Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: l Maruchan l
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3274 / 51
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20 - Những Giọt Lệ Quý Hoá
à Tuần ngồi thừ người ra, đang tiếc ngẩn tiếc ngơ cái đồng bạc bà vừa bỏ ra để quyên cho dân bị bão. Một lát, bà gọi Sanh, bảo:
- Thôi, bận sau thì đừng cố dại mà cho người ta vào nữa. Cứ bảo mẹ đi vắng.
Sanh an ủi:
- Thì việc nghĩa, mẹ tiếc làm gì! Cũng như mẹ bỏ ù một ván thôi mà!
Bà gắt:
- Nhung bỏ ù còn được đánh, Chứ cho thế này thì được đánh ai?
- Bẩm mẹ, đó là việc phúc đức, như đi lễ vậy.
Bà càng tức:
- Đi lễ còn được phúc Phật, chứ đằng này thì được phúc gì! Thôi tôi không cho cậu lấy vé đi xem diễn kịch nữa.
Sanh cười:
- Người ta còn cúng trăm cúng nghìn cũng không tiếc, mà mẹ bỏ ra mới có một đồng bạc mà mẹ đã kêu ra kêu vào!
- Vì người ta ngốc! Cậu nghe chưa?
- Con tưởng nhờ trời nhà ta có của, thì mẹ nên làm những việc nghĩa vừa được phúc vừa được tiếng.
- Phúc gì? Vả ai khen?
- Thưa mẹ, hôm qua các báo vừa đăng rằng hội đồng cứu tế mới nhận được cái măng-đa năm nghìn của người vô danh ở Hà Nội cũng giúp dân bị bão. Đấy mẹ xem, người ta còn cao thượng thế được kia mà.
Bà chép miệng:
- Bà mà có năm nghìn, thì bà không dại thế. Bà mà bỏ ra năm nghìn, thì bà làm cho cả nước biết tên! Mà kinh tế này, chắc gì có người bỏ ra một lúc đến năm nghìn để làm việc không đâu thế? Chẳng qua báo họ đăng vậy, cho người khác tưởng thật làm theo, chứ ai lạ gì!
- Bẩm mẹ, người ta có biên cả số măng-đa, bịa sao được? Người vô danh ấy mới đáng phuc.
Rồi chàng nhắc mẹ:
- À, thưa mẹ, lại còn hội đồng dựng Dạ Lữ Viện ở Hải Phòng cũng vừa viết giấy quyên tiền ban sáng, mẹ nên giúp một chút, kẻo người ta kêu.
Bà Tuần bĩu môi:
- Tao không hiểu chúng mày sao lại hèn nhát được như thế? Kêu thì kêu cái gì mới được cơ chứ? Đem tiền làm những việc không đâu, tao không dại!
- Thì nhà ta là đại gia ở ngay kề Hải Cảng, người ta trọng người ta mới quyên.
Bà nghĩ ngợi rồi hỏi:
- Cậu định cho độ bao nhiêu?
- Báo đăng Dạ Lữ Viện đã làm xong, nay chỉ cần ít tiền để mua các thức dùng, và đồ chi tiêu sau này mà thôi. Vậy con xin mẹ cúng một trăm là ít.
Bà Tuần giật nảy mình, tròn cả mắt lẫn mồm, xua hai tay rối rít:
- Ồ! Gớm! Cậu làm như tiền là vỏ hến không bằng. Thôi, không cúng đồng nào nữa.
- Bẩm mẹ, nhiều hay ít mẹ cũng nên cúng, kẻo người ta cười cho.
- Cười hả mười cái răng! Làm việc gì mà tao hay con cháu tao không được hưởng thì rao không làm!
- Chẳng một trăm thì mẹ cho vài chục vậy!
- Thôi đi! Đừng sĩ diện hão...
