng ta sang Roma không? - Milan hỏi - Trong tất cả các nước châu Âu mà chúng ta đã cư trú, chúng ta chỉ biết có đói khổ. Chúng ta ở trong những buồng nhà trọ. Bà thì ngày đêm đánh máy những bài báo và những bản báo cáo, nấu ăn và giặt giũ quần áo.
Chúng ta vẫn cứ sống cái cuộc đời ấy mãi, ở Berlin, ở Paris, ở Budapest,ở Berne, ở Genève, ở Sofia, ở Bucarest. Nơi nào và lúc nào cũng chỉ những buồng trọ, những cuộc họp hành bí mật. Bao giờ bà cũng chỉ giặt giũ quần áo, nấu khoai tây và đánh máy như bao giờ. Rồi đột nhiên một chuyến đi Roma! Một biệt thự trên bờ biển. Tiền đầy túi. Bốn chiếc ôtô đậu dưới thềm! Lính gác. Đày tớ. Bà còn nhớ không? Mussolini mời Za Dom cộng tác với chủ nghĩa phát xít. Bọn chủ Anh của bà nói với bà rằng: đây là một lời mời không nên từ chối. Họ muốn cho Za Dom hợp tác với chủ nghĩa phát xít, lĩnh tiền của phát xít và phục vụ lợi ích của nước Anh tại vùng Balkan!
Về chính trị, những chuyện thỏa thuận ấy là chuyện bình thường. Điều chúng ta đã làm đâu phải chuyện mới mẻ? Người Anh đã ủng hộ và khuyến khích ta trên con đường ấy. Chúng ta không làm một việc gì mà không hỏi ý kiến trước của người Anh. Chúng ta đặt vào nước Anh tất cả hy vọng chúng ta, về vấn đề tự do và độc lập của đất nước.
- Sau đó thì ta nhận được thư mời chúng ta đi Berlin.
- Nước Anh lại khuyên chúng ta nên nhận lời. Đó là một chỉ thị do nhu cầu chính trị đương thời quyết định. Nhưng chỉ tạm thời.
Năm 1940, chúng ta ở Berlin. Nửa đêm chúng ta bị dựng dậy. Và người ta thông báo cho chúng ta biết rằng ước mơ của chúng ta đã thành sự thực! Mơ ước của bà, của cha tôi, của cả nước? Tổ quốc của chúng ta tự do và độc lập thật rồi! Dân tộc đã nghênh đón bà và cha tôi như hai vị anh hùng. Các người là những vị cứu tinh giải phóng đất nước. Tôi được cử làm Tổng giám đốc nha Cảnh sát. Tướng. Và ngay ngày đầu tiên từ khi giành được độc lập, tôi đã có ý định thực hiện những điều khoản khác trong chương trình hoạt động của tổ chức Za Dom.
Những điều khoản đó bà đã biết rõ. Bà đã đánh máy bao nhiêu lần mà! Độc lập, Chủ nghĩa quốc gia xã hội, chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa bài Do Thái.
Milostiva khóc.
- Một vài điểm của chương trình đã được bổ sung về sau. Bà nói tiếp - Để cân xứng với sự giúp đỡ của họ, Hitler và Mussolini đã yêu cầu ở chúng ta một tổ chức quốc gia và chống cộng. Người Anh đã khuyên chúng ta nhận. Họ bảo rằng những điều đó sẽ không bao giờ được áp dụng, rằng sau ngày giải phóng họ sẽ làm sao cho chúng ta được hưởng mọi quyền tự do dân chủ trong Quốc gia mới của chúng ta.
- Người Anh vẫn ở nước Anh và các người đã giành được tự do với sự giúp đỡ của phát xít như London đã khuyên chúng ta làm. Và giờ đây, các người đang ở một quốc gia mới của các người với của một chương trình phát xít. Về phần tôi, mẹ ạ! Tôi không hề biết có một chương trình nào khác. Tôi không hề biết rằng trong chương trình có những điểm cần thực hiện và những điểm không cần thực hiện. Tôi đã tin ở Za Dom. Và tôi không biết có cuộc sống nào khác ngoài Za Dom. Tôi đã thanh toán cho đất nước hết mọi phần tử thấp kém: Tzigan, chính thống, Do Thái. Cái ngày Himmler bắt tay tôi, khen ngợi tôi hết lòng về việc tổ chức Quốc gia mới, ông ta có nói:
- Nước Đức đã không thành công trong việc tiêu diệt toàn bộ người Do Thái như Ngài đã làm được, thưa Tướng quân! Quốc gia của Ngài là quốc gia duy nhất chỉ còn duy nhất một người Do Thái!
- Một cũng không còn! - Tôi đáp - Trong Quốc gia độc lập không còn một tên Do Thái nào!
Himmler mỉm cười và nói với tôi:
- Quốc gia Ngài còn lại một người Do Thái. Nhưng người Do Thái đó, Ngài có thể để nó sống. Bà có biết ông ta ám chỉ ai không?
- Chỉ mẹ! - Milostiva đáp - Mẹ là người Do Thái duy nhất của Quốc gia độc lập!
- Vì sao bà lại giấu mãi tôi điều đó? - Milan hỏi - Giờ đây sau khi đã thanh toán hết mọi người Do Thái cho Quốc gia, sau khi đã có bao nhiêu máu như vậy, tôi mới biết được rằng: bà là Do Thái? Chính bà, mẹ tôi!
Milan Paternik buông mình ngồi xuống một chiếc ghế bành.
- Tôi chẳng có tội lỗi gì cả. Các người đã nuôi dưỡng tôi trong niềm tin cuồng nhiệt vào đảng. Tôi đã thực hiện chương trình của đảng trong từng điểm cụ thể. Hôm nay, tôi biết ra được điều này, và cuộc đời tôi thế là xong.
Milan Paternik đứng dậy. Hắn càng trở nên xanh tái. Mặt hắn càng mỏi mệt hơn. Hắn tới gần Milostiva Debora.
- Sự nghiệp của tôi, mà đối với tôi, sự nghiệp là đồng nghĩa với sự sống và lý tưởng, đã chấm dứt rồi. Và chính vì lẽ ấy mà tối hôm nay tôi mới tới đây, thưa mẹ!
Hắn đứng vậy một hồi lâu, bất động.
- Tất cả những chuyện đó, tại mẹ cả ư?
- Tại mẹ tất cả, thưa mẹ!
Bà già đứng lên, đưa bàn tay mềm yếu vuốt ve mái đầu Milan.
- Thế là hết! - Milan bảo.
Hắn giơ cho bà thấy một ống thủy tinh nho nhỏ hắn lấy từ trong túi áo ra.
- Nếu bà thấy tôi còn có một giải pháp nào khác thì bà hãy nói. Nhưng tôi nghĩ rằng đối với tôi không còn một giải pháp nào khác ngoài tự sát. Tôi không thể có một cuộc sống nào khác ngoài Za Dom được, và Za Dom khai trừ tôi bởi tôi là con của bà, con của một người mẹ Do Thái.
- Con hãy kiên trì đợi đến ngày mai - Bà già nói. Bà lại vuốt ve mái tóc của con - Mẹ thế nào cũng tìm ra được một giải pháp giúp con. Sáng ngày mai, con lại tới đây chúng ta sẽ lại cùng nhau bàn bạc. Mẹ chỉ yêu cầu con hứa với mẹ duy nhất một điều: là con phải sống cho tới ngày mai. Mẹ tin tưởng ở lời hứa danh dự của con. Con hãy vứt cái ống thuốc kia đi!
Milan Paternik ném ống thuốc qua cửa sổ.
- Con chẳng có tội về mặt nào cả, Milan ạ! - Bà già nói - Con đã có niềm tin, đó là cái bản chất của tuổi trẻ. Cha con và mẹ, chúng ta đã có một niềm tin hăng hái và đã đấu tranh vì tự do của dân tộc chúng ta. Dân tộc chúng ta hèn yếu, nó đã cần đến người ngoài giúp đỡ. Và chúng ta đã phải cầu xin sự giúp đỡ của nước Anh. Nước Anh đã xô chúng ta vào giữa cánh tay Hitler và Mussolini. Chính nước Anh là kẻ có tội. Gott strafe England! Cầu Chúa trừng phạt nước Anh. Milan, mẹ muốn ôm hôn con!
IX
Người đày tớ hầu phòng Duppelhof đứng lặng đằng sau cánh cửa. Ông ta đã nghe trọn vẹn cuộc hội kiến giữa hai mẹ con.
- Đúng vậy. - Ivo Duppelhof tự bảo mình - Milan không biết rằng mẹ mình là người Do Thái. Người ta không thú nhận điều đó với hắn bao giờ. Mình đã đi theo họ suốt trong cuộc sống lưu đày, mình biết. Hắn đã được giáo dục nuôi nấng trong tinh thần bài Do Thái. Cha mẹ hắn đã để hắn trở thành một kẻ chống Do Thái. Họ tin tưởng vào Anh quốc. Họ nghĩ rằng tới một lúc nào đó, Anh quốc sẽ có xu hướng khác và những điểm trong chương trình có liên quan đến chủ nghĩa chống Do Thái sẽ không bao giờ được đem ra thực thi. Và thế là nó đã được thực thi mà Anh quốc không hề lên tiếng gì cả. Anh quốc không bao giờ lên tiếng gì cả!
Ngoài kia, có tiếng xe máy, tiếng còi, tiếng động cơ.
Tướng Milan Paternik vừa mới đi.
- Ivo!
Người ta nghe tiếng Milostiva Debora Paternik. Bà già đang ở trong phòng khách. Ivo rón rén bước vào.
- Ta muốn đi hóng mát một chút. - Bà nói.
Milostiva không có vẻ suy sụp gì lắm. Người đày tớ lấy chiếc áo choàng đen dài khoác lên vai cho bà. Đó là một thói quen từ lâu, khi nào bà không ngủ được. Milostiva đi ra vườn.
Ivo Duppelhof nâng cánh tay bà. Họ bước xuống, chậm rãi.
- Anh ở ngay bên cạnh trong khi ta tranh luận với Milan phải không? - Bà hỏi.
- Tôi ở ngay bên cạnh, thưa Milostiva! - Ivo đáp.
Cả hai người im lặng. Xuống tới chân cầu thang, Milostiva nói:
- Anh làm ơn quạt hộ giường cho ta! Ta sẽ lên trong nửa tiếng đồng hồ.
Bà già cầm ở tay một chiếc đèn pin nhỏ.
Ivo nhìn qua cửa sổ buồng ngủ, thấy bà đi chầm chậm với chiếc đèn điện và chiếc áo choàng đen của mình trên các lối đi rải sỏi dưới những cây dẻ.
Đêm ấy trời lạnh. Ivo đã sửa soạn xong giường. Người ta nghe rõ bước chân của bà chủ bên dưới cửa sổ, trên các lối đi, nhẹ nhàng, lao xao. Ivo nhìn bà. Bà dừng chân bên bụi hoa đinh, ra dáng tìm kiếm một vật gì. Bà cúi xuống, rồi bà ngẩng lên cửa sổ gọi:
- Ivo.
Người đày tớ đỡ bà lên lại buồng riêng và trong lúc ông cởi áo khoác ra cho bà thì Milostiva bảo:
- Pha cho ta một ít nước hãm nghe!
Ivo pha cho bà một ít nước hãm cánh hoa hồng cùng với hoa đoạn và hoa cúc cam, đặt vào một chiếc khay bạc mang đặt cạnh giường Milostiva. Bà mỉm cười cảm ơn và chúc Ivo ngon giấc.
Milostiva còn lại một mình, ngả lưng trên giường cho tới lúc không còn nghe thấy tiếng chân của người đày tớ ở ngoài hành lang nữa. Bà đứng lên, mở tủ, tìm trong cái túi da ra một chiếc giũa móng tay. Bà tới bên ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ và dùng chiếc giũa con cưa đầu ống thuốc độc. Đó chính là cái ống thủy tinh mà Milan đã rút từ trong túi áo hắn ra và đã ném đi qua cửa sổ. Bà đã tìm thấy ở lối đi, dưới bụi hoa đinh. Bà rót cái chất lỏng màu hồng nhạt vào cái tách sứ đựng nước hãm cánh hoa hồng, hoa đoạn và hoa cúc cam. Bà cho đường. Đoạn Milostiva đưa lên miệng nếm thử. Bà mỉm cười, rồi lại nếm nữa với làn môi nhợt nhạt của bà. Nước hãm thơm thơm mùi hoa hồng và cũng thoang thoảng mùi hoa đoạn và hoa cúc cam. Nét mặt Milostiva tươi tắn thanh thản. Nước hãm nóng ấm. Uống xong giọt cuối cùng, Milostiva nằm duỗi mình ra trên giường. Bà nhắm mắt lại. Và mỉm cười. Tách nước hãm để lại trong miệng bà một thoáng mùi thơm hoa hồng. Một mùi thơm tỏa lan khắp cơ thể bà, hoa hồng, hoa đoạn, hoa cúc cam.
Sáng ngày mai, sẽ không còn một người Do Thái nào nữa trong Quốc gia độc lập của người Slaves phương Nam! - Bà suy nghĩ - Tất cả mọi điểm trong chương trình của Za Dom đều đã được thực hiện. Con ta giờ đây là lãnh tụ chính trị vĩ đại nhất!
Không còn một người Do Thái nào! Milan Paternik mạnh hơn cả Himmler! Nó sẽ sung sướng. Và tự hào! Ngực nó sẽ đeo đầy huân chương! Gott strafe England. Chúa trừng phạt nước Anh.
Câu Gott strafe England vang lên nhè nhẹ bên tai bà như tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo ở buồng bên cạnh.
X
Một giờ đã trôi qua, từ lúc Ivo Duppelhof mang tách nước hãm hoa hồng sang cho Milostiva. Ông không tài nào ngủ được. Ông ngồi dậy, ra hành lang và rón rén đi tới cạnh cửa buồng ngủ. Bà Debora có bệnh bướu thịt và khi nằm ngủ bà ngáy một cách rất nhẹ nhàng. Ngay cùng buồng, người ta cũng không nghe rõ cái hơi thở của con mèo nằm ngủ ấy, hơi thở của con mèo già.
Ivo khẽ mở cửa. Căn buồng mờ mờ tối. Milostiva nằm duỗi chân trên giường, vẫn mặc cả quần áo. Một tia sáng xuyên qua tấm màn che. Mặt bà bạc phếch như một tờ giấy.
Ivo Duppelhof tiến tới cạnh giường và bật đèn lên.
- Milostiva! - Ông gọi khẽ.
Milostiva không trả lời. Ông ta sờ tay bà và nhìn xung quanh. Trên bàn ngủ, ông thấy cái tách, cái giũa móng tay và một ống thuốc không.
- Milostiva! Milostiva! - Ông kêu lên và lặp lại to hơn nữa - Milostiva!
Bà vẫn nằm bất động.
- Đứa sát nhân! - Ivo Duppelhof kêu lên - Đứa sát nhân! Nó đã giết mẹ nó!
Ivo Duppelhof muốn kêu cứu. Ông muốn gọi bọn lính gác.
Nhưng ông không thể nào có được một quyết định. Ông đứng bất động, kề bên giường. Sau đó ông quỳ gối, ông cầm lấy tay người chết đặt lên một cái hôn rồi lại đặt nó lên ngực. Ông làm dấu thánh giá.
Ông đứng lên đi ra phía cửa. Tới ngưỡng cửa, ông dừng lại ông nhìn thi hài bà già trên giường, hai tay khoanh trước ngực, với chiếc áo dài nhung đen, chiếc áo choàng buông rũ xuống trên tấm thảm như một cánh chim bị trúng thương. Ivo Duppelhof trở lại buồng mình.
Ông sửa soạn vali, mặc chiếc áo khoác và với cử chỉ vội vàng ông xem lại tờ hộ chiếu cũ của ông có dấu thị thực của Thụy Sĩ rồi cất vào trong túi áo. Rồi ông nhìn xung quanh.
Trên mắc áo còn treo bộ y phục hầu phòng cầu vai mạ vàng của ông. Ông không cần đến nữa. Ngoài chiếc vali và tờ hộ chiếu, ông không cần lấy một thứ gì trong cái phòng này nữa.
Hoàn toàn không.
Ông lại trở vào buồng Milostiva lần nữa, tay trái xách vali và tay phải cầm mũ. Ông cầu nguyện trước người đã mất!
- Giờ đây, bà không cần đến tôi nữa, thưa Milostiva! - Ông nói.
Ông cúi đầu im lặng.
- Cũng không còn cả lý do nữa để tôi tiễn đưa bà ra nghĩa địa! Vĩnh biệt! Milostiva!
Người đày tớ vẫn để đèn sáng. Ông vẫn cầm mũ. Ông lau đôi mắt đẫm lệ rồi ông bước ra khỏi tòa lâu đài của Milostiva Debora Paternik qua cổng phụ.
- Bốn mươi năm mình làm đứa ở cho Milostiva...ông đi về phía trung tâm thành phố.
- Bây giờ mình trở lại Thụy Sĩ. Trở lại quê hương xứ sở của mình.
XI
Tôi không loan báo cái chết của Milostiva cho ai cả. Tuyệt đối không một ai.
Lão đày tớ Ivo Duppelhof đang đứng trước mặt bác sĩ Petrovici, bộ trưởng nội vụ của Quốc gia độc lập. Ông đang tìm những từ ngữ cần dùng. Ông vẫn cầm ở tay chiếc vali và cái mũ. Ông không muốn ngồi. Ông vẫn đứng trước bàn giấy.
- Trước khi ra ga, tôi tạt qua đây loan báo cho Ngài, kể lại cho Ngài hay sự việc đã xảy ra như thế nào.
Ante Petrovici im lặng.
- Tôi đã nghe lỏm được cuộc tranh luận. - Ivo Duppelhof nói tiếp - Thuốc độc, chính hắn ta cho mẹ, hắn, Milan Paternik. Đúng, hắn đã cho bà ta uống thuốc độc. Cái ống vẫn nằm trên bàn ngủ của Milostiva. Tôi không đụng đến cái gì. Đúng, tôi chỉ khoanh cánh tay bà lên trước ngực. Tôi vẫn để đèn sáng và tôi ra đi. Báo cáo với Ngài hết.
Đôi mắt xanh của Ante Petrovici tối sầm lại tưởng như sắp trở thành đen ngòm. Ông cầm lấy ống nghe, rồi lại đặt nó xuống.
Ông đứng lên, Ante Petrovici đi khập khiễng. Ông mặc chiếc áo choàng, run run và không nói gì. Cũng không nhìn cả Ivo. Không nhìn một ai. Không nhìn một cái gì. Ông dường như đã tách biệt với mọi sự mọi vật xung quanh.
- Ngài không thấy có trở ngại gì về việc tôi rời khỏi Quốc gia độc lập đêm nay? Tôi trở về Tổ quốc tôi. Tôi đã ở lại đây hoàn toàn vì Milostiva! - Ivo nói.
Ante Petrovici nhìn thẳng vào mặt ông.
- Tôi có chuyến tàu vào hồi không giờ ba mươi phút đêm. Ivo Duppelhof nói.
- Chúc ông lên đường bình yên. - Ante Petrovici nói - Tôi sẽ lo liệu tất cả.
Ante Petrovici là một trí thức. Ông ta có cái đầu một nhà bác học và hàng ria màu hung hung như nhà thơ Rainer Maria Rilke. Ông bắt tay Ivo và mở cửa.
- Thưa bác sĩ. - Ivo nói giọng van lơn - Thưa bác sĩ - Ông ta nói tiếp - Tôi cần phải thú nhận với Ngài một điều này nữa, mong Ngài xá lỗi. Có lẽ là tôi không nên dính líu tới chuyện này.
Petrovici nhìn vào mặt ông ta.
- Đây là chuyện của Lidia, vợ cũ của Ngài. Lâu nay Milostiva giúp đỡ bà ấy tiền bạc, thực phẩm, thuốc men. Bây giờ Milostiva không còn nữa. Đó là điều tôi muốn nói với Ngài.
- Lidia đang ở nước ngoài, đi từ lâu, từ hai năm nay. - Petrovici nói.
- Bà Lidia không phải ở nước ngoài. Bà ấy ẩn náu tại Dalmatie, trong một làng quê, dưới một cái tên giả. - Ivo nói -Milostiva biết địa chỉ và giúp đỡ bà. Giờ đây, Milostiva không còn và bà Lidia lại đang ốm đau.
- Ông chắc không?
Ante Petrovici đã li dị cách đây bốn năm. Lidia là một nghệ sĩ, một cây vĩ cầm lỗi lạc. Petrovici rất yêu Lidia, nhưng phải li dị nhau, bởi bà ta nóng nảy kinh khủng. Họ không thể chung sống với nhau được. Chỉ duy nhất vì cái tính nóng nảy quá mức độ đó mà hai người phải li dị. Bà ấy đã nói rằng bà ta ra nước ngoài. Bà ấy danh tiếng lừng lẫy khắp mọi nơi. Ở Pháp, ở Mỹ, ở Anh. Petrovici biết rằng bà ấy đã ra đi sau ngày li dị nhau.
- Anh có chắc chắn đích xác là Lidia không ở nước ngoài không?
- Hoàn toàn chắc chắn, thưa bác sĩ.
Lidia là người Do Thái, mà tất cả những người Do Thái trong Quốc gia độc lập đều đã bị sát hại.
- Vì sao Milostiva chẳng bao giờ nói với tôi chuyện đó? Vì sao ông cũng không nói với tôi?
Người đày tớ nhún vai.
- Lidia không thể nào còn sống. Không thể! Nếu đúng nàng còn sống, tôi sẽ săn sóc trông nom. Anh có thể lên đường rồi đó, Ivo Duppelhof. Chúc anh đi bình yên! Nếu Lidia còn ở đây, tôi sẽ tìm lại được nàng, Ivo Duppelhof ạ!
Ante Petrovici nhìn Ivo rời khỏi bàn giấy. Trước khi ông ta đi khuất, Petrovici đột ngột hỏi:
- Ông vẫn giữ ý kiến rằng ông không hề biết địa chỉ Lidia?
- Chỉ một mình Milostiva biết.
Ante Petrovici không gì hỏi nữa. Ông để cho Ivo ra ga trở về nước mình. Ông ta đã dựng trước một căn nhà tại quê hương. Một căn nhà để sống yên tĩnh khi không còn là một tên hầu phòng nữa. Mà giờ đây ông không còn là một kẻ hầu phòng.
Ante Petrovici trở vào văn phòng của mình. Ông cầm máy nói:
- Hãy báo cho Quốc trưởng biết rằng Milostiva Debora đã chết. Bị ngộ độc. Trước mắt chỉ biết vậy. Tôi sang lâu đài Milostiva đây.
Ante Petrovici đội mũ, mặc áo khoác. Ông gọi chuông.
Một sĩ quan bước vào.
- Hãy mở cuộc điều tra xem bà Lidia, vợ cũ của tôi, có đi ra nước ngoài không? Nhất định phải có một bản tường trình về việc này. Hãy hỏi các cơ quan tình báo! Mọi nơi!
Ông rút khăn lau trán và bước ra sân.
XII
Viên Schaffner Motok trở lại nhà ga với gói bưu phẩm gửi cho Lidia. Anh đã gọi cửa nhà Milostiva mà chẳng có ai trả lời. Eddy Thall đã dặn kỹ anh không được giao gói đồ này vào tay quân lính gác. Mà ở đây, ngoài bọn lính gác ra, còn có ai nữa đâu mà trả lời. Anh nhìn đống hộ chiếu. Anh không buồn mở ra nữa. Mệt quá rồi. Hai tay ôm đầu, anh nghĩ tới cái cảnh đứng trước lâu đài Milostiva gọi chuông suốt nửa tiếng đồng hồ mà chẳng có ai ra mở. Cuối cùng anh đã phải bỏ đi. Người hầu phòng đã không trả lời.
Giữa lúc này, người ta nghe tiếng súng nổ liên tiếp, rất nhiều, đúng vào chỗ toa tàu nằm. Viên Schaffner Motok mở cửa ra xem. Trên sân ga, cách toa tàu vài bước, một người đàn ông đang giãy giụa. Cạnh ông ta là một chiếc vali. Một tốp dân quân vũ trang bằng súng tiểu liên chạy đến. Họ xách chiếc vali đi.
Họ túm lấy cổ tay và cổ chân người đàn ông lên. Người đàn ông vẫn tiếp tục giãy giụa. Một tên dân quân khác cố dùng nòng súng khều chiếc mũ của người đàn ông văng xuống giữa đường ray, dưới toa tàu.
Trên vỉa hè, không còn một ai. Bốn tên dân quân đã kéo người đàn ông ra ngoài ga. Tên lính khều được chiếc mũ rồi cũng đi nốt.
Motok nhìn vũng máu to loang loáng giữa mảnh sân rải nhựa và một vệt dài kéo thẳng từ đó ra tận cửa ga. Đó là máu của người chết mà bốn tên dân quân đã túm tay chân kéo lê đi. Motok lấy khăn lau mắt. Anh toan bước xuống sân ga một lát. Nhưng một toán dân quân khác đang đứng chặn ở hành lang toa tàu.
- Giấy tờ của hành khách! - Một viên sĩ quan quát.
Trước khi Motok kịp trả lời, viên sĩ quan đã bắt đầu khám xét các giấy tờ để trên bàn. Hắn khám rất nhanh, hết cái này qua cái khác liền. Sau đó hắn rút ra một cái thẻ hộ chiếu cùng với cái vé tàu và phiếu giường nằm. Motok muốn nhìn xem hộ chiếu tên ai.
- Buồng số năm còn trống. Viên sĩ quan nói.
Hắn đút vào túi áo tờ hộ chiếu của Ivo Duppelhof cùng với chiếc vé tàu và phiếu giường nằm.
Vậy là người hành khách buồng số năm bị thủ tiêu.
Hai tên dân quân vào buồng số năm xem Ivo Duppethof có bỏ quên gì không. Viên Schaffner Motok muốn ra sân ga một chút để hóng mát và tìm hiểu sự việc vừa xảy ra.
Nhưng toa tàu bị bọn dân quân canh gác. Motok không được phép xuống ga. Anh đành phải ở lại buồng của anh và bắt đầu kiểm soát những giấy tờ những hành khách khác. Sau khi tàu lăn bánh, anh đi kiểm tra những giường nằm. Đầy đủ cả.
Có những nhà ngoại giao, những sĩ quan và những nhà kỹ nghệ Đức.
Khi tàu đã qua biên giới của Quốc gia độc lập, một hành khách xin anh một chai bia. Đó là một người Ý.
- Ông có nói chuyện với tên Thụy Sĩ trước khi nó bị xử à? - Ông hành khách người Ý hỏi.
Motok nhìn ông khách trân trân. Anh không hiểu ông khách nói đến tên Thụy Sĩ nào.
- Cả thành phố đều biết chuyện và ông là người đã tận mắt chứng kiến họ lại không biết ai sao? Hơn nữa, ông ta là hành khách của ông mà! Ở buồng năm.
- Tôi chưa kiểm soát giấy tờ. Tôi chưa biết cả tên ông ta nữa - Motok nói - Sau đó tôi không làm sao xuống được. Tôi cũng không cả nhìn thấy mặt ông ta nữa kia! Tôi chỉ thoáng qua bóng dáng của ông ta đang giãy giụa trên sân ga, cạnh toa tàu, sau khi ông ta bị xử.
- Đó là Ivo Duppelhof, người hầu phòng của Milostiva Debora Paternik. - Người hành khách Ý nói.
Ông ta uống chai bia của mình.
- Trong ký ức của con người, tại cái Quốc gia độc lập này, chưa từng thấy có những sự kiện nào đáng kinh hãi cho bằng những sự kiện đêm nay! Một tấn bi kịch khổng lồ! Tướng Milan Paternik giết mẹ vì kỳ thị chủng tộc! Chuyện thiên hạ chưa thấy bao giờ! Giết mẹ vì lý do chủng tộc! Vì bà ta không phải giống người Aryen! Mẹ đẻ của mình! Hắn đã đầu độc mẹ! Rồi hắn ra lệnh bắn tên hầu phòng đã chứng kiến việc giết người của hắn.
Tên hầu phòng toan chạy trốn thì bọn dân quân đã chặn lại ngay đây, tại ga, và giết chết lập tức. Ông đã trông thấy đấy, Milan Paternik muốn triệt hạ người làm chứng duy nhất về tội ác của hắn. Hắn sợ rằng, một khi trở về Thụy Sĩ rồi, người đày tớ có thể kể lại điều ông ta đã thấy. Nên hắn đã hạ sát luôn. Nhưng có tác dụng gì? Cả thành phố đang bàn tán cái việc đó.
Motok nhìn cái gói gửi cho Lidia ở ngay dưới bàn, lẫn giữa những chai bia.
- Đài loan tin Milan từ chức và bị bắt. Chính ông bố của hắn đuổi hắn. Ngay lúc nửa đêm, các máy thu thanh thành phố đã phổ biến rộng rãi tin này. Anh không nghe à?...Nhưng anh đang sống ở cái thế giới nào vậy? Tướng Milan Paternik đã bị huyền chức rồi!
Motok lấy khăn lau trán. Anh thấy choáng váng cả người.
- Ông có tin chắc là người hành khách bị giết vừa rồi là Ivo Duppelhof, người hầu phòng của Milostiva Debora Paternik không?
- Mọi người đều biết hết, trừ một mình ông! Tuy rằng ông là người có điều kiện để biết trước mọi người. Ông đã không thấy ông ta? Ông đã không nói với ông ta sao? Ngày mai, ông sẽ thấy báo chí xác nhận điều này! Thật là một xì-căng-đan khủng khiếp!
Motok không còn đủ nghị lực suy nghĩ nữa.
- Mở cho tôi thêm một chai bia. - Ông hành khách bảo.
Motok cúi xuống, gạt cái gói gửi cho Milostiva sang một bên và mở một chai bia đặt lên bàn, trước mặt ông hành khách.
- Điều nghiêm trọng hơn nữa Duppelhof là công dân Thụy Sĩ. Công dân một nước trung lập. Nước Thụy Sĩ sẽ lên tiếng phản kháng về điều đó, nghiêm trọng đấy.
Con tàu tắt hết đèn chạy trong đêm tối. Bây giờ họ đang ở giữa lòng châu Âu. Che kín tất cả. Ngụy trang hoàn toàn.
Đêm.
XIII
- Đây là một đặc ân hoàn toàn ngoại lệ, tuyệt đối ngoại lệ! - Ông đại sứ Đức nói.
Ông ta đưa cho Ante Petrovici cái giấy phép vào trại tập trung Auschwitz và ông nói tiếp:
- Lidia Petrovici bị giam tại Đức bốn tuần nay rồi. Mọi thủ tục đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bà ấy sẽ được phóng thích ngay sau khi ông tới. Bà ấy có thể theo ông cùng về. Tôi hy vọng ông sẽ được gặp bà ấy khỏe mạnh. Nhưng tôi yêu cầu ông giữ tuyệt đối bí mật. Những chuyện như thế này chỉ có hai người biết với nhau. Chúc ông lên đường bình yên, Herr Doktor, thưa bác sĩ!
Ngay hôm ấy, Ante Petrovici lên đường qua nước Đức.
Mới chỉ một tuần qua sau khi Milostiva tự tử, Ivo Duppelhof bị thủ tiêu và Milan Paternik bị trục xuất khỏi Quốc gia độc lập, Ante Petrovici đã đưa đơn từ chức. Ông không muốn làm Bộ trưởng nữa. Nhưng ông chỉ nhận được một sự từ chối. Ông đã dò ra dấu vết của Lidia. Nàng bị giam tại Auschwitz và giờ đây người ta đồng ý trả tự do cho nàng. Ông đi để nhận nàng về.
Từ hai năm nay, ông đã không nhớ tới Lidia nữa. Bây giờ thì ông lại nhớ. Lần cuối cùng bắt tay nhau sau khi nhận được bản án ly hôn, nàng có nói với Ante Petrovici:
- Tôi ra nước ngoài.
Sau đó chiến tranh đã xảy ra. Ông trở thành Bộ trưởng và không còn nghe nói gì về Lidia nữa cả.
- Vì sao Lidia không cầu cứu với ta? - Ante Petrovici tự hỏi - Là Bộ trưởng, ta có thể giúp nàng lắm chứ? Nhưng nàng đã im lặng, mặc dù nàng đã là vợ của ta?
Ante Petrovici không làm sao hiểu nỗi. Vì sao nàng giận ông? Nàng giận ông vì ông là thành viên của một chính phủ chủ trương tiêu diệt người Do Thái. Nhưng mà ông, Ante Petrovici, ông có tham gia chuyện ấy đâu! Ông chỉ cai trị thôi.
- Lidia có quyền giận ta thật. Nàng giận ta âu cũng là tự nhiên. Dù không trực tiếp tham gia, ta vẫn nằm trong số kỹ sư xây dựng trật tự mới. Và muốn có trật tự mới ở châu Âu thì những kỹ sư chính trị ấy sẽ phải tiêu diệt đi một số chủng tộc, những người Tzigan, những người Do Thái. Cả ta nữa, ta cũng làm việc cho cái trật tự đó. Chống lại những con người. Và chính vì vậy mà Lidia căm giận ta. Vì ta tham gia vào việc hủy diệt những con người nhằm tạo lập một nền trật tự mới. Đó là tội ác lớn nhất. Và khi xảy ra một chuyện tranh chấp nào giữa Lidia với ta thì nàng khinh bỉ ta cũng là lẽ bình thường và cũng bình thường, nàng cầu xin giúp đỡ của người ngoài chứ không phải của ta.
Ante Petrovici mang theo trên xe nào thức ăn, thuốc men, nào quần áo, chăn mền. Mọi thứ bên cạnh ông, cho Lidia. Ông đi băng qua nước Đức với hết tốc độ. Chưa bao giờ ông vội như hôm nay và khi tới Auschwitz thì thực tình ông đã kiệt sức.
Ông muốn giải phóng Lidia sớm được phút nào hay phút ấy.
Thêm một giây Lidia phải ở trại tập trung là tội lỗi của ông.
- Phạm nhân Lidia chết rồi?
Ante Petrovici đứng trước mặt viên chỉ huy trại. Viên chỉ huy đang cầm trên tay lệnh trả tự do cho Lidia.
- Schade! Đáng tiếc! - Hắn nói - Giá ông tới trước một tuần thì bà ta còn sống. Đáng tiếc! Một cái lệnh tha như thế này hoàn toàn ngoại lệ. Rất tiếc là nó được chuyển tới cho một tù nhân không còn sống nữa!