Đang nói dò câu, thì mắt nhìn ra ngoài, bà Tuần thấy Oanh vào. bà vui vẻ vẫy:
- Kìa, cô Đốc, may quá, một suýt mẹ mất mẻ trộm to!
Oanh không để tai vào lời của mẹ, mắt nàng như nặng trĩu những vẻ đau đớn. Nàng vừa ngồi, đã ôm mặt sụt sịt khóc. Bà Tuần và Sanh chẳng hiểu sao, cùng ngạc nhiên và cùng thương hại. Oanh nói:
- Bẩm mẹ, mẹ cứu con...
Bà Tuần nghiêng cổ nhìn con gái như có ý hỏi. Oanh
ttếp:
- Chủ nợ nó đòi, và dọa kiện nhà con!
Bà Tuần co hai cẳng để ngang tay lên đầu gối, đáp:
- Mặc xác nó, thằng Thẩm ở tù, bà mát ruột.
- Nhưng mà mất việc?
- Cho nó biết thân!
Thấy mẹ sắt đá quá, Sanh dịu dàng hỏi Oanh;
- Thế bây giờ cô về xin mẹ à?
- Vâng. Mẹ không cho thì em khổ.
Sanh cười lạt. Bà Tuần đập bàn tay xuống chiếu:
- Thế mẹ chồng mày không lo cho chồng mày được à? Cái gì khổ cũng chuốc vào cho tao. Từ ngày mày đi lấy chồng, tao không lúc nào không phải lo nghĩ về mày.
Oanh nũng nịu:
- Thì tại mẹ chứ tại ai?
Sanh nói:
- Nhưng chủ nợ đòi thật, hay Thẩm nó nói dối để lấy tiền?
- Thật, hôm nọ nó đến thúc, em có được xem văn tự. Vừa rồi nó đến, nhất định sáng mai làm đơn kiện.
Sanh lãnh đạm:
- Lạ quá. Thế mà bà ấy với chú ấy không lo ngay từ hôm nọ, lại để nước đến chân mới nhảy?
Oanh chấm nước mắt:
- Anh có biết đâu? Đẻ em đằng nhà mấy hôm nay chạy không thiếu chổ nào, nhưng không được một xu nhỏ.
- Thế chú Đốc?
- Cũng vậy, rồi vì phải chửi phải mắng, nhà em ỳ ra, bảo rằng đành chịu ngồi tù vậy.
Bà Tuần và Sanh cảm động, thở dài.
Minh đi chợ về. Thấy cả nhà có chuyện buồn bã, nàng đứng cạnh để nghe chuyện.
Bà Tuần nhìn con gái, đay:
- Thế đến lúc này, nó còn hờ hững với mày nữa hay thôi!
Oanh lắc đầu, chán nản:
- Nhà con hối hận về sự chơi bời, mấy hôm nay chỉ khóc, và bảo với đẻ con rằng vì đã dại dột mà mắc nợ, tội đáng ngồi tù, nhà con không dám ân hận gì cả.
Minh cười đau đớn, hỏi:
- Thì ra chú ấy tuyệt vọng về tiền tài như thế à?
Oanh đáp:
- Chị tính còn đồng xu nào, vả vay được ở đâu mà không tuyệt vọng?
Minh thương hại, hỏi thử:
- Tôi tưởng ít ra chú ấy cũng phải có một vài trăm thì phải. Hay cô không biết đó?
- Hình như có. Nhưng nhà em bảo món ấy giúp một người mà không nỡ đòi.
Minh cảm động, hỏi:
- Tội gì lại không đòi? Giúp ai, cô có biết không?
- Không. Nhà em chỉ bảo rằng tiền ấy không thể mất được, mà dù có mất cũng vui lòng không tiếc, cho nên nhà em kể như không có món ấy.
Minh sợ lộ nét mặt cảm động quá, bèn đi vào bếp. Bà Tuần hỏi:
- Hay là nó giúp cho hội kín nào?