- Tôi có thể đưa nàng về mai táng tại quê hương không?
- Những tù nhân chết tại trại đều được hỏa thiêu. Đó là lệ chung.
Ante Petrovici có ý muốn nói những lời vĩnh biệt. Ông thấy viên chỉ huy cất cái lệnh tha vào một tập hồ sơ. Về mặt hành chính, cái lệnh đó thuộc về ông.
- Nàng không để lại một bức thư, một vật gì hay sao?
Viên chỉ huy mỉm cười một cách mỉa mai:
- Tù nhân không có lệ gửi thư! Tôi rất tiếc!
Ante Petrovici bước ra.
Hủy diệt hoàn toàn! - Ông ta nghĩ - Lidia đã bị hủy diệt.
Bị hỏa thiêu. Hoàn toàn. Không để lại một dấu vết. Không cả một chiếc khuy áo? Hủy diệt hoàn toàn, trọn vẹn!
XIV
Viên Schaffner Daniel Motok đi tới nhà Pierre Pillat.
Anh muốn kể lại với Pillat sự việc đã xảy ra. Báo chí không nói gì cả. Người ta chỉ loan báo sơ sài rằng tướng Milan Paternik đã bị thay thế. Chỉ có vậy thôi. Ở một tờ báo khác, người ta đọc được rằng: Milostiva Debora Paternik phu nhân của Quốc trưởng Quốc gia độc lập và là một trong những người cộng sự đắc lực nhất của ông vừa tạ thế. Không có câu nào liên quan tới Ivo Duppelhof cả.
Motok cầm cái gói ở tay. Anh muốn nói hết cho Pillat, kể lại cho anh ta nghe khi Motok đến thủ đô Quốc gia độc lập thì thấy lâu đài đầy những lính gác, trong lâu đài có một người đàn bà chết, và người đày tớ đã trốn đi như thế nào.
- Tôi không thể nào đi tới nhà của Eddy Thall trả lại gói đồ cho nàng. Tôi không thể nào kể lại cho nàng nghe những điều rùng rợn ấy. Anh, anh hãy đi đến gặp nàng đi?
Đó là những điều Motok muốn nói với Pillat. Anh mang cái gói tới, nhưng Pillat không ở nhà. Motok nhìn đồng hồ:
- Tám giờ. Anh rút tấm danh thiếp đề tên Eddy Thall.
- Mình cứ tới nhà hát vậy. Mình sẽ không ở lại xem biểu diễn. Mệt quá rồi. Nhưng tới trao lại gói bưu phẩm, thế thôi.
Anh gọi một chiếc ta xi.
Tới trước cửa nhà hát, anh lại xem đồng hồ lần nữa. Chín giờ kém mười lăm. Anh nhìn lên những cửa sổ lớn ảm đạm một màu. Anh leo lên các bậc đá. Nhà hát rộng lớn mênh mông.
Phòng khán giả tối om. Motok thử mở cửa. Cửa khóa.
Anh đặt gói đồ lên bậc đá và quẹt diêm.
Chín giờ kém mười lăm, - anh ta tự bảo - nhà hát phải mở cửa rồi chứ; nếu buổi biểu diễn bắt đầu từ chín giờ.
Có một mảnh giấy trắng dán lên cửa. Người ta đã ghi mấy dòng bằng chữ hoa đậm nét:
“NHÀ HÁT EDDY THALL
NGỪNG BIỂU DIỄN TRONG MỘT THỜI GIAN NGẮN”.
Motok muốn biết vì sao các buổi biểu diễn lại bị gián đoạn, nhưng chẳng có ai để hỏi.
- May mà chỉ là ngừng tạm thời! - Motok tự bảo.
Trước khi rời nhà hát, anh muốn xác minh xem mình đọc có đúng không. Anh quẹt một que diêm khác. Dòng chữ lại hiện lên giữa tờ giấy trắng, dán vào cánh cửa: “NHÀ HÁT EDDY THALL NGỪNG....” Que diêm tắt. Anh không đọc được nữa. Tờ yết thị lại chìm vào bóng tối. Nhưng điều chắc chắn là Motok đã đọc chính xác. Những buổi biểu diễn của nhà hát này đã chấm dứt.
XV
Vú phải hiểu, Tinka ạ! Chúng ta không có quyền thay đổi được một cái gì cả - Eddy Thall nói -Tôi đã thử hết mọi cách rồi. Người ta không cho phép tôi giữ vú lại phục dịch cho tôi nữa. Vú phải đi thôi. Nếu không, cả hai chúng ta sẽ phải vào tù. Không một người Do Thái nào có quyền có những người đày tớ Công giáo nữa.
Tinka đã mặc bộ quần áo diện của bà. Bà đứng trước mặt Eddy Thall, vẫn trong cái buồng giấy mà từ hai hôm nay bà không có quyền quét dọn nữa. Bà thấy rằng trong lúc vắng bà, nền nhà chẳng ai lau, tủ sách không ai phủi bụi. Những chuyện đó làm phiền muộn cho lòng bà. Bà nhìn lại ngôi nhà và cảm thấy khó chịu khi nếp hoạt động cân đối ngày thường của nó bị phá vỡ.
- Vú hãy lấy đủ các giấy má. - Eddy Thall nói - Vú còn cuốn sổ gửi tiền ngân hàng trong đó có ghi những số tiền tiết kiệm của vú. Vú muốn rút tiền khi nào tùy ý mình. Tôi đã đóng cho vú một năm lương chứ không phải ba tháng như luật lệ quy định. Các giấy tờ của vú đầy đủ hết, bản sao khai sinh, bản sao rửa tội, tất cả.
Eddy Thall trả cả tập lại cho bà. Lâu nay, Tinka không bao giờ giữ những giấy tờ đó. Nó luôn luôn để trong ngăn kéo bàn làm việc. Nó là của bà nhưng chẳng bao giờ bà cần đến nó. Và giờ đây, khi Eddy Thall trao trả lại cho bà, bà bật khóc nức nở.
- Cô chủ muốn tôi làm gì nó? - Tinka hỏi.
- Mỗi công dân phải có đủ giấy má của mình.
Nói về Tinka thì tất cả mọi người có cửa hàng buôn bán ở chợ đều biết. Các người hàng xóm, ông hàng bánh, ông hàng thịt đều biết bà. Cả khu phố biết bà. Cả viên cảnh sát và ông cửa hàng hoa quả. Bà không phải là người cần có giấy tờ.
Tinka cầm gói giấy tờ trên tay. Bà khóc. Nước mắt bà nhỏ xuống trên tấm giấy chứng minh thư, trên tờ sao chứng chỉ rửa tội trên tờ sao giấy khai sinh.
Đối với bà thì phải có những giấy má đó còn nhục nhã hơn là phải bị sa thải: cái nhục của người đàn bà có giấy tờ. Chỉ những hạng đàn bà không đứng đắn mới cần có giấy tờ.
- Không! - Tinka bảo và bà bỏ tất cả xuống góc bàn.
Giờ đây, đến gần cuối đời, bà không thể chịu đựng một nỗi nhục như vậy được. Nào bà có phạm tội ác gì đâu để đến nỗi sáu mươi tuổi trên đầu còn bắt buộc phải sống với những giấy tờ kia! Phải trở thành một người đàn bà có giấy tờ!
- Nhưng mà ngày nay, mọi người đều sống như vậy cả. - Eddy Thall nói - Vú nhìn chứng minh thư của tôi đây! Bao giờ tôi cũng phải mang theo trong túi xách của tôi.
- Nếu người ta phải kiểm tra giấy tờ của tôi, một bà già, như kiểm tra bọn trộm cắp du đãng, thì thà rằng tôi chết. - Tinka đáp.
Bà lau nước mắt, đoạn bà nhìn Eddy Thall.
- Ngày mai là thứ năm, cô Eddy ạ!
Suốt bốn mươi năm nay, mỗi ngày thứ năm Tinka đều giặt giũ quần áo trong cái nhà này. Mỗi ngày thứ năm, không trừ một ngày nào.
- Vú không được phép làm việc trong nhà tôi nữa! - Eddy Thall nói - Luật lệ nghiêm cấm.
- Tôi làm không công mà? - Tinka đáp - Luật lệ đâu cấm tôi giặt giũ áo quần ngày thứ năm, như tôi từng làm suốt cả đời tôi?
- Pháp luật có cấm, Tinka ạ! Nếu ngày mai vú giặt quần áo thì cả hai chúng ta sẽ bị vào tù như những kẻ tội phạm.
- Cô chủ cho rằng bọn cảnh sát sẽ đi từng nhà xem có ai giặt giũ quần áo hay sao?
- Một người phụ nữ Công giáo không được phép giặt giũ quần áo cho một người Do Thái. Vú là Công giáo, tôi là Do Thái. Tội ác là ở đó.
- Các ông cảnh sát phải đi bắt tất cả bọn kẻ cắp và tất cả các hung thủ trong cả nước, thưa cô! Và khi không có việc gì làm nữa thì họ đi rảo các nhà dân để kiểm tra xem các bà già có giặt quần áo không. - Tinka nói.
- Đây là điều còn quan trọng hơn cả chuyện bắt các hung thủ và kẻ cắp, Tinka ạ! Nếu như vú giặt giũ quần áo cho tôi thì đó là tội chính trị. Một tội lớn hơn tất cả mọi tội xảy ra dưới ánh mặt trời.
Tinka, qua dòng nước mắt, nhìn cái giường còn bề bộn trong buồng ngủ.
- Tôi có thể xếp dọn cái giường lại một chút được chứ? - Bà hỏi.
- Không được, Tinka! Tôi đã bảo là vú không được phép làm gì trong cái nhà này nữa rồi!
- Thế cũng là chuyện chính trị - Tinka hỏi - nếu như tôi xếp dọn lại cái giường à?
- Tất cả đều là chính trị, Tinka!
Tinka nhìn tách trà trên bàn.
- Cô vẫn thường dùng nước trà vào cái giờ này đây. - Bà nói vẻ ái ngại - Nếu như tôi pha trà cho cô thì cái đó chẳng có gì là chính trị cả. Dù sao thế gian cũng chưa đến nỗi điên rồ mà nghĩ như vậy!
- Bất cứ công việc gì vú làm trong cái nhà này đều coi như vi phạm các điều luật về chủng tộc cả, đều là tội ác chính trị cả. Ngay cả trong một tách trà cũng có chính trị.
- Có lẽ chính bản thân cô cũng muốn tống khứ tôi đi. - Tinka nói - Bởi vì tôi, tôi không hiểu nổi. Giặt quần áo, pha trà, phủi bụi trên các cuốn sách thì có gì là chính trị? Từ tuổi ấu thơ của tôi, tôi giặt giũ, tôi làm bếp, tôi lau sàn nhà, tôi đi chợ, và tất cả những công việc đó tôi làm chẳng có bao giờ là chính trị cả. Một tách trà, là một tách trà, không phải là chính trị. Quần áo là quần áo, không phải là chính trị. Một cái sàn nhà là một cái sàn nhà...
Tinka khóc nức nở.
XVI
Một tuần sau khi nhà hát bị đóng cửa, một sĩ quan đến nhà Eddy Than. Hắn bước vào, hớn hở và lịch sự.
Hắn nhìn xung quanh. Hắn mặc đồng phục xanh, màu thanh thiên và đeo phù hiệu phi công.
- Tôi đến xem căn nhà! - Hắn nói.
Vừa tới ngưỡng cửa, không đợi Eddy Thall trả lời, hắn liếc nhìn qua cái phòng khách nho nhỏ bên cạnh và bật lên một tiếng huýt sáo khen ngợi.
- Đây là một căn nhà tuyệt diệu! Bao nhiêu buồng?
Hắn quan sát các tấm thảm, các tiện nghi. Hắn tỏ vẻ hài lòng.
Nàng muốn ngăn không cho hắn xộc vào các buồng khác nên mời hắn ngồi. Nhưng viên sĩ quan đi tới cạnh cửa sổ.
- Nhà nhìn ra một quang cảnh tuyệt đẹp, lộng lẫy!
Hắn rút trong túi ra một tờ giấy đưa cho Eddy Thall.
- Tôi là trung úy phi công Varlaam. Ngài Bộ trưởng đã phân cho tôi ở ngôi nhà của bà.
Eddy Thall cầm tờ giấy có in tiêu đề và đóng dấu. Đó là lệnh trưng thu ngôi nhà của nàng. Đôi tay nàng run lên lật bật.
Nàng đã biết tất cả nhà cửa của người Do Thái sẽ bị trưng thu, nhưng có ngờ đâu ngôi nhà của nàng lại bị người ta cướp đi quá sớm như vậy!
Nàng nhìn sâu vào đôi mắt long lanh của viên phi công và nói:
- Ông trung úy? Làm sao ông có thể đuổi người ta ra khỏi nhà để ông dọn đến ở thay vào chỗ họ được? Đó là điều mà tôi không có khả năng làm!
- Xin bà thứ lỗi! - Hắn đỏ mặt và nói - Cũng như với mọi sĩ quan, người ta phân cho tôi một căn nhà. Người ta mời tôi đến thăm để trả lời có nhận hay không. Sự việc là như vậy. Tôi có muốn đuổi ai ra đường đâu? Thưa bà, bà tha lỗi cho tôi, tôi tưởng căn nhà bỏ trống?
- Nó bị coi như bị bỏ trống bởi người đang ở là một phụ nữ Do Thái. Một căn nhà do người Do Thái ở thì coi như một căn nhà bỏ không. Nhưng ông thấy đó, nó không bỏ trống tí nào! Và là một ngôi nhà do tự tay cha mẹ tôi dựng lên.
Varlaam nghiêng đầu.
- Không phải lỗi của tôi! Một lần nữa, thưa bà, xin bà tha lỗi. Hoàn toàn không phải tự tôi!
Và hắn bỏ đi.
XVII
Ngày ngày, Eddy Thall chờ đợi nhận lệnh rời khỏi căn nhà của mình. Cái chết của Lidia, việc đóng cửa nhà hát, sự xa cách Tinka không làm cho nàng phiền muộn cho bằng chuyện trưng thu ngôi nhà của nàng. Ngôi nhà là nơi trú ẩn để người ta giấu mình đi mà chịu đựng khổ đau. Giờ đây, nàng buộc phải rời bỏ nó.
o O o
Cặp da, giày đen, kính gọng vàng, cổ áo hồ bột, Max Reingold ngồi ở ghế bành nói chuyện với nàng một cách thản nhiên như thể nói về những điều vô vị chứ không phải đang nói về vấn đề sinh mạng của chính mình. Max Reingold trong lúc nói chuyện với nàng cũng giữ thái độ bình tĩnh như khi ngồi tính toán. Ông tranh luận cũng như làm một bài toán cộng, trừ vậy thôi, điềm đạm, cẩn thận và khách quan.
- Chúng ta còn một cơ may duy nhất là mở cửa lại nhà hát. - Ông ta nói - Mở cửa lại nhà hát Eddy Thall to lớn gấp năm lần, cho năm ngàn khán giả. Tôi đã có những phương án kế hoạch đâu vào đấy cả, hoàn hảo rồi!
Eddy Thall giật nảy mình.
- Chúng ta có cái cơ may đó. - Max Reingold nói - Nhưng không phải ở đây. Chúng ta lại có thể mở cửa nhà hát Eddy Thall tại Tel Aviv, tại Palestine. Chúng ta có thể di tản. Đó là một triển vọng diệu kỳ.
Tia sáng vui tươi vừa lóe lên chốc lát trong con mắt của Eddy Thall vụt tắt.
- Ở đây, tại Rumani, chúng ta không thể làm được cái gì nữa cả. Tình hình tổng kết như thế này: nhà hát bị đóng cửa, nhà bị trưng thu, người làm bị sa thải. Ít lâu nữa, họ sẽ nhốt chúng ta vào trại tập trung và đưa chúng ta vào các lò thiêu người như một vài nước đã làm. Vả lại ở đây đâu phải là xứ sở quê hương? Chúng ta là Do Thái. Xứ sở của ta là Palestine. Giải pháp duy nhất là di tản.
Eddy Thall im lặng.
- Cháu không bằng lòng phải không? - Max Reingold hỏi - ít người Do Thái có cái cơ may này. Chúng ta thì có.
- Cháu muốn suy nghĩ thêm. - Eddy Thall nói - Có những điều mà bỏ đi không đành!
- Rời bỏ nơi này chỉ là rời bỏ sự kinh hoàng và nhục nhã!
- Cháu không tài nào rời bỏ nước Rumani một cách dễ dàng được. Cháu sinh ra ở đây. Con người ta gắn bó với nơi sinh mình như chồng với vợ. Người đàn bà có thể còn lạ lùng với anh tới một lúc nào đó, nhưng khi đã thành vợ anh rồi thì anh sẽ yêu họ hơn mọi kẻ trên đời, hơn cả mẹ anh, hơn cả chị em anh. Vì vợ, anh có thể rời bỏ tất cả. Đối với nơi sinh cũng vậy. Kể cả khi nơi sinh đó ở trên một đất nước không phải đất nước mình. Bởi nó là mảnh đất của anh rồi, anh không thể rời nó ra đi. Rumani là nơi sinh ra cháu. Đối với cháu, Rumani thân thương hơn là Tổ quốc vĩnh hằng của cháu, Tổ quốc Palestine.