Sanh nhăn mặt, thở dài:
- Chơi bời, hư thân hư đời như nó, thì còn gì là tâm huyết mà hội kín với hội hở.
Bà Tuần hỏi Oanh:
- Thế nó định thế nào?
- Nhà con đành ngồi tù, mà ngồi tù thì...
Oanh ngắt lời, rồi ôm mặt khóc nức nở. Minh lẳng lặng, lại ra, hỏi:
- Cô Đốc! Cô không nên buồn chán quá. Chú ấy có tốt bụng đối với người ta, thì chắc chú ấy không gặp vận hạn đâu.
Oanh vắt mũi, tựa cằm vào đầu gối, đáp:
- Em chỉ biết rằng rồi em khổ. Nhà em chửa nói ra, nhưng đẻ em thì nhất định quy cả tội vào em. Đẻ em bảo nhà em ngồi tù thì cửa nhà tan nát.
Bà Tuần nghiến răng:
- A, con mẹ ấy nó dọa! Nó dọa nó bỏ mày phải không? Được! Cho nó bỏ!
Oanh nằn nì:
- Con xin mẹ chớ nóng. Nếu việc ấy mà đến thế, chỉ con là khổ nhất mà thôi.
- Việc gì mà khổ! Biết thế thì ngày trước tao cứ gả mày cho thằng Trường cho xong, thì bây giờ mày cũng được làm bà Huyện!
Oanh nhìn mẹ, thở dài. Một lát, nàng nói:
- Nhà con hối hận lắm rồi, chắc lần này, thì cạch đến già, chẳng dám chơi bời nữa.
Sanh gật đầu:
- Có lẽ, mà xong việc này có mới ở yên được với nhà ấy. Nhưng từ khi cưới cô, mẹ đã tốn kém bao nhiều rồi, bây giờ cô lại xin mẹ nữa hay sao?
Oanh yên lặng, không đáp. Minh nhìn chồng, căm giận cái thói ích kỷ nhỏ nhen về tiền tài, nàng bèn nói:
- Nhưng bỏ tiền ra để mua lấy sự hòa thuận của cô và chú Đốc, tôi tưởng không phải vô ích.
Sanh lườm vợ. Oanh nói:
- Bẩm mẹ, con xin mẹ lần này là lần cuối cùng. Đẻ con ghét bỏ con, nhà con hất hủi con, nhưng đến lúc thấy con mang lại được cái hạnh phúc gia đình mười mươi mất, thì quyết là phải hồi tâm nghĩ lại.
Bà Tuần bĩu môi:
- Quyết! Cô dám quyết như thế?
- Vâng, con quyết như thế.
Sanh nói gạt:
- Nhưng phận ai người ấy có rồi. Cô nói khó nghe lắm. Vả có muốn xin mẹ, thì chú ấy phải đến đây, lạy sứt trán chưa chắc mẹ đã cho nữa là. Bẩm mẹ định thế nào?
Bà Tuần đáp quả quyết:
- Chứ như tao, thì tao cho mà tan tành. Nó bỏ thì mày về.
Vẻ vui sướng hiện trên mặt Sanh, nhưng trái lại. Oanh khóc:
- Thì con tự tử!
Minh thương hại, thở dài, nói đỡ:
- Bẩm mẹ, mẹ nên thương cô Đốc.
Sanh lại lườm vợ và hỏi Oanh:
- Thế chú ấy nợ ai và bao nhiêu tiền?
- Nợ có bốn trăm, nhà Cự Phú trên Hàng Nón.
Sanh đưa mắt nhìn Minh, nói khẽ:
- Đấy! Bốn trăm thì thành ngót năm trăm.
Oanh nói:
- Vâng, bốn trăm bảy mươi hai đồng.
Sanh nói to:
- Thế là chết! Dây với lão Cự Phú thì phải biết với nó.
Minh thấy chồng xấu hung, nàng bực mình lắm, hèn nói:
- Bẩm mẹ...