Max Reingold đứng lên.
- Lý luận của cháu ra vẻ lôgic. Nhưng hãy suy nghĩ thêm. Ta cho rằng con đường di tản là cơ may duy nhất của chúng ta. Ta phải sử dụng nó.
XVIII
- Tôi cho vú cái tầng áp mái. - Eddy Thall nói - Tôi van vú, đừng có đến cái nhà này nữa. Cảnh sát mà thấy mặt vú ở đây thì người ta sẽ tưởng rằng vú tiếp tục phục vụ cho tôi.
Tinka đứng bên cánh cửa.
- Ông thẩm phán Pillat không giúp đỡ tôi được sao? - Bà ta hỏi.
- Không ai có thể bênh vực cho chúng ta chống lại pháp luật được cả, Tinka ạ! - Eddy Thall nói. Pháp luật còn độc ác hơn cả thú dữ nhiều!
- Vậy thì tôi phải làm gì đây, cả ngày? - Tinka hỏi. Bà đăm đăm nhìn Eddy Thall.
- Vú lên buồng riêng, làm việc. Hoặc nếu chán thì đi xem phim?
Tinka bắt đầu nức nở khóc. Đi xem phim, ngay giữa ngày lao động, như những người đàn bà hư hỏng, là một điều sỉ nhục đối với bà. Tinka có thể làm bất cứ công việc gì, nhưng đi xem phim vào ngày thứ ba, chuyện đó vượt lên trên khả năng của bà nhiều quá. Bà khóc, bước ra khỏi phòng, lên cái buồng áp mái của mình, bỏ quần áo ra ngâm.
Ngay lúc đó có tiếng gõ cửa. Hai viên cảnh sát bước vào.
Họ quan sát kỹ càng các bức tường. Một tên bước tới cạnh chậu quần áo. Hắn cầm lên những chiếc áo lót dày, bằng vải thô, những áo lót của Tinka.
- Các người dúi mũi vào chậu giặt của tôi mà không thấy xấu hổ à?
Tên cảnh sát nhấc cả những chiếc đĩa, những áo lót, những mùi xoa lên để xem giữa những quần áo vải thô một bộ quần áo tắm bằng lụa hoặc một cái gì đó bằng vải mỏng của đàn bà hay không. Chẳng có một thứ gì ngoài những đồ bằng vải thô của một người vú già!
- Ra ngoài! Ra! - Tinka quát.
- Nếu bà ăn nói như vậy, chúng tôi sẽ lập biên bản về tội lăng mạ. Chúng tôi thi hành nghề nghiệp của chúng tôi.
Một con chó nó cũng không đến ngửi và thò mũi vào chậu giặt đồ bẩn của một bà già! Nếu đó là nghề nghiệp của cảnh sát thì quả là cảnh sát không phải là con người!
Hai nhân viên ấy đi ra. Họ đi qua những buồng khác, nơi những người đày tớ cũ ở. Tinka nói một mình, trong cơn nóng giận:
- Nếu cảnh sát sinh ra chỉ để làm việc đó; nếu giờ đây có những luật lệ phái cảnh sát đi ngửi những quần áo bẩn của bọn đày tớ, dúi đầu vào trong đó để tìm giữa đống quần áo lót dơ dáy của các bà già đi ở mướn, thì như vậy là ngày tận thế đến nơi rồi Chao ôi, đúng quá!
Và Tinka nhổ nước bọt đằng sau lưng chúng, nhổ vào tất cả pháp luật và cảnh sát, vào tất cả những người làm ra pháp luật! Sau đó bà khóc nức nở, rất to, như khóc người chết. Không ai nghe tiếng bà khóc cả, vì buồng của bà ở ngay sát mái.
Nhưng mà khóc lên được cũng là trút bớt đi cho bà một nỗi đau đè nặng lên lòng. Bà trở nên mạnh dạn và quyết định gây chiến với cảnh sát để trả thù những điều nhục nhã bất công.
Qua chiếc cầu thang trong nhà, bà đi xuống bếp của Eddy Thall. Ở đây, bà thấy mình được thở khoan khoái. Đã một tuần nay, bà không được bước chân vào cái nhà bếp, nơi bà đã sống suốt cuộc đời mình. Bây giờ bà trở lại đây. Vũ trụ của bà là ở trong cái gian nhà có vòi nước và bếp lò, với những xoong chảo treo trên tường, những ngăn tủ đựng đầy đĩa bát, ly cốc thủy tinh. Không có cái nhà bếp, cuộc sống của Tinka Neva không còn là cuộc sống nữa. Đối với bà, cuộc sống có nghĩa là chợ búa, là đi mua hàng, là những rổ đầy, rau thơm, đậu trắng, khoai tây... Cuộc sống, là gọt khoai tây, là rửa bát, là mùi hành thái mỏng. Cuộc sống là cắt cà rốt thành khoanh, là giờ ăn với mùi thơm của xúp, mùi thịt quay và bánh bột gạo. Mọi thứ đó, hết tất cả rồi đối với Tinka, từ một tuần nay. Và hết những thứ ấy, cuộc sống của Tinka trở thành trống rỗng.
Vào trong bếp, Tinka lại bật lên những tiếng nức nở. Bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu và khóc. Hai tay bà ôm mặt, bà nhìn qua nước mắt như qua một tấm gương mờ, những cái xoong treo từng hàng trên tường đã theo thứ tự nhỏ to. Bà nhìn lại cái bếp lò mà bà đã dùng tay mình lau sạch, bóng trơn như một chiếc gương soi mỗi buổi chiều trong lúc những bát đĩa vừa được úp lên cho ráo nước.
Tinka nhen lửa. Bà thấy như mình được sống lại. “Ta đun nước và quét dọn bếp đây”. - Bà tự nói với mình.
Eddy Than không ở nhà. Tinka xách một chiếc giỏ. Bà ta hãnh diện bước xuống cầu thang với chiếc giỏ của mình và đi ngang qua trước tủ kính các quầy hàng. Ra chợ, bà mua đủ thứ, đầy giỏ mới thôi. Bà tiêu như tiêu cho một ngày lễ. Bà mua và trả tiền bằng tiền túi, tiền tiết kiệm của bà. Giờ đây, bà trở về với một giỏ đầy, như thể không phải bà mang rau mà bà mang chiến lợi phẩm về vậy. Bà kiêu hãnh đi về phía nhà. Viên cảnh sát góc phố nhìn bà hồi lâu rồi mỉm cười với bà, hắn là người quen biết.
Viên cảnh sát hôm đó không phạt vi cảnh một vụ nào trong khu phố. Không một người buôn bán nào để sọt không ra lề đường. Không một người ở gái nào rũ thảm bên ngoài cửa sổ sau chín giờ sáng. Không một xe chở hàng nào đậu ở giữa lòng đường. Tuy nhiên viên cảnh sát phải ghi một cái gì đó lên tờ báo cáo của mình chứ. Vậy là hắn nảy ra một ý kiến: ghi rằng Tinka Neva vẫn tiếp tục làm việc ở nhà những người Do Thái. Vậy thôi. Rồi hắn đi nộp bản báo cáo của mình.
Tinka về tới nhà. Bà bỏ các thứ trong giỏ ra và rửa rau.
Đúng lúc này, bọn cảnh sát đến.
- Bị bắt quả tang! - Một tên nói - Bà chủ của bà đâu?
- Vắng nhà!
Lòng hồi hộp, nhưng bà không sợ. Ở trong bếp, bà cảm thấy như mình được an toàn. Đây là lãnh địa của bà. Bà tiếp tục thái cà rốt trên một tấm ván.
- Bà không biết có lệnh cấm không được làm việc cho người Do Thái à? - Tên cảnh sát thứ hai hỏi.
- Cô chủ đâu có biết là tôi làm bếp! - Tinka đáp - Hôm nay là ngày đầu tiên. Tôi cũng chẳng biết là tôi đã bị cái gì nó thúc đẩy.
- Hãy đến với chúng tôi. - Tên cảnh sát ra lệnh.
Tinka nhìn những củ cà rốt cắt thành từng miếng nhỏ. Bà nhìn những miếng thịt đang hầm trong nồi. Một miếng thịt khác dành để áp chảo đang đặt ở góc bàn. Bà lần lượt nhìn những cái nồi, rồi siêu nước đang sôi trên bếp, rồi ngọn lửa.
- Xin lỗi các ông. - Bà nói để xoa dịu đối với họ.
- Bà hãy đến chỗ chúng tôi! - Tên cảnh sát nói - Bà sẽ làm tờ khai và bà sẽ được tự do.
- Ồ, xin các ông tha lỗi! - Bà lặp lại - Tôi đã phạm một tội.
Một trong hai tên cảnh sát dập tắt ngọn lửa.
- Sao các ông lại dẫn tôi tới đồn cảnh sát? - Tinka gào lên.
Bà đang ngồi trên một chiếc ghế tựa. Nhìn thấy bọn cảnh sát dập tắt lửa đi, bà bỗng nổi cơn giận dữ.
Hai tên cảnh sát mỗi đứa một tay túm lấy bà. Bà trì lại.
Bà bắt đầu gào to. Nhưng cánh tay của bọn cảnh sát khỏe lắm.
Họ nhấc bổng bà lên. Bà lại gào to hơn nữa. Nhưng tiếng gào của bà bị nghẹn lại. Một trong hai người đã bịt miệng bà với bàn tay của hắn, chẳng khác nào với một tấm sắt. Một bàn tay khô đét, đầy lông lá. Tinka muốn cắn cho hắn một phát, nhưng không làm sao cử động được hàm răng. Bà chỉ ngửi thấy cái mùi của bàn tay sắt đang bịt miệng bà và làm bà khó thở. Bà cảm thấy người ta kéo bà qua hành lang, rồi qua cầu thang. Bà đoán thiên hạ đang đổ ra đường và đang nhìn bà. Tinka không còn hơi sức nữa. Bà không cử động. Bà để cho người ta dắt bà đi, nâng bổng lên như là bay vậy. Cánh tay bà bị đau, và cái bàn tay bịt miệng bà cũng làm bà đau. Một bàn tay có những ngón tay sắt. Một bàn tay cảnh sát.
XIX
Ngay hôm sau Eddy Thall được bà con hàng xóm cho biết là Tinka đã bị bắt.
Họ đã bịt mồm bà. Họ đã đánh bà. Họ đã cưỡng bức lôi bà xuống. - Chị gác cổng kể - Cô phải đi thăm bà ấy đi!
Eddy Thall tới đồn cảnh sát. Nàng gửi một gói những thứ cần dùng cho Tinka và yêu cầu cho nàng được gặp bà ta.
- Không thể được! - Viên cảnh sát trưởng trả lời - Trường hợp Tinka Neva đã trở thành nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ đưa bà ta ra tòa án binh. Trường hợp bà ta thuộc quyền xét xử quân sự. Việc vi phạm những điều luật về chủng tộc và tiếp tục phục vụ cho người Do Thái chỉ có một tầm quan trọng thứ yếu. Bà ta bị buộc tội đã lăng mạ nhân viên Nhà nước. Đã nghiêm trọng rồi. Nhưng tội chính của bà ta là tội khi quân kia! Bà ta sẽ bị phạt tù khổ sai.
Viên cảnh sát trưởng đọc tờ báo cáo của nhân viên hắn.
“Sau khi bị tống giam, bị cáo Tinka Neva có nói những câu lăng mạ đối với đức vua. Như câu: Nên ông sai bọn cảnh sát đến khám xét những quần áo bẩn mà tôi giặt giũ lúc đó thì, hỡi vua của nước này, nghĩa là ông còn ngu hơn cả một con sen. Đó không phải là việc làm của một ông vua. Và tôi nhổ toẹt vào mặt ông đó, ngài vua ạ! Bởi vì ông chỉ xứng đáng có thế. Tôi, tôi là một người đàn bà lương thiện”.
Viên cảnh sát trưởng gấp tập hồ sơ lại.
- Có thể còn có cái gì nghiêm trọng hơn vậy nữa không? Mọi nhân viên cảnh sát cũng như mọi nữ phạm nhân khác đều nghe rõ ràng bà ta gào lên cho đến khi bà ta bị bịt mồm bà ta lại. “Ngài vua ạ, ông còn ngu hơn một con sen nữa, và tôi nhổ toẹt vào mặt ông bởi ông không xứng đáng một cái gì ngoài cái đó!” Nguyên văn. Bà ta sẽ phải ra tòa án binh. Cô không được phép gặp.
Eddy Thall trở về nhà. Nàng điện cho Pierre Pillat yêu cầu anh ta làm một cái gì đó giúp đỡ cho Tinka Neva.
- Tôi sẽ xin ngay tập hồ sơ để xem xét. - Pierre Pillat đáp - Đúng luật thì tội khi quân là phải tù khổ sai. Tôi sẽ cố thu xếp phần nào cho tình thế của bà. Nhưng trước mắt khó trả tự do ngay cho bà ta được. Gần như là không thể. Chiều thứ sáu, tôi sẽ gặp cô. Chúng ta sẽ cùng nhau đi thăm Tinka. Trong giờ phút này đây, với tư cách là thẩm phán quân sự, tôi làm việc ở văn phòng Quốc trưởng của Tư lệnh. Tôi bận lắm. Nhưng chiều thứ sáu, năm giờ, tôi sẽ có mặt ngay tại nhà cô.
Eddy vừa đủ sức để nói một câu:
- Cảm ơn, Ngài Pillat! - Nàng nhắc lại - Cảm ơn, Ngài Pillat.
- Còn chuyện cô dự định về Palestine thì sao? Cô có dứt khoát không?
- Chúng ta sẽ nói chuyện sau! - Eddy Thall đáp - Bây giờ thì tôi xin cảm ơn. Hẹn thứ sáu.
Và đặt máy xuống, để có thể khóc một mình.
Trong lúc đó, một nhân viên đùn vào dưới cánh cửa của nàng một mảnh giấy màu xanh. Đó là lệnh triệu tập nàng tới sở cảnh sát để khai báo về vụ vi phạm luật pháp cấm người Do Thái không được tuyển dụng người làm Công giáo.
Lần đầu tiên, Eddy Thall nghĩ rằng: quả thật cái cơ may duy nhất còn lại với nàng là di tản. Và chỉ có thể di tản sang Palestine.
Nàng điện cho Max Reingold.
- Cháu dứt khoát rồi! Cháu muốn di tản. Bất cứ đi đâu, nhưng càng sớm càng tốt!
Nàng có ý định kể cho Max Reingold biết là Tinka Neva đã bị bắt, nàng bị gọi lên sở cảnh sát. Nhưng Max Reingold đang quá bận rộn vì công việc.
- Ngay sáng nay, bác có một buổi hẹn gặp để tiến hành công việc di tản. Bác biết thế nào cháu cũng quyết định đi mà. Bác đã ghi tên cháu vào danh sách của bác từ đầu. Tất cả đã được chuẩn y. Bây giờ không dứt khoát cũng không được! Đây là cơ may duy nhất. Không còn cơ may nào khác. Duy nhất chỉ có một!
XX
Max Reingold đặt xuống trước mặt Aurel Popesco, giám đốc Nha mật thám Quốc gia Rumani, tập hồ sơ với danh sách những người Do Thái sẽ xuống tàu Adassa và tàu Euxin.
Aurel Popesco, người lãnh đạo tổ chức Thiên thần lửa là một trong những luật gia trẻ tuổi có năng lực nhất. Hắn nhìn bảng danh sách những người Do Thái phải di cư sang Palestine. Hắn đọc và hắn mỉm cười. Đoạn hắn gấp tập hồ sơ lại và nhìn Max Reingold.
Aurel Popesco trẻ và lịch sự.
- Chúng tôi không phải là những kẻ ăn thịt người Do Thái. Hắn nói - Chúng tôi để các người ra đi. Chúng tôi là một Chính phủ quốc gia xã hội. Chúng tôi có một chương trình chủng tộc chống Do Thái. Chúng tôi muốn đẩy các người đi mà không phải đổ máu, không phải dùng bạo lực. Vì vậy mà tôi đã cho trưng thu hai chiếc tàu Adassa và Euxin. Tất nhiên đó không phải là những chiếc tàu tốt nhất của hàng hải Rumani. Những chiếc tốt nhất, chúng tôi giữ cho chúng tôi. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho các người hai chiếc tàu. Các người cứ việc mua rồi đi đâu thì đi, tùy ý.
Aurel Popesco từ chối điếu thuốc của Max Reingold mời.
Hắn nói tiếp:
- Các người đi đâu đó là việc của các người. Nhưng hãy đi đi. Các người làm chúng tôi khó chịu. Chúng tôi là những kẻ thù của người Do Thái. Chúng tôi tuyên bố công khai. Và nếu các người không đi thì chúng tôi sẽ dùng những phương tiện khác để các người đi khỏi mặt chúng tôi. Người Rumani chúng tôi chán ngấy cái chế độ độc tài Do Thái lắm rồi. Mọi tờ báo, mọi nhà hát, cửa hàng, nơi chiếu phim, công nghiệp, thương nghiệp, tất cả mọi cái gì cũng trong tay người Do Thái. Trong tay các người cả. Bây giờ thế là hết! Chúng tôi đã nắm chính quyền. Chúng tôi tịch thu tất cả. Giờ đây, chúng tôi xin mời các người đi cho!
Max Reingold theo dõi những lời Popesco nói.
- Hai con tàu ấy, tàu Adassa và tàu Euxin giá cực kỳ đắt. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền. Giá nó đắt một cách không bình thường. Nhưng chẳng còn cách nào khác. Chúng tôi chỉ muốn một điều: Ngài có thể bảo đảm cho chúng tôi được ra đi nếu như chúng tôi bỏ tiền ra mua không?
Max Reingold tránh cái nhìn mỉa mai của Aurel Popesco.
- Chúng tôi có được bảo đảm rằng một khi hai chiếc tàu đó đã được sửa chữa và trả tiền xong, Ngài sẽ không trưng thu chúng chứ?
- Tôi có thể lấy danh dự bảo đảm cho cuộc ra đi của các người. - Aurel Popesco nói - Tôi biết trong công việc kinh doanh lời nói danh dự không có một vai trò gì to lớn. Nhưng tôi không phải là người kinh doanh. Tôi là người chỉ huy Tổ chức Thiên thần lửa. Và danh dự đối với chúng tôi là tất cả. Chúng tôi giữ trọn lời danh dự. Tôi chỉ cần nói với các người như vậy.
Max Reingold đứng lên. Aurel Popesco giữ ông lại.
- Tôi có hai điều kiện: Thứ nhất, các người đi ngay nội tuần này. Thứ hai, trước lúc ra đi, bất cứ người Do Thái nào xuống tàu Adassa hoặc Euxin phải ký một bản tuyên bố từ bỏ vĩnh viễn quốc tịch Rumani.
- Đồng ý! - Max Reingold nói.
- Như vậy để các người khỏi tìm cách trở lại. Lợi ích đất nước đòi hỏi phải làm như vậy và lợi ích đất nước đối với chúng tôi là điều thiết tha nhất trên đời. Bọn chúng tôi, những Thiên thần lửa, chúng tôi sẵn sàng và bao lần đã chứng minh, hy sinh mạng sống của mình cho Tổ quốc. Vậy trong tình thế hiện tại, không có lý do gì để không hy sinh một triệu sinh mạng Do Thái cho Tổ quốc, nhất là khi ngoài sự hy sinh đó, không thể có một giải pháp nào khác nữa. Vấn đề Do Thái phải giải quyết. Nước Đức và các nước Đồng Minh lớn phương Tây của chúng tôi đã giải quyết xong. Bây giờ đến lượt chúng tôi. Tôi chúc các người lên đường mạnh khỏe. Và trong vòng tám ngày nữa, các người sẽ phải vĩnh viễn rời đất nước Rumani! Recht oder unrecht es ist mein Vaterland - Đúng hay không, đây là Tổ quốc tôi! Từ biệt.
XXI
Eddy Thall mơ màng suy nghĩ. Còn một đêm nữa là nàng có thể cùng với Pierre Pillat đi thăm Tinka Neva trong nhà tù. Hôm ấy là tối thứ năm. Sau đó còn những bốn ngày nữa mới xuống tàu. Mọi thủ tục đã xong xuôi.
Trong căn nhà, các vali đã sẵn sàng. Nàng chỉ được phép mang theo một trăm kilô hành lý. Phải cho xuống tàu Adassa và Euxin một ngàn năm trăm người Do Thái. Muốn đi được người, tất nhiên phải hy sinh hành lý thôi. Max Reingold hiện còn đang ở Constantza trông coi công việc.
- Mình rất sung sướng được cứu Tinka Neva ra khỏi tù trước khi lên đường. Sau đó thì Pillat giúp đỡ cho bà. Mình để lại cho anh ấy tất cả những đồ đạc tiện nghi, tất cả những cái mình không thể mang theo.
Vừa có tiếng chuông gọi, người ta đã nghe thấy tiếng của Esther Reingold, con gái của Max, ngoài cửa.
- Ba em vừa ở Constantza về. - Cô ta nói và ngồi buông mình xuống chiếc ghế bành - Em có những tin tức mới. Em sung sướng quá. Chúng ta sẽ đi ngay ngày mai, lúc năm giờ - Cô ta nói - Ba em sai em báo cho chị. Chúng ta sẽ đi trước ngày dự kiến. Sớm được ba ngày. Kinh khủng thật. Ba nói đây là một điều may. Phía chân trời đang có dấu mây đen. Không phải chỉ ngoài khơi mà cả ở đất liền. Trong lĩnh vực chính trị, người ta dự kiến bão tố sắp sửa xảy ra. May quá. Chúng ta sắp đi!
Esther Reingold năm nay mười tám tuổi. Cô cũng muốn trở thành nghệ sĩ như Edđy Thall. Cô ôm hôn Eddy Thall.
- Em về đây, chị! Tối nay, em đi sẽ đi thăm hỏi và chào từ biệt. Em báo tin cho bạn bè em biết em sẽ đi. Chị tha lỗi cho. Em phải tạm biệt chị. Từ hôm nay trở về sau, chị em mình sẽ luôn luôn ở bên nhau, trên biển cũng như tại Palestine. Em đi thăm những bạn bè ở lại. Tất cả họ đều ghen tỵ với em đó chị ạ!
Esther cáo lui. Khi nào cũng chỉ chạy. Như lúc cô tới. Sung sướng mà!
XXII
Con tàu đi Constantza đã sẵn sàng chuyển bánh. Bên cửa sổ một buồng hạng nhì, Eddy Thall ngồi cùng Rebecca và Esther Reingold. Trời chưa sáng. Lúc này vào cuối tháng giêng. Max Reingold đang ở sân ga. ông nhìn đồng hồ: năm giờ kém năm phút.
- Tới Constantza nhớ đi nằm ngay. Tôi đã giữ trước mấy buồng ở khách sạn đối diện với tượng đài Ovide. Những căn buồng yên tĩnh dễ chịu. Hãy nghỉ ngơi. Chuyến đi không dễ dàng đâu. Israel xa lắm.
Max Reingold nhìn lên đồng hồ nhà ga rồi lại nhìn đồng hồ của mình.
- Tôi sẽ đi chuyến tàu chín giờ. Tới Constantza lúc nửa đêm.
Max Reingold có vẻ xúc động - Tôi cần phải giải quyết mọi công việc cần thiết của hôm nay.
- Max ạ! - Eddy Thall nói - Pillat năm giờ sẽ tới.
- Tôi biết. Đúng năm giờ, tôi gặp ông thẩm phán Pillat. Chúng tôi sẽ đi thăm Tinka Neva. Sẽ cho bà ta những thứ cháu dặn và phó thác bà ta cho Pillat. Ta sẽ chuyển lời của cháu xin lỗi ông ta vì đi không kịp chào từ biệt. Ta còn quên gì nữa không nhỉ?
- Không! - Eddy Thall nói - Bác không quên gì cả, Max ạ! Bác hôn Tinka hộ cháu. - Người ta loan báo tàu sắp chuyển bánh.
- Chịu khó nghỉ ngơi cả ngày nhé! - Max Reingold nói - Chuyến đi vất vả đó. Israel xa lắm.
Tàu bắt đầu lăn bánh. Qua cửa sổ toa tàu, Eddy Thall, Rebecca và Esther vẫy vẫy mùi xoa. Trên sân ga, Reingold đưa mắt trông theo. Ai nấy nước mắt đầm đìa. Và những bánh xe của con tàu như lặp đi lặp lại câu nói cuối cùng của Max Reingold: “Israel xa lắm! Xa lắm!”
Họ chỉ ngừng vẫy tay từ biệt khi không còn nhìn thấy nhau nữa và khi bánh xe con tàu đã chạy theo một nhịp độ càng ngày càng nhanh, càng mạnh. “Israelxa lắm! Israelxa lắm... xa lắm... xa... xa...!”
XXIII
Pierre Pillat nhìn đồng hồ tay của mình. Năm giờ. Anh nghĩ rằng Eddy Thall đang đợi anh để cùng nhau tới nhà giam. Anh nhìn tướng Roshu, Quốc trưởng Quốc gia Rumani. Vị tướng ngồi ở bàn giấy đang đọc bản báo cáo. Ông ngước mắt lên về phía Pierre Pillat và thấy anh đang đứng trước bàn giấy của ông.
- Cậu muốn xin phép ta đi à? - Vị tướng hỏi - Cậu không đi được. Cậu công tác ở văn phòng ta với tư cách thẩm phán quân sự. Cậu phải ở gần ta. Bao lâu cậu còn đây, cậu không có công việc nào khác. Tổ quốc trên hết!
Giọng nói của ông rắn rỏi.
- Hẹn gặp với ai? - Ông hỏi - Cậu có cuộc hẹn hò với một người đàn bà ư? Vào hồi mấy giờ?
Pierre Pillat đỏ mặt. Anh nghĩ tới Eddy Thall.
- Đúng, với một người đàn bà. Nhưng có những vấn đề quan trọng. Chúng tôi phải đi...
- Cậu không thể - Vị tướng bảo - Chỉ có Tổ quốc mới quan trọng. Gọi Aurel Popesco cho ta!
Một thanh niên da nâu, mặc đồng phục Thiên thần lửa bước vào buồng giấy của vị tướng. Y nhìn Pierre Pillat mà y không quen. Y chào vị tướng rồi đứng nghiêm chờ.
Tổ chức Thiên thần lửa chính là phong trào quốc gia đã nắm chính quyền. Trừ tướng Roshu - Quốc trưởng - và một vài tướng khác, còn thì các Bộ trưởng đều là thành viên của Thiên thần lửa.
Tướng Roshu đứng lên, tay đút túi, bước về phía Aurel Popesco.
- Anh có Mười điều răn của Chúa không, Popesco? - Vị tướng hỏi.
Ông Giám đốc sở Mật thám do dự.
- Không được giết người! - Vị tướng nói - Anh nhắc lại tôi nghe nào? Đó là lời răn của Chúa. Anh quên hết rồi, cả Mười điều răn. Trả lời đi. Anh quên cả rồi, phải không?
Tướng Roshu cầm lấy chiếc roi ngựa trên bàn và bắt đầu quất quất lên đôi ủng.
- Anh là chỉ huy. Hãy ra lệnh cho các Thiên thần lửa của anh không được chém giết. Nói với họ: đó là điều lệnh của ta, tướng Roshu, và là điều răn của Chúa: Không được chém giết. Nếu các anh không thi hành, Chúa sẽ trừng phạt. Nhưng trong lúc chờ đợi Chúa đổ sấm sét xuống đầu các anh, thì chính ta sẽ trừng trị các anh: đét vào mông đít ấy! Tất cả! Bắt đầu từ các Bộ trưởng, cho tới thằng lính cuối cùng. Ta sẽ đánh tóe máu các người ra mới thôi.
Chiếc roi ngựa của vị tướng đập mạnh lên bàn.
- Điện cho các Thiên thần lửa không được chém giết!
Giấy má rơi bay tứ tung dưới làn roi ngựa. Viên chỉ huy các Thiên thần lửa cúi xuống nhặt lên. Vị tướng ngăn ông ta lại.
- Nhặt giấy là phận sự của bọn đày tớ chứ không phải của ông, ông Giám đốc sở Mật thám!
- Thưa tướng quân, - Popesco nói - từ bốn tháng lên cầm quyền cai trị nước đến nay, chúng tôi yêu cầu Ngài thi hành Công lý. Ngài từ chối. Chúng tôi phải chuyển sang thực hành. Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi thôi cộng tác với Ngài. Các Thiên thần lửa chuyển sang hành động.
- Vậy là các anh chuyển sang tội ác? - Vị tướng thét lớn.
Mặt ông đỏ bừng lên, đỏ như tóc ông vậy. Ông lặp lại câu hỏi - Vậy là các anh chuyển sang tội ác?
Vị tướng đi đến bên bàn. Những chiếc đinh thúc ngựa bằng bạc của ông kêu lên leng keng. Những dây áo trên bộ quân phục của ông cũng vậy.
- Nhân dân giao quyền lãnh đạo cho chúng ta là để chúng ta giải quyết những vấn đề Do Thái. Aurel Popesco nói - Dân chúng đòi hỏi những việc làm cụ thể. Và chúng ta đã không làm gì tất.
- Vấn đề Do Thái sẽ được giải quyết. - Vị tướng nói - Nhưng nó sẽ được giải quyết bằng con đường pháp lý chứ không phải bằng con đường giết người. Không phải bằng tội ác! Nó sẽ không được giải quyết bằng vơ vét và hành động thổ phỉ. Người Rumani chúng ta, chúng ta là những người theo đạo Chúa Kitô.
Mà người theo đạo Chúa Kitô thì không giết người. Anh đã nghe chưa, Popesco? Người đạo Chúa Kitô không giết người.
Chiếc roi ngựa lại đập mạnh lên bàn.
- Người có đạo Kitô không giết hại đồng loại của mình dù họ là người ngoại đạo. Ta là Quốc trưởng quốc gia này và ta cấm không được ai đụng đến một mạng người. Ta biết các người đang sửa soạn một cuộc cách mạng để hủy diệt hết mọi người Do Thái đêm nay. Ta biết và ta đã ra lệnh cho quân đội ngăn chặn tội ác của các người. Giờ đây, ta kêu gọi các người hãy bình tâm, quân thù bên kia biên giới đang nhìn chúng ta. Và Chúa Trời cũng nhìn chúng ta. Anh có nghe ta không đó, Popesco? Hãy gửi ngay một bức điện cho các Thiên thần lửa phải tôn trọng lời răn của Chúa. Trước mắt chỉ có thế. Anh có thể trở về.
Popesco đứng yên không nhúc nhích. Vị tướng ngoảnh sang phía Pillat.
- Pillat! Cậu hãy ở lại đây, bên cạnh ta, cho tới lúc bọn lưu manh dịu bớt cơn điên loạn. Phải ngăn chặn tội ác. Ta muốn có một vị quan tòa bên cạnh ta. Cậu hãy bảo người ta mang đến cho cậu một chiếc giường. Cậu sẽ ăn tối luôn tại đây, trong buồng làm việc này. Cậu cũng sẽ ngủ ngay tại đây.
- Thưa Tướng quân, - Popesco nói - tôi muốn được trình bày rõ tình hình.
- Hãy đánh điện cấm không cho chém giết đi đã! Chúng ta nói chuyện sau.
- Thưa Tướng quân, nếu tôi đi bây giờ là không bao giờ tôi trở lại nữa. Bộ tham mưu Thiên thần lửa phái tôi đến đây thay mặt họ thông báo một số vấn đề. Để mọi sự thông suốt giữa chúng ta!
- Nói đi! - Vị tướng ra lệnh.
Ông đi tới cạnh cửa sổ. Quay lưng lại với Popesco.
Quay lưng lại với Pillat. Và tiếp tục quất chiếc roi ngựa vào ủng.
- Không thể nào giải quyết vấn đề Do Thái một cách hợp pháp được. - Popesco nói - Người Do Thái giống như là nước. Đuổi họ chỗ này, họ lại tìm một lỗ hổng dọc ngang nào đó mà trở lại. Y hệt như nước. Chúng ta đã đuổi họ khỏi lĩnh vực báo chí, thương nghiệp, nhà hát. Họ vẫn cứ mua được cổ phần nhờ cái tên mượn Công giáo. Chẳng có gì thay đổi cả. Chỉ riêng chuyện hối lộ thì gia tăng. Chúng ta cấm họ đi lại. Họ mua vé với giá tiền gấp đôi và tiếp tục đi lại bình thường. Cấm hoạt động sân khấu ư? Họ mua cổ phần. Cấm viết lách ư? Họ vẫn viết và ký những cái tên Công giáo. Không có gì thay đổi cả! Không có một giải pháp hợp lệ nào cho vấn đề Do Thái, cũng như gỗ và rơm không chống lại được với lửa bao giờ.
- Vì sao các người không để cho họ ra đi? - Vị tướng vẫn không quay người lại hỏi.
- Tôi vừa cho họ hai chiếc tàu Adassa và Euxin. Nhưng họ chỉ ra đi có một nghìn năm trăm người. Chúng ta sẽ làm gì những số còn lại? Gần một triệu!
- Số còn lại, gần một triệu, hãy để cho họ sống! - Vị tướng đáp - Nếu người Do Thái không tuân thủ pháp luật chúng ta, thì các người hãy bỏ tù hết đi. Nhưng bỏ tù đúng pháp luật, có xử án hẳn hoi. Không dùng bạo lực! Sự việc là như thế... Ta không dung thứ sự lạm dụng, tội ác và cướp bóc!
- Các Thiên thần lửa chấm dứt sự hợp tác với Ngài.
- Ta sẽ đưa các người ra trước tòa án về tội giết người, dù chỉ có một người bị giết đi! Dù người bị giết là Do Thái, Thổ hay Trung Quốc!
- Cho phép tôi lui - Aurel Popesco nói.
Và hắn rời buồng giấy sau khi đứng nghiêm chào.
Vị tướng nhìn qua khung cửa sổ. Ông ta suy nghĩ. Bỗng ông ta quay sang phía Pillat.
- Cậu có cuộc hẹn hò với ai? Hạng đàn bà nào đang chờ đợi cậu?
- Một người quen. Một nghệ sĩ. Chúng tôi phải can thiệp với cảnh sát giúp đỡ người đày tớ cũ của nàng.
Trước mặt tướng Roshu, không ai có thể nói dối được.
Pillat đã nói sự thật.
- Người Do Thái à? - Vị tướng hỏi, trầm lặng.
- Vâng, Do Thái! - Pillat đáp.
Anh ta mặt mũi tái xanh.