Nhưng Sanh gắt:
- Thôi, mợ vào thổi cơm ăn xong, tôi còn phải đi đằng này.
Minh ngậm ngùi, đi lảng vào trong buồng để nghe cho rõ câu chuyện kết liễu ra làm ra sao. Nàng rất phục bụng Thẩm đối với nàng. Phục Thẩm bao nhiêu, nàng lại căm giận chồng bấy nhiêu...Nàng đoán trước rằng dù bà Tuần có muốn cho tiền Oanh để trả nợ cho Thẩm, nhưng chồng nàng chắc không bằng lòng, vả độ này bà rất túng, làm gì có một lúc đến ngót năm trăm đồng bạc để cho Oanh được.
Nhà Cự Phú, nàng cũng biết tiếng xưa nay là hay lật mặt. Thế thì Thẩm hẳn chả yên được với nó. Nó kiện Thẩm. Nó bỏ tù Thẩm. Nó làm cho gia đình Thẩm tan tành. Ấy thế mà món nợ ấy trả xong, Oanh sẽ được sung sướng. Nghĩ đến từng ấy điều, nàng thở dài, lắng tai nghe thấy Oanh khóc lóc, và chồng nàng cứ một mực khuyên can mẹ mặc kệ.
Nàng không đang tâm để cái cảnh bất bình ấy diễn ra mãi ở cạnh mình, nàng bèn vào bếp, và sai con Sen ra mời Oanh vào nàng hỏi.
Oanh lử thử, vừa đến, Minh hỏi ngay:
- Cô cứ về yên tâm, chú ấy không việc gì đâu. Cô không phải lo một tý nào nữa.
Oanh chán nản lắc đầu:
- Có mẹ, mẹ không bênh, có anh, anh mặc kệ, em còn hy vọng nỗi gì!
- Không việc gì mà hết hy vọng, vì cô còn chị dâu!
Oanh lắc đầu, như mỉa mai cái thế lực của cô chị dâu hợm. Song Oanh cũng ra ý nhã nhặn, đáp:
- Vâng, nếu chị có phép tiên!
Minh cười, nói:
- Hai giờ chiều nay chú và cô ở nhà, có người bạn đến chơi.
Oanh cũng chẳng buồn hỏi xem người ấy là ai, bèn gật đầu:
- Vâng, người ấy đến để gặp nhà em và em lần cuối cùng!
Thấy Oanh thổ lộ những lời tuyệt vọng, Minh nước mắt chảy quanh. Nàng giục:
- Cô về đi, cứ vui vẻ mà ăn cơm như thường. Không hơi đâu mà buồn, vô ích.
Rồi Oanh ra nhà ngoài. Minh nhìn theo, thở dài.
Cái kết quả của việc làm của Minh ngày hôm ấy thật là lạ lùng.
Vào lúc hơn hai giờ, trong khi bà Tuần thấy Minh đi vắng đâu đã lâu mà không xin phép bà, bà tức giận và bắt Sanh nạy hòm nàng để khám xem có tang vật gì về việc ngoại tình hay không, thì ở ngoài đường Thẩm và Oanh xuống xe, hớn hở chạy vào, cuống quýt hỏi dồn:
- Bẩm mẹ, chị Cả đâu! Chị Cả đâu! Con không ngờ!
Rồi Oanh móc túi lấy ra cái văn tự.
Bà Tuần thấy Oanh hỏi chị Cả càng giận, song bà ngạc nhiên. Oanh nói:
- Chị Cả cứu cả nhà con! Chị ấy làm cho chúng con sạch nợ.
Đoạn cảm động quá, Oanh ôm bà Tuần, nức nở khóc. Thẩm bẽn lẽn, hỏi Sanh:
- Chị đâu anh?
Oanh nói:
- Em không ngờ đâu nhà ta có phúc được chị Cả làm dâu!