- Bảo cô ta trốn đi! - Roshu nói - Đêm nay bọn khùng ấy định giết sạch người Do Thái đó! Nói với người đàn bà Do Thái đang đợi cậu rằng cậu không đến chỗ hẹn đâu, nhưng cô ta phải trốn ngay đi, vì đêm nay sẽ xảy ra một cuộc tàn sát đẫm máu. Mỗi lần cậu có thể cứu được một mạng người thì hãy nên cứu lấy Pillat ạ. Và chỉ có như vậy cậu mới có thể đứng trước mặt Chúa trong Ngày Phán xét cuối cùng và nói: “Tôi là một người đàn ông, lạy Chúa, một người đàn ông chân chính!”. Bằng không cậu chẳng có cơ sở nào để nói lên như vậy được! Hãy sai tên lái xe bảo cô ta trốn đi!
Pillat không biết nên tin cái gì. Nhưng anh cứ làm theo mệnh lệnh. Một giờ sau, người lái xe trở về báo tin Eddy Thall đã rời bỏ thủ đô đi Palestine bằng chuyến tàu năm giờ sáng rồi. Nàng không ủy thác một việc gì cho ai cả.
Có tiếng súng ngoài đường. Những chiếc xe tăng chạy qua.
- Chúng ta cần ngăn chặn cuộc đổ máu. - Roshu nói.
XXIV
Max Reingold đã hoàn tất toàn bộ chương trình của ông. Ông đã đóng hết cửa ngõ ngôi nhà Eddy Thall và giao chìa khóa lại. Ông tiếc rằng Pillat không đến lúc năm giờ để cùng nhau đi thăm Tinka Neva. Nhưng ông đã làm tròn nhiệm vụ của mình. Bây giờ ông đang ở ngoài đường phố. Tám giờ đêm. Ông định ra ga. Chuyến tàu đi Constantza chạy vào lúc chín giờ. Ông tìm một chiếc ta xi.
- Đang có biến động đấy! - Một viên cảnh sát nói cho ông biết - Ta xi không chạy. Tàu điện cũng không. Chúng ta đang trong lúc báo động.
Max Reingold đi bộ ra ga. Ông hài lòng vì chẳng vướng víu một hành lý nào. Ông đã gửi tất cả các vali đồ đạc của ông đến Constantza sáng nay rồi, theo chuyến tàu mà Eddy Thall, Rebecca và Esther đi. Ông chỉ còn mỗi cái cặp. Và giờ đây, ông đang trên đường đi tới nhà ga. Trời tối mờ mờ.
Trong mười lăm phút nữa mình sẽ tới nhà ga phía Bắc. - Ông ta tự nói với mình và bước đi khoan thai, không vội vàng.
Ông biết là bọn Thiên thần lửa muốn phát động cuộc cách mạng. Cả thành phố biết. Nhưng khắp nơi đâu đâu cũng có quân đội, lính hiến binh và cảnh sát. Tướng Roshu với tư cách quân nhân là người biết làm cho trật tự an ninh được tôn trọng. Quân đội trung thành với ông. Max Reingold cứ dần bước đi một cách an toàn. Nhưng ông hài lòng được đi ngay tối đó.
- Có thể ngày mai thì đã quá muộn. Đêm nay vị tướng còn làm chủ tình thế, điều đó hiển nhiên. Nhưng ngày mai, ai mà biết được? Ngày mai, bọn nổi loạn có thể thắng thế. Có điều là ngày mai mình đã lênh đênh giữa biển khơi rồi. Max Reingold mỉm cười.
- Do Thái hả? - Một thanh niên hỏi.
Max Reingold nhìn người thanh niên vừa hỏi ông. Cùng lúc đó một người khác rọi đèn vào mặt ông, làm nổi bật cái mũi khoằm Do Thái, mái tóc hung và những vết đỏ trên mặt ông ta.
Max Reingold toan rút cái vé xe lửa của mình ra. Ông muốn nói với họ là ông lên ga, ngày mai ông đã xuống tàu ra biển. ông muốn cho họ xem chiếc vé tàu thủy của mình, giấy phép được rời bỏ đất nước. Tất cả đều có sẵn trong túi áo của ông. Nhưng ông chẳng có thời gian để nói, dù chỉ một câu.
- Nào, hấp! Bắt lão đi thôi! - Tên trẻ tuổi cầm đuốc nói - Lão là một tên Do Thái.
Max Reingold bị những gã thanh niên vũ trang bao vây bốn phía. Bên lề đường có một chiếc xe tải đậu sẵn. Max Reingold thấy mình bị những chiếc báng súng thúc lên xe.
Ông ta bước lên. Không có thời gian để chống lại hoặc để phát biểu ý kiến. Chiếc xe đầy ắp người. Lên xe rồi, Max cảm thấy người mình rã rời bại hoại.
Không có một tình thế nào là không có lối thoát cả. - Ông tự nhủ - Nếu người ta biết giữ bình tĩnh. Ta sẽ ra khỏi đây và lên kịp chuyến tàu chín giờ nếu ta giữ được nghị lực và bình tĩnh. Nếu như ta nhanh trí thì đáng ra ta đã phải nói với họ rằng: ta không phải là Do Thái. Bây giờ thì ta phải tự liệu lấy mà thoát thôi. Nhưng muốn thoát được, phải bình tĩnh.
Max Reingold tập trung toàn nghị lực nhằm làm chủ tình thế. Ông bắt đầu hít thở thật sâu. Ông dang cánh tay ra hòng hít thở được càng sâu càng tốt. Ông nghe có những tiếng súng bắn gần chiếc xe. Có ai đó kêu to: Quân giết người! Quân giết người! trước khi ngã xuống. Người ta nghe có tiếng một xác người lăn xuống bánh xe. Max Reingold nghĩ tới chuyện khác.
Ông phải trừu tượng hóa mọi việc đang xảy ra xung quanh và không thèm nghe những tiếng rên rỉ, than van vì tất cả những cái đó làm cho người ta mất tinh thần.
- Cần phải nhìn tình thế một cách khách quan như thể mình không phải người trong cuộc. Đó là điều cơ bản.
Max Reingold nghĩ rằng điều cần thiết nhất để thoát khỏi bước khó khăn này là phải có một chương trình, một kế hoạch.
Một kế hoạch có nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ càng. Ông nhìn xung quanh ông rồi bằng một cách không để ai chú ý, ông rẽ một lối đi để xích dần tới cửa ra vào của xe. Nhưng lại có nhiều người bị ném thêm vào xe nữa. Ông đành lùi lại chút ít, rồi một lần nữa ông lại tìm lối xê dịch dần ra. Mọi người xung quanh đều khủng khiếp hoang mang. Riêng Max Reingold vẫn cứ lần dần một cách chậm chạp, từng li một ra phía cửa, qua đám người chật như nêm. Cùng lúc đó, chiếc xe bắt đầu chạy hết tốc lực.
Max Reingold lợi dụng lúc đó mon men ra gần được tới cửa. Ở bậc lên xuống có hai tên gác trẻ ôm tiểu liên đứng. Nhưng Max biết rằng một khi đã đứng kề bên cửa lên xuống thì cơ may có thể mỉm cười với ông bất cứ lúc nào. Đó là giai đoạn đầu của kế hoạch.
Khu phố mà lúc này họ đi qua đã lọt vào tay bọn nổi loạn.
Súng bắn, nhà cửa cháy. Khi chiếc xe tải đi chậm dần qua các ngã tư thì nghe tiếng người rên khóc. Súng đại liên nổ ầm ầm xé óc đinh tai.
- Ta đã từng đánh nhau trong các chiến hào năm 1916 - Max Reingold tự nhủ - Tiếng súng không làm ta sợ. - Ông lại lợi dụng những đoạn đường xóc để nhích ra gần cửa hơn.
Không còn thấy những đám cháy nữa, không còn nghe tiếng súng nữa. Chiếc xe đã đi xa thành phố. Max Reingold muốn xác định phương hướng. Chẳng có gì là khó khăn. Chúng ta đang trên đường đi tới trại giam quân đội Jilava. Ông tự nhủ - Nhưng trước khi tới trại giam phải băng qua một khu rừng dài khoảng năm trăm mét. Đến đó, ta phải trốn mới được. Phải nhảy xuống xe rồi lên tàu ở ga Jilava và sẽ tới Constantza...kịp chán.
Ông đã mon men gần đến cánh cửa. Xe đã vào rừng. Bỗng nhiên ánh sáng xuất hiện ven đường. Có ai đó thét to:
- Đứng lại!
Chiếc xe đột ngột dừng bánh và bị bao vây trong một hàng rào những thanh niên trẻ, mặc đồng phục, tay xách những chiếc đèn đuốc. Những Thiên thần lửa!
- Xuống xe! - Có tiếng ra lệnh. Rồi những tiếng khác - Xuống đất! Xuống đất!
Max Reingold xuống trước tiên. Trời tối đen. Ông tránh những ngọn đuốc làm cho ông lóa mắt. Ông nhìn bức tường nhà giam sừng sững trước mặt. Đằng sau chiếc xe là rừng. Một khu rừng dày. Max quen thuộc khu rừng này. Trời mưa lâm râm. Đất dưới chân nhão dính, cỏ ẩm ướt. Max Reingold nhìn cây cối, nhìn bọn thanh niên cầm đuốc và những người Do Thái đang gù lưng bước xuống xe.
Max Reingold cố nhìn mọi sự một cách khách quan như xem phim vậy. Phải biết lợi dụng thời cơ thuận tiện nhất, như ở thị trường chứng khoán. Đúng, như ở thị trường chứng khoán vậy, Max ạ! Nhớ phải bình tĩnh và kiên trì! Ông tự động viên mình can đảm hơn lên.
Bên phải, bên trái, còn có nhiều người xuống xe. Toàn đàn ông. Max Reingold vuốt vuốt lại chiếc mũ của mình bị bẹp dúm khi còn đứng trên xe. Ông sửa sang lại chiếc cà vạt và cài khuy áo khoác, chú ý không để đôi giày bị dây bẩn giữa đám cỏ ướt và cao. Nhất thiết phải giữ cho khỏi bẩn đôi giày. Ông phải luôn luôn áo quần tề chỉnh và đúng phép. Đây là một điểm quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch trốn của ông. Tất cả những người Do Thái xuống xe đều cúi đầu, cúi đầu vì sợ sệt Max Reingold ngẩng cao đầu. Bây giờ thì ông đứng thẳng người. Ông đút tay vào túi áo. Ông không muốn mình như người khác. Ông không muốn cái sợ làm cho ông phải cúi đầu. Lát nữa thôi, Max Reingold ơi! Giờ của mi sẽ đến. Hãy ngẩng mặt - Ông tự nói với mình.
Xung quanh ông là bóng tối và mưa. Điểm duy nhất cho người ta phân biệt được người trong đêm tối, các tù nhân và bọn Thiên thần lửa, là tù nhân thì cúi đầu mà bọn Thiên thần lửa thì đứng thẳng, rất thẳng.
Max Reingold ưỡn mình ra, làm dáng điệu con người thượng võ. Ông bước tới một bước ra ngoài hàng.
Trước hết là phải đi thẳng người. Rồi sau đó phải can đảm bước những bước cần thiết giữa đám người ô hợp này để chuyển từ nhóm người còng lưng sang nhóm người thẳng lưng.
Max Reingold bước một bước. Ông tách ra khỏi đám người còng lưng. Nhưng cũng ngay lúc ấy, ông bị một báng súng giáng mạnh vào giữa ngực. Ông lùi lại và thân hình ông lại gãy gấp làm đôi. Một lần nữa, ông lại đi trong nhóm những người lưng còng đầu cúi. Và Max Reingold còn còng hơn tất cả mọi người khác. Một nỗi đau xé ngực, ông vẫn cố thẳng người.
- Nếu ta cố đứng thẳng lên được thì ta sẽ thoát.
Ông đã làm được. Ông đã trở lại con người đi thẳng lưng.
Nhưng cái đau trong ngực cứ nhói lên như cào như xé. Max Reingold áp sát mình vào tường. Ông muốn đứng vài phút như vậy để lấy lại hơi sức. Bức tường lạnh khiến ông thấy dễ chịu.
Ông lại áp sát người vào tường hơn nữa.
- Nhanh nhanh lên! - Có ai đó thét.
Đó là một cái giọng chỉ huy, nghe là biết ngay. Nó từ xa truyền lại, nhưng là một cái giọng khỏe và mạnh, trực tiếp.
Viên chỉ huy đi tới gần. Hắn đi giữa một đám thanh niên cầm đuốc vây quanh hắn.
- Ta phải nhảy sang hàng ngũ bọn chúng nó mới được. - Max Reingold tự bảo - Ta phải nhảy sang cái nhóm của viên chỉ huy. Sau đó ta sẽ được cứu thoát. Ta biến vào rừng. Một khi ta nhập được vào nhóm viên chỉ huy rồi, mọi việc sẽ dễ dàng. Nhưng muốn vậy, ta phải thẳng lưng. Như chúng nó. Sau lưng chúng nó là rừng. Xuyên rừng ta ra đến đường cái. Đi bộ năm phút là đến ga Jilava. Ta lên xe lửa. Xe lửa Constantza chưa tới. Đến Constantza ta xuống tàu biển. Đi Israel.
- Nhanh lên! Tên chỉ huy thét.
Trong hàng ngũ bọn thẳng lưng, người ta nghe tiếng nạp đạn. Sau đó, chỉ trong nháy mắt là tiếng vỏ đạn và tiếng bao đạn đóng vào, rồi tiếng thử cò súng. Max biết tận tường những thứ tiếng đó, ông đã trải qua cuộc chiến tranh ở chiến hào mà!
Ông đứng thẳng người. Ông nhích lên một bước, một bước nhỏ thôi. Chỉ cách hai mét là tới hàng ngũ những kẻ thẳng lưng.
Không có ánh sáng. Trời tối đen. Vấn đề đơn giản, không nên lãng phí một phút giây nào. Ông nhích thêm một bước nữa, nhưng ngay lúc đó, theo lệnh chỉ huy, bọn thanh niên đi cách xa thêm một đoạn vài mét. Giữa những người vũ trang và những người còng lưng đứng tựa vào tường, có một khoảng cách độ mươi mét. Và trong khu vực mươi mét đó, không có bóng dáng một ai. Vậy là hai bên cách nhau quá xa. Max biết giờ đây thì không còn cách nào chạy sang nhóm bên kia được nữa rồi. Thời cơ đã đi qua. Phải thay đổi kế hoạch. Ông kín đáo ngả lưng nằm xuống giữa đất ẩm. Ông biết bọn trẻ sắp sửa bắn. Ông phải đào cho mình một cái hầm trú ẩn, như ông đã phải đào bao nhiêu lần trong cuộc chiến tranh năm 1914. Một cái hầm cá nhân. Nhanh. Max bắt đầu moi đất, khẩn trương với đôi bàn tay đeo tất của mình. Ông cào xới vào đất ẩm ướt.
Bình tĩnh và quyết tâm! - Ông tự nhủ - Với sự bình tĩnh, người ta có thể ra khỏi bất cứ ngõ cụt nào.
Và ông vẫn tiếp tục đào xới bằng những ngón tay của ông.
Trong lúc đó, những phát súng bắt đầu nổ, đều đều, hết phát nọ tới phát kia. Max đào đất khẩn trương. Tất cả tùy thuộc mức độ khẩn trương của việc đào hầm trú ẩn. Ông biết vậy. Tất cả phụ thuộc điều đó. Ông đào cả hai tay. Đất mềm dễ đào. Bây giờ đây, Max đã cho được đầu mình xuống hố. Và ông vẫn đang đào, càng ngày càng nhanh. Với sự thất vọng trong lòng.
Những làn đạn bay vèo vèo về phía tường rồi bật tung trở lại.
- Mi đang làm chủ tình thế! - Ông tự nhủ - Nửa đêm mi phải có mặt ở Constantza. Vợ và con gái đang chờ. Sau đó, ngày mai, xuống tàu, dong thẳng sang Israel.
Ngón tay ông tuyệt vọng, thọc sâu xuống dưới đất bới lên.
Bọn trẻ vẫn bắn. Người ta nghe những tiếng kêu, những tiếng rên. Những tiếng khóc, những tiếng gào. Max Reingold không chịu để hòa mình theo những sự việc đang diễn ra xung quanh, ông chỉ duy nhất làm theo kế hoạch của mình, thực hiện kế hoạch của mình và làm chủ tình thế.
Cái đầu của Max đã được an toàn. Ông bèn nghĩ tới nhà ga, tới Constantza, đến chuyến đi Israel. Ông chỉ nghĩ tới những chuyện gì có tác dụng củng cố tinh thần của ông và giúp ông đứng bên trên tình thế. Ngoài sự sợ sệt, sự bắn giết và sự kêu la.
Ông nghĩ tới những điều có tác dụng khích lệ: đến nhà hát Eddy Thall, đến Tel Aviv, đến Mảnh đất hứa hẹn... Vì vậy mà Max Reingold vẫn cứ tiếp tục đào một cách khẩn trương, hết sức, tuyệt vọng. Ông chỉ làm một việc đó. Ông tìm hết cách để không đầu hàng. Và dù cả khi cái đầu của ông đã bị đạn xuyên qua, rũ xuống trên bàn tay đi tất đang thọc sâu vào lớp đất ẩm ướt và nhão dính, thì trong cái đầu óc ấy vẫn chẳng hề có bóng dáng của sự sợ sệt hay hoang mang nào, mà chỉ có một quyết tâm không chịu đầu hàng. Tất cả cái đầu của Max Reingold giờ đây chỉ vẻn vẹn có thế: mong muốn đêm nay tới Constantza, nơi mà vợ con đang đợi chờ ông. Rebecca, bà vợ mập mạp và tốt bụng của ông; Esther, cô con gái đẹp và lãng mạn của ông; Eddy Thall, người nghệ sĩ lớn của ông... hai chiếc tàu Adassa và Euxin, biển Đen và Palestine, mảnh đất quê hương hứa hẹn!
Max Reingold đã chết như vậy đó. Không nghĩ tới cái chết. Không chấp nhận cái chết. Bàn tay, cái đầu, cái ngực trên lớp đất ẩm ướt mà lòng vẫn hướng về Mảnh đất Quê hương mà Chúa đã hứa hẹn cho Dân Người.
Bọn trẻ còn bắn thêm một lúc nữa mới thôi.
- Ném xác chết vào xe. - Tên chỉ huy thét.
Max Reingold không còn nghe giọng nói của viên chỉ huy nữa, cái giọng nói khàn khàn của viên chỉ huy. Trời đang mưa, và mưa làm cho cái giọng nói bị khàn. Thời tiết xấu.
Bọn trẻ khoác súng lên vai. Nòng súng vẫn còn nóng hổi.
Chúng cứ hai người một khênh những xác chết đẫm máu nằm cạnh chiếc xe tải ném lên thùng xe như những khúc gỗ khô. Đèn pha của xe vẫn bật sáng và máy vẫn nổ.
- Lăn bánh đi! - Viên chỉ huy thét với cái giọng khàn khàn.
Men theo bờ đường, đèn bật sáng, những chiếc xe tải đều đến cả. Người ta làm việc trong bóng tối.
Một toán thanh niên tay cầm đèn đuốc kiểm tra lại xem còn sót xác nào không.
- Mang đi đâu? - Anh lái của chiếc xe đi đầu chất đầy xác chết, chiếc xe trên đó có thi hài Max Reingold, hỏi.
- Tới lò mổ! - Viên chỉ huy đáp - Các người cứ đổ xuống lò mổ.
Những chiếc xe chở đầy xác chết chuyển bánh chạy ven theo bức tường, chầm chậm tới lò mổ của xã. Khoảng đất rất trơn.
Bánh chiếc xe tải có thể trượt. Tài xế chú ý lái cẩn thận.
Từ thành phố, có nhiều xe tải đi về phía Jilava, xe chở người sống gặp xe chở người chết. Suốt đêm như vậy. Những chiếc xe chở đầy người sống đến khu rừng. Rồi những chiếc xe chở đầy người chết trở lại lò mổ.
Người ta đổ xác chết xuống những cái sân xi măng, chồng chất lên nhau, cho tới khi cái sân đầy ắp những thi hài. Khoảng ba giờ sáng, một viên chỉ huy tới kiểm tra. Hắn nhìn những xác chết của người Do Thái chất đầy sân lò mổ. Hắn cười.
- Ai ra lệnh chở về đây? - Hắn hỏi.
- Lệnh cấp trên! - Những thanh niên canh gác đáp.
- Vì sao đổ ở đây? Sao không cho thẳng tới nhà xác hoặc nghĩa địa, có phải là bình thường hơn không? - Tên chỉ huy tự hỏi. Không ai biết lệnh từ đâu tới.
- Đã trót mang tới đây thì hãy lột hết áo quần trên xác chết đã. - Viên chỉ huy bảo.
Người ta tổ chức nhiều kíp làm. Xác chết bị lột hết áo quần và đặt trần truồng dưới đất. Cảnh tượng thật rùng rợn, nhưng chẳng ai cần để ý. Bọn trẻ chỉ lo mải mê lột quần áo xác chết.
- Có phải treo lên móc không nhỉ? - Có tiếng của ai đó hỏi.
Người ta nhấc các xác chết lên và treo vào móc.
Nhưng xác nhiều hơn móc. Bởi thường ngày ở lò mổ người ta chỉ giết mổ vài trăm con vật, mà giờ đây thì xác người Do Thái lại đến mấy nghìn. Cho nên chỉ có vài trăm cái xác được treo lên những cái móc dùng để treo những con vật mổ xong. Trên bụng, trên lưng, trên ngực của mỗi một người cũng có đóng con dấu thường dùng đóng cho các con vật đã được mổ, theo phong tục người Do Thái. Kasher. Những thi hài dưới đất cũng được đóng dấu, nhằm nói cho mọi người biết đó là những người Do Thái.
XXV
Sáng thứ bảy, sau cái đêm cách mạng, tướng Roshu gọi Pillat tới và chỉ thị cho anh phải làm một số việc.
- Cậu hãy qua sứ quán Đức. Báo với nam tước Killinger rằng chúng ta đã ngăn chặn được nổi loạn. Có hàng nghìn người bị giết. Bọn thủ phạm do Aurel Popesco cầm đầu, mặc đồng phục sĩ quan Đức, đã có đứa trốn qua được nước Đức. Ta yêu cầu ông đại sứ cho bắt chúng, còng tay và giao trả lại để ta xét xử chúng. Còng tay. Có hay không có những bộ đồng phục Đức do sứ quán cung cấp.
Pillat ghi sổ. Anh đã thức trong một đêm. Mệt lử cả người.
- Ở sứ quán ra, cậu tạt qua lò mổ của xã. Ở đó có hàng ngàn xác chết của người Do Thái. Cậu hãy xác minh từng người, lập biên bản. Chụp ảnh lại, quay phim cái hành vi man rợ đó để có đủ tang chứng về bọn thủ phạm. Sau đó, cậu cho trả xác chết lại cho các gia đình để người ta chôn cất theo luật lệ của họ, hợp lý hợp tình.
Pierre Pillat đến sứ quán trao bản thông điệp nói trên rồi từ đó tới lò mổ.
Những nẻo đường xung quanh lò mổ chật ních người. Bọn hiến binh không cho ai tới gần. Pierre Pillat nhìn những xác chết chồng chất lên nhau, trần truồng, giữa sân xi măng, những xác chết khác thì treo trên móc bốn hàng ngang.
- Hạ những xác kia xuống! Chụp ảnh nhanh lên, rồi hạ xác xuống!
Anh khám xét người chết thứ nhất. Đó là một người đàn ông khoảng trong ngoài năm mươi tuổi, trần truồng. Mang ba cái dấu đóng lên ngực, lên bụng và lên lưng.
- Chúng tôi đã bắt đầu việc xác minh. - Viên sĩ quan hiến binh nói.
Hắn cũng nhìn những xác chết và chỉ vào cái xác mà Pierre Pillat đang khám xét.
- Người này chẳng hạn, dễ xác minh lắm.
Viên sĩ quan tra hồ sơ.
- Ông ta có trong mình một cái vé tàu hạng nhì đi Constantza, một vé tàu biển đi Tel Aviv trên chiếc Adassa, giấy phép được rời bỏ đất nước. Mọi giấy tờ đều hợp lệ. Ông ta lẽ ra đã đi rồi, vậy mà lại bị rơi vào chỗ này. Cuộc đời đến là lạ lùng. Tên ông ta là Max Reingold.
Pillat sững sờ tê dại, nhìn xác chết. Trong cuộc đời có những nỗi xúc động khiến cho con người trở thành mù quáng, câm điếc, hóa đá. Pierre Pillat đã trở thành như vậy và anh ta cứ nhìn, cứ nhìn hoài cái xác của Max Reingold treo trên chiếc móc lò mổ, trần truồng với những cái dấu đóng vào thịt da.
- Chúng ta có thể trả xác lại cho gia đình ông ta chăng? - Viên sĩ quan hiến binh hỏi - Bởi chúng ta đã xác minh được rồi, chúng ta lập biên bản và trả lại cho gia đình người ta chôn cất. Nếu như ngài thẩm phán cho phép.
Pillat chỉ nghe có một mẩu câu sau cùng “Nếu ngài thẩm phán cho phép”. Anh nhìn cái xác chết.
- Ngài có cho phép chúng tôi trả lại cho gia đình không ạ?
Viên sĩ quan lại hỏi.
Pierre cúi đầu, ra dấu hiệu đồng ý và nói:
- Tôi sẽ xin cấp trên gửi một thẩm phán khác thay tôi. Tôi mệt quá rồi. Cả đêm tôi không nhắm mắt một phút nào.
Sau đó anh rời lò mổ. Người anh loạng choạng, mất thăng bằng.
XXVI
Rebecca, Esther và Eddy Thall tới Constantza vào lúc giữa trưa. Hôm ấy trời nắng, biển xanh.
- Trước hết, chúng ta nên đi xem mấy chiếc tàu xem! - Eddy Thall nói.
Ba người đàn bà ra bến cảng. Chỉ có toàn những tàu chiến.
Trong số đó có hai chiếc con con mới sơn lại màu xám. Người ta đọc được tên của chúng, viết bằng màu đen: kề bên chiếc Adassa là chiếc Euxin.
Eddy thấy tim mình đập hồi hộp. Đó là những chiếc tàu của họ. Sáng ngày mai, họ sẽ xuống tàu này để đi Israel. Họ không được phép vào khu cảng. Nhưng họ nhìn rất lâu từ xa những toán thủy thủ chuyển những chiếc hòm, những chiếc thùng xuống hai con tàu Adassa và Euxin.
- Đừng quên lời dặn của Max! - Rebecca nói. - Chúng mình điểm tâm, sau đó thì nghỉ ngơi. Chuyến đi này sẽ dài đó. Israel xa lắm. Chúng mình phải nghỉ để lấy sức mà đi.
Ba người đàn bà còn muốn nhìn chiếc tàu của họ thêm một lần nữa. Nhưng họ phải về khách sạn. Họ ăn sáng và cố gắng chợp mắt. Qua cửa sổ họ nhìn ra cảng: Hai chiếc Adassa và Euxin hiện lên nhỏ xíu. Đó là những chiếc tàu cũ kỹ vừa mới được tu sửa lại, mà phải chở đến một nghìn năm trăm con người, toàn Do Thái. Thủy thủ đoàn là người Do Thái, nhằm cái thuận lợi là càng cho đi được nhiều người Do Thái càng hay. Các chỉ huy cũng là người Do Thái. Buổi tối, Eddy Thall có Rebecca và Esther cùng đi theo lại ra cảng lần nữa. Họ nhìn ngắm những chiếc tàu như tất cả đám đông. Rồi họ ra ga đón Max. Họ đi sớm những hai giờ và thơ thẩn dạo quanh sân ga.
Cuối cùng tàu đến, đầy ắp hành khách. Ba người nhìn từng hành khách từ Bucarest tới. Không có Max.
Max không bao giờ đi trượt tàu cả. Hai mươi bốn năm lấy nhau, Max bao giờ cũng đúng hẹn. Chắc là tới rồi mà ta không nhìn thấy đó thôi!
Ba người đàn bà trở về khách sạn. Max không có ở đó.
Rebecca định gọi điện sang Bucarest.
Liên lạc điện thoại với thủ đô đã bị gián đoạn. - Bưu điện cho biết vậy - ở Bucarest có cuộc nổi loạn.
Rebecca hỏi tin về những chuyến tàu sau đó.
- Đêm nay, không có chuyến tàu nào rời Bucarest. Nhưng ngày mai, sự lưu thông sẽ trở lại bình thường và đều đặn.
Mấy người đàn bà tin tưởng trở lại.
Lúc đó là ba giờ sáng. Họ về khách sạn và chờ. Vừa rạng đông, Rebecca đã có mặt tại ga. Bảng hướng dẫn thông báo chuyến tàu Bucarest sẽ tới vào lúc bảy giờ.
Cả ba người lại ra cảng. Những người Do Thái xếp hàng dài dằng dặc đang chờ đợi để xuống tàu. Máy đã khởi động.
Mọi người hốt hoảng. Người ta kể chuyện về vụ tàn sát dân Do Thái tại Bucarest. Lại thêm nỗi cảm xúc lúc ra đi. Thiếu bốn hành khách, trong đó có Max Reingold, người tổ chức chuyến đi này. Gia đình những người vắng mặt lâm vào tình thế tuyệt vọng. Đến trưa, các loa truyền thanh thông báo:
“Tàu Adassa là tàu cũ nên phải chạy chậm. Nó sẽ rời bến vào mười hai giờ trưa. Còn tàu Euxin sẽ đợi chuyến xe lửa năm giờ chiều để những người vắng mặt kịp xuống tàu. Sau đó, nó sẽ đuổi kịp chiếc Adassa ngoài khơi”.
- Thế là hoàn hảo! - Rebecca nói - Giải pháp hay đấy!
Bà quay sang phía Eddy Thall - Tất cả hành lý của chúng ta đưa xuống chiếc Adassa cả rồi. Chúng ta đi thôi. Cô ở lại trên tàu Euxin và sẽ đi cùng với Max. Cô nói với ông ấy rằng chẳng có gì xảy ra với chúng ta cả. Hãy cứ yên tâm. Chúng tôi sẽ trông coi hành lý cho cô. Rất đáng tiếc là phải để Max đi một mình. Chỉ tối nay là hai tàu chúng ta lại gặp nhau ngoài khơi và chúng ta sẽ lại đi cùng nhau rồi.
Eddy Thall xuống bến. Nàng vẫy vẫy chiếc khăn mùi xoa trong khi tàu Adassa chầm chậm rời bến. Mọi người đều khóc và giơ tay từ biệt nhau.
Chiếc Euxin chờ chuyến xe lửa Bucarest. Năm giờ chiều, Eddy Thall đã có mặt trên sân ga. Không có Max Reingold. Cả bốn người vắng mặt cũng không.
Báo chí và đài phát thanh loan báo những tin rùng rợn về cuộc tàn sát người Do Thái tại Bucarest. Eddy Thall lo sợ.
Nàng trở lại trên chiếc Euxin. Trên con tàu, nỗi ưu tư bao trùm lên tất cả mọi người. Máy móc bị trục trặc.
Chiếc Euxin đêm nay chưa rời cảng được - loa truyền thanh thông báo. Eddy nằm ngủ trên một chiếc võng trên boong tàu. Suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau, người ta lo lắng sửa máy móc. Bốn người vắng mặt cũng không tới.
Lúc rạng đông lại có thông báo mới: Tàu Adassa bị bão, tàu Euxin không đi nữa. Theo lệnh Chính phủ, không một chiếc tàu nào chở người Do Thái được phép rời bến!
XXVII
Rebecca và Esther nhìn biển để theo dõi xem tàu Euxin đã theo kịp họ chưa. Biển động mạnh và sóng cồn dữ dội. Hành khách đều ẩn trốn trong những buồng riêng. Bà vợ của Max Reingold vẫn ở trên boong tàu. Esther cũng như bao nhiêu hành khách khác đều bị say sóng.
Tám trăm người Do Thái đã xuống tàu Adassa. Họ chen chúc nhau, chồng chất lên nhau. Người bệnh không sao ngã lưng được vì trong các buồng tàu chật ních bao nhiêu con người.
Còn trên boong tàu thì không sao chịu nổi vì sóng đánh tung tóe khắp mọi góc mọi nơi. Chiếc Adassa vừa tiến chầm chậm vừa kêu răng rắc. Vào khoảng chín giờ tối, có một ông già chết, càng làm cho ai nấy thêm kinh hãi. Hành khách nhao nhao lên án thuyền trướng không biết duy trì trật tự, không có kinh nghiệm. Trên tàu có khá nhiều thầy thuốc, nhưng họ chẳng làm gì được để giảm bớt say sóng cho hành khách. Nửa đêm, thêm một người nữa chết. Người ta đặt họ lên trên boong. Thuyền trưởng cũng bị say sóng. Thuyền phó phải thay thế ông ta, chỉ huy tàu. Thuyền phó là một kỹ sư chế tạo điện khí. Đó là một con người còn trẻ, đầy nghị lực. Anh ta ra lệnh ném hai xác chết xuống biển và động viên mọi người bình tĩnh, kiên gan.
- Sáng mai, chúng ta đến Istamboul. Người ốm sẽ vào viện. Chúng ta sẽ tổ chức chuyến đi theo một phương thức khác. Hành khách quá đông.
Trật tự có chiều ổn định, nhưng cơn bão ngày càng dữ dội thêm. Khoảng hai giờ sáng, tàu Adassa kêu răng rắc, sắp sửa vỡ tan vì bị những ngọn sóng cao bằng nó tới tấp dập vùi.
Người ta khóa kín hành khách lại trong các buồng tàu. Một người đàn bà phát điên. Để cách ly bà ta, người ta đã phải giải phóng đi một buồng. Tiếng la thét của người điên làm cho hành khách ngày càng nản lòng. Trẻ con thi nhau kêu khóc.
Trước lúc trời sáng, một động cơ tàu bị hỏng. Bão vẫn mạnh lên. Những người Do Thái ngồi sát lại bên nhau cầu nguyện Chúa. Một số phàn nàn kêu ca. Một số khác nguyền rủa những người tổ chức chuyến đi. Thuyền trưởng mới tàu Adassa lại phát đi một hiệu lệnh cấp cứu mới.
- Kẻ nào chống chọi nổi tới sáng, thì kẻ đó sống. - Thuyền trưởng thông báo - Hãy tiết kiệm sức lực. Hãy nâng cao giữ vững tinh thần! Người ta sắp sửa tới cứu. Từ trên boong tàu nước chảy vào các buồng, các khoang.
Người ta tổ chức những đội tát nước, nhưng hiệu quả ít ỏi không đáng kể. Nỗi kinh hoảng tăng lên.
- Kẻ nào gây hoang mang sẽ bị bắt giữ! - Loa truyền thanh lại thông báo - Chúng ta sắp sửa được cấp cứu. - Đài radio liên tục phát đi những tín hiệu S.O.S - Tàu Adassa không bị thiệt hại gì, nhưng bão quá lớn. Hãy cố giữ bình tĩnh đến cùng!
Vào lúc năm giờ sáng, cái giọng vẫn kêu gọi mọi người bình tĩnh qua loa phóng thanh, bỗng trở nên “đắc thắng”.
- Chúng ta sống rồi! Bờ không còn xa nữa! Tàu Adassa đã vượt qua cơn thử thách mặc dầu chỉ còn có một động cơ. Chúng ta đang tiến vào gần bờ.
Những ngươi Do Thái sinh bệnh vì sợ, vì tuyệt vọng, vì say sóng, mắt vẫn nhắm nghiền mà tưởng như đang nhìn thấy đất Không phải là Đất Thánh, mà chỉ là một mảnh đất nào đó mà thôi. Và hy vọng được cứu thoát nổ bùng lên như một đám cháy nhà. Đàn ông bất đầu hát những khúc thánh ca, những bài kinh ngợi khen Đấng phép tắc vô cùng.
- Hai chiếc xuồng cấp cứu đang tới gần rồi! - Loa phóng thanh truyền đi - Mọi người hãy bình tĩnh! Chiếc động cơ thứ hai của tàu Adassa vẫn hoạt động nhưng uể oải. Bão vẫn chưa dịu đi. Duy chỉ có niềm hy vọng là đã khắc phục được sự mệt mỏi và cả sự say sóng. Hai sà lúp màu trắng đã tiến sát chiếc Adassa trước lúc rạng đông. Nó chở những nhân viên cảnh sát và nhà chức trách của cảng.
- Tàu quốc tịch nào? - Một giọng nói qua loa phóng thanh.
- Chúng tôi đi Palestine! - Thuyền trưởng Adassa trả lời Chúng tôi bị hỏng máy. Người đông quá. Bệnh, ốm, kinh hoảng bao trùm.
- Chiếc tàu đó quốc tịch nào? - Cái giọng từ chiếc sà lúp lại hỏi.
- Chúng tôi là những người di tản Do Thái! - Thuyền trưởng đáp.
- Một tàu kéo sẽ tới ngay tức thời. Hãy giữ bình tĩnh. Tàu có những giấy tờ gì?
- Yêu cầu các ông chuyển một số hành khách lên sà lúp! - Thuyền trướng tàu Adassa thét - Sơ tán người bệnh.
Trong lúc chờ tàu kéo đến, chiếc Adassa sẽ chạy một mình chầm chậm.
- Trên tàu có bệnh dịch truyền nhiễm không? - Tên công chức hỏi.
- Chúng tôi ai cũng đau ốm tất. Say sóng. Những người già, phụ nữ, trẻ em cần được sơ tán ngay! Họ không chống chọi nổi nữa rồi!
- Hãy giữ bình tĩnh! - Tên công chức nói - Các người sắp sửa được cứu chữa! Các người bảo tàu không bị tổn thất gì. Vậy thì hãy cứ bình tĩnh!
Hai chiếc sà lúp lại rẽ sóng biển đi một cách quả quyết.
Cùng lúc với mặt trời lên, hai chiếc tàu tuần tiễu nhỏ lại xuất hiện với những nhân viên y tế, đàn ông lẫn đàn bà. Họ bước lên boong tàu Adassa. Họ vào trong các ca bin, phân phát rượu rum, thuốc lá, nước chanh. Họ có những hòm kim loại sơn trắng đựng thuốc men. Mỗi hành khách đều được thẩm vấn kỹ càng. Mất cả buổi sáng.
Tàu Adassa tiến lên một cách khó nhọc. Đất liền đâu phải đã gần kề như người ta thông báo đêm vừa qua. Tuy nhiên, bây giờ thì quả là không còn xa bờ lắm nữa. Đến trưa, lại xuất hiện một chiếc sà lúp với các nhà báo và đại diện các cường quốc. Đến lượt các vị lại lên boong tàu.
Số phận chiếc Adassa thì ai cũng đã rõ. Người ta nói đến sự dã man của bọn nazi đã ném ra khơi tám trăm mạng người Do Thái trên một chiếc tàu cỏn con giỏi lắm chỉ chở nổi một trăm người, thiếu hẳn thủy thủ đoàn và mọi phương tiện cấp cứu.
Các bà mặc đồng phục trắng tặng các hành khách những chiếc đai cứu hộ. Họ yêu cầu hành khách thắt vào người họ và kiểm tra xem thắt có chắc chắn hay không. Mỗi hành khách sau đó lại được nhận một chiếc đèn buộc đằng trước ngực bằng một đai da.
- Đây là những phương tiện cứu đắm hiện đại. - Một ông mặc áo trắng nói - Nếu tàu bị đắm ban đêm thì nhờ có đai này mà hành khách được cứu vớt trong đêm tối. Đai cứu hộ hiện đại bao gồm một chiếc đèn điện con con, như vậy các tàu cấp cứu mới thấy được người bị nạn mà vớt họ lên được.
- Bao giờ thì chiếc tàu kéo tới dắt chúng tôi vào bờ? - Thuyền trưởng hỏi - Chúng tôi chen chúc nhau chật chội quá đỗi và sóng gió lại...
Đây là tội ác kinh tởm nhất mà tôi được chứng kiến trong đời tôi! - Một người rất lịch sự nói.
Đó là một người Anh. Ông ta rất bối rối, run lên vì giận.
- Để cho tám trăm con người rời bến ra khơi trên một con tàu cỏn con mục nát, không cả máy móc, không cả phương tiện cứu hộ... Thực tình là sát hại họ. Đây là một cuộc giết người hàng loạt. Một chiếc tàu như vậy, bất chấp mọi luật lệ hàng hải, không có một đoàn thủy thủ lành nghề, không có thuyền trưởng... Chính phủ Rumani sẽ được gọi ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống loài người vô cùng kinh tởm này!
Toàn thân dài, mảnh khảnh của người Anh run lên vì giận dữ. Một pháp sư Do Thái tiến tới gần và hỏi ông:
- Thưa Ngài, muốn đi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Palestine thường phải mất bao nhiêu ngày ạ?
- Các ông có giấy tờ hợp lệ để vào Palestine không? - Ông người Anh hỏi.
- Chúng tôi là người Do Thái. - Ông già đáp - Người Do Thái đâu cần giấy tờ gì để trở về đất nước của mình? Và Palestine là đất nước của người Do Thái.
Ông người Anh nhìn vào mắt của vị pháp sư. Việc người Do Thái trở về Palestine là ngược với lợi ích của Đại đế quốc Anh. Câu hỏi ông già đặt ra là một thách thức. Ông người Anh liền thay đổi nội dung câu chuyện.
- Những nước như Rumani không có đủ khả năng tự cai trị lấy mình. Những nước còn khả năng làm những hành vi man rợ như vậy cần phải đặt dưới sự bảo hộ của một nước khác. Kiểm soát các nước man rợ là sứ mệnh của những dân tộc văn minh.
- Ganz richtig! Rất đúng! - Một ông khác nói. Đó là một người tóc nâu, nhân viên Cơ quan báo chí Đức - Đó chính là nhiệm vụ của những dân tộc có văn hóa và văn minh.
- Tôi sẽ không đành lòng nhắm mắt trước khi được đặt chân lên Đất thánh của mình, dầu chỉ mới là đặt cái đầu mút ngón chân lên. - Một người đàn ông râu dài nói.
Ông ta rưng rưng nước mắt. Ông người Anh nhìn sang chỗ khác, về phía một người đàn bà đang bế một đứa trẻ tóc hung trên tay.
- Ngài có thể cho cháu nó lên cùng cùng với Ngài được không? - Người đàn bà hỏi - Tôi không thể cứu được cháu nếu phải đợi chiếc tàu kéo tới. Sẽ quá muộn!
- Bà hãy trình bày với những nhân viên hữu trách. Chỉ họ mới có quyền giải quyết. Tôi chỉ là một quan sát viên trung lập. Tôi có sứ mệnh theo dõi những sự việc xảy ra và báo động cho thế giới văn minh sau những hành vi dã man vô tiền khoáng hậu ấy!
- Ít nhất xin Ngài cho cháu nó được chuyển sang canô của Ngài! - Người đàn bà nói - Một mình cháu thôi!
Và bà ta bế đứa bé tóc hung bọc trong lớp tã vải xanh giơ lên.
Ông người Anh mở máy chụp ảnh một người đàn bà đang giơ đứa bé lên về phía ông ta trên đôi tay đang cầu khẩn.
- Thưa bà, tấm ảnh của bà sẽ chỉ rõ cho phương Tây thấy tình trạng nào sẽ xảy đến nếu như người ta trao trả độc lập cho một số nước chưa vượt qua khỏi giai đoạn dã man. Dư luận công chúng Anh và Mỹ sẽ xúc động sâu sắc, sâu sắc, sâu sắc! Tôi đảm bảo là như vậy.
Ông người Anh cao lớn tóc hung quay mặt đi. Ông ta chụp ảnh nhiều hành khách khác, chụp ảnh cái boong tàu. Sau đó bất bình và cô độc, ông xuống trở lại chiếc canô của ông ta và đi vào bờ. Cho đến tối, người ta mang lại nào thức ăn, nào thuốc men. Những chiếc xuồng nhanh qua lại liên tục với những ông nhà báo, những nhà ngoại giao, những thầy thuốc. Tất cả đều nhất trí cho rằng đây là một sự dã man chưa từng có bao giờ.
- Các người sẽ được cứu, ngay bây giờ! - Gã công chức hải quan bảo.
Những chiếc máy bay theo dõi từng động tác di chuyển của tàu Adassa.
Bão vẫn mạnh. Bây giờ giờ thì trời đã tối đen như mực. Ai nấy đều chờ đợi những tàu kéo tới di tản họ đi. Trên boong tàu có một ít ánh sáng.
Ngay lúc đó, người ta nghe một tiếng nổ như tiếng nổ của một quả bom. Hành khách giật mình. Một vài phút kinh hoàng.
Rồi chiếc Adassa chìm xuống nước rất nhanh, trước khi người ta nghĩ đến. Chìm thẳng một lèo.
Chỉ trong có vài giây đồng hồ mà chiếc Adassa đã hoàn toàn biến mất trên mặt biển. Phần lớn hành khách không kịp nhảy xuống nước, nhưng họ đều có những chiếc đai cứu hộ của các tổ chức quốc tế lớn cho. Và các hành khách Do Thái đã không chìm theo xác tàu. Họ đều nổi trên mặt nước.
Số phận đã không cho họ đến được với mảnh đất Palestine hứa hẹn - mảnh đất của bến bờ thứ nhất - giờ đây lại cấm không cho họ đến cả với mảnh đất thứ hai ở sâu trong lòng biển. Đất đã bị cấm cửa đối với những con người bị nạn của chiếc tàu Adassa - bất luận là đất nào, kể cả mảnh đất được phép đến của những người chết đuối! Họ cứ phải trôi dạt, xa đất, giữa biển, lênh đênh!
Những nạn nhân chìm tàu của chiếc Adassa là những người chết đuối duy nhất đứng ở ngoài quy luật phổ biến. Họ không chìm xuống đáy biển được vì ai cũng có thắt cái đai cứu hộ, quà tặng của những đại dân tộc văn minh!
Phụ nữ, trẻ con, những người chết rồi giờ đây vẫn cứ lềnh bềnh trên mặt sóng với chiếc đèn điện chiếu sáng trên ngực.
Khi các tàu cứu hộ tới nơi, họ chỉ còn thấy những xác chết lềnh bềnh trên mặt Biển Đen, trên ngực đeo một chiếc đèn điện sáng và những chiếc phao nổi!
Các đoàn thủy thủ bèn tiến hành - như vốn quen làm tại các nước có văn minh và văn hóa - việc vớt các tử thi và đưa lên đặt cả trên xuồng.
- Vì sao lại cho họ những cái đèn và những chiếc đai ấy làm gì? - Một thủy thủ Bungary hỏi - Hồi tháng giêng tại Biển Đen, bất cứ người nào bị nạn rơi xuống biển đều chết do có sự chênh lệch quá lớn giữa thân nhiệt con người và nhiệt độ nước biển. Cung cấp cho họ những chiếc đai kia quả là chuyện đáng buồn cười! Hơn nữa, lại còn cung cấp cho họ cả những ngọn đèn điện! Để cho người chết rồi vẫn còn trôi nổi trên mặt sóng với những ngọn đèn thắp sáng trên người.
Trước khi đặt xác chết vào xuồng, các thủy thủ tắt những chiếc đèn mà mỗi người chết còn mang trên ngực họ, không một người bị nạn nào quên thắp lên ngọn đèn sáng của mình.
XXVIII
Những người Do Thái lên tàu Euxin không được phép rời Constantza nữa. Một khu trại lính đã được tu bổ lại cho họ sử dụng, với một số giường và một căn bếp. Người ta bảo họ phải đợi. Một số người muốn quay trở lại Bucarest.
Nhưng quay lại Bucarest cũng bị cấm. Những cuộc thẩm vấn bắt đầu. Eddy Thall là một trong những người đầu tiên được hỏi đến.
- Bà không được quyền trở về Rumani nữa - Viên sĩ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo điều tra nói.
Hắn trao cho nàng một tờ giấy. Nàng nhận ra chữ ký của nàng.
- Bà đã viết một lời tuyên bố cam kết từ bỏ quốc tịch Rumani. - Viên sĩ quan bảo - Chẳng ai bắt buộc bà làm như vậy cả. Bây giờ bà đâu còn là công dân Rumani nữa và bà không được phép trở lại Rumani.
- Tôi đã muốn ra đi cùng với chiếc Euxin.
- Chiếc Euxin à? Vấn đề đó đã được xếp lại rồi. Không thể nào cho nhiều người như vậy xuống một con tàu con đã mục nát như thế kia. Để cho các người ra đi trong tình trạng đó quả là điều man rợ nhất trần ai! Các người phải đi tìm một giải pháp khác. Khi cần lắm thì có thể làm một cái đơn xin khôi phục lại quốc tịch Rumani. Hợp pháp mà nói thì bà không còn là công dân Rumani nữa. Quả là bi kịch. Nhưng đời là vậy. Bà hãy tìm một giải pháp khác. Một giải pháp hợp lệ, dĩ nhiên!
Eddy Thall im lặng. Nàng rất quen biết với tình thế này.
Nàng không được phép ra đi và người ta cấm nàng ở lại!
- Bản thân tôi - Viên sĩ quan nói - tôi thấy có hai giải pháp: hoặc bà xin thị thực qua một nước khác, hoặc bà làm một cái đơn khác xin nhập lại quốc tịch Rumani. Hai đằng chọn một. Bà quyết định chọn đằng nào?
- Tôi xin sang Nga - Eddy Thall nói.
Một tạm ước mới đây cho phép các công dân Rumani ở Bessarabie được sang Nga nếu họ muốn.
Viên sĩ quan hé một nụ cười mỉa mai:
- Bà là Cộng sản à?
Eddy Thall mím chặt môi không đáp.
- Chuyến tàu sang Nga ngày mai lên đường. Sang Nga dễ thôi.
Eddy Thall rời bỏ văn phòng. Nàng nhìn biển. Ngày mai nàng sẽ đi Nga, cùng với vài trăm người Do Thái. Nàng không cần phải sửa soạn hành lý gì nữa, bởi tất cả các vali của nàng đã chìm xuống đáy biển cùng với chiếc Adassa.
Nàng ngồi, hai tay ôm đầu. Lần đầu tiên nàng bỗng nghĩ tới anh bạn Pierre Pillat, tới Boris Bodnar đã chạy sang Nga vì thi trượt.
- Hôm nay, mình cũng làm như anh ta. - Nàng tự bảo - Mình cũng ra đi vì những lý do ấy. Lúc nhỏ anh ta đã chọc thủng mắt em. Anh ta bị mọi người coi như một tên vong bản cần loại trừ ra ngoài xã hội. Còn mình, tuy không chọc thủng mắt ai, chỉ duy nhất mình là người Do Thái mà cũng coi như một kẻ vong bản mà xã hội phải loại trừ. Và cũng như Boris mình chẳng còn đâu một chỗ nương thân. Mình sẽ trốn sang Nga. Bên đó, người Do Thái sẽ như thế nào, ai mà biết được?
Eddy Thall khóc. Giai đoạn thứ nhất cuộc sống Do Thái của nàng đã chấm dứt: cuốn sách đầu của người Do Thái. Và nàng khóc cho thân phận mình, cho đời mình, mắt đắm nhìn biển xa.
Chú thích:
[1] Milostiva là tiếng tôn xưng một người đàn bà nhân hậu.
[2] Lêi: Tiền Rumani.
[3] Yiddish là tiếng Do Thái.
Cơ May Thứ Hai Cơ May Thứ Hai - Virgil Gheorghiu Cơ May Thứ Hai