Bà Tuần thấy Oanh cứ khen Minh hoài, bà hất Oanh ra, tức tối hỏi:
- Thế nào, đầu đuôi ra sao?
- Nhưng thưa mẹ, chị con đâu?
- Nào tao biết được!
Thẩm bẽn lẽn nói:
- Thưa mẹ, vì con trói dại dột chơi bời, ăn tiêu vung không biết tiếc của, nên một hôm chị Cả đến đằng con, nói khó với con rằng đóng giúp cho chị một bát họ. Con vẫn cảm cái bụng tốt của chị con, nên vui lòng nhận lời đóng mỗi tháng hai chục. Rồi đến ngày dốc ống, chị con đến nằn nì với con rằng trót tiêu hết cả tiền, và xin con hoãn vậy. Con rất ân hận, vì hôm ấy có hơi tỏ ý giận chị. Nhưng thấy chị con kể tình cảnh, con tưởng thật, con thương hại, đành chịu vậy, và cũng kể như không có món tiền bốn trăm ấy. Nào ngờ chị con làm cách để dành tiền cho con, mà đến hôm nay chị mới cho con hiểu.
Bà Tuần vẫn chưa hiểu, cau mặt, hỏi:
- Thế chị ấy làm rhế nào?
- Chị con lấy tiền của con đóng họ, đến nhà Cự Phú, trang trải món nợ cho con.
Bà Tuần nghe chừng đã hiểu. Bà gật đầu, Oanh nói
tiếp:
- Thế mà chị con không ra mặt trả nợ cho nhà con. Hai giờ hôm nay, con thấy có một đứa bé mang cái phong bì lại nhà con, trong có cái văn tự.
Sanh sung sướng. Bà Tuần nói:
- Nhưng lấy lẽ gì cô bảo là chị Cả trả nợ?
- Vì ban sáng chị con hẹn giờ ấy có người lại chơi, và bảo nhà con với con đợi ở nhà, và nhà con đóng được bốn trăm tám mươi đồng, thì trong phong bì có cái văn tự và tám mươi đồng bạc. Nhà con đoán là chỉ có chị Cả làm việc này chứ không ai.
Bà Tuần lặng người, nghĩ ngợi. Oanh hỏi:
- Thưa mẹ, chị con đi từ bao giờ?
- Từ lúc một giờ.
Rồi bà hỏi nhỏ Sanh:
- Trong hòm nó có gì không?
Sanh móc túi lấy tờ giấy con ra, đưa mẹ:
-Thưa mẹ, có cái này.
Oanh ngạc nhiên, rú lên:
- Cuống măng đa năm nghìn? Chị ấy gửi cho ai?
Bà Tuần nghi ngờ:
- Quái, tiền đâu thế nhỉ?
Thẩm đưa mắt nhìn vợ. Nhưng Oanh hiểu ý mẹ, chắp tay vái lấy vái để:
- Con lạy mẹ, mẹ đừng ngờ oan chị con. Nhà ta ăn ở kém. Phải biết phục người ta mới được.
Thẩm nhìn kỹ mảnh giấy, rồi cau mặt, nói:
- Số cuống măng đa này là số cái măng đa gửi cho hội đồng cứu tế vừa rồi. Hay cũng chị ấy gởi ở đây?
Cả nhà im lặng. Sanh hớn hở lắm. nhưng vẩn vơ đáp:
- Không có lẽ, nhà tôi làm gì có tiền?
Thẩm chợt nghĩ ra:
- Thôi phải rồi, báo đăng không biết ai được số một vạn, hay là chính chị chăng?
Giữa lúc hàng trăm câu hỏi đương vặn vẹo óc mọi người, thì Minh về, nét mặt vui vẻ. Oanh mừng rú chạy vội ra, vồ lấy chị dâu, nức nở khóc. Nàng khóc thậr to, to đến nói không nói được ra tiếng nữa, mà bà Tuần, Sanh và Thẩm thì nước mắt chạy quanh.
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